Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Truyện dịch - 4vn.eu >

Học Viện 4vn

> Phòng dịch giả > Góc hỗ trợ
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #21  
Old 08-09-2009, 10:47 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Lai căng hay lai căn???????????

Trích:
Hỏi: Viết “lai căng” hay “lai căn”, thế nào mới đúng? (Bạn Thi Ngọc, Cao lãnh, Đồng Tháp)

Trả lời: Từ “Lai căn/lai căng” rất có thể chỉ xuất hiện sau năm 1930 vì trong tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) không thấy có. Chúng tôi chỉ nói là “rất có thể”, vì có những từ tồn tại rất lâu trong sinh hoạt cộng đồng trước khi được đưa vào tự điển, thậm chí không được đưa vào tự điển. Hai cách ghi “lai căng”“lai căn” lâu nay vẫn tồn tại song song trong nhiều cuốn tự điển. Việt nam tân tự điển của Thanh Nghị (1952) ghi là “lai căn”. Một số từ điển xuất bản tại miền Bắc lại ghi là “lai căng”.

Lai là pha tạp, không thuần nhất. Ta thường nói “lai căn (căng) mất gốc” như là một cách nhấn mạnh của “lai căn” (căng), theo nghĩa không còn giữ được bản sắc của cội nguồn, nên chúng tôi cho rằng chữ “căn” hẳn phải có liên hệ với chữ “gốc”. Do đó, phải viết là “căn” (nghĩa chữ Hán 根 là gốc), chứ không thể viết là “căng” được.

Có ý kiến cho rằng “lai căn” là cách đọc trệch của “ly căn”“xa rời gốc rễ”, hoặc là cách đọc trại của một từ tiếng Pháp, song dù rất cố gắng, chúng tôi vẫn chưa tra cứu được từ “ly căn” trong cuốn tự điển Hán Việt nào, cũng như chưa tìm được từ tiếng Pháp nào có cách đọc và ý nghĩa tương tự như “lai căn” nên chưa dám khẳng định, mà chỉ ghi thêm lại đây cho rộng đường dư luận, để độc giả tham gia ý kiến.

(KTNN số 644, ngày 01.07.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #22  
Old 08-09-2009, 10:47 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Từ “khuất tất” đúng nghĩa là gì?

Trích:
Hỏi: Tôi đọc báo chí, thường thấy các từ mới nghe rất lạ lùng, chẳng hạn như “game thủ”, “cơ thủ”… Đặc biệt có một từ lâu nay bị lạm dụng quá mức là “khuất tất”, mà cách sử dụng nhiều khi rất là lạ.

Xin đơn cử vài ví dụ:

1. Dự án sản xuất ô tô tải lớn nhất VN: Vừa khởi động đã khuất tất! (Tiền Phong Online, Thứ Hai, ngày 25.4.2005)

2. TP Hồ Chí Minh: Khuất tất trong đền bù giải toả tại Dự án KCN Tân Phú Trung (Bài, ảnh: Trần Thanh Bình, 1500, 4.10.2007)

Xin hỏi, từ “khuất tất” đúng nghĩa là gì? (Ông H.T (Gò Vấp)

Đáp: Chúng tôi xin được trả lời ông như sau:

Tân biên cổ kim Hán ngữ đại tự điển định nghĩa “khuất tất” 屈 膝“hạ quỵ 下 跪 ”: nghĩa là “quỳ gối”, hàm ý là "chịu khuất, chịu lòn cúi theo người”. Tự điển Văn Lâm (Wenlin) định nghĩa “khuất tất” gồm hai nghĩa:

- to kneel (quỳ gối).
- to sit with crossed knees (ngồi xếp bằng, tréo chân).
- Khuất tất cầu sủng 屈 膝求 寵: quỳ gối xin ân sủng.
- Khuất tất cầu hoà 屈 膝 求和: quỳ gối xin hoà
- Khuất tất cầu hàng 屈 膝 求 降:quỳ gối đầu hàng.

thì rõ ràng từ “khuất tất” đều có nghĩa là “quỵ luỵ” hay “quỳ gối” cả.

Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, in lần thứ hai) định nghĩa “Khuất tất: luồn lọt, quỳ luỵ: người có tiết tháo không bao giờ chịu khuất tất”.

Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế, Sài Gòn, 1952) định nghĩa: Khuất tất: đt. Uốn gối; ngb: lòn cúi, luồn luỵ. Se soumettre, se rendre; faire soumettre.

Khuất tất còn có nghĩa là “bắt người khác phải chịu khuất” như phụ chú tiếng Pháp faire soumettre trong tự điển Thanh Nghị.

Gần đây, một vài tự điển có bổ sung thêm nghĩa mới của từ khuất tất như được dùng hiện nay. Lâu nay, dúng như ông nhận xét, từ khuất tất bị lạm dụng quá nhiều trên báo chí, với ý nghĩa hầu như bị nhầm lẫn với “khúc mắc” hoặc “uẩn khúc” để biến thành nghĩa là “mờ ám”, “đáng nghi ngờ”. Hiện tượng khúc xạ ý nghĩa của từ Hán Việt vẫn thường xảy ra trong quá trình tiến hoá của ngôn ngữ. Song thời gian vài năm gần đây, báo chí vẫn ưu thế trong việc truyền đạt thông tin, đã góp phần làm rối rắm và tối nghĩa tiếng Việt bằng cách sử dụng quá đổi tuỳ tiện những từ mới mà không truy cứu từ nguyên, vô tình biến tiếng Việt thành con chữ vô hồn, xa lạ với cả người Việt.

Vấn đề ông thắc mắc cũng là điều mà những ai còn thiết tha với tiếng Việt không khỏi cảm thấy lo lắng, khi mà trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, tiếng Việt đang ngày càng mất đi sự trong sáng mà ta đã gặp trong các tác phẩm của các thế hệ đi trước, đặc biệt trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn.

Tạm thời, thì những người còn yêu tiếng Việt (như ông và tôi cùng nhiều độc giả khác) hãy chịu khó “khuất tất” vậy!

(KTNN số 644, ngày 01.07.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #23  
Old 08-09-2009, 10:47 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Có phải người Trung Quốc tìm ra định lý: Bình phương cạnh huyền bằng tổng số bình phương hai cạnh góc vuông?

Trích:
Hỏi: Ngay từ cấp 2, chúng ta đã biết định lý toán học “Bình phương cạnh huyền bằng tổng số bình phương hai cạnh góc vuông a2=b2+c2” (1) là định lý nói lên mối tương quan giữa các cạnh trong một tam giác vuông. Đây là định lý của Pythagore, nhà toán học và triết gia nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại. Nhưng có tài liệu nói rằng người Trung Quốc tìm ra định lý này trong tác phẩm “Cửu chương”, và có nhiều giai thoại liên quan đến nó. Không hiểu có đúng không? (Ông Nguyễn Bình – Huế)

Trả lời: Chúng tôi, cũng như ông, đều được học định lý nổi tiếng này ngay từ lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ), và biết tam giác vuông đơn giản nhất là hình có ba cạnh lần lượt là 3,4,5 (52 = 42 + 32) (2) hoặc là bội số của 3,4,5. Có một định lý toán học tương tự nổi tiếng không kém là định lý của nhà toán học người Pháp Fermat (1601-1665), cho rằng không thể tồn tại các số nguyên n,x,y,z với n>2 sao cho xn+yn=zn (3).

Định lý Pythagore được người Trung Quốc gọi là định lý “câu cổ huyền 勾 股 弦”. Trong tam giác vuông, cạnh góc vuông ngắn gọi là “câu”, cạnh góc vuông dài gọi là “cổ”, cạnh đối góc vuông gọi là “huyền”. Trong cuốn Tính danh thú đàm (Những câu chuyện vui về tên họ), tác giả Cam Hành cho rằng đây là phát hiện của các nhà toán học Trung Quốc trong tác phẩm Cửu chương thời cổ đại: “Ngã quốc số học gia sở phát hiện đích câu cổ định lý” (Định lý câu cổ do các nhà toán học nước ta (tức Trung Quốc – LH) phát hiện.



Trong cuốn sách này cũng có kể một giai thoại vui về định lý câu cổ như sau:

Năm 1953, phó viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc là Tiền Tam Cường dẫn đoàn chuyên viên ra nước ngoài khảo sát. Trong đoàn có nhiều nhà khoa học nổi tiếng như nhà toán học Hoa La Canh, chuyên gia về khí tượng học và vật lý địa cầu Triệu Cửu Chương v.v. Trên đường đi, trong lúc truyện trò vui vẻ, Hoa La Canh mới ghép tên hai ông Tiền Tam Cường và Triệu Cửu Chương thành hai vế đối ngộ nghĩnh như sau:

Tam cường Hàn Triệu Nguỵ,
Cửu chương câu cổ huyền.


三 強 翰 趙 魏
乆 章 勾 股 弦

“Tam cường” để gọi ba nước mạnh thời Chiến Quốc là Hàn, Triệu, Nguỵ. Còn “Cửu chương” là tác phẩm bàn về số học nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại, trong đó người Trung Quốc có đề cập đến định lý “câu cổ huyền”.

Chúng tôi chưa đọc tác phẩm “Cửu chương” nên chưa rõ nó ra đời ở Trung Quốc năm nào, song qua những tài liệu hiện có thì chúng ta hoàn toàn không có cơ sở để khẳng định định lý Pythagore, tức định lý “câu cổ huyền”, là do người Trung Quốc tìm ra. Trong lịch sử toán học , người Trung Quốc vẫn không có phát hiện gì đáng kể so với người Hy Lạp nói riêng và người phương Tây nói chung, ngoại trừ cái bàn toán. Có thể rằng, trong quá trình giao lưu văn hoá Đông Tây thời xa xưa, người Trung Quốc đã sớm biết đến định lý này của người Hy Lạp thông qua các thương nhân, và ghi lại nó trong các văn bản cổ như “cửu chương”.

Với cái đà này, không chừng các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại tìm cách khẳng định định lý Fermat là do các nhà toán học của họ đưa ra từ đời Đường, đời Hán cũng nên!

Đây sẽ là vấn đề mà chúng ta chờ thêm ý kiến của các bậc túc học và các chuyên gia.

(KTNN số 644, ngày 01.07.2008)

-------------------
(1) a bình phương = b bình phương + c bình phương
(2) 5 bình phương = 4 bình phương + 3 bình phương
(3) x luỹ thừa n + y luỹ thừa n = z luỹ thừa n

Lời bàn “chay” của Goldfish:

Dù chưa biết đến định lý Pythagore, có thể từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã sớm phát hiện ra rằng: “Tam giác có các cạnh lần lượt 3, 4 và 5, hoặc theo tỷ lệ đó, là tam giác vuông”. Và cái gọi là định lý “câu cổ huyền” của người Trung Quốc trong tác phẩm “Cửu chương” có lẽ cũng chỉ đơn giản có thế.

Lời bàn “mặn” của vvn:
Đọc trên mạng thấy họ còn chuyền banh qua lại về quyền tác giả giữa các toán học gia Trung quốc từ thế kỷ 11 trước công nguyên đến thời Nghiêu Thuấn. Họ đẩy lịch sử đi xa tít tắp về thời Đại Vũ trị thủy và chứng minh phương pháp trị thủy của Đại Vũ là ứng dụng của định lý Câu Cổ Huyền hay còn gọi thành định lý Thương Cao.

http://ks.cn.yahoo.com/question/1406102004024.html
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #24  
Old 08-09-2009, 10:48 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
“Duồng Mô Din” trong các tác phẩm của Bùi Giáng có nghĩa là gì?
Trích:
Hỏi: Tôi đọc vài tác phẩm của Bùi Giáng thấy dụng ngữ của nhà thơ này lạ quá. Gần đây, tôi có mua cuốn Sương Tỳ Hải (Nxb Văn Nghệ, 2007), thấy có câu thơ:

“Sương Tỳ Hải dội lên nguồn
Ngàn xưa ôi lệ ngóng Duồng Mô Din” (tr.192)

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy nhà thơ Bùi Giáng nhắc đến Duồng Mô Din trong các tác phẩm khác của ông. Xin hỏi Duồng Mô Din nghĩa là gì? Nó gắn liền với điển tích nào hay thơ ca gì không? Có tài liệu nào nói rõ thêm về Duồng Mô Din không? (Ông Trần Thanh, Hà Nội)

Trả lời: Dụng ngữ của nhà thơ Bùi Giáng rất đặc dị và khó hiểu, do ông sống trong một cảnh giới riêng biệt của mình. Trong những tác phẩm về sau, hầu như ông viết chỉ để mở một trận du hí với tư tưởng của mình, qua cách diễn đạt ngẫu hứng phiêu bồng, mà không quan tâm tới sự chia sẻ với bạn đọc. Duồng Mô Din là một trong các trường hợp như vậy.

Theo chỗ chúng tôi tra cứu thì Duồng Mô Din trong câu thơ trên chỉ là cách phiên âm chữ Mnemosyne pha chất “tếu” của nhà thơ Bùi Giáng cho hợp vần thơ. Mnemosyne cũng là nhan đề một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Đức Hoelderlin, mà ba câu đầu được triết gia Martin Heidegger chú giải rất sâu sắc trong tác phẩm Was heisst Denken? (Thế nào là suy tư?). Các nhà nghiên cứu hoặc các học giả chịu ảnh hưởng của Heidegger cũng thường phân tích ba câu này dưới nhiều bình diện và góc độ khác nhau. Ba câu đó như vầy:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.


Tạm dịch:

Chúng ta là một dấu hiệu, không có ý nghĩa
Chúng ta không còn đau khổ đoạn trường
Và gần như đã đánh mất ngôn ngữ nơi những miền đất lạ.

Nhà thơ Bùi Giáng có dịch một số chương của tác phẩm Was heisst Denken? này với tựa đề Sao gọi là suy tư?. Trong cuốn Sương Tỳ Hải mà ông đang đọc cũng có dịch một chương. Phần bình giải của Heidegger về bài thơ Mnemosyne này nằm trong chương đầu tiên của tác phẩm Was heisst Denken? cũng được nhà thơ Bùi Giáng dịch trong phần phụ đề cuốn Mùa hè sa mạc (trước 1975, cuốn này được xuất bản ở miền Nam, rất tiếc đến nay chưa được tái bản, dù một số sách của Bùi Giáng đã được in trở lại).

MnemosyneNữ Thần Ký Ức trong thần thoại Hy Lạp. Nàng là con gái của Thần Trời và Thần Đất. Nàng ăn nằm với Vương thần Zeus suốt chín ngày đêm và sinh ra chín Nàng Thơ (Muses). Người Hy Lạp cho rằng tất cả những trò du hí và âm nhạc, các điệu múa và thơ ca đều được xem như xuất phát từ Mnemosyne hay Nữ Thần Ký Ức. Từ Ký Ức ở đây hoàn toàn không được hiểu theo nghĩa Trí Nhớ thông thường, mà được xem như cội nguồn uyên nguyên của thi ca và tư tưởng. Do đó mà mới có “Sương Tỳ Hải dội lên lên nguồn/ Ngàn xưa ôi lệ ngóng Duồng Mô Din”!

Ông có thể tìm đọc nguyên tác tiếng Đức cuốn Was heisst Denken? Của Martin Heidegger và bản dịch tiếng Anh What is called thinking? của Fred D. Wieck và J. Gleen Gray tại địa chỉ www.archive.org. Chúc ông thành công.

(KTNN số 646, ngày 20.07.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #25  
Old 08-09-2009, 10:48 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Nguồn gốc chính xác của thuật ngữ “Khủng bố trắng”

Trích:
Góp ý: Vừa rồi trên báo KTNN số 641, ngày 1.6.2008, trong phần trả lời cho ông Lê Công Thi (Bình Quới), ông Liêu Hân trả lời như sau: “Khủng bố trắng” được dịch từ thuật ngữ “bạch sắc khủng bố”, dùng để chỉ chiến dịch khủng bố và tàn sát bằng bạo lực trên qui mô lớn”. Theo tôi, câu trả lời đó chỉ mới đúng về nội dung chứ chưa được chính xác về nguồn gốc. Có thể do ảnh hưởng của Trung Quốc, “khủng bố trắng” được dịch theo thuật ngữ “bạch sắc khủng bố”, nhưng nguồn gốc chính xác của nó phải là “La Terreur Blanche”, tiếng Anh gọi là “White Terror”, dùng để chỉ cuộc khủng bố Cách mạng Pháp vào năm 1795 và 1815.

Pháp Việt tự điển của Đào Duy Anh (Nxb Minh Tân, Paris, 1950) ghi như sau:

“La terreur blanche là cuộc bạch sắc白色 khủng bố, cuộc phản động 反動 khủng bố (chỉ sự giết hại người đảng cách mệnh buổi đầu thời kỳ Restauration)” (tr.1755).

Có lẽ ông Liêu Hân bị sơ sót về điểm này nên mới cho rằng “khủng bố trắng” được dịch từ “bạch sắc khủng bố” mà không lưu ý đến “La Terreur Blanche”. Ông Liêu Hân cần ghi chú thêm “La Terreur Blanche” và giải thích thêm về tính lịch sử của thuật ngữ này. Tài liệu về “La Terreur Blanche” có rất nhiều trên mạng, ông nên tham khảo thêm để trả lời bạn đọc cho đầy đủ và chính xác hơn.

Kính chúc ông sức khoẻ.

(Ông Nguyễn Ly, 81 đường 28, Bình Tân, TPHCM)

Trả lời: Chúng tôi vô cùng vui cùng và chân thành cảm ơn về ý kiến sửa sai của ông. Ý kiến đóng góp của ông rất chính xác. Quả chúng tôi đã có sơ sót không ghi chú thêm La Terreur Blanche. Chúng tôi tra cứu tự điển bách khoa Encyclopædia Universalis 2008 tại địa chỉ Web www.universalis.fr/encyclopedie/T303650/TERREUR BLANCHE.htm và xin bổ sung vào ý ông một đoạn trích nhỏ như sau:

“L'expression de Terreur blanche, dont l'origine reste incertaine, caractérise deux épisodes dans l'histoire de France: en 1795, … ; à la fin de 1815” (tạm dịch: “Thành ngữ Khủng bố trắng, mà nguồn gốc còn chưa xác định rõ ràng, được dùng để chỉ hai giai đoạn trong lịch sử nước Pháp: vào năm 1795…; và cuối năm 1815”).

Nhân đây, chúng tôi xin được phép trình bày thêm đôi điều cùng ông và tất cả bạn đọc. Với chúng tôi, mục “Chuyện Đông chuyện Tây” không phải là chuyên mục ngôn ngữ, nên những thắc mắc về ngôn ngữ chúng tôi chỉ giải đáp ngắn gọn ở mức độ giải thích được ý nghĩa mà không đi sâu vào từ nguyên, vốn là công việc của các tạp chí chuyên ngành và các chuyên gia về ngôn ngữ. Chúng tôi muốn dùng mục “Chuyện Đông chuyện Tây” như một diễn đàn chung không mang tính học thuật nặng nề, để mọi người có thể cùng tham gia trao đổi, và qua đó tạo nhịp cầu thân ái với toàn thể bạn đọc. Do trình độ và tư liệu còn hạn chế, những giải đáp của chúng tôi chắc chắc còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi rất vui mừng đón nhận những ý kiến đóng góp và chỉ giáo chân thành của tất cả quí bạn đọc, trong đó có ông. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng: “Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta”. Chúng tôi thấy xa lạ với những kiểu tranh luận hay phê bình đầy tính hậm hực và hằn học kiểu hơn thua, (vì như thế là khí động, mà khí đã động thì tâm không hoà, mà tâm không hoà thì lấy gì để bàn lẽ công chính trong thiên hạ hoặc thấy được cái hay cái đẹp của văn chương?).

Người xưa thường nói “dĩ thi hội hữu” – dùng thi ca, văn chương để tụ hôi bạn bè. Như vậy, văn chương là môi trường giúp chúng ta bày tỏ tấc lòng để có thể lại gần với nhau hơn và thân ái nhau hơn, chứ không phải để phô phang và tranh hơn giành thắng. Nay chúng tôi cũng muốn lấy chuyên mục này để “hội hữu”. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn và mong được nhận thêm những đóng góp của ông trong tương lai. Kính.

(KTNN số 646, ngày 20.07.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
ai hồng biến dã, , Đông sơn tái khởi, đông sơn tái khởi, ban nhược chưởng, chữ diễm co nghia gi, chung sơn 钟山, diễm lệ là gì, diễm (豔) nghia gi, diễm nghĩa là gì, diễm phúc là gì, dong son tai khoi, dong son tai khoi la gi, , 般 bát là gì?, lai căn hay lai căng, lai căng hay lai căn, lai căng hay lao căn, lai căng mất gốc, , phật khiêu tường, tái khởi là gì, thnh ng, toán học trung quốc, tu han viet cua tu chut, www.nhohue.org, y nghia tu diễm lệ



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™