Ðái dầm là sự rỉ nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng 4 đến 5 tuổi). Kiểm soát việc tiểu tiện là một quá trình phụ thuộc nhiều yếu tố: nhận thức được cảm giác đầy bàng quang, khả năng trử nước tiểu của bàng quang, khả năng kiểm soát tự chủ cơ thắt cổ bàng quang, nhu cầu tâm lý kiểm soát việc tiểu tiện và việc trải qua sự huấn luyện.
Ðái dầm có thể xuất hiện ngay lúc đầu (đái dầm nguyên phát) hoặc sau một thời gian trên 6 tháng không đái dầm (đái dầm thứ phát). Ða số trẻ đái dầm thường xảy ra lúc ngủ nhưng cũng có thể kết hợp với các triệu chứng khác của bàng quang (đái gấp, đái lắt nhắt, rối loạn chức năng đi đái) vào lúc thức.
Phần lớn các trường hợp đái dầm được cha mẹ để ý khi trẻ đến tuổi đi học, 5 đến 6 tuổi.
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến tình trạng đái dầm?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng đái dầm: di truyền, rối loạn nhận thức lúc ngủ, rối loạn động học bàng quang, tiểu nhiều ban đêm, các yếu tố tâm lý và sự chậm trưởng thành. Chậm trưởng thành có lẽ là khái niệm hợp lý và được chấp nhận nhiều nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến đái dầm.
Một trẻ đái dầm thường có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng cùng lúc.
Trẻ đái dầm cần được thăm khám như thế nào?
Thầy thuốc cần biết tiền sử huấn luyện trẻ đi tiểu, tiền sử đái dầm trong gia đình, thời điểm khởi phát đái dầm, thói quen đi tiểu, giấc ngủ, tình trạng dùng thuốc, các triệu chứng của đường tiểu vào ban ngày, thói quen đi cầu và các yếu tố tâm lý. Bệnh sử đầy đủ và có suy nghĩ có thể giúp thầy thuốc phân biệt những trường hợp đái dầm có tổn thương thực thể với phần lớn các trường hợp đái dầm vô căn. Các nguyên nhân thực thể của đái dầm có thể phát hiện được nhờ bệnh sử tiểu khó (nhiễm trùng tiểu), uống nhiều và tiểu nhiều (tiểu đường hoặc tiểu nhạt), bất thường dòng nước tiểu (tắt nghẽn đường tiểu dưới), các rối loạn tư thế (bệnh lý tủy sống), ngủ ngáy (phì đại VA và amydal).
Trẻ đái dầm sẽ được thầy thuốc thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu thông thường. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm hoặc soi bàng quang là không cần thiết ở trẻ đái dầm đơn thuần, không kèm các triệu chứng bàng quang khác.
Các phương pháp điều trị trẻ đái dầm:
Có 2 phương pháp chính để điều trị trẻ đái dầm: dùng thuốc và không dùng thuốc.
* Phương pháp không dùng thuốc:
Ðiều trị "tác động":
- Khuyến khích trẻ không uống nước 2 giờ trước khi đi ngủ
- Khuyến khích trẻ tiểu hoàn toàn trước giờ ngủ
- Hướng dẫn trẻ tự dọn dẹp giường vào buổi sáng khi đái dầm
- Lập biểu đồ theo dõi diển tiến và khen thưởng trẻ mỗi đêm không đái dầm
Phương pháp điều trị ban đầu hợp lý, đặc biệt áp dụng với các trẻ nhỏ. Tỷ lệ ngưng đái dầm hoàn toàn là khoảng 25%. Khi đạt được tình trạng ngưng đái dầm kéo dài, tỷ lệ tái phát thấp.
Ðiều trị "hành vi": giúp trẻ tự thức dậy để đi tiểu
- Huấn luyện đi tiểu ban đêm: đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu hoặc giúp trẻ tự thay đồ khi đái dầm.
- Dụng cụ báo động tiểu dầm: dụng cụ nhỏ, được mặc trực tiếp vào quần của trẻ và phát ra báo động bằng âm thanh hoặc rung động khi nước tiểu được cảm nhận ở quần lót. Có thể ngưng mang dụng cụ khi trẻ không đái dầm ít nhất 3 tuần liên tiếp. Tỷ lệ ngưng đái dầm lâu dài là 70%. Hiệu quả nhất khi kết hợp với các phương pháp điều trị hành vi khác hoặc phương pháp dùng thuốc.
* Phương pháp dùng thuốc: không phải là chọn lựa ban đầu trong điều trị đái dầm và hiếm khi được sử dụng trước 8 tuổi. Có 3 loại thuốc để điều trị đái dầm: Imipramine, DDAVP và Oxybutinin Imipramine
Imipramine
- Ðáp ứng lâm sàng rỏ trong tuần đầu điều trị.
- Tỷ lệ thành công ban đầu cao (15% - 50%) nhưng dễ tái phát sau ngưng thuốc.
- Có một số tác dụng phụ và có thể gây tử vong khi quá liều
DDAVP
- Tỷ lệ đáp ứng ban đầu cao tới 70% và tỷ lệ tái phát cũng cao 95%.
- Thời gian điều trị kéo dài và chi phi điều trị cao.
- Thích hợp trong những đợt ngắn cần kiểm soát tốt đái dầm
Oxybutynin
- Ðiều trị trẻ đái dầm kèm các triệu chứng bàng quang lúc ban ngày.
- Không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi
Khi nào trẻ đái dầm cần được điều trị?
Tỷ lệ đái dầm tự hết khoảng 15% mỗi năm, khoảng 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn đái dầm. Quyết định điều tri và chọn lựa phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào tuổi của trẻ, ảnh hưởng của đái dầm tới lòng tự trọng của trẻ và chức năng của gia đình.
Trẻ dưới 8 tuổi: trấn an, giáo dục trẻ và gia đình về tiểu dầm có tầm quang trọng nhất: đái dầm không phải là lỗi của trẻ, không được trêu chọc trẻ. Các phương pháp điều trị "tác động" và điều trị "hành vi" giúp trẻ thức dậy đi tiểu và khen thưởng là phù hợp nhất với nhóm tuổi này.
Trẻ từ 8 đến 11 tuổi: dụng cụ báo động tiểu dầm cho kết quả tốt nhất. Có thể sử dụng kết hợp gián đoạn với thuốc DDAVP trong những tình huống đặc biệt như qua đêm ở nhà bạn hoặc khi cắm trại.
Trẻ trên 12 tuổi: cần điều trị tích cực do ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ. Nếu dụng cụ báo động đái dầm không làm giảm hoặc ngưng các đợt đái dầm, trẻ cần được kết hợp điều trị liên tục bằng thuốc. Sau 2 tháng ngưng đái dầm, thuốc sẽ được giảm dầm trong khi vẫn sử dụng dụng cụ báo động đái dầm.