Đám cưới cô gái đầu lòng Octavia thì Lucia Santa đâu dám tiếc tiền? Phải thật là rình rang, phải làm sao cho đẹp mặt cả.
Nội khoản rượu chát thì lấy ở kho của lão chủ lò bánh ra, bao nhiêu vò bự bày chật hành lang. Cả núi dăm bông hạng nhất, cả mâm pho mát toàn thứ chiến! Bàn tiệc thì dĩ nhiên phải trải khăn đàng hoàng cho nổi bật từng đĩa bánh ngọt đủ màu, xen vào những đĩa kẹo hạnh nhân đám cưới đúng truyền thống. Còn nước ngọt thì phải nhiều hơn, chất đống cao tới trần nhà bếp, từ vỉ ba hộp một: nước cam, kem sô đa, nước dâu...
Nhà Lucia Santa có đám cưới thì bà con tới đủ mặt, có thể nói là không sót một nhà ở đại lộ số 10. Mấy người họ hàng, quen biết từ lâu nay làm ăn khá giả tậu nhà bên Island được mời ăn đám cưới cũng tới chia vui. Đi đám cưới gặp bà con nói dóc chơi đã vui, huống hồ lại được dịp thấy tận mắt một thằng vô thần chịu làm rể nhà này!
Dưới lớp lớp hoa đèn giăng kín phòng khách, bọn trẻ được dịp ôm nhau khiêu vũ bằng thích. Máy hát, đĩa hát đã có ông chủ tiệm hớt tóc hy sinh cho mượn. Người lớn chia nhau ngồi chật kín nhà, bàn ghế đi mượn về cũng bầy chật cứng, không còn có chỗ đi lại. Mỗi lần bà con tới mừng, đưa phong bao cho cô dâu là Octavia lại mau mắn chạy đưa cho bà mẹ để Lucia Santa khoái chí, bao nhiêu cũng thầu hết vào chiếc túi lụa đeo tòn ten ngang hông. Mỗi lần long trọng kéo khóa sắt rèn rẹt cho túi mở banh ra nuốt thêm một phong bao là một lần khuôn mặt bà mẹ vợ sáng rõ.
Nếu đám cưới là một ngày vui thì đời Lucia Santa đã có lần nào vui như thế này, dù đám cưới là thế nào cũng có chuyện bất ưng hơi phiền lòng một chút.
Chẳng là Octavia có một con bạn từ hồi còn đi học trung học tên Angelina. Con này nhà giàu, trong nhà gắn telephone kia mà? Nghe tin Octavia lấy chồng, nó tới chia vui, đưa đồ mừng thật hậu. Ông nào, cậu nao cũng nhấp nhổm hết!
Xem khuôn mặt Angelina đã ngộ sẵn mà con nhỏ còn trang điểm hơn cả cô dâu nữa! Phấn hồng đánh thật nổi, cặp mắt tô đậm như đào xinê mà cặp môi chỉ phơn phớt chút son hồng vừa đủ để che cái miệng quá rộng và nổi bật nét ngây thơ. Môi nó mòng mọng như nho vừa chín tới. Đến bộ đồ đi đám cưới của nó mới tối tân. Không có mốt nào hết, chỉ để hở gần nửa bộ ngực, dĩ nhiên ở phía trên cho thiên hạ ngắm chơi.
Vì vậy bà con tranh nhau mời người đẹp Angelina khiêu vũ không kịp thở. Thằng Larry mê tít bèn lờ luôn con vợ để bản nào cũng nhảy với nó khiến Lousia phát khóc mới thôi. Con vợ chịu sao nổi cảnh hai đứa ôm nhau đi lả lướt, nhè thằng chồng còn giở đủ mọi ngón duyên dáng, lịch thiệp để tán tỉnh, lúc nào cũng nhe hàm răng trắng nhởn ra cười khoái trá.
Được cái Angelina không khoái riêng ông nào, cậu nào. Ai mời cũng chiều lòng hết. Nó liên tiếp nhảy với lão chủ lò bánh góa vợ, với thằng con Guido cũng mùi mẫn như với gã chủ tiệm hớt tóc mắt ti hí. Ngay cụ chủ tiệm kẹo Angelo năm nay bảy mươi lăm tuổi cũng phải ráng nhảy với nó một bản mới chịu kia mà.
Phải công nhận Angelina là cây đinh bữa đó. Đàn ông con trai mắt la mày lét, đang nhậu nhẹt hay đấu láo cũng bỏ hết để bám lấy người đẹp, không được hân hạnh nhảy một bài thì cũng đứng trơ ra nhìn cho đã! Thế rồi Angelina nhảy đến mỏi chân, nhảy nóng cả người và còn sợ lớp phấn sáp làm mặt dám rã rời loang lổ đến nơi đành phải rỉ tai Octavia xin cho về sơm sớm chút kẻo hết xe về Island.
May quá! Octavia lẹ làng ôm hôn cô bạn một cái rồi từ biệt cho rồi, chậm trễ dám sinh giặc vì ngay chú rể Norman Bergeron chỉ ngày cưới vợ mới chịu buông cuốn sách ra mà nãy giờ còn giương mục kỉnh nhìn người đẹp Angelina lom lom bằng đôi mắt thật thi sĩ kia mà?
Sau cùng cũng chẳng chuyện gì xảy ra, bất quá cũng chỉ là một chuyện bất ưng vốn đầy rẫy trên cõi đời này. Lộng lẫy như thế đó rồi Angelina chồng con vào cũng đến mái sề, cũng ngồi lê la nói chuyện tào lao như các bậc đàn chị để nhường chỗ cho lớp nhỏ lên thay. Tạm thời thì người đẹp có quyền cho rơi các đàn anh xóm đại lộ số 10 để vào chào từ biệt bác Lucia Santa, nhí nhảnh như một nàng con gái Mỹ chính cống biết mình trẻ đẹp. Trong khi đó bà mẹ Octavia chỉ mỉm cười đáp lễ với dáng điệu lạnh lùng, cao ngạo trưởng giả. Mụ thầm hài lòng với ý nghĩ tao còn con nhỏ Lena... Rồi đây lớn lên đâu chịu thua mi, nhà nó cũng sẽ ở Long Island như mi và chắc chắn nó cũng duyên dáng Mỹ rặt vậy chứ?
Chao ôi, tai họa thường bất chợt vào phút chót. Đúng lúc Angelina dậm bước trở ra thì tình cờ chạm mặt Gino. Nó đâu đã đủ 16 tuổi nhưng người to con, vạm vỡ, rắn chắc. Bộ complê xám mới toanh, đặc biệt mua của dân “nhảy dù” bến tàu nhân đám cưới chị Octavia càmg làm cho nó người lớn hơn nhiều.
Suốt ngày hôm nay nó tình nguyện lãnh chân mở rượu, khui nước ngọt hầu hạ khách khứa. Nó cứ lầm lầm lì lì làm như máy, lo chu toàn nhiệm vụ nên ai cũng tưởng đâu nó ngoan ngoãn, dễ thương lạ! Chỉ một mình Lucia Santa hiểu tính thằng con vì Gino làm xem xôm vậy nhưng ngần này người quây quần ở đây đối với nó có nghĩa gì đâu? Nó chẳng buồn nhìn ai, chẳng muốn nghe chuyện gì... muốn nghĩ nó xấu hay tốt bất cần cũng như ai sống ai chết nó chẳng quan tâm. Làm như chỗ của nó chẳng phải ở đây, nó lạc lõng và bị cầm chân trong một ngày nên đành phải nhận làm một cái gì đó cho qua thì giờ.
Dĩ nhiên ý nghĩ riêng của Gino chẳng ai đọc được nên bà con thấy nó “ngoan” vậy là chịu lắm, nhất là ông bác họ Piero Santini lập nghiệp bên Tuckahoe. Ông này râu rậm đêm ngày lo làm việc quá nhiều nên người quắt lại như một cây đinh. Chẳng gì cũng làm chủ bốn cái xe vận tải chứ ít sao? Bà vợ mập ú, tính ba trợn đeo đầy người đồ vàng giả và tiêu thụ bánh kẹo thì như điên trong khi đứa con gái mười bảy tuổi thẹn thùng ngồi xen giữa bố mẹ mà ánh mắt rời anh Gino không nổi!
Nãy giờ con nhỏ Caterina mê mệt Gino làm sao qua mắt ông già nó nổi? Giữ gìn nó bao lâu nay làm gì Santini không biết tính nết cô gái cưng? Mới đầu thì bực bội, sau đó đổi ý ngay. Con nhỏ bị bố kiểm soát kỹ, đúng lề lối con nhà làm ăn bên Ý chứ đâu được phép ăn chơi buông thả như gái Mỹ, nay xin phép đi chơi, đi xem hát với anh này anh kia? Nhất là vụ xin đi “khiêu vũ” gia đình thì cấm tiệt vì ông bố Santini đầu óc nặng trĩu thành kiến: “Chúng nó mà... nhảy cái quái gì? Bọn nhãi con bây giờ chỉ gỡ gạc!”.
Kinh nghiệm quá mà? Santini tuyên bố chẳng còn lạ gì đầu óc mấy thằng nhãi con đời nay? Chúng chỉ muốn có mỗi thứ con gái mà nhẹ dạ cả nể với chúng là chém chết cũng lãnh một bầu sống dở chết dở chỉ làm khổ cha mẹ. Nhưng phải nhìn nhận là con bé Caterina đã “chín mùi” rồi, cấm cản nó mãi không nổi! Mụ vợ thì chẳng trông cậy được tí gì... mà hắn lại sắp phải mua sắm thêm hai chiếc xe nữa mới là kẹt nặng. Thêm xe là thêm việc và tiền cũng vào thêm chắc. Lại phải bận rộn đếm tiền đến sáng đêm và xem chừng mấy chú em giúp việc cũng đủ mệt. Sơ sẩy, ỷ y vào người làm là có chầu bị chúng rút ruột.
Chúng làm sao qua mặt nổi đàn anh Piero Santini? Hắn quá rành cái nghề có xe vận tải chạy mướn theo thời thế mà xoay như chong chóng. Cái gì có ăn là nhào vào liền. Đang chuyên chở mướn xoay qua đổ rác... mà chở uýt ky lậu cũng ok miễn có kẻ chịu chi tiền đúng mức.
Vụ con Caterina làm hắn suy nghĩ nhanh như chớp. Không chừng đi ăn đám cưới bữa nay lại hóa hay. Thằng Gino ít lời và làm luôn tay luôn chân nhanh nhẹn thế kia nhất định dai sức: Mình nó lên hàng xuống hàng dám bằng cả thằng tài xế lẫn hai thằng lơ làm biếng cộng lại! Nếu vậy người nó đúng là vàng khối, có giá lắm.
(Phải chi ông bác họ Piero chịu hỏi ý kiến Lucia Santa và bà con lối xóm đại lộ số 10 về giá trị lao động của cậu cháu quý Gino thì chắc chắn họ sẽ cười rũ ra và phong liền cho nó chức vô địch thất nghiệp toàn khu, cam đoan hết thuốc chữa).
Santini vẫn nhìn Gino đăm đăm. Lúc mụ vợ hắn xề lại gần đĩa bánh mới, bỏ trống chiếc ghế là hắn ngoắc nó lại bảo rót ly rượu và ra hiệu ngồi xuống nói chuyện chơi.
Bà con thấy thằng cháu nghèo mạt khi không được ông bác nhà giàu chiếu cố, kêu lại nói chuyện thân mật thì chú ý lắm. Bao nhiêu con mắt nhìn xâu xé. Dù hiền lành, dù nhà quê chẳng biết gì mà được bồ Teresina nháy nhó điểm chỉ một phát là Lucia Santa biết ngay chuyện gì đang xảy ra.
Không ai bảo ai sau khi nhìn hai bác cháu Gino là bao nhiêu con mắt lại tự động “chiếu tướng” con nhỏ Caterina. Chỗ người đồng hương với nhau còn ai không biết tấm gương sáng lạn của Caterina Santini? Lâu nay nó chẳng từng được tiếng con nhà làm ăn “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đó sao? Nghe nói nó đã có nết mà tài tề gia nội trợ cũng đảm lắm. Mới tí tuổi đầu mà nấu bếp rất cừ. Chủ nhật nào bố nó chẳng có một món ăn đặc biệt? Ngay mì ống Caterina còn cán lấy ở nhà kia mà? Nó lại chẳng phấn son, tối kỵ đi thứ giày cao gót mà theo truyền thống chỉ làm lệch lạc xương hông!
Nhưng chừng mê thì nó cũng mê vậy. Đến thánh cũng còn bị mà. Xem nó mê mết ra mặt thế kia còn giấu nổi ai? Mặt đỏ bừng bừng, ngực phập phồng lên xuống dữ, cả cơ thể nó như muốn vỡ ra. Cặp mắt to long lanh ướt rượt giả vờ nhìn xuống, nhìn cặp chân bắt chéo, người nó hừng hực bốc lửa được.
Trước cảnh đó, Lucia Santa mừng húm. Mụ mừng giùm cho thằng con mặt mũi vô duyên, chỉ được cái khổ người sống động - kết quả của mấy năm chạy nhảy dông dài phơi nắng thay vì làm vi^.c! Đám cưới con chị không ngờ lại may thằng em! Như một con sói đánh hơi thấy máu, Lucia Santa cố nghển người vểnh tai ra nghe xem gã cáo già Santini nói gì với thằng nhỏ nhưng tiếng nhạc ầm ầm chẳng nghe thấy gì hết.
Lúc ấy bác Piero dùng tiếng mẹ đẻ ngọt ngào hỏi thằng cháu: “Thế hiện giờ cháu làm gì, cháu dự tính làm gì... hay chỉ ngày ngày đi học?”. Quái lạ, nó cứ giương mắt nhìn mãi. Nó làm như không biết nghe tiếng Ý vậy. Mãi sau mới mỉm cười ngượng. Santini hiểu ngay: ra cu cậu bất ngờ được ông bác hỏi đến lấy làm cảm động và ngượng ngùng nói không nên lời!
Để nó mạnh dạn, tự nhiên mà cũng để tiến dần vào đề, bác Piero bèn thân mật vỗ vai Gino trách yêu: “Cháu để con gái bác, con Caterina chết khát hay sao đây mà không cho uống một cái gì? Một ly kem sô đa chẳng hạn? Mà con khát nước phải không, Caterina?”
Con nhỏ ngượng chín người. Nó đâu dám nhìn lên mà chỉ cúi mặt gục gật đầu.
Gino cũng vậy. Nó chỉ nghe mỗi tiếng “kem sô đa” và thấy con nhỏ gật đầu là đứng lên, đi bưng tới mời một ly. Nó đâu biết gì mà sự thực biết làm sao được... vì chính nó có để ý đến sự hiện diện của ai đâu? Đưa xong ly nước là nó lẹ làng quay ngoắt đi, chẳng thấy ông bác Piero đập đập xuống mặt ghế ra hiệu ngồi xuống nữa.
Piero Santini xem vậy là mất mặt bèn nhăn nhó, nhún vai cho bà con thấy hết ra điều: “Quân chết đói bày đặt làm tàng! Hà tất tao thèm hạ m ình trò chuyện...” Chắc bà con cũng đồng ý với ông bác nhà giàu bị thằng cháu xem chẳng ra gì và còn có ý thương hại con nhỏ hiền lành nết na đang ngồi chết cứng chúi mũi vào ly kem sô đa. Ai cũng thấy vẻ giận dữ của Lucia Santa và thằng con đốn đời, cung cách dở người này rồi cũng đến... Dưỡng trí viện như thằng bố!
Lúc bấy giờ người đẹp Angelina đang từ giã ra về bỗng khựng lại. Rõ ràng con nhỏ này cũng khoái Gino! Dù sao cái vụ thứ nhì này còn dễ hiểu. Đám đàn ông con trai bữa nay già trẻ đều quấn quýt lấy nó... chỉ một mình Gino lạnh lùng cao ngạo, được người đẹp ban cho một ánh mắt cũng không buồn nhìn lại một cái. Làm gì Angelina không để ý thấy?
Vả lại biết bà con nãy giờ hầu hết đố kỵ mình, Angelina còn cố tình chọc vào mắt họ bằng cách tiến tới thằng con nhưng ngỏ ý thẳng với bà mẹ: “Chà, bác có cậu Gino đẹp trai quá đi thôi!”.
Nó làm thằng nhỏ rùng mình sững sờ vì hơi ấm của lòng bàn tay truyền sang, vì mùi nước hoa ngào ngạt, vì đôi môi tô mòng mọng như trái nho chín gần gụi quá. Chưa biết là cái gì song Gino chịu quá, đứng đờ người ra. Lúc Angelina cần khoác tấm áo ngoài vào để ra về biết bao anh chàng tình nguyện chạy đi lấy áo, mặc giùm... và còn có anh hào hoa đề nghị xin một chân hộ vệ viên đưa người đẹp ra tận nhà ga xe điện ngầm.
Angelina chẩu mỏ nói: “Thôi cảm ơn mấy người. Để nhờ cậu Gino đây, đỡ ngại có chuyện!”.
Vì nhà chật ních nên lấy chỗ đâu xếp áo ngoài, cất đỡ dù mũ cho khách? Phải để nhờ dưới căn của vợ chồng Larry nên Angelina thản nhiên nắm tay Gino: “Đi xuống dưới nhà lấy áo đi...”
Hai đứa nắm tay đi. Cuộc vui lại tiếp tục, Lucia Santa nhìn theo e ngại. Mụ đã tính bảo thằng Vincenzo xuống nhà dưới canh chừng song nghĩ đi nghĩ lại thì Gino cũng đã lớn rồi, có đi cùng một đứa con gái đẹp cũng có sao đâu mà sợ? Có khi còn là một dịp thử thách có lợi vì trước sau nó cũng phải gần gũi đàn bà! Nó có thiệt thòi gì đâu mà đã phải lo ngại giùm? Thây kệ nó.
Đúng như lời hứa bữa trước, ngày cưới Octavia là phải có mặt ông bác sĩ Barbato. Người tới để chia vui với gia đình này, để nhảy với cô dâu vài bài và để “ăn miếng bánh, uống ly rượu nhạt”. Người đưa mừng một bao thư thì Lucia Santa chỉ hờ hững cảm ơn, cầm lấy nhét ngay vào túi lụa phong bao. Bà chủ nhà bữa nay được săn đón quá nên ông bác sĩ cảm thấy mình bị lơ là đâm buồn bực. Bực mình thật đấy chứ, cứ tưởng đâu ông bác sĩ ân nhân tới chia vui thì toàn gia phải nồng nhiệt đón rước! Nào ngờ bị lờ đi...
Thảo nào ông cụ thân sinh hồi đó ưa nói: “Đừng nói chuyện ân nghĩa với giống lừa và bọn nhà quê” - Ức thật.
Một ly rượu, hai ly rượu và làm Barbato mềm lòng. Tội gì buồn bực họ cho mất công? Họ là vậy, đời sống của họ là như vậy mà! Thực tế là nghèo mạt như gia đình này thì ai họ chẳng ít nhiều chịu ơn? Nếu ai cũng “ân đền nghĩa trả” thì e Lucia Santa chỉ lạy cảm ơn mà gãy lưng mất!
Người nghèo quan niệm ân oán là thực tế cuộc đời. Trời sinh ra như vậy. Có đứa xấu phá hại thì phải có người tốt làm ơn... sự đời hiển nhiên như vậy, hà tất phải khư khư mỗi chút mỗi ân oán cho mệt? Chẳng hạn như vụ làm ơn chữa bệnh miễn phí của ông bác sĩ hồi đó...
Bác sĩ Barbato ngồi ngay người lại, đưa tay vuốt hàng ria mép. Lâu nay chữa bệnh cho thiếu gì đứa ở bên nhà nghèo mạt di cư qua đây, chúng có xem cái nhà ông bác sĩ ra gì? Đại khái cũng như đám cho vay lời cắt cổ, chủ đất bóc lột... hay chủ nhà đòn đám ma, nghĩa là thấy người là thấy mất tiền, bắt buộc lắm mới phải vời đến... dù miệng họ ngon ngọt: “Dạ... thưa bác sĩ” đàng hoàng.
Chính những kẻ đó đã gieo cho bác sĩ Barbato cảm giác “làm ra tiền trên sự đau khổ của chúng” hoặc “Chúng có ốm đau bác sĩ mới có tiền”. Đối với những quân nhà quê vô học đó chỉ có gần chết mới phải triệu đến ông thầy thuốc và nghề thuốc là nghề cao thượng “cứu nhân độ thế” chứ đâu phải mua bán tiền bạc như ở chợ?
Chúng đâu thèm biết muốn hành nghề thuốc là ông bác sĩ cũng phải học, phải tốn rất nhiều tiền ăn học cái đã? Còn phải cắm cúi gò gẫm tử công phu mấy năm trời trong khi chúng chỉ ăn chơi tà tà suốt ngày, không nhậu nhẹt thì cờ bạc thỏa thích.
Nếu muốn không mất tiền bác sĩ thì sẵn nhà thương thí đó. Cứ việc đi. Cứ việc vào Bellevue để họ chữa thí cho. Đừng kêu bác sĩ Barbato. Bên Long Island còn thiếu gì con bệnh đàng hoàng, sẵn sàng chi tiền rất đẹp cho ông bác sĩ để được săn sóc tận tình?
Chính vì tư tưởng thiết thực đó mà bác sĩ Barbato sẵn sàng bỏ qua cho đám người nghèo mạt đánh giá quá thấp nghề nghiệp cao đẹp của mình. Đâu cần phải sống với chúng kia? Barbato bèn cúi đầu chào rất lịch thiệp, dùng tiếng mẹ đẻ của những người trí thức để nói đôi lời chào từ biệt nên bà con có hiểu gì đâu? Chỉ thấy ông ta ra về là nhẹ nhõm cả người!
... Dưới nhà Larry nãy giờ, Angelina và Gino cứ lục đục kiếm mãi chưa ra tấm áo khoác. Quái, quần áo ở đâu ra mà chất đống nhiều đến thế này? Đồng ý là trong nhà vắng vẻ, chỉ có hai đứa... nhưng chẳng có chuyện lộn xộn! Angelina xem vậy chứ đâu đã đến nỗi hư thân mất nết “cọc chạy tìm trâu”. Cũng như thằng Gino đâu đã dám lơi dụng cơ hội vắng vẻ tấn công sảng?
Khoác áo vào chuẩn bị xuống thang ra xe, người đẹp Angelina rất tự nhiên ôm hôn Gino. Một nụ hôn dài nghe nong nóng trên môi. Hai cơ thể áp sát vào nhau ấm cúng khoan khoái thế này họa có nằm mơ may ra Gino mới được hưởng.
° ° °
Đám cưới Octavia là một thành công. Một trong số mấy đám cưới lớn nhất hồi nào tới giờ ở đại lộ số 10. Dĩ nhiên đó là một thành tích chung cho gia đình Angeluzzi Corbo, một điểm son cho riêng Lucia Santa. Một chiến lược gia như mụ thì lập xong thành tích là phải khai thác tiếp chứ? Thấy trước mắt bố con Caterina Santini như vậy... tại sao không thể kết chặt tình bà con, trưa chủ nhật này mời vợ chồng con cái hắn sang chơi! Con nhỏ lâu nay bị bố giữ rịt, ru rú một xó Tuckahoe hẻo lánh xa xôi, tại sao không bảo thằng Gino đưa nó đi chơi một vòng thành phố cho biết!
Trưa chủ nhật Santini đưa vợ con sang sớm. Vụ thằng nhãi con hạ nhục trước mặt đông đủ bà con nhớ làm chi cho mệt? Cứ mỗi cái nhục, không chịu mềm dẻo cái lưng đúng lúc thì ngày giờ này đâu có làm chủ bốn xe vận tải, có khế ước thầu đổ rác?
Sáng ra thằng Gino đã bị mẹ quất cho một cú muổng cây lên đầu tét một đường dài. Đồ ngu như chó, mẹ đã mời khách sang chơi, họ sắp tới liền tức thì mà con chỉ lăm le chạy xuống đường đánh bóng! Mụ lo đánh một mớ sốt thấy vua chúa... và mì ống phải cán lấy ở nhà bằng một thứ bột ngoại hạng. Mụ sẽ cho vợ chồng con gái nhà này biết mùi xà lách trộn dầu dấm “nhà quê”. Lấy đâu ra thứ dầu ô liu béo bở này? Năm nào ở bên nhà dì xấp nhỏ chẳng tự tay lựa từng trái ép bằng tay gửi sang biếu chị, dù nghèo mạt cũng ráng mỗi năm vài chai! Phải quý vợ chồng Santini lắm mụ mới đặc biệt khui một chai ô liu ép nước nhất trăm phần trăm!
Dĩ nhiên Gino phải bận bộ đồ xám bữa đám cưới. Con Caterina diện váy lụa đỏ lộng lẫy được ép ngồi sát bên Vincenzo tiếp khách chu đáo lắm, mấy bà mấy cô chịu là phải. Bà bác dở người mập ú vậy đó mà nó vẫn cố chiều, lấy bộ bài tây ra xem bói.
Dọn bàn ăn, chùi rửa chén đĩa dĩ nhiên là công việc chung của Sal và Lena, chẳng trút cho ai được! Cuối cùng, đúng như mẹ đã dặn trước và không nói là tackeril... thằng Gino bèn đàng hoàng, điềm tĩnh hỏi Caterina có đi xem xinê không. Đương nhiên con nhỏ đâu dám có ý kiến! Bố ngồi bên thì phải nhìn xem xem có được phép gật đầu không đã chứ?
Piero Santini lấy làm khó nghĩ. Hắn nôn nao làm như chỉ sợ hố là mệt. Rõ ràng hắn nóng lòng hệt như những lần cho mướn xe chở uýt ky lậu, tự nhiên xe đi biệt tăm năm bảy ngày mà không biết nằm đâu, vì sao. Bây giờ cho con gái đi xem hát với Gino cũng vậy. Nhưng biết sao được... giữ nó mãi đâu được? Đất này là đất Mỹ mà?
Sau cùng Santini phải nghiêm nét mặt bảo con :
- Được, tao cho đi... nhớ về sơm sớm, mai còn nhiều việc.
Thấy hai đứa cùng đi xem hát với nhau, Lucia Santa cười hả hê. Mụ hân hoan đập mấy trái hạt dẻ rang ngọt béo để thưởng công cho hai đứa nhỏ vừa hoàn thành công việc dọn dẹp. Ông anh họ bèn được mụ rót thêm rượu mời và bà chị thì... cả đĩa bánh kẹo đầy đặt kế bên. Vợ chồng Larry cũng lên góp mặt, uống cà phê và bữa nay Lucia Santa đặc biệt pha thật đậm, đổ thật nhiều rượu hồi thơm phức.
Lucia Santa và ông anh Piero Santini đưa mắt nhìn nhau. Ánh mắt láo liên của hai người xem thân tình hẳn và chuyện trò cũng bồ bịch hơn nhiều! Ô hay, chưa tới một giờ sau... sao đã nghe tiếng chân con nhỏ rầm rập lên thang và một mình Caterina nhào vào, mắt ngơ ngác và còn nguyên dấu nước mắt thế này? Nó ngồi đại xuống ghế, chẳng buồn nói một tiếng.
Cả nhà sững sờ, Santini buột miệng chửi thề, còn Lucia Santa thì hốt hoảng chắp tay lạy cầu trời. Chuyện gì thế này? Bộ thằng súc sinh Gino dám làm hỗn con nhỏ trong rạp hát... hay ngay ngoài đường? Ôi chao, thằng khốn này dám dắt con nhà người ta lên tầng thượng lắm! Trời đất ơi, sao vậy?
Hỏi mãi con nhỏ vẫn ỳ ra. Sau cùng hỏi Gino đâu thì nó bảo... đang ngồi xem xinê. Phim gì đâu mà xem chăm chú, chán quá Caterina phải bỏ ra về. Chuyện chỉ có thế.
Tuy nhiên ai mà tin nổi nó? Mấy người lớn đang hăm hở chuyện trò dứt không ra bỗng lạnh nhạt hẳn và ngồi trơ ra nhìn nhau. “Chuyện gì vậy... mày phải nói cho thực?” thì Caterina đáp... thực thà chỉ có vậy mà! Ra bọn con nít bây giờ ghê gớm thật! Mới có thế nó đã lì lợm không chịu nói thật sao? Gặng hỏi và nạt nộ mãi cũng vẫn có thế nên sau cùng vợ chồng Santini đành sững sờ xin phép ra về.
Xem, chính danh thủ phạm Gino đi đâu mất biệt không buồn về? Chỉ chờ nó về hỏi một câu là ra ngay nhưng thằng trời đánh đi một hơi bốn giờ đồng hồ liền! Cả nhà nôn nóng ngồi chờ nó, kể cả vợ chồng Larry và hai đứa nhỏ, để Gino ló về là hạch hỏi ngay lập tức. Nó về kia...
Nó bực tức nhảy mấy bậc thang một lúc chạy về, vừa bước vào vừa la đói quá, bốn giờ liền ngồi xem hát chẳng có cái gì vào bụng. Chừng giương mắt lên thấy cả nhà ai cũng nhìn dữ quá, Gino đứng khựng lại như xe phanh quá gấp vậy.
Lucia Santa tính nhảy lên làm dữ phủ đầu, cho nó một trận. Nhưng mụ rụt ngay lại. Nó có làm gì không đã chứ? Phải hỏi xem nó làm giống gì mà con nhỏ phải tất tả bỏ về... nào lỗi có phải ở nó không đã chứ?
Chưa biết chắc nó có lỗi hay không, Lucia Santa phải hỏi chặn đầu :
- Thằng khốn... mày làm gì con nhỏ ở cinema?
Gino trợn tròn mắt ngạc nhiên :
- Ủa, có làm gì đâu!
Xem nét mặt bơ bơ của nó, mụ biết thằng Gino không nói dối. Nhưng nó làm điên cái đầu, trái hay phải không biết lắm. Lucia Santa đành phải nén giận vặn hỏi tới :
- Mày không làm gì sao con nhỏ bỏ về trước?
Nó nhún vai đáp :
- Nó tự nhiên nói đi vào phòng vệ sinh chút mà lại xách cả áo ngoài theo. Thế rồi nó không trở lại, con chắc là nó không ưa con. Vậy thây kệ, cho nó đi luôn cho rồi, con cứ ngồi xem xinê. Mà mẹ cũng kỳ quá, nó vậy sao còn bắt con đưa nó đi xem xinê... mà cả ông già nó cũng cho đi? Con nhỏ cũng kỳ cục, từ lúc đi nó chẳng nói một câu!
Larry lắc đầu thương hại thằng em và nói cà giỡn với mẹ :
- Cái thằng cù lần quá đi. Mẹ thấy không, phải tay con thì cam đoan có chắc một cái xe xách về nhà rồi!
Lousia háy chồng một cái. Vincenzo bảo Gino :
- Mày ngu quá. Con nhỏ chịu mày quá mà!
Mỗi người nói vào một tiếng thành câu chuyện đang nghiêm trang bỗng trở thành trò chơi! Trừ Lucia Santa thì nổi giận thật tình vì thấu đáo sự đời quá nên mụ bực bội cho thằng con cứng đầu, ngu dốt. Thằng này phải cho nó một chầu tackeril cho mở mắt mới được... bằng không lại phát cuồng như thằng bố.
Nếu nó không điên đầu ngu ngốc sao dám nói khơi khơi là con Caterina không chịu nó mà không tự ái, giận hờn? Bộ nó tưởng đâu nó hách lắm, nó xem con nhà người ta không ra gì chắc? Nó há không biết vớ được con vợ nhà giàu như Caterina là tương lai bảo đảm ấm no? Mà con nhỏ người ngợm xem được quá, khỏe mạnh tốt nái lắm chứ?
Con nhà người ta nết na ngoan ngoãn như vậy mà nó chê? Nó là thằng mất dạy, ăn hại đái nát... cái thằng chỉ có lên ghế điện... mà cứ tưởng đâu là ông hoàng nước Ý chắc? Con nhỏ nhìn nó nồng nàn đến vậy mà nó không biết gì hết thì thằng này điên khùng hệt như thằng bố, rồi lại đến khổ một đời.
Phải lấy cây tackeril ra quất cho nó một hồi cho đã, cho hả giận chứ con cái ngu đần như nó thì chịu sao nổi? Lucia Santa xách cây roi ra, chưa kịp hỏi tội thì nó đã chạy vù một mạch. Đúng là quân có máu bất lương, không có tội gì mà bị rượt cũng cứ cắm đầu chạy lấy được! Nó chạy như bay như biến xuống dưới đường.
Lucia Santa thở hắt ra chán chường. Cái vụ gán ghép này đúng là điên đầu, chẳng ra sao mà còn pha tính chất hài hước nữa. Tuy nhiên là lần đầu tiên mụ cảm thấy uất hận thằng Gino. Quân cứng đầu, làm sụp đổ cả một giấc mơ tốt đẹp.
Bảy năm trời nhờ nằm nhà thương điên nên Frank Corbo không gieo tai họa cho gia đình. Rồi một đêm hắn đột ngột trở chứng.
Đang yên lành trong Dưỡng trí viện Pilgrim ở tuốt bên Long Island một đêm hắn quyết định tìm lại tự do. Hắn đã lựa lúc tối trời nhất để cố vận dụng bộ óc bệnh hoạn để thoát đi từ cái gường cũi bằng sắt. Không hiểu hắn đã tính toán thế nào mà chui lọt qua hàng chấn song, lén lút bò ra ngoài phòng nhốt bệnh. Thoát ra ngoài cũi sắt rồi hắn mới chịu thở hơi cuối cùng. Đúng lúc đó điểm linh hồn chợt le lói sáng của Frank Corbo mới rời bỏ thân xác để vĩnh viễn từ giã cuộc đời...
* * * * *
Điện tín báo tử đến nhà Lucia Santa vào giữa buổi sáng, lúc mụ đang uống cà phê đợt hai cùng bà chằng Teresina. Có bao giờ bà bạn mới này chịu tiết lộ đọc được tiếng Anh, hiểu đàng hoàng đâu? Thấy mụ cầm bức điện tín đọc vanh vách, Lucia Santa còn ngạc nhiên hơn là tin chồng chết. Ra mụ Teresina này ghê gớm thực. Ánh mắt mụ nhìn lạnh lùng, tuyệt đối không thương xót giả tạo.
Một người từng gửi gắm vận mạng cho mình nay có tin đột ngột từ giã cõi đời... nghĩa là từ nay hết nhờ cậy, hết phải lo lắng giùm nữa thì tránh sao khỏi xúc động? Đồng ý vậy. Nhưng Lucia Santa thẳng thắn nói ngay thà hắn chết được vậy còn đỡ khổ, đỡ thấp thỏm e ngại có ngày hắn vuột ra rồi lại phải đau khổ tống vào nhà thương điên lần nữa. Mụ nhìn nhận khiếp sợ lắm rồi, suốt ngày nơm nớp sợ hắn về gây họa cho đàn con nên hắn sống còn lo ngại thêm là khác.
Hơn nữa nếu đời này có thể tin được ở Thượng đế, ở sự chết đi là hết tội thì thà rằng Frank Corbo chết đi cho rảnh nợ. Cứ mỗi lần lâu lâu đi thăm chồng về, nhìn thấy hắn bị nhốt trong cũi sắt là một lần Lucia Santa cụt dần hy vọng, không mong gì hắn lành mạnh trở về đời.
Đó là lý do mụ không buồn vì chồng chết mà chỉ thấy trút bỏ được một gánh nặng. Vì trong tim mụ người chồng đầu gối tay ấp, có với mụ ba mặt con là Frank Corbo đã chết dần chết mòn từ ngày nằm Dưỡng trí viện. Có nhìn thấy hắn Lucia Santa cũng chẳng nhìn như một người sống mà chỉ là một cơ thể đang chết dần.
Chắc hẳn không lạ gì hoàn cảnh của Lucia Santa nên bà bạn Teresina bèn có đề nghị rất thiết thực. Đồng ý là chồng chết phải chôn. Nhưng tội gì phải làm rình rang, mướn người đưa xác về tận nhà để làm đám tang, tốn tiền nhà đòn vô ích? Bộ muốn khoe với bà con lối xóm là “thằng chồng tội chết trong nhà thương điên” đây? Tốt hơn là cả gia đình kéo sang Dưỡng trí viện Pilgrim, làm đám tang ngay tại chỗ. Vả lại Frank Corbo đâu có bà con dòng họ gì bên này mà sợ phiền nhiễu, có ai phúng điếu không đã chứ?
Theo ý Teresina thì làm vậy vừa giản dị, đỡ tốn cả mấy trăm đô la, vô ích mà thiên hạ hết còn xầm xì. Mụ tính gọn gàng thiết thực vậy đó... không nghe theo sao?
Tối hôm đó cả gia đình Lucia Santa quây quần quanh bữa cơm tối hơi cầu kỳ một chút vì đang giữa mùa hạ. Nhà có “đám ma”?
Nghe tin Frank Corbo từ trần, cả nhà cũng chẳng buồn thảm mấy, dù hắn trên nguyên tắc là chồng, là cha... nghĩa là chủ nhân gia đình. Ngay Gino nghe tin bố chết chỉ nhìn mẹ một lát rồi nhún vai, xem như chuyện ắt phải xảy ra. Sự hờ hững ngoài mặt của nó làm Lucia Santa đau xót. Thà còn nhỏ chưa biết gì như Sal và Lena đi. Hồi đưa bố nó đi nhà thương Gino đã mười một tuổi chứ phải đâu không biết?
Gia đình Angeluzzi Corbo bình thản lo cho người chết, vừa ăn vừa bàn tính phải làm gì. Trước đó chính Larry đã phone tới bệnh viện cho hay đám tang sẽ cử hành trưa hôm sau và đặt trước một bia mộ. Về vấn đề chuyên chở đã có sẵn chiếc xe của sếp Di Lucca cho mượn - ép buộc phải mượn - để Larry lái đưa cả nhà sang Long Island. Phải đi từ bảy giờ sáng mới kịp về trong ngày dù Frank Corbo được chôn ngay nghĩa trang của bệnh viện.
Như vậy có hơi gấp gáp... song chỉ mất đúng một ngày. Đi đưa đám ông cha ghẻ về, vợ chồng Octavia sẽ ngủ lại một đêm ở căn phòng cũ, bé Lena sẽ vào ngủ với bà mẹ là xong.
Sau khi hối hả cho xong bữa, Gino lặng lẽ thay quần áo có chuyện đi. Nó ra tới cửa Lucia Santa phải gọi giật lại, dặn tối nay phải về sớm để sáng mai còn phải lo nhiều việc. Gino chỉ ậm ừ: “Nhớ chứ! Làm sao quên được?”
Nó đi rồi, Larry mới lên tiếng với mẹ :
- Cái thằng kỳ quá. Đêm nay nó còn tính đi chơi được?
- Đêm nào nó chẳng tới hội quán Hudson! Quen chân rồi!
- Quen sao được? Ông già chết còn nằm đó mà? Mấy buổi tối tôi còn về ngang câu lạc bộ Hudson vẫn thấy tụi nó tụ họp chơi giỡn với mấy đứa con gái. Nhưng đêm nay nó đi đâu có được? Ít ra mẹ cũng phải bảo cho nó biết chứ?
Nghe Larry nghiêm trang đặt vấn đề luân lý, Octavia cười phá lên: “Sao mày không bảo nó? Không phải... ở tuổi nó mày mê gái đi tối ngày sáng đêm hả?”
Thấy chị nói đúng tim đen, Larry nhoẻn miệng cười nhưng mắt không quên liếc chừng con vợ. May quá, Lousia mắc bận đứa nhỏ!
“Sao chị trù tôi quá xá vậy?” Larry chỉ nói có thế và câu chuyện gia đình lại xoay qua kể lại những chuyện xưa tích cũ trong khi Sal và Lena đứng lên lo dọn dẹp. Anh Norman Bergeron lại mở cuốn thơ và đọc vài bài để thằng Vincenzo rầu rĩ úp mặt vào trong lòng bàn tay nghe chăm chú.
Đúng lúc đó mụ Teresina bước vào. Lucia Santa bèn xách ra chai rượu, một mớ hạt dẻ và ít chai nước ngọt. Có mặt mụ là cả nhà trở lại những mẩu chuyện về người vừa khuất bóng Frank Corbo. Vụ điên đầu của ông cha ghẻ được chính Octavia gợi nhớ lại trước hết: “Biết sao không? Thấy ông ta khen thằng Vincenzo nào “ngoan ngoãn... được lắm” là tôi biết đầu óc lộn xộn rồi!”
Sáng sớm hôm sau, Lucia Santa ngạc nhiên vì thằng Gino không về nhà ngủ. Hồi này nó ưa đàn đúm chúng bạn đi chơi suốt đêm là thường lắm. Ai mà biết nổi chúng làm trò ma mãnh gì? Nhưng thằng khốn nạn nhè đúng lúc ông bố già nó chết, cả nhà phải đợi một mình nó để đi đưa đám ma cho kịp giờ... thì mụ chịu sao nổi?
Mọi người bảo nhau ăn cho xong bữa sáng vẫn chưa thấy mặt nó. Bộ quần áo của nó đã được ủi sẵn để nằm kia! Nóng lòng quá, Lucia Santa sai hai anh em Larry, Vincenzo xách xe đi nắm đầu nó về gấp. Biết nó ở đâu mà tìm bây giờ, nhưng Larry vẫn cho xe chạy rề rề chỗ hội quán Hudson kiếm thử. Tụi nó ưa tụ họp chơi ở đây sáng đêm và ở tiệm kẹo bên đại lộ số 9 nữa.
Nơi đây lão chủ tiệm mắt lấp láy cho hay Gino vừa ở đây xong. Cách đây cỡ một giờ còn thấy mặt nó và nghe tụi nó rủ nhau đi xem cinema xuất sáng, không hiểu ở rạp Paramount, Capitol hay Roxy nữa!
Hai đứa trở về lập tức cho mẹ hay. Dường như Lucia Santa choáng người. Mụ bảo vắn tắt: “Vậy mình đi. Chờ nó đâu được?”
Lúc cả nhà ra xe thì đột nhiên mụ Teresina từ đường 31 chạy tới. Mụ mặc toàn đồ đen, mặt mũi rầu rĩ, đúng là “đi đưa đám ma”. Mụ chỉ tính thò đầu vào cửa xe bảo “Thôi, mẹ con ráng đi chôn cất hắn cho mồ yên mả đẹp” nhưng xe còn một chỗ trống, Lucia Santa mới cho đi luôn.
Rõ ràng Teresina cảm động ra mặt. Vừa đi đưa ma cho trọn tình nghĩa, vừa có dịp đi chơi nguyên ngày cũng hay. Mụ mở cửa xe lên liền, ngồi kế bên Vincenzo và hứng thú ra mặt. Phải đi cùng với họ mới biết chuyện gì xảy ra để sau này có quyền kể lể mẹ con Lucia Santa bữa đó làm đám tang cho Frank Corbo như thế nào, thằng con ruột lớn nhất của hắn mê chơi làm sao “nghĩa tử là nghĩa tận” mà bố chết không xem mặt một lần chót.
Mụ sẽ kể lể khỏi sót một chi tiết và nhấn mạnh cả nhà chẳng có ai khóc trừ mụ Lucia Santa... mà xem ra mụ đổ lệ chẳng phải vì thương xót ông chồng mà vì quá uất giận thằng con nên khóc lóc cho hả. Chắc chắn Teresina sẽ lắc đầu cho hay trước :
- Cái vụ này là không xong chắc! Ai chứ mụ Lucia Santa đời nào chịu chấp nhận thứ con độc địa, trời đánh đó?
Từ chập tối Lucia Santa sù sụ một mình nơi bàn nhà bếp, cố ý trông đợi cho tiếng ồn ào dưới đường bớt hẳn đi để ngồi hóng chút gió mát.
Suốt ngày đằng đẵng không hiểu sao chỉ thấy chất chồng những chán chường, tinh thần dao động đến mất hết tin tưởng ở cuộc sống. Mụ cố thu nhỏ người lại, núp một mình dưới nhà bếp, khỏi gặp ai... không nghe, không nhìn bất cứ một cái gì xem là thân thiết xưa nay. Chỉ muốn chìm mình vào một giấc ngủ an lành, tuyệt đối không mộng mị.
Mụ chán chường đến muốn buông thả hết song cuộc sống đâu có dễ dàng vậy? Mụ còn phải gánh vác. Thằng Sal và bé Lena còn chạy chơi dưới đường, Gino thì thả rểu tối ngày như giống thú hoang trong khi Vincenzo ngủ thiêm thiếp trong căn phòng cũ của Octavia còn phải chờ mẹ đánh thức dậy, ăn một cái gì để kịp đi làm ca đêm ở Hỏa xa.
Bây giờ không phải lo hầu thằng Lorenzo thì lại phải hầu đến mấy đứa con nhỏ, bà nội phải lo bồng cháu đi ngủ... trong khi con vợ nó đau yếu liên miên, chán chường đến nỗi phải lo săn sóc nó, bắt nó uống cà phê cho lên tinh thần, cố bấu víu vào cuộc đời để sớm bỏ bớt đi những mộng mơ ảo tưởng của một thời con gái.
Lucia Santa chán nản đến nỗi ngồi gục đầu lên bàn lúc nào không biết. Áp má vào tấm khăn bàn lành lạnh thấy đỡ mệt hẳn nhưng chỉ đỡ mệt xác còn tinh thần vẫn cứ bấn loạn. Làm như trong đầu mụ lúc nào cũng dồn dập từng đợt lo nghĩ suy tư đến độ có ngủ thiếp đi được cũng run rẩy. Có khi nào thức mà bị đến nỗi này đâu nên mụ ấm ức khóc thầm.
Chao ôi sao đất nước này biến đổi đám con nít dữ vậy? Cũng máu, cũng xương, cũng thịt ấy... nhưng chúng thực sự đã khác rồi. Mẹ nói con không hiểu. Con cái khóc mẹ cũng chẳng biết vì sao? Tại sao thằng Vincenzo có thể nằm khóc lạ lùng như vậy, nước mắt chàm ngoàm trên đôi má bắt đầu mọc râu như người lớn? Lucia Santa hoảng quá phải ngồi ghé xuống giường dỗ dành, an ủi nó không khác hồi còn bé.
Làm sao khóc mới được chứ? Lớn rồi có công ăn việc làm lương đủ ăn, có gia đình chăm lo, có nhà cửa đàng hoàng. Nó có thiếu thốn gì đâu mà phải khóc? Nó bảo buồn quá, không có lấy một thằng bạn? Ô hay, thế là nghĩa lý gì?
Khốn nạn, nó còn muốn gì nữa? Sống được không phải đã may rồi sao? Tội nghiệp nó chưa ra đời đã mồ côi bố nên cứ bị mặc cảm ám ảnh hoài! Sao nó không nghĩ đến vụ phải sống cho mấy đứa em, rồi sau này lấy vợ đẻ con... rồi thời gian qua dần sau cùng cũng đến ra đi và tất cả bất quá cũng chỉ là một giấc mộng dài?
Mụ không dám mang số mệnh ra dọa. Có hai đứa con ngoan nhất thì cả Octavia lẫn Vincenzo đều không thấy sung sướng đâu. Trong khi đó hai đứa ẩu là Lorenzo và Gino thì cứ “đường chúng ta đi”, sung sướng ngầm và còn cười mẹ là khác! Như thế thì trời đất đâu, công lý ở đâu?
Sự thực chúng đâu đã sống trót đời? Có chắc đâu đã sung sướng mãi nào? Nhưng bề nào cũng là tình mẹ con, nghe mấy con mụ muốn chồng rỉ tai nhau thằng Lorenzo làm găng tơ mụ vẫn gạt bỏ như thường. Bậy?
Điều mà Lucia Santa sẵn sàng chấp nhận là thằng Lorenzo chẳng thể nào được như đàn ông con trai đúng bản chất Ý. Nó không thể là chồng tốt, cha hiền như mấy ông chú, ông bác sang đây lập nghiệp hay như ông ngoại nó bên nhà... Nghĩa là đàn ông phải là rường cột gia đình, phải lo kiếm tiền nuôi vợ con, phải đứng mũi chịu sào để bất chấp mọi hoàn cảnh. Thà là mình hóa đá chứ vợ con gia đình sống vững vàng.
Sự thực là mấy đứa con trai mụ không đứa nào được như vậy hết. Nhưng thằng Lorenzo là xem như hỏng rồi. Mụ đã sinh nó ra và đã làm xong bổn phận. Nó không còn là một núm ruột của mụ nữa.
Giữa lúc mơ màng làm như Lucia Santa cảm thấy sắp nằm mơ gặp con quỷ dữ. Mụ không dám thấy nó nên cố gắng gượng vùng dậy. Mụ biết bây giờ đang ngồi một mình trong gian bếp tối om, mụ vừa mới chợp mắt một lát và sửa soạn xách chiếc ghế đẩu xuống dưới đường góp mặt, góp chuyện với bà con lối xóm. Nhưng đầu mụ bỗng nặng trĩu gục xuống mặt bàn. Con quỷ dữ xuất hiện và thành hình dần. Thằng Gino.
“Mày lại đến như thằng cha mày mất...” Thằng con cưng nhất lại luôn luôn làm mụ đau khổ nhất sao? Nó đi khỏi nhà là ánh mắt lạ lùng của nó còn in sâu trong tâm trí mụ. Nó có bao giờ gây gổ lớn tiếng đâu? Nó chỉ lừ lừ đi và ngày mai lại trở về, điềm nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra.
Thằng Gino làm mụ đau khổ thật tình. Nó in hệt cha nó, cặp mắt xanh lơ láo liên trên khuôn mặt sạm nắng của giống dân Địa Trung Hải. Cũng một vẻ lạnh lùng, xa lạ... lười đến không buồn nói và dửng dưng trước mọi lo lắng của chính người thân thiết, ruột thịt. Con cái gì nó, nó chỉ hại mụ như thằng cha nó từng hại, đúng vậy! Nó xem mụ như người xa lạ, có bao giờ chịu tuân lệnh đâu?
Nó làm mụ khổ... mà còn mất hết danh giá gia đình. Nhưng nó cũng phải học, mụ sẽ cùng với cuộc đời dạy cho nó một bài học chứ? Nó là thứ gì mà có quyền đêm đi hoang ngoài đường, ngày chạy chơi công viên mãi trong khi thằng Vincenzo chúi mũi lo kiếm ăn? Nó gần đủ 18 tuổi rồi, đâu thể con nít vô trách nhiệm mãi?
Trong giấc mơ rõ ràng mụ nghe tiếng nó cười, thằng con tai họa, thằng con tội lỗi! Đồng ý ngay là bên Ý cũng thiếu gì những thằng con bất nhân, bất hiếu, phá hoại danh giá gia đình! Nhưng có đứa nào... như thằng Gino này? Nó có một tội quá lớn, không thể tha thứ dù mụ chưa thèm nhắc tới và chính nó thì lơ là, xem như không có gì. Khốn nạn bố chết còn nằm đó chưa chôn mà nó nỡ lòng nào bỏ đi chơi, không thèm nhìn lần chót người đã sinh thành ra nó? Có nằm mơ mụ cũng phải chửi nó, nguyền rủa nó cho tới tận cùng địa ngục...
Đúng lúc đó đèn nhà bếp bật sáng. Rõ ràng Lucia Santa vẳng nghe những bước chân lên thang và còn không muốn cho ai nghe thấy những tiếng thốt ra trong cơn mê sảng. May quá ngửng mặt lên thấy Octavia đang đứng sừng sững. Cũng may là mụ chưa kịp thốt những lời nguyền rủa thằng Gino, đứa con cưng nhất nhà.
Octavia mỉm cười bảo mẹ :
- Mẹ nằm mơ nói sảng gì nghe ghê quá? Con mới lên tới tầng hai đã nghe tiếng mẹ rồi!
- Mi đi pha giùm tao ly cà phê đi. Bữa nay không muốn xuống dưới đường chút nào hết.
Octavia hiểu ngay. Cái vụ hai mẹ con ngồi trò chuyện với nhau trong nhà bếp thì có đến cả ngàn lần chắc?
Hai mẹ con từng ngồi với nhau biết bao nhiêu đêm để lắng nghe từng tiếng ngáy, từng hơi thở của bọn nhỏ vọng sang, qua cánh cửa sổ thông hơi kia? Quen quá rồi! Cái thằng Gino vốn đã phá hoại từ bao lâu nay, từ ngày nó còn chui dưới gầm bàn núp mà? Người cũng như vật trong nhà này, Octavia đâu còn lạ?
Kìa là cái bàn để ủi đồ, dựng sẵn sàng trong góc nhà kế bên cửa sổ. Kìa là chiếc radio cổ lỗ, lắp cong vòng như nóc nhà thờ. Kìa là chiếc bàn buyarô với bao nhiêu ngăn kéo nhét đồ, từ chén đĩa đến khăn ăn, khuy áo, giấy lót...
Gọi là nhà bếp song Octavia từng ăn nơi đây, làm việc và sống cũng nội một nơi này. Biết bao nhiêu món đồ lỉnh kỉnh, bề bộn nhưng xa nó là nhớ, nhớ quá!
Căn nhà hiện thời của vợ chồng Octavia bên khu Bronx thì quá sạch, quá sang. Mặt bàn lót sứ và mấy cái ghế cũng xi bóng loáng. Ngay cái chậu rửa bát cũng láng trơn.
Octavia quen với căn nhà bếp này. Sau mỗi bữa ăn nó bừa bãi như một bãi chiến trường: nồi xoong dơ cả đống, chén đĩa nhầy nhụa những dầu ô liu và nước cốt. Chao ôi, chén đĩa dơ đâu có ít: đầy ngập một bồn rửa.
Octavia nhìn mẹ đang ngồi im lặng, sững sờ. Không phải riêng nét mặt và toàn thân bà mẹ như toát ra sự chán chường, mệt mỏi. Hồi xưa nếu thấy cảnh tượng này chắc nàng run sợ quá nhưng bây giờ thì Octavia cứ bình tĩnh như không. Xem vậy đó mà ngủ một giấc, sáng mai lại tỉnh táo, hăng hái như thường.
Tuy nhiên mắt thấy mẹ xem bộ mệt mỏi, bết bát, Octavia vẫn phải hỏi một câu :
- Mẹ... mẹ có sao không? Mẹ đau hả? Con đi kêu bác sĩ Barbato nghe?
Được thể, Lucia Santa rên rỉ một cách cay đắng và phường tuồng :
- Đúng, tao đau thật. Tao đau nặng, tao đau đớn vì con, tao hết muốn sống!
Miệng nói chán chường vậy... nhưng nói ra được là Lucia Santa thấy khỏe, mặt đã có sắc hồng. Octavia mỉm cười :
- Thế hả? Con thì nhớ nhà quá và nhớ nhất là những lời mẹ la, mẹ chửi tối ngày sáng đêm.
- Mi nói vậy chứ tao chửi rủa mi hồi nào? Mi là đứa con ngoan nhất nhà. Nếu đứa nào cũng như mi thì tao đâu có đau khổ?
- Mẹ nói vậy... chứ tụi nó con thấy có gì bậy đâu? Larry tuần nào chẳng đưa về cho mẹ ít tiền? Thằng Vincenzo lãnh lương về đưa mẹ nguyên phong bì chứ đâu có mở ra? Gino và hai đứa nhỏ đâu có dám lộn xộn? Vậy mẹ muốn gì nữa?
Nghe Octavia lý luận vậy, Lucia Santa ngồi thẳng người dậy, bao nhiêu vẻ mệt mỏi đi đâu mất hết. Mụ sừng sộ làm như sắp sửa gây lộn với ai, dáng điệu hùng hổ như một người suốt đời chỉ khoái có món gây gổ... mà lại giở tiếng mẹ đẻ vốn là thứ ngôn ngữ chua ngoa, cay độc nhất :
- Mi nói nghe hay đấy chứ? Hà hà... thằng Lorenzo con trai lớn nhất! Mấy đứa em mồ côi bố, mẹ phải nuôi và mỗi tuần nó thí cho được đúng $10. Bao nhiêu tiền kiếm được ở Nghiệp đoàn nó còn lo bao gái, nuôi mấy con điếm ranh con chứ? Thế nào cũng có ngày con vợ khốn khổ của nó nổi sùng giết chết ngay trên giường. Mi nhớ đi, nếu xảy ra đúng như vậy... tao không trách con Lousia chút nào hết, trước tòa tao sẽ không buộc nó một lời!
Octavia cười ha hả, chọc giận mẹ :
- Tưởng mẹ trách ai... chứ ông con Lorenzo yêu quý hả? Mẹ nói sao chứ hồi tối này nó vừa cho mẹ tấm giấy $10... mẹ quý báu nó đâu khác ông hoàng? Bộ mẹ chê tiền sao?
À, con nhà vô phép quá! Phải bắt nó câm miệng, nếu muốn “móc lò” thì mày móc lại tao sao nổi? Mày có đanh đá tục tằn thì cũng chỉ hời hợt lối Mỹ. Bằng thế nào con mẹ mày chính gốc Ý Đại Lợi? Nghĩ vậy nên Lucia Santa vẫn giở tiếng Ý chậm rãi nói :
- Tao tưởng mày đi lấy chồng đã bẩn cái trôn thì mồm miệng ăn nói phải sạch sẽ hơn phần nào chứ? Nào ngờ...
Nghe mẹ xài danh từ ví von ghê gớm quá, Octavia ngượng đỏ chín mặt. Lucia hài lòng thấy rõ.
Có tiếng chân bước ở phòng ngoài. Vincenzo bước vào nhà bếp, mặt mũi ngờ nghệch vì vừa ngủ dậy. Nó mặc áo thun quần dài, rõ ràng một người lớn nhưng đã lùn còn gầy ốm, cả người không thấy một chỗ thịt nào dư... râu quai nón nhưng chẳng khỏe mạnh chút nào. Nếu không quá gầy thì nét mặt Vincenzo xem hào hùng, bặm trợn lắm chứ? Miệng rộng, môi dày, mũi bự nhưng cặp mắt to đen không giấu được vẻ nhút nhát, khờ dại. Có mấy khi nó cười đâu, dù chỉ cười mỉm?
Tuy nhiên, điều làm Octavia lo ngại giùm nó là tính nết Vincenzo tự nhiên biến đổi hẳn. Hồi trước nó là thằng tính nết hiền hậu, dễ thương, lúc nào cũng cư xử, ăn nói đàng hoàng chững chạc mà hoàn toàn dung dị. Bây giờ dĩ nhiên mẹ bảo nó vẫn nghe lời cũng như vẫn nhã nhặn với mọi người nhưng bên trong cái vỏ ngoan ngoãn lịch sự đó ẩn chứa một vẻ cay đắng ngạo nghễ... đến là khó chịu. Thà nó hỗn láo ra mặt còn đỡ.
Nếu Octavia lo ngại cho nó thì chính Vincenzo cũng làm cho nàng khó chịu. Đúng là cả một thất bại, chán chường. Nàng mỉm cười cay đắng. Xét cho cùng thì trên đời này mấy ai không... thất bại, chán chường? Nàng nghĩ đến chồng, vào giờ này cũng ru rú một mình trong căn phòng bên Bronx hết đọc sách đến viết lách để đợi vợ về.
Vincenzo cằn nhằn cái điệu ngái ngủ. Nghe giọng nói nó đã vỡ hẳn nhưng sao vẫn có vẻ gì con nít, lè nhè: “Mẹ à... sao không đánh thức con dậy kìa? Con đã dặn bữa nay con phải đi chơi một chút mà? Phải gọi dậy đi làm thì khỏi dặn mẹ cũng kêu mau, kêu đúng giờ lắm!”.
Octavia gắt lên :
- Mẹ buồn ngủ... mẹ cũng ngủ gục chứ bộ! Lo cho chúng mày bộ không đủ mệt chắc?
Nó chưa trả lời thì bà mẹ đã bênh :
- Xem kìa... có gì mà mi la nó? Nó làm việc quần quật cả tuần lễ mà? Vừa thấy mặt chị... chưa gì chị đã la rồi. Lại đây uống cà phê rồi ăn một cái gì cho đỡ đói đi con! Không chừng bà chị lại cưng chiều đấy!
- Mẹ kỳ quá... Mẹ giả dối, không thành thực chút nào...
Nàng còn gắt gỏng nữa nếu không nhìn thấy nét mặt Vincenzo. Làm như bị chị la và được mẹ bênh thoạt đầu nó xem bộ hả hê lắm nhưng thấy Octavia cười xòa thì Vincenzo mới hay nó bị mẹ vuốt nên chua chát với ý tưởng “kẻ la người vuốt” cho xong chuyện thì thôi. Bộ nó muốn vuốt thế nào cũng được, dễ dàng thế ư?
Sau đó ba mẹ con lại ngồi ăn uống chuyện vãn, những chuyện không đâu vào đâu nhưng phải vậy đời sống gia đình mới khỏi ngán, mới là người cùng một nhà chứ?
Cũng nhờ nói chuyện chơi mà nét mặt Vincenzo nhẹ nhõm hẳn, đã muốn lấy lại được vẻ hiền hậu ngày nào. Nghe Octavia kể chuyện được lên chức ở tiệm may nó khoái chí cười lớn và còn mang mấy chuyện ở sở ra giễu. Lúc bấy giờ nàng mới thấy rõ đi lấy chồng xa mẹ, xa em là tạo một cái gì mất mát trong sinh hoạt gia đình, vắng mặt một người mà buồn bã chung. Thiếu nàng ở gia đình ngay thằng Vincenzo cũng âu sầu mà?
Chính nàng đi lấy chồng có sung sướng, hạnh phúc đâu? Ít ra cũng không bằng lúc này, rõ ràng Octavia vừa mang lại niềm vui cho thằng em cô độc mà nét đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt còn ngái ngủ.
Nàng thương em chứ... nhưng có làm gì được cho nó đâu? Làm thân con gái thì phải đi lấy chồng, trước sau cũng phải rời bỏ gia đình. Được một người chồng như Norman là tốt quá rồi, xóa sạch được bao nỗi ám ảnh lo sợ của một thời con gái. Hai đứa cùng biết tính toán cả, chưa có tiền thì có con làm gì vội? Lo làm ăn cả hai vợ chồng thì mấy hồi mà khá, chắc chắn phải khá.
Lúc Vincenzo mặc xong quần áo sửa soạn đi chơi nó được chị, được mẹ nhìn một cách cưng chiều, đằm thắm. Làm như cả hai mẹ con cùng có cảm tưởng nó là ông hoàng của mấy đứa con gái dưới phố. Nhiều cô sẽ mê nó, bạn bè có đứa nào không thương nó, một thằng con trai bản chất dễ thương, đàng hoàng như Vincenzo?
Nó diện đồ lớn hàng xẹc xanh đậm, thắt cà vạt nổi bật hai màu xanh đỏ và tối nay còn chải đầu kỹ càng, rẽ đường ngôi giữa phân hai mớ tóc đen đều đặn, ăn diện thế này là chỉ đi chơi với bạn gái nên Octavia nheo mắt hỏi :
- Mày đi chơi với bồ hả? Đứa nào đấy... sao không dẫn về nhà giới thiệu?
Tuy nhiên Lucia Santa còn thắc mắc nên nửa đùa nửa thật vặn hỏi con :
- Vincenzo... mày chọn con bồ người xứ sở mình, con nhà đàng hoàng chứ, không cặp với bọn gái Aí Nhĩ Lan mất nết bên đại lộ số 9 chứ?
Nó lấy làm khoái vì mẹ và chị săn đón đến bồ nên nhe răng cười làm bộ duyên dáng, được cả chục đứa bạn gái mê lên mê xuống vậy. Nhưng lúc soi gương để nắn lại nút cà vạt, Vincenzo nhìn kỹ bộ mặt trong gương và nụ cười giả tạo của nó... không rầu rĩ nét mặt.
Xưa nay ở nhà nó vẫn được xem là “một thằng kín đáo, nó làm gì chỉ có trời biết nên phải xem chừng... nó dám giấu năm bảy con bồ một lúc ở ngay sát bên mà cả nhà không hề hay biết”. Dĩ nhiên được “ca ngợi đắt mèo” thì thằng con trai nào chẳng khoái cứ gì Vincenzo? Nhưng nó cũng đã thông minh để đặt câu hỏi làm sao họ có thể tin được một chuyện vô lý đến cùng độ như vậy kìa?
Trời ơi, ngày nào cũng làm quần quật từ bốn giờ chiều cho đến đúng nửa đêm, trọn tuần chỉ được nghỉ có mỗi một ngày lại nhằm ngày thứ hai... thì đi săn gái, mèo mỡ vào lúc nào được? Thời giờ đâu? Ngay bạn trai cùng lứa tuổi cũng kiếm không ra một thằng, còn nói gì bạn gái, bồ bịch? Gọi là quen biết chỉ có mấy ông già, mấy người đáng chú, đáng anh bốn năm nay cùng làm chung một chỗ là phòng Hàng hóa sở Hỏa xa!
Đó là điều đau khổ của Vincenzo. Nó không muốn ở nán lại nhà mà lật đật bỏ đi chơi.
Còn lại hai mẹ con, Lucia Santa nhóng hỏi Octavia :
- Quái, đêm hôm rồi mà thằng nhỏ còn đi đâu kìa? Nó đi chơi... nhưng đi chơi với những ai, ở đâu và làm những giống gì kia? Thằng Vincenzo nhà mình khờ khạo lắm, chơi với ai cũng bị chúng chơi gác chắc!
Octavia không trả lời mà ngồi dựa người ra ghế vớ cuốn sách mở ra đặt trước mặt, chỉ mong đánh được một giấc trên cái giường ngày xưa thì khỏe quá. Đâu được kìa? Giờ này trên căn phòng êm ả, láng coóng, sạch không một hạt bụi ở bên Bronx chắc chắn Norman đang vò võ một mình đợi vợ về. Căn phòng trải thảm thật êm, đèn chụp hắt ra ánh sáng thật dịu mắt, hắn sẽ ngồi đọc sách, ngồi viết cho đến khi thấy tiếng vợ về. Hắn sẽ chạy ra hỏi săn hỏi đón và sẵn sàng mở nụ cười kẻ cả, hỏi rằng: “Em về chơi với mẹ, với các em có vui không?” Sau đó chắc chắn sẽ là một nụ hôn hiền từ, nhẹ nhàng. Vợ chồng mà? Chỉ có vậy thôi.
Đang thả hồn theo dòng tưởng tượng bỗng đâu bà mẹ cắt ngang :
- Này mi có về thì về cho sớm nghe? Trễ quá không được đâu. Hồi này ăn cướp như rươi mà mi đi xe điện ngầm tao sợ quá!
- Ồ, mẹ đừng lo. Còn thiếu gì thì giờ? Con còn đang lo cho mẹ đây này. Không chừng con còn về nhà ở luôn ít ngày để trông nom tụi nhỏ cho mẹ nghỉ ngơi đỡ mệt một chút...
Lucia Santa nhún vai, từ chối thẳng :
- Thôi đi mi... còn chồng thì ráng chăm nom, săn sóc cho mình nó đã rồi. Bằng không lại như tao thì khổ một đời đấy, cho mi hay trước.
- Như mẹ cũng chẳng sao! Như mẹ con lại về ở với mẹ chứ sao?
Dĩ nhiên Octavia nói đùa, cười khanh khách cho mẹ vui. Vậy mà bà mẹ nhè nhìn chòng chọc, nhìn đăm đăm như muốn phanh phui một cái gì chứ không chịu tin con nói giỡn chơi. Có vậy Octavia mắc cỡ đỏ cả mặt. Biết thế nên Lucia Santa đánh trống lảng sang chuyện khác :
- Tao đang ngủ mi nhè kêu tao dậy vô duyên quá. Tao nằm mơ thấy sắp sửa nguyền rủa thằng con quỷ sứ, tưởng chừng như nguyền rủa nó thực vậy.
Octavia phải lên tiếng can mẹ :
- Thôi mẹ à... chuyện đó bỏ đi!
- Bỏ sao được? Nếu có trời, có đất... tao phải rủa cho nó bị trời tru đất diệt kìa!
Lucia Santa cúi đầu, đưa hai tay lên bưng mặt. Mệt mỏi chán chường đến vậy là cùng độ. Mụ nghiến răng kể lể day dứt :
-... Có đời thuở nào chôn bố mà thằng con lớn nhất bỏ đi chơi bao giờ! Thử hỏi ai đào tạo ra nó, ai nuôi nó ăn học mà chết đi nó không nỡ rỏ một giọt nước mắt? Chết thì chôn, nó không thèm ngó ngàng! Mi cứ bảo tao để cho nó về, đừng dánh, đừng mắng gì hết. Đúng, tao không làm gì nó... nhưng thằng quỷ sứ làm như không cần biết cái gì, kh^ng cần biết đến ai. Tao sợ nó điên đầu rồi, lại phải tống vào nhà thương điên như thằng cha nó mất.
Mi biết không, nó lẳng lặng mò về và làm như đứa câm, có mồm mà không biết nói vậy. Tao giận ứa gan mà phải cố giằn xuống vậy mà bực bội chịu hết nổi. Thằng Gino đâu phải con người? Nó là quân ác quỉ, quân trâu bò. Thấy mặt nó ai cũng phải chửi quân vô phúc... vậy mà nó dám vác mặt về nhà. Ăn, uống, ngủ... cứ như thường, xem như chẳng có chuyện gì! Vậy đó tao không nguyền rủa nó sao được? Con đứt ruột đẻ ra mà trong giấc mơ tao còn muốn thấy tận mắt nó chết tàn, chết mạt...
- Xem, mẹ làm gì mà rủa xả ghê thế? Nó làm như thương xót ông ấy lắm không bằng! Con thì con nói ngay là ghét như đào đất đổ đi, nhưng đưa đám vẫn đi như thường. Còn mẹ con thấy mẹ khóc lóc hồi nào? Thương xót mà vậy hả? Con hỏi thật trọn năm cuối cùng ở nhà thương điên mẹ có vào thăm ông ấy được một lần không? Đâu có?
Muốn cho bà mẹ chấm dứt mục rủa xả, Octavia phải phũ phàng đốp chát như thế đó. Có vậy mới chịu ngồi yên. Quả nhiên ngay sau đó hai mẹ con cùng nín lặng, ngồi nhấm nháp ly cà phê. Mãi sau, Octavia mới kiếm cách an ủi :
- Mẹ đừng sợ thằng Gino điên đầu. Nó tỉnh táo ra phết. Không chừng mai sau còn khá kia kìa!
- Đúng, mai sau nó sẽ khá chứ? Đi ăn cướp, giết người, đi ma cà bông chẳng hạn! Còn làm người lương thiện, kiếm ăn đàng hoàng nuôi vợ con thì cái mặt đó khá sao nổi?
Giọng Lucia Santa chua chát quá! Octavia phải vặn hỏi :
- Nữa... vẫn cái vụ làm ăn! Thì ra mẹ vẫn giận dữ với thằng Gino chỉ vì đi học về nó không chịu làm phụ, chỉ lo dông đi chơi, phải không? Vì nó cứng đầu, mẹ không kềm nó nổi chứ gì?
- Chứ còn gì? Nó còn ở cái nhà này thì còn ai kềm được nó, ngoài tao? Hay là mi cũng nghĩ như nó... là rồi đây chẳng ai kềm nó nổi? Nó là vương là tướng gì mà đòi ăn không, ăn hỏng mãn đời? Đâu có được, mi? Tao còn lạ gì cái tật ăn chơi dông dài của nó. Chừng biết được những nỗi khó khăn của cuộc đời thì chỉ có chết! Chơi cho lắm, sung sướng quá là vậy đó. Đời tao đã bị rồi, tao phải dạy nó. Nó phải học ngay cái gương của tao đây này, khỏi học đâu xa...
- Đâu được... mẹ nói vậy không được...
Ngần ngại, do dự một lát, Octavia mới nói tiếp :
- Như thằng Larry đó! Mẹ lo lắng cho nó tới vậy nhé...
- Vậy thì làm sao? Thằng Lorenzo làm sao?
- Nó làm sao thì mẹ biết chứ? Đại khái cũng gần như một thứ găng tơ, tiếng là đi thâu tiền Nghiệp đoàn chứ nghiệp đoàn quái gì?
Lucia Santa trợn mắt lên :
- Mi nói gì vậy? “Găng tơ” gì thằng Lorenzo? Đến cầm roi nạt bọn con nít nhà này tao cũng không thèm nhờ đến thứ gà chết đó!
- Ủa, ra mẹ vẫn nghĩ như vậy thật? Không ngờ mẹ lại ngây thơ cỡ đó! Mọi khi cái gì mẹ cũng biết mà?
Vừa nói Octavia vừa lắc đầu chán nản. Bà mẹ lơ đãng nhấp một ngụm cà phê thở dài: “Mày phải biết nó đâu còn ở cái nhà này? Nó đâu còn là con của tao”. Octavia quay mặt đi chỗ khác mà bà mẹ đâu có hay? Bà vẫn cứ than thở :
- Nhà này có đứa nào làm tao buồn phiền, khổ sở là thằng Gino. Nói đâu xa ngay cái công việc tao kiếm cho nó ở tiệm chạp phô nhẹ nhàng là thế mà nó nhè làm được vỏn vẹn hai ngày. Đúng hai ngày là bỏ đi! Người ta có công có việc dám làm tới năm chục năm. Còn ông con tôi thì... hai ngày đúng!
Octavia cười ha hả :
- Có hai ngày thôi? Nhưng tự ý nó bỏ... hay bị người ta đuổi?
- Chuyện như vậy đó mày cười được? Có gì đáng cười? Dĩ nhiên đi làm cho người ta mà làm cái điệu đó... không đuổi sao được? Ở trường ra còn đi đá bóng đã, rồi mới đến làm. Nó tưởng đâu cửa tiệm người ta cần phải có nó, phải đợi nó đến, lúc nào nó đến mới được phép mở cửa chắc? Không có nó người ta không làm ăn, buôn bán được chắc? Vậy chỉ có hai ngày người ta tống cổ đi phải lắm!
- Thôi được... Để con nói cho nó hiểu. Mà chừng nào nó về?
- À, cái đó còn tùy. Ở nhà này nó làm tướng, nó đi về tùy thích. Có thể ngay bây giờ... mà ba giờ khuya cũng là! Tao không hiểu tụi chúng nó tụ họp làm cái gì ở ngoài đường, ngoài phố cũng lê la khuya khoắt như vậy? Tao đứng cửa sổ nhìn xuống thấy đủ hết. Chúng ngồi bực cửa nói chuyện còn dai hơn mấy mụ già nữa kìa!
- Mẹ không biết thì con cũng đến chịu...
Octavia lắc đầu dợm đứng lên sửa soạn đi về. Lucia Santa cũng đứng lên lo dọn dẹp bàn ghế, ly tách. Mẹ con từ biệt nhau, thản nhiên kẻ đi người ở. Khỏi có mục hôn hít dặn dò.
Octavia thản nhiên bước ra làm như có chút chuyện đi đâu một lát và sẽ trở về ngay vậy. Trên nhà Lucia Santa đứng cửa sổ nhìn theo bóng đứa con cho đến khi nó đi khuất, cho đến khi nó rời đại lộ số 10, đi tới ga xe điện ngầm.
Cuộc đời tươi đẹp như thế này, được chính xứ sở này hậu đãi đến thế, được hưởng thụ quá mức dự tưởng thì còn than thở kêu ca nỗi gì? Bên Âu châu có giặc, nào Anh - Pháp - Đức đua nhau nướng quân như điên... ngay ông Mussolini còn dám xài sang biết bao nhiêu xương máu con em thì đám dân Ý sống lây lất chen chúc trọn khu Tây Nữu Ước có kẻ nào không ăn nên làm ra đến no bóc ké?
Thời buổi kinh tế khủng hoảng đã qua rồi, có gia đình nào kiếm không đủ ăn? Tất cả đều thừa thãi đến độ khỏi phải ăn bám xã hội, thấy mặt mấy đấng điều tra viên Sở Cứu tế có quyền đuổi đi gấp. Có gia đình nào không chuẩn bị rời bỏ khu ổ chuột này, tậu nhà bên Long Island ở cho sung sướng?
Có thể nói họ làm giàu nhờ giúp phương tiện cho những người khác. Bên Âu châu còn chiến tranh là nơi đây hãng xưởng nào cũng cần người làm, cần quá nhiều người nên công việc ê hề cho cả đám tay mơ và những thằng quen làm biếng, gây chuyện lộn xộn nhất. Xưa nay chỉ có mỗi dịp này là đám dân cùng đinh ở bên đây đỡ khổ, nhiều thằng còn làm giàu nhờ chiến tranh.
Đám dân Ý ở đại lộ số 10 Nữu Ước đa số gốc gác từ mấy tỉnh miền Nam, không Sicily thì Naples nên đối với họ dù Mussolini có thắng hay bại cũng chẳng ăn nhằm gì! Đất mẹ quả xa xôi quá, đâu có nghĩa gì với họ vì họ có yêu nước bao giờ? Mà yêu đất mẹ làm sao nổi? Bao nhiêu thế kỷ liền, nhà cầm quyền nào cũng tự đặt làm đối thủ, hành hạ ông cha họ đến đau khổ cất đầu không lên. Nghèo hèn mà bị đám nhà giàu bắt nạt, phỉ nhổ... còn bị mấy ông lớn La Mã rút rỉa đến tận xương. Sang được đến đất Mỹ là yên trí có hy vọng làm giàu!
Vậy mà có một người vẫn chưa được hài lòng. Đó là Teresina Coccalitti. Thời buổi cần người làm như vùng này đâu thể tiếp tục khai mấy đứa con thất nghiệp hết... mà làm sao lãnh mãi tiền cứu tế xã hội? Mụ phải hối hả chạy hàng xách, buôn bán chợ đen: đường từng bao bự, dầu mỡ thì cả thùng và quần áo thì hết bành này tới kiện khác. Hồi này mụ Teresina hay ưa rỉ tai bồ Lucia Santa: “Cho bồ hay... rồi đây thế nào cũng có một ngày...” Nhưng một ngày làm sao, bao giờ tới thì mụ bí mật đưa tay lên miệng “suỵt... suỵt”. Mụ chỉ tiết lộ có thế. Mụ định nói gì mà úp mở? Động viên đi lính chắc? Cũng chả sao. Bao nhiêu gia đình ở đại lộ số 10 này mới có một nhà có con đi lính. Có gì đâu mà lo?
Sự thật thì Lucia Santa thời giờ đâu mà hỏi. Mụ còn mắc kiếm tiền, mắc hốt bạc. Có bao giờ kiếm tiền như hồi này? Trẻ con nhà mụ đi học về là đứa nào cũng lo kiếm tiền thêm hết. Ngay hai đứa nhỏ nhất là thằng Sal và bé Lena còn “bắt” được việc làm ngày một buổi ở hãng thuốc tây mới mở bên đại lộ số 9, còn Vincenzo dĩ nhiên tuần lễ làm đủ bảy ngày, khỏi cần nghỉ. Nếu mấy thằng bên Âu châu khoái chiến tranh, đánh giết nhau thì cứ tha hồ đánh giết nữa đi. Có đánh đến tan nát Lucia Santa cũng khỏi cần. Mụ chỉ còn kẹt mấy người bà con thân thuộc bên Ý... nhưng cái làng nhãi nhép, vô giá trị đó thì ai thèm đụng tới mà lo?
Mụ chỉ còn mối bận tâm duy nhất là thằng con khó dạy Gino vẫn ở không ăn chơi. Cho nó chơi hết năm học này nữa đi. Tháng giêng tới học hết lớp trung học là bắt buộc phải tốt nghiệp, để xem nó còn nói mắc học hành nữa hết? Gửi gấm nó đi làm đâu cũng uổng công, uổng lời vì chỉ mấy ngày sau là đã bị đuổi cổ rồi.
Không lẽ nó không giúp được việc gì? Chẳng hạn như thằng Vincenzo để quên gói thức ăn trưa mà không nhờ được nó đưa tới sở Hỏa xa cho thằng anh được sao? Thấy nó đã đeo găng tay, cầm cây gậy tính đi đánh bóng, Lucia Santa phải giang tay chặn thằng Gino lại bảo “Mày mang ngay tới sở cho anh mày đi”.
Gói đồ ăn giấy nâu xem nó dơ dáy thật, nhưng mụ vẫn ép nó phải cầm lấy, phải làm. Bộ nó là ông vua con sao mà ở không ăn chơi, mẹ nhờ có chút chuyện dám chê dơ dáy? Gino viện cớ :
- Sợ trễ quá má?
- Trễ cái gì? Mày có làm gì đâu mà sợ trễ? Mày sợ trễ giờ đi hỏi vợ hay... hết giờ mang tiền gửi băng? Hay mày có hẹn với ông chủ nào để đi làm?
- Kìa, việc gì mẹ phải nói như vậy? Ở sở cũng bán đồ ăn nữa mà?
Thằng Gino thế này thì mất dạy quá. Mụ nói thật chua chát :
- Mày là thằng không có đầu óc. Thằng Vincenzo lo làm ăn tối ngày giúp đỡ tao nuôi các em, trong đó có mày. Nó đâu dám chơi bời lêu lổng như mày? Vậy mà có bao giờ tao thấy mày rủ thằng anh cô độc đi chơi cho nó đỡ buồn? Bây giờ nhờ mày mang tới cho nó gói đồ ăn mà mày cũng từ chối thì mày bất nhân quá! Thôi mày muốn đánh bóng thì đi mà đánh với mấy thằng mất dạy cho sướng. Để tao mang tới cho nó cũng được.
Bị mẹ nói móc quá ngay giữa đường, Gino đành phải cầm lấy gói đồ ăn. Mặt mẹ nó xem hả hê quá càng làm Gino tức thêm. Nhưng bề nào cũng còn thằng Vincenzo. Nó phải mang đi cho thằng anh đang đói chứ?
Nhanh như cắt, nó chạy vùn vụt, chạy trên đại lộ số 10 cho tới đường 37 mới rẽ sang đại lộ số 9. Giữa trưa nắng phải chạy nhanh như bay thế này mới khoái! Hồi còn nhỏ nó chẳng từng cố hết sức “bay” khỏi mặt đất và cho là có thể dư sức bay thật tình sao? Bây giờ thì lớn đầu quá rồi! Vậy mà tới gần sở thằng anh, nó cố tung bổng gói đồ ăn lên trên không rồi bay tới chụp dính.
Gino bước vào thang máy. Công sở gì đâu mà toàn ngửi mùi ổ chuột! Gã gác thang máy mặc đồng phục xem dơ dáy quá, chỗ tay áo còn bày đặt mấy vạch vàng ngòng ngoèo như con giun. Gã chậm chạp mở cửa thang máy cho Gino nhảy vọt ra, chạy tuốt đến một văn phòng ở đầu hành lang đằng kia.
Đứng ở ngoài nhìn vào văn phòng, Gino chợt có cảm giác lành lạnh. Đời nó rồi cũng đến chôn chặt nơi đây sao? Biết bao nhiêu bàn buyarô sắp ngay hàng thẳng lối, bên trên là cả dãy máy tính, máy chữ đang cho ra ào ào những dọc số dài. Sử dụng máy là những viên chức, ông nào cũng mặc đồ lớn chững chạc, ca vát nới lỏng ra cho dễ chịu.
Giữa tiếng máy chạy rào rào, ông nào cũng chăm chú làm, tất cả đều nhiều tuổi hơn Vincenzo nhiều. Cả gian phòng rộng lớn chỉ có ánh đèn mờ mờ, trừ chỗ quầy chất đầy những tấm vé. Bàn buyarô nào cũng phải có ngọn đèn chụp nho nhỏ. Ánh sáng bên ngoài không lọt vào nổi văn phòng nên Gino có cảm tưởng những người làm việc ở đây như chui trong một nấm mộ khổng lồ mà phía dưới ầm ầm tiếng xe lửa đổi toa, dồn toa. Vì chưa vào đây bao giờ nên Gino nhìn dáo dác một lúc mới kiếm ra chỗ Vincenzo ngồi.
Trong tất cả những người làm văn phòng chỉ một mình Vincenzo không mặc đồ vét. Nó mặc sơ mi trần lại chọn màu sẫm để hai, ba ngày mới phải thay một lần. Mớ tóc quăn đen sẫm của nó trông như ươn ướt nước. Nhìn thằng anh, Gino thấy rõ công việc nó làm chậm chạp, khó khăn hơn những người khác mặc dù Vincenzo rất chăm chú trong khi các bạn đồng nghiệp chỉ ơ hờ như người máy cũng xong việc.
Đúng lúc ấy, Vincenzo ngước lên nhìn về phía Gino nhưng mắt nó vẫn ngơ ngác như không thấy. Nó đốt điếu thuốc hút. In hình những người đang ngồi bên trong cũng không ai nhìn thấy nó luôn. Chừng nhìn lại mới hay nó đứng trong vùng bóng tối của hành lang. Gino xăng xái bước vào, đi ngang dãy bàn buyarô ngoài cùng, lọt vào vùng sáng đai vàng vọt. Như đang có ánh sáng bị chắn bóng, bao nhiêu cái đầu ngẩng lên. Vincenzo cũng ngẩng lên.
Vừa thấy Gino, rõ ràng khuôn mặt Vincenzo sáng rõ. Nó nhe răng cười thật tươi như hồi nào hai đứa còn bé. Gino cười tung gói đồ ăn cho Vincenzo chụp lấy điệu nghệ như chụp bóng rồi hớn hở bước tới cạnh buyarô anh.
- Cám ơn nghe nhỏ!
Mấy người đang ngồi đánh máy bên cạnh ngước lên, Vincenzo giới thiệu khơi khơi :
- Thằng em ruột tôi đây nè, mấy bồ...
Thấy giọng thằng anh hân hoan và hai người lên tiếng chào “chú nhỏ”, Gino tự nhiên thấy lúng túng. Nó nhìn xuống chiếc quần cao bồi xanh của mình và chiếc áo thun trắng cộc tay và chính nó cũng thấy lạc lõng, lấc cấc thế nào ấy.
Sếp chủ sự mặt xám cất tiếng oang oang: “Hóa đơn hàng hóa đâu? Lẹ lên chứ? Trễ rồi nghe các cha”. Sếp bước tới bàn Vincenzo thảy ra một mớ giấy tờ, rõ ra người nhà nước mẫn cán và cằn nhằn: “Xem, chú mày làm chậm quá đó nghe”.
Sếp nói là quay lưng đi, nhưng Vincenzo vẫn nói với theo :
- Lát nữa mấy người nghỉ ăn trưa, tôi làm ráng chút là rồi chứ gì?
Gino lật đật quay ra. Vincenzo đứng dậy đưa em ra khỏi văn phòng, đưa tới chỗ thang máy. Trong khi chờ đợi chiếc thang máy cũ kỹ như lồng sắt được kéo lên ken két, Vincenzo thân mật vỗ vai Gino :
- Mày đi băng ngang khu nhà ga về cho gần... miễn đừng xớn xác để đầu máy ủi bể đít. Cảm ơn chú mày mang đồ nghe. Bữa nay thứ bảy mày đã đi đánh bóng chưa?
Hai anh em đứng đợi thang máy khá lâu. Gino muốn đi phắt cho rồi vì nãy giờ Vincenzo cứ nôn nóng, ngó chừng trở lại văn phòng xem ông chủ sự có việc gì cần tò mò ra ngay chỗ Gino đứng lúc nãy nhìn theo. Cửa thang máy mở ra là nó nhào vào sau khi từ biệt thằng anh. “Lát nữa nếu ngủ dậy kịp thì thế nào cũng chơi chứ?”
Thang máy gì đâu xuống chậm quá. Chậm rề rề mà còn nồng nặc mùi mốc meo, ổ chuột hôi hám làm Gino phát ớn! Vừa tới đất là nó hối hả chạy ra ngoài trời trưa nắng, nắng tháng chín tươi màu và ấm áp biết mấy. Đây là không gian thoải mái của nó.
Dù có băng ngang khu nhà ga về cho gần đúng như Vincenzo căn dặn, Gino cũng không nhớ tới thằng anh nữa. Bất cần cẩn thận, nó vừa chạy vừa nhảy, lo tránh từng đường ray ngang dọc như ổ nhện. Chân nó bước thoăn thoắt như máy trên những cây “tà vẹt”, tay phải còn điệu bộ thu thu vào ngực như cầu thủ túc cầu ôm bóng chạy tới gôn vậy. Đụng một đường ray là có chầu té bể mặt mà Gino “bay” càng ngày càng nhanh. Có chiếc đầu máy xe lửa nào đằng xa chạy tới đụng đầu mà nó còn cố tình đợi phút chót, lù lù trước mặt mới khẽ nhảy tạt sang một bên, không bên phải thì bên trái. Việc gì mà phải sợ hãi, lúng túng nào?
Gino còn có ý muốn chạy đua với đầu máy xe lửa là khác. Vừa vặn có chiếc đầu máy chạy húc đằng sau đít. Nó hăm hở mở tốc lực, hay chân bay như máy trên các “tà vẹt”. Cúi cổ khom người để chạy cho nhanh... Đâu được? Gã tài xế nhè cho đầu máy chạy nhanh thêm, thúc còi rối rít đằng sau đít. Gino đành phải nhảy tạt qua một bên, “cho phép” nó chạy trước vậy. Gã tài xế cho đầu máy lướt đi, chạy ngang Gino còn nhìn nó một phát xem thú vị lắm.
Nó vượt qua thì Gino bám đằng sau, có gì lạ? Nó cắm cổ rượt miết theo đầu máy. Cho đến lúc gã tài xế cho chạy tuốt vào khúc rẽ, chắc để kéo những toa xe hàng màu nâu màu vàng đang chờ đằng sân ga hàng hóa... nghĩa là trước mắt nó lại trống trơn thì Gino mới chịu ngừng chân chạy.
Ôi cha là nó thở! Mệt muốn đứt hơi luôn, mệt chịu hết nổi. Mồ hôi tuôn ra như tắm, thân ướt đẫm chiếc áo thun len trắng. Đã mệt lại đói bụng, lại khát nước quá mất... Nhưng về gần đến nhà rồi!
Gino thấy khỏe, hào hứng hẳn. Nó vùn vụt bỏ đường ray chạy cắt ngang, chạy theo con đường mòn từ trông sân ga ra ngoài đại lộ số 10. Tới khúc này băng ra là đụng công viên Chelsea chứ gì?
Đúng vậy. Quen quá rồi mà? Vừa lọt vòng thành nhà ga mặt Gino đã sáng lên khi thấy đám bồ bịch đang vác gậy quật bóng huỳnh huỵch. Dĩ nhiên chúng phải đợi nó rồi!
Cỡ một tuần sau mới sáng dậy, Lucia Santa sao cứ bần thần khó chịu lạ? Điệu này thế nào cũng có chuyện gì?
Giờ này thì hai đứa nhỏ Sal và Lena còn ngủ chắc? Còn thằng Gino thì khuya lắm nó mới bò về: rõ ràng mụ có nghe thấy nó thay đồ khua lộn xộn một hồi. Nhưng Vincenzo đi đâu suốt đêm chưa về kìa? Mụ đã lo... nhưng chợt nhớ ra bữa nay thứ ba bèn yên trí ngay. Tối thứ hai nó được nghỉ nên ưa đi chơi khuya lắm. Nhiều khi nó còn về sau thằng Gino mà?
Dù biết dư là nó chưa về - đêm hôm thật nhưng có ai ra vào nhà này mà qua mặt nổi Lucia Santa - mụ vẫn cứ mở cửa phòng nó nhìn vào cho chắc ăn. Từ ngày Octavia đi lấy chồng, Vincenzo độc chiếm căn phòng duy nhất trong nhà có cửa đóng lại đàng hoàng. Quả nhiên nó không về ngủ thật. Giường nệm vẫn y nguyên... nhưng Lucia Santa vẫn chưa lấy gì làm ngạc nhiên, hốt hoảng.
Cho mấy đứa nhỏ đi học xong cả, mụ mới ra đứng cửa sổ nhìn xuống, ngóng xem Vincenzo có về không. Về là thấy mặt nó liền chứ gì? Xem, mụ đi ra đi vào và tựa cửa sổ chờ. Chờ đến khi thấy đám phu tan tầm sở ra về lũ lượt - tức là sắp 12 giờ trưa đến nơi - mà vẫn chẳng thấy mặt Vincenzo đâu hết.
Có bao giờ thằng này dám về trễ thế này? Giờ này chưa thấy mặt nó mụ không nóng ruột sao được kìa? Lucia Santa bèn khoác vội chiếc áo len, tất tả chạy xuống nhà vợ chồng Lorenzo.
Mụ biết tính thằng con trai lớn. Ngủ dậy là nó bẳn gắt kinh khủng... nhưng cũng phải xuống cho nó hay chứ đợi chờ mãi thì chịu sao nổi?
Larry đang ngồi uống cà phê sáng, áo ngủ nó mở phanh ra xem lông lá thấy ghê quá! Vừa nghe mẹ nói nó đã cắt ngang :
- Tưởng gì mà mẹ lo! Nó chưa về bây giờ thì lát nữa nó về... đằng nào nó cũng phải về để làm ca chiều mà? Nó đâu còn con nít mà mới đi có thế mà mẹ đã bấn lên?
- Mày nói thế... chứ lỡ nó gặp chuyện gì không hay thì sao? Ở nhà làm sao mình biết?
- Ồ, có gì mà mẹ tưởng tượng quá vậy? Chẳng gì qua mắt bọn cớm được hết! Cái gì tụi nó cũng biết hết và có gì đã cho mình hay rồi... mẹ yên trí đi...
Lousia pha cho mẹ chồng ly cà phê. Nó nghe chồng nói cứng vậy nhưng chính nó có yên tâm chút nào? Khuôn mặt sáng sủa của nó bỗng tối sầm lại... chứng tỏ nó cũng đang e ngại vì sự vắng mặt bất ngờ của Vincenzo lắm lắm. Ngoài Lucia Santa còn ai hiểu và thương thằng em nhút nhát này bằng nó, dù nó chỉ là chị dâu? Nó biết tính nết Vincenzo quá mà? Có bao giờ thằng này dám đi chơi sáng đêm đến trưa mãi cũng chưa về để cả nhà phải lo? Điệu này dám có chuyện gì...
Vì nghĩ như vậy và thấy chồng nãy giờ cứ ngồi ỳ ra uống cà phê, Lousia phải lên tiếng hối thúc: “Larry... mình phải đi xem chứ? Đi liền đi!”. Nó chỉ nói có vậy mà lạ thay Larry đứng phắt lên liền... và tới bên mẹ trấn an :
- Chưa gì mẹ đừng bấn lên chứ? Để con uống xong chỗ cà phê này là con dông thẳng tới sở nó hỏi là ra liền chứ gì?
Thấy tận mắt thằng con lớn hối hả đi hỏi thăm tin em, Lucia Santa mới yên trí trở lên lầu đứng cửa sổ đợi.
Đúng ba giờ chiều trẻ con đi học về hết, Gino cũng mò về mà vẫn chưa thấy tăm hơi Vincenzo. Bảo thằng Gino ở nhà nó cũng lờ đi, làm như không hiểu mà còn không nói không rằng lù xù xách cây gậy đi đánh bóng. Hai đứa nhỏ lấy sách vở ra học bài dưới bàn nhà bếp, bữa nay không nấu cơm nên đành mỗi đứa vài miếng xăng uých đổ giấm lên vậy.
Năm giờ chiều, Larry mới về tới nhà. Nó bảo thằng Vincenzo không đến sở làm chiều nay mà chẳng ai biết nó đi đâu. Lucia Santa liếc nhìn thằng con lớn và thấy chính nó cũng lo lắng ra mặt. Thế là mẹ nóng lòng đi ra đi vào xoắn tay vào nhau kêu trời kêu đất.
Lát sau Lousia đưa cả mấy đứa con lên, cô trấn an bà mẹ chồng. Vì bọn con nít ríu rít nên cả nhà có ai nhận ra theo sau nó còn có người lạ? Đột nhiên có mấy bóng người sững sờ ngoài cửa. Đi đầu là một viên chức an ninh Hỏa xa đồng phục đen, theo chân có lão chủ lò bánh mì, đột nhiên bước lên mấy bước chặn trước ông lính Hỏa xa làm như cố ý chắn, không để cho Lucia Santa thấy mặt hoặc nghe hắn nói. Lão tự nhiên chìa hai tay ra đằng trước hướng về Lucia Santa điệu bộ muốn an ủi mà nói không nên lời làm mụ đứng chết trân ngó sững. Người hét lớn lên đau khổ chính là Lousia.
* * * * *
Đang ngồi đấu hót với chúng bạn ở thềm hội quán Hudson, Gino bị thằng Bianco kêu giật ngược: “Về ngay đi, nhà mày đang có chuyện lộn xộn gì đó”.
Nó chỉ nói vậy rồi quày quả bỏ đi. Gino cũng chẳng buồn kêu nó lại hỏi chuyện gì vì ít lâu nay lớn lên hai thằng hết bồ bịch, gặp nhau không thân thiết nữa mà còn có ý ngượng ngùng. Gino còn không định về kia, nếu không thắc mắc muốn biết “cái chuyện lộn xộn gì đó”.
Nó đi tắt ngang công viên Chelsea, rảo bước dọc đại lộ số 10 cho tới góc đường 30. Thấy trước nhà có lố nhố nhiều người, Gino bèn bước chậm lại. Dĩ nhiên người nhà nó đâu có ai nên Gino tất tả bay lên tầng.
Ôi chao, sao nhà nó đông hàng xóm láng giềng thế này? Hai đứa nhỏ đứng như trời trồng ở góc cửa sổ, sợ xanh mặt.
Mấy người hàng xóm dạt sang một bên, Gino mới thấy mẹ đang ngồi chết trân trên ghế. Larry phải ra sức ghì thật chặt mà mẹ nó vẫn cố vùng vẫy lăn lộn. Bác sĩ Barbato đang rút thuốc vào ống chích giơ lên nhìn.
Mặt mụ Lucia Santa nhăn nhúm cực kỳ đau khổ trông không dễ gì nhận ra, miệng méo xệch đi và môi cứ lắp bắp, ú ớ. Hai con mắt mở banh nhưng rõ ràng như mắt người đui, có nhìn gì đâu? Có Larry ôm chặt nửa người trên thì nửa người dưới mụ vùng vằng đùng đùng.
Bác sĩ Barbato vung mạnh tay cắm kim vào bắp tay Lucia Santa. Sau khi thận trọng bơm thuốc còn cẩn thận đứng sang một bên nghe ngóng.
Quả nhiên nét mặt mụ Lucia Santa ngây dại trong khoảnh khắc rồi bình thản dần dần. Đôi mi mắt nhắm lại, thiếp dần đi, hết vẫy vùng.
Bác sĩ Barbato ra lệnh :
- Cho bà ấy vào giường ngủ giùm đi. Ít ra cũng được một giờ. Chừng nào dậy kêu tôi ngay.
Cùng mấy bà hàng xóm, Larry khiêng mẹ vào phòng trong. Lúc bấy giờ tình cờ Gino đứng cạnh mụ Teresina. Lần đầu tiên từ ngày quen biết nó mới trò chuyện cùng mụ bà chằng này. Nó hỏi khẽ: “Mẹ cháu sao đó, bác?”
Thốt nhiên Teresina lấy làm khoái chí. Mụ có ý chờ một dịp đau khổ như thế này để cho thằng khốn một bài học làm người... mà nó lại nhè hỏi trước thì tiện quá. Giọng mụ ngập ngừng chua chát :
- Không, mẹ mi có sao đâu? Thằng Vincenzo đó chứ... Người ta vừa lại cho hay tìm thấy xác nó trên đường ray trong sân nhà ga. Bị một đầu máy cán ngang. Nghe tin dữ là mẹ mày rụng rời vậy thôi... Chuyện, cha mẹ nào nghe tin con chết chẳng vậy? Hãy thương hại mẹ mi một chút...
Cặp mắt xoi bói trên khuôn mặt diều hâu của mụ Teresina, ngay lúc đó oán hận nhìn nó... Gino làm sao quên nổi? Cái chết đau đớn của thằng anh chẳng làm nó xúc động bao nhiêu. Nó không thấy thương lắm nhưng ngạc nhiên không hiểu tại sao mấy người kể cả mẹ nó - lại đau đớn, khổ sở làm như muốn chết luôn vậy?
Ở trong phòng ngủ bước ra, Larry đưa tay ngoắc Gino. Nó tất tả đi xuống trước, thằng em chạy theo sau. Không nói một câu, Larry ra hiệu cho em lên xe, rồ máy chạy. Trời sập tối. Chạy tới góc đường 36 và đại lộ số 9, nó cho xe tốp lại trước một căn phố lầu đá ong. Lúc bấy giờ nó mới bảo Gino :
- Xuống xe đi... lên tầng ba kiếm thằng Lefty Fay bảo nó xuống ngay, tao có chuyện gấp...
Đúng lúc đó ở cánh cửa sổ tầng ba có ai thò đầu nhìn ra. Larry cúi đầu nhìn qua tấm kính xe, cất tiếng kêu :
- Fay đó hả? Xuống tao nhờ chút việc... Hạ thấp giọng nó bảo Gino: “Mày xuống băng sau... nhường chỗ cho nó...”
Lefty Fay người cao lớn, to con gốc Ái Nhĩ Lan. Gã đang làm Hỏa xa và hồi nhỏ cũng chơi với Larry. Đúng ra phải nói cả khu này chỉ có mình Fay đấm ăn anh nó. Lúc hai người mồi thuốc Gino chuồn xuống băng sau. Mấy lời của mụ Teresina còn văng vẳng bên tai nhưng Gino chẳng có cảm giác gia đình nó vừa mất thằng Vincenzo. Fay ngồi vào chỗ của nó cạnh Larry.
Giọng Larry bình thản, mệt nhọc :
- Trời ơi, có một ngày hôm nay mà bao nhiêu người mệt.
Trong bóng tối tiếng Fay cất lên ồ ề như mọi lần nhưng bữa nay rầu rĩ hẳn :
- Đúng thế! Tao vừa đi nhậu một mách về xong. Ăn hết nổi...
- Nói thật với mày, tao không hiểu sao mày không biết nó là em tao khi tai nạn đã xảy ra rồi.
Giọng Larry tuyệt đối không có vẻ oán trách, đổ tội gì cả... nhưng Fay vẫn cằn nhằn :
- Nữa... mày tính đổ vạ cho tao sao, Larry? Cái vụ này xảy ra ở tuốt trong sân ga, ngang đường 42 lận... Hồi tao với mày chơi với nhau nó còn nhỏ quá, bây giờ nó lớn lên làm sao tao nhận ra em mày? Người nó chẳng có giấy tờ gì hết.
- Cái gì mà đổ vạ? Thằng an ninh có cho tao hay sau khi tai nạn xảy ra mày viết vào tờ trình rằng thằng em tao lao vào đầu xe. Sự thực thế nào?
Ngồi băng sau tối om, Gino trông chờ Fay lên tiếng. Xem, nó suy nghĩ gì lâu thế? Mãi sau nó mới ồ ề nói, lần này có pha chút nghẹn ngào :
- Tao thề với trời đất là có sao tao nói vậy. Phải chi lúc ấy tao nhận ra thằng em mày thì tao viết vào tờ trình làm chi? Nhưng phải nhìn nhận là tự nó lao vào...
Larry gằn giọng bác bỏ ngay :
- Tầm bậy! Thằng Vincenzo nhà tao không đời nào làm vậy. Mày chắc còn nhớ nó nhút nhát từ hồi còn nhỏ, sợ cái bóng nó sợ đi. Nói nó say rượu còn có lý... hay nó luống cuống té vào chẳng hạn. Mày làm lại tờ trình đi Fay...
- Đâu được, Larry? Mày biết tao không thể làm lại được mà? Không thể được... cò bót kiếm chuyện lôi thôi chắc. Và còn đuổi sở nữa kìa!
- Đuổi sở làm chỗ khác. Tao bảo đảm...
Larry nói quả quyết lắm. Chờ không thấy Fay nói gì, nó tiếp luôn :
- Mày nhìn lầm, tao biết! Mày cứ giữ nguyên tờ trình cũ thì chỉ khổ, chỉ tội nghiệp bà già tao. Chắc bà ấy điên mất. Dám chết không chừng! Mày nỡ để mẹ tao vậy sao, Fay? Hồi tụi mình còn nhỏ, mày ăn ngủ tại nhà tao nhiều quá mày biết chứ gì?
-... Nhưng vợ tao, các con tao ai thương? Mày biết nếu tao làm lại tờ trình thì sở Hỏa xa phải bồi thường cho bà già mày, vậy là tụi nó cứ tao mà gõ, mất việc chắc. Vậy tao làm lại đâu được mà mày đừng ép tao chứ, Larry?
Giọng Larry lạnh tanh :
- Tao đâu có ép? Tao chỉ yêu cầu mày thôi. Và phân nửa số tiền bồi thường sẽ là của mày...
Thế là Fay cười hăng hắc, không cần giấu vẻ bực bội “À há, bây giờ mày cậy làm cho Di Lucca... mày áp lực cả tao nữa đây, phải không Larry?”
Thằng Fay có ý ngầm thách thức vậy. Nó muốn nhắc lại những ngày mới đây nó còn đánh cho Larry nằm lê nằm lết vỉa hè.
Đúng lúc đó có một giọng cất lên. Gino nhận không ra nhưng sợ quá, sợ dựng tóc gáy. Người nó chợt lạnh ngắt vì giọng nói ấy rõ ràng nghẹt những tàn ác, độc địa, oán thù chất chứa trong người phải tuôn ra cho hả. Dĩ nhiên giọng Larry, anh nó chứ còn ai? Áp lực hay dọa dẫm gì? Rõ ràng một báo hiệu thanh toán nhau không sai chạy và thật bất nhân :
- Tao không dọa. Tao... xác mày...
Cảm giác kinh khủng phút chốc ngập ngụa trong xe làm Gino ớn quá. Nó vùng đẩy cửa xe bước xuống. Chịu hết nổi. Nó muốn bỏ đi lập tức... nhưng chỉ sợ nó đi lỡ Larry làm gì Fay thì sao?
Còn đang chần chờ thì Gino thấy Fay lật đật xuống xe và Larry chìa tay qua thành cửa xe đưa cho nó mấy tờ giấy bạc gấp nhỏ.
Fay đi khuất là Gino leo lên xe ngồi băng trước song nó không dám liếc nhìn thằng anh. Vừa lái xe về nhà, Larry mệt mỏi nói :
- Nó nói vậy chứ tin là hố nghe Gino? Tao còn lạ gì, đụng đến tai nạn là thằng nào chẳng nói láo? Chỉ sợ trách nhiệm mà? Thằng an ninh cho tao hay là Vincenzo say rượu, nồng nặc mùi rượu. Thôi thì lỗi nó... nó ráng chịu đi... Nhưng bảo là nó nhảy vào đầu xe là tao không tin, tao không chịu...
Ngập ngừng một lát như kiếm cách giải thích, Larry cất tiếng than: “Tao chỉ lo cho bà già... Trời đất, lo cho bà ấy quá!”.
Cả hai anh em không đứa nào nhắc tới Vincenzo hết.