GIA ĐÌNH THẦN THÁNH
hay là
PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN
Chống Bruno Bauer và đồng bọn
Đây là tác phẩm đầu tiên do K. Marx và F. Engels cộng tác viết ra. Tác phẩm này được viết vào khoảng tháng Chín đến tháng Mười một 1844 và xuất bản vào tháng Hai 1845 ở Frankfurt trên sông Main.
"Gia đình thần thánh" là tên gọi hài hước đặt cho anh em Bauer và bọn theo đuôi họ tụ tập quanh tờ "Allgemeine Literatur - Zeitung" ("Báo văn học phổ thông"). Trong cuốn sách này, Marx và Engels đã bác bỏ anh em Bauer và những người khác thuộc phái Hegel trẻ (hoặc phái Hegel tả), đồng thời cũng phê phán cả triết học duy tâm của chính Hegel.
Ngay từ năm 1842, khi thành lập ở Berlin cái gọi là "Phái tự do", Marx đã bất đồng ý kiến nghiêm trọng với phái Hegel trẻ. Tháng Mười 1842, khi còn ở trong ban biên tập của tờ "Rheinische Zeitung", mà hồi bấy giờ có một số phần tử thuộc phái Hegel trẻ ở Berlin tham gia, Marx đã phản đối đăng trên báo này những bài trống rỗng và phù phiếm xa rời cuộc sống thực tế và chìm đắm trong cuộc tranh luận triết học trừu tượng do "Phái tự do" nêu ra. Trong hai năm sau khi Marx đoạn tuyệt với "Phái tự do" thì sự bất đồng ý kiến về lý luận và chính trị giữa Marx, Engels với phái Hegel trẻ đã trở nên hết sức sâu sắc và không thể dung hoà được. Điều đó không những chứng tỏ rằng Marx và Engels đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản, mà còn nói lên rằng anh em Bauer và bọn theo đuổi họ bấy giờ đã thoái hoá rồi. Trên tờ "Allgemeine Literatur-Zeitung", Bauer và nhóm của y đã vứt bỏ "xu hướng cấp tiến năm 1842" và "Rheinische Zeitung" là tờ báo biểu hiện rõ nhất xu hướng cấp tiến đó; chúng đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan tầm thường và thối nát, cổ động cho thứ "lý luận" chủ trương rằng chỉ có những cá nhân kiệt xuất tức kẻ thể hiện "tinh thần", "sự phê phán thuần tuý" mới là người sáng tạo ra lịch sử, còn quần chúng, nhân dân dường như chỉ là một chất liệu thiếu sức sống, là vật trở ngại trong quá trình lịch sử.
Để bóc trần tư tưởng phản động có hại đó, để bảo vệ quan điểm duy nhất mới và cộng sản chủ nghĩa của mình, Marx và Engels quyết định hợp tác viết quyển sách này.
Trong mười ngày Engels lưu lại Paris, hai ông đã định ra đề cương, chia xong các chương mục và cùng viết "Lời tựa" của quyển sách mà ban đầu được gọi là "Phê phán sự phê phán có tính phê phán. Chống Bruno Bauer và đồng bọn". Trước khi rời Paris, Engels đã viết xong mấy chương mục mà mình đảm nhiệm. Mác đã gánh vác đại bộ phận cuốn sách, cho tới cuối tháng Mười một 1844 mới viết xong; mặt khác, để viết những chương mục được phân công, ông đã lợi dụng một phần bản thảo kinh tế - triết học mà ông viết vào xuân - hè năm 1844, đã lợi dụng những điều thu hoạch được trong việc nghiên cứu lịch sử cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII và nhiều bút ký, trích yếu khác, nên đã vượt xa khuôn khổ ấn định cho cuốn sách. Trong quá trình in, Marx đã thêm vào tên sách mấy chữ "Gia đình thần thánh". Mục lục quyển sách này đã nói rõ những chương mục nào do Marx viết, những chương mục nào do Engels viết. Quyển sách này khổ nhỏ, dày hơn 20 trang in, vì vậy căn cứ vào quy định thời bấy giờ của một số bang ở Đức, nó không bị cơ quan kiểm tra sách báo kiểm duyệt trước.
Tác giả: K. Marx - F. Engels
Năm viết: 1844
HTML Markup:
Nguồn: C. Mác - Ph. Ăng-ghen Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 1995, t.2, tr.13-316
Ở Đức, chủ nghĩa nhân đạo hiện thực không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn chủ nghĩa duy linh tức chủ nghĩa duy tâm tư biện, là chủ nghĩa đem thay thế con người cá thể hiện thực bằng "tự ý thức" hoặc "tinh thần" và cùng với nhà truyền đạo, nó giảng dạy rằng: "Tinh thần đem lại sinh khí còn thể xác thì yếu đuối bất lực". Rõ ràng là cái tinh thần không có thể xác đó chỉ có lực lượng tinh thần, lực lượng trí tuệ trong óc tưởng tượng của nó thôi. Cái mà chúng tôi đấu tranh chống lại trong sự phê phán của Bauer chính là tư biện tự tái sinh dưới hình thức biếm hoạ. Theo chúng tôi, nó là biểu hiện hoàn chỉnh nhất của nguyên tắc Cơ đốc giáo Đức định giãy giụa lần cuối cùng bằng cách biến bản thân "sự phê phán" thành một lực lượng siêu nghiệm để tự khẳng định mình.
Bản trình bày của chúng tôi chủ yếu là nhằm vào "Allgemeine Literatur-Zeitung"1 của Bruno Bauer mà chúng tôi đã có tám số đầu, vì trong đó có sự phê phán của Bruno Bauer và do đó mọi sự bịa đặt ngu xuẩn của tư biện Đức nói chung đã đạt tới đỉnh cao nhất của nó. Sự phê phán có tính phê phán (sự phê phán của "Literatur-Zeitung") càng dùng triết học để xuyên tạc hiện thực đến tức cười như một vở đại hài kịch thì nó lại càng bổ ích cho chúng ta. Faucher và Szeliga là một ví dụ: "Literatur-Zeitung" cung cấp cho chúng tôi những tài liệu có thể dùng để giúp đông đảo bạn đọc quan niệm được rõ rệt những ảo tưởng của triết học tư biện. Đấy cũng là mục đích của tác phẩm của chúng tôi.
Lẽ tất nhiên là phương pháp chúng tôi trình bày đối tượng phải phụ thuộc vào tính chất của bản thân đối tượng. Về mọi mặt, sự phê phán có tính phê phán đều thấp hơn trình độ phát triển của lý luận ở Đức. Vì vậy, tính chất của đối tượng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tại sao ở đây, chúng tôi không bàn nhiều thêm về sự phát triển đó.
Hơn nữa: sự phê phán có tính phê phán buộc chúng tôi phải dùng bản thân những thành quả hiện đã đạt được để đối chiếu giản đơn với nó.
Vì vậy, theo chúng tôi, tác phẩm luận chiến này chỉ là lời mở đầu cho những tác phẩm riêng trong đó chúng tôi sẽ trình bày - dĩ nhiên là mỗi người sẽ trình bày riêng - quan điểm khẳng định của chúng tôi và do đó lập trường khẳng định của chúng tôi đối với các học thuyết triết học và xã hội hiện đại.
Paris, tháng Chín 1844
Engels, Marx
1 "Allgemeine Literatur-Zeitung" ("Báo văn học phổ thông") là tạp chí tiếng Đức ra hàng tháng, do B. Bauer thuộc phái Hegel trẻ chủ biên, phát hành ở Charlottenburg từ tháng Chạp 1843 đến tháng Mười 1844.
Sự phê phán có tính phê phán, tuy cho rằng mình vượt lên trên quần chúng rất nhiều, nhưng vẫn vô cùng thương hại quần chúng đó. Sự phê phán thương yêu quần chúng đến mức đã sai con một của mình xuống trần gian để cho tất cả những ai tin nó sẽ không chết đi mà được sống cuộc đời phê phán. Bản thân sự phê phán đã trở thành quần chúng và sống giữa chúng ta nên chúng ta thấy được cái vĩ đại của nó, giống như cái vĩ đại của người con một của Đức chúa cha. Nói cách khác, sự phê phán đã trở thành xã hội chủ nghĩa và bàn đến những "luận văn về bần cùng hoá"1. Nó không hề xét xem việc tự so sánh với thượng đế có chỗ nào phạm thượng không: nó tự tha hoá và mang hình dạng của một anh thợ đóng sách và tự hạ mình xuống trình độ ăn nói bậy bạ, hơn nữa ăn nói bậy bạ một cách phê phán bằng tiếng nước ngoài. Nó trong trắng như trời xanh, như gái đồng trinh, hễ nhìn thầy quần chúng mắc bệnh hủi và đầy tội lỗi là rùng mình kinh tởm, nhưng nó đã tự kiềm chế được nên đã nghiên cứu tác phẩm của "Bodz"1* và "tất cả những tài liệu gốc về sự bần cùng hoá" và "theo dõi từng bước trong nhiều năm bệnh của thời đại". Nó không thèm viết cho các chuyên gia học rộng, nó viết cho công chúng rộng rãi, nó gạt bỏ hết những từ ngữ kỳ quặc, mọi "từ Latin khó hiểu và tiếng lóng nhà nghề". Nó phải quét sạch những cái đó trong các tác phẩm của người khác, vì nếu hy vọng bản thân nó phải phục tùng "quy định hành chính ấy" thì đó là một yêu cầu quá đáng. Nhưng ngay cả về điểm này, nó vẫn còn làm một phần. Nó vứt bỏ một cách dễ dàng kỳ lạ nếu không phải là bản thân những chữ ấy thì cũng là nội dung của những chữ ấy. Như vậy, ai dám trách nó dùng "hàng đống chữ nước ngoài khó hiểu" khi mà bản thân nó xác nhận, bằng biểu hiện nhất quán của tính độc đáo của nó, cái kết luận cho rằng những chữ đó cũng khó hiểu đối với chính nó nữa?
Đây là mấy ví dụ về những biểu hiện nhất quán đó:
"Do đó những thể chế của sự khốn cùng" "là đối tượng sợ hãi đối với chúng"
"Một học thuyết về tinh thần trách nhiệm trong đó mỗi sự vận động của tư tưởng loài người đều trở thành hình tượng của bà Lốt"
"Đá xây cuốn trên khung cửa tò vò của công trình nghệ thuật thực sự giàu lòng tin đó"
"Đây là nội dung chủ yếu của bản di chúc chính trị của Stein mà từ lâu trước khi từ chức, nhân vật vĩ đại ấy của nhà nước, đã giao cho chính phủ và mọi tác phẩm của nó".
"Bấy giờ dân tộc đó còn chưa có sự đo lường nào cho tự do rộng rãi như thế"
"Cuối bài chính luận, ông ta luận đàm khá vững vàng rằng chỉ thiếu có sự tín nhiệm thôi"
"Trí tuệ quốc gia tối cao, xứng đáng với đấng nam nhi chân chính; trí tụê vượt lên trên nề nếp có sẵn và sự sợ hãi hèn nhát, trí tuệ được giáo dục trong lịch sử và bồi dưỡng bằng trực quan sinh động của sinh hoạt chính trị của công chúng nước ngoài"
"Sự giáo dục về phúc lợi toàn dân"
"Dưới sự giám sát của các nhà cầm quyền, tự do ngủ triền miên trong lòng sứ mệnh Phổ của các dân tộc"
"Văn chính luận hữu cơ nhân dân"
"Nhân dân mà thậm chí ngài Brüggemann cấp giấy chứng nhận là đã chịu lễ rửa tội vào tuổi thanh niên".
"Mâu thuẫn khá gay gắt với những tính quy định khác trình bày trong tác phẩm chuyên nghiên cứu về sứ mệnh riêng biệt của nhân dân"
"Lòng tham xấu xa làm tiêu tan nhanh chóng mọi ảo tưởng của ý chí dân tộc"
"Lòng khao khát làm giàu nhanh, v.v., đó là tinh thần quán triệt suốt thời kỳ Phục tích và cũng là tinh thần liên minh với thời đại mới bằng một sự bàng quan khá lớn"
"Quan niệm mơ hồ về ý nghĩa chính trị vốn có ở dân tộc nông nghiệp Phổ là dựa trên hồi ức về lịch sử vĩ đai"
" Ác cảm biến đi và chuyển thành trạng thái hưng phấn hoàn toàn"
"Trong sự chuyển biến lạ lùng đó, mỗi người đều vẫn đưa ra, theo phương thức của mình, một nguyện vọng riêng trong viễn cảnh của mình"
"Một giáo lý trình bày theo ngôn ngữ uyển chuyển của Salomon mà tiếng nói như chim bồ câu - gu gù! gu gù! - đang êm ái bay lên đến lĩnh vực có sức truyền cảm và bề ngoài rền vang như sấm"
"Cả một sự ham mê nghệ thuật, chểnh mảng ba mươi nhăm năm"
"Nếu quan niệm của Benda về luật lệ thành phố năm 1808 không mắc khuyết điểm là lồng tư tưởng Hồi giáo vào những khái niệm về bản chất và sự thực hiện luật lệ thành phố, thì với tinh thần điềm đạm vốn có ở đại biểu của chúng ta, chúng ta còn có thể tiếp thu được lời trách mắng quá điếc tai mà một kẻ thống trị thành phố trước kia đổ lên đầu công dân thành phố"
Ở ngài Reichardt, đâu đâu sự táo bạo của tiến trình suy nghĩ cũng phù hợp với sự táo bạo về văn phong. Ông ta chuyển tiếp như thế này:
"Ngài Brüggemann... vào năm 1843... học thuyết về nhà nước... mỗi người chính trực... đức khiêm tốn vĩ đại của các nhà xã hội chủ nghĩa chúng ta... những phép mầu tự nhiên... những yêu sách cần đưa ra với nước Đức... những phép mầu tự siêu tự nhiên... Abraham... Philadelphia... nước cam lộ... thợ bánh mì... và bởi vì chúng ta nói đến những phép mầu cho nên Napoléon đem vào" v.v.
Xem xong những thí dụ đó, chúng ta chẳng còn ngạc nhiên thấy tại sao sự phê phán có tính phê phán lại còn "giải thích" cách nói mà bản thân nó cho là "phương pháp biểu hiện phổ thông". Vì nó "vũ trang cho đôi mắt của nó bằng một lực lượng hữu cơ có thể nhìn xuyên suốt cả mớ hỗn loạn". Và ở đây cần nói rằng đã như vậy thì ngay cả đến "phương pháp biểu hiện phổ thông" cũng không còn có thể khó hiểu đối với sự phê phán có tính phê phán nữa. Nó hiểu rằng con đường văn học tất nhiên phải khúc khuỷu nếu người bước vào con đường đó không đủ sức nắn thẳng lại; cho nên nó cũng gán một cách rất tự nhiên những "phép tính" cho nhà văn.
Không cần nói ai cũng biết - và lịch sử chứng thực tất cả cái gì không cần nói cũng đã rõ, cũng chứng thực điều này - sự phê phán biến thành quần chúng không phải cốt để thành quần chúng, mà là để tránh cho quần chúng khỏi tính quần chúng có tính quần chúng của mình, nghĩa là để nâng phương pháp biểu hiện phổ thông của quần chúng lên thành ngôn ngữ phê phán của sự phê phán có tính phê phán. Khi sự phê phán nắm được ngôn ngữ thông thường của quần chúng và cải tạo thứ tiếng nói thô tục đó thành những câu cao siêu thần bí vốn có trong phép biện chứng của sự phê phán có tính phê phán thì đó chính là sự phê phán đã tự hạ mình xuống cùng cực rồi.
Chú thích
1* Bút danh của Charles Dickens "Boz" mà Reichardt xuyên tạc đi.
1 Đây là nói về bài "Luận văn về bần cùng hoá" của C. Reichardt đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 1 và 2 (tháng Chạp 1843 và tháng Giêng 1844).
Sau khi sự phê phán sa xuống chỗ nói nhăng nhít bằng tiếng nước ngoài đã phục vụ đắc lực cho tự ý thức và đồng thời bằng hành động đó đã giải phóng thế giới khỏi cảnh bần cùng thì trong thực tiễn và lịch sử, sự phê phán cũng quyết tâm sa xuống chỗ nói nhăng nhít. Nó thông hiểu "những vấn đề bức thiết trong sinh hoạt nước Anh" và cung cấp cho chúng ta một bức phác hoạ thực sự phê phán về lịch sử công nghiệp Anh"2.
Sự phê phán tự mãn tự cao, hoàn thiện hoàn mỹ trong bản thân nó, dĩ nhiên không thể thừa nhận lịch sử đúng như lịch sử đã phát triển trong thực tế, vì như vậy có khác gì thừa nhận quần chúng hèn kém có tính quần chúng một cách quần chúng, mà thực ra vấn đề ở đây chính là làm cho quần chúng mất tính quần chúng ấy đi. Như vậy lịch sử được giải thoát khỏi tính quần chúng của nó và sự phê phán được tự do xử lý đối tượng của mình, thét bảo lịch sử rằng: "mi nên biết rằng mi phải diễn ra như thế, như thế!". Mọi luật pháp của sự phê phán đều có lực lượng đảo ngược: trước khi có những phán quyết của sự phê phán, lịch sử đã diễn ra hoàn toàn khác với phán quyết của sự phê phán. Cho nên lịch sử của quần chúng, tức cái gọi là lịch sử hiện thực, khác xa với lịch sử của sự phê phán trình bày trong "Literatur- Zeitung" số VII, kể từ trang 4.
Trong lịch sử của quần chúng, chưa có công xưởng thì chưa có bất cứ thành phần công xưởng nào; nhưng trong lịch sử phê phán, trong đó con sinh ra cha như trong triết học Hegel trước kia thì Manchester, Bolton và Preston đã là những thành phố công xưởng phồn vinh khi chưa ai nghĩ đến công xưởng cả. Trong lịch sử hiện thực, sự phát triển của công nghiệp dệt bông bắt đầu chủ yếu từ khi máy xe sợi Jenny của Hargreaves và máy kéo sợi chạy bằng sức nước của Arkwright được dùng vào sản xuất, và máy mule của Crompton thì chỉ là máy Jenny được cải tiến thêm dựa vào nguyên lý mới của Arkwright mà thôi. Nhưng lịch sử phê phán lại khéo phân biệt: nó khinh miệt tính phiến diện của máy Jenny và máy kéo sợi chạy bằng sức nước và đề cao máy mule lên thành sự đồng nhất tư biện của hai cực ấy. Thực ra, sự phát minh ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước và máy mule đã mở ngay ra khả năng ứng dụng sức nước vào những máy móc đó; nhưng sự phê phán có tính phê phán lại tách rời những nguyên tắc đã được bàn tay thô lỗ của lịch sử trộn lẫn với nhau và quy sự ứng dụng đó vào thời đại muộn hơn coi như một cái gì hoàn toàn đặc thù. Trên thực tế, sự phát minh ra máy hơi nước đã có trước tất cả những phát minh vừa kể trên; nhưng ở sự phê phán, máy hơi nước là đỉnh cao nhất của toàn bộ lâu đài, do đó xét về thời gian, là phát minh có sau cùng.
Trên thực tế, quan hệ buôn bán, theo ý nghĩa hiện đại, giữa Liverpool và Manchester là kết quả của việc xuất khẩu hàng hoá của nước Anh, nhưng trong sự phê phán, những quan hệ buôn bán đó đều là nguyên nhân của xuất khẩu, và cả hai, quan hệ buôn bán và xuất khẩu, đều là kết quả của vị trí gần nhau của hai thành phố ấy. Trong thực tế, hầu hết mọi hàng hoá mà Manchester gửi sang đại lục đều qua Hull, nhưng trong sự phê phán lại qua Liverpool.
Trên thực tế, trong các công xưởng Anh có đủ mọi bậc lương từ 1.5 shilling đến 40 shilling hoặc hơn nữa; nhưng trong sự phê phán thì chỉ có một mức lương là 11 shilling thôi. Trên thực tế, máy móc thay thế lao động thủ công, nhưng trong sự phê phán máy móc lại thay thế tư duy. Trên thực tế, công nhân ở Anh được phép liên hợp lại để đòi tăng lương, nhưng trong sự phê phán thì họ lại bị cấm làm việc đó vì quần chúng muốn làm việc gì cũng phải xin phép sự phê phán trước đã. Trên thực tế, lao động công xưởng là hết sức mệt nhọc và gây ra những bệnh đặc biệt (đã có những bộ sách y học chuyên nghiên cứu những bệnh đó); nhưng trong sự phê phán "sự khẩn trương quá mức không thể làm trở ngại lao động vì sức lực bỏ ra là của máy móc". Trên thực tế, máy móc là máy móc; nhưng trong sự phê phán máy móc lại có ý chí: máy móc không nghỉ ngơi nên công nhân cũng không được nghỉ ngơi; như vậy là công nhân bị một ý chí ngoại lai chi phối.
Nhưng tất cả những cái đó đều chưa đáng kể. Sự phê phán không thoả mãn với những chính đảng của quần chúng ở Anh; nó còn sáng tạo ra những chính đảng mới; nó sáng lập ra "đảng công xưởng", bởi vậy lịch sử phải cảm ơn nó. Song nó lại nhập cục chủ xưởng với công nhân công xưởng thành một khối quần chúng - những chuyện lặt vặt đó có gì đáng phải bận tâm! - và quả quyết rằng công nhân công xưởng không quyên tiền vào quỹ của Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc3, không phải như bọn chủ xưởng ngu ngốc tưởng, là do ác ý hoặc do ủng hộ chủ nghĩa hiến chương mà chỉ là vì nghèo khổ. Sau đó nó còn quả quyết rằng nếu người ta huỷ bỏ đạo luật ngũ cốc của nước Anh thì công nhân nông nghiệp làm công nhật phải chịu hạ tiền lương xuống, nhưng chúng tôi mạo muội chỉ ra rằng giai cấp nghèo xác nghèo xơ đó không còn có thể chịu để mất một xu nào nữa, nếu không họ sẽ chết đói. Nó quả quyết rằng trong các công xưởng Anh, người ta làm việc mỗi ngày 16 giờ, mặc dầu luật pháp nước Anh rất ngu xuẩn và không có tinh thần phê phán đã quan tâm sao cho ngày làm không vượt quá 12 giờ. Nó quả quyết rằng nước Anh vẫn phải là một công xưởng lớn của toàn thế giới, mặc dầu đông đảo người Mỹ, người Đức và người Bỉ không có tinh thần phê phán đã cướp đoạt dần dần, bằng cạnh tranh, hết thị trường này đến thị trường khác của người Anh. Sau hết, nó khẳng định rằng sự tập trung tài sản và hậu quả của sự tập trung đó đối với các giai cấp cần lao thì ở Anh, vô luận là người vô sản hay người hữu sản, đều không nhìn thấy, song phái Hiến chương ngu xuẩn lại cho rằng họ đã hiểu hết sức rõ ràng hiện tượng tập trung tài sản, và những người xã hội chủ nghĩa thì nghĩ rằng từ lâu lắm rồi họ đã trình bày cặn kẽ tất cả những hậu quả đó. Không phải chỉ có thế: ngay cả phái bảo thủ và phái tự do như Carlyle, Alison và Gaskell cũng đã chứng minh, bằng tác phẩm của mình, rằng họ đã hiểu biết hiện tượng ấy.
Sự phê phán quả quyết rằng luật mười giờ của Huân tước Ashley4 là một biện pháp trung dung hời hợt và bản thân Huân tước Ashley "là sự phản ánh trung thành của hoạt động lập hiến", trong khi đó thì hiện nay bọn chủ xưởng, phái Hiến chương, bọn chiếm hữu ruộng đất, tóm lại cả cái nước Anh quần chúng vẫn coi biện pháp đó là biểu hiện - đành rằng rất yếu ớt - của một nguyên tắc triệt để cấp tiến vì nó phá vỡ nền móng của ngoại thương và do đó phá vỡ nền móng của chế độ công xưởng, hay nói đúng hơn không những phá vỡ mà còn đào tận gốc nền móng đó. Điểm này, sự phê phán có tính phê phán biết rõ hơn ai hết. Nó biết rằng vấn đề ngày làm việc 10 giờ đã được thảo luận trong một "tiểu ban" nào đó của Hạ nghị viện, trong khi những báo không phê phán tìm cách làm cho chúng ta tin rằng "tiểu ban" ấy là bản thân Hạ nghị viện, nghĩa là "uỷ ban toàn viện"; nhưng dĩ nhiên là sự phê phán không thể xoá bỏ cái tính kỳ quặc đó của hiến pháp Anh.
Sự phê phán có tính phê phán tự mình tạo ra cái đối lập với mình tức sự ngu xuẩn của quần chúng, đồng thời cũng tạo ra sự ngu xuẩn của Sir James Graham: bằng cách giải thích tiếng Anh một cách phê phán, nó đã gắn cho ông bộ trưởng không phê phán của Bộ Nội vụ những điều mà ông ta chưa hề nói bao giờ, và nó làm như thế chỉ cốt cho sự ngu xuẩn của Graham làm nổi bật hơn sự thông minh của bản thân sự phê phán. Nếu nghe theo sự phê phán thì Graham khẳng định rằng máy móc ở công xưởng có thể dùng trong khoảng 12 năm bất kể là mỗi ngày máy móc đó làm việc 10 hoặc 12 giờ, thành thử luật 10 giờ làm cho nhà tư bản không thể tái sản xuất ra được số tư bản đã bỏ vào những máy đó trong 12 năm làm việc của máy. Sự phê phán chứng tỏ rằng kết luận mà nó gán cho Sir James Graham, là kết luận sai, vì một chiếc máy làm việc mỗi ngày kém đi 1/6 thời gian thì dĩ nhiên có thể sử dụng được lâu hơn.
Dù nhận định đó của sự phê phán có tính phê phán đối với kết luận sai lầm của bản thân nó có chính xác thế nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải công bằng đối với Sir James Graham; thực ra ông tuyên bố rằng: thực hiện luật ngày làm 10 giờ thì máy móc phải tăng tốc độ của nó một cách tỷ lệ với sự rút ngắn thời gian công tác của nó (đó là điều mà bản thân sự phê phán dẫn ra trong trang 32, số VIII) và trong điều kiện này, thời gian hao mòn của máy móc vẫn như cũ, nghĩa là 12 năm. Không thể không thừa nhận điều đó, nhất là thừa nhận như vậy chỉ là tán dương và ca tụng "sự phê phán" vì không phải ai khác mà chính sự phê phán không những đã đưa ra kết luận sai lầm ấy, kết luận mà sau này chính nó lại bác bỏ. Sự phê phán cũng tỏ ra hết sức rộng lượng đối với Huân tước John Russell, người mà nó gán cho là có ý định sửa đổi hình thức của chế độ nhà nước và chế độ bầu cử; do đó chúng ta phải rút ra kết luận rằng hoặc là sự phê phán vốn đặc biệt ưa bịa ra những điều ngu xuẩn, hoặc là tuần lễ vừa qua, bản thân Huân tước John Russell đã biến thành một nhà phê phán có tính phê phán.
Nhưng sự phê phán chỉ trở thành thực sự tuyệt diệu trong việc thêu dệt ra những điều ngu xuẩn khi nó phát hiện rằng công nhân Anh - những công nhân này, trong tháng Tư và tháng Năm, đã tổ chức hết cuộc meeting này đến cuộc meeting khác, đã viết hết đơn yêu cầu này đến đơn yêu cầu khác để đòi thực hiện luật 10 giờ, những công nhân này đã biểu thị một sự phẫn nộ chưa từng có trong suốt cả hai năm qua, và điều đó xảy ra khắp nơi trong các khu công xưởng - chỉ "quan tâm một phần" đến vấn đề đó tuy rằng xem ra thì "sự hạn chế bằng pháp luật thời gian lao động cũng làm họ chú ý". Sự phê phán thực sự tuyệt diệu khi mà nó đã có những phát hiện lớn lao, tuyệt diệu, chưa từng có là
"thoạt nhìn sự xoá bỏ đạo luật ngũ cốc hứa hẹn một sự giúp đỡ trực tiếp hơn, cho nên công nhân đang và sẽ gửi gấm phần lớn hy vọng của họ vào đấy cho tới khi sự thoả mãn những nguyện vọng ấy - sự thoả mãn mà người ta không nghi ngờ mảy may nào cả - thực tế chứng minh cho họ thấy tất cả sự vô ích của việc xoá bỏ đạo luật đó"
Và sự phê phán ấy nói về những công nhân đã kiên quyết đuổi khỏi diễn đàn của các cuộc meeting kẻ nào phát biểu ủng hộ việc huỷ bỏ đạo luật ngũ cốc; về những công nhân đã làm cho Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc không dám tổ chức meeting ở bất cứ thành phố công xưởng nào ở Anh; về những người công nhân đã coi Đồng minh ấy là kẻ thù duy nhất của mình và đã được sự ủng hộ của phái bảo thủ trong cuộc thảo luận về đạo luật 10 giờ cũng như trong hầu hết các cuộc thảo luận trước kia về những vấn đề tương tự. Sự phê phán cũng rất là tuyệt diệu khi nó phát hiện ra rằng "công nhân vẫn còn bị mê hoặc bởi những lời hứa hẹn rộng rãi của phong trào Hiến chương", một phong trào thực ra chỉ là biểu hiện chính trị của dư luận rộng rãi của công nhân. Trong thâm tâm của tinh thần tuyệt đối của mình, sự phê phán nhìn thấy rằng
"hai tập đoàn - tập đoàn chính trị và tập đoàn chủ ruộng đất, chủ công xưởng - đã không muốn kết hợp hay hoà lẫn vào nhau"
Song hiện nay, chúng tôi chưa thấy ai nói rằng tập đoàn chủ ruộng đất và chủ công xưởng, tuy số người của hai giai cấp những người tư hữu này không đông và có quyền lợi chính trị hoàn toàn giống nhau (trừ một thiểu số quý tộc) nhưng lại có tính chất rộng như vậy, và chúng tôi chưa thấy ai nói rằng tập đoàn này - trên thực tế là biểu hiện triệt để nhất và đỉnh cao của các chính đảng - lại tuyệt đối đồng nhất với các tập đoàn chính đảng. Sự phê phán còn thật sự tuyệt diệu hết chỗ nói khi nó gán cho tất cả những ai chống lại đạo luật ngũ cốc là chẳng hiểu gì về một sự thực là trong tình hình các điều kiện khác không thay đổi thì sự hạ giá ngũ cốc tất nhiên sẽ đưa tới sự hạ thấp tiền lương và do đó đâu lại vào đấy cả, song thực ra các ngài đó lại trông chờ sự hạ thấp tiền lương một cách rõ rệt và do đó sự giảm bớt chi phí sản xuất gắn liền với sự hạ thấp tiền lương sẽ đưa tới sự mở rộng thị trường một cách tương ứng và đưa tới sự giảm bớt cạnh tranh giữa công nhân với nhau, kết quả là tiền lương so với giá ngũ cốc sẽ được duy trì hơi cao hơn hiện nay.
Say sưa theo kiểu nhà nghệ thuật, sự phê phán tự mình sáng tạo ra cái đối lập với mình là lời nói nhăng nhít, - cũng sự phê phán đó, trước đây hai năm, đã kêu lên rằng: "sự phê phán nói tiếng Đức, thần học nói tiếng Latin"5, bây giờ nó lại đã học tiếng Anh, và gọi người chiếm hữu ruộng đất là "Landeigner" (landowners), gọi chủ công xưởng là "Mühleigner (mill-owners; tiếng Anh, chữ "mill" dùng để chỉ những công xưởng máy móc đều chạy bằng hơi nước hoặc sức nước), gọi công nhân là "tay" (hands), dùng "giao thoa" (interference) thay cho "can thiệp", và dựa vào lòng thương hại vô hạn đối với tiếng Anh thấm đầy tính quần chúng tội lỗi, nó thậm chí đã hạ mình xuống cải tiến tiếng Anh và xoá bỏ quy tắc rởm của người Anh, quy tắc theo đó người Anh bao giờ cũng đặt tiếng xưng hô "Sir" trước tên chứ không phải trước họ của các huân tước và nam tước. Quần chúng nói "Sir James Graham", còn sự phê phán nói: "Sir Graham".
Sự phê phán bắt tay cải tạo lịch sử nước Anh và tiếng Anh xuất phát từ nguyên tắc chứ không phải vì nhẹ dạ. Đó là điều mà giờ đây bạn đọc sẽ thấy trong tính triệt để của sự phê phán khi nó giải thích lịch sử của ngài Nauwerck.
Chú thích
1 "Mühleigner" (nghĩa đen là: "chủ xưởng xay bột"): tiếng Đức vốn không có chữ này, mà là dịch từ tiếng Anh mill-owner - người sở hữu công xưởng, chủ xưởng. Ở đây Engels có ý châm biếm J. Faucher, một cộng tác viên của "Allgemeine Literatur-Zeitung", đã sử dụng trong các bài báo của mình một chữ do ông đặt ra theo hình thức chữ Anh.
2 Engels nói tới bài "Vấn đề bức thiết trong đời sống nước Anh" của J. Faucher đăng trên tờ "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 7 và 8 (tháng Sáu và Bảy 1844).
3 Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc do Cobden và Bright, chủ xưởng ở Manchester thành lập năm 1838. Đạo luật ngũ cốc nhằm hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu ngũ cốc của nước ngoài, được ban hành ở Anh để bảo vệ lợi ích của bọn đại địa chủ. Đồng minh này đòi hoàn toàn tự do mậu dịch. Phế bỏ đạo luật ngũ cốc nhằm mục đích hạ thấp tiền lương của công nhân, làm suy yếu địa vị kinh tế và chính trị của địa chủ quý tộc. Trong cuộc đấu tranh chống địa chủ, Đồng minh đã định lợi dụng quần chúng công nhân, nhưng chính lúc đó, những công nhân tiên tiến nước Anh đã bắt đầu bước vào một phong trào công nhân có tổ chức, độc lập về chính trị (phong trào Hiến chương).
Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản công nghiệp và quý tộc địa chủ về vấn đề đạo luật ngũ cốc đã kết thúc năm 1846 khi thông qua dự luật phế bỏ đạo luật ngũ cốc.
4 Cuộc đấu tranh ở Anh đòi hỏi hạn chế bằng pháp luật thời gian lao động xuống ngày 10 giờ bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII và đầu những năm 30 thế kỷ XIX đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng vô sản tham gia. Vì đại biểu của quý tộc địa chủ ra sức lợi dụng khẩu hiệu ăn sâu vào lòng người đó trong cuộc đấu tranh của chúng chống lại giai cấp tư sản công nghiệp, nên trong nghị viện chúng đã ủng hộ dự luật ngày làm 10 giờ; từ năm 1833, nhân vật chủ chốt ủng hộ dự luật đó tại nghị viện là huân tước Ashley, "nhà từ thiện thuộc đảng Tory".
5 Đây là câu nói của B. Bauer trong cuốn sách của ông ta "Die gute Sache der Freiheit und meine eigene Angelegenheit". Zürich und Winterthur, 1842 ("Sự nghiệp chính nghĩa tự do và sự nghiệp của chính tôi" xuất bản năm 1842 ở Zürich và Winterthur).
Sự phê phán không thể không chú ý đến cuộc tranh luận vô cùng quan trọng giữa ngài Nauwerck và hệ triết học đại học Berlin. Nó vốn đã kinh qua tình cảnh tương tự và tất nhiên phải lấy số phận ngài Nauwerck làm bối cảnh để làm cho người ta chú ý đến việc bản thân nó bị cách chức ở Bonn2. Vì sự phê phán đã quen coi giai đoạn lịch sử ở Bonn là một sự kiện nổi bật của thời đại chúng ta, thậm chí đã viết "triết học về vụ cách chức sự phê phán", nên có thể dự tính rằng nó sẽ dùng phương thức giống như thế để biến "sự xung đột" ở Berlin thành một hệ thống triết học được vạch ra một cách chi tiết. Nó chứng minh a priori1* rằng mọi việc phải xảy ra như thế này chứ không thể khác được. Nghĩa là nó chỉ ra:
1) Tại sao Khoa Triết học nhất định phải "xung đột" với nhà triết học của nhà nước chứ không phải với nhà logic học hoặc nhà siêu hình học;
2) Tại sao cuộc xung đột này không thể gay gắt và triệt để như cuộc xung đột ở Bonn giữa sự phê phán và thần học;
3) Tại sao cuộc xung đột đó nói đúng ra chỉ là một sự ngu xuẩn sau khi trong vụ xung đột của mình ở Bonn, sự phê phán đã tận dụng tất cả những nguyên tắc và nội dung có thể có, và từ đó trở đi lịch sử thế giới chỉ còn là kẻ sao chép lại sự phê phán mà thôi;
4) Tại sao Khoa Triết học cho rằng việc công kích những tác phẩm của ngài Nauwerck chính là chĩa vào nó;
5) Tại sao ngài N. không có cách nào khác hơn là tự động rời bỏ chức vụ;
6) Tại sao Khoa Triết học phải bênh vực ngài N., nếu nó không muốn từ bỏ bản thân nó;
7) Tại sao "sự tranh chấp bên trong Khoa Triết học tất nhiên phải biểu hiện dưới hình thức" là, nó đồng thời cho rằng cả ngài N. lẫn chính phủ đều vừa đúng vừa sai; 8) Tại sao Khoa Triết học không thể tìm thấy trong các tác phẩm của ngài N. căn cứ đầy đủ của việc cách chức ông ta;
9) Cái gì khiến cho toàn bộ sự phán đoán thiếu rõ ràng;
10) Tại sao Khoa Triết học, "với tính cách là cơ quan khoa học (!), cho rằng mình (!) có quyền (!) xem xét nguồn gốc của sự việc", và sau hết;
11) Tại sao Khoa Triết học, dẫu sao, vẫn không muốn viết như ngài N.
Sự phê phán đã phân tích, trong bốn trang sách, những vấn đề quan trọng đó một cách triệt để hiếm có, đồng thời dùng logic của Hegel để chứng minh tại sao tất cả những việc ấy đã xảy ra như vậy và tại sao không có vị thần nào có thể phản đối điều đó. Sự phê phán nói ở một chỗ khác rằng chưa có một thời kỳ lịch sử nào đã được nhận thức cả; tính khiêm tốn ngăn cản nó nói rằng ít ra nó cũng đã nhận thức được đầy đủ vụ xung đột của nó và vụ xung đột của Nauwerck, là những vụ xung đột tuy không phải là những thời đại, nhưng theo quan niệm của nó, vẫn làm ra thời đại.
Sự phê phán có tính phê phán, đã "tước bỏ" của bản thân mình "nhân tố" tính triệt để, lại biến thành "sự yên tĩnh của nhận thức".
Chú thích
1* một cách tiên nghiệm
1 Đây là nói về bài "Ngài Nauwerck và hệ triết học" đăng trong "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 6 (tháng Năm 1844) ký tên "J." - chữ cái đầu tiên của họ Jungnitz.
2 Chỉ việc cách chức B. Bauer, người đã bị chính phủ Phổ tạm thời tước quyền giảng dạy ở Trường đại học tổng hợp Bonn vào tháng Mười 1841, và sau đó vào tháng Ba 1842 thì bị vĩnh viễn tước quyền, vì ông đã viết tác phẩm phê phán Kinh thánh.