Emilia, như tôi đã có lần nói, không có được một học vấn cao lắm, nàng chỉ mới học chừng hết lớp chín, sau đó bỏ học để học đánh máy và tốc ký. Năm mười sáu tuổi nàng đã làm việc trong một văn phòng luật sư. Có thể nói là nàng xuất thân từ một gia đình tử tế, nghìa là từ một gia đình trước đây rất khá giả, có sản nghiệp ở ngoại vi thành Roma. Nhưng ông của nàng đã làm tiêu tán hết gia sản trong những vụ đầu cơ buôn bán thất bại, và cha của nàng, cho đến khi ông ấy chết, vẫn chỉ là một nhân viên quèn ở Bộ Tài chính. Vì vậy nàng đã lớn lên trong cảnh nghèo, và xét về học vấn cũng như về cung cách tư duy, hầu như có thể mô tả nàng thuộc về tầng lớp lao động, và giống như các phụ nữ thuộc tầng lớp này, nàng không có chỗ dựa nào khác ngoài lương tri của nàng, vốn vững vàng nhưng đôi khi cũng tỏ ra ngu xuẩn và thiển cận. Vậy mà, chỉ dựa vào lương tri ấy, đôi khi một cách rất bất ngờ và theo tôi, một cách đầy bí ẩn, nàng đã có những nhận xét cực kỳ sắc bén, điều này vẫn thường xảy ra nơi những người thuộc tầng lớp lao động vốn gần gũi với thiên nhiên hơn những người thuộc các tầng lớp khác. Nhận thức của họ ít che ám bởi những quy ước và định kiến. Những điều nàng nói ra, nàng đã suy nghĩ kỹ và nàng nói với sự thành thật và hồn nhiên, do đó, trong lời nào nói ra, luôn có cái tính xác thực của sự thật.
Và vì thế, hôm đó, khi nàng hét lên: "Tôi khinh ông!" tôi tin ngay vào câu nói đó, câu nói mà ở miệng một phụ nữ nào khác có thể không có chút ý nghĩa nào. Ở miệng nàng thốt ra, nó có đúng cái ý nghĩa của từng từ một: nàng thật sự khinh bỉ tôi, và vậy là hết. Ngay cả nếu tôi chưa biết gì về tính cách của Emilia, chỉ nghe giọng nói của nàng, tôi đủ thấy không còn gì để nghi ngờ nữa, đó chính là cái giọng nói của từ nguyên trinh, xuất phát trực tiếp từ chính ngay sự việc: tôi khinh ông. Ba từ đó, tôi nhận xét một cách cay đắng, có nguyên cái tính xác thực của một cụm từ khác, rất khác biệt, mà nàng đã thốt lên với tôi, vào cái hôm mà lần đầu tiên, nàng bộc lộ tình yêu của nàng dành cho tôi: "Em yêu anh biết bao!"
Tôi tin chắc vào sự thành thật của Emilia cũng như sự thật trong ba từ đó, đến mức, còn lại một mình trong phòng làm việc, tôi đi đi lại lại mà không thể nghĩ đến một điều gì, đôi tay tôi run lẩy bẩy, đôi mắt thất thần, không biết phải làm gì. Những từ trong câu nói của Emilia như ba mũi gai nhọn từng phút đâm sâu vào tri giác tôi, gây cho tôi nỗi đau buốt càng lúc càng mãnh liệt hơn, nhưng ngoài nỗi đau đó mà tôi cảm nhận một cách rõ rệt, tôi không còn hiểu được điều gì nữa. Điều làm tôi đau nhất là gbt được ngoài việc không được yêu, tôi còn bị khinh bỉ, và hơn thế nữa. tôi lại không khám phá được bất kỳ lý do nào, cho dù nhẹ nhàng nhất cho sự khinh bỉ đó. Tôi cảm thấy bất công nhưng đồng thời, cũng sợ rằng trong thực tế, không hẳn đã có bất công nào, rằng sự khinh thị đó hẳn phải có một cơ sở khách quan mà tôi không biết, trong khi với người khác, điều đó rất hiển nhiên. Tôi thường tự đánh giá mình khá cao, pha lẫn một chút trắc ẩn về chính mình, tự xem là một kẻ không may mắn lắm, kẻ mà Định Mệnh, thay vì mỉm cười với đã ngoảnh mặt đi. Nhưng có gì đi nữa, nhất định tôi vẫn không phải là kẻ đáng khinh. Giờ đây, câu nói của Emilia đã hoàn toàn đảo lộn ý niệm đó, làm tôi lần đầu tiên đâm ra nghi ngờ ngay chính tôi. Có lẽ, tôi không biết tôi rõ lắm , hoặc đã tự phán xét mình không sát với thực tế, hoặc, tôi đã tự đề cao mình quá chăng.
Sau cùng, tôi vào phòng tắm, đút đầu vào dưới vòi nước, tia nước lạnh làm tôi cảm thấy dễ chịu. Trước đó, óc tôi như nóng đỏ lên, những lời của Emilia như đã châm lửa vào đó, như thể trong đó có một chất dẫn hỏa mà tôi chưa hề biết. Tôi chải tóc, rửa mặt, thắt lại cà vạt, và trở lại phòng khách. Nhưng vừa nhác trông thấy mâm thức ăn dọn sẵn trên bàn, tôi bỗng cảm thấy trào dâng trong tôi một cảm giác muốn đập đổ: không thể nào chúng tôi còn ngồi ăn với nhau như mọi ngày trong chính căn phòng này còn âm vang dư hương những lời của Emilia làm tôi đau đớn đến thế. Vào lúc đó, Emilia mở cửa và nhìn vào, nét mặt của nàng bây giờ đã trở lại thanh thản, bình tĩnh. Không nhìn nàng, tôi nói: "Tôi không muốn ăn tối ở nhà…hãy bảo chị giúp việc rằng tối nay ta đi chơi, xong rồi, cô mặc áo quần ngay đi…chúng ta đi ăn bên ngoài…"
Emilia trả lời, có phần hơi ngạc nhiên: "Ô kìa, thức ăn đã dọn sẵn rồi mà…lại phải đổ đi hết thôi".
Một cơn giận dữ bùng lên trong tôi, tôi la lớn: "Đủ rồi, muốn đổ cái gì thì đổ, cứ đi mặc quần áo đi!" Tôi vẫn không nhìn nàng, chỉ nghe nàng lẩm bẩm: "Hay nhỉ!" Đoạn nàng đóng cửa lại.
Vài phút sau, chúng tôi ra khỏi nhà. Trong con phố chật hẹp, hai bên sừng sững là những toà nhà hiện đại giống toà nhà chúng tôi đang ở, với những mặt tiền có bao lơn vây bọc và những hàng hiên, giữa những chiếc xe đắt tiền, to lớn kềnh càng, chiếc xe nhỏ bé, thường dụng, nằm chờ chúng tôi. Chiếc xe này, cũng như căn hộ, là tài sản mới tậu của tôi, nhờ tiền những kịch bản tương lai, theo kiểu trả góp dài hạn. Tôi mới chỉ mua chiếc xe được chừng vài tháng, và tôi vẫn còn cảm thấy cái cảm giác kiêu hãnh trẻ con về cái tài sản ấy. Nhưng buổi tối hôm ấy, khi chúng tôi cùng sánh vai bước đến chiếc xe mà không nhìn nhau, im lặng, không chạm vào nhau, tôi không thể tránh khỏi cái ý nghĩ: "Chiếc xe này, cũng như căn hộ, là sự hy sinh những tham vọng của ta…và những hy sinh ấy nay trở thành vô nghĩa". Và quả thật, vào đúng lúc đó, tôi cảm thấy sự tương phản rõ nét giữa con phố sang trọng, ở đó, mọi thứ đều mới mẻ và đắt giá, căn hộ từ trên tầng ba nhìn xuống chúng tôi và chiếc xe nằm chờ cách vài bước chân, và mối bất hạnh của riêng tôi đã làm tất cả những ưu đãi đó dành cho tôi nay trở nên vô dụng chán chường.
Tôi ngồi vào xe, chờ cho đến khi Emilia vào chỗ và vươn tay qua đóng cửa lại. Trước đây, kèm theo động tác này, tôi thường vuốt nhẹ đầu gối nàng hoặc quay người lại một chút, hôn phớt lên má nàng. Lần này, tôi tránh không chạm vào người nàng. Tôi đóng mạnh cửa và trong một lúc, chúng tôi ngồi yên, không nói năng gì. Đoạn Emilia hỏi: "Mình đi đâu đây?" .Tôi suy nghĩ vài giâu và đáp bừa: "Đi đến đường Via Appia".
Hơi ngạc nhiên, nàng hỏi lại: "Nhưng mùa này mà đến Via Appia còn quá sớm…Trời lạnh lắm và không có ai ở đó đâu".
"Mặc kệ…chúng ta cứ đến đó".
Nàng im lặng và tôi lái nhanh đến đường Appia. Rời khu phố của chúng tôi, tôi vượt qua trung tâm thành phố, đi ngang qua đường Chiến thắng và Viện Khảo cổ. Chúng tôi đi qua trước những bức cổ thành rêu phong, những khu vườn, những thửa đất trồng rau, những biệt thự ẩn mình sau những lùm cây suốt theo đoạn đầu của đường Appia. Rồi chúng tôi đến cổng vào Khu Hầm mộ dưới ánh sáng vàng vọt của hai ngọn đèn mờ. Emilia nói đúng, đến Appia vào những ngày đầu của năm như thế này là quá sớm. Trong tiệm ăn với cái tên đầy phong vị khảo cổ, khi chúng tôi bước vào gian phòng lớn, giả bày biện theo lối nông thôn, trang trí bằng các lọ cổ và cột gãy, chúng tôi chỉ thấy toàn là bàn trống với vô số các người hầu bàn. Chúng tôi là những thực khách duy nhất, và tôi không thể tránh khỏi ý nghĩ rằng, trong gian phòng trống trơn, lạnh lẽo, vây quanh bởi quá nhiều những người phục vụ quá sốt sắng đến phiền toái như thế này, chúng tôi chắc không có hy vọng gì giải quyết được vấn đề về mối quan hệ giữa chúng tôi, trái lại là đằng khác. Tôi nhớ ra rằng cách đây hai năm trước đây, vào lúc yêu nhau đậm đà nhất, chúng tôi thường xuyên ăn tối ở chính nhà hàng này và tôi hiểu tại sao trong vô số những nhà hàng, tôi đã chọn nơi đây, một nơi mà vào mùa này trong năm, vừa ảm đạm vừa quạnh hiu.
Người bồi bàn, tay cầm thực đơn, đứng một bên, phía bên kia là người phục vụ rượu, người cúi gập xuống, tay cầm bảng kê các loại rượu. Tôi bắt đầu gọi các món ăn, đưa ra vài gợi ý với Emilia, hơi cúi đầu về phía nàng, như một người chồng chăm chút, lịch thiệp. Nàng vẫn nhìn xuống và trả lời gióng một "Vâng, không, cũng được". Tôi cũng gọi một chai vang, loại chọn lọc nhất, mặc dù Emilia phản đối, nói rằng nàng không muốn uống gì cả. "Để anh uống", tôi nói. Tay bồi rượu mỉm cười với tôi một cách thông cảm, và rồi cùng với người kia bỏ đi.
Tôi không muốn miêu tả cặn kẽ bữa ăn tối ấy của chúng tôi mà chỉ muốn kể lại tâm trạng của tôi, một tâm trạng rất mới mẻ với tôi tối hôm ấy, nhưng từ sau đó, đã trở nên bình thường trong quan hệ giữa hai chúng tôi. Mối quan hệ đó cho thấy rằng sở dĩ chúng ta có thể sống được mà không cần cố gắng quá nhiều ấy, hoàn toàn là nhờ vào tính tự động điều khiển phần lớn các động tác của ta một cách vô ý thức. Để bước một bước nhỏ, ta phải vận động tới cơ man nào là cơ bắp, vậy mà, nhờ ở tính tự động máy móc ấy, chúng ta không biết gì về điều đó cả. Quan hệ của chúng ta với người khác cũng diễn ra như vậy. Trong thời gian tôi còn tin tưởng Emilia yêu tôi, một dạng tính tự động đó đã chi phối mọi quan hệ của chúng tôi. Ánh sáng của ý thức chỉ rọi sáng phần nào, còn ngoài ra, tất cả đều chìm trong bóng tối của những tập quán quen thuộc. Bây giờ, ảo tưởng tình yêu đã tan biến, tôi phát hiện thấy mình ý thức rõ mọi hành vi nhỏ nhặt của mình. Tôi mời nàng uống chút gì đó, tôi đưa lọ muối cho nàng, tôi nhìn nàng, tôi thôi nhìn nàng, mỗi hành vi đều đi kèm với một ý thức đau đớn, tuyệt vọng, buồn thảm, giận dữ. Tôi tự cảm thấy hoàn toàn bị cùm lại, hoàn toàn tê cóng, hoàn toàn bại liệt. Với từng hành vi, tôi đều bắt gặp mình tự hỏi: Ta làm vậy là đúng? Ta làm như vậy là sai? Tôi đã mất hết lòng tự tin. Với những kẻ xa lạ khác, may ra còn có hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể gây dựng lại niềm tin đó. Nhưng với Emilia, tất cả chỉ còn là một kinh nghiệm của quá khứ, một điều gì đó đã chết hẳn, tôi không còn một chút hy vọng nào nữa.
Và như thế, giữa hai chúng tôi là một im lặng nặng nề, chỉ thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi một vài câu nói vô thưởng vô phạt: "Em uống thêm chút rượu vang nhé? Anh dùng thêm bánh mì không?" Tôi muốn nói đôi câu về sự im lặng này, vì sau này, nó còn kéo dài mãi giữa hai chúng tôi. Đó là một sự im lặng không chịu đựng nổi vì nó hoàn toàn tiêu cực, nó ém lại bao nhiêu điều mà tôi muốn nói ra mà nói không được. Nói rằng đó là một sự im lặng thù địch thì cũng không đúng. Thật ra, không còn sự thù địch nào giữa hai chúng tôi, hoặc ít ra, về phần tôi. Tôi ý thức rất rõ về việc tôi cần nói và về việc tôi có nhiều điều cần nói, nhưng đồng thời, tôi cũng ý thức rằng rằng tôi không thể nói nên lời được và tôi cũng không biết nên chọn thái độ nào khi nói. Với sự xác định như thế trong trí, tôi im lặng, không phải với cảm giác thoải mái thanh thản của kẻ cảm thấy không cần nói, nhưng với sự bắt buộc của kẻ muốn nổ tung ra với những điều muốn nói, mà đành im lặng. Lại còn một điều rắc rối khác, tôi cảm thấy sự im lặng này, cho dù khó chịu đựng nổi, dẫu sao vẫn thuận lợi cho tôi hơn. Nếu tôi phá tan sự im lặng này, có thể tôi sẽ gây ra cãi nhau, điều đó càng khó chịu hơn so với sự im lặng này.
Nhưng tôi chưa quen im lặng như thế này. Chúng tôi tiếp tục ăn, không nói năng gì. Lúc ăn tráng miệng, không nén được, tôi buột miệng hỏi: "Sao em im lặng thế?"
Nàng trả lời ngay: "Bởi vì tôi cảm giác không có gì để nói"
Nàng không có vẻ buồn hoặc thù nghịch và câu trả lời của nàng nghe rất thành thật. Tôi tiếp tục nói, giọng đạo mạo: "Mới ban nãy đây thôi, em đã nói những điều mà sau đó em phải biện minh đến cả mấy tiếng đồng hồ".
Vẫn với cái giọng thành thật ấy, nàng nói: "Anh hãy quên những điều ấy đi. Cố nghĩ rằng tôi chưa bao giờ nói ra những điều ấy"
Khấp khởi hy vọng, tôi hỏi: "Tại sao anh lại quên nhỉ? Anh chỉ quên được nếu anh biết chắc những điều ấy là không đúng sự thật…nếu đó chỉ là những lời em buột miệng nói ra trong lúc nóng giận mà thôi".
Lần này nàng không nói gì và tôi lại hy vọng. Có lẽ đúng như thế thật, trước sự thô bạo của tôi, nàng đã phản ứng lại bằng cách nói rằng nàng khinh tôi. Một cách thận trọng, tôi gặng thêm: "Giờ đây, em hãy thú nhận đi, những lời khủng khiếp đó mà em đã nói với anh, tất cả những lời đó là không đúng…và em đã nói bởi vì lúc đó, em nghĩ rằng em ghét anh và em muốn làm anh đau lòng".
Nàng nhìn tôi và vẫn im lặng. Tôi nghĩ bắt gặp – hay tôi có nhầm chăng – một ngấn lệ long lanh trong đôi mắt to và đen sẫm của nàng. Như được khích lệ, tôi vươn tay nắm lấy tay nàng đang đặt trên mặt khăn bàn, miệng nói: "Emilia, những câu đó là sai cả, đúng không nào?"
Nhưng nàng đã rụt mạnh tay lại, và không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân nàng, dường như thế. "Những điều đó đều là đúng sự thật".
Tôi choáng váng với vẻ thành thật hoàn toàn trong câu nói của nàng. Có vẻ như là vào lúc ấy, nàng biết rằng một câu nói dối của nàng ít ra cũng dàn xếp được mọi chuyện đâu vào đấy trong một khoảng thời gian nào đó, cho dẫu là bề ngoài thôi. Và rõ ràng là trong một giây lát ngắn ngủi, nàng đã bị cám dỗ bởi giải pháp ấy. Sau đó, nghĩ lại, nàng đã gạt phăng ý định. Tôi lại nhận thêm một vết đâm đau đớn, và gục đầu xuống, tôi khẽ rít lên qua kẽ răng: "Nhưng cô có hiểu rằng có những điều không thể đem ra nói được mà không lý giải, dẫn chứng..bất kỳ với ai, hoặc ít ra, với chồng cô?"
Nàng không nói gì mà chỉ chằm chằm nhìn tôi với vẻ sợ hãi, vì quả thật mặt tôi đang méo xệch đi vì giận dữ. Cuối cùng nàng đáp: "Anh hỏi và tôi chỉ trả lời anh đấy thôi"
"Nhưng cô phải giải thích chứ?"
"Ý anh muốn nói sao?"
"Cô phải giải thích tại sao …tại sao cô khinh tôi?"
"Tôi sẽ không bao giờ nói với anh điều đó…ngay cả khi tôi sắp chết"
Vẻ quả quyết trong câu nói của nàng làm tôi sửng sốt. Nhưng sự ngạc nhiên của tôi không kéo dài lâu. Một cơn giận dữ ập đến làm tôi không còn kịp suy nghĩ. "Hãy nói cho tôi biết", tôi lại nắm lấy tay nàng, nhưng lần này không theo cách vuốt ve như ban nãy, "nói đi…tại sao cô khinh tôi?", tôi gặn cho ra.
"Tôi đã nói rằng tôi sẽ không bao giờ nói điều đó với anh"
"Nói đi, nếu không, tôi sẽ làm cho cô đau đấy!", không tự kềm chế được, tôi vặn mạnh các ngón tay nàng. Nàng nhìn tôi một lát với vẻ ngạc nhiên, và rồi méo xệch mồm vì đau và ngay sau đó, sự khinh bỉ mà cho đến nay, tôi mới chỉ nghe nàng nói ra miệng, lộ hẳn trên nét mặt nàng ."Dừng tay lại!", nàng nói một cách cộc lốc,"bây giờ anh lại muốn làm cho tôi đau, bao giờ cũng thế…" tôi chú ý tới cụm từ "bao giờ cũng thế", qua đó, có vẻ như nàng muốn ám chỉ đến những điều khắc nghiệt mà tôi đã muốn bắt nàng phải chịu đựng, và tôi muốn nghẹt thở.
"Dừng tay lại! Anh không xấu hổ à? Những người phục vụ đang nhìn kìa!"
"Vậy thì hãy nói đi, tại sao cô khinh tôi?"
"Đừng có mà điên như thế, hãy để cho tôi yên nào"
"Hãy nói tại sao cô khinh tôi?"
"Ối!", nàng xoắn mạnh và dằng tay ra làm rơi một chiếc ly xuống nền nhà. Tiếng thuỷ tinh vỡ kêu loảng xoảng. Emilia đứng bật dậy và bước ra cửa, miệng nói to: "Tôi sẽ chờ anh ngoài xe..anh trả tiền đi".
Nàng bước ra ngoài, để tôi ngồi im như phỗng đá, nhục nhã, không hẳn hoàn toàn vì xấu hổ (quả thật, như Emilia đã nói, những tay hầu bàn rảnh rỗi kia đã nhìn chúng tôi suốt cuộc cãi nhau và không bỏ sót một câu nói hay một cử chỉ nhỏ nhặt nào của chúng tôi) mà còn vì sự kỳ quặc trong thái độ của nàng đối với tôi. Trước đây, chưa bao giờ nàng nói với tôi bằng cái giọng đó, chưa bao giờ nàng sỉ nhục tôi như vậy. Cụm từ "bao giờ cũng thế" tiếp tục âm vang trong tôi như một câu đố mới mẻ và khó chịu, cần giải đáp, giữa bao câu khác. Bằng cách nào và vào khi nào tôi đã bắt nàng phải chịu những điều khổ ải ấy để nay nàng đem ra oán trách tôi như thế? Sau cùng, tôi gọi người hầu bàn, trả tiền và bước ra ngoài theo nàng.
Bên ngoài nhà hàng, thời tiết suốt ngày nay u ám và hay thay đổi giờ đã chuyển thành cơn mưa phùn. Xa hơn nữa, trong bóng tối của khoảng vườn trống, tôi nhận ra được dáng Emilia đứng bên cạnh chiếc xe, tôi đã khoá cửa xe và nàng đã kiên nhẫn đứng đợi dưới mưa. Tôi nói, giọng run run: "Anh xin lỗi, anh quên là đã khoá cửa xe". Và nghe nàng bình thản trả lời: "Không sao…trời mưa không lớn lắm". Một lần nữa, trước câu nói đầy vẻ khoan dung tha thứ như thế, niềm hy vọng hoà giải lại bùng lên điên cuồng trong tim tôi, làm sao lòng chứa đầy khinh bỉ khi miệng lại thốt ra những câu êm đềm, ngọt ngào như thế? Tôi mở cửa, ngồi vào xe và nàng lên ngồi cạnh tôi. Tôi nổ máy và nói với nàng, giọng bỗng dưng trở nên vui vẻ: "Nào, Emilia, chúng mình đi đâu đây?"
Nàng nhìn thẳng trước mặt, trả lời mà không quay sang nhìn tôi: "Không biết..đi đâu tuỳ anh".
Không chờ đợi gì nữa, tôi phóng vút xe đi. Như tôi vừa nói, tôi đang ở trong một tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm và đầy phấn khích. Có vẻ như là bằng cách lật ngược vấn đề, biến tất cả thành một trò đùa, thay sự nghiêm trang bằng sự thoải mái, thay đam mê bằng tính phù phiếm, vâng, bằng cách đó, biết đâu tôi có thể giải quyết vấn đề về mối quan hệ với Emilia. Tôi không biết điều gì đã chi phối tôi lúc đó, có lẽ nỗi tuyệt vọng, hệt như một loại rượu vang cực mạnh, đã bốc lên đầu tôi. Tôi nói giọng vui thú, nhẹ nhõm như đùa: "Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân..để xem vận mệnh đưa ta đến đâu".
Tôi cảm thấy cực kỳ vụng về khi thốt ra câu này, thật chẳng khác gì thằng què đòi biểu diễn khiêu vũ. Nhưng Emilia không nói gì cả và tôi để mình cuốn hút vào tâm trạng vui vẻ ấy, tôi những tưởng tâm trạng ấy sẽ là một giòng chảy lai láng vô tận, thật ra, chẳng bao lâu sau, đó chỉ còn là một giải nước yếu ớt, ri rỉ. Tôi đang lái xe chạy dọc theo xa lộ Appia, và xuyên qua màn mưa lóng lánh phản chiếu ánh đèn xe,tôi nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh những cây bách, những đền đài đổ nát, những pho tượng cẩm thạch trắng và những vỉa hè lát đá theo lối người La Mã xưa, với những phiến đá lát không đều đặn. Tôi chạy thẳng một mạch như vậy. Đoạn, với giọng hưng phấn giả tạo, tôi bảo nàng :"Nào, một lần thôi, chúng ta thử quên mình là ai đi, và tưởng tượng chúng mình là hai sinh viên trẻ đang đi tìm một cái xỏ xỉnh yên tĩnh để tự do yêu nhau, tránh xa những con mắt tò mò nhòm ngó".
Emilia vẫn không nói gì, và được khích lệ bởi sự im lặng ấy, tôi chạy xe thêm một chặng đường dài nữa và đột ngột thắng xe lại. Lúc này, trời đang mưa nặng hạt, những cái gạt nước quét qua, quét lại trên mặt kính mà vẫn không xua hết được những giòng nước tuôn tràn xuống. Tôi nhắc lại, giọng yếu ớt: "Chúng mình là hai sinh viên trẻ, anh là Mario, em là Maria…bây giờ chúng mình đã tìm được một nơi vắng vẻ, tuy hơi ướt át một tí. Nhưng bên trong chiếc xe này, ấm cúng đấy chứ? Nào, hôn anh đi nào". Với vẻ dứt khoát của kẻ say, tôi vừa nói vừa quàng tay ôm vai Emilia và cố gắng hôn nàng.
Tôi không biết là tôi trông đợi cái gì nữa, những gì xảy ra trong nhà hàng đáng lẽ đã nhắc tôi hiểu ra tôi sẽ được cái gì. Thoạt tiên, Emilia cố gắng tránh tôi ra một cách im lặng và dịu dàng, đoạn khi tôi làm tới, ôm lấy cằm nàng, cố xoay mặt nàng về phía tôi, nàng xô mạnh tôi ra:"Anh có điên không? Hay là anh say?", nàng nói.
"Không, anh không say",tôi thì thào, "hôn anh đi!"
"Tôi không thể tưởng tượng được", nàng trả lời một cách giận dữ và đẩy mạnh tôi ra. Một lát sau, nàng nói tiếp: "Anh cứ tự hỏi vì sao tôi bảo là tôi khinh anh…khi anh xử sự như thế này…sau những gì xảy ra giữa chúng ta".
"Nhưng anh yêu em"
"Tôi không yêu anh"
Tôi tự cảm thấy lố bịch, một cách khốn khổ giống như kẻ hiểu ra rằng mình đang ở vào một tình trạng dở khóc dở cười, vừa hài hước vừa tuyệt vọng. Nhưng tôi chưa chịu thua: "Nhưng em phải hôn anh, nếu em không hôn anh vì yêu anh, anh sẽ có cách buộc em phải làm chuyện đó". Tôi rít khẽ lên, cố ý cho nàng hiểu sự thô bạo và ưu thế giống đực của mình. Và tôi chồm lên ôm nàng.
Emilia không nói một tiếng, nàng mở cửa xe và tôi rơi hẫng trên chiếc ghế trống. Nàng đã nhảy ra khỏi xe, lao xuống đường, bất chấp cơn mưa đang rơi như trút.
Tôi khựng lại một lát vì kinh ngạc trước chiếc ghế trống. Rồi tôi tự nhủ: "Ta là một thằng ngốc", và tôi lao ra khỏi xe.
Trời mưa rất lớn, khi tôi đặt chân xuống đất, bùn ngập lên đến mắt cá chân. Kinh hoảng, tôi hét lên: "Emilia, trở lại đây đi, đừng sợ, anh không đụng đến em nữa đâu".
Từ một nơi nào đó không thấy rõ được trong bóng tối, không xa lắm, nàng đáp lại: "Hoặc là anh không làm như vậy nữa, hoặc là tôi đi bộ về Rome"
Tôi nói, giọng run run: "Nào, trở lại đi, anh hứa với em bất cứ điều gì em muốn"
Trời vẫn mưa nặng hạt, nước nhỏ ròng ròng xuống cổ áo khoác và cổ áo sơ mi làm ướt đẫm chiếc gáy của tôi một cách khó chịu, nước cũng tràn ngập ngụa trên trán và hai bên thái dương của tôi. Ánh đèn xe chỉ chiếu sáng được một đoạn đường ngắn cùng một mảng tường La Mã cổ điêu tàn và một cấy bách cao, đen kịt mà bóng tối đã che khuất hết từng khúc. Tôi cố giương mắt nhìn nhưng không thể tìm ra Emilia. Thất vọng, tôi lại gọi: "Emilia! Emilia…", và giọng tôi như vỡ ra vì nước mắt.
Sau cùng, từ trong bóng tối nàng bước ra trong quầng sáng của đèn xe và nói: "Anh có hứa là không động đậy gì vào người tôi nữa được không?"
"Anh hứa"
Nàng bước đến, vừa leo lên xe vừa nói: "Anh đùa kiểu gì thế? Tôi ướt sũng cả người đây này…nước mưa chảy đầy cả vào đầu. Ngày mai lại phải đi làm tóc lại thôi".
Tôi cũng leo lên xe, không nói lời nào, và chúng tôi phóng vụt đi ngay. Nàng hắt hơi từng chặp, rất lớn, một cách đầy oán trách, như để tôi hiểu là tôi đã làm nàng cảm lạnh. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó, tôi lái xe như trong cơn mơ. Một giấc mơ đáng sợ, trong đó, tôi thật sự tên là Ricardo, có vợ tên là Emilia, tôi yêu nàng và nàng không yêu tôi, thật ra, nàng khinh tôi.
Sáng hôm sau tôi thức dậy, mỏi mệt và ê ẩm hết cả người, với một cảm giác ghê sợ những gì đang chờ xảy ra cho tôi trong ngày hôm nay và cả những ngày theo sau, bất cứ điều gì. Emilia vẫn còn đang ngủ trong phòng ngủ và tôi nằm lơ mơ trong ánh sáng lờ mờ trên chiếc đi văng trong phòng khách. Một cách chậm rãi và chán chường, tôi dần dần hồi tưởng lại thực tế mà giấc ngủ đã làm tôi khuây lãng. Suy đi nghĩ lại, tôi thấy rằng tôi phải quyết định chấp nhận hay từ chối kịch bản Odyssey, tôi phải truy ra tại sao Emilia khinh bỉ tôi. Tôi phải tìm cho được phương cách chinh phục lại tình yêu của Emilia.
Tôi vừa nói rằng tôi dang mệt nhoài và lừ đừ, và cái cách thức hầu như là quan liêu khi tôi tóm lược ba vấn đề sinh tử của đời tôi đó, như tôi vừa chợt hiểu ra, chỉ là một toan tính để tự lừa dối lấy chính tôi thôi, xét theo nghị lực và sự sáng suốt mà tôi hầu như không có. Một tướng lãnh, một chính khách hoặc một doanh nhân sẽ cố gắng nắm chắc vấn đề cần giải quyết, rút gọn chúng thành những mục tiêu rõ ràng, dễ dàng nghiên cứu. Nhưng tôi không phải là hạng người ấy, trái lại là đàng khác. Còn nói về nghị lực và sự sáng suốt mà vào lúc đó, tôi tự dối là thừa có, tôi cảm thấy chúng sẽ hoàn toàn biến mất nơi tôi khi tôi chuyển từ suy tưởng qua thành hành động.
Tôi biết sự kém cỏi của mình và trong lúc nằm ngửa trên đi văng, mắt nhắm nghiền, tôi biết rằng khi tôi cố đưa ra một giải pháp cho ba vấn đề ấy, trí tưởng tượng của tôi không còn ở trên mặt đất vững chắc của thực tế, nhưng cất cánh bay bổng tít trên bầu trời bao la của khát vọng. Như vậy, trong trí tưởng tượng, tôi thấy mình đang viết kịch bản Odyssey như thể không có gì xảy ra, tôi đã có được một giải thích rõ ràng của Emilia và phát hiện ra rằng mọi chuyện khinh bỉ của nàng, bề ngoài có vẻ kinh khủng đến thế, thật ra chỉ xuất phát từ một hiểu lầm rất trẻ con, và sau hết, tôi hoà giải được với nàng. Nhưng trong lúc nghĩ đến những chuyện đó, những điều tôi hình dung ra chỉ là những kết thúc có hậu mà tôi khao khát đạt được, giữa những kết thúc ấy và hiện trạng là một khoảng trống toang hoác mà tôi hoàn toàn không thể nào lấp đầy được, cho dù bằng bấy kỳ thứ gì có thể. Nói tóm lại, tham vọng của tôi là giải quyết vấn đề của hiện tại sao cho hợp với những ước muốn cao xa nhất của tôi, trong lúc tôi vẫn không hoàn toàn có ý niệm tôi sẽ cố gắng xoay sở thế nào.
Tôi thiếp đi một chốc và bỗng giật mình thức dậy một lần nữa và thoáng thấy bóng dáng Emilia mặc áo ngủ ngồi dưới chân đi văng. Phòng khách hãy còn tối lờ mờ (các cánh cửa lá sách đã đóng lại) nhưng trên bàn, gần bên đi văng, một cây đèn con đang sáng, Emilia đã vào phòng bật đèn lên và ngồi xuống bên tôi mà tôi không biết.
Nhìn thấy nàng ngồi ở đấy, dưới chân giường, trong một giáng điệu quen thuộc, gợi nhớ những lần thức giấc hạnh phúc ngày xưa, tôi chớt thấy loé lên một ảo tưởng. Ngồi bật dậy, tôi lắp bắp: "Emilia, em có yêu anh không?" Nàng đợi một lát, rồi nói: "Anh nghe đây, em có chuyện muốn nói với anh".
Tôi bỗng cảm thấy lạnh buốt. Tôi toan trả lời nàng rằng tôi không muốn nói chuyện về bất kỳ điều gì, rằng nàng hãy để tôi yên vì tôi buồn ngủ. Nhưng thay vì thế, tôi hỏi: "Nói về điều gì?"
"Về hai chúng ta…"
"Nhưng còn có điều gì để nói nữa?", tôi đáp lại, cố gắng nén một nỗi lo ngại đột ngột.
"Em đã hết yêu anh, thật ra, em đã khinh anh.Vậy là đủ rồi".
"Không, em muốn nói", nàng chậm rãi thông báo, "rằng hôm nay, em về nhà mẹ. Em muốn báo anh biết trước khi điện thoại cho anh. Đấy, em biết rồi đấy".
Tôi hoàn toàn không dự kiến lời tuyên bố này, điều mà, xét theo những gì đã xảy ra ngày hôm trước, hoàn toàn là logic và tất yếu. Ý tưởng Emilia có thể xa tôi chưa bao giờ xuất hiện trong trí tôi, mặc dù điều đó kể cũng lạ, tôi đã nghĩ rằng nàng đã đi đến cái giới hạn cuối cùng của sự tàn nhẫn đối với tôi. Vậy mà, bây giờ, cái giới hạn cuối cùng ấy, chỉ bằng một bước chân, đã bị vượt qua một cách hoàn toàn bất ngờ. Không hiểu ra hết những gì nàng muốn nói, tôi lắp bắp: "Em muốn nói chia tay anh?"
"Vâng"
Tôi im lặng một lúc lâu, rồi thì, bỗng nhiên, thôi thúc bởi một nỗi đau xuyên suốt người, tôi cảm thấy cần phải làm cái gì đó. Tôi nhảy từ trên đi văng xuống, và vẫn trong bộ đồ ngủ, đi đến cửa sổ như có ý định mở toang các cánh cửa chớp để ánh sáng lùa vào, nhưng rồi tôi quay lại và la lớn: "Em không thể đi như thế được, anh không muốn em đi".
"Đừng nói như trẻ con", nàng nói một cách ôn tồn, "Chúng ta phải chia tay nhau, đó là điều duy nhất chúng ta còn có thể làm được. Giữa hai chúng ta, hoặc ít ra, về phần em, chẳng còn gì nữa. Như vậy tốt cho cả hai hơn".
Tôi hoàn toàn không nhớ đã làm gì sau khi nghe nàng nói như thế, hay đúng hơn, tôi chỉ nhớ đôi câu hay đôi khoảnh khắc thời gian nào đó. Như trong cơn mê sảng, có lẽ lúc đó tôi đã nói hay làm diều gì đó hoàn toàn vô ý thức. Tôi nhớ chắc rằng tôi đã rảo bước đi vòng quanh, vòng quanh trong phòng, tóc rối bời, lúc thì van nài Emilia đừng bỏ tôi, lúc thì kể lể về tình trạng hiện nay của tôi, lúc khác nữa lại ngửa mặt lên trời mà nói, như thể chỉ có một mình tôi trong phòng. Kịch bản Odyssey, căn hộ, những kỳ hạn đóng tiền trả nợ, những tham vọng kịch trường bị hy sinh của tôi, tình yêu của tôi đối với Emilia, Battista, Rheingold, tất cả những cảnh tượng của đời tôi và tất cả những người có mặt trong đó, tất cả trộn lẫn lại một cách hỗn độn trong mồm tôi, trong những câu nói tuôn tràn một cách hối hả, không mạch lạc, giống như những mảnh vụn thuỷ tinh màu dưới đáy một chiếc kính vạn hoa khi bị một bàn tay thô bạo lắc mạnh. Nhưng cùng lúc, tôi cũng cảm thấy rằng cái kính vạn hoa chẳng qua cũng chỉ là món đồ vật khốn nạn, vật vờ, nói đơn giản, chỉ là một số các mảnh thuỷ tinh màu không có lấy một thứ tự hay một kiểu dáng nào, bây giờ đây, cái kính vạn hoa ấy đã vỡ, những mảnh thuỷ tinh vung vãi trên sàn nhà, trước mắt tôi. Trong cùng một lúc, tôi vừa cảm thấy cái cảm giác muốn ruồng bỏ mọi thứ, đồng thời cũng cảm thấy nỗi lo sợ bị ruồng bỏ, tôi không thể vượt qua được cái cảm giác ấy, nó đè lên tôi, làm tê liệt mọi ý nghĩ, cắt đứt hơi thở của tôi. Toàn bộ con người tôi phản ứng mãnh liệt chống lại sự chia tay cùng nỗi cô đơn tiếp theo sau đó. Nhưng tôi hiểu rằng mặc dù thiết tha muốn cưỡng lại sự chia lìa đó, cách ăn nói của tôi không hề có được một chút thuyết phục, trái lại là đàng khác. Nhưng thật tình, giữa các đám mây hoảng hốt và hãi hùng đang bủa vây lấy tôi, vẫn còn một khoảng hở, và vào lúc đó, tôi trông thấy Emilia ngồi trên đi văng, vẫn ở nguyên chỗ cũ, và bình thản nói với tôi: "Ricardo, anh hãy tỏ ra biết điều một chút, đó là điều duy nhất cần làm đối với chúng ta hiện nay".
"Nhưng anh không muốn em đi", tôi đứng lại trước mặt nàng, nhắc lại, "Anh không muốn em đi".
Tôi không biết tôi đã nói những gì, tôi lại bỏ đi đến cuối phòng, xoắn chặt lấy tóc mà bứt. Đoạn, tôi thấy rằng trong tình trạng hiện nay của tôi, tôi hoàn toàn không có khả năng thuyết phục Emilia, thậm chí, tôi còn không thể nào nói hết ý mình. Tôi cố gắng kìm mình lại và đến ngồi trên đi văng, người cúi xuống về phía trước, hai tay ôm lấy đầu, hỏi Emilia: "Em định khi nào đi?"
"Ngày hôm nay".
Nói xong, nàng đứng dậy và không thèm để ý đến tôi ngồi cúi gục xuống, hai tay ôm lấy đầu, bỏ ra khỏi phòng. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nàng làm như thế, cũng như tôi chưa hề nghĩ đến những gì nàng đã nói và làm với tôi ngày hôm qua, và trong một lúc lâu, tôi vẫn còn sững sờ và tưởng như không tin được. Đoạn, tôi nhìn quanh phòng và có một cảm giác lạ lùng, chính xác đến nỗi làm tôi cảm thấy lạnh buốt. Cuộc chia tay đã đến, và nỗi cô đơn của tôi bắt đầu. Căn phòng vẫn là căn phòng như ban nãy, cách đây vài phút, khi Emilia vẫn còn ngồi trên đi văng, vậy mà, tôi biết rằng nó đã hoàn toàn khác hẳn. Tôi nghĩ nó đã mất đi một chiều không gian. Căn phòng không còn là căn phòng tôi đã quen trông thấy, nó đã trở thành căn phòng tôi sẽ còn nhìn thấy không biết cho đến bao giờ, với ý nghĩ là Emilia không có ở đấy và không bao giờ trở lại nữa. Có một cái gì hoang vắng trống không trong cảnh tượng của mọi đồ vật, ở khắp nơi, và kỳ lạ thay, cái hoang vắng ấy không từ tôi lan ra cách đồ vật, nó dường như từ các đồ vật thấm ngược lại tôi. Điều đó không phải do suy nghĩ mà tôi có được, tôi chỉ cảm nhận nó từ trong đáy thăm thẳm của cái tri giác buồn thảm, đau đớn của tôi. Tôi chợt thấy mình đang khóc, vì tôi chợt có cái cảm giác buồn buồn nơi khóe miệng, và khi đưa tay lên sờ, tôi thấy má tôi ướt đẫm. Tôi thở một tiếng dài, và bắt đầu nức nở khóc. Vừa khóc, tôi vừa đứng dậy đi ra khỏi phòng.
Mắt đã quen với ánh sáng mờ mờ trong phòng khách, mắt ràn rụa nước mắt, tôi bước vào phòng ngủ và thấy ánh sáng nơi đây quá chói lọi một cách khó chịu. Emilia ngồi trên giưỡng, chăn gối xô lệchy, đang nghe điện thoại. Chỉ thoáng nghe qua, tôi biết nàng đang nói chuyện với mẹ nàng. Tôi thấy dường như nét mặt nàng lộ vẻ bối rối. Tôi ngồi xuống, hai tay bưng lấy mặt, tiếp tục thổn thức. Tôi không biết rõ tại sao tôi lại khóc như thế, có lẽ không phải vì đời tôi coi như đã tàn, nhưng có lẽ còn vì một nỗi phiền muộn xa xưa khác, hoàn toàn không dính dáng gì đến Emilia hay chuyện nàng quyết định ra đi. Trong lúc đó, Emilia vẫn tiếp tục nghe điện thoại. Rõ ràng là mẹ nàng đang thuyết phục nàng một cách dài dòng, và qua làn nước mắt, tôi thấy một thoáng thất vọng, cáu giận, chua chát lướt qua mặt nàng, giống như một thoáng mây u ám lướt qua cánh đồng. Sau cùng nàng nói: "Được rồi, được rồi, con hiểu, chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó nữa". Nhưng mẹ nàng đã ngắt lời nàng và thuyết một thôi dài nữa. Lần này Emilia không đủ kiên nhẫn để nghe hết và cắt ngang: "Con dã nghe mẹ nói điều đó rồi, được rồi, con hiểu, chào mẹ". Mẹ nàng còn nói thêm vài câu gì đó, nhưng Emilia đã lập lại "Chào mẹ" và đặt máy xuống, mặc dù trong ống nghe còn văng vẳng tiếng mẹ nàng. Rồi nàng đưa mắt nhìn về phía tôi, nhưng có vẻ như bị lóa mắt không trông thấy tôi. Như do bản năng thúc đẩy, tôi nắm chặt tay nàng, lắp bắp: "Đừng đi nữa, đừng…đừng đi nữa".
Trẻ con tin rằng nước mắt có một giá trị thuyết phục về mặt tình cảm, và nói chung, đàn bà là những người có tinh thần yếu đuối, trẻ con cũng tin như vậy. Vào lúc đó – giống như một đứa trẻ, hay một mụ đàn bà, hay một sinh linh yếu đuối nào khác – mặc dù đang khóc vì một nỗi đau buồn xé nát tâm can, tôi vẫn ấp ủ một niềm hy vọng mơ hồ rằng có thể những giọt nước mắt của tôi thuyết phục được Emilia không rời bỏ tôi. Cái cảm giác đó làm tôi phấn chấn lên chút đỉnhy, nhưng đồng thời cũng làm tôi tự cảm thấy như là kẻ đạo đức giả. Có vẻ như tôi khóc có chủ đích, như tôi muốn sử dụng những giọt nước mắt để lung lạc Emilia. Tôi cảm thấy xấu hổ và ngay lập tức, không đợi Emilia đáp lại, tôi đứng lên đi ra khỏi phòng.
Vài phút sau, Emilia theo ra. Tôi đã có thời gian để tự chỉnh đốn lại, lau khô nước mắt, quàng thêm chiếc áo khoác lên bộ đồ ngủ. Tôi ngồi yên vị trong một chiếc ghế bành, và như cái máy, châm một điếu thuốc trong lúc thật tình, tôi chẳng muốn hút chút nào. Nàng cũng ngồi xuống và nói ngay: "Anh đừng buồn phiền…đừng sợ. Em không đi nữa!" Nàng nói điều đó với giọng cay đắng, tuyệt vọng, lạnh lùng. Tôi nhìn nàng, đôi mắt nàng vẫn nhìn xuống, có vẻ như bận suy nghĩ, nhưng tôi nhận thấy khoé miệng nàng hơi run run và đôi tay nàng vẫn vân vê gấu chiếc áo ngủ, một cử chỉ biểu lộ sự lúng túng và bối rối. Đoạn bằng một giọng căm tức, nàng nói thêm: "Mẹ em không muốn đón em về. Bà bảo rằng đã cho thuê căn phòng của em. Trước đây, bà đã cho thuê hai phòng, nay, tất cả như vậy là ba phòng, nhà coi như không còn chỗ. Bà nói rằng bà không tin em nghiêm túc khi nói chuyện đó….rằng em nên suy nghĩ lại. Và vậy là em không còn biết đi đâu nữa. Không ai muốn nhận em…em buộc phải ở lại với anh thôi".
Tôi choáng váng với câu nói cuối cùng ấy, nó thành thật đến tàn nhẫn. Tôi rùng mình như thể ai vừa đâm tôi một nhát. Không nén được, tôi kêu lên giọng hờn oán: "Sao em lại nói với anh như thế? Bị bắt buộc ư? Anh đã làm gì em? Tại sao em lại căm ghét anh đến thế?"
Giờ đây, đến phiên nàng khóc, tôi biết, mặc dù nàng lấy tay ôm mặt, che lại, cố gắng không để lộ ra. Nàng lắc đầu và nói: "Anh không muốn em đi. Vậy em ở lại, anh hài lòng rồi chứ?"
Tôi đứng dậy, đến ngồi bên nàng trên đi văng và vòng tay ôm lấy nàng, mặc dù khi tôi vừa đụng vào, tôi cảm thấy nàng muốn rụt lại và tránh ra. Tôi nói: "Tất nhiên là anh muốn em ở lại, nhưng không phải theo cách đó, không phải bắt buộc. Anh đã làm gì em nào, mà em nỡ nói với anh như thế!"
Nàng đáp: "Nếu anh muốn em sẽ đi ngay, em sẽ thuê một căn phòng…anh chỉ cần giúp đỡ em trong một thời gian ngắn. Em sẽ trở lại với nghề đánh máy, và khi đã có công ăn việc làm, em sẽ không quấy rầy anh nữa".
"Không, không", tôi kêu lên, "Anh muốn em ở lại. Nhưng Emilia, không phải bắt buộc, không bắt buộc".
"Không phải là anh thì cũng chỉ là cuộc đời mà thôi", nàng thổn thức và đáp lại.
Lại một lần nữa, trong lúc ôm nàng trong vòng tay, tôi lại nẩy ra ý muốn hỏi lại nàng tại sao nàng hết còn yêu tôi, tại sao nàng khinh tôi, điều đã xảy a, tôi đã làm gì nàng. Nhưng giờ đây, trước những giọt nước mắt và nỗi hoang mang của nàng, tôi phần nào đã lấy lại bình tĩnh, tôi tự nhủ bây giờ không phải lúc để hỏi những câu như vậy, chúng chỉ mang lại những bất lợi cho tôi. Có lẽ, để phăng ra sự thật, tôi cần đến những chiến lược khác, hòa hoãn hơn. Tôi đợi một lát, trong lúc nàng vẫn tiếp tục khóc một cách lặng lẽ, mặt quay nhìn về phía khác. "Nào", tôi đề nghị, "chúng ta đừng cật vấn nhau nữa…chẳng lợi gì cả…chỉ dễ tổn thương mà thôi. Có gì đi nữa, hiện tại, anh không muốn biết thêm gì về em. Hãy nghe anh nói đây, cuối cùng thì anh cũng đã nhận lời viết kịch bản cuốn phim Odyssey. Nhưng Battista muốn bọn anh làm việc một nơi nào đó trong vịnh Napoli, phần lớn ngoại cảnh sẽ được quay tại đó. Vì vậy bọn anh đã quyết định đi Capri. Ở đó, anh thề sẽ để em yên thân một mình, vả lại, anh cũng không thể làm gì khác hơn được, anh sẽ bận suốt ngày làm việc với đạo diễn, may ra, anh chỉ có thể gặp em vào giờ ăn…Capri là một thắng cảnh đẹp tuyệt trần, và cũng sắp đến mùa tắm rồi. Em có thể nghỉ ngơi, tắm táp, di dạo mát, như vậy, sẽ tốt cho tâm trí em, em sẽ có nhiều thì giờ để suy ngẫm và thong thả chọn một thái độ thích hợp. Mẹ em đã nói đúng đấy, em cần suy nghĩ lại. Sau đó, có thể chừng bốn hoặc năm tháng sau, em sẽ cho anh biết quyết định của em, và khi đó – chỉ khi đó – chúng ta mới nói chuyện với nhau lại".
Emilia vẫn quay mặt đi suốt trong lúc tôi nói, như để tránh nhìn tôi. Rồi nàng nói, giọng có phần nào khuây khoả: "Vậy thì khi nào chúng ta sẽ khởi hành?"
"Ngay tức thì…nghĩa là trong khoảng mươi ngày nữa, ngay sau khi lão đạo diễn đi Paris về".
Giờ đây, ôm nàng trong lòng, cảm thấy bộ ngực tròn trĩnh và mềm mại của nàng áp sát vào người tôi tự hỏi có nên liều hôn nàng hay không. Hiện nàng chỉ ngoan ngoãn để tôi ôm vào lòng, chỉ riêng tôi lại muốn tự đánh lừa mình rằng vẻ thụ động này chẳng phải là sự lãnh đạm, biết đâu đấy lại là sự đồng tình của nàng. Chợt tôi nghe nàng hỏi, vẫn với cái giọng khuây khỏa ấy, tuy vẫn có phần nào miễn cưỡng: "Vậy đến Capri, chúng ta sẽ ở đâu? Ở khách sạn chăng?"
Tôi vui vẻ trả lời, nghĩ bụng rằng có thể làm nàng vui lòng: "Không, chúng ta không ở khách sạn…khách sạn phiền toái lắm. Anh có cái này hay hơn nhiều. Battista cho chúng ta mượn ngôi biệt thự của hắn…chúng ta được quyền sử dụng ngôi biệt thự ấy trong suốt thời gian anh viết kịch bản".
Ngay lập tức, tôi thấy – như cách đây mấy ngày, tôi đã lo ngại khi vội vã nhận lời đề nghị của Battista – rằng Emilia không tán thành phương án ấy lắm. Quả thật, nàng lách khỏi tay tôi, trườn đến ngồi ở một góc đi văng, lập lại: "Biệt thự của Battista? Và anh đã nhận lời?"
"Anh nghĩ rằng em sẽ thích chuyện đó", tôi cố tự biện minh, "biệt thự tốt hơn khách sạn nhiều"
"Anh đã nhận lời?"
"Phải, và anh nghĩ rằng anh đã làm đúng".
"Chúng ta sẽ cùng ở đó với ông đạo diễn chứ?"
"Không, Rheingold sẽ ở khách sạn".
"Battista có sẽ đến ở đó không?"
"Battista?", tôi đáp, hơi ngạc nhiên về câu hỏi đó, "anh nghĩ rằng có thể thỉnh thoảng ông ta về đó…nhưng ông ta sẽ không ở lại lâu đâu, vào dịp cuối tuần, một hay hai ngày…Để xem công việc của bọn anh đến đâu thôi"
Lần này, Emilia không nói gì, nàng chỉ cho tay vào chiếc áo khoác, lấy ra một chiếc khăn tay và hỉ mũi. Khi đưa tay như thế, nàng đã làm tách chiếc áo ngủ ra, làm nó buông xuống và để lộ cái bụng và đôi chân lên đến tận hông. Do tính nàng vốn kín đáo, đôi chân nàng vẫn khép tréo lại, nhưng chỗ phần bụng trắng phau, trẻ trung, nổi lên trên đôi chân săn lẳn tạo ra một sức lôi cuốn không cưỡng được. Ngắm nàng khi đó, tôi chợt cảm thấy rạo rực ham muốn, một ham muốn mãnh liệt khác thường đến mức tôi có cái ảo tưởng có thể đến gần bên nàng và chiếm đọat nàng.
Nhưng tôi biết rằng, cho dù thèm muốn đến đâu, tôi vẫn không nên làm như thế. Tất cả những gì tôi làm là nhìn ngắm nàng, một cách hầu như thầm lén, trong lúc nàng vẫn đang hỉ mũi – như thể tôi sợ bị bắt gặp trong lúc nhìn nàng và bị xấu hổ. Lát nữa, khi nàng ngưng hỉ mũi, nàng sẽ nhận thấy rằng tôi đã đi đến chỗ nhìn vào nơi hớ hênh của vợ mình, với sự kích thích của kẻ nhìn vào của cấm, y hệt một cậu bé nhìn qua khe hở phòng tắm. Một cách chán nản, bực bội, tôi thò tay kéo vạt áo phủ lên đôi chân nàng. Nàng có vẻ như không trông thấy cử chỉ của tôi, nhét chiếc khăn tay vào túii và nói, giọng bây giờ đã hoàn toàn bình thản: "Em sẽ đi Capri…nhưng với một điều kiện…"
"Không điều kiện nào cả, anh không muốn nghe điều gì nữa hết", tôi hét lên, một cách hơi bất ngờ, "được rồi, chúng ta sẽ đi…nhưng anh không muốn nghe thêm điều gì nữa…thôi, em đi ra đi, đi đi!". Hẳn là có vẻ gì đó đầy giận dữ trong giọng nói của tôi, bởi vì nàng đứng dậy ngay, như vì sợ hãi, và vội vã rời khỏi phòng.
Đã đến ngày chúng tôi rời Rome đi Capri. Battista đã quyết định đi theo chúng tôi đến đảo, để tôn vinh chúng tôi làm những khách danh dự của ngôi biệt thự, như hắn phát biểu vào sáng hôm ấy. Khi xuống đến đường phố, chúng tôi trông thấy chiếc xe cực mạnh màu đỏ của Battista bên cạnh chiếc xe nhỏ khiêm tốn của tôi. Tháng sáu đã bắt đầu, nhưng thời tiết vẫn còn chưa ổn định, bầu trời u ám, lộng gió. Battista mặc áo da, quần nỉ flanel đang đứng bên xe trò chuyện với Rheingold. Gã này, như một người Đức chính cống, cho rằng nước Ý bao giờ cũng là miền nắng ấm, ăn mặc quá phong phanh so với thời tiết như thế này, với một bộ đô bằng vải lanh có sọc, cắt theo kiểu thuộc đia và chiếc mũ kết trắng. Emilia bước ra khỏi nhà, theo sau có một người khuân vác và một cô người hầu mang các hòm xiểng. Battista và Rheingold tiến ngay lại đón chúng tôi.
Sau những câu chào hỏi, Battista nói: "Nào, chúng ta sắp xếp ra sao đây?". Đoạn, không đợi ai trả lời, hắn nói luôn: "Tôi đề nghị bà Molteni đi cùng xe với tôi, và Rheingold đi với ông, Molteni ạ. Như vậy, hai ông sẽ có thể bắt đầu bàn về cuốn phim trên đường đi…bởi vì…", hắn kết luận với một nụ cười, nhưng với một giọng nói nghiêm túc, "công việc thật sự bắt đầu từ ngày hôm nay…và tôi muốn nắm được kịch bản trong tay trong vòng hai tháng thôi".
Tôi thốt nhiên đưa mắt nhìn Emilia và nhận thấy trên gương mặt nàng, các đường nét như lệch đi, như tôi đã thấy trong nhiều trường hợp khác, đó là dấu hiệu của sự bối rối và ác cảm. Nhưng tôi không cho điều đó là quan trọng, cũng như tôi không thấy một mối liên quan nào giữa sự biểu lộ ấy với đề nghị của Battitsta, một lời đề nghị rất hợp lý.
"Ý kiến rằng hay", tôi nói, cố gắng tỏ ra vui vẻ cho phù hợp với chuyến đi chơi vùng biển này,"Ý kiến rất hay…Emilia sẽ đi cùng ông và Rheingold với tôi…nhưng tôi không hứa với ông là chúng tôi sẽ cùng bàn về cuốn phim ấy đâu nhé!"
"Tôi sợ đi nhanh lắm", Emilia lên tiếng, "mà ông, cái xe của ông nó như thế này, ông phóng nhanh lắm…". Nhưng Battista nôn nả, nắm lấy cánh tay nàng kêu lớn: "Đừng có sợ. Vả lại, bà sợ cái gì nào? Tôi cũng nghĩ đến cái mạng của tôi chứ", và va nói, hắn hầu như lôi tuột Emilia đến bên chiếc xe của hắn . Tôi trông thấy Emilia quay nhìn tôi, vẻ hoang mang dò hỏi và tôi tự hỏi có nên hay không nên, đưa nàng đi cùng tôi. Nhưng tôi lại sợ Battista phật ý, vả lại, thật tình mà nói, Battista rất mê lái xe và hắn lái rất cừ, và vì thế, tôi lại không nói gì. Emilia lại cố đưa ra một phản đối yếu ớt: "Nhưng tôi thích đi cùng xe với chồng tôi cơ!", và Battista lại phản đối, giọng bỡn cợt: "Chồng bà, thì bà đã chẳng ở bên chồng bà suốt ngày đấy rồi, còn gi nữa? Nào, lại đây thôi, tôi giận đấy". Đồng thời, họ đã đến bên chiếc xe, Battista đi vòng qua phía bên kia ngồi vào xe. Đưa mắt nhìn họ một cách mơ màng, tôi giật nẩy cả người khi Rheingold cất tiếng hỏi tôi: "Sao, sẵn sàng chưa?" .Tôi sực tỉnh và leo lên xe rồ máy.
Tôi nghe tiếng gầm của chiếc xe Battista phía sau tôi khi hắn nổ máy, đoạn nó vượt qua chúng tôi và lướt nhanh xuống đồi. Tôi chỉ kịp thoáng thấy qua khung cửa sau của chiếc xe, cái đầu và đôi vai của Emilia và của Battista ngồi kề sát bên nhau, đoạn chiếc xe bẻ qua một khúc quanh và biến mất.
Battista đã gợi ý chúng tôi nên thảo luận với nhau về kịch bản trong lúc đi đường. Lời gợi ý đó quả thật không cần thiết. Khi chúng tôi đã ra khỏi thành phố và bắt đầu chạy vào đường Formia với tốc độ vừa phải mà chiếc xe bé nhỏ của tôi cho phép. Rheingold từ ban nãy đến giờ vẫn im lặng, bắt đầu lên tiếng: "Nào, Molteni, ông hãy bảo thật cho tôi biết nhé, cái hôm ở văn phòng của Battista, ông nói rằng ông sợ bị buộc phải làm một phim hoành tráng, phải không nào?", hắn nhấn mạnh vào từ hoành tráng với một nụ cười.
"Tôi vẫn còn sợ cái điều đó", tôi trả lời một cách lơ đãng, "một phần cũng bởi vì đó là cái cách hiện hành trong các phim trường của Ý hiện nay".
"Ông chẳng có gì phải sợ", hắn dùng ngay cái giọng cứng rắn, uy quyền, "Chúng ta sẽ làm một phim tâm lý, và chỉ thuần tâm lý thôi, như tôi đã từng nói với ông hôm nọ.Ông bạn Molteni thân mến, tôi không quen làmtheo ý muốn của các nhà sản xuất, tôi chỉ làm những gì tôi muốn làm. Trên sàn quay, tôi là chủ, không ai khác, ngược lại, tôi sẽ không làm. Đơn giản quá, phải không?"
Tôi trả lời rằng đúng thế, điều đó rất đơn giản và tôi thật thình lấy làm hài lòng với lời khẳng định và tính độc lập đó vì nó mang lại cho tôi hy vọng rằng quan hệ giữa Rheingold và tôi trong công việc sẽ bớt tẻ nhạt hơn. Sau một lúc yên lặng, Rheingold nói tiếp: "Bây giờ, tôi muốn giải thích với ông về một vài ý tưởng của tôi. Tôi nghĩ ông có thể vừa lái xe vừa nghe được chứ?"."Tất nhiên", tôi nói, nhưng chính ngay vào lúc đó, khi tôi vừa định quay qua phía hắn, một cỗ xe do hai con bò kéo xuất hiện từ một đường ngang, va tôi phải lạng ra để tránh. Chiếc xe nghiêng đi, chạy ngoằn ngoèo làm tôi phải khó khăn lắm mới giữ cho nó thăng bằng trở lại, vừa may kịp tránh sượt một gốc cây. Rheingold cười lớn: "Đáng lẽ ông phải nói là không mới đúng"." Bỏ qua chuyện đó đi", tôi nói, hơi bực mình, "tôi đâu thấy hai con vật ấy. Thôi được, bắt đầu đi, tôi nghe đây".
Rheingold nói không đợi mời, hắn nói ngay: "Ông thấy đấy, Molteni, tôi đã nhận lời đi Capri…và chúng ta chắc chắn sẽ quay ngoại cảnh ở vịnh Napoli. Nhưng đó chỉ là phần hậu cảnh. Phần còn lại, chúng ta có thể quay ngay tại Rome. Bi kịch của Ulysses thật ra không phải là bi kịch của một thuỷ thủ, một nhà thám hiểm hay một cựu chiến binh. Đó là bi kịch của mọi người đàn ông. Huyền thoại Ulysses chứa đựng nội dung câu chuyện về một mẫu đàn ông bất kỳ nào đó".
Tôi đáp bừa: "Tất cả mọi huyền thoại Hy lạp đều miêu tả những bi kịch của con người, những bi kịch vượt thời gian và không gian, những bi kịch muôn thưở".
"Rất đúng, mọi huyền thoại Hy Lạp, nói theo cách khác, là những biểu dụ bóng bẩy của kiếp người…Bây giờ, chúng ta, những con người hiện đại, chúng ta nên làm gì để làm sống lại những huyền thoại xa xưa và tối tăm ấy? Trước hết, để phát hiện ra những ý nghĩa chúng có thể mang lại cho ta về cái thế giới hiện đại này, để tham dò tận đáy những ý nghĩa ấy, để diễn giải, để minh hoạ nó…nhưng tất cả bằng một cách sống động, độc lập, không để bị nhiễm độc bởi những tuyệt tác mà văn học Hy lạp đã dựa vào đó để sáng tạo. Hãy lây một ví dụ. Có lẽ ông biết vở Electra đau buồn, mà người ta có dựng thành phim chứ?"
"Vâng, tất nhiên, tôi biết rõ chứ…"
"O Neil cũng hiểu được cái chân lý đơn giản ấy, tức là các huyền thoại xưa phải được hiểu theo quan niệm hiện đại, kể cả vở Oresteia. Nhưng tôi không hề quan tâm đến Electra đau buồn – ông biết vì sao không? Vì O Neil quá sợ Aeschylus. Ông ta rất có lý khi cho rằng huyền thoại Orestes có thể được giải thích theo quan điểm phân tâm học, nhưng vì quá tôn trọng chủ đề, ông ta chỉ quảng diễn nó ra mà thôi. Giống hệt một cậu học trò cóp theo trong sách viết ra một bài tập trên trang giấy có kẻ hàng. Molteni, ông có thể thấy các đường kẻ hàng ấy".
Tôi nghe Rheingold tự cười lớn với mình, thú vị về lời chỉ trích ấy đối với O Neil.
Chúng tôi đang băng qua dải đồng bằng Rome, không xa biển lắm, giữa những ngọn đồi thấp vàng rực lúa chín, điểm lác đác vài cây cao cành lá sum suê. Tôi nghĩ rằng hẳn Battista đã vượt xa chúng tôi rồi, con đường vắng tanh, xa tít tắp, không một bóng xe vào lúc này, có lẽ Battista, với vận tốc sáu mươi dặm một giờ, bây giờ đã đi trước chúng tôi ba mươi dặm là chắc. Tôi lại nghe Rheingold tiếp tục: "Nếu O Neil hiểu ra được cái chân lý ấy, rằng các huyền thoại Hy Lạp phải được hiểu theo quan niệm hiện đại, hợp theo với những phát hiện mới nhất của khoa tâm lý, ông ta không nên quá tôn trọng chủ đề như thế, mà phải cắt vụn nó ra, lộn ngược nó từ trong ra ngoài, truyền vào đó một sức sống mới. Vậy mà ông ta đã không làm điều đó, và vở Electra đau buồn trở nên tẻ nhạt là vi vậy…Bài tập học trò ấy mà".
"Tôi nghĩ nó cũng khá đấy chứ," tôi phản đối.
Rheingold không quan tâm đến câu chen ngang của tôi, hắn tiếp tục: "Bây giờ, với vở Odyssey này, chúng ta sẽ làm điều mà O Neil đã không muốn, hoặc không làm được với Oresteia…đó là mổ banh nó ra, như mổ banh một cái xác người trên bàn mổ, khám nghiệm cơ chế bên trong, cắt ra từng bộ phận rồi ráp lại với nhau theo những yêu cầu hiện đại của chúng ta". Tôi tự hỏi không biết Rheingold định đưa tôi đến đâu. Tôi nói một cách lơ đãng: "Cái cơ chế của Odyssey ai mà không biết, xung đột giữa nỗi khao khát quay về nhà, về với gia đình, về với quê cha đất tổ, với những trở ngại đếm không xuể chắn ngang đường về. Có lẽ mọi tù binh, mọi cựu chiến binh bị giam giữ lâu ngày ở nơi nào đó xa quê hương sau khi chiến tranh đã chấm dứt, đều ít nhiều giống Ulysses cả".
Rheingold cười phá lên, nghe như tiếng gà cục tác: "Tôi đang đợi ông nói ra điều đó, cựu chiến binh, tù binh. Không, không phải thế, ông bạn Molteni ạ, ông đi quá xa hơn là dữ kiện cho phép đấy. Theo cách đó, bộ phim Odyssey có nguy cơ trở thành một phim "hoành tráng", một phim phiêu lưu, theo ý muốn của Battista. Nhưng Battista là nhà sản xuất, và rõ ràng là ông ta nghĩ cuốn phim buộc phải như thế. Nhưng phần ông, Molteni, ông sẽ không nghĩ như thế, ông vốn là người trí thức kia mà. Ông là người trí thức, ông phải sự dụng trí thông minh của ông chứ".
"Thì tôi vẫn đang sử dụng trí thông minh của mình đấy", tôi đáp, hơi cáu "Đúng, ấy là điều tôi đang làm".
"Không, ông không sử dụng nó. Hãy quan sát kỹ, suy nghĩ cẩn thận và xét kỹ một sự kiện quan trọng nhất: câu chuyện Ulysses là câu chuyện về mối quan hệ giữa Ulysses và vợ anh ta".
Lần này, tôi nín thinh. Rheingold tiếp tục: "Cái gì gây ấn tượng nhất với chúng ta khi đọc Odyssey? Ấy là sự chậm chạp trong chuyến trở về của Ulysses, phải mất đến mười năm hắn ta mới đặt chân về đến nhà…và trong mười năm ấy, tuy vẫn rêu rao hết lòng yêu thương Penelope, thực tế, mỗi lần có dịp, hắn sẵn sàng phản bội vợ…Homer kể cho chúng ta nghe rằng Ulysses chỉ nghĩ đến Penelope và điều duy nhất hắn ao ước là tái hợp với nàng…có nên tin ông ta không nhỉ, Molteni?"
"Nếu không tin Homer", tôi nói, giọng đùa bỡn, "Tôi thấy có lẽ ta chẳng còn tin ai được".
"Kìa, tin vào chính chúng ta chứ ai nữa? Chúng ta, những con người hiện đại, chúng ta có cái nhìn đúng đắn, xuyên sâu qua mọi huyền thoại, Molteni ạ. Sau khi đã đọc đi đọc lại Odyssey nhiều lần, tôi đi đến kết luận rằng, thật tình và thật sự, tuy chỉ là một cách vô thức, Ulysses không muốn tái hợp với Penelope. Kết luận của tôi là thế đấy".
Tôi im lặng và, một lần nữa. được khuyến khích bởi sự im lặng của tôi, Rheingold lại tiếp tục nói: "Ulysses thật tình chỉ là một gã đàn ông sợ phải quay về với vợ của mình – sau này, chúng ta sẽ thấy tại sao – và với nỗi sợ hãi ấy trong lòng, một cách vô ý thức, hắn tìm cách dựng nên những trở ngại trên đường về…cái tinh thần phiêu lưu ấy chỉ là một ước muốn vô thức để làm chậm lại cuộc hành trình, phung phí thời gian vào những phiêu lưu để trì hoãn, làm lạc bước chân quay về…Không phải Scylla, charybdis, Calypso với đám dân Phaenacians, lũ quái vật một mắt Polyphemus, Circe và các thần linh đã ngăn cản đường về của Ulysses mà chính vô thức của Ulysses đã từng bước một dựng lên cho hắn ta những duyên cớ để ở lại nới đây một năm, nơi kia hai năm, và cứ tiếp tục như thế".
Đó là cái đích Rheingold muốn đưa tôi đến – diễn giải Odyssey theo trường phái cổ điển của Freud. Tôi chỉ hơi lấy làm ngạc nhiên về điều tại sao trước đây tôi chưa hề nghĩ đến điều đó. Rheingold là người Đức, hắn ta bắt đầu sự nghiệp ở Berlin, vào thời điểm những thành công đầu tiên của Freud, hắn cũng đã sống qua một thời gian ở Mỹ, nơi mà khoa phân tâm học được đánh giá cao, hiển nhiên hắn sẽ tìm cách áp dụng những phương pháp của khoa tâm lý học ấy vào ngay cả trường hợp của Ulysses, một vị anh hùng tuyệt vời. Tôi đáp lại một cách khô khan: "Tài tình lắm, nhưng tôi vẫn chưa hiểu bằng cách nào…"
"Hãy hượm, Molteni, hãy hượm. Như vậy, rõ ràng là dưới ánh sáng của lối diễn giải của tôi, lối diễn giải duy nhất phù hợp với những phát hiện mới nhất của khoa tâm lý học hiện đại. Odyssey chỉ là câu chuyện kể về điều mà tôi gọi là sự xung khắc vợ chồng. Mối ghẻ lạnh vợ chồng này được Ulysses nghiên cứu, tranh luận và mãi đến sau mười năm đấu tranh với chính mình, hắn ta mới khắc phục được nó và giải quyết bằng cách chấp nhận tình huống đã gây ra mối ghẻ lạnh ấy. Nói cách khác, trong mười năm ấy, Ulysses đã tưởng tượng ra đủ mọi cách trì hoãn, moi ra đủ mọi duyên cớ để khỏi phải trở về dưới mái ấm gia đình…hơn một lần, hắn dã nghĩ đến chuyện gắn bó với một người đàn bà khác. Tuy nhiên, sau cùng, hắn đã tự kiềm chế được và về nhà. Và sự quy hồi này, nói một cách chính xác, bắt nguồn từ sự chấp nhận tình huống đã buộc hắn phải ra đi và không muốn quay về".
"Tình huống nào?", tôi hỏi một cách ngốc nghếc," Chẳng phải Ulysses ra đi để tham dự vào cuộc chiến thành Troy hay sao?"
"Bề ngoài, bề ngoài đấy thôi", Rheingold nóng nảy lập lại, "Nhưng về tình huống ở Ithaca trước khi Ulysses ra đi chinh chiến, về những kẻ theo đuổi Penelope và những điều xảy ra sau đó, tôi sẽ giải thích rõ hơn ở phần sau, khi tôi nói về lý do tại sao Ulysses không muốn quay về lại Ithaca và sợ về lại với vợ. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào một điểm quan trọng: Odyssey không là một câu chuyện phiêu lưu qua không gian địa lý, như Homer muốn chúng ta tin. Trái lại, đó chỉ là toàn bộ tấn bi kịch nội tâm của Ulysses. Tất cả những gì xảy ra trong câu chuyện đều là biểu hiện của tiềm thức. Tất nhiên, ông bạn cũng đã có đôi điều sở đắc về Freud chứ?"
"Vâng, chút ít".
"Tốt, chính Freud sẽ hướng dẫn chúng ta đi xuyên suốt qua cảnh quan nội tâm của Ulysses, chứ không phải Berard cùng với bao nhiêu là bản đồ và khoa ngữ văn vô bổ của ông ta… và thay vì Địa Trung Hải, chúng ta sẽ thám hiểm tâm trí của Ulysses, hay đúng hơn, tiềm thức của hắn ta".
Hơi cáu, tôi nói giọng hơi xẵng: "Vậy thì chỉ vì một vở kịch phòng the như thế, chúng ta cất công đi Capri làm gì? Chúng ta cứ việc nằm lì trong một căn phòng tiện nghi, hiện đại ở Rome cũng xong tất".
Rheingold ném cho tôi một cái nhìn ngạc nhiên pha lẫn trách móc, đoạn hắn cười một cách gượng gạo, không muốn câu chuyện có nguy cơ kết thúc một cách khó chịu đến thế: "Chúng ta nên trở lại câu chuyện này một cách bình tĩnh hơn, ở Capri", hắn nói, "Ông không thể vừa lái xe vừa thảo luận về Odyssey với tôi được. Bây giờ ông chuyên tâm lái xe đi, phần tôi, tôi sẽ ngắm phong cảnh tuyệt đẹp này".
Tôi không dám trái lời hắn, và trong gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi chẳng nói năng gì. Chúng tôi vượt qua vùng đầm lầy cổ Pontive, với làn nước đục lờ đờ của con kênh nằm về phía bên tay phải và tấm thảm xanh của bình nguyên mới khai hoang bên trái, chúng tôi vượt qua Cisterna, đến Terracina. Rời thành phố này, con đường bắt đầu chạy ôm sát bờ biển hơn, trong bóng những dãy núi đá khô cằn, thấp thoai thoải chạy dài ở phía bên này con đường. Biển hơi động, thấp thoáng sau những đụn cát màu vàng và đen, nước biển màu xanh đục, có lẽ do cát bị khuấy động lên sau một cơn bão vừa thổi qua. Những lượn sóng khổng lồ dềnh lên, ủê oải, và nước phủ đầy bọt trắng như bọt xà phòng tràn lên bãi biển ngắn và hẹp. Ngoài xa, biển vẫn lao xao nhưng không còn những đợt sóng và màu xanh lục hầu như biến thành màu tím than với những dải bọt trắng, thoắt ẩn, thoắt hiện, lướt nhanh qua theo chiều gió. Cảnh quang trên trời cũng hỗn độn như thế, những đám mây trắng trôi dật dừ đủ mọi hướng, những khoảng trời xanh chói chang ánh nắng, những cánh chim biển quay tròn, vút lên, nhào xuống như đuổi theo từng cơn gió. Tôi lái xe nhưng mắt vẫn ngắm nhìn toàn cảnh biển ấy, và bỗng nhiên, như để trút nhẹ mối ân hận mà cái nhìn ngạc nhiên, oán trách của Rheingold đã gây ra cho tôi khi tôi bảo rằng cái lối diễn giải Odyssey của hắn là một câu chuyện phòng the của các bà, một ý nghĩ chợt loé lên trong trí tôi rằng tôi đã không nhầm, trên mặt biển tươi sáng này, dưới bầu trời rạng rỡ này, dọc theo bờ biển vắng vẻ kia, thật dễ dàng tưởng tượng ra các chiến thuyền đen trùi trũi của Ulysses nổi bật giữa các đợt sóng, going buồm đi đến những miền đất hoang sơ chưa in dấu chân người của Địa Trung Hải. Và Homer đã dựng nên cảnh biển y như thế này, dưới một bầu trời cũng là bầu trời y như thế này, một bờ biển cũng là bờ biển này, vừa những con người, cũng giống như cảnh trí, có cái thuần phác cổ xưa, cái chuẩn mực đáng yêu. Mọi điều đều có ở đây, và ngoài ra, không còn gì khác nữa. Vậy mà giờ đây, Rheingold muốn biến cái thế giới sáng rực này, lồng lộng gió, bừng bừng nắng với những sinh vật sống động, linh hoạt thành một cái huyệt nội tạng u ám không màu không sắc, không hình dáng, không ánh mặt trời, không cơn gió thoảng, cõi tiềm thức của Ulysses. Và như thế, Odyssey không còn là câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời, cuộc khám phá Địa Trung Hải trong trí tưởng tượng kỳ ảo của con người, trái lại, đã trở thành tấn bi kịch nội tâm của con người hiện đại bị vây hãm trong những mâu thuẫn của chứng loạn tâm thần. Để kết luận cho những suy tưởng trên, tôi tự nhủ chắc tôi chẳng bao giờ phải rơi vào một kịch bản bất hạnh hơn, cộng thêm vào cái xu hướng của điện ảnh muốn cường điệu hóa cái xấu một cách không cần thiết, nay lại có thêm cái ảm đạm, máy móc, khô khan của môn phân tâm học áp dụng vào một công trình nghệ thuật tuyệt vời như Odyssey. Bây giờ con đường lượn sát bờ biển, và dọc bên đường là sắc xanh của các vườn nho sum suê trồng hầu như ngay trên cát, xa hơn là một đoạn bãi biển ngắn đầy những mảnh gỗ vỡ vụn đen xì, từng lúc lại tràn ngập sóng xô vào. Tôi dừng xe lại và nói một cách khô khan: "Tôi duỗi tay duỗi chân một lát".
Chúng tôi ra khỏi xe và tôi bước ngay xuống con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua vườn nho xuống đến bãi biển. Tôi giải thích với Rheingold: "Tôi đã tù túng trong nhà từ tám tháng nay…kể từ mùa hè năm ngoái, nay mới thấy lại biển. Chúng ta xuống bãi một lát đi".
Rheingold im lặng bước theo tôi, có lẽ hắn còn cảm thấy phật ý và bực mình với tôi. Con đường chạy vòng vèo xuyên qua vườn nho một đoạn ngắn và dẫn đến bãi cát. Tiếng máy xe đều đều và buồn tẻ được thay thế bằng tiếng gầm ngắt quãng và vang dội – đối với tôi, một âm thanh tuyệt vời biết bao – của những đợt sóng chồm lên nhau, xô vào nhau hỗn độn. Tôi bước đi một đoạn ngắn, khi thì chạy xuống nền cát ẩm lung linh, khi thì chạy ngược lên lại, theo từng đợt sóng ập vào hay rút ra, sau hết, tôi dừng lại và đứng yên trên chóp một đụn cát, đưa mắt nhìn về phía chân trời. Tôi nghĩ rằng tôi đã làm mất lòng Rheingold và tôi nên bắt đầu câu chuyện lại một cách lịch sự hơn, và có lẽ, hắn đang chờ tôi làm việc đó. Vì vậy, mặc dù bực mình vì không được tiếp tục ngắm cảnh bỉên khơi bao la, tôi quyết định quay lại. "Rheingold, tôi xin lỗi", tôi nói liền, "có lẽ tôi ăn nói không được khéo, nhưng quả thật, lối diễn giải của ông không thuyết phục tôi lắm…nếu ông muốn, tôi sẽ giải thich tại sao".
Hắn hau háu trả lời liền:"Ông nói đi, nói đi…Thảo luận cũng là một phần của công việc, phải không nào?"
Không nhìn hắn, tôi nói: "Lý luận của ông không hoàn toàn thuyết phục tôi, tuy tôi không nói rằng Odyssey không mang những ý nghĩa đó. Nhưng phẩm chất cao cả nhất của thơ Homer, và nói chung, của nghệ thuật cổ điển, là ẩn chứa không những một ý nghĩa như thế, mà còn hàng ngàn ý nghĩa khác mà theo tôi, hàm chứa trong một hình thức sâu xa. Điều tôi muốn nói là", tôi nói thêm, bỗng dưng cảm thấy giận dữ một cách vô cớ, "cái đẹp của Odyssey năm trong niềm tin ở cái thực trong nguyên trạng, khách quan, nguyên khối, không phân tích, mổ xẻ được, hãy lấy nguyên khối hoặc đừng đụng tới". Tôi kết luận, vẫn không nhìn Rheingold mà nhìn ra biển: "Nói cách khác, thế giới Homer là một thế giới có thật. Homer thuộc về một nền văn minh phát triển một cách hài hoà chứ không đi ngược lại với thiên nhiên…đó là lý do tại sao Homer tin vào cái thực của một thế giới có thể cảm nhận được, ông nhìn thấy thế giới một cách trực tiếp và cũng miêu tả nó như thế. Và vì thế, chúng ta chấp nhận nó đúng theo bản chất của nó, tin vào nó như Homer tin, trọn vẹn và không tìm cách moi ra những ý nghĩa thầm kín nào khác".
Tôi ngừng nói, những toan tính này của tôi để soi sáng vấn đề, thay vì làm tôi bình tĩnh trở lại, càng làm tôi giận dữ thêm hơn một cách kỳ lạ, có vẻ như là tôi biết tôi đã cố gắng một cách vô ích. Và câu trả lời của Rheingold đến ngay, kèm theo một chuỗi cười lớn đắc thắng: "Hướng ngoại, hướng ngoại…ông Molteni, ông, giống như mọi cư dân Địa Trung Hải, ông là một kẻ hướng ngoại và ông không hiểu được tâm lý một kẻ hướng nội. Nhưng tất nhiên, điều đó chẳng hại gì. Tôi là một kẻ hướng nội và ông là một kẻ hướng ngoại…ấy chính vì thế mà tôi đã chọn ông, ông sẽ là đối trọng cho tính cách hướng nội của tôi. Sự hợp tác của chúng ta sẽ rất tuyệt vời, như sau này ông sẽ thấy".
Tôi đang sắp sửa trả lời hắn và tôi nghĩ rằng tôi lại sắp làm hắn phật ý, vì tôi lại cảm thấy chán ghét cái sự trì độn bướng bỉnh của hắn thì bỗng một giọng nói quen thuộc đột nhiên vọng lại từ phía sau lưng tôi: "Rheingold, Molteni…các ông làm gì đấy? Thở hít không khí biển cả đấy à?"
Tôi quay lại và trông thấy, in rõ nét trong ánh sáng rực rỡ ban mai, dáng người của Battista và Emilia chót vót trên đỉnh của những đụn cát. Battista đang tụt nhanh về phía chúng tôi, Emilia theo sau, chậm rãi hơn, mắt nhìn xuống đất. Thái độ của Battista biểu lộ một sự vui vẻ tột độ với dáng tự tin vững chãi hơn hẳn mọi khi, trong lúc đó, Emilia tỏ ra khó chịu, bối rối và ghê tởm.
Ngạc nhiên, tôi nói ngay với Battista: "Chúng tôi tưởng ông đã đi xa rồi…đến Formia là ít nhất, hoặc xa hơn nữa kia".
Battista trả lời, giọng rất tự tin: "Chúng tôi có đi vòng vèo một tí…tôi muốn chỉ cho bà nhà xem một khu đất của tôi gần Rome, nơi tôi dự định xây một biệt thự…rồi lại còn bị cái rào chắn nữa". Hắn quay qua Rheingold và hỏi: "Tốt cả chứ? Rheingold có bàn luận về Odyssey chứ?"
"Tất cả đều tốt", Rheingold đáp lại, vẫn với cái văn phong điện tín ấy, vẫn không thèm ngước mặt lên. Rõ ràng là sự xuất hiện của Battista làm hắn khó chịu, hắn muốn tiếp tục tranh luận với tôi hơn.
"Tuyệt! Tuyệt lắm!", Battista nói, và một cách thân mật, nắm lấy hai tay chúng tôi kéo về phía Emilia lúc bấy giờ đã dừng lại ở một chỗ không xa lắm. Với một vẻ ga lăng, đối với tôi thật là khó chịu, hắn nói tiếp: "Bây giờ, thưa quý phu nhân, xin bà quyết định cho, chúng ta sẽ ăn trưa ở Napoli hay ở Formia? Bà hãy chọn đi!"
Emilia giật mình và đáp: "Ông chọn đi chứ! Đối với tôi đâu cũng thế mà thôi".
"Không, không, ơn Chúa, chính các bà quyết định hết đấy!"
"Vậy thì chúng ta sẽ ăn ở Napoli, hiện tôi chưa đói".
"Tốt lắm, chúng ta chọn Napoli. Món xúp cá tuyệt vời. Một ban nhạc chơi bản O sole mio…". Rõ ràng là Battitsta đang vui sướng tột độ.
"Đến mấy giờ thì có tàu thuỷ đi Capri?", Rheingold hỏi.
"Vào lúc hai giờ rưỡi. Thôi chúng ta đi thôi", Battista đáp. Hắn rời chúng tôi và leo lên đường.
Rheingold đi theo, bắt kịp hắn và sóng vai đi bên cạnh. Emilia, trái lại, nấn ná tại chỗ một lúc, vờ nhìn ra biển, như thể để cho hai người kia đi trước chúng tôi. Nhưng khi tôi đến bên nàng, Emilia nắm chặt cánh tay tôi và hạ giọng nói: "Em đi với anh…đừng từ chối em!"
Tôi kinh ngạc với cái giọng khẩn trương của nàng:"Sao? Có điều gì thế?"
"Không, chả có gì cả…chỉ có điều là Battista chạy xe nhanh quá".
Chúng tôi im lặng leo ngược lên con đường mòn. Khi chúng tôi lên đến nơi hai chiếc xe đang đậu, Emilia, với vẻ dứt khoát, đi về xe của tôi.
"Kìa", Battista kêu lên, "Quí phu nhân chẳng phải đang đi cùng tôi đấy sao?"
Tôi quay lại, Battista đang đứng bên chiếc cửa mở sẵn của chiếc xe của hắn, giữa con đường chói nắng. Rheingold nhìn chúng tôi, do dự giữa hai chiếc xe. Emilia bình thản nói: "Bây giờ tôi đi với chồng tôi, chúng ta sẽ gặp nhau tại Napoli".
Tôi tưởng Battista sẽ nhượng bộ, không đòi hỏi gì nữa. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, hắn chạy về phía chúng tôi. "Thưa bà, bà còn hai tháng ở cạnh ông nhà ở Capri…còn tôi", hắn hạ thấp giọng xuống như để gã đạo diễn khỏi nghe thấy, "tôi quá ngấy cái lão Rheingold này ngay từ Rome, tôi cam đoan với bà rằng lão ta là một con người chán ngắt. Ông nhà chắc không hề bận tâm về chuyện bà đi cùng tôi đâu, phải không, Molteni?"
Tôi không còn cách trả lời nào khác, dù gắng gượng: "Không, không sao đâu. Chỉ có điều Emilia nói rằng ông lái xe nhanh quá".
"Tôi sẽ đi như sên bò", Battista hứa, đùa bỡn nhưng rất nhiệt tình.
"Tôi chỉ xin đừng để tôi một mình với Rheingold", hắn lại hạ thấp giọng, "các bạn phải biết hắn đáng chán đến mức nào. Hắn chả nói chuyện gì khác ngoài phim ảnh".
Tôi không biết điều gì đã hớp hồn tôi lúc đó. Có lẽ tôi nghĩ rằng cũng chẳng đáng phiền lòng Battista vì những chuyện không đâu thế. Không kịp suy nghĩ, tôi nói: "Nào, Emilia, em vui lòng đi cùng Battista đi.Ông ta nói đúng đấy", tôi mỉm cười nói thêm, "Với Rheingold, ngoài phim ảnh ra, ta chẳng biết nói gì với ông ta nữa".
"Đúng thế", Battista xác nhận, hài lòng ra mặt. Đoạn, hắn nắm lấy tay của Emilia, rất cao, chỗ ngay dưới nách, miệng nói: "Ta đi thôi, thưa bà, bà đừng có ác với tôi…tôi hứa sẽ chạy như đi bộ vậy".
Emilia ném cho tôi một cái nhìn mà vào lúc đó, tôi không hiểu được, sau đó, nàng chậm rãi trả lời: "Tốt thôi, nếu các ông đã nói thế". Nàng quay người lại với vẻ quyết định rất đột ngột và vừa nói thêm: "Nào, chúng ta đi thôi" nàng cất bước đi cùng Battista, trong lúc hắn vẫn giữ chặt tay nàng, như sợ nàng bỏ chạy mất. Tôi đứng tần ngần bên cạnh chiếc xe, nhìn sững Emilia và Battista đi xa dần. Bên cạnh Battista, mập và thấp hơn, nàng bước đi một cách thẫn thờ, chậm rãi với một vẻ bất bình, nhưng vẫn đầy vẻ khêu gợi một cách bí ẩn. Lúc đó, tôi thấy nàng rất đẹp, nàng không phải là một "phu nhân" trung lưu như trong cách xưng hô của Battista với cái giọng tham lam, sắc lém của hắn, nhưng thật tình rất đẹp, như một tạo vật đứng ngoài thời gian và không gian, hài hoà với cảnh biển và trời long lanh, rực sáng, trên đó, nổi bật lên bóng dáng yêu kiều của nàng. Và vẻ đẹp của nàng vừa có vẻ phục tùng, vừa có vẻ ngang ngạnh, và vì sao, tôi không tài nào giải thích được. Rồi trong lúc đôi mắt dõi nhìn theo nàng, tôi chợt choáng váng khi nghĩ ra: "Thằng ngốc…có lẽ nàng muốn ở lại một mình với mày…có lẽ nàng muốn nói chuyện với mày, để giải thích mọi điều, một lần cho rốt ráo…có lẽ nàng muốn tâm sự với mày…có lẽ nàng muốn nói với mày rằng nàng vẫn yêu mày. Vậy mà mày ép nàng đi cùng với Battista!". Ý tưởng đó làm tôi cảm thấy hối tiếc đến lặng người và tôi đưa tay lên như để gọi nàng. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn, nàng đã bước lên xe của Battista, và Battista đã ngồi vào chỗ của hắn bên cạnh nàng, và Rheingold đã đến bên tôi. Vì vậy, tôi lên xe và Rheingold ngồi vào chỗ bên cạnh tôi. Vào đúng lúc đó, xe của Battista vượt qua chúng tôi, nhanh chóng nhỏ dần đi ở xa và biến mất.
Có lẽ Rheingold nhận ra sự cáu kỉnh và bực tức của tôi vào lúc đó, vì, thay vì bắt đầu lại câu chuyện về Odyssey như cứ nơm nớp lo sợ, hắn kéo sụp chiếc mũ xuống tận mắt, lựa thế ngồi êm nhất trên ghế và ngủ thiếp đi ngay. Tôi im lặng lái, cưỡng bách chiếc xe nhỏ vốn không lấy gì làm mạnh mẽ lắm chạy với tốc độ cao nhất, trong lúc nỗi bực tức của tôi càng lúc càng mạnh hơn lên, một cách không kềm chế được.
Con đường đã tách xa bờ biển, và đang chạy qua một miền quê trù phú, vàng rực dưới nắng. Vào một dịp khác, tôi đã thả mình tận hưởng cái thú chạy qua dưới những hàng cây sum suê này, từng chập đan nhau bên trên đầu tôi, tạo nên một hành lang sinh động kết bằng những cành lá rì rào, hoặc dưới rạng ô liu màu xám, rải rác trải dài ra đến ngút tầm mắt, hoặc trên những sườn đồi ửng đỏ, băng qua những vườn cam trĩu lá để lộ những quả tròn trĩnh, vàng ối, qua những toà nhà nông trang đã đen xỉn đứng bên cạnh những đụn cỏ khô sừng sữngnhư những lính canh. Nhưng tôi không thấy gì hết, tôi phóng tới, phóng tới và thời gian trôi qua, nỗi đau đớn của tôi càng tăng lên mãi. Tôi không cố tìm hiểu nguyên nhân của nỗi đau ấy, dường như nó vượt lên trên sự hối tiếc đơn thuần của tôi đã không cương quyết giữ Emilia đi cùng tôi, ngay cả nếu tôi đã có ý muốn ấy, tức là đã hiểu nguyên cớ vì sao tôi đau đớn đến thế, có lẽ tôi cũng không làm nổi việc ấy, cơn giận dữ đã làm tôi mê muội hết rồi. Nhưng giống như mọi căng thẳng không kìm nổi của thần kinh vốn chỉ kéo dài đến hết một khoảng thời gian nào đó, sau đó yếu dần và chấm dứt hẳn, để lại nạn nhân ê ẩm, đau đớn. Cơn cáu giận của tôi lên đến cực điểm khi chúng tôi vượt qua những cánh đồng và rừng cây, cao nguyên và núi đồi, sau đó yếu dần đi và cuối cùng khi chúng tôi đến gần Napoli thì biến mất hoàn toàn. Bây giờ chúng tôi đang lướt nhanh xuống đồi tiến về phía biển, làn nước xanh của vịnh đã thấp thoáng hiện ra phía sau những cây thông và cây mộc lan, tôi cảm thấy buồn chán và mê muội, y hệt một kẻ tâm thần sau cơn động kinh dữ dội, ê ẩm cả thể xác lẫn tâm hồn.
Ngôi biệt thự của Battista, như chúng tôi đến biết khi đến Capri, nằm khá xa quảng trường trung tâm, bên bờ biển, trên đường đi đến bán đảo Florento. Sau khi đưa Rheingold đến khách sạn, Battista, Emilia và tôi theo một con đường hẹp đi đến biệt thự.
Trước hết chúng tôi đi dọc theo con đường dạo mát phủ đầy bóng râm chạy vòng quanh đảo ở lưng chừng sườn núi. Bây giờ gần như đã là hoàng hôn, chỉ còn it người đi dạo, lặng lẽ và chậm rãi, dọc theo con đường lát gạch dưới bóng những cây trúc đào đang trổ hoa, hoặc giữa các bức tường bọc quanh những khu vườn cây cối sum suê. Thỉnh thoảng, qua các chòm lá thông và bồ kết, biển thấp thoáng ở xa, xanh ngăn ngắt, phản chiếu lóng lánh những tia nắng lạnh lẽo của vầng mặt trời đã gần khuất hẳn. Tôi bước đi sau Battista và Emilia, thỉnh thoảng dừng lại ngắm nhìn những đường nét tuyệt đẹp của phong cảnh, và ngạc nhiên nhận thấy mãi đến bây giờ, lần đầu tiên, tôi cảm thấy nếu không phải là thật sự vui mừng, ít ra cũng thư thái và bình tĩnh. Chúng tôi đi hết đoạn đường dài và rẽ v`o một đoạn đường mòn khác, hẹp hơn. Đột nhiên, ở một khúc quanh, hòn Faraglioni hiện ra và tôi vui mừng nghe Emilia thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc và đầy ngưỡng mộ, đây là lần đầu tiên nàng đến Capri và mãi đến lúc này, nàng mới chịu mở miệng. Từ trên cao này nhìn xuốngmùi, hai khối đá lớn trông thật lạ mắt, trải dài trên mặt biển giống như hai khối vẩn thạch rơi từ không trung xuống trên một mặt kính. Hân hoan trước cảnh đẹp, tôi kể cho Emilia nghe về một loại rắn mối chỉ sống trên đảo Faraglioni và không có ở một nơi nào khác trên toàn thế giới. Thân chúng màu xanh, sáng rực vì sống giữa trời xanh và biển xanh. Nàng tò mò lắng nghe tôi nói như thể là trong giây lát, nàng đã quên hết mối thù địch đối với tôi, làm tôi lại nhen nhóm một tia hy vọng hoà giải với nàng, và trong trí tưởng của tôi, chú rắn mối màu xanh mà tôi đã kể cho nàng nghe thường làm tổ trong các hốc sâu giữa hai khối đá, bỗng dưng đã có thể trở thành thần tượng của chúng tôi. Chú sẽ là hình ảnh của chúng tôi nếu chúng tôi lưu lại lâu trên đảo. Chúng tôi cũng sẽ mang một màu xanh thuần khiết trong sáng và sự êm đềm của những ngày nghỉ ngơi bên nhau và biển sẽ dần dần gột sạch màu đen u ám của những vấn vương ở đô thị. Chúng tôi sẽ xanh, với một màu sáng xanh trong tim, như các chú rắn mối, như biển xanh, như trời cao, như những gì sáng rực vui tươi và thuần khiết
Bỏ lại hòn đảo Faraglioni, con đường bắt đầu bò quanh co giữa các hố đá sâu thăm thẳm, nơi đây không còn biệt thự hay vườn tược gì nữa. Sau cùng, ở một địa điểm vắng vẻ, hiện ra một ngôi nhà dài được quét vôi trắng với một nền đất cao ở trước cửa, nhô cao hơn hẳn mặt biển, đấy là ngôi biệt thự của Battitsta.
Ngôi biệt thự không lớn, ngoài phòng khách nhìn ra nền đất cao trước nhà, còn có ba phòng khác. Battista đi trước chúng tôi như để phô vẻ tự hào của chủ nhân đối với chúng tôi. Hắn nói với chúng tôi rằng kể từ khi có được ngôi biệt thự này từ một vụ gán nợ, hắn chưa bao giờ đến ở nơi đây. Hắn khoe với chúng tôi cách chuẩn bị chu đáo của hắn để đón chúng tôi: hoa cắm trong phòng khách, sàn nhà bóng loáng còn thơm mùi sáp, ghé nhìn vào bếp, chúng tôi thấy vợ người quản gia đang bận bịu bên lò nướng bánh, chuẩn bị bữa ăn tối. Battista luôn phô trương hết những tiện nghi của căn nhà, khăng khăng mời chúng tôi đi xem từng xó xỉnh, thậm chí hắn còn lịch sự mở tủ quần áo, hỏi Emilia xem liệu có đủ móc áo không. Sau đó, chúng tôi trở lại phòng khách. Emilia bảo là nàng đi thay quần áo và đi ra. Tôi muốn bước theo nàng, nhưng Battista đã ngồi vào một chiếc ghế và mời tôi cùng ngồi xuống. Hắn châm một điếu thuốc và không rào trước đón sau, hỏi ngay một cách hoàn toàn đột ngột: "Nào, Molteni, ông nghĩ thế nào về Rheingold?"
Ngạc nhiên, tôi trả lời: "Thật tình, tôi không biết. Tôi mới gặp ông ta ít lần nên chưa phán xét về ông ta được. Theo tôi, ông ta thuộc hạng người nghiêm túc. Ông ta bảo ông ta là một đạo diễn cự phách".
Battista ngẫm nghĩ một lát đoạn nói tiếp: "Ông thấy đấy, Molteni ạ, tôi cũng không biết hắn ta kỹ lắm, nhưng tôi biết, không nhiều thì ít, những gì hắn nghĩ, cũng như những gì hắn muốn…Trước hết, hắn là người Đức, phải không nào? Trong lúc ông và tôi, chúng ta là người Ý, hai thế giới, hai quan niệm sống, hai cảm quan khác nhau"
Tôi không nói gì. Như thường lệ, Battista đang nói vòng quanh, chưa đi vào vấn đề chính, vì vậy, tôi đợi thử xem hắn còn nói gì thêm. Hắn tiếp tục: "Ông thấy, Molteni, tôi muốn đặt ông, một người Ý, làm việc bên cạnh Rheingold, bởi vì tôi thấy hắn khác biệt chúng ta quá. Tôi tin ông, Molteni, và trước khi đi khỏi nơi đây, càng sớm càng tốt, tôi muốn cho ông vài lời khuyên".
"Xin ông cứ nói", tôi lạnh nhạt trả lời.
"Tôi đã quan sát Rheingold trong lần đầu tiên chúng ta thảo luận về cuốn phim, hoặc hắn đồng ý với tôi, hoặc hắn chẳng nói gì hết…Nhưng tôi biết người đời quá rõ, tôi tin sao được cái thái độ ấy. Molteni, những người trí thức các ông, tất cả, tất cả, không loại trừ ai, ít nhiều các ông đều nghĩ rằng những nhà sản xuất chỉ là những con buôn, vậy thôi. Đừng phủ nhận điều đó, Molteni. Ông nghĩ thế, và Rheingold cũng nghĩ thế. Thật ra, đến một chừng mực nào đó, điều ấy đúng. Rheingold nghĩ rằng hắn có thể qua mặt tôi bằng cái thái độ thụ động ấy, nhưng tôi tỉnh táo, tỉnh táo lắm, Molteni ạ".
Tôi nói một cách đột ngột: "Cốt lõi của vấn đề là ông không tin tưởng Rheingold".
"Tôi tin tưởng hắn và không tin tưởng hắn. Tôi tin tưởng hắn với tư cách là chuyên gia, là tay nhà nghề. Tôi không tin tưởng hắn với tư cách là người Đức, một người của thế giới khác, rất khác với thế giới chúng ta. Bây giờ…" Battista đặt điếu thuốc xuống chiếc gạt tàn và nhìn thẳng vào mắt tôi – "bây giờ, hãy minh định rằng điều mà tôi muốn là một cuốn phim càng trung thực với Odyssey của Homer càng tốt. Và ý định của Homer qua Odyssey là gì? Ông ta muốn kể lại một câu chuyện phiêu lưu có thể làm độc giả cứ phải luôn nín thở để theo dõi…một câu chuyện có thể nói là hoành tráng. Đó là điều Homer muốn làm, và tôi muốn các ông bám sát Homer một cách trung thực. Homer đã đặt những người khổng lồ, những con quỷ, bão tố, phù thuỷ và quái vật vào Odyssey – và tôi muốn các ông cũng đặt những người khổng lồ, những con quỷ, bão tố, phù thuỷ và quái vật vào cuốn phim".
"Nhưng tất nhiên là chúng tôi sẽ đưa chúng vào phim thôi…", tôi ngạc nhiên kêu lên.
"Phải, phải, các ông sẽ làm như thế, các ông sẽ làm thế…", Battista la lớn lên, trong một cơn thịnh nộ bất ngờ và đột ngột, "có lẽ các ông cho tôi là một thằng ngốc, phải không? Molteni, tôi không phải là một thằng ngốc". Hắn cao giọng và nhìn chòng chọc vào tôi với đôi mắt giận dữ. Tôi kinh ngạc với cơn giận dữ đột ngột đó và tôi cũng ngạc nhiên về cái sinh lực của hắn. Sau một ngày dài lái xe suốt và vượt qua vịnh Napoli để đến Capri, như tôi, có lẽ tôi đã đi nghỉ, hắn vẫn còn muốn thảo luận về những ý đồ của Rheingold. Tôi nói một cách nhẹ nhàng: "Nhưng điều gì làm ông nghĩ rằng tôi cho ông là thằng ngốc?"
"Thái độ của ông, thái độ của cả hai ông, Molteni ạ"
"Ông vui lòng nói trắng ra…"
Hơi bình tĩnh trở lại, Battista cầm điếu thuốc lên nói tiếp: "Ông còn nhớ - vào cái ngày lần đầu tiên ông gặp Rheingold trong văn phòng của tôi – ông có nói là ông không hợp với các loại phim ngoạn mục, hoành tráng, có phải không nào?"
"Vâng, tôi nhớ tôi có nói"
"Và để trấn an ông, Rheingold đã nói gì?"
"Tôi không nhớ rõ lắm"
"Tôi sẽ nhắc lại cho ông, Rheingold bảo ông đừng lo, hắn có ý định làm một phim tâm lý…một phim về mối quan hệ vợ chồng giữa Ulysses và Penelope. Có phải thế không?"
Một lần nữa, Battista làm tôi kinh ngạc, bên dưới cái vẻ thô bạo, cục súc, hắn là một con người rất sắc bén, sắc bén hơn tôi tưởng.
"Vâng", tôi thừa nhận, "tôi nhớ hắn có nói một câu đại loại như vậy".
"Bây giờ, vào lúc các ông chưa bắt tay vào kịch bản, chưa thực hiện được cái gì, tôi muốn báo cho ông biết một cách nghiêm túc nhất rằng, đối với tôi, Odyssey không phải là mối quan hệ vợ chồng giữa Uslysses và Penelope".
Tôi không nói gì và Battista, sau một lúc im lặng, nói tiếp: "Nếu tôi muốn làm một cuốn phim về những mối quan hệ vợ chồng, tôi đã chọn một cuốn tiểu thuyết hiện đại, tôi đã ở lại Rome và quay cuốn phim trong các phòng ngủ và phòng khách ở khu Parioli…Tôi chẳng cần bận tâm đến Rome và Odyssey làm gì, ông thấy không, Molteni?"
"Vâng, vâng, tôi thấy".
"Tôi không quan tâm đến những mối quan hệ vợ chồng, ông thấy đấy, Molteni ạ. Odyssey là câu chuyện về những chuyến phiêu lưu của Ulysses trên đường quay về Ithaca…và điều tôi muốn là một cuốn phim về những cuộc phiêu lưu của Ulysses…và để không còn một nghi vấn nào nữa về vấn đề, Molteni, tôi muốn một phim hoành tráng, hoàng tráng, ông hiểu không?"
"Ông không phải ngờ vực gì về điều đó", tôi trả lời hơi cáu,"Ông sẽ có một phim hoành tráng".
Battista ném điếu thuốc đi và với giọng đã trở lại bình thường, xác nhận điều tôi vừa nói: "Tôi không ngờ vực gì về điều đó, vì rằng, xét cho căn kẽ, chính tôi là người chi tiền. Ông phải hiểu rằng tôi nói ra tất cả những điều này với ông, Molteni, là để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Sáng ngày mai, các ông bắt tay vào việc và vì vậy, tôi muốn báo trước cho ông kịp lúc, và ấy cũng vì quyền lợi của ông . Tôi tin ông, Molteni, và tôi muốn ông làm người phát ngôn của tôi, cứ cho như vậy đi, đối với Rheingold. Mỗi khi cần thiết ông sẽ nhắc nhở Rheingold rằng Odyssey mang lại niềm vui cho người đọc, nay cũng vậy, sẽ luôn luôn mang lại niềm vui cho người xem phim, bởi vì nó là chất thơ, và tôi muốn chất thơ ấy được đưa trọn vẹn vào phim, đúng như nguyên trạng của nó".
Tôi hiểu rằng bây giờ Battitsta đã hiểu bình tĩnh trở lại, hắn không còn nói gì về cuốn phim hoành tráng mà hắn cứ khăng khăng đòi chúng tôi phải thực hiện, hắn nói về chất thơ. Sau khi ghé tạt thăm các quầy vé phàm tục, bây giờ đây, chúng tôi trở lại với những vùng trời cao xa của nghệ thuật và tâm linh. Với một vẻ nhăn nhúm được xem như là một nụ cười, tôi nói: "Đừng nghi ngại gì về chuyện đó, Battista. Ông sẽ có đầy đủ những chất thơ của Homer…hoặc trọn vẹn chất thơ chúng tôi có thể tìm ra nơi ông ấy".
"Tuyệt ,tuyệt lắm. Thôi chúng ta không nói về chuyện ấy nữa". Battista đứng dậy vươn vai, nhìn đồng hồ và đột ngột nói là hắn đi tắm rửa trước khi ăn tối và đi ra. Tôi còn lại một mình.
Ban nãy, tôi đã định về phòng và chuẩn bị đi ăn bữa tối. Nhưng cuộc thảo luận với Battista làm tôi quên khuấy và nó kích thích tôi, tôi bắt đầu đi đi, lại lại trong phòng, trong trạng thái hầu như không biết mình đang làm gì. Sự thật là những điều Battista vừa nói với tôi đã hé mở cho tôi thấy lần đầu tiên nỗi khó khăn của công việc mà tôi nhận một cách nhẹ dạ và vì chỉ nghĩ đến lợi lộc vật chất. Bây giờ tôi thấy tôi đã quỵ ngã trước vì nỗi nhọc nhằng tôi sắp phải gánh chịu cho đến khi kịch bản hoàn tất. Tôi tự hỏi: "Sao ta lại phải ra đến nông nỗi này? Tại sao ta phải ép mình cố gắng một cách khốn khổ, phải chịu đựng những tranh cãi không tránh được giữa Rheingold và ta với Battista, chưa kể những tranh cãi giữa Rheingold và ta, những thoả hiệp theo sau, nỗi cay đắng phải nêu tên mình trên những sản phẩm không phẩm chất và chỉ có mục đích là thương mại? Tại sao tôi phải chịu đựng hết những nỗi cớ sự này?". Chuyến viếng thăm Capri này, mới ban nãy đây thôi, đối với tôi hấp dẫn biết bao khi tôi từ trên con đường trên cao nhìn xuống hòn đảo Faraglioni, bây giờ bỗng nhiên trở nên vô vị, nhạt nhẽo, tất cả do từ một dự định bạc bẽo, không cơ sở - dự định điều hợp những yêu cầu của một con người nhà văn lương thiện như tôi với những yêu cầu hoàn toàn khác hẳn của một nhà sản xuất. Thêm một lần nữa, tôi nhận ra một cách đau đớn rằng Battista là ông chủ và tôi là kẻ đầy tớ, và một tên đầy tớ phải làm tất cả những gì ông chủ hắn muốn, không được cưỡng lệnh, và bất cứ một mánh khoé xảo quyệt hoặc phỉnh phờ nào hắn nghiệm ra được để tránh né uy quyền của ông chủ đều còn nhục nhã hơn sự tuân phục ngoan ngoãn. Nói tóm lại, khi đặt bút ký và bản hợp đồng, tôi đã bán rẻ linh hồn cho một con quỷ, con quỷ này, giống mọi con quỷ khác, vừa hay sách nhiễu vừa keo kiệt một cách bần tiện. Batitsta, trong một cơn bộc phát thành thật đã nói huỵch toẹt: "Tôi là kẻ chi tiền!". Tôi, tôi không cần đến tất cả sự thành thật đó để tự nhủ rằng: "Và chính ta là kẻ được nhận tiền". Câu nói ấy liên tục vang lên trong tai tôi mỗi lần tôi nhớ lại cái kịch bản phim ấy. Những ý tưởng đó bỗng làm tôi cảm thấy ngạt thở. Tôi cảm thấy một ước muốn mãnh liệt thoát ra khỏi chính khoảng không khí này mà Battsita đã hít thở. Tôi mở cửa bước ra thềm đất cao trước nhà.
Màn đêm đã buông xuống, khoảnh thềm cao trước nhà đã nhờ nhờ sáng dưới làn phản quang mờ ảo trải ngang qua bầu trời của một vầng trăng chưa mọc. Một chuỗi các bậc cấp từ thêm cao dẫn xuống lối đi chạy quanh đảo. Tôi ngần ngại một lát, muốn bước xuống những bậc cấp ấy để đi dạo một vòng, nhưng bây giờ đã quá muộn, vả lại, lối đi tối quá, tôi quyết định đứng lại trên thềm, tỳ người vào lan can, đốt một điếu thuốc và nhìn ra ngoài.
Bên trên tôi, trên nền trời đen xì và cắt sắc nét trên nền trời sáng đầy sao, sừng sững những mỏm đá của đảo. Những khối đá khác mờ mờ hiện ra ở vực sâu bên dưới. Đêm im ắng lạ lùng, có thể nghe được tiếng rì rào của từng đợt sóng chốc chốc lại vỗ vào bờ sỏi trong một vũng nước nhỏ bên dưới, rồi lại rút ra. Hoặc có lẽ tôi nghe nhầm chăng, không có tiếng rì rào nào cả mà đó chỉ là hơi thở của biển lặng lẽ dâng lên và toả rộng ra theo những đợt thuỷ triều. Không khí tĩnh mịch, không hơi gió thoảng, ngẩng đầu nhìn vễ phía chân trời, tôi có thể trông thấy tít tắp ở xa vệt ánh sáng của ngọn hải đăng ở mõm Camapanella trên đất liền, không ngới quay tròn, chợt loé lên rồi chợt tắt. Vệt sáng ấy, mờ ảo và heo hút trong bóng đêm bao la là dấu hiệu duy nhất của sự sống mà tôi có thể trông thấy chung quanh tôi.
Màn đêm tĩnh mịch nhanh chóng mang lại sự yên tĩnh trong tôi, vậy mà tôi vẫn thấy một cách rõ ràng rằng mọi cảnh đẹp trên thế gian này cũng không mang lại cho tôi một khoảnh khắc khuây khoả ngắn ngủi trong chuỗi phiền muộn triền miên của đời tôi. Thật vậy, sau khi đứng yên một lúc lâu, đầu óc rỗng không, mắt đăm đăm nhìn vào bóng tối, tâm trí tôi, dù tôi chẳng muốn, lại quay lại với những ý tưởng day dứt không nguôi, y tưởng về Emilia. Nhưng lần này, có lẽ do còn bị tác động bởi cuộc nói chuyện với Battista và Rheingold, với tình huống của tôi khá giống tình huống của nhân vật chính trong thơ Homer, ý tưởng đó quyện với ý tưởng về kịch bản Odyssey. Bỗng nhiên, trong ký ức mơ hồ hiện ra trong tâm trí tôi một đoạn trong khổ thơ cuối cùng của Odyssey, trong lúc chứng minh lại lai lịch của mình, Ulysses đã mượn chiếc giường đêm tân hôn của mình, qua đó, sau cùng, Penelope nhận ra chồng mình, tái mặt như gần ngất đi, rồi oà lên khóc, ôm chầm lấy Ulysses và nói lên những lời mà tôi đã thuộc lòng sau khi đã đọc đi, đọc lại, và tự lập lại với chính tôi: "Hỡi Ulysses, đừng nóng giận, anh, trong mọi biến cố, luôn tỏ ra là người khôn ngoan nhất. Các thần linh đã muốn đày đoạ chúng ta, không muốn cho chúng ta tận hưởng tuổi hoa niên bên nhau, mà chỉ cho chúng ta sum họp bên nhau khi mái đầu đã bạc trắng". Hỡi ôi, tôi không biết tiếng Hy Lạp, nhưng tôi biết rằng bản dịch không xác thực lắm vì đã không lột hết được nét tự thán đẹp đẽ trong nguyên bản của Homer. Mặc dù tôi vẫn luôn luôn cảm thấy thú vị đặc biệt khi đọc những dòng ấy, vì những cảm giác tỏa sáng qua những vần thơ ấy, dù dưới một lối diễn đạt rất bình thường, và khi đọc đến những câu ấy, tôi thường liên tưởng đến mấy câu trong bài sonnet trữ tình của Petrarch bắt đầu bằng câu:
Bến bình yên đã chứng tỏ tình yêu
Và kết thúc với khổ thơ ba câu:
Và nàng có lẽ sẽ trả lời cho tôi Bằng cách giữ lại một vài lời thánh thiện Biết bao lần, tiếng gọi này hay tiếng gọi khác
Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi, nơi Homer cũng như nơi Petrarch, là một tình yêu vững bền, không lay chuyển, không suy mòn, nguội lạnh, ngay cả lúc tuổi già. Bây giờ, tại sao những câu thơ ấy lại hiện ra trong trí tôi? Tôi thấy rằng hồi ức này xuất hiện từ mối quan hệ giữa tôi với Emilia, vốn rất khác biết với mối quan hệ giữa Ulysses và Penelope, giữa Petrarch và Laura, mối quan hệ ấy giữa tôi và Emilia có nguy cơ tan vỡ, không phải sau ba mươi hay bốn mươi năm chung sống, mà chỉ sau vài tháng. Trong mối quan hệ ấy, hy vọng sống bên nhau suốt đời hoặc mãi yêu nhau như thuở ban đầu đã tắt ngấm. Tôi, tôi đã ao ước biết bao mối quan hệ của tôi với nàng sẽ bền vững như thế, nay, tôi đứng đây một mình, trong kinh hoàng, đối diện với sự tan vỡ - mà tôi không thể nào hiểu nổi – sự tan vỡ ngăn cản giấc mơ của tôi biến thành sự thực. Tại sao thế này? Như thể để tìm câu trả lời từ trong ngôi biệt thự nơi đang có mặt Emilia, tôi xoay người, xây lưng về phía biển, quay mặt về phía cửa sổ.
Tình cờ, tôi đang đứng ở một góc của thềm nhà cao, nơi tôi có thể nhìn chéo vào phòng khác mà không ai có thể thấy tôi. Khi nhìn vào, tôi thấy cả hai người, Battista và Emilia, đều đang ở trong phòng. Emilia mặc chiếc áo dạ phục hở cổ màu đen mà nàng đã mặc vào dịp đầu tiên chúng tôi gặp Battista. Nàng đang đứng bên một quầy rượu di động và Battista đang cúi xuống cắm cúi pha rượu trong một cốc thuỷ tinh lớn. Tôi ngạc nhiên thấy một điều gì đó rất lạ lùng trong từng cử chỉ của Emilia – một vẻ gì đó vừa lúng túng, vừa trơ tráo, nửa bối rối, nửa cám dỗ, nàng đứng đợi Battista trao cho nàng ly rượu trong lúc vẫn đưa mắt nhìn quanh với một vẻ bứt rứt, khó chịu. Tôi nhận thấy những đường nét trên mặt nàng như nhoè đi, như mỗi khi nàng cảm thấy nghi hoặc, hay hoang mang. Battista đã pha xong rượu, rót đầy ly, đứng thẳng lên trao cho Emilia một chiếc, nàng giật mình như sực tỉnh và nhận ra sự đãng trí của mình và chậm rãi đưa tay ra đỡ lấy. Tôi nhìn thẳng vào nàng lúc ấy, đứng trước mặt Battista, hơi ngửa người ra sau, một tay cầm chiếc ly giơ cao lên, tay kia chống lên lựng tựa một chiếc ghế bành và tôi không thể không nhận thấy nàng dường như dâng hiến toàn tấm thân nàng khi ưỡn ra trước bộ ngực và cái bụng dưới của nàng dưới làn vải căng và bóng loáng của chiếc áo. Thái độ hiến dâng này, tuy vậy không hề lộ ra trên nét mặt nàng, trái lại, tôi chỉ đọc thấy trên đó một vẻ gì đó đầy hoang mang, bối rối. Cuối cùng, như để phá tan sự im lặng nặng nề, nàng nói một câu gì đó, đưa mắt chỉ về một dãy ghế bành xếp ở cuối phòng, quanh lò sưởi. Đoạn, một cách thận trọng như không muốn làm chao chiếc ly đầy đến ngang miệng, nàng bước về phía các chiếc ghế. Đến lúc đó, điều tôi ngờ sẽ xảy ra đã xảy ra thực. Battista bước theo, bắt kịp nàng ở giữa phòng và quàng tay ôm qua hông nàng, ghé mặt vào sát mặt nàng, phía bên trên bờ vai. Nàng phác một cử chỉ cự tuyệt, nhưng không tỏ vẻ gì quyết liệt, trái lại, với một vẻ linh hoạt như van nài, hoặc gần như đùa bỡn, đưa mắt nhìn lên chiếc ly nàng đang nắm chặt trên không. Battista cười lớn, lắc đầu và kéo nàng sát hơn vào người hắn với một động tác vội vã đến nỗi, như Emilia đã e ngại, chiếc ly lật ngang xuống. "Hắn sắp hôn lên miệng nàng", tôi nghĩ, nhưng tôi đã quên không nghĩ đến tính thô bạo của Battista, đến tính thô bạo của hắn. Thật ra, hắn không hôn nàng nhưng tóm lấy mép vải trên bờ vai nàng với một sức mạnh lạ lùng, tàn nhẫn, xoắn lại, và kéo mạnh xuống. Một vai của Emilia bây giờ đã trần trụi và Battista cúi đầu xuống, miết đôi môi của hắn lên đó. Emilia vẫn đứng im như để đợi hắn hôn xong, nhưng tôi kịp thấy trên nét mặt nàng, và trong mắt nàng, trong cái thời gian kéo dài của nụ hôn, nét bối rối và khó chịu như trước đó. Đoạn nàng nhìn ra cửa sổ và tôi thấy dường như hai cái nhìn của chúng tôi giao nhau, tôi thấy nàng phác một cử chỉ khinh miệt, và đưa tay kéo mép vải trên bờ vai bị trễ xuống, vội vã đi ra khỏi phòng. Tôi quay lại và bước trở lui ra thềm đất cao. Lúc đó, chủ yếu tôi chỉ cảm thấy rối mù và kinh ngạc, vì những gì tôi vừa chứng kiến hoàn toàn mâu thuẫn với những gì cho đến nay tôi được biết và suy nghĩ. Emilia, người cứ một hai bảo rằng không yêu tôi nữa và theo chính lời nàng nói, khinh bỉ tôi, nay trong thực tế, đang phản bội tôi với Battista. Như vậy, tình thế giữa hai chúng tôi đã đảo ngược lại, đang là người có lỗi, bỗng dưng trở thành người có lẽ phải, sau khi thấy mình vô cớ bị khinh bỉ, chính tôi bây giờ lại có đủ lý lẽ để khinh bỉ ngược lại và toàn bộ điều bí ẩn trong thái độ của Emilia đối với tôi chỉ là một vụ tằng tịu, tầm thường nhất. Có thể cái ý tưởng đầu tiên ấy, do lòng kiêu hãnh mớm cho tôi, tuy tàn nhẫn nhưng rất logic vào lúc ấy đã làm tôi không cảm thấy đau đớn khi phát hiện ra sự thiếu chung tình (hoặc một điều gì đấy được xem như là sự thiếu chung tình) của Emilia. Nhưng khi tôi bước đến bên cái bao lơn bên thềm đất cao, chao đảo và chóang váng, tôi đột nhiên cảm thấy đau nhói và bị đẩy sang đối cực bên kia, tôi lại tin chắc rằng điều tôi nhìn thấy là không đúng, không thể nào như thế được. Tôi tự nhủ rõ ràng là Emilia đã để cho Battista hôn nàng, nhưng theo một cách nào đó mà tôi không hiểu được, tội lỗi của tôi không phải vì thế mà được xoá đi. Tôi cũng hiểu rằng tôi vẫn không có quyền khinh bỉ Emilia – vì sao, tôi cũng không biết nốt – tôi thấy rằng Emilia vẫn giữ phần phải về nàng, cho dù tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh Battista hôn nàng. Như vậy, thật sự, tôi đã nhầm nàng không phản bội tôi, hoặc cùng lắm, sự phản bội của nàng cũng chỉ là bề ngoài, sự thật cốt lõi của sự thiếu chung tình ấy cần phải được tìm ra đàng sau cái vỏ bọc của bề ngoài ấy.
Tôi nhớ Emilia vẫn thường bày tỏ một mối ác cảm quyết liệt, theo tôi rất khó hiểu, đối với Battista, và cũng mới đây thôi, sáng hôm nay, đã hai lần nàng van nài tôi đừng để nàng một mình với hắn trên đường đi. Làm sao tôi liên kết được thái độ ấy với cái hôn ban nãy? Chắc chắn là cái hôn này mới chỉ là cái đầu tiên, do Battista đã khéo tận dụng được thời cơ đầu tiên hắn có được. Như vậy, tôi chưa mất gì cả. Tôi vẫn có thể tìm hiểu tại sao Emilia lại để cho Battista hôn như thế, và trước hết, tại sao mối quan hệ giữa hai chúng tôi vẫn không thay đổi sau cái hôn ấy? Và cũng bởi trước kia, hoặc chẳng kém gì trước kia, nàng vẫn dành quyền từ chối yêu tôi, và khinh bỉ tôi.
Có thể cho rằng đó không phải là lúc dành cho những suy tưởng dài dòng như thế. Phản ứng đầu tiên và duy nhất của tôi đáng ra là nhảy xổ vào phòng khách để chứng tỏ sự có mặt của mình trước đôi tình nhân. Nhưng tôi đã suy nghĩ nhiều về thái độ của Emilia nên không thể tự cho phép hành động một cách nông nổi và khinh suất như thế. Tóm lại, điều quan trọng nhất đối với tôi không phải là dồn Emilia vào thế bí, biến nàng thành người có lỗi. Vấn đề của tôi là làm sao soi sáng được mối quan hệ giữa hai chúng tôi. Nhảy xổ vào phòng sẽ là đặt dấu chấm hết cho mọi khả năng tìm ra được sự thật hoặc chinh phục lại được Emilia. Ngược lại, tôi tự nhủ phải hành động với sự chuẩn mực tối đa, với tất cả sự thận trọng rất cần thiết cho tôi trong những tình huống vừa tế nhị vừa mơ hồ như thế này.
Còn một điều khác nữa giữ tôi lại bên ngoài ngưỡng cửa phòng khách, điều này xem ra có vẻ vị kỷ hơn, tôi thấy tôi đã có được lý do xác đáng để tung hê kịch bản Odyssey, để tôi rứt ra khỏi một công việc làm tôi kinh tởm, để trở về với môn kịch nghệ yêu quý của tôi. Điều này tốt cho cả ba chúng tôi, cho Emilia, cho Battista và cho chính tôi. Cái hôn mà tôi vừa chứng kiến đúng là đỉnh điểm của sự man trá và trọn cuộc đời tôi đã kiên trì chống lại, cả trong mối quan hệ với Emilia cũng như trong công việc của tôi. Vậy là sau cùng, tôi đang đứng trước khả năng xoá bỏ được sự dối trá một cách dứt khoát.
Tất cả những điều này thoáng nhanh qua trí tôi, giống như khi cửa sổ bất ngờ bị mở tung ra, một cơn gió ập vào phòng, mang theo lá khô, bụi bặm và rác rưởi đủ loại. Khi cửa sổ được đóng lại, bên trong lại đột nhiên yên lặng và tĩnh mịch, tâm trí tôi cũng vậy, đột nhiên trống rỗng và bình thản, và tôi đứng đó, sững sờ, nhìn sâu vào bóng đêm, mọi tư duy và cảm xúc đều tê điếng. Trong tình trạng u ám như thế, hầu như không biết mình làm gì, tôi rời lan can, mở cửa bước vào phòng khách. Tôi đã ở ngoài bao lâu sau khi chứng kiến Battista đã hôn Emilia? Có lẽ lâu hơn tôi tưởng vì hiện tại, tôi thấy Battista và Emilia đang ngồi ở bàn, ăn dở bữa tối. Tôi nhận thấy Emilia đã thay chiếc áo bị Battista xe và mặc lại chiếc áo đi đường. chi tiết nhỏ này, như một chứng cứ cho sự phản bội của nàng, làm tôi đau đớn. "Chúng tôi nghĩ là ông đi dạo ban đêm", Battista nói một cách vui vẻ, "Vậy thì ông đã nấp ở đâu vậy?"
"Ở ngoài kia thôi", tôi đáp nhỏ. Tôi thấy Emilia ngẩng lên về phía tôi, nàng nhìn tôi một lát, đoạn đưa mắt nhìn xuống. Tôi tin chắc rằng nàng đã trông thấy tôi nhìn thấy họ ôm nhau, và nàng biết rằng tôi cũng biết nàng thấy tôi.