Bạn làm gì khi trẻ bị dị vật đường thở trong ngày tết ?
Theo thống kê của khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, hàng năm, vào dịp Tết tỷ lệ các trẻ bị dị vật Tai Mũi Họng thường gia tăng. Thật vậy, Xuân về nào là hạt dưa, hạt bí, hạt đậu phộng cùng các loại trái cây như mãn cầu, mận, cam, quít … là những món khoái khẩu của trẻ vào những ngày Xuân. Tuy nhiên, các loại này có một nguy cơ tiềm ẩn trở thành dị vật Tai Mũi Họng đối với trẻ, đặc biệt nguy hiểm là dị vật đường thở.
Cần cẩn thận khi cho bé ăn các loại hạt trong ngày tết
Ảnh: indiangiftsportal.com
Cuộc trao đổi sau đây của chúng tôi với BSCK 2 Đặng Hoàng Sơn trưởng khoa TMH BV Nhi Đồng 1 sẽ giúp bạn cách phòng ngừa cũng như một vài cách sơ cứu ban đầu hữu ích đối với các trường hợp dị vật đường thở (DVĐT).
Thưa BS, các loại bánh mứt, các loại trái cây, các loại hạt nào thường là DVĐT ở trẻ em vào dịp Tết?
BS Đặng Hoàng Sơn: Dị vật Tai Mũi Họng nói chung và DVĐT nói riêng là loại bệnh cấp cứu gặp quanh năm. Tuy nhiên khi Xuân về do có nhiều loại trái cây, nhiều loại hạt có màu sắc hấp dẫn với trẻ, thêm vào đó tâm lý các bậc phụ huynh thường cho bé vui chơi thoã thích nên rất dễ bị sặc vào đường thở.
Các loại hạt thường gặp là DVĐT trong dịp Tết theo thống kê của khoa chúng tôi là:
• hạt dưa
• hạt đậu phộng
• hạt mãn cầu
Thưa BS, làm thế nào để nhận biết trẻ bị DVĐT ?
BS Đặng Hoàng Sơn: Trong đại đa số các trường hợp trẻ bị DVĐT thường có tình huống như sau:
• trẻ đang ăn hoặc đang chơi với các loại hạt
• bỗng nhiên trẻ ho sặc, tím tái, khó thở: nhịp thở nhanh hoặc thở có tiếng rít, khò khè.
Trong một số ít trường hợp, phụ huynh không phát hiện được tình huống điển hình như trên, nhiều ngày sau trẻ thường nhập viện vì tình trạng viêm phổ tái phát kéo dài, hoặc áp-xe phổi do có DVĐT bỏ quên.
Thưa BS, xử lý sơ cứu ban đầu các trẻ bị DVĐT như thế nào ?
BS Đặng Hoàng Sơn:
Nếu trẻ không khó thở hoặc khó thở nhẹ: không can thiệp vì sẽ làm di chuyển dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột. trẻ cần được chuyển đến trung tâm y tế gần nhất, tốt nhất để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng.
Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng: nếu trẻ khó thở nặng hoặc tím tái cần cấp cứu ngay. Tránh móc dị vật bằng tay. Cách tiến hành như sau:
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: đặt nằm đầu thấp trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ nếu còn khó thở dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này.
Cách thức sơ cứu
Trẻ lớn:
Đối với trẻ còn tỉnh: cấp cứu viên đứng phía sau hoặc quì tựa gối vào lưng trẻ, vòng 2 tay ngang thắt lưng, đặt 1 nắm tay vùng thượng vị ngay dưới mấu kiếm xương ức, bàn tay đặt chồng lên. Đột ngột ấn mạnh, nhanh 5 lần theo hướng từ dưới lên và từ trước ra sau.
Trẻ hôn mê: đặt trẻ nằm ngửa, cấp cứu viên quì gối, đạt 2 bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh, nhanh 5 lần.
Thưa BS, làm thế nào để phòng ngừa trẻ bị DVĐT ?
BS Đặng Hoàng Sơn: tuổi thơ là là tuổi vui chơi, đặc biệt dịp Xuân về lại càng vui hơn nữa, tuy nhiên các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận để tránh những tai nạn đáng tiếc. Sau đây là những việc cần được thực hiện:
• Để xa tầm tay của trẻ các loại hạt dưa, hạt đậu phộng… và các loại trái cây có hạt.
• Tránh cho trẻ tự ý ăn hoặc chơi các loại bánh mứt hoặc các loại trái cây có hạt.
• Khi cho trẻ ăn các loại trái cây cần lấy hết hạt một cách cẩn thận.
Xin cám ơn BS, chúc BS một năm mới vui khoẻ, nhiều thắng lợi.