Đầu mùa mùa hè, một diễn viên điện ảnh không nổi tiếng lắm đang biểu diễn tại Xakhalin, đến thăm thị trấn. Từ thị trấn bên cạnh anh đến bằng ô tô, ngay sát lúc buổi biểu diễn sắp sửa bắt đầu. Đứng đón anh ở cạnh câu lạc bộ "Thợ Mỏ" có hai người của "Hội Trí Thức" địa phương, - ông giám đốc và một bà nhân viên đã đứng tuổi của câu lạc bộ. Ông giám đốc, một người có nước da trăng trắng, đầu hói, với cặp mắt lo ngại, khẽ nắm khuỷu tay nhà nghệ sĩ giữ lại, chờ những người khác đi lên trước, mới ân cần hỏi xem tại sao anh không cạo râu. Vị khách cười giòn tan, đưa hai ngón tay sờ lên đôi má rậm và vui vẻ giải thích rằng anh đang phải chuẩn bị đóng một vai mới, vai một người có râu. Và khi bước lên câu lạc bộ biểu diễn, việc đầu tiên là anh xin lỗi khán giả về cái bề ngoài không được nghiêm chỉnh của mình, rồi do sự xúc động nghề nghiệp, anh vừa khẽ nhún nhảy vừa kể một câu chuyện thích hợp trong hoàn cảnh như vậy. Sau đó anh bắt đầu hát. Xen vào giữa những tiết mục của anh, người ta chiếu lại những đoạn phim cũ, trong đó lúc thì anh đóng vai một nhà thơ, lúc đóng vai một sĩ quan hải quân, hoặc vai không ai nhận ra được là vai một ông già gù râu bạc. Trong lúc trên màn ánh sáng hiện lên những hình ảnh của anh, được ghi lại từ hồi anh còn trẻ và đang thành công, thì nhà nghệ sĩ cứ ngồi ủ rũ bên chiếc bàn trong căn buồng cạnh sân khấu, hai tay ôm đầu, vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi.
Mãi tới khuya, khi buổi hòa nhạc tan đã lâu, nhà nghệ sĩ mới mệt mỏi bước vào khách sạn nhỏ của địa phương. Anh quệt quệt gót giầy vào cái cá sắt đóng ở bậc lên xuống cho sạch bùn, rồi bước vào nhà. Trận mưa đêm làm phố xá trong thị trấn lầy bùn.
Trong căn phòng người ta dẫn anh đến, có một người mặc nguyên quần áo đang nằm trên một trong hai chiếc giường, mắt nhìn lên trần. Nhà nghệ sĩ chào anh ta. Người đó chậm rãi đưa cặp mắt mơ màng nhìn người khách mới đến, khẽ đáp :
-Chào anh … Mưa đấy à ?
Nhà nghệ sĩ bật cười :
-Thế anh không nghe thấy tiếng mưa sao, hả anh chàng lẩn thẩn ?
Rồi anh chỉ vào cái cửa sổ có rèm che, đằng sau tiếng mưa vẫn rơi đều đều không ngớt. Sau khi ngắm kỹ người bạn cùng phòng, nhà nghệ sĩ phá lên cười.
-Xin chúc mừng anh -anh vui vẻ nói - chắc anh cũng định để râu, nơi mới mò đến cái xó này phải không ? Tôi đoán đúng chưa nào ? Nói anh tha lỗi, nhưng ở đây, ở cái thị trấn này, chuyện đó hình như làm mọi người ngạc nhiên lắm thì phải. Người ta hỏi tôi phải đến một trăm lần …
Người khách cùng phòng đang nằm hếch cằm lên phía trên cũng có một bộ râu quai nón bù xù. Hai cánh tay vắt chéo đặt phía trên đầu của anh ta dài và khẳng khiu, đầu khuỷu tay rất nhọn. Nghe nhà nghệ sĩ hỏi, anh ta không nói gì, chỉ uể oải nhắm mắt, khẽ nở một nụ cười hiền lành.
-Anh có biết không, từ sáng đến giờ tôi chưa ăn uống gì cả - nhà nghệ sĩ bắt đầu than thở - Bước xuống ô tô là đi thẳng lên sân khấu ngay. Biểu diễn xong họ cũng chẳng cho ăn uống gì cả, đồ quỷ ! Một ông cán bộ địa phương còn hỏi mỉa : "Thế nào, doanh thu khá chứ ?". Tóm lại là tôi thấy ngán, ngán lắm rồi, anh bạn ạ ! Từ Matxcơva lặn lội tới đây, tôi cảm thấy bơ vơ và khổ quá, và nói như Gôgôn, có một cái gì cô đơn trong dạ dày. Rồi lại còn mưa rả rích như thế này nữa chứ !
Nhà nghệ sĩ cởi chiếc áo ngoài ướt sũng nước mưa ra, ghếch chân lên cái bồn rửa mặt, rồi bắt đầu rửa chân. Đó là một người có đôi mắt sáng, tóc xoăn, hai bên thái dương đốm bạc, trông hãy còn trẻ, khỏe. Trong khi rửa chân, anh không nhìn vào chân, mà đưa mắt quan sát xung quanh, mặt nhăn nhó có vẻ đau khổ.
-Đêm tối … Mưa rơi. Không ai tiễn về khách sạn… Giầy thì ướt, bụng thì đói - anh cứ lẩm bẩm trong miệng - Thật là tồi tệ, tồi tệ, tôi cảm thấy ớn kinh khủng …
-Đừng nên … than vãn - người bạn cùng phòng bỗng lên tiếng nói khẽ, mũi cứ sụt sịt như người bị cảm lạnh. - Khi nào anh không còn sống trên cõi đời này nữa, anh sẽ thôi không cảm thấy gì hết - Nói đoạn anh ta vừa nhìn lưng nhà nghệ sĩ, vừa ngọ nguậy đầu như muốn ấn cái gáy cho lún sâu vào gối.
-Anh bảo gì cơ ? … Cám ơn anh đã an ủi nhé - Nhà nghệ sĩ có vẻ hơi bực.
Lúc này anh đã rửa chân xong, đang đứng cạnh bồn rửa mặt, người mặc độc chiếc quần lót, chân giẫm giẫm lên tờ báo trải dưới đất.
-Tôi hy vọng - anh nói - anh cũng sẽ không cảm thấy gì hết … tất nhiên là cũng trong trường hợp như thế !
Và trước khi giơ tay với công tắc để tắt đèn, anh ngoái đầu ra sau nhìn ông bạn cùng phòng đang mặc cả quần dài lẫn sơ mi nằm trên giường.
-Tôi tắt đèn đây, vì đã một giờ đêm rồi - nhà nghệ sĩ càu nhàu - Anh không phản đối gì chứ ?
Người kia không nói gì, chỉ mỉm cười một cách khó hiểu. Và đèn tắt. Nhà nghệ sĩ nhón chân đi về phía chiếc giường đã trải sẵn chăn đệm.
-Cái gì cũng làm anh khó chịu cả - giọng nói trong bóng tối lại vang lên - Từ thị trấn, trận mưa, đến khách sạn. Anh bực dọc, tức tối. Nhưng tôi xin nói với anh rằng, bực tức như thế là hoàn toàn vô lý. Hắn anh còn nhớ có một nhân vật của Đôxtôiepxki đã từng thèm khát được sống như thế nào, dù phải sống trên một khoảng không gian bé tí xíu, treo vào vách đá bằng một sợi dây xích cũng được, miễn sao là được sống.
-Tôi thấy anh có vẻ là người cũng chịu đọc đấy - cái giọng càu nhàu của nhà nghệ sĩ hơi đượm chút mỉa mai - Thế anh là ai ? Ở đâu đến vậy ? Hay ta làm quen với nhau chăng ?
-Tôi là bác sĩ - có tiếng trả lời - Tôi từ Nam Xakhalin tới. Tôi nghiên cứu liệu pháp vi lượng đồng căn … Nhưng bây giờ không phải lúc nói chuyện đó. Anh là người thủ đô, vậy anh hãy nghe tôi nói đây ! Tôi trước đây cũng luôn luôn ao ước được sống ở thủ đô. Nhưng sáng hôm nay tôi lang thang dạo chơi và thế quái nào đi tít mãi ra vùng ngoại ô. Không, không phải về phía biển, mà theo hướng ngược lại, về phía núi. Trên bờ con sông nhỏ chảy qua đó có một ngôi nhà bằng gạch đỏ dành cho những người già. Tôi đi bách bộ một lúc cạnh ngôi nhà đó và trò chuyện với một bà lão. Thôi thì bà ta luôn mồm than vãn, than vãn về cô con gái của bà ta. Chắc anh cũng biết, các ông bà già lúc nào cũng có chuyện để than vãn cả … Sau đó tôi nhìn thấy đằng sau khu đất trũng có một cái chòi nhỏ quét vôi trắng, kiểu như một cái nhà hóng mát - bóng người vô hình trong bóng tối kể, giọng nói rì rầm nho nhỏ của anh ta hơi khàn khàn, vừa kể thỉnh thoảng anh ta lại khịt khịt mũi - có vẻ như bối rối và lưỡng lự - Ở gần chỗ cái chòi ấy có hai con ngựa đang đứng gặm cỏ trên đám cỏ xanh - anh ta kể tiếp, rồi dừng lại, như thể phân vân không biết có nên kể nữa hay thôi. Bỗng giọng nói của anh ta có vẻ rất xúc động trầm hẳn đi - Đó là ngôi nhà cuối cùng, sau đó là bắt đầu đến rừng. Không hiểu sao bỗng dưng tôi thấy thèm đến gần cái chòi đó để xem nó là cái chòi gì, vậy là tôi cứ xuyên thẳng qua khu đất trũng. Anh đã bao giờ nhìn thấy thứ cây kixia của vùng Xakhalin chúng tôi chưa ?
-Kixia à ? - nhà nghệ sĩ cố nén một tiếng ngáp, thờ ơ hỏi lại.
-Phải, thứ cây ấy ở vùng chúng tôi to lắm. Tôi bị rơi vào một rừng cây kixia - cao có lẽ phải đến ba mét. Lại còn thứ tầm ma sần sùi nữa chứ. Thế là tôi bị rát hết cả người. Tóm lại là tôi bị lạc trong cái đám cây rậm rịt ấy, không sao tìm được lối ra chỗ cái chòi, mà cuối cùng lại rơi ngay vào một gò cây xanh. Tôi cứ đứng trên gò và quan sát : cái chòi cố nhiên là ở xa tít một nơi. Bỗng nhiên lúc đó, anh có nghe không đấy ? Tôi thoáng nảy ra một ý nghĩ. Tôi nghĩ rằng cái gò mà tôi đang đứng ấy, chính là trung tâm của thế giới. Chính cái trung tâm mà chúng ta ai cũng chỉ hiểu biết rất mơ hồ, nhưng ai cũng bị nó thôi thúc ám ảnh. Hay nói cách khác, là nhiều khi chúng ta có cảm giác, hay đúng hơn là ước mơ rằng ở một nơi nào đó có một chỗ tập trung tất cả những gì là đẹp đẽ, ưu tú, chân chính nhất - và chúng ta khao khát muốn đến đó cho bằng được. Chính vì thế mới nảy sinh ra cái tư tưởng thôi thúc, lôi kéo ta đến các thủ đô, và vì thế mà ở một giai đoạn nào đó của tuổi trẻ, chúng ta cứ lồng lên muốn bứt ra khỏi những nơi thân thuộc của mình … Xin lỗi, anh có muốn nghe nữa không ? Hay thôi nhé ? Xin lỗi …
-Không, tôi vẫn đang nghe đây - một giọng nói hờ hững vang lên trong bóng tối, tựa như chính bóng đêm đang bị chìm vào tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ lên tiếng đáp lại cái giọng đều đều buồn ngủ của người kể chuyện - Tôi đang nghe và cố nắm bắt được tư tưởng của anh.
-Thì nó có gì phức tạp đâu. Trên đời này không có nơi nào là đặc biệt cả. Hay nói đúng hơn, bất cứ một chỗ nào, dù là rất nhỏ bé, cũng có thể là nơi tập trung tất cả những gì chính yếu nhất. Ví như cái gò cây ngưu bàng kia, hay một nơi nào đó tương tự như thế. Đó chính là nơi mà một lần nào đó anh đã khám phá ra được điều gì to lớn …
-Thế anh đã khám phá ra được điều gì to lớn trong những cây ngưu bàng ấy ?
-Không, đừng nên hỏi như vậy. Hãy nghe tôi nói nốt … Trong đời ta có những giây phút mà lời nói - không phải đơn thuần là những lời nói chứa đựng bên trong một ý nghĩ nào đó, mà dường như chính bản thân ý nghĩ, đi đến và đứng ngay trước mặt ta, như một sinh vật, và khi đó lời nói chẳng còn giá trị gì nhiều lắm. Mà thôi … Tôi biết nói những chuyện như vậy thật là lẩn thẩn, mà tôi với anh lại chưa biết nhau, và hơn nữa, lại sắp phải chia tay nhau để không bao giờ gặp lại nữa, có lẽ thế … Nhưng tôi chẳng còn lúc nào mà để ý tới những cái gọi là quy tắc lịch sự với không lịch sự cả. Cái chính yếu, cái chính yếu mới là cái quan trọng nhất ! Và nó nằm trong điều mà tôi mới phát hiện ra : đó là cuộc sống hóa ra quý hơn ta vẫn tưởng gấp trăm, gấp nghìn lần ! Tôi xin đơn cử một ví dụ : chẳng hạn khi những con họa mi kêu ríu rít lúc bình minh, thì đó không đơn thuần là tiếng ríu rít, mà là điều kỳ diệu ! Hoặc như khi nhìn thấy con quạ vỗ vỗ cánh, lẽ ra chúng ta phải khóc lên vì sung sướng mới phải …
-Phải, phải … câu chuyện sau mười hai giờ đêm của chúng ta hôm nay … trong cái khách sạn tồi tệ này … Phải ! Anh nói đúng - nhà nghệ sĩ bỗng đổi giọng nghe ngọt xớt - Nói chung câu chuyện của anh hôm nay đúng là khác thường. Nhưng tôi là một nghệ sĩ, nên có nhiều chuyện khác thường tôi cũng hiểu được. Vậy thì anh bạn thân mến ơi, anh hãy nói thật cho tôi biết, anh đang gặp chuyện gì vậy ? Vì tôi đoán chắc anh đang phải chuyện gì. Và liệu tôi có thể giúp anh được không ?
-Cám ơn ! Phải, đúng là tôi đang gặp một chuyện thật. Nhưng anh không giúp gì được đâu. Vả lại, vấn đề không phải ở chỗ đó. Ác một cái là tôi không thể nào diễn tả được dù chỉ một phần nghìn cái điều mà hiện giờ tôi đã hiểu ra. Vả lại kể với anh làm gì ? Vì ngày mai anh đã đi rồi … Những buổi hòa nhạc, những bó hoa. Tóm lại là xin lỗi anh, chúc anh ngủ ngon !
-Thôi được, sáng mai ta nói nốt vậy - nhà nghệ sĩ đang ngái ngủ, tán thành ngay - Ôi dào nói đến chuyện hoa, hôm nay người ta tặng tôi phải đến gần mười ki lô hoa, thứ hoa ở địa phương này ấy mà, gọi là gì nhỉ ? … hình như là hoa xaranki thì phải. Trên đường về đây, lúc qua cầu tôi quăng hết xuống sông rồi !
"Thôi, sáng mai" - anh nói, nhưng sáng ra, dậy muộn nhà nghệ sĩ không thấy ông bạn nói chuyện hồi đêm với mình đâu nữa. Cái giường anh ta nằm chăn gối vẫn ngổn ngang, nhưng người không còn, chiếc cửa sổ mở rộng trên đầu giường sáng rõ một màu xanh da trời và xanh lá cây. Một ngày nắng đẹp đang hiện lên bên ngoài, có cảm giác như không có trận mưa đêm qua. Nhà nghệ sĩ duỗi thẳng chân, giơ cao chúng lên trần nhà chín lần cho giãn cơ bụng, rồi nhảy phắt xuống đất. Đoạn anh thò khuôn mặt vui vẻ đầy râu qua cửa, gọi to xin mượn bàn là. Khi người ta mang đến cho anh chiếc bàn là điện bóng nhoáng, anh tự tay là quần lấy, rồi sỏ vào người, lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Và chỉ lát sau cái dấu vết mờ nhạt của cuộc nói chuyện hồi đêm, cũng như cái hình dáng lờ mờ không rõ nét của người kể chuyện kỳ dị đã tan biến khỏi trí nhớ anh.
Trong khi đó, con người kỳ dị kia đã đang lang thang ở một nơi rất xa bên bờ biển, trên một doi cát dài, và cái bóng đen rõ nét của anh đang lặng lẽ bò theo anh trên cát.
Anh rời khỏi khách sạn từ lúc còn mờ sáng, vì đêm hôm đó thế là anh không ngủ được. Anh thức dậy từ lúc tinh mơ, đánh thức cô trực nhật đang ngủ trên chiếc đi văng ngắn dậy, trả tiền buồng, rồi bước ra bầu không khí dày đặc và ẩm ướt của buổi sáng Xakhalin.
Những đám mây đen đang vun vút lao đi trên bầu trời, và khi anh rời khách sạn, lê bước qua khắp cái thị trấn không người lúc sáng sớm, thì bình minh đã bắc xong một chiếc cầu không khí nối đêm và ngày. Một dải chân trời màu hồng đã hiện lên như một bức tường ánh sáng đằng sau những ngôi nhà đứng im lìm. Cả thị trấn đã hiện rõ trong ánh sáng lúc rạng đông, nhưng lại không có một bóng râm nào, nên trông có vẻ kỳ lạ. Những ngôi nhà mái lợp giấy dầu, ván thanh và ngói xi măng, hình như đang tỏa ra từ bên trong một thứ ánh sáng dịu vào cái giờ sớm tinh mơ ấy.
Lúc đi qua khu nhà gỗ dài của bệnh viện, anh bước chậm lại - người anh như thấp đi hẳn một cái đầu và trẻ ra gấp đôi. Anh nhớ lại cách đây nhiều năm, một hôm anh cũng khua vang gót giày trên vỉa hè gỗ như thế, lòng tràn ngập một niềm vui xao xuyến và mệt mỏi sau buổi hò hẹn đầu tiên kéo dài thâu đêm tới sáng. Buổi hò hẹn hôm ấy diễn ra trong một vựa cỏ khô, vì thế những cọng cỏ màu xanh nhạt còn dính cả trên chiếc áo sơ mi trắng nhầu nát của anh … Và, khi đi ngang qua khu nhà của bệnh viện, chàng trai trẻ ấy nhìn thấy một khung cửa sổ mở rộng, bên trong khung cửa, tựa như trong một khung ảnh cao, là hình dáng một cô gái mặc áo blu trắng, đang đứng cúi người, tay tì vào bậu cửa. Đó là cô y tá Xveta, hoa khôi số một của thị trấn. Cô đã nhìn anh bằng đôi mắt xanh trong của buổi sớm, đôi mắt có thể thấu hiểu tất cả.
… Cũng chính hôm đó anh đã gặp ở gần khu chợ vắng vẻ anh chàng Rôbe Xamxônốp đang thất thểu bước qua đường, mặt mày ủ rũ như đang buồn ngủ. Đó là một anh chàng đã nhiều tuổi nhưng vẫn độc thân, một tay chơi đàn baian cự phách và một ông vua nhảy tăng gô đã hết thời. Những năm đó Xamxônốp thỉnh thoảng vẫn còn thấy xuất hiện ở câu lạc bộ, nơi đám thanh niên đang tập nhảy những điệu mới mạnh mẽ hơn, anh đến đó đứng trơ trọi một lúc lâu bên chân tường, cô độc và quái dị như một con khủng long cuối cùng của trái đất. Mặc chiếc quần ống loe dài quét đất với chiếc áo lót lính thủy kẻ sọc lộ sau chiếc áo sơ mi để phanh ngực, nom anh ta đã trở thành lố lăng buồn cười, nhưng bản thân anh ta lại không hiểu nổi và chấp nhận điều đó. Và khi âm thanh của điệu bludơ chậm vang lên từ những cái loa đặt giấu hai bên tường, lấp sau những chiếc màn đỏ, thì Rôbe Xamxônốp, không biết từ góc nào chui ra, dắt theo một cô bạn gái hồi trẻ của anh ta, giờ đã già và béo mập. Anh ta áp sát bộ mặt đau khổ của mình vào má người bạn gái, rồi lắc lư người, chân miết những bước rộng, đưa cô ta đi ngang dọc khắp gian phòng, lách qua đám người đang nhảy. Nhà hiệp sĩ già của điệu tăng gô và vanxơ-bôxtông không thèm để ý đến mọi người xung quanh, vẻ mặt mơ màng đau khổ, cứ đi những bước lắt léo phức tạp, một tay giơ thẳng như mũi tên để quay quay bàn tay ngoan ngoãn của người bạn nhảy … Vào những tối khác có thể gặp anh ta trong quán rượu duy nhất của thị trấn, nơi anh ta thường đứng trên cái bục thấp, nhắm tịt mắt, cất cái giọng cổ họng nghe não ruột lên hát bài "Cheremsina" nổi tiếng một thời, anh ta hát không phải vì phần thưởng hay tiếng tăm, mà để than khóc cho nỗi buồn của mình. Người ta thông cảm với anh ta và mời anh ta lúc đến bàn này, lúc đến bàn khác, nhưng không bao giờ anh ta ngồi ngay, mà bao giờ cũng đứng cạnh bàn, bắt mọi người phải khẩn khoản van nài một lúc đã …
Nhưng lúc này, đường phố buổi sáng sớm hãy còn vắng ngắt, hè phố không có người, và con người đang đi trên đó không còn là cậu bé mười sáu tuổi sau buổi hò hẹn ngày nào nữa, mà là một người tuổi đã xấp xỉ bằng tuổi của Rôbe Xamxônốp nổi tiếng vào thời kỳ tàn lụi của mình. Con người này không còn quá khứ nữa, cái quá khứ vốn là vô giá đối với ký ức, vì quá khứ chỉ có ý nghĩa đối với người nào mà cuộc sống còn có tương lai. Nhưng anh đã biết trước giới hạn tương lai của mình. Người nào không biết đến cái giới hạn ấy, người đó thực tế có cả một tương lai vô tận ở phía trước - anh ta sẽ có vô vàn mặt trời và mặt trăng của quá khứ, có cả một kho tàng truyện thần thoại cổ xưa, có được lòng can đảm của những anh hùng thời đó, và có được toàn bộ lịch sử nhân loại, như lịch sử của chính mình. Nhưng nếu cuộc đời phía trước chỉ còn lại vẻn vẹn một tháng, thì cái cuộc đời đã trôi qua phía sau cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn. Đúng một tháng trước đây lần đầu tiên người ta xác định được bệnh của anh, căn bệnh mà trên Trái đất chưa có ai chữa được. Sau đó không còn cái gì khác ngoài bệnh tật - và bây giờ là cái ngày hôm nay.
Trong khi nhằm hướng biển và tiến gần đến cái vòm ánh sáng rực rỡ trên mặt biển, anh đi qua các dãy nhà gỗ, qua các mảnh vườn bé xíu trồng khoai tây, hành và củ cải, và qua câu lạc bộ "Chào mừng" mà ở thị trấn người ta thường gọi là "nhà kho", vì hình dáng của nó giống nhà kho hơn.
Anh theo con đường dốc đứng cuối cùng đi lên - và qua khe hở của hai hàng rào kề nhau, nhìn thấy cái cơ thể hùng vĩ màu xanh - xám - tối của biển buổi sáng. Anh dừng lại cạnh bức tường gỗ vắng vẻ của căn nhà yên tĩnh và ngoái nhìn lại phía sau một lần cuối. Thành phố cùng những người dân mà cách đây nhiều năm anh từng quen biết, cô y tá Xveta, cùng tất cả những đường phố quen thuộc, tất cả mọi ngôi nhà, cùng những ống khói cao của các gian nồi hơi đang nhả khói - tất cả đều ở lại phía sau, chỉ có mình anh là đi về phía biển.
Sau đó anh rẽ sang bên trái, men theo nền đường sắt dẫn đến mỏ bên cạnh, cái nền đã được dọn sạch các đống tuyết và đụn cát. Dọc hai bên đường sắt là dãy nhà cuối cùng của thị trấn, càng đi xa về phía những cồn cát trắng nhà cửa càng thưa dần đi. Và những ngôi nhà sát ngoài cùng là những ngôi nhà rất bé và mỏng mảnh, cứ như những cái hộp làm bằng thứ gỗ mỏng và khô. Có một ngôi nhà chỉ có độc một cửa sổ bé tí. Màu của những ngôi nhà chuồng chim này là cái màu bạc mờ, xám một cách kỳ lạ, nhưng lại rất ăn nhập với màu cát sáng và gam màu hài hòa của bức tranh biển Xakhalin, đó là màu của gỗ bị dầm mưa dãi nắng lâu ngày, bị sương mù ẩm ướt và gió biển mặn nhiều năm phủ táp, và bị những lớp cát bay lượn trong không trung kiên trì mài nhẵn. Xung quanh những mảnh vườn nhỏ cạnh nhà đều có cắm cọc hoặc những thanh ván thùng, phía ngoài trùm những mảnh lưới đánh cá cũ - có thửa vườn còn được phủ kín bằng cả một tấm lưới đánh cá rách. Con người lạ đi qua những ngôi nhà đó, chăm chú quan sát một lần nữa tất cả những gì mà bấy giờ anh mới nhận ra là mình vẫn hằng yêu mến, không bao giờ quên được. Nhưng cái chính yếu, cái chính yếu và hùng vĩ nhất ở đây - cái bao la nhất sau bầu trời ở đây - chính là biển. Biển màu xám chì và phản chiếu màu xanh của cây cỏ nơi chân trời ấy, dường như mới vừa thức giấc, nó còn đang há ngoác cái miệng có nhiều con sóng đang nối tiếp nhau chạy vào bờ, mà ngáp. Sóng biển đang gầm thét như một đàn gấu hoảng hốt, dưới ánh sáng chan hòa buổi sớm, cát ở sát mép biển có màu sâm sẫm như đầu mẩu bánh mỳ. Trên các gợn sóng rộng và đều, nơi phát sinh ra những con sóng bờm sờm ven bờ - trên những dải sóng nhẵn đang chạy lăn tăn ấy ánh lên thứ ánh bạc và đống của bầu trời u ám lúc rạng đông.
Còn trên khắp nền sáng của bầu trời, cái bầu trời bao la và không sao nhìn hết bề cao, bề rộng của nó, có nhiều đường vân như những vân đá cẩm thạch và đá xám. Người đó vừa đi vừa ngẩng mặt lên nhìn cái bầu trời vĩ đại ấy, nở nụ cười bẽn lẽn và trong lòng thấy rạo rực niềm khao khát cầu nguyện.
Trên đường đi người đó gặp một người đánh cá đang đứng ở ven biển, nước gập đến đầu gối, trước mặt anh sóng bạc đầu đang réo ầm. Người đánh cá thoăn thoắt cuộn ống chỉ, cái đầu đang chếch lên của chiếc cầu cân bằng tre bỗng cong xuống, phía xa, sau con sóng lớn, một chú cá mình lấp lánh ánh bạc đang giãy giụa trên đầu ngọn sóng. Con người bệnh tật đi khỏi chỗ người đánh cá và nghĩ rằng lúc này người đánh cá ấy là sinh vật hạnh phúc nhất trên đời - và cuộc gặp gỡ với hạnh phúc của người khác không làm anh thấy đau đớn. Có một điều họ thể cắt nghĩa nổi bằng từ ngữ, là nỗi bất hạnh của riêng anh, khi gặp niềm hạnh phúc của người đánh cá kia, gặp cái vẻ đẹp mới khám phá ra của những ngôi nhà nghèo nàn ven biển, khi tiếp xúc với không khí tưng bừng của buổi sáng đang thức dậy trên biển. - vào những khoảnh khắc ấy cái bất hạnh của anh bỗng hóa thành một niềm vui bao la khôn tả. Anh lẳng lặng đi qua người đánh cá, nhưng đi xa rồi vẫn còn hai lần ngoái đầu nhìn lại anh ta.
Anh đi khỏi ngôi làng ven biển đã khá xa - cuối cùng cái nơi anh lựa chọn từ lâu đã hiện ra trước mắt. Ở bên cánh trái của cái vịnh hình bán nguyệt có một doi cát dài nhô ra biển. Trên doi cát có hai túp nhà nhỏ. Giữa hai túp nhà có một cái cây đứng trơ trọi. Mặt nước phẳng lặng bao bọc doi cát từ ba phía. Những con sóng bạc đầu ngầu bọt đang gầm thét và réo ầm ầm mãi đằng xa.
Chỗ đó gọi là vịnh Camarôn. Đối diện với vịnh, ở ngoài biển, phía trên đường ranh giới xa tít nhưng rõ nét của nó, thỉnh thoảng lại có thể nhìn thấy hòn đảo hiện lên như một khối màu xanh giữa bầu trời trong như ngọc đang bồng bềnh trên mặt nước. Đảo mà nhìn thấy rõ là điềm báo hiệu trời xấu, mặc dầu bao giờ nó cũng chỉ hiện rõ vào ngày trời sáng, dưới bầu trời trong trẻo bị lật ngược, và biển trải ra êm đềm thẳng tắp suốt đường chân trời. Còn khi nào ngoài khơi có dông bão, thì biển bị bao phủ bởi những hàm răng bọt trắng nhọn, và những con sóng lớn lại cuồn cuộn đổ vào mũi đất hẹp, như muốn xóa sạch nó đi, nhưng chưa có ngọn sóng nào tràn tới được doi cát Camarôn. Ngày xưa ở đây từng có một xóm chài, nhưng những người dân chài đã bỏ làng đi từ lâu, và cả ngôi làng chỉ còn lại vẻn vẹn hai túp lều có mái, còn tất cả những túp khác đã đổ sụp. Hai túp nhà này đứng sát ngay nước, sau cái rìa cát và dải đất mọc đầy cỏ cứng và sắc, tựa như sẵn sàng đợi biển giáng cho một đòn cuối cùng. Và rất có thể, một ngày nào đó, một con sóng lớn sẽ ập đến, tràn qua doi cát, cuốn đi nốt mấy túp nhà, nhưng con người hiện đang sống trong ngôi làng bỏ hoang trên mỏm Camarôn đâu cần để ý đến chuyện đó.
Camarôn giống như một con dao cũ mẻ nằm quay cái mũi nhọn về phía hòn đảo mờ ảo đằng xa. Nơi đây lúc nào cũng vắng người, vì thế thời gian ở đây hình như không tiến hành sự vận động phức tạp và liên tục của nó. Còn sự vận động của biển thành những con triều lên, triều xuống, thành những đợt sóng dài vô tận cuốn vào bờ, thì dường như không đẻ ra phút và giờ - cái tài sản thuần túy của con người, và có cảm tưởng như chỉ có mỏm cát và hai túp nhà đứng trên đó là khẽ bồng bềnh trôi, tựa như một con tàu đang chậm chạp tiến về phía đảo xa.
Nơi đây đã xảy ra nhiều biến cố. Cát từ trên sườn của đụn cát cao đổ ập xuống khi có con chó chạy qua, những con hải âu ngã rơi ngực xuống nước, một người lạ đến bãi tắm sạch và nằm ép người xuống lớp cát mịn. Cái bầu trời cao tính khí thất thường hết bày ra, thu đi, rồi lại bày ra bức tranh của nó. Nhưng các biến cố nẩy sinh, do sự vận động của các bộ phận sống và chết của thế giới, thì cứ diễn ra và lặng lẽ biến đi theo thời gian, không để lại dư âm lâu trong bầu không khí ven biển - chỉ có những con sóng vỗ bờ là lúc nào cũng rì rào và những con hải âu gặp gió lúc nào cũng kêu líu ríu không bao giờ ngớt.
Thời gian đã trôi qua là thời gian không bao giờ nắm bắt được, nó không có một thực thể rõ ràng, và trong cả cái khối quá khứ khổng lồ không thể nào rút ra dù chỉ một phần tử rất nhỏ bé của nó, cái tinh thể bé nhỏ trong nháy mắt tan biến đi như một hạt tuyết xốp rơi vào lòng bàn tay ấm. Một số người hình dung thời gian đã qua như một sợi chỉ dài, số khác lại cho nó là một cuộn mây tròn lăn đi theo gió. Nhưng trong cả hai trường hợp, ký ức của con người chỉ có thể chạm vào một bộ phận nào đó của thời gian đã mất.
Và mặc cho đó là khoảnh khắc của đêm sâu, mặc cho đại dương vô hình cứ gầm thét bên cạnh, và giữa bầu trời đêm sâu thắm màu đá xám, một ngôi sao bỗng tách ra khỏi đàn sao, bốc cháy rồi rơi xuống đất - ngôi sao băng của nỗi buồn. Trong lúc rơi nó bị vỡ ra làm ba mảnh - ba vệt lửa của ba số phận khác nhau.
Bây giờ đang là cuối tháng bảy, quãng thời gian đẹp nhất ở Xakhalin, quả mặt trời chín mọng đang tiết ra thứ mật màu vàng và không còn sức để nung nóng hơn được nữa. Đám người tắm biển hạnh phúc, chiếm hết cả khu bãi tắm thoai thoải trên cánh bên phải của bãi cát phẳng hình vòng cung - đang nô đùa ầm ĩ trên cát. Bờ biển rực rỡ bởi các bộ quần tắm đủ màu, những cái bóng đen chạy theo chân những người đang chạy, và nằm bên cạnh những người đang nằm. Tiếng ầm ì vốn có từ bao đời nay của biển bị vỡ nhỏ ra và hòa lẫn với đủ mọi thứ giọng lanh lảnh của con người. Những thân người màu da cam sáng lên trước màu xanh lục sẫm của biển, chúng đuổi nhau, chơi bóng, nằm trên cát, hoặc ngồi ôm gối, chơi ném cát vào nhau, bế trên tay phụ nữ và trẻ con, giơ cao những chai nước trên khuôn mặt đang ngửa ra, ngồi túm tụm từng nhóm chơi bài. Chúng đeo vào hoặc bỏ những chiếc kính râm ra, giũ trước gió những cái chăn rồi trải chúng xuống cát, đứng im một chỗ nhìn ra biển, nhìn lên trời, nhìn ra hòn đảo xanh ngoài xa, nhìn lên những ngọn núi xanh gần bờ biển, nhảy lên trước những con sóng đang chạy vào bờ và bơi trong làn nước mát.
Tất cả đám dân chúng khỏe mạnh và rỗi việc của thị trấn đều đổ ra cái chỗ nô đùa thích thú ấy trên bờ biển. Từ cái hầm mỏ ẩm thấp bước ra, người thợ tầng lò làm ca sáng vội vã rảo bước về nhà, khua ủng cồm cộp trên những thanh gỗ lát vỉa hè, dòng mồ hôi than chảy từ trong mũ sắt xuống mặt anh ta, - và chỉ một hai giờ sau anh ta đã ngụp lặn chán chê trong làn nước mặt mát mẻ và sạch sẽ, chân tay vùng vẫy để bơi, và phía dưới anh ta, trên đáy cát trắng lóa ánh mặt trời, cái bóng đen của anh ta cũng vùng vẫy theo như một con cua lớn. Một nàng tiên cá bơi ngang qua, những hạt bong bóng nước cứ sủi lên khắp xung quanh người trông như những hạt ngọc, cô ta vừa bơi vừa lấy tay khỏa trên mặt nước, và cứ mỗi cái khỏa lại ngoảnh bộ mặt tươi cười nhìn theo tay - nhưng đó không phải là nàng tiên cá bất tử, mà là cô thợ máy khâu Raia, buổi sáng hãy còn ngồi bên chiếc máy kêu ầm ầm, hất mớ tóc quăn xòa xuống trán sang một bên, để chạy một đường chỉ cho đều.
Cửa hàng thương nghiệp thành phố vừa bán ra một loạt bộ quần áo tắm màu đỏ, nên bây giờ khắp bãi tắm chỗ nào cũng đỏ rực những bộ quần áo ấy, chúng bốc lửa trên người các cô gái, hệt như những cánh hoa thuốc phiện trên đồng cỏ sặc sỡ. Bỗng một cánh hoa tách ra khỏi mặt đất bay về phía biển, và như một cái đài phun nước, sau khi phun ra một dòng tiếng cười lanh lảnh, cô gái nhảy vào con sóng đang chạy vào bờ. Sau đó, từ dưới nước lên, cô gái tắm biển không còn rực rỡ như trước nữa, cái màu đỏ thắm trên người cô đã bị tắt đi trong biển, đã biến thành màu san hô và dọc đôi vai tròn của cô có những dòng nước lấp lánh chảy, mớ tóc cứ nhảy tung tăng trên cái lưng để trần của cô.
Phía trên một đám những cái đầu đang ngẩng, một quả bóng màu sẫm bay lên, lơ lửng trong không trung giây lát, rồi từ từ rơi xuống, một cầu thủ bóng chuyền thành thạo, da rám nắng, đưa bàn tay rất dẻo đập vào nó, và quả bóng bay vút trong không khí, rít lên như viên đạn đại bác, đập bốp vào một người nào đó, rơi xuống cát nghe bịch một cái, rồi lăn đi trong cái bóng đen tròn của nó. Một nàng tiên cá có đôi vai đỏ ửng bong hết da chạy theo cúi xuống nhặt, mớ tóc xoăn dài màu da đồng rủ xuống cát, một mùi âm ấm của quả bóng da khẽ phả vào mặt cô. Tất cả các cầu thủ đứng đợi cô nhặt bóng lên, quay trở về giao bóng - rồi người nào người nấy hơi khom người, chăm chú theo dõi, khi cô khẽ tung quả bóng lên, rồi ngửa lòng bàn tay hồng hào ra đón nó.
Cô Tônhia Ôkhara, một cô gái lai Nhật, cô mậu dịch viên ở cửa hàng thực phẩm thị trấn ai cũng biết, đang ngồi cạnh một khóm tường vi xanh, cả khóm chỉ còn lại hai bông hoa màu tím nhạt, hai bông hoa đang bắt đầu trụi lá. Hai tay ôm lấy cặp đầu gối tròn trĩnh, đầu đội mũ vải mềm màu trắng hơi cúi xuống, Tônhia nhìn chàng trai tóc xoăn đang nằm duỗi thẳng người bên chân cô như một con thú khỏe mạnh "Muốn chứ ?" - Tônhia đe anh chàng rồi đưa bàn tay nhỏ nhắn bốc một nắm cát ném vào mớ tóc quăn của anh ta. Anh này nhỏm ngay dậy, nhắm mắt lắc lắc đầu, toét miệng ra cười. Tiếng cười ròn tan của Tônhia Ôkhara vang đi rất xa, khiến mọi người xung quanh phải ngoảnh lại nhìn cô.
Một chú bướm đang bay lượn trên mặt sóng ngay bên mép bờ cát. Con sóng chồm lên, đỉnh sóng lấp lánh. Những tảng đá nóng hàng nghìn năm vẫn ngồi im trên cát, trong những cái hang ẩm ướt. Con bướm trắng bị gió mang từ những sườn đồi nở hoa về đây cứ chập chờn bay lượn. Sóng cuộn tròn lại - và trong giây lát nó bỗng có cả cái độ bóng và độ cứng của loại đá quý. Sóng rơi xuống - và trong tiếng réo ào ào của nước, một dải đăng ten bọt trắng như tuyết bỗng hiện lên. Nhưng chú bướm vẫn bay lượn trên bờ đại dương. Phía xa ngoài đại dương, thấp thoáng bóng một chiếc tàu thủy nhỏ, trông như cái cọng rơm bập bềnh giữa mặt biển xanh trong tinh khiết. Trong đám người đang chơi đùa trên bãi cát có một người nhìn chiếc tàu và nghĩ rằng : những con tàu thần thoại đang đi ra biển, nó đang bơi hay đứng im một chỗ ? Và chú bướm vẫn không ngừng bay lượn trên sóng trông như một đứa bé sáng sủa và hạnh phúc trong bộ quần áo trẻ con.
Dọc theo bờ biển một chiếc thuyền máy đang chạy, ngồi trong thuyền là anh lính trong đội cứu hỏa của thị trấn tên là Vitka Buốcxôi. Nhiều cặp mắt tò mò từ từ đưa mắt nhìn theo chuyển động chậm chạp của chiếc thuyền. Tiếng động cơ nổ giòn và vang đi rất xa. Những cặp mắt đang quan sát, tất cả phải đến hàng trăm, mà có khi hàng nghìn, đều biểu lộ chung một cảm giác, một ý nghĩ … Nóng, chao ôi là nóng, giỏi thật ! Những cái mí mắt khoan khoái khép lại. Vitka Buốcxôi chắc phải đánh được đến nửa thuyền cá, cứ nhìn cái thuyền bị lún hẳn xuống nước thế kia thì biết … Ánh mặt trời nóng rát, cát cũng nóng, và khi hít thở bầu không khi oi bức ấy, một cảm giác mệt mỏi dịu ngọt bỗng làm ngực hơi đau nhói và có lúc tưởng như tắc thở.
Một lúc sau Vitka Buốcxôi đã cho thuyền đến gần chỗ cửa sông, nơi lúc nào cũng có những đợt sóng cao vùng vẫy, tựa như muốn ùa vào dòng sông, con thuyền đến chỗ đó thì hếch mũi lên, rồi lại chúc xuống. Bỗng nó quay ngoắt về phía bờ. Chiếc mô tơ im bặt như bị đứt, và chiếc thuyền lặng lẽ va vào bờ sông. Vitka Buốcxôi quyết định lên bờ đi đến chỗ cầu đường sắt, thám thính xem Nina, vợ anh, có ngồi cạnh ở đó không, nếu cô ta ngồi cạnh và nhìn thấy chiếc thuyền thì mọi việc coi như hỏng bét, cô ta sẽ theo anh ra chợ bán cá và Vitka sẽ không sơ múi gì cả. Anh cởi áo sơ mi và quần dài cho vợ khó nhận ra, rồi cứ mặc chiếc quần đùi rộng may ở nhà men theo bờ sông đi về phía cầu. Đám người tắm biển ở cách chỗ anh khá xa, còn ở đây, cạnh cửa sông, không có ai, chỉ có một người phụ nữ nằm trơ trọi trên tấm đệm kẻ sọc, mặt ngẩng lên trời. Từ xa Buốcxôi đã nhìn thấy đôi kính đen, thân hình chưa rám nắng sáng lóa với cái rốn sâu, mái tóc màu hung, một cánh tay tròn lẳn gấp trên đầu và hai cái nách vàng ánh của chị ta. Anh đi ngang qua chỗ người đàn bà nằm.
Nhưng được chừng ba mươi bước anh dừng lại và đột nhiên nằm úp ngực xuống đất, anh khẽ cười và dí sát hai đầu vú xuống cát nóng. Sau đó anh quay người và lồm ngồm bò ngược lại. Người đàn bà vẫn nằm im không động đậy, mắt nhìn lên trời, bên cạnh là đống quần áo nhiều màu rực rỡ. Vitka Buốcxôi bò lại gần và nằm xuống ngay dưới chân chị ta. Chưa bao giờ anh lính cứu hỏa được nhìn thấy đôi bàn chân hồng thon dài với cái gan bàn chân mềm mại trăng trắng, cùng những ngón chân thanh tú như thế. Anh thở dài một tiếng rồi nhặt một cọng rơm cù vào đôi bàn chân xinh đẹp ấy.
Người phụ nữ ngồi phắt dậy, và anh có cảm tưởng đó là một phụ nữ cao lớn đang lấy đầu đội trời. Mái tóc màu hung đỏ của chị ta phất phơ giữa những đám mây nhỏ màu trắng. Hai chiếc môi chín mọng của cái miệng múp míp của chị ta mấp máy, rồi bắt đầu :
-Anh làm cái trò gì thế ? Không biết ngượng à ? - Và còn nhiều nữa …
Và lúc đó Vitka Buốcxôi mới nhìn thấy sau đôi vai tròn mập của chị ta, phía xa xa, có một con ngựa đang đứng trên đụn cát trắng. Tất cả đều bình thường, mái tóc màu hung của người đàn bà rung rinh trước gió, một con quạ đang bay lượn trên trời, biển vẫn gầm rú đều đều sau đụn cát. Duy có con ngựa đứng trên đụn cát cao là đỏ từ đầu đến chân, một màu đỏ lạ lùng chưa từng thấy, hệt như màu trái nham lê chín. Nhưng anh lính cứu hỏa ấy không có thì giờ quan sát kỹ cái hiện tượng quá kỳ lạ ấy, vì người phụ nữ vẫn tiếp tục chửi bới anh, khiến anh phải nhắm mắt bịt tai lại.
Sau đó họ im lặng. Bên kia sông, một cậu bé đang từ trên núi đi xuống, hai má chân áp sát và sườn đồi dốc đứng. Dưới chân núi có một con đường nhỏ, nhưng lúc này không có ai qua lại. Vitka nằm và đưa chân nọ gãi chân kia. Đó là một người chắc mập, nhưng rất lùn. Tên chính của anh ta là Bansôi. (1) Vì có sự kết hợp như thế nên người Triều Tiên trong thị trấn gọi anh ta là Buốcxôi, có nghĩa là lớn. Thế là từ đó cái biệt hiệu ấy gắn liền với anh ta.
Bỗng từ phía chiếc cầu đường sắt, một phụ nữ to béo, vai rộng tiến đến chỗ anh ta. Đó là chị vợ Nina của anh lính cứu hỏa, chị nắm trong tay một cái cành cây cong queo.
-Cô đến đây làm gì thế ? - Vitka hấp tấp đứng dậy hỏi.
-Xéo ngay đ..i..i .. đồ chó đực ! - Chị hét vang cả cửa sông bằng cái giọng oang oang rồi giơ cành cây lên dọa.
-Cô đừng có mà động vào tôi, không thì đừng có trách ! - Anh lính cứu hỏa vừa lùi vừa dọa.
-Già rồi mà không biết ngượng ! - Xéo đi, nghe thấy chưa ? - Nina hùng hổ nói - Bỏ thuyền ra đây chơi, trẻ con ở nhà thì đang đợi !
-Cô cứ liệu đấy ! - anh chồng quát lên.
Rồi họ cùng đi về chỗ chiếc thuyền. Nina bước lên thuyền, còn Vitka Buốcxôi thì cúi xuống mở máy.
-Mọi người ai cũng sống rồi chết - anh cứ lẩm bẩm nói qua kẽ răng như sắp khóc - nhưng trước khi chết người ta còn cái mà nhớ. Còn tôi thì tôi có thể nhìn thấy điều gì tốt ở cô, hở Nina, điều gì ? Không biết cái đầu cô nó nghĩ gì ?
-Tôi nghĩ về cuộc sống gia đình của chúng ta - Nina đốp ngay. Rồi bỗng chị òa lên khóc. Trong suốt lúc cái nhau chị không hề nhìn người phụ nữ lạ mặt tóc hung, nhưng những lời chị nó đều ám chỉ cô ta.
-Thứ cứ đi mà nghĩ, đồ ngốc ! - Vitka tức giận quát lên, anh không chịu nổi những giọt nước mắt của vợ, cho mô-tơ nổ ầm ầm, đẩy thuyền xuống nước, rồi nhoài người qua mạn thuyền, vớ lấy quần áo để trên tấm ván ngồi và ở lại trên bờ. Con thuyền không có người lái cứ nổ ròn, lao đi trên mặt sông.
Nina vỗ hai tay vào nhau, ối lên một tiếng, rồi vội vã chạy lại phía mũi thuyền có gắn máy, hấp tấp dẫm cả vào đống cá chất ở đáy thuyền.
-Nina ơi, cô cứ đi đi nhá ! - anh lính cứu hỏa giơ nắm đấm lên dọa, hét với theo - Bán được cá rồi cứ nhét chặt tiền vào túi ấy ! Tôi lại đi chơi đây !
Người vợ đang khóc lóc không đáp. Chị ta phải cúi gập người trên tay lái để lái thuyền, giữ cho nó đi ở giữa sông.
Đắc thắng, anh lính cứu hỏa quay trở lại chỗ cũ, nhưng người đàn bà đã không còn ở đấy nữa. Người đẹp đã đi mất rồi. Và Vitka Buốcxôi cảm thấy một nỗi buồn bực đau xót. Nhưng lập tức anh cảm thấy anh còn phải nhớ lại một điều gì nữa chưa được sáng tỏ hoàn toàn và rất lạ. Nhưng là cái gì ? Tay giữ chiếc quần như thể sắp xỏ vào, anh lính cứu hỏa chau mày suy nghĩ.
Con ngựa đỏ ! Hình ảnh ấy chợt lóe lên trong đầu anh. Nhưng nó đâu rồi ?
Vitka Buốcxôi đưa mắt quan sát kỹ từng gò cát xung quanh, nhưng không ở đâu có con ngựa nào cả. Mà vừa nãy anh còn thấy nó cơ mà ! Hình như nó đứng trên cái đụn cát thoai thoải kia - không cao nhưng cân đối, và đỏ từ đầu đến chân như cái đồ chơi bằng nhung của trẻ con vậy … Thế mà bây giờ nó cũng biến mất.
Đoạn anh nhớ lại xem trước đây anh cũng đã gặp một con ngựa đỏ ở đâu. Trên nóc tủ đứng ở nhà anh có một con ngựa bằng thạch cao mà Nina rất thích. Một hôm con gái anh lôi con ngựa ấy xuống và lấy màu đỏ tô khắp người con ngựa. Cô bé bị mẹ mắng cho một trận, nhưng cô nói với bố mẹ rằng cô muốn có một con ngựa cứu hỏa, cũng đỏ như chiếc ô tô ở cơ quan bố. Lúc đó anh đã bật cười và xoa đầu đứa con gái láu lỉnh, nhưng lúc này tự dưng anh lại thấy cáu với nó "Được … về nhà mày sẽ biết tay !" - anh thầm dọa đứa con gái không có tội tình gì, rồi mặc quần áo, đi thơ thẩn, trong lòng cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ khó tả.
Anh cứ đi thơ thẩn như vậy một lúc thì ra đến đường sắt, rồi bước trên những thanh tà vẹt đi về phía cầu, dọc theo bờ biển. Bước trên nền đường sắt, Vitka Buốcxôi thấy người mệt mỏi và buồn bã - bỗng anh nhìn thấy trước mặt một người cởi trần đến thắt lưng. Đó là Âyti, một thanh niên có vóc người khỏe mạnh cân đối, có một hàng ria mép đen nhánh - anh ta đang kéo lê áo sơ mi dưới đất. Nước da nâu của anh ta ánh lên dưới ánh mặt trời, những cái bắp thịt rất nhạy cứ nhảy nhảy dưới lớp da mỏng, khắp người anh chỗ nào cũng cuồn cuộn những bắp thịt khô và chắc như rễ cây như thế.
Anh chàng đứng doạng chân, tay phải đặt lên vai trái, như thể đang chuẩn bị vặn chéo cái phần trên của thân mình đi, hoặc làm một động tác gì khác, vì anh ta cảm thấy suốt đời đi lại quanh quẩn trên mặt đất, chỉ có sống và đi lại thì buồn quá … Âyti cười lớn, cái miệng có hai hàm răng trắng và hàng ria mép lún phún phía trên há ngoác ra.
-Sao trông anh có vẻ buồn thế, Vitka ? - anh hỏi người lính cứu hỏa - Thèm rượu hả ?
-Ừ, giá có rượu thì tốt - anh lính uể oải đáp - thế cậu đi đâu đấy ?
-Đi tắm, hôm nay tôi muốn thử bơi ra đảo. Anh bảo liệu tôi có bơi được đến đó không ?
Âyti trỏ tay ra xa, nơi cái chóp tam giác màu xanh của hòn đảo hơi nhô lên trên không trông rất rõ. Khắp vùng biển này không có tay bơi nào khỏe như Âyti. Rất nhiều lần Vitka Buốcxôi, chủ nhân của chiếc thuyền máy rất tốt, gặp anh ta ở mãi tít ngoài khơi, và anh ta lại đưa tay qua mạn thuyền bắt tay chào hỏi anh. Mặc dù vậy Vitka Buốcxôi vẫn buồn bã lắc đầu bảo :
-Không, không ai bơi nổi tới đó đâu - Chết chìm thôi.
-Anh cho là như vậy, hả Vitka ? - Âyti có vẻ không bằng lòng - Chả lẽ anh chưa thấy tôi bơi sao ?
-Cậu đừng có chủ quan - anh lính cứu hỏa đe trước - Tốt nhất là cứ ngồi trên bờ mà nghỉ cho khỏe, chàng trai ạ !
Anh ta hết lấy môi trên bặm xuống môi dưới, lại lấy môi dưới bặm lên môi trên, ngước mắt nhìn ra phía hòn đảo xanh ngoài xa, có vẻ khệnh khạng, tỉnh táo. Và anh nhìn thấy một con ngựa đỏ thắm, nhỏ như con muỗi đang bay dọc theo đám mây trắng phía trên hòn đảo. Nhưng Vitka Buốcxôi lắc lắc đầu như muốn xua đuổi cái hình ảnh huyền ảo ấy đi.
Âyti làm thợ tầng lò ở mỏ, có một cô vợ rất xinh là Akô, và một đứa con trai lên một không suốt ngày đêm như muốn luyện bộ máy hô hấp. Âyti lấy Akô lúc đầu vì yêu cô thực sự, nhưng thời gian trôi qua, đứa con ra đời - và Âyti không biết tình yêu là gì nữa. Đôi lúc anh cảm thấy sắc đẹp của vợ giống như một cái mặt nạ nham hiểm che giấu đằng sau một cái gì khó hiểu - sự buồn tẻ hay cũng có thể là ngu xuẩn. Akô bắt đầu luẩn quẩn trong nhà, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, suốt ngày chỉ mút kẹo, cơm nước rất vụng, nhà cửa cũng không biết dọn dẹp. Nhưng lại rất mau nước mắt, hay thở ngắn than dài, kêu mệt mỏi, rất hay ghen với chồng, nhưng lúc nào cũng lạy van chồng đừng chạm vào người cô, vì cô rất sợ có mang lần nữa. Và Âyti, mặc vợ kêu ca, bắt đầu bỏ nhà đi chơi, vào quán uống rượu say rồi gây gổ đánh nhau. Anh thường bơi một mình ra mãi tận ngoài khơi, rồi từ đó buồn bã đưa mắt nhìn về dải đất liền xa tắp, mà sống mãi ở đó anh cảm thấy buồn chán lắm rồi. Nhưng rồi anh vẫn phải quay về, để tiếp tục sống và làm việc. Cần phải làm một điều gì đó, khi anh mới có hai mươi ba tuổi.
Trước đây Akô thường hay hát, giọng cô chắc và khỏe hệt như giọng nữ ca sĩ nổi tiếng Êđita Piêkha, khó phân biệt được. Trước khi lấy chồng có lần Akô đã về tận Nam Xakhalin để thử tài thi phận - để học thêm thanh nhạc, hay nếu may mắn, sẽ trở thành diễn viên ngay. Và số phận đã mỉm cười với cô : Akô được mời hát cho một tiệm cà phê buổi tối, cô đã nhận lời, cô đã may hẳn một chiếc váy dài đến tận gót chân, nhưng không biết thế nào lại không dám mặc, và ngay hôm đầu tiên biểu diễn xong, bỏ về nhà ngay. Cô bị mọi người nói rất nhiều rằng các nữ ca sĩ sống rất tự do, buông thả, họ uống rượu và chơi bời hư hỏng, mà Akô thì không thể cho phép mình làm như thế. Cô rất yêu Âyti và muốn lấy anh. Điều đó đã được thực hiện - vậy mà không hiểu sao sau đó con người cô cứ tàn héo đi. Cô vẫn hát và vẫn được coi là người đẹp trong các bữa tiệc như trước, song bây giờ ở cô tất cả những cái đó vẫn có gì khác trước. Ví như nhân ngày sinh nhật đứa con gái thứ hai của anh thợ dây chão Khôn, ở nhà anh ta có tụ tập một đám bạn trai, họ ngồi đến tận nửa đêm. Bỗng Akô ở đâu chạy đến tìm chồng, trên tay bế đứa bé đang ngủ, chiếc váy của cô nhàu nát. Cô định đến lôi Âyti về ngay, nhưng mọi người cố mời mọc thuyết phục cô ngồi lại, rồi yêu cầu cô hát. Thế là Akô đành cứ vừa khẽ rừng đứa bé đang ngủ trên tay, vừa đưa đôi mắt to ướt nhìn lên phía trên. Và bắt đầu hát, lúc đầu khe khẽ, rồi mỗi lúc một to và vang hơn, và sau cùng, giọng hát của cô gái hiền lành chất phác ấy không biết sao bỗng trở nên tha thiết và mạnh mẽ đến nỗi làm người nghe phải xúc động, vui mừng và khóc … Và lúc đó, Âyti đang ngồi bệt trên sàn cạnh lò sưởi, nhả khói thuốc vào lỗ lò sưởi, cất giọng khàn khàn hát theo vợ :
"Dưới bóng cây xanh của cuộc đời, lũ chúng ta như bọn trẻ đùa chơi."
Và lúc đó anh lại cảm thấy yêu vợ với tất cả tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ. Nhưng bỗng thằng con tỉnh giấc khóc thét lên vỡ cả giọng, Akô phải dỗ dành, người cứ phải dướn lên rồi gập hẳn xuống để đung đưa nó. Đứa bé vẫn không chịu nín, bấy giờ Akô chẳng còn biết ngượng với khách nữa, vạch áo lôi ra cái bầu vú chảy xệ, nhét vào cái mồm bé tí đang ngoác ra gào của đứa con. Âyti bấy giờ như sực tỉnh cơn mê, và mới để ý thấy chân Akô đi đôi dép cao su không tất, đầu tóc rối bù, dường như lúc nằm trên gối ra sao thì khi nhảy xuống giường chạy đến đây cô vẫn nguyên thế. Trên đường về nhà Âyti đã mắng vợ về đôi dép cao su và cái đầu bù xù ấy. Đến khi bước vào nhà, móc cửa lại, anh bất giác cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ vì thấy hai người bị nhốt kín trong một căn nhà gỗ bé nhỏ … Vợ anh đã bao lần yêu cầu anh đào cho một cái hố ngoài sân để trồng mận và một cái rãnh thoát nước trong bếp. Cô ta còn bàn cả chuyện mua một con lợn vì nhà họ có một cái chuồng bỏ không … Cứ nhìn thấy bộ mặt hay khóc, hai mắt sưng húp, mũi lúc nào cũng giật giật của vợ, Âyti lại cảm thấy giận vợ vô cùng. Anh cho rằng bao chuyện bực mình đều do Akô gây nên cả, và chính cô ta là người đã làm cho tình yêu của họ dần dần chỉ còn là chuyện hai tấm thảm, một cái rãnh nước trong bếp, một con lợn con ủn ỉn mà anh sẽ phải đi đến một nơi rất xa để mua, cho vào bao, rồi mang về nhà … Xung quanh là cả thế giới bao lao, đêm bao la, chỉ có mình họ là đang bị nhốt trong túp nhà chật hẹp, đứa con trai ngủ đã lâu.
Ít lâu sau, Âyti nảy ra ý định học đàn accoócđêông. Bây giờ cứ lúc nào rỗi anh lại đến nhà Maxicô là người phụ nữ sống xa chồng, chồng chị ta do đánh nhau ở chỗ nhảy bị tống giam, chị ta sống một mình với đứa con gái trong một căn hộ hai buồng, nhưng thực ra chỉ là hai nửa của một căn buồng được ngăn đôi bởi một bức tường gỗ dán. Một hôm sau khi học đàn xong, Âyti mò đến ngồi cạnh Maxicô đang ngồi khâu vá gì đó, đầu ghé sát vào chiếc đèn bàn. Sau buổi học nhạc, Âyti cảm thấy tâm hồn lắng dịu, hiền lành. Anh đến tâm sự với Maxicô và kể cho cô nghe chuyện cổ tích về con chim phượng hoàng đem hạnh phúc cho mọi người. Kể xong anh bảo chị nếu như anh có con chim đó, anh sẽ không tiếc rẻ mà đem tặng ngay cho Maxicô để chị đỡ buồn trong những tối cô đơn một mình ở nhà. Maxicô chỉ cười khảy và khuyên anh nên đem tặng con chim đó cho cô vợ c anh thì hơn. Đột nhiên Âyti cảm thấy thèm muốn Maxicô vô cùng, nối thèm muốn mà chưa bao giờ anh thấy có đối với Akô. Maxicô vóc người nhỏ hơn và thon hơn Akô, nhưng đôi vai cô tròn và lẳn hơn, còn khuôn mặt của cô thì Âyti có thể ngồi lặng hàng giờ, say mê ngắm không biết chán, tựa như nếu anh được ngó qua tấm cửa sổ rực sáng ban đêm để nhìn vào túp lều nhỏ của nàng tiên rừng áo trắng trong câu chuyện cổ tích mà Maxicô kể cho anh nghe để đáp lại câu chuyện cổ tích về con phượng hoàng của anh. Đó là câu chuyện thương tâm về lòng chung thủy vô bờ của người vợ đối với người chồng phóng đãng. Âyti hiểu cái ý xa xôi bóng gió của Maxicô, nên ngồi một lúc anh cáo từ ra về. Sau đó mấy hôm Maxicô đã đám cho anh chảy máu mũi và từ đó vĩnh viễn cấm cửa anh.
Hôm nay, thức dậy muộn vì hôm trước phải làm ca đêm, Âyti không nghe thấy tiếng không của con cùng tiếng lạch cạch trong nhà của Akô. Có lẽ vợ anh lại để phần mì và thịt rán trong chảo cho anh rồi bế con về nhà mẹ rồi. Âyti bước xuống giường, bỗng anh linh cảm thấy hôm nay sẽ xảy ra chuyện gì khác thường. Tim anh bắt đầu rộn rã đập như tiếng sóng vỗ bờ xa xa.
Một lát sau anh đã đang đi về phía biển thân yêu, cởi áo cầm tay, và nghĩ : Cái gì sẽ phải xảy ra nhỉ ? Men theo đường sắt ra đến bờ biển, anh nhìn thấy trên đường chân trời, giữa cái sa mạc mênh mông của biển cả thấp thoáng hòn đảo xanh. Và anh chợt hiểu ra ngay điều gì sẽ phải xảy ra.
Ngày hôm nay, ngay bây giờ, anh sẽ phải bơi tới hòn đảo đó … Đã lâu lắm, từ hồi bé, anh đã khao khát bơi được tới hòn đảo, nhưng trước anh chưa có ai làm được chuyện đó, nên anh cũng không dám liều. Nhưng hôm nay Âyti đã quyết chí.
Anh đi ngang qua chỗ bãi tắm đông người và lúc sau ra tới mỏm Camarôn. Bên rìa doi cát, ông già người Triều Tiên tên là Đô Khôcrô đang ngồi bất động như những cái rễ cây, tảng đá và đụn cát trắng xám xung quanh lão. Âyti tiến đến gần lão, nhưng cách một khoảng mà anh cho là không làm phiền đến sự yên tĩnh và cô độc của Đô Khôcrô. Âyti ngồi xuống cát, cởi chiếc quần jean bó sát đùi ra, vo tròn thành một bó cùng với chiếc áo rồi vùi xuống dưới một đụn cát rất to. Sau đó anh chồng người trên hai tay và đi trên bãi cát ẩm ven bờ. Một con sóng nhỏ ùa đến, tràn lên bờ, và cái mép sóng đánh vào đôi tay đang đi của Âyti, thế là anh lại nhảy chân xuống. Làm xong những động tác đó, Âyti dũng cảm mỉm cười và quay về phía người bạn cùng cô đơn gọi to :
-Bác Khôcrô ơi ! Cháu bơi ra đảo đây. Vì cháu thấy nó có vẻ gần lắm. Chỉ độ ba tiếng đồng hồ là cháu bơi đến nơi thôi. Bác bảo có được không ? Câu cuối anh hỏi bằng tiếng Nga.
Ông lão không trả lời, vẫn thản nhiên nhìn ra phía trước, đầu đội chiếc mũ vài bạc phếch, khuôn mặt ông trông tối tăm. Âyti bỗng cười vang :
-Sao bố im lặng thế bố ? - anh nói - Người ta hỏi mà bố không trả lời. Bố sống trên đời mà cũng chẳng biết mình sống để làm gì nữa. Bố suốt đời chỉ hái rong biển thôi à ? Ừ thì bố cứ việc hái ! Thôi, chúc bố khỏe ! - anh tạm biệt ông lão, rồi nói thêm : - này bác Khôcrô ơi ! Nếu mai người ta có tìm cháu thì bác bảo là thằng Âyti nó chết đuối dưới biển rồi nhé.
Nói xong, anh giơ tay vẫy, rồi lại cười vang, bước những bước rộng xuống biển. Anh lội từ chỗ cạn ra chỗ sâu, để lại phía sau một cái vệt ngầu bọt tan rất nhanh.
Ông lão còn lại một mình trên mỏm cát. Lão nhìn theo bóng người đi bơi đang đi ra biển và nghĩ rằng bất kỳ một cuộc chia tay nào với người khác thực ra cũng đều có thể là cuộc chia tay cuối cùng. Vì thế, sau khi hơi bùi ngùi một chút lúc chia tay, cần phải biết trấn tĩnh ngay và cố gắng quên đi tất cả. Đô Khôcrô nghĩ như thế về cái sự kiện mới xảy ra cách đây không lâu trên bờ biển hoang vắng ôm lấy mỏm đất phẳng hình cánh cung này.
Đô Khôcrô dọn đến ở một trong hai ngôi nhà bỏ hoang trên mỏm Camarôn này từ mùa xuân. Lão chọn cái túp nhà gần biển và xa thành phố hơn. Từ khi bị người ta ăn cắp hết tiền, ông lão không sợ sống một mình và không sợ cướp nữa. Bây giờ đang là mùa hè, nên một sinh vật có thể sống được ở bất cứ chỗ nào, miễn là có thức ăn. Cứ một tuần hai lần ông lão lại được Maxicô, một phụ nữa tốt bụng mà lão vẫn hái rong biển cho, đến thăm và mang thức ăn cho lão. Lão định sống ở Camarôn cho đến khi nào trời trở rét, mùa đông có thể lão thợ rừng Yu, sẽ cho lão đến sống nhờ trong nhà ông ta. Hiện nay Đô Khôcrô chưa có chỗ ở riêng, vì cái túp lều xiêu vẹo của người quét sân đã bị dỡ đi và người ta ra lệnh cho lão chuyển đến ở trong khu tập thể, cùng với đám thanh niên, nhưng lão không muốn vào đó, nên mùa đông vừa rồi đã đến ở nhờ nhà người thợ rừng. Nhưng bây giờ Đô Khôcrô cũng thôi không làm cả việc quét sân nữa, và hoàn toàn nhàn rỗi, như con sẻ tự do.
Bây giờ cứ thấy Đô Khôcrô đi ngoài phố là mọi người ai cũng cười lão. Trước đây người ta đã cười rồi, nhưng hồi đó lão còn có cái túi thiêng liêng, trong đó lão nhét tất cả số tiền người ta trả công cho lão về công việc quét sân cho sở mỏ. Mỗi tờ giấy bạc được lão vo tròn nhiều lần, tới khi dầy bằng cái móng tay, và cái túi nhỏ của lão đã chật cứng những cuộn giấy tròn như thế. Thế là bọn người ngu ngốc có chuyện để cười, nhưng cứ mặc cho họ cười. Đô Khôcrô vẫn thản nhiên bước đi, không thèm nhìn ai, lão tự biết giá trị của lão. Có lần lão còn xông vào đấm túi bụi một thằng bé đã nghịch ngợm hất ngược cái mũ lưỡi trai của lão ra đằng sau gáy. Thằng bé tóc hung thò lò mũi hét lên, cố vùng thoát khỏi tay lão, còn Đô Khôcrô, vẫn hầm hầm tức giận chửi theo nó và dậm chân bành bạch. Lẽ ra lão có thể cứ sống mãi như thế, tự tin và giàu có cho đến bây giờ, nhưng có lẽ trong cuốn sổ định mệnh Đô Khôcrô đã bị ghi tên vào số những kẻ bất hạnh.
Ông giám đốc Sin đang cần tiền. Ông giám đốc có thể hỏi vay bất cứ người thợ mỏ nào đứng quanh ông, nhưng ông lại nhè đúng Đô Khôcrô mà hỏi. Mọi người cười rộ, vì họ biết ông lão chỉ ăn toàn cơm thừa canh cặn của họ trong nhà ăn thợ mỏ. Tất nhiên người ta cho rằng lão ăn thế chẳng qua vì nghèo túng. Thì cứ mặc cho mọi người nghĩ vậy, nhưng đằng này, lão thấy đau như người bị dùi đâm vào hông, lão tức vì ông giám đốc muốn giễu cợt lão. Và trước mắt mọi người, Đô Khôcrô quay mặt vào tường, cởi cạp quần lôi ra cái túi nhỏ bằng vải bạt, buộc bằng dây. Cái sợi dây này được buộc chặt quanh thắt lưng lão.
Nhớ lại sự ngu ngốc của mình, Đô Khôcrô đau khổ gãi tai, lắc đầu và nheo tịt mắt lại. Lão được cái gì trong giây phút sĩ diện ngớ ngẩn ấy ? Chẳng được gì cả. Còn lão mất cái gì ? Lão mất hết số tiền dành dụm bao nhiêu năm trời. Cái đắc chí tự mãn rất trẻ con và ngu ngốc của lão kéo dài chỉ đúng một phút. Ông giám đốc béo phị nhìn lão với bộ mặt như đang ngậm trong mồm miếng khoai tây nóng, còn những người khác thì ai nấy im lặng. Đô Khôcrô mở tờ giấy bạc xanh, đưa cho ông Sin và bảo : "Đây … Nếu cần thì lấy thêm nữa ?". Thế là từ đó Đô Khôcrô bắt đầu nổi tiếng.
Đám thợ rừng độc thân bắt đầu mời lão đến uống rượu, mặc dù lão không phải góp một xu nào. Ông già Yu cho lão đến ở nhờ nhà mình khi cái túp lều trong sân sở mỏ mà Đô Khôcrô vẫn sống, bị dỡ đi. Những người thợ rừng vốn là dân lắm tiền, nên họ kính nể Đô Khôcrô, thán phục thái độ nghiêm túc của lão đối với cuộc sống. Đã lâu lắm, từ hồi còn bọn Nhật, bọn họ đều là người được tuyển mộ ở Triều Tiên, họ đến Xakhalin với mục đích kiếm tiền, và sẽ mang tiền trở về quê hương, nhưng rồi họ bị kẹt lại đây suốt từ hồi ấy, dần dần mất liên lạc với gia đình. Vì kể từ năm bốn mươi nhăm ở Triều Tiên đã xảy ra hai cuộc chiến tranh, những cuộc chiến tranh này đã làm gia đình những người thợ rừng tan tác. Và bây giờ tiền là thứ duy nhất mà số phận giữ cho họ để đền bù cho cuộc sống bất hạnh
Những người thợ rừng hay đùa đó âm mưu với nhau cưới vợ cho Đô Khôcrô. Một tối họ dắt đến cho lão một người đàn bà nổi tiếng nhất của thành phố được đám dân độc thân cho biệt hiệu là "Cái chậu hoa". Người đàn bà to béo và không trong sạch ấy cứ lăn tấm thân phục phịch vào người Đô Khôcrô mà cù lão. Cô ả vừa cù vừa lấy tay sờ vào chỗ túi tiền của lão, lão cứ hất bàn tay cô ả ra và cười nghiêng ngả đến nỗi người toát hết mồ hôi và đau cả trán. Lão bảo cô ả lão muốn ra sân, nhưng rồi lão chuồn khỏi nhà, bỏ đi ngủ trong nhà kho của ban cứu hỏa và đến ba ngày sau không thấy đến nhà ông già Yu nữa, Đô Khôcrô biết rằng người đàn bà kia đã làm vợ cho hầu hết mọi người thợ rừng và trở nên rất giàu có. Nhưng lão không muốn mất tiền cho ả, lão không cần đàn bà, vì lão chưa bao giờ biết điều bí mật của họ. Cái tai họa đến với lão từ phía khác.
Vitka Buốcxôi, anh lính cứu hỏa, là một người hiếu động, tốt bụng và ầm ĩ. Ở nhà ăn nhiều lần anh ta kéo Đô Khôcrô ngồi cạnh mình và bỏ tiền mua thịt mời lão. Anh ta nói to và nói nhiều, vừa nói vừa vỗ bàn tay hộ pháp vào lưng lão, vừa ghé sát mặt mình vào mặt lão, thình thoảng anh ta lại im bặt, rót nửa cốc vốtca đưa cho Đô Khôcrô. Ông lão uống hết cốc rượu, rượu làm cho lão có sức mạnh kỳ lạ. Lúc đó Đô Khôcrô cảm thấy lão cũng là một người vui tính, có khi còn vui hơn tất cả mọi người khác. Thế rồi lão hát và nhảy. Mọi người xung quanh cũng vui lây - ở nhà ăn hay ở ngoài đường - đều tốt cả. Một hôm Vitka rót cho lão một cốc đầy. Lúc đầu lão hoảng, chưa bao giờ lão uống một hơi nhiều thế, nhưng Vitka cứ nắm lấy vai lão lắc lắc, nài ép, đưa tận cốc lên miệng lão - thế là Đô Khôcrô nhắm mắt uống ực một hơi. Sau đó hình như lão còn uống thêm chừng ấy nữa, còn sau nữa bao nhiêu thì lão không nhớ. Lão tỉnh dậy thấy mình nằm trên mặt đất sau chuồng ngựa. Chiếc quần đã bị cởi, túi tiền biến mất - có kẻ nào đã cắt mất dây. Lão cứ ngồi sau chuồng ngựa đến tận nửa đêm. Hôm sau lão gặp Vitka, anh này thân chinh đến gần lão và vỗ vai lão. Đô Khôcrô gạt tay anh ta ra, nghiêm mặt nhìn vào đầu gối anh ta, bảo : "Đưa trả tiền đây". Vitka tròn xoe mắt, vung tay thanh minh, sau đó xé toạc áo, lấy nắm đấm đấm vào bộ ngực để trần như muốn đấm thủng nó ra. Lão nhổ nước bọt, đi lên gặp giám đốc Sin để kêu. Ông này nghe xong hỏi lão :
-Có bao nhiêu tất cả ? - ông ta hỏi.
-Nhiều lắm, thưa thầy - Đô Khôcrô đáp.
-Nhưng ước lượng khoảng bao nhiêu ? - Sin lại hỏi. Ông nhìn lên trần nhà ra vẻ quan trọng.
-Rất nhiều …
-Khôcrô này - ông giám đốc chậm rãi nói và cái bụng phệ của ông tì vào bàn làm nó xô đi - Tôi rất thương hại lão. Nhưng nếu lão không cho biết có bao nhiêu tiền thì làm sao tôi có thể làm đơn lên cảnh sát được ?
-Suốt tám năm tôi không mất tiền mua thức ăn. Chỗ than sở cho tôi, tôi bán lại cho người khác. Chỉ có mỗi hai lần tôi phải mua ủng cao su. - Đô Khôcrô kể lể, bàn tay cứ đưa lên quệt nước mắt chảy xuống dưới mũi. Lão đứng trước bàn, nhỏ bé, người co lại, còn thấp hơn ông giám đốc đang ngồi trên ghế.
Ông Sin hơi nheo nheo mắt một cách nghiêm nghị. Ông thở phì phò.
-Lão là người không có học, hơn nữa lại không phải đoàn viên công đoàn - ông đăm chiêu nói, vẫn không mở mắt - May là như vậy, chứ không tôi đã cho lão biết …
Đô Khôcrô xấu hổ quá không khóc được nữa. Lão im lặng, lão không vào công đoàn chỉ vì nghe nói vào đó phải trả tiền.
-Có ai ngu ngốc giữ hết tiền trong người bao giờ ? - bỗng ông giám đốc nói to.
-Thế người ta có trả tôi không hả thấy ? - Đô Khôcrô cúi rạp người hỏi, mặc dù ông Sin không nhìn thấy cử chỉ đó - ông đang ngồi nhắm mắt, đặt cả hai nắm tay lên thành ghế.
-Tiền phải gửi vào quỹ tiết kiệm chứ - ông Sin nói, giọng mệt mỏi như đang ngủ.
-Nhưng tôi không biết cái Quỹ ấy ở đâu - Đô Khôcrô vẫn cúi thấp người, chống chế.
Nhưng ông giám đốc không đáp. Ông đang thiu thiu, đời ông đã có ba hay bốn vợ. Người vợ hiện nay của ông là Laritxa, giáo viên, trẻ hơn Sin hai mươi tuổi. Cô ta không muốn sống với ông nữa, dọa bỏ đi. Vì tội nhiều vợ ít lâu sau Sin bị sa thải. Ông bỏ lên đất liền với người vợ mới - thứ tư hay thứ năm gì đó. Nhưng lúc này ông đang ngồi trong phòng làm việc và đang ngủ. Và ông mơ thấy ông là giám đốc Sin, còn vợ ông, Laritxa, là giáo viên. Mãi lúc sau ông tỉnh dậy, ông thấy trước mặt không còn ai nữa, ông lão đã đi rồi, và Sin lập tức quên ngay chuyện của lão. Ông đang bận tâm về tiền trợ cấp, bệnh trĩ và cô vợ trẻ.
Sau đó Đô Khôcrô mò đến gặp ông lần nữa, nhưng trong phòng ông đang họp, Sin đang thong thả diễn thuyết trước đám thợ mỏ Triều Tiên. Lão ngó vào khe cửa, người ta khoát tay đuổi, lão bỏ đi. Một hôm Sin gặp lão ngoài phố và hỏi tại sao không đến gặp ông ta về cái vụ ấy nữa. Đô Khôcrô không nói gì, đi thẳng. Ông giám đốc ngạc nhiên và giận dữ nhìn theo. Ông không biết Đô Khôcrô đã thôi không làm quét sân cho Sở mỏ và bỏ ra sống ở Camarôn. Ông lão bắt đầu đi hái rong biển và mò ốc biển cho Maxicô.
Lúc đầu sống trên mỏm Camarôn, cứ đêm đến là ông lão rất sợ - biển gào, gió hú, cát bay cả vào cửa sổ. Nhưng Đô Khôcrô lấy gạch cũ đắp thành cái lò sưởi, tìm các ống sắt trên bãi rác, đưa qua cửa sổ ra ngoài - và từ đó sống đã bắt đầu dễ chịu hơn. Ít lâu sau thì một người lạ mặt xuất hiện, anh ta đem lại cho ông lão và Maxicô thêm nhiều việc bận, nhưng cả hai chưa thấy anh làm điều gì khiến họ phải bực mình, giận dữ. Đó là một người Nga đau ốm, trầm lặng. Suốt thời gian sống chung, Đô Khôcrô nói với anh ta không quá mười câu. Anh ta nhìn mọi thứ xung quanh - biển, các quả núi, nhìn ông lão và Maxicô, nhìn cát dưới chân bằng cặp mắt rất lạ lùng. Dường như anh cố muốn hiểu ra điều gì đó, nhưng lại biết rằng sẽ không thể hiểu được điều gì nữa. Lúc mới đến anh ta còn hút thuốc, rít những điếu thuốc moi trong bao thuốc đã rách nát, nhưng hút hết bao thuốc đó anh ta không hút nữa. Anh ta không đòi hỏi gì cả. Đô Khôcrô ăn gì anh ta ăn nấy, đi ngủ để nguyên cả quần áo, thậm chí giày cũng không cởi. Anh ta có một cái đồng hồ, nhưng không thấy lên giây, rồi một hôm, anh ta tháo nó ra, quẳng lên bậu cửa sổ và từ đó không bao giờ sờ đến nữa. Có thể Maxicô cũng biết đôi chút về anh ta, nhưng Đô Khôcrô thì đến tên anh ta cũng không biết, vả lại lão cũng chẳng cần biết làm gì. Đô Khôcrô sống trong hiện tại, nhưng là cái hiện tại huyền ảo đến nỗi nhiều khi quá khứ lại còn sáng tỏ hơn nó nhiều, và lão trở nên hay lẩm bẩm một mình trong miệng như người nằm mơ về quá khứ giữa ban ngày. Nhưng cái quá khứ đối với lão cũng không còn được nguyên vẹn và liên tục, mà dường như được phản chiếu qua những mảnh vỡ của tấm gương thời gian, nên nhiều khi lão không biết cái gì xảy ra trước, cái gì xảy ra sau, vả lại cái đó đối với lão cũng chẳng quan trọng gì.