CHÁNH KHÁCH XA-LONG NẮM BẢY VIỄN
HỒ HỮU TƯỜNG BÀY THẾ BA CHÂN VẠC
Ba ngày ba đêm, sau khi hiệp định Giơ-neo có hiệu lực, vùng Chánh Hưng vui như Tết. Tiếng súng nổ mừng hòa bình chốc chốc lại vang lên như pháo mừng xuân. Từ ngày lịch sử này binh sĩ Bình Xuyên tin rằng mình không còn bị phục kích bắn tỉa như khi nằm lô cốt giữ con đường 15 Sài Gòn-Vũng Tàu mà tướng Đờ-la-tua giao cho Bảy Viễn và Bảy Viễn khoán lại cho cậu Hai, tức thiếu tá Lê Paul. Nhóm binh sĩ trong lực lượng Công an Xung phong đội bê rê xanh của Lư Đình Nghĩa cũng kéo về tổng hành dinh được ủy thác tụng kinh siêu độ cac tử sĩ. Trong danh sách dài sọc có tên những người đứng đầu như Lâm Ngọc Đường, Môrit Thiên, Tư Tỵ, Tư Hoạnh, Ký Huỳnh, Tư Huỳnh, Lê Văn Hanh v.v…
Tư Hiểu hiện là trung đoàn phó, rất thích hát bội. Nhân dịp này hắn cho mời gánh hát bội của kép Thành Tôn qua Chánh Hưng hát ba đêm cho binh sĩ và đồng bào xem. Ba đêm ấy trở thành một kỷ niệm khó quên đối với anh em nghệ sĩ sân khấu. Các chỉ huy Bình Xuyên có một cách thưởng thức nghệ thuật không giống ai. Mỗi sĩ quan đều có một bàn riêng. Trên bàn có chai rượu mạnh. Tư Hiểu cầm chầu mỗi khi đắc ý, nhảy lên nhét tiền vào tay nhân vật mình ưa thích thay vì kẹp tiền vô kẹp quạt giấy ném lên sân khấu. Đêm diễn tuồng “Tống tử Đơn Hùng Tín”, lúc rót rượu, Tư Hiểu nhảy lên sân khấu, tay cầm chai Mạc-ten, giật ly rượu trong tay kép Thành Tôn, hét lên: “Rượu giả! Đây mới là rượu thật”. Hắn hất nước lạnh trong ly, rót Mạc-ten òng ọc đến tràn ra ngoài, bắt uống cho kỳ được. Diễn xong màn đó nghệ sĩ say mèm. Nhưng vãn tuồng chưa phải là xong đâu. Còn màn ăn nhậu và ca tài tử lai rai cho tới khuya. Rượu ngà ngà, thay vì nhịp song lang, các ông “tướng” rút súng sau bắn chỉ thiên. Báo hại người đàn cũng như kẻ hát giật mình, đàn trật nhịp, hát đâm hơi. Giữa hai bài hát, có màn ép rượu. Ai từ chối thì bị ép rất “Bình Xuyên”: Súng sáu kề mang tai bắn rầm rầm điếc con ráy. Càng bắn càng say, Tư Hiểu sai binh sĩ khiêng cả cần xé súng lục, phát cho nghệ sĩ mỗi người một cây, ra lệnh:
- Bắn đi anh em! Đêm nay cho anh em tha hồ bắn! Đạn thiếu gì! Bắn mừng hòa bình!
Tội nghiệp các cô đào hồi nào giờ không từng biết các võ khí giết người, nay bị nhét súng vào tay bảo bóp cò. Có người vừa bóp cò vừa nhắm mắt bịt tai. Tức thì cả bọn cười vang trước cử chỉ ngây ngô ấy. Thế nên khi từ giã được, mọi người đều mừng rơn. Họ không quen trò đùa với súng đạn. Càng vui hơn nữa là mỗi nghệ sĩ đều được một bao thư dày cộm. Mỗi suất hát họ được thù lao một ghim, gấp năm lần suất hát ở rạp Thành Xương.
*****
Bảy Viễn hỏi Năm Tài:
- Hiệp đinh Giơ-neo ra sao, trình bày lợi hại nghe coi?
Năm Tài trao một bản tiếng Pháp và một bản tiếng Việt cho Bảy Viễn, nhưng Bảy Viễn khoát tay:
- Cứ trình bày miệng đi!
- Hiệp định Giơ-neo gồm 47 điều quy định về ngưng bắn ở Đông Dương. Điều quan trọng nhất là quy giới tuyến quân sự chia hai nước Việt Nam ở con sông Bến Hải ngay vĩ tuyến 17. Mỗi bên có một khu phi chiến rộng năm cây số. Miền Nam tạm thời do Pháp giữ an ninh trật tự. Trong vòng hai năm, sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 56. Thời gian tập kết đổi vùng được quy định 80 cho Hà Nội, Hàm Tân, Xuyên Mộc, 100 ngày cho Hải Dương, Đồng Tháp Mười và 200 ngày cho Hải Phòng và Cà Mau…
Bảy Viễn gật gù:
- Ai thắng trong vụ này?
- Theo tôi thì hai bên tương đương. Cộng sản được miền Bắc nhưng mất miền Nam…
Bảy Viễn đưa hai ngón tay lên:
- Chỉ mất trong hai năm thôi. Chừng tổng tuyển cử thế nào họ cũng thắng. Chắc chắn là như vậy.
Tài cười lạt:
- Không chắc đâu. Hiệp nghị Giơ-neo hai năm sau sẽ có hiệp thương tổng tuyển cử, nhưng thái độ của Mỹ và Trần Văn Đỗ không ký tên vào các biên bản hiệp định cho thấy rõ là Mỹ và thủ tướng Diệm sẽ không thi hành hiệp định. Bằng cớ hiển nhiên là trong khi ta và toàn dân ăn mừng hòa bình thì Diệm ra lệnh treo cờ tang vào ngày “quốc hận”.
Bảy Viễn gật gù:
- Vậy là Mỹ sẽ nhảy vô hất Pháp ra? Mình phải tính thế nào đây?
Năm Tài giọng quả quyết:
- Thiên hạ đồn Mỹ giàu – mà Mỹ giàu thiệt – nhưng có điều thiên hạ không biết là Mỹ kỳ thị chủng tộc, khinh khi da đen và da vàng. Chơi với Pháp thích hơn. Vả lại từ trước đến nay chúng ta ăn chịu với Pháp. Bảo Đại vẫn là quốc trưởng trong khi Diệm chỉ là tên tớ phản thầy… Ghế thủ tướng của nó là ghế ba chân. Nếu muốn đảo chánh thì trung tướng Hinh dư sức tống cổ nó bất cứ lúc nào.
- Mình cũng nghĩ vậy.
Đúng lúc ấy một vệ sĩ vào trao một danh thiếp. Hai Vĩnh liếc nhanh: Trình Khánh Vàng, nguyên khu bộ phó khu 9.
- Ra mời vào!
Một người khoảng 45 tuổi, ăn mặc sang trọng, nhanh nhẹn bước vào, trịnh trọng nghiêng mình bắt tay Bảy Viễn:
- Hân hạnh được làm quen với thiếu tướng. Tôi nghe danh thiếu tướng đã lâu, từ lúc thiếu tướng còn là Khu bộ phó Khu 7 – Vàng cười – như vậy chúng mình là “đồng nghiệp” của nhau…
Bảy Viễn cười xã giao:
- Tôi cũng rất hân hạnh được làm quen với nguyên Khu bộ phó Khu 9. Nhưng xin phép hỏi… Ngài đến tìm tôi không lẽ chỉ để nhắc chuyện xưa?
Vàng hăm hở:
- Nhắc chuyện xưa chỉ là để giáo đầu tuồng thôi. Tôi đến tìm thiếu tướng cố nhiên là có việc quan trọng. Xin lỗi ông bạn đây là … - Vàng chỉ Năm Tài.
- Ngài cứ yên chí. Lại Hữu Tài là cố vấn của tôi.
Vàng chồm tới bắt tay Năm Tài:
- Tôi cũng nghe danh ông từ trong khu. Bây giờ xin đi ngay vào đề. Hiệp định Giơ-neo chia hai đất nước, miền Nam bị bỏ rơi, tiếng là trong hai năm nhưng có thể là vĩnh viễn theo kiểu nước Đức và Triều Tiên sau đệ nhị thế chiến. Điều này làm một số chiến sĩ bưng biền rất bất mãn. Tôi đại diện cho số ấy đến tìm thiếu tướng để có thái độ…
Bảy Viễn gật gù:
- Đúng!
Vàng hăng hái nói tiếp:
- Tình thế bắt buộc những người có tâm huyết phải hoạt động ngay. Tôi đã gặp một số chính khách lỗi lạc như Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Jean Baptiste Đồng v.v… Tất cả đều nhất trí phải liên kết lại hành động. Chúng ta phải gióng lên tiếng nói của đồng bào kháng chiến Nam Bộ trước nạn chia hai đất nước và nạn cưỡng đặt miền Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Tất cả bọn tôi đều trông cậy nơi thiếu tướng bởi thiếu tướng có lực lượng võ trang trong tay. Tiếng nói lẽ phải mà không được yểm trợ của lưỡi lê và súng đạn thì cũng không có sức mạnh thuyết phục…
Bảy Viễn nhìn Năm Tài gật gù:
- Đến đây thì tôi hoàn toàn đồng ý với ngài. Nhưng tôi muốn biết chương trình hành động cụ thể.
Vàng vui vẻ nói:
- Như vậy thì cuộc tiếp xúc của tôi với thiếu tướng và ông cố vấn sáng nay kể như thành công bước đầu. Còn về trình bày chương trình hành động cụ thể thì chúng tôi đã thỏa thuận là chính Hồ Hữu Tường sẽ đích thân tới đây thảo luận với thiếu tướng. Học giả kiêm nhà văn, tác giả của quyển “Gái nước Nam làm gì?” và quyển “Phi Lạc sang Tàu” chiều nay sẽ đến thuyết trình về thế ba chân vạc cho thiếu tướng và các sĩ quan tham mưu của thiếu tướng.
- Thế ba chân vạc là sao? – Bảy Viễn ngơ ngác.
- Hồ Hữu Tường đã nói sơ cho chúng tôi nghe. Thế ba chân vạc rút trong truyện Tam Quốc. Thời đó nước Tàu chia bay. Ngụy của cha con Tào Tháo, Thục của Lưu Bị và Ngô của Tôn Quyền. Cái mưu trí của Khổng Minh cũng như Châu Du hay Tư Mã Ý là liên kết nước này đánh nước kia. Tình hình của ta hiện nay cũng giống như vậy. Một bên là Mỹ-Diệm, một bên là Cộng sản (họ chỉ tập kết ra Bắc một số tượng trưng thôi mà đa số nòng cốt vẫn còn “chém vè” ở lại miền Nam để lãnh đạo nhân dân đòi thi hành hiệp định Genève) còn nhóm thứ ba là các giáo phái Cao Dài, Hòa Hảo và chủ yếu là Bình Xuyên. Theo Hồ Hữu Tường thì nhóm giáo phái của chúng ta phải học cách người xưa tức là, từng giai đoạn liên kết với bên này hay bên kia để bảo tốn thực lực và phát huy thanh thế…
Lúc Trình Khánh Vàng ra về, Bảy Viễn và Năm Tài ần cần bắt tay và nhờ Vàng chuyển đến học giả Hồ Hữu Tường lời mời mọc thân thiết.
Chiều ấy, hội trường tổng hành dinh được cấp tốc trang trí và một số sĩ quan được mời dự cuộc nói chuyện thời sự của học giả khét tiếng Hồ Hữu Tường. Đúng hai giờ chiều, một chiếc xe Pơgiô 203 đưa bộ ba Trình Khánh Vàng, Hồ Hữu Tường và Trần Văn Ân tới. Bảy Viễn và Năm Tài trực trước cửa mời khách vô hội trường. Năm Tài giới thiệu quan khách với toàn bộ tham mưu xong, Hồ Hữu Tường bước lên bục diễn giả, dáng điệu tự nhiên như một giáo sư quen nói chuyện với cả ngàn sinh viên.
- Tôi được thiếu tướng mời đến đây để nói chuyện thời sự. Tôi rất vui lòng nhận lời mời này. Nhưng xin thưa trước một điều: đừng xem tôi là một diễn giả. Hãy xem tôilà một chiến hữu. Vì số phận của chúng ta gắn liền với nhau trong những ngày nghiêm trọng sắp tới. Tôi nghe nói anh em binh sĩ Bình Xuyên nổ súng thay pháo mừng hòa bình trong mấy ngày qua. Đây là niềm vui hết sức chân chính vì trong mười năm qua không ngày nào trôi qua tại miền Nam này mà không có tiếng súng. Thằng con út của tôi lên mười và trong suốt mười năm đó, chung quanh nó thiên hạ nói toàn chuyện giết nhau. Nhưng… - Tường ngưng lại, bưng ly nước cam lên, không uống rồi đặt xuống – xin tất cả đừng có ảo vọng là hòa bình hôm nay sẽ là vĩnh viễn. Không đâu! Tôi đã thấy những đám mây đen kết tụ ở chân trời. Nền hòa bình mới vãn hồi đang bị đe dọa. Và những người bị đe dọa trước nhất chính là chúng ta đây…
Cả hội trường xôn xao. Nhiều người hỏi to: Tại sao?
Chờ mọi người yên lặng, Tường nói tiếp:
- Ai cũng biết Mỹ không ký vào hiệp định và buộc Trần Văn Đỗ cũng không ký vào đó. Và khi mực ký kết chưa khô thì họ đã có kế hoạch chống phá. Vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải sẽ là giới tuyến chia cắt hai nước Việt Nam. Miền Bắc rơi vào quỹ đạo Cộng sản Nga – Tàu, còn miền Nam thì được Mỹ biến thành pháo đài chống cộng của Thế Giới Tự Do. Mỹ sẽ không giữ nguyên các cơ cấu của Pháp. Về nhân sự chúng sẽ đưa người của chúng vào. Mỹ sẽ không chấp nhận sự tồn tại của các giáo phái. Không thể duy trì “nhiều quốc gia trong một quốc gia”. Công việc đầu tiền của thủ tướng Diệm là dẹp giáo phái. Các bộ đội giáo phái sẽ được sát nhập vào quân đội quốc gia. Nếu không tuân theo thì sẽ bị đập tan. Hiện Mỹ đã tung tiền mua một số tướng lãnh Cao Đài, Hòa Hảo… cho nên ngay bây giờ ta phải bắt tay vào hành động. Các giáo phái phải liên kết với nhau thành một khối. Tôi tin chắc Cao Đài và Hòa Hảo sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của chúng ta. Nhưng hiện nay chỗ dựa vững vang nhất của ta là quân lực của tướng Nguyễn Văn Hinh. Nếu muốn đảo chánh thì hai trăm ngàn quân của tướng Hinh sẽ dư sức bóp tiểu đoàn Nùng của Diệm. Chúng ta hãy yên chí lớn…
Tiếng vỗ tay vang lên kết thúc cuộc nói chuyện của Tường. Trình Khánh Vàng hăm hở lên bục:
- Xin quý vị vài phút: Tôi vui mừng báo một tin vui. Một người bạn – tôi xin phép dấu tên – tặng cho chúng ta một đai phát thanh để chúng ta “đấu khẩu” với đài phát thanh Sài Gòn. Tôi cũng đã thuyết phục được tay xướng ngôn viên khét tiếng Văn Thiệt bỏ đài Sài Gòn để theo mình. Chắc quý vị không lạ gì Văn Thiệt, hễ va chửi ai trên đài phát thanh thì người đó tức trào máu mà chết. Rồi đây tên Diệm cũng sẽ chết tức chết tưởi vì miệng lưỡi của Văn Thiệt.
Một tiệc trà kết thúc cuộc gặp gỡ của bộ ba mưu sĩ với bộ tham mư Bình Xuyên.
BẢY VIỄN VÔ DINH ĐỘC LẬP GẶP NGÔ ĐÌNH DIỆM
HỢP TÁC BẤT THÀNH, HỒN AI NẤY GIỮ
Tháng 12/54 Bảy Viễn được thư thủ tướng Ngô Đình Diệm mời vào dinh Độc Lập (1) thảo luận về một số vấn đề quan trọng. Bảy Viễn họp bộ tham mưu lại bàn:
- Mình có nên gặp Ngô Đình Diệm hay không?
Năm Tài lắc đầu:
- Không nên! Diệm không giở trò ma giáo, nhưng Nhu sẽ cho bộ hạ bắt thiếu tướng.
Tư Sang tiếp theo:
- Tôi nghĩ chẳng có việc gì phải bàn với chúng nó. Chủ trưởng của Diệm là diệt giáo phái. Nhưng trước khi hạ thủ, chúng trổ tài mua chuộc. Chúng cố kéo phe này đánh phe kia để cho các giáo phái đánh nhau đến xứt tai gãy gọng rồi lúc đó chúng mới dễ dàng diệt gọn.
Hồ Hữu Tường khoanh tay mỉm cười. Bảy Viễn hỏi:
- Học giả nghĩ gì mà cười vậy?
- Tôi nghĩ là hai anh em họ Lại cũng có lý phần nào. Bản chất nhà Ngô là tráo trở. Chúng lại gặp Hoa Kỳ là bọn chuyên môn đốc xúi thiên hạ đánh nhau đê làm giàu. Nhưng tại sao ta lại không đến gặp chúng nó? Đánh nhau thì phải tìm hiểu địch thủ. Địch thủ đã khở dại mời mình đến sào huyệt thì ta phải chớp lấy mà quan sát tận mắt địch tình. Rồi còn chiến tranh cân não…một lời nói đúng lúc, đúng chỗ có thể làm địch hoang mang có lợi cho ta vô cùng.
Năm Tài khoát tay:
- Không thể được! Ông Tường là học giả, ông có thể vô đinh Độc Lập nghiên cứu rồi kẹt lại trong đó cũng chẳng sao. Nhưng thiếu tướng là đầu não của Bình Xuyên, là linh hồn của Liên minh các giáo phái, không thể liều lĩnh như vậy được!
Bảy Viễn cười:
- Tôi biết hai anh em Diệm-Nhu ma giáo, chúng dám bắt tôi chứ chẳng không. Nhưng còn mấy thằng cố ván Huê Kỳ của chúng nó chớ? Tướng Ô-Đa-nhen (O’Daniel) tiếp xúc ngày một với tướng Ê-ly. Lẽ nào chúng để anh em Diệm-Nhu bắt giữ Bảy Viễn trong dinh Độc Lập? Tôi phải đi! Không đi là hèn và dại. Tại sao lại bỏ qua một cơ hội bằng vàng là vô tận tổng hành dinh của nhà Ngô?
- Nếu thiếu tướng quyết định vô dinh Độc Lập thì ta phải báo trước cho tướng Ê-ly biết – Năm Tài chụp ngay điện thoại.
- Cố nhiên! Có Ê-ly đằng sau tôi thì nhà Ngô không dám giở trò gì với tôi đâu! – Bảy Viễn nhìn hết các “tướng tá”, hỏi – Trong trường hợp thằng Diệm yêu cầu chúng ta bỏ Pháp theo chúng thì sao? Ta có nên sát nhập với quân đội quốc gia của Diệm không?
Im lặng nặng nề vài giây. Mười Lực nhìn Bảy Môn hội ý chớp nhoáng rồi nói:
- Anh Bảy muốn nhâp thì nhập. Còn tụi tôi thì ra làm dân.
Bảy Môn cũng đồ thêm:
- Quân đội của Ngô Đình Diệm do Mỹ huấn luyện, còn tụi tôi đánh giặc rừng, làm sao nhập vào chúng được?...
Bảy Viễn cười:
- Hỏi ý kiến các anh chơi vậy thôi chứ tôi biết các anh có ưa gì thằng Diệm! Còn một vấn đề nữa: Nếu Diệm yêu cầu mình án binh bất động để nó tiêu diệt Cao Đài, Hòa Hảo thì sao?
Hồ Hữu Tường lại cười:
- Hỏi tức là trả lời. Chuyện bẻ đũa từng chiếc, lẽ nào những kẻ đầu hai thứ tóc lại không biết? Thiếu tướng đùa với chúng ta đó.
Cuộc họp nhất trí để Bảy Viễn vô dinh Độc Lập phó hội với anh em nhà Ngô với mục đích tìm hiểu địch tình và cố thuyết phục Diệm hào hoãn với các giáo phái được lúc nào hay lúc nấy. Nếu sau ba tiếng đồng hồ kể từ lúc Bảy Viễn vô dinh Độc Lập mà không thấy về thì Năm Tài phải báo động với tướng Ê-ly.
*****
Những nhận định của Bảy Viễn đều không sai. Khi vô dinh Độc Lập, Bảy Viễn thấy tay chân bộ hạ nhà Ngô nhìn mình đầy vẻ hầm hừ. Lúc Diệm tiếp chuyện với Bảy Viễn, Nhu đang họp cùng bộ tham mưu ở phòng bên cạnh.
Diệm lúc nào cũng mặc đồ lớn bằng “sạc kin” (Sharskin), nước da trắng xanh càng giống hệt công tử bột, trái ngước với Bảy Viễn là một kẻ phong trần, rắn rỏi trong bộ ka-ki quân phục mang cấp tướng hai sao.
Diệm mở đầu bằng cách tranh thủ tình cảm chống cộng của Bảy Viễn:
- Tháng 5 năm 1948, tôi có nghe thiếu tướng thoát chết về tay Việt Minh. Từ đó tôi rất có cảm tình với Bình Xuyên. Vụ về hợp tác với Pháp là điều vạn bất đẵc dĩ, vì chúng ta là những người quốc gia yêu nước. Chỉ tại Cộng sản độc quyền kháng chiến nên ta phải tìm con đường riêng mà tranh đấu. Gia đình tôi là nạn nhân của Cộng sản. Anh tôi là Ngô Đình Khôi bị chúng giết mùa thu năm 1945, còn tôi thì bị quản thúc nhiều phen…
Bảy Viễn khéo léo:
- Thủ tướng bận nhiều công việc, không lẽ mời tôi tới để nhắc lại chuyện cũ? Xin thủ tướng đi ngay vào đề.
Diệm hơi khó chịu vì không thích ai cắt lời.
- Phải nhắc chuyện cũ để thấy tôi và thiếu tướng cùng chung một kẻ thù là Cộng sản. Chúng ta nên đồng tâm nhất trí chống cộng. Hiệp định Giơ-neo đã cắt một nửa đất nước cho Cộng sản. Chúng ta phải giữ gìn miền Nam, đừng cho chúng thôn tính nốt. Hiện nay Việt Minh đã bí mật chôn dấu vũ khí, bố trí cán bộ lén lút ở lại hoạt động, phá hoại công cuộc kiến thiết của chúng ta. Muốn diệt cái họa Cộng sản, phải đoàn kết các giáo phái. Chúng tôi đã thuyết phục được một số tướng lĩnh Cáo Đài, Hòa Hảo. Họ chịu đưa quân về sát nhập Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các vị tướng lãnh đó được phong trướng trong quân đội chính quy, ngoài ra còn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Tôi đề nghị thiếu tướng hợp tác với chúng tôi.
Bảy Viễn chuẩn bị trước nên đáp ngay:
- Xin cảm ơn mỹ ý của thủ tướng. Tranh đấu cho độc lập tự do từ lâu đã trở thành khẩu hiệu của lực lượng Bình Xuyên chúng tôi. Trong thời gian kháng Pháp, chúng tôi đã lập một giang sơn riêng biệt. Việt Minh không vô được và Pháp cũng không vô được. Chúng tối có cách đánh riêng, thích ứng với thiên thời, địa lợi. Nay thủ tướng đề nghị tôi sát nhập với quân đội chính quy, tôi e là bộ đội Bình Xuyên sẽ không thể tác chiến hữu hiệu như trước. Do đó việc sát nhập chỉ có hại hơn có lợi. Chi bằng thủ tướng cứ làm y như Pháp trước đây, tức là chia vùng cho các giáo phái chống Việt Minh tiếp tay với quân đội trung ương.
Diệm không phải là một nhà ngoại giao nên mất bình tĩnh trước một đối phương có lập trường khác hẳn với mình. Cuộc gặp gỡ kết thúc hết sức nhanh chóng. Không đầy ba mươi phút, Bảy Viễn rời dinh Độc Lập.
Chú thích:
(1) Sau khi cướp chính quyền 25/8/1945, dinh Norodom gọi là dinh Độc Lập.
TƯỚNG O’DANIEL KHÔNG MUA ĐƯƠC BẢY VIỄN
NGÔ ĐÌNH NHU HẠ ĐỘC THỦ CẤM ĐẠI THẾ GIỚI
Nhưng Diệm chưa chịu thua cuộc. Cuối tháng 12-1954, hắn lại nhờ tiếng Ô Đa-nhen thuyết phục Bảy Viễn lần nữa. Ô Đa-nhen tới tổng hành dinh Bảy Viễn ở Chánh Hưng sau khi gọi điện hẹn trước. Ô Đa-nhen đi thằng vào đề:
- Không thể có nhiều quốc gia trong một quốc gia, Cao Đài, Hòa Hảo ngang nhiên chiếm cứ các tỉnh ở Tiền Giang và Hậu Giang, làm trở ngại công việc thống nhất quốc gia, phá hoại quốc sách chống cộng của thủ tướng Ngô Đình Diệm. Đề nghị thiếu tướng bỏ rơi hai giáo phái này cho quân đội Cộng hòa tiễu trừ. Chỉ trong vòng một tuần là xong.
Bảy Viễn mỉm cười. Tên Ô Đa-nhen này sao giống y tướng Lơcờle (Leclerc)! Hồi mới sang Việt Nam, Lơcờle khoác lác tuyên bố chỉ trong vòng ba tháng là bình định xong miền Nam.
- Một cuộc nội chiến sẽ tiêu diệt hết những chiến sĩ chống cộng trong các giáo phái. Lợi đâu chẳng thấy chỉ thấy có hại. Các ông nên bình tĩnh tìm giải pháp hay hơn…
Ô Đa-nhen nóng nảy:
- Người Mỹ không phải là người Pháp. Pháp yếu nên mới dung dưỡng giáo phái. Còn Mỹ mạnh, Mỹ không cần giáo phái tiếp tay diệt cộng.
Bảy Viễn:
- Nếu các ông muốn thì giải giới giáo phái từ từ. Nếu làm thô bạo, các ông sẽ đẩy họ vào con đường nội chiến. Nên nhớ là cán bộ Việt Minh đang lén lút ẩn náu ở nông thôn. Rất có thể trong bước đường cùng, giáo phái sẽ bắt tay với Cộng sản.
Toan tính xé lẽ Bảy Viễn của Ô Đa-nhen thất bại cũng như ý đồ của Diệm trước đó. Ô Đa-nhen hậm hực ra về. Nhưng hắn vẫn tin tưởng có thể mua được Bảy Viễn.
Tháng giêng năm 1955, Bảy Viễn lên Đà Lạt đi săn. Ô Đa-nhen muốn gặp Bảy Viễn gấp nên đề nghị tướng Ê-ly đưa trực thăng lên Đà Lạt rước Bảy Viễn về Sài Gòn. Nhưng Bảy Viễn đã biết Ô Đa-nhen quá nhiều: Nói chuyện với hắn ta chỉ phí thời giờ thôi.
Hồ Hữu Tường trách Bảy Viễn say mê săn cọp Lâm Đồng mà bỏ qua một cơ hội thăm dò ý đồ Mỹ-Diệm. Theo Hồ Hữu Tường thì Ô Đa-nhen vội vàng muốn gặp Bảy Viễn là có lý do. Hình như chúng đã thành công trong việc mua chuộc một số tướng lĩnh giáo phái và nhân đó muốn khuếch trương chiến quả làm áp lực để Bảy Viễn ngã theo chúng. Có tin đồng Trần Minh Thế đã bị mua với giá hai triệu đô la, tính theo bạc Việt Nam thời đó là 70 triệu. Nhưng việc đại tá Thế “phản Trụ đầu Châu” không gây một tiếng vang như Mỹ-Diệm trong đợi vì Thế chỉ có hai ngàn rưới binh sĩ trong khi tướng quan trọng nhất của Cao Đài là Nguyễn Thành Phương nắm trong tay hai mươi lăm ngàn quân, đông gấp mười lực lượng đại tá Thế. Nghe tin Diệm sẽ đóng cửa Đại Thế Giới và Kim Chung để buộc Bảy Viễn ngã theo Mỹ, Bảy Viễn bí mật bay qua Pháp gặp Bảo Đại bàn kế đánh Diệm. Chỉ có cách dùng quân đội tướng Hinh đảo chính là ăn chắc. Bảo Đại đồng ý đồng thời tán thành việc b liên minh các giáo phái chống Diệm.
Lập tức Bảy Viễn bay về Sài Gòn liên lạc với hộ pháp Phạm Công Tắc và được Phạm Công Tắc hứa liên minh chống Mỹ-Diệm tới cùng. Hiện Phạm Công Tắc còn nắm được tướng Nguyễn Thành Phương và để chứng minh thái độ liên kết đó, Phạm Công Tắc ra lệnh cho tướng Phương phái một tiểu đoàn Cao Đài đến chiên đấu trong bộ đội Bình Xuyên. Tiểu đoàn nay do thiếu ta Bay chỉ huy.
Bảy Viễn liên lạc ngay với Năm Lửa và được biết chính tướng Ô Đa-nhen cũng đã tiếp xúc với Năm Lửa và đề nghị Năm Lửa không can thiệp trường hợp quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công Bình Xuyên. Bảy Viễn đập bàn hét lớn:
- Đ.m thằng đểu! Phải biết vậy mình bẻ cổ nó ngay khi nó tới đây dụ dỗ mình “án binh bất động” để chúng là thịt bộ đội giáo phái.
Năm Lửa phấn khởi khi biết Phạm Công Tắc và tướng Phương cương quyết trong liên minh. Năm Lửa cấp tốc đưa một tiểu đoàn Hòa Hảo đặt dưới sự chỉ huy của Bình Xuyên phòng khi Diệm tấn công Bảy Viễn. Tiểu đoàn này do thiếu ta Quăn chỉ huy.
Bảy Viễn liên lạc với tướng Ê-ly xin tăng cường. Tướng Ê-ly ra lệnh tướng Hinh gởi tiểu đoàn dù của thiếu ta Phước tăng cường lực lượng giáo phái. Song song với cuộc vận động chia rẽ giáo phái, Diệm thẳng tay đánh các đảng chính trị, chọn đảng lớn đánh trước. Đảng Đại Việt bị tấn công tới tấp, các đảng bộ ở thông quê bị Diệm “chụp” chớp nhoáng, đảng viên bị hốt về giam chật khám. Trong tình hình khốn đốn đó, đảng Đại Việt tìm Mặt trận Quốc gia Toàn lực do Bảy Viễn đứng đầu xin được bảo vệ về quân sự. Đồng thời để phản công về mặt chính trị, lãnh tụ Đại Việt là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn vận động đại sứ Donald Heath cấp giấy phép sang thủ đô Oa-sinh-tơn trình bày nạn độc tài diệt đảng phải của Ngô Đình Diệm.
Sau đảng Đại Việt là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đảng này cũng tìm tới Mặt trận Quốc gia Toàn lực của Bảy Viễn, khiến cho đến lúc này lực lượng giáo phái mà Bình Xuyên là nòng cốt có vẻ mạnh hơn bao giờ hết.
BÍ THƯ BẢY KHÁNH NẮM BÌNH XUYÊN
NHỜ NĂM CHẢNG TIẾP CẬN BẢY VIỄN
Trên cương vị Bí thư tỉnh ủy Bà Chợ, Bảy Khánh đặc biệt quan tâm nhiệm vụ cụ thể Xứ ủy Nam Bộ giao cho anh là nắm Bình Xuyên và các giáo phái. Mỹ Diệm sẽ không dung dưỡng giáo phái như Pháp. Pháp là kẻ yếu, phải chia bớt quyền hành để các giáo phái tiếp tay chống Việt Minh ở từng địa phương. Còn Mỹ là kẻ mạnh, sẽ không chia quyền cho ai, sẽ đập tan các giáo phái mà quan trọng nhất là Bình Xuyên, vì bộ đội Bình Xuyên trước đây đã từng theo Việt Minh chống Pháp.
Trong công tác liên lạc với Bình Xuyên, Bảy Khánh nhớ ngay đến các anh Bảy Môn vf Mười Lực là hai tay tài đánh giặc, vì lão già râu kẽm Nguyễn Đức Huy o ép sau vụ tảo thanh Rừng Sác nên phải trốn về thành. Bảy Khánh tin tưởng hai anh này là người yêu nước.
Người thứ ba mà anh nhắm là Năm Chảng, chi đội trưởng Chi đội 2. Sau tảo thanh anh về Khu học văn hóa bổ túc, kết nạp Đảng và đưa về thành công tác Bình Xuyên vào năm 1951. Bảy Viễn tin Năm Chảng, nhưng mấy tên chầu rìa như Ba Quảng nghi anh là người của Việt Minh, ngay đêm theo dõi khít rim. Về cả năm, Bảy Viễn không giao công tác nào quan trọng, Năm Chảng đã bí mật gởi thư ra Khu cho biết tình hình đang bị nghi kỵ và chưa làm được gì cho kháng chiến. Bức tâm thư đó, anh em trong Khu rất quý vì đây là tâm tư tình cảm của một đảng viên đang hoạt động đơn độc trong lòng địch. Giữa cảnh ăn chơi trác táng diễn ra hàng ngày – anh được giao trông coi an ninh trật tự tại các sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, người đảng viên vẫn giữ tâm hồn trong sạch như lúc còn đóng quân trong mấy cái tắt ở giữa rừng sâu.
*****
Công việc cấp bách nhất bây giờ là bố trí cán bộ đi, ở và vô mỡ bò đóng gói súng ống bí mật chôn dấu, phòng khi địch vi phạm hiệp định. Thấm thoát đã đến thời hạn 80 ngày chuyển quân của vùng Xuyên Mộc – Hàm Tân. Bảy Khánh không thể nào quên đêm thắp đuốc giữa rừng tiễn đưa anh em đi Xuyên Mộc để đáp tàu ra Bắc. Tất cả đều bùi ngùi xúc động. Chưa bao giờ anh thấy yêu khu rừng miền Đông đến thế. Tuy quê anh là Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nhưng trong những năm dài, anh chiến đấu trong các khu rừng miền Đông “gian lao mà anh dũng” và xem nơi đây cũng thân thương gần gũi như mảnh đất chôn nhau của mình. Ánh đuốc bập bùng giữa rừng thu trong đêm chia tay là một kỷ niệm nhớ đời. “Đi là chiến thắng, ở là vinh quang”. Vinh quang đâu chưa thấy, chỉ biết là ngày mai này, địch sẽ mở cuộc hành quân tiến chiếm vùng “độc lập” mà cả chục năm qua chúng không dám đặt chân đến. Kể từ giờ phút này, người được Đảng phân công ở lại phải đổi nếp sống. Thay vì rừng cây, phải tạo rừng người. Đồng bào yêu nước ở miền Nam sẽ là những khu rừng bảo vệ các anh.
Trang bị một giấy căn cước giả, Bảy Khánh về Sài Gòn. Bà Cờ với xóm bình dân là “khu rừng” anh tạm nương náu để hoạt động… Hàng ngày Bảy Khánh theo dõi báo chí và các đài phát thanh để nắm vững tình hình. Anh thấy rõ là Mỹ quyết tâm nhảy vào Đông Dương thay Pháp củng cố thế lực Diệm để dần dần hất cẳng Bảo Đại. Nhưng Diệm đang gặp khó khăn vì các giáo phái sớm biết liên kết lại thành một khối trong Mặt trận Quốc gia Toàn lực. Mối nguy cơ cấp bách của Diệm chính là tướng Hinh. Một cuộc đảo chánh được mọi người bàn tán công khai tại các quán cà phê…
Một hôm đi dạy học về, Bảy Khánh gặp Chín Đạo, cán bộ quân báo cấp Nam Bộ. Chín Đạo nói:
- Cha con nó sắp đánh nhau tới nơi! Tháng chín rồi, Diệm ra lệnh cho Hinh phải rời Việt Nam, giao chức tham mưu quân lực Việt Nam cho thủ tướng. Hinh “phớt ăng lê” và xúc tiến cấp tốc âm mưu đảo chính. Đúng vào lúc đó Lansdale gợi ý cho Magsaysay điện qua mời các sĩ quan cấp cao của tướng Hinh sang thăm viêng Phi-lip-pin. Vài ngày sau, một phi cơ riêng của tống thống Magsaysay tới Sài Gòn đưa phái đoàn sĩ quan Việt Nam sang Mini. Tướng Hinh bị Diệm chơi một cú đau điếng. Lúc Hinh cần đám “binh tôm tướng cá” để lật Diệm thì chúng được tổ rước đi du hí cả tuần!... Anh coi thằng trời đánh Lansdale thâm hiểm chưa?
- Anh Chín đúng là quân báo. Chuyện trong ruột gan chúng nó mà anh cũng “rành sau câu”, làm như anh là người bên trong…
Chín Đạo cười thích thú:
- Sách có chữ, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”… Bây giờ bàn tới công tác tụi mình đây. Đảng giao cho tụi mình nắm mấy cha Bình Xuyên, anh làm tới đâu rồi?
- Không được nhiều lắm. Chỉ mới đặt quan sát viên thôi. Tin đầu tiên thu nhận được là hiện nay các tay đầu cơ chính trị đổ xô nhau kiếm ghế bên cạnh Bảy Viễn. Quan trọng hơn hết là tên trốt kít Hồ Hữu Tường. Hắn tự nhận là mưu sĩ của nhóm giáo phái với thuyết ba chân vạc… Bọn chính khách xa-long lâu nay phất phơ ở thành phố tấp vô Bình Xuyên không có gì là lạ. Lạ là Trình Khánh Vàng, Khu bộ phó Khu 9 chạy theo Bảy Viễn… Anh có biết hăn được Bảy Viễn giao cho một đài phát thanh để chửi Ngô Đình Diệm tối ngày sáng đêm không?
- Có, tôi có biết. Và cũng nghe tên Văn Thiệt gằn từng tiếng thóa mạ cả dòng họ nhà Ngô. Tay này chửi tài thật. Anh em nhà Ngô mà nghe hắn chửi chắc tức trào máu…
Chín Đạo hăm hở:
- Mình phải tìm cách liên lạc với anh em Bình Xuyên ngay. Tình hình đã chín muồi. Không bắt tay ngay sẽ hỏng việc lớn. Những người của mình trong hàng ngũ Bình Xuyên, anh đã tiếp xúc được chưa? Bảy Môn, Năm Chảng, Thái Sư Tử, Tám Hoe, tay nào ngon lành?
- Mười Lực và Bảy Môn là người tốt, nhưng tôi tin tưởng Năm Chảng hơn hai hết vì Năm Chảng là đồng chí mình. Anh được kết nạp trước khi được phân công tác về thành móc nối với Bảy Viễn. Hiện ảnh đang trông coi an ninh trật tự tại Đại Thế Giới. Tôi đã cho người thăm dò. Có thể qua Năm Chảng mà mình tìm hiểu lập trường của Bảy Viễn trong lúc này…
Chín Đạo gật gù:
- Tôi và anh sẽ tìm cách tiếp xúc với Năm Chảng ngay…
PHÁP “SỌC DƯA” BỎ RƠI GIÁO PHÁI
BẢY VIỄN TÚNG CÙNG NGHĨ TỚI VIỆT MINH
Tình hình đang căng tới mức người dân ngoài phố thấy khó thở. Giá sinh hoạt tăng vọt vì nhà nào cũng mua trữ gạo mắm, than củi, phòng khi hai bên choảng nhau. Tại các quán cà phê mỗi sáng thiên hạ nghe đài phát thanh hai bên chửi nhau rồi “đánh cá” ai thắng ai bại. Hầu hết đều đoán tướng Hinh sẽ đánh trước và chiếm phần thắng. Hinh có trong tay khoảng hai trăm ngàn quân trong khi đó Diệm chỉ có một tiểu đoàn Nùng và vài ngàn lính Cao Đài của Trịnh Minh Thế vừa trở kèo theo Diệm.
Hai bên dàn quân trong sát khí đằng đằng khiến dân chúng Sài Gòn vốn sợ chiến họa thì nhau đào hầm trong nhà hoặc ngoài sân để tránh cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Ai nấy đều sống trong cơn sốt nội chiến. Thế nhưng chiến trường không phải Sài Gòn mà là thủ đô Paris. Chính phủ Pháp sợ Mỹ cúp viện trợ nên làm áp lực buộc Bảo Đại phải rút tướng Hinh qua Pháp. Hinh là sĩ quan được Pháp huấn luyện, có tinh thần kỷ luật, không cso tham vọng chính trị nên tuận lệnh Quốc trưởng, bỏ cuộc nửa chừng.
Thái độ “sọc dưa” của Pháp và Bảo Đại khiến Bình Xuyên và các giáo phái vô cùng thất vọng. Tướng Hinh và quân đội Việt Nam là đồng minh hùng hậu của giáo phái, nay mất đi thì thế ba chân vạc của Hồ Hữu Tường bị phá vỡ. Giáo phái yếu kém sẽ là mục tiêu đầu tiên của nhà Ngô. Lập tức Hồ Hữu Tường bàn riêng với Bảy Viễn:
- Tình thế này rất nguy cho chúng ta. Thiếu tướng phải cấp tốc liên lạc với Việt Minh. Thằng Diệm sẽ đánh chúng ta, chậm lắm là trong vài tháng tới đây. Chuyện này thiếu tướng phải giữ kín, tuyệt đối không cho hai anh em Tài, Sang biết. Chúng nó là Phòng Nhì…
Bảy Viễn bối rối:
- Việt Minh giết hụt tôi mấy lần rồi. Làm sao tôi dám hợp tác với họ?
Tường cười:
- Đó là một kinh nghiêm khi ta liên minh với thế lực khác chứ không riêng gì Cộng sản. Truyện Tam Quốc cho ta thấy rõ là ba nước Ngụy, Thục và Ngô tùy từng lúc mà liên minh với nhau và khi liên minh thì tìm cách “thúc cùi chỏ” nhau. Thế mới biết đời là đểu, từ xua chí nay…
Bảy Viễn thở dài:
- Có cần thiết phải bắt tay với Việt Minh không?
Tường nghiêm nghị:
- Cần lắm! Đây là vấn đề sống chết. Nhật định là Diệm sẽ diệt giáo phái để sau đó rảnh tay tiêu diệt Việt Minh mà nó gọi là Việt Cộng. Thằng này tham lắm. Nó tính “gồm thu lục quốc”…
Ngay đêm ấy, Bảy Viễn gọi Năm Chảng đến nhà riêng:
- Anh Năm, lâu nay tôi muốn giao cho anh một tiểu đoàn hay ít ra cũng một đại đội, nhưng tụi Thái Hoàng Minh, nhất là Ba Quảng quả quyết anh là người của thằng già râu kẽm đưa ra đây để phá hoại bộ đội Bình Xuyên…
Năm Chảng giật mình:
- Anh Bảy mà không tin tôi sao!
Bảy Viễn cười:
- Không tin thì anh đâu còn sống đến ngày này… Nhưng dù cho anh là người của người trong đó thì giờ đây anh có thể giúp tôi rất nhiều. Thằng Diệm sẽ tấn công Bình Xuyên. Mỹ đã kéo được đám Trịnh Minh Thế. Mỹ tung tiền ra mua chuộc các tướng lĩnh lừng chừng. Còn mình thì chỉ có ba tiểu đoàn bạn tăng cường, nhưng ngoài tiểu đoàn dù của thiếu ta Phước, tiểu đoàn Cao Đài của thiếu tá Bay và tiểu đoàn Hào Hảo của thiếu tá Quăn chưa đụng trận nào. Bởi vậy ta yếu thế thấy rõ. Phải nhờ sự yểm trợ của Việt Minh. Anh hãy giúp chúng tôi tìm cho ra một cán bộ cấp cao để chính thức bàn chuyện liên minh.
Năm Chảng nhìn Bảy Viễn không chớp. Anh không biết Bảy Viễn đóng kịch để thử anh hay nói thật. Bảy Viễn biết ý nhấn mạnh:
- Kể từ giờ phút này anh không phải phụ trách an ninh Đại Thế Giơi nữa. Anh lo việc tôi nói đó. Cố liên lạc càng sớm càng tốt.
Năm Chảng mừng rơn. Từ lâu anh mong có dịp bắt liên lạc với đồng chí cũ. Nay thời cuộc thúc đẩy Bảy Viễn nhờ anh làm công việc mà trước kia Đảng giao cho anh.
Nhưng Năm Chảng chưa liên lạc được với Chín Đạo và Bảy Khánh thì Ngô Đình Diệm đánh trước. Diệm không đánh bằng quân sự mà đánh bằng kinh tế. Theo sáng kiến của Nhu, Diệm ra lệnh đóng cửa các sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới vào đầu tháng giêng năm 55. Ai cũng biết đây là vú sữa nuôi sống Bình Xuyên và cả Bảo Đại nữa vì mỗi tháng Bảy Viễn trích tiền thu tại các sòng bạc này gửi qua Pháp cho Bảo Đại ăn chơi như các ông hoàng sống lưu vong trên đất Pháp. Đây là một đòn chí tử đánh vào bao tử Bình Xuyên. Các tướng tá Bình Xuyên căm giận đòi đánh, chỉ một mình Thái Hoàng Minh là “thủ khẩu như bình”. Hắn đã gặp linh mục Hoàng Quỳnh và đã đớp bạc của Cục Trung ương Tình báo (CIA) nên đánh chữ làm thinh. Khi Bảy Viễn hỏi, hắn vờ thận trọng đáp: “Nền chờ ý kiến tướng Ê-ly”.
Lúc bấy giờ Ê-ly đang ở thế kẹt. Pháp không có tiền để chi viện cho các giáo phái và rất đau lòng thấy tay chân bộ hạ của mình lần lần ngã theo Diệm, không phải vì mê đường lối chính trị chống cộng mà vì mê “bạc cắc”. Pháp buông Cao Đài và Hòa Hảo nhưng cố nắm Bình Xuyên. Khi sòng bạc đóng cửa, Pháp lập tức tiếp tế Bảy Viễn, không những tiền mà còn vũ khí nữa. Tuy nhiên Pháp vẫn không “bật đèn xanh” cho Bình Xuyên đánh Diệm vì biết chưa phải lúc. Thực ra thì lúc đó Pháp đang chuẩn bị đánh Diệm bằng chính trị và ngoại giao: Biết giữa Diệm và tướng Mỹ Cô-lin (Collins) có mối bất hòa sâu đậm nên tướng Ê-ly ra súc thuyết phục Collins vận động thay Diệm.