2. Có những cách nào để phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục?
- Không quan hệ tình dục;
- Chung thủy từ cả hai phía mà chắc chắn không ai bị bệnh;
- Dùng bao cao su;
- Không dùng chung bơm kim tiêm;
- Tạo ngân hàng máu cho gia đình phòng khi cần phải sử dụng;
- Khi xin máu của người khác, phải kiểm tra chắc chắn người đó không bị bệnh;
- Khi khám chữa bệnh, cần tìm hiểu để có thể tin chắc rằng dụng cụ y tế đã được tiệt trùng.
3. Làm thế nào để biết bạn có mắc bệnh lây qua đường tình dục hay không?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục thường không có các dấu hiệu (triệu chứng) rõ ràng để phát hiện. Chỉ có thể phát hiện được bệnh một cách chính xác bằng các xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Hãy đi khám sức khỏe nếu bạn thấy bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
- Có dịch tiết ra không bình thường từ âm đạo, dương vật hoặc hậu môn.
- Khi đi tiểu thì cảm thấy đau nhói rát hoặc buốt.
- Trên da xung quanh bộ phận sinh dục thấy xuất hiện: mụn lở loét, nốt phồng rộp u cục hoặc ban đỏ.
- Ngứa ở lông mu.
- Bị đau ở bụng dưới rốn hoặc đau trong khi quan hệ tình dục.
- Xuất hiện nốt ban trên tay hoặc chân nhưng không ngứa.
4. Có cách nào chữa khỏi các bệnh lây qua đường tình dục không?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể tự khỏi mà cần phải được chữa trị, thậm chí ngay cả khi các dấu hiệu bất thường có thể mất đi nhưng bệnh vẫn còn tồn tại và tiếp tục phát triển.
Nhiều bệnh như lậu, giang mai, chlamydia, trùng roi... có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Một số bệnh khác (như mụn rộp, viêm gan B, HIV/AIDS...) hiện nay chưa có cách chữa trị, mà chỉ có thể phòng tránh mà thôi.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đã mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì tuyệt đối không được giấu điều đó. Bạn phải đi khám. Chỉ có bác sĩ sau khi khám và làm xét nghiệm mới xác định được chính xác là bạn đã bị mắc bệnh gì và bệnh đó có phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không? Dựa vào việc xác định đó, bác sĩ sẽ chữa trị cho bạn một cách đúng nhất. Sau khi điều trị chỉ có bác sĩ là người biết chắc chắn nhất rằng bệnh của bạn đã khỏi hay chưa.
Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không có dấu hiệu rõ ràng, nên khi bạn bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn sẽ không nhận thấy cơ thể mình có điều gì bất thường. Vì thế bạn có thể đã mắc bệnh từ rất lâu rồi mà không hề hay biết. Chinh vì vậy bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn và khi đã biết mình bị mắc bệnh thì bạn tình của bạn cũng cần phải đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Mọi người, nhất là các bạn gái thường không biết mình đã bị mắc bệnh bởi vì không thấy có dấu hiệu gì bất thường cho đến khi bệnh trở nên rất nặng. Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chữa khỏi kịp thời, gây thương tổn cho các cơ quan sinh dục, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và có thể làm cho bạn sẽ khó có con hoặc không thể có con. Có bệnh còn có thể dẫn đến tử vong vì không có thuốc chữa hoặc không được chữa trị đúng và kịp thời.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra các nốt mụn, vết loét quanh bộ phận sinh dục. Các nốt mụn, vết loét này có thể hở miệng và chảy nước làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở những người mắc các bệnh đó nếu họ có quan hệ tình dục không an toàn.
5. Tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính mỗi năm ở trên thế giới có ít nhất 1/3 trong tổng số 333 triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa được ở phụ nữ dưới 25 tuổi. Khoảng 50% các ca lây nhiễm HIV mới trên thế giới là những người trong độ tuổi từ 15-24. Mỗi ngày trên thế giới có 7000 người trong độ tuổi từ 10 - 24 bị nhiễm HIV. Mỗi năm có 1,7 triệu VTN, thanh niên ở châu Phi và 0,7 triệu ở châu Á Thái Bình Dương bị nhiễm HIV. Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2003 đã có 76.180 người nhiễm HIV, trong đó VTN và thanh niên chiếm khoảng 60%. Thiếu thông tin, kiến thức, công tác giáo dục, tư vấn về tình dục an toàn còn hạn chế; thiếu các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên.