Nhiều bậc phụ huynh, nhất là các phụ huynh mới có con đầu lòng, do chưa có kinh nghiệm nuôi con nên thường rất hoang mang và đôi khi không biết làm gì cho đúng khi con bị bệnh. Trong khi đó, vì nhiều lý do mà giữa bác sĩ điều trị và phụ huynh thường chưa có được sự trao đổi thỏa đáng.
Phụ huynh cần phối hợp tốt với Bác sĩ để mang lại kết quả điều trị tốt nhất
Ảnh: jupiterimages.com
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện làm cho các bác sĩ bị sức ép phải tăng tốc độ khám bệnh để các bệnh nhi không bị chờ đợi quá lâu nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, vì vậy các bác sĩ đành phải giảm bớt thời gian cho việc giải thích và hướng dẫn cho phụ huynh. Về phía các bậc phụ huynh, phần lớn tuy nóng ruột về bệnh của con mình nhưng do phải chờ đợi lâu nên khi đến lượt con mình khám thì có phần ngại ngần không dám hỏi nhiều vì sợ ảnh hưởng những trẻ bệnh khác đang chờ khám. Hiểu và thông cảm với các bậc phụ huynh và các bác sĩ trước thực trạng này, chúng tôi mong rằng bài viết này sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn cần phải làm gì khi trẻ bệnh để chăm sóc trẻ tốt hơn, yên tâm hơn và phối hợp tốt hơn với các bác sĩ để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho con cái chúng ta.
Nói gì với bác sĩ khi đưa trẻ đi khám?
- Trẻ bệnh mấy ngày?
- Dấu hiệu bệnh nào xuất hiện đầu tiên?
- Dấu hiệu bệnh nào laøm cha mẹ lo lắng nhất?
- Dấu hiệu nào kèm theo?
Một số dấu hiệu phụ huynh có thể nhận biết như: sốt, ói, tiêu chảy, ho, khò khè, thở mệt, co giật, nổi mề đay, chảy máu, bầm da.
- Mô tả các dấu hiệu, ví dụ:
Sốt cao hay sốt nhẹ, sốt suốt ngày hay sốt cơn.
Ói mấy lần, ói ra gì.
Tiêu chảy mấy lần, phân sệt hay lỏng, có đàm, có máu hay không?
- Diễn tiến từ lúc bắt đầu bệnh đến lúc khám hiện tại: nặng hơn, bớt, bớt rồi bệnh lại.
- Đã dùng thuốc gì hoặc đã làm gì khác, ví dụ: đánh lá trầu, cạo gió, cắt lễ, vắt chanh vô miệng.
- Đặc biệt phải báo ngay với bác sĩ nếu trước đây trẻ từng bị dị ứng với loại thuốc nào đó.
Khi nào cần tái khám?
Mục tái khám trong sổ khám bệnh của trẻ thường có 2 phần:
1. Phần tái khám theo hẹn:
- Nếu trẻ không có dấu hiệu cần khám lại ngay thì sẽ tái khám theo ngày bác sĩ hẹn.
- Khi tái khám cần thông báo với bác sĩ diễn tiến bệnh: tốt hơn , không thay đổi, bệnh nhiều hơn.
2. Phần khám lại ngay (tức là khám lại bất kỳ giờ nào) khi có một trong các dấu hiệu sau:
* Dấu hiệu cần khám lại ngay chung cho mọi trẻ bệnh:
- Bỏ ăn uống.
- Sốt: triệu chứng sốt mới xuất hiện thêm hoặc sốt cao.
- Bệnh nặng hơn.
* Dấu hiệu cần khám lại ngay khác, tùy theo bệnh lý mà trẻ mắc phải, ví dụ:
- Nếu trẻ bị ho, cần khám lại ngay khi trẻ thở bất thường.
- Nếu trẻ bị tiêu chảy, cần khám lại ngay khi:
• Phân có máu.
• Trẻ khát nước.
- Nếu trẻ bị sốt xuất huyết, hoặc nghi ngờ bị sốt xuất huyết, cần khám lại ngay khi:
• Lừ đừ, li bì hoặc bức rức, lăn lộn.
• Ói nhiều, đau bụng nhiều.
• Chảy máu tự nhiên ở bất kỳ chỗ nào trên người: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, vết bầm ở da.