BẢY VIỄN QUYẾT ĐỊNH PHÓ HỘI HỒNG MÔN
CHO XỨNG DANH TƯỚNG QUÂN HẮC HỔ
Sau chuyến viếng thăm của Huỳnh Văn Nghệ, của Mưới Trí và Bảy Trấn, Bảy Viễn họp tùy tướng lại bàn chuyện đi Nam Bộ. Cuộc họp này có cả Lâm Ngọc Đường và Môrit Thiên. Đa số đều nhất trí đây là độc kế “điệu hổ ly sơn” của Nguyễn Bình. Việt Minh toan kéo Bảy Viễn khỏi Rừng Sác để dễ kiểm soát. Lâm Ngọc Đường nắm chủ động.
- Khu vừa điện cho biết lễ tân phong Khu bộ trưởng sẽ tổ chức vào ngày sinh nhật Hồ Chí Minh, tức ngày 19 tháng 5 tới đây. Ý đồ của chúng thì mình đã biết rõ rồi. Nhưng bây giờ ta có nên đi hay không? Không đi thì kẹt mà đi cũng kẹt. Không đi thì ta sẽ bị chúng buộc tội là vô kỷ luật, vô chính phủ. Có khi chúng còn gán cho ta ý đồ phản loạn nữa là khác. Còn đi thì coi chừng! Chúng sẽ bố trí phục kích hoặc bắt giữ ngay trong cuộc họp vì lý do nào đó, chẳng hạn như ta thủ tiêu người Bắc trong bộ đội Bình Xuyên hoặc bắt bớ các chính trị viên.
Bảy Viễn lo lắng:
- Giữa hai cái kẹt, biết chọn cai nào?
Tôi đã suy tính kỹ rồi. Đi dự lễ tấn phong có nhiều cái lợi. Thứ nhất chứng tỏ cho chúng thấy ta đường đường chính chính, quang minh chính đại, không việc gì phải sợ. Thứ hai, ta biểu dương lực lượng cho chúng ngán, nếu có muốn trở mặt cũng không dám.
Bảy Viễn gật gù:
- Ta sẽ đưa một Liên quân chủ lực còn mạnh hơn Liên quân đã hộ tống Hai Vĩnh lên Quân khu trước đây cho chúng thấy ngán. Còn cái lợi gì nữa?
Lâm Ngọc Đường trình bày tiếp:
- Cái lợi thứ ba là tương kế, tựu kế, Ngài Khu bộ phó sẽ nhân danh là Khu trưởng chất vấn Nguyễn Bình về chủ trương tiêu diệt giáo phái, cụ thể là vụ bắt Phạm Hữu Đức Chi đội 5, Chín An Chi đội 4 là hai giáo hữu Cao Đài, rồi cái chết đột ngột của Giáo chủ Hòa Hảo. Gần đây chúng bắt ông phán Lê Văn Huề…, ông Huề cũng là giáo hữu Cao Đài, nguyên là Chủ tịch tỉnh Bà Rịa. Như vậy rõ ràng là Việt Minh diệt giáo phái, nắm độc quyền kháng chiến đánh Tây.
Bảy Viễn gật:
- Mình sẽ đòi lại đại đội thằng Nghiệp của Tư Hoạnh…
Hội nghị nhất trí cho Bảy Viễn đi Nam Bộ nhận chức Khu trưởng. Chuyến đi được xem như là một vụ “Hội môn hồng yến” đời này, cho nên ai nấy đều nôn nao muốn dự. Công việc trước tiên của Bảy Viễn là chọn các đơn vị mạnh đưa đi theo, trước để biểu dương lực lược, sau để tự vệ khi cần. Ai cũng giành đi, không ai chịu thủ trại. Bảy Viễn phải chỉ định Tư Tỵ và Chi đội 25 ở lại Rừng Sác phòng khi Việt Minh bất ngờ cướp “sơn trại”. Tư Tỵ còn do dự, Lâm Ngọc Đường nhấn mạnh:
- Đi hay ở cũng đều quan trọng như nhau. Đi là chiến đấu chớ không phải là đi chơi. Ở nhà là thủ trại, cũng là chiến đấu chớ không phải nằm không. Tôi tình nguyện nằm lại Rừng Sác trong suốt thời gian Ngài Khu bộ phó xuống Đồng Tháp Mười.
Bảy Viễn chọn trong mỗi chi đội thân tín của mình một trung đội chủ lực để lập liên quân đi phó hội Nam Bộ. Chi đội nòng cốt vẫn là Chi đội 9 do Tư Sang chỉ huy, ngoài ra có Chi đội 4 của Mười Trí, Chi đội 21 của Tư Hoạnh và Chi đội 25 của Tư Tỵ. Từ trong bốn Chi đội này, Bảy Viễn lập hai đại đội “cứng”, mỗi đại đội có một cây “luộc” trây đơ (13,2ly) hoặc đui-xết (12,7 ly). Trong bộ tham mưu gồm có hai anh em Tư Sang, Năm Tài và Bảy Cao, Năm Bé. Năm Bé đã từng vượt ngục từ Côn Đảo về đất liền trên xuồng ba lá với Bảy Viễn nên được xem là tâm phúc sống chết có nhau. Còn Bảy Cao cũng là dân anh chị ở Sài Gòn, về với Bảy Viễn ngay từ đầu, hiện là tham mưu trưởng Chi đội 25.
Ngày lên đường, Tư Sang cho hai đại đội chủ lực tập hợp để Ngài Khu bộ phó duyệt quân và hiệu triệu. Bảy Viễn rất hãnh diện trước một lực lượng hùng mạnh như vậy, phấn khởi ngõ lời:
- Các anh em! Thật là một vinh dự lớn lao cho tất cả chúng ta được mời xuống Đồng Tháp Mười dự lễ nhận chức Khu bộ trưởng Khu 7. Vinh dự nay cho riêng tôi nhưng thật ra là cho các anh em. Vì không có các anh em thì tôi cũng chẳng làm được gì. Cho nên hôm nay tôi tỏ lời khen ngợi công lao tất cả các anh em…
Tư Sang tiếp lời Bảy Viễn:
- Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ Ngài Khu bộ trưởng trên đường đi cũng như trên đường về. Cho nên tuyệt đối phải giữ bí mật, không được nổ súng vô cớ. Đồng thời phải tỉnh táo để đánh trả mọi cuộc tấn công bất cứ từ đâu tới.
Đường đi từ Rừng Sác đến kinh Dương Văn Dương đã vạch sẵn, có chặn đi ghe, có chặn đi bộ. Trong ba ngày ròng rã, hai đại đội chủ lực hộ tống Bảy Viễn tới xã Nhớn Hòa Lập. Tất cả “dồn binh hạ trại” tại xóm Nhà Thờ, tức ấp trên, còn các cơ quan cấp Nam Bộ đóng rải rác từ xóm giữa cho tới xã lân cận là xã Hậu Thạnh. Lần đầu tiên các chiến sĩ Rừng Sác đến giữa rún Đồng Tháp Mười, ai nấy đều bỡ ngỡ và lo sợ. Đồng trống bao la, nhìn quanh bốn bề chỉ thấy biển cỏ xanh rì. Nhìn lên trời xanh lơ, họ cảm tưởng như một cái chảo khổng lồ úp xuống mặt đất. Con kinh mang tên vị chủ tướng sáng lập bộ đội Bình Xuyên như một lưỡi gươm đai rạch giữa đôi cánh đồng rộng bao la. Dòng nước trong xanh ngó thấy đáy đầy rong mịn, nếm thử thấy nước phèn chua chát như nước pha thuốc cảm át-pi-rin. Hai bên bờ kinh xáng, lác đác vài mái nhà tranh có hàng rao so đũa và gòn trổ bông. Thỉnh thoảng vài cây ô môi soi mình trên dòng nước, những chùm bông đỏ đong đưa theo gió tô điểm cho dòng kinh êm vắng. Làng Nhơn Hòa Lập chỉ có con kinh độc đạo chạy xuyên suốt, nhà cửa hai bên bờ kinh lưa thưa; từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ có cảm tưởng đây là một nhánh chùm ruột đài ngoằng, trái to nhất chính là nhà thờ ở đầu xã. Nhà thờ nho nhỏ xinh xinh, vách tường, mái tôn, trống trước trống sau nhưng không kém vẻ tôn nghiêm. Sát bên nhà thờ có một chiếc cầu bắt ngang con mương nhỏ. Ngay sau khi hạ trại, hai đội bắt tay vào việc phô trương lực lượng. Các khẩu trung liên và đại liên đặt trước sân nhà họ tá túc. Nòng súng chỉa lên trời, đạn cả bằng dài, đỏ au chạy từ ổ đạn đến thùng đạn đặt dưới chân súng. Mấy cây súng lớn đó có sức hấp dẫn lạ lùng. Dân Đồng Tháp Mười cũng như bất cứ nơi nào đều khoái súng lơn. Không mấy chốc tin có bộ đội miền Đông xuống lan đi khắp xã, dân chúng rủ nhau đi xem súng đen cả xóm Nhà Thờ.
Tư Sang cho liên lạc tới tổng hành dinh Trung tướng Nguyễn Bình để bàn thảo về cuộc lễ tấn phong cũng như cuộc họp bàn giao nhiệm vụ Khu bộ trưởng.
Cách nơi Bảy Viễn đóng quân không bao xa, một cuộc họp mặt giữa cán bộ diễn ra vô cùng gay cấn. Trung tướng Nguyễn Bình nhân danh Ủy viên Quân sự Nam Bộ đề nghị bắt Bảy Viễn ngay tức khắc, khi hắn còn mệt mỏi vì đường xa và hai đại đội của hắn còn bỡ ngỡ với địa hình địa vật. Nguyễn Bình cũng đề nghị ập tòa án quân sự Nam Bộ xét xử Bảy Viễn cùng lúc với Phán Huề được giải về từ lâu. Nhưng đồng chí Lê Duẩn nhân danh Bí thư Xứ ủy bác bỏ đề nghị ấy:
- Chúng ta bắt Bảy Viễn để làm gì? Không khéo lại gây đổ máu cho cả đôi bên. Tôi đề nghị cứ làm lễ tấn phòng Khu trưởng cho Bảy Viễn và để hắn tự do ra về…
- Nó sẽ nhảy vào thành – Nguyễn Bình gằn giọng – Ai chịu trách nhiệm về việc Bảy Viễn công khai đi đầu Tây đây?
Giọng đồng chí Lê Duẩn vẫn ôn tồn:
- Nếu hắn dám đi đầu Tây thì đó là chính hắn tự vạch mặt phản dân hại nước, chính hắn tự ký bản án phản quốc; và chúng ta khỏi phải làm cái việc mà thiên hạ gọi là “nồi da xáo thịt”…
Có tiếng vỗ tay, nhưng Trung tướng Nguyễn Bình vẫn giữ vững lập trường:
- Tôi là quân nhân, tôi không phải là nhà chính trị. Tôi xử những tên phản quốc bằng súng đạn và xử ngay tại chỗ. Với tư cách là Ủy viên Quân sự Nam Bộ, tôi ra lệnh bắt và truy tố nó trước tòa án Quân sự Nam Bộ…
Không khí cuộc họp càng dữ dội. Đồng chí Lê Duẩn đề nghị giải quyết vấn đề bằng biểu quyết. Đa số tán thành ý kiến của anh Ba Duẩn.
Lễ tấn phong được tiến hành như đã dự định. Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam Bộ Phạm Ngọc Thuần đọc quyết định phong chức Khu bộ trưởng cho “đồng chí” Lê Văn Viễn, Nguyễn Bình làm lễ bàn giao với Bảy Viễn. Một tiệc liên hoan kết thúc lễ tấn phong. Nhưng bộ tham mưu của Bảy Viễn rất bén nhạy bà đã bắt mạch được mối xung đột giữa hai phe quân sự và chính trị.
Sau buổi tiệc, về nơi đóng quân, Năm Bé nhỏ to với Bảy Viễn>
- Anh Bảy có để ý thấy vẻ mặt lầm lỳ của Nguyễn Bình không?
- Nó mang kính râm, thấy đách gì?
- Nhưng thái độ lạnh lùng của nó, anh Bảy phải thấy chớ?
- Thấy. Nhưng tao nghĩ trời sanh nó ra như vậy.
Năm Bé cự nự:
- Anh Bảy nói ăn trét hết. Còn tôi thì thấy bộ tịch nó lầm lỳ, nó cô dằn xuống dữ lắm mà còn phì ra… Mình nên coi chừng, nó dám làm ẩu lắm đó anh Bảy.
- Đố nó dám! Hai đại đội của mình sẽ dẫm nát tổng hành dinh của nó nếu nó dám động tới một sợi lông chân của Bảy Viễn.
- Anh Bảy chủ quan quá sá! Cẩn tắc vô ưu, hay là anh Bảy để tôi hạ nó? Tôi mà “khẻ” một cái là nó theo ông theo bà liền.
Bảy Viễn trừng mắt:
- Không được! Tôi không cho phép! Mình đang là khách. Nó chưa trở mặt…
Đúng lúc ấy có thư mời đồng chí Khu bộ trưởng dự lễ khai mạc phòng triển lãm hội hoa mừng sinh nhật Hồ Chủ tịch. Một tam bản hai chèo của ban tổ chức chờ sẵn dưới bến.
Nằm Bé càng nghi ngại:
- Coi chừng mưu kế chi đây của Nguyễn Bình.
Bảy Viễn lặc đầu:
- Anh sao đa nghi như Tào Tháo – Bảy Viễn sửa soạn xuống tam bản – dù sao nó cũng biết tôn trọng luật giang hồ.
Năm Bé kêu lên:
- Anh đi một mình sao? Ít ra cũng đưa theo một bán đội vệ sĩ…
- Không! Mình phải chứng tỏ có bản lĩnh ngay từ đầu thì tụi nó mới nể. Tám Nghệ rất có lý khi nói “cọp ở đâu cũng là cọp”.
- Cho tôi đi theo. Có gì tôi báo động…
Bảy Viễn cười tự tin:
- Tôi đã nói với Tư Sang rồi. Hễ quá nửa đêm mà không thấy tôi về thì Tư Sang bao vây tổng hành dinh của nó.
Nói xong, Bảy Viễn bước xuống tam bản.
Năm Bé quay lại Bảy Cao, lắc đầu.
NGUYỄN BÌNH ĐÒI BẢY VIÊN NỘP TÀI, SANG
MẤT RỪNG SÁC BẢY VIỄN CHẠY VỀ THÀNH
Trời đã tối hẳn. Những bầy đom đóm đậu trên hàng cây dọc bờ kinh chớp tắt, tạp một thứ anh sáng huyền ảo như thực như hư. Người chèo cất tiếng ca trầm lắng:
“Bảy trăm ngàn mẫu đất
Xớt chia bốn tỉnh miền Đông
Khăng khít biên thùy Chùa Tháp
Nằm bên cánh trái Cửu Long.
Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp Mười,
Mênh mông, bát ngát, đưng sậy lên hoang
Mùa nắng đất khô cỏ cháy
Mùa mưa nước ngập tràn lan
Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt,
Chân trời bốn phía rộng thênh thang…”
Bảy Viễn đang thả hồn theo lời thơ phổ nhạc ca ngợi cảnh đẹp của Đồng Tháp Mười thì đằng xa đã có ánh đền măng-sông chói lòa trên mặt kinh. Hai nhà “thủy tạ” từ từ lướt trên dòng nước. ảnh Hồ Chủ tịch họa to được kết hoa lá rực rỡ, hai bên có hai lá cờ phất phơ theo gió. Từ trong nhà thủy tạ, ban nhạc hòa tấu nhặt khoan. Các đội hợp sướng hát vang:
“Đúc gươm thiên vung cho nước nàh,
Cứu dân Việt Nam thoát ách xưa…
Chiếc thủy tạ thứ hai cũng không chịu thua. Tiếng đàn, tiếng hát cất lên cao vút:
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng…
Bác chúng em dáng thanh thanh, người cao cao…
Bác chúng em nước da nâu, râu hơi dài…
Bảy Viễn còn đang lắng nghe các cháu thiếu nhi thì tam bản cặp bến. Tiếng máy phát điện nghe rất gần. Ban tổ chức đã túc trực sẵn dưới bến, đưa đồng chí Khu trưởng vào khu vực triển lãm. Hai bên đường có treo đèn, con đường nhỏ đưa vô một khu rừng tràm, bên kia chiếc cầu bán nguyệt. Bảy Viễn hoa mắt trước công trình nghệ thuật tòan bằng tre, tràm và đệm bàng. Hỏi ra mới biết công trình này do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thực hiện. Bảy Viễn cũng được nhắc sơ qua chính ông Phát đã xây cất Hội chợ triễn làm Đông Dương năm 1942 tài vườn Ông Thượng, sau đổi tên là vườn Tao Đàn, cũng bằng tre lá.
Quan khách bước sang phòng triễn của họa sĩ Diệp Minh Châu. Tất cả đều đổ về bức họa “Đánh Trận Giồng Dứa”. Đây là chiến công của học viên trường quân chính khu 8 tiêu diệt đoàn xe của phái đoàn chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch. Trong số Việt gian đền tội có tên Trương Vĩnh Tống, Bộ trưởng bộ thông tin. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ bức tranh nay ngay tại mặt trận. Ngoài ra còn rất nhiều bức tranh phản ảnh sinh hoạt kháng chiến như sản xuất nuôi quân, bình dân học vụ, bà mẹ chiến sĩ…
Bảy Viễn đang xem bỗng nhiên có người chạm nhẹ cánh tay.
Nguyễn Bình làm hiệu mời Bảy Viễn đến một góc vắng người:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh vài vấn đề. Nói tại đây có tiện không?
- Tiện chớ! Vấn đề gì đó?
Nguyễn Bình đứng thẳng người, khoanh tay trước ngực, nhìn thằng vào mặt Bảy Viễn:
- Chúng tôi được tin là bọn Phòng Nhì đã chui vào hàng ngũ của anh. Chúng lại được anh trọng dụng…
- Chúng là ai vậy?
Nguyễn Bình cau mày:
- Anh thật tình không biết? Chúng là hai anh em Lại HữuTài và Lại Văn Sang. Hai tên này vô cùng lợi hại. Nhứt là Tài. Tôi muốn anh giao chúng nó cho tôi.
Bảy Viễn cười nhạt:
- Anh có bằng chứng? Tình báo của anh có chính xác?
Nguyễn Bình gật:
- Trước khi quyết định làm chuyện gì, chúng tôi phải nắm đủ bằng chứng. Tình báo của chúng tôi ít khi nào sai lầm. Thằng Tài đã nhiều lần tiếp xúc với các tổ chức phản động trên thành. Nếu tôi trưng đầy đủ bằng cớ, anh có giao nó cho tôi không?
Bảy Viễn nghiêm nghị:
- Tôi phải xem các bằng cớ đã… Còn vấn đề gì nữa?
Nguyễn Bình khoát tay:
- Vấn đề thứ hai không cấp bách bằng việc giao nạp thằng Tài. Đó là việc thu thuế trong bộ đội Bình Xuyên. Các Trung đoàn, các tỉnh đều tự túc để dân trong tỉnh được nhẹ gánh nuôi quân. Đó là con đường nên noi theo. Mình là bộ đội cách mạng mà lại dựa vào thuế sòng bạc, nhà chứa thì mất hết ý nghĩa. Nhưng vấn đề này tính sau. Cần giải quyết tên Tài sớm… Bao giờ anh có thể giao nó cho tôi?
Bảy Viễn lạnh lụng:
- Tôi vừa trả lời câu hỏi đó rồi! Tôi phải xem bằng cớ trước đã!
Nguyễn Bình cô ghìm cơn nóng:
- Ta tiếp tục đi xem tranh…
Trở về nới đóng quân, Bảy Viễn họp các gia tướng lại:
- Nguyễn Bình đòi tao giao hai anh em Tư Sang, Năm Tài cho nó, nhứt là Năm Tài. Nó quả quyết hai đưa bây là “Đơ dèm buyarô”.
Tài, Sang xám mặt:
- Ngài trả lời thế nào?
- Làm sao tao chịu giao hai đứa bây cho nó? Tao ậm ờ bảo nó trưng bằng cớ đã…
Tài lo lắng:
- Nó đoán mò hay nắm được bằng cớ rồi?
Bảy Viễn lắc đầu:
- Làm sao tao biết được! Có thể là nó đoán mò mà cũng có thể là nó nắm được bằng cớ - hắn vỗ trán thở ra – đấu trí với nó mệt óc quá.
- Bây giờ Ngài tính sao? – Năm Tài bám lấy chủ tướng.
- Đừng để nó đánh trước – Tư Sang góp ý.
Bảy Viễn cảm thấy nóng bức khó chịu. Y kéo áo thun tơ ra khỏi xà-rông, nhưng vẫn chưa thấy mát, cởi luôn ra, để lộ tấm lưng lực lưỡng, trước ngực có xâm hai con rồng chầu nguyệt, Năm Bé trao cho y một khăn lông ước tẩm nước hoa. Y lau mặt, cổ gáy, hai cánh tay, hai bàn tay rồi phe phẩy quạt:
- Dĩ nhiên là như vậy. Giao hai đứa bây thì dứt khoát là tao không giao. Mà không giao thì rắc rối lớn. Nó viện lẽ tao bao che cho bọn Phòng Nhì để làm ẩu. Đêm nay Tư Sang phải bố trí canh gác cẩn thận.
Năm Tài nói:
- Tình thế này phải tính trước mới được. Ông Lâm Ngọc Đường có căn dặn tôi như thế này: Nếu như ta thấy rõ Nguyễn Bình quyết tiêu diệt giáo phái thì tôt hơn hết là ta nên rút về thành. Người Pháp và Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân luôn luôn giang hai cánh tay đón tiếp các phần tử quốc gia trong hàng ngũ kháng chiến trở về với chính phủ Bảo Đại. Mình là người Quốc gia, tại sao lại đóng góp xương máu cho Cộng sản độc quyền yêu nước?
Năm Bé gật gù:
- Năm Tài nói đúng ý tôi. Mình là Quốc gia. Còn Việt Minh là Cộng sản. Không thể hợp tác được. Mình đi với chúng cũng trong một thời gian nào đó thôi. Chi bằng ngay bây giờ ta tách ra…
Bảy Viễn thở dài:
- Đầu Tây là điều tối kỵ. Theo kháng chiến, tao mới mở mặt mở mày. Ủy viên Quân sự, Tư lịnh Bình Xuyên, Khu bộ phó, Khu bộ trưởng. Vinh vang hết cỡ rồi. Với thằng Tây, tao chỉ là thằng ăn cướp, là tên tù vượt ngục…
Nằm Tài trổ tài thuyết khách:
- Ăn cướp cũng năm bảy đường ăn cướp. Ăn cướp của người giàu chia cho người nghèo là ăn cướp đáng tôn thờ, cũng như Tống Giang, Triệu Cái mà Ngài xem là thần tượng. Chống thực dân cũng là hảo hớn. Còn bây giờ thời thế đã thay đổi rồi. Nước nhà đã được độc lập, do tài tranh đấu ngoại giao của Cựu hoàng Bảo Đại. Những người có tài như Ngài sẽ được trọng dụng.
Bảy Viễn nghi ngờ:
- Có chắc không?
- Sao không chắc? Bây giờ đã đến lúc phải nói thật với Ngài: Hai anh em tôi là người của Phòng Nhì. Tình báo của Nguyễn Bình rất chính xác. Chỉ huy trực tiếp của hai anh em tôi là ông Lâm Ngọc Đường. Chúng tôi đã làm việc với đại úy Savani, giám đốc Phòng Nhì. Savani tuyên bố sẵn sàng tiếp đón bộ đội Bình Xuyên bất cứ lúc nào. Sẽ dành riêng môt khu vực cho Bình Xuyên đóng, lính Pháp không có quyền xen vào.
Bảy Viễn đăm chiêu:
- Mày nói nghe cũng hấp dẫn lắm! Nhưng người quân tử cũng chỉ có một con đường…
Năm Tài cười:
- Người ta nói “quân tử nhất ngôn là quân tử dại”. Đọc Thủy Hử, mình thấy cuối cùng đám Tống Giang, Triệu Cái cũng trở về với triều đình!... Theo tôi nghĩ, chúng ta lập một giang sơn riêng biệt ở Rừng Sác để chống Pháp là một chủ trương xuất chúng, vừa chống Pháp và vừa thủ thế, tự vệ, không cho Việt Minh xen và chi phối. Giai đoạn chống xâm lăng đã qua rồi. Bây giờ là giai đoạn kiến thiết xứ sở, hàn gắn những đổ vỡ mất mát. Nước nhà đã độc lập và đang cần những lực lượng võ trang như bộ đội Bình Xuyên để trừ gian diệt bạo, giừ gìn an ninh trật tự.
Bảy Viễn còn chống cằm suy nghĩ, Tư Sang bước vô, vẻ khẩn trương:
- Trinh sát của mình báo động! Dường như có thám báo đang rình rập chúng ta từ bên kia bờ kinh. Có thể Nguyễn Bình đã ra lịnh bao vây chúng ta làm áp lực buộc Ngài phải giao hai anh em tôi cho nó. Bây giờ Ngài tính sao?
Năm Tài sôi nổi:
- Ngài đã dứt khoát về chuyện ấy rồi. Bây giờ phải hành động thôi. Tôi sẽ bí mật về thành ngay đêm nay. Tôi sẽ chuẩn bị tất cả để đón rước Ngài cùng hai đại đội hộ tống. Trong khi chờ đợi, Ngài cứ dùng dằng với chúng. Hai ngày là tôi tới Sài Gòn, vận động một ngày nữa là ba. Ngài chỉ cần tranh thủ ba ngày, sau đó thì rút quân về thành. Đã có tôi đón tại vùng An Lạc, Phú Lâm.
Bảy Viễn thở dài thườn thượt:
- Tao không hề dự kiến được tình thế lạ lùng như thế này. Ngày ra đi theo kháng chiến, tao cũng đã hát bài Chính khí ca “một ra đi là không trở về”, bây giờ chưa đi tới đâu thì lại lò mò trở về, mặt mũi nào dòm ngó đồng bào Phú Thọ, Chợ Thiếc?
- Ngài về thành không phải là “hàng thần lơ láo, phận mình ra đi” đâu. Ngài bao giờ cũng vẫn là chiến sĩ quốc gia, Ngài đã làm xong nhiệm vụ chống xâm lăng, đuổi thực dân rồi, bây giờ Ngài trở về tái thiết xứ sở. Chỉ có vậy thôi – Năm Tài cố sức thuyết phục.
- Nhưng mình vẫn đóng trên khu vực thằng Tây…
Năm Bé xen vào:
- Mình chỉ tạm thời ở nhờ trên đất thằng Tây thôi. Vài năm nữa là quân đội Pháp rút về hết theo Hiệp định đã ký với Cựu hoàng Bảo Đại.
Bảy Viễn thiễu não:
- Về thành mang theo chỉ có hai đại đội thì yếu quá! Thằng Tây coi mình ra cái gì!
Năm Bé hăm hở:
- Chuyện đó anh Bảy không nên quan tâm. Anh Bảy muốn có bao nhiều cũng được. Tôi sẽ đi mộ lính cho anh Bảy. Em út của mình trên thành, muốn bao nhiêu chẳng có? Nhất là với tên tuổi anh Bảy nữa! Nhất hô bá ứng mà!
Bảy Viễn buồn bã phủi chân, khoát tay bảo Năm Tài:
- Đành vậy! Thôi đi đi! Ba ngày nữa tao sẽ rút quân theo mày.
Đêm ấy, Bảy Viễn trằn trọc thao thức không chợp mắt.
MƯỜI TRÍ TẬN TÌNH KHUYÊN CAN BẠN
BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG BẢY VIỄN BUÔNG XUÔI
Năm Tài bí mật về thành với một tiểu đội hộ tống. Bảy Viễn vẫn đóng quân tại Nhà Thờ như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng Tư Sang được lệnh ngày đêm sẵn sàng đối phó. Nguyễn Bình cứ thúc giục Bảy Viễn giao nạp Năm Tài nhưng Bảy Viễn mời Nguyễn Bình tới nơi đóng quân và nhấn mạnh “nếu Trung tướng thấy có Năm Tài ở bên cạnh tôi thì xin Trung tướng cứ tự nhiên bắt giữ. Sự thật thì tôi đã để hắn ở lại thủ trại. Nếu Trung tướng không gấp lắm thì khi trở về Rừng Sác, tôi sẽ bắt giải nó về đây cho Trung tướng”.
Biết Bảy Viễn đã đánh xổng con mồi của mình, Nguyễn Bình điên tiết ra lệnh cho Chi đội 15 và Chi đội 5 bám sát hai đại đội hộ tống của Bảy Viễn. Nếu Bảy Viễn trở về Rừng Sác thì thôi, còn nếu hắn trốn ra thành thì nổ súng tiêu diệt.
Lật đật đã đủ ba ngày. Tin hỏa tốc từ Rừng Sác cho biết tổng hành dinh Chi đội 9 đã bị tảo thanh. Lập tức Bảy Viễn yêu cầu Nguyễn Bình ngưng ngay. Đồng chí Lê Duẩn cho Hai Trí và Nguyễn Đức Huy ra lệnh ngưng ngay cuộc tảo thanh.
Bảy Viễn biết mình mắc mưu “điệu hổ ly sơn” của Nguyễn Bình, hầm hầm ra lệnh rút quân. Con kinh Dương Văn Dương thẳng băng như kéo chỉ, đồng trống hai bên đưng lác xanh tận chân trời. Ban đầu các đơn vị có nhiệm vụ bám sát hai đại đội Bình Xuyên còn e dè, nhưng dần dần việc theo đuổi trở nên công khai. Bên này bờ kinh thấy rõ bên kia bờ kinh. Súng ống đủ loại ghìm nhau, chỉ chở lệnh là nổ ran. Trong những ngày này, liên lạc của văn phòng Trung tướng Nguyễn Bình và văn phòng Xứ ủy làm việc không hở tay. Tam bản phóng như bay trên dòng kinh, đuổi theo Chi đội 5 và 15. Lệnh của đồng chí Lê Duẩn là rút quân, không truy kích Bảy Viễn. Lệnh của Trung tướng Nguyễn Bình nhấn mạnh phải tiếp tục truy kích tận ổ. Tình hình căng thẳng đó kéo dài tới lúc bộ đội Bảy Viễn tới tổng hành dinh Chi đội 4 của Mười Trí. Sau khi nghe Bảy Viễn tâm tình, Mười Trí nói với Huỳnh Văn Một, chỉ huy Chi đội 15:
- Chi đội 15 không phải bám sát Bảy Viễn nữa, đã có Mười Trí đảm trách! Mười Trí sẽ dùng tình cảm lôi kéo Bảy Viễn trở lại, Mười Trí chịu trách nhiệm về việc này trước Trung tướng Nguyễn Bình và Ủy ban Khánh chiến Hành chánh Nam Bộ.
Lời cam kết của Mười Trí làm tình hình bớt căng thẳng. Hai Chi đội 5 và 15 được lệnh của Nguyễn Bình cho rút về vị trí cũ.
Đêm ấy, Bảy Viễn tâm tình với Mười Trí:
- Tao theo kháng chiến là theo mấy anh Trần Văn Giàu, Bảy Trân, Bảy Trấn. Mấy anh đó là Cộng sản nhưng mà “chơi được”. Còn thằng Nguyễn Bình “chơi không vô”. Mày thấy trước mắt đó. Trên đường về của tao, nó cho hai Chi đội 5 và 15 bám theo khít rim. Mày bảo lãnh, nó mới chịu cho lệnh rút…
Mười Trí gật gù:
- Ba thằng cha Cộng sản mà mày bảo “chơi được” đó, tao biết rất nhiều. Bảy Trấn thì khỏi nói: Ba đứa mình đã ẩn náu ở Bến Tranh, Dầu Tiếng một thời gian. Bảy Trấn cũng như tụi mình.
- Còn hai cha kia?
- Bảy Trân thì đạo mạo như thầy giáo, coi hiền lành nhưng khi cần thì cũng “ngon lành” cũng “chịu chơi” như ai. Tư Hoạnh cứ đòi “vặn cổ thằng quận Trân” nhưng khi giáp mặt, nghe Bảy Trân nói thì nó xụi lơ. Lạ thiệt!
- Còn Trần Văn Giàu?
- Tên này bản lĩnh lắm! Mày biết không, chính tao đã “nắn gân” nó rồi, kết quả cũng phải nhìn nhận là nó cũng là một tay hảo hơn như tụi mình.
- Nắn gân cách nào?
Mười Trí nốc cạn ly rượu thuốc, khề khà kể:
- Hồi mới độc lập, Huỳnh Phú Sổ đòi Thanh tra Chính trị Miền Tây là Nguyễn Văn Tây, trao mấy tỉnh có tín đồ Hòa Hảo như Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ cho Hòa Hảo cai trị. Nguyễn Văn Tây báo cáo với Trần Văn Giàu, Giàu cho bắt Huỳnh Phú Sổ, nhưng Hoàng Quốc Việt ra lệnh thả Sổ ra. Lúc đó tao có cảm tình với Huỳnh Phú Sổ nên che giấu Giáo chủ Hòa Hảo trong nhà. Một đêm, nghe tin Trần Văn Giàu đi công tác ngang qua, tao mời vô tổng hành dinh, coi có dám vô hay không. Nó vô mình không, bỏ đám vệ sĩ bên ngoài. Mày biết đám lâu la của tao, đứa nào cũng hầm hừ, lựu đạn đeo đầy mình. Một thằng tháo lựu đạn ra, thả lăn lông lốc trước mặt tao với nó. Nó liếc tao, thấy tao ngồi tỉnh bơ, nó cũng ngồi tỉnh bơ. Mày dư biết, lựu đạn của mình làm, cân lượng sơ sài, đụng mạnh là nổ ngay, nhiều người đã chết vì lựu đạn của cha con Tám Mạnh, Hai Vĩnh sản xuất… vậy mà thằng Giàu…
Bảy Viễn cười:
- Nó cũng chết điếng trong bụng…
- Nhưng ngoài mặt nó vẫn cứ cười nói tự nhiên. Cái đó mới là bản lĩnh. Từ đó tao chấp nhận nó là hảo hớn ngang với bọn mình – rót thêm ly nữa. Mười Trí mới hỏi – Nhưng tại sao Nguyễn Bình lại cho hai Chi đội 5 và 15 bám sát mày?
- Tại sao hả? Chuyện này chắc mày biết mà!... Nguyễn Bình đòi tao giao hai anh em Năm Tài, Tư Sang cho nó. Nó cả quyết hai tên này là Đơdèm…
- Mà có đúng không? Tao cũng nghi quá!
- Đúng! Trước đây tao cũng nghi ngờ. Mới đây thôi. Năm Tài thú nhận chúng là người của đại úy Savani.
Mười Trí kêu lên:
- Chết cha! Vậy mà mày không chịu giao?
- Làm sao giao được? Lâu nay tao khoán hết mọi việc cho hai đứa nó. Tư Sang lo quân sự, Năm Tài lo ngoại giao. Tao chỉ ngồi không ký tên… Không có hai đưa nó thì tao kể như cùi.
Mười Trí cừoi lớn:
- Trong Chi đội 9 của mày có thiếu gì nhân tài? Như thằng Tám Tâm.
- Tám Tâm là thằng Cộng sản – Bảy Viễn giẫy nãy.
Mười Trí cười:
- Làm như đĩa bị quết vôi vậy? Tao coi bộ mày “kỵ”Cộng sản dữ quá! Mà mày đâu dè ba thằng cha “chơi được” của mày lại là Cộng sản và có bằng cấp bên Tây, bên Nga…
- Chớ mày không “kỵ” à? – Bảy Viễn tò mò hỏi.
- Không! Tao không “kỵ” thứ gì hết. Cộng sản có cái gì mà “kỵ” chớ? Tao đã nói thằng cha Bảy Trấn chẳng khác gì tụi mình. Cũng đánh bài, cũng rượu chè, cũng này nọ… Nó cũng “ con c, con lõ” như tụi mình.
- Thiệt không đó mậy?
- Thiệt mà! Nó còn nói giới giang hồ tụi mình ăn nói lỗ mãng nhưng ăn ở với nhau rất có tình nghĩa, hơn xa mấy thằng cha trí thức ăn nói lịch sự, nhưng ăn ở với nhau không tình không nghĩa. Nó kể chuyện tiếu lâm cười bể bụng. Chuyện như vầy nè: Hai vợ chồng chị sui trai rất mến anh sui gái. Anh này góa vợ nên ăn uống kham khổ. Chị sui trai nuôi một con gà mái định để dành đãi anh sui một bữa. Nhưng có khách quý đến bất ngờ, kẹt quá anh sui trai đành làm con gà mai. Đến khi anh sui gái tới, chị sui trai mới trách chồng: “Tui biểu ông đừng làm thịt con gà mà ông không nghe, bây giờ lấy cái con c. gì đãi anh sui đây?”…
Bảy Viễn cười ngất, quên hẳn chuyện Nguyễn Bình bám sát như bóng với hình. Nghỉ ngơi một ngày, Bảy Viễn tiếp tục lên đường. Mười Trí cũng nai nịt đi theo:
- Để tao tiễn mày một khúc đường.
Bảy Viễn áy náy:
- Mày tiễn tao hay mày bám sát tao theo chỉ thị của Nguyễn Bình?
Mười Trí trợn mắt:
- Đẹp Nguyễn Bình qua một bên! Tao làm theo ý của tao, không phải làm theo chỉ thị hay mệnh lịnh nào! Đây là tình bạn đồng sinh đồng tử của tao với mày. Mày có nhớ chuyện uống nước đái giữa biển Đông thề nguyền sống chết có nhau? Giờ đây tao không thể để mày trở về đường xưa lối cũ. Mày chịu ảnh hưởng của bọn Lương Sơn Bạc nhiều quá. Cho nên mày hư!
- Còn mày? Mày không mê Thủy Hử à?
- Có. Tao có mê, nhưng đó là chuyện đời xưa, hồi trước cách mạng Tháng Tám, lúc đó chưa có Đảng. Chớ bây giờ tao hết mê rồi, mà còn chê nữa.
- Chê chỗ nào?
- Bọn Tống Giang thù ghét triều đình chạy ra Lương Sơn làm loạn. Nhưng chúng đã làm được gì? Toàn là cảnh giết người làm thịt bán trong các hắc điếm. Đọc tới đó thấy lạnh mình. Chúng không còn là người nữa. Mà là súc vật ăn thịt người!
- Rồi sao nữa?
- Bọn Tống Giang đả phá triều đình, nhưng chúng xây dựng được cái gì? Chúng cũng lập ra một triều đình cỡ nhỏ, cũng phe phái, cũng tranh giành địa vị. Phe Tống Giang ghìm phe Triều Cái. Triều Cái chết rồi thì ghìm phe Lưu Tuấn Nghĩa tức Ngọc Kỳ Lân. Cũng bởi rập khuông theo Tống Giang nên mày mới ghìm phe Ba Dương, Năm Hà, ghìm phe Tám Mạnh, Hai Vĩnh… đúng không?
Bảy Viễn nín lặng hồi lâu rồi chuyển qua chuyện khác.
Bỗng Tư Sang đến tìm Bảy Viễn, có vẻ hoảng hốt:
- Trong đêm nghỉ tại đây, đại đội 4 của thằng Xê trốn đi rồi!
Bảy Viễn đập bàn:
- Tao đã biểu canh phòng nghiêm ngặt, tại sao để cả đại đội trốn đi? Đã cho truy nã chúng chưa?
Tư Sang lúng túng:
- Chúng ta đang trên đường về thành. Không có đủ thì giờ…
Bảy Viễn chợt nhớ ra, thở dài:
- Thời đã hết nên mới xảy ra những chuyện bực mình… Về thành mà chỉ có một đại đội thì thằng Tây coi mình ra cái đách gì!
Năm Bé góp ý:
- Anh Bảy không nên quan tâm chuyện đó. Tôi hứa sẽ tuỷên mộ lính cho anh Bảy. Trong vòng một tuần là ta có vài ba tiểu đoàn. Điều cấp bách là ta nên rời nơi đây càng sớm càng tốt, ở đây ngán quá!
Bảy Viễn chỉ Mười Trí:
- Anh quên Mười Trí đây là bạn tù vượt ngục với mình sao?
- Biết chớ! Nhưng đêm qua tôi nghe binh sĩ của anh Mười Trí bàn tán với nhau. Không rõ ai xì ra mà chúng biết mình sắp nhảy vào thành. Chúng nói – Năm Bé bụm miệng nói nhỏ - xin lỗi anh Bảy: “Đ.m bộ đội Bảy Viễn đánh giặc như con c. Bây giờ lại tính đầu Tây! Mười Bảy Viễn tao cũng đánh thấy mẹ nữa! Cái thứ “sọc dưa” làm mất danh tiếng bộ đội Bình Xuyên, đem bắn bỏ là vừa!”…
Bảy Viễn hầm hầm cự Mười Trí:
- Mày để lính của mày chửi tao như vậy sao?
Mười Trí cười:
- Nếu tao mà đi đầu Tây thì chúng làm thịt chứ không chửi như vậy đâu! Lính cách mạng khác xa lâu la của sơn trại chủ, mày phải thấy điều đó chớ? Năm Bé nói đúng đó.
Trên ghe từ Bình Hòa về Lý Văn Mạnh, Bảy Viễn lại hỏi Mười Trí:
- Mày chê Thủy Hử là tại mày bị Bảy Trấn nhuộm rồi phải không?
- Mười Trí mà dễ gì nhuộm mậy! Buồn cười quá! Lúc tao đi dự đại hội giáo phải của Phạm Công Tắc có người bảo Mười Trí bị Cao Đài mua, cũng có lúc tao chứa Huỳnh Phú Sổ tại đây thì thiên hạ đồn Mười Trí bị Hòa Hảo kéo. Bây giờ mày nói tao bị Cộng sản nhuộm… Nhưng thành thật mà nói thì tao có cảm tỉnh với Cộng sản. Tại sao hả? Nếu không có mấy cha Cộng sản làm cách mạng tháng Tám cướp chính quyền thì tới giờ này tụi mình cũng chỉ là lục lâm thảo khấu, mày xưng Tống Giang, tao xưng Triều Cái, Hai Vĩnh xưng Ngọc Kỳ Lân… Thật ra thì tụi mình toàn là lũ treo đầu dê bán thịt chó. Mở miệng là rêu rao “Thế thiên hành đạo”, nhưng tụi mình có đạo đâu mà hành? Đạo của tụi mình là đạo “hốt bạc bỏ túi”. Nhiều quá xài không hết thì chia bớt cho lâu la. Chớ có bao giờ chia cho dân nghèo đồng xu cắc bạc nào! Mình là… nói xin lỗi… một bọn súc vật ăn thịt người như mấy thằng phổ-ki trong các hắc điếm. Cách mạng đã nâng chúng ta lên thành một con người có đủ nhân cách, nhân phẩm. Tao mến Cộng sản chỗ đó.
Bảy Viễn không nói gì, cứ im lặng, thỉnh thoảng thở ra. Đêm ấy đóng quân giữa đồng trống, gần cầu Bà Lạt, giữa cầu Xáng và Bà Hom, Mười Trí và Bảy Viễn lại thức thêm một đêm nữa để tâm tình. Nửa đêm Mười Trí nói:
- Người xưa có nói: “Dù đưa nhau trăm dặm cũng đến lúc phải chia tay”. Ta đưa mày tới đây cũng đã khá xa rồi. Ta đang ở sát quốc lộ 4 và đứng ở ngưỡng cửa Sài Gòn. Tao hỏi thật: Mày định đi đầu Tây?
Bảy Viễn thở ra:
- Mọi việc đã lỡ rồi. Năm Tài đã về thành ba ngày nay chuẩn bị mọi thứ. Giờ này có lẽ tụi nó đang chờ đón rước tao…
Mười Trí đổ quạu:
- Đ.m. uổng công tao thức mấy đêm thuýêt phục mày! Mày đã quyết định đi đầu Tây thì đường ai nấy đi! Thôi, tao về đây. Khỏi bắt tay con c. gì!
Mười Trí cùng tiểu đội hộ tống đi rồi, Bảy Viễn vẫn còn bùi ngùi. Trong giới giang hồ, Bảy Viễn mến và phục Mười Trí hơn ai hết. Mười Trí được cái thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không rào đón, không vẽ vời. Và khi cần thì hành động chớ không phải chỉ nói suông.
VÀO GIỜ CHÓT BẢY CAO BỎ BẢY VIỄN
KÉO HAI TIỂU ĐỘI TRỞ VỀ NAM BỘ
Bảy Viễn còn đắm hồn trong hồi tưởng thì Bảy Cao tới:
- Tư Sang ra lệnh cho tôi đi thám báo vùng này mà giao có một tiểu đội thì làm sao đủ.
Bảy Viễn nhìn chăm chăm tham mưu trưởng Chi đội 25:
- Anh muốn bao nhiêu?
- Ít nhất cũng phải hai tiểu…
Bảy Viễn khoát tay:
- Thì hai tiểu. nói Tư Sang là có sự đồng ý của tôi. Chuyện không đáng gì mà cứ làm rộn mãi!...
Bảy Cao đòi hai được hai tiểu đội cứng vì vùng này ném về vùng ngoại vi thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Tư Sang miễn cưỡng giao cho Bảy Cao hai tiểu đội, nhưng trong lòng đầy nghi ngại. Trong chuyến đi này, Bảy Cao có nhiều cử chỉ lạ lùng, khó hiểu, dường như tâm hồn anh ta trải qua một cuộc giành giật xo xát.
Bảy Cao dẫn hai tiểu đội tiến về cầu Bà Lát, cách nới Tư Sang đóng quân vài trăm thước. Anh ra lệnh cho anh em ngồi xuống thành một vòng tròn:
- Mấy ngày nay chắc anh em biết có những biến động dữ dội trong bộ đội Bình Xuyên chúng ta. Ngay trong hai đại đội hộ tống này cũng đã đi hết một đại đội trong đêm trước. Nguyên nhân nào mà rã đàn tan nghé? Chuyện rõ như ban ngày: Bảy Viễn quyết định đi đầu Tây. Mấy ngày trước đây, Năm Tài bí mật về thành liên lạc với Pháp chuẩn bị đón rước Bảy Viễn…
Hai tiểu đội xì xào sôi nổi. Bảy Cao tiếp:
Kháng chiến nay đầu Tây đó là quyền cá nhân của Bảy Viễn. Đó cũng là quyền cá nhân của từng anh em chúng ta. Không ai có quyền nhân danh bất cứ cái gì để bán rẽ xương máu và danh dự của chúng ta. Ai muốn đi đầu Tây thì theo Bảy Viễn, còn ai muốn tiếp tục kháng chiến giành độc lập thì đứng qua một bên.
Tấ cả đều đứng qua một bên. Bảy Cao nói:
- Hoan hô tinh thần sáng suốt của anh em. Bây giờ trước khi quay trở lại Đồng Tháp Mười, chúng ta hãy nổ một loạt súng gọi là “đưa linh” những chiến hữu lầm đường lạc lối…
Hai tiểu đội nổ một loạt súng giòn giã rồi biến mất trong bóng đêm.
Tư Sang vốn nghi ngờ Bảy Cao, nghe tiếng súng nổ giòn, vội cho trinh sát ra dò tình hình. Một lúc sau tin Bảy Cao dẫn hai tiểu đội trở về Đồng Tháp Mười tới tai Bảy Viễn.
Như võ sĩ bị thấm đòn bị một cú quai hàm vào hiệp cuối chót, Bảy Viễn xiễng liễng đứng ngồi không yên:
- Trời ơi, tới thằng Bảy Cao cũng bỏ tao nữa thì tao còn biết tin ai? Chỉ còn một đại đội mà nó nỡ cướp mất hai tiểu đội thì còn đách gì mà ra mắt Tây tà? Nhục ơi là nhục.
Có lẽ trong đời ngang dọc, Bảy Viễn chưa bao giờ biết nhục nhã ê chề như lúc này. Càng nhục, y càng nhận Mười Trí thông minh, sáng suốt; y thấy sai lầm nghiêm trọng nhất trong đời mình là không nghe lời Mười Trí mà lại chạy theo hai anh em Tư Sang, Năm Tài…
*
* *
Bảy Cao đưa hai tiểu đội ròng rã một đêm một ngày mới về đến Nhơn Hòa Lập. Việc trở về đột ngột của hai tiểu đội Bảy Cao giữa lúc quân khu được điện của Mười Trí báo tin Bảy Viễn đã chạy về thành làm mọi người bất ngờ nhưng thích thú.
Tám Nghệ thấy Bảy Cao đằng xa đã reo lên:
- Bảy Cao, mình tưởng…
Bảy Cao bắt tay Tám Nghệ hăm hở đề nghị:
- Anh Tám cho tôi gặp Trung tướng, có được không?
- Sao lại không? Theo mình!... Tám Nghệ giới thiệu với Nguyễn Bình:
- Anh Bảy Cao, tham mưu trưởng Chi đội 25 của Tư Tỵ…
Nguyễn Bình bắt tay:
- Câu chuyện trở về thành của Bảy Viễn như thế nào, anh hãy kể lại cho chúng tôi nghe. Anh là người ham hiểu tường tận nội tình Bình Xuyên vào những ngày này…
Bảy Cao nói một hơi:
- Tên tôi chỉ được ghi vào giờ chót trong danh sách những người theo Bảy Viễn xuống Đồng Tháp Mười nhận chức Khu bộ trưởng. Bảy Viễn chú ý tới tôi vào giờ chót là vì tôi thông thạo chiến trường Khu 8. Mấy năm trước đây, tôi và anh Quách xách Liên quân đánh lưu động ở các vùng Bình Hòa, Vàm Cỏ Đông… Riêng về phân tôi thì cũng muốn được dịp giáp mặt với Trung tướng để đánh tan mọi hiểu làm do kẻ ném đá giấu tay…
Nguyễn Bình gật:
- Việc anh trở về đây chứng minh anh là người trung kiên với cách mạng.
- Đi ba ngày ròng theo lộ trình sông Soài Rạp, Cần Giụôc, Phú Lâm, Hộ 17, Cây Da Xà, ấp Bình Hòa. Ghé lại Chi đội 4 thăm anh Mười một ngày, hôm sau thẳng tới Nhơn Hòa Lập. Trong ba tham mưu của Bảy Viễn có Tư Sang, Năm Tài, Năm Bé. Có cả thằng Paul, con Bảy Viễn nữa. Lại thêm hai thằng cháu là Tư Hiểu và Thái Hoàng Minh. Việc chỉ huy hai đại đội hộ tống, Bảy Viễn giao cho Tư Hiểu. Những ngày họp ở đây thì Trung tướng biết rồi. Ba ngày sau có liên lạc đặc biệt do hai thằng Hoằng và Cugn từ Rừng Sác báo tin hỏa tốc là tổng hành dinh của Chi đội 9 ở Tắt Cây Mắm đã bị thanh trừng. Bảy Viễn hoang mang chửi cách mạng không ghe tàu nào chở cho hết. Hắn đòi Nam Bộ phải ngưng ngay. Dù được Trung tướng và đồng chí Lê Duẩn hứa, Bảy Viễn không tin. Ngày đêm đó, Bảy Viễn quyết định trở về Rừng Sác. Tư Sang họp các cấp bộ lại hội ý trong bữa cơm “về Rừng Sác hay không về Rừng Sác?”. Không ai mạnh dạn trả lời. Vì ai cũng biết trước đó Bảy Viễn cho Năm Tài về thành chuẩn bị đón rước Bảy Viễn cũng lực lượng hộ tống. Mặt khác, đám vệ sĩ của Tư Sang mang súng mi đi khắp nơi lắng nghe dư luận. Phát biểu bậy bạ sẽ bị chúng “lặt” ngay tại trận. Cho nên không ai nói gì. Riêng tôi nói một câu ngắn gọn: “Về Rừng Sác thì chỉ có đánh nhau thôi”. Ý của tôi, nếu được tự do ăn nói, thì nói thế này: “Về Rừng Sác thì chỉ có đánh nhau hoặc đầu Tây”. Để chúng không nghi kỵ, tôi nói thêm: “Ta nên chờ Mười Trí. Còn anh em thì theo anh Bảy tới cùng. Bởi ngày xưa anh Bảy hứa với anh em là đánh Tây tới giọt máu cuối cùng, còn cái bâu áo cũng đánh tới tới”. Dù vậy, Tư Sang vẫn nghi ngờ nên truất chức tham mưu mà Bảy Viễn phong cho tôi trong chuyến đi này. Tới Bình Hòa, vừa qua sông Vàm Cỏ thi Xê xách đại đội 4 thuộc Chi đội 4 của Mười Trí rút trở lại Tắt Cây Dừa, Nam Bình Hòa. Đại đội này có cây ly 20 đã nổ một loạt súng chào mừng quan khách đêm đầu tiên Bảy Viễn xuống Nam Bộ. Mất đại đội này, Bảy Viễn mất tinh thần, cứ hỏi tôi: “Bây giờ làm sao hả anh Bảy?”. Đêm đóng ở giữa đồng Bàu Cò, Láng Le, có anh Bảy Trân là Chủ tịch Chợ Lớn tới thăm. Hai anh Bảy Trân và Mười Trí cố trấn tĩnh tinh thần Bảy Viễn nhưng vô ích. Vì Rừng Sác bị tảo thanh thì Bảy Viễn không còn đất dung thân ngòai vùng Chánh Hưng mà Năm Tài vận động Pháp cho Bảy Viễn tạm mượn. Khoảng chín giờ đêm, Tư Sang quyết định kéo đi. Tôi chủ động bảo Bảy Viễn: “Vùng này Tư Sang không rành bằng tôi. Phải để tôi đi trước dò đường. Cho tôi một trung đội”. Bảy Viễn đồng ý nhưng Tư Sang chỉ giao hai tiểu đội. Tôi đưa anh em đi vài trăm thước, giải thích cặn kẽ rồi yêu cầu anh em chọn đường. Tất cả theo tôi trở về Nam Bộ. Giữa lúc đó, Tư Sang sinh nghi cho lính chạy đi tìm tôi. Tai tôi nghe tiếng hắn gọi to trong đêm vắng “Bảy Cao ơi, Bảy Cao đâu?”…
Nghe xong, Nguyễn Bình vỗ vai Bảy Cao:
- Trước đây không biết, nay thì anh Bảy cứ an tâm ở lại đây…
Bảy Cao nhìn thằng Nguyễn Bình:
- Tôi theo kháng chiến với một trái tim trong sáng. Nếu Trung tướng muốn xem thì cứ mở ra xem – Bảy Cao vạch áo đưa ngực ra.
Nguyễn Bình cười:
- Tôi đã nói là tôi tin anh…
Hôm ấy, Nguyễn Bình làm tiệc đãi Bảy Cao. Cùng dự tiệc có Tám Nghệ, Huỳnh Văn Một và Truyện, chánh ủy trung đoàn 308 hỗn danh “Thầy Rùa Mắt Thau” (Thầy rùa là tham mưu, còn mắt thau là vì Truyện có đôi mắt to).
Đâu là khúc quanh lịch sử trong cuộc đời giang hồ của Bảy Cao. Do dòng đời đưa đẩy, anh gặp Tư Tỵ là tay anh chị Bình Đông. Khi Tư Tỵ có Chi đội 25 thì anh về làm tham mưu trưởng. Nhưng Bảy Cao chỉ nổi danh nhờ “vớt” hai tiểu đội của Bảy Viễn vào giờ chót…
Trong tiệc, Bảy Cao đề nghị:
- Trung tướng cho tôi đánh bồi một cú nữa là Bảy Viễn xụm luôn. Tôi đi rồi nhưng còn “cài” một thằng bạn chí thân, nó là Cử, đại đội trưởng. Tôi hú một tiếng là nó hưởng ứng ngay…
Nguyễn Bình cười:
- Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi. Kéo quân đi đầu Tây là cuộc đời giang hồ của Bảy Viễn đã chấm dứt rồi. Đối với những người kháng chiến thì hắn đã lộ nguyên hình, “cốt khỉ hoàn cốt khỉ”. Mình đánh bồi thêm sẽ mang tiếng là tiểu nhân.
TƯ TỴ THỦ TRẠI BỊ BẮT SỐNG
LÂM NGỌC ĐƯỜNG THỌ NẠN THẢM THƯƠNG
Ngay khi Bảy Viễn rời Rừng Sác xuống Đồng Tháp Mười, bí thư phân khu Duyên Hải Nguyễn Đức Huy được điện của bí thư Khu 7 Hai Trí tiến hành tảo thanh, tóm bắt bọn tay sai của Bảy Viễn tại Chi đội 9, 21 và 25. Trung đoàn 300 và các Chi đội 2, 3, 7 được lệnh yểm trợ cuộc thanh trừng này. Nguyên tắc hành động là ban thanh trừng ở chi đội nào lo tóm bắt các tay phản động trong chi đội mình.
Từ lâu Tám Tâm đã “ghi sổ lòng” những tên “ác ôn” trong Chi đội 9 và những “chính khách xôi thịt” thường lui tới Bảy Viễn như Lâm Ngọc Đường, Môrit Thiên, giáo sư Lê Văn Hanh… Khi được lệnh, Tám Tâm cho họp các đơn vị lại diễn thuyết động viên anh em tiếp tay bắt cho kỳ được, không để sót một tên nào. Mục tiêu số một của anh là tên Lâm Ngọc Đường. Tên này nhanh chân chạy trốn, nhưng vẫn còn kẹt trong Rừng Sác. Tám Tâm huy động các ghe củi, nhờ đồng bào bắt cho được tên “Tây lai to cao, râu rậm, ăn mặc sang trọng”…
Tại Chi đội 25, mục tiêu số một của Lưu Quý Thoái là chi đội trưởng Tư Tỵ, tay chân thân tín của Bảy Viễn, có nhiệm vụ chăm sóc “sơn trại”…
Lệnh thanh trừng ban ra vào 4 giờ ngày 28-5 nhưng ngày 27 Tám Tâm đã nhận được tin Tư Tỵ đưa vợ con mới sinh về Sài Gòn. Tám Tâm hỏi ý kiến Lưu Quý Thoái:
- Trạm gác ở Tắt Cây Mắm thuộc đại đội nào?
- Đại đội của tao. – Lưu Quý Thoái đáp, giọng miên Trung nằng nặng…
- Đại đội mày có dám bắt Tư Tỵ?
- Đại đội này thường liên quân với Chi đội 25 của Tư Tỵ, tao sợ anh em không dám bắt hết.
- Vậy thì mày rút đại đội của mày đi, để tao đưa đại đội của tao tới. Thằng Trần Công Đức của tao chì lắm. Ai nó cũng dám bắt hết.
Đại đội của Trần Công Đức được đưa tới Tắt Cây Mắm trong đêm ấy. Đến nửa đêm, Tư Tỵ đưa vợ về thành rồi trở về tổng hành dinh. Lính gác trên trạm hỏi: “Tảo phải không?”, trên ghe đáp: “Thanh đây”.
Trần Công Đức hoang mang: “Vậy là Tư Tỵ đã biết mật lệnh của ban thanh trừng rồi. Làm sao đây?”. Anh bấm đèn pin rà theo tam bản, thấy Tư Tỵ ngồi trên đó “Phải ghe anh Tư Tỵ không?”
Tư Tỵ chửi ầm lên:
- Đ.m thằng nào dám kêu tên tao vậy?
Trần Công Đức dịu giọng:
- Xin lỗi anh Tỵ, em đây mà. Đại đội trưởng Trần Công Đức đây. Nãy giờ em canh anh về để đưa thư. Có thư gấp,và mật.
Tư Tỵ cho ghé lại, bước lên trạm. Lá thư chỉ có tờ giấy trắng, bỏ trong phong bì đề mấy chữ “Kính gửi Tư Tỵ”. Phía trên có ghi thêm bằng mực đỏ “Mật và gấp”.
Trần Công Đức bưng đèn con cóc cho Tư Tỵ xem. Bọn bảo vệ của Tư Tỵ muốn vô trong trạm nhưng lính gác không cho, giữ lại bên ngoài. Trong khi Tư Tỵ mở phong thư, Trần Công Đức nhanh tay tước súng sáu. Tám Tâm từ trong buồng nhảy ra hô to:
- Trói thằng này lại!
Tư tỵ bị bắt gọn bất ngờ. Hắn lồng *** la hét:
- Tụi bây muốn đứt đầu hả? Tụi bây phản động hả?
Lưu Quý Thoái cũng từ trong buồng bước ra:
- Trung kiên hay phản động gì, sau này sẽ rõ.
Lúc Trần Công Đức tước súng Tư Tỵ thì lính bên ngoài cũng tước súng bọn vệ sĩ. Có tên chống cự bị đá văng xuống sông.
Sáng hôm sau Chi đội 25 nghe tin chủ tướng bị bắt toan nổi dậy, nhưng Tám Tâm đã cho mời đại diện cấp tiểu đoàn đến giải thích:
- Đây là thư của Tư Tỵ gởi cho các anh. Ông ta vẫn sống nhăn chứ có bị thủ tiêu đâu nào!
Bức thư ấy, đêm qua Tư Tỵ viết theo lệnh của Tám Tâm, nội dung như sau:
“Kính gởi ban chỉ huy Chi đội 25,
Tôi là Lâm Văn Đức, tức Tư Tỵ, xin cho ban chỉ huy biết là tôi vẫn bình yên và đang thảo luận với ban chỉ huy thanh trừng. Không ai động tới sợi lông chân của tôi được. Các anh hãy tin như thế.
Ký tên:
Lâm Văn Đức tức Tư Tỵ.
Tái bút:Ban chỉ huy Chi đội 25 phải nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh của tôi, cho tập hợp gấp toàn bộ Chi đội, đả thông cho anh em bình tĩnh. Trước khi trở về đơn vị, anh em phải gom vũ khí để ta chuyển đi nơi khác. Sẽ có người hướng dẫn các anh”.Cuộc tảo thanh ở Chi đội 25 tiến hành không tốn một phát súng. Nhờ có mưu trí của Tám Tâm và lòng dũng cảm của Trần Công Đức.
*
* *
Tại Chi đội 21, hai anh Nghiệp và Dư kéo đại đội về bắt bọ phản động. Mục tiêu là Ký Huỳnh và Tư Hoạnh. Ký Huỳnh bị bắt gọn. Tư Hoạnh đi công tác, ai cũng nghĩ Tư Hoạnh số đỏ. Bất ngờ Tư Hoạnh nhận được điện của Xứ ủy, bảo ngừng cuộc tảo thành, vội vã về Rừng Sác, đinh ninh sẽ lập được kỳ công với Bảy Viễn. Về tới Phước An, ghé trạm gác thứ nhất. Ghe Tư Hoạnh võ trang FM cộng thêm hai tiểu đội hộ vệ. Theo kế hoạch của Tám Tâm, trạm gác 1 chỉ cho Tư Hoạnh và ba vệ sĩ vô, còn bao nhiêu ở lại trạm ngoài. Tại trạm 2, ba vệ sĩ bị giữ lại, Tư Hoạnh chỉ được chập nhận đi sâu vô “mình ên”. Trạm gác thứ ba đã có Tám Tâm. Anh ra lệnh tước súng và trói Tư Hoạnh lại. Không ai thèm đọc bức điện mà Tư Hoạnh cắc ca cắc củm mang theo như lá bùa hộ mệnh.
Nhưng Tám Tâm vẫn chưa hài lòng khi Lâm Ngọc Đường vẫn còn ngoài vòng bủa lưới. Đã bảy ngày qua, họ Lâm sống lang thang trong rừng, ăn đọt chà là, uống nước sương đọng trên lá. Đến ngày thứ tám. Đường thấy hai người đi ghe củi, lật đật cởi chiếc Omega vàng, cả dây đồng hồ cũng bàng vàng trao cho họ, nhờ đưa về Sài Gòn. Sợ dân quê không hiểu giá trị của đồng hồ quý nhất thế giới ấy, Đường móc bóp đưa thêm năm chục ngàn đồng cho chắc ăn. Hắn yêu cầu khi trở ra, họ nhớ mang theo cơm nguội vì cả tuần hắn không có hột cơm… nhất là nước uống…
Hai người đi ghe củi này – vô phúc cho Lâm Ngọc Đường – lập tức về báo tin. Vậy là họ Lâm cùng chung số phận với hai chi đội trường 21 và 25.
Mục tiêu số hai của Tám Tâm là giáo sư Lê Văn Hanh, một trí thức thường lui tới Bảy Viễn. Chỉ huy phó ban tảo thanh đại đội trường Vũ Văn Hiệp bắt được Hanh nhưng thả khi Hanh trình giấy tờ của Trung tướng Nguyễn Bình. Tám Tâm lật đật cho người chạy theo bắt lại. Xem kỹ giấy giới thiệu, thấy đã quá hạn một năm rồi. Vậy là “quan tha ma bắt”, Lê Văn Hanh nằm lại vĩnh viễn trong Rừng Sác, mang theo cả bí ẩn ý đồ lôi cuốn Bảy Viễn làm trò gì đó. Vở tuồng chưa kéo màn đã sớm vãn hát.