Cô Martha Meacham có một cửa hiệu bán bánh mì nhỏ ở góc phố (ấy chính cái cửa hiệu ấy, bạn biết rồi chứ? Nơi có bậc tam cấp đi xuống và khi bạn mở cửa, chiếc chuông kêu leng keng).
Cô Martha đã ngấp nghé tứ tuần, và trong tài khoản của cô ở ngân hàng có hai nghìn đôla. Cô Martha có hai chiếc răng giả và một trái tim rất đa cảm. Nhiều phụ nữ khi đi lấy chồng thật ra còn ít điều kiện hơn cô Martha kia.
Khoảng hai ba lần trong tuần ở cửa hiệu lại xuất hiện một khách hàng mà cô Martha ít nhiều để ý đến. Đó là một người đàn ông trung niên, đeo kính và có bộ râu quai nón rậm được xén tỉa thành hình cái nậm. Ông ta nói tiếng Anh với giọng Đức rất nặng. Bộ comlê ông ta mặc hơi rộng, đã cũ, không được là cẩn thận, nhiều chỗ đã phải vá. Ấy thế nhưng ông vẫn có vẻ chỉnh tề và cái chính là tác phong của ông rất đứng đắn.
Người khách này bao giờ cũng chỉ chọn hai chiếc bánh mì đã cứng. Bánh mì mới ra lò giá năm xu một chiếc, còn bánh mì đã cứng thì năm xu được những hai cái. Không khi nào ông ta hỏi mua một thứ gì khác.
Có một lần cô Martha nhận thấy những vệt bột màu đỏ và nâu ở ngón tay của ông. Khi đó cô khẳng định ông ta là hoạ sĩ và rất nghèo. Có lẽ ông phải sống ở đâu đó trên gác xép, hàng ngày ăn bánh mì khô cứng và mơ ước đến bao nhiêu thứ ngon lành khác có rất nhiều ở cửa hiệu của cô.
Bây giờ, mỗi bận ngồi ăn sáng – một miếng thịt bê, bánh bơ mứt và nước chè – cô Martha thỉnh thỏang lại thở dài và thương xót cho ông hoạ sĩ, một con người tế nhị và có học đến vậy, lẽ ra có thể cùng ngồi ăn uống ngon lành với cô lại phải ngồi nhai những mẩu bánh mì khô cứng trên gác xép lạnh lẽo, bị gió lùa. Trái tim cô Martha, như bạn biết đấy, vốn rất đa cảm.
Sau khi quyết định kiểm tra lại điều phỏng đoán của mình về nghề nghiệp của ông khách, cô Martha đã đem từ phòng trong ra cửa hiệu bức tranh trước kia mua tại nơi bán đấu giá và đặt nó lên giá phía sau quầy hàng. Bức tranh vẽ một cảnh tượng ở Vơnidơ ở chỗ dễ thấy nhất, hay nói đúng hơn là chỗ lắm nước nhất nổi lên một toà cung điện đá trắng nguy nga (nếu như tin vào chú thích phía dưới). Khoảng không gian còn lại đầy kín những chiếc thuyền có mui (một mệnh phụ ngồi trên một chiếc thuyền đang thò ngón tay xuống nước), những đám mây, bầu trời và cơ man những mảng tối. Không một hoạ sĩ nào đi ngang qua một bức tranh như vậy mà lại không chú ý đến nó.
Hai ngày sau người khách ấy lại đến cửa hiệu.
- Sin pà hai chiếc bánh mì khô.
Và khi cô Martha gói bánh mì vào giấy, ông nói:
- Thưa pà, bức tranh của pà mới đẹp làm sao.
- Thế à? – Cô Martha rất hớn hở vì cái mẹo láu cá của mình. – Tôi yêu nghệ thuật lắm và… (có quá sớm khi nói: … “và cả các hoạ sĩ” không nhỉ?) – Sau khi tìm được từ thay thế cô nói tiếp: – … và hội hoạ. Ông cũng thích bức tranh này à?
- Cung tiện này vẽ không đúng, – người khách trả lời, – phối cảnh không chuẩn xác. Thôi, chào pà nhé.
Ông khách cầm gói bánh mì, cúi chào và bước nhanh ra cửa.
Bây giờ thì không còn phải nghi ngờ gì nữa, ông ấy đúng là hoạ sĩ. Cô Martha lại đem bức tranh cất vào phòng trong.
Ánh mắt ông ấy sau cặp kính trông mới dịu dàng nhân hậu làm sao! Vầng trán ông ấy mới cao làm sao! Vừa mới nhìn bức tranh đã nhận xét được ngay về cách phối cảnh – vậy mà phải sống bằng bánh mì khô! Nhưng các thiên tài nhiều khi buộc phải vật lộn để sinh tồn trước khi thế giới công nhận họ đấy chứ.
Nghệ thuật và kỹ thuật phối cảnh sẽ được lợi bao nhiêu nếu như con người tài năng này được sự hỗ trợ của hai nghìn đôla tài khoản ngân hàng, một cửa hiệu bánh mì và một trái tim đa cảm… Nhưng cô Martha ơi, cô lại bắt đầu mơ mộng hão huyền rồi đấy!
Bây giờ mỗi lần đến hiệu bánh mì, người khách hàng thường đứng lại một vài phút ở quầy hàng để nói chuyện với bà chủ. Rõ ràng là sự niềm nở của cô Martha làm ông ưng lòng.
Ông vẫn tiếp tục mua bánh mì khô cứng. Không hề mua gì khác ngoài bánh mì khô, không mua bánh ngọt, không mua bánh rán, cũng chẳng hề mua bánh quy đường ngon tuyệt vời của cô.
Cô Martha có cảm tưởng như gần đây ông gầy đi và trở nên có phần rầu rĩ. Cô rất muốn giúi thêm cái gì đó ngon lành vào cái gói nghèo nàn của ông, nhưng lần nào cô cũng không đủ can đảm làm điều đó. Cô không dám xúc phạm đến ông. Các hoạ sĩ vốn rất kiêu hãnh mà lại.
Cô Martha bắt đầu xuất hiện ở quầy hàng trong chiếc áo lục trắng chấm xanh. Trong phòng phía sau cửa hiệu bánh mì, cô Martha thường điều chế một hợp chất bí ẩn nào đó từ hạt mộc qua và hàn the. Nhiều người hay sử dụng chất này làm cho trắng da.
Vào một ngày đẹp trời, người khách hàng lại ghé vào cửa hiệu bánh mì như thường lệ, đặt đồng năm xu lên quầy hàng và mua hai cái bánh mì khô muôn thuở của mình. Khi cô Martha vừa đưa tay lên giá lấy bánh mì thì ngoài phố vang lên tiếng còi rú, tiếng bánh xe và một chiếc xe cứu hỏa phóng vụt qua cửa hiệu bánh mì.
Ông khách hàng lao vọt ra cửa như bất kỳ một người nào khác ở vào địa vị ông. Trong đầu cô Martha bỗng lóe lên một ý nghĩ tuyệt diệu và cô đã lợi dụng ngay được sự việc này.
Trên giá phía sau quầy hàng có một miếng bơ người bán sữa vừa mang đến cho cô mười phút trước đây. Cô lấy dao cắt đôi những chiếc bánh mì khô và đặt vào trong mỗi cái bánh một lát bơ khá lớn, sau đó kẹp chặt hai nửa lại.
Khi ông khách hàng quay vào thì cô Martha đã kịp gói bánh mì vào giấy.
Sau vài phút nói chuyện ngắn ngủi nhưng đặc biệt thú vị, ông ta rời cửa hiệu, và cô Martha im lặng mỉm cười, mặc dù lúc đó trái tim cô đang đập bồn chồn.
Có lẽ cô đã tự cho phép mình quá liều chăng? Nếu ông ấy tự ái thì sao? Không, chẳng nhẽ lại như vậy! Đồ ăn uống đâu phải những bông hoa – chúng không có ngôn ngữ của mình. Tặng bơ hoàn toàn không có nghĩa là người phụ nữ có ý xấu hổ.
Hôm đó cô Martha suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Cô hình dung thấy ông khách phát hiện ra cái mẹo láu lỉnh vô tội của cô như thế nào.
Này nhé, ông ấy xếp bút vẽ và bảng pha màu lại. Trên giá vẽ là một bức tranh được phối cảnh rất hoàn hảo. Ông chuẩn bị bữa sáng bằng bánh mì khô và nước lã. Ông cắt bánh mì ra và… ái chà!
Hai má cô Martha ửng hồng. Ông có nghĩ đến bàn tay người đã cho bơ vào bánh mì không nhỉ. Ông có muốn…
Chuông trên cửa bỗng réo lên giận dữ. Ai đó bước thình thịch vào hiệu bánh mì. Cô Martha vội từ phòng trong chạy ra và nhìn thấy hai người đàn ông đứng ở quầy hàng. Một người trẻ tuổi ngậm chiếc tẩu trên môi – đây là lần đầu tiên cô thấy anh ta, còn người đàn ông thứ hai chính là ông hoạ sĩ của cô.
Mặt ông hoạ sĩ đỏ phừng phừng, chiếc mũ lật ngửa ra phía sau gáy, tóc tai bù xù. Ông ta nắm chặt tay và giận dữ giơ quả đấm trước mặt cô Martha. Giơ ngay trước mặt cô Martha!
- Dummkôp! – ông ta quát lên giận dữ bằng tiếng Đức. Cứ đợi đấy – Tausendonfer! – hay là tiếng gì đó đại loại vậy.
Chàng thanh niên kéo ông hoạ sĩ ra cửa.
- Không, tôi sẽ không ra khỏi nơi đây trước khi nói hết mọi điều với bà ta. – ông hoạ sĩ gào lên tức tối.
Những quả đấm của ông làm cho quầy hàng của cô Martha biến thành một chiếc trống Thổ Nhĩ Kỳ.
- Bà đã phá hỏng hết của tôi, – ông quát, đôi mắt xanh long lên giận dữ sau cặp kính.
- Tôi, tôi sẽ nói hết tất cả! Bà là đồ mèo già láo lếu!
Cô Martha kiệt sức tựa lưng vào chiếc giá xếp bánh mì, tay nắm chiếc áo lụa trắng chấm xanh của mình. Anh thanh niên túm lấy cổ áo ông hoạ sĩ.
- Đi thôi! Nói hết thế là được rồi. – Anh kéo ông bạn đang phát khùng ra đường và quay lại nói với cô Martha.
- Dù sao thì cũng chẳng nên giấu gì bà, do đâu mà xảy ra việc ầm ĩ này. Đó là ông Blumberger, ông ta làm nghề can bản vẽ. Chúng tôi cùng làm việc ở một cơ quan xây dựng. Ba tháng nay ông Blumberger gò lưng làm việc không mệt mỏi, thiết kế toà nhà thị chính mới để chuẩn bị mang dự thi. Chiều hôm qua ông đồ lại bản vẽ bằng mực tàu đã xong. Chắc bà biết người ta vẽ bằng bút chì trước tiên, sau đó tẩy những đường chì bằng bánh mì khô, dùng bánh mì khô tốt hơn dùng tẩy. Ông Blumberger vẫn thường mua bánh mì ở chỗ bà. Còn hôm nay… bà biết đấy… chỗ bơ của bà… bà cứ tưởng tượng xem… tóm lại là bản vẽ của ông Blumberger bây giờ chỉ còn cách đem đi gói bánh mà thôi.
Cô Martha đi vào phòng phía trong cởi chiếc áo lụa chấm xanh và mặc chiếc áo cũ bằng vải mộc nâu vào. Sau đó cô với lọ thuốc rửa da làm từ hạt mộc qua và hàn the, và hắt tuột vào thùng rác sau cửa sổ.
Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
Đó là tiền đề câu chuyện của chúng tôi. Qua truyện này, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận từ tiền đề đó, đồng thời cũng chứng tỏ tiền đề đó không đúng. Đó là một điều mới mẻ về logic và là một nghệ thuật kể chuyện có phần nào còn cổ hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
Joe Larrabee ra đời ở vùng đồng bằng có nhiều cây sồi cổ thụ thuộc miền Middle West, trong lòng rung động những xúc cảm hội hoạ. Hồi sáu tuổi, Joe vẽ một bức tranh về cái máy bơm của thành phố, có một công dân danh tiếng vội vã đi ngang qua. Sự nỗ lực này được đóng vào khung và treo ở tủ kính một hiệu thuốc, đứng bên cạnh bông lúa mì và một dãy số lẻ. Hai mươi tuổi, chàng rời quê hương lên New York, với một chiếc nơ thắt lỏng lẻo và một số tiền lưng buộc chặt hơn đôi chút.
Delia Caruthers quê ở một làng miền Nam, trồng rất nhiều thông. Nàng lướt đôi tay trong sáu khoảng tám trên phím đàn dương cầm một cách đầy hứa hẹn đến nỗi họ hàng thân thuộc cố góp nhặt đủ những đồng tiền mỏng đặt trong cái mũ mỏng của nàng để cho nàng lên miền Bắc theo nốt việc học đàn. Họ sẽ chẳng thấy nàng theo nốt được việc học hành, nhưng đó lại là câu chuyện của chúng ta.
Joe và Delia gặp nhau trong một xưởng vẽ, một số sinh viên nghệ thuật và âm nhạc thường họp nhau ở đó để tranh luận về cách vẽ phối hợp màu sáng và tối, về Wagner, âm nhạc, tác phẩm của Rembrandt, tranh vẽ và Waldteufel, giấy trang trí tường, Chopin và chè hương Ô long.
Joe và Delia yêu nhau – hay là người nọ yêu người kia, tùy các bạn, – và chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã lấy nhau, vì, xin hãy xem ở đoạn trên, khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
Hai vợ chồng Larrabee bắt đầu công việc tề gia nội trợ trong một gian gác. Đó là một gian riêng biệt, trông na ná như một nốt la giáng chúc cái đuôi xuống phím đàn dương cầm. Họ sống rất hạnh phúc, vì họ đều có Nghệ thuật của mình và người này có người kia ở bên. Tôi khuyên chàng thanh niên giàu có hãy đem bán tất cả những thứ gì mình có để lấy tiền cho người nghèo, hãy làm một người gác cổng để được hưởng đặc quyền sống trong một gian nhà cùng với Nghệ thuật và với Delia của mình.
Những người sống trong một gian nhà như vậy nhất định sẽ xác nhận lời quả quyết của tôi rằng hạnh phúc của họ là hạnh phúc duy nhất thật sự. Nếu một căn nhà hạnh phúc thì không bao giờ quá chật hẹp, hãy hạ cái tủ áo nằm xuống thành một bàn billiard, hãy để bệ lò sưởi trở thành một xuồng máy, bàn viết thành một buồng ngủ dự phòng, chậu rửa mặt thành đàn dương cầm loại dây thẳng đứng; hãy để bốn bức tường hoà hợp với nhau để bạn và Delia của bạn sống ở giữa. Nhưng nếu một căn nhà thuộc loại khác thì nó cần phải rộng lớn, bạn bước vào ở Cổng Vàng, treo mũ tại Hatteras, và ra khỏi nhà ở Labrador.
Joe đang học vẽ ông Magister danh tiếng, chắc bạn cũng biết tiếng ông ta. Học phí cao, bài học nhẹ nhàng, những cái đó cùng với những điểm sáng nhất trên bức tranh đã nhẹ nhàng đưa ông Magister tới đỉnh cao danh tiếng. Delia theo học ông Rosenstock, chắc bạn từng biết ông ta nổi danh là một người gây được bão táp trên những phím đàn dương cầm như thế nào rồi.
Chừng nào tiền nong vẫn còn, họ rất hạnh phúc. Tất cả… đều là như vậy – nhưng tôi không phải là người thích chỉ trích đâu. Mục đích của họ rất rõ ràng, đã được xác định, Joe phái sớm sáng tác được những bức tranh mà những ông già lịch sự, có bộ ria mép mỏng dính và những quyển sổ tay dày cộp sẽ cùng nhau bao vây xưởng vẽ của chàng để giành được đặc quyền mua tranh. Delia sẽ phải luyện tập cho thật quen thuộc với nàng âm nhạc, rồi có thể coi thường nàng âm nhạc để khi nhìn thấy những chỗ ngồi gần giàn nhạc và những lô không bán được vé thì Delia sẽ kêu đau cổ họng, ăn tôm hùm trong buồng ăn riêng ở nhà và từ chối việc bước lên sân khấu.
Nhưng tốt nhất, theo tôi, là cuộc sống gia đình trong một gian nhà nhỏ: những cuộc trò chuyện linh hoạt, thắm thiết sau một ngày làm việc, những bữa ăn ấm cúng và những bữa điểm tâm ngon lành, nhẹ nhàng; các cao vọng kế tiếp nhau, cao vọng này xen lẫn vào cao vọng khác, sự giúp đỡ lẫn nhau và cảm hứng tương đồng, và, xin bỏ qua sự vô nghệ thuật của tôi, những cái bánh sandwich kẹp đầy pho-mát trộn ô-liu vào lúc mười một giờ khuya.
Nhưng sau một thời gian ngắn, con tàu nghệ thuật đi chậm lại. Đôi khi xảy ra như vậy, ngay cả khi người bẻ ghi nào đó chưa vẫy cờ ra hiệu ngừng. Mọi thứ đều đội nón ra đi mà không có cái gì bước về nhà cả, như những người tầm thường thường nói. Họ thiếu tiền trả học phí cho ông Magister và ông Rosenstock. Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó. Vì thế, Delia bảo rằng nàng phải đi dạy nhạc để giữ được tiếng bát đĩa vẫn vang lên trong nhà.
Nàng ra phố hai ba ngày cố tìm chỗ dạy nhạc. Một buổi tối, nàng mừng rỡ về nhà.
“Anh Joe thân yêu ơi, – nàng vui vẻ lên tiếng, – em đã có một học sinh rồi. Trời, những người đáng yêu nhất đời! Con gái viên tướng… tướng A. B. Pinkney... ở phố Bảy mươi mốt. Một toà nhà tráng lệ vô cùng, anh Joe ạ... anh phải nhìn thấy cái cửa phía trước! Byzantine, em nghĩ rằng hẳn anh sẽ gọi như thế. Còn ở trong nhà nữa chứ! Trời, anh Joe ơi, em chưa từng bao giờ trông thấy một nơi nào như thế.
Cô học trò của em tên là Clementina. Em đã mê cô bé quá đi rồi. Cô bé thật mảnh dẻ..., bao giờ cũng mặc đồ trắng, cử chỉ rất mực dịu dàng, hết sức giản dị! Mới chỉ mười tám tuổi. Em sẽ dạy ba buổi một tuần. Anh thử đoán xem, anh Joe! Mỗi buổi năm đôla. Em không băn khoăn chút nào đâu, vì hễ có được hai ba em học trò nữa thì em lại tiếp tục học ông Rosenstock. Nào hãy xoá những nếp nhăn trên trán đi, anh thân yêu, chúng ta sẽ ăn một bữa thật tuyệt nhé”.
- Em Delia, với em, thế là ổn đấy, – Joe vừa nói vừa dùng con dao ăn và cái thìa tấn công vào hộp đỗ, – nhưng còn anh. Em nghĩ là anh bằng lòng cho em đi chen vai thích cánh để kiếm tiền, trong lúc anh vẫn vui chơi quanh quẩn trong những miền nghệ thuật cao quý ư? Không bao giờ em ạ, anh thề trên đống xương của Benvenuto Cellini. Anh nghĩ rằng mình có thể đi bán báo hoặc làm công nhân rải đường để kiếm lấy một hai đôla.
Delia bước lại gần, đu vào cổ chồng:
- Anh Joe thân yêu, anh ngốc nghếch quá. Anh phải tiếp tục theo học. Không phải là em từ bỏ âm nhạc để đi làm việc khác đâu trong lúc dạy nhạc, em vẫn học. Em vẫn luôn luôn gần gũi âm nhạc của em. Với mười lăm đôla một tuần, chúng ta có thể sống sung sướng như những nhà triệu phú. Anh không được nghĩ đến việc bỏ học ông Magister.
- Được rồi, nhưng anh không muốn em phải đi dạy học. Đó không phải là nghệ thuật. Làm như thế, em thật tốt quá.
- Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
- Ông Magister đã khen ngợi cái nền trời trong bức phác hoạ anh vẽ ở công viên. Và ông Tinkle đã đồng ý cho anh treo hai bức tranh tại tủ kính bày hàng của ông ta. Có thể anh sẽ bán được một bức, nếu may ra có một tên ngu ngốc sẵn tiền nào đó nhìn thấy những bức tranh đó.
- Em tin anh nhất định bán được tranh, – Delia dịu dàng nói. – Còn bây giờ thì chúng ta hãy cảm ơn viên tướng Pinkney và món thịt bê rán của ông ta.
Suốt cả tuần tiếp đó, hai vợ chồng Larrabee đều ăn điểm tâm sớm. Joe đang say sưa vẽ ở công viên Trung ương những bức kí hoạ rất cần đến ánh mặt trời buổi sáng. Delia nấu nướng cho Joe ăn no nê trước khi chàng đi, khen ngợi và hôn chàng vào lúc bảy giờ. Nghệ thuật là một bà chủ gia đình thu phục được lòng người. Chàng phần nhiều về nhà vào lúc bảy giờ tối.
Cuối tuần, Delia hân hoan thắng lợi tung ba tờ năm đôla lên giữa cái bàn kích thước 8 x 10 inch trong căn phòng khách kích thước 8 x 10 bộ. Nàng nói, vẻ hơi mệt mỏi:
“Em mệt vì Clementina. Em sợ cô ta không tập luyện chuyên cần, dạy một đoạn nhạc, em phải bảo đi bảo lại nhiều lần. Cô ta bao giờ cũng mặc toàn đồ trắng, mặc như thế thì phải tẻ nhạt thôi. Nhưng tướng Pinkney là một ông già đáng quý nhất! Em muốn anh quen biết ông ta, anh Joe ạ. Thỉnh thoảng ông ta đến chỗ em và Clementina ở bên cạnh đàn pianô, – anh biết không, ông ấy góa vợ – và đứng ở đấy, tay vuốt chòm râu trắng xoá. Ông ta bao giờ cũng hỏi: “Những nốt móc đôi, móc ba tiến bộ đến đâu rồi?”
Anh Joe ạ, em muốn anh nhìn thấy lớp ván lót ngoài mặt tường trong căn phòng khách đó. Và những cái rèm cửa Astrakhan nữa chứ! Clementina húng hắng ho, rất ngộ nghĩnh. Em mong cô ta được khoẻ hơn vẻ bề ngoài của cô ta.
Ồ, em đã thực sự quấn quýt cô ta rồi, cô ta rất dịu dàng, dòng dõi cao quý. Người anh của tướng Pinkney đã có lần làm đại sứ ở Bolivia”.
Còn Joe, với dáng điệu của Monte Cristo, rút ra mấy tờ giấy bạc: một tờ mười đôla, một tờ năm, một tờ hai và một tờ một đôla, tất cả đều mới tinh. Chàng đặt bên cạnh món tiền của Delia, và báo tin:
- Bán được bức tranh màu nước vẽ cái đài kỉ niệm hình bút tháp cho một người ở thành phố Peoria rồi, em ạ!
- Anh đừng nói đùa với em, không phải ở Peoria.
- Đúng ở đấy mà. Anh ước gì em trông thấy ông ta, em Delia ạ. Một ông béo phệ, quàng một cái khăn len to tướng và có một cái tăm bằng lông nhím. Ông ta nhìn thấy bức tranh ở tủ kính của ông Tinkle. Thoạt tiên, ông ta tưởng là vẽ cái cối xay gió, nhưng dù sao ông ta cũng đã mua bức tranh. ông ta đặt một bức nữa... một bức tranh sơn dầu vẽ kho hàng Lackawanna để mang theo về... Những giờ dạy nhạc! Ồ, anh nghĩ trong đó vẫn còn đôi chút Nghệ thuật.
Delia niềm nở nói:
- Em rất sung sướng thấy anh vẫn tiếp tục học. Anh nhất định thành công đấy, anh thân yêu ạ. Ba mươi ba đôla. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta có nhiều tiền như thế này. Tối nay, chúng ta sẽ ăn sò huyết.
Tối thứ bảy sau, Joe về nhà trước. Chàng trải mười tám đôla lên trên mặt bàn trong phòng khách, rồi đi rửa những vết bẩn, tựa như thuốc vẽ màu sẫm, bám đầy tay.
Nửa giờ sau, Delia về, bàn tay phải của nàng quấn trong bó băng và vải xô, chẳng ra hình thù gì cả.
Sau câu chào hỏi thường lệ, Joe hỏi :
- Sao lại thế này, em Delia?
Delia cười, nhưng không vui lắm. Nàng giải thích:
- Sau buổi học, Clementina cứ năn nỉ mời em ăn bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Một cô gái kì khôi thế đấy! Bánh mì nướng, rưới bơ nóng vào lúc năm giờ chiều. Tướng Pinkney cũng có mặt. Giá anh thấy ông ta tíu tít lấy đĩa ăn hâm nóng, anh Joe ạ, cứ như trong nhà không có một người đầy tớ nào ấy. Em biết Clementina không được khoẻ lắm, cô ta rất hay xúc động. Lúc rưới bơ, cô bé đánh đổ rất nhiều nước bơ sôi lên bàn tay và cổ tay em. Rát ghê lắm, anh Joe ạ. Clementina rất hối hận! Còn tướng Pinkney!... Anh Joe ạ, ông ta cuống lên. Ông ta lao xuống cầu thang, – người ta nói là người đốt lò hay người nào đó trong tầng hầm ấy ra hiệu thuốc mua dầu và các thứ để băng tay cho em. Bây giờ thì không rát lắm dâu.
- Thế cái này là cái gì? – Joe hỏi, dịu dàng cầm bàn tay Delia và kéo mấy sợi vải màu trắng nằm dưới đám băng.
- Cái vải gì mềm mềm đã thấm dầu ấy mà. Ờ, anh Joe này, anh đã bán được bức tranh nữa đấy à? – Delia nhìn thấy món tiền trên bàn.
- Anh đã bán được ư? Chính cái ông ở thành phố Peoria. Hôm nay, ông ta lấy bức tranh vẽ kho hàng đã đặt trước ấy mà. Tuy không chắc chắn lắm, nhưng ông ta nghĩ là sẽ mua thêm một bức tranh vẽ cảnh công viên và một cảnh trên sông Hudson. Chiều nay, em bị bỏng tay vào lúc mấy giờ, em Dele nhỉ?
- Lúc năm giờ, – Delia ta thán. – Cái bàn là... em định nói bơ nóng lấy ra khỏi lò vào khoảng giờ đó. Anh Joe ơi, anh nên gặp tướng Pinkney, khi...
- Em Dele, em hãy ngồi xuống đây một lát đã, – Joe nói, chàng dìu vợ ngồi xuống giường, rồi ngồi bên cạnh ôm lấy vai nàng, chàng hỏi: “Em đã làm gì trong hai tuần vừa rồi, em Dele?”
Nàng giữ được can đảm một lát, khoé mắt tràn đầy tình yêu và sự bướng bỉnh, nàng lẩm nhẩm một hai câu mơ hồ về tướng Pinkney. Nhưng rồi nàng cúi đầu, sự thật trào ra theo dòng nước mắt.
- Em không có một em học trò nào cả, – nàng thú nhận. – Thấy anh phải bỏ học, em không thể nào chịu được. Em nhận việc là sơ-mi trong xưởng là rất to ở phố Hai mươi bốn ấy. Em nghĩ rằng việc sáng tạo ra tướng Pinkney và cô bé Clementina là rất khéo, có phải không anh Joe? Chiều nay, một cô gái trong xưởng lỡ đặt chiếc bàn là nóng lên tay em. Suốt trên đường về nhà, em sáng tác ra câu chuyện bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Anh không giận em chứ, anh Joe? Nếu em không tìm được việc làm, anh đã không thể bán được tranh cho cái ông ở thành phố Peoria.
- Ông ta không ở Peoria đâu, – Joe chậm rãi đáp.
- Ờ, ông ta ở đâu đến cũng chẳng hề gì. Anh thông minh quá, anh Joe… và… anh hôn em đi, anh Joe… làm sao mà anh lại đoán ra là em không dạy nhạc cho cô bé Clementina?
- Phải đến tối nay anh mới đoán được. Từ trước, anh không đoán ra, ngay cả lúc chiều nay lúc từ phòng máy, anh gửi thứ vải vụn và dầu này lên cho một cô ở tầng trên bị bàn là làm bỏng tay. Hai tuần vừa rồi, anh đốt lò ở chính cái xưởng giặt là đó.
- Thế ra anh không...
- Cái ông ở thành phố Peoria đã mua tranh và tướng Pinkney đều là hai tác phẩm của cùng một nghệ thuật... nhưng em không thể gọi đó là hội hoạ hoặc âm nhạc được đâu.
Joe và Delia cùng cười. Joe bắt đầu:
- Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là…
Nhưng Delia đặt tay lên môi Joe, ngăn chàng lại:
- Không. Chỉ cần: “Khi người ta yêu”.
Phillips mang chuyến thư chiều đến cho Carson Chalmers đang ngồi trong căn nhà gần quảng trường. Ngoài thư tín bình thường còn có hai phong thư có dấu bưu điện nước ngoài.
Một phong thư có gửi kèm theo bức ảnh một phụ nữ. Phong thư kia là một lá thư dài vô tận khiến Chalmers ngồi há hốc mồm say sưa đọc mãi. Bức thư đó lại của một người phụ nữ khác gửi, lời lẽ trong thư như lưỡi câu tẩm mật ong ngọt ngào, chêm vào những câu bóng gió, châm chọc sâu cay về người đàn bà gửi thư kèm ảnh.
Chalmers xé bức thư ra trăm ngàn mảnh, rồi cất những bước dài đi đi lại lại trên tấm thảm đắt tiền như muốn làm cho nó tơi tả ra. Con thú rừng bị nhốt trong chuồng hành động như thế nào thì con người lạc trong khu rừng rậm hoài nghi cũng hành động như vậy.
Dần dần tâm trạng bồn chồn cũng lắng xuống. Tấm thảm đó không phải là tấm thảm có phép màu nhiệm. Nó cũng chỉ dài có vài mét, đi một tí là hết. Muốn đi ba ngàn dặm đường thì nó chẳng thể giúp gì ông được.
Phillips xuất hiện. Không bao giờ anh ta vào hẳn trong buồng, lúc nào cũng chỉ thập thò, cứ như ma trơi.
- Ngài dùng cơm ở đây hay ngoài nhà ạ?
- Ở đây – Chalmers nói, – nửa giờ nữa nhé.
Ông ta buồn bã ngồi nghe tiếng gió tháng giêng hú dọc theo phố vắng, nghe phù phù như tiếng kèn trombone thổi.
- À này, – ông vội nói với anh chàng Phillips vừa mới đấy đã biến đi, – lúc trên đường về nhà, đến cuối chỗ quảng trường, ta thấy lố nhố người đứng thành hàng dài. Có một người đứng lên trên cái gì ấy, diễn thuyết. Sao những người đó lại đứng xếp hàng ở đấy nhỉ? Mà họ đứng đấy để làm gì hả?
- Thưa ông, họ là những kẻ vô gia cư, – Phillips trả lời, – Người đứng trên cái hòm đó cố sức diễn thuyết để những người kia có chỗ ngủ qua đêm. Thiên hạ xúm quanh nghe và cho ông ta tiền. Sau đó ông ta có bao nhiêu tiền đều đem trả cho chủ trọ. Vì vậy họ mới đứng xếp hàng, cứ đến lượt người nào thì người ấy được dẫn đi đến chỗ ngủ.
- Tí nữa đến giờ ăn cơm, – Chalmers nói, – anh xuống dẫn một người trong bọn họ lên đây. Anh ta sẽ ăn cơm với ta.
- Dẫn a-a-ai ạ… – Phillips cất tiếng lắp bắp. Từ ngày phục vụ ông chủ đến giờ, đây là lần đầu tiên anh ta tỏ ra lúng túng như vậy.
- Chọn ai cũng được, – Chalmers nói. – Có điều anh phải xem xem anh ta đừng có say lướt khướt, mà anh ta cũng phải sạch sẽ một tí. Thế nhé.
Carson Chalmers đâu có quen đóng vai kẻ làm phúc. Nhưng đêm hôm đó không có thứ thuốc gì có thể làm cho ông ta nguôi nỗi u sầu nên ông ta phải có một cái gì đó thật ngộ nghĩnh, đầy thú vị và mang tính Ả Rập để khuây khỏa tâm trạng đôi chút.
Trong nửa giờ, Phillips hoàn thành nhiệm vụ làm tên nô lệ của cây đèn thần. Những người hầu bàn ở tiệm ăn dưới nhà tất tưởi mang lên gác bữa ăn tối thịnh soạn. Bàn ăn soạn cho hai người rực rỡ trong ánh đèn nến nhảy nhót dưới chụp đèn màu hồng.
Lúc này Phillips đứng đường hoàng đẩy lẹ vị khách vào, cứ như đang hộ tống một hồng y giáo chủ – hoặc là một tên trộm bị bắt, chứ không phải là một gã ăn mày đang run cầm cập vừa được lôi từ hàng người vô gia cư xin ngủ nhờ qua đêm kia.
Thường người ta gọi những người như vậy là kẻ vô thừa nhận, nhưng giả dụ có so sánh trong trường hợp đặc biệt ở đây, thì con người này chẳng khác gì một con tàu gặp nạn đang bị bốc cháy, bồng bềnh trôi giạt trong biển đời như ta vẫn thấy. Ngọn lửa bập bùng chiếu sáng trong con người anh ta. Mặt và tay anh ta vừa được rửa xong – một lễ nghi mà Phillips kiên quyết thực hiện tựa như lễ tưởng niệm cho nếp ăn ở hàng ngày bị tiêu diệt. Anh ta đứng dưới anh nến, làm cho cảnh bài trí trong phòng trở nên xấu hẳn đi. Mặt anh ta trắng bệch hom hem, bộ râu xồm xoàm che gần đến tận mắt, trông như bộ lông con chó săn đỏ xứ Ái Nhĩ Lan. Phillips cũng đã lấy lược chải tóc cho anh ta nhưng không sao làm cho bộ tóc nâu nhạt mượt trở lại, bộ tóc từ lâu đã bện và ăn nếp theo vành mũ tứ thời lúc nào cũng trên đầu. Cặp mắt anh ta đầy vẻ thách thức, tuyệt vọng và xảo trá, trông như mắt con chó tàng bị những kẻ hành hạ dồn vào chân tường. Chiếc áo khoác trơ khố tải cài cúc cao, nhưng trông rõ chiếc cổ vừa lộn xong. Tác phong của anh ta tỏ ra không có gì là lúng túng khi Chalmers đứng dậy khỏi ghế phía bên kia bàn ăn tròn.
- Nếu anh cho phép, tôi sẽ vui mừng được mời anh ăn cơm tối nay, – ông chủ nói.
- Tên tôi là Plumer – vị khách giang hồ nói, giọng gay gắt và hung hăng. – Nếu là tôi, chắc ông cũng muốn biết tên người sắp ngồi ăn cùng với mình.
- Tôi cũng đang định giới thiệu tên tôi là Chalmers, xin mời ông ngồi phía bên kia. – Chalmers nói tiếp, hơi có vẻ vội vã.
Plumer quần áo lôi thôi, khom gối xuống để cho Phillips đẩy cái ghế đến cho anh ta ngồi. Anh ta có dáng dấp ngày xưa thường ngồi tại những nơi có người phục vụ. Phillips bắt đầu mang món cá trống và dầu ô liu.
- Tuyệt! – Plumer nói như quát lên, – cho ăn theo món hả? Hầy, thưa Hoàng đế vui tính của thành Bagdad, tôi xin làm nàng Scheherezade của ngài để kể chuyện cho ngài nghe cho đến khi không còn món ăn gì thì thôi. Tôi công nhận ngài là người giàu có đầu tiên có hương vị phương Đông chân chất mà tôi phát hiện ra từ đầu đông tháng giá đến giờ, đã đón tay làm phúc một cách sang trọng đến vậy. Thật may mắn, tôi đứng thứ bốn mươi ba trong hàng cơ đấy. Tôi vừa đếm xong xem mình đứng thứ mấy thì vị sứ giả đầy thú vị của ngài đến mời tôi đi ăn tiệc. Thế là đêm nay tôi được dịp may kiếm được nơi trú chân chẳng khác gì dịp may mình được làm tổng thống trong nhiệm kì sắp tới. Ngài muốn nghe câu chuyện buồn về cuộc đời của tôi theo cách nào, thưa ngài Al Raschid, cứ mỗi món ăn một chương nhé hay toàn bộ câu chuyện kết thúc bằng những điếu xì gà và cà phê?
- Đối với anh, sự việc này cũng không có gì là lạ thường lắm đâu, – Chalmers mỉm cười nói.
- Xin thề có Chúa trời chứng giám! – Người khách trả lời. – New York đầy những tên Harun Al Raschid bần tiện, chẳng khác gì thành Bagdad đầy những ruồi nhặng. Tôi buộc lòng phải đi kể chuyện để đổi lấy bữa ăn rất nhiều lần rồi. Đố tìm được một ai ở New York này cho không một cái gì! Những Rasit này có cho ta một bữa cơm từ thiện thì cũng chỉ để thoả mãn trí tò mò của họ thôi. Hầu hết bọn họ chỉ cho ta một xu và một bát cơm hổ lốn, còn một dúm trong bọn họ sẽ đóng vai kẻ làm phúc để đãi ta một miếng bít-tết, nhưng tất cả bọn họ sẽ cưỡi lên đầu lên cổ ta, ép ta đến bao giờ tôi ra bản tự truyện, với đầy đủ những ghi chú, những phụ lục và những mẩu chuyện chưa được đăng. Ô, ở cái thành phố Bagdad có đường xe điện ngầm cổ, nhỏ bé này khi nhìn thấy cái gì ăn được là tôi biết phải xử lý thế nào rồi. Tôi đập đầu xuống đường nhựa ba lần và sẵn sàng thêu dệt chuyện huyên thuyên để kiếm bữa ăn tối. Tôi công nhận mình chẳng khác gì danh ca Tommy Tucker đã quá cố, người buộc phải đánh đổi giọng hát của mình lấy bát cơm đã chén trước đó.
- Tôi không cần chuyện của anh, – Chalmers nói, – xin nói thật là bỗng nhiên tôi nảy ra ý nghĩ muốn vời một người lạ mặt đến ăn cơm tối. Xin anh cứ an tâm, đừng lo tôi tò mò.
- Ô, rõ chỉ vớ vẩn! – Vị khách kêu lên, vừa húp sùm sụp món xúp. – Chuyện ấy đối với tôi có đáng gì. Tôi cũng giống như quyển tạp chí phương Đông có bìa đỏ sáng sủa, và bài nào hay là người ta cắt liền. Thật ra những người đi ăn chực nằm chờ như tôi cũng thuộc hạng đại loại như vậy. Thiên hạ cứ luôn phân vân không hiểu cái gì đã đưa chúng tôi xuống tận đáy xã hội. Nếu được một miếng bánh sandwich và một cốc bia, tôi sẽ kể cho họ nghe nguyên nhân chính là do món tửu gây ra. Nếu được miếng thịt bò muối, xúp bắp cải và một cốc cà phê, tôi kể cho họ nghe câu chuyện về một tên chúa tể nhẫn tâm làm tôi thất nghiệp sau khi phải nằm nhà thương sáu tháng. Nếu được một miếng bít-tết và mất hai mươi lăm xu mà được ngủ qua đêm, tôi sẽ kể tấn thảm kịch ở phố Uôn, trong đó cơ đồ bị cuốn sạch sành sanh và sự xuống dốc diễn ra như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi được cho ăn một bữa tối thịnh soạn trong một bầu không khí như thế này. Tôi chưa nghĩ ra được chuyện gì cho hợp với cảnh này. Tôi sẽ kể để ông nghe, ông Chalmers ạ, tôi sẽ kể cho ông nghe sự thật về chuyện này nếu ông muốn nghe. Ông tin chuyện này còn khó hơn ông tin chuyện bịa đặt đấy.
Một tiếng đồng hồ sau, vị khách Ả Rập ngả người ra sau ghế thở phào thỏa mãn, vừa lúc đó Phillips mang cà phê và xì gà vào, và dọn bàn ăn đi.
- Có bao giờ ông nghe tiếng Sherrard Plumer không? – Anh ta hỏi, mỉm cười đến lạ.
- Tôi có nhớ cái tên ấy, – Chalmers nói – Anh ta là một hoạ sĩ thì phải, cách đây vài năm còn là một người rất nổi tiếng.
- Năm năm rồi – vị khách nói, – vậy mà tôi lặn chìm nghỉm luôn không hề sủi tăm. Chính tôi là Sherrard Plumer đây! Tôi bán bức tranh chân dung cuối cùng giá hai nghìn đôla. Sau đó, tôi không sao kiếm được người ngồi để tôi vẽ, thậm chí không lấy tiền nữa.
- Làm sao lại thế? – Chalmers không chịu được, đành phải hỏi.
- Chuyện cũng đến buồn cười, – Plumer trả lời, buồn bã. – Bản thân tôi cũng không sao hiểu nổi. Trong một thời gian tôi làm ăn lên như diều. Đám nhà giàu rất quen biết tôi, tíu tít vời tôi đến vẽ. Báo chí gọi tôi là hoạ sĩ hợp thời. Thế rồi những chuyện buồn cười xảy ra. Cứ khi nào tôi vẽ xong ai đó, người ta lại đến xem, thì thầm và nhìn nhau rất lạ lùng.
Tôi liền khám phá ra ngay sự rắc rối. Tôi có sở trường nêu bật trên khuôn mặt của bức chân dung cá tính giấu kín của người ngồi vẽ. Tôi không biết làm thế nào mình lại vẽ được thế – tôi chỉ vẽ cái mình nhìn nhận ra thôi – nhưng tôi biết mình làm thế là chỉ hỏng việc. Một số người ngồi vẽ nổi giận đến sợ và quẳng trả bức tranh tôi vẽ. Tôi có vẽ chân dung một phu nhân rất đẹp và nổi tiếng trong giới thượng lưu. Lúc vẽ xuống, ông chồng nhìn vào bức tranh, mặt mày trông đến lạ kì, và tuần sau ông ta đòi ly dị liền.
Tôi nhớ một trường hợp tôi vẽ một vị chủ nhà băng lừng danh. Lúc tôi trưng bày bức tranh ở trong phòng vẽ của mình, có một người quen của ông ta đến đó ngắm. “Ôi, lạy Chúa!”, ông ta nói, “thật ông ta trông đến nỗi thế này sao?”. Tôi nói bức tranh đó hoàn toàn thật như ở ngoài. “Chưa bao giờ tôi thấy cặp mắt ông ta lại thể hiện như vậy”, ông ta nói. “Tôi thiết nghĩ mình phải đến Nhà Ngân hàng thành phố để chuyển ngay tài khoản”. Và ông ta đã tìm đến đó thật, nhưng tài khoản của ông ta đã biến mất cùng ông chủ nhà băng.
Chẳng được bao lâu thì tôi bị mất nghề. Thiên hạ không muốn sự hèn hạ bí mật của mình bị lộ nguyên hình trên tranh. Họ có thể mỉm cười và nhăn nhó mặt mày để lừa dối bạn, nhưng đã lên tranh thì không thể làm như vậy được. Tôi không sao vẽ tiếp được, vì không còn ai người ta muốn vẽ, và thế là tôi đành bỏ nghề. Tạm thời tôi làm hoạ sĩ trên báo hàng ngày, sau đó làm cho một thợ in thạch bản, nhưng rồi tôi lại bị rắc rối với công việc. Nếu tôi có vẽ qua bức ảnh chụp thì việc vẽ đó cũng vẫn thể hiện rõ những tính cách và những nét mà ông không thể tìm thấy ở trên bức ảnh, nhưng tôi cảm thấy chúng có ở người thật. Khách hàng la ó ầm ĩ, đặc biệt các bà, cho nên tôi không thể nào duy trì công việc được lâu. Vì vậy, tôi chán nản mượn chén cho khuây khỏa nỗi buồn. Rồi chẳng bao lâu tôi đã đứng trong hàng ngũ những người xin ngủ nhờ và làm nghề kể chuyện xin ăn ở những cửa hàng ăn làm phúc. Câu chuyện thật này có làm ngài mệt không, thưa Hoàng đế xứ Hồi. Nếu ngài muốn, tôi có thể thay đổi chủ đề và chuyển sang thảm họa ở phố Uôn, nơi đã từng làm cho cuộc đời tôi tàn tạ, nhưng như vậy đòi hỏi phải mất nước mắt và tôi e rằng tôi không có khả năng làm ngay được sau một bữa ăn ngon như vậy.
- Không sao, không sao – Chalmers nói vui vẻ. – Ông làm tôi thích thú lắm. Thế tất cả những bức chân dung đều bóc trần nét xấu nào đó, hay cũng có một số không bị cái bút vẽ kì dị của ông thử thách?
- Cũng có một số. – Plumer trả lời. – Trẻ con nói chung, khá nhiều phụ nữ và đàn ông, không phải tất cả mọi người đều xấu, phải không ông? Khi họ tốt thì những bức tranh cũng thể hiện cái tốt của họ. Như tôi đã nói, tôi không giải thích, mà là tôi nói với ông sự thật.
Trên bàn làm việc của Chalmers có một bức ảnh mà ông ta nhận được vào hôm có thư đến buổi chiều. Mươi phút sau, ông ta đề nghị Plumer vẽ phác từ bức ảnh đó bằng phấn màu. Sau một tiếng đồng hồ, người nghệ sĩ đứng lên và dang tay tỏ ra mệt mỏi.
- Xong rồi đây, – anh ta ngáp. – Xin lỗi vì phải vẽ lâu quá. Tôi thích thú với công việc. Lạy Chúa! Hơn nữa tôi mệt quá. Đêm hôm qua không được chợp mắt một tí nào. Thưa vị chỉ huy của Lòng Trung Thành, ngài có cho bây giờ sẽ là một đêm ngon giấc không?
Chalmers đưa anh ta ra đến cửa và giúi vào tay anh ta mấy đồng.
- Chà, xin ông, – Plumer nói. – Những ai đã rơi xuống tận đáy rồi cũng chẳng dại gì mà khó tính khi nhận tiền của những người làm phúc tình cờ. Xin cảm ơn. Xin cảm ơn cả bữa ăn thịnh soạn nữa. Đêm nay, tôi sẽ ngủ ngon lành và mơ về Bagdad. Tôi hi vọng đến sáng nó sẽ dừng trở thành giấc mơ. Xin tạm biệt, vị Hoàng đế tuyệt vời nhất!
Chalmers lại bồn chồn đi trên tấm thảm. Nhưng ông ta chỉ đi từ cái bàn trên có đặt bức phác thảo bằng phấn màu đến cuối gian phòng. Mấy lần ông ta cố tiến lại gần mà không sao làm được. Ông ta trông rõ màu xám, màu vàng và màu nâu trong số các màu sắc, nhưng do sợ hãi nên quanh bức tranh như có một bức tường được dựng nên ngăn ông ta từ xa. Ông ta ngồi xuống và cố trấn tĩnh lại. Ông ta đứng phắt dậy và rung chuông gọi Phillips.
- Trong nhà này có một hoạ sĩ trẻ, tên là Reineman gì đó, anh có biết anh ta ở buồng nào không?
- Tầng trên cùng, buồng phía trước, thưa ngài. – Phillips nói.
- Thế anh lên mời anh ta vui lòng đến đây một lát nhé.
Reineman đến ngay. Chalmers tự giới thiệu.
- Ông Reineman, – ông ta nói, – ở trên cái bàn kia có một bức phác thảo nhỏ bằng phấn màu. Xin ông cho ý kiến về tài năng nghệ sĩ vẽ bức tranh đó và về bản thân bức tranh đó, được như vậy tôi xin đa tạ ông.
Người hoạ sĩ trẻ tiến đến bên bàn và cầm bức tranh phác thảo lên. Chalmers nửa như quay mặt đi, tựa lưng vào ghế:
- Ông, ông… thấy thế nào? – Ông ta chậm rãi hỏi.
Người nghệ sĩ nói:
- Về phương diện bức tranh, tôi không có đủ lời để ca ngợi. Đó là tác phẩm của một bậc thầy – những nét rõ, đẹp, rất thật. Nó làm cho tôi hơi băn khoăn. Đã nhiều năm nay tôi chưa được thấy một tác phẩm vẽ phấn màu nào tuyệt đến thế.
- Thế ông thấy thế nào, xét về khuôn mặt, chủ đề, so với bức ảnh gốc?
- Khuôn mặt này là một trong những khuôn mặt của thiên thần. Cho phép tôi hỏi, đây là ai?
- Chính là vợ tôi đó! – Chalmers kêu lên, xoay người, vồ lấy người nghệ sĩ đang còn ngơ ngác, nắm chặt tay anh ta và vỗ vào lưng anh ta. – Nhà tôi đang chu du ở châu Âu. Anh bạn hãy cầm lấy bức phác thảo này và theo đó, anh hãy vẽ bức tranh tuyệt nhất từ trước tới giờ của anh đi. Tôi hứa sẽ trả anh với giá thật hậu hĩ.
Nếu bạn có dịp ghé qua Sở Địa chính, hãy bước vào phòng vẽ kỹ thuật và yêu cầu được xem tấm bản đồ Huyện Salado. Một anh Đức nhàn nhã – có thể chính là ông già Kampfer – sẽ mang tấm bản đồ ấy ra cho bạn. Đấy là tấm bản đồ vẽ trên vải in dầy. Các nét chữ và con số đều đẹp và rõ ràng. Dòng tựa trông thật hoa mỹ, văn bản với Đức ngữ không ai đọc ra, được trang trí với hoa văn Bắc Âu. Bạn phải nói với anh ta rằng đấy không phải là bản đồ bạn muốn xem, rằng xin anh vui lòng mang cho bạn bản chính thức trước đó. Anh ta sẽ mang ra một tấm bản đồ khác, kích cỡ chỉ bằng phân nửa bản đồ kia, mờ nhòe, cũ kỹ, nhầu nát, và mực in đã nhạt màu.
Nếu nhìn kỹ gần góc tây bắc, bạn sẽ thấy nét cong lượn của sông Chiquito và, nếu tinh mắt, bạn có thể nhận ra nhân chứng của câu chuyện này.
Ông Giám đốc Sở Địa chính là mẫu người cổ, phong thái xưa cũ của ông so với thời nay là quá trang trọng. Ông ăn mặc màu đen tinh tế, và áo choàng của ông trông như là màn cửa thời La Mã. Cổ áo của ông thuộc kiểu rời, cà vạt là một dải hẹp cứ như là để dự tang lễ, cùng với loại nút thắt để cột dây giầy. Mái tóc xám của ông chải quá về sau một tí, nhưng bóng mượt và thẳng thớm. Nhiều người nghĩ khuôn mặt của ông là nghiêm khắc, nhưng khi không còn phải phát biểu theo công quyền, một ít người sẽ thấy một khuôn mặt hoàn toàn khác hẳn. Nhất là những người quanh ông đã nhận ra vẻ dịu dàng và hiền từ của ông trong thời gian đứa con duy nhất của ông lâm bệnh.
Ông Giám đốc đã góa bụa trong nhiều năm, và cuộc đời ông, ngoài những công vụ, đã được dành riêng cho cô bé Georgia, và nhiều người nói đến việc này như là những gì cảm động và đáng ca ngợi. Ông có tính dè dặt, và đường hoàng đến mức khắc khổ, nhưng cô bé không phải chịu như thế; cô ngự trị trong tim ông, nên cô không cảm thấy mình thiếu tình thương của người mẹ mà cô đã mất. Mối liên hệ giữa hai cha con thật tuyệt vời, vì cô đã nhiễm tính tình của ông, trở nên chín chắn và nghiêm trang hơn so với tuổi của cô.
Một ngày, trong khi nằm với cơn sốt cháy tươi hồng trên đôi má, thình lình cô bé nói:
- Ba à, con ước con có thể làm gì đó cho các trẻ khác.
Ông Giám đốc hỏi:
- Con muốn làm gì hở cưng? Chiêu đãi họ một bữa à?
- Con không có ý như thế. Ý con là những trẻ nghèo không có nhà ở, và không được yêu thương chăm sóc như con. Ba ơi, con muốn nói cho ba nghe.
- Gì thế, cưng của ba?
- Nếu con không khỏi bệnh, con sẽ để ba cho họ - không phải cho hẳn ba, nhưng để cho mượn, vì ba phải đến với má và con khi ba chết. Nếu ba có thời giờ, ba có thể làm việc gì đó không để giúp những trẻ nghèo, nếu con yêu cầu, hở ba?
Ông Giám đốc cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô bé áp lên má mình:
- Suỵt, suỵt, con thương, con thương của ba, con sẽ khỏi bệnh, rồi hai cha con ta sẽ liệu xem mình có thể cùng nhau làm gì cho họ.
Nhưng cuối cùng ông Giám đốc không có cô bé đi bên ông trên bất cứ con đường nhân từ nào, dù đã được vạch trước mơ hồ. Tối ấy, cô bé yếu ớt trở nên yếu thêm, không thể chống lại với cơn bệnh. Trên sân khấu cuộc đời, cô bé Georgia đã bước ra khỏi vai trò sau khi cô chỉ mới bắt đầu trình diễn chút ít dưới ánh đèn pha. Nhưng phải có người chỉ đạo sân khấu thông hiểu cô. Cô đã để lại lời nhắc tuồng cho một người, người sẽ tiếp tục diễn vai trò của cô sau này.
Một tuần sau khi cô bé đã được đặt xuống nơi yên nghỉ, ông Giám đốc xuất hiện tại Sở, từ tốn hơn một chút, xanh xao và khắc khổ hơn một chút, với cái áo choàng đen trở nên lụng thụng hơn một chút.
Bàn giấy của ông chất đầy công việc đã ứ đọng trong bốn tuần vắng mặt đau đớn. Anh thư ký trưởng cố gắng làm những gì có thể được, nhưng có những vấn đề về luật lệ, về quyết định phán xử tinh tế liên hệ đến chủ quyền đất, việc phát mãi và cho thuê dài hạn đất trường học, việc phân loại đất thành các mục đích đồng cỏ nuôi gia súc, canh tác, cung cấp nước, cung cấp gỗ, hay đường mòn mới mở cho dân đi khai phá.
Ông Giám đốc bắt tay vào công việc một cách thầm lặng và cả quyết, cố quên đi nỗi đau buồn, cố chú tâm giải quyết công việc phức tạp và quan trọng của Sở ông. Ngày thứ hai sau khi ông trở lại, ông kêu anh khuân vác, chỉ vào cái ghế lót da đặt gần ghế của ông, ra lệnh mang nó đến phòng mộc trên tầng chót của tòa nhà. Ngày xưa, mỗi chiều Georgia đến tìm ông, cô bé đều ngồi trên cái ghế ấy.
Với thời gian dần trôi, ông Giám đốc dường như trở nên thêm lầm lì, cô độc và điềm đạm. Tinh thần ông đã chuyển qua một giai đoạn khác. Ông không thể chịu nổi sự hiện diện của một đứa trẻ gần ông. Thường khi có đứa trẻ của một trong những thư ký đến líu lo ở phòng kế bên, ông Giám đốc rón rén bước ra đóng cánh cửa lại. Ông luôn luôn băng qua bên kia đường để tránh gặp những học sinh khi chúng nhảy nhót từng đám trên hè đường, và ông mím chặt đôi môi lại.
Gần ba tháng sau, khi những cơn mưa đã xối đi những cánh hoa khô héo cuối cùng trên nấm mồ của cô bé Georgia, công ty “cá mập đất” của Hamlin và Avery nộp hồ sơ về một vùng đất trống họ cho là “béo bở” nhất trong năm.
Không nên cho rằng tất cả những người bị gán là “cá mập đất” đều xấu xa như biệt hiệu này. Nhiều người trong nhóm họ có tiếng tốt với phong cách làm ăn đàng hoàng. Vài người có thể bước vào các hội đồng của Bang và nói: “Thưa các ông, chúng tôi xin nêu lên chuyện này, chuyện nọ, và xem như thông qua.”. Nhưng dân đã định cư oán ghét những cá mập đất, chỉ oán ghét kém hơn so với cơn hạn hán kéo dài ba năm và dịch sâu bệnh hoành hành. Mấy cá mập đất lảng vảng trong Sở Địa chính, nơi lưu trữ mọi hồ sơ đất đai, và săn lùng đất “hoang” – tức là những mảnh đất theo giấy tờ không ai làm chủ, thường thường không hiện diện trên bản đồ chính thức, nhưng thực ra có mặt ngoài thực địa. Luật cho phép bất kỳ người nào có giấy công phiếu đất được nộp đơn xin cấp, theo giá trị tương đương, một mảnh đất chưa có ai làm chủ theo luật định. Phần lớn giấy công phiếu nằm trong tay các cá mập đất. Vì thế, chỉ với chi phí vài trăm đô la, họ có thể được cấp đất trị giá cả nghìn đô la. Đương nhiên là việc săn lùng đất “hoang” rất sôi động.
Nhưng thường thường – rất thường – đất mà họ xin được, mặc dầu theo luật là “vô chủ”, đã có người chiếm ngụ và canh tác trong cảnh hạnh phúc và tự hài lòng. Họ đã bỏ công sức nhiều năm lo gầy dựng mảnh đất và nhà cửa, để rồi thấy rằng chủ quyền đất trở nên vô giá trị, và nhận giấy báo phải từ bỏ mảnh đất mà ra đi. Vì thế mà những người định cư, đã dãi dầu mưa nắng, nẩy ra mối căm hờn cay đắng và đúng lý đối với những kẻ đầu cơ láu lỉnh và ít khi có lòng thương xót, những kẻ đã khiến công lao của họ trở thành công cốc rồi xuống mức bần cùng, không nhà không cửa. Cá mập đất ít khi lộ diện ở nơi họ xua đuổi những nạn nhân của hệ thống quản lý đất đai vô cùng phức tạp; họ để cho đàn em của họ lo việc này. Nhiều túp lều mang đầy vết đạn; anh em cá mập bón cho đất mới của họ bằng xương máu của kẻ xấu số. Cái lỗi này xuất xứ từ ngày xưa.
Khi Bang còn trẻ, nhà nước Bang cảm thấy cần thu hút dân tiền phong đến khai phá những vùng hoang dã. Năm này qua năm khác, chính quyền Bang cấp công phiếu đất – đủ mọi loại về quyền ưu tiên, phần thưởng, phần trợ cấp cựu chiến binh, chu cấp cho công ty hỏa xa, công ty thủy lợi, đất canh tác cho cá nhân, vân vân. Người nắm trong tay công phiếu đất chỉ cần yêu cầu Sở Địa chính điều tra mảnh đất họ muốn xin miễn là chưa ai làm chủ, rồi mảnh đất ấy trở nên tài sản của người đứng xin, và của con cháu hay người thừa kế, vĩnh viễn.
Trong những ngày đó – và đấy là khi những việc lôi thôi xảy ra – quỹ đất của Bang xem như bất tận, và những người đi điều tra đất làm việc tùy tiện, tha hồ phỏng chừng hay phóng đại trong các biên bản điều tra và giấy chủ quyền. Khi đi điều tra thực địa, với một la bàn bỏ túi để định phương hướng, anh địa chính cưỡi ngựa phi nước kiệu và đếm số bước chân ngựa (tiếng trong ngành là “vara”), ghi chú các góc của lô đất, rồi ghi vào sổ tay thực địa với thói chủ quan khinh thường. Đôi lúc – và ai có thể trách anh điều tra viên được? – khi con ngựa “say lúa mạch”, nó có thể cất bước cao hơn và dài hơn. Trong trường hợp như thế, chủ nhân công phiếu có thể nhận cả nghìn mẫu đất dôi ra so với công phiếu đã ghi. Nhưng hãy xem bao nhiêu hải lý vô giới hạn mà Bang còn trong quỹ đất! Tuy nhiên, chưa ai từng phàn nàn về việc con ngựa điều tra đã phi bước ngắn. Hầu như mỗi cuộc điều tra của Bang đều cho kết quả đất dôi thêm.
Trong những năm về sau, dân số Bang trở nên đông đúc và giá đất tăng, việc điều tra bất cẩn gây bao lôi thôi không thể tính toán hết, kiện cáo không ngừng, một giai đoạn giành giật đất hỗn loạn, và không ít đổ máu. Các cá mập đất tấn công dữ dội những phần dư trội của các cuộc điều tra ngày xưa, và lấy công phiếu để nộp đơn xin các phần ấy xem như là chưa ai làm chủ. Khi những vết tích ngày xưa đánh dấu cuộc đất trở nên mơ hồ, và các góc không thể được xác định rõ ràng, Sở Địa chính sẽ công nhận ranh giới mới là hợp pháp, rồi cấp giấy chủ quyền cho người đã tìm ra phần đất ấy. Đến đây là xẩy ra nỗi khốn cùng tệ hại nhất. Hầu hết những cuộc đất điều tra ngày xưa đã có người chiếm, những người tiền phong đã đến định cư, không nghi ngờ, hiền hòa, nhưng giờ giấy chủ quyền bị hủy bỏ, phải chọn lựa giữa việc mua lại đất của họ với giá gấp đôi hoặc là ra đi lập tức, mang theo cả gia đình và tài sản. Con số người đi tìm đất “hoang” lên đến hàng trăm, cả đất nước bị uy hiếp và lùng sục bằng mũi địa bàn. Những mảnh đất mầu mỡ trị giá hàng trăm nghìn đô la bị giành giật từ tay những người vô tội đã mua hay được cấp lúc trước. Từ đấy, bắt đầu cuộc hành trình của những người bị xua đuổi trên những chiếc xe goòng xác xơ, không biết đi về đâu, chửi rủa công lý, ngỡ ngàng, vô mục đích, vô gia cư, vô hy vọng.
Trong hệ lụy của những tình hình này mà Hamlin và Avery đã nộp đơn xin cấp một dải đất rộng khoảng một dặm và dài ba dặm, là phần dôi ra từ cuộc điều tra của Elias Denny dọc theo sông Chiquito. Hai người đã biện luận rằng dải đất này là đất hoang mà cuộc điều tra Denny đã gồm vào đấy không hợp cách. Họ dựa trên các sự kiện được minh chứng để nói rằng góc bắt đầu của cuộc đất Denny được xác định rõ ràng; rằng biên bản thực địa ghi cuộc đất chạy dài 5760 vara về hướng Tây, rồi dừng ở sông Chiquito, rồi chạy ngoằn ngoèo xuống phía Nam; và rằng sông Chiquito thực ra còn cách cuộc đất cả một dặm. Nói tóm lại là có một dải đất hoang hơn tám trăm hecta giữa cuộc đất Denny và sông Chiquito.
Một ngày nóng bức tháng Bảy, ông Giám đốc kêu mang vào mọi hồ sơ liên hệ đến dải đất mới ấy. Chồng hồ sơ chất dầy cả mấy tấc trên bàn ông – ghi chú thực địa, giấy xác minh, bản vẽ phác thảo, bản trần tình – mọi thứ giấy tờ mà trò ma mãnh và tiền bạc có thể giúp Hamlin và Avery thu được. Công ty hai người yêu cầu ông Giám đốc cấp giấy chủ quyền đất cho họ. Họ đã nắm thông tin nội bộ liên quan đến một tuyến xe hỏa mới có thể chạy qua gần dải đất ấy.
Văn phòng Sở Địa chính thật yên tĩnh trong khi ông Giám đốc xem xét qua các chứng cớ. Chim bồ câu đang gù dưới mái của tòa nhà cũ, kiểu như lâu đài. Các thư ký đang phất phơ đâu đấy, không màng giả vờ làm việc cho xứng với đồng lương của họ. Mỗi tiếng động nhỏ đều dội lại trống rỗng, vang vang từ các tấm sàn cẩn đá, trơ trụi, các bức tường quét vôi, và các mặt trần đóng khung sắt. Đám bụi đá vôi lãng đãng, không bao giờ lắng đọng, nhuộm trắng một vệt nắng dài xuyên qua bức màn chắn cửa sổ xác xơ.
Dường như Hamlin và Avery đã chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng. Cuộc đất Denny đã được quy định quá cẩu thả, ngay cả trong giai đoạn cẩu thả. Cái góc bắt đầu cuộc đất trùng với cái góc của lô đất cấp từ thời Tây Ban Nha xa xưa, nhưng mọi vết tích khác đều mơ hồ. Biên bản thực địa không ghi mốc gì còn tồn tại – không có cây cối, không có ranh giới thiên nhiên ngoại trừ sông Chiquito, và nó nằm sai vị trí cả dặm. Theo tiền lệ, Sở Địa chính có lý do chính đáng để xác định lại cuộc đất dựa trên khoảng cách và phương hướng, và xem phần dôi ra chỉ là đất hoang.
Nhưng Người Định cư Thực sự đã đến Sở để khiếu nại. Với cái mũi của một con chó và đôi mắt của một con diều hâu, anh đã quan sát đám người đi đo đạc trên mảnh đất anh đang canh tác. Sau khi đã dò hỏi, anh được biết rằng họ đang lo tấn công đất của anh, nên anh bỏ cái cày nằm trên luống và cầm lấy cây bút.
Ông Giám đốc đọc qua hai lần lá đơn của một trong những người phản đối. Đấy là từ một phụ nữ, một quả phụ, chính là cháu nội của Elias Denny. Bà kể về việc ông nội bà mấy năm trước đã bán phần lớn lô đất với giá bèo – lô đất giờ đã trở nên cao giá. Mẹ của bà cũng bán đi một phần, và bà đã thụ hưởng phần phía Tây còn lại, chạy dọc theo sông Chiquito. Rồi bà đã bán đi phần lớn thửa đất này để sống tồn, giờ chỉ còn trăm mẫu để an cư trên đấy. Bà kết luận bức thư khá thảm thiết:
...Tôi có tám đứa con, đứa lớn nhất mười lăm tuổi. Tôi làm việc cả ngày đến nửa đêm để canh tác mảnh đất nhỏ nhoi còn lại và giúp các con tôi có áo mặc và có sách học. Tôi cũng dạy các con tôi học. Mấy người láng giềng của tôi cũng nghèo và con cái đông đúc. Cứ hai hay ba năm là có hạn hán làm hoa màu chết rụi, và rồi chúng tôi phải khổ sở cố gắng lo cho đủ ăn. Có mười gia đình trên miếng đất mà cá mập đất định chiếm đi của chúng tôi, và họ đều nhận giấy chủ quyền từ tôi. Tôi bán cho họ rẻ, và họ vẫn chưa trả xong, nếu đất họ bị chiếm tôi sẽ chết. Ông nội tôi là người lương thiện, ông đã góp phần xây dựng Bang này, và ông dạy các con ông phải lương thiện, thì làm thế nào tôi có thể bù cho những người đã mua đất của tôi? Thưa ông Giám đốc, nếu ông để bọn cá mập đất lấy đi phương tiện kiếm sống của các con tôi, bất kỳ ai còn nói Bang này là vĩ đại hay chính quyền này là công bằng sẽ là kẻ láo khoét.
Ông Giám đốc để bức thư qua một bên với tiếng thở dài. Ông đã nhận nhiều, rất nhiều bức thư như thế. Ông chưa bao giờ cảm thấy bị xúc phạm, và cũng chưa bao giờ cảm thấy là họ đã kêu gọi đến chính cá nhân ông. Ông chỉ là một người thừa hành công quyền, và ông phải tuân thủ luật lệ. Tuy thế, với lý do nào đấy, luận cứ này không phải luôn luôn xóa bỏ một cảm nghĩ nào đấy luôn vương vấn trong ông – cảm nghĩ về trách nhiệm. Trong số những quan chức của Bang, ông có quyền tối cao trong Sở Địa chính của ông, ngay cả đối với Thống đốc Bang. Đúng là ông phải tuân thủ những luật lệ tổng quát về đất đai, nhưng ông cũng có tự do rộng rãi trong những tình huống nhiêu khê đặc biệt. Thay vì tuân thủ luật lệ, ông có thể theo những Phán quyết, Phán quyết của Sở, và những tiền lệ. Trong những vấn đề phức tạp và mới mẻ phát sinh do sự phát triển của Bang, phán quyết của Giám đốc Sở ít khi bị yêu cầu xét lại. Ngay cả tòa án cũng chuẩn y một phán quyết khi nó rõ ràng là công bằng.
Ông Giám đốc bước đến cánh cửa và nói với anh thư ký ở phòng bên – theo cách cố hữu như là đang nói với một ông hoàng:
- Anh Weldon, xin anh vui lòng yêu cầu ông Ashe, thẩm định viên trường địa chính của Bang, vui lòng đến văn phòng tôi càng sớm càng tốt.
Ashe đi đến nhanh chóng.
Ông Giám đốc nói:
- Anh Ashe, theo tôi biết thì anh đã làm việc dọc theo sông Chiquito, ở Huyện Salado, trong chuyến đi thực địa vừa qua. Anh có nhớ những gì về cuộc đất Elias Denny không?
- Thưa ông, có ạ. Tôi vượt qua con sông đó trên đường đi Lô H, trên bờ Bắc. Con đường chạy cùng với sông Chiquito, dọc theo thung lũng. Cuộc đất Denny mở ba dặm dọc theo sông Chiquito.
- Có người cho là nó còn cách con sông cả dặm.
Anh thẩm định viên nhún vai. Anh đã là một người Định cư Thực sự từ khi lọt lòng, và tự nhiên là người đối nghịch với cá mập đất. Anh nói khô khan:
- Nó vẫn luôn luôn được xem như kéo dài đến con sông.
- Nhưng đấy không phải là điều tôi muốn bàn. Đất đai trong vùng thung lũng này của cuộc đất Denny (tạm cho là như vậy) thì như thế nào?
Tinh thần người Định cư Thực sự rực sáng trên gương mặt của Ashe. Anh phấn khởi trả lời:
- Tuyệt vời. Thung lũng phẳng như mặt sàn này, chỉ với ít nhấp nhô, và rất màu mỡ. Với vừa đủ lùm bụi để bò ẩn náu mùa đông. Đất thịt đen sâu hơn nửa thước, rồi đến sét. Giữ nước được. Có khoảng hơn chục ngôi nhà nhỏ trên đấy, với máy xay và sân vườn. Dân khá nghèo, tôi đoán – quá xa chợ búa – nhưng thoải mái. Trong đời tôi chưa từng thấy trẻ con đông như thế.
Ông Giám đốc nói, suy tư, như thể một khía nhìn mới đã mở ra với ông:
- Trẻ con! À, trẻ con! Họ có nhiều trẻ con.
- Đó là chốn cô đơn, thưa ông Giám đốc. Ông có thể trách họ được không?
Ông Giám đốc nói chậm rãi, như thể theo đuổi điều suy luận từ một lý thuyết mới:
- Tôi đoán không phải tất cả bọn họ là dân tóc vàng. Anh Ashe, hẳn cũng có lý nếu nói là một phần trong nhóm họ là dân tóc nâu, hay ngay cả tóc đen.
- Nâu và đen là chắc rồi, cũng có đỏ nữa.
- Đương nhiên là vậy. Thôi được, tôi cảm ơn anh đã vui lòng thông tin cho tôi rõ, anh Ashe. Tôi không muốn giữ anh lại lâu làm trở ngại công việc của anh.
Sau đấy, vào buổi chiều, Hamlin và Avery đến, cao lớn, đẹp trai, thân thiện, mặc quần áo trắng, mang giầy cổ thấp. Họ đi vào khắp phòng với ánh quang của giầu có hào phóng. Họ đi qua các thư ký và để lại những điếu xì gà to nâu.
Đấy là giới thượng lưu của cá mập đất, săn lùng những gì lớn lao. Họ đầy tự tin, không có công ty nào quá lớn mà họ không đương nổi. Hương khói lạ lùng của những điếu xì gà to nâu của họ thấm vào văn phòng mọi Sở của Bang, mọi phòng ủy ban của Lập pháp, mọi hành lang ngân hàng và mọi phòng họp Đảng của Thủ phủ Bang. Luôn luôn hòa nhã, không bao giờ gấp rút, dường như là thư thái không giới hạn, người ta tự hỏi không hiểu khi nào họ mới màng để ý đến những vụ làm ăn mạo hiểm mà họ đã dấn thân vào.
Dần dà cả hai lơ đãng đi vào văn phòng ông Giám đốc, ngả ra một cách lười biếng trên chiếc ghế to, lót nệm da, có tay dựa. Họ phàn nàn vui vẻ về thời tiết, và Hamlin kể cho ông Giám đốc nghe câu chuyện xuất sắc anh đã thu nhặt được buổi sáng đó từ ông Bộ trưởng Ngoại giao.
Nhưng ông Giám đốc biết lý do họ tìm đến. Ông đã hứa lơ lửng là ngày này sẽ ra quyết định về lô đất họ xin cấp.
Anh thư ký trưởng bây giờ mang vào một xấp những tờ chủ quyền gồm hai bản cho ông Giám đốc ký. Khi ông đặt chữ ký dài ngoằng “Hollis Summerfield, Giám đốc Sở Địa chính” trên mỗi bản, anh thư ký trưởng đứng bên, khéo léo rút ra, ép giấy thấm lên.
Anh thư ký trưởng nói:
- Tôi để ý ông đang xem qua cuộc đất Huyện Salado đó. Kampfer đang làm bản đồ mới của Salado, và tôi đoán anh đang in vỗ lên phần đất đó.
- Tôi sẽ đến xem.
Một lúc sau, ông đi vào phòng vẽ kỹ thuật. Ông thấy năm hay sáu thợ vẽ kỹ thuật xúm quanh bàn làm việc của Kampfer, xì xào với nhau bằng tiếng Đức, và đang nhìn vào cái gì đấy theo mấy lời trao đổi. Kampfer, anh chàng người Đức nhỏ thó với mấy lọn tóc dài cong và con mắt ướt nhòe, bắt đầu lắp bắp lời gì đấy như là xin lỗi, ông Giám đốc nghĩ, về việc tụ tập của đám bạn quanh bàn của anh.
Ông Giám đốc nói:
- Không sao. Tôi muốn xem tấm bản đồ anh đang làm.
Rồi đi ngang người Đức già, ông đến ngồi trên cái ghế cao dành cho thợ vẽ kỹ thuật.
Kampfer tiếp tục cố gắng nói bằng tiếng Anh để giải thích:
- Thưa ông Giám đốc, xin ông hiểu là tôi không cố ý, nó đã là như vậy, tự nó. Ông xem! Nó được in vỗ từ biên bản thực địa, xin ông vui lòng xem: Nam, 10 độ Tây 1050 vara; Nam, 10 độ đông 300 vara; Nam 100; Nam 9; Tây 200; Nam 40 độ Tây 400, và cứ thế. Thưa ông Giám đốc, không bao giờ tôi lại –
Ông Giám đốc giơ bàn tay lên, im lặng. Kampfer ngưng bặt.
Với một bàn tay mỗi bên đầu, và cùi tay tựa trên mặt bàn, ông Giám đốc dán mắt vào tấm bản đồ đang trải ra trước mặt ông – dán mắt vào nét mặt trông nghiêng ngọt ngào và sống động của cô bé Georgia được vẽ trên đấy – vào khuôn mặt của bé, suy tư, tinh tế và ngây thơ, được phác thảo giống như thật.
Khi cuối cùng đầu óc ông tập trung lại để lý giải việc này, ông thấy rằng nó đúng như Kampfer đã nói, không cố ý. Ông già vẽ kỹ thuật đã in vỗ lên cuộc đất Elias Denny, và khuôn mặt của Georgia được tạo ra do không gì khác hơn là sông Chiquito. Thực ra, cái thấm mực của Kampfer, trên đấy vẽ nét phác thảo, cho thấy mấy đường ranh giới theo các số đo và vô số điểm chấm của cái đo góc. Rồi thì, theo nét bút chì mờ nhạt, Kampfer đã dùng cây bút mực đen để vẽ chồng lên đường lượn của sông Chiquito, và qua đấy đã tạo nên một cách kỳ bí khuôn mặt trông nghiêng tinh tế nhưng u sầu của cô bé Georgia.
Ông Giám đốc ngồi trong nửa giờ, mặt úp trong hai bàn tay, nhìn xuống chăm chăm, và không ai dám đến gần ông. Rồi ông đứng dậy và đi ra. Ông yêu cầu mang cho ông hồ sơ Denny.
Ông thấy Hamlin và Avery vẫn còn đang ngả người trên ghế, xem chừng không màng gì đến công việc ở đây. Họ đang vẩn vơ bàn về nhạc kịch mùa hè, đấy là thói quen của họ - có lẽ cũng là niềm tự hào – để tỏ ra vô cảm siêu nhiên mỗi khi sắp được lợi lộc. Và họ sắp đoạt được nhiều hơn người ta biết. Họ nắm được thông tin nội bộ là trong vòng một năm, một tuyến đường sắt mới sẽ cắt qua thung lũng sông Chiquito và đẩy giá đất hai bên tăng vọt. Nếu họ được lãi dưới ba mươi nghìn đô la là xem như dưới mức dự kiến. Vì thế, trong khi họ vẩn vơ trò chuyện chờ ông Giám đốc thông báo, có một ánh lóe nhanh trong khóe mắt của họ, cho thấy rõ ràng ước vọng sẽ được đọc tờ chủ quyền của mảnh đất dọc sông Chiquito.
Một thư ký mang hồ sơ vào. Ông Giám đốc ngồi vào bàn và dùng mực đỏ viết lên đấy. Rồi ông đứng dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ. Sở Địa chính nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Đôi mắt ông Giám đốc lướt qua nóc của những căn nhà lẫn giữa màu xanh đậm, những con đường trắng xẻ ngang dọc cả một vùng. Đường chân trời, nơi đôi mắt ông chú mục nhìn, dầy lên do cây xanh, lấm tấm những chấm trắng sáng mờ. Có một khu nghĩa trang nơi nhiều người an nghỉ và đã bị lãng quên, và một số người đã sống không phải là vô ích. Và có một nấm mộ, chiếm một khoảng rất nhỏ, với một con tim trẻ thơ nhưng lại đủ lớn để mong ước điều tốt lành cho người khác khi thoi thóp những nhịp đập cuối cùng. Đôi môi ông Giám đốc khẽ mấp máy khi ông nói với chính mình: “Đấy là di chúc và lời trối trăn cuối cùng của con bé, và mình đã lãng quên quá lâu!”.
Hai điếu xì gà to nâu của Hamlin và Avery đã tàn, nhưng họ vẫn ngậm giữa hai hàm răng và chờ đợi, trong khi họ cảm thấy lạ lùng với vẻ mặt lơ đãng của ông Giám đốc.
Cuối cùng, thình lình ông nói với họ:
- Thưa hai ông, tôi đã ký chuẩn y cho cuộc đất Elias Denny để được đăng ký. Sở này sẽ không xem mảnh đất các ông xin là hợp pháp.
Ông ngừng một lúc, và rồi, dang tay ra theo cách những người thời xưa tham dự các buổi tranh luận, ông tuyên bố tinh thần của Phán Quyết mới – Phán Quyết sau này sẽ đẩy bọn cá mập đất vào đường cùng và đóng dấu an lành ổn định cho hàng nghìn gia đình. Ông tiếp tục, với ánh trong sáng dịu dàng trên gương mặt:
- Và, thêm nữa, các ông có thể cần biết rằng từ bây giờ trở đi, Sở này sẽ xem một cuộc đất đã điều tra do Bang này cấp chủ quyền cho những người đã khai phá từ đất hoang vu – đất cấp đúng tình, được an cư đúng tình, và được để kế thừa đúng tình cho con cái của họ hay sang nhượng đúng tình cho người mua vô tội – khi cuộc đất như thế, dù là có vượt qua những số đo, sẽ dựa trên bất kỳ cơ sở thiên nhiên nào mắt người nhận ra được, và được quy định theo cơ sở đó, và sẽ được xem là đúng lý và hợp pháp. Những trẻ em của Bang này sẽ được ngủ êm ấm mỗi đêm, và những đồn đại về chủ quyền đất sẽ không làm cho chúng bấn rộn.
Ông Giám đốc kết luận:
- Vì lẽ, đấy là Vương quốc của Thiên đàng.
Trong bầu yên tĩnh theo sau đấy, một tiếng cười vọng lên từ phòng đăng ký ở tầng dưới. Một thư ký đã mang hồ sơ Elias Denny xuống, đang chỉ cho những nhân viên khác xem. Anh nói vui nhộn:
- Xem này, ông già đã quên tên ông rồi. Ông ấy viết: “Cấp đăng ký cho người có giấy chủ quyền tiên khởi”, và ông ký là “Georgia Summerfield, Giám đốc”.
Lời phát biểu của ông Giám đốc không làm vương bận đầu óc cố chấp của Hamlin và Avery. Họ mỉm cười, đứng dậy thanh thản, trao đổi với nhau về thể thao và thời tiết. Họ đốt điếu xì gà to nâu mới, rồi bước ra một cách lịch sự. Nhưng sau đấy, họ khiếu nại với tòa án. Nhưng theo lời báo chí tường thuật, tòa án đã “giũa họ một trận lạnh lùng”, và chuẩn y Phán Quyết của ông Giám đốc Sở Địa chính.
Rồi Phán Quyết này trở thành Tiền Lệ, và những Người Định cư Thực sự lồng khung nó, và dạy cho con cái của họ tập đọc nó, và mọi giấc ngủ đều êm đềm từ những cây thông cho đến bụi rậm, và từ đồng cỏ cho đến con sông to nâu nằm về phía Bắc.
Nhưng tôi nghĩ, và tôi đoan chắc ông Giám đốc không bao giờ phủ nhận, rằng không nhất thiết đúng chăng Kampfer là công cụ của định mệnh, không nhất thiết đúng chăng đường vẽ con sông Chiquito đã được in vỗ lên bản đồ thành gương mặt ngọt ngào đáng nhớ, đã phát sinh “việc nào đấy tốt lành cho cả đám trẻ”, và kết quả này đáng được gọi là “Phán Quyết của Georgia”.
Cuối cùng rồi cũng đến chín giờ tối, và công việc khó nhọc trong ngày chấm dứt. Lena trèo lên phòng cô trong Khách sạn Quarrymen. Cô bé đã làm việc quần quật như nô lệ, những công việc của phụ nữ thành niên: lau sàn nhà, rửa bát đĩa, dọn giường, và cung ứng nhu cầu không giới hạn về củi và nước cho cái khách sạn xô bồ và não nề này.
Mọi chát chúa trong ngày của khu mỏ đá đã chấm dứt – tiếng nổ phá đá, tiếng khoan, tiếng ken két của cần cẩu, tiếng la thét của đốc công, tiếng ầm ầm tới lui của các xe goòng chở những tảng đá vôi nặng nề. Trong văn phòng khách sạn tầng dưới, ba hay bốn công nhân đang gầm gừ, văng tục qua ván cờ. Mùi hăng của thịt ninh, mỡ cháy, và cà phê loại rẻ tiền lơ lửng như một màn sương mù chán ngán trong căn nhà.
Lena đốt ngọn nến và ngồi rũ trên một chiếc ghế gỗ. Cô bé mới lên mười một, gầy còm và thiếu ăn. Lưng và tay chân cô đều nhức mỏi, nhưng nỗi nhức nhối trong tim làm cô khổ nhất. Giọt nước cuối cùng làm đổ cốc nước đã đè thêm gánh nặng trên vai cô bé: họ đã lấy đi của cô quyển truyện của Grimm . Mỗi tối, dù có mệt nhọc đến đâu, cô bé đều nương tựa vào Grimm để tìm an ủi và hy vọng. Mỗi lần đều có Grimm thì thầm với cô bé là một hoàng tử hay một bà tiên sẽ đến và cứu cô ra khỏi cảnh khốn cùng. Mỗi đêm, cô bé đều lấy lại can đảm và sức mạnh từ Grimm.
Với mỗi truyện cô bé đọc, cô đều tìm thấy những tương đồng với hòan cảnh của mình: đứa trẻ lạc lòai của bác tiều phu, cô gái ngỗng bất hạnh, cô con nuôi bị bạc đãi, cô gái bé bỏng bị nhốt trong túp lều của mụ phù thủy - tất cả đều là những phản chiếu trong suốt cho Lena, cô phụ bếp bị bóc lột của Khách sạn Quarrymen. Và luôn luôn khi đã đến cùng cực là thể nào cũng có một bà tiên hiền từ hay một hoàng tử dũng cảm đến giải cứu.
Vì thế, trong lâu đài của ác quỷ, bị giam cầm nô lệ vì một lời nguyền rủa, Lena đã dựa vào Grimm và chờ đợi, tha thiết muốn thấy sức mạnh lương thiện sẽ thắng. Nhưng ngày trước, bà Maloney đã tìm thấy quyển sách trong phòng cô bé và mang đi, phán là công nhân không nên đọc sách ban đêm, họ sẽ bị mất ngủ và không hăng hái làm việc ngày hôm sau. Có thể nào một cô bé mới mười một tuổi, sống xa mẹ, và không khi nào có thời giờ để nô đùa, lại có thể sống mà không có Grimm? Bạn thử một lần xem, và bạn sẽ thấy khó khăn đến dường nào.
Nhà cô bé Lena ở bang Texas, giữa các ngọn núi nhỏ dọc sông Pedernales, trong một thị trấn nhỏ tên là Fredericksburg. Dân trong thị trấn này đều là gốc Đức. Vào buổi tối, họ ngồi ở những cái bàn đặt dọc hè đường, uống bia và chơi bài. Họ rất bủn xỉn.
Bủn xỉn nhất trong bọn họ là Peter Hildesmuller, cha của Lena. Và vì thế mà Lena bị bắt đến làm việc ở cái khách sạn gần các mỏ đá, cách ba mươi dặm. Cô lãnh được ba đô la mỗi tuần, và Peter thêm đồng lương của cô vào cửa hàng của ông. Peter có tham vọng sẽ trở nên giàu có như ông hàng xóm. Và giờ đây Lena đã đủ lớn để có thể đi làm và giúp vào việc tích lũy làm giàu. Bạn hãy tưởng tượng, nếu có thể được, hòan cảnh cô bé mười một tuổi là như thế nào khi bị tách xa khỏi mái ấm gia đình trong một ngôi làng nhỏ sông Rhine để làm lao động trong một lâu đài của ác quỷ, nơi bạn phải bay để phục vụ các con ác quỷ trong khi bọn chúng nuốt sống bò và cừu, la rống dữ dội khi bọn chúng dậm chân rầm rập để giũ bụi đá vôi trên sàn cho bạn quét và lau với những ngón tay yếu đuối đau nhức. Và rồi, người ta lấy đi Grimm của bạn!
Lena nhấc cái nắp của một cái hộp rỗng trước đấy đã chứa ngô đóng hộp, lấy ra một mảnh giấy và một cây bút chì. Cô bé định viết cho mẹ cô. Tommy Ryan sẽ đi bỏ thư ở trạm bưu điện của ông Ballinger. Tommy mười bảy tuổi, làm việc ở mỏ đá, mỗi tối trở về nhà ở Ballinger, và hiện đang đứng trong bóng tối dưới cửa sổ phòng Lena để chờ cô ném lá thư xuống. Đấy là cách duy nhất cô bé có thể gửi thư về Fredericksburg. Bà Maloney không thích cô viết thư.
Ngọn nến đã cháy gần tàn, nên Lena vội cắn lớp gỗ quanh ruột chì và bắt đầu viết.
MẸ YÊU QUÝ – Con muốn gặp mẹ lắm. Và gặp Gretel, Claus, Heinrich và em Adolf. Con muốn gặp mẹ. Hôm nay con bị bà Maloney tát và không được ăn tối. Con không mang đủ củi đốt vì tay con bị nhức. Bà ấy lấy quyển sách của con. Quyển “Truyện cổ tích của Grimm” mà bác Leo cho con đó. Con đọc quyển sách không làm hại ai. Con ráng sức làm việc, nhưng công việc quá nhiều. Con chỉ đọc một ít mỗi tối. Mẹ ơi, con cho mẹ biết con sẽ làm gì. Nếu mẹ không cho người đón con về nhà ngày mai, con sẽ đi đến nơi sâu trong sông và chết đuối. Con nghĩ chết đuối là không tốt, nhưng con muốn gặp mẹ, con không có ai khác. Con quá mệt. Tommy đang đợi lấy thư. Mẹ tha thứ cho con nếu con phải làm việc đó.
Con thương của mẹ,
Lena
Tommy vẫn trung kiên chờ đợi. Khi Lena ném lá thư xuống, cô bé thấy anh nhặt lên, rồi đi lên theo triền đồi dốc. Cô bé vẫn mặc quần áo làm việc, thổi tắt nến rồi nằm cuộn mình trên tấm nệm trải trên sàn.
Lúc 10 giờ 30 phút, ông già Ballinger bước ra khỏi nhà, chân mang tất cao, đứng dựa cổng, hút ống vố. Ông nhìn dọc con đường trắng xóa trong ánh trăng, và lấy một bàn chân chà xát cổ chân kia. Đã đến giờ chuyến xe thư Fredericksburg đi đến.
Ông già Ballinger chờ chỉ được vài phút khi ông nghe tiếng vó lọc cọc của đôi lừa đen của Fritz, và chẳng bao lâu chiếc xe goòng che vải bạt đã dừng trước cổng. Đôi tròng kính của Fritz lấp loáng trong ánh trăng, và tiếng nói vang dội của anh đón chào ông trưởng trạm bưu điện Ballinger. Người chở thư nhảy ra và tháo dây cương, vì anh luôn luôn cho lừa ăn lúa mạch tại trạm Ballinger.
Trong khi các con lừa đang ăn, ông già Ballinger mang ra một túi thư ném vào chiếc xe goòng.
Fritz Bergmann là con người của ba – hay chính xác hơn – bốn tình cảm, vì hai con lừa đáng được tính riêng biệt. Hai con lừa này là mối quan tâm và niềm vui chính của cuộc đời anh, kế đến là Hoàng đế Đức và cô bé Lena Hildesmuller.
Fritz nói, khi anh đã sẵn sàng lên đường đi tiếp:
- Ông cho tôi biết, trong cái túi có thư của cô bé Lena ở mỏ đá viết cho bà Hildesmuller không? Một lá thư gửi đi chuyến trước nói là cô bé đã bị bệnh. Mẹ cô nóng lòng muốn biết tin thêm.
Ông già Ballinger trả lời:
- Có. Đấy là thư cho bà Helterskelter, hay tên nghe đại loại như vậy. Tommy Ryan mang đến. Anh bảo cô bé làm ở đấy à?
Fritz thét ngoái lại khi anh nắm lấy sợi dây cương:
- Trong khách sạn. Mười một tuổi nhỏ xíu. Thằng cha Peter Hildesmuller tàn bạo – ngày nào đấy tôi sẽ nện cho hắn một trận. Có thể với bức thư này Lena nói là cô bé đã khỏe, để bà mẹ vui. Ông Ballinger, coi chừng chân ông bị lạnh trong gió đêm đấy!
- Chào Fritz. Anh có cả một đêm mát mẻ tốt đẹp trong chuyến đi đấy!
Hai con lừa đều nhịp trên đường, trong khi Fritz thỉnh thoảng gầm lên những lời khuyến khích ngọt ngào. Khi họ đến khu rừng sồi, cách trạm Ballinger tám dặm, thình lình có ánh chớp, tiếng súng và tiếng roi quật vun vút như thể từ một bộ lạc dân da đỏ. Một đám người ngựa phóng đến, bao quanh xe chở thư. Một tên chĩa khẩu súng lục vào anh đánh xe, ra lệnh dừng lại. Mấy tên khác nắm lấy dây cương của hai con Donder và Blitzen.
Fritz gầm lên chát chúa:
- Buông tay ra khỏi mấy con lừa. Chúng tôi là xe thư Hiệp Chủng Quốc!
Một tiếng nói trầm trầm kéo dài:
- Nhanh lên, anh người Đức. Anh không biết anh đang bị trấn lột hay sao? Kéo lừa lại, leo ra khỏi xe.
Do những lỗi lầm khắp cùng và thành tựu to lớn của Hondo Bill, có thể nói là cướp xe thư Fredericksburg không phải là mục đích chính của hắn. Cũng như một con sư tử có thể đặt một chân phù phiếm lên một con thỏ trên đường đuổi theo một con mồi lớn, nên Hondo Bill và băng đảng của hắn, với tinh thần thể thao, đã chộp phương tiện giao thông an bình của Fritz.
Công việc thực sự trong đêm đầy tai ương của băng đảng đã xong. Fritz với túi thư tín và hai con lừa chỉ như là một thư giãn nhàn nhã, sau những nhiệm vụ nghề nghiệp nặng nề. Hai mươi dặm về hướng đông nam đang có một con tàu bị tắt máy, với đám hành khách kinh hoàng, và một xe tốc hành cùng toa chở thư đã bị trấn lột. Đấy mới là chuyện làm ăn nghiêm chỉnh của Hondo Bill và băng anh ta. Với chiến lợi phẩm khá béo bở gồm tiền mặt và bạc ròng, băng cướp đang đánh một vòng rộng về hướng tây qua vùng đồng xanh thưa thớt dân cư, định tẩu thoát về mật khu an tòan ở Mexico qua mấy điểm trên sông Rio Grande cạn mà ngựa có thể vượt qua được. Phi vụ ở chuyến tàu đã khiến mấy tay lục lâm thảo khấu vui nhộn và hứng chí.
Run rẩy vì phẩm giá mình bị xúc phạm và bản thân cảm thấy khó hiểu, Fritz trèo xuống đường sau khi đã chỉnh lại đôi gọng kính. Băng cướp đã xuống ngựa và đang ca hát, nhảy nhót, hò hét, bộc lộ mọi mừng vui khoái trá trong đời của những kẻ sống ngòai vòng pháp luật, hả hê. Rattlesnake Rogers, người đứng ở đầu hai con lừa, giật quá mạnh sợi dây cương của con Donder hiền từ, làm con vật lùi ra sau và kêu lên một tiếng phản đối vì đau đớn. Ngay lập tức Fritz thét lên một tràng giận dữ, phóng đến tên Rogers bệ vệ và bắt đầu nắm tay đấm thùm thụp vào tên lục lâm ngỡ ngàng:
- Đồ ăn cướp! Chó má! Con lừa đó nó bị lóet miệng. Tao đánh gãy xương vai mày ra, tên cướp đường!
Rattlesnake tru “Hí! Hí!”, rồi cười phá lên và thụp đầu né tránh: “Ai đó gỡ thằng này ra cho tao”.
Một tên nắm lấy vạt áo choàng của Fritz kéo giật anh ra sau, và khu đồng xanh vang tiếng Rattlesnake phê bình dữ dội:
- Cái tên cả gan! Nó không đến nỗi tồi như con chồn hôi so với một tên Đức. Dám đứng lên bênh vực cho súc vật của nó, phải không? Tao khoái một thằng đàn ông yêu con vật của nó, dù chỉ là một con lừa. Nó dám chơi tao, phải không? Chà! Lừa ơi! Tao không làm miệng mày đau nữa đâu!
Có lẽ họ đã không động đến thư từ nếu không do Ben Moody, tên cầm đầu số hai, có một trí khôn nào đấy khiến hắn ta nghĩ đến thêm chiến tích. Hắn nói với Hondo Bill:
- Này sếp, có thể có món bở trong mấy túi thư. Tôi đã từng buôn bán ngựa với tụi Đức này quanh Fredericksburg nên tôi biết mánh của họ. Bọn Đức đã từng liều bọc cả nghìn đô trong một mẩu giấy trước khi họ biết chi cho nhà băng để lo chuyện tiền bạc cho họ.
Hondo Bill, với vóc người cao lớn, giọng nói êm dịu và hành động bốc đồng, đang lôi ra mấy cái túi từ sau xe goòng trước khi Moody nói dứt. Một con dao lóe sáng trong tay hắn, và người ta nghe tiếng loạch xoạch khi con dao rọc qua lớp vải bạt dai cứng. Bọn người ngòai vòng pháp luật bao quanh, bắt đầu xé ra mấy bức thư và bưu phẩm, công việc thêm sống động vì những tiếng văng tục thân mật chửi các tác giả - những người như thể đã âm mưu với nhau để bác bỏ lời tiên đoán của Ben Moody. Họ không tìm thấy đồng đô nào trong thư tín của Fredericksburg. Túi thư Ballinger bị phanh ra như cái kén dưới con dao của Hondo. Chỉ có một nắm thư trong đấy.
Hondo Bill nói với anh chở thư, nghiêm nghị:
- Mầy phải tự biết ngượng khi chuyên chở lòng vòng mấy thứ giấy má lụn vụn như vầy. Mà mầy có ý gì vậy? Bọn Đức mầy giấu tiền ở đâu?
Fritz đã hầm hầm với kinh hãi và phấn khích cho đến khi túi thư ấy bị động đến. Bây giờ anh nhớ đến lá thư của Lena. Anh nói với đảng trưởng, yêu cầu để yên cho lá thư này.
Hondo Bill nói với người chở thư đang lo lắng:
- Tao nghe lời mầy, anh Đức. Tao nghĩ đó là lá thơ tụi này cần. Có “của” trong đó, phải không? Đây rồi. Cho tao chút ánh sáng đi tụi bây.
Hondo bóc ra bức thư gửi cho bà Hildesmuller. Cả băng đứng vây quanh, tuần tự đốt mấy lá thư khác bị vặn xoắn. Hondo nhìn lá thư với vẻ khó chịu, thấy chỉ có một trang giấy nhỏ với mấy hàng chữ Đức gai góc.
- Đây là cái thá gì mầy dùng để bịp bọn tao vậy, tên Đức kia? Mầy bảo đó là lá thơ có giá hả? Đó là cái trò lừa gạt hạ cấp mà lại đem chơi những người bạn của mầy đến để giúp mầy phân phát thơ!
Sandy Grundy ghé mắt qua vai của Hondo:
- Đó là chữ Hoa hòe.
Một tên khác trong bọn, trẻ trung, mang khăn tay lụa và thắt lưng bằng kền:
- Thằng dốt! Đó là tốc ký. Có lần tao thấy nó trong tòa án.
Fritz nói:
- Không, không, không phải. Đấy là chữ Đức. Đấy chỉ là một đứa con gái nhỏ viết cho mẹ nó. Một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, đau yếu, làm việc nặng nhọc xa nhà. Ôi chao, thật là xấu hổ! Ông Cướp Đường tốt bụng ơi, xin ông làm ơn cho tôi xin lại bức thư này được không?
Hondo nói với vẻ nghiêm trọng thình lình khiến cả bọn ngạc nhiên:
- Cái thằng quỷ này cho tụi tao là như thế nào hả? Bộ mầy tưởng tụi tao không có chút tư cách tối thiểu để chú ý tới sức khỏe của phụ nữ hay sao? Bây giờ, mầy tới đây, mầy đọc to lên mấy chữ gà bới đó trong tiếng Hiệp Chủng Quốc rõ ràng cho đám xã hội có học thức này nghe.
Hondo quay tít khẩu súng lục, đứng nghễu nghện trên anh Đức nhỏ thó bắt đầu đọc bức thư, dịch các chữ giản dị ra Anh văn. Cả băng cướp đứng trong yên lặng tuyệt đối, chăm chú lắng nghe.
Khi lá thư đã được dịch xong, Hondo hỏi:
- Con nhỏ đó bao nhiêu tuổi?
Fritz đáp:
- Mười một.
- Con nhỏ đang ở đâu?
- Ở mỏ đá – đang làm việc. Tội nghiệp con bé Lena, nó nói đến việc chết chìm. Tôi không chắc nó sẽ làm việc này, nhưng nếu nó có mệnh hệ gì, tôi thề sẽ kiếm súng bắn nát thằng cha Peter Hildesmuller.
Hondo Bill nói với giọng khinh miệt:
- Bọn Đức chúng mầy làm tao thấy oải quá! Bắt con cái đi làm trong khi đáng lẽ chúng nó được chơi búp bê trên cát. Bọn này là đám dân cư khốn khiếp. Tao chỉnh đồng hồ bọn mầy một thời gian để cho bọn mầy biết tụi tao nghĩ như thế nào về cái xứ sở phó-mát của bọn mầy. Tụi bây, lại đây.
Hondo BilI hội ý nhanh với cả băng, rồi bọn họ tóm lấy Fritz và kéo anh qua vệ đường. Họ trói chặt anh vào một gốc cây, cột hai thành viên đòan của anh vào gốc cây khác kế bên.
Hondo trấn an:
- Tụi tao không muốn mầy đau đớn nhiều. Bị trói trong chốc lát không đau lắm đâu. Bây giờ tụi tao phải đi. Đừng sốt ruột.
Fritz nghe tiếng yên cương kêu kẽo kẹt khi bọn người nhảy lên lưng ngựa. Rồi có một tiếng thét và tiếng móng gõ lọc cọc khi cả bọn phi dọc theo con đường Fredericksburg.
Trong hơn hai giờ, Fritz ngồi tựa vào gốc cây, bị trói chặt nhưng không đau đớn. Rồi từ phản ứng sau cuộc phiêu lưu kích xúc, anh thiếp đi trong mê mệt. Anh không nhớ mình đã ngủ bao lâu, nhưng cuối cùng anh bị lay tỉnh một cách thô bạo. Mấy bàn tay cởi trói cho anh. Anh bị nhấc bổng lên, ngầy ngật, hoang mang, và người mỏi nhừ. Anh dụi mắt, và thấy mình một lần nữa đứng giữa bọn lục lâm gây kinh hoàng. Họ đẩy anh lên ngồi trên chiếc xe goòng, dúi sợi dây cương vào tay anh.
Hondo Bill ra lệnh:
- Chạy về nhà đi, cái tên Đức này. Mầy gây lắm phiền phức cho tụi tao rồi, giờ tụi tao vui lòng tống cổ mầy.
Hondo vươn tay ra, vụt cây roi phất nhẹ vào con Blitzen một cái. Hai con lừa nhỏ phóng về phía trước, phấn khởi được tiếp tục lên đường. Fritz vỗ về hai con vật, trong khi bản thân anh cảm thấy chóng mặt và váng vất qua cuộc phiêu lưu kinh hãi.
Theo lịch trình, đáng lẽ anh đi đến Fredericksburg lúc bình minh. Nhưng khi anh đến đấy thì đã 11 giờ sáng. Nhà của Peter Hildesmuller nằm trên đường đi đến trạm bưu điện. Anh dừng xe trước cánh cổng và gọi. Nhưng bà Hildesmuller đang đứng đợi ở đấy. Rồi cả gia đình Hildesmuller chạy ùa ra.
Bà Hildesmuller, mập mạp và tíu tít, hỏi anh có thư của Lena không, và rồi Fritz cất cao giọng kể lể về cuộc phiêu lưu của anh. Anh thuật lại nội dung của lá thư mà băng cướp bắt anh đọc, và rồi bà Hildesmuller òa lên khóc điên dại. Cô con gái nhỏ Lena của bà muốn gieo mình xuống nước! Tại sao họ không đưa cô bé về nhà? Phải làm gì đây? Bây giờ có lẽ đã quá muộn để cho người đi đón cô bé về.
Ông Peter Hildesmuller gầm lên với bà vợ:
- Bà! Tại sao bà để con nhỏ đi? Đấy là lỗi tại bà nếu nó không về nhà nữa.
Mọi người đều biết đấy là lỗi của ông Peter Hildesmuller, nên không ai để ý đến lời ông.
Một lúc sau, có một tiếng kêu lạ kỳ, nho nhỏ: “Mẹ ơi!”. Thoạt đầu bà Hildesmuller ngỡ đấy là hồn ma cô bé gọi mình, và rồi bà chạy đến phía sau chiếc xe goòng phủ vải bạt và, với tiếng thét vì mừng rỡ, nhấc Lena lên, hôn lấy hôn để khuôn mặt nhỏ nhắn xanh xao của cô bé, ôm ghì lấy cô khiến cô gần ngạt thở. Hai mắt cô bé sật sừ sau giấc ngủ mệt mỏi, nhưng cô mỉm cười và ôm lấy người mà cô muốn gặp lại. Cô bé đã ngủ thiếp giữa những túi thư, nằm trên cái chăn và bọc trong tấm dạ ấm cúng, cho đến khi tỉnh giấc vì những tiếng lao xao xung quanh.
Fritz nhìn cô bé, hai mắt trợn trừng sau đôi tròng kính. Anh la toáng lên:
- Trời đất ơi! Làm thế nào mà bé có thể lọt vào trong xe được? Hay là tao đã khùng lên rồi như thể tao bị bọn cướp hạ sát và treo cổ hôm nay?
Bà Hildesmuller sụt sùi:
- Fritz, anh mang nó về cho chúng tôi. Tôi không biết nói gì để cảm ơn anh cho đủ.
Bà nói với Lena:
- Nói cho mẹ biết đi, bằng cách nào con chui được vào xe chú Fritz?
Cô bé trả lời:
- Con không biết. Nhưng con biết lúc con thoát khỏi khách sạn. Hoàng Tử đến cứu con ra.
Fritz la lớn:
- Hoàng Thượng ơi! Bọn mình chắc sẽ thành khùng điên hết!
Lena ngồi xuống trên đống chăn dạ bên lề đường, nói:
- Con luôn tin là Hoàng Tử sẽ đến. Đêm qua Hoàng Tử với một đội hiệp sỹ đến chiếm lâu đài của ác quỷ. Họ đập chén đĩa, đá cửa đổ xuống. Họ ném ông Maloney vào cái thùng nước mưa và rắc bột lên khắp người bà Maloney. Khi mấy ông hiệp sỹ nổ súng, mấy anh công nhân trong khách sạn nhảy qua cửa sổ chạy vào rừng. Họ làm con thức giấc, nên con lén dòm xuống lầu. Rồi Hoàng Tử đi lên, quấn con trong cái chăn rồi bồng con xuống. Hoàng Tử cao lớn, khỏe mạnh lắm. Râu ria dài, Hoàng Tử nói nhỏ nhẹ, hiền từ, có mùi rượu nữa. Hoàng Tử nhấc con lên cho ngồi trước ông trên lưng ngựa, rồi chạy đi với các hiệp sỹ. Hoàng Tử ôm chặt con, rồi con ngủ luôn cho đến lúc con về tới đây.
Fritz vẫn la lối:
- Vớ vẩn! Tòan chuyện cổ tích! Bé cho biết làm thế nào bé đi từ mỏ đá đến chui vào trong xe thư?
Lena vẫn nói chắc nịch:
- Hoàng Tử mang con đi.
Và cho đến bây giờ, các cư dân tốt của Fredericksburg vẫn không thể nào thuyết phục được cô bé cho lời giải thích theo cách khác.