Khi bú quá no hoặc nuốt nhiều không khí do chỉ ngậm núm vú mà không ngậm sâu vào quầng vú của mẹ, trẻ có thể bị trớ. Khi đó, hãy kiêm trì vỗ nhẹ cho bé ợ hết không khí sau mỗi lần bú.
Khi cho trẻ bú bình, cần đảm bảo cho đầu vú đầy sữa.
Ảnh: Jupiterimages.com
Trước tiên, cần phân biệt hiện tượng nôn và trớ ở trẻ. Nôn là khi nhiều sữa bị đẩy ra ngoài miệng, trong khi trớ là chỉ một lượng sữa nhỏ chảy ra mép một cách tự nhiên. Trớ sữa là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân khiến sữa dễ dàng chảy ngược từ dạ dày ra thực quản và tới miệng được chia làm 3 nhóm:
- Dạ dày của bé lúc này còn nằm ngang, dung lượng nhỏ, cơ và thần kinh chưa trưởng thành.
- Cơ co thắt ở thượng vị (chỗ nối thực quản và dạ dày) chưa phát triển.
- Bú quá no.
- Nuốt nhiều không khí: do khi bú mẹ, trẻ chỉ ngậm núm vú mà không ngậm sâu vào quầng vú, hoặc khi bú bình, đầu vú không đầy sữa.
- Sau khi ăn, trẻ vô tình bị đột ngột thay đổi tư thế.
Để khắc phục hiện tượng trên, cần thực hiện một số động tác sau:
- Khi cho trẻ bú, cần để bé ngậm sâu vào quầng vú.
- Vỗ cho bé ợ hết không khí sau mỗi lần bú bằng cách bế trẻ thẳng đứng, bụng ép vào ngực mẹ, đầu kề vai mẹ. Sau đó, vỗ vào lưng trẻ cho tới nghe thấy tiếng ợ lớn. Cần kiên trì vỗ cho tới khi con ợ được một tiếng, nhiều khi phải mất tới 5-7 phút. Lúc ợ, bé có thể trớ ra một chút sữa, vì vậy đừng quên lót sẵn ở vai mình một chiếc khăn nhỏ để khỏi ướt áo.
- Giữ bé ở tư thế thẳng đứng hoặc nằm đầu cao trong khoảng 15-20 phút, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Trên thực tế, không ít trẻ cần được bế tới 30 phút sau khi ăn để không bị nôn, trớ.
Nếu các biện pháp trên không có kết quả, cần cho bé đi khám để xác định bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể cho bé uống thuốc để cải thiện. Ngoài ra cần theo dõi cân nặng của bé hằng tuần. Nếu bé lên cân đều thì không có gì đáng ngại. Còn nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như sút cân, sốt, đi ngoài phân lỏng...thì đưa trẻ đi khám ngay.