Làm thế nào để có được một nguồn sữa dồi dào, bổ dưỡng cho con trẻ? Đó là câu hỏi của rất nhiều bà mẹ trẻ, và cũng chính là nội dung được trình bày trong chương trình “Sức khỏe và Đời sống” tuần này, với sự góp mặt của bác sĩ Sang, chuyên môn sản phụ khoa hiện đang hành nghề trong nước.
Bác sĩ Sang: Để có dồi dào nguồn sữa trong thời kỳ cho con bú, trứơc hết người mẹ phải ăn uống đầy đủ, nhiều hơn bình thường, ví dụ ngày thường ăn 3 chén cơm thì trong thời kỳ này có thể tăng lên 4 chén. Những thức ăn cần lưu ý trong bữa ăn bao gồm tinh bột, đạm, rau cải, vitamin muối khoáng, chất béo. Cần ăn đầy đủ các thành phần này.
Thứ hai, bà mẹ phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để có nhiều sữa. Một ngày cần phải ngủ đủ từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ, nếu bà mẹ thiếu ngủ sữa sẽ lên chậm.
Thứ ba, cần cho con bú nhiều lần, nhất là khi người mẹ cảm thấy ít sữa, cứ 15-20 phút cho bé ngậm đầu vú để kích thích tạo sữa.
Thứ tư, người mẹ sau khi cho con bú, nếu lượng sữa còn dư nhiều thì cần nặn bỏ đi để tránh hiện tựơng tắt tia sữa.
Trà Mi: Nhiều người thắc mắc rằng nếu người mẹ ăn tinh bột nhiều làm tăng lựơng đường trong cơ thể người mẹ và trong nguồn sữa cho trẻ khiến trẻ bị nhiều đường quá có thể sau này dễ bị bệnh tiểu đường? Sự lo lắng này có đúng không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Sang: Tôi cho rằng những lo lắng đó không đúng. Nếu sức khoẻ người mẹ bình thường, khoẻ mạnh, không bị bệnh tiểu đường thì chế độ ăn uống như vậy là bình thường, không ảnh hửơng đến việc tăng đường huyết. Trừ khi người mẹ bị bệnh tiểu đường thì cần phải hạn chế lựơng tinh bột.
Trà Mi: Sau khi sinh con, thời điểm nào thích hợp nhất có thể bắt đầu cho con bú?
Bác sĩ Sang: Tổ chức y tế thế giới khuyên rằng thời gian cho con bú sớm nhất là sau khi sinh được nửa tiếng để trẻ được tận hưởng nguồn sữa non của mẹ, trong đó có chứa nhiều kháng thể và vitamin A giúp bé tránh đựơc những bệnh như rối loạn tiêu hoá do thiếu vitamin A hay tiêu chảy mạn tính. Trong sữa non có thành phần kháng thể rất cao, giúp trẻ chống lại các căn bệnh nhiễm trùng.
Trà Mi: Thưa bác sĩ, thế thì thời điểm nào thích hợp có thể ngưng cho trẻ bú sữa mẹ?
Bác sĩ Sang: Thường người ta khuyên rằng có thể cho trẻ dứt sữa sau 18-24 tháng vì sau đó nguồn sữa mẹ cũng bớt dinh dưỡng và trẻ cần đựơc bổ sung nhiều thức ăn dặm thêm. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ vào tình trạng sức khoẻ và công việc của người mẹ và cũng tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của bé. Ví dụ người mẹ suy dinh dưỡng hay bệnh hoạn mà cứ tiếp tục cho con bú thì cũng không tốt.
Trà Mi: Nhiều người cho rằng những loại sữa bột với công thức hiện đại thì chất dinh dưỡng cũng không thua gì sữa mẹ. Xin bác sĩ một lời khuyên từ giới chuyên môn, giữa sữa mẹ và sữa bột lợi hại ra sao?
Bác sĩ Sang: Người ta thấy rằng thành phần của sữa mẹ rất hoàn hảo, phù hợp cho trẻ sau khi sinh, dễ tiêu hoá và đầy đủ kháng thể mà sữa bột không thể sánh bằng.
Trà Mi: Xin bác sĩ một vài lời khuyên về những điều cần đặc biệt lưu ý trong thời kỳ cho con bú?
Bác sĩ Sang: Cần nhất là bà mẹ phải dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái là những điều kiện quan trọng kích thích tạo sữa.
Trà Mi: Nếu trong thời kỳ cho con bú mà chẳng may người mẹ bị mắc phải những loại bệnh như cảm hay cúm thì có nên ngừng cho con bú trong thời gian bị bệnh hay không?
Bác sĩ Sang: Bà mẹ chỉ ngưng cho con bú trong điều kiện mắc phải những bệnh như lao, viêm gan siêu vi, nhiễm HIV/AIDS, hoặc người mẹ đang dùng các loại thuốc có thể gây hại cho trẻ. Ngoài ra, các loại bệnh khác như cảm thông thường thì vẫn có thể tiếp tục cho con bú.