Mùa xuân mà mọi người nóng lòng chờ đợi đã đến lúc nào không biết. Nó mang theo cả vui mừng lẫn đau khổ đến cho muôn loài. Trong vườn, những ngọn cỏ non đầu tiên nhú lên phơi nắng, và lập tức chúng bị bầy dê và cừu, con nào cũng bám đầy đất, gặm trụi đến tận gốc.
Đã hai tháng nay cửa hàng không có mỡ và hạt mạch bán theo phiếu. Để thay vào những thứ đó, ở nhà ăn người ta phải nấu xúp bắp cải chua có vẻ như có thêm một ít chất béo. Những hạt váng béo tròn nhỏ long lanh một màu nhạt thếch lềnh bềnh trên mặt đĩa xúp. Và nó tuột khỏi thìa như những hạt thủy ngân, khi người ta ăn múc phải. Rồi cuối cùng bám lại dưới đĩa. Còn đường thì được thay thế bằng những củ cải đỏ nghiền nát bị giá lạnh làm hỏng.
Nhưng mọi người đều phấn chấn, Hồng quân đang đuổi bọn Đức về phía Tây. Tuy đường đi còn dài và đẫm máu, nhưng trái tim của người ở mặt trận cũng như người ở hậu phương đều tràn đầy vui sướng.
Đội thanh niên cộng sản của Giamin lúc thì được điều đi chuyển than, lúc thì một tuần hai ba ngày phải đi thay tà vẹt, chữa đường ray, rải đá… Có lẽ Giamin cũng không nhận thấy mùa xuân đã đến nếu một hôm vào chủ nhật, cậu không gặp Tamara cầm bó tuyết hoa đi ngoài đường.
Giamin đang dùng xe chuyển tuyết từ sân ra thì thấy Tamara đi ngang qua nhà mình.
- Chào cậu, sao cậu không ghé lại trường… - cô bé lên tiếng - Ở lớp mình chỉ có hai nam thôi. Chúng cũng dân sơ tán… Còn đây, mình hái cạnh sân xưởng tà vẹt - Tamara giơ cho cậu xem bó hoa to tướng.
- Làm gì mà nhiều thế? - Giamin định chìa bàn tay bẩn của mình ra nhưng vội kịp giấu nó sau lưng. Cả hai đứng im bối rối.
- Bọn mình đang tập kịch, định diễn trong dịp Mồng một tháng Năm tới.
Thấy Giamin thẹn thùng đứng im, cô bé đã định bỏ đi. Còn Giamin thì vừa xúc tuyết lên xe, vừa cố giữ để chiếc thùng lớn khỏi tuột khỏi càng xe, bỗng nói:
- Ở chỗ mình cũng có một cậu sơ tán. Từ Ôđexa tới. Kể ra cũng không đến nỗi tồi nhưng phải cái lười biếng và làm ra vẻ ăn cắp. Đội bọn mình từ giờ đến tháng Năm nhận làm vượt mức kế hoạch và nhận thu nhặt mười tấn sắt vụn…
Chiếc thùng đã nằm chắc trên xe trượt tuyết nhưng Giamin lúc thì kéo nó về phía mình, hay đẩy về chỗ cũ, lúc thì cúi người lấy chiếc que gạt gạt tuyết màu lam dính trên càng xe.
- Mình chưa bao giờ đi hái hoa mùa xuân cả../ Mà bọn mình không coi loài tuyết hoa là hoa. Mùa hè trong rừng taiga thì phải biết, hoa kim ngân, hoa hồ điệp, hoa lan tiên, hoa loa kèn, hoa cúc, hoa cát cánh..
- Tuyết hoa cũng đẹp đấy chứ, cậu xem - Tamara rút một bông đưa cho Giamin.
Giamin ngửi hoa, đỏ mặt. Để giấu sự ngượng ngùng của mình, cậu nói:
- Có mùi như mùi dưa chuột ấy.
Cô bé đưa chùm hoa lên ngang mặt:
- Không, nó phảng phất mùi biển! Thôi mình đi, kẻo hoa héo mất… Cậu rủ các bạn cùng tới dự dạ hội nhé! - cô bé mời trước khi chia tay.
- Mùa xuân năm nay đến sớm thật! - về nhà Giamin bảo mẹ thế.
- Muộn thì đúng hơn. Một tuần nữa là đã tháng Năm rồi, thế mà ngoài sân vẫn còn đầy tuyết như tháng Giêng - bà mẹ đáp và nghĩ: “Thằng bé lớn thật rồi - đã nhận ra mùa xuân”
Từ ngày bốn cậu bỏ lại các trò chơi và tuổi thơ của mình ngoài hàng giậu màu vàng bao bọc xung quanh xưởng cơ khí đến nay thế mà đã một năm. Và những ngày đầu còn bỡ ngỡ đập búa vào tay rồi thầm khóc không cho người khác biết, hay không biết mài lưỡi đục, sợ không dám đến gần các bộ phận truyền động ngoằn ngoèo như rắn… cũng đã trôi qua rồi. Bây giờ các cậu không phải là bốn mà là cả một đội mười bảy người. Trước kia, để cắt một đoạn ốp đường ray, một người phải mất đến hai giờ liền, thế mà bây giờ, cả cậu Rỗ cũng cần có ba mươi phút. Nếu nhìn Giamin và Côlia đang lúc say sưa làm việc thì muốn hay không ai cũng phải thốt lên:
- Chà, sắt bị cắt cứ như là đất sét ấy! Các cậu thành thạo thật..
Những lúc ấy cụ Cudia mà ở cạnh thì thế nào cụ cũng đi lại và nói to, nhưng với cái vẻ không quan tâm lắm:
- Thế nào, đội trưởng, hôm qua làm được bao nhiêu?
Ông cụ đã đọc ngoài bảng và biết là “các chàng trai” của cụ vượt mức định mức 187%, nhưng khi có người lạ, ông cụ lại muốn được nghe con số ấy một lần nữa. Và cụ gọi Giamin là đội trưởng chứ không phải là “chàng trai” như thường lệ.
Đội trưởng biết được nhược điểm của người thuỷ thủ già nên trả lời một cách nghiêm túc:
- Báo cáo đồng chí lính thủy pháo binh, hơn 187%! - và cậu nói thêm -Chúng cháu cố gắng để cụ khỏi phải xấu hổ đấy ạ!
- Nhiều thế cơ à? ông cụ làm bộ ngạc nhiên - Làm theo tinh thần thanh niên cộng sản thật! Cần phải báo cáo lên trên!
Ngày làm việc ở xưởng cơ khí hôm nay bắt đầu bằng việc chuẩn bị các thanh ốp. Đây là người ta gọi thế cho oai chứ thực ra công việc chỉ là hàng ngày phải chọn tìm những thanh ốp bị hỏng. Hàng giờ liền các cậu tìm trong đống sắt vụn (người ta đã đổ xuống đấy ba toa các đinh bu-long, ray hỏng, thanh ốp, thiết bị chống xô ray bị hỏng..) các chi tiết cần thiết. Việc làm này thì chẳng ai thích cả vì việc chẳng ra việc, không ai biết đâu là đâu, mà cũng chẳng có cách nào mà định mức lao động được. Ở đây thường xảy ra tranh chấp: người thì tìm được "tai" thanh ốp, người thì kiếm được đế của nó - và thế là xung đột.
Có lần thấy các cậu cãi nhau như thế trên đống sắt vụn, khách ngồi trên tàu đi ngang cười ồ lên và đánh cuộc xem cậu nào sẽ thắng. Họ đâu có thể biết được chính những cậu bé có vẻ hung hăng nóng nảy như gà chọi này đã làm lại từ sắt vụn những chi tiết sửa chữa đường sắt, mà cũng chính nhờ bàn tay các cậu mà tàu mới chạy được sang miền Tây và miền Đông liên tục như vậy.
Tuyết qua đêm ngả màu xanh. Nước chảy róc rách dọc theo những đường rãnh lấp lánh do xe trượt tuyết để lại. Mấy con chim sẻ đậu quanh một bãi phân nhão nhoét. Chim sẻ bây giờ cũng ít vì mùa đông khắc nghiệt đã làm họ hàng nhà chim chết khá nhiều. Mặt trời bắt đầu sưởi nóng. Một vài người đã bắt đầu cởi áo ấm, làm việc không mang găng tay. Sắt cũng trở nên âm ấm, không buốt lạnh như trước nữa.
Năm cậu vất vả kéo những chiếc xe trượt tuyết bằng sắt chất đầy các thanh ốp hỏng. Đôi càng xe lún sâu vào mặt tuyết nham nhở, vì vậy thỉnh thoảng xe vẫn cứ phải dỡ xuống, bốc lên rồi mới đi được.
- Côlia! Côlia! - Gôga mặc độc chiếc áo sơ mi, hổn hển như cá lên cạn đang từ xa chạy lại.
“Nó làm sao thế nhỉ? Sao không ngủ lại chạy ra đây?” Các cậu nghĩ thầm vậy vì biết Gôga là tay lúc nào cũng thích ngủ.
- Côlia!Côlia! - Gôga sợ hãi nhìn các bạn.
- Gì thế, nói đi! Sao đứng đực ra vậy?
- Về rồi, bố cậu.. bác Xtêphan về rồi…
- Cậu, cậu xem chừng đấy! Kẻo không tớ đấm vào mặt cho biết tay! - Côlia xông lại Gôga.
- Thật mà!... Nếu không, cậu cứ…
- Côlia, chạy về đi! Mình sẽ tới sau - vừa nói, Giamin vừa đẩy lưng bạn.
- Ừ, chạy đi, chạy đi! Sao còn đứng như phỗng thế! - các bạn cậu đều nói.
Bỗng Côlia hừ hừ trong mũi rồi lao chạy về nhà. Gôga chạy theo sau cậu.
Sau khi xếp các thanh ốp lại từng cặp với nhau và giao việc cho các bạn xong, Giamin đi tìm đốc công.
- Có chuyện gì thế? - vừa thấy Giamin, Piốt Pêtrovich đã hỏi ngay.
- Không, không có chuyện gì cả. Cháu muốn xin phép mất nửa giờ để đến nhà Xôcôlôp... Nghe nói bác Xtêphan đã trở về…
- Xtêphan à? Hay quá! Chạy đi! Cho bác gửi lời hỏi thăm nhé. Bác sẽ đến sau.
Sân nhà Xôcôlôp đã chật ních người. Grunhia tươi cười, vui sướng và như trẻ hẳn lại, đang lăng xăng chạy hết chỗ này đến chỗ khác, gặp ai cũng mời vào nhà:
- Xin mời vào, mời vào! Ai lại đứng cả ngoài thế này! Chật thì chật nhưng không sao. - Và gặp ai chị cũng vui sướng kể: - Thế này nhé, tôi nằm mơ… một cỗ xe tam mã trắng toát tiến thẳng vào sân nhà tôi, trên xe có một người thấy quen quen mà không nhận ra ai... Rồi tôi tỉnh giấc và bụng bảo dạ: chắc sẽ có tin mừng đây. Và đùng một cái, không đầy một giờ sau, nhà tôi xuất hiện! Kìa, các bà vào nhà đi!
Giamin đứng ngoài hiên, sau cũng len được vào nhà. Bác Xtêphan đang ngượng ngùng ngồi trên giường. Mấy đứa trẻ bám vào người bác, thay nhau hỏi tíu tít. Ngực trái bác đeo chiếc huy chương, ngực phải - hai đường sọc, một đỏ, một vàng. Côlia đứng cạnh bố, vẻ mặt sung sướng. Cậu ta nói với bố điều gì, và bác Xtêphan nhìn về hướng cửa:
- À, cháu đấy à! Vào đây!Vào đây! Chà, lớn khiếp!
Bác Xtêphan ôm Giamin vào lòng, và chỉ lúc này Giamin mới nhận thấy là Xtêphan Xôcôlôp, người khỏe nhất làng Taiset đã cụt cả hai chân, và bây giờ thấp hơn cả Vaxili, đứa con năm tuổi của bác, nhưng bề ngang thì lại rộng hơn có lẽ đến năm lần.
- Thế còn săn gấu thì sao? - Giamin thì thầm hỏi, nhưng xung quanh không ai nghe cậu đang nói gì.
Hai tuần đầu khách quen cũng như lạ không ngớt tới nhà Xtêphan. Không phải lần đầu tiên ở đây người ta mới thấy chiến tranh làm tàn phế con người thế nào. Biết bao đoàn tàu cứu thương đã chạy qua Taiset và người Taiset cũng đã được tận mắt nhìn thấy thương binh đủ các loại: bỏng, cụt tay, cụt chân, hỏng mắt... và rất thông cảm với họ. Còn riêng đối với Xtêphan thì ai nhìn cũng thấy lòng đau nhói.
Trong trí nhớ mọi người, Xtêphan là một người khỏe mạnh, lực lưỡng, bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có người từ rừng taiga ra đóng móng ngựa à? - Có Xtêphan! Biết tính Xtêphan như vậy, người ta thường tìm đến tận nhà.
- Này cậu, đóng giúp cái móng ngựa đi. Ngựa mình bị long móng sắt… Khập khà, khập khễnh. Tiền công bao nhiêu không quan trọng…
Xtêphan ngắm nhìn con ngựa, dạo quanh như thể sắp mua nó rồi đặt bàn tay to lớn của mình lên cổ ngựa, vuốt ngược chiếc bờm của nó. Gặp cái lông sâu nào là bác cẩn thận nhổ sạch. Thấy được vuốt ve, con ngựa ngoảnh cổ lại, cái mồm nham nhám cà vào tay bác.
- Được, cần giúp thì giúp - Xtêphan nói, rồi cột ngựa vào cổng, đặt bên cạnh một chiếc bàn con bằng sắt với bộ đồ nghề.
- Thế khung giữ ở đâu, ông bạn? Làm thế nào mà đóng móng được?
- Đây, khung giữ ở đây - Xtêphan chỉ vào bộ đùi to lớn của mình cho người nông dân đang ngạc nhiên xem.
- Con ngựa này không thuần lắm đâu, nó có thể đá đấy.
- Không sao, rồi sẽ đâu vào đấy hết - Xtêphan nheo một mắt mỉm cười, rồi lại gần con ngựa, bình tĩnh nắm lấy đầu gối chân sau của nó. Con ngựa co mình, vẫy tai, chân đạp lia lịa - Nào, đứng yên, đừng sợ - Xtêphan nói, nghe dịu dàng một cách lạ lùng, khiến ít có con ngựa nào không đứng yên.
Lúc này Xtêphan mới nhấc chân ngựa lên, khéo léo bẻ khuỷu gối lại rồi để lên đùi mình. Con ngựa định giẫy ra nhưng cảm thấy chân bị giữ chặt, đành đứng im, đôi mắt đỏ hằn học nhìn quanh.
Xtêphan đo vòng móng. Hơi rộng.
- Thế có chết người ta không chứ! -người nông dân thất vọng.
- Đúng, chân ngựa của bác không lấy gì làm to lắm..
- Không có cái khác à?
- Cái nào cũng như cái nào cả.
- Đồ chết tiệt! Đã thế cho đi móng không cho cùn chân đi!
- Đừng chửi nó! - Xtêphan nói rồi dùng hai tay bóp mạnh chiếc vòng sắt. Mặt bác đỏ bừng, săn lại như đá. Trên vai, dưới làn áo mỏng, thịt cuộn lên như sóng. Vòng sắt kêu răng rắc như kính vỡ, lớp gỉ bọc ngoài bong ra.
Chủ ngựa đứng nhìn hết sức khâm phục, thậm chí còn tỏ vẻ hoảng sợ nữa. Còn Xtêphan thì giơ vòng sắt ra trước mặt, nheo mắt ướm thử.
Suốt thời gian Xtêphan đóng móng người nông dân không nói một lời. Người này ngạc nhiên nhìn Xtêphan dùng ngón tay uốn cong những chiếc đinh thẳng một cách dễ dàng và con ngựa bất kham của ông thì ngoan ngoãn đứng yên.
- Này, cậu ạ, phải nói thật, cậu đúng là một tay thợ khéo! Bóp cong cả cần sắt! Chịu thật! Ba rúp đây, cầm lấy! - người nông dân cảm ơn, nói.
- Sao bác lại làm thế? Nếu mỗi lần đóng móng ngựa mà nhận ba rúp thì tôi không phải làm việc gì nữa. Từ bé tôi vốn yêu ngựa..
- Bác ạ, nếu mà Xtêphan nhà tôi được người ta khen thì anh ta thú nhất rồi! - Grunhia nói. Chị vẫn có thói quen thích xem chồng làm việc.
Thế mà người ấy từ mặt trận trở về, nay đã trở thành một người tàn phế. Lòng thương của bà con láng giềng càng tăng thêm vì người nào cũng có người thân thích ngoài mặt trận và biết là họ cũng có thể trở về tàn phế như vậy.
Giữa tháng Năm tuyết đã tan hết ở các vườn rau, và sáng sáng mặt đất lại bốc hơi như trong nhà tắm. Nhưng trong rừng taiga, ở những chỗ cây bị bão quật gẫy, tuyết hãy còn nhiều. Băng trên sông Biruxa đã tan, chỉ còn đọng lại ở những vũng sâu ven bờ, làm thành những đám trắng lấp lánh lạc điệu giữa nền cây tim tím. Bầy quạ đen như những quả bóng nhỏ, thỉnh thoảng lại vô cớ kêu lên quạ quạ, có lẽ chỉ cốt để người ta khỏi nghĩ sai về mình là quạ gì mà chẳng thấy kêu tiếng nào cả.
Từ ngày Xtêphan trở về, không hiểu sao cụ Cudia già đi trông thấy. Một hôm cụ rủ Giamin và Côlia cùng đi câu đêm vào hôm thứ bảy. Nước đã khá sạch, vác câu đi không đến nỗi phải vác câu về không.
- Ta đi kiếm cho Xtêphan ít con. Trước kia anh chàng vẫn thích đi câu đêm, ngay cả khi băng vừa tan... Chắc ngoài mặt trận anh chàng thèm cá lắm - ông cụ nghĩ thành tiếng.
Các cậu đồng ý ngay. Để tới chỗ câu trước khi trời tối, các cậu xin đốc công cho nghỉ việc trước một giờ. Lúc đầu Piôt Pêtrovich nhất định không cho, nhưng sau thấy nói là đi câu cá cho Xtêphan mới chịu nhượng bộ.
- Sao không bảo thế ngay từ đầu? Tất nhiên là phải giúp đỡ bác ta rồi. Tôi cũng sẵn sàng đi ngay, khốn nỗi tan tầm còn phải làm ít việc.
Đúng lúc Giamin sắp bước chân ra khỏi nhà thì Gôga chạy đến báo tin cho đội trưởng mình biết là ca vừa qua cậu đã hàn được 73 thanh ốp tất cả, và xem thử ba cái thấy múi hàn rất đẹp.
- Thế là bây giờ chúng ta tất cả đều là lao động tiên tiến! Cậu hiểu chứ? Và rồi chúng ta sẽ còn làm tốt hơn nữa!
Đang bị kích động và mải say sưa về kỷ lục của mình, nên tới khi thấy Giamin bỏ dây câu cắm vào túi, Gôga mới biết đội trưởng của mình định đi đâu.
Thím Samsura dặn con:
- Con lấy thêm chiếc áo ấm nữa. Đêm trời hãy còn lạnh, đất lại ẩm.
- Thế còn mình? - Gôga hỏi.
- Thì cùng đi, nhưng phải nhanh lên mới được - Giamin đáp.
Khi mọi người ra tới sông nhánh thì trời đã tối. Họ chọn một chỗ khô ráo trong rừng cạnh sông rồi bắt đầu nhóm lửa. Họ lấy một khúc gỗ tùng cạnh đấy và đốt lửa lên rồi chất thêm cành lá khô lên trên. Lửa cháy hừng hực, tiếng nổ lách tách như ngô rang. Xung quanh bừng sáng hẳn lên, và nước bên bờ sông ửng đỏ. Bóng tối quánh lại như nước, bầu trời sà xuống trên ngọn cây. Đằng sau vòm sáng của đống lửa là bóng tối mênh mông dễ sợ. Móc mồi vào lưỡi câu xong, cụ Cudia cho quăng dây câu cắm xuống nước. Các cậu chặt cành thông chuẩn bị chỗ nằm qua đêm. Cụ Cudia mang lại một cành liễu có nụ còn đầy lông mịn như nhung. Các cậu dùng răng nhá mấy cái rồi nhè ra ngay vì nụ liễu bây giờ không còn ngọt như một tuần trước đấy nữa.
- Chờ củi cháy hết là ta đi ngủ thôi, các cháu ạ. Sáng mai phải dậy sớm - ông cụ vừa nói vừa cời đống lửa.
Không hiểu sao hôm nay cụ Cudia có vẻ ốm yếu khác thường. Làm cái gì cũng uể oải, nói thì lại càng chán hơn - cứ ề à từng tiếng một.
Gạt đống lửa lớn đã tàn sang bốn bên, các cậu trải các cành cây lên mặt đất đã được đốt nóng, lấy cành thông phủ lên trên rồi nằm xuống cạnh nhau. Một chốc sau cả ba đã ngủ thiếp đi.
Bên đống lửa nhỏ, cụ Cudia ngồi một mình và gật đâu theo dòng suy nghĩ. Bóng cụ in xuống đất, lẫn vào lá cây. Cái bóng to, hơi gù, luôn chuyển động. Có thể nghĩ là chỉ cần muốn, con người nom bên ngoài xấu xí kia, bỗng chốc có thể bay lên các vì sao được.
Ông cụ nghĩ gì trong đêm tháng Năm ấy, khi đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn ngọn lửa nhảy múa, lắng nghe tiếng đất trở mình, thì không ai biết cả.
Dòng sông Biruxa nằm im nửa năm nay, bây giờ đang reo lên, tràn qua các tảng đá, vỗ vào bờ rào rạt. Sâu trong rừng, quanh các bụi thông rậm, tuyết chất đống đang tan dần kêu thành tiếng buồn bã. Có tiếng vịt trời kêu lên và tiếp đó là tiếng ngỗng trời đáp lại. Con sóc thấy động ngơ ngác nhìn xuống ngọn lửa rồi lặng lẽ biến mất trong vòm lá. Vài con dẽ giun vỗ cánh muộn màng bay sang đầm nước bên cạnh. Từ một nơi rất xa nào đó có tiếng chó sói tru lên rồi giữa chừng bỗng dừng lại một cách đột ngột. Trong giấc mơ, con cáo bỗng gầm gừ như khóc..
Trong hơi thở ấy của thiên nhiên, ông cụ đã nhìn thấy và hiểu được tính vĩnh cửu của cuộc sống.
Con người này đã sống một cuộc sống thật phong phú, sống một cách trọn vẹn hào phóng. Người ấy không giữ các chức vụ quan trọng, không hề ganh tị với ai, mà ngược lại, như một đứa trẻ, bao giờ cũng vui mừng vì hạnh phúc người khác.
Khi cụ Cudia làm việc ở trại ngựa, hình như cả công nhân đánh xe lẫn cán bộ phụ trách trại không ai để ý đến thân hình gầy gò nhưng linh lợi của cụ. Người trông ngựa già này làm rất nhiều việc khác nhau. Một lúc phải trông ngựa - thỉnh thoảng cho ăn, cho uống, nhặt cất bộ cương của một người nào đó bỏ quên mà không một lời càu nhàu, có lúc nếu hỏng còn chữa cho nữa, hay không quản trời rét và bẩn, giúp những người đánh xe rét cóng và mệt mỏi thắng ngựa vào xe. Còn bây giờ trại trở nên cô quạnh hẳn đi. Những người đánh xe hay cãi nhau hơn vì dầu bôi xe, vì dây cương, hay nhiều khi không vì gì cả. Người ta làm việc một ngày, thường không muốn nhường nhịn ai một điều gì cả. Ai cũng muốn chóng làm xong việc để về nhà. Có khi họ còn ngầm đổi của nhau lúc thì dây vòng cổ ngựa, lúc thì dây cương hay đinh trục xe... Trước kia những việc tương tự cũng có, nhưng cụ Cudia biết hòa giải mọi người, bêu xấu những người có lỗi, và như người ta nói, còn biết không “vạch áo cho người xem lưng”. Người trông ngựa già được mọi người vị nể, thậm chí có người còn sợ nữa. Con người ấy trong sạch như mặt trời.
....Người ta có cần sinh ra, chết đi rồi lại sinh ra không nhỉ? Cụ Cudia tin là cần, rất cần là đằng khác. Sao lại không cần được? Cứ lấy bản thân cụ mà xem. Cụ đã cảm thấy hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy. Giá mà ai cũng sống như thế, bôn ba khắp nơi, đưa chính quyền lại cho nhân dân, từng biết thế nào là hạnh phúc của con người.
Cụ đã sống những phút giây hạnh phúc thật sự. Cụ đã yêu chân thành, yêu đến mức trái tim phải đau đớn. Có thể vì thế mà bây giờ nó mới yếu như vậy chăng? Nếu không, sao nó lại hay giở chứng thế? và lúc đó mọi nỗi đau khổ như đã bị lãng quên... Nếu Marơpha. vợ cụ, một con người bao giờ cũng đôn hậu và hai con của cụ, Ivan và Maria còn sống, thì hạnh phúc của cụ còn lớn hơn chừng nào! Không, cuộc sống được trao cho con người thật quả không vô ích! Không vô ích! Có điều cần phải biết sống mà thôi. Phải sống làm sao để người khác hạnh phúc. Có người cứ vơ, vơ mãi, làm giàu mà chẳng có hạnh phúc. Con người lúc sinh thời phải được hưởng hạnh phúc. Chính quyền Xôviết được thành lập cũng vì thế. Rồi đây vặn cổ bọn Hitle xong, mọi người sẽ đỡ vất vả hơn... Tất nhiên không phải ngay mà được. Cũng như sau khi bị cháy nhà, có phải là ổn định ngay cuộc sống được đâu. Hơn nữa, đây lại là một đám cháy kinh khủng, đến nỗi làm tàn phế cả những người như Xtêphan.
Phải, Xtêphan, một người đàn ông đã làm cho những người đàn ông khác phải nổi ghen, thế mà anh ta đã trở về... Anh ta là người may mắn! Vợ anh ta cũng là người may mắn. Các con anh vui mừng. Thế thì tại sao? Tại vì anh đã trở về với trái tim của con người. Giả thử anh ta có những ba cái chân, nhưng không có trái tim, thì ai cần anh ta chứ? Phải chăng chỉ có bản thân anh ta cần mà thôi. Không, mọi người đang cần con người đó làm những điều tốt lành…
Gôga đã cắt đứt dòng suy nghĩ của người coi ngựa già. Vừa tỉnh dậy và đang co ro vì lạnh, cậu hỏi:
- Cụ Cudia ơi, bây giờ nhấc dây câu cắm được chưa?
- Được rồi cháu ạ, đi đi. Xem không khéo ngã đấy.
Một chốc Gôga kêu lên:
- Cụ Cudia! Ở đây ba dây câu cắm đã nhấc lên rồi. Các dây ấy đang nằm trên bờ.
“Sao lại thế được nhỉ? Hay trong bóng tối nhấc nhầm của ai chăng? Nhưng quanh đây hình như không có ai cả cơ mà” - vừa luồn qua bụi cây ông cụ vừa nghĩ vậy.
Quả đúng vậy: cả ba dây câu cắm bị quăng lên mặt đất, còn ướt.
- Hừ…ừ - trong lúc phân vân, ông cụ kéo dài giọng - Chắc lại có anh nào đến hốt trước rồi.
- Hay Côlia và Giamin đã nhấc trước, - Gôga hỏi.
- Có thể lắm, lẽ nào lão lại ngủ thiếp đi một lúc?
Gỡ các dây câu cắm xong, cụ Cudia và Gôga lại quăng chúng xuống nước. Nhấc bốn dây câu còn lại, họ bắt được một con cá sộp nặng ước chừng một cân rưỡi.
- Đấy, cháu thấy không? Ta đi thế này có phải vô ích đâu- ông cụ nói, lúc này giọng đã vui vẻ trở lại - Bây giờ có cái chiêu đãi Xtêphan rồi. Loại cá này mà nấu ám thì tuyệt...
Bên đống lửa, ông cụ hỏi Giamin và Côlia có ai đã nhấc dây câu cắm không. Hai cậu nhìn nhau rồi lại nhìn Gôga, vẻ không hiểu.
- Hay là câu?
- Không, không tin hỏi cụ Cudia xem.
- Nếu vậy, ngủ tiếp đi, các cháu - ông cụ bỗng nhiên bảo thế - Sáng mai hẵng hay..
Nhưng không cậu nào ngủ tiếp được nữa.
Trời sáng lúc nào không biết: hình như có một bàn tay vô hình nào đó đã nhấc chiếc màn tối khỏi rừng taiga.
- Hãy đi nhặt cành khô và chặt cây khô đi, các cháu. Chứ ban ngày chẳng có lúc nào mà làm đâu - ông cụ đề nghị và treo lên đống lửa đang tắt dần chiếc ấm nấu nước bằng đồng chứa đầy cả phúc bồn tử. - Và nhân tiện các cháu thử nhấc dây câu cắm lần nữa. Để lão thử đi sâu vào trong rừng xem. Có thể hái được ít hoa anh đào cũng nên.
Các cậu ồn ào chạy tới bờ sông. Cụ Cudia dắt rìu vào lưng, tay cầm ít than, thong thả đi theo các cậu.
- Các cậu ơi, nhìn xem ai đã đi ở đây này - có tiếng Côlia từ bờ sông vọng lại. Cậu cẩn thận quan sát những dấu chân hằn trên cát ướt.
- Lúc nãy mình và cụ Cudia đi lối ấy - Gôga đáp lại.
- Đây không phải dấu chân cậu và cụ Cudia. Giày có quấn dây thừng, thấy không? - Côlia ngồi xổm chỉ cho mọi người xem một đường lõm kéo dài như có ai lấy ngón tay dí xuống mà kéo, bây giờ đã có ít nước ngấm vào - Mà chân thì vòng kiềng như chân gấu ấy…
Giamin tiến sâu vào bụi liễu một tí rồi kêu to:
- Đây còn bao nhiêu dấu chân nữa!
Gôga và Côlia chạy lại.
- À, thì ra người nhấc trộm dây câu cắm của ta ở đây đấy! - Gôga đoán như vậy.
- Nào, ta đi tìm hắn!
- Tất nhiên rồi. - Côlia gật đầu, cầm lấy chiếc gậy nặng ướt nước - Hắn mà còn chối thì giã cho hắn một trận.
Nhìn những đám cỏ chưa kịp nhú lên bị giẫm nát cũng biết là thủ phạm vừa mới đi sâu vào rừng xong.
Qua suối nước chảy róc rách, Giamin chui vào một bụi anh đào rậm rồi bỗng kêu lên:
- Kia kìa!
- Đâu?
- Đấy, lưng hắn kia! Giamin quay lại khẽ bảo Gôga - Tớ nói vờ để dọa đấy. Biết đâu hắn ở đấy cũng nên.
- Đợi đấy! - Gôga nói to, và lúc ấy, bỗng có tiếng lá cây sột soạt vào bên phải phía trước.
- Kia kìa! - Giamin kêu to, lần này thì kêu thật, thậm chí có cái vẻ vui mừng của trẻ con nữa.
Trước mắt mấy cậu đang đứng ngạc nhiên, trong bụi rậm cách các cậu bảy, tám bước là một người đàn ông râu ria xồm xoàm, vàng hoe, mặc chiếc áo ngắn rách bươm, cổ đen. Chiếc mũ lông bị cháy sém mấy chỗ kéo trùm tận mắt.
-Gì mà làm ầm lên thế? - người lạ mặt gắt rồi bỗng nghẹn lời. Nhưng rồi hắn lại nói ngay, dằn từng tiếng: - A, à, thì ra là mày, thằng vô đạo. Mày rình tao, đồ chó! - Hắn rút từ ngực ra một khẩu súng trường nòng cưa ngắn.
Giamin còn chưa nhận ra người lạ mặt là ai thì Gôga đã nhảy ra phía trước, giang hai tay kêu to:
- Bố!!!
- Tránh ra, Gôga! - Prônca lên đạn.
- Bố không được bắn! - Gôga nói không thành tiếng.
- Tránh ra, nhóc con! Tránh ra kẻo muộn... Nếu không ta bắn cả hai!...
Prônca đã bước ra khỏi bụi cây. Hắn nghĩ: “Cứ để chúng đi…” nhưng lập tức một ý nghĩ khác nguy hiểm hơn đã đến với hắn: “Thằng vô đạo này mà thoát thì hắn sẽ khai báo, và sáng mai bọn chúng sẽ đến vây bắt như bắt chó sói. Không, phải cho hắn chầu trời! Gôga sẽ giữ kín cho mình…”
- Tránh ra, tao bảo! - Prônca lại thét lên, chĩa nòng súng về phía trước.
Lúc ấy Côlia chạy lại, mặt nhợt nhạt nhưng đầy lòng cương quyết lao vào Prônca.
- Cả mày nữa, con rắn con..
- Cụ Cudia!- vừa kịp định thần, Giamin kêu lên.
Thấy Côlia lại, cậu biết là Prônca không thể bắn tất cả một lúc được, và các cậu có thể thắng hắn.
- Lần cuối cùng tao bảo mày: Gôga, tránh ra! - hắn khó nhọc nói như có gì vướng mắc trong cổ họng.
- Lão đang lại đây, các cháu ơi, đang lại đây… - Có tiếng sột soạt của cành khô sau lưng Prônca - Các cháu ở đâu… Ê, mày làm gì đấy? - Thấy Prônca chĩa súng về phía các cậu, ông cụ ngạc nhiên nhưng hỏi với giọng hết sức bình tĩnh.
- Cụ Cudia, tránh ra! - Gôga kêu to và lúc này, Prônca quay người, hầu như không ngắm, đã bóp cò…
- Các cậu xông vào Prônca như đàn laica săn mồi, thi nhau đấm và vật hắn xuống đất. Cây xung quanh gẫy răng rắc. Các cậu thở hổn hển. Khi thấy mình sắp thua bọn trẻ. Prônca văng tục, dọa dẫm. Hắn định đẩy Côlia ra nhưng cậu ta cứ bám chặt sau lưng như con linh miêu bám mồi. Sực nhớ tới con dao, Prônca đưa tay định lấy, Gôga trông thấy, kêu to:
- Dao đấy!
Giamin định giữ tay Prônca nhưng không đủ sức. Cậu co người, cắn vào tay hắn. Prônca kêu thé lên. Hắn khéo léo hất Côlia xuống và quỳ gối. Gôga kéo mạnh khẩu súng về phía mình đến đau cả bả vai. Cậu tránh không nhìn mặt bố. Giamin thấy miệng mình đầy máu, máu của ai thì cậu không biết, chỉ thấy tay Prônca đã cứng đờ.
Cuối cùng Côlia vớ được chiếc gậy có mấu, phang cho hắn một cái vào cổ, làm hắn ngã ngửa. Prônca rên hừ hừ, mắt trợn ngược, toàn thân hắn mềm nhũn. Các cậu trói chặt cả tay lẫn chân hắn.
Gôga khóc nức nở.
Chưa kịp bình tĩnh trở lại, Giamin và Côlia chạy tới chỗ cụ Cudia. Ông cụ đang ngồi co trên mặt đất, nhăn nhó, tay ôm bụng. Trông cụ như bỗng nhỏ hẳn lại.
- Có lẽ hắn bị thương nặng lắm - cụ Cudia yếu ớt nói - Để Gôga chạy về làng gọi mọi người… Các cháu còn lại hãy canh gác nó cẩn thận... Để hắn không thể gây thêm những tai họa khác nữa. Còn Xtêphan thì đã có món cá ám..
....Vào một ngày nắng ấm, cả làng Taiset đã đi đưa đám cụ Cudia. Không hiểu ông cụ có biết mình có nhiều bạn thế không? Có lẽ là biết, nếu không cụ đã chẳng yêu đời đến thế!
Khi mọi người đã ra về, các cậu trồng một cây bạch dương trắng toát, một cây thông xanh rờn và một cây tùng màu đỏ sẫm bên mộ cụ. Cạnh nghĩa địa, bác Xtêphan đang ngồi chờ các cậu trên xe ngựa..
Con ngựa kéo chiếc xe kẽo kẹt lăn trên mặt đường gồ ghề đã bắt đầu bốc bụi.
Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày cụ mất.
Đưa đám cụ xong, các cậu ngơ ngác như gà con mất mẹ. Xtêpan là người đầu tiên nhận ra điều đó. Bác thấy con trai trở nên ít nói, không còn kể về việc làm của mình ở xưởng, không hỏi về chiến tranh, không hỏi loại xe tăng nào khoẻ hơn – “con hổ”, “KV”, “IX” hay “T-34” như trước nữa. Còn chuyện đi câu thì cậu hoàn toàn không nhớ tới nữa.
- Có chuyện gì xảy ra với thằng bé nhà mình thế nhỉ? - một hôm Grunhia hỏi chồng khi nhận thấy con trai lặng lẽ ăn xong, bỏ đi tới nhà Giamin.
Xtêpan như đã chờ câu hỏi này từ lâu:
- Ngoài mặt trận chuyện như thế vẫn thường xảy ra với cánh lính trẻ - bác im lặng một lúc rồi đáp - Một anh lính trẻ, khi người bạn chí thiết của mình hi sinh, dễ trở nên buồn rầu. Nhưng thường họ hay gan dạ hơn, dũng cảm hơn - đối với họ, mìn không còn là mìn, đạn không còn là đạn nữa. Những lúc thế, người ta có vẻ như không còn thích đùa nghịch. Đấy là do tuổi trẻ, Grunhia ạ. Là vì tâm hồn còn trong trắng, thơ ngây. Tiếc là càng ngày, tâm hồn ấy càng phải chai lại… Chỉ có cụ Cudia, con người thật giàu tình cảm, là giữ được nó trong sáng mãi tới ngày cuối cùng của đời mình. Nhưng không sao, rồi thời gian sẽ hàn gắn tất cả, sẽ làm dịu bớt vết thương. Bọn trẻ chúng ta sẽ được tôi luyện dày dặn, và trái tim chúng sẽ hiểu được cần phải yêu cuộc sống thế nào… - Xtêpan dựa trên hay tay trống bằng gỗ rồi tìm cách ngồi thoải mái trên chiếc giường ọp ẹp phủ tấm da gấu đã cũ.
Grunhia đứng đối diện nghe chồng nói, đôi bày tay chai sạn dấu dưới yếm áo. Chiếc chảo đựng khoai tây luộc và bắp cải muối còn để trên bàn.
- … Như ngoài mặt trận chẳng hạn, tại sao ai cũng có thể sẵn sàng hi sinh vì người khác? Mẹ nó hiểu chứ, hi sinh vì bạn… Trong khi ai cũng có gia đình, người thân - thế mà ai cũng sẵn sàng hi sinh cả… Là vì chiến tranh, ai cũng giống ai. Mọi người đều chung một giường là mặt đất, chung một chăn là bầu trời, cùng ăn chung từ một nồi, đều phải chịu đựng như nhau. Số phận của ai cũng giống nhau là có thể bị giết bất cứ lúc nào, và cũng giống nhau về mục đích là tiêu diệt kẻ thù… Chính điều này làm cho người ta thân thiết với nhau. Không ai có bí mật riêng, có chăng chỉ là những điều thuộc tâm tình. Thế mà bây giờ, thử nhìn vào cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta xem, và thấy những gì? Ai cũng có cái tổ riêng của mình… Như láng giềng của ta, Prônca chẳng hạn. Cùng làm việc với nhau, cùng tắm chung kì lưng nhau, thế mà hoá ra hắn lại là một con quỉ, một con chó sói… Còn cụ Cudia…
- Sao hôm nay bố nó bỗng nói say sưa thế? Cứ như là một nhà diễn thuyết ấy! – Grunhia ngắt lời chồng - Bố nó nên nói chuyện với Côlia và hỏi nó xem nó nghĩ gì trong đầu. Dù sao thì cụ Cudia cũng có phải là bà con của nó đâu mà nó cứ phải rầu rĩ thế mãi.
- Rõ bà này – Xtêpan thở dài - Chiến tranh đã cho thấy là những người hoàn toàn không quen biết có thể trở thành người thân và sẵn sàng hi sinh tất cả vì nhau. Hãy thử nhìn những người sơ tán đến Taisét mà xem! Ở đây với chúng ta, họ có cảm thấy xa lạ không? Cho nên mẹ nó đừng làm phiền lòng thằng bé… - Xtêpan nhìn ra cửa sổ và nở một nụ cười rộng mở. Bên ngoài con mèo vàng đang đứng cạnh mé cửa, giơ hai chân trước cào cào vào cửa kính, không ngớt kêu meo meo đòi được cho vào nhà.
- Thôi được, để tôi vào xưởng gặp chúng nó, nói chuyện với đốc công. Có thể họ sẽ kiếm cho tôi một việc làm nào đó cũng nên – Xtêpan bỗng quay sang nói chuyện khác.
- Kiếm việc à? Còn lâu! – Grunhia đặt đĩa xuống bàn đánh “cạch” một tiếng trách chồng: - Cứ ngồi yên ở nhà có hơn không? Làm như không có bố nó thì mọi việc sẽ hỏng cả hay sao? Cống hiến như thế cũng đủ rồi…
- Thì tôi nói là nói thế thôi chứ - Xtêpan an ủi vợ - Chính bà chẳng bảo tôi gần gũi với bọn trẻ đấy mà…
Một lúc sau Côlia trở về, cùng đi có cả Giamin và Gôga. Mọi người chào nhau. Đã lâu Xtêpan không gặp các bạn của con trai, bây giờ thấy các cậu đã lớn hẳn lên, vai rộng ra, tiếng nói nghe ồm ồm…
- Nào, vào đi, các chàng trai, vào đi!
- Bố ạ, - Côlia bắt đầu – chúng con, con và các bạn đã làm cho bố một cái… - rồi cậu sung sướng nhìn các bạn, làm mấy cậu này đỏ mặt, nói tiếp:
- Không, chẳng có gì đặc biệt đâu ạ…
- Đâu nào, đâu nào… Mang lại bàn xem nào. Như người ta vẫn nói, trao hàng phải cho xem tận mặt đã chứ - chủ nhà nói đùa, thân mật nhìn các cậu. Chống tay xuống đất, Xtêpan lê tới cạnh bàn.
- Lại thêm trò gì nữa thế? - từ sau bức tường chắn làm bằng những mảnh gốc ngăn góc bếp, Grunhia lấy que cời gõ vào chảo gang, nói vọng ra, giọng tức tối.
- Nhưng cái này không đặt lên bàn được ạ, - Giamin lúng túng trả lời – Nó ở kia, ngoài đường…
- Không sao, cứ mang lại đây! – Xtêpan vui vẻ nói. Bác chống tay nhấp nhỏm như muốn nhảy từ giường xuống và cùng các cậu chạy ra ngoài đường.
Gôga và Giamin vội lao ra sân. Côlia mở cửa và đứng giữ thế. Xtêpan nghe ngoài hiên có tiếng gì va vào bậc thang lạch cạch, và sau là tiếng thì thầm:
- Khẽ chứ, khéo gẫy bây giờ…
- Ngộ nhỡ bác không thích thì sao?
- Thôi nhanh lên, làm gì ngoài kia mà lâu thế?
Xtêpan lê người tới tận mép giường rồi vươn cái cổ ngắn và to về phía trước, như một đứa trẻ tò mò, nhìn qua khe cửa.
- Chà, cái máy hay thật! – bác ngạc nhiên khi thấy các cậu đẩy vào một chiếc xe ngồi có ghế tựa, bánh xe đạp – Khéo nghĩ đấy!
- Bố thích không? – Côlia hỏi
- Rất thích. Trông cứ như là mới từ dây chuyền nhà máy ra ấy. Mấy đứa em của mày tha hồ mà thích.
- Nhưng đây là để cho bố… - Côlia nói, giọng buồn rầu nhưng rất nghiêm túc - Từ nay bố tha hồ muốn đi đâu thì đi…
Xtêpan chăm chú nhìn từng cậu một rồi thở dài rõ to như mới ngoi từ nước lên
Các cậu nhìn Xtêpan hầu như cùng chung một ý nghĩ. “Nếu bây giờ bác ấy kêu lên: “Chúng mày điên rồi hay sao? Chúng mày xem tao là ai à? Tao là một đưa bé năm tuổi như thằng Xasa à? Thật khéo vẽ chuyện! Sao không mang đến cho tao chiếc núm vú cao su nữa…?””
Đã có một chuyện tương tự như thế xảy ra… Một lần vào mùa đông, một số công nhân trước cùng làm việc với Xtêpan ở xưởng, chở gỗ và củi dến, dỡ củi xuống xong, bắt đầu cưa. Xtêpan suýt làm vỡ kính cửa sổ vì những nắm đấm to lớn của mình, miệng không ngớt kêu to: “Các anh cho tôi là người tàn phế à? Cứ nghĩ là không còn chân thì đời tôi vứt đi hay sao…?”
Hồi lâu Xtêpan ngồi im, làm vợ bác ta phải nói vọng từ bếp lên, giọng lo lắng:
- Cãi nhau rồi hay sao mà im lặng thế? Tôi hỏi mọi người, ngậm hột thị cả rồi à?
Các cậu lúng túng nhìn nhau, đã định kéo xe ra ngoài nhưng cuối cùng Xtêpan lên tiếng:
- Các cháu ạ, thật bác không biết cảm ơn các cháu thế nào nữa… - giọng bác run run – các cháu không biết là đã giúp đỡ bác thế nào đâu. Có thể nói, các cháu, chính các cháu đã trả chân lại cho bác… - Rồi Xtêpan bỗng kêu lên to: - Mẹ nó đâu, Grunhia! Lên mà xem các cậu tặng tôi cái gì này! Nào, đẩy xe lại đây!... – Xtêpan cười như một đứa trẻ.
Các cậu chen nhau đẩy xe lại gần, giúp bạc tuột từ giường xuống chiếc ghế ngồi bọc vải bạt trong xe.
- Thật cứ như ngồi trên yên ấy! Cừ lắm! mẹ nó trông này, trông kĩ vào xem bọn này có giỏi không! – Xtêpan khéo léo cho xe nhanh nhẹn đi lại giữa những chiếc ghế, quanh căn phòng rộng của mình. Bác cười khà khà, thỉnh thoảng lại vừa lắc đầu vừa kêu to: “Tuyệt thật, thế này thì tuyệt thật”. Còn Xasa thì cứ bám riết sau xe, luôn miệng năn nỉ:
- Bố ơi, cho con đi với! Bố tiếc à?
Côlia bế Xasa ngồi lên cổ mình:
- Để anh làm ngựa cho em cưỡi, đồng ý không? Không được lại gần bố nhé!
- Thế thì thích quá! Em thích cưỡi ngựa hơn! – Xasa kêu to
Grunhia mỉm cười, nói:
- Sao không mang đầu máy xe lửa về đây luôn thể?
- Mẹ nó xem, các cậu ấy tặng tôi đấy nhé – Xtêpan sung sướng nói to – Khoái thật! Bây giờ thì tôi có thể đi đâu tuỳ ý! Tự đi, không cần ai giúp đỡ.. Chà! Trước hết phải làm một vòng khắp đường đã…
Grunhia đứng nhìn chồng vui thích và thấy các cậu bé sung sướng, không hiểu sao bỗng oà lên khóc rồi bế xốc Xasa trên tay, chạy ra ngoài.
Xtêpan nhận thấy các cậu đang bối rối:
- Không sao, không sao đâu các cháu ạ. Bà ấy vẫn thế đấy… Người lớn có khi như vậy. Tốt hơn là bây giờ nói cho bác nghe các cháu kiếm đâu ra những chiếc bánh xe thế này. Và cả bi, trục nữa. Một lần, thậm chí bác còn định tháo từ cày ra. Bác nghĩ vào xưởng người ta sẽ giũa lại… Các cháu khó hình dung nổi phải cảm thấy mình là một đứa bé thì khó chịu thế nào. Suốt 35 năm đi bằng chân, thế mà đùng một cái, cả hai chân đều mất. Thế đấy, khi lành lặn thì ít người nghĩ đến sức khoẻ, ít nghĩ đến giá trị từng bộ phận của cơ thể mình.
Xtêpan cảm động đến nỗi các cậu phải lấy làm ngạc nhiên, vì từ khi từ mặt trận về tới nay, có ai nghe bác than phiền về một điều gì đâu, thế mà bây giờ, lại thổ lộ nỗi lòng…
- Ai đã nghĩ ra chuyện này thế, các cháu?
- Cậu này – Côlia chỉ Giamin – Nó đã tháo bánh xe đạp của nó. Còn làm thì bọn con làm chung…
- Lúc vẽ mẫu, chúng cháu đã cái nhau đấy, bác Xtêpan ạ! Đứa nào cũng muốn làm chiếc xe kiểu thật mới – Gôga nói thêm
- Thế cháu có bị mắng không? – Xtêpan hỏi Giamin
- Không, mẹ cháu có biết. Thật ra, lúc đầu mẹ cháu nói là sau này các anh cháu từ mặt trận trở về sẽ trách, nhưng sau lại bảo: “Thôi, bác Xtêpan cần hơn, lấy đi!”. Chúng cháu làm cả tháng mới xong đấy – Giamin đáp
- Bố ạ - Côlia nói – Chúng con còn định dựng bia cho cụ Cudia. Cụ ấy chẳng có ai là người thân cả…
- Tốt lắm! Người tốt thì bao giờ cũng phải nhớ đến… - Xtêpan ủng hộ - Thế định làm bia bằng gì?
- Có thể lấy một tấm sắt hàn lại, trên đắp một ngôi sao đỏ với dòng chữ: “Tưởng nhớ đảng viên Bônsêvích Bêlôgrivưi Cudơma Mitrôphanôvích – các đoàn viên thanh niên cộng sản Taisét”.
- Thế là tốt các cháu ạ. Có điều hơi phiền một tí là cụ Cudia không phải là đảng viên.
- Sao lại không? - Cả ba đồng thanh hỏi
- Chúng con vẫn thường nghe cụ nói: “Lão là một người Bônsêvích cả tâm hồn lẫn thể xác, vì lão hoàn toàn ủng hộ các tư tưởng của Lênin” – Côlia nói, lúc bối rối nhìn bố, lúc nhìn các bạn.
- Không, cụ Cudia không phải là đảng viên, - Xtêpan nhắc lại và thấy các cậu có vẻ thất vọng, hạ giọng nói tiếp – Nhưng cụ ấy, các cháu ạ, trong tâm hồn là một người cộng sản chân chính. Bản thân việc làm của cụ đã chứng minh điều đó. Cho nên, theo bác, cụ xứng đáng được ghi dòng chữ ấy trên bia. Vâng, Bêlôgrivưi Cudơma Mitrôphanôvích xứng đáng được ghi như thế…
Bỗng Gôga hỏi:
- Bác Xtêpan, thế bác có phải là đảng viên cộng sản không?
- Có
- Lâu chưa?
- Mới thôi. Từ khi ở ngoài mặt trận…
- Sao lại từ khi ở ngoài mặt trận? – Côlia đỏ mặt hỏi
Câu trả lời của bố đã làm cậu ngạc nhiên. Trước chiến tranh, nếu có ai hỏi cậu bố có phải là đảng viên không, cậu sẽ không do dự mà trả lời là có. Ở chỗ làm việc, bố cậu được mọi người kính trọng, là lao động tiên tiến, trong các cuộc họp trọng thể, bố cậu luôn được bầu vào đoàn chủ tịch, các ngày lễ, thường dẫn đầu đoàn người diễu hành và bao giờ cũng cầm cờ. Người khác thường tìm đến bố cậu hỏi ý kiến, nhờ giúp đỡ.
- Sao lại chỉ từ khi ở ngoài mặt trận thôi hả bố? – Côlia hỏi lại
- Con hỏi tại sao à? Được, bố sẽ trả lời. Có điều, chuyện này cũng khá dài đấy… Bây giờ các cháu chưa hiểu hết đâu. Các cháu còn phải hiểu biết nhiều. Đời các cháu còn dài. Trong đầu nghĩ thế nào thì ngoài đời sống thế ấy. Cũng như làm bánh mì ấy mà. Bánh nướng có xốp, có ngon hay không là nhờ vào men chua đấy.
Xtêpan suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp, giọng chậm rãi, long trọng:
- Bác sẽ cố gắng giải thích tất cả cho các cháu nghe như bác đã hiểu. Còn sau thì tự các cháu suy nghĩ lấy, có còn bé nữa đâu. Các cháu ai cũng đã học hết lớp bảy. Bác nghe nói các cháu còn định học tiếp nữa. Bác tán thành điều đó. Bác nghĩ thế này: người đảng viên của đảng chúng ta phải là người trong sạch như pha lê. Như một người mẹ hiền nghiêm khắc, bản thân không ăn miếng nào chừng nào chưa cho người khác ăn no. Anh ta phải là người nghĩ về mình ít nhất và chỉ được nghĩ về người khác. Các cháu biết Lênin và những đồng chí cùng hoạt động với người là người như thế nào rồi đấy. Trách nhiệm của người cộng sản lớn lắm… Nói thực với các cháu, trước chiến tranh bác không dám vào đảng, sợ không gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề đó. Trách nhiệm không riêng đối với bản thân mà còn đối với người khác. Tự mình phải làm gương cho người khác. Nhưng ngoài mặt trận, sau vài lần giáp mặt với cái chết không thấy sợ, lúc ấy bác mới hiểu là mình có quyền trở thành đảng viên cộng sản. Trước trận đánh cuối cùng, bác đã làm đơn xin được kết nạp… Có thể bác nói không trôi chảy lắm… Nhưng bác thấm thía và hiểu đảng mình rất rõ. Bác biết chắc một điều là người cộng sản là một người đặc biệt, nhưng đồng thời cũng là người bình thường. Đúng thế đấy, các cháu ạ. Vì danh hiệu ấy bác đã đổ máu, và nhiều người khác hi sinh cuộc sống của mình… Nghĩa là bác không thể và không có quyền sống dễ dàng và no đủ hơn người khác… - Xtêpan dừng lại một lúc xem các cậu tiếp thu lời của bác thế nào – không hiểu bác nói thế các cháu có hiểu không? Hơn nữa, cái này khó nói lắm… Cũng khó như nói bác yêu cuộc sống, yêu quê hương, tổ quốc thế nào… Thế này nhé: bác yêu các cháu, yêu cái nhà của bác, yêu xưởng cơ khí, yêu rừng taiga, yêu mưa, yêu tuyết… Nhưng phải thể hiện cái tình yêu ấy ra nữa chứ! Thành ra, các cháu ạ, người cộng sản là người ngay thẳng nhất, nguyên tắc nhất. và dứt khoát là anh ta phải biết hiểu và giúp đỡ người khác. Thế nào, con hiểu bố chứ?
Côlia gật đầu, nhìn các bạn như muốn hỏi: “Còn các cậu thì nghĩ thế nào?”
- Hẳn là thế - Gôga nói thay cho cả bọn, và tiếp – Làm đoàn viên trách nhiệm đã không dễ rồi… còn đảng viên cộng sản, thì khỏi phải nói…
- Phải, không dễ, đúng thế. Nhưng nó cũng không phải là gánh nặng. Đó là một vinh dự lớn – Xtêpan nói rồi tự ngắt lời mình – À mà sao bác nói nhiều quá rồi. Hôm nay các cháu mang tặng… Thôi, mà các cháu đi làm đi! – Xtêpan quay xe sang phải, một tay lăn bánh đi về phía hiên. Đến cạnh cây cảnh sum suê lá, bác dừng lại, lấy tay vuốt nhẹ những chiếc lá to óng ánh - Mẹ nó ơi, nhớ tưới nước cho cây! – bác gọi vọng vào nhà
Các cậu phấn khởi ra khỏi nhà. Mọi việc hôm nay đều tốt đẹp cả. Bác Xtêpan rất hài lòng khi nhận chiếc xe, ủng hộ ý kiến dựng bia cho cụ Cudia, và các cậu lại còn được nghe bác nói hay như thế về những người cộng sản nữa. Xtêpan ngả người vào lưng xe rồi bỗng bấc lên không thành tiếng. Bác lấy tay lau khô nước mắt, hồi lâu nhìn trân trân về phía trước
- Thế nào, các cậu ấy đi rồi à? - vợ bác bước vào và hỏi
- Đi rồi, Grunhia ạ, đi rồi, - giọng bác hơi khàn – Chúng là những đứa bé tốt, sau này sẽ trở thành những con người chân chính
- Vâng, đúng thế, cảm ơn chúng…
- Mẹ nó biết đấy, chúng tình cảm lắm! Nghĩ ra cái xe này, không quên cụ Cudia…. Cuộc sống bây giờ khó khăn là thế mà chúng vẫn đứng vững, không kêu ca, chịu đựng tất cả… Trong bọn, Gôga là khó hơn cả, thế mà nhìn xem, cũng đứng vững…
Grunhia nhận thấy có sự thay đổi nào đấy trong giọng chồng, bước lại gần, áp người vào vai bác, hỏi:
- Bố nó định đi làm thật đấy à? Tôi biết, tôi biết mà - chị thở dài – Lúc nào bố nó đi? Bố nó sợ không có mình thì người ta không làm được việc hay sao? – Grunhia khóc thút thít như một đứa trẻ rồi khẽ yêu cầu – Xtêpan, đừng giận tôi. Tôi nói không đâu vào đâu. Xung quanh bao nhiêu là điều đau khổ…
- Không sao, không sao. Tôi hiểu… Bây giờ mẹ nó vất vả hơn bao giờ hết. mà nói chung phụ nữ ở đâu bây giờ cũng thế. Còn chuyện đi làm… - Xtêpan nói chậm lại, âu yếm nhìn vợ rồi cương quyết nói: ngay ngày mai, thứ hai, tôi sẽ đi làm…
Mùa hè đã đến lúc như chiếc khăn thần giải bàn bỗng một chốc cho thiên nhiên biết bao món ăn quí; trong rừng sâu, hắc mai đã chín, ở những khu rừng rậm, bên những sông nhỏ và dòng suối hay cạnh các mạch nước, anh đào dại đã trĩu quả. Đây là lúc không khí sặc mùi phúc bồn tử đen, cây tầm ma, và đầy tiếng vo ve của hàng triệu con côn trùng có cánh. Những chiếc mạng nhện lớn, lấp lánh như bạc dưới ánh nắng mặt trời. Trên các mỏm đất cao, việt quất chín mọng khoe màu sặc sỡ.
Tất cả những ai có thể đi vào rừng taiga là đều đi hái quả. Những quả hắc mai màu xanh đen được phủ một lớp bụi lông trắng mỏng, trông đẹp một cách lạ lùng. Những quả chín mọng nước, to bằng đầu ngón tay út đung đưa trên những cành mảnh khảnh, chỉ cần khẽ đụng một cái là có thể rụng xuống đất hàng loạt. Người ta hái hắc mai bằng những chiếc gáo con, làm bằng vỏ đồ hộp, mép trước có răng cưa. Chỉ cần kéo đi kéo lại vài lần chúng đã rụng đầy gáo. Thậm chí, cả những người chậm chạp nhất cũng có thể hái đầy thùng trong vòng hai ba giờ. Hắc mai được đem làm bánh ngọt, cho lên lò sưởi sấy khô để dành mùa đông, đem ăn với sữa, một thời gian lâu sau, răng vẫn cứ xanh lè. Vào những dịp này, nhà ai cũng phảng phất mùi quả chín ngọt dịu.
Sau hắc mai là đến lam mai, một loại quả lớn hơn, có màu lam, nhưng trong thời gian chiến tranh, người ta ít hái vì chua, chỉ để làm mứt là tốt nhưng không có đường. Việt quất là thứ quả được dân Taisét hái nhiều hơn cả. Mà việt quất thì nhiều lắm. Ai đi hái chẳng thích. Hắc mai còn bị khô héo, dập nát chứ việt quất thì cứ như những hạt đậu nhỏ lăn vào gáo rồi vào giỏ, những chiếc lá nhỏ, cứng, kêu sột soạt. Về nhà dễ nhặt sạch và vặt lá, một công việc khá thú vị. Người ta thường đặt lên bàn một tấm gỗ dốc thoai thoải, hai bên có mép chắn. Đổ việt quất lên tấm gỗ, quả lăn xuống dưới còn rác và lá thì đọng trên mặt gỗ. Sau đấy, chúng được đem ngâm để dành mùa đông; cho vào thùng, đậy nắp gỗ lên rồi lấy đá nặng nén chặt. Dần dần, việt quất sẽ cho một thứ nước giống rượu nho ủ lâu năm, ngày một giọt. Sau một công việc nặng nhọc, hay sau khi ở nhà tắm hơi ra được uống một cốc thì không còn gì bằng!
Suốt bốn mùa, cái đặc sản hiếm có này của rừng Xibêri đã giúp rất nhiều cho người dân ở đây.
Vào ngày chủ nhật cuối cùng của háng Tám, các cậu rủ nhau đi hái mâm xôi cạnh ga Bairônốpca. Đây là vùng nhiều phúc bồn tử, cả những người ở xa cũng tìm tới đây.
Tối hôm trước, Côlia gặp Tamara ngoài đường làng, cạnh giếng, khi cô bé đi lấy nước. Suốt mùa hè, Tamara cùng các bạn trong lớp làm việc ở nông trang tập thể. Cô bé lớn hẳn lên và bây giờ trông giống một cô gái Xibêri chính cống – đi chân đất, mặc áo xaraphan điểm hoa, một tay xách hai chiếc thùng, một tay cầm chiếc đòn gánh.
- Thế nào, đã về rồi à? – Côlia hỏi, thậm chí quên cả chào, ngắm nhìn cô bé như mới gặp lần đầu.
Tamara nhận thấy điều đó, lúng túng. Cô bé để chiếc đòn gánh lên vai, không hiểu để làm gì rồi lại đặt xuống, mặt đỏ ửng
- Mình vội, Côlia ạ. Ở nhà đang chờ nước – Tamara liền nói rồi đi lại gần giếng nước - Bọn mình về hôm qua…
- Sao Tamara phải ra đây lấy nước? Cạnh nhà bạn có giếng cơ mà? – Côlia hỏi tiếp, quên khuấy là các bạn đang chờ mình ở nhà Giamin.
- Người ta quên đậy nắp giếng, có con mèo nhà ai bị chó đuổi đã rơi xuống đó… - Tamara vừa đáp, vừa cho gầu xuống giếng. Cô bé phải nhón chân khi quay tời kéo nước. Côlia nhìn Tamara và nghĩ thầm: nhỡ ra tay quay bỗng tuột khỏi tay cô ta thì sao?
- Để mình giúp nhé? - cuối cùng cậu cũng nghĩ ra việc cần làm, rồi nắm lấy tay quay, quay vù vù làm lắc mạnh cả giàn giữ.
- Ôi! – Tamara kêu lên – Khéo không đứt dây đấy…
- Mình mà quay thì không đứt được! – Côlia vui vẻ đáp, vừa lấy lòng bày tay hãm dần tay quay, cho đến khi chiếc gầu chạm mặt nước, dây kéo căng. Côlia kéo dây xách gầu nước và nói: - Đấy, thấy không, ổn cả… Bọn mình sắp đi hái phúc bồn tử - cậu nói tiếp – Chúng mình biết những chỗ chỉ hai ba giờ là có thể hái đầy thùng.
- Làm gì có chuyện ấy! – Tamara nói vẻ không tin
- Tamara không tin à? Cứ hỏi Giamin mà xem…
- Cho bọn mình đi với.
- Bọn mình là ai?
- Là mình và Nhura. Mình chưa bao giờ hái quả ở rừng taiga thực sự.
- Không hiểu các cậu ấy thế nào chứ mình thì… được thôi…
Trong lúc nói chuyện, Côlia đã múc đầy cả hai thùng nước. Tamara móc hai đầu đòn gánh vào thùng, rồi bước đi từng bước ngắn. Nước trong thùng sóng sánh té ướt chân và gấu váy cô gái. Côlia rất muốn lại giúp nhưng một cảm giác xấu hổ nào đó rất khó tả đã bắt cậu ta đứng im.
- Thế là bọn mình ngày mai cùng đi với các cậu nhé? – Tamara ngoái lại nói
- Được, chuẩn bị đi! – Côlia nói theo rồi chạy một mạch tới nhà Giamin, nơi các bạn đang đợi cậu.
- Cậu làm gì mà lâu thế? - mấy cậu kia hỏi
- À, mình phải giúp cô bé người Matxcơva lấy nước – Côlia lấy giọng bàng quan đáp
- Cô ấy đã về rồi à? – Giamin đỏ mặt hỏi
- Ừ, - Côlia đáp – cô ta bảo có con mèo rơi xuống giếng ở nhà… Trông cô ta mà buồn cười. Người thì bé, phải với tay mới tới tay quay… Thành ra mình phải giúp… Buồn cười thật…
- Có gì mà phải buồn cười? – Giamin bỗng hỏi - Thế cậu cho là nếu cô ta cao như cây sào thì hơn à?
- Cây sào? Mình nói là nói thế thôi, chưa gì cậu đã bảo là “cây sào”… Mình chỉ giúp cô ta…
- Thì hãy nói trắng ra là cậu thích cô ấy – Gôga vừa nói vừa cho thức ăn vào thùng và nhìn Côlia vẻ ghen tị - Con gái Mátxcơva cơ mà!
- Này, nếu cậu muốn biết thì mình nói cho mà nghe. Mình hoàn toàn không thích một đứa nào trong bọn con gái cả, - Côlia nổi nóng – Còn cái cô này thì được nước gì nào? Hả? Có đuôi sam và tóc quăn à? Người thì thấp bé, gánh có hai thùng nước mà đã còng lưng, rụt cổ lại. Chắc là lần đầu tiên đi chân đất ra đường, lúng túng, không biết nhìn vào đâu. Chỉ có mình không để lộ ra mà thôi…
- Sao lại nói với mình làm gì? Đối với mình thì điều đó hoàn toàn không quan trọng – Gôga nói để làm bạn nguôi giận – Thôi, giúp mình chuẩn bị đi, kẻo sáng mai phải dậy sớm.
Giamin nghe hai bạn đấu khẩu nhau và cảm thấy tất cả những gì liên quan đến cô bé Mátxcơva không phải là không quan trọng đối với cậu. Suốt mùa hè qua, một ngày làm việc mười hai giờ, cậu không hề gặp Tamara một lần nào. Tất nhiên, cậu có thể gặp nếu đi vào rạp chiếu bóng hay câu lạc bộ đường sắt, nhưng có lúc nào được rỗi đâu. Từ xưởng về, cậu phải giúp mẹ bổ củi để dành mùa đông, tưới rau, xách nước… Chủ nhật thì cầm liềm vào rừng cắt cỏ cho bò, xếp lên xe chở về nhà phơi khô. Tuy thế, Giamin vẫn luôn luôn nhớ đến Tamara và lúc nào cũng thấy lo lắng, hình như những người xung quanh đã thấu tận đáy lòng của cậu và biết được tình cảm của cậu đối với cô bé người Mátxcơva kia. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là trước kia, đi làm về, cậu ngủ say không bao giờ mộng mị, thế mà bây giờ hầu như đêm nào cậu cũng mơ thấy Tamara, bao giờ cũng muốn nói với cô một điều gì, hay làm một việc gì tốt lành nào đó. Một lần trong mơ, thậm chí cậu còn định hôn cô ta nữa, nhưng cô ta, đúng như cậu vẫn thấy trong phim, đã cho cậu một cái tát nên thân, làm cho cậu chợt tỉnh. Từ đó, Giamin cố không nghĩ về Tamara. Thế mà bây giờ Côlia lại đang nói về Tamara như thể đoán ra Giamin đang nghĩ gì, và chủ tâm trêu cậu…
- Này các cậu, - Côlia thận trọng nhìn Gôga, hạ giọng nói – mình chưa nói với các cậu điều quan trọng nhất: đó là việc Tamara và Nhura muốn đi hái phúc bồn tử với bọn mình - rồi cậu lại liếc nhìn Gôga, tin lần này chắc Gôga thế nào cũng chế giễu.
- Và tất nhiên cậu vội bảo: hay lắm, chuẩn bị đi! Bọn tớ có các cô đi sẽ vui hơn! – Gôga chộp ngay
- Thì cậu bảo tớ còn biết nói thế nào nữa! Cô ta bảo chưa bao giờ được thấy rừng taiga thực sự…
- Đấy, đấy, thế mà cứ bảo là cậu không thích cô bé Mátxcơva
Giamin cố giấu không cho các bạn nhận thấy là mình đang vui sướng. Ngày mai, Tamara sẽ ở với các cậu suốt ngày. Cậu sẽ xách giỏ cho cô, hái cho cô những quả to nhất, chín nhất. Tamara chỉ việc hát và hái hoa. Lúc này trong rừng, trên các gò đất cao có thể hái được hoa xaranca, một loại hoa màu da cam có chấm. Không hiểu sao cậu cảm thấy như loại hoa này, trong điệu nhạc buồn, có thể tự kể cho mọi người nghe vì sao chúng đẹp thế mà không có mùi thơm. Từ ngày biết Tamara yêu hoa, Giamin cũng bắt đầu chú ý tới chúng, cái đẹp, cái kì lạ của thiên nhiên. Cậu sẽ dạy Tamara cách đào cả bụi xaranca, và nhất định sẽ cho cô nếm các củ của nó có vị ngọt như dưa bở. Như tất cả các cậu bé Taisét, Giamin rất thích ăn củ loại hoa này. Không hiểu Tamara có thích không nhỉ? Sao lại không? Như cậu chẳng hạn, cậu sẽ thích tất cả những gì Tamara thích… Và sau nữa, thế nào cậu cũng phải làm một việc gì đó thật đặc biệt để Tamara chú ý đến cậu… Bỗng Giamin cảm thấy hoảng hốt: nếu Tamara thích Côlia hơn cậu thì sao? Cậu cảm thấy hai má mình nóng bừng. Và cậu tưởng tượng bỗng có con gấu nhảy từ bụi rậm ra, há miệng xông vào Tamara. Lúc ấy, Giamin sẽ cho mọi người biết cậu là người thế nào! Cô bé thấy gấu thì sẽ hoảng sợ kêu thét lên. Còn cậu thì vượt lên mọi người, lấy gậy gõ vào chiếc thùng rỗng, tiến thẳng về phía chúa tể rừng taiga…
“Giamin, quay lại!” – Tamara sẽ kêu lên và ngã xuống, bất tỉnh. Còn Giamin, thì vẫn tiếp tục gõ thùng, vừa đuổi theo con gấu đang bỏ chạy rồi quay lại với Tamara, bế cô lên tay mang về tận nhà. Côlia và Gôga tất nhiên sẽ muốn giúp đỡ, nhưng cậu nhất định sẽ không giao cô bé cho ai. Còn Nhura lắm mồm thì thế nào cũng sẽ chạy theo, than thở cho đến tận nhà: “Trời ơi, Tamara, làm sao thế này! May mà cô có được một người bạn dũng cảm như vậy”.
- Này, cậu làm sao thế? – Côlia cắt đứt dòng suy nghĩ của Giamin – Mình gọi, gọi mãi mà cậu cứ như thằng điếc…
Giamin lúng túng một lúc rồi sôi nổi nói:
- Không, các cô ấy sẽ không đi hái phúc bồn tử với bọn mình.
- Và chính mình cũng nghĩ thế - Gôga lên tiếng.
- Cậu quên là vùng ấy năm ngoái gấu đã tha đi một bà à? Bà ấy đi xa mọi người chừng bốn chục bước, thế mà… Và chắc cậu còn nhớ chính bọn mình cũng đã gặp ở đấy một chú gấu con, phải không? Cũng may mà bọn mình đang đứng tụm với nhau và gõ thùng đến nhức óc nên nó phải bỏ chạy. Còn bọn con gái, thì chỉ cần thấy thế cũng đủ chết ngất rồi…
- Ừ, đúng thế, - Côlia nói – Nhưng khốn nỗi cô ta tha thiết xin đi… Và nói là muốn được thấy rừng taiga thực sự.
- Cô ta là con gái thì cô có thể xin đi, - Gôga lại nói – Cô ta có biết vùng ta đâu. Cứ làm như công viên Mátxcơva không bằng… Chắc lại nghĩ là ở công viên Mátxcơva có cây thì trong rừng taiga cũng có cây. Thật buồn cười… Các cậu có nhớ năm ngoái cả lớp vào khu rừng cạnh Taisét không? Cô ta hái đúng một ôm hoa lan tiên, hoa anh đào dại… Người khác hỏi tại sao hái nhiều thế, cô ta ôm chặt vào ngực, đáp: “Thế nhỡ sau không tìm thấy nữa thì sao?” Đấy, buồn cười không? Sợ không tìm thấy hoa ở rừng taiga!
- Có gì mà buồn cười? – Giamin vặn lại - Cậu mà đến Mátxcơva xem có làm người ta ôm bụng lăn ra mà cười không?
- Bao giờ thì các cháu mới tản về nhà hở? – Thím Samsura hé cửa sổ, nói vọng ra - Định sáng mai dậy sớm mà bây giờ cứ chần chừ mãi, thật là những người hái quả hạng bét.
- Chúng con xong rồi, trong khoảnh khắc thôi mẹ ạ - Giamin đáp
- Miệng bảo trong khoảnh khắc mà suốt một giờ rồi vẫn cứ quanh quẩn bên mấy chiếc thùng. Như thể sửa soạn đi xa hàng tuần ấy không bằng… Giamin, đi tìm con bò về hộ mẹ. Bò người ta về hết rồi mà con Pêxtrukha nhà mình vẫn chưa thấy đâu…
- Vâng ạ.
Các cậu kiểm tra lại một lần nữa xem có quên cái gì cần thiết không; hai chiếc rìu con, diêm, chảo, dao đi săn tự làm giống như những chiếc kiếm nhỏ kiểu Thổ Nhĩ Kì, muối, cuộn dây. Các cậu đặt chiếc thùng ở phòng ngoài.
- Sáng mai sáu giờ mình sẽ lại gọi các cậu, - Côlia nói – Mình về đây. Còn phải bổ mấy khúc bạch dương và xách nước nữa. Mẹ mình định sáng mai giặt quần áo mà chưa có tro.
- Ừ, về đi! Bây giờ mình cũng phải đi tìm con Pêxtrukha – Giamin bảo bạn.
- Để mình đi với cậu, - Gôga buồn rầu nói - Ở nhà, bà mình không để mẹ mình và mình yên. Quân phản chúa, bà mình bảo, đã làm hại con trai bà – Không biết đây là lần thứ mấy Gôga kể thế với bạn – Ngày nào bà mình cũng chỉ nói đi nói lại một điều: “Trời tru đất diệt chúng mày đi! Một mình con bà còn đáng bằng cả mẹ con chúng mày”. Rồi bà mình khóc, ôm lấy mình kể lể: “Cháu giống hệt bố cháu. Mắt bố mày cũng xanh này, còn thân hình thì thật đúng là dòng giống nhà ta…”. Mình chán lắm rồi. Mình cũng thương hại bà mình, nhưng vẫn thấy khó chịu khi bà mình cứ xỉ vả mình và mẹ mình mãi như thế.
Giamin kiên nhẫn nghe bạn, chẳng biết nói gì. Cậu biết là ở nhà, Gôga đang khốn khổ như thế, nhưng bất lực không giúp được gì, nên lại càng cảm thấy khó nghĩ hơn.
- Hay cậu đến ở với mình? – Giamin đột ngột đề nghị.
- Sao được? – Gôga ngạc nhiên – Còn mẹ mình thì sao? Giá mình chong chóng được cấp chứng minh thư lúc ấy chắc bà mình không còn làm ầm ĩ lên như bây giờ.
- Hẳn là thế
- Giamin này, cậu nói mình nghe nhé… Có điều phải nói thật – Gôga bỗng bối rối, ngập ngừng, lúng túng.
- Cậu định nói gì? Mình có điều gì bí mật đâu?
- Đành thế… Nhưng cậu phải nói thật, - Gôga quay mặt - cậu… có thích Tamara không?
Giamin đớ người. Mặc dù đã chập tối, cậu vẫn sợ Gôga thấy mình đang đỏ mặt và tự đoán hiểu hết mọi chuyện…
- Thì sao? – Giamin cố trấn tĩnh, hỏi lại
- Cậu biết đấy… Nói chung, cô ta cũng không sao, chân thật. Kể ra cũng hơi buồn cười một tí; đáng lẽ hái hoa anh đào dại thì cô ta lại vơ tàn những cỏ. Cưa không biết cầm, gặp bò thì sợ đến chết… - Gôga im lặng một lúc rồi hạ giọng nói tiếp như người có lỗi – Nhưng mình thích cô ấy…
Giamin lại lặng người vì ngạc nhiên. Cậu tưởng chỉ mình cậu thích Tamara thôi, hoá ra…
- Pêxtrukha, Pêxtrukha! – Giamin bỗng kêu to rồi không trả lời Gôga chạy thẳng về phía rừng bạch dương, nơi có bóng những con bò lạc đàn thấp thoáng đi lại.
Trên đường về hai cậu im lặng không nói chuyện với nhau. Chỉ nghe tiếng con bò thở đều đều. Mỗi cậu đi một bên, hai tay để lên hông âm ấm bốc mùi sữa của nó. Hai con chó nhà ai chạy ra cất tiếng sủa vu vơ. Trong các sân, ngỗng kêu quang quác trước khi ngủ. Có tiếng ai gọi to trong đêm: “Burenca, Burenca!”
Tới nhà Gôga bảo:
- Liệu chừng sáng mai đừng có ngủ quên đấy.
Giamin mở cổng, vỗ nhẹ lên lưng con Pêxtrukha, cho nó vào chuồng. Để đáp lại, con bò ve vẩy đuôi như muốn nói: vâng, tôi biết là người ta đang chờ tôi.
- Gôga, thực ra… mình rất… - Giamin không nói hết câu, mà có nói hết thì Gôga cũng không nghe thấy vì cậu ta đã đi xa.
- Con đi đâu mà lâu thế? - tiếng mẹ cậu đang sửa soạn thùng vắt sữa từ phòng ngoài vọng ra - Mẹ chờ sốt cả ruột, người ta thì vắt xong, lọc rồi mà mẹ vẫn cứ phải chờ con mỏi mắt.
- Bò nhà ta chạy vào ăn ở rừng bạch dương, - Giamin vẫn còn đứng cạnh cổng khẽ đáp
Bây giờ cậu cảm thấy hoảng sợ vì điều vừa mới xảy ra, vì lời tự thú của mình. Cái điều mà cậu chưa bao giờ nói với ai, thậm chí không dám nghĩ tới nữa, thế mà bỗng chốc tự một nơi nào đó tận đáy lòng đã buột ra, và cậu có cảm giác nó đã xuyên qua trời chiều, sẵn sàng bay tới tận các vì sao. Nó đã làm xao xuyến tim cậu, làm má và tai cậu nóng bừng, làm đầu óc choáng váng.
Bây giờ toàn thân cậu như bị điện giật, người cậu run bần bật như đang lên cơn sốt. Lần đầu tiên, cậu thấy tim mình đập mạnh và dồn dập. Cậu bỗng hoảng sợ vì trạng thái này, nhưng rồi liền lúc ấy, cậu nhảy lên và như một chú dê con chạy lon ton ra sân.
Thím Samsura đang ngồi xổm cạnh con bò sữa, vừa nói những lời âu yếm, vừa lấy nước ấm rửa sạch các đầu vú của nó.
- Có chuyện gì thế? - người mẹ ngạc nhiên hỏi, vẫn tiếp tục dùng khăn lau cẩn thận các đầu vú đang có những dòng sữa ấm chảy ra - Thấy không, đi lang thang lắm, bây giờ căng sữa chảy cứ như là suối. Chúng mày cả hai là chúa thích đi chơi…
- Mẹ-ẹ! – Giamin kéo dài giọng và nắm lấy hai chiếc sừng ngắn cũn của Pêxtrukha hôn đánh chụt một cái vào mõm nó. Pêxtrukha lắc đầu, đánh đuôi vào hai bên hông.
- Sao mày cứ quấn lấy con bò thế? Vào nhà đi – bà mẹ nghiêm khắc bảo rồi chăm chú nhìn con trai - Đốt ấm xamôva có hơn là đứng quấy rầy con Pêxtrukha không?
- Con đi đây, mẹ ạ! – Giamin nói to và hôn vào mõm con bò một lần nữa rồi chạy vào nhà.
Vừa lẩm bẩm hát lẫn từ bài này sang bài khác, Giamin nhanh nhẹn đặt ấm lên lò, dùng chiếc ủng cũ thổi hơi cho to lửa rồi ngồi xuống cạnh chiếc cửa sổ để ngỏ. Bầu trời xanh điểm sao hôm nay đẹp lạ lùng. Giamin ngồi im và mỉm cười vì hạnh phúc mà chữ “yêu” không nói ra, nhưng đầy sức quyến rũ, đã mang lại cho cậu.
Cậu nghe rõ tiếng sữa nhỏ từng giọt vào mép và đáy chậu hứng, và sau là tiếng sữa chảy từng dòng đều đều. Cậu tưởng tượng thấy sữa nổi bọt, làm thành những chiếc bong bóng nhỏ. Con Pêxtrukha thì chốc chốc lại ngoái cổ nhìn mẹ cậu như muốn hỏi: bà còn định hành tôi đến bao giờ mới thôi đấy? Còn mẹ cậu thì vẫn như mọi lần, âu yếm bảo nó: “gượm nào, chờ tí nữa. Vắt kĩ thì mày sẽ nhẹ người hơn mà…”
Nhưng đến ngày nghỉ hôm ấy, các cậu đã không vào rừng hái phúc bồn tử được; đang đêm người gác cổng xưởng cơ khí chạy lại, đập mạnh vào cửa sổ gọi to:
- Thím Samsura, đánh thức cậu con trai thím dậy ngay. Có lệnh của đốc công phải chất tà vẹt lên đoàn tàu khôi phục. Để tôi còn chạy đi gọi người khác. Bảo con thím nhớ gọi các cậu trong đội của nó. Thím nghe rõ chứ? Hay lại ngủ rồi?
- Bác cứ đi đi, tôi nghe rồi… - thím Samsura càu nhàu - Suốt hai tháng mới được một ngày nghỉ mà cũng chẳng để cho yên - Rồi thím thắp đèn, lại giường Giamin – Giamin, dậy con. Bác gác cổng xưởng vừa chạy lại đây bảo là phải bốc ngay tà vẹt lên tàu. Có đoàn tàu khôi phục nào đấy đang chờ, không thể để sáng mai được…
Giamin ưỡn người ngồi dậy, ngơ ngác dụi mắt hỏi:
- Không lẽ ngày nghỉ đã qua rồi?
- Dậy con, dậy! Phải đi làm bây giờ.
- Thế à? Sao mẹ không nói ngay?
Khi Giamin ra đến bậc thềm, mẹ cậu gọi theo:
- Con lại gọi các bạn con cùng đi. Nhớ đừng quên. Con bảo với bố mẹ các cậu ấy là bác gác cổng Kêkha truyền đạt lại lệnh của chính thủ trưởng như thế. Con hiểu chứ?
- Vâng.
- Ôi, biết bao giờ thì cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này mới chấm dứt? – Giamin nghe tiếng mẹ nói sau lưng - Đến ngủ cũng không cho bọn trẻ ngủ. Người ta đã cướp mất tuổi thơ của chúng…
Đã có khoảng hai mươi người tập trung ở phân xưởng rèn. Những người thợ rèn đang làm việc lúc ấy cũng được điều động đi khuân tà vẹt. Chỉ có một lò là vẫn tiếp tục làm việc, đó là lò của thợ rèn Viđônốp, hay bác Misa, như người ta vẫn gọi. Bác là một người gày gò, gù lưng, hai má trễ xuống trên khuôn mặt màu sáp ong bao giờ cũng ảm đạm, đôi mày màu hung đỏ luôn nhíu lại. Nhưng Viđônốp là thợ rèn thượng hạng, có thể làm các công việc tinh vi nhất. Khi làm việc, gò má bác khẽ ửng đỏ, đôi mắt mờ, nhợt nhạt vì ngọn lửa rèn ánh lên một cách kì lạ, đôi môi mỏng uốn thành một nụ cười. Bác Misa thường động viên người thợ quai búa bằng những câu pha trò, bằng những tiếng búa âm vang và ngân rung của mình. Chắc hôm nay bác phải làm một công việc quan trọng nào đó, nếu không, trong khi đang thiếu người khuân tà vẹt thế này, người ta đã chẳng để bác và Anđơrây Xêliép, người thợ quai búa rất khoẻ mạnh của bác ngồi yên.
Đã ba giờ sáng mà người phụ trách vẫn chưa thấy đến. Mọi người đi đi lại lại như bầy ruồi ngái ngủ, uể oải nói chuyện với nhau hay ngáp dài thành tiếng. Một số người cáu kỉnh lẩm bẩm: “Không chờ được đến sáng nay hay sao mà đêm hôm phải dựng người ta dậy thế này?”
Cuối cùng, đốc công Xamôrucốp từ phân xưởng dụng cụ đi ra. Vừa vuốt vuốt bộ râu rậm ám khói, ông vừa nhìn những người công nhân quanh mình, lẩm bẩm điều gì đó trong miệng rồi bắt đầu nói một cách mệt mỏi, chậm chạp, mắt nhìn xuống nền đất của phân xưởng rèn:
- Thế là người ta đã đánh thức các đồng chí dậy! Vâng… Các đồng chí tưởng mai sẽ được nghỉ một ngày, mà hoá ra lại phải thế này đây. Tôi biết các đồng chí đang trách tôi, và nghĩ là chắc đốc công Xamôrucốp muốn tâng công với cấp trên, nên hắn ta không thể chờ đến sáng… Các đồng chí nghĩ như thế là đúng… Tôi có thể chờ đến sáng…. - Rồi bác bỗng ngẩng chiếc đầu to rối bù của mình và bắt đầu nói sang sảng, hoàn toàn không giống lúc nãy – Nhưng thử hỏi chờ đến mai thì còn ai ở nhà? Ai? Người thì đi xách súng vào rừng đi săn, người đi hái quả, người đi cắt cỏ… Cứ kiểu ấy, ít ra cũng gần chục người không ở nhà rồi. Nghĩa là chúng ta sẽ phải gánh phần của họ, chừng nào họ chưa tới xưởng làm việc vào thứ hai. Rồi lại còn phải để Viđônốp và người thợ cùng làm với bác ta ở lại xưởng nữa. Thành ra tất cả chúng ta phải chia nhau mà gánh phần việc của họ…
Trong khi đốc công đang say sưa nói thì các cậu trong đội của Giamin đến ngồi quanh bên chiếc lò rèn rực lửa và càu nhàu về việc vỡ kế hoạch ngày chủ nhật. Như một con vẹt, thằng Rỗ luôn mồm lặp đi lặp lại một câu:
- Thủ trưởng thì ngủ khì ở nhà mà chúng mình, như những thằng ngốc cứ quẩn quanh ở đây…
- Này Lênca, tao lấy kìm xoắn lưỡi mày ra đấy! – bác Misa giận dữ bảo hắn
Còn đốc công Xamôrucốp thì ngồi xuống đe, nói tiếp:
- Các đồng chí sẽ bảo là làm suốt mùa hè mà không được nghỉ một ngày nào! Vâng, tôi biết, tôi biết! Cả cán bộ lãnh đạo tuyến cũng biết. Thế các đồng chí tưởng ở ngoài mặt trận cũng có ngày nghỉ à? Tôi hỏi các đồng chí: ngoài mặt trận cũng có ngày nghỉ à? – Ông nhìn mọi người, hạ giọng nói tiếp: - Có, có điều là nghỉ dưới mộ hay như Xtêpan Xôlôcốp mà thôi… Khi hai chân bị cưa đến tận rốn.
- Bác nói điều này với chúng tôi làm gì, Piốt Pêtrôvích? - Một người nào đấy lên tiếng – Chúng tôi không phải là người và không hiểu hay sao? Kể ra để sáng mai thì cũng đỡ vất vả hơn thật…
Xamôrucốp bỏ chiếc mũ lưỡi trai bằng da mà bao giờ bác cũng đội, cho vào chiếc túi áo mưa rộng thùng thình của mình:
- Tất nhiên, cán bộ lãnh đạo tuyến của ta tốt lắm – bác chậm rãi nói tiếp: - Nếu biết tôi đã dựng các đồng chí dậy vào giữa đêm thế này thì có thể cắm ngòi nổ vào người tôi đấy…
Có tiếng cười nổi lên:
- Nhưng ngòi mà không có thuốc súng thì bác cũng chẳng tan xác được đâu, Piốt Pêtrôvích ạ.
- Chỉ có bỏng nặng thôi…
- Không sao, Piốt Pêtrôvích chỉ hơi hoảng thôi…
- Thì hẵng cứ cho là thế - đốc công đáp lại những lời pha trò - Được, giả sử tôi chờ đến sáng mai mới gọi các đồng chí dậy, lúc ấy sẽ thế nào? – Bác tiếp tục thanh minh - Chờ các đồng chí tập trung đầy đủ, kéo nhau tới chỗ làm việc, dọn toa xe chuẩn bị chỗ làm… thì sớm ra đến 10-11 giờ mới bắt đầu làm việc được. Mà theo điện trên thì đúng 17 giờ 00 chuyến tàu đầu tiên đã phải sẵn sàng xuất phát rồi. Cho nên các đồng chí cũng tự hiểu tại sao tôi phải gọi dậy từ bây giờ?
- Có gì mà hiểu với chẳng hiểu!
- Thế thì tốt! Còn bây giờ, tinh thần đã nhẹ nhõm, ta bắt đầu đi thôi!
Vừa nói chuyện ồn ào, công nhân vừa bắt đầu ra khỏi phân xưởng rèn.
Bầu trời đêm như được nới rộng ra. Phương Đông đã rạng sáng, bắt đầu ngả sang màu xám sáng. Sao nhạt dần. Theo đoàn người cùng đi xa là tiếng búa nhỏ của bác Misa đập giòn giã xuống đe. Đáp lại những tiếng ấy là tiếng búa tạ ầm ầm và mạnh hơn.
Càng đến gần xưởng tà vẹt, mùi dầu crêôdốt càng bốc lên nồng nặc. Cạnh cổng ra vào là một bà lão mặc áo khoác ngắn, vẻ ngái ngủ, cây súng trường cổ lỗ sĩ kẹp giữa gối. Vẫn ngồi yên trên ghế, bà lão hỏi:
- Cả đoàn cả lũ kéo nhau đi đâu mà sớm thế này?
- Đi công việc, bà ạ…
- Đi đâu, đi đâu? – bà lão gác cổng đứng dậy, banh cổ áo ấm, đặt lòng bàn tay nhăn nheo lên vành tai
- Ngủ quên rồi, bà già ơi, lại còn hỏi “đi đâu, đi đâu” – Lênca nói như gầm gừ
- Tao cho mày biết tay, đồ nhóc, bảo tao ngủ quên à? – bà lão hùng hổ bước ra chặn đường nó - Giấy tờ đâu? Khéo pha trò đấy, con ạ. Tao nhẵn mặt thằng như mày rồi! Cứ trông cái mõm của mày cũng đủ biết xấu tốt thế nào!
Lênca định xông bừa lên phía trước nhưng bà lão đã đưa nòng súng gạt ra một bên rồi nghiêm khắc nói:
- Đứng yên! Không được làm phiền người khác. Chờ Ivan Chikhônôvích tới sẽ nói chuyện với mày.
Cái tên Ivan Chikhônôvích của một người bí mật nào đó đã được bà lão nhắc đến với sự kính trọng đặc biệt, đến nỗi xung quanh bỗng trở nên yên lặng trong chốc lát.
- Phải thế chứ - hài lòng vì thấy mình đã gây được ấn tượng cần thiết, bà lão nói, lần này đã dịu giọng
Công nhân thậm chí còn thấy làm thích thú về cái cảnh vừa xảy ra. Còn Lênca thì ngồi xuống chiếc ghế trong bục gác, nhếch mép nói:
- Mình thì chẳng việc gì phải vội cả. Mình có thể ngồi suốt ngày ở đây cũng chẳng sao…
Một người trong đám công nhân lại gần, ra bộ nói khó với bà lão:
- Này mẹ ạ, không thể để cậu này ở đây được. Cậu ấy rất cần cho công việc. Mẹ biết không, cậu ấy mà không được làm việc thì sẽ chết mất. Mẹ xem mặt cậu ấy buồn chưa kìa?
- Thật thế à? – bà lão ngạc nhiên – Thế mà tôi trông mặt hắn có vẻ gian xảo lắm, tuy có đẹp thật.
Lúc này Côlia, Gôga và Giamin đi lại:
- Thế nào, sao lại ngồi đây? – Côlia hỏi
- Các cậu thấy đấy, mình bị bảo vệ giữ lại đây cho đến khi chính Chikhôn Ivanôvích đến - Thằng Rỗ cười hì hì.
- Ivan Chikhônôvích, - bà lão chữa lại, rồi giận dữ nói thêm – Thôi, xéo đi, kẻo tao lấy báng súng nện cho bây giờ. Hay đấy, mọi người thì làm việc mà hắn thì ngồi ở chỗ ấm chờ Ivan Chikhônôvích. Không được! Còn mình, đã già mà vẫn ngốc, cứ tin là hắn thích làm việc thật.
Lênca miễn cưỡng đứng dậy, đi theo các bạn. Hắn nói:
- Thế có bực không… Định đã thế cứ ngồi đây cho khoái thì mấy thằng này lại đến. Thiếu mình thì có sao đâu…
- Cậu không nghe đốc công bảo gì à? – Giamin ngắt lời hắn – Trong kế hoạch người nào cũng có phần việc của mìn. Cậu tưởng là tà vẹt tự nhảy lên toa chắc?
- Tớ cần quái gì cái kế hoạch của cậu. Tớ là thợ nguội, không phải phu khuân vác, - thằng Rỗ càu nhàu – Bây giờ tớ mà không làm thì cũng chẳng ai làm gì được tớ…
- Thì thử xem! – Các cậu đi lại những đống tà vẹt. Cạnh đấy một đoàn tàu không đã đợi sẵn. Mùi trứng thối lẫn mùi dầu hoả xông vào mũi, vào cuống họng nồng nặc, khó chịu. Xung quanh có tiếng người ho. Đốc công Xamôrucốp chia toa không cho các đội trưởng, điểm người, hoá ra, một công nhân phải phụ trách một toa mà vẫn còn thừa năm toa trục kép ở cuối đoàn tàu. Cuối cùng, mọi người quyết định cùng bốc chung mấy toa này.
Bỗng một người lạ mặt mặc đồng phục đường sắt có một ngôi sao đỏ trên đường viền ve áo xuất hiện. Anh ta lại gần đốc công, tự giới thiệu:
- Tôi là Côriakin, trưởng đoàn tàu khôi phục. Các đồng chí phải hiểu cho là không có tà vẹt, chúng tôi không xuất phát được. Mà Mátxcơva thì yêu cầu phải khôi phục gấp các tuyến đường gần mặt trận. Tôi rất mong các đồng chí cố gắng. Các đồng chí biết đấy, tiền tuyến đang chờ chúng ta…
Giọng Côriakin đều đều và nhỏ nhẹ. Chỉ có đôi má hơi ửng đỏ và ánh mắt là để lộ vẻ xúc động.
- Cố gắng! Anh không thấy là ai phải vác tà vẹt kia à? - một người nào đấy trong số các đội trưởng lúng túng nói, hất đầu về phía bọn thiếu niên.
- Chúng tôi sẽ cố gắng, đồng chí Côriakin ạ, - Xamôrucốp nói - Quả là người chúng tôi thiếu thật, anh trông thì biết. Chúng tôi đứng vững được cũng là nhờ các cậu ấy. Tất nhiên, bắt các cậu ấy vác tà vẹt bây giờ kể cũng hơi sớm, nhưng biết làm thế nào được, thời chiến cơ mà!
Khi đồng chí trưởng tàu khôi phục đi khuất sau các đống tà vẹt, Xamôrucốp ra lệnh mọi người bắt đầu làm việc. Những người đang hút thuốc rít vội mấy hơi cuối cùng, lấy ngón tay bóp tắt những điếu thuốc tự quấn, rồi người thì cho vào túi đựng thuốc, người thì cẩn thận cho vào túi áo trong hay vào những chiếc hộp thuốc làm từ thời trước chiến tranh. Mọi người vội tản đi tới chỗ làm việc của mình, không ồn ào, lộn xộn.
Cạnh mỗi toa có những chiếc móc tà vẹt to tướng, lớn dễ gấp mười lần những chiếc thường, dùng để cặp đống tà vẹt trơn như cá sộp.
Đội của Giamin quyết định cả bốn người cùng bốc một toa, vì làm thế nhanh hơn, dễ đặt các thanh tà vẹt khó tính vào chỗ hơn. Một cậu dựng đứng các thanh tà vẹt, hai cậu khác đi đến, vác lên vai và mang đến toa. Cậu thứ tư sẽ dùng kẹp sửa và dồn chúng nằm sát nhau. Trong toa, công việc có vẻ nhẹ hơn nhưng cần nhanh nhẹn và mắt phải biết ước lượng. Nếu có chiếc nào nằm chênh vênh mà không sửa kịp thời thì sau cả đống sẽ cồng kềnh, lộn xộn, phải dỡ ra xếp lại hết.
Giamin và Lênca khiêng mười chiếc đầu tiên. Côlia ở trong toa, Gôga dựng các thanh tà vẹt. Lúc đầu các cậu như nghẹt thở vì mùi crêôdốt, vất vả lắm mới giữ nổi những khúc gỗ vuông cạnh, óng ánh đen, không hiểu sao cứ như cắn chặt vào vai, nhưng rồi các cậu cũng quen dần, làm nhanh hơn, các thanh tà vẹt như tự nhảy lên vai, gọn và chắc chắn đến mức có thể khiêng đi hàng cây số được.
Cứ khoảng 100m lại có một chiếc đèn mờ không đủ sáng để làm việc. Cạnh các đống tà vẹt còn có chút ánh sáng chứ ở gần toa và trong toa thì hoàn toàn tối om, phải vừa làm vừa sờ sẫm.
- Các cậu phải đốt lửa lên thôi – Lên ca bỗng đề nghị khi Giamin suýt vấp phải chiếc cầu gỗ để lên toa.
- Cậu điên hay sao mà nói thế? Không biết đang làm việc ở đâu à? – Gôga bác lại
- Lấp sau những đống tà vẹt thế này thì ai nhìn thấy mà sợ - thằng Rỗ vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, lôi chiếc bật lửa từ túi ra - Tớ không muốn gãy cổ, nó còn phải đỡ đầu tớ nữa chứ!
- Côlia, Giamin ơi! – Gôga gọi to, đi lại gần Lênca - Cậu muốn đốt cháy tất cả hay sao? Ở đây cả thuốc lá cũng không được hút nữa là. Không thấy, các bác công nhân phải lại gần các thùng nước mới dám hút đấy à?
- Ai thì không được nhưng tớ thì được, - thằng Rỗ bướng bỉnh nói, bật lửa châm các vụn gỗ rồi quì xuống thổi. Ngọn lửa nhấp nháy mấy cái rồi bùng cháy, soi sáng chung quanh.
- Cậu làm gì thế này? - Có tiếng Giamin nói trên đầu hắn. Cậu đạp chiếc giày được khâu bằng lốp ô tô cũ lên ngọn lửa.
- Còn cậu thì làm gì thế? Nói gì thì nói, nhưng cám không được đặt chân lên đấy! Cậu tưởng là đội trưởng thì có quyền làm gì cũng được à?
- Đúng, có quyền! Mấy bác công nhân mà thấy thì thế nào họ cũng đấm cho vào mõm. Phải nhớ lấy điều đó…
Trời hửng sáng, mặt trời đã nhô lên sau dãy núi xa xa, các cậu nhìn mặt tưởng như mới gặp lần đầu, mặt cậu nào cũng loang lổ những vết dầu crêôdốt. Cả bọn chỉ tay vào nhau, cười to:
- Gì mà phải cười rống lên thế? - Thằng Rỗ nói - Người đã nhọ nhem như quỉ sứ, lại còn lấy thế làm sung sướng. Đồ quê kệch…
- Ai là đồ quê kệch? – Côlia nhảy từ trong toa ra - Tiếc là mày đang vác nặng, không tao cho mấy cú.
- Thì đấy! – thằng Rỗ càu nhàu hất chiếc tà vẹt xuống đất – Mày vác đi, tao vào làm thay mày. Làm như tao không biết, một thằng dựng đứng tà vẹt, thằng khác vờ vĩnh trong toa…
- Được, cậu vào thay Côlia đi – Giamin ngắt lời nói - Cậu chỉ được cái lắm lời. Còn thanh tà vẹt này, Lên ca, cậu phải mang vào trong toa..
Thằng Rỗ còn định nói gì, nhưng sau chỉ hằn học lườm các cậu rồi lặng lẽ cúi xuống. Hắn định dựng đứng thanh tà vẹt lên nhưng nó vẫn cứ bám chặt lấy mặt đất. Hắn thử đầu này rồi lại thử đầu kia, nhưng không thể làm gì được cả.
- Giúp cậu ấy một tay, Côlia, kẻo lại cố quá lòi ruột ra phải vào viện bây giờ.
- Kể ra danh dự cũng lớn đấy! – nhưng rồi Côlia cũng giúp hắn – Mà thanh tà vẹt cũng nặng thật đấy, - cậu nói vẻ thông cảm – Có lẽ bằng gỗ tùng lá rụng…
Bác đốc công đi lại, nhìn vào trong toa xem các cậu làm việc ra sao.
- Tốt lắm, các cậu, không thua người lớn tí nào! Nhưng cẩn thận, cũng đừng cố quá đấy. Cứ làm đều, chắc, không cần vội – Xamôrucốp khuyên.
Khi chất được nửa toa thứ hai, các cậu ít nói hẳn đi. Các cậu đã thấm mệt.
Bỗng Giamin nhận thấy không hiểu sao toa các cậu bây giờ xếp có vẻ như chóng đầy hơn. Cậu nói với Côlia. Côlia đáp:
- Có lẽ chúng mình đã quen, làm chóng hơn…
- Cậu chạy sang toa cạnh xem họ làm thế nào? – Giamin nói
Côlia chạy đi, một lúc sau quay lại. Vừa khoát tay vừa kêu to một điều gì đấy.
- Thế nào, họ có làm nhanh hơn chúng ta không? – Giamin hỏi
- Nhanh hơn à? Còn lâu! Họ xếp mới chưa đầy nửa toa – Côlia sung sướng báo tin
- Không thể thế được!
- Hoá ra mình nói dối à? Cậu chạy lại mà xem…
Giamin đứng suy nghĩ một lúc rồi đi sang toa cạnh. Trở lại cậu nói:
- Không, có lẽ toa của ta thế nào ấy… Ta xem lại một lần nữa đi, có thể xếp không đúng cách chăng?
- Kìa, sao bắt người ta chờ mãi thế? – có tiếng thằng Rỗ từ trong toa vọng ra – Khuân đi chứ, không được đứng thế, Xôlôcốp. Bây giờ thì cậu biết vác tà vẹt nặng thế nào rồi nhé! Tao biết chúng mày láu cá lắm…
Côlia và Giamin bước lên toa. Côlia đứng lên hàng tà vẹt đầu tiên, nhìn vào phía trong, gần chân tường:
- Gì thế? Cậu để quên cái gì à? Xuống đi, mình sẽ tìm ngay được bây giờ. Mình biết rõ từng thanh tà vẹt một - thằng Rỗ nói lúng túng nhưng vẫn còn cái vẻ trâng tráo của nó.
- Này, tao sẽ cho mày biết tay, đồ giả dối khốn khiếp, - Côlia nhảy từ đống tà vẹt xuống, xông lại định đánh hắn – Giamin, cậu xem hắn làm gì này! Trong ấy còn có thể xếp gọn hơn chục thanh tà vẹt nữa. Hắn chừa cả những cái hang rộng.
- Thế này thì có lẽ phải cho mày vài quả đấm vào mõm hả? Như thế chẳng có ích mấy… Trước là rắn độc thế nào, bây giờ vẫn như vậy… Dỡ ra, xếp lại đi, đồ khốn khiếp! Cho đến cái cuối cùng mới thôi! – Giamin tái mặt tới gần Lênca, nói – Mày định đánh lừa ai, hả? Tà vẹt này là để chở ra mặt trận, đồ vô lương tâm! Mày không nghe người kia yêu cầu chúng ta thế nào và nói gì về việc Mátxcơva đang chờ à? Thế mà mày đình chừa trống nửa toa…
- Cậu định tuyên truyền hắn hay sao? Hắn có biết chữ đâu! – Côlia nổi nóng - Để mình cho hắn một trận, cho hắn phải vác cái mặt tím bầm mà đi. Dùng lời mà nói với hắn có ăn thua gì đâu!
- Côlia, không được! – Giamin đứng ra chặn cậu
Thằng Rỗ nép người vào tường. Chắc hắn vừa nhớ tới mùa đông qua, nhớ toa tàu, lò sưởi nóng và những quả đấm chắc nịch của Côlia.
- Mình định làm thế nào cho tốt hơn mà các cậu lại… - Lênca lẩm bẩm
- Dỡ xuống! – Giamin ra lệnh và gọi Gôga lại
- Các cậu làm gì ở đây thế? – Gôga vừa bước lên tấm gỗ bắc vào toa, hỏi.
- Thằng Rỗ lại giở chứng. Phải xếp lại cả đống tà vẹt.
- Bắt hắn làm một mình! Tớ mà là đội trưởng thì tớ đã giã cho hắn một trận từ lâu. Phải bắt hắn làm khoán mới được, cho hắn biết miếng bánh hắn ăn giá bao nhiêu… Buông lỏng với hắn không được đâu… Nếu làm hết phần việc thì được lĩnh cả phiếu bánh mì, còn không làm được bao nhiêu, lĩnh bấy nhiêu.
- Gì mà hăng thế? - Đội trưởng ngắt lời cậu ta – Không nên lấy bánh mì mà doạ người khác. Làm việc thì tránh thế nào được khi thế này, khi thế nọ. Cậu không nhớ là thời gian đầu bọn mình cũng chỉ làm được 20-30% định mức đấy à? Nếu người ta cũng chỉ đưa cho mình chừng ấy phần trăm bánh mì thì hỏi có sức bây giờ mà làm việc nữa không?
- Mình không doạ, mà là giáo dụ-ục hắn – Gôga kéo dài giọng – Cái thằng này bao giờ cũng khôn vặt, giở trò hại chúng mình, mà cậu lại còn bênh hắn…
Được Gôga cổ vũ, Côlia lại xông tới thằng Rỗ, giơ nắm đấm.
- Thôi để nó yên, các cậu, như thế cậu ấy cũng đã biết thân rồi. Bắt tay vào làm đi! – Giamin dùng kẹp cặp thanh tà vẹt trên cùng, kéo về phía mình.
Các cậu lặng lẽ làm việc, chỉ đồng thanh xuýt xoa kêu lên mỗi khi có thanh tà vẹt nào đó nặng đổ sầm xuống. Mặt trời đã nung nóng mái sắt che toa, khiến các cậu làm việc như trong một chiếc lò sưởi nóng bỏng. Chật chội. Mùi dầu crêôdốt bị sấy nóng, bốc lên, xông vào cuống họng.
Khi các cậu dỡ xong đống tà vẹt mà Lênca đã xếp một cách giả dối và đang bắt đầu cẩn thận xếp lại từng cái một thì đốc công Xamôrucốp đến. Ông nhìn vào toa, ngạc nhiên hỏi:
- Sao các cậu lại tụ nhau một chỗ thế này? Nếu định nghỉ thì ra ngoài trời mà nghỉ.
- Chúng cháu gặp phải mấy thanh tà vẹt cong không chịu nằm gọn với nhau đành phải dỡ ra xếp lại, - Giamin ngảnh đi chỗ khác, không nhìn mặt đốc công, đáp.
- Thế thì làm việc đi. Các cậu để người khác vượt rồi đấy. Nhanh lên một tí. Chiều đã có đầu máy đến kéo. - Rồi ông lại biến mất sau toa xe, các vụn gỗ dưới chân kêu lạo xạo.
- Thấy chưa, Lênca, chỉ vì cậu mà cả đội mình có thể làm không kịp đấy – Côlia nói qua kẽ răng – Làm nhanh lên và cất cái mặt phụng phịu ấy đi…
- Mình có phụng phịu đâu… Vẫn làm hết sức đấy chứ. Cậu nhìn xem… - Lênca nhấc lên vai một thanh tà vẹt rồi loay hoay không biết đặt vào đâu.
- Ai bảo để lên vai làm gì? Có thể lấy cái kẹp mà kéo kia mà? – Côlia lại bực bội nói - Cậu thì nặng mà bọn mình thì thêm vướng.
Khuân đầy toa xong các cậu đã nằm xoài trên mặt đất, chân duỗi thẳng, tay giang ngang, mắt nhắm lại. Chỉ bây giờ các cậu mới nhận thấy chân và các ngón tay của mình run run. Khó mà tưởng tượng nổi bây giờ có ai có thể nhấc các cậu khỏi mặt đất đầy mùi cỏ và dầu hoả đã được mặt trời sưởi ấm này.
Cái mệt và buồn ngủ đè lên người các cậu không tài nào cưỡng nổi. Thậm chí, không tin được là mặt đất đầy mảnh gỗ nhọn lại có thể mịn màng, êm ả, còn không khí lại trong lành dễ chịu đến thế. Cỏ xung quanh thấm dầu crêôdốt, nhưng lác đác vài nơi, ở chân các đống tà vẹt, cạnh đường ray, một vài bông hoa ngưu bàng tim tím khẽ lung lay trước gió, những cây cúc vươn những nụ hoa trắng, nhỏ với những chiếc lá dài, yết ớt, về hướng mặt trời.
Cạnh các toa khác, mọi người cũng đã kẻ ngồi, người nằm, quá mệt mỏi vì công việc. Họ chậm rãi nói chuyện với nhau. Giamin không nghe rõ những gì họ nói với nhau nhưng đoán là vẫn như mọi khi, người lớn đang nói về tình hình chiến sự, rồi sau thế nào cũng nhắc đến những người đã hi sinh hay những người trở về tàn tật, bàn nhau giúp họ cắt cỏ, lấy củi, vì mùa thu đã đến gần.
Giamin thấy một vài cậu đã thiếp đi. Một con muỗi vo vo bay đến rồi lao xuống đốt vào tay Gôga. Nhưng gặp phải lòng bàn tay chai sạn không lấy gì làm mềm lắm, con muỗi đập cánh, vuốt vuốt hai chân trước tìm chỗ hiểm để châm nọc. Cuối cùng, nó tìm được chỗ mềm, cong đít định cắm chiếc vòi xuống da. Không nhịn được thêm, Giamin đập đánh đét một cái. Một vệt máu đỏ hằn trên tay người ngủ. Gôga ầm ừ mấy tiếng gì đấy trong mơ, lấy tay gãi gãi chỗ con muỗi vừa đậu, rồi trở mình ngủ tiếp.
Đốc công lại đến. Ông không nói gì, chỉ mở cửa toa đánh kẹt một cái, chăm chú nhìn những thanh tà vẹt to, chắc, trông giống như những con cá lớn bị chặt đầu và đuôi, rồi lại đóng sập cửa.
- Vẫn làm việc tốt đấy chứ? – ông hỏi, rồi không đợi trả lời, nói tiếp: - mà cậu, đội trưởng, không nên để các cậu ấy nằm thế, sau chỉ mệt thêm. Làm gì cũng vậy, phải quen mới được, - rồi ông bỏ sang toa khác, hai tay chắp sau lưng, đầu hơi cúi về phía trước.
Giamin cầm một chiếc que xuống đất bên cạnh đặt một hòn sỏi nhỏ, “khi nào bóng chiếc que đổ tới hòn sỏi, mình sẽ đánh thức các cậu ấy dậy”. - cậu nghĩ bụng rồi ngả lưng xuống đất.
Trên trời, những đám mây nhẹ, thưa thớt đang lững lờ bay. Nhìn như dán mắt vào chúng, Giamin cảm thấy mình cũng đang bay, cả mặt đất đỡ những toa tàu đầy hàng, cả xưởng tà vẹt khổng lồ với ống khói cao ngút cũng đang bay. “Mình đang bay! Hoan hô! – suýt nữa thì cậu kêu lên – nghĩa là mình không ở một chỗ, mặc dù đang nằm. Mặt đất như một con tàu đang chở mình đi giữa các vì sao…”. Ý nghĩ này làm cậu hết sức thích thú, nhưng đồng thời không hiểu sao cũng làm cậu cảm thấy buồn nữa. Giamin nhắm mắt, rồi lại mở mắt. Cậu tin chắc là cậu có bay thật, thậm chí còn hơi chóng mặt nữa… Điều khám phá mới mẻ này làm cậu xúc động, hồi hộp. Cậu lập tức đánh thức các bạn dậy và hỏi chúng có thấy đang bay như mình không.
Côlia miễn cưỡng mở mắt, vừa ngáp vừa đáp:
- Thì đã sao? Mây bay, mình bay…
- Còn mình thì có vẻ như bay, có vẻ như không – Gôga thờ ơ đáp
- Tưởng gì lạ lắm! Bay hay không cũng thế - thằng Rỗ càu nhàu rồi nằm sấp.
- Đúng là mình bay thật, các cậu ạ! – Côlia bỗng kêu lên – Có điều phải nhìn thật chăm chú mới thấy.
Nghĩa là tất cả đều bay. Nghĩa là ước mơ của cậu (Giamin sợ, chưa bao giờ kể với ai, ngay tự thú với mình cũng còn thấy ngại ngùng) sẽ trở thành sự thật… Rồi liền lúc ấy cậu đã nghe Lênca ngáy. Hắn gối đầu lên tay, ngủ ngon lành, không nhớ gì tới việc vì hắn làm dối mà cả đội phải vất vả xếp lại cả một đống tà vẹt gần 50 chiếc.
Giamin lay sườn Lênca:
- Dậy, đồ lười, ngủ như thể một mình cậu vừa xếp xong tất cả mọi toa.
- Thế các cậu khác? - hắn càu nhàu – Mình phải làm hơn người khác, hả? À!
- Người ta đã dậy cả rồi
Các cậu vất vả bước những bước đầu tiên. Cúi xuống nhấc tà vẹt lên khỏi mặt đất, các cậu thấy các cơ bắp đau nhức như có một người vô hình nào đấy lấy gậy nện lúc thì xuống đôi vai rát bỏng, lúc thì vào tay các cậu…
- Đồ chết tiệt! - thằng Rỗ bông kêu to rồi hất thanh tà vẹt vừa đặt lên vai xuống đất.
- Cậu tưởng ở đây là thiên đường, muốn làm gì thì làm, không thì thôi à? – Côlia lại gần hắn - Cậu xem cậu đã làm gì… Bọn mình thì nhấc lên, còn cậu lại vứt xuống. Hay chỉ mình cậu đau vai thôi?
- Thôi, Côlia – Giamin ngăn bạn - Cậu ấy mệt, không chịu nổi…
- Thế mình, mình không mệt à? Gôga cũng không à? – Côlia nhăn mặt nói như sắp oà lên khóc.
Giamin quay mặt sang chỗ khác, nói:
- Tất cả đều mệt, nhưng cậu ấy mệt hơn cả. Cậu ấy chưa quen làm những việc như thế này. Đến cắt cỏ cậu ấy cũng không biết, cả đến xẻ gỗ, bổ củi cậu ấy làm cũng chẳng nên thân…
- Đúng thế, chỗ mình làm gì cũng bằng máy… Còn liềm thì chưa bao giờ mình cầm lên tay… - Lênca lúng búng nói.
- Đấy, thấy không. Làm gì chưa quen cũng mệt. Sau một vài lần sẽ thấy đỡ hơn.
Lại tiếp tục làm việc. Để tiết kiệm sức, các cậu thong thả bước từng bước đều đặn như những người thợ khuân vác cẩn thận và kinh nghiệm.
Khi xếp xong toa thứ hai, trời đã xẩm tối. Đốc công đi lại mấy lần, giục:
- Nhanh lên, các cậu ơi, nhanh lên tí nữa! Kẻo không các cậu phải về sau cùng đấy. Các toa khác người ta sắp xong rồi.
Các cậu nghe ở đâu ông cũng nói như thế, nhưng vẫn cố làm nhanh để không phải xong cuối cùng. Khi mọi người ra về, trời đã tối hẳn. Một người nào đấy trong đám công nhân lớn tuổi nói buông một câu với người khác, cũng mệt mỏi như bác ta và đang không buồn động lưỡi:
- Mấy cậu kia thế mà giỏi, làm chẳng thua gì cánh mình.
- Thật thế, không chê vào đâu được! Cả thằng Lênca cũng làm ra trò…
Lênca nghe hai người nói chuyện với nhau, lên tiếng:
- Được điếu thuốc quấn mà hút, đội trưởng nhỉ, - dù biết trong đội không cậu nào hút thuốc.
Sự việc xảy ra đúng như nó dự định, - ngay lúc đó một người trong đám công nhân lớn tuổi bảo cậu:
- Này sếu vườn, lại đây! Hôm nay cậu làm việc khá lắm.
Thằng Rỗ đi lại:
- Nghĩa là cậu sống theo nguyên tắc: muốn bon chen của người khác chứ gì? Lấy đi, lấy đi… thêm tí nữa… Này, cầm lấy, chốc nữa hút.
- Thôi, đủ rồi ạ, chừng này cả đội hút vẫn còn thừa, - Lênca nói, vẫn không tin là tại sao những người này, lúc sáng keo kiệt với cậu thế, bây giờ lại một lúc cho cả một nhúm thuốc lớn. Và nói chuyện với cậu như người ngang hàng. Công nhân thật là khó hiểu.
Giamin chưa kịp vào nhà thì mẹ cậu đã chạy ùa ra đón bằng những tiếng kêu sung sướng lúc thì khóc, lúc thì cười, trong bóng tối mẹ giơ cho cậu xem một chiếc phong bì ba góc.
- Này, xem đây, đọc đi, đọc đi… Thư của anh mày đấy… Còn sống… Chỉ bị thương thôi. Ở đâu thì không thấy nói. Anh mày còn nhắc đến mấy con hổ gì nữa. Cô láng giềng đã đọc cho mẹ nghe rồi. Con đọc mẹ nghe nữa đi…
Giamin chậm rãi đọc bức thư của anh hai lần. Cậu giải thích cho mẹ biết “con hổ” là tên một loại xe tăng mà bọn Đức hết lời khoe khoang, và anh cậu đã dùng đại bác bắn cháy hai “con hổ” như thế, và đang được đề nghị tặng thưởng. Còn “cung sông” là một nơi ở ngoại vi thành phố Cuốcxcơ, nơi hai tháng liền đã xảy ra những trận đánh lớn, ác liệt. Ở đấy bọn Đức bị quân ta cho nếm đòn có lẽ còn đau hơn ở Xtalingrát nữa.
- Sướng quá, con nhỉ! – thím Samsura nói, tay vẫn giữ chặt bức thư. Rồi như chợt tỉnh, thím nói - Ồ, sao mẹ lại hoàn toàn quên khuấy con thế này! Mừng quá hoá ra quên cả… Mà người con bốc mùi dầu hoả hay mùi gì nữa mẹ không hiểu. Bọn con làm việc ở xưởng tà vẹt à?
- Vâng.
Trong lúc Giamin cởi bộ quần áo dính đầy dầu crêôdốt ra, mẹ cậu đặt chảo khoai tây, sữa và một miếng bánh mì nhỏ lên bàn. Khi cậu cởi áo sơ mi để lau rửa người phía trên, mẹ cậu kêu lên:
- Ôi, vai con làm sao thế này? Ngã ở đâu à? Da bong hết.
- Con vác tà vẹt, do chưa quen đấy mẹ ạ… Những người chuyên làm việc ở đấy có đệm lót vai, còn bọn con thì cứ thế… - cậu con trai đáp rồi an ủi mẹ - Không sao, mẹ ạ, rồi sẽ khỏi… Chính mẹ thường nói, quí hồ xương cốt nó không gẫy thôi, chứ thịt da thì sẽ mọc lại…
Sáng hôm sau, phải khó nhọc lắm thím Samsura mới đánh thức được Giamin dậy. Cậu luôn miệng nói: “Bây giờ, con dậy bây giờ” nhưng lại quay sang ngủ tiếp. Mẹ cậu phải kéo cậu sang chiếc phản, nhúng tay vào nước, vuốt mặt cậu
- Con dậy đây, dậy đây mà – Giamin uể oải mấp máy môi, ngồi dậy mặc quần áo
Toàn thân cậu đau nhức khó chịu. Cậu thấy như chân không còn là của mình nữa, đạp xuống đất cứ như chân giả. Vất vả lắm mới mặc xong quần áo, ăn vội mấy miếng, cậu xách chiếc túi đựng thức ăn ra đi.
- Mẹ làm cho con cái này đây – bà mẹ chìa cho con trai miếng đệm lót vai làm bằng ống tay áo ấm cũ – Có lẽ đỡ đau hơn.
Giamin muốn ôm chầm lấy mẹ, nói với mẹ lời cám ơn, nhưng rồi kìm lại: như tất cả các thiếu niên mới lớn lên, cậu cố đối xử với mẹ làm sao cho có vẻ chững chạc. Thím Samsura đã hiểu được trạng thái này của con trai: đôi mắt cậu để lộ niềm vui và lòng biết ơn, cái mà cậu thẹn thùng không muốn nói.
Thím vỗ vào lưng con dịu dàng nói:
- Đi đi, con… Các bạn đang huýt sáo gọi con đấy.
Ngày bốc vác tà vẹt thứ hai bắt đầu. Côlia cũng có một chiếc đệm lót vai, khâu bằng hai ống tay áo len. Không ai làm cho Gôga và Lênca miếng đệm lót. Người nào vác tà vẹt thì người ấy dùng đệm lót.
Công nhân xưởng cơ khí phải vác tà vẹt suốt tuần. Sau đoàn tàu khôi phục, người ta còn kéo đến đoàn tàu không nữa. Các toa xe sạm đen, lỗ chỗ vết đạn. Bánh và các bộ phận giảm xóc đầy các vết xước hoen gỉ. Ở một số toa, cửa vênh vẹo, chống vào nhau, phải lấy búa tạ đánh hồi lâu mới mở ra được. Mà người ta nói đoàn tàu này cần phải ra mặt trận còn gấp hơn đoàn tàu trước. Lần này có thêm công nhân xưởng sửa chữa đầu máy và xưởng sửa chữa toa xe đến khuân vác nữa. Trong số họ, không có ai là thiếu niên. Một người đàn ông má phính, đỏ, dáng nhanh nhẹn, trên ve áo có hai ngôi sao, lăng xăng chạy đi chạy lại dọc đoàn tàu, luôn miệng nói như quát. Bộ comlê vải len màu xám của ông ta cứ thấp thoáng hết chỗ này đến chỗ nọ. Ông ta tới đâu là công việc ở đó dừng lại, vì mọi người phải nghe ông ta giải thích về việc mặt trận phải chờ tà vẹt ra sao, và còn cả việc phải vác tà vẹt thế nào nữa. Ở đâu ông ta cũng nhấn mạnh đến địa vị công tác của mình:
- Với tư cách là đại diện cục, tôi nói với các anh như thế…
Ông lấy làm ngạc nhiên và phẫn nộ khi nhìn thấy đội công nhân thanh niên của xưởng cơ khí. Sau ngày làm việc hôm trước, các cậu trông rất mệt mỏi.
- Mấy cậu này là ai thế này? – ông ta bực bội hỏi Xamôrucốp đang đi theo – Làm được trò trống gì mà ở đây? - rồi hất đầu về phía bọn thiếu niên – Tôi được chính cục trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ đôn đốc việc bốc xếp tà vẹt, mà anh thì huy động những người thế này à? - Giọng ông ta vang lên the thé, bàn tay mũm mĩm luôn chém vào không khí - Thật chẳng khác gì một vườn trẻ, anh hiểu chứ? Anh định đánh lừa ai đấy?
- Đồng chí bình tĩnh… Bây giờ tôi sẽ giải thích tất cả để đồng chí rõ, - bác đốc công định thanh minh.
- Không cần giải thích, tự tôi cũng thấy tất cả!
Xamôrucốp muốn cho ông ta biết là ở xưởng của bác chỉ còn lại mấy người ốm yếu. Viđônốp và anh thợ phụ của bác ta, và hơn một nửa công nhân của bác bị điều đi công tác đột xuất trên tuyến đường cho kịp trước khi mùa rét tới.
- Rút mấy cậu nhóc này đi. Chúng chẳng làm được tích sự gì, chỉ quấy rầy người khác, - không chịu nghe đốc công nói, ông đại diện cục ra lệnh.
- Sao lại thế? – Xamôrucốp hỏi
- Xong! Không ý kiến gì nữa. Bây giờ là thời chiến. Đã đến lúc anh phải hiểu điều đó. Đấy là lệnh của tôi. Còn chúng mày, bọn nhóc, đi về!
- Từ lâu chúng tôi không còn là nhóc nữa… - Giamin bước lên phía trước, nói.
- Cái gì? Mày đang nói với ai như thế? Đồ vắt mũi chưa sạch!
- Chính ông là vắt mũi chưa sạch thì có, - thằng Rỗ lên tiếng.
- Mày nói gì? Muốn ra toà à?
- Này, đừng doạ chúng tôi, chúng tôi không nhát lắm đâu! - thằng Rỗ lại hằn học nói
- Oai nhỉ, ra bộ thủ trưởng lắm! Loại ấy cánh mình xơi tái thôi! – các cậu thi nhau nói
Ông đại diện bẽ mặt. Khuôn mặt tròn trĩnh của ông ta đỏ bừng. Ông béo phệ thấy trước mặt mình là những cậu bé quần áo lem luốc đang giận dữ nhìn ông, bèn vung tay đe doạ.
Công nhân nghe tiếng ồn ào chạy lại, biết rõ chuyện, phá lên cười. Ông kia có lẽ đã nhận thấy mình sai, bèn nói:
- Thôi được, cứ để chúng làm việc, nhưng tôi bảo trước là có việc gì xảy ra, dù nhỏ, dù lớn, cậu phải giơ đầu ra mà chịu trách nhiệm.
- Không phải cậu mà là bác phải chịu trách nhiệm, - một cậu trong bọn chữa lại - Thế mà cũng đòi là tri thức!
Như bộ không nghe thấy gì, ông đại diện cục nói thêm:
- Ta sẽ bàn tiếp ở đảng uỷ! - rồi xúng xính trong chiếc quần rộng, ông ta hấp tấp hướng đôi chân ngắn cũn của mình về phía cổng.
Xamôrucốp định đi theo, nhưng rồi khoát tay, quay lại chỗ các cậu.