Nếu Hạ Lỗi không cùng Mộng Phàm gặp riêng, Tâm Mi sẽ không bị đánh, sẽ không chứa oán trong lòng. Thế thì rất nhiều việc tiếp theo sau không đến nỗi xảy ra. Đời người có nhiều chuyện như vậy, không phải sức người có thể khống chế, cũng không phải sức người có thể phòng ngừa hoặc cứu vãn.
Việc của Tâm Mi và Khang Cần, cuối cùng trong buổi sớm hôm đó bộc phát.
Đối với Khang Bỉnh Khiêm, dường như tất cả bị kịch đều tập trung vào mùa đông ấy mà xảy ra. Thế giới tĩnh lặng yên lành của ông trước hết bị Hạ Lỗi và Mộng Phàm làm cho trời long đất lở, sau đó lại bị Tâm Mi và Khang Cần gây chấn động đến mức tan tành.
Tảng sáng hôm ấy, Khang Bỉnh Khiêm cảm thấy gan ruột cồn cào, có một thứ dự cảm chẳng lành, ông ra khỏi phòng ngủ, muốn đến xem Hạ Lỗi ra sao. Mới đến gần hòn non bộ, thì nhìn thấy có hai bóng người. Khang Bỉnh Khiêm giật mình cho là Mộng Phàm và Hạ Lỗi lại lén ra gặp riêng phía sau hòn non bộ. Ông rất tức giận, bí mật nấp gần, ông nghĩ, lại bắt chộp được chúng nó ông chỉ có một biện pháp, đem Mộng Phàm gả về nhà họ Sở ngay hôm đó là xong.
Mới đến gần hòn non bộ, ông nghe thấy phía sau hòn đá vẳng ra tiếng tấm tức và kể lể, lại lắng tai nghe kỹ, hóa ra là Tâm Mi!
-... Khang Cần, anh cứu tôi! Lão gia đánh tôi dữ như vậy, trong lòng ông ta căn bản coi như không có tôi nữa! Ông ta bây giờ trở nên tàn nhẫn, tôi không chịu nổi nữa rồi! Tôi không sao nán lại ở nhà họ Khang được nữa... Khang Cần, sao tôi không sớm chết đi, chính anh khiến cho tôi còn sống nổi... Bây giờ, không dám đến cửa hiệu thuốc gặp anh, đêm đêm tôi rất đau khổ... Anh không thể thấy người chết mà không cứu...
- Tâm Mi - tiếng Khang Cần đầy đau khổ và bối rối - Tiểu Lỗi và Mộng Phàm là cái gương cho chúng ta! Họ trai chưa vợ, gái chưa chồng, mà còn bị đẩy đến bước ấy, tôi và cô thì chắc không có chút nào đường sống...
Khang Bỉnh Khiêm quá chấn động, lại cũng không làm sao trấn tĩnh được mình, ông lảo đảo bước tời, đúng lúc nhìn thấy Tâm Mi gục trên vai Khang Cần khóc, tay Khang Cần ôm lưng vài vai Tâm Mi... Toàn thể con người ông tựa như bị một lưỡi gươm sắc xuyên qua. Lấy hết hơi, ông chỉ nói ra được hai cái tên:
- Tâm Mi! Khang Cần!
Nói xong, hai đùi ông mềm nhũn, ông ngất đi.
Nhà họ Khang quả liền năm bất lợi! Vịnh Tình, Vú Hồ, Nhỏ Ngân, Nhỏ Thúy, Hạ Lỗi, Mộng Hoa, Mộng Phàm đều quay mòng mòng, lại phải mời đông tây y đến nhà. Khang Trung, Khang Phúc, Già Lý bận rộn tiếp thầy thuốc. Do chỗ Khang Bỉnh Khiêm ngất xỉu mà việc chữa chạy kéo dài, còn chuyện của Tâm Mi và Khang Cần hoàn toàn được công khai. Mọi người lén lút, riêng tư bàn tán xôn xao, đem chuyện "cành hạnh đỏ vươn ra ngoài tường" tô điểm thêm đến khó là lọt tai, ai ai cũng biết.
Khang Bỉnh Khiêm vì cơn giận ập tới bất ngờ, mới không gượng nổi, ngất đi, nhưng thực tế, thân thể không có gì đáng ngại cho lắm. Sau khi tỉnh lại, tay chân tuy còn yếu, nhưng thân thể cũng không làm sao. Nhưng trong chỗ sâu của nội tâm ông lại đau đến thấu xương. Nghĩ trước tính sau, chuyện xấu trong nhà không thể bêu lên, truyền ra ngoài, mọi người đều không còn thể diện. Khang Bỉnh Khiêm quả không ngờ, ông còn chưa hồi phục sau đòn nặng do Mộng Phàm, lại phải đối mặt với cái đòn nặng do Tâm Mi.
Cái đòn này không chỉ có tí chút mà vừa độc vừa nặng. Khang Cần, sao lại cứ là Khang Cần? Người gia nhân yêu quý nhất của ông, là trung bộc, là thân tín, cũng là người từ nhỏ cùng khôn lớn, có tình bè bạn như chân tay... Sao lại cứ là Khang Cần?
Trải qua một cơn vùng vẫy đau đớn nhất trong nội tâm, Khang Bỉnh Khiêm gọi Khang Cần vào phòng ngủ của mình. Đóng cửa phòng lại, ông chăm chăm nhìn Khang Cần. Khang Cần lập tức sợ hãi quỳ xuống.
- Khang Cần - Khang Bỉnh Khiêm hít sâu hơi, cố nén, hỏi - Ngươi vốn họ là gì?
- Họ Chu ạ.
- Hay lắm. Hôm nay, sau khi ra khỏi nhà ta ngươi khôi phục lại họ Chu, không phải họ Khang nữa.
- Lão gia! Khang Cần chấn động nói - Người đuổi tôi ra khỏi nhà họ Khang?
- Ta không thể lưu ngươi lại nữa! Ông nhìn chăm chú Khang Cần. - Tuy ngươi là gia nhân từng vì ta vào sống ra chết, cùng qua hoạn nạn, cùng chung hưởng vinh hoa, là thân tín của ta, cánh tay phải của ta, nhưng hiện nay ngươi bức ta phải dùng lực chặt cánh tay của ta! Khang Cần, quả là ngươi khiến ta đau đến thấu xương!
Khang Cần nuốt lệ, tủi hổ đau đớn cùng cực.
- Bây giờ không phải thời cổ, cũng không phải triều Mãn Thanh, bây giờ là Dân quốc rồi! Không có hoàng đến đại nhân, không có chủ nhân nô bộc, bây giờ là thời đại "tự do" rồi! Tiểu Lỗi, Mộng Hoa mỗi ngày từ sáng đến tối thức tỉnh ta, thậm chí là giáo dục ta, muốn bắt ta hiểu rõ thế nào là "tự do" thế nào là "nhân quyền"... Không ngờ rằng, một việc đầu tiên ta phải đối mặt lại chính là Khang Cần... Ngươi!
- Lão gia, ý của người là... Khang Cần luống cuống và sợ hãi.
- Ngươi "tự do" rồi! Ta đã không thể trừng phạt ngươi, cũng không muốn báo thù ngươi, càng không biết nên xử trí ngươi thế nào... Ta cho ngươi tự do! Từ nay, ngươi không phải là họ Khang nữa. Ngươi và họ Khang nhà ta, không có dây mơ rễ má gì nữa. Còn cửa hiệu thuốc Khang Ký, từ nay ngươi cũng không phải đến đó nữa!
- Lão gia, người muốn tôi đi? Khang Cần run giọng hỏi.
- Ta muốn ngươi đi! Đi thật xa! Từ nay đến cuối đời đừng để ta nhìn thấy ngươi nữa! Rời khỏi thành Bắc Kinh, có thể đi xa bao nhiêu thì đi xa bấy nhiêu! Ngươi ưng lời ta, đời này kiếp này, không bước chân vào cổng nhà họ Khang ta nữa!
Khang Cần tủi hổ, khó xử, đau đớn nhưng cam chịu.
- Vâng! Lão gia mong tôi đi thật xa, tôi sẽ đi thật xa! Đời này kiếp này, không dám mạo phạm lão gia nữa... Chỉ mong rằng, tôi đi lần này, mang tất cả tội lỗi vết nhơ cùng đi theo! Lão gia... Khang Cần thổn thức, ngần ngại mà đau khổ nói - Còn như, Mi Di Nương... người nên... tha thứ cho dì ấy! Làm lỗi là một mình tôi phạm, xin người... giơ cao đánh sẽ, đừng làm khó khăn cho dì ấy...
Khang Bỉnh Khiêm đập bàn một cái, giận dữ nói:
- Tâm Mi là chuyện của ta! Không phiền ngươi lo đến!
- Dạ! Khang Cần sợ hãi đáp.
- Đi ngay! Lập tức đi ngay!
Khang Cần cung kính đập đầu ba cái trước Khang Bỉnh Khiêm, ứa nước mắt nói:
- Lão gia! Người khoan dung như vậy quả là độ lượng lớn lao! Khang Cần này cô phụ người, chỉ mong kiếp sau báo đáp!
Khang Bỉnh Khiêm quay đầu nhìn ra cửa sổ, trong lòng cũng đầy nước mắt.
- Khang Cần, ta với ngươi có duyên quen biết nhau già nửa đời người, ngờ đâu không thể dìu đắt nhau đến già, kể ra cuộc đời cũng thật tàn khốc!
- Lão gia! Khang Cần từ nay xin bái biệt! Khang Cần lại đập đầu một cái, không dám quấy rầy Khang Bỉnh Khiêm nữa, bác lủi thủi quay đầu đi.
Khang Cần hôm đó thu xếp hành lý, rời khỏi thành Bắc Kinh. Từ chuyện ở cửa sổ phía đông xảy ra đến khi bác ta đi xa, chỉ vỏn vẹn hai ngày. Bác chưa được gặp lại Tâm Mi, cũng chưa được nói lời từ biệt.
Hạ Lỗi cưỡi Truy Phong đuổi theo, anh đuổi kịp Khang Cần trên đồng cỏ ngoài thành.
- Khang Cần, để tôi tiễn bác một chặng!
Hạ Lỗi dừng ngựa, hai người cùng cưỡi, đi đến cánh đồng rộng mênh mang.
- Khang Cần, Giọng Hạ Lỗi chứa đầy niềm xót thương, đau khổ, nghi ngờ, băn khoăn với các thứ tình cảm biệt ly khó mà hình dung nổi - Sao bác lại đành đoạn mà đi như thế này? Dì Mi chưa đến, bác cũng phó mặc à?
- Không phải phó mặc, quả thực là không lo nổi! Khang Cần đau xót nói - Tâm Mi vẫn hiểu tôi, cô ấy biết tôi là con người như thế nào. Nói thực sự, tôi căn bản không xứng đáng bàn chuyện tình cảm, trong lòng tôi có mặc cảm phạm tội, đã đè bẹp tôi xuống rồi. Bây giờ, dù cho tôi có đi đến chân trời góc bể, cũng không trốn tránh khỏi sự hối lỗi với lão gia! Tôi nghĩ đến hết đời này, tôi đều ôm một tấm lòng đợi tội mà cẩu thả trộm sống! Tôi xấu hổ như vậy, đầy mặc cảm phạm tội như vậy, làm sao có thể lo liệu tròn vẹn cho Tâm Mi... tôi buộc lòng phải cô phụ cô ấy rồi!
- Tôi hiểu rồi! Hạ Lỗi nói Bác đem "trung hiếu tiết nghĩa" và "Dì Mi" đặt lên một cái cân, "trung hiếu tiết nghĩa" trọng lượng tuyệt đối vượt xa hơn "Dì Mi"!
- Thứ người như tôi, ở nhà họ Khang Là kẻ phản bội, về tình cảm, là một đào binh! Tôi sao xứng đáng bàn đến "trung hiếu tiết nghĩa"! Khang Cần khích động ngẩng đầu - Tiểu Lỗi, khi ly biệt xin tặng cậu một câu: "Chớ có nên dẫm lên vết xe đổ của tôi!"
Hạ Lỗi run lên vì kinh hãi:
- Tôi lại có một cách nghĩ, muốn cắt đứt cho gọn ghẽ, làm một mà xong trăm điều, chi bằng bây giờ tôi cùng đi với bác!
- Tiểu Lỗi! Khang Cần lời lẽ thiết tha - Cậu đừng ngốc như vậy, tôi phải đi bởi vì tôi ở nhà họ Khang đã không còn chỗ đứng chân, không có ai tha thứ cho tôi, thậm chí không có ai cho tôi được chuộc tội. Nhà họ Khang kẻ trên người dưới, đều vì chuyện tôi dời khỏi mà dẹp yên được nộ khí, hoặc giả, có thể tha thứ cho Tâm Mi! Còn như cậu thì hoàn toàn khác! Mỗi người nhà họ Khang đều yêu mến cậu. Lão gia càng coi cậu như con mình đẻ ra, cậu chỉ cần đè nén cái tình nam nữ, cậu có thể sống đàng hoàn đội trời đạp đất. Rút lại, tôi chỉ là một tên "gia bộc", còn cậu là một "nghĩa tử" kia mà!
Hạ Lỗi ngây người nhìn Khang Cần:
- Không phải tiễn thêm nữa! Khang Cần nuốt lệ nói: Tiểu Lỗi, xin cậu thận trọng!
Hạ Lỗi bỗng bối rối:
- Khang Cần, bác đi rồi Tâm Mi làm thế nào? Tất cả trái tim dì ấy gởi cho bác. Bác đi rồi, thế giới của dì ấy không còn nữa, bác bảo dì ấy sống sao nổi?
Khang Cần đứng lại, trong mắt ánh lên vẻ thê lương sâu sắc.
- Không, cậu lầm rồi. Thế giới của Tâm Mi vẫn cứ ở nhà họ Khang. Cô ấy vì không được bất kỳ người nào trong nhà họ Khang coi trọng và yêu quý, mới đem tình cảm chuyển dời sang con người tôi! Bây giờ tôi đi rồi, cô ấy sẽ lượm củi dưới búa. Cô ấy mất tôi, sẽ đem lòng chệch khỏi quỹ đạo kéo về vị trí cũ. Chỉ cần Lão gia tha thức cho cô ấy. Nhà họ Khang kẻ trên người dưới không chê trách cô ấy... bức tường vây nhà họ Khang vẫn là thế giới an toàn nhất của cô ấy! Cô ấy vốn là người đàn bà an phận thủ thường! Cô ấy sẽ tìm lại được thế giới của mình!
Hạ Lỗi lo lắng.
- Bác đã nghĩ rồi, bác đã nghĩ xong rồi chứ?
- Đã nghĩ ngàn ngàn vạn vạn lần rồi! Khang Cần thở ra, buồn bã - Nhưng, Tiểu Lỗi, tôi có muôn điều không yên tâm... Tôi... tôi có thể nhờ cậu được hay không?
- Bác nói đi!
- Cậu có thời giờ, hãy thường đến chỉ bảo, an ủi cho Tâm Mi, để cô ấy nguôi ngoai mà tiếp nhận cái sự thực này...
Hạ Lỗi gật đầu.
- Bác muốn đi đâu?
- Tôi về phía nam, càng xa càng tốt. Sau đấy bốn bể là nhà, mình cũng không biết sẽ đi đâu!
- Bác ổn định rồi, nên viết thư về!
- Không cần! Khang Cần dùng lực lắc đầu - Nếu đã muốn dứt thì nên dứt cho gọn ghẽ! Chưa biết chừng sau đây sẽ nương nhờ cửa phật qua kiếp sống thừa! Vượt ra khỏi yêu hận tình thù của cuộc đời, mới có thể đi đến một cảnh giới khác. Tạm biệt cậu! Tiểu Lỗi! Không nên tiễn thêm nữa!
Hạ Lỗi ngây người đứng lại, nhìn bóng Khang Cần lưng đeo hành lý, càng đi càng xa, dần dần thành một chấm đen nhỏ trên đồng cỏ. Anh bỗng chợt hiểu điều Khang Cần nói đó là sự thực. Bác ta sẽ đi tới một nơi xa tắp xa tắp, từ đây nương nhờ cửa phật để kéo dài nửa đời sau, đi sám hối tôi nghiệt của mình. Bác ta là như vậy đấy. Hạ Lỗi trong mắt ươn ướt, trong lòng vô cùng chua chát và đau khổ. Bóng Khang Cần đã hòa lẫn vào nền trời xa xăm, cơ hồ không nhìn thấy nữa.
Khang Cần đi rồi, toàn thể con người Tâm Mi tựa như sa vào trong hồ băng, trong hồ vừa lạnh vừa tối, bốn phía mênh mang, nước băng lạnh dìm chị xuống, làm chị ngạt thở. Chị quờ tay túm, hy vọng có thể túm được một mãnh gỗ nổi. Nhưng, túm hoài túm mãi, đều là mảnh băng sắc nhọn như dao, lạnh đến thấu xương. Hơi vùng vẫy một cái những mảnh băng ấy lại đứt thân thể chị không còn miếng da nào lành lặn.
- Mi Di Nương cái gì, đúng là Độc di nương, quá ư độc địa! Nhỏ Ngân nói - Phen này coi như là làm mất mặt lão gia nhà ta không còn gì nữa!
- Quả là xấu hổ chết người! Nhỏ Thúy nói - Đừng nói lão gia thái thái, thiếu gia tiểu thư, ngay cả đến bọn liễu hoàn chúng ta, đều thấy xấu hổ chết được!
- Trời đất ơi! Vú Hồ liên tiếp thở dài - Dì ấy là nhị thái thái nhà họ Khang kia mà! Sao lại không giữ gìn như vậy! Dì ấy dù không giữ gìn cho lão gia đi chăng nữa, cũng nên vì thiếu gia Mộng Hoàn con dì ấy đã chết mà tích lũy chút âm đức chứ!...!
- Phải đó, người ta thì người đàn bà trên hòn Vọng Phu, thà biến thành khối đá chứ không chịu thất tiết...
Tâm Mi trốn không thoát! Nhà họ Khang người lớn kẻ nhỏ, đã xử chị tội đồ không kỳ hạn. Bất luận chị đi đến đâu, đều nghe thấy lời phê phán không sao chịu nổi. Chị đã bị định tôi rồi, chị là tổng hợp của "dâm đãng","vô sỉ", "hạ lưu", "ti tiện"... Những tội danh đó, ở sự kiện Mộng Phàm mọi người đều không nỡ dùng cho Mộng Phàm, nhưng không ai dè xẻn từ khi dùng để chỉ Tâm Mi.
Tâm Mi bị cô lập hẳn, bốn phía đều có tiếng chê bai. Trong cơn hoang mang không ai giúp đỡ, chị đi tìm Mộng Phàm, nhưng trong phòng Mộng Phàm đúng lúc đó Thiên Lam đến chơi.
- Mộng Phàm! Thiên Lam đang xoen xoét nói - Chị đừng biện hộ cho Mi Di Nương nữa! Không trung thực là không trung thực! Tính trăng hoa là tính trăng hoa, nói gì đi nữa cũng vô ích! Dì Mi nương nhà chị sống sung sướng như thế này, dù cho chút hiu quạnh, cũng nên nén chịu! Phụ nữ chúng ta cái gì là tốt cái gì là xấu, chẳng phải nhìn vào chỗ biết giữ nết của mình đó sao? Ngươi như Mi Di Nương, lưu ở trong nhà là vĩnh viễn "tai họa"!
Tâm Mi không dám nhìn Mộng Phàm nữa. Chị chạy trốn, chạy đến chỗ hành lang chuyển góc, nghe thấy Khang Phúc nói với Khang Trung:
- Kỳ thực, Khang Cần là người thật thà! Xấu là xấu ở một mình Mi Di Nương. Đàn ông trong thiên hạ, mấy người cầm lòng nổi trước sự quyến rũ của đàn bà?
- Nói đúng đấy! Khang Cần bị lão gia đuổi khỏi Bắc Kinh, sau này sống làm sao? Quả thật là "nhất thất túc thành thiên cổ hận!"
Tâm Mi vội quay đầu chạy trốn đến hướng khác, mắt hoa mờ lệ, bước chân thất thểu, đầu bỗng đụng phải người Vịnh Tình.
- Tâm Mi! Cô làm sao thế? Vịnh Tình mặt đầy vẻ chính khí - Lão gia lâm bệnh rồi, cô đừng để mọi người thấy cái bộ dạng mất hồn mất vía ấy nữa! nếu trong lòng không dễ chịu, muốn mắc cái bệnh tương tư gì đó, thì cứ đóng cửa ở trong phòng mà ủ rủ, đừng chạy đi chạy lại ở vườn hoa để mọi người nhìn thấy chê cười...
Tâm Mi chạy vàp phòng mình, đóng cửa phòng lại, đóng cả cửa sổ, toàn thân run lên, người lắc la lắc lư, trán đẫm mồ hôi lạnh.
Không có ai tha thứ cho chị! Không có ai quên cái tôi chị đã phạm! Tất cả tội lỗi, chị phải gánh một vai. Chị cảm thấy đôi vai mình yếu không sao cáng đáng nổi, đã mỏi nhừ rồi.
Hạ Lỗi đến tìm chị, hấp tấp gõ cửa. Hạ Lỗi mang vẻ mặt thông cảm và quan tâm, anh nói:
- Dì Mi, dì nên nhẫn nại! Dì phải dũng cảm mới được! Cái quan niệm đạo đức của gia đình này, là vững chải không thể đả phá được! Nhưng lòng dạ mọi người đều rất tốt, rất nhiệt tình... Dì phải dần dà sống qua một khoảng thời gian, đợi mọi người nguôi quên, để dì xây dựng lại uy tín, mọi người sẽ quay trở lại tôn trọng dì!
- Không như thế đâu! Không như thế đâu! Tâm Mi khóc lớn - Không có ai sẽ tha thứ tôi. Toàn thể bọn họ đều lên án tôi, người này một câu, người nọ một câu, lời họ nói giống như một lưỡi gươm sắc, họ dự định giết chết tôi! Bây giờ tôi quả sống không bằng chết! Có lẽ chỉ có nhảy từ hòn Vọng Phu xuống, mọi người mới vừa lòng.
- Dì Mi, dì đừng nói chuyện ngốc nghếch như vậy - Hạ Lỗi nói - Nghĩa phụ, người sẽ tha thức! Chỉ cần nghĩa phụ tha thức cho dì, người khác cũng sẽ tha thức cho dì! Thế giới của dì là nhà họ Khang! Dì phải sống ở nhà họ Khang, chỉ có cách đi cầu nghĩa phụ tha thứ mà thôi! Đi đi! Đi cầu đi! Lòng nghĩa phụ mềm như thế... người sẽ tha thứ cho dì.
Tâm Mi trong lòng rung động, có thể thế được chăng? Khang Bỉnh Khiêm sẽ tha thứ cho chị ư?
Buổi tối, Tâm Mi bưng một chén chè hạt sen, đến cửa phòng ngủ của Khang Bỉnh Khiêm, còn nghi ngại nên bụng run, giây lâu mới dám lấy hết dũng khí, gõ cửa phòng.
Vịnh Tình mở cửa phòng, nghi ngờ nhìn chị.
- Tôi... tôi... tôi đến, Tâm Mi ngại ngùng, xấu hổ, cầu tha thứ, nói mang dâng lão gia một chén chè hạt sen...
Vịnh Tình né nhường sang một bên, đi đến bên cửa sổ, lạnh lùng nhìn xem Khang Bỉnh Khiêm quyết định thế nào.
Tâm Mi run lẩy bẩy, bưng chén chè hạt sen đến trước giường Khang Bỉnh Khiêm.
- Lão gia! Tôi... tôi...! Chị cầu khẩn nhìn Khang Bỉnh Khiêm, mắt đầy lệ - Tôi nấu chè hạt sen... người xơi cho nóng...
Khang Bỉnh Khiêm chăm chú nhìn Tâm Mi, cái mà ông tiếp xúc là đôi mắt hổ thẹn và cầu xin tha thứ của Tâm Mi, buồn khổ biết bao. Nước mắt, từ khóe mắt chị lăn xuống, hai tay bưng chén chè, không dám động khẽ, cũng không dám gạt lệ. Khang Bỉnh Khiêm trong lòng rung động, người đàn bà này dầu sao cũng đã cùng ông chung chăn gối, cũng là người đàn bà từng có con với ông! Ông hít một hơi, chìa tay ra toan đỡ lấy chén.
Nhưng, trong khoảnh khắc, trước mặt ông lại hiện ra cảnh phía sau hòn non bộ, Tâm Mi gục trên vai Khang Cần khóc kể:
"Khang Cần, anh cứu tôi với... Con người tôi lẽ ra phải chết từ lâu rồi, chỉ vì anh khiến tôi còn sống nổi được... "
Cánh tay đón chén chè của ông run lên. Ông hất một cái. "Choang" một tiếng động mạnh, vỡ vụn, chén chè nóng sôi bắn lên tay, lên người Tâm Mi, làm tan nát hy vọng cuối cùng của chị.
- Con đàn bà đê tiện, cút đi cho ta! Cút đi đến nơi ta vĩnh viễn không nhìn thấy mày nữa...
Tâm Mi chạy vọt ra cửa, chạy ra khỏi phòng ngủ của Khang Bỉnh Khiêm, chạy vào hành lang, chạy qua vườn hoa, xuyên qua nhà thủy tạ, chạy đến cửa sau, mở cửa sau, chạy vào rừng cây nhỏ, chạy đến đồng rộng, chạy qua khu đá nhám... hòn Vọng Phu đang sừng sững trong đên đen.
- Dì Mi! Bóng Tâm Mi chạy làm kinh động Hạ Lỗi đang đứng dựa cửa sổ - Dì Mi, dì đi đâu đấy? Anh nhảy dựng lên, mở cửa phòng, phóng chân đuổi theo Dì Mi! Trở lại! Dì Mi...
Tâm Mi trèo lên hòn Vọng Phu, đứng ở đó tựa như một u hồn.
Hạ Lỗi điên cuồng chạy tới, ngẩng đầu lên nhìn, bay hồn bạt vía.
- Dì Mi! Anh kêu to, như điên cuồng - Không được! Không được! Dì đợi tôi! Tôi có chuyện nói với dì!... Khang Cần nhắn gửi lại một số chuyện cần nói với dì...
Hạ Lỗi vừa kêu, vì dùng cả tay chân trèo lên hòn Vọng Phu.
Tâm Mi cười một nụ cười phiêu hốt, thê lương. Nhằm phía dưới, buông mình gieo xuống.
Hạ Lỗi đã trèo lên được ghềnh núi, kinh hãi giơ tay túm lấy, kêu to:
- Dì Mi...
Anh túm được chéo áo Tâm Mi, quần áo bị xé rách hết. Người Tâm Mi giống như cái diều giất đứt dây lâng lâng rơi xuống. Trong tay anh chỉ túm được một cánh chéo áo toạc rách.
- Dì Mi! Hạ Lỗi run giọng kêu to, gục bên tảng đá ghềnh núi, nhìn xuống dưới Dì... Mi...
Tâm Mi rơi xuống đất, tứ chi co quắp, giống như một con búp bê vỡ nát.
Tâm Mi chết rồi.
Cái chết của Tâm Mi làm chấn động cả thần trí của Hạ Lỗi. Anh không phân rõ tình cảm của mình là như thế nào, cũng không có cách nào đam cảm giác đã bị dập nát của mình chỉnh lý cho nhịp nhàng. Anh thấy hoàn toàn thất bại, thua rồi! Từ Ngũ Tứ đến nay, phong trào mới hun đốt toàn bộ con người anh, bây giờ coi như đã hết. Cái chết đã mang đi tất cả những yê, hận, tình, thù. Đời Hạ Lỗi đã hai lần đối mặt với cái chết, một lần là phụ thân Hạ Mục Vân, một lần là Tâm Mi. Điều kỳ quái là, hai người đều kết thúc cuộc đời bằng cách thê thảm như vậy. Người Trung Quốc là dân tộc như thế nào? Có người "coi chết như về", có người "tráng liệt thành điều nhân", có người "lấy cái chết tỏ chí", có người "chết cho rồi đời", không phải chỉ bởi có sinh mệnh mới có tất cả đó ư?
Hạ Lỗi không thể nghĩ sâu, không thể phân tích, anh mất hết năng lực suy xét.
Ngày thứ ba sau cái chết của Tâm Mi, là sự chôn cất qua loa. Bỉnh Khiêm nằm trên giường bệnh đã không có sức đảm đương cái chết của Tâm Mi nữa. Mộng Hoa trong thời gian một đêm trở nên chín chắn, anh đứng ra lo liệu mọi việc. Bạn bè thân thích hầu như không được báo tin, ngay cả thân như Thiên Bạch, Thiên Lam cũng đều không đến. Tâm Mi tuy cũng được chôn trong vườn mộ nhà họ Khang, nhưng ở ngoại vi, xa phần mộ tổ tiên, ở một góc khuất. Nhìn thấy cỗ áo quan mỏng, trong cơn mưa gió sụt sùi, thê lương đi vào lòng đất, Hạ Lỗi nghĩ, dì sẽ không bận tâm, kể cả sinh mệnh còn không thiết, sao lại bận tâm chôn ở đâu? Vào lòng đất rồi, chẳng qua chỉ là một cái "túi da thối" mà thôi. Nhưng, linh hồn và sức mạnh tinh thần của con người, phải chăng cũng biến theo với sinh mệnh, hay là chập chờn trong khoảng hư không?
Mộng Phàm bí mật lập một bài vị ở trong phòng Tâm Mi, thắp hai cây nến trắng. Đứng trước bài vị Tâm Mi, cô đốt hương khấn khứa:
- Dì Mi, xin dì an nghĩ! Trong những năm tháng dì sống, dì không được hưởng thú vui sướng hạnh phúc, cuối cùng dì chọn lấy cái chết! Hoặc giả chỉ có cái chết, cõi trở về ấy, dì mới có được sự bình an và yên tĩnh đích thức! Dì Mi, một đời dì muốn mưu cầu tự do, mà không đạt được tự do, muốn khẳng định mình mà không ai thừa nhận, muốn mưu cầu tình yêu, mà không đạt được tình yêu. Rồi hôm nay, dì dùng sinh mệnh vô giá để đổi lấy hết thảy! Hoặc giả, đó cũng là trí tuệ của dì! Bởi vì dì biết, chỉ có cách ấy, linh hồn dì mới siêu thoát. Giờ phút này, có lẽ linh hồn dì đang vượt lên khỏi hồng trần, ngao du trong khoảng thái hư, cười nhìn sự dung tục và ngu muội của người đời!
Hạ Lỗi đứng ở bên cửa, nghe tiếng nói thành thật xao xuyến của Mộng Phàm. Mộng Phàm vô tư và trong sáng biết bao, bởi có vô tư trong sáng mới nói được những lời như vậy! Anh nhìn bài vị Tâm Mi, nhìn làn khói xanh cuộn vòng, lài nhìn vẻ mỹ lệ siêu phàm thoát tục của Mộng Phàm... trong lòng anh quặn thắt, trong óc hiện lên hai câu của bài tư khóa hoa trong hồng lâu mộng: "Hôm nay chôn hoa người cười ngây, năm sau chôn biết là ai đây? ". Anh bị ý nghĩ đó làm cho kinh hãi. Mộng Phàm! Hôm nay ai giết dì Mi? Bàn tay giết dì Mi ấy sẽ lại giết chết nàng hay không?
- Hạ Lỗi! Mộng Phàm cầm một nén hương đến đưa cho anh. Anh cũng dâng dì Mi một nén hương đi!
- Dì Mi, dì ấy không cần gì hết, dì ấy còn cần hương của chúng ta sao? Đốt hương là siêu độ cho người chết ư? Hay là người sống tự cầu cho tâm yên ổn? Tôi không đốt! Đốt hương cũng không đốt cháy được sự tự trách của tôi và mặc cảm phạm tội của tôi, nếu tôi không cố xúy nhân quyền tự do gì gì, dì Mi chưa biết chừng vẫn sống được yên lành!
- Hạ Lỗi, anh không thể như vậy! Mộng Phàm bình tĩnh nói - Bản thân dì Mi là một bi kịch, bây giờ người chết là hết, anh không nên để mình lại sa vào cái bi kịch ấy! Anh không thể tự trách, không thể có mặc cảm phạm tội! Anh nhất định không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của dì ấy.
- Tôi vượt không thoát! Tôi quá hối hận! Tôi hoàn toàn tuyệt vọng rồi! Sụp đổ rồi! Hạ Lỗi đẩy Mộng Phàm ra, vội chạy. Hạ Lỗi cứ chạy thẳng đến cửa nhà Thiên Bạch. gặp Thiên Bạch, anh túm lấy ngực áo Thiên Bạch.
- Thiên Bạch, anh nên nghiêm chỉnh trả lời tôi một câu hỏi: từ nay trở đi, Mộng Phàm là việc của anh, phải vậy không?
- Mộng Phàm? Thiên Bạch nhíu mày lại, hít hơi vào nói - Cô ấy vẫn cứ là việc của tôi, không phải vậy sao?
- Nói hay lắm! Hạ Lỗi bỏ Thiên Bạch ra, hất đầu một cách nặng nề - Từ nay trở đi, mừng giận vui buồn của cô ấy đều là việc của anh! Nếu cô ấy biến thành mây, thành khói, thành hòn đá, cũng là mây của anh khói của anh, hòn dá của anh! Anh nhớ đấy! Anh nhớ kỹ lấy! Anh chịu trách nhiệm giùm tôi về sự anh nguy của cô ấy, đảm bảo một đời cô ấy gió êm sóng lặng! Chớ có để cô ấy thành một dì Mi thứ hai!
Hạ Lỗi nói xong, quay đầu đi. Thiên Bạch rung động bước tới một bước, trong lòng đã linh cảm điều gì. Anh kêu to một câu:
- Hạ Lỗi!
- Xin hạy thận trọng! Hạ Lỗi đáp lại bằng mấy lời rồi nhanh chóng biến mất sau một góc phố.
Từ đấy Hạ Lỗi bặt tăm, không trở về nhà họ Khang nữa. Trên bàn viết của anh, anh để lại mấy lời: Sống chết khổ mênh mông Vật chi sánh tình nồng, Từ nay nơi góc biển, Muôn nỗi đã thành không!
Mộng Phàm xông vào rừng cây nhỏ, lao ra đồng rộng, trèo lên hòn Vọng Phu, cô nhìn rừng núi bốn bề, dùng hết sức kêu to:
- Hạ Lỗi! Anh... trở... lại!
Tiếng kêu thảm thiết của cô lan đi, núi khẽ vọng lại, mang theo hồi âm bất tuyệt.
- Hạ... Lỗi... Anh... trở... lại... trở... lại... trở... lại...
Nhưng tiếng kêu gọi của cô cũng vô ích. Cô cũng không gọi nổi Hạ Lỗi, thế là anh đi rồi. Đem tất cả tình yêu, dứt bỏ hết, ra đi không ngoái lại
Một năm sau.
Ở biên thùy Vân Nam xa xôi, có một thành thị nhỏ mang tên Đại Lý. Từ rất lâu về trước, Đại Lý đã thành một nước, bởi địa thể ở cao nguyên, bốn mùa như mùa xuân, nên được gọi là "diệu hương cố quốc". Ngày nay dân tộc sống ở Đại Lý, thích màu trắng, họ hay mặc y phục màu trắng, kiến trúc đều dùng màu trắng, tự xưng là "Bạch tử", người Hán gọi là người "Lặc Mặc"... cũng là người tộc bạch. Ở thời đại ấy, người tộc Bạch là một dân tộc còn khá hoang dã, nguyên thủy, và mê tín.
Đó là một buổi hoàng hôn.
Trong một tòa kiến trúc rất điển hình của người tộc Bạch ở thành Đại Lý, quanh thiên tỉnh vây người. Tộc trưởng người Lặc Mặc và vợ ông ta đang "gọi hồn phách" cho đứa con trai mười tuổi. Đao Oa của họ. "Gọi hồn phách" là một phương pháp chữa bệnh rất phổ biến của dân tộc Bạch. Người chữa bệnh không phải thầy thuốc, mà là Trại ba. Trại ba là tiếng tộc Bạch, dịch ra tiếng Hán thì là "thầy phù thủy" hoặc "pháp sư"
Lúc đó, Đao Oa hôn mê bất tỉnh nằm trên một giường gỗ. Chị của Đao Oa là Tắc Vi mười tám tuổi đứng ở bên giường. Vợ chồng tộc trưởng và các thân hữu đều vây quanh Đao Oa. Trong tay Trại ba giơ cao một con gà trống màu đỏ, hai hàng người tộc Bạch đi theo bên cạnh, trong tay cũng đều ôm gà trống đỏ. Phía trước là một bức tường lớn ấy gọi là "Chiếu bích", trại ba bắt đầu làm phép, giơ cao con gà trống đỏ lớn, mặt hướng về phương Đông, ông ta kêu to:
- Thần phương Đông ở đây?
Đám người tộc Bạch cũng giơ cao gà trống, mặt hướng về phương Đông, cao giọng trả lời:
- Có mặt! Có mặt! Có mặt!
Trại ba vội vỗ vào con gà trống trong tay, tiếng gà "cục tác" như trả lời. Đám người tộc Bạch đi theo cũng vội vỗ vào gà trống. Tiếng gà lảnh lốt nói nhau, quả là náo nhiệt. Trại ba giơ con gà trống về hướng Tây, kêu to:
- Thần phương Tây đâu?
- Có mặt! Có mặt! Có mặt! Đám người tộc Bạch trả lời.
Trại ba lại vỗ vào gà trống. Những người đi theo cũng làm như vậy. Trại ba đi đến bên giường nhìn xem. Đao Oa vẫn hôn mê như cũ, không có chút khởi sắc nào. Ông ta chạy về phía trước "đai chiếu bính" lại kêu lần thứ hai. Tiếng nói càng thêm hùng hậu. Đám người tộc Bạch đi theo cũng lớn tiếng trả lời, thanh thế rất là mạnh mẽ.
Dù cho Trại ba phí sức kêu bao nhiêu, Đao Oa trên giường gỗ vẫn luôn miệng rên rỉ, sắc mặt trắng bệch tỏ vẻ rất đau đớn. Tắc Vi đứng ở bên giường, mắt nhìn thấy bệnh tình của em không thuyên giảm, cô có hơi nghi ngờ về pháp thuật của Trại ba. Lúc sau, không nhịn nổi cô nói với cha mẹ:
- Cha! Mẹ! Nói là bảy ngày có thể gọi được hồn phách Đao Oa về, nhưng hôm nay là ngày thứ tám rồi, vẫn không gọi về được, làm thế nào bây giờ?
Mẹ Tắc Vi sợ quá, mặt méo xệch, thì thào:
- Đành tiếp tục gọi thôi! Đao Oa lần này bệnh nặng, mẹ nghĩ, con ma ốp vào người nó nhất định là con ma hiểm độc!
- Bà đừng nóng ruột! Tộc trưởng cất giọng tin tưởng - Trại ba rất giỏi, ông ta nhất định có thể cứu được Đao Oa!
- Nhưng gọi đi gọi lại mà vẫn cứ thế? Tắc Vi nóng ruột nói - Đao Oa tựa hồ mỗi ngày bệnh càng thêm nặng! Ngoài việc gọi hồn phách, ta còn có các cách khác để chữa cho nó... Hoặc giả, ta cầu vị thần khác có được không?
- Suỵt! Một loạt tiếng suỵt ngăn cản lời nói bậy bạ của Tắc Vi. Để khỏi đắc tội với thần linh, Trại ba giơ cao con gà trống, kêu lên càng khỏe hơn. Tắc Vi không biết tính sao, trong lòng bối rối, không ngăn nổi hai tay chắp lại, chạy ra ngoài cửa lớn, mặt nhìn về hướng mặt trời lặn, thành tâm cầu khẩn:
- Thần bản chủ ở khắp nơi nơi, xin ngài hiển linh, mở lòng từ bi, mau đến cứu cho Đao Oa! Chớ có để cho Đao Oa chết! Chúng tôi yêu mến nó, không thể mất nó! Thần bản chủ thần thông quảng đai! cầu người mau chóng hiểu linh!...
Tắc Vi bỗng ngậm miệng, đờ người nhìn về phương tây. Mặt trời vừa tròn vừa to, ở khoảng núi xanh chân trời tây từ từ lặn xuống. Chỗ cùng tận của con đường lúc đó đang có một người con trai cao lớn, xa lạ, cưỡi một con tuấn mã, phóng nhanh tới gần. Dưới ánh mặt trời lặn còn xót lại, người đó giống như từ trong thần thoại đi ra. Toàn thân đều tắm trong ánh mặt trời màu vàng.
Tắc Vi mắt sáng lên, chăm chăm nhìn người cưỡi ngựa tới. Người đó chính là Hạ Lỗi đã trôi giạt chẵn một năm. Anh đã đi qua ngôi nhà cũ ở Đông Bắc, đi qua hai bờ nam bắc Đại giang, đi qua cao nguyên Hoàng Thổ, cuối cùng đền Đại Lý ở Vân Nam. Hạ Lỗi dầu dãi phong trần, đã đi hầu khắp Trung Quốc, vẫn không tìm thấy chỗ có thể dừng chân.
Hạ Lỗi cho ngựa đi từ từ, bỗng bị một loạt tiếng kêu thu hút. Anh dừng ngựa lại, nhìn xem, không nhịn nổi nhảy xuống ngựa, buộc ngựa ở trên cây ngoài cửa. Anh tiến lại, đúng lúc Trại ba cầm con gà trống, đặt vào ngực Đao Oa, lớn tiếng hỏi:
- Linh hồn Đao Oa có trở về hay không?
Đám người tộc Bạch cùng kêu to:
- Trở về rồi! Trở về rồi!
Hạ Lỗi định thần nhìn Đao Oa, không ngăn nổi giật mình. Đứa trẻ miệng môi đen sì, tứ chi sưng phình, xem ra trúng một thứ độc gì đó, có thể sẽ chết. Đám người vẫn cứ cầm gà trống, gọi hồn cho đứa trẻ, khiến nỗi xúc động và phẫn nộ đồng thời bốc lên từ lồng ngực anh. Anh xông đến kêu to lên.
- Có thể thôi được rồi! Đừng kêu nữa! Bậy bạ quá! Các người còn kêu nữa, lỡ mất thì giờ chữa trị e rằng đứa trẻ không sống nổi!
Trại ba ngây người ra. Đám người tộc Bạch cũng ngây người ra. Vợ chồng tộc trưởng ngẩng đầu nhìn Hạ Lỗi, không biết là thần thánh phương nào đến. Mãi một lúc, mọi người đều lặng như tờ.
Hạ Lỗi không để ý đến ánh mắt kinh ngạc của mọi người. Anh vội vã tiến lại, khom lưng kiểm tra Đao Oa. Một năm nay nhờ đi đó đi đây, anh đã thu thập được rất nhiều kiến thức về y học. Anh thường thường kê đơn chữa bệnh cho người qua đường. Trong túi hành lý của anh mang theo có các thứ vị thuốc, dược thảo tùy thân. Anh xem xét Đao Oa kỹ càng. Bỗng phát hiện ra điều gì, anh ngẩng đều lên:
- Ở đây! Ở trên mắt cá, các người xem, có một chấm đen nhỏ, đó là vết thương! Xem ra là bò cạp độc tiết nọc vào! Chẳng lẽ các người đều không phát hiện ra? Chỗ mắt cá này sưng lên rồi! May mắn là bò cạp, chứ nếu là rắn thì đã bỏ mạng rồi.
- Vợ chồng tộc trưởng mắt trừng miệng đớ. Trại ba tỉnh táo lại, không ngăn nổi cả giận.
- Ngươi là ai? Đừng dính vào việc của chúng ta!
- Trại ba! Tắc Vi không nhịn nổi kêu - Để người ta xem thì đã quan hệ gì! Đúng đấy! Đao Oa bị cắn vào đây!
- Không phải cắn, là tiết nọc! Hạ Lỗi đỡ mắt cá chân của Đao Oa, ra lệnh oai nghiêm - Mau! Kiếm cho tôi một cái đèn dầu, đưa con dao nhỏ đây! Trong hành lý của tôi có nhựa thông! Nhanh lên! Chúng ta phải giành từng giây phút một!
- Dạ! Tắc Vi đáp lại, tiếng trong trẻo, rồi quay mình chạy ra lấy hành lý.
Hạ Lỗi hấp tấp moi từ trong hành lý ra mấy vị thuốc cần thiết.
- Bệnh đến nước này, chỉ e hun nhựa thông không ra được chất độc còn sót lại trong cơ thể. Trong này là kim ngân hoa và cam thảo, mau đi sắc cho nó uống! Mau lên!
Vợ tộc trởng như tiếp được thánh chỉ, tức tốc đỡ lấy vị thuốc. Tộc trưởng vội đi tìm đèn dầu và dao. Trại ba ôm con gà trống đỏ kinh ngạc. Đám người tộc Bạch cầm gà trống, không biết làm thế nào thì tốt. Nhưng ai ai cũng cảm thấy được "sức mạnh" không tầm thường trong người Hạ Lỗi.
- Chúng ta vào trong phòng chữa bệnh, ở ngoài này thiên tỉnh gió thổi mặt trời soi, há chẳng phải chữa bệnh lại gây thêm bệnh hay sao?
Đêm ấy Hạ Lỗi coi sóc Đao Oa, vừa cho thuốc, vừa hun vết thương, mất chẵn một đêm. Lúc mặt trời vừa sáng, Hạ Lỗi nhìn vết thương sưng chưa thuyên giảm, đành dùng lửa nướng dao, trên vết thương rạch một nhát, dùng miệng tức tốc hút máu dơ. Đao Oa đau đớn, toàn thân đểu nẩy lên, kêu to:
- Đau chết tôi rồi! Trời ơi! Đau chết tôi mất!
Người nhà nhìn mặt nhau, tiếp đó, vui mừng đập vỗ vào nhau, vừa vui cười, vừa nhảy, vừa kêu lên:
- Sống lại rồi! Sống lại rồi! Nói được rồi!
Đúng thế, Đao Oa sống lại rồi! Mở cặp mắt to đen phân minh, cậu nhìn mọi người tronug nhà, lấy làm lạ hỏi:
- Cha, mẹ, các người vây quanh tôi làm gì thế?
Người này là ai? Tại sao lại vừa hút hơi vừa thở ở chỗ chân tôi?
Hạ Lỗi cười.
- Bé à, em sống lại rồi! Anh sung sướng nói, quả tốt, cướp lại được một sinh mệnh từ tay thần chết, quả là tốt! Anh tiến đến chỗ Đao Oa cười - Hút hơi là khử độc cho em, thở hơi là để cho em khỏi đau!
- A ha! Tộc trưởng lớn tiếng kêu, vừa kêu vừa chạy ra - Đao Oa sống rồi! Đao Oa sống rồi!
Tắc Vi hoang mang nhìn Hạ Lỗi, tiến lên phía trước, cô kính cẩn cúi đầu:
- Tôi nhìn thấy ngài từ trong mặt trời đi ra! Tôi biết rồi! Ngài là thần bản chủ! Lúc ấy tôi đang cầu thần bản chủ hiển linh thì ngài xuất hiện! Đội ơn ngài! Thần bản chủ!
Tắc Vi thành tâm quỳ phục xuống đất.
Sau lưng Tắc Vi, đám người tộc Bạch đều kêu to, lũ lượt lạy phục xuống đất.
- Té ra là thần bản chủ!
Hạ Lỗi giật mình thất sắc, tay chân cuống quýt bước đến kéo Tắc Vi:
- Ấy ấy! Tôi không phải là thần bản chủ! Tôi là người Hán, tôi tên Hạ Lỗi! Không được gọi tôi là thần bản chủ! Thần bản chủ là gì, tôi không hiểu!
Nhưng người tộc Bạch đều hưng phần, vừa kêu to vừa đi ra đường phố.
- Thần bản chủ hiển linh rồi! Thần bản chủ cứu sống Đao Oa! Thần bản chủ đến rồi! Ngài từ trong mặt trời đi ra...
Hạ Lỗi đuổi theo ra cửa, mở miệng toan giải thích, nhưng những người tộc Bạch vây quanh ở bên ngoài, bao gồm cả Trại ba, đều ôm gà trống quỳ rạp xuống đất:
- Đội ơn thần bản chủ. Mọi người đồng thanh rống lên.
Hạ Lỗi ngạc nhiên đờ người ra, không biết xoay trở thế nào!
Ngày hôm sau, Đao Oa đã nhẹ nhõm tỉnh táo, tinh thần phấn chấn hơn nhiều. Cả nhà tộc trưởng rối vui vẻ. Để biểu thị sự hân hoan của họ, Tắc Vi hát vang vui múa điệu "múa ghế gỗ". Tiếp đó lại đưa Hạ Lỗi ra thiên tỉnh, đám người tộc Bạch vây quanh anh hát vang "điệu đón khách". Hạ Lỗi đi khắp Trung Quốc, chưa hề gặp một dân tộc nào lãng mạn nhiệt tình như người tộc Bạch, biết dùng ca múa để biểu đạt tất cả tình cảm của họ, đã không kìm lại, cũng không làm ra vẻ. Vũ đạo của họ rất nhịp nhàng, mang theo cái phóng khoáng từ thời nguyên thủy, nhạc khí của họ là cái tu huýt, cái còi và trống bịt da dê.
Vũ ghế gỗ là một tay cầm cần trúc, một tay cầm ghế gỗ nhỏ, dùng cần trúc gỗ vào ghế gỗ, càng gõ càng vang, càng múa càng náo nhiệt, tiếng tu huýt vang lên phối hợp, du dương dễ nghe. Lời ca như thế này: Một ngọn đèn lồng trên đài cao, Phượng hoàng bay đi bay lại bay lại, Phượng hoàng bay đi liên luy nhiều, Hoa quế ưa nhìn đường xa tới. Một chiếc ghế gỗ bốn đường viền, Hai tay nâng đến bên rồng lửa, Có lòng có ý ngồi ghế gỗ, a! Vô tâm vô ý ngồi bên lửa! Người khác đến từ mé núi kia, Chủ nhân vội vã nâng ghế gỗ, Có lòng có ý ngồi ghế gỗ, a! Vô tâm vô ý ngồi bên lửa!
Hát đến đoạn sau, mọi người lại vây tròn chung quanh, trong thiên tỉnh đốt một đống lửa, tất cả những mảnh trúc đã gõ nát đều ném vào thiêu trong đống lửa. Ngọn lửa rừng rực ánh lên từng bộ mặt tươi cười. Hạ Lỗi bị ôm xốc đặt vào ghế gỗ, biểu thị khách bằng lòng lưu lại. Những người tộc Bạch hát vui như sấm. Trống da dê gõ lên "tung tung, tung tung, tung tung tung "... Theo với tiếng trống nổi lên, còi tu huýt cùng kêu, một đám thanh niên tôc Bạch nhảy vào vòng, dùng giọng nam hùng hồn, cùng các thiếu nữ bắt đầu ca múa, có xướng có đáp: Sông lớn nước dâng, sông nhỏ đục Không biết sông nhỏ có sâu không? Ném hòn đá xuống thử sâu nông Hát khúc sơn ca ướm thử lòng Dưới chân núi cao hoa quế nở, Núi đối cùng núi, non đối non, Em là hoa quế hương nghìn dặm Ong mật chàng từ vạn dặm bon!
Tiếng trống nhạc càng lúc càng sôi nổi, động tác của người nhảy múa cũng cáng lúc càng nhanh. Tiếng ca càng vang tới tầng mây: Bãi cỏ liền nhau, nước giao nhau, ới ai ơi! Đêm nay gặp gỡ xa lạ đâu? ới ai ới ai ơi! Chàng là mưa nhỏ từ trời xuống, ới ai! Em là gió mát đất xôn xao, ới ai ơi! Kết giao nên hộc nước chảy dài, ới ai ới ai ơi! Chớ học hạt móc buổi sớm mai, Chàng với em như cây dẻ cứng ới ai! Gió thổi mưa sa, gốc chẳng dời, ới ai ơi!
Tiếng trống gõ như điên người tộc Bạch ca múa không ngừng, trên bãi sôi nổi biết bao, hùng tráng biết bao. Hạ Lỗi say mê, thấy toàn thể con người mình được âm nhạc và vũ đạo "cỗ vũ", giờ mới hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ "cỗ vũ". Anh không rời mắt nhìn những người tộc Bạch, bị lây sự vui vẻ bừng bừng của họ. Anh cười. Giống như được phóng thích từ lời nguyền rủa của ma quỷ, anh trở về với thiên nhiên, về với thời nguyên thủy... Không ngăn nổi mình, anh gia nhập vào vào đám thanh niên tộc Bạch, nào múa, nào nhảy. Toàn thể con người anh sôi sục lên, hòa hợp với ca vũ. Anh tựa hồ trong một khoảnh khắc tìm được cái tôi thực đã mất đi. Anh cùng mọi người cùng hát lên: Ới ai ới ai ơi! Chàng với em như cây dẻ cứng, ới ai! Gió thối mưa sa,gốc chẳng dời, ới ai ơi
Hạ Lỗi ở lại Đại Lý như vậy đấy.
Tắc Vi mang niềm vui thích vỗ bàn, sự sùng bái vô tận, đi theo Hạ Lỗi, không ngại phiền giải thích với Hạ Lỗi về tập quán, phong tục, tín ngưỡng, kiến trúc... của người tộc Bạch... cũng không ngại phiền dạy Hạ Lỗi các "điệu tử". Bởi tiếng mẹ đẻ của người tộc Bạch là ca chứ không phải ngô ngữ. Họ không lúc nào nơi nào không ca hát: thu hoạch phải hág, hội lễ phải hát, kết giao bèn bạn phải hát, yêu đương phải hát... Họ gọi lời hát là "điệu tử", trường hợp khác nhau hát những điệu khác nhau. Con cái họ từ thời thơ ấu trở đi, cha mẹ đã dạy chúng "điệu tử". Toàn thể tộc Bạch có hơn một nghìn điệu tử khác nhau, Tắc Vi cười hì hì nói cho Hạ Lỗi biết:
- Tộc Bạch chúng tôi có một câu tục ngữ "Một ngày không hát điệu Tây Sơn, cuộc sống thành vô vị hết trơn!"
- Hay tuyệt! Hạ Lỗi thán phục - Các người ngay cả tục ngữ cũng ráp vần! Tôi chưa gặp một dân tộc nào thơ mộng như vậy, lại nguyên thủy như vậy! Các người sống giản dị biết bao, vui sướng biết bao! Lấy cả trò chuyện, lấy vũ trị họp đúng là quá lãnh mạn! Hay tuyệt! Tôi rất thích thú dân tộc này! Tôi rất thích thú địa phương này!
- Ngài là thần bản chủ của chúng tôi, đương nhiên là thích chúng tôi!
Hạ Lỗi nghiêm sắc mặt lại:
- Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần tôi không phải là thần bản chủ!
- Điều đó không quan trọng - Tắc Vi mặt vẫn tương cười - Thần bản chủ chúng tôi sùng bá vốn không có hình hài cụ thể mà là "nhân thần hợp lại!". Ngài không phải là thần bản chủ, chúng tôi vẫn cứ gọi ngài là thần bản chủ để sùng bái!
Anh trừng mắt nhìn Tắc Vi, đúng là không có cách nào "khuất phục" được cô ta.
Tắc Vi năm nay vừa tròn mười tám tuổi, là cô gái đẹp nổi tiếng Đại Lý, là đối tượng mà rất nhiều chàng trai theo đuổi. Cô mày mắt phân minh, ngũ quan xinh xắn, thân hình đầy đặn, cứ chỉ nhẹ nhàng, lại thêm cô có giọng hát rất hay, mỗi lần hát điệu tử, đều khiến cho mọi người hài lòng mến phục. Cô nhiệt tình, giản dị, sống vui, hồn nhiên, hoàn toàn không có dấu vết, chạm trổ do nhân công. Cô không đọc qua sách gì, đối với "chữ" cơ hồ không biết, nhưng có thể tùy cơ ứng biến bắt vần ca. Cô thông minh, cơ trí, nguyên thủy mà cũng lãng mạn, Hạ Lỗi thường không ngăn nổi, đem so sánh cô với Mộng Phàm... Mộng Phàm nhẹ nhàng phiêu dật, giống như một đóa phù dung nở đẹp. Mộng Phàm, Mộng Phàm. Lòng Hạ Lỗi vẫn nhớ mãi không quên cái tên ấy. Mộng Phàm bây giờ đã kết hôn với Thiên Bạch rồi! Chưa biết chừng đã có con rồi cũng nên! Gặp lại vài năm sau, thì đã "lục diệp thành âm tử mãn chi" rồi! Nên quên nàng đi, quên đi. Anh lắc lắc đầu, định thần nhìn Tắc Vi. Tắc Vi nở một nụ cười, xán lạn như ánh mặt trời.
Những ngày ở cùng một chỗ với Tắc Vi, Đao Oa cứ như bóng với hình theo bên họ. Đứa trẻ mười tuổi mang theo bản năng và sức sống bẩm sinh, bất luận khi đánh cá, bất luận khi đi săn, đều vui vẻ ca hát. Đối với Hạ Lỗi, nó không chỉ sùng bái và khâm phục, mà tựa hồ như "mê" anh.
Nhĩ Hải là nguồn sống lớn nhất của người Đại Lý, cũng là cái hồ hấp dẫn nhất. Thương sơn mười chín ngọn giống như mười chín trai tráng, ôm Nhĩ Hải dịu dàng như cô gái trinh trong vòng tay. Hạ Lỗi đến Đại Lý không lâu, đã mê Nhĩ Hải. Cùng Tắc Vi, Đao Oa, ba người thường chèo một chiếc thuyền nhỏ, ra Nhĩ Hải bắt cá. Trong Nhĩ Hải cá rất nhiều, mỗi lần bủa lưới, đều có thu hoạch lớn. Ngày hôm đó, Đao Oa và Tắc Vi, vừa bắt cá, vừa hát, Hạ Lỗi vừa chèo thuyền, vừa nghe hát, thấy quả là như trên cõi tiên.
Cái gì là cá mùa xuân? Tắc Vi xướng.
Cá bạch cung là cá mùa xuân - Đao Oa họa.
Cá gì là cá mùa hè? Tắc Vi xướng.
Cá chép vàng là cá mùa hè - Đao Oa họa.
Cá gì là cá mùa thu? Tắc Vi xướng.
Cá dầu nhỏ là cá mùa thu - Đao Oa họa.
Cá gì là cá mùa đông? Tắc Vi xướng.
Cá mè là cá mùa đông - Đao Oa họa.
Cá gì là cá trong nước? Tắc Vi quay đầu nhìn Hạ Lỗi, lấy ngón tay chỉ anh, bảo anh trả lời.
Ti mục ngư là cá trong nước - Hạ Lỗi nửa đời người chưa quen, cũng cố họa.
Cá gì là cá trên bờ? Tắc Vi xướng.
Oa Oa ngư là cá trên bờ - Hạ Lỗi họa.
Đao Oa vui thích qua, lắc lư đầu nhìn. Tắc Vi và Hạ Lỗi, miệng ê a giúp họ phối nhạc và đánh phách. Cá gì là cá trên tảng đá? Cá sấu lớn là cá trên tảng đá! Cá gì là cá trong kẽ đá? Tam tuyến kẻ là cá trong kẽ đá!
- Ô ô! Đao Oa kêu to Tam tuyến kê không phải là cá! Anh lầm rồi! Anh phải chịu phạt!
- Phải đấy - Tắc Vi cũng cười. - Xưa nay chưa bao giờ nghe thấy có cá gọi là tam tuyến kê!
- Không lừa các em đâu! Hạ Lỗi cười nói - Tam Tuyến kê là một thứ cá đá san hô, sinh trưởng trong biển lớn, không có trong Nhĩ Hải, là cá nước mặn, trên mình có ba đường ngân tuyến! Anh nhìn vẻ mặt không tin của Tắc Vi và Đao Oa lại càng cười thú vị - Tôi đã học hệ thực vật trường đại học, khoa học động vật cũng đã học qua! Không đánh lừa các em đâu!
- Hệ thực vật - Đao Oa nhướng lông mày lên nhìn Tắc Vi. - Hệ thực vật là cái gì?
- Là... rất có học vấn, đúng thế chứ gì! Tắc Vi cười đáp.
- Này này! Đao Oa la om sòm - Đừng hát về cá nữa, hát về hoa đi!
Tắc Vi liền hát tiếp:
Hoa gì là hoa mùa xuân?
Mạn đà la là hoa mùa xuân! Hạ Lỗi họa rất xuôi thuận.
Hoa gì là hoa mùa hè? Tắc Vi xướng.
Tuyết tháng sáu là hoa mùa hè - Hạ Lỗi họa.
Hoa gì là hoa mùa thu? Tắc Vi xướng.
Hạ Lỗi nhất thời nghĩ không ra. Đao Oa ráng sức vỗ tay thôi thúc, Hạ Lỗi nghĩ rồi buột miệng hát:
Hồ trèo tường là hoa mùa thu!
Đao Oa và Tắc Vi đăm đăm nhìn nhau, Đao Oa kinh ngạc nói "Hồ trèo tường"? Rồi hai chị em kêu lên thành tiếng - Của hệ thực vật, không thể sai được! Rồi nhìn nhau cười.
Hạ Lỗi cũng cười to. Tắc Vi cố ý đồi lời, cốt là khó Hạ Lỗi.
Hoa gì là hoa "bốn mùa"?
Hạ Lỗi đưa đẩy con người, không bối rối hát tiếp:
Hoa Tắc Vi là hoa bốn mùa!
Tắc Vi giật mình, nhìn đăm đăm Hạ Lỗi. Đao Oa nhìn Tắc Vi, lại nhìn Hạ Lỗi, không biết tại sao, vui đến không khép nổi miệng. Thuyền nhỏ trong khi xướng họa, từ từ áp vào bờ. Đao Oa nhảy thoắt một cái lên bờ, để lại non xanh nước biếc lặng như tờ cho Tắc Vi và Hạ Lỗi.
Tắc Vi không chớp mắt nhìn Hạ Lỗi. Hạ Lỗi đối với ánh mắt như vậy hết sức quen thuộc, trong lòng anh bỗng quặn thắt, đau đến nỗi lông mày chau lại. Anh quay đầu nhìn trời mây phía xa, chỗ xa tít trời mây, có một khuôn mặt của một người con gái khác. Anh cúi đầu nhìn mặt nước Nhĩ Hải, trong nước cũng có khuôn mặt tương đồng, phút vui sướng bỗng lìa anh mà đi xa, anh thấp giọng lẩm bẩm khẽ kêu:
- Mộng Phàm!
Nét cười của Tắc Vi vụt biến, cô nghi hoặc chăm chú nhìn Hạ Lỗi, do Hạ Lỗi u uất mà cô cũng u uất theo.