Ông Bình đích thân đánh xe trượt tuyết ra tận nhà ga. Lúc xe lửa tới, ông chở ngay bác sĩ Văn và Duyên về thẳng nhà. Dân làng kéo nhau rằng đứng ở cửa để nhìn vị bác sĩ danh tiếng đi qua, vì ai nấy đều đã được nghe rõ chuyện. Tên bác sĩ Văn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và mỗi lần ông lại thêm nổi tiếng. Còn trẻ con kháo nhau, làm như ông có mang theo một cây đũa thần chỉ cần khẽ đụng vào người bé Danh là nó khỏi liền. Duyên cũng được nói tới như thể nó là một thứ phép mầu hiện đại, nhưng nó không nghe được những lời mọi người nói về nó vì xe chạy nhanh quá, lại thêm tiếng nhạc leng keng ing ỏi. Nhưng như thế cũng hay, vì đỡ làm cho nó thành kiêu căng tự đắc.
Nó ngồi trên xe, tựa mình vào ông Văn. Dầu nó có gắng sức cũng không bước đi được, mọi người phải đỡ nó từ trên xe lửa xuống; tứ chi nó cứng ngắc không chịu cử động theo ý muốn. Tuy mệt rã rượi, nó vẫn cảm thấy khoan khoái, hân hoan và tràn đầy hy vọng. Lúc xe về tới gần nhà, lòng nó reo vui như muốn hòa nhịp với tiếng nhạc đeo ở cổ lừa kéo xe trượt tuyết.
Ông Bình ngồi im lặng lái xe, lòng băn khoăn không biết phải làm thế nào. Ông cảm thấy có trách nhiệm lớn lao khi chở một nhân vật danh tiếng như bác sĩ Văn trên chiếc xe trượt tuyết của ông. Ông chỉ mong con lừa – hôm ấy nó lại quá hăng hái – đừng làm lật nhào chiếc xe khi quẹo các góc đường. Ông nhớ đến những vụ xe lật nhào rất thường xảy ra vì nỗi xe thì lớn mà đường đi thì nhỏ hẹp.
Ông cũng lo lắng về chuyện tiền nong nữa. Dĩ nhiên, ông sẵn lòng dâng cả của cải ông có để chữa lành chân cho bé Danh, nhưng buồn thay ông làm gì có nhiều của cải, và nếu ông không đủ tiền trả bác sĩ thì sao? Có lẽ vị bác sĩ danh tiếng nầy sẽ vui lòng để ông trả một con bê thay tiền.
May mắn quá, mọi người về tới nhà mà không gặp một trở ngại nào ở dọc đường. Ông Bình đỡ cho bác sĩ xuống xe, rồi ông bế Duyên vào thẳng phòng ngoài, đặt nằm trên một chiếc đi văng. Ông cũng vui mừng được thấy Duyên, vì ông đã trải qua một đêm chật vật lo âu, đi tìm kiếm nó trong các đống tuyết.
Nội, An và bé Danh coi bộ khác thường, làm như thể cả ba người sắp sửa đi chụp ảnh. Cả ba đều ăn mặt thật đẹp và ngồi cứng ngắc nơi mép ghế. Nhìn họ, người ta có cảm tượng họ đã ngồi sẵn đấy từ lâu để chờ đợi nhân vật tiếng tăm là bác sĩ Văn. Khi ông Văn bước vào, An và bé Danh ngoảnh nhìn Nội rồi nghiêm trang đứng cả dậy; Nội lấy cớ đau bệnh tê thấp nên chỉ cúi đầu chào không thôi.
Bé Danh không ưng tí nào. Nó cứ tưởng một người tiếng tăm lừng lẫy thì phải mặc áo đỏ giống như vị vua chúa đã từng khiến hiệp sĩ William Tell bắn trúng trái táo kể trong cuốn sách lịch sử Thụy sĩ của chị An. Nó còn đinh ninh người ấy phải có một bộ râu quăn vàng óng thật đẹp và phải cưỡi một con ngựa chiến trắng toát, trái lại cái ông lạ mặt đi sau ba nó lại có bộ quá tầm thường. Danh cảm thấy bực mình; nó nhăn mặt và bĩu dài môi dưới ra.
Bác sĩ Văn lựa một cái ghế thật xa chỗ mọi người rồi mới ngồi xuống. Ông mỉm cười với tất cả. Nụ cười của ông thật tươi, thật nở nang khiến bé Danh quên cả niềm thất vọng và mỉm cười đáp lại.
Ông Văn cho tay vào túi áo lấy ra một cái kẹo sữa và chìa về phía bé Danh.
“Cháu có muốn lấy cái kẹo nầy không?” ông hỏi.
Bé Danh gật đầu thật nhanh, miệng mỉm cười vui sướng; một cái kẹo sữa còn hơn chiếc áo dài đỏ và con ngựa chiến.
“Nếu cháu thích thì lại đây lấy đi”, ông Văn nói. Bé Danh hớn hở nhảy lò cò từng bước qua phòng; trong lúc bé nhảy, ông Văn chú mục nhìn bé. Khi bé Danh tới trước mặt ông, ông nhấc bé đặt ngồi lên đùi ông và đút cái kẹo sữa vào miệng bé.
Ông Văn rất có cảm tình với gia đình nầy. Ông mến Nội lúc ấy đang ngã người về đàng trước chăm chú nhìn ông một cách tinh quái như thể muốn nói, “Đứa nhỏ kia là cháu tôi đấy – ông có làm gì nó thì coi chừng, kẻo không sẽ có chuyện với tôi đó!” Ông mến ông Bình với nét mặt thật thà, màu da sạm nắng, và đôi vai còng xuống vì công việc nặng nhọc. Ông mến An với những bím tóc màu bắp ngô và chiếc tạp dề sọc không một vết dơ – nhưng người mà ông mến hơn hết chính là cậu bé ngây thơ đang ngồi mút kẹo một cách ngon lành trên đùi ông. Ông cũng nhận thấy gia đình nầy vắng bóng người mẹ, và ông không biết có phải bà cụ già kia hay cô gái nhỏ nọ đã giữ cho căn nhà nầy được sạch sẽ, ngăn nắp như vậy.
“Cháu còn thấy đau chân không?” Ông Văn hỏi bé Danh.
“Không”, Danh đáp.
Nội vội vàng sửa lại, “Cháu phải nói: Thưa ông không.”
Bé Danh luôn luôn biết vâng lời nên nói tiếp, “Thưa ông chỉ thỉnh thoảng thôi ạ, khi nào cháu đi mà không chống nạng kia – nạng cháu có chạm đầu gấu đẹp lắm, ông có muốn coi không?”
“Muốn lắm chứ”, ông Văn đáp. Và trong khi đó bé Danh nhảy từng bước đi kiếm cặp nạng, ông lại hết sức chăm chú nhìn nó.
“Cháu có thể chống nạng nhảy được thật xa”, bé Danh khoe. “Ông có muốn coi cháu nhảy thật xa không?”
“Có chứ! Cháu thử nhảy cho ta coi nào”, bác sĩ Văn đáp.
Nội lớn tiếng bảo bé Danh, “Coi chừng ghế đó, Danh!”. Xưa nay nội vẫn cấm bé Danh không được nhảy xa trong nhà. Còn An thì vội vàng mang hai con mèo con đi chỗ khác, vì sợ bé Danh nhảy đụng vào chúng.
Bé Danh nhảy một bước xa thật là xa. Bác sĩ Văn vỗ tay khen, “Giỏi lắm! Thật giống hệt như con đại thử ta đã được coi một lần ở Sở thú. Giờ cháu hãy bỏ đôi nạng xuống và đi lại phía ta xem sao.”
Danh khập khiểng đi lại phía ông. Miệng nó mỉm cười, nhưng cái chân đau của nó kéo lê nom thật tội nghiệp. Ông Văn cũng mỉm cười, rồi ông nhẹ nhàng nhấc bổng nó lên đặt ngồi trên đùi như cũ. Ông còn cho thêm nó một cái kẹo sữa nữa.
Từ nãy nội vẫn chăm chú theo dõi cử chỉ của hai người. Đến lúc ấy, Nội mới quay lại bảo An, “Cháu hãy đặt ấm lên bếp để lấy nước pha trà. Nhớ mang cả hộp bánh bích qui bơ ra nhé.”
Trong lúc An đi lo pha trà, ông Văn đặt Danh nằm lên bàn và sờ nắn, bẻ đi bẻ lại chân nó một lúc thật lâu. Khi ông xong việc thì trà cũng đã dọn lên bàn. Nội mời ông ngồi xuống dùng trà cùng với mọi người; ông kéo ghế ngồi xuống, nhưng hình như trí óc còn mãi nghĩ đâu đâu.
Sau cùng, Nội cất tiếng dõng dạc hỏi: “Thế nào, liệu ông có thể chữa cho cháu được không?”
Tất cả mọi người đều quay nhìn cả vào ông Văn để chờ đợi ông trả lời – trừ có bé Danh lúc ấy đang nhìn chăm chăm vào hộp bánh bích qui bơ. Nãy giờ mọi người đã quên không đưa cho nó một cái, và nó không dám tự tiện lấy vì sợ Nội nó quở mắng. Bánh bích qui bơ ngon tuyệt – vừa mỏng, vừa vàng, vừa dòn tan – mỗi tháng nội chỉ làm có một lần trong một cái lò nướng đặc biệt.
Ông Văn không trả lời ngay câu hỏi của Nội. Ông quay về phía Danh trước.
“Cháu này”, ông nói, “cháu có muốn chạy nhảy giống như mọi đứa trẻ khác không.”
Danh do dự. Nó cũng chưa biết chắc nó muốn gì; nó là đứa bé duy nhất trong làng có cặp nạng đầu gấu, và nhờ đó mới thành đứa trẻ đặc biệt được mọi người chiêu đãi. Nhưng rồi nó nhớ ra là mùa Xuân sắp tới, và nếu nó không chạy nhảy được thì nó không đuổi được những con dê con ngoài đồng như nó đã từng làm năm ngoái – đuổi dê con là một trò chơi đầy thích thú đáng để cho nó trở lại làm một đứa trẻ bình thường.
Nghĩ thế nó mới đáp, “Vâng, cảm ơn ông, cháu muốn; Nội à cho cháu một cái bánh bích qui bơ nhé.”
Không ai trả lời. Duyên và An ngồi yên, tách trà cầm trên tay, cả hai mặt hơi tái. Ai nấy đều còn chăm chú ngó bác sĩ Văn.
Thình lình bác sĩ nói, “Danh nè, con mèo xinh đẹp của cháu đâu rồi.”
“Nó ở vựa củi ngoài kia ạ”, Danh đáp. “Ông có muốn coi có không? Nó còn có ba con mèo con đẹp lắm nữa.”
“Cháu mang vào đây ta coi”, ông Văn đáp. Thế bé Danh khập khiễng chạy đi kiếm con Mướp – lúc đó qua gần bàn, nó với tay lấy luôn hai chiếc bánh bích qui bơ, nhưng hình như cũng chẳng ai buồn để ý đến.
Đợi lúc nó ra khỏi phòng và cánh cửa đã đóng lại, bác sĩ Văn mới quay về phía ông Bình và nói, “Tôi nghĩ may ra tôi có thể giúp ông được. Tuy nhiên, cũng phải đợi coi hình chụp quang tuyến rồi mới dám nói chắc. Theo tôi thì cái chỗ xương gãy không được gắn đúng chỗ nên không thể nào liền lại được; giờ tôi tính phải làm cho nó gãy lại rồi kéo thẳng nó ra. Nhưng làm như vậy thì phải giải phẩu và phải nằm lâu tại bệnh viện. Vậy ông có bằng lòng để cháu Danh theo tôi tới bệnh viện không.”
Ông Bình lúng túng xoa hai tay vào nhau. Ông hết nhìn Nội lại nhìn An như hỏi ý kiến hai người. Đối với ông, giải phẩu là một chuyện gì ghê gớm lắm mà chỉ nghe nói tới thôi cũng đủ rùng mình. Ngoài ra, ông còn được nghe nói giải thuật tốn kém lắm, mà ông thời lại không có nhiều tiền.
Sau cùng, ông gãi đầu ngượng ngập hỏi, “Như vậy thì phải mất bao nhiêu tiền.”
Bác sĩ Văn đáp, “Ông không tốn đồng xu nào cả, vì cháu Duyên đã trả hết cả rồi. Giờ tôi không có thì giờ để giải thích cho ông rõ, vì cháu Danh sắp sửa quay trở lại rồi. Chúng ta phải giải quyết ngay trước khi nó vào tới đây. Vậy ông có vui lòng để nó đi theo tôi không.”
“Vâng, tôi bằng lòng”, Nội đáp dù chẳng ai hỏi Nội.
An xen vào hỏi, “Thưa thế bao giờ đi ạ.”
“Sáng mai”, ông Văn đáp. “Tôi sẽ đáp chuyến xe lửa sớm, và sẽ đem bé Danh cùng đi với tôi.”
“Ông đem cháu đi đâu vậy?”. Giọng trong trẻo của bé Danh vang lên. Nó vừa im lặng đi từ cửa sau vào mà không một ai để ý. Nó tiến đến đứng bên cạnh ông Văn, hai tay ôm cả đám mèo con. Trong đời nó mới có một lần được đi xe lửa – mà trong có mười phút thôi – nhưng nó không bao giờ quên được.
Không ai trả lời nó. Mọi người vẫn còn mãi ngó bác sĩ Văn.
“Đi đâu thế hả Nội?”, Bé Danh lại cất tiếng hỏi.
Ông Văn quay về phía nó.
“Cháu Danh à”, ông nói, “Cháu sẽ cùng đi với ta xuống thành phố bên hồ. Cháu sẽ ở với ta trong một ít lâu, và ta hy vọng sẽ làm cho chân cháu khá hơn. Cháu có thích thế không.”
Danh ra vẻ nghi ngại. Sau đó rắn rỏi nói, “Thế còn chị An? Còn Nội, còn ba, còn con Mướp và cả đám mèo con nữa? Vâng, thưa ông, tất cả chúng cháu đều thích thế lắm.”
“Ồ, không được đâu Danh”, An lớn tiếng. “Cả nhà không thể nào cùng đi với em được. Em phải ngoan và đi một mình. Ông đây sẽ trông nom em, và chỉ ít ngày thôi là em sẽ trở về nhà mà, - tuy nói thế nhưng lòng cô bé đau như dao cắt.”
An vừa nói xong, Danh đã lăn cả người nó lẫn đàn mèo vào lòng chị, rồi vừa dặm chân vừa thét rống lên.
Chưa bao giờ gia đình ông Bình thấy nó làm như vậy. An vội vã ôm chặt lấy đầu em và hôn tới tấp lên mặt nó – Nội thì ve vuốt, vỗ về thân mình nó, còn ông Bình thì cố nhét vào tay nó những cái bánh bích qui bơ vàng ngậy; nhưng tất cả đều vô hiệu. Cả nhà nhìn nhau thất vọng. Trước quang cảnh đó ông Văn biết ngay nếu ông không nghĩ ra cách gì giải quyết ngay, ông sẽ phí một ngày vô ích.
Ông quay về phía Nội nói thật lớn tiếng để át tiếng gào thét của bé Danh, “Cô bé kia có biết cách trông nom trẻ con không.”
Nội gào trả lại, “Chính nó đã nuôi lớn đứa nhỏ này đó.”
“Vậy thì cụ nên cho nó đi theo em nó đi”, ông Văn thét. “Nó còn có thể giúp nhà tôi một tay.”
An lắc Danh thật mạnh đồng thời quát lớn, “Danh, có nín đi không! Chị cũng đi với em đây.”
Danh nín ngay tức khắc. Nó nấc cục ba tiếng rồi mỉm cười. Nhưng ông Văn không cười. Ông nhấc bổng nó lên rồi nghiêm trang nói với nó, “Ta e con đã được nuông chìu quá rồi đó! Khi con tới ở bệnh viện của ta, ta bảo gì con phải làm thế ấy, chứ không được gào thét hay làm ầm ỉ lên, nghe.”
Bé Danh nũng nịu đấm lên ngực ông.
“Cháu có chị An!”, nó đáp, và lại mỉm cười. Nó biết lần nầy nó lại thắng nữa.
Ông Văn đặt bé Danh xuống. Ông nói, “Giờ phiền mọi người cho tôi mượn một cái xe trượt tuyết, tôi sẽ dẫn cậu Duyên về nhà. Xin chào tạm biệt cả nhà. Sáng mai đúng tám giờ rưỡi hai cháu sẽ gặp tôi ở sân ga. Các cháu nhớ mang đủ đồ dùng cần thiết để ở trên tôi chừng vài ba tháng. Cháu An sẽ giúp tôi buổi sáng, còn buổi tối sẽ đi học. Vậy buổi chiều cháu tha hồ ở chơi với em cháu.”
Ông Bình tho thẩn bắt tay bác sĩ Văn và giơ tay lau trán mình. Mọi việc diễn tiến mau quá đến nỗi ông tưởng như mình đang mê ngủ. Ông chỉ biết rõ có một điều là bắt đầu từ sáng mai ông sẽ phải sống xa hai đứa con thân yêu là An và bé Danh trong suốt hai ba tháng trời. Ngoài ra ông không còn nhớ được gì hết. Ông lảo đảo đi về phía chuồng bò để vắt sữa bò và để cố nhớ lại mọi việc trong bầu không khí quen thuộc êm ả của chuồng bò.
Nội đưa tiễn bác sĩ ra tận cửa. Nắm chặt tay ông Văn trong tay mình, Nội thình lình nói, “Ông là một người thật tốt. Thượng Đế sẽ ban thưởng cho ông.”
Ông Văn ngắm bà cụ già dũng cảm đang đứng trước mặt ông. Mắt ông tự nhiên ướt đi. Ông nhìn thấy bà cụ cùng hai đứa cháu mạnh khỏe vui sướng đứng ở phía sau, và căn nhà sạch sẽ êm ả mà bà cụ là vị thiên thần canh giữ. Ông thoáng nhận thấy trên đôi bàn tay nhăn nheo của bà cụ ánh lên tình yêu thương và lòng dũng cảm, và chính hai thứ nầy đã làm mạnh hai bàn tay kia và làm sáng cặp mắt mờ nọ khiến bà cụ có đủ sức để làm tròn một công việc nặng nhọc vượt quá khả năng thiên nhiên của bà; ông cũng còn nhận thấy nơi bà cụ cái tình yêu thương chân thật không chút vị kỷ đã khiến bà vui lòng để hai cháu ra đi, vì ra đi là tốt cho chúng – và ông biết ông đang đứng trước một trong những người Thánh của Thượng Đế.
“Cả cụ nữa”, ông đáp, “cũng là một người nhân từ không vị kỷ và chắc chắn Thượng Đế cũng sẽ ban thưởng cho cụ.”
Bác sĩ Văn mượn chiếc xe trượt tuyết đưa Duyên về tận nhà và giao vào tận tay má nó. Bà Mầu làm bộ hết sức giận dữ đối với con.
“Mày thật hư đốn quá”, bà quát, “bỏ ra đi như vậy mà không nói cho ai biết để cả nhà phải một phen sợ hết hồn – sao mày có thể làm được một chuyện tồi tệ như vậy? Mày thật đáng đánh đòn…” – nhưng bà không đánh nó mà chỉ giằng nó khỏi tay ông Văn, rồi dìu nó lên thang lầu, đặt nó nằm cẩn thận trên giường. Đoạn bà trở xuống, ngồi vào bàn, trùm vạt áo lên mặt, nức nở khóc.
Ông Văn an ủi bà: “Bà có một đứa con thật là can đảm.”
“Nó hư đốn lắm, thưa ông”, bà đáp. Rồi phần hãnh diện vì con, phần vui mừng vì thấy nó trở về nhà an toàn, bà càng khóc dữ hơn trước.
Suốt buổi sáng bà Mầu và Mai đã hì hục làm một mẻ lớn bánh bông lan cho Duyên là thứ bánh mà nó ưa thích hơn hết. Trong lúc ấy còn thơm sực mùi bánh. Hai mẹ con mời ông Văn cùng ngồi xuống ăn, nhưng ông từ chối, vì ông còn có một việc quan trọng phải làm, mà thì giờ thì lại ít.
Ông đi thẳng vào chuyện: “Tôi thấy hình như cậu Duyên có quen biết một ông già nào ở quanh quẩn đâu đây – bà và cô có thể nói cho tôi biết chỗ ở của ông ta không?”
“Một ông già?” Mai lập lại. “Ô, phải, chắc là ông cụ già ở trên núi đã dạy thằng Duyên tạc khắc gỗ ấy. Một già một trẻ mà ở được với nhau cả tiếng đồng hồ, thật là kỳ! Mà cũng chẳng hiểu thằng Duyên tìm được những gì thích thú ở ông già ấy? Điều đó chỉ có Trời biết! Nhưng hầu hết mọi người ở đây bảo là ông ta điên khùng.”
“Cháu có thể chỉ đường cho ta đến nhà ông già đó không?”, Ông Văn hỏi.
Mai ngạc nhiên đáp, “Dạ, được chứ! Nhà ông ta ở ngay trên núi kia, đi xuyên qua rừng là tới, nhưng cháu khuyên ông chớ nên lên trên ấy. Tuyết rơi nhiều như thế, đường đi chắc sẽ tồi tệ lắm.”
“Ta có việc cần gặp ông già ấy”, Bác sĩ Văn vắn tắt đáp. “Phiền cháu ra ngoài cửa chỉ cho ta rõ lối đi. Lúc trở xuống, ta sẽ tới đây để từ biệt cậu Duyên.”
Trên đường lên núi buổi xế chiều hôm ấy, ông Văn tưởng chừng như chưa bao giờ ông nhìn thấy cảnh rừng đẹp như vậy. Tuyết đè nặng chĩu các cành cây, và lá thông bị vướng vào những mảnh băng nhỏ lấp lánh như hình sao. Ông Văn tự hỏi không hiểu ông già kia là người thế nào mà sống một mình trơ trọi giữa cảnh rừng tuyết hoang vu lặng lẽ nầy? Ông tự nhiên đâm ra nóng lòng muốn gặp ông già để tìm hiểu bí ẩn trong đời ông.
Khi ra khỏi rừng, ông Văn nhìn thấy tận đàng xa căn nhà dựng lưng chừng sườn núi, vách tường bị tuyết đọng thành đống cao nhất. Ông già đã đào một lối đi nhỏ ra tận rừng cây như thể ông đang chờ đón có khách viếng thăm, ông Văn nghĩ thầm như vậy khi men theo lối ấy đi vào nhà.
Ông khẽ gõ lên cánh cửa, rồi chẳng đợi ai trả lời cứ thế bước vào. Ông già ngồi khom lưng bên lò lửa đang gọt đẽo gỗ, miệng ngậm một cái ống điếu lớn. Con Dê và con Mèo ngồi châu ở hai bên cạnh ông. Ông Văn lặng lẽ đến ngồi ở cái ghế phía bên kia lò lửa.
Vẫn không ngẩng nhìn lên, ông già cất tiếng hỏi, “thế nào cháu Duyên, đi tới nơi được an lành chứ?”
“Tôi đây chứ không phải cậu Duyên”, ông Văn dịu dàng đáp. Giật mình, ông ngẩng phắt lên. Hai người trừng trừng nhìn nhau như thể người nọ tưởng người kia là ma, hay nói cho đúng hơn, là hồn người chết hiện về.
Sau cùng ông Văn nói, “Tôi tới đây để trao trả lại cụ số tiền này. Tôi có thể giúp cậu bé què không cần đòi hỏi tiền nong gì, nếu cái chân của cậu xem chừng có thể chữa được.”
“Thế là thằng nhỏ đã thất hứa với ta rồi”, ông già lẩm bẩm, đoạn dựa cằm lên cây gậy chống, mắt ngó trừng trừng, ngó mãi…
“Nó không thất hứa đâu”, ông Văn đáp. “Nó không nói gì hết mà chỉ bảo tôi rằng số tiền ấy là do một ông già đưa cho nó và dặn nó là để trả một món nợ. Nhưng tôi không bao giờ nhận những số tiền lớn con cái nông dân mà không biết chắc tiền ấy ở đâu ra. Muốn tìm chỗ ở của cụ thật chẳng khó khăn gì, tôi chỉ cần hỏi dò những người khác là biết được ngay”.
Yên lặng kéo dài một lúc thật lâu. Sau cùng, ông già nói: “Ông đến đây chỉ để nói chuyện ấy thôi ư?”, giọng ông già bỗng nhiên nghe mệt mỏi, chán nản và thất vọng một cách lạ thường.
Ông Văn vội vàng đứng ngay dậy, rồi quì xuống trước mặt ông già. “Thôi, chúng ta còn giả bộ với nhau làm chi nữa?” Ông nói. “Con đến xin ba tha tội cho con. Con tới đây là để mời ba về ở với vợ chồng con và các cháu. Chúng con lúc nào cũng nhớ ba và muốn ba về ở nhà.”
Mấy tiếng đồng hồ sau, An đã có mặt ở nhà Duyên. Trùm kín trong mũ và áo choàng len, nó ngồi trên một chiếc ghế đu lớn bằng gỗ, mỉm cười với Duyên lúc ấy đang ngồi trên giường, cằm tựa vào đầu gối. Duyên vẫn hãy còn hơi tái xanh và mệt nhọc, nhưng trong lòng nó cảm thấy dễ chịu và vui sướng.
“Duyên hãy kể hết cho An nghe đi”, An giục, mắt ánh lên một niềm thán phục và kinh ngạc. “Mọi người đều nói anh thật vô cùng can đảm và gan dạ. Anh phải kể từ lúc bắt đầu và nói rõ cho An nghe lúc ở trên đỉnh đèo anh thấy thế nào.”
Duyên nheo trán. Được gọi là can đảm kể cũng khoái, và nó cũng muốn kể câu chuyện sao cho thật hay, nhưng không hiểu sao nó thấy mọi việc hình như xa vời và khó nói quá – như thể ở trong một giấc mộng vậy. Nó đâu hiểu rằng người nó lúc ấy lạnh cứng và mệt nhoài, khiến trí óc nó đâu còn ghi nhận được rõ ràng mọi việc xảy ra.
“Bắt đầu”, nó kể, “tôi lên trên nhà ông già trên núi để hỏi lấy số tiền, đoạn, lúc trở xuống núi tôi lấy giày trượt tuyết và cứ thế trượt xuống thung lũng, rồi lại leo qua rừng vượt qua sông. Khi tôi lên tới đỉnh núi thì trời gió quá, và lúc vượt qua đỉnh núi xong là tôi đổ dốc ở sườn bên kia.”
An nóng nảy ngắt lời, “Đã đành là vậy rồi, nếu không, anh đâu tới được khách sạn bác sĩ Văn – nhưng anh phải kể cho có đầu có đuôi, rõ ràng sáng sủa mới được. Lúc ấy anh cảm thấy thế nào? Có gặp chuyện gì nguy hiểm không? Anh có sợ không? Và trên đỉnh núi ra sao.”
Duyên lặng thinh một lúc. Suốt buổi trưa, nó đã tự hỏi không biết nó có cơ hội nào để kể cho An nghe không, nay cơ hội đã đến mà nó không biết phải bắt đầu ra sao.
Sau cùng nó nói, “Ừ thì tôi xin kể.” Đoạn nó thong thả kể tiếp, trong lúc kể những ngón tay của nó cứ đan vào nhau dưới lớp chăn dầy. “Lên tới gần đỉnh núi tôi sợ quá. Tôi đã tính quay về – An có còn nhớ lần nói cho tôi nghe là An đã thù ghét tôi hết sức, nhưng rồi An mời Chúa Giê-xu ngự vào lòng và chính Ngài đã làm cho An đâm thương mến tôi.”
An sốt sắng đáp, “Có chứ! Em vẫn còn nhớ. Sao rồi sao nữa, Duyên.”
Duyên ngượng nghịu tiếp, “Tôi hỏi vậy là bởi vì tôi cũng gặp thấy một việc tương tự lúc tôi lên tới gần đỉnh và sợ quá định quay về. Tôi chợt nhớ cái đoạn mà Nội đã dạy chúng ta rằng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi nên tôi mới xin Đấng Christ cất bỏ sự sợ hãi hộ tôi, và lập tức tôi không còn thấy sợ hãi như trước nữa.”
“Thật vậy ư?” An nói với vẻ hết sức chú ý. “Vậy thì An cho rằng Chúa Giê-xu đã ngự vào trong lòng anh cũng như Ngài đã ngự vào trong lòng An vậy. Khi ấy sự sợ hãi trong lòng anh cũng đã phải ra đi vậy. Theo An nghĩ thì tất cả cũng như vậy, Duyên ạ – dù anh sợ hãi hay anh không ưa thích người khác, dù anh lừa dối hay anh không nói sự thật – dù có chuyện gì với anh chăng nữa thì khi Chúa Giê-xu đã ngự vào lòng ta, sẽ không còn chỗ cho mọi ý nghĩ ấy nữa.”
“An nói đúng”, Duyên đáp một cách suy tư. “Duyên cho rằng An có thể đặt bất cứ chữ nào vào cuối câu gốc ấy – sợ hãi hay ích kỷ, hay nói dối, hay lười biếng, hay cáu kỉnh khó tính – tất cả những thứ đó đều bị tình yêu thương trọn vẹn cất bỏ – và khi Chúa Giê-xu ngự vào trong ta là tình yêu thương trọn vẹn cũng theo vào luôn, có phải vậy không?”
“Phải”, An đáp, “An cũng nghĩ vậy.” Hai đứa cùng ngồi lất tay chống cằm thì thầm nói chuyện trong bóng tối mờ đục của buổi hoàng hôn đang buông phủ trên nền tuyết trắng. Không đứa nào nói đến việc bật đèn cho sáng, vì chúng thấy nói chuyện trong bóng tối thú vị hơn.
Mãi cho đến lúc An bước đi về nhà dưới, thì bầu trời lốm đốm sao, giữa những dãy núi vây quanh nom giống như những cánh tay khổng lồ đang dang ra, nó mới chợt nhớ rằng tối nay là buổi tối cuối cùng nó ở nhà. Ý nghĩ ấy làm nó thấy đau nhói trong lòng và nước mắt ứa ra, nó vùng chạy về thật nhanh và bước vào không khí ấm cúng của căn phòng trước nhà.
Ông Bình vẫn còn ở bên chuồng bò. Trong nhà chỉ có Nội đang ngồi đính lại một cái khuy trên chiếc tạp dề sạch sẽ có kẻ dọc của An. Quần áo của An và Danh đã được gấp lại gọn gàng, gói làm hai gói để sẵn trên bàn. Bé Danh nằm ngủ say trong một góc giường, trên đầu giường có đầy đủ mèo mẹ và đàn mèo con.
“Nội!” An kêu lớn, và chạy vào ôm chầm lấy Nội khóc òa lên.
Nội để yên cho An khóc trong giây lát; đoạn, Nội kéo cái ghế đẩu thấp lại để An ngồi xuống ngã mình vào người Nội trong lúc Nội nói chuyện. Trước hết, Nội nói về cái gia đình mà An sắp đi tới, rồi về công việc mà nó sẽ phải làm. Và niềm vui khi thấy bé Danh được chữa khỏi cái chân đau. Nội nói một cách mạnh dạn và vui vẻ đến nỗi An cũng thấy vui lây; nó đâu biết trong thâm tâm Nội đang buồn rầu, nhủ thầm, “Tối mai, tối mốt và những tối kế tiếp đấy, ta không biết làm gì đây khi cái ghế đẩu nầy ở dưới chân ta, vắng bóng cô bé nhí nhảnh, và nơi góc giường kia, vắng bóng chú bé đang say ngủ?”
Trời đã về khuya. Ngày mai mọi người lại phải dậy sớn nên An lấy cuốn Thánh Kinh to dầy ở trên kệ xuống như nó vẫn thường làm vào giờ đi ngủ để đọc một đoạn cho Nội nghe.
“Tối nay, chúng ta đọc Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn thứ mười ba”, Nội nói trong khi An đặt cuốn sách để nằm trên đùi Nội, “Đó là một đoạn mà ta muốn cháu ghi nhớ mãi mãi trong suốt thời gian cháu xa nhà.”
Vâng lời Nội, An đọc hết chương sách. Khi nó đọc xong, Nội mới bảo: “Câu ta muốn cháu mang theo đi và đặc biệt ghi nhớ là câu thứ tư. Cháu hãy đọc lại câu ấy đi, An.”
An đọc lại lần nữa, thong thả và rõ ràng từng chữ.
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhơn từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.”
Hai tay chắp trên quyển Kinh Thánh và nhìn An qua cặp kính lão, Nội nói với nó: “Cháu có kể với ta rằng cháu đã mới Cứu Chúa ngự vào lòng cháu, Ngài đã ngự vào và cũng mang theo vào tình yêu thương của Ngài – thứ tình yêu thương mà chúng ta vừa đọc đó.”
“Cháu hãy còn nhỏ, nhưng nay cháu sắp sửa đi trông nom những trẻ con khác. Không phải lúc nào chúng cũng ngoan ngoãn và tử tế với cháu. Sẽ có nhiều lúc cháu cảm thấy cáu kỉnh, tức giận. Nhưng tình yêu thương của Chúa Giê-xu là nhịn nhục và nhân từ, cháu hãy xin Ngài dùng tình yêu thương của Ngài để đối phó với những ý tưởng đen tối cáu kỉnh nọ, và cháu sẽ thấy những ý tưởng ấy không ở lâu được trong lòng cháu.”
“Cháu sắp đi tới ở một ngôi nhà lớn, và cháu sẽ nhìn thấy những đồ vật sang trọng đẹp đẽ mà cháu không bao giờ có được; đôi khi cháu sẽ cảm thấy bất mãn và ghen tị. Nhưng cháu nên nhớ rằng tình yêu thương của Đấng Christ trong lòng cháu không bao giờ biết ham muốn ghen tị, và nếu lòng cháu chứa đầy tình yêu thương của Ngài thì sẽ không còn chỗ cho sự bất mãn nữa.”
“Cháu sắp đi giúp việc cho một gia đình có trẻ nít. Thường khi cháu sẽ không được mọi người để ý đến lắm đâu. Mà cháu thì cháu lại muốn công việc của cháu được người ta biết tới và lớn tiếng ngợi khen. Nhưng cháu nên nhớ rằng tình yêu thương của Đấng Christ trong lòng cháu không thích phô trương ra ngoài, và không bao giờ muốn được người ngoài chú ý tới. Tình yêu thương của Ngài có thể khiến cháu tiếp tục làm công việc một cách lặng lẽ, tận tâm dù cháu có được để ý tới hay không. Cháu nên nhớ rằng Ngài là Chủ cháu, và cháu làm việc là để vừa lòng Ngài.”
“Cháu hãy giữ cho lòng cháu tràn đầy tình yêu thương của Chúa Giê-xu; cháu hãy đọc và suy nghĩ về tình yêu thương ấy. Và khi những ý tưởng sai lầm tìm đến gõ cửa, cháu đừng có tìm cách tự mình đẩy chúng đi. Hãy xin Cứu Chúa mở cửa cho cháu, và bảo chúng rằng không có chỗ cho chúng trong một tấm lòng tràn đầy tình yêu thương của Ngài, và chúng sẽ phải bỏ đi.”
Tay mân mê bím tóc, An gật đầu đáp giọng suy nghĩ, “Cũng giống như bóng tối tan biến đi khi mình để ánh sáng chiếu vào.” Đoạn, nó hôn Nội rồi chạy đến chuồng bò để trò chuyện với ba nó chốc lát trước khi đi ngủ.
Sáng sớm hôm sau, khi thung lũng hãy còn mờ sáng và các đỉnh núi mới mang màu trắng bạc, cả nhà ông Bình đã ngồi xe lừa đi tới nhà ga. Vì sợ lỡ tàu, nên họ tới nhà ga sớm đến nửa tiếng đồng hồ. Mọi người đứng ở sân ga để chờ đợi bác sĩ Văn chừng hai mươi phút sau mới tới. An xách hành lý đựng trong một cái túi giấy lớn màu xám, tay kia nó siết chặt lấy bàn tay ba nó.
Bé Danh đội mũ trùm đầu và mặc áo choàng ấm. Nó có vẻ ngượng ngịu khác thường, cứ nép mãi vào sau những bình sữa lớn xếp ở sân ga. Khi tới giờ từ biệt, nó có bộ sợ sệt và hình như không muốn cho mọi người ôm siết nó. Mãi tới lúc xe lửa đi được một quãng khá xa An mới hiểu tại sao. Khi ấy nó thấy trong áo choàng của em nó có vật gì cục cựa, nó liền hỏi:
“Em giấu vật gì trong áo thế em?”
Mặt bé Danh thốt nhiên ửng đỏ.
“Danh chỉ mang đi có một, thôi mà”, nó ấp úng đáp.
“Một gì?”, An gặng hỏi trong lúc đưa mắt lo lắng nhìn ông Văn. Nhưng ông mãi coi sách nên không chú ý.
Bé Danh cởi một khuy áo ra, nói tiếp, “Chỉ có một con này thôi mà!” Qua kẻ hở của chiếc áo choàng, An nhìn thấy cái đầu và hàng ria của một con mèo con màu trắng. Con mèo thò đầu rằng ra một thoáng rồi lại rụt vào ngay.
“Chết rồi”, An hoảng hốt kêu, “Mày thật hư, hư quá đi mất thôi! Mày không nhớ là Nội đã dặn không mang mèo đi nhà thương được sao? Bây giờ tao biết làm sao đây?”
Bé Danh lẳng lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, không đáp lại một lời. Nó biết lỗi của nó, nhưng không tìm ra được một lời nào để bào chữa. Tuy nhiên, nó vẫn ôm sát con mèo con vào lòng, và con mèo cuộn tròn mình lại, miệng thở khò khò như một đầu máy xe lửa tí hon. Người và vật, cả hai đều không mảy may hối hận về tội lỗi của Danh đã làm.
Khi xe lửa tới thành phố, Danh được đưa thẳng tới bệnh viện, vào trong một căn phòng rộng đông chật những trẻ con cũng què quặt hay khập khiểng như nó. Trông nom đám trẻ con ấy là một cô điều dưỡng nom dáng vẻ hơi mệt nhọc. Danh liếc nhìn đám trẻ và quyết định ngay là phải làm cho chúng vui lên. Nó liền xin chống nạng nhảy những bước dài như con đại thử suốt xuống tận cuối phòng. Bọn trẻ thích quá nên chưa đầy một tiếng đồng hồ, Danh đã thành bạn thân của tất cả mọi đứa. Con mèo con thì được đưa xuống dưới bếp để ở trong một cái rổ và được phép mang lên thăm Danh vào những giờ thăm viếng.
An tới nơi không được vui sướng như bé Danh. Bà Văn tiếp đón nó rất tử tế. Bà ta còn trẻ, đẹp và rất vui tính. Bà dẫn nó lên căn phòng dành cho nó ở sát dưới mái nhà. Khi chỉ còn mình nó trong phòng, An chạy tới cửa sổ nhìn ra ngoài. Nó thấy những căn nhà kế tiếp nhau, đường phố tuyết đọng lầy lội và những mảng trời tối xám thấp trũng. Nó ngó một lúc lâu, đoạn nằm vật xuống giường nức nở khóc,vì nó thấy nhớ những vùng tuyết bao la trắng xóa, những đỉnh núi trắng phau và những mảng trời trong vắt ở nhà.
Chừng một giờ sau, bà Văn lên để xem nó ra sao. Thấy nó trong tình trạng ấy, bà không nói gì cả, len lén bỏ đi. Một lát bà quay trở lại, tay bồng bé Tâm. Bà đặt bé lên giường ngay bên cạnh An. Hành động của bà đã có hiệu quả tức thì. Chỉ năm phút sau, An đã ngồi dậy mỉm cười với bé Tâm lúc ấy đang nằm trong lòng An chân tay vùng vẫy lung tung.
Ở nhà ông Văn, An rất bận việc nhưng cũng sung sướng. Buổi sáng nó giúp đỡ bà Văn trông nom mấy đứa con của ông bà. Buổi trưa nó ngồi làm bạn với bé Danh, còn buổi tối nó học và làm bài. Bọn trẻ không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn, dễ bảo và tử tế với nó. Lúc đầu, nhiều khi bà Văn phải can thiệp để giữ cho cửa nhà được yên ổn; nhưng dầu đôi khi nó cáu kỉnh và tức giận với bọn trẻ, nó vẫn cố nhớ lại câu gốc của Nội. “Tình yêu thương hay nhịn nhục và nhân từ”, nó thường tự nhủ như vậy mỗi khi thằng Mạc không chịu đi giày hay con Vân đánh đổ mực ra sàn nhà, hoặc thằng Dũng chạy chơi và ngã xuống bùn. Dần dần, tình yêu thương của Chúa Giê-xu trong lòng nó, bắt đầu khiến cho nó biết kiên nhẫn, dịu dàng và bớt ích kỷ, và nó thấy rằng nó có thể nói nhỏ nhẹ và được bình tĩnh đối với bọn trẻ.
Danh ở nhà thương được một tuần thì phải chịu giải phẩu. Nó đi tới phòng giải phẩu một cách tò mò, háo hức và để cho đánh thuốc mê không chút sợ sệt. Nhưng khi nó thức dậy hàng tiếng đồng hồ sau đó, nó lấy làm lạ lùng thấy giường nó nghiêng dốc và ở chân nó có những quả tạ bằng sắt làm nó đau điếng. Vừa đau, vừa sốt, nó thét lên gọi An. Khi cô điều dưỡng bước tới, nó gắt lên vì thấy cô không phải là An – làm như vậy nó thật chẳng biết điều tí nào.
Suốt tuần lễ ấy, bé Danh nằm ngửa trên giường, những quả tạ sắt đeo ở chân lủng lẳng. Nó vừa sốt vừa đau. An ngày nào cũng tới thăm em. Nó đọc và kể cho bé Danh nghe những chuyện về những chiếc thuyền buồm màu trắng ở trên mặt hồ bên ngoài những cánh cửa kiếng rộng lớn. Nó cố làm cho bé Danh quên chỗ chân đau. Nhưng vẫn không tránh khỏi, đó là một tuần lễ buồn thảm. Mây xám buông rủ trên mặt hồ u ám, bé Danh trằn trọc, đau đớn. Nó cố tỏ ra can đảm, nhưng không sao can đảm được.
Trong những ngày dài đằng đẳng ấy, chỉ có một vật đã đem lại an ủi cho bé Danh. Đó là một bức tranh treo ở trên tường đối diện nó. Bên dưới bức tranh có một hàng chữ mà Danh không đọc được. Khi nào nó ngán đau, ngán nghe kể chuyện, ngán mặt hồ màu xám và ngán cả những đứa trẻ con khác, nó lại nhìn vào bức tranh ấy, vì nó không bao giờ ngán tranh ấy cả.
Đó là một bức tranh vẽ Chúa Giê-xu ngồi giữa một cánh đồng đầy hoa, các trẻ con trên thế giới đứng xúm xít chung quanh đang ngẩng lên nhìn mặt Ngài. Trên thảm cỏ dưới chân Ngài là một cậu bé da đen, và trên đầu gối Ngài là một em nhỏ người Ấn Độ. Tay Ngài quàng một cô bé mặt chiếc áo dài xanh, còn các trẻ em Trung Hoa và vùng Nam Hải đang xúm xít quanh Ngài.
Khoảng một tuần lễ sau cuộc giải phẩu, bé Danh và An nói chuyện thực sự về bức tranh đó. Hôm ấy trời hãy còn u ám, mây đục buông thấp trên hồ, và hoàng hôn đến sớm. Đèn trong bệnh viện thắp sáng, hầu hết các trẻ em đều đã ngủ say, nhưng An vẫn ngồi bên bé Danh. Trong mấy đêm vừa qua An đã ở lại khuya với bé Danh vì không có nó là Danh không chịu nằm yên.
Lúc này Danh nằm trong giường, hai cánh tay vòng trên đầu đè lên gối. Tóc nó xõa ra đàng sau và đôi mắt xanh của nó sáng ngời. Nó mệt, mệt lắm và muốn đi ngủ lắm, nhưng chỗ chân đau làm nó không ngủ được. Nó xoay đầu nhìn vào bức tranh có hàng chữ bên dưới.
“Hàng chữ viết gì vậy, chị?” thình lình nó hỏi.
An nhìn vào bức tranh đáp, “Hàng chữ viết, Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng cấm chúng nó.”
“Em biết chuyện ấy rồi.”, Bé Danh mệt nhọc nói tiếp. “Nội đã kể cho em nghe rồi. Có phải những đứa bé kia là ở trong Kinh Thánh không? Sao chúng ăn mặc quần áo buồn cười thế, chị?”
“Phải”, An đáp, “nhưng chúng không phải là trẻ em trong Kinh Thánh đâu. Chúng là trẻ em ở khắp mọi nơi trên thế giới – ở Ấn Độ, ở Phi Châu, còn cô gái nhỏ kia chắc là người Thụy Sĩ.”
“Tại sao vậy?” Danh hỏi.
“Chị chắc, là để chứng tỏ rằng tất cả trẻ em đều có thể đến với Chúa Giê-xu , chứ không phải chỉ có trẻ em trong Kinh Thánh đâu.”
“Hừ, thật khó giải thích quá! Theo chị, em chỉ cần nói em muốn đến, thế là em sẽ có ở đấy. Chị đoán, Chúa Giê-xu sẽ bồng ẳm em lên, như là đối với các trẻ em trong Kinh Thánh vậy, dầu rằng em không nhìn thấy được Ngài.”
“Ô”, Danh nói, “Em hiểu rồi – chị An ơi, chân em đau quá. Ước gì em ngủ được một giấc.”
Nó bật lên khóc và giơ tay quờ quạng. An đỡ nó lên, cho nó uống nước. Uống xong, nó lại nằm ngã xuống, thở dài mệt nhọc.
“Chị hát cho em nghe đi”, nó bảo An. An hát khẽ vì mắc cỡ sợ cô điều dưỡng nghe thấy.
“Ô xin bàn tay Cha
Ban phước cho con trong giấc ngủ.”
Trong khi An hát, An nhắm mắt lại.
Nhưng trong mấy giây đồng hồ trôi qua giữa lúc trong tình trạng nửa thức, nửa ngủ, bé Danh tưởng chừng nó lại nhìn thấy bức tranh; nhưng cô bé Ấn Độ không còn ở đấy nữa, mà ngồi ở chổ cô ta lại là một cậu bé mình thon gầy, mặt rám nắng – và ở dưới chân cậu ta là một cặp nạng có chạm khắc hình đầu gấu.
“Mình đấy rồi”, bé Danh nói thầm trong đầu – rồi nó ngủ thiếp đi trong niềm hân hoan vui sướng.
Trong lúc nó ngủ, có nhiều việc xảy ra. Trước hết, bác sĩ Văn tới nơi và lấy bỏ đi một quả tạ đeo ở chân nó; kế đấy, cơn sốt của nó chấm dứt, rồi đến một làn gió nam ấm áp thổi qua miền đất đánh tan những đám mây che phủ bầu trời.
Danh ngủ một giấc thật dài. Lúc thức dậy, nó tưởng chừng như nó đã đi vào một thế giới mới, nó nằm yên nghĩ ngợi thật lâu. Nó cảm thấy trong người mát mẻ dễ chịu, chân nó không còn đau nữa. Những cánh cửa kiếng lớn đã mở toang. Qua khung cửa, lần đầu tiên nó nhìn thấy làn nước xanh óng ánh, những dãy núi xanh lam mờ sương ở phía bên kia hồ, và một bầu trời quang đãng nhờ những cơn gió thổi từ hướng nam về. Một ít mảng mây trắng – những mảnh mây rất nhỏ – trôi nổi đó đây; chúng nhắc Danh nhớ đến những con dê con đang chạy tán loạn ngoài đồng trong lúc tuyết đã tan chảy và hoa cải bắt đầu đâm chồi nẩy lá.
Bé Danh hít mạnh làn không khí mát ngọt và tự nhủ thầm, “Mình sắp khỏi, mình sắp khỏi.” Trong không khí nó ngửi mùi vị đất ẩm và mưa ấm. Nó nhắm mắt lại và chợt vui mừng nhận ra là mùa Xuân đang trở về. Trong lúc nó nằm hít hương Xuân, nó nghe thấy một tiếng chim hót – tiếng hót thật to như thể con chim ấy là vị sứ giả chính thức đi báo sự thức dậy của vũ trụ.
“Mùa Xuân đã về, về, về, về!” Tiếng chim hót, “Bạn sẽ mạnh, mạnh mạnh, mạnh!”
Cửa mở, An bước vào. Hơi gió làm cho nó ấm áp và hồng hào. Nó thường tạt qua sau bữa điểm tâm để xem em nó ra sao.
“Trời đẹp không, Danh?” An kêu. “Em hãy nhìn ra hồ, trông dãy núi ở bên kia hồ và những con thuyền nhỏ!”
Danh trịnh trọng quay đầu về phía An.
“Chị An à, đôi nạng có đầu gấu của em đâu rồi?”
“Ở sau cái tủ kia kìa. Để làm gì?”
“Hừ, chị thấy đứa bé nằm ở góc kia chứ? Có lẽ nó thích cặp nạng của em lắm đấy – Chị hãy cho nó đi.”
“Nhưng em cũng thích cặp nạng của em lắm kia mà?”
“Đã đành, nhưng em sẽ không cần dùng đến chúng nữa. Em sắp khỏi rồi, sắp chạy nhảy được như thường rồi.”
Bé Danh đã nói đúng. Nó không bao giờ cần dùng đến cặp nạng của nó nữa. Nó sắp khỏi hẳn rồi.
Tuần lại tuần, trôi qua dưới thung lũng, cũng như trên miền núi. Tuyết đã bắt đầu tan chảy và những giòng suối nhỏ đầy ứ nước đã trở thành những giòng thác lũ. Ở các cánh đồng dọc theo bờ sông, hoa cỏ đã bắt đầu mọc lên. Bò và dê bị giam hãm trong chuồng đã bắt đầu giậm chân đòi được thả ra ngoài. Từng trận gió nam thổi ngược thung lũng và trong rừng thông, nhựa sáp dâng lên tiết ra mùi thơm ngọt dịu, Mùa Xuân đã trở về trên miền núi.
Nội bận rộn lo việc cọ rửa và dọn dẹp nhà cửa trong dịp Xuân về. Ông Bình thì bận rộn vì đàn bò mới đẻ. Như vậy cũng là một điều hay, vì khi bận việc, họ không thấy nhớ con cháu cho lắm, dẫu rằng mỗi con bê no nớt mũi đỏ hồng lại nhắc ông Bình nhớ đến bé Danh. Nội thì mỗi ngày một thêm già, mắt mỗi ngày một thêm kém. Nhiều lúc đang cọ rửa đồ đạc, Nội bỗng ngồi sụp xuống, rồi trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, Nội thường tưởng tượng như nghe thấy tiếng khập khiểng chân giày chân nạng leo lên bực thềm và giọng trong trẻo vui vẻ của một đứa bé đang ca hát. Nhưng lúc Nội tỉnh dậy thì chỉ thấy cảnh vắng lặng trong nhà, và những lúc ấy, Nội thường tự hỏi không biết bao lâu nữa An và bé Danh mới trở về nhà.
Duyên cũng nhớ An lắm và bé Danh nữa. Nó ở cao tít trên núi, xa cách mọi đứa trẻ khác và mỗi khi một mình đi trở về nhà, nó thường ao ước có An đi bên cạnh… Nhưng ở trường nó không còn bị cô độc, khổ sở nữa. Do lần nó mạo hiểm vượt qua đèo, nó đã chứng tỏ lòng hối hận của nó nên nó đã được các học sinh trong trường chấp thuận cho gia nhập trở lại hàng ngũ của chúng.
Chính Duyên cũng đã đổi khác. Kể từ cái đêm nó mời Cứu Chúa ngự vào lòng, nó đã biết rằng tất phải có sự thay đổi. Tính dễ cáu kỉnh, tính lười biếng và lòng bất mãn không thể nào tồn tại trong một tấm lòng đã biết mở ra để đón nhận tình yêu thương của Chúa Giê-xu. Dần dần, Duyên nhận ra rằng chừng nào nó còn cầu nguyện, và đọc Kinh Thánh mỗi ngày để giữ cho nó gần bên Chúa, tình yêu thương vẫn mạnh hơn là tính dễ cáu kỉnh và tính lười biếng, và nay nó có thể giữ được bình tĩnh khi bị trêu chọc và nó không còn nề hà khi phải làm những công việc không vừa ý.
Khi không có buổi học, nó thường chạy sang nhà Nội để giúp Nội lau rửa nhà cửa, đồ đạc. Một già một trẻ trở thành thân thiết – quả thật, không có nó, mình Nội không biết xoay trở làm sao; nó giúp Nội chẻ củi, đi mua sắm, và đem thư từ làng về. Đây là công việc nó thích hơn hết, vì những thư nầy thường là do An viết về, và Nội vẫn bảo nó đọc lớn lên cho Nội cùng nghe. Thỉnh thoảng cũng có một bức vẽ của bé Danh nữa. Nội cất bức vẽ cẩn thận ở phía rằng bìa trước quyển Kinh Thánh và thường hay bày ra ở mặt bàn để ngắm nghía. Vào cuối tháng hai, Nội đã có một tập tranh mang những tựa đề “Danh trên giường” – “Danh không ở trên giường” – “Danh đuổi theo đàn dê” – “Danh uống thuốc” – “Danh và cô điều dưỡng” – “Danh và chị An” – “Danh và con mèo Bạch Tuyết”. Nội thấy bức vẽ nào cũng đẹp cả, tuy trong bức cuối cùng, Nội và Duyên phải hơi chút khó khăn mới nhận ra được ai là “Danh” và ai là “mèo Bạch Tuyết”.
Lúc nầy đời Duyên gặp phải một nỗi buồn khác nữa. Ông già trên núi rất thân thiết với nó nay phải rời bỏ núi để về ở bên bờ hồ với con trai ông là bác sĩ Văn. Việc này đã được thu xếp ngay buổi trưa hôm ấy khi hai cha con lần đầu nhận ra nhau.
Ông già đi vào đầu tháng ba. Cái ngày trước khi ông khởi hành, Duyên băng rừng tìm lên nhà ông để giúp ông sửa soạn hành lý. Ông đã đem gửi con dê, con mèo và đàn gà mái, ông cũng đã đem bán gần hết những hình tượng nhỏ ông đã đẽo khắc. Nhưng ông không bán căn nhà, ông chỉ đóng cửa để đấy chờ đợi khi ông quay về.
Ông nói với Duyên: “Ta sẽ trở về luôn luôn. Ta không thể nào rời bỏ miền núi lâu được. Ta sẽ chỉ xuống ở dưới ấy ít lâu, rồi khi ra nghe thấy tiếng gọi của rừng núi, ta sẽ quay trở về để nghỉ ngơi ít ngày.”
Ông đăm chiêu nhìn ra ngoài thung lũng bao la, rồi lại liếc nhìn những ngăn kệ trống trong lều.
“Ta sẽ mang đi mấy món đồ gỗ khắc cho các cháu ta”, ông nói. “Có lẽ chúng vui thích lắm. Nhưng có một món ta giữ lại cho cháu, Duyên ạ. Ta tình cờ bắt gặp món đồ gỗ khắc tối hôm nọ. Đây là một món mà ta nghĩ ta không thể lìa xa được, nhưng ta muốn dành lại cho cháu nên cháu giữ gìn nó cẩn thận.”
Duyên háo hứt ngẩng lên nhìn và đáp: “Cháu cũng muốn có một cái lắm. Vì nó sẽ nhắc cháu nhớ đến ông. Ngoài ra, cháu cũng muốn dùng nó làm mẫu để bắt chước.”
Ông già đi về phía tủ lấy ra món quà tặng mà ông đã để dành cho Duyên. Ông trao cho nó món quà và chăm chú ngó nó trong lúc Duyên vân vê ngắm nghía món quà.
Thoạt nhìn, món quà nom có vẻ tầm thường. Đó là một cây thập tự làm bằng hai mảnh gỗ thô sơ, nhưng cái sà ngang được cột vào cái cột dọc bằng những sợi dây thừng chạm trổ có từng khắc rất công phu, khéo léo. Duyên mân mê tác phẩm thủ công tuyệt hảo ấy một cách tôn kính, đoạn nó ngẩng lên nhìn ông già: “Đẹp quá! Cháu không hiểu ông làm thế nào mà chạm khắc được những sợi dây thừng ấy mà không làm sức mẻ gỗ.” Rồi nó ngượng nghịu nói tiếp, “Có phải đây là cây thập tự mà Chúa Giê-xu bị đóng đinh lên không?”
Ông già gật đầu đáp: “Phải! Ta chạm khắc cây Thập tự đó vào cái đêm chủ ta qua đời – cái đêm người nói với ta về tình yêu thương và bác ái của Thượng Đế – cái đêm ta tin là ta có thể được tha thứ. Có một lần hai ông cháu ta đã nói chuyện về tình yêu thương – Thập tự giá chính là cái chỗ chúng ta thấy tình yêu thương được thể hiện trọn vẹn”
Duyên lại ngẩng nhìn lên rất nhanh.
“Tình yêu thương trọn vẹn!”, nó lập lại, “Đó chính là điều đã nói đến trong câu gốc của Nội. Đó chính là điều cháu và An đã nói chuyện với nhau vào cái đêm trước khi An đi xuống thành phố bên hồ.
“Phải””, ông già gật đầu đáp. “Rồi đây cháu sẽ còn được nghe nói đến nhiều. Tình yêu thương trọn vẹn có nghĩa là tình yêu thương cứ tiếp tục hành động mãi cho đến khi không còn gì để hành động nữa, và cứ tiếp tục hành động chịu đựng cho đến khi không còn chịu đựng được nữa. Chính vì thế mà khi Chúa Giê-xu Christ bị treo trên Thập tự giá, Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất!” Không một tội lỗi nào còn lại mà không thể được tha thứ, không một tội nhân nào không thể được cứu chuộc, bởi vì Ngài đã chết. Ngài đã yêu thương một cách trọn vẹn.”
Ông già hình như đã quên hẳn Duyên và đang nói thao thao một mình. nhưng Duyên vẫn chăm nghe. Khi ông nói xong, nó chào ông và hứa sáng hôm sau sẽ lên sớm để mang hành lý của ông ra nhà ga trên đường nó đi đến trường học. Đoạn nó chạy về nhà trong lúc hoàng hôn của mùa xuân đang buông xuống, gió ấm mùa xuân thổi qua rừng và tiếng tuyết rơi nhỏ giọt từ trên cành xuống dưới đất. Nó chạy vội về nhà vì nó muốn viết thơ cho An để nhờ ông già mang đi hộ vào sáng hôm sau. Nhưng việc đầu tiên trước khi nó làm lúc về tới nhà, là đem treo cây Thập tự cẩn thận lên đầu giường chỗ nó nằm rồi mới chạy xuống nhà bếp để kiếm giấy bút.
Trong nhà bếp là cả một cảnh bừa bộn. Má nó đang bận ở chuồng bò nên không có thì giờ rửa nồi chảo và đổ nước dơ. Duyên thường vẫn giúp má nó. Nhưng tối nay nó vội. Nếu nó lẻn vào phòng ngủ thì nó có thể ngồi viết bình yên. Má nó lát nữa sẽ dọn dẹp nhà bếp và sẽ không biết nó vào đây.
Nó lẻn vội ra khỏi nhà bếp. Lên tới phòng ngủ nó nằm bò ra sàn gác bên cạnh giường nằm. Nó vừa mới bắt đầu viết thì tình cờ ngó lên, nó nhìn thấy cây Thập tự giá chạm khắc nó treo trên tường.
Nó ngó cây Thập tự một lúc khá lâu, óc suy nghĩ rất nhiều – ông già nói gì với nó? – À! “Tình yêu thương trọn vẹn” – lạ thật, sao nó cứ nghe thấy mấy tiếng này mãi – “Tình yêu thương trọn vẹn cứ tiếp tục hành động mãi mãi cho đến khi không còn gì để hành động nữa.”
Nó còn nhỏ, nhưng cũng muốn làm như Cứu Chúa và yêu thương trọn vẹn như Ngài. Nó nghĩ đến đống nồi chảo dơ còn để trong nhà bếp chờ người đến rửa.
Tự nhiên nó thấy nóng bừng mặt. Nó liền chậm chạp đứng lên. Chừng nửa giờ sau, khi má nó bước vào nhà bếp, bà thấy trong đó sạch sẽ ngăn nắp, và ngồi ở bàn là một cậu Duyên lòng vui vẻ, thảnh thơi đang cắm cúi viết.
Sáng sớm hôm sau, khi rừng hãy còn đầy bóng tối âm u, Duyên đã lên nhà ông già trên núi. Một già một trẻ cùng nhau xuống núi, bỏ lại ngôi nhà trơ trọi ở đó chờ đợi ngày ông già trở về. Khi họ đi tới bìa rừng, sương muối bắt đầu tan trong thung lũng, gà cất tiếng gáy và mặt trời đã chiếu vào tới đỉnh núi cao.
Khi tàu khởi hành, ông nhắc Duyên, “Khi hoa dại bắt đầu nở, ta sẽ trở về. Cháu viết thơ nói cho ta biết lúc nào chúng nở trong thung lũng. Như vậy ta sẽ có thừa thì giờ để trở về trước khi chúng nở ở trên núi. Nhớ nhé, Duyên!”
Câu trả lời của Duyên bị tiếng ầm ầm của xe lửa nhận chìm. Con tàu lắc lư đi xa rồi khuất dạng sau khúc quanh của ngọn đồi.
Sau ngày ấy, không bao lâu Duyên ra nhà bưu điện nhận bức thư gửi về cho Nội. Nó liền chạy vội lên đồi để trao cho Nội, vì nó biết thư ấy là của An. Vừa trèo lên bực hàng hiên nó vừa reo lớn tin mừng. Nội ở trong nhà vội đi ra ngoài.
“Đọc thơ cho bà nghe đi cháu”, Nội nói rồi ngồi ngay xuống chỗ ánh nắng, hai tay khoanh lại, mắt nhắm để nghe cho rõ hơn.
Thư viết rất ngắn. Duyên chỉ đọc một hơi là hết.
“Thưa ba và Nội”, thư viết, “Bé Danh và con ngày mai sẽ trở về nhà. Bé Danh đã khỏi hẳn rồi. Chúng con nhớ nhà quá. Danh bảo cho đem con Mướp ra ngoài ga đón nó.” Dưới ký tên An.
Ngoài ra còn có mấy chữ của bà Văn cho biết đúng giờ nào xe lửa tới nơi, và một tuyệt tác phẩm của bé Danh tựa đề “Danh ngồi xe lửa về nhà.”
Nội khóc mất mươi phút, tiếng khóc run run yếu ớt của một bà lão già – nhưng Nội chùi ngay nước mắt và cố gắng tỏ ra một bà lão khỏe mạnh, vì còn có nhiều việc phải làm lắm.
Nội dõng dạc bảo Duyên: “Cháu hãy ra ngoài chuồng bò đưa thư này cho ông Bình, đoạn trở lại đây ngay để giúp ta một tay. Còn có bao nhiêu việc phải làm – nào giũ giường chiếu, phơi chăn gối, nào làm bánh, đánh bóng bàn ghế. Chúng ta phải làm sao cho cửa nhà sạch sẽ thơm tho cho hai đứa nó mừng.”
Khi nhận được tin, ông Bình thốt lên, “Thế à?” rồi giơ tay gãi đầu. Lần đầu tiên trong đời, ông đánh đổ thùng sữa, rồi liền ngay sau đó ông bỏ đi vào rừng cho mãi đến một lúc lâu sau ông mới trở về.
Sáng hôm sau trời thật là trong đẹp, hôm ấy lại không có buổi học, Duyên thức dậy vào lúc tảng sáng. Nó ra ngoài sườn đồi hái hoa đem cắm vào một cái lọ để trên mặt bàn ngoài hàng hiên, đoạn khởi hành đi ra nhà ga. Nó đi thong thả vì hãy còn sớm, và vì nó có nhiều điều phải suy nghĩ. Nội, ông Bình và con Mướp đã ra đi trong chiếc xe lừa.
Chắc chắn chưa bao giờ có một sáng Xuân đẹp như sáng nay! Đồng cỏ, hôm nào hoang tàn vàng úa nay bày ra một cảnh xanh tươi lốm đốm những bông hoa đủ màu sắc. Trong không gian vang lên tiếng lục lạc đeo ở cổ những con bò vừa mới được thả ra khỏi chuồng sau những ngày đông bị giam hãm. Bầy dê con chạy nhảy tung tăng ngoài đồng trong khi chim sáo hót vang trong vườn cây. Rừng thông thơm sực nức mùi nhựa hắc, và những đỉnh núi trắng phau chỉa thẳng lên nền trời xanh biếc làm lóa mắt những ai dám ngó nhìn.
Một cụm hoa núi nhắc Duyên nhớ đến ngày này năm ngoái lúc Danh bị té xuống đường khe. Thật là một ngày đen tối! Chỉ thoạt nhớ đến ngày đó thôi cũng đủ khiến cho nó thấy buồn bã trong lòng: chính vì lỗi tại nó mà An và bé Danh mới phải đi xa nhà. Mà có lẽ chúng nó cũng không vui thích khi thấy mặt Duyên. An có viết rằng bé Danh đã khỏi hẳn, nhưng Duyên thấy khó mà tin được.
Duyên tới nhà ga với một tấm lòng hồi hộp không vui. Nó đứng tách ra một chỗ, hai tay bỏ trong túi quần, vì nó bỗng cảm thấy sợ sệt phải gặp An và Danh. Nó ước gì nó đừng có đến đây. Sân ga động chật người. Ông Bình cứ nhìn đăm đăm về phía cuối thung lũng để chờ đợi xe lửa hiện ra. Nội thì ôm chặt lấy con Mướp như chỉ sợ con vật sắp nhảy chồm xuống dưới đất để một mình chạy đi đón xe lửa.
“Tàu đến kia rồi!” ông Bình nói, trong lúc mọi người chen nhau tiến về phía trước; trừ có Duyên vì lúc ấy nó đang cảm thấy ngượng nghịu hơn bao giờ hết.
Tàu tiến vào sân ga. An và bé Danh đứng ở cửa sổ đang nóng ruột chờ đợi được ra khỏi toa tàu.
Danh liếc nhìn những khuôn mặt thân yêu đang chen sát vào nhau để chào đón nó. Nó nhận thấy Duyên đang đứng tách rời một chỗ nên băn khoăn tự hỏi làm sao. Lòng trẻ hồn nhiên độ lượng thúc giục nó phải tụ hợp mọi người quây quần chung quanh nó. Nó liền nhảy xuống bực toa tàu, rẽ đám đông chạy thẳng về phía Duyên.
“Anh Duyên à, coi nè!” nó reo, “em đi được rồi nè! Cái ông bác sĩ của anh ấy đã chữa được cho em khỏi. Giờ em có thể chạy như thường được rồi nè. Coi nè! Nội! Coi nè, ba! Coi nè, Mướp! Đây là con của mi nè! Có phải nó lớn lắm rồi không Nội? Lớn gần bằng con Mướp rồi!”
Con Mướp và con mèo hầm hè nhìn nhau, rồi xông vào cắn nhau dữ dội. Nội và Danh phải cố lắm mới gỡ được hai con ra. Mọi người chung quanh cười rộ. Con tàu lại phình phịnh lăn bánh. An níu chặt lấy ba nó như thể nó không bao giờ muốn lại rời xa ông nữa.
Chỉ có Duyên là quay mặt đi vì nó thấy nước mắt dâng lên. Nó đã được vinh dự hơn hết thảy mọi người – tội lỗi của nó đã được tha thứ và quên lãng mãi mãi – bé Danh từ nay có thể đi được như thường rồi.
Trong lúc quay đi, nó nhận thấy hoa đã chớm nở trên ngọn cây hạnh nhân trồng ở sân ga. Vừa mới hôm qua, cây nầy chỉ còn cành trơ trụi, nhưng mùa xuân đã trở về mang theo một nguồn sinh lực mới, và trên những cành trơ trụi kia nay đã lốm đốm hoa hồng.
Mùa đông đã qua. Hoa đã lại nở trên trái đất, và chim chót ca hát tưng bừng để chào đón một mùa Xuân mới.