- Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ đang điều trị.
- Chú ý phát hiện các dấu hiệu cần đưa trẻ khám lại ngay, nếu không có các dấu hiệu cần khám lại ngay thì nhớ cho trẻ tái khám theo hẹn để trẻ được tiếp tục điều trị đúng và đủ, kể cả khi trẻ đã bớt bệnh nhiều.
- Chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh.
1. Cho trẻ dùng thuốc đúng:
Gồm có: • đúng loại thuốc
• đúng liều lượng mỗi lần uống
• đúng số lần uống
• đúng cách uống
- Có những trường hợp trẻ bệnh không được dùng đúng loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa, có thể vì trẻ khó uống nên phụ huynh tự ý đổi sang loại thuốc dễ uống hơn theo kinh nghiệm của mình hay của người quen, hoặc có thể do các nhà thuốc không có sẳn thứ thuốc ghi trong toa nên thay thế bằng một loại thuốc khác.
- Đôi khi trẻ bị sốt cao liên tục, ho nhiều, ói sau khi uống thuốc làm phụ huynh lo lắng đến mức tự tăng liều lượng hoặc số lần cho uống thuốc. Thỉnh thoảng có trường hợp ngược lại, vì trẻ quá khó uống thuốc, vì “nghe nói” uống loại thuốc đó có hại nên phụ huynh tự ý giảm số lần hoặc giảm liều lượng thuốc.
- Khi trẻ khó uống thuốc, phần lớn phụ huynh ép trẻ uống bằng nhiều cách, kể cả bóp mũi hoặc đè cho trẻ ngửa đầu, cạy miệng để đổ thuốc vào, cách này rất nguy hiểm vì thuốc có thể đi lạc vào đường thở gây nguy hiểm chết người cho trẻ.
* Lợi ích khi trẻ được dùng đúng thuốc:
- Dùng đúng loại thuốc thì khi tái khám:
• Tùy vào diễn tiến của bệnh, bác sĩ đánh giá sự đáp ứng thuốc của trẻ bệnh sát với thực tế hơn và việc chỉ định điều trị tiếp theo sẽ chính xác hơn.
• Nếu xuất hiện tác dụng phụ không mong muốn hoặc dị ứng thuốc thì bác sĩ cũng có thể dễ nhận biết thuốc nào là nguyên nhân để xử trí thích hợp, nhất là thông báo cho phụ huynh và ghi vào sổ khám bệnh để các đồng nghiệp lưu ý trong trường hợp trẻ bị dị ứng thuốc.
- Dùng đúng liều lượng và số lần uống: tránh được tình trạng ngộ độc thuốc do dùng quá liều có thể gây nguy hiểm cho trẻ hoặc xuất hiện thêm những triệu chứng khác làm cho việc điều trị cho trẻ trở nên khó khăn hơn.
- Dùng thuốc đúng cách: giúp tránh nguy hiểm do hít sặc, tránh tâm lý sợ hãi, phản kháng của trẻ bệnh khi phụ huynh cho trẻ uống thuốc.
2. Tái khám: xin xem mục “Khi nào cần tái khám?”
3. Chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh:
* Chăm sóc dinh dưỡng:
Nguyên tắc chung là trẻ bệnh cần được tiếp tục ăn và ăn thêm một bữa trong suốt thời gian bệnh cho đến 2 tuần sau khi khỏi bệnh
- Tiếp tục cho trẻ bú và bú nhiều lần hơn bình thường. Chú ý làm thông thoáng mũi cho trẻ trước khi bú.
- Trẻ đã ăn dặm hoặc trẻ lớn: vẫn tiếp tục ăn những thức ăn thường ngày trẻ vẫn ăn.
- Nếu trẻ dễ ói sau khi ăn hoặc sau khi ho: không nên ép trẻ ăn quá no, sau khi ăn tránh cho bé nằm ngay hoặc xốc giỡn, chạy nhảy, chơi thú nhún.
- Đối với trẻ trên 4 tháng tuổi cần tăng lượng nước đưa vào cơ thể như: nước uống bình thường (nước đun sôi để nguội), nước hoa quả, nước canh, súp.
* Chăm sóc vệ sinh:
Dù trẻ bị bất cứ bệnh gì cũng cần được chăm sóc vệ sinh thân thể sạch sẽ. Lưu ý không để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách tắm cho trẻ bệnh bằng nước ấm, nên tắm nhanh hơn bình thường, không tắm nơi có gió lùa, tắm xong phải lau ngay và lau thật khô, mặc đủ ấm.