Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 6-24 tháng tuổi. Tiêu chảy cấp tính diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng và tử vong cho trẻ em ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây tiêu chảy rất nhiều, có thể do virut, vi khuẩn, ký sinh trùng, độc tố... nhưng ở trẻ em chủ yếu là do rotavirut chiếm tới hơn 60%.
Cho đến nay khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF đối với điều trị tiêu chảy ở trẻ em là sử dụng dung dịch bù nước và điện giải (ORS). Đồng thời tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung như bình thường, không nên sử dụng kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy (trừ trường hợp bị lỵ).
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, không phải do lỵ, thì chỉ nên dùng ORS hoặc các dung dịch bù nước điện giải được chế biến từ thức ăn: nước cháo muối, nước gạo rang, súp cà rốt, nước hồng xiêm xay, chuối xay, nước dừa...
Ngoài ra, có thể dùng thêm một số men tiêu hóa vi sinh như: lacteolfor, lactominplus, antibio, biosubtil: 1-2 gói/ngày, cốm biobaby: 4-6 thìa/ngày chia 3-4 lần. Dùng thêm kẽm với liều lượng như sau: 10mg/ngày đối với trẻ dưới 6 tháng, 20mg/ngày đối với trẻ 6 tháng đến 5 tuổi, dùng trong 14 ngày.
Khi trẻ bị lỵ: đi ngoài phân có máu, mũi nhày, phân lờ lờ máu cá, kèm theo sốt, khi đi phải rặn nhiều, có cơn đau quặn, soi phân có hồng cầu, bạch cầu hoặc tốt nhất cấy phân tìm được vi khuẩn lây bệnh thì mới có chỉ định dùng kháng sinh.
Lỵ trực khuẩn: đi ngoài phân có máu mũi, lờ lờ máu cá.
Dùng trimethierim (TMP) và sulfamethroxazol (SMX):
TMP: 10mg/kg/ngày và SMX 50mg/kg/ngày chia 2 lần x 5 ngày (biệt dược hay dùng là biseptol 480mg: một viên có chứa 80mg TMP, 400mg SMX hoặc septrin dạng sirô).
Sau 3 ngày không đỡ có thể thay bằng nalidixic axit: 60mg/kg/ngày chia 4 lần x 5 ngày.
Lỵ amip: phân có máu mũi, soi phân tươi thấy ký sinh trùng amip thể hoạt động.
Dùng metronidazol (biệt dược: flagyl, klion): 30mg/kg/ngày x 5 ngày hoặc hydro emetin: 1mg/kg/ngày x 5-10 ngày.
Tả nặng: tetracyclin 50mg/kg/ngày chia 4 lần x 3 ngày, hoặc furazolidon 5mg/kg/ngày x 3 ngày.
Không dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy như: thuốc phiện, imodium... vì thực chất, thuốc chỉ làm giảm nhu động ruột, gây nhiều tai biến trong điều trị tiêu chảy cấp.
Các loại kaolin, pectin, tanin không có tác dụng thực sự trong điều trị tiêu chảy cấp, không nên cho trẻ dùng.
Khi trẻ bị lỵ, bên cạnh việc dùng kháng sinh, trẻ vẫn phải được bù nước và điện giải như tiêu chảy cấp khác.
Song song với việc dùng thuốc và bù nước điện giải, trẻ cần được nuôi dưỡng tốt để tránh suy dinh dưỡng: cho trẻ bú mẹ bình thường hoặc uống các loại sữa công thức, ăn bổ sung các loại bột cháo theo tháng tuổi.
Các bà mẹ không nên tự động mua thuốc kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống nếu không có chỉ định của bác sĩ, vì dùng thuốc không đúng sẽ làm tiêu chảy nặng thêm, tiêu chảy cấp trở thành tiêu chảy mạn tính kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em.