Lúc nàng bước vào phòng mạch của chàng, phỏng chừng 12 giờ 5 phút giữa đêm khuya. Thời tiết nhằm vào tháng hai ta, đêm đông giá lạnh, ngoài trời đang con mưa phùn. Ban ngày, trong phòng đợi nhỏ hẹp chen đầy những người lớn lẫn trẻ nít bị cảm cúm lây truyền, mãi đến tối, số bệnh nhân mới bắt đầu thưa dần.
Đến khi bệnh nhân chót nhất rời khỏi phòng mạch đã 11 giờ khuya. Chừng 11 giờ rưỡi, sau khi hai cô y tá trực đêm, Hoàng Nhã Bội và Chu Châu ra về rồi, vốn tánh cẩn thận, chàng đi kiểm soát một vòng rồi định đóng cửa tắt đèn lên lầu ngủ, song, chẳng hiểu tại sao chàng lại nấn ná ngồi vào chiếc ghế sofa phòng khách, nhìn ngẩn ngơ đám mưa mù xuyên qua cửa kính trong màn đêm.
Có lẽ bởi ban ngày quá ồn ào, nên về đêm người ta cảm thấy thật là yên tịnh. Chàng nhìn kỹ những hạt mưa rơi bám vào cửa kính rồi nối đuôi nhau tuột xuống đất, làm mát dịu cả tâm hồn. Thật vậy, trọn một ngày trời chỉ được có giờ phút ngắn ngủi này là thuộc về mình thôi, chàng cảm thấy ưa thích im lặng vô cùng.
Trong đêm mưa, tấm bảng đề "Bác sĩ Lý Mộ Đường, chuyên Nội khoa, Nhi khoa" vẫn hiện rõ dưới ánh đèn ngoài cửa phòng mạch.
"Cái thằng Lý y sư non choẹt, mói có 30 mà đã mở phòng mạch riêng rồi".
Đó là lời tự đắc có pha lẫn chút khoe khoang của mẹ chàng.
"Thằng Lý Y sư, nó là con mọt sách, ngoài sách vở và bệnh nhân ra, nó chẳng còn biết gì hơn cả".
Đó là giọng nói trầm ngâm pha lẫn kiêu căng của cha chàng.
"Ông Lý y sư kỳ cục, ông tập trung cả cổ điển lẫn hiện đại vào thân".
Đó là lời trêu ghẹo mà lại hâm mộ của cô y tá Chu Châu.
"Có lẽ mình hơi thích Chu Châu chăng?"
Giữa đêm khuya, chàng hay tự hỏi lòng mình như vậy. Câu trả lời là khẳng định, chẳng những là hơi hơi mà thực sự khá nhiều đấy.
Một ông bác sĩ có thầm yêu cô y tá giúp việc kể ra cũng chẳng là chuyện lạ gì, huống chi Chu Châu vốn là cô bé xinh xắn, yêu kiều dễ thương, cũng có lẽ chàng thích ở câu nói "Tập trung cả cổ điển lẫn hiện đại vào một thân" của cô ta nhiều hơn những lý do khác.
Chu Châu quả thật là một cô gái dễ cảm thông và biết cách biểu đạt tư tưởng của mình, là một cô gái có nhiều tài cán.
Trong lúc chàng ngẫm nghĩ về Chu Châu thì cái đồng hồ trên vách vừa gõ 12 tiếng. Chàng vẫn ngồi đăm chiêu như pho tượng đối diện vớí cửa kính, chẳng nghe thấy tiếng chân nhưng có nhìn thấy bóng người, rồi cánh cửa kính bị đẩy ra, làm chàng hơi giật mình, trước mắt. Là một cô gái mặc dạ phục soa trắng đang đứng giữa cửa, tay nàng chận cánh cửa lại làm cho luồng không khí lạnh lọt vào phòng.
Lễ phục của nàng thuộc loại thấp cổ, để lộ nước da nõn nà, khiến người ta có cảm giác ớn lạnh bởi tà áo dài chấm gót và đôi giày đã dậm vào nước mưa, nàng có mái tóc ngắn lổm xổm, ướt mẹp trông như đứa con trai, nhưng dưới mái tóc đó là một khuôn mặt trẻ trung, kiều diễm chứa đầy sinh khí. Gương măt trái soan đôi mắt linh hoạt vớí nụ cười ngọt sớt cho thấy nàng là một cô gái can trường, lịch thiệp, mưa đêm gió lạnh chẳng nghĩa lý gì khi nụ cười của nàng ấm cúng như mùa xuân, cặp mắt của nàng long lanh như thu thủy.
Lý Mộ Đường sững sờ, không thể tin nổi cảnh tượng đang hiện ra trước mắt mình. Ánh đèn mờ cho thấy đám mưa mù như cái mạng lưới mung lung ở sau lưng nàng, à thì ra cô gái này vừa mới bước ra từ trong mạng lưới đó, đôi tay đang nắm hai bó tơ mưa! 12 giờ khuya, một thời khắc mê hồn. Ðây là cơn ảo mộng chăng?
Chàng cho là vì đã quá mệt nhọc qua một ngày hết sức bận rộn về công việc, nên mới có ảo tưởng đó.
- Cho tôi hỏi thăm.
Cô gái thanh xuân trẻ đẹp bỗng cất giọng như tiếng chim hót, thanh thản từng chữ:
- Có phải ông là bác sĩ Lý Mộ Đường?
Nghe hỏi, chàng nhảy ra khỏi chiếc ghế, bây giờ mới có cảm giác chân thật.
- A, chính tôi đây.
Chàng trả lời hơi hấp tấp.
- Vậy thì may cho tôi quá!
Như được trút gánh nặng, nàng buông tay xuống cánh cửa được khép lại ngăn hơi nước và gió lạnh ở bên ngoài. Nàng bước thẳng vào với nụ cười hồn nhiên, đôi mắt sáng tinh tỏ vẻ vui mừng, nói tiếp:
- Thật tình tôi đang lo không gặp được bác sĩ?
- Ai bệnh?
Chàng hỏi câu thường lệ rồi chuẩn bị đi lấy rương thuốc xuất chẩn và nghĩ bụng rằng, chắc là có người say mèm, say rượu rồi đánh nhau bị thương hay là có ai bệnh tim đột phát chi chi đó, sau một cuộc dạ vũ cuồng loạn.
- Cô vui lòng đợi một chút, để tôi vào lấy rương thuốc. Đã khuya thế này, trời lại mưa. Chàng hơi phàn nàn.
- Bác sĩ khỏi đi lấy, bệnh nhân chính tôi đây.
- Hả?
Chàng ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt nàng, bây giờ chàng thấy rõ hơn, lông mày đậm, đôi môi có bôi sáp láng bóng, cặp mắt lanh, sắc diện tươi tỉnh, chứng tỏ con người đang trong tình trạng khỏe mạnh.
- Đừng để cho cái bề ngoài của tôi đánh lừa ông, nếu không được bác sĩ cấp cứu, chắc tôi chết chắc!
Nàng vẫn tươi tỉnh như là bông đùa.
- Cô nói sao?
Chàng không tài nào tin ở lòi nói vừa rồi của nàng. Nhưng, có lẽ nào sau 12 giờ khuya đang cơn mưa gió lại có cô gái khi không nổi khùng lên, chạy vào phòng mạch đùa cợt vói mình?
- Bảo sao, cô sắp chết?
- Đúng vậy.
Nàng vẫn tươi cười nói tiếp một cách đứng đắn:
- Số là hồi 7 giờ tối nay, tôi chọn mặc chiếc áo đẹp nhất này vào đi dự dạ tiệc, nhưng chẳng ngờ nam chủ nhân của bữa tiệc đã thất hứa, 8 giờ, tôi trở về căn nhà chung cư thuê trọ, cô bạn ở chung với tôi còn chưa thấy về. 9 giờ, tôi bắt đầu viết lá thư tuyệt mạng, 10 giờ, tự hớt mái tóc dài cho ngắn lại như bây giờ, 11 giờ tôi đã nuốt một hơi hàng trăm viên thuốc ngủ. Tới 12 giờ thì tôi thấy hối hận, không muốn chết sớm như vầy, nên tôi mới bước ra khỏi chung cư, thấy đèn trong phòng mạch của bác sĩ còn sáng, rồi tôi đi thẳng vào đây.
- Vậy hả?
Chàng trợn to cặp mắt nhìn kỹ vào nàng một lần nữa, rồi tiếp:
- Cô đã nói thật?
- Thật tình mà. Nhưng tôi cũng lấy làm lạ, tại sao nuốt vào hàng trăm viên thuốc ngủ mà chưa thấy buồn ngủ Có thể nào tôi đã mua nhầm thứ thuốc giả nên chẳng thấy công hiệu gì. Song, tôi không muốn đánh liều với mạng sống nên cần nhờ ông trừ khử hàng trăm viên thuốc đó ra khỏi cơ thể tôi cho chắc hơn.
Lòi nàng thanh thoát, nói nhanh như dòng suối chảy mạnh qua đống đá sỏi giữa khe sơn. Nàng lại tiếp:
- Tôi nghĩ rằng, giờ đây việc mà bác sĩ nên làm là rửa ruột hay gì đó cho tôi thay vì chỉ đứng ngó tôi.
Rồi nàng lại cười bảo:
- Theo tôi đoán, có lẽ chẳng phải là thuốc giả đâu.
Vừa dứt lời thì toàn thân nàng rũ xuống, trượt té sóng sượt trên sàn nhà. Chàng nhanh chân nhảy tới ôm nàng vào lòng, mặc dù còn chưa lấy hết lại bình tĩnh trong kinh ngạc, song trực giác của bác sĩ y khoa bảo cho chàng là mỗi lời nói của cô này đều chân thật cả nên chàng phải làm những gì cần làm.
Tiếp theo sau là một trận rối rắm về việc cấp cứu bệnh nhân. Trước tiên, ẵm cô gái vào phòng chẩn trị đặt lên giường, vạch mắt ra xem xét, rồi vỗ mạnh vào má nàng nhưng chẳng thấy phản ứng gì cả, nàng nghẹo đầu trên gối ngủ say như chết.
Chàng để ý đến mái tóc sợi ngắn sợi dài của nàng, đoán chắc mới hớt thật, thôi thì cho rửa ruột ngay, chẳng còn thắc mắc gì nữa. Rửa ruột là một thủ tục khá nhọc nhằn, lại chẳng có cô y tá nào bên cạnh phụ cho một tay thực là rắc rối.
Chàng nhét ống dẫn vào họng bệnh nhân, đâm sâu xuống tận bụng ruột, người con gái bị kích thích mạnh chợt tỉnh lại, nàng mở mắt ra rên rỉ và cọ quậy, nhưng hai cánh tay bị nắm chận lại trong khi thuốc tẩy đang tràn vào bao tử, ruột của nàng. Nàng nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu.
- Nằm yên! Nếu cô muốn sống thì hãy cộng tác với tôi, không được động đậy.
Nàng ú ớ trong họng định nói gì nhưng bị ống dẫn chận miệng, chỉ còn cách mở to mắt ra đăm đăm nhìn chàng như cầu xin tha, mồ hôi hột đổ ra trên trán.
Chàng biết lắm, khi cái ống dẫn đâm sâu vào bụng tức nhiên sẽ làm cho bệnh nhân đau dớn, nhưng dù có thương hại cũng đành chịu thôi, ai biểu cô ta đi đùa với tử thần!
Kịp khi rút ống dẫn ra thì cô gái trở mình thật mạnh. Chàng vội đỡ lấy, suýt tí nữa là lăn xuống giường. Nàng lách đầu ra ngoài há miệng chảy dãi, chàng vội đi lấy cái chậu nhôm, nhưng đã muộn, cô gái đã ói ra đầy sàn. Chàng tự trách mình sao không chuẩn bị trước khi bơm thuốc vào bụng bệnh nhân, mặc dù mới mở phòng mạch được có một năm, những việc đó đã được thấy nhiều rồi trong thời gian thực tập tại bệnh viện. Tại sao hôm nay mình lại vụng về đến thế.
Chàng đặt cái chậu ngay đầu giường cho cô gái tiếp tục mửa đến lộn cả ruột gan. Mửa xong, nàng nằm thẳng người lại, vừa rên vừa nói:
- Nước, cho tôi xin chút nước!
Chàng đưa ly nước cho nàng xúc miệng xong, hỏi:
- Cô còn cảm thấy buồn nôn không? Nếu có thì cứ việc ói ra cho hết.
Nàng nhướng mắt nhìn chàng lắc đầu. Bác sĩ bắt đầu sửa soạn chích nước biển cho bệnh nhân. Cô gái nhìn thấy chai nước biển to tướng và mũi kim chích có vẻ sợ sệt.
- Tôi...tôi nghĩ rằng...
Nàng vừa thở vừa nói một cách khó nhọc vì đã thấm mệt bởi cơn nôn mửa vừa rồi. Nàng cố tiếp:
- Có lẽ không... không cần phải chích.
- Giờ cô có nghĩ gì cũng vô bổ.
Giọng nói của chàng bắt đầu hơi bực bội, tự nhiên chàng thấy khó chịu với tấn kịch vừa rồi. Cô gái trẻ đẹp này lại chơi đùa với mạng sống của mình, chỉ vì người bạn trai lỡ hẹn thế thôi, nếu dược tính bắt đầu kiến hiệu trước nửa tiếng đồng hồ thì biết đâu chừng cô ta đã mê man trong buồng riêng mà chẳng ai biết. Thậm chí ở công lộ, bị xe hơi cán xẹp lép rồi, cũng may cho cô ta, may thật, đã vào được phòng mạch chàng kịp lúc.
- Hãy nằm yên cho tôi nhờ, chớ có cựa quậy! Nước biển này là để tẩy sạch chất độc trong cơ thể cô. Ê, ê... đừng có ngủ!
Chàng vỗ mạnh vào má cô gái, nàng mở mắt trở lại:
- Tôi. tôi mệt quá đã 24 tiếng đồng hồ chưa hề ngủ tí nào.
- Tại sao vậy?
Chàng chỉ hỏi bâng quơ trong khi lo thắt sợi dây cao su vào cánh tay nàng, lần thấy tĩnh mạch rồi đâm mũi kim nước biển vào.
- Tại... cũng tại ảnh hết.
Nàng nói trong hơi thở.
- Thế là sao?
Chàng chưa kịp hiểu ý nàng, chỉ lo dán miếng băng keo định vị mũi kim lại. Khi ống nước biển đã nhỏ đều đặn rồi, chàng mới thấy nhẹ nhõm người. Giọng nói của chàng dịu lại:
- Được rồi, bây giờ để tôi nghe nhịp tim của cô.
Chàng cầm ống nghe đặt vào buồng ngực cô gái một cách tự nhiên. Da ngực nàng bất thần bị chất kim khí lạnh ngắt chạm vào, khiến nàng rút cổ lại, nhưng nàng lại cười, cười mũm mĩm như đứa con nít.
- Ô, buốt quá trời!
Nhịp tim cô gái đập đều, có quy luật vừa mức. Chứng tỏ là con người trẻ trung khỏe mạnh, chàng càng thấy vững bụng hơn. Ngoảnh lại, trong phòng chẩn bệnh thật là dơ dáy bề bộn, chịu không nổi, chàng liền đứng dậy đi thu dọn nào là máy rửa ruột, chậu ói, ống chích, bình alcool, bông gòn... rồi đi vào trong lấy chổi, giẻ ra lau dọn sàn nhà, cho đến khi rửa tay, khử trùng xong chàng mới trở lại ngồi bên người con gái. Thấy nãy giờ nàng vẫn nằm im, chàng ngỡ là nàng đã ngủ say, không ngờ cô gái đang mở mắt thao láo, lẳng lặng nhìn chàng, rồi bảo:
- Xin lỗi.
Nàng nói thật nhỏ nhẹ:
- Tôi đã làm phiền bác sĩ.
Đồng hồ trên vách gõ lên hai tiếng, vừa đúng hai giờ sáng. Lúc này chàng mới có đủ thì giờ nhìn kỹ lại cô gái đang nằm trên giường bệnh, những son phấn trên môi trên má đều bị áo gối cọ lem luốc, để lộ ra bộ mặt thật quyến rũ, diễm lệ, yêu kiều. Toàn là những nét đẹp trời cho, nhất là cặp mắt to, đôi môi mỏng với hàm răng trắng được sắp xếp thật điều, khi nở nụ cười thật dễ thương.
Thật vậy, từ khi bước chân vào phòng mạch, cô gái uống thuốc ngủ toan tự tử này lúc nào cũng tươi cười, chỉ trừ khi đang rửa ruột.
- Được rồi.
Chàng khẽ ho một tiếng. Tại sao lại ho, ngứa cổ chăng? Không chỉ vì bị cô gái này chọc cho bù đầu, rối óc đó thôi. Chàng kéo ghế lại gần, ngồi cạnh cô bệnh nhân có ý kiểm điểm lại mọi việc đã làm.
Khổ quá, trong phòng mạch nhỏ này chẳng có chỗ nào cho bệnh nhân nằm điều trị. Khi nghĩ đến đây chàng mới sực nhớ lại nãy giờ mình đã quên phứt một điều quan trọng, liền quay lại bàn giấy lấy tấm phiếu ghi bệnh lịch. Khi trở lại thì cô gái vẫn nhìn chàng mỉm cười.
- Cho biết họ và tên cô.
Đúng điệu bác sĩ hỏi bệnh nhân.
- Tôi?
Cô gái hơi ngỡ ngàng, không trả lời vào câu hỏi.
- Cô đã từng tới phòng mạch tôi lần nào chưa?
- Chưa.
- Vậy thì cho biết tên họ của cô là gì?
Chàng nhắc lại câu hỏi.
- Từ Thế Sở.
Nàng trả lời thật nhỏ, như nói lén, sợ người ta nghe thấy.
Chàng nghe không rõ lắm, bèn hỏi lại:
- Họ Từ phải không? Từ gì?
- Từ là Từ Châu. Thế là Thế giới. Sở là Sở bá vương đó mà.
- A, là Từ Thế Sở.
Chàng ghi ba chữ Từ Thế Sở vào phiếu, nghĩ rằng tên cô gái này sao giống tên con trai quá.
- Bao nhiêu tuổi?
- Tuổi hả mà tuổi thì....
Cô gái chỉ cười mà chẳng trả lời ngay số tuổi.
- Vâng, tuổi, cho biết số tuổi thật của cô.
Chàng thừa biết cô gái nào cũng khéo giữ kín số tuổi thật của mình.
- Hăm... bảy.
Cặp mắt nàng đảo qua đảo lại, rồi tiếp:
- Không, có lẽ 28 là đúng hơn.
Không thể tin nổi, chàng nhìn thẳng vào mặt cô gái có ý đoán tuổi của nàng, nàng vẫn tươi cười như tỏ ý thành thật, nhưng ngay trong khoé mắt, dưới chân mày vẫn lộ cho thấy nỗi u sầu văng vẳng.
Trong khi đang ngờ vực thì chàng sực nhớ lại câu nói của nàng khi mới đặt chân vào phòng mạch rằng:
"Đừng để cho cái bề ngoài của tôi đánh lừa ông".
Nhưng mà nàng quả thật là người con gái trẻ măng, có ai tin nổi đã 28 tuổi đời. Tuy nhiên, con gái thời nay đích thực không ai có thể đoán nổi số tuổi thật của họ mà chỉ dựa vào bề ngoài. Thôi cứ tạm ghi như vậy đã đi, rồi chàng hỏi tiếp:
- Cho biết nguyên quán.
- Hồ Nam.
Cô ta là người tỉnh Hồ Nam, thảo nào đòi yêu sống yêu chết. "Sương nữ đa tình" mà!
- Còn chỗ ở?
- Chỗ ở...
Cô gái lại do dự, chớp nhanh đôi mắt, há miệng ngáp dài rồi nói thật nhỏ tiếng:
- Tôi mệt quá, tôi muốn ngủ.
- Chỗ ở, cô phải khai rõ cho tôi!
Chàng bực mình bởi thái độ trù trừ của nàng.
- Chỗ ở à!!!!
Cô gái hơi cau mày trước giọng gắt gỏng của chàng và làm như cố gắng nhớ lại địa chỉ.
- Là Nam Kinh đông lộ. A, mà không, không phải, là Trung Hiếu đông lộ....
- Ê, ê, chớ có bịa tầm bậy nữa!
- Thật mà.
Cô gái lại ngáp dài, rồi tiếp:
- Tại người ta mới dọn nhà chớ bộ.
- Được, Trung Hiếu đông lộ chặng 5, hẻm 1049, số 771.
Chàng ghi nhanh vào phiếu rồi hỏi tiếp:
- Số điện thoại?
- Điện thoại.
Cô gái nhắm mắt lại, nói trong họng như là van xin:
- Mệt quá đi, làm ơn cho tôi ngủ một chút được không?
- Hãy ghi số điện thoại trước đi đã.
Cô gái xoay mặt hẳn vào trong, nói nhỏ nhẹ:
- Xin bác sĩ đừng ghi số điện thoại.
- Tại sao?
- Nếu.....
Cô gái nhắm khít mắt rồi tiếp:
- Nếu để ảnh biết tôi uống thuốc tự tử là ảnh sẽ chạy tới đây giết tôi luôn cho mà coi.
A, thì ra cô này đang ăn ở với một người đàn ông! Nhưng...Tự nhiên chàng lại cảm giác kỳ cục, không bằng lòng với sự suy đoán đó. Không phải đâu, chẳng là hồi mới vào đây cô ta đã bảo là ở chung với một người bạn gái cơ mà.
Thật tội nghiệp, nhan sắc, thân hình đều xinh đẹp như vầy mà nói dối như đã trải bảy nổi ba chìm trên đường đời rồi!
Trong khi đang nghĩ ngợi thì đồng hồ gõ vang ba tiếng, chàng giật mình ngó lại cô gái, không, đó là người đàn bà đang ngủ say. Chàng nhìn vào phiếu bệnh lịch khẽ lắc đầu, rồi khom xuống lắc mạnh cánh tay nàng:
- Ê, tỉnh lại đi Từ tiểu thơ, cô phải cho tôi biết số điện thoại đặng thông báo cho người nhà đến rước cô về chứ.
Nhìn vào phiếu bệnh lịch một lần nữa, rồi chàng lón tiếng gọi:
- Ê, Từ Thế Sở! Từ Thế Sở!
Đột nhiên, cô gái giật bắn người lên, hốt hoảng nhìn quanh hỏi:
- Đâu, ảnh đâu?
- Cái gì?
Chàng ngạc nhiên hỏi:
- Có ai đâu? Ở đây chỉ có tôi với cô thôi.
- Nhưng mà. nhưng mà.
Cô gái định bật ngồi dậy, bị chàng giữ lại làm cho lọ nước biển lắc mạnh, suýt rơi xuống đất. Nàng cố gắng nhướng to mắt ra nhìn quanh bảo:
- Nhưng tôi đã nghe thấy như có ai gọi tên ảnh!
- Chớ cử động, hãy bình tĩnh lại, cô nghe thấy gì?
- Từ Thế Sở!
Cô gái vẫn trong trạng thái kinh hoàng, thất sắc, với giọng run run:
- Thế Sở, anh đã đến rồi hả. Anh đâu? Đừng... đừng giận em... anh Thế Sở, anh Thế Sở.
Giờ đây Lý Mộ Đường đã vỡ lẽ, chàng nhìn vào phiếu bệnh lịch chẳng hiểu nên khóc hay nên cười.
- Thì ra Từ Thế Sở không phải là tên của cô.
Khi nghe thấy ba chữ Từ Thế Sở, cô gái lại giật mình đảo mắt nhìn quanh lần nữa rồi lắc đầu thở dài như đã thất vọng và cũng như đã được giải thoát.
- Không có ảnh ở đây, tôi ngủ thôi.
- Khoan ngủ, khoan ngủ đã! Từ nãy giờ tôi ghi Từ Thế Sở, 28 tuổi, ở Trung Hiếu đông lộ thì ra toàn là những gì của bạn trai cô có phải không?
- Vâng, vâng.
Cô gái trả lời ngắn gọn, rồi quay đi nhắm mắt ngủ.
- Vậy cô là ai?
- Tôi hả, tôi buồn ngủ.
Cô gái nói trong họng chẳng ai nghe rõ. Công sức tàn dư của thuốc ngủ đang thúc nàng phải ngủ, nàng đã thiu thiu thiếp đi, chàng cố gọi nữa cũng vô ích. Thật là một chuyệt hết sức hoang đường.
Lý Mộ Ðường hết xem phiếu lịch lại ngó ra ngoài cửa sổ. Ngoài trời vẫn còn mưa mù, chàng trở đầu vào nhìn người đàn bà, không, đó là người con gái đang ngủ, có đánh chết đi chàng cũng không thể tin rằng cô ta đã 28 tuổi, già lắm cũng chỉ 20 là cùng. Bây giờ cô ta đã ngủ say như vậy thì làm sao đây? Cần phải có người canh chừng cho nước biển tiếp tục nhỏ đều, chứ vạn nhất chai nước biển đã chảy hết mà chẳng hay, để cho không khí lọt vào mạch máu của bệnh nhân thì nguy.
Chàng khẽ thở dài rồi đi lấy tấm chăn len đắp lên cho nàng, lúc đó mới thấy đôi giày cao gót của nàng đã thấm nhẹp nước mưa, chàng cởi giày ra, kéo chăn đắp kỹ đôi chân lại cho nàng. Bị quần suốt cả đêm đã mệt quá, bây giờ bác sĩ Lý Mộ Ðường mới có dịp ngồi xuống nghỉ.
Chàng vươn vai một cái, chàng tự nhủ:
"Đành phải làm viên hộ lý đặc biệt cho cô gái đến sáng thôi, chớ còn trông cậy vào ai bây giờ, nhưng mình vẫn chưa biết tên họ của cô ta là gì.
- Đồ khỉ!
Chàng mắng khẽ một tiếng, chỉ đủ cho mình nghe.
Đúng 6 giờ sáng, Lý Mộ Ðường chợt tỉnh giấc, chàng giật mình, không ngờ đã thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tuy nhiên, chỉ trong giây lát là đã tỉnh hẳn lại, chàng nhảy vội sang phía cô gái, thấy nàng vẫn nằm ngủ say nhưng chai nước biển đã gần cạn.
"Thật quá sơ ý!".
Chàng tự trách mình không đủ tư cách làm hộ lý đặc biệt cho bệnh nhân. lập tức đi thay chai nước biển mới cho cô gái, nàng bị tiếng động đánh thức giấc trở lại, vươn mình cọ quậy làm cho tấm chăn len tuột xuống, lộ ra đôi vai trắng nõn.
- Ự.
Nàng ú ớ trong họng, mở mắt nhìn quanh có vẻ bất an. Chàng hiểu ngay là lúc này nàng cần gì.
- Toilet ở đằng này đây.
Chàng chỉ vào phía sau phòng rồi tiếp:
- Để tôi đỡ lấy cái bình chích cho, cô tự đi vào đó.
Cô gái liếc nhìn chàng như tỏ ý cám ơn rồi thủng thẳng ngồi dậy, trong khoảnh khắc nàng cảm thấy chóng mặt, chàng đưa tay ra đỡ.
Nàng tỉnh lại cúi xuống tìm giầy, chàng chạy vội đi lấy đôi dép ra cho nàng mang vào rồi nâng chai nước biển dìu nàng đi. Đi được nửa chừng nàng bỗng khựng lại, nhìn chàng với đôi má ửng hồng, có vẻ ngại ngùng hỏi:
- Ông... không có y tá giúp việc?
- Xin lỗi, đây là phòng mạch nhỏ, theo lệ chúng tôi không giữ bệnh nhân cách đêm, gặp ai bệnh nặng là chuyển ngay vào nhà thương lớn, cho nên y tá của tôi đều về hết lúc 11 giờ đêm. Chuyện đêm nay là lần đầu tiên ngoại lệ, xin cô thông cảm cho.
- Tôi nào dám phiền gì bác sĩ.
Cô gái lại cười, vẻ cười gượng gạo pha chút mắc cở. Rồi nàng nói thẳng:
- Ông cứ để tôi tự một mình mang bình chích vô đó được không?
- Một mình cô làm được hả?
Chàng hơi do dự nhưng rồi tiếp:
- Thôi cũng được, nhưng cô phải hết sức cẩn thận, đừng để cho mũi kim tuột ra nghe.
- Vâng, tôi hiểu.
Nàng lại cười ngượng, dùng tay mặt tiếp chai nước biển, lấy tay trái có mang mũi kim chích nâng tà áo lên. Khổ nỗi thứ mà cô đang mặc là chiếc váy soa trắng dài lê thê y như lễ phục cô dâu mới! Rồi cứ thế nàng kéo theo nào là kim chích, ống dẫn, chai nước biển... loạng choạng lê từng bước đi vào toilet một cách khó nhọc khiến chàng hết sức lo ngại. Kịp khi nàng đã lọt hẳn vào bên trong rồi, chàng khẽ ghé tai sát cửa để ý nghe tiếng lạch xoạch, được một hồi dường như đã xong việc ấy, tiếp theo có tiếng vòi nước chảy. Trời đất, cô nàng còn bày đặt rửa tay nữa chứ!
Thiệt tình chàng không thể tưởng tượng nổi làm sao mà nàng vừa cầm chai nước vừa rửa tay cho được? Trong lúc chàng chưa nghĩ ra thì "loong coong, bốp beng!" là tiếng chai thủy tinh vỡ tung! Lập tức chàng tông cửa xô vào.
Cô gái đứng ngơ ngác trước tấm gương như đứa trẻ đã phạm lỗi. Chắc là chai nước biển đã chạm vào cạnh chậu rửa mặt, mảnh vụng đã tung toé tùm lum.
- Tôi.... tôi...
Nàng vừa ngượng ngịu vừa lính quuýnh. Chàng vội vàng rút nhanh mũi kim trên cánh tay nàng ra, rồi cầm chai nước biển đã bể lẫn ống dẫn ném vào sọt rác. Nàng tỉnh táo lại bảo:
- Tôi... tôi chỉ định rửa mặt một tí thôi, ai dè.
Nàng nhìn vào gương rồi hốt hoảng la lên:
- Trời ơi! Tôi làm sao như thế này đây? Bộ tóc của tôi. Chết thật! Ông xem tôi đã làm chuyện gì rồi, tôi đi cắt bộ tóc cụt ngũn đi, xấu như con quỷ cái.
Rồi nàng lật đật dùng đôi tay bưng nước lên vỗ vào mặt, tẩy hết những tàn dư của phấn son.
- Tôi trông như là bà chằng phải hông?
- Ừ, như bà chằng, mà là bà chằng đẹp nhất đời, lê chiếc váy soa trắng đến nằm vạ người ta trong đêm mưa phùn. Thật ác quá mà!
Chàng nghĩ bụng:
"Đàn bà, mi là cái thứ động vật gì đây? Vài giờ trước coi cả mạng sống chẳng ra gì, thế mà mới có mấy tiếng sau lại hết sức đắn đo với sắc đẹp của mình, thật là khó hiểu quá đi!"
- Ê, cô nương!
Giọng nói chàng hơi cáu kỉnh:
- Cô làm ơn bước ra bên ngoài được không? Để tôi còn thu dọn trong này chứ. Nếu lỡ bị mảnh chai cắt bị thương, tôi lại phải làm y sĩ ngoại khoa băng bó cho cô nữa là khốn.
- Ờ, ơ.
Đôi má cô gái lại bừng đỏ. Bây giờ bộ mặt đã được rửa sạch, trông nàng rất tươi tỉnh, có bệnh chi đâu? Nhìn đống thủy tinh vụn, nàng bảo:
- Trong này để tôi dọn cho, ông cho biết chổi và đồ xúc rác để chổ nào.
- Cô làm ơn bước ra có được không? Chỗ hẹp như vầy chứa sao cho được hai người, huống chi cô còn kéo chiếc váy dài lê thê. Cô có muốn giúp tôi thì xin vui lòng trở lại nằm yên trên giường cho tôi nhờ. Cô gái ngồi chồm hổm xuống nhặt những mảnh thủy tinh tương đối lớn, chàng liền khom lưng nắm cườm tay nàng lại, nói như ra lệnh:
- Đi ra đi! Tôi chẳng bao giờ cho phép bệnh nhân dọn phòng toilet của tôi!
Cô gái ngước cổ lên nhìn chàng rồi đứng dậy lặng lẽ bước ra ngoài. Một mình chàng đi lấy chổi quét dọn. Bây giờ mới thấy rõ phạm vi mảnh thủy tinh vụn rất rộng, cả trên chậu, trên khung cửa sổ, trên sàn và lẫn trong bồn tắm cũng có nữa, chàng loay hoay quét mãi cũng không làm sao sạch hết được. Nhìn ra cửa, trời đã hừng đông rồi, nếu làm không xong thì nhưng đứa trẻ đến khám bệnh có thể bị ngoại thương, nguy hiểm lắm. Trong khi chàng đang cố sức lượm nhặt từng mảnh thủy tinh nhỏ, bỗng nghe có tiếng gọi của cô gái:
- Ông ra ngoài đi, để đó cho tôi.
Chàng nhìn vào cô gái rất ngạc nhiên, cô ta cởi bỏ cái "lễ phục" khó ưa đó, thay vào người chiếc váy trắng có lẽ tự tìm thấy trong tủ áo, trông thật đúng điệu một cô y tá trẻ đẹp. Tự nhiên chàng lại ngoan ngoãn nghe theo lời nàng bước ra khỏi toilet, nàng tiến vào dùng cục xà bông cọ sát thật kỹ vào tất cả mọi nơi, nhũng mảnh vụn đều ghim hết vào cục xà bông đó. Chàng đứng im nhìn cô gái làm việc mới vỡ lẽ, thì ra phương pháp giản tiện như vầy mà mình lại không nghĩ ra. Nàng ngẩng mặt lên nhìn chàng khẽ bảo:
- Gia đình em ở Cao Hùng, năm 15 tuổi lên Đài Bắc học Cao trung (Trung học Đệ nhị cấp), ký túc trong trường nên việc gì cũng phải tập làm lấy.
- Chính tôi cũng vậy, nhà ở Đài Trung, năm 18 tuổi lên Đài Bắc học Y Khoa, cũng ở trong ký túc xá sinh viên cho tới khi ra trường.
Cô gái nhìn lại chàng với ánh mắt dịu hiền, nói rất ôn tồn:
- Đi từ túc xá sinh viên đến phòng mạch bác sĩ chắc anh phải trả một giá rất đắt, trong lúc người ta đang tận hưởng niềm vui của tuổi trẻ thì anh phải vùi đầu vào phòng giải phẫu với những cái xác lạnh, trải biết bao năm tháng nhọc nhằn.
Lòi lẽ tri âm của nàng làm chàng cảm thấy êm đềm lại bùi ngùi, chua xót. Chưa hề, từ trước tới nay, nào có ai nói với chàng những lời thông cảm êm ái đó. Thật vậy, trong những năm tháng bàng hoàng, phải vật lộn với học trình quá phức tạp, gặp nhiều khó khăn, rối óc bù đầu trong phòng giải phẫu với tử thi, truân gian nghiên cứu với vi trùng, bao gian lao khó khổ đó có ai biết đến cho. Ba chữ "bỏ đi thôi " đã bao phen xuất hiện trong tâm não của chàng, nhưng chàng vẫn kiên nhẫn đến cùng.
- Làm y sĩ hẳn đòi hỏi rất nhiều nghị lực.
Cô gái nói tiếp:
- Thật tình em không hiểu một vị bác sĩ y khoa đã ra đời bằng cách nào. Con bệnh thường là kẻ khó tính nhất trên đời, họ xanh xao yếu đuối, nhăn mặt, nhó mày, rên xiết, kêu khổ la nhọc, thậm chí có lắm bệnh nhân còn mất cả lòng tự ái nữa, thiệt mà!
Nàng ngưng tay lại, ném cục xà bông cào sọt rác, đi rửa tay rồi tiếp:
- Khi con người ta không còn tự ái thì thật là đáng thương cho họ.
Nàng xoay lưng lại nhìn vào chàng với ánh mắt chân thành, cảm thông và đứng đắn. Trong khoảng khắc đó nàng không còn là cô gái trẻ mà tỏ ra chín chắn nhiều, thông minh và hiểu đời. Ðường rất lấy làm ngạc nhiên, đây là người đàn bà. Không đó là cô gái đi vào phòng mạch mình, rồi ngã vào vòng tay mình trong đêm qua, sao cô ta lại hiểu biết nhiều đến thế?
- Cô. thật sự là bao nhiêu tuổi?
Đột nhiên chàng nêu lại câu thắc mắc đó.
- 24, đã đậu bằng cử nhân hồi năm kia.
- Hai mươi bốn?
Chàng nhìn thẳng vào mặt nàng tỏ vẻ nghĩ ngợi:
- Sao?
Nàng đưa tay lên vuốt má mình, lại hỏi:
- Bộ tôi đã già lắm rồi sao?
- Chẳng già lắm đâu.
Chàng trầm ngâm tiếp:
- Khoảng chừng 32 thôi.
- Hả?
Như bị một cú đau, nàng nhẩy lên:
- Tôi đã già đến thế thật à?
- Với trí tuệ và kiến thức là 32, với hành động ấu trĩ là 13, còn về khuôn mặt và thân hình thì vừa đúng 19 tuổi.
Nghe nói nàng nghẹo cổ, bỗng cười khúc khích:
- Anh thiệt là một ông bác sĩ lắm khôi hài.
Nàng vui cười, gương mặt đã nhanh chóng phục hồi nét tươi sáng, hoạt bát của cô gái trẻ trung. Nàng nói tiếp:
- Tưởng chúng ta cũng nên dời nơi tán dóc chứ, đứng nói chuyện với một người con trai trong toilet coi sao được, dù em là đứa con gái ưa lãng mạn đi nữa.
- Ờ, cô nên trở về phòng chẩn trị để còn tiếp tục chích nước biển.
Chàng dẫn đầu đi trước, nàng nối gót theo sau. Chàng lấy chai nước biển mới và sửa soạn đồ chích.
- Ồ không, không đâu.
Nàng vội từ chối:
- Em tự biết sức khoẻ mình, giờ đã khoẻ như trâu. mớ thuốc ngủ đã bị anh tẩy sạch hết, em bình phục rồi, chẳng cần phải chích thuốc nữa.
- Cô cần, cô cần lắm!
Chàng trả lời dứt khoát:
- Ít ra cô cần phải chích thêm hai chai nữa mới bảo đảm được trong cơ thế cô không còn chất độc. Tôi nghĩ rằng cô cũng chẳng muốn để lại chứng "hậu di".
- Chứng "hậu di"?
- Đúng thế.
Chàng nói một cách khẳng định, rồi đẩy chiếc ghế đến trước mặt nàng nói dỗ ngọt:
- Nếu cô không muốn nằm nữa thì cứ việc ngồi đây chích cũng được.
Vừa dứt lời chàng ấn đôi vai nàng bắt ngồi xuống ghế và lấy bông gòn, ống chích ra.
- Em nghĩ...
Cô gái vẫn dùng dằng:
- Em chẳng còn chóng mặt hoa mắt chi cả, khỏe lắm rồi mà.
Mặc kệ nàng nói gì thì nói, chàng đã ghim mũi kim lại, đẩy cái dàn treo nước biển đến gần, nhìn rõ giọt nước biển đã được nhỏ đều rồi, mới đưa nhẹ cánh tay nàng đặt trên tựa ghế.
- Bây giờ cô có thể thử dỗ giấc ngủ.
Chàng chưa dứt lời đồng hồ đã gõ 7 tiếng. Cô gái lại nhảy nẩy lên, hoảng hốt hỏi:
- Mấy giờ vậy?
-Thì 7 giờ sáng.
Chàng thở dài một tiếng, bước lại vách tường tắt đèn. Trời đã sáng hẳn rồi, suôt đêm qua như đánh giặc chẳng bằng.
- Chết tôi rồi! Chết tôi rồi!
Cô gái la lên làm chàng giật mình:
- Cái gì? Có có làm sao không?
Chàng vội hỏi, chẳng hiểu lẽ gì, xem kỷ thì mũi kim chích chưa tuột ra.
- Chết rồi, bức thư tuyệt mạng của em đã bị bỏ quên trên bàn viết.
Nàng dùng bàn tay còn được cử động vỗ lia lịa vào trán:
- Tuyệt đối không thể để cho anh Thế Sở thấy bức thư đó được... Chết rồi, trời đất ơi!
Nàng đập vào trán càng lúc càng mạnh, khiến cho chàng hết sức lo ngại, vội hỏi:
- Có cách nào dấu đi không? Chẳng là cô còn có cô bạn gái ở chung cơ mà.
- Đúng!
Nàng sực nhớ lại, la to:
- Điện thoại! Cho em mượn điện thoại!
Chàng chạy vội lại bàn, xách cái máy điện thoại qua bảo:
- Nói số đi, để tôi quay giùm cho.
Chàng quay số xong, nghe thấy tiếng chuông reo bên kia đầu dây, liền trao ống nghe cho nàng.
- Chị Tử, em đây.
Bỗng nàng kinh hoàng, mặt tái mét nói chẳng nên lời. Đoán chừng là bị đối tượng to tiếng gì đó, nàng đưa ống nghe ra cách tai thật xa, mãi đến nửa phút sau mới đặt trở lại. Nàng âu sầu, chậm rãi nói:
- Em ở trong phòng mạch bác sĩ Ðường, ngay đối diện.
Nàng gác máy điện thoại lại, nhìn chàng bảo:
- Hỏng cả rồi!
- Thế nào?
- Ảnh biết hết rồi!
- Ảnh?
- Thì anh Thế Sở đó!
Nàng thiểu não, lo âu, ngẩng cổ lên tựa lưng vào ghế nhắm mắt lại nói trong hơi thở:
- Ngay đêm qua, chị Tử đã phát hiện bức thư tuyệt mạng của em, lại chẳng thấy em đâu, chị ấy quýnh lên gọi điện thoại báo cho anh Thế Sở. Được tin, ảnh chạy tới nhà em nổi khùng lên, rồi ảnh sẽ đến đây cho mà coi. Chết thật, hỏng cả rồi!
Nhận thấy thần sắc nàng hết sức bất an, chàng khẽ bảo:
- Tôi bảo đảm chưa phải ngày tàn của cô đến đâu.
- Nhưng mà là ngày tàn của anh.
Bỗng nhiên nước mắt nàng trào ra như suối. lần đầu tiên thấy nàng khóc, kể từ khi bước chân vào phòng mạch. Chẳng những đã rơi lệ nàng còn run rẩy nữa.
Chàng ai ủi:
- Đừng lo, cô đã khỏi rồi phải không? Cô đã tốt lành rồi, cô còn lo gì nữa.
- Không, em chẳng tốt lành tí nào cả.
Nàng lắc đầu lia lịa.
- Cô nói sao? Cô thấy chóng mặt không?
- Em buồn nôn.
- Cơn rửa ruột đã qua rồi, cô sẽ không nôn nữa đau, chẳng qua là vì dây thần kinh bị căng thẳng đó thôi. Cô hãy bình tĩnh lại đi, trên đời chẳng có việc gì đáng phải khiếp sợ cả.
Chàng nói chưa hết lời, đã phải khựng lại vì thình lình một tiếng "Đùng", cửa phòng mạch đã mở tung, có một gã đàn ông xông vào như cơn lốc, theo sau là cô con gái vừa chạy vừa la:
- Thế Sở, đợi tôi với, đợi tôi với.
Ðường chạy vội sang bên phòng đợi, lớn tiếng hỏi:
- Ai đó, đừng la lối om sòm!
Gã đàn ông vừa thắng lại kịp lúc, tí nữa là đâm vào người Lý Mộ Đường.
Chàng định thần nhìn, cha chả!! là một chàng trai thật khôi ngô tuấn tú, mũi cao mày đậm, có cái miệng trông hấp dẫn, xem chừng là một tài tử điện ảnh, hèn chi cô nàng kia đòi yêu sống yêu chết là phải.
- Băng Nhi đâu?
Với giọng nói hậm hực cấp bách, chàng trai đó, không, hắn có họ có tên hẳn hòi mà, là họ Từ, tên Thế Sở. Thế Sở hỏi tiếp:
- Băng Nhi đâu?
À, thì ra tên nàng là Băng Nhi, một cái tên khá quái lạ Lý Mộ Đường chưa kịp trả lời, Thế Sở đã đưa tay đẩy mạnh chàng qua một bên, xông thẳng vào phòng chẩn trị như vào chốn không người.
- Băng Nhi!
Thế Sở thét to lên một tiếng, rồi nhảy vồ vào như con thú dữ, nắm áo trước ngực nàng đưa hẳn người lên như là diều hâu tóm phải con gà con. Mặt anh chàng đỏ bừng, rồi lại thét to:
- Băng Nhi, cô đáng chết lắm, sao cô không chết phứt đi cho rồi? Thế này là cô có ý giết tôi. Cô khốn nạn lắm! Cô khùng rồi! Cô....
Thế Sở vừa la vừa ném mạnh Băng Nhi xuống ghế làm cho cả dàn treo lẫn chai nước biển ngã lăn xuống đất. "Bốp...beng", mảnh thủy tinh lại văng tùm lum. Ðường chạy tới la lớn:
- Ngưng tay! Ngưng tay, đây là nhà thương!
Song Thế Sở chẳng thèm để ý tới ai cả, anh ta giựt ống chích của Băng Nhi vứt đi rồi nắm cằm nàng buộc phải ngước mặt lên. "Bốp!", không ai ngờ Thế Sở lại tát một bạt tai thật mạnh vào má Băng Nhi làm nàng suýt té ngang.
- Cái anh này làm sao thể? Có chuyện gì thì nói tử tế chứ.
Ðường quýnh người lên định can ngăn Thế Sở ra nhưng lại bị anh ta gạt qua một bên, coi như trong phòng mạch chẳng có ông bác sĩ nầy. Anh ta tóm chặt đầu tóc ngắn của Băng Nhi, mắng:
- Cô cắt bỏ mái tóc đẹp đi, tội cô đã đáng chết lại còn uống thuốc nữa, cô độc ác quá mà! Cô có muốn chết thì cứ chết đi, rồi chúng tôi cùng chết luôn thể! Cô chẳng bao giờ để cho tôi sống yên đâu.
Thế Sở như là một người điên, chạy vòng quanh như đi kiếm cái gì, bỗng anh ta lấy cái kéo cắt băng trên bàn bác sĩ nhét vào tay Băng Nhi, thét lên:
- Đây rồi, giết tôi đi! Hãy đâm thẳng vào trái tim tôi! Đàng nào cô cũng đã làm cho trái tim tôi đẫm máu rồi! Cứ đâm đi, đâm thẳng vào ngực tôi đi!
Mặt Băng Nhi tái mét, cái kéo rơi xuống đất, nàng gượng đưa hai bàn tay run run ra bưng lấy mặt Thế Sở, nói trong nghẹn ngào:
- Hãy tha thứ cho em, anh Thế Sở. Từ nay trở đi em chẳng bao giờ dám làm vậy nữa, van anh tha thứ cho em, em chẳng dám làm vậy nữa đâu.
Thế Sở như đã bớt cơn cuồng loạn, anh ta quỳ xuống vùi đầu vào lòng Băng Nhi, hai tay nắm chặt vạt áo nàng, nức nở:
- Em bắt anh phải làm thế nào hở Nhi? Tại sao em lại nhẫn tâm đọa đầy anh như thế nầy? Tại sao, tại sao vậy?
Nhi lấy hết sức lực mình nâng mặt Thế Sở lên trong tiếng khóc, anh ta thụ động ngẩng mặt lên nhìn nàng một cách say đắm. Rồi cái anh Thế Sở điên khùng, chẳng hiểu hắn là thằng người hay đấng thần thánh nào đó lại thoát ra một lời yêu tha thiết:
- Nhi, em đã gầy đi.
- "Tầm bậy! chỉ có một đêm ngắn ngủi mà làm cho người ta gầy đi a? Huống chi đã cho chích nước biển liên tục?" Ðường nghĩ buồn cười.
- Thế Sở!
Nhi khóc sụt sùi, giờ lại cười nắc nẻ:
- Anh đã hết giận em rồi ư? Anh đã sẵn sàng tha thứ cho em?
- Chẳng bao giờ tha được hành động này của em.
- Nhưng em đã hứa.
Nhi nói thật ngọt ngào:
- Em chả dám nữa mà.
Thế Sở nhìn vào mặt Nhi, Nhi cũng nhìn vào mặt Thế Sở, rồi bất thần cả hai ôm chặt lấy nhau. Ðường đứng nhìn ngơ ngác, thật y như cặp đào kép đang diễn kịch! Chợt thấy đống thủy tinh vụn, chàng liền xoay đi định vào trong lấy chổi ra quét dọn, nhưng vừa mới xoay lưng là chạm vào một cô gái lạ mặt, eo ong, đùi dài trong chiếc sơ mi trắng và quần Âu ống túm, hiện rõ thân hình mỹ miều, gương mặt tươi, nước da trắng, đuôi mắt hơi nhếch, mũi hơi hểnh, cười thật duyên.
- Xin lỗi bác sĩ, tôi là Uông Tử Quân, ai cũng gọi tôi là A Tử. Ông có xem truyện kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ" của Kim Dung chưa? Trong truyện đó có cô gái tên là A Tử, xấu tánh lắm, nhưng tôi không phải là A Tử trong truyện "Thiên Long Bát Bộ" đau, tôi tự nhận là A Tử tốt, tôi rất tốt, vậy bác sĩ cứ gọi tôi là A Tử cũng như ai đi.
Cô nàng nói đã một hồi rồi nhìn Nhi và Thế Sở, tiếp:
-Bác sĩ chớ lo ngại gì hai đứa nó, trường hợp nảy lửa có tiếng cười tiếng khóc, có yêu có hận như vầy đã xẩy ra như cơm bữa. Con người ta vốn có phần khác nhau, có người sống một cách bình thản, có kẻ lại đòi sống sao cho oanh liệt, cho ra hồn. Hai đứa nó không chịu sống trong bình thản nên một chuyện bình thường khi tới tay hai đứa nó là trở thành oanh liệt. Phải chăng đây cũng là một lối sống ra hồn của con người theo bác sĩ nghĩ?
Ðường nghe cô ta nói sững người đi. Cô A Tử này, Nhi với lại Thế Sở nọ, họ là cái hạng người nào vậy. Chàng đã sống đến 30 tuổi đời mà lần đầu tiên mới được gặp những nhân vật quá "xuất sắc" như vầy, hầu như mỗi một người trong đám họ đều có một lẽ sống chẳng giống ai. Chàng há họng tắt lưỡi, ngơ ngác một hồi mới thoát ra được câu:
- Để tôi đi lấy chổi.
- À, công chuyện đó để tôi lo.
A Tử tươi cười bảo:
- Chỉ có chổi chưa được đâu, còn phải dùng đến cục xà bông. Việc này tôi rành lắm, ông khỏi phải chỉ chỗ, để tôi tự đi tìm được rồi.
Ðường chỉ đứng sững, chẳng biết phải nói gì thêm nữa. Cả đêm qua đã làm đảo lộn hết qui luật sống của chàng! Bỗng nghe đồng hồ gõ 8 tiếng, chàng giật mình. Sao đã 8 giờ rồi a? Hai cô y tá trực phiên ngày là Ngụy Lan và Điền Tố Mẫn sẽ đến phòng mạch làm việc. Y tá, khi nhắc đến y tá chàng lại nhớ Chu Châu, một cô gái bình thường và sống bình thản... Bất giác chàng ngả người vào sofa, ngồi đăm chiêu nhìn đám mua phùn đang còn tiếp diễn ngoài cửa sổ.
"Có lẽ tự cái đêm "biến cố " đó mình bắt đầu nhàm chán công việc chăng?"
Ðường thường tự nghĩ như vậy. Hằng ngày 8 giờ sáng là phải trực diện với bệnh nhân, nghe tiếng ho, lời kể khổ, đo mạch máu, chích thuốc, kê toa mãi cho đến 11 giờ khuya mới xong. Đời sống như thế như chiếc bánh xe lăn đi, mỗi cái lằn mức trên bánh xe đó đều cố định, rồi cứ thế lăn đi lăn lại đều là vết cũ cả, thấy chán làm sao!
Chung qui là hai chữ "lập lại". Phải rồi, đời sống là lập lại những gì của hôm qua và bó buộc mình phải chấp nhận, đương đầu.
Nghe Chu Châu hỏi rằng: "Dường như bác sĩ có điều tâm sự?" Thiệt vậy sao?
Chàng ngẫm nhìn Chu Châu, một cô gái có gương mặt nhỏ, tròn, đôi mày hơi thưa, tóc ngắn ngang tai trong bộ sắc phục y tá lúc nào cũng sách sẽ và gọn gàng. Đó là màu trắng, đúng, sắc phục y tá là màu trắng bạch, cứ trắng bạch mãi, thật là đơn điệu.
- Tôi mà có điều tâm sự. Không đâu, cô lầm rồi.
Chàng cãi lại.
- Vậy là chán việc chăng?
Chu Châu vừa sắp xếp lại xấp phiếu bệnh lịch vừa hỏi:
- Cuối tuần này bác sĩ có tính về Đài Trung không?
Theo thường lệ, nhân dịp cuối tuần và ngày chủ nhật nghỉ việc là chàng hay lái xe về Đài Trung thăm cha mẹ cùng các em. Cha chàng là công chức Tòa Hành Chánh tỉnh Đài Trung, em gái Mộ Huê gả cho Phương Côn, giáo sư Trung Học Đài Trung và em trai Mộ Nghiêu Trung. Ngoài chàng ra, cả nhà đều thuộc thành phần công chức và giáo chức, mỗi lần về thăm quê đều nghe họ lập đi lập lại toàn là chuyện cũ, điều mà bà mẹ quan tâm nhất là sao mà chàng còn chưa tính chuyện thành lập gia đình. Cũng là chuyện củ lập lại nữa.
- Ồ, tuần này tôi chưa nhất định.
Chưa nhất định? Sao lại chưa nhất định? Tại vì chàng không muốn nghe chuyện cổ nữa. Vậy thì ngày nghỉ, Ở Đài Bắc sẽ làm chi đây? Chàng ngẩng mặt nhìn lên lầu, nơi ở của mình. Chàng thuê cả tầng dưới và lầu hai của chung cư này, tầng dưới mở phòng mạch, tầng trên để ở. Những gì dồi dào nhất trong căn nhà anh chàng độc thân này là sách vở cùng với bóng hình cô đơn.
- Em có đề nghị hay.
Chu Châu lại hạ giọng khẽ bảo:
- Về chơi Trúc Nam với em đi.
- Trúc Nam?
Chàng ngẫm nghĩ rồi tiếp:
- Nhà cô ở Trúc Nam?
- Đúng thế, chẳng là bác sĩ đã biết lâu rồi?
- Ơ, tôi nhớ lại rồi.
- Không, không phải nhớ lại mà là bác sĩ chưa hề để ý tới.
Chàng trợn mắt, Chu Châu cũng nhướng mắt nhìn lại. Con gái đời nay đều thẳng thừng, trực tiếp như thế đó chăng?
- Gia đình em là một nhà nông ở Trúc Nam, chẳng có gì đáng xem đâu. Tuy nhiên, quanh đó là cảnh đồng quê, đồng thời nhà em có cái ao cá lớn, dưới ao nhiều cá lắm, có con to đến hàng chục cân lận. Ngồi câu cá cũng là một điều khá lý thú.
Chàng nhìn đám mưa mù ngoài cửa sổ bảo:
- Giữa thời tiết như vầy mà đi dầm mưa câu cá mà bảo là lý thú ư? Có trời mới can nổi khỏi bị cảm phong hàn.
Chu Châu trợn mắt kênh lại chàng:
- Làm y sĩ lâu ngày rồi con người trở thành máy móc à! đâu có ai dại gì mà ngồi ngoài mưa giữa mùa đông lạnh câu cá bao giờ. Đài khí tượng dự báo thời tiết rằng thứ bảy này trời sẽ tạnh, là thời buổi thích hợp cho người ta đi du ngoạn nơi sơn dã đấy.
- Ừm.
Chàng ngẫm nghĩ về ánh nắng, ao cá trong cảnh hương thôn, đi dạo chơi thả câu nghe khá hấp dẫn đấy, ít ra cũng không lập lại chuyện cũ như về Đài Trung.
- Hay lắm, tôi sẽ xét lại đề nghị này.
Chàng tỏ ra có chiều hướng thuận.
- Nếu bác sĩ có tính đi thì để em sửa soạn trước.
Chu Châu phấn khởi.
- Chuẩn bị gì?
- Thì là nón lá, cần câu, chẳng hạn.
Châu bước lại gần, nhìn kỹ vào người Ðường bảo:
- Thôi, thôi đi, coi như em chưa hề đề nghị gì hết.
- Làm sao rồi?
Chàng không ngờ Chu Châu thay đổi ý kiến nhanh thế.
- Rõ ràng là ông có cái "lớp màu sắc bảo vệ" như con bướm "Mộc Điệp". Khi nào cái màu sắc bảo vệ đó của ông xuất hiện là thấy chán ghê. Thôi đi ông bác sĩ ơi, cái ao cá nhà em nó đã tồn tại trên mấy chục năm nay rồi, ông có thể đến đó bất cứ lúc nào cũng được, chớ có căng thẳng dây thần kinh bởi lời nói của em, đừng tưởng người ta...
Tự nhiên nàng bật cười, hai "đồng tiền" nhỏ lại hiện trên má, tỏ ra liến thoắng, ngây thơ, rồi nàng hạ thấp giọng xuống:
- Ðeo đuổi ông.
- Ai bảo là không.
Hoàng Nhã Bội đang ở bên cạnh xía vào:
- Cái ao cá nhà cô đã tồn tại trên mấy chục năm, sao chẳng thấy mời tôi lần nào? Bây giờ tôi đề nghị mời luôn cả bé Lan và bé Mẫn luôn thể, dù không câu cá thì cũng vừa đủ một cỗ.
- Hay, hay lắm!
Chu Châu nở nụ cười khoan khoái, hai "đồng tiền" lại hiện lên trên má nàng:
- Hễ nói đi là đi, Lý y sĩ, ông cầm đầu, chúng ta tổ chức một đoàn du ngoạn, gọi là "Đoàn du ngoạn bác sĩ Lý Mộ Đường". Để em nhắn má dọn sẵn nhà kho cho tụi mình nằm trên đống rơm chơi.
- Nghe có vẻ hấp dẫn đó.
Hoàng Nhã Bội lấy làm thích thú.
- Chu Châu, bộ mày mời tụi này thiệt hả?
- Dĩ nhiên là thiệt chớ bộ.
- Còn ông bác sĩ thì sao?
Bội hỏi lại Lý Mộ Đường.
- Nếu các cô đi cả thì tôi xin phép được tháp tùng.
- Được rồi, để em gọi điện thoại ngay cho hai đứa nó.
Bội nhìn Ðường nhắc lại lần nữa cho chắc ăn:
- Thiệt à nghe, khi ai nấy đều hứa đi vui vẻ mà tới lúc ông lại thất hứa là cụt hứng lắm đó.
- Ông đâu có muốn đi thật.
Chu Châu tủm tỉm cười:
- Ổng bị tụi mình dồn vào chỗ chẳng đặng đừng đó thôi!
- Há Há!
Chu Châu làm cho Ðường cũng cười theo. Chàng để ý nhìn nàng, quả là cô gái thông minh, lanh tính. Ờ thì cứ đi câu cá, đó cũng là một chương trình cuối tuần khá hay. Khi nghĩ như vậy trước mắt chàng đã hiện ra bức tranh sơn thủy đồng quê với ánh nắng vàng. Vừa lúc bức tranh đồng quê tuyệt đẹp hiện ra thì cánh cửa phòng thấy động, lại có bệnh nhân đến nữa chăng? Ðường nhìn đồng hồ đã 11 giờ 10 phút rồi, giá như chẳng vì bàn tán chuyện đi Trúc Nam câu cá thì Châu cùng Bội đã ra về tự nãy giờ. Bệnh nhân nào mà đến đêm khuya như thế này chắc là rắc rối lắm. Trong khi Ðường ngồi trong phòng chẩn bóp trán nhíu mày thì nghe tiếng nói Châu từ bên ngoài phòng khách dội sang:
- À cô họ Phàn, Phàn là Phàn Luê Huê?... Cô đã từng khám bệnh ở đây chưa?
Chu Châu vừa hỏi vừa dò xem xấp chiếu bệnh lịch.
-Tên cô là Như Băng, Phàn Như Băng? Cô nói sao? Không phải tới khám bệnh? Đến gặp bác sĩ có chuyện riêng hả a à...
Đang lúc Ðường thẳng lưng để ý lắng nghe thì Chu Châu đẩy cửa phòng gọi vào:
- Thưa bác sĩ, ngoài này có khách, có cô họ Phàn muốn gặp ông.
Cô họ Phàn nào kìa? Ðường ngạc nhiên đứng dậy bước thong thả vào phòng khách, khi giáp mặt, cặp mắt chàng bỗng sáng hẳn lên, thì ra là cô gái đã từng cầm bó "tơ mưa" đến với chàng giữa đêm khuya hôm nào, đang đứng chờ trong phòng khách. Đêm nay nàng không mặc dạ phục màu trắng nữa mà trong bộ âu phục xanh, tươi dịu dưới ánh đèn như mầu cẩm thạch, nhưng đầu tóc cũng ướt đẫm bởi nước mưa như đêm nọ, chứng tỏ là cô nàng không ưa mang dù, lần này nàng xem bảnh bao, bay bướm, chắc là không có uống thuốc ngủ.
- Hi!
Ðường chẳng biết xưng hô người khách đó thế nào mới phải. Nàng mỉm cười:
- Chắc bác sĩ chưa quên tôi. Nhi đây.
- Nhi!
Ðường lập lại hai chữ Nhi, làm sao mà quên được cái tên quái dị đó. Chàng ngắm nhìn nàng tự trên xuống dưới, khẽ gật đầu:
- Cô xem ra rất khoẻ mạnh.
- Tôi phải nói lời cảm ơn bác sĩ.
Nàng cười càng tươi, mắt sáng lên bảo:
- Những còn mắc phải chứng "hậu di".
- Hả?
Ðường nhớ lại cảnh tượng đêm đó đâm ra lo ngại.
- Hôm đó tôi đã bảo mà, cô phải chích thêm hai chai nước biển nữa mới chắc được. Bây giờ cô thấy sao? Thường chóng mặt hay là....
- Không, không.
Nhi cười rằng:
- Chứng Hậu Di của em chẳng liên quan gì với nước biển cả, nghe em kể: chứng hậu di thứ nhất là mỗi lần đi ngang qua trước cửa phòng mạch, em cứ có ý định vào thăm anh để cùng tâm sự đôi lời; chứng thứ hai là xuyên qua cửa sổ phòng ngủ của em nhìn thấy ngay tấm bảng treo ngoài cửa có ba chữ "Lý Mộ Ðường", em cảm thấy thân thiết làm sao, bởi Ðường đã cùng em kịch chiến với tử thần....
Nàng ngập ngừng giây lát rồi tiếp:
- Có lẽ anh còn chưa biết là em ở trên lầu ba trong cao ốc Bạch Vân đối diện phòng mạch anh.
- Tôi đoán chừng cô ở đối diện, nhưng chưa rõ là tầng lầu nào thật.
- Lầu ba.
Nàng nhắc lại:
- Xin anh nhớ kỹ là số 4/3, lầu 3, ngay đối diện phòng mạch anh. Chứng hậu di thứ ba là...
- Ồ!!
Chàng không nhịn được cười:
- Còn có chứng thứ ba nữa?
- Vâng, em có nhiều chứng hậu di lắm.
- Cứ nói nghe nào.
Chàng hiếu kỳ..
- Chứng hậu di thứ ba là sao em có cảm giác là lạ, vừa thẹn lòng, vừa mắc cở, lại vừa thấy lúng túng làm sao đó không tài nào tả xiết. Còn chứng hậu di thứ tư thì, chẳng rõ là do ông tổ nào của Trung Quốc ta đã bày đặt khiến lương tâm em cứ bất an...
- Ông tổ Trung Quốc ta?
- Vâng, chẳng nhớ rõ là ông tổ sư nào đã từng bảo: "Thi ân chẳng cần nhớ, nhưng thọ ân thì chớ có quên". Cho nên em cứ thấy mắc anh một món nợ to.
- Ồ, cô quá lời rồi
Chàng mỉm cười :
- Cô chớ nên nghĩ đã mắc nợ tôi cái gì hết.
- Nên hay chăng là một chuyện khác, nhưng sự thật hoàn qui sự thật.
Nàng đưa tay vuốt mái tóc theo thói quen, lắc nhẹ đầu rồi nụ cười vừa rồi biến mất đi.
- Tóc em cụt ngũn thế này, trông thật xí lắm phải không anh?
- Thú thật là...
Chàng trả lời tình ngay:
- Tôi chưa hề thấy qua bộ tóc dài của cô, những theo tôi bộ tóc bây giờ của cô rất đẹp, bộ tóc ngắn gọn còn làm nổi bật nét trẻ trung, hoạt bát của cô.
Nàng nở nụ cười trở lại:
- Anh quả là một ông bác sĩ khôi hài. Thôi chẳng bàn tới tóc tai chi nữa, đêm nay em đến cốt mách với anh rõ những chứng hậu di đó, và nhờ anh tiếp tục chữa trị cho.
- Ủa?
Chàng lại bất ngờ.
- Mà phải chữa làm sao đây?
- Em đã bàn qua với Thế Sở và A Tử rồi, định tối thứ bảy này mời anh đến ăn "tả pín lù" với tụi em cho vui. Thế Sở bảo rằng, chẳng gì sung sướng cho bằng giữa đêm đông được dăm ba bạn tri kỷ ngồi quanh hỏa lò ăn món nhúng, tán dóc với nhau. Thế nào, anh chịu chứ? Tụi em biết, chiều thứ bảy và ngày chủ nhật phòng mạch anh nghỉ mà, vậy đúng 7 giò chiều mời anh tới.
- Thứ bẩy hả?
Chàng cố ý hỏi lại cho hai cô y tá nghe thấy. Chu Châu ở phòng bên cạnh tằng hắng, một cái, Bội cũng ngứa cổ ho theo.
- Vâng, thứ bẩy, bởi ngày thường em và A Tử đều đi làm cả. Thế Sở cũng chỉ rảnh được cuối tuần và chủ nhật mới ở không. Chúng ta cứ quyết định như vậy đi, là thứ bẩy 7 giờ chiều. Chừng đó nếu anh quên thì em sẽ đến nhắc. Thôi chẳng dám làm phiền thì giờ của anh, bye bye.
Nhi quơ tay một cái, xoay người đẩy cửa bước ra, thả cho luồng không khí lạnh lọt vào, rồi nàng khuất dạng trong màn lưới tơ giữa đêm mưa. Mộ Ðường đứng sững sờ mãi cho đến khi Chu Châu xách quai vắt cái ví da lên vai, đi ngang qua cố ý để cho cái ví lòng thòng đằng sau lưng quơ vào người chàng. Khi Ðường sực tỉnh lại thì Chu Châu ngó chàng cười mủm mỉm rằng:
- Xin chào tạm biệt "Đoàn Du ngoạn bác sĩ Ðường"!
Rồi nàng cũng đẩy cánh cửa ra, khuất dạng trong sương mù. Tiếp theo Hoàng Nhã Bội, khi đi ngang qua trước mặt chàng, nhún vai bảo:
- Không sao đâu, cái ao cá Chu Châu đã tồn tại trên mấy chục năm nay rồi, bác sĩ muốn đến lúc nào cũng tiện thôi, còn bệnh nhân mà mắc phải "chứng hậu di" là phiền lắm, phải chữa trị cho người ta ngay, kẻo phải vác chiếu ra hầu tòa bởi án mạng tình là khốn khổ.
Nói xong nàng cũng đẩy cửa ra về. Chết thật! Cả hai cô y tá đều hiểu lầm mình. Đời gặp phải đàn bà là trăm bề khó khăn! Ðường càng nghĩ càng thấy bối rồi. Qua hôm sau, cả bé Điền, bé Nguỵ đều biết chuyện, họ bảo rằng ông bác sĩ gặp số đào hoa. Vốn dĩ trong phòng mạch nầy, giữa bác sĩ với bốn cô y tá thân cận như người nhà, họ chẳng câu nệ ngôi thứ, lớn nhỏ chi cả. Còn riêng cô Nhi thì có lẽ đã mắc phải "chứng hậu di" của bác sĩ Ðường thật rồi. Vẫn theo thói quen, chàng ngồi nhìn đám mưa mù ngoài cửa sổ suy tư một cách khá lâu, cuối cùng mới vỡ lẽ ra, kẻ đã mắc phải "chứng hậu di" chẳng ai khác, mà là chính bản thân ông bác sĩ trẻ đấy.
Đài khí tượng báo thời tiết đã sai, ngày thứ bẩy trời vẫn còn mưa. Mới 6 giờ rưỡi là Nhi dã đến.
- Em e anh quên cuộc hẹn chiều nay, đến đón anh đấy.
Hôm nay Nhi mặc bộ thời trang màu phấn hồng, ngoài khoác chiếc áo da chồn trắng và trang điểm rất hợp thời, trông thật quí phái. Ðường lặng lẽ nhìn nàng, rồi tự nhiên nở nụ cười trên môi:
- Về điểm nầy anh rất giống em, em cũng thường hay tự nhiên bật cười một mình.
Ðường nghĩ thầm rằng không chừng "chứng hậu di" mà chàng đã bị truyền nhiễm bởi Nhi, ngay từ đêm nàng đến thăm. Ðường theo Nhi đến cao ốc Bạch Vân lên lầu ba. Vừa bước vào phòng khách là chàng gặp ngay sự bất ngờ. Từ trước tới nay, chưa bao giờ thấy qua lối trang trí của ai quá táo bạo như vậy, cả gian phòng toàn màu phấn hồng, vách phấn hồng, thảm phấn hồng, bàn, sofa phấn hồng, cả rèm cửa sổ với bản thân Nhi đều là phấn hồng ráo. Chàng ngước cổ lên nhìn trần nhà, duy nhất chỉ còn sót lại nơi đây là màu trắng thôi.
- Mời anh ngồi.
A Tử ra đón chào Ðường, kéo tay chàng đẩy lại chỗ sofa bắt ngồi xuống. Trời đất! Cả đến A Tử lại cũng là phấn hồng nốt, những hơi khác với Nhi một chút, nàng mặc áo sơ mi trắng với váy và áo vét phấn hồng. Chàng đưa tay lên dụi mắt bởi thứ màu sắc sặc sỡ làm cho người ta có cảm giác không chân thật, nên chàng tưởng mình đang đi vào chốn ảo cảnh hư vô.
- Số là.
A Tử đưa chén trà tới trước mặt Lý Mộ Ðường bảo:
- Có một hôm tụi em thuê cuốn video về xem đó là phim Nhật. Trong phim có cô gái điên, cô ta đem tất cả mọi thứ trong nhà tô điểm ra màu phấn hồng hết, kể cả chiếc xe đạp, tấm drap giường, chiếc áo lên, luôn cả con mèo của cô ta cũng bị đem xi thành màu phấn hồng. Nhi thấy vậy lấy làm thích thú. Bữa sau, em đi làm nó nghỉ phép ở nhà, khi tan sở về thì thấy nó với Thế Sở cộng tác nhau tạo ra cái cảnh tượng này. Anh đừng vội cho là những kẻ trong nhà này đều điên cả, chỉ có nó điên thôi chớ em chẳng điên đâu.
Nhi cười đắc ý hỏi chàng:
- Anh có biết tụi em làm ở đâu không?
Chàng lắc đầu, nàng tiếp:
- Tụi em đánh card hàng ngày ở một công ty điện não, mỗi ngày đánh tám tiếng đồng hồ, trên đời còn công việc nào tẻ nhạt hơn công việc này? Cũng vì công việc hàng ngày của tụi em tẻ nhạt quá nên cần phải có đời sống khích động một chút để bù trừ. Thật ra chỉ vì thiên hạ không chịu thực hiện cái mộng tưởng của mình đó thôi, họ cho làm như vậy là "điên khùng". Theo em thì, con người ta đôi khi cũng nên điên khùng một chút để tránh khỏi điên khùng thật sự.
Lắng nghe nàng lý luận thấy cũng hay hay. Ðường hít một hơi, phảng phất có mùi thịt thơm chàng ngó quanh chẳng thấy bóng dáng Thế Sở đâu cả.
- Bộ anh muốn gặp Thế Sở hả?
Nhi hỏi đón ý chàng, rồi nhìn vào đồng hồ để trên tay bảo:
- Ảnh sẽ đến đây đúng 7 giờ, còn thiếu 10 phút nữa thôi. Ảnh làm ở Công Ty Truyền Hình, soạn kịch kiêm phụ tá đạo diễn, phụ tá quay phim... hình như món nào cũng xía phần. Độ này ông Tổng giám đốc còn đòi ảnh kiêm luôn cả diễn viên nữa, nhưng em không đồng ý. Anh biết diễn viên là làm gì không?
Hỏi rồi nàng giải thích luôn:
- Diễn viên là một nghề đáng thương hại nhất trên đời, bởi lúc nào họ cũng đóng vai trò của kẻ khác mà chẳng đóng vai trò của chính mình, cho nên em cảnh cáo ảnh, nếu ảnh làm diễn viên là em sẽ chia tay với ảnh liền.
Ðường khẽ gật đầu. Sao câu chuyện nào của cô gái này nói ra đều có hàm chứa nội dung triết lý cả, đáng cho người ta suy ngẫm. A tử kéo bức màn ra, lúc đó Ðường mới thấy sau bức màn là phòng ăn nhỏ, có đặt cái bàn vuông với bốn chiếc ghế, trên vách màu trắng có treo bức tranh cảnh sơn lâm sương mù, ngoài ra không còn thứ trang trí nào khác. Phòng ăn màu trắng trang nhã đơn thuần phối trí với phòng khác màu hồng phấn vừa điều hòa vừa đúng điệu, ai bảo chủ nhân này là điên khùng chứ, phải thán phục. Ðây là một sự thiết kế kỳ diệu mới đúng.
- Đừng tưởng đây là cách trang trí có tính toán.
A Tử thấy chàng ngắm nghía chung quanh, đón ý cười bảo:
- Cái phòng ăn này là được em cứu vớt lại đó nhe. Giá như em về không kịp lúc là tụi nó đem cả nồi soong và bát đũa sơn thành màu phấn hồng hết ráo.
Nhi che miệng cười khanh khách:
- Anh có tin như vậy không? A Tử hay khoác lác nhất, em cũng có chừng mực nào chớ bộ.
Rồi nàng kéo rèm ngó ra cửa sổ bảo:
- Bầu trời mù ám này, nếu đem nó sơn ra được màu phấn hồng thì hay biết mấy...
Nàng cúi đầu nhìn đồng hồ, rồi báo giờ:
- Đã 7 giờ rồi.
Ðường lắng nghe một lúc, chẳng thấy có ai bấm chuông cả. Vừa lúc ấy thì A Tử bưng cái hỏa lò nóng hổi tự trong bếp ra. À, nãy giờ mùi thịt thơm là phát xuất tự đó. Chàng vội lại tiếp tay đem lò đồng và nồi canh đặt ở trên bàn ăn, rồi hỏi:
- Có thứ gì cần, để tôi tiếp cho?
- Có chứ.
A Tử chẳng nể khách chút nào, bảo ngay:
- Bày cho bát đũa được không? Bát đũa ở lò hấp trong bếp.
Ðường nhanh chân đi tìm lấy bát đưa đem ra sắp đủ bốn bộ lên bàn, trong khi đó A Tử lần lượt dọn ra nào những dĩa thịt thái mỏng, rau tươi, viên cá, bao tử bò, bún tàu. Lửa lò rất mạnh, nước canh trong nồi sôi sục sục, cái bụng của Ðường cũng sôi theo, vì bữa trưa này chỉ có ăn cơm hộp do Chu Châu ra chợ mua giùm, chẳng ngon lành gì cả, nên bây giờ chàng thấy đói bụng.
Nhi vẫn đứng ngay người trước cửa sổ.
- A, em quên hỏi anh có ăn được thịt dê không?
Nghe A Tử hỏi, Ðường trả lời ngay:
- Được, món nào cũng được hết.
- Vậy là tốt lắm, em cũng đã chuẩn bị sẵn cả thịt bò, thịt dê, và thịt heo, còn nồi soup này là hầm bằng xương bò, có thấy thơm không?
- Tuyệt quá rồi.
- Chờ chút xíu nữa là chúng ta bắt đầu ngay.
A Tử nhìn Nhi bảo:
- Nhi sao không qua đây tiếp một tay.
Nhưng Nhi vẫn cứ đứng yên, coi như chẳng nghe thấy.
- Thôi, tạm thời chúng ta trở lại salon đợi một lát nữa đi.
A Tử nhìn đồng hồ bảo:
- Đã 7 giờ 15 rồi, 5 phút nữa mà cái anh khùng đó còn chưa đến là khốn!
Ðường nuốt nước miếng, đành phải theo A Tử trở lại phòng khách. Chàng nâng chén trà lên hớp một ngụm, ôi chao, đã nguội mất rồi.
- 7 giờ 20... rồi 25.
Trong nhà trở nên im lặng khác thường, bầu không khí tràn đầy mùi thịt thơm nhưng lại có vẻ căng thẳng. Ðường chỉ húp nước trà nguội, chẳng biết mình nên gợi chuyện gì để nói nữa. Đến 7 giờ 30, bỗng nhiên Nhi xoay lại hỏi Ðường:
- Anh có thấy đói bụng lắm không?
- Không, không đói lắm đâu.
Chàng vội trả lời cho nàng yên tâm.
- Hẳn là anh đã đói bụng rồi.
Tiếp theo nàng nói một cách nghiêm chỉnh:
- Tới nhà em anh chớ có làm khách nghen.
- Vâng, tôi nhìn nhận là đã tới giờ dùng bữa rồi. Tuy nhiên cũng chẳng ngại gì chờ thêm 10 phút, 20 phút nữa.
- Anh không ngại nhưng em ngại, giờ chúng ta vào bàn đi thôi.
Nhi đứng dậy tỏ ý không đợi nữa. Vừa lúc đó thì tiếng chuông cửa reo lên, A Tử chạy lại mở cửa, thân hình cao lớn của Thế Sở hiện ra, hai tay giơ cao bó bông hồng, bước thẳng tới trước mặt Nhi cười bảo:
- Em biết không, anh đi tìm khắp thành phố Đài Bắc mỏi cả cẳng, bông hồng màu gì cũng có, trắng, vàng, đỏ, phấn hồng... thế mà độc chỉ thiếu có màu đào hồng. Đâu có được, anh nhất định phải kiếm cho bằng được thứ màu em thích nhất. Em có biết anh quanh quẩn trên đường phố bao lâu không? Cả một tiếng rưỡi đồng hồ lận!
Nhi híp mắt cười, đưa tay ra đỡ lấy bó hoa, ôn tồn bảo:
- Thế Sở, anh không nên chiều em quá mức như thế này, rồi sẽ làm cho em hư tính đi, chẳng còn biết trời cao đất rộng nữa.
Thế Sở vịn đôi vai Nhi nói với giọng trìu mến:
- Chiều em là lẽ sống của anh mà.
Chao ơi, sao mà mùi mẫn thế! Ðường lập lại trong bụng câu:"Chiều em là lẽ sống của anh". Nếu sau này mình có đổi nghề viết tiểu thuyết là chắc chắn phải dùng đến câu này.
Nhi lên tiếng với tư cách chủ nhân:
- Thôi mời tất cả vào bàn đi.
Nàng nắm lấy tay Thế Sở bảo:
- Coi, tay anh lạnh ngắt, để em múc bát canh nóng cho anh húp trước nhe.
- A, hưm, he.
A Tử tằng hắng:
- Nè, nhà còn có khách đấy nghe.
- Không sao.
Nhi nhìn Ðường cười rằng:
- Anh bác sĩ tự nhúng thịt xơi đi, vả lại "tả pín lù" là phải tự tay nhúng lấy, tới nhà em đâu có làm khách, phải không anh?
-Ồ, bác sĩ Lý đây rồi.
Tới bây giờ Thế Sở mới để ý tới Lý Mộ Ðường, anh ta bắt tay với chàng một cách thân mật bảo:
- Tối hôm đó, may mắn được bác sĩ cứu sống Nhi, cô ta hay có những hành động làm khiếp vía người ta như vậy đó. Tôi đã cho cô ta một bài học thật đáng giá rồi, lần sau mà còn như vậy nữa là tôi sẽ bẻ cổ cô ta luôn.
- Thôi, được rồi!
A Tử không muốn Thế Sở nói nhiều.
- Chuyện đã qua, còn nhắc lại làm gì nữa. Hãy dùng bữa đi, ai cũng đói bụng cả rồi.
Nhi đã múc xong một bát canh, rồi cúi xuống làm cái gì đó. Ðường lấy làm lạ, khi định thần nhìn kỹ lại mới thấy hết sức ngạc nhiên, thì ra nàng đang rứt từng miếng bông hồng cho vào bát canh nóng, rồi cười hả hê bưng tới trước mặt Thế Sở bảo:
- Đây là bát canh "Hoa Hoè hoa sói", trong đó có nêm gia vị "dóc tổ", anh húp đi nhân lúc còn nóng.
Thế Sở đứng dậy thụt lùi, biến cả sắc mặt, trợn mắt bảo:
- Cái gì, em tưởng anh gạt em hả?
Nhi cười tươi và lắc đầu rằng:
- Không đâu, em không "tuởng" mà là biết chắc như vậy. Thứ bông hồng này được bán thiếu gì trong tiệm ngoài đầu hẻm trăm đồng mấy bó đấy.
Thình lình Nhi đẩy mạnh một tay làm cho Thế Sở lảo đảo lùi đi mấy bước, rồi ngồi vào chiếc sofa gần đó. Nàng bước tới ngồi xổm xuống, ân cần đưa bát canh kề môi anh ta nói với lời lẽ rất dịu ngọt rằng:
- Nào, anh đã chiều em như vậy mà em không đáp lễ lại sao được? Anh húp bát canh này đi.
A Tử nhịn không nổi nửa, nhảy tới la lên:
- Nhi, Thế Sở! Hai đứa bây đừng có kiếm chuyện nữa được không? Hai đứa bây không đói, nhưng đằng này đã đói bụng rồi.
- Thì em đã bảo "tả pín lù" là mạnh ai nấy ăn, mọi người cứ tự tiện đi.
Nhi chẳng quay đầu lại mà cứ nhìn đăm đăm vào mặt Thế Sở bảo:
- Anh không muốn húp hả! Anh xem, đây là bát canh do chính tay em nêm cho anh, trong đó có thứ màu sắc mà em thích nhất.
- Nhi!
Thế Sở bắt đầu nổi nóng:
- Để anh nói cho em rõ, lý do tại sao anh đến trễ.
Giọng anh ta càng lúc càng to lên:
- Rất đơn giản, suốt con đường Trung Hiếu Đông Lệ kẹt lại cả đống xe, anh bị dồn giữa đoàn xe cả tiếng đồng hồ. Anh thừa biết, có nói ra thì em cũng chẳng tin đâu.
Nhi ngắt ngang:
- Bị kẹt xe? Đó chẳng phải là lý do chính đáng, nếu anh coi trọng bữa hẹn với em là anh đã khởi hành trước hai tiếng đồng hồ rồi.
- Cô quả là con người không nói lý chút nào.
Thế Sở càng lớn tiếng hơn.
- Đúng vậy, tại anh vẫn còn cái tật nói láo! Anh thừa biết em ghét nhất là ai nói láo với em!
Nhi cãi lại một cách bình tĩnh.
- Nhưng đó là sự thật!
Thế Sở hét lên.
- Là láo!
Nhi cũng chẳng chịu thua.
- Là thật!
- Là láo!
- Là thật!
- Là láo!
Xem chừng chẳng ai chịu thua ai. A Tử kéo tay áo Ðường bảo:
- Mặc kệ hai đứa nó đi bác sĩ, chúng ta cứ việc dùng bữa đi thôi. Hai đứa nó mà cãi lộn thì chẳng biết tới giờ nào mới xong.
Ðường đứng yên không nhúc nhích, chàng định ý xem tấn kịch đó sẽ hạ màn như thế nào đến quên cả việc can gián họ.
- Được rồi.
Thế Sở bỗng Nhiên trở giọng:
- Cô cốt ý "bức cung " buộc tôi phải chịu tội? Ồ, tôi đi với bạn gái đó, cô bằng lòng chưa? Tôi đi uống café với người ta quên cả giờ hẹn, cô chịu chưa?
- Với đứa nào?
- Còn định moi cả tên tuổi nữa sao?
Thế Sở giận xanh cả mặt, hô lên:
- Cô ta là Lam Bạch Hách!
- Cái gì là Lam Bạch Hách?
- Cô nhất định đòi tôi bịa chuyện thì tôi cứ bịa, nhưng bắt tôi đặt tên họ người ta là tôi đặt không ra, cô hiểu chưa?
- Nói ra đi, nó tên gì?
- Nó đâu có tên mà hỏi.
- Vậy thì để tôi mách cho anh.
Nhi vẫn lạnh lùng bảo:
- Nó là Lục Phong, năm nay 19 tuổi, là người mới trong lớp huấn luyện diễn viên tivi của anh đó.
Thế Sở giật nẩy người, nhìn thẳng vào mặt Nhi hỏi:
- Thì ra cô đã theo dõi tôi, điều tra tôi?
- Đúng thế!
- Nhưng mà bữa nay tôi đích thực là không có đi với cô ta, chiều nay tôi cốt ý đến với bữa hẹn của cô. Cô nên nhớ là, bất cứ tôi giao du với bao nhiêu cô gái đi nữa, chỉ có một mình cô là tình nhân thôi.
- Vậy sao?
- Cô không tin tôi?
- Không tin.
Thế Sở xoay mặt đi rồi tiếp:
- Được rồi, trên đời này biết bao nhiêu là kẻ tình ngay mà phải chết oan, có thêm một oan hồn thằng này nữa cũng chẳng thừa.
Vừa dứt lời là anh ta bưng bát canh lên, há to họng nuốt ừng ực vào bụng. Ðường đứng nhìn ngơ ngác như người chết điếng, quên cả việc tiếp cứu. A Tử dậm chân la:
- Trời đất quỉ thần ơi! Ngày cuối tuần đẹp như vậy mà hai đứa bây nhất định phá nát cả đi. Sao tui xui xẻo thế này, đi chơi với hai tên khùng!
Thế Sở đã nhanh nhẩu húp hết bát canh bông hồng, trong miệng hãy còn ngậm mấy miếng bông, nhìn Nhi hỏi:
- Còn bông hồng khỏi nhai ăn được không?
Nhi đã rưng rưng nước mắt, nhếch mép định nói gì nhưng chẳng nên lời. Bỗng nhiên nàng khóc rống lên. Thế Sở lật đật đặt cái bát lên bàn, ôm lấy nàng vào lòng nói:
- Anh xin thề, anh với Lục Phong chỉ quen thường thôi, chẳng có gì hết. Anh xin thề, anh thề mà.
Nhi úp mặt vào ngực Thế Sở khóc nức nở:
- Ai biểu anh uống bậy bát canh đó, ai biểu? Nhỡ có trúng độc chết thì sao?
- Chẳng sao đâu.
Thế Sở càng ôm chặt Nhi vào lòng, hôn trên mái tóc nàng, mỉm cười bảo:
- Uống nước canh bông hồng mà chết thì cũng chết cho lãng mạng, em vốn thích đời sống lãng mạn kia mà. Nhưng sau khi anh chết, em nhất định phải khắc lên trên bia mả của anh dòng chữ "Từ Thế Sở chết vì bị trúng độc bông hồng". Đồng thời loan bao cho khắp thế giới biết tin, bởi chết theo kiểu này chắc anh là kẻ đầu tiên.
"Oa!" Nhi ghìm chặt cổ Thế Sở, khóc càng lớn tiếng:
- Bây giờ phải làm sao đây?
Đột nhiên nàng buông tay ra đứng dậy bảo:
- Đừng vội, anh chờ một chút để em đi làm bát canh bông hồng khác uống theo anh.
Lần này Ðường nắm giữ nàng lại bảo:
- Bây giờ tôi mới vỡ lẽ, sở dĩ cô mời tôi đến dùng cơm là vì trong nếp sống của mấy người cần có một anh thầy thuốc. Đừng có lo, thuốc rửa ruột bên tôi nhiều lắm, duy có điều là hồi y khoa, tôi đã học qua nhiều trường hợp ngộ độc, nhưng lại chưa từng học cách chữa trị chứng trúng độc bông hồng bao giờ. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, chất độc bông hồng chẳng nặng lắm đâu. Bây giờ, để tôi về sửa soạn trước, đợi cô cậu đến.
A Tử níu Ðường lại tỏ vẻ nuối tiếc rằng:
- Bác sĩ còn chưa dùng thịt nhúng cơ mà.
Chàng nhếch mũi lên hít mạnh một hơi.
- Nếu khứu giác của tôi không lầm thì, nồi canh của cô đúng với cái tên "canh hỏa lò". Cô coi kìa, nó đã bốc khói rồi đấy.
A Tử buông Ðường ra, chạy vội vào phòng ăn để "cứu hoả". Trận giặc trong phòng đã được "bình định", đôi tình nhân trẻ đang ôm ấp "sống chết có nhau". Ðường nhìn họ lắc đầu suy nghĩ "Ðây là tình yêu? Ðây là lẽ sống?" Chàng tự cảm thấy mình còn chưa theo kịp cái đà "Trào Lưu tân tiến" này.
Bốn hôm sau, Nhi tới thăm Ðường lần thứ nhì, vẫn vào giờ khuya trong cơn mưa mù và nhằm lúc chỉ có một mình chàng thôi. Nàng tự đẩy cửa vào. Trong bộ thường phục gia cư, áo choàng bằng nhung màu xám, bâu và tay áo có chạy viền đào hồng, tựa như Pyjama nhưng kiểu cách hơn nhiều, không trang sức, chẳng phấn son, càng hiện rõ vẻ đẹp thanh tú hơn nhiều. Không đợi mời, nàng tự động ngồi vào sofa, cuốn cả đôi chân lên sắp bằng vào lòng ghế cho thoải mái như người nhà, rồi nói với chàng rằng:
- Em thấy bên này còn sáng đèn, nên đánh bạo qua thăm anh.
Ðường mỉm cười để cho hai chữ "hân hạnh" hiện lên nét mặt thay vì lời nói. Chàng bước tới trước máy bán giải khát tự động, bấm nút lấy cho khách một ly cà phê nóng. Bộ máy bán nước tự động này do đề nghị của Chu Châu, để tiện cho bệnh nhân dùng trong lúc chờ đợi.
- Ừ, cafe ngon lắm.
Nàng húp một ngụm, chép miệng khen.
- Rất tiếc là tôi không có "tả pín lù" để đãi Nhi.
- Thôi đi anh ơi, chớ có nhắc nữa.
Nàng thẹn đỏ mặt, rụt cổ bảo:
- Lần nào cũng chỉ làm phiền anh thôi.
Sự thật thì đêm đó cũng chẳng có phiền gì cho Ðường cả, sau khi về tới phòng mạch thì A Tử đã gọi điện thoại tới cho hay Thế Sở đã ói sạch hết bát canh bông hồng, cho nên chàng khỏi phải làm gì cả, chỉ tiếc là chẳng ai được thuởng thức món "tả pín lù" ngon lành của cô ta vì nồi canh đã cháy nám, khói bốc lên trần nhà, tí nữa là bà láng giềng trên lầu cho gọi xe chữa lửa tới.
Vừa nghĩ đến đó, chàng bật cười
- Anh cười gì đó?
- Dễ gì thấy được Nhi...
Chàng đang tìm từ ngữ nào thỏa đáng để trả lời:
- An phận như đêm nay phải không?
Nàng đỡ lời cho chàng.
- Đúng thế.
Lý Mộ Đường gật đầu bảo:
- Đúng với hai chữ "an phận".
Nhi chớp mắt suy tư một hồi nói:
- Em vốn dĩ là một đứa gái rất ngoan, rất an phận, thậm chí thưở nhỏ em yên lặng đến đỗi những người chung quanh tưởng chừng không có sự hiện diện của em nữa. Phải nói là kể từ ngày quen biết Thế Sở mới trở thành khùng khùng thế này.
- Riêng tôi chẳng cho cô là khùng.
Lời chàng nói rất chân thành.
- Vậy thì anh cho là em như thế nào?
- Theo tôi thì Nhi rất dồi dào về tình cảm, đã dám yêu, dám chịu dám làm, nhiệt tình nóng bỏng như hỏa lò. Tên cô phải gọi là "Hỏa Nhi" đúng nghĩa hơn là "Băng Nhi", bởi sức nóng của cô đủ để thiêu rụi cả nửa trái đất này!
Nàng cũng cười theo.
- Thật vậy, tôi chẳng khoa trương đâu, thật tình là lần đầu tiên tôi mới gặp được cô gái như cô. Trước ngày Nhi xuất hiện, tôi hằng ngày nghĩ rằng mỗi cô gái đều tựa như dòng sông nhỏ, dịu hoà, uyển chuyển và yên tịnh. Cô nên nhớ tôi là y sĩ, hằng ngày tiếp xúc lắm hạng người, song đời sống của tôi vẫn rất đơn thuần. Hôm đó. A Tử nói đúng, có kẻ sống bình thản, có người sống oanh liệt, riêng tôi thì vào hạng bình thản mà thôi.
Nàng mỉm cười hỏi:
- Như vậy chẳng tốt sao?
- Trước đây tôi vẫn cho là tốt.
- Trước đây là bao lâu?
- Tức là trước khi Nhi xuất hiện.
Nàng hơi xúc động hỏi:
- Có liên hệ tới em nữa sao?
- Dĩ nhiên là có.
Chàng lại cười bảo:
- Giả thử cô chưa biết trên thế giới này có món cà rem thì cô được uống một ly nước đá đã thấy thỏa mãn rồi Cô chưa biết còn có thứ áo lông chồn quý giá thì mặc chiếc áo bông đã thấy dễ chịu. Cái tham vọng của cô như người ta sở dĩ có là do nơi hiểu biết quá nhiều. Chẳng hạn như, những thổ dân đến nay còn ăn lông ở lỗ trên lục địa Châu Phi vẫn cứ vui sống như ai, khi họ săn được một con thú rừng là nổi trống lên nhảy múa ăn mừng cả ngày đêm, nguồn vui hồn nhiên đó là do nơi họ vô tri vậy.
Nàng để ý theo dõi chàng lý luận, nhưng lại bảo:
- Em vẫn chưa hiểu cho lắm.
- Được rồi, để tôi nói thẳng cho cô hiểu. Trước khi cô xuất hiện, tôi cứ cho rằng chuyện tình cảm giữa gái trai vốn là bình thường, bắt đầu từ chỗ quen nhau, thu hút nhau rồi tiến tới việc gả cưới cho nhau, rồi họ sanh con đẻ cái, mọi việc tiến triển theo luật nhu cầu "Tự Nhiên". Còn bảo yêu nhau đến mức long trời lỡ đất, chết đi sống lại, đó chỉ là tình tiết được diễn tả trong tiểu thuyết của nhà văn thôi, làm gì có được trong đời sống thực tế.
- Ừm!
Nhi chỉ "Ừm" lên một tiếng, rồi tiếp tục lắng nghe.
- Mãi đến sau ngày cô xuất hiện tôi mới mở mắt ra thấy rõ trên đời này quả thật có thứ tình yêu kinh thiên động địa, do đó trong thâm tâm tôi nảy ra cảm giác hâm mộ vô cùng.
Nàng đảo mắt cười khúc khích:
- À, em hiểu rồi, giờ anh đã gạt bỏ niềm vui thỏa mãn nguyên thủy rồi chớ gì.
- Đúng thế đấy.
Nàng hơi trầm ngâm rồi bảo:
- Nhưng đời sống của em đâu có đáng gì cho anh hâm mộ. Anh tưởng rằng em sống sung sướng lắm ư?
- Không, tôi biết cô đang sống trong đau khổ, phiền lụy nhưng lại rất kích thích và thấm thía.
Nghe nói, Nhi sững người lên, nàng nhìn thẳng vào mặt chàng bảo:
- Nè, Lý bác sĩ, anh là con người dễ sợ!
- Sao?
- Anh là bác sĩ nội khoa, nhi khoa ư? Em tưởng anh là một bác sĩ tâm lý.
- Tôi có đi tìm hiểu tâm lý đi chăng nữa cũng là kể từ sau ngày cô xuất hiện. Hơn thế nữa, nếu cho là tôi tìm hiểu cô, chi bằng bảo rằng tôi đang phân tích chính bản thân tôi còn đúng hon. Vâng, tôi hiểu đời sống của cô hiện nay chẳng đáng hâm mô, nhưng thứ tình cảm nồng nhiệt ấy đã làm chấn động tâm hồn tôi.
Chàng lại nhìn thẳng vào mặt nàng hỏi một câu bất ngờ:
- Tại sao cô lại trả giá quá đắt cho một người đàn ông?
Nàng hơi ngập ngừng rồi hỏi lại:
- Anh ấy đáng cho em trả giá cao, có phải vậy không?
- Đúng hay không là hoàn toàn do chủ quan của mình, khi cô cho là đáng thì tức nhiên đáng. Những tại sao vừa rồi cô lại ngập ngừng?
- Vậy sao?
- Cô có đấy.
Nàng giật mình bảo:
- Em mong rằng anh...
Bỗng nhiên nàng thoát ra một câu không kịp kiểm soát:
- Anh không có ý chia rẽ tình cảm của em thì phải.
Ðường thẳng lưng lên, cảm thấy mình đã lỡ lời, song vẫn cương lại rằng:
- Tôi cần làm như vậy sao? Có lợi gì cho tôi?
- Anh tự hỏi trong tìềm thức của anh đi?
- Hỏi tiềm thức của tôi?
Nhi mỉm cười rằng:
- Chiếu theo cũng cách phân tích của anh, thì mọi người đều có sẵn tiềm thức trong đáy lòng, khi chưa biết có cà rem thì thỏa mãn với nước đá, những đến khi đã biết có cà rem rồi mà mình chẳng được nếm thì lại muốn cho kẻ khác cũng không được ăn.
Nàng ngồi thẳng người lại, vươn vai một cái rồi tiếp:
- Thì dầu anh có cái tâm thái đó cũng là một sự tự nhiên thôi, đó là tình người mà, anh chớ nên áy náy hay bực mình vì nó.
- Tôi áy náy?
Đến lượt chàng giật mình.
- Tôi có bực mình hay sao?
- Anh có đấy!
Nàng học theo lối nói của chàng vừa rồi. Hai người nhìn nhau, rồi cả hai đều bật cười Bỗng Nhi bước xuống ghế bảo:
- Thôi đã quá khuya rồi, anh cũng nên đi nghỉ.
Nàng tiến đến cửa xoay lưng lại bảo:
- Được tiếp chuyện với anh là điều quí hóa vô cùng, anh không những là một vị bác sĩ tốt, còn là một người đàn ông có chiều sâu đáng mến.
Nàng mở cửa để lại câu chót:
- Chào tái ngộ.
Tự nhiên Ðường vung tay ra như muốn gọi nàng lại nhưng thôi. Cuộc dạ đàm này đậm nồng sắc thái lãng mạng, nên trong thâm tâm chàng vần còn quyến luyến, muốn kéo dài thêm, tiếc rằng nàng đã đi xa rồi, khi đến đã phiêu phất mà lúc đi cũng bay bỗng như một nàng tiên.
Lần kế tiếp, Nhi xuất hiện cũng vào giờ khuya, nhưng lần này không chỉ có một mình nàng mà còn dẫn theo cả Thế Sở cùng A Tử nữa. Khi họ hớn hở tiến vào nhà, Nhi chạy thẳng tới bắt tay Ðường cười bảo:
- Chẳng lẽ anh chỉ biết có công việc thôi sao? Ngày nào em đi ngang qua phòng mạch, anh cũng đang khám bệnh, chỉ biết có khám bệnh và khám bệnh thôi! Trước kia ai ao ước được làm bác sĩ, hẳn bây giờ đã thấy nỗi khổ của bác sĩ chưa? Thôi đóng cửa đi, đến phố Hoa Tây ăn đêm với tụi này này.
Thế Sở cũng nhiệt tình không kém, vỗ vai Ðường hối hả rằng:
- Tôi còn nợ bác sĩ một bữa "tả pín lù", kỳ rồi lỗi tại tôi hết. Đêm nay bác sĩ có quyền phạt tôi đãi. Đi đi! Anh thích món nào tôi cũng chìu hết.
Tuy nhiên, tôi xin nói trước là tôi không ăn đuợc thịt rắn, nếu anh vào tiệm rắn thì tôi chỉ còn cách đứng ngoài cửa chờ thôi. Thằng này chẳng biết sợ gì hết, nhưng không hiểu sao hễ thấy rắn là ớn cả da gà.
A Tử đùa:
- Chẳng hiểu phố Hoa Tây có những món ăn "tiềm bông hồng" hay là "chiên xào bông hồng" chi chi không?
- Này A Tử, người quân tử không bao giờ soi mói chỗ đau của người ta đấy nhé!
Thế Sở trợn mắt la, nhưng A Tử lại khom lưng cười hóm hỉnh:
- Có bao giờ tôi dám tự nhận là quân tử đâu, bởi tôi nằm trong hạng người mà Đức Khổng Tử không ưa nhất.
- Đức Khổng Tử.
Nhi ngạc nhiên hỏi:
- Chị định nói gì tới Lão Phu Tử?
- Nghe đây: "Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng giả". Phu Tử đã bảo là "Chỉ có người đàn bà và kẻ tiểu nhân là khó nuôi dạy nhất" đó sao?
Cả bốn người đều ôm bụng cười, họ cười trẻ trung, vui tươi. Một lần nữa Nhi kéo tay Ðường bảo:
- Thôi đi mà, đi với tụi này đi! Hãy tạm rời nơi sặc mùi alcol với nước khử trùng của anh đi, theo tụi này đi huởng lẽ sống của người đời, kẻo rồi ngày nào anh dũng cứu sống người ta mà lại chẳng bao giờ tìm hiểu lẽ sống của chính mình.
Cuối cùng là Ðường khóa chặt cửa phòng lại, theo bạn đến phố Hoa Tây.. Chàng không còn nhớ đã bao lâu rồi mình chưa đặt chân đến đường phố này. Ở đây đèn đuốc sang choang, chợ đêm tấp nập, các sạp nối liền nhau, thức ăn, đồ dùng, áo quần, giầy dép, đồ chơi trẻ em... chẳng còn thiếu món nào. Nhi đề nghị:
- Trước tiên, tụi mình đi ăn canh mực tươi cái đã.
Mọi người đều tán thành. Sau khi ăn xong canh mực tươi nàng lại đề nghị:
- Đi ăn lươn nuớng nhé?
Cũng chẳng ai phản đối. Ăn xong lươn nuớng rồi nàng lại đòi:
- Tôi muốn ăn đậu đỏ đá bào cơ.
Mọi người đều chiều theo. mặc dù mùa đông giá lạnh, phố Hoa Tây vẫn có bán đậu đỏ đá bào như thường. Mỗi lần ăn xong một món nào là hai gã đàn ông tranh nhau trả tiền, nhưng lần nào Thế Sở cũng giành được quyền ưu tiên. Hắn dùng bàn tay to lớn nắm chặt cườm tay Ðường bảo:
- Không được, anh đã biết tôi đã ân hận đến mức nào vì cái lỗi làm hỏng cuộc chơi tuần rồi? Đêm nay nhất định là mọi chi phí đều do tôi đài thọ hết.
- Bác sĩ cứ để cho ảnh "mại tán" đi thôi.
Nhi cười bảo:
- Vả chăng ăn quà vặt tốn kém có là bao, kỳ tới đến phiên anh mời khác, không chừng tụi này đòi vào nhà hàng Lai Lai cho mà coi.
- Đúng, đúng. Đàng này đang tính như vậy đó. Sao Nhi lanh tánh quá vậy, chưa gì đã đi guốc từ trong bụng người ta, tôi chịu thua.
Nhi nhìn Thế Sở cười híp mắt bảo:
- Cái anh này thiệt mà, từ khi húp bát canh "Hoa hoè hoa sói" của người ta, đâm ra càng ba hoa hơn trước.
Cả đám lại ôm bụng cười. Quả là một đêm tươi đẹp, mỹ miều khả ái, ai nấy nói chuyện đùa bằng thích. Sau khi ăn xong đậu đỏ đá bào thì đêm đã quá khuya, gió bấc buốt người, hơi lạnh tự trong bụng nhô lên, Ðường quên mình là bác sĩ, mặc cho cái bao tử của có có chịu đựng được không, chàng đề nghị:
- Chi bằng chúng ta đi nhắm chút rượu cho đỡ lạnh.
- Hay đó.
Thế Sở hăm hở hưởng ứng trước:
- Đề nghị này vừa ý tại hạ. Đi! Đêm nay cho chúng mình "Bất túy bất qui" (chưa say chưa về) xem nào.
- Mà hai cô có nhậu được không đó?
Ðường hỏi họ.
- Đứa nào không uống là con chó con!
Nhi đáp.
- Cha!
A Tử cười nhạo:
- Tửu lượng tuy hạn hẹp nhưng tửu đởm có thừa, tửu hứng rất cao, còn tửu phẩm thì số dzách.
- Đừng có nghe cô ta nói khoác.
Thế Sở chỉ mặt Nhi bảo:
- Ai đã có lần uống say rồi khóc bù lu bù loa đòi "Má" đấy?
- Coi kìa, lại hủy báng người ta!
Nhi trợn mắt cải lại:
- Hoàn toàn là hủy báng có ác ý, bác sĩ chớ nghe ảnh phá hoại danh dự của em. Thì cứ vào quán nhậu rồi anh sẽ biết tửu phẩm của con nhỏ này.
Thế rồi họ kéo nhau vào một quán ăn bình dân, gọi hai chai "Thiệu Hưng" Tự rót cho đầy ly, rồi cụng nhau tề hô một tiếng "Dzô!", người cổ lên ực hết vào bụng. Khi ly thứ nhì cũng đã rót thì Ðường bắt đầu khơi chuyện, chàng lần lượt nhìn qua ba người bạn rồi bảo:
- Các bạn nhận thấy thế nào là lẽ sống của con người? Lẽ sống đó chính là ở các bạn đấy! Từ khi quen biết các bạn, đời sống của tôi đã hé mở cánh cửa mới, ngộ ra hỉ, nộ, ái, lạc của kiếp người là mãnh liệt như thế đó! Trong thế giới tình cảm là tràn trề như thế đó!....
Chàng muốn tả nhiều hơn nữa, những chưa tìm ra câu nào thỏa đáng hơn, bèn kết thúc rằng:
- Các bạn đều là con người khả ái như thế đó!
- Cạn chén.
Nhi hô lên một tiếng, rồi ngữa cổ ực một hơi hết ly rượu thứ nhì. Thật ra sau khi cạn ly đầu nàng đã ngà ngà rồi.
- Cạn chén.
Thế Sở hưởng ứng theo. Thế rồi ai nấy đều cạn hết ly thứ nhì, tiếp theo là ly thứ ba, rồi thứ tự họ dốc gần hết cả chai "Thiệu Hưng". Rượu đã đem lại cho họ bầu không khí ấm cúng, nồng nhiệt, kéo khoảng cách giữa con người lại càng gần nhau hơn. Tự nhiên Ðường lại trở thành con người hay nói, chàng đã nói nhiều chẳng kém gì Thế Sở. Còn Nhi thì đích thật là tửu phẩm cao, hễ chén tới tay là hào phóng chẳng chịu thua con trai. Sau mấy ly rượu, nàng đòi "độ quyền" với A Tử.
- Nè, hễ ai thua là phải uống nghe!
Cô này một ly cô kia một chén. Ðường trố mắt nhìn hai cô gái, tưởng đâu họ cũng chơi như con trai, khi ngắm kỹ lại mới thấy rõ nào là "cái kéo", "cây búa", "miếng vải", thì ra hai cô đang "oảnh tù tì" đó mà, chàng bật cười khanh khách, tí nữa là bật luôn chiếc ghế xuống sàn.
Thế Sở nâng ly lên mời Ðường:
- Này Lý bác sĩ.
- Tao là Ðường.
Chàng thân mật bảo:
- Tao có tên đàng hoàng.
- Ờ, thì Ðường. Mày coi hai con nhỏ này ai mà chịu nổi. Mày cứ nói thật đi, A Tử dễ thương hay Nhi dễ thương?
Ðường hơi bối rối trước câu hỏi đó. Tuy nhiên, chàng cũng nhận chân ngắm kỹ hai cô gái, rồi bảo:
- Tao thấy tánh nết hai cô hơi giống nhau.
- Không, chẳng có giống đâu.
Thế Sở lắc đầu bảo:
- Chỉ có thể nói là sở thích hơi giống nhau, những tánh tình thì khác hẳn. Nhi nhiệt liệt, A Tử điềm đạm. Nhi sắc bén, A Tử bình dị, Nhi nóng như lửa, A Tử mát như nước...
Thế Sở cạn thêm một ly nữa rồi tiếp:
- Chừng mày quen lâu với hai đứa nó thì sẽ thấy cả hai rất khả ái. nếu tao mà có thể "Nhất tiễn song điêu" thì hay biết mấy. Ha Ha!
- Anh say rồi.
Ðường không muốn để Thế Sở nói nhiều hơn nữa.
- Chưa say đâu.
Thế Sở lắc đầu lia lịa, rồi tiếp:
- Xưa nay tao vốn chống đối thứ tư tưởng bảo thủ, cổ hữu của xã hội Trung Quốc, duy chỉ có cái chế độ đa thê là tao giơ cả hai tay tán thành. Nhất là khi xem bức tranh "Cửu Mỹ Đồ" của Đường Bá Hổ càng làm cho tao mê tít đi thôi!
Nhi vừa thua cuộc, tự tay rót đầy một ly rượu nhưng không uống, bất thần nàng xoay lại tưới hết lên đầu Thế Sở lớn tiếng bảo:
- Đây là ly rượu của "Đệ Nhất Mỹ" mời anh!
Tiếp theo đó, A Tử cũng rót đầy ly rượu tưới lên đầu Thế Sở bảo:
- "Đệ Nhị Mỹ" mời đây!
Kịp khi Nhi nâng ly rượu thứ ba lên thì Thế Sở nhanh chân nhảy ra khỏi ghế chẳng những không có vẻ giận tức. Anh ta chạy sang phía hai cô, dùng tay trái ôm Nhi, tay phải chận A Tử lại, lém lỉnh nhìn từ cô này. sang cô kia, khề khà bảo:
- Các cô hẳn biết Lý Bạch chứ? Tôi thích nhất hai câu thơ của Lý ông đã viết rằng: Cụ hoài dật hứng tráng tư phi Dục thượng thanh thiên lãm nhật nguyệt! (Nỗi lòng cảm hứng như bay bỗng, Lên tận mây xanh bên trời trăng)
Tham vọng của cụ Thi Thánh này thiệt lớn quá trời, định bay lên tận không gian tay trái ôm mặt trời, tay phải ôm mặt trăng. Thế Sở này chịu phục sát đất! Bây giờ thì mặt trời và mặt trăng đang ở hai bên tả hữu của ta đây!
Anh ta vung tay ra ôm choàng cả hai cô gái và lắc mạnh cái đầu cười khanh khách, mặc cho những giọt "Thiệu Hưng" văng lên mình mẩy hai cô, rồi bảo:
- Xưa nay chưa thấy qua mặt trời và mặt trăng lại biết làm mưa.
Cử chỉ khôi hài của Thế Sở làm cho hai cô gái cũng cười hể hả. Chừng đó Lý Mộ Đường mới thấy yên bụng. Nói cho ngay, khi chàng thấy Nhi tưới rượu lên đầu Thế Sở chàng lo ngại thật, tưởng chừng trận kịch chiến lại sắp mở màn, nhưng bây giờ chẳng những không có nguy cơ mà còn tạo thêm một thú vui nữa. Chàng nổi hứng nâng ly lên tười cười bảo:
- Đêm nay quá vui, tôi mời các bạn cạn thêm chén này nữa.
- Vô!
Nhi hưởng ứng nồng nhiệt. Ðường gần như chẳng còn nhớ rõ đêm đó chàng về tới nhà bằng cách nào nữa, chỉ nhớ mang máng là bốn phương đã dắt díu nhau, chân nam đá chân xiêu đi dài dài trên đường phố. Trong khi đó, Nhi vừa đi vừa cất giọng nghêu ngao hát đi hát lại có bốn câu: Em theo anh tới góc biển chân trời, Dẵm mòn muôn ngàn non núi, từ xóm lạ cho đến nhà anh. Em theo anh tới chân trời góc biển, Dẵm nát bao chuỗi tháng ngày, từ mái đầu xanh cho đến tóc bạc răng long!