Leo lên cây mít rồi lại tụt xuống, liên tiếp mấy lần, cuối cùng ông cụ Ruân ngồi chồm hỗm trên hàng tường vi, xót xa nhìn cái sân gạch, nhìn ba gian nhà ngói. Xót xa quá, dao đeo bên sườn rồi, trèo lên cây mít rồi, thế mà chẳng ra dao được nhát nào, vì trèo lên, tụt xuống rồi, mà vẫn vậy, hơn nữa còn mỏi rừ cả hai cẳng rồi!
Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra. Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Ông cụ Ruân- con người sống sót sau trận vỡ đê khủng khiếp năm 1915 ở Nguyên Lộc- lúc này y như con kiến nọ vậy.
Bao nhiêu lần ông cụ dùng dằng, do dự rồi, kể từ ngày có lệnh rỡ nhà, chuyển cả bãi Soi vào trong đê. Ôi chao, cứ nhớ đến trận lụt kinh người năm ấy, vào mùa nước, đứng trên mặt đê nhìn ra bãi Soi chìm trong dòng nước đục, thấy cây cối nhà cửa ở đó thật là cái chướng ngại cản ngăn dòng nước thoát, thì lòng dạ một hai là phải dọn phăng ngay nhà cửa xóm làng đi. Nhưng, bây giờ, vào mùa nước cạn, con đê nối liền với bãi ngô rộng thênh thang, nhìn thấy Bãi Soi nổi bồng xanh tươi, trù mật giữa hai vệt nước ôm vòng nhỏ teo, thì lại thấy trù trừ, lại thấy không nỡ chặt cái cây, rỡ cái nhà, thấy việc chuyển cư xóm bãi vào phía trong đê chẳng cần vội vã, chẳng có gì là cấp thiết cả.
Ấy thế! Bỏ đi cả một cơ nghiệp có dễ đâu! Đất bãi do ông cố cụ lập nên. Ông cố cụ thi Tam Bảng hỏng, bỏ lều chõng, theo gương các cụ nhà nho khảng khái, phẫn chí, rời nhà đến đây ở ẩn. Dạo ấy, bãi Soi mới nổi, cỏ cây um tùm, beo, lợn rừng, trăn gió nhan nhản. Tây, lý trưởng Nguyên Lộc
chẳng để mắt tới bãi Soi. Ông cố sóng với trời mây, cây cỏ, muông thú, sông nước. Chuyện còn truyền: đêm trăng ra sông tắm, thấy con cọp đứng uống nước đứng chắn lối, ông cố còn lấy tay phát vào mông đuổi nó để lấy đường đi như đuổi con bò, con trâu vậy. Mảnh đất hoang sơ ấy đến năm băm mốt thì thành cơ sở cách mạng. Cũng là tình cờ. Một chiến sĩ cộng sản vượt ngục, bơi qua sông, dạt vào. Thật là gặp rừng rậm kín đáo giữa nơi đồng bằng trống trải. Chủ nghĩa cộng sản và lòng yêu nước thương nòi gặp nhau, và lòng ông cố còn là sự đảm bảo chắc chắn hơn cảnh sông nước hoang vu. Thêm hai ba nhà nữa dọn đến, đất bãi thành nơi tin cậy cho các chiến sĩ cách mạng đi về. Lịch sử đảng bộ tỉnh ghi nhận đất bãi như một chấm son chói lọi trong các lưu niệm ở thời kỳ cách mạng thoái trào này.
Giờ thì Bãi Soi đất lành , chim đậu, trù phú tốt tươi, hai trăm hộ đầm ấm quần cư. Thời chống Pháp, trai đất bãi như ông Long thủ cống từ đây bơi qua sông ra vùng tự do đi bộ đội. Dân đất bãi mỗi người là một mái chèo đưa bộ đội, cán bộ vượt sông vào hậu địch; địch chiếm bên kia sông, con đê là giới tuyến, đất bãi là cái chiến hạm của ta kề súng áp tai địch. Trải qua thời chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất bãi càng có thêm chiều dầy lịch sử riêng. Ông cố mắt năm 1960, thọ chín mươi tuổi, tại đây. Dân lập đền thờ ông cố như thờ thành hoàng. Bãi Soi đã thành đất quê. Căn nhà gạch ba gian, nhà ông cố dựng, sau bao năm chiến tranh, sau những cơn thuỷ tai ngập lụt, vẫn đứng đó, bền vững, khang trang. Nhà cổ, tiền kẻ, hậu bẩy, thềm hai cấp, cột hiên đá trạm, cánh cửa bức bàn. Thân mít làm cột cái, cột quân, đỏ rau rảu, bóng như quang dầu, kê trên đá tảng đẽo kiểu đèn lồng, bền thiên niên vạn đại. Sân gạch, tường hoa, bể nước, qua các kỳ lụt lội vẫn trơ gan cùng nhật nguyệt. Chuối sau che gió, cau trước lọc nắng, cảnh trí càng thêm phần thanh tĩnh, thung dung.
Nhưng tiếc cái nhà ngơ ngẩn, thì tiếc cái vườn còn đứt ruột đứt gan. Bỏ đi là mất mảnh đất bạc, đất vàng cắm cây nào cây nấy lớn vùn vụt, cho quả ngon nổi tiếng khắp vùng. Quả mít tuy nhỏ, nhưng không sơ, mỏng vỏ, múi dài, rít những mật là mật. Bưởi có vị mát phù sa. Hồng bì ngọt thấu ruột. Nhãn bằng nhãn tiến vua. Roi to như cái chén. Nhót đẹp như ngọn đèn hồng.
Lại còn dàn trầu! Cây trầu đại khó tính. Nắng nhiều, mưa lắm, đất khô, đất ướt đều không ưa. ở đây, trầu bám bờ trường vôi, leo ba tầng cao, gốc kín lá, gà không vào bới nổi. Nắng tưới loãng, mưa tưới đặc, hai năm rút dây một lần, dàn trầu xanh quanh năm suốt tháng. Đám cưới phải có miếng trầu mới nên. Tiết tiểu hàn, đại hàn đi cấy có miếng trầu không biết đến giá buốt. Bốn lá trầu giờ những hơn đồng bạc!
Cây là cảnh đời, là nguồn sống, là nghĩa tình. Động vào nó như động vào thịt da, ai nỡ chém phứt.
Tới trưa, ông cụ Ruân vẫn ngồi thừ lừ trên hàng tường vi, nhìn cây, nhìn nhà, rưng rưng nước mắt.
- Bác ơi!
Nghe tiếng một người phụ nữ gọi, ông cụ lừ lừ quay lại. Thuận, chủ tịch xã, hai ống quần đen xoe lên tận đầu gối, tóc tết bím sau gáy, sườn đeo con dao tay, đang đi tới.
Ông cụ cúi xuống, chớp chớp mắt, ngượng ngùng.
Người phụ nữ cởi cái khăn đen ở cổ, buộc chùm lên mái tóc, nhìn quanh, giọng bỗng trầm xuống:
- Bác ạ, con vừa chặt cây nhà con. Bác tiếc mười, con cũng tiếc tám chín. Nhưng... cái thế của mình không thể vì tham đó mà bỏ đăng. Tham bát mà bỏ cả mâm được.
Ông cụ ngước lên, thấy bả vai và hai ống tay cô gái ướt đẫm, bỗng nhớ tới buổi trưa hôm nào, lúc vỡ cống, cô gái nhảy xuống làm kè chắn dòng nước lũ. Chống gối, ông cụ đứng dậy, thở đánh phào.
- Thôi, bác để con chặt cho. Công việc gấp lắm rồi, bác ạ.
Người phụ nữ rút con dao đi lại gốc cây mít cao nhất. Cạch! Cạch! Cạch! Nghe tiếng dao mở lối của cô chủ tịch, ông cụ quay đi. Rồi bỗng nhiên tựa như bị những tiếng dao nọ kích thích, ông cụ chồm tới gốc cây.
- Thuận! Thuận!
Cô chủ tịch quay lại. Mắt ông cụ ròng ròng nước:
- Thuận, mày đừng hiểu lầm ông... Ông chần chừ... Không phải vì ông tính toán như kẻ khác.
Cô chủ tịch thõng tay dao, chưa kịp đáp thì ông cụ đã khẽ đẩy cô sang một bên. Đứng thế vào chỗ cô, chân chạng rộng vững trãi, ông cụ vung con dao, nước mắt lã chã và tiếng nói vừa băm bổ vừa như hụt hơi:
- Mày đi vận động nhà khác đi, Thuận... kệ xác bác! Cái thế nó phải thế! Bác không phải là đứa chỉ biết vơ lợi cho mình. Mình sống còn có làng có nước. Người ta hy sinh cả thân mình, người ta còn không tiếc nữa là...
Bây giờ là buổi trưa, trời hanh khô khô ráo, lắng nghe thấy cả Bãi Soi đang ran ran tiếng dao chặt cây. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cây to đổ đánh rầm, nặng trầm như tiếng đất lở ven sông. Rồi lát sau, có tiếng gió quất, đất rung nhè nhẹ, nhìn lên thấy lá cây bay lả tả. Cây mít to nhất nhà ông cụ Ruân đã đổ.
Đứng cạnh ông cụ, lúc ấy tự dưng Thuận ứa nước mắt. Cảm động vì cảnh xóm bãi đã bắt đầu vào cuộc hoá thân từ bỏ mình, thương ông cụ, hay lời ông cụ làm cô trạnh nhớ? Cũng một trưa nắng hanh như hôm nay, cô chèo thuyền đưa anh Nhân, chồng cô, qua sông sang bờ bên nhập ngũ; trên đê đỏ rực cờ bay đưa tiễn thanh niên Nguyên Lộc lên đường ra mặt trận và tiếng trống ếch thiếu nhi thì thùng loang trên mặt sông.
*
Cũng lúc ấy, ở căn nhà gạch năm gian to nhất xóm, nhà ông Long thủ cống, đang có đám cờ tướng. Căn nhà mới xây, bề thế còn hơn nhà phó lý Hữu, bố Thưởng. Tường quét vôi ve, trán cửa đắp nổi hình chùm nho tô xanh đỏ, hoa gió trổ hình mặt trời toé nắng vàng khè. Toà nhà dựng bằng sự bòn mót. Có thể chỉ ra thật rành mạch: Bê tông móng có sỏi dự trữ chôn ở cơ đê, ngói có vài chục viên rỡ ở điếm canh, đòn tay chặt trộm ở hàng tre chắn sông... Của gian phi cứ ngang nhiên phơi bày lồ lộ giữa thanh thiên, cũng như chủ nhân của nó sau cái tội làm vỡ cống, vẫn cứ nghiễm nhiên là ông thủ cống sống đàng hoàng bình yên vô sự.
Ông Long, thương binh loại nhẹ, nguyên phó chủ tịch xã, mắc tội tham ô công quỹ, giờ làm thủ cống. Làm thủ cống, trông coi hai cái cống nhỏ, một cái cống lớn trên đê, hàng ngày ông cứ nghêu ngao bài thơ tự sáng tác: “ Làm thủ cống, chẳng giấc quái nào say. Vì cứ sợ, nước đang vơi lại bỗng đầy”. Tính ông ngang cành bứa kể từ ngày ông rời chức phó chủ tịch. Mặc, ai nói người ấy nghe. Còn ông, ông có thế lớn, thế bộ đội, thế thương binh, thế họ hàng ông chủ tịch huyện, ông coi trời bằng vung!
Giờ cũng vậy, toà nhà, vườn tược của ông vẫn chẳng hề động đậy, trong khi cả xóm đang ầm ầm công việc dọn dẹp để di chuyển. Vẫn như thường khi cái sân rộng lạch bạch đàn vịt trắng nhớ bữa về ngóng ăn. Và ở góc sân, trong bóng râm, một chiếc Hon-đa đỏ dựng chân chống, trên cái yên dài có ba con gà trống nhảy lên đứng rỉa lông.
Vào lúc Thuận, chủ tịch xã, đang trên đường đi tới nhà ông, tại đây cuộc chiến trên bàn cờ tướng đang vào hồi quyết liệt. Tiếng hối thúc, tiếng hò hét từ trong nhà văng ra sân to đến nỗi ba chú gà trống giật mình hốt hoảng cất cánh bay từ cái yên xe máy xuống, chạy biến.
- Nổ pháo! Nổ pháo!
- Bay mã! Xuất xe!
- Lưỡng chiếu đi! Hậu cứ nó lỏng lẻo lắm.
- Tốc chiến tốc thắng, Há!
- Thụt trước! Nguy hiểm quá. Mất mẹ nó tờ đỏ rồi.
- Đấm thằng tốt.
- Voi lên chặn!
- Phát nữa! Ăn tiền rồi!
Quả là một cuộc chiến có thừa say sưa, một cuộc chiến tranh tổng lực, đủ cả quân, sỹ, xe pháo, tiền duyên, hậu cứ với các chiến thuật công, thủ vô cùng linh hoạt. Vây quanh trận địa là hai bộ tham mưu khoảng mươi viên sĩ quan cả già lẫn trẻ. Còn hai viên tướng ngồi đối địch nhau thì một ông là ông Long, năm mươi mốt tuổi, cao gầy, lưng hơi gù, mặt thưỡi dài teo héo, lép mắt trái, môi tớn cong, lộ hàm răng thưa vàng khè. Phía bên kia là viên tướng trẻ có lối đánh ào ạt, dữ tợn. Gã này to lớn, ngồi rạp lưng tay khuỳnh, trông kềnh càng như con cua bể. Bàn tay phải gã nắm nắm như giấu cái gì bên trong. Cái mặt thịt lì bóng, trơ trơ, rất hoà hợp với cái cổ to ụ, đỏ hăm như màu cái mũi gồ của gã.
Hai bên sau một hồi choảng nhau dữ dội đang trở về thế cầm cự. Mặt trận yên tĩnh. Ông tướng Long bây giờ mới ngẩng lên, bẻ vai khặc một cái, cười hà, nhìn viên tướng trẻ:
- Cậu Thưởng là tệ lắm nhé.
- Tệ cái gì kia?
- Cưới vợ mà đánh bài lờ, chẳng thèm mời anh em điếu thuốc.
Thì ra ông thủ cống nói chuyện đời chứ không phải đánh cờ. Gã trai cười tủm rồi cúi xuống, môi chúm chúm như thổi lửa:
- Chậc! Vợ con là cái nợ đời. Thật ra cũng muốn mời bác, nhưng lúc ấy bác đang lôi thôi về chuyện cái cống vỡ.
- Lôi thôi cái con khỉ!
- Sao bảo ông chủ tịch huyện xuống tận đây lôi bác ra kiểm điểm.
- Kiểm cái củ thìu tao ấy. Đêm ấy tao đội nón ra xem, thấy vẫn yên lành, tao mới về ngủ chứ. Đứa nào nói một giấc ngủ trị giá nghìn mẫu ruộng, tao gang mồm nó ra. Mưa xuống, nước lên, nó xồng xộc vào đồng, là do tao cả à? Còn cái cống vỡ là do thằng thiết kế láo!
Xoay xoay một quân cờ giữa hai ngón tay, gã trai nhếch mép cười. Cha thủ cống này cãi bây, thế mà ăn thua đấy.
- Dân chúng bây giờ họ ghê lắm, họ không để bác yên đâu!- Gã trai cúi xuống, chóp mũi như cái đầu đạn nhọn bóng.
- Thì làm đếch gì được tao.
- Sao bảo họ bãi chức thủ cống của bác.
- Chức tước đếch gì cái thằng thủ cống! Tao... là tao sắp bay lên huyện.
- A!
- Bay thật à?
- Làm gì đấy, bố?- Cái bàn cờ xôn xao.
Ông thủ cống ngửa người, hấc một tiếng cười cụt rồi nói như hắt hơi:
- Trưởng phòng vật tư!
- Ối trời!- Gã trai kêu to, ngẩng lên- Ô dù gì mà vững thế, bác Long?
Ông thủ cống cười hặc hặc, rồi vừa cười vừa mổ ngón tay trỏ xuống bàn cờ:
- Ô, dù gì! Chiếu tướng đây này! Há há... Chạy đằng giời. Cờ cũng như đời, ăn nhau là ở cái miếng lừa, hiểu chưa?
Lúc ấy cô chủ tịch vừa bước vào sân và đánh tiếng bằng việc xua đàn gà đang bới trong gầm bụi nhót.
*
Thoáng cái, bàn cờ biến mất. Hai tờ giấy mười đồng tiền chầu, để ở rìa phản chui ngay vào túi ông Long. Cô chủ tịch bước vào nhà thì cái Hon-đa đỏ nổ máy. Trên phản chỉ có ba ông trung niên và ông thủ cống đang điềm nhiên thuốn nõ cái điếu bát, giả tảng như đang dở câu chuyện mùa màng làm ăn với mấy ông bạn.
- Bác Long này, cái anh vừa ở đây đi xe máy ra có phải là Thưởng không, bác?
- Phải.
- Anh ấy là con nhà phó lý Hữu...
- Ối, từ hồi tám hoánh.
- Hộ khẩu ở đây mà cấm thấy mặt anh ta bao giờ. Đi dân công, đắp đê đã tham gia lượt nào. Mà khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng chỉ thấy tên, không thấy người bao giờ.
- Thanh niên thời đại này phải để nó bay nhẩy chứ.
Không đợi ông thủ cống mời, Thuận ghé xuống rìa phản. Ông thủ cống rịt thuốc vào nõ.
- Bác Long ạ, hôm qua đã họp các đầu ngành, đầu giới, quyết nghị là hôm nay bắt đầu chuyển xóm. Bác bí thư mời bác ra trụ sở gặp để bác ấy truyền đạt...
Xoè diêm, kéo một hơi dài rồi ngửa cổ, thổi khói thành một hơi thắng vút, ông thủ cống cười nhạt, thủng thẳng:
- Cứ làm như rỡ cái chuồng gà không bằng!
- Bác bảo sao?
- Là tôi nói các ông các bà bàn bạc quyết định toàn những việc ném trấu ngược gió.
- Sao bác lại nói thế! Hai trăm hộ thì một trăm chín mươi tám hộ đã làm đơn xin đi. Chỉ còn có nhà bác và nhà Thưởng.
- Tôi đếch biết.
- Bác không muốn biết tthì tuỳ bác. Nhưng việc này toàn dân đã bàn nát về mọi mặt lợi hại rồi.
- Toàn đi con đường trái nước ngược gió cả.
Hạ thấp cái mặt thưỡi, khép con mắt độc nhất lại, ông thủ cống xoay người vào phía trong, rồi lê ra ngoài phản, thò chân xuống đất, đứng dậy, vươn vai ngáp:
- Tôi chẳng đi đâu cả. Mà xin báo với cô là tôi sắp lên huyện công tác rồi, cô nhé.
- Bác không đi đâu cả!
- Sao?
- Thường vụ đảng uỷ đã nhất trí: Không đồng ý cho bác lên huyện công tác!
Chà! Cô chủ tịch nói năng sao mà kiên quyết, kiên quyết mà sao vẫn điềm tĩnh thế! Một giây ngây đờ qua đi ngay. Mặt ông thủ cống đỏ dần, rồi đỏ tía lên. Ông chồm tới trước mặt người phụ nữ:
- Thường vụ nào?
- ...
- Hả?... Hả! Chúng mày định về hùa với nhau để trù ép tao hả?
- Bác không được phép ăn nói hồ đồ như thế.
- Quân khốn! Răng nhe nhe ông thủ cống gầm ghì- May mà thằng Nhân chồng mày nó chết rồi, chứ nó mà sống với mày thì...
- Ông Long! Ông Long! Đứng phắt dậy, mắt người phụ nữ cháy đỏ và giọng chị rung lên cay nhức, đớn đau. Tôi cấm ông không được động đến cá nhân tôi- Trời! Lại có cả cái thứ người trơ tráo, nhẫn tâm như ông cơ à!
- Nhưng mà...
- Không phải lúc nói năng gì nữa. Ông không có quyền. Yêu cầu ông ra trụ sở ngay.
Hai con mắt im phắc ứa đỏ vì nén chặt khổ đau, chờ cho người đàn ông bây bửa chụp cái mũ lá lên đầu, bước ra khỏi nhà, người phụ nữ mới đột ngột ôm mặt, ngồi thụp xuống đất, nghẹn ngào: “ Ơi anh Nhân ơi, sao anh bỏ em, anh không về...”
Rồi thì những cản trở cũng được gạt đi. Những chuyến xe trâu đầu tiên đã bắt đầu lăn bánh chở cây cột, vì kèo, gạch ngói, đồ đạc đi qua cái cầu phao trên nhánh sông bên tả, leo lên đê, vào làng Nguyên Lộc.
Ngồi trát lại mấy đoạn tường vôi long lở ở cái điếm canh đê, ông cụ Ruân nói chuyện với anh đội trưởng đội bảo vệ đê, giọng nắc nỏm:
- Anh Ngoạn ạ, luẩn quẩn mãi có nhìn ra đâu. Sau, nghe ông bí thư đảng uỷ, cái Thuận phân tích mới thủng. Ra ông trời lừa người. Lừa đâu có ít, mấy chục năm rồi. Hai trăm hộ, gần nghìn con người, bao nhiêu năm nay cứ nghĩ mình được ăn lộc sông, lộc trời. Nói anh nghe. Một vụ lụt, củi mắc trong vườn, đun phải ba năm mới hết. Có bận còn từ đâu trôi về lù lù cả một bè gỗ lim, gỗ vàng tâm. Cứ như trời cho của vậy.
- Trời cho của! - Đội trưởng chành miệng cười.
- Trời cho! Đất cho! - Ông cụ Ruân cười, rung những sợi râu lơ thơ bạc xác- Một vụ trầu, mấy ngàn bạc. Buồng chuối mười lăm nải, nải gót nải đầu bằng nhau, bao nhiêu tiền!
- Thế thì bỏ đi cũng tiếc đấy! - Đội trưởng gật gù- Nhưng mà để giải phóng lòng sông, vì lợi chung, cụ ạ.
- Thì thế... Nhưng mà anh ơi, vào lỗ hà ra lỗ hổng hết thôi. Ngẫm ra, ông trời cho bao nhiêu, ông lại lấy đi bằng sạch.
- Hà hà... Đội trưởng bật cười. Ông cụ trưởng điếm này ngộ và hóm ra trò. Ông cụ dương hai con mắt bạc, nhìn đội trưởng:
- Tôi nói bằng thật với anh chứ. Cứ nghĩ tới trận vỡ đê năm ấy, tôi lại ghê cả người. ấy thế dưng mà tôi tính anh nghe, ông trời lắm lúc cũng hào sảng ra dáng.
Ghé xuống, ông cụ Ruân thì thào tính toán so đo. A, thì ra bây giờ con người khôn ngoan hơn rồi. ừ, thì trời cho củi, cho màu mỡ phù sa. Nhưng thử tính xem, lụt đúng vụ tám, mất toi hàng chục mẫu hoa màu, và vài trăm con lợn như chơi. Đất ẩm, nhà gianh, mối ăn kiến đục, không có cái nhà gạch thì năm nào cũng phải làm lại nhà. Chưa kể vụ lụt nào chẳng tốn kém săng dầu cho ca-nô chạy đi cứu người, cứu của. Tuy vậy những cái hại ấy gộp lại cũng chưa bằng cái hại của việc do Bãi Soi họp thành xóm làng vậy mà hoá thành vật chướng ngại cho dòng nước chảy. Bây giờ đứng ở tầm cao, nhìn rộng ra mới thấy: thì ra cái lão hung thần Thuỷ Tinh thả mồi cho người xóm bãi để họ cứ bám lấy đất ấy, để Bãi Soi lù lù nổi lên chắn lối, cho quân của lão dâng nước, nhằm chỗ đê yếu đánh phá.
Cái lão hung thần lừa đảo! Người nhìn ra bụng dạ lão rồi. Người khôn ra, ngày càng khôn ra, chứ đâu hám cái lợi tí tẹo như thằng Bờm chỉ thích hòn xôi! Chuyển xóm, chỉ mất tí củi, rác, còn đất ấy vẫn gieo trồng vụ xuân được cơ mà. Ba trăm héc-ta đất bãi biến thành ba trăm héc-ta ngô, lên cân đối nuôi được trên hai trăm con lợn, lại mở được nghề làm thảm bẹ xuất khẩu. Cây lớn chặt hạ, cây nhỏ bứng đi, đến mùa lũ có về vẫn cứ là thông dòng như thường. Ra con người ngày càng thông minh, giỏi giang là vậy!
Đội trưởng Ngoạn gật gù. Chuyện đời này mà cứ như có hơi hướng cổ tích, thần thoại, lại mang ý nghĩa ngụ ngôn sâu sa.
- Bác Ruân ơi, bác vào nhận phần đất đi.
Nữ chủ tịch Thuận cầm một nắm que tre vót nhọn, leo qua mái đê trong đồng, vừa bước đến đằng sau hai người.
Ông cụ Ruân ngoái lại:
- Cô cứ cho tôi mảnh ở rìa làng ấy.
- Trừ những hộ ưu tiên, còn phải gắp thăm cho công bằng, cụ ạ. Làm gấp để ổn định rồi còn vào vụ cấy hái, nước nôi nữa.
- Ừ, có nhẽ phải thế.
“ Con người ngày càng khôn ra...” Đội trưởng nghĩ, bỏ cái bay, cùng ông cụ đứng dậy.
Một chiếc xe trâu đã qua cầu phao đang ì ạch leo dốc đê. Ba người chạy xuống, bám vào sau xe, đẩy. Con trâu nhoai cổ, chân đạp đất, móng toại từng vệt. Xe nặng quá. Thùng xe chất ngất chum vại, cối đá, cối xay, giương thờ, án thư, lại còn gạch chỉ chèn kín các kẽ hở. Người đánh xe vung roi quất trâu đen đét.
- Này, anh, đánh trâu là đánh mình đấy - Ông cụ Ruân thở hổn hển - Xe nhà ai đấy?
- Xe nhà Long. Chuyến đầu đấy ạ. Cái nhà đến khiếp. Đòn tay, dui mè, tường móng, gạch ngách, gạch bát, gạch lục, vị chi phải trên tám chục xe mới hết - Người đánh xe cáu kỉnh - Mà cái ông Long đến lạ. Đúng ngày đem xe đến chuyển cho nhà ông ấy thì ông ấy bỏ lên huyện.
- Lên huyện công tác rồi à?
Ông cụ Ruân buột miệng kêu to và buông tay.
Chiếc xe lên tới mặt đê. Thuận búi lại mái tóc vừa mới xổ, quay lại gọi ông cụ Ruân. Nhìn thấy hai khoảng mồ hôi thấm từ trong nách áo loang ra khoảng ngực nhô cao của cô gái, đội trưởng quay mặt đi.
- Ông Long lên công tác ở huyện, hả cô Thuận? Lát sau, đội trưởng quay lại. Thuận đang nhìn theo ông cụ Ruân đi xuống dốc.
- Cụ Ruân đang bực vì chuyện ấy đấy, anh Ngoạn ạ.
- Ai mà không bực. Bây giờ, dân người ta có ý thức lắm rồi.
- Anh tưởng em không bực ư?
Nữ chủ tịch quay phắt lại. Nhìn hai con mắt, ươn ướt của cô, đội trưởng lảng mắt đi. Cô ấy vất vả quá. Định bảo cô ấy điều thêm người lên gia cố đê và lo việc trồng thêm tre chắn sóng mà ái ngại quá. Hừ! Ông Long chạy tội, thoát được lên huyện. Con người khôn ngoan lên và ở phía khác, cũng tinh quái quỷ quyệt thêm là vậy.
Ý nghĩ chợt sụt hẫng, đội trưởng bỗng thấy như buột tay. Thuận vừa chạy xuống mái đê phía ngoài. Chị ra Bãi Soi. ở ngoài đó, nhà Thưởng vẫn chưa hề động dạng.
*
Loanh quanh một lúc, ngả chiều, đội trưởng mới trở lại cái điếm canh. Góc điếm, trên một tấm cót rải, lão thủ kho tóc xoã đang ngủ. Góc bên này, hai anh thợ, một béo phục phịch, một gầy ngẳng trông như chú thiếu niên mới lớn, đã gạt đất vẽ bàn cờ tướng, đang ồn ĩ bay mã, xuất xe, ghểnh sĩ, lên tướng.
- A, khá!- Anh thợ béo đã có tuổi, gật đầu, thích thú,- Cậu trước lái xe con cho các thủ trưởng, hả?
- Lái xe cho một ông giám đốc xí nghiệp.
- Hèn nào!
- Sao?
- Trình độ cờ vào loại cao thủ đấy! Tất cả cái lính xế lái xe con cho các thủ trưởng đều chơi cờ có hạng. Vì là phải ngồi chờ các thủ trưởng họp mà. Này, chạy quân xe đi, không chết bây giờ!
Đội trưởng cắn môi, cái cười lúng búng trong miệng. Hai anh thợ lái máy phụt vữa này, đến đây đã được một tuần. Họ là công nhân ở cái xí nghiệp bạn đội trưởng làm quản đốc. Chính người quản đốc này, theo giới thiệu của đội trưởng, đã giúp Trọng thiết kế chế tạo ra cái máy phun vữa này. Công việc chưa bắt đầu vì Trọng từ cơ quan chưa trở lại. Sao Trọng chưa trở lại? Tuần trước có hai anh kỹ sư đến khúc đê này. Một anh đeo kính trắng nói, “ Tôi đã hẹn Trọng rồi cơ mà”. Hai người cho biết họ đến khúc đê này để phối hợp với Trọng, dùng phương pháp hấp phụ tia ga-ma để tìm diệt tổ mối.
Chờ ba ngày không thấy Trọng, họ xách máy đi, hẹn ít lâu nữa sẽ quay lại. Vì sao Trọng ở cơ quan lâu thế? Không khéo sai hẹn, lỡ hết công việc mất thôi.
Đội trưởng kê dép, ngồi xuống cạnh bàn cờ, óc nghĩ ngợi mung lung.
- Giao hữu một trận, thủ trưởng.
- Cám ơn. Nhưng trình độ tớ xoàng lắm.
- Em tính mùa khô là mùa ngơi nghỉ. Mà không khí trên đê lúc này thật hợp với món chiến trận này, có phải không thủ trưởng?
- Quanh năm suốt tháng đầu nhem, đít nhọ, thủ trưởng đếch gì.
- Em nói đùa thôi. Chứ trông con người, tướng mạo là em biết ngay ai đáng tôn kính, ai nên coi xoàng chứ.
Đội trưởng bỗng chống tay đứng dậy, giọng nao nuốt khác thường:
- Này các cậu, máy đảm bảo chạy tốt chứ?
- Nó là cái Bông Sen cải tiến, thủ trưởng ạ. Theo thiết kế, có bộ phận nhào vữa, phụt vữa- Anh thợ béo đứng dậy, xoa hai tay- Dùng thuỷ phá thổ khoan lỗ vào tổ mối, rồi sau đó phụt vữa vào, trám lại.
Anh thợ gầy ngước lên:
- Chỉ còn hơi ngại phần áp suất của nó một tí thôi.
- Này. Đội trưởng quay ra cửa. Tớ biết chỗ có tổ mối. Nhiều đấy. Thử một tí được không?
Anh thợ gầy nhổm lên:
- Nhưng mà cách thức phun thế nào, chúng em đâu có biết.
Gãi gãi gáy, đội trưởng lững thững đi ra cửa điếm, làu bàu:
- Thế thì gay nhỉ!
Trong điếm, gã thủ kho đã dậy, ngáp một hơi rõ to và nghêu ngao câu hát quen thuộc. Một chiếc xe trâu nữa vừa vượt khỏi dốc mái đê.
Phía Tây, mặt trời chiếu qua một làn mây xám, toé xuống những tia nắng rẻ quạt. Đúng ở chỗ đó có một chiếc xe đạp đang đi ngược lại.
“ Ai như Trọng?” Đội trưởng thốt kêu nho nhỏ và dún chân chạy ngược chiều chiếc xe để đón Trọng. Bỗng nhiên sao ông thấy sốt ruột thế. Đã quá hẹn rồi mà Trọng chưa trở về!
Sau cuộc xô sát với Hưng mà Trọng gọi là sự kiện ngày thứ bẩy suốt đời không thể quên, Trọng phải ở lại cơ quan. Anh phải làm bản kiểm điểm, trình bày trước thủ trưởng và chờ án kỷ luật. Đó là những ngày nặng nề nhất đời Trọng. Vẻ ngoài, anh câm lặng, nhưng bên trong anh khóc thầm, tự khinh bỉ và xỉ vả mình.
Không khí trong phòng trầm xuống. Câu chuyện lan sang các phòng bạn. Mọi người nhìn anh, ái ngại và khó chịu. “ ồ, mình không ngờ hắn lại tồi tệ đến mức ấy”. Hình như người ta đều nghĩ vậy. Tuần lễ ấy, anh như một cái bóng âm thầm. Anh có cảm giác mình đang sa vào một cái mạng nhện càng quẫy càng rối. Hết giờ làm việc, anh vùi đầu vào sách, tìm một lời giải đáp cho hoàn cảnh bi đát của mình. Trớ trêu quá! Không một lời giải đáp. Các danh nhân thì sống ở một thời đã quá xa. Các anh hùng thì đều nẩy sinh trong hoàn cảnh chiến tranh. Tiểu thuyết tình yêu phương Tây xưa thì rặt những kiểu: Gặp gỡ, yêu say đắm, bị xúc phạm rồi đấu súng hoặc giã từ nhau. Nhạt nhẽo, vô bổ và rỗng tuếch. Anh tìm đến thuốc lá.
Những ngày ấy cheo leo bên bờ một vụ bùng nổ còn lớn hơn sự kiện ngày thứ bẩy suốt đời không thể quên vừa qua. Nhất là khi Trọng nhìn thấy mặt Hưng. Hưng bộc lộ thái độ căm ghét anh một cách công khai. Quan hệ giao tiếp giữa hai người hoàn toàn bị cắt đứt. Ông Chánh trở thành cái gạch nối giữa họ. Mỗi lần truyền đạt lại ý kiến của phòng với Trọng, ông Chánh đều có ý muốn vỗ về, an ủi anh. Một hôm, anh còn phát hiện ra một khía cạnh khác trong thái độ ông Chánh: Ông lo sợ anh quẫn rồi sinh liều!
Chính là thái độ đó của ông làm anh tự ái và giúp anh bừng tỉnh. Anh đâu có phải là con người tầm thường để ông đánh giá như vậy. Quá trình phục hồi của anh bắt đầu. Trong mỗi con người, ở suốt cuộc đời, có một dạng cân bằng nhất định giữa môi trường và các quá trình vật chất bên trong cơ thể được điều hoà bằng hệ thần kinh. Cuộc sống tinh thần của con người ta cũng vậy. Chính là cái khuynh hướng tinh thần chủ đạo của Trọng, cái hệ thần kinh ấy, đã giúp anh điều chỉnh lại con người mình. Niềm tin yêu thiết tha vào cuộc sống, tình yêu mãnh liệt với công việc, trình độ nhận thức sâu sắc mọi vẻ dạng của cuộc sống, tính chủ động cứng cỏi trong việc chỉ huy bản thân mình của anh là những cái trụ giữ anh đứng vững trong cả những giây phút chông chênh như đang đi trên một sợi dây thép. Anh tìm được một vị trí cao hơn để phân tích những điều đã xẩy ra.
Trọng trở lại dần với sự cân bằng, điềm tĩnh. Và anh nhận ra những người yêu mến anh bấy lâu lo lắng ái ngại cho anh, bỗng nhiên được thở phào nhẹ nhõm.
“Lâu lắm em mới thấy anh cười đấy, anh Trọng ạ”. Cô Vân xinh xắn bảo anh vậy. Cô rót một cốc nước chè tươi đặt trước mặt anh. Anh đáp: “Rồi tất cả sẽ qua đi thôi, Vân ạ. Tôi muốn quên tất cả để làm việc”. Nhưng cô lại lắc đầu. Anh biết, cô vẫn lo ngại cho anh. Anh cũng chẳng muốn hỏi. Lát sau có cô kéo ghế lại gần anh, mắt ngập ngừng như có điều uẩn khúc. Lúc ấy trong phòng không có ai, giọng cô thì thầm, nhưng anh nghe rất rõ: “Anh Trọng ạ, em có điều muốn tâm sự với anh. Việc riêng của em thôi nhưng anh cũng nên biết. Là gần đây, anh Hưng cứ đi rêu rao khắp nơi là em phản bội anh ấy. Nhưng anh hiểu cho... Thật tình là lúc đầu vào làm việc ở đây, em cũng mến anh ấy thật. Nhưng rồi không hiểu tại sao em thấy cứ dần dần xa anh ấy. Nhất là sau mấy lần em đến chơi nhà anh ấy. Nhà anh ấy sang trọng, hay luộm thuộm, cái ấy em chẳng quan tâm. Nhưng em rất lấy làm lạ, anh ấy cho một cặp vợ chồng ở nhờ phòng trong. Cặp vợ chồng này còn trẻ, suốt ngày họ đùa nghịch chí choé với nhau. Có bận em đang ngồi chơi, anh chồng trêu chị vợ, chị vợ cười sằng sặc, chạy ra ngoài phòng anh Hưng. Nói anh đừng bảo bịa. Em ngượng chín cả mặt. Chị vợ mặc độc cái xu chiêng và cái xi líp... Mấy hôm sau em bảo anh Hưng: Thế mà chịu được à? Thì anh ấy cười, đáp: “Cái gì đã quen đi thì lại thấy vui, thấy thích, Vân à”. “Quen thế nào được những cái ấy, hả anh?”
Câu chuyện làm Trọng nổi gai rờn rợn. Anh cố gạt đi để không đắp thêm vào Hưng những điều bỉ ổi. Anh nhớ khuôn mặt cô Vân lúc ấy: Hai
con mắt ngơ ngác và cái miệng ho hó kinh sợ, biểu hiện sự trong sạch của tâm hồn cô.
Một buổi sáng Trọng dậy muộn. Anh còn đang gấp chăn thì ông Chánh đã vào. Ông mở cánh cửa kính, bỏ mũ bông, dập chân thình thịch, tập bài thể dục buổi sáng. Trời lạnh, hít thở được một lúc, ông quay lại, đưa tay lên xoa mặt, day thái dương, vuốt sống mũi. Ông chuyển sang tập khí công và thái cực quyền.
- Ơ, cậu không tập thể dục à, Trọng?
Trọng đang kéo cái bàn, đáp nhủng nhẳng:
- Mất thì giờ! Mà tôi thì lăn lội suốt ngày ở ngoài đê rồi, việc gì phải tập với tành...
- Cậu nói lạ!- Ông Chánh đi đến cái bàn đầy sách vở Trọng đọc đêm qua. Tưởng ông sẽ thuyết giảng một bài về lợi ích của môn thể dục, thì ông nhấc mấy quyển sách lên- Cậu vẫn nghiên cứu về mối đấy à? Cái này là hình vẽ máy gì mà trông buồn cười nhỉ? A! Cái máy Bông Sen...
Ông nói như không nghĩ. Nhưng hai con mắt của ông rọi vào mặt Trọng thì đầy ý tứ đến nỗi Trọng thót giật mình: “Không hiểu trên mặt mình còn vương nét u buồn, thất vọng nào nữa không nhỉ?”
- Tôi ấy mà, cậu Trọng ạ- Ông Chánh nói, giọng khàn khàn- Cả đời, năm nay là năm nhăm tuổi, kể từ ngày đi công tác, chưa bao giờ bỏ một buổi thể dục. Kể cả thời gian bị tù hai năm.
Câu nói sau cùng của ông Chánh khiến Trọng sửng sốt. Đáng lẽ đi rửa mặt thì anh ngồi phịch xuống ghế và buột ra một câu hỏi tưởng như là thừa:
- Ở tù đế quốc à?
- Tù đế quốc thì nói chuyện làm gì- Ông Chánh cười vô tư- Tù nói ở đây là tù của ta ấy chứ. Đang làm Chánh văn phòng huyện uỷ thì đùng một cái, có giấy từ xã lên gọi về. Cha mẹ ơi, họ quy mình là Quốc dân đảng. Thế là tống giam liền. Dạo đó là cải cách ruộng đất. Hai năm liền ở tù chung với bọn đầu trộm đuôi cướp. Oan Thị Kính! Nhục muốn chết. Nhưng lòng dặn lòng: Trung thành, đạo đức, gương mẫu không sai một li. Sáng nào cũng dậy đúng giờ, thể dục. Xong, gấp chăn màn rồi đi lao động... Đúng hai năm một ngày. Đảng sửa sai, phục hồi cho ngay, vì trong thử thách gay go như thế vẫn vững vàng.
Ông cười, nhẹ tênh. Trọng đứng dậy cùng ông. Ông vỗ vai anh, vừa thân mật vừa kẻ cả: “ Dẫu sao thì cũng như là bị bước hụt chứ đằng thẳng thì tớ chẳng lèm nhèm thế này đâu, Trọng ạ. Để hôm nào tớ cho cậu xem cái bằng khen, giấy khen của tôi, tôi giữ được, từ năm bốn tám, năm mươi kia”.
Ngoài cửa đã có tiếng nói cười tíu tít của ba cô gái, ông Chánh quay lại, vào việc sửa soạn cho một ngày làm việc mới.
Suốt buổi sáng ấy, Trọng ngồi ở thư viện, định hoàn chỉnh lại cái báo cáo về việc tìm, diệt mối mà không sao viết được một dòng nào. “Ông ấy nói thế là có ý khuyên mình. Nhưng chẳng lẽ mình đang bị tù?”
Ý nghĩ ấy làm Trọng bứt rứt. Chín giờ rưỡi, anh trở về cơ quan. Vào lúc đang tập thể dục giữa giờ, trong phòng chỉ có ông Chánh và Hưng. Có lẽ họ đã tranh luận thầm với nhau từ lâu rồi, nay thấy phòng vắng, họ thấy không cần giữ ý nữa, nên nói to hơn, nhất là giọng ông Chánh:
- Anh làm thế thì hơi quá. Người ta có sai thì cũng không nên dìm người ta xuống.
- Sao lại quá!- Hưng nói như quát- Cả ông nữa, tôi yêu cầu, ý kiến nào tôi đồng ý ông mới được phép báo cáo với Đảng uỷ.
- Tôi chỉ phản ánh dư luận...
- Dư luận nào?
- Tôi nghĩ, nếu anh có chót cầm cái báo cáo về vụ vỡ cống Lợi Toàn thì cũng có gì là quan trọng.
- Ông im đi!
Ông Chánh im bặt. Ông vốn tốt nhịn trước Hưng. Hơn nữa, lúc ấy, Trọng đã bước vào phòng.
Hưng kéo cái cặp da, đứng dậy, hầm hầm đi ra cửa. Trọng ngồi xuống bàn. Ông Chánh như là còn đang ngượng nghịu vì bị Hưng mắng, lúi húi tìm cái gì ở dưới đất. Lát sau, ông đi ra ô cửa sổ, nhìn xuống sân, rồi quay lại, cố ra vẻ tự nhiên:
- Sang tháng mười một rồi. Năm nay có khi rét sớm đấy. À cậu Trọng này, lúc nãy có ai gọi điện cho cậu. ở xa lắm, nghe lí nhí không rõ.
“Ai gọi điện cho mình nhỉ? Tháng mười một rồi. Vậy là đã hơn một tháng trời qua”. Trọng nghĩ. Ông Chánh đã đến trước bàn anh, trụt cái mũ lông, ngồi xuống ghế.
- Đời quả là không đơn giản thật!
Ông nói bâng quơ, mặt ngoảnh ra ngoài, tay lần mần sờ hàm râu, gặp cái râu dài, quặp móng tay lại dựt dựt. Câu nói ấy của ông lại như một tia sáng nữa rọi vào ông. Và Trọng bỗng hiểu, từ trước đến nay, anh đã đánh giá ông không hoàn toàn đúng. Ông thô sơ, giản lược, ông có nhiều nhược điểm thật, nhưng đều có thể cảm thông được. Ông hẹp hòi, hay xét nét, như ông nhận xét lá đơn của Trọng, cái đó là trình độ của ông, chứ không phải lòng dạ ông vốn độc địa. Ông đã bị mất đà, ông đang lấy lại đà. Cái thói hợm mình, hay dậy khôn người cũng như chút khát khao về chức vụ, tín nhiệm của ông là sự gắng gỏi vươn dậy để lấy lại thế thăng bằng đã bị mất. Và trong ông, thật ra vẫn có một cái gì đó trong sạch, sự trong sạch của lớp cán bộ đến với cách mạng như đến với mối tình đầu, được biểu hiện ra bằng sự chân thành, chân thành cả khi thô sơ, giản lược, và không bao giờ cố ý làm hại ai, hoặc làm hỏng công việc một cách có ý thức
- Không phức tạp thì không gọi là đời, bác Chánh ạ.
- Ấy thế! Ngay khi gia đình tôi. Bà ấy thì cốt cách con nhà nông, không có vấn đề gì. Nhưng mấy ông con thì... bất trị. Tóc tai để như người rừng. Bảo nó thì nó phê luôn mình là Mao-ít!
Ông Chánh nói thao thao như thường ngày ông vẫn nói trong câu chuyện tầm phào. Nhưng, ông bỗng dừng, đưa mắt nhìn anh, định nói cái gì, rồi lại ngoảnh ra cửa sổ:
- Cứ như cậu là sướng đấy, Trọng ạ.
- Sướng cái gì, hả bác?
- Có chuyên môn! Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. ở đâu cũng có giá trị. Không ở đây thì ở nơi khác! Cần gì, đúng không!
Trọng im lặng, trong thâm tâm nghĩ, đó chỉ là một câu bình phẩm chung chung, hoặc quá lắm là phản ảnh tâm tư xao xuyến thường xuyên của ông. Ông không giỏi nghề và cảm thấy mình không được anh em trọng vọng. Nhưng không hoàn toàn vậy. Thấy Trọng không nói gì, ông liền quay lại nhìn Trọng, mặt trở nên nghiêm trang khác thường.
- Trọng này, như cậu, giả thử không công tác ở đây, cậu có thể sang một cơ quan khác chứ?
Trọng đờ ra một giây. Thế là thế nào? Ông Chánh dự cảm thấy mối nguy hiểm cho Trọng, ông tìm lối cho anh vì anh có mặt ở đây, chính ông cũng khó sử? Hay là ông đang tham dự vào một âm mưu do Hưng đề xướng? Lúc ấy, anh chỉ nghĩ tới khía cạnh sau của vấn đề. Và do đó anh thấy bừng bực, khó chịu.
- Buồn cười nhỉ. Sao bác lại đặt vấn đề như thế? Tôi làm việc ở cơ quan này là do sự cần thiết, là do tôi có nội dung công việc. Công việc tôi đang làm, sao tôi lại bỏ dở? Tôi chẳng chuyển đi đâu cả. Tôi ở lại không phải để đấu đá với Hưng đâu. Hưng mà cả cái sống với anh Nam. Hưng ăn cắp tài liệu. Hưng xấu xa tồi tệ đến thế nào thì cũng không phải là mối quan tâm lớn nhất của tôi đâu. Việc ấy, phải có nhiều người cùng quan tâm giải quyết và so việc ấy với công việc tôi đang làm, nó cũng là lẹp nhẹp thôi- Giọng Trọng to dần lên- Nói thật với bác, dẫu ai cản ngăn thế nào thì tôi cũng cứ đi Nguyên Lộc. Tôi sẽ tiếp tục công việc của tôi. Cũng như tôi sẽ vào Đảng. Tôi còn giữ lá đơn trong túi đây. Rồi một chi bộ Đảng khác, chẳng hạn thế, sẽ hiểu tôi.
Trọng dừng lời, tin chắc rằng thế nào thì ông Chánh theo thói quen cũng sẽ nói vài lời uốn nắn anh. Ôi, anh có bao niêu là thất thố khi bầu nhiệt huyết bừng dậy! Chẳng hạn, như việc anh đòi đi Nguyên Lộc. ít ra ông cũng ề à bảo anh: “ Việc gì mà nóng nẩy thế. Có gì thì báo cáo Đảng uỷ, thủ trưởng chứ!” Nhưng, không, ông ngồi im. Và Trọng thấy ông hiện ra trong một chiều sâu rất bất ngờ ở sự im lặng ấy.
*
Trọng nhất định phải đi Nguyên Lộc.
Nén giữ lòng tự ái, anh đến trước Hưng:
- Anh Hưng ạ, mọi việc đã xong. Tôi đề nghị được xuống Nguyên Lộc, tiếp tục công việc.
Hơi ngẩng lên, Hưng lạnh lùng:
- Anh không đi đâu cả.
- Sao lại thế?
- Tuỳ anh hiểu. Tuỳ anh hành động. Còn nếu anh muốn là một tên đào nhiệm thì tuỳ anh.
A! Thế là rõ rồi. Tồi tệ đến tột cùng. Kìm giữ và giăng cạm bẫy. Hắn chỉ nghĩ đến thủ đoạn hại người. Hắn không mảy may nghĩ đến công việc. Hắn không xứng đáng, không đủ điều kiện để làm cấp trên của anh thì sao hắn lại có quyền quy kết anh là kẻ đào nhiệm! Như vậy là xét về lô-gíc nội dung thì chân lý thuộc về anh. Đào nhiệm? Nhiệm vụ của anh là ở tuyến đê Nguyên Lộc kia mà.
Trọng uất. Tuy nhiên cơn uất tức đối với Hưng cũng không là nguyên cớ chủ yếu, duy nhất kích thích anh hành động. Lòng tự ái không đưa con người đi xa được. Vấn đề lúc này là, óc anh, chân tay anh đang đòi làm việc. Nội tâm anh thôi thúc anh. Ngày hôm ấy, thêm nữa anh nhận được một điện thoại của người đeo kính trắng, nhà lý luận về hợp lực của hiện thực và lý tưởng. Cú điện thoại gọi anh về Nguyên Lộc như một liều sinh tố trợ giúp cho anh. Mối liên hệ bị gián cách đã được nối lại giữa hai người. Hiện thực và lý tưởng của anh chồng khớp nhau. Cái xấu xa thế nào thì vẫn là không đáng kể. Anh không chỉ chống lại nó. Đối tượng của anh là bốn mươi tám tỷ mét khối nước hung dữ kia. Anh đã tự giải thoát mình ra khỏi cơn bức bối vì ý nghĩa cao cả đó. Và anh nhất định đi Nguyên Lộc.
Sớm bửng hôm sau, khi Trọng đang chuẩn bị đi Nguyên lộc, thì đột ngột cô Vân đến. Cô cho anh biết, ông Chánh và Hưng lại hục hoặc với nhau. Nghe đâu, cũng vẫn là xoay quanh chuyện về anh. Cô bảo anh cố nhịn họ một tí đi. Chán quá! Cô nói: “ Em chỉ mong có một người thật tốt về lãnh đạo phòng này thôi!”
Vân đưa anh trở về với hiện thực và anh rơi vào cơn bối rối. Anh chưa có thể đi Nguyên Lộc được. Nhưng làm thế nào bây giờ? Khó quá! Hưng có quyền. Việc Hưng bắt anh ở lại nằm trong phạm vi quyền lực của anh ta. Hưng ở thế hợp pháp. Còn anh? Anh ở vị trí bị sai khiến, phải tuân thủ, chấp hành. Nhưng nguyện vọng về Nguyên Lộc làm việc ngay của anh, xét về mặt lý tưởng lại là phù hợp, xét về phương diện yêu cầu cuộc sống thì lại hợp lý và đúng đắn. Cuối cùng, gắng hoà hợp hai mặt đối lập đó. Trọng tìm một lối thoát. Anh chế ngự mình, lại đến trước Hưng:
- Anh Hưng ạ. Sự việc xẩy ra ở ngày thứ bẩy vừa qua, thật là đáng tiếc. Lỗi trước hết thuộc về tôi, tôi thành thật xin lỗi anh.
Anh nói điều thật lòng ấy mà đỏ rừ cả mặt. Nhưng đáp lại sự nhẫn nhục của anh. Hưng lại nhếch mép:
- Muộn rồi! Và không thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản như vậy được!
Cái vòng kiềm chế vỡ tung. Trọng choáng váng. Anh bỏ Hưng, không thèm nói một lời nào nữa. Một ý nghĩ chợt loé lên trong óc anh: “ Ta sẽ lên gặp bí thư Đảng uỷ”. Anh săm săm bước ra cửa. Nhưng thật không đúng lúc, ông Chánh đón anh ở hành lang, giữ anh lại. “ Trọng này, cậu xin lỗi Hưng một cách chủ động như thế là rất tốt. Dẫu sao thì cậu ấy cũng là cấp trên. Nhưng mà... tôi nói thật nhé. Làm quái gì cái chức ấy. Gì chứ cái ghế phó phòng thì trước sau cũng đến lượt cậu ngồi thôi, Trọng ạ”. Ác hại quá, ông Chánh thật bụng muốn an ủi anh lại hoá ra làm anh tối sầm mặt mũi. “ Ông ấy coi thường mình đến cái mức ấy cơ đấy!” Trọng bỏ hẳn ý định lên gặp bí thư Đảng uỷ. Anh trở vào buồng. Tiếc thay, hoàn cảnh và cá tính của anh đã hạn chế anh đi tới một nhận thức cao hơn trong cách giải quyết vấn đề phức tạp đó, điều này sẽ trở thành nỗi ân hận dằng dai ám ảnh cả đời anh.
Trưa hôm đó, cô Vân nghe chuông điện thoại réo, nhấc ống nghe và lát sau quay lại gọi anh: “ Anh Trọng, Đảng uỷ mời anh lên gặp” thì anh đã ở cực điểm của cơn phấn khích.
“ Ta bất cần. Ta cứ hành động theo lô-gíc của ta”. Trọng đứng dậy, ra khỏi cơ quan, xuống đường, cảm thấy kiêu hãnh, mãn nguyện như thuở còn đi học giải xong một bài toán hóc búa.
*
Mùa đông vừa chớm tới thành phố. Đường phố gọn lại và thưa thớt hơn. Bớt đi những hàng quán lấn ra vỉa hè và những đám người buôn bán trao tay. Công an vừa tiến hành mấy cuộc kiểm tra hành chính.
Ở một góc phố, có một cuộc liên hoan tiễn đưa. Vẳng ra một giọng hát ấm áp: “Ngày mai anh lên đường. Mùa thu xôn xao lá vàng”. Ngày mai Trọng đi. Đáng lẽ phải đi từ mùa thu xôn xao lá vàng kia, và chẳng có ai tiễn anh cả.
Chợt nghĩ vậy, Trọng thấy lòng se se buồn. Rồi một linh cảm chợt lướt qua anh, anh rẽ vội vào ngõ, viết vội mấy dòng cho ba anh vì ông cụ đi vắng, rồi hấp tấp bước ra. Linh cảm đã được xác nhận. Loan cũng rẽ vào ngõ lúc ấy.
“ Anh Trọng!” Cô vừa gọi tên anh vừa đứng nép vào bờ bức tường trên cao có hàng số quét vôi 401. Trong bóng tối lờ mờ, anh nhìn thấy mặt cô đẫm vẻ hoảng hốt, mệt nhọc. Cái nón úp bụng như che giấu một cái gì đó thật là tội nghiệp. Hình như cô vừa ra khỏi một cuộc chạy trốn. Quầng mắt cô thâm u. Cô như đã nẩy nở, đã chín và đang tàn. Từ buổi đêm tan phim đầu mùa hạ, anh chưa gặp lại cô. Anh đứng lặng, cảm thấy hơi bẽ bàng. Dâng lên trong anh những hình ảnh sinh động của những tháng ngày đã qua, những ngày đã qua không bao giờ trở lại, nhất là cái đêm trăng thần tiên ấy, một mảnh trăng treo trên mái gác cổ và bài thơ hạnh phúc. Cô, người đã khơi dậy những tình cảm bồi hồi, thơ mộng của đời anh. Cô đã rẽ sang ngả khác. Và anh đã để buột mất cô. Suốt đời, anh là kẻ lỡ bước, chậm chân.
- Loan đi làm về à?
- Không... Không... em không đi làm nữa...
Cô đáp ấp úng. Anh nghe không rõ. Nhưng, lướt qua mặt cô, anh bỗng hiểu ra tất cả những gì đã xẩy ra ở phía sau câu chuyện.
- Loan à. Từ nay, có khó khăn gì, cần tôi giúp đỡ, Loan cứ bảo tôi nhé. Mai, tôi đi Nguyên Lộc rồi. Chào Loan!
Anh nói, giọng cố giấu nỗi xót xa.
Gió từ khu đồng quang bóng lúa vượt qua đê, đổ xuống lòng sông. Bụi cuộn xoáy trên mặt đê. Đội trưởng Ngoạn chạy ra khỏi điếm canh, gọi to:
- Trọng! Cậu đi đâu thế?
Không thấy Trọng quay lại, đội trưởng đuổi theo. Lúc sau ông kéo được tay Trọng:
- Làm gì mà nóng nảy thế. Đi đâu bây giờ?
- Tôi đi tìm mấy anh lái máy phụt vữa.
- Tớ cho họ về nghỉ phép rồi. Có một cậu cùng quê với tớ. Này, kể tỉ mỉ chuyện đã xẩy ra cho tớ nghe đi.
Đội trưởng nhìn anh kỹ sư, thở phào. “ Hừ, thế là hắn đã về được đến đây rồi”. Hôm qua Hưng gọi điện xuống cứ đay đi đay lại: “ Có thấy kỹ sư Trọng ở dưới ấy thì trao trả về trên này nhé!” Quái! Làm như tù binh xổng không bằng! Đời rắc rối một, mấy anh trí thức rắc rối mười. Nhưng mà, không có các hắn, mọi việc không xong đâu!
- Nay, tớ trao trả cậu cho cơ quan đấy. Hé! Bắt được tù binh, tha hồ lĩnh thưởng. Há há...
Nghe tiếng cười tinh nghịch, khoẻ khoắn của đội trưởng, tự dưng Trọng thấy ấm áp yên lòng hẳn đi.
- Tuỳ anh thôi! Nhưng mà... anh bắt thế nào được tôi. Tôi có chân chứ.
- Há! Đấy, cậu cứ nói như thế nghe có vẻ yêu đời không. Đừng có đeo bộ mặt lì xì như khổ nhục kế nữa. Kể chuyện đi!
Hai người đi trên đê.
Rét đậm. Lớp cỏ lợp sườn đê đã phai sắc xanh, loang từng vùng trắng bạc, rầu rầu. Nơi đất mới đắp, lăn tăn vết nứt chân chim. Con sông chỉ còn là một dòng chảy gầy guộc, lạnh lẽo. Bãi Soi cạn, le the cái mũi cát nhọn trắng phếch. Và cây gạo còn sót lại duy nhất trên bãi chĩa những cành ngang khô khẳng trên nền trời hỗn độn mây chì.
Kể lại toàn bộ câu chuyện cho đội trưởng nghe, Trọng có cảm giác vừa vượt qua một mùa hè chói chang đến thẳng cái mùa đông tê lạnh và dễ chịu ở đây. Anh đã chủ động tìm một lối đi cho mình để đến với tương lai.
- Đứng vào đây, Trọng, rét chết cha.
Đội trưởng kéo tay anh kỹ sư, đẩn anh vào cửa một cái lán kho lổng chổng xe cải tiến, ấn một cái càng xe, ngồi xuống:
- Hút thuốc cho ấm, Trọng.
- Sao anh lại cười?
- Thấy cậu cầm thuốc lá là biết cậu đang bối rối.
- Dạo này tôi hút liên tục.
- Tập làm đếch gì- Đội trưởng phì khói- Cũng chẳng có gì là đáng buồn cả.
- Tôi không buồn.
- Này, thế ông xin lỗi cậu Hưng thật à?
- Vâng.
- Rồi không được hắn chấp nhận, ông nổi cơn bực, ông bỏ đi!
Đội trưởng bật tiếng cười ha ha sảng khoái dường như là không đúng lúc, rồi đột nhiên bặt tiếng, quay lại, nhìn trừng trừng vào mặt Trọng:
- Ông dở lắm, ông Trọng ạ. Ông yêu đất nước này, nhưng ông không sống với nó.
Trọng lúng túng:
- Tôi được đào tạo từ nhà trường...
- Nhưng, ông là đứa con chưa hoàn toàn của bà mẹ. Ông làm công tác đê điều, ông thừa biết rằng để bảo về đê, người ta phải sử dụng toàn bộ lực lượng của xã hội. Xã hội, nó có lực lượng của nó, nó có nguyên tắc của nó, có tổ chức của nó. Dẫu còn có nhiều trục trặc, nhưng không có những cái đó, không đảm bảo xã hội tiến lên được. Ông thì ông phớt lờ những cái đó. Ông dựa vào lương tâm ông. Gì nữa? Trong sáng. Thanh cao. Cao thượng. Tốt, nhưng chỉ thế thôi thì... xin lỗi ông... cũ rồi! Phải dùng tổ chức, nguyên tắc. Ông có thấy cô Thuận không? Một người con gái mà sao mạnh mẽ vậy? Tôi không nói lúc nào cái tốt, cái đúng cũng giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng, dẫu lão Long thủ cống có tót được lên huyện thì cuối cùng lão ấy cũng vỡ mặt. Ông là trí thức, ông giỏi lý luận. Nhưng, ông không biết sống trong xã hội mới. Tôi như ông, tôi hành động khác. Còn ông, chắc chắn là bị kỷ luật rồi. Và ông không cựa vào đâu được đâu.
Đứng dậy, mắt Trọng đờ ra trong giây lát như thất thần, rồi rọi thẳng vào gương mặt đội trưởng với một vẻ kinh ngạc không che giấu. Chưa bao giờ Trọng được hưởng sự phê phán thẳng thắn mà giản dị như thế! Nhưng chẳng lẽ chân lý lại được vạch ra rạch ròi, sâu sắc và dường như là quá đơn sơ như vậy? Nhận thức của anh bừng một ánh chớp. Hơi thở nghẹn ắng, anh rũ người xuống và thấy trong mình hình như đang bắt đầu một cuộc đổ vỡ không sao tránh thoát được.
Hình như biết Trọng đang xao động sau lời nói của mình, đội trưởng đứng dậy và giọng ông trầm xuống, gần như là bâng quơ:
- Hừ, cái đứa xấu ngày càng nham hiểm hơn, nhưng những con người chân chính cũng ngày càng thông minh hơn. Nước to thì đê vững. Chỉ có điều là đấu với bọn này mất thì giờ lắm và phải biết cách.
“ Ta hiểu ra rồi. Nam là sự từng trải, sự uyên bác trong lặng lẽ. Còn con người này gắn bó với cuộc đời, có chiều sâu thực tiễn, có sức cảm hoá mãnh liệt. Trời, sao ta lại bị ông ta gây ấn tượng mạnh thế này!” Trọng im lặng. Đội trưởng lập bập điếu thuốc lá. Rồi bỗng lẳng điếu thuốc, vỗ bộp vai Trọng, dứt khoát:
- Thôi, về đây ở với tớ! Tớ ủng hộ cậu! Nhưng này... ông cũng đừng rắm rối quá. Thằng nào sai, phê bình thẳng cánh, dùng tổ chức mà xử sự. Mình sai, tự phê bình đến nơi đến chốn. Hừ, cái thằng Hưng, chả lẽ nó thoát tội đã để vỡ cống Lợi Toàn...
- Chào hai thủ trưởng ạ. Gớm, buốt thon thót. Mời hai thủ trưởng lại xơi nước. Em có ấm chè Mèo ngon tuyệt.
Phía đầu lán hoe hoe ánh đèn vọng lại tiếng người mời chào. Quay lại, cả hai đã nhận ra bóng gã thủ kho lênh khênh, tóc xoã, tay xách siêu nước sôi, đứng trên cái nền hồng hào của ánh lửa bếp.
*
- Úi, thủ trưởng Ngoạn không biết chứ, đêm qua lúc gà gáy có đến ba thằng bẻ rào chui vào định mổ trục xe cải tiến. Bọn ú ớ Việt gian này ma quái lắm. Ăn cắp xe cải tiến chỉ lấy độc cái trục. Đểu hết xẩy!
Người thủ kho vừa nói vừa rót nước sôi vào cái ấm tích sứt vòi. Đội trưởng Ngoạn chìa bao thuốc:
- Hút đi, ông. Bọn chúng phải rút lui chứ. Nhân cường thì ma nhược. Ma quái chỉ nát người yếu đuối thôi, đúng không?
- Em xin. Người thủ kho chúm cả hai bàn tay rút một điếu thuốc, cẩn thận gài lên vành tai phải- Thủ trưởng yên tâm. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn chứ. Mời hai thủ trưởng. Chè Nghĩa Lộ đấy ạ. Nghĩa Lộ có cây chè gốc ba người ôm. Chè búp, mượt lông tơ. Chát ngọt, dư vị hậu ở cổ. Ơ, tiếng gì ì ì như tiếng sấm ấy nhỉ?
Gạt mái tóc xoã gài lên vành tai trái. Người thủ kho nghênh nghênh mặt:
- À, không phải. Tiếng máy nổ chiếu phim trong làng. Các thủ trưởng ạ. Cứ nghe tiếng sấm là em sởn gai gà. ối trời, đúng cái hôm ấy sấm nổ cũng đùng đùng. Rồi đổ cây nước. Lúc ấy nhà em đi hái chè về đang lội qua suối. Ba đứa con đang tắm ở giữa dòng. Các em học trò của em đang chơi ở bờ suối. Nước đổ đánh rầm từ ngọn núi đổ xuống. Trời! Đổ cây nước miền núi, khiếp lắm, các thủ trưởng ạ.
Đang ngất ngư vì dư vang của câu chuyện khi nãy với đội trưởng, Trọng bỗng thấy lạnh ớn sống lưng. Bây giờ thì anh nhớ ra rồi! Anh đã gặp người thủ kho này buổi sáng đầu hè ấy, khi lũ trẻ con vây quanh anh ta, ở đường phố gần ngõ nhà anh, ôi, cái buổi sáng mùa hè bức bối, oi ngốt.
- Anh về đây lâu chưa?- Trọng hỏi, giọng không thật hơi.
- Được hơn hai tháng rồi- Người thủ kho cúi xuống rút gộc củi bếp châm thuốc lá- ở bệnh viện tâm thần ra, em đến Sở lao động. “ Dậy học thì sợ có lúc mê mẩn nói nhảm, không lợi cho thế hệ trẻ- Em nói- Vậy xin các anh cho tôi đi làm lao động chân tay, tốt nhất là đi chống lũ lụt. Con nước đó hại đời vợ con, học trò em, em phải đi chống lại nó”.
“ Anh ta không điên dại!” Trọng nghĩ lờ mờ. Người thủ kho pha tuần trà thứ hai, càng xởi lởi:
- Mời hai thủ trưởng. ấy thế, mềm nhất là nước mà mạnh nhất cũng là nước. Đến nước bí thì phải chuyển. Đời có vay thì phải có trả, chứ ạ. Đấy, như chuyện ông Long thủ cống, đừng có tưởng đã thoát. Dân là nước đấy, hai thủ trưởng ạ.
“ Không điên, anh ta không điên. Lại một kiểu suy nghĩ về đời nữa”. Trọng nghĩ loáng thoáng.
Hình như không chịu nổi cái mớ bòng bong của thứ triết lý cổ và có mùi vị kinh sách nọ, đội trưởng uống một hơi cạn chén nước đứng dậy, nhăn mặt:
- Gớm, cứ như bào ruột. Thôi, về ăn cơm đây. Này ông, số đá hộc vật tư huyện đã ký hợp đồng cung cấp cho ta, họ chuyển về được bao nhiêu rồi?
Người thủ kho lập cập xỏ chân vào đôi guốc mộc, ngúc ngắc cái cổ gầy:
- Báo cáo thủ trưởng... mới được mỗi một chuyến xe ba tấn.
- Ba tấn! Hợp đồng ba nghìn tấn mà mới chuyển được ba tấn. Mưa ập xuống là chết ráo đấy. Ông nhớ thúc họ nhé. Chào ông- Dừng lại ở trước cửa lán, đội trưởng lầm bầm- Bọn ăn tàn phá hại làm mất thì giờ của người ta quá!
Trọng theo ông đội trưởng bước ra ngoài đê. Trời tối xầm xì. Mặt sông hắt lên một làn sóng lành lạnh. Người thủ kho cũng đi ra. Anh ta bảo: Nghe trong người rùng rùng như sắp có sấm chớp, anh ta phải ra đây cho khuây khoả, rồi đi ngược chiều với họ.
Đi được một quãng, bỗng Trọng và đội trưởng dừng lại. Có tiếng sấm thật. Lẽ nào sấm đầu mùa sớm thế? Hay là tiếng sấm từ tiềm thức, từ ký ức Trọng vọng ra? Không rõ. Nhưng Trọng thấy phấn chấn hẳn lên. Trong anh, tựa như vừa ran lên những tiếng sấm báo chuyển mùa.
Thật là một hiện tượng khí hậu dị thường, hiếm có: Cuối mùa đông năm ấy, sấm đã nổ ầm ì kéo dây chuyền ở chân trời. Mồng năm tết, đột ngột đổ mưa rào. Mùa xuân đi qua vội vàng, chỉ để lại một chút ấn tượng về vài ba ngày mưa phùn ướt loáng mặt đường phố. Cuối tháng giêng đã có những ngày oi bức như thời tiết mùa hạ lúc sắp có cơn giông. Sự cân bằng năng lượng bình thường trong khí quyển bị rối loạn ngẫu nhiên trùng hợp với sự mất quân bình trong đời sống sinh hoạt thành phố và là bà mẹ đẻ ra các tin đồn thất thiệt cùng các câu sấm truyền quái dị. Quả là sau cái tết ta ấy, giá cả mọi nhu yếu phẩm đều vọt tăng. Thực phẩm khan hiếm và sự thất bát vụ mùa năm ngoái đến tháng ngày này mới hiện hình thành hình ma bóng quỷ thực sự đe doạ con người.
“ Năm nay sấm sớm, điềm no đấy, các bác ạ”. Một hôm ông Nhuần vừa buột miệng thế liền bị bà Nhuần phủi ngay: “ Có mà no! Ông trời ông ấy còn hành hạ dân ta, các bác ạ”. Rồi bà đọc to một lô một lốc các câu văn vần truyền miệng ngô nghê bà mang từ các cuộc lễ lạy ở các đền chùa về. Những câu sấm ấy nói rằng: Còn là đói, còn là khổ. Thật cũng chẳng biết thế nào. Lúa chiêm năm nay quả là nghe sấm sớm có phất cờ lên thật. Nhưng thế nào mà cuối tháng tư bão lại rập rình ở ngoài biển đông rồi.
Rồi một hôm, vào khoảng hai giờ chiều, thành phố đang sáng trắng ánh nắng hè chói gắt, bỗng râm mát một cách rất đột ngột. Khi mọi người nhận ra sự biến đổi kỳ lạ ấy, ngẩng lên nhìn thì thành phố đã nhuộm một màu vàng hoàng hôn, màu vàng của nghệ thối. Mặt người biến sắc hết, ai cũng như đang mắc bệnh gan hoặc ung thư máu: da bủng beo và mắt nhợt bệch, mất hết cả thần sắc như mắt người đã chết. Trời đầy mây, thứ mây bị lò lửa hun, đo đỏ, xam xám đứng như đá mọc, quái gở lạ lùng. Tưởng như dồn về, đọng lại ở đây tất cả uất khí tồn đọng bấy lâu nay của vũ trụ.
Đã ngoan ngoãn tiếp nhận yêu cầu của bà vợ gốc đạo ở bên trời Tây, trở về dưới sự chở che an bằng của Đức Chúa Ba Ngôi, ngày ngày vui vẻ vào ra ngõ 401, ông Hảo tay cắp cuốn Kinh Thánh dầy hơn một ngón tay, xuất bản ở Hồng Kông bà vợ mới gửi về tặng, lúc ấy đi đến trước nhà ông Cần, toang toang:
- Bác Cần làm gì đấy? Bác ra mà xem này. - Cảnh sắc cứ như ngày tận thế trong Kinh Thánh ấy, bác ạ.
Ông Cần vừa nhận được thư của Trọng, đang đọc dở; dừng lại, ông bật quạt điện, rót nước mời ông bạn hàng xóm vào nhà:
- Bác Hảo, vào chơi! Cháu nó có viết trong thư gửi cho tôi là mấy năm nay có xu thế biến động khí hậu trên toàn cầu. Trưa nay đài báo có vùng áp thấp mới xuất hiện ở biển Đông mà.
- Điềm này là điềm gở đây. Không nghe ông giáo nói, ông thợ vẽ nhìn ra cửa xuýt xoa: Cứ như một bức tranh vẽ bằng máu! Cái vận, cái hạn đến với dân mình rồi đây. Bác có nghe nói thằng Tầu lại sắp rục rịch choảng ta không! Chà, mấy hôm nay tin đồn dữ lắm.
- Chẳng riêng ở ta có khí hậu bất thường đâu. Ông Cần nói chậm rãi. Mấy năm gần đây châu Âu mất mùa hè thường lệ. Khu vực Địa Trung Hải có những đợt rét chưa từng thấy. Còn các nước Đông Nam á thì bão lụt liên tục.
Ông thợ vẽ lắc lắc cái đầu hoa râm mới nhuộm đen:
- Thì thế! Nhưng bác có công nhận rằng giữa thiên nhiên và con người... có một mối liên hệ rất bí ẩn không?
Tránh cái nhìn dò xét của ông hàng xóm, ông giáo Cần quay mặt đi. Ông đã từng tin vào bói toán, đã đi xem tử vi, tướng số. Nhưng đó chỉ là phút lạc đường chốc lát. Còn tựu trung ông vẫn là người có cốt cách riêng. Ông lại vừa nhận được thư Trọng, Trọng đã ra khỏi cảnh bí bức, dẫu chưa thanh thoả nhưng dã trở về với công việc; Trọng là hàn thử biểu của ông.
Chiếc quạt máy đang vu vu quay bỗng chậm dần rồi dừng hẳn. Ông thợ vẽ vỗ bộp vào mặt bàn, vừa bực dọc, vừa đắc chí một cách độc địa:
- Lại cắt điện rồi! Tôi đoán có sai đâu.
- Chắc là sợ mưa bão đổ cây, đứt đường dây, nguy hiểm.
- Thật là hết chịu nổi! Nhưng mà có thế mới là hợp quy luật!
- Anh uống nước đi, anh Hảo- Ông giáo chép miệng- Kể ra khoa học họ giải thích mình nghe cũng được. Mặt trời biến động, con người đốt phá rừng xanh, đốt cháy nguyên liệu làm vẩn đục bầu khí quyển, phá vỡ cấu trúc tầng i-ông. Rồi lại núi lửa nổ, tung vào khí quyển hàng tỷ tấn bụi khói làm yếu sức bức xạ của mặt trời... Từng ấy yếu tố đủ để gây biến động...
- Hừ, khoa học!- Ông thợ vẽ nhấc chén nước, uống đánh ực- Khoa học cũng là anh nói dựa. Bác có biết không, khoa học nói y hệt Kinh Thánh. Năm 2000 trái đất nóng lên không phẩy bốn độ xê. Như vậy một phần băng ở hai địa cực sẽ tan, nước đại dương sẽ tràn lấn mênh mông. Nghĩa là... đó sẽ là ngày tận thế!
- Đó chỉ là giả thiết thôi! Ông giáo đáp, khó chịu. Con người này xa cách ông từ cội gốc và mỗi ngày lại thêm xa cách ông. Giờ, ông ta lại nhập cục khoa học vào với Kinh Thánh.
Quay mặt nhìn ra sân, ông giáo Cần tìm cách lảng chuyện:
- Chiều tối nay chắc bão mới về. Kìa, trời đất thế này mà ông Nhuần vẫn say sưa đánh giấc trên cái xích lô. Là người vô tư như vậy kể cũng có cái sướng.
- Tận thế chứ súng kề bên tai lão ấy cũng mặc. Vừa chửi vợ chồng con Loan một trận đấy. Chửi nhau rồi lại cười với nhau ngay được. Đời vô duyên, vô lý hết chỗ nói!
- Tôi nghĩ, ông ta cũng là người lao động hiền lành. Hồi này hình như ông ta đã làm hợp đồng cho Quốc doanh Phát hành sách Thành phố.
- Thì thế nên mụ vợ mới bảo lão ấy ngu. Chửi nhau luôn xoành xoạch. Hôm qua thì vì... nghe đâu thằng Thưởng đòi lại cái nhẫn nó đã biếu mụ Nhuần. Hôm nay thì chuyện cái Loan thôi việc.
- Sao, cô ấy thôi việc ở cửa hàng à?
- Thật ra là nó bị sa thải. Nghe đâu có dính líu vào việc tuồn hàng ra ngoài, cho bọn phe. Tuần lễ này con bé ôm cái bụng chùm chũm ở nhà rồi, định tậu cái máy khâu của tôi, để sinh nhai.
Ông thợ vẽ cười, đầy vẻ khinh ngạo. Khuôn mặt ông phì phị, hai con mắt lún sâu, đo đỏ như có hơi rượu, ánh lên tia ranh mãnh và dâm đãng.
- Đời... tởm hết chỗ nói, anh Cần ạ- Ghé mặt sát vào ông giáo, giọng ông thợ vẽ tụt xuống một nấc, thầm thì và bí ẩn- Anh có biết thằng Thưởng nó là cái gì không? Bợm cỡ bự. Phe có hạng. Trùm sò cờ bạc, buôn lậu ma tuý, đứng đầu băng đảng trộm cắp đấy! Nhưng nó chỉ là thằng đầu đường xó chợ ở cái chợ giời An Nam này thôi. Vừa rồi, thật kinh khủng. Hôm ấy, tôi đang ngồi trong nhà vẽ chơi, bỗng nghe thấy một tiếng kêu “ối” và tiếng con Loan la thất thanh. Tôi chạy ra. Thì ra thằng Thưởng đang băm thịt bỗng dưng thế quái nào mà đốt đầu ngón tay chỏ bên phải bị đứt phăng. Chà! Có phải là nó vô ý đâu. Anh có biết vì sao không? Ngón tay ấy hỏng thì còn bóp cò súng làm sao được, làm sao mà trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được! ấy thế! Hôm rồi, tôi với cái Loan đi xem phim, tôi truy mãi nó đành phải nói thật. Nó còn bảo, xã người ta đang truy tìm thằng Thưởng. Nó chê thằng này keo bẩn. Nghĩa là cô nàng ngán anh chàng rồi. Khì khì... Thằng này rồi chết! Khổ, chỉ thương con bé Loan.
Ông thợ vẽ rụt đầu lại, chép miệng và lát sau giọng ông bỗng hổn hển xúc động, trong khi hai con mắt phong tình nhoáng lên, ươn ướt một sắc đỏ thèm khát không che giấu:
- Tôi cam đoan với anh là thằng Thưởng thế nào cũng bỏ con Loan. Nhất định là nó bỏ. Thật ra, Loan là một con bé rất đáng thương. Nó không như thằng Thưởng đâu. Tính nó cũng khá. Mà sắc nó thì hay lắm chứ. Ôi, nó đã là mô-đen cho tôi vẽ rồi đấy. Trời, Co nó đặc sắc lắm. Tôi cam đoan thấy nó trần truồng thì đến ông Thánh cũng đổ. Chà, thú thật với anh, một lần nó khoả thân cho tôi vẽ, tôi đã không chịu nổi. Thế là tôi đè ngửa nó ra. Hoá ra, nó cũng là một ngọn lửa. Còn lần khác, tôi không sao còn sức mà cầm cọ được. Cứ như xích bị tuột ấy anh ạ.
Ông Cần rởn hết cả người. Con người này đã sa đoạ đến mức ấy, lại không có được một chút ý tứ lịch sự. Hắn coi ông cùng một giuộc với hắn ư? Sao hắn lại có thể nổi cơn cuồng hứng thô bỉ như thế ở đây, ngay trước mặt ông?
Không! Ông không phải loại người mất gốc. Ông có bản ngã, ông nghiêm túc và khoan hoà, mực thước. Lao lung chỉ là phút chốc, cũng như Trọng, dẫu có thế nào cũng không thể làm đổi thay được cái bản nhiên đã nằm sâu đâm rễ ở trong ông. Ông chỉ có nhược điểm là hay nghiêng ngả, chòng chành. Ông có nền tảng nhưng ông chưa hoà hợp nổi với cuộc sống mới. Nhưng cũng có gì là đáng trách: Nghe tin con gặp điều không may, có lòng cha nào mà chẳng đau đớn hãi hùng. Ông tưởng ông sẽ gục ốm sau cái đêm đến nhà ông Tiễu ấy. Nhưng, kỳ lạ thay, hình như mọi trạng thái tinh thần bao giờ cũng chừa lại một điểm chót để cho con người thử nghiệm lại mình. Ông giáo Cần đã thử nghiệm lại bản thân bằng buổi dạy bọc người nước ngoài ngay hôm sau đó. Hai người đàm thoại quanh chủ đề quê hương và ông giáo giảng cho ông học trò nghe câu chuyện “ Những vì sao” của nhà văn Đô-dê trong đó có ý anh chăn cừu yêu quê hương đồng quê bình dị, đến mức không bao giờ anh đổi nó lấy bất cứ một cái gì, dù cái đó là lâu đài vương giả.
Ông lại ra khỏi cơn khủng hoảng bằng sức đề kháng mạnh mẽ từ tiềm tàng của chính ông. Và do đó, ông tin rằng Trọng, con trai ông, chắc chắn còn vững vàng hơn thế. Trọng là tuổi trẻ của xã hội mới, Trọng cao quý đẹp đẽ, với ông, không ai có thể bì được.
- Cái gì ầm ầm thế nhỉ?
Ra khỏi cơn khoái lạc âm ỉ, ông thợ vẽ đột ngột nhìn ra cửa, hỏi.
- Có lẽ bà con chạy bão.
Ông thợ vẽ lắng tai:
- Không phải. Thằng Lùng con ông Nhuần chửi con Loan. Đến là loạn. Anh Cần này, cái thằng nhóc ấy nó bỏ nhà đi từ ngày thằng Thưởng đến gửi rể, thỉnh thoảng lại mò về gây gổ với con Loan.
- Nó làm ở đâu nhỉ?
- Ở xí nghiệp xây dựng nhà cửa thành phố.
- Tôi nghiệm ra... trẻ con nó có cái nhạy cảm, cái tài xét đoán riêng của nó. Hồi nó còn ở nhà, bị hành hạ, thế mà tôi thấy nó còn chơi cá cảnh, thái độ rất đường hoàng.
- Cùng một giuộc như nhau cả thôi. Khá nhất nhà ấy chỉ được cái Loan!- Ông thợ vẽ phán rồi cười rất lẳng lơ- Tiếc thay hạt gạo tám xoan...
Lại sắp phải nghe một câu bình hết sức trần tục và dơ dáy đây. Mặt ông giáo rân rân đỏ. Nhưng, ngay lúc ấy, ngoài sân có tiếng rít của bà Nhuần: “ Sắp giông gió rồi, quân ăn tàn phá hoại nhà này, chúng bay chết đường chết chợ cả rồi hay sao mà không ra rút quần áo vào, hở!”.
Ông giáo Cần thở phào, định đứng dậy. Nhưng ông thợ vẽ đã quài tay, kéo ông:
- Anh Cần này... hôm nọ tay chuyên gia nó nói gì với anh đấy?
Ông giáo quay lại. Mặt ông thợ vẽ phì phị, phảng phất vẻ mu muội, nhưng hai con mắt thì như hai vết dao chém, sắc sảo, dò hỏi, đầy bí ẩn.
- Nói gì đâu!
- Có lúc tôi thấy nó thì thì thầm thầm mà anh thì cứ như ông Trương Phi.
- À, ông ta kể về đời sống của nước ông ta. ở nước ông ta ngôn ngữ cũng đi mượn, thậm chí cả vua cũng nhập từ nước ngoài vào. ở đó, theo ông ta, cái gì có lợi thì cái đó là đạo lý. Ông ta bảo đó là thắng lợi của chủ nghĩa thực dụng. Tôi bảo: Thế thì anh làm sao thấy hết được cái hay cái đẹp trong những áng văn tuyệt tác của Đô-dê được. Anh là người châu Âu mà anh không gần Đô-dê, Sa-tô-bri-ăng, Huy-gô bằng tôi, một người Việt đâu- Ông giáo cắn môi- Anh Hảo ạ, hoá ra là sự tầm thường thì ngõ ngách nào trên thế giới cũng có, chứ không phải chỉ ở ngõ 401 ta đây.
- Hì hì... - Ông thợ vẽ bật cười- Tôi sợ là chúng ta còn Khổng Tử quá.
- Sao lại Khổng Tử? Đó là văn hoá, là văn hiến dân tộc chứ!
- Tôi nghĩ, họ là chuyên gia đi khắp thế giới, họ đã qua các nền văn minh, họ thừa hiểu nên chọn cách sống nào, anh Cần ạ.
Gương mặt thuần lương của ông giáo chợt đờ ra. Ông đưa cái nhìn lặng lẽ khắp gian buồng nghèo nàn của mình rồi quay trở lại, nhìn thẳng vào mặt ông thợ vẽ:
- Anh Hảo này. Chuyên gia gì cái con người ấy. Nó đích thị là mẹ mìn, là quỷ Mê-phit-xtô đấy, anh Hảo ạ.
- Bác nói sao?
- Hừ, dần dần nó mới lộ mặt. Thì ra nó thóc mách ở đâu mà biết hết về tôi. Nó biết cả việc tôi phản đối phương pháp audio-visuelle ở trường đại học. Nó biết tôi bị tay trưởng khoa trù ép thế nào. Nó biết hết nỗi đau buồn, uất ức của tôi.
- Chuyện của anh là chuyện thời đại đấy anh Cần ạ.
Ông thợ vẽ mỉm cười. Cái cười mỉm ấy làm ông giáo dựng tóc gáy. Con người này bí ẩn quá lắm.
- Thời đại quá đi chứ, anh- Ông thợ vẽ dằn mạnh, nhưng tiếng vẫn không to hơn. Và đã thoát ra khỏi cái con người trác táng hưởng lạc khi nãy, lúc này, thật là rành rẽ, thật là tỏ tường- Chung quy, trong những ngày vừa qua, sự giằng co trong anh tụ lại ở điểm này: chất xám của anh sử dụng vào đâu bây giờ? Có đúng không nào, anh Cần?
Ông giáo lại rùng mình. Con người kia ghê gớm thật. Ông ta đã thâu tóm được tất cả sự rối rắm của tâm trạng ông vào một câu. Và lúc này hai con mắt ông ta cứ như xói vào ông, muốn sai khiến ông:
- Thế đấy. Đúng là vấn đề chất xám. Chất xám của anh, xã hội không dùng. Mà thật ra xã hội cũng không có cơ sở để dùng. Một xã hội mà như vậy là bế tắc rồi!
- Anh nói thế nào?- Ông giáo mở khuy cổ áo, ngắc ngứ.
- Tôi nói về chất xám của anh.
- Không đúng! Chất xám không phải là của riêng tôi.
- Anh cứng nhắc, cực đoan quá!
- Không! Đó không phải là vấn đề chữ nghĩa. Đó là điểm xuất phát. Ông giáo nuốt nước bọt. Và mặt ông bỗng đỏ cháy lên vì nhìn thấy cái cười nhếch khinh thị, mai mỉa của ông thợ vẽ. Xưa, ông nghĩ con người này chỉ là phường giá áo túi cơm tầm thường, giờ thì ông hiểu con người này còn tồi tàn hơn thế nữa. Ông thấy mình bị xúc phạm. Và ông cảm thấy đã đủ gân sức để có thể phanh phui mọi điều ẩn mật và đã đến lúc chẳng nên loanh quanh làm gì nữa.
- Chắc là anh chỉ muốn đi đến vấn đề: Nên đi hay nên ở lại đất nước này chứ gì?
Giọng ông giáo nhiễm vẻ giễu cợt chưa từng có. Ông thợ vẽ lắc đầu:
- Không, ta không nên thô thiển hoá một vấn đề thuộc nhận thức luận và phương pháp luận như thế.
- Thôi, anh ạ- Ông giáo cười gằn- Luẩn quẩn một lúc thì cái tay mẹ mìn ấy bảo tôi thế này: Thưa giáo sư, Đờ-manh (1) thì tôi không dám hứa,
chứ nếu giáo sư gật đầu thì Lăng-đờ-manh (2) sẽ có vé cho giáo sư đi Pa-ri ngay! Khốn nạn!
Ông giáo nghẹn hơi. Ông nuốt khan, cổ họng ông đắng ngắt. Nhưng thấy khuôn mặt ông thợ vẽ nhơn nhơn một ánh cười châm biếm, mặt ông lại ứ máu tức giận, giọng ông lập tức lại như ngọn lửa bốc cao:
- Mà nó ngu! Nó không hiểu gì cả. Dẫu có sai một trăm lần thì cái xã hội ta đổ máu xây dựng cũng một vạn lần hơn chủ nghĩa tư bản của nó. Nó càng tỏ ra là ngu khi nó định dùng vật chất để lung lạc tôi. Tôi đã sống ở Pa-ri, tôi còn lạ gì thế nào là đời sống, là thực chất của chủ nghĩa tư bản. Vâng, tôi công nhận xã hội ta còn nhiều cái xấu. Lãnh đạo kinh tế kém, làm ăn hỏng, tham ô, quan liêu nặng, những cái đó gây bực bội thật. Nhưng đó là nỗi bực bội với người thân, chứ không phải là cái căm tức với kẻ thù. Anh bảo tôi cứng nhắc, cực đoan- Ông giáo cười nhạt- Tất nhiên sự cứng nhắc, bảo thủ, cũ kỹ thì nên phê. Những tôn thờ những giá trị thiêng liêng mà bị chê là cứng nhắc, cực đoan thì tôi xin nhận! Khốn nạn! Tôi giảng cho nó nghe văn Đô-dê mà nó không hiểu gì cả. Đất nước này là xương máu của ông bà, tổ tiên tôi, là hương hồn vợ tôi, là tất cả đời tôi, đời con tôi. Có sai thì sửa. Khó khăn thì khắc phục. Những tệ hại thì phải xoá bỏ. Đất nước này đã có Thuỷ Tinh thì ắt phải có Sơn Tinh!
Ông giáo ngừng lại, xúc động làm ông mỏi mệt. Ông thợ vẽ thở phào một hơi. Ông hiểu rằng những lời ông giáo vừa nói là nhằm vào chính ông, ông đang là địch thủ của ông giáo. Và bây giờ ông vui lòng công khai đứng ở cái vị trí đối lập với ông giáo. Ông cười trơ trẽn:
- Nghe anh nói, tôi có cảm giác như hôm nào cách đây một năm đang nghe cậu Trọng phê phán tôi. Hà hà... Nhưng đây là tranh luận, bác cho phép tôi nói thế này: Chúng ta thường hay có thói tật chỉ công nhận có mỗi một chuẩn mực giá trị.
- Cái đó thì rõ rồi. Anh thuộc một ý thức hệ khác thì anh theo một chuẩn mực giá trị khác.
- Hà hà, nhưng đây là đời.
- Anh định nói, đời thì phổ biến và uyển chuyển chứ gì- Ông giáo lắc đầu- Anh y hệt thằng mẹ mìn nước ngoài ấy, nói anh tha lỗi. Nó cũng nói y như anh: Chính trị là của giới lãnh đạo. Còn chúng ta là con người. Mà là con người thì phải mở rộng mình ra hết cỡ để thu nhận tất cả. Nó bảo tôi: Chuyện Sơn Tinh- Thuỷ Tinh giáo sư dậy tôi rất hay. Nhưng cũng là chuyện lũ lụt, trong Kinh Thánh có chuyện Con tầu Nô-ê cũng rất hay. Rồi nó kể cho tôi nghe chuyện đó. Anh đã đọc chuyện đó chưa? à, cuốn Kinh Thánh anh cầm có đấy. Anh đọc đi. Anh thích cái gì anh đừng bắt ép tôi thích cái đó. Huyền thoại Sơn Tinh- Thuỷ Tinh tôi yêu, vì trong đó có máu thịt, tâm hồn, tiếng đập trái tim tôi, dân tộc tôi. Ông giáo nhắc lại ý của Trọng trong thư gửi ông. Tôi bảo hắn thế. Đó là đời, là tâm hồn, nhưng cũng là ý thức, là chính trị. Chứ không phải là chuyện tôi thích ăn mặn, anh thích mặc áo màu, chị thích đi guốc cao gót đâu. Cuối cùng, tôi nói: “ Thôi, ông học trò của
tôi, lớp học của chúng ta kết thúc ở đây. Tôi khuyên ông từ nay đừng đi học nữa. Ông làm gì còn có được cái hạnh phúc của tuổi học trò: kính trọng và tin cậy hoàn toàn ở thầy!”.
Ông thợ vẽ hiểu rằng ông giáo Cần đã nói thẳng với ông: anh về đi, từ nay đừng nói chuyện với tôi nữa.
Ông hơi kinh ngạc, xưa nay trong quan hệ đối xử, chưa bao giờ ông giáo lại dứt khoát, rạch ròi như vậy.
Vừa lúc ấy, gió vượt qua mái nhà; ù ù quẩn lộng cái sân nhỏ. Ông Nhuần choàng dậy, đập chân trên sàn xích lô: “ Bão về rồi các ông các bà ơi!”. Ông thợ vẽ cắp cuốn Kinh Thánh đứng dậy, chép miệng:
- Dà, lại mưa! Lại bão! Khéo lại dột như rá từ trên dột xuống, đến là nhếch nhác! Không thể mê được!
Ông Cần đi ra ngoài hiên, xê dịch mấy bồn hoa, chậu cảnh ra khỏi giọt hiên, không thèm đáp lại câu nói xỏ xiên của ông thợ vẽ.
Bão ập tới ngay.
Cánh cửa mấy nhà gác cao đập thoàng thoàng hoang vắng. Trên trời như có hàng ngàn con tàu lửa chạy; gió giật đùng đùng. Sấm nổ vang. Tia sét xé rách từng mảng trời đen kịt. Nghe thấy tiếng cây đổ. Rồi tiếng người la hoảng, vụn ra trong mưa.
Mưa như thời hồng hoang nguyên thuỷ mưa về.
Mưa như từ cổ tích huyền thoại mưa ra.
Ông thợ vẽ đặt cuốn Kinh Thánh lên giường, quay ra bật thử công tắc điện thì thấy bà Nhuần đang đứng co ro ở hiên, hai ống quần xắn cao quá đầu gối. Người đàn bà trông như hồi xuân này ra cất quần áo, không kịp chạy về nhà, đứng trú mưa ở đây, trông thấy ông thợ vẽ đỏm dáng, liền cười toe toét:
- Bác Hảo ơi, nghe nói là Tầu nó xây một cái hồ tên là Đại Hải to lắm. Nó định sẽ phá hồ cho nước tràn vào hết nước ta, lúc ấy thành phố ta sẽ ngập tới bẩy mét nước. Ta đang ngoi ngóp thì mười vạn quân Tàu đi một vạn chiếc thuyền từ đảo Hải Nam vào. Nó chỉ còn có việc bắt ta rồi tùng xẻo. Phải không, bác?
Ông thợ vẽ cười mơ màng: “ Cái giọng ả này nghe sao mà ngây dại quá thể thế không biết!”
- Bà nghe ai nói thế?- Ông thợ vẽ nghé đầu ra cửa.
- Là nghe thằng Thưởng nó nói vậy. Chết thôi! Mưa bão thế này, gạo lại kém lắm đấy.
- Bà ơi, Chúa có dạy: Chớ lo cho ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai.
Ngoài sân, ông Nhuần lùng thùng áo mưa bạt đang quay đầu chiếc xích lô ra phía ngõ:
- Chỉ nghe láo, nói láo!- Ông xích lô quát vợ, rồi quay về phía nhà mình- Lùng ơi, xem chỗ nào dột thì che đậy lại. Tao ra kho sách xem nếu bị úng thì còn phải di chuyển đây. Chết thôi, mưa gì mà khiếp thế này!
Ông thợ vẽ nhìn người đàn bà, nhìn giọt hiên, rồi bỗng quay vào nhà:
- Thôi chết, dột! Dột đúng quyển Kinh Thánh. ái dà, trúng cái trang kể chuyện Con tàu chạy lụt Nô-ê. Chỗ ấy dột đấy. Vào trong này mà trú, bà Nhuần!
- Chết thôi. Mưa thế này liệu có lụt được không, bác?- Người đàn bà bước vào phòng, đưa mắt nhìn quanh- Ô kìa, bao nhiêu đồ đạc bác dọn đi đâu hết rồi? Còn mỗi cái máy khâu thôi à? Ơ, bác đọc cái gì thế, bác Hảo?
Ông thợ vẽ nâng cuốn Kinh Thánh trên tay, mặt ngây ngây:
- À à... lụt thì rất có thể là lụt. Nhưng ta có cách chứ. Nào lui vào trong này... tôi đọc cho nghe câu chuyện Tây này rất hay... Hà hà... Trời mưa kinh quá. Chết thôi, áo quần ướt cả rồi đây này. Lui vào đây, cởi ra đi không cảm chết. Kìa, nhanh lên, đóng cửa vào không hắt!
Nói đoạn, dịch sát lại, môi chờm vào vành tai, rồi choàng tay qua khuôn ngực nóng hổi của người đàn bà đang run rẩy bật hàng khuy áo ngực trong bóng tối âm âm của căn buồng đã kín cửa.
CON TÀU CHẠY LỤT NO-Ê
Cựu ước – Sáng thế ký Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng: - Bảy ngày nữa ta sẽ mưa xuống mặt đất trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Ta sẽ tuyệt diệt khỏi mặt đất các loài ta đã dựng.
Nhằm năm 600 đời Nô-ê, tháng 2, ngày 17, tránh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra và các đập trên trời mở xuống, mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.
Thế gian lúc bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa trời và đầy sự gian ác.
Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê, hậu duệ dòng dõi của A-đam, tổ tiên loài người, rằng:
- Người hãy đóng chiếc tàu bằng gỗ cây Gô-phe, đóng có từng phòng, rồi nhét hai bề trong và bề ngoài. Bề dài tàu 300 thước, bề ngang 50 thước, bề cao 30 thước. Trên tàu ngươi hãy làm một cái cửa sổ bề cao một thước và chừa một cửa bên hông. Người hãy làm một tầng dưới, một tầng giữa, một tầng trên. Còn ta đây, ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng tuyệt giệt các xác thịt có sinh khí ở dưới trời, hết thảy các vật trên mặt đất đều sẽ chết hết.Nhưng, ta sẽ lập giao ước cùng ngươi rồi ngươi và vợ con ngươi và các dân của ngươi đều hãy vào tàu. Về các loại sinh vật, ngươi hãy dẫn xuống tàu mỗi loại một cặp, có đực có cái, có trống có mái, hầu cho ở cùng ngươi, đặng giữ trọn sự sống. Lại, ngươi hãy lấy các thứ đồ ăn mang theo, đặng để dành làm lương thực cho ngươi và các loài đó.
Nô-ê làm các điều này y như lời Đức Chúa Trời. Nô-ê vào tàu cùng vợ, các con trai, các dân mình, loài vật thanh sạch, loài chim, loài côn trùng trên mặt đất, từng cặp, đực và cái, trống và mái, đều đến cùng Nô-ê mà vào tàu cùng, y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn người.
Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày, nước dâng thêm, nâng bổng tàu lên khỏi mặt đất. Nước càng dâng cao, lên bội phần trên mặt đất, hết thảy các ngọn núi cao dưới trời đều bị ngập. Nước càng dâng lên bội phần cao hơn, các sinh vật đều chết ngập, nào chim, nào súc vật, nào thú rừng, côn trùng và mọi người. Các vật có sanh khí trong lỗ mũi, các vật ở trên mặt đất đều chết hết. Mọi loài trên mặt đất đều bị huỷ diệt.
Chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu thôi.
Đức Chúa Trời bèn khiến một trận gió thổi ngang qua trên mặt đất thì nước dừng lại.
Các nguồn của vực lớn và các đập trên trời lập tức ngưng lại, mưa trên trời không sa xuống nữa.
Nước giựt khỏi mặt đất, lần lần vừa hạ vừa giựt, trong 150 ngày nước mới bớt xuống.
Đến tháng 7, ngày 17, chiếc tàu táp trên núi A-ra-rát. Nước cứ lần lần hạ cho đến tháng 10, ngày 1 tháng đó, mấy đỉnh núi mới ló ra.
Được 40 ngày, Nô-ê mở cửa sổ mình đã làm trên tàu, thả một con quạ ra, quạ liệng đi liệng lại cho đến khi nước giựt khô mặt đất.
Người cũng thả một con bồ câu ra, đặng xem thử nước đã hạ bớt trên mặt đất chưa. Nhưng bồ câu chẳng tìm được nơi nào đáp chân xuống, bèn bay trở về con tàu cùng người.
Nô-ê giơ tay bắt lấy bồ câu, đem vào tàu lại với mình. Đoạn người đợi bảy ngày nữa lại thả bồ câu ra khỏi tàu. Đến tận chiều chim bồ câu về cùng người và nầy, trong mỏ tha một lá ô-lưu tươi; Nô-ê hiểu rằng nước đã giảm bớt trên mặt đất.
Nhằm năm 601 của đời Nô-ê, ngày 1 tháng1, nước đã giựt, bày mặt đất khô,Nô-ê bèn giở mui tàu mà nhìn, nầy; mặt đất đã se, đến tháng 12 ngày 27, đất đã khô!
Nô-ê cùng vợ, các con, các dân, các sinh vật ra khỏi tàu.