Họng và thực quản được bao bọc bởi một lớp tế bào gọi là niêm mạc. Niêm mạc này một khi bị tổn thương, nó sẽ không có khả năng tạo lại lớp niêm mạc khác mà thay vào đó là mô xơ. Nhóm mô xơ này phát triển không ngừng, làm ra một loại sẹo co rút. Nếu thực quản bị loại sẹo này phát triển, lòng thực quản sẽ teo nhỏ dần, gây khó khăn trong ăn uống.
Trẻ em uống nhầm nước Javel có thể gây bỏng thực quản
Ảnh: jupiterimages.com
Nguyên nhân gây bỏng thực quản
- Xút (soude): Các chất gây bỏng thực quản làm sẹo hẹp nói trên là những chất trẻ em đã uống nhầm vào. Các chất đó có thể là xút. Ðây là loại hóa chất làm xà phòng. Trẻ em ở các gia đình làm xà phòng thủ công ở nhà dễ bị uống nhầm hóa chất này do lỗi ở người lớn để chai đựng xút giống như chai nước uống. Sau khi hớp vào họng, mới biết là không phải nước uống, vì mùi rất hôi, tuy nhiên, vì phản xạ, trẻ em đã nuốt một ngụm nhỏ, còn bao nhiêu thì nhổ ra ngoài. Chỉ một ngụm hóa chất nhỏ này đủ làm cho niêm mạc bị bỏng, tróc ra, và làm sẹo hẹp một thời gian sau đó.
- Acid: Ngoài xút, chúng ta còn acid. Ðây cũng là hóa chất của những nơi làm acquy (accu) thủ công. Ðây cũng là sự bất cẩn của người lớn, hóa chất để ở tầm tay trẻ em uống nhầm và bị bỏng.
- Nước tro: Ngoài hai chất phổ biến trên, trẻ em còn uống nhầm nước tro tàu (KOH). Loại nước dân gian dùng để làm bánh và cũng vì người lớn không để ý mà trẻ em uống phải.
Ở các nước phát triển, trẻ em cũng có thể bị bỏng thực quản bởi một hóa chất. Ðó là nước javel, nước rửa phòng vệ sinh. Sau khi làm vệ sinh xong, người nhà thường để chai nước tẩy vào một góc của phòng vệ sinh. Khi trẻ em uống phải sẽ gây ra bỏng và bỏng do nước tẩy nguy hiểm không thua gì bỏng do xút, acid, nước tro tàu.
Các giai đoạn bỏng thực quản
- Giai đoạn cấp: Khi uống nhầm chất gây bỏng kể trên, trẻ em nhổ ra vì mùi vị của chất này rất khó chịu. Tuy nhiên, vì phản xạ, có một ngụm nhỏ hóa chất đã đi lấn xuống đến dạ dày. Hóa chất này đi từ từ, đến các eo tự nhiên của thực quản thì đi chậm lại. Chính vì đi chậm mà những nơi đó bị bỏng nhiều hơn vì thời gian tiếp xúc với hóa chất lâu hơn. Những eo tự nhiên này là cửa thực quản, eo động mạch chủ, eo cơ hoành và tâm vị. Sau khi uống nhầm chất gây bỏng, trẻ em bị bỏng dộp cả môi, lưỡi, miệng, họng, và cả độ dài thực quản. Ðây là giai đoạn cấp, kéo dài trong khoảng 5 ngày. Trẻ bị đau nhức, không ăn uống được, có kèm theo sốt. Miệng, họng và thực quản đầy một lớp trắng gọi là giả mạc. Ðó là niêm mạc bị hoại tử do chất gây bỏng.
- Giai đoạn hết bệnh giả: Sau thời gian cấp này, giả mạc bị hoại tử, tróc ra và bệnh nhân qua khỏi tình trạng cấp, bớt đau, không sốt, ăn uống được. Thường thì gia đình cho là trẻ đã hết bệnh. Ðó là giai đoạn hết bệnh giả. Thật sự bệnh đang đi dần vào nguy hiểm. Thực quản không còn niêm mạc bao bọc, lớp dưới niêm mạc sẽ tái tạo lại bằng lớp mô xơ, lớp này co thắt dần làm hẹp lòng thực quản.
- Giai đoạn chít hẹp: Ðộ 1 tuần sau, khi mô xơ bắt đầu hình thành, bệnh nhân mới cảm thấy nuốt khó. Ban đầu nuốt khó với những thức ăn cứng. Vài ngày sau mô xơ chít hẹp dần, bệnh nhân ăn cháo và bắt đầu thấy khó khăn. Vài ngày sau nữa đến lượt nước, sữa nuốt cũng không trôi. Lúc này thực quản đã bị chít hẹp rất nhiều. Ðây là giai đoạn chít hẹp của bệnh. Thường bệnh nhân được đưa vào bệnh viện ở giai đoạn chít hẹp này. Giai đoạn này là giai đoạn quá trễ để điều trị cho bệnh nhân có thể ăn được. Thường thì bệnh nhân được cắt bỏ đoạn thực quản này, đưa ruột từ dưới lên để thay thế. Ðây là một phẫu thuật khó khăn, nguy hiểm, dễ tử vong, thành công rất giới hạn.
Ðiều trị
Muốn điều trị bệnh này phải đưa trẻ em bị bỏng đến nơi có chuyên khoa tai mũi họng rất sớm, một vài giờ sau khi đã uống nhầm. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để soi toàn bộ thực quản, đánh giá tổn thương bỏng. Sau đó đặt một ống vào lòng thực quản. Ống này có 2 tác dụng: tác dụng thứ nhất là bệnh nhân có thể bồi dưỡng, ăn uống chất lỏng qua đường ống; tác dụng thứ hai là chống lại sự chít hẹp của thực quản. Ống này được lưu rất lâu, từ 9 tháng đến 1 năm. Sau thời gian chít hẹp không còn phát triển nữa, bác sĩ chuyên khoa rút ống ra. Bệnh nhân không ăn được đồ cứng như cơm, bún, mà chỉ có thể ăn thực phẩm lỏng hơn như cháo thịt, rau đậu bằm nhuyễn. Các thực phẩm mềm này đủ đưa năng lượng cho bệnh nhân phát triển.
Bỏng thực quản ở trẻ em là do bất cẩn của người lớn. Một khi đã uống nhầm, người nhà cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện lớn có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị đúng cách. Ðừng bao giờ xin về ở giai đoạn hết bệnh giả mà gia đình thường cho là hết bệnh hẳn.
Chú thích: Bé hiếu động dễ uống nhầm các chất gây ngộ độc trong đó có các chất gây bỏng thực quản.