Khi ấy các tướng và các chư hầu nghe trống giục, đồng lướt tới phủ vây Trụ Vương.
Lỗ Nhân Kiệt nói với Lôi Côn, Lôi Bàng:
- Vua mắc nạn thì tôi cũng bị nhục. Chúng ta lúc này phải liều chết rửa nhục, không lẽ đứng ngoài xem bọn phản thần đánh chúa?
Lôi Côn nói:
- Anh em nói phải lắm.
Ba người đồng phá trùng vây, xông vào cứu giá.
Bấy giờ Trụ Vương hỗn chiến đã lâu, một mình chống cự với các tướng Châu vây phủ bốn phía.
Trụ Vương nổi giận, hét lên một tiếng, chém Nam Bá Hầu một đao đức làm hai.
Lỗ Nhân Kiệt đâm Lâm Thiên nhào xuống ngựa.
Na Tra nổi giận lướt tới, nói:
- Các ngươi đừng ỷ mạnh, có ta đây.
Lôi Chấn Tử, Kim Tra, Mộc Tra đều xông vào, nói:
- Ðã đến Triều Ca lẽ nào chúng ta chịu thua trước mặt tám trăm chư hầu.
Nói rồi xông tới đánh liền. Dương Tiễn chém được Lôi Côn.
Na Tra quăng Càn khôn quyện đập Lỗ Nhân Kiệt bể đầu nhào xuống.
Lôi Chấn Tử đập Lôi Bàng chết tươi.
Vua Trụ còn có một mình tả xông hữu đột đánh với các tướng.
Khương Văn Hoán liền buông siêu đao xuống, lấy cây giản tràng giắt sau lưng, chui vào phía sau, đập lên lưng vua Trụ một giản.
Vua Trụ suýt té xuống ngựa, vội bại tẩu vào cung.
Chư hầu đuổi theo, nhưng cửa ngọ môn quân sĩ đóng kịp, không sao vào được, Tử Nha liền gióng kiểng thâu quân về trại, kiểm điểm binh tướng thì thấy trận nầy hao hết hai mươi sáu viên tướng, và mất hơn ba ngàn quân.
Các chư hầu đều thở ra, nói với nhau:
- Không ngờ Trụ Vương lại có sức mạnh dường ấy.
Tử Nha nói:
- Sức mạnh không thắng nổi đạo đức. Kẻ mất đạo đức phải bị diệt vong.
Võ Vương nói:
- Chúng ta đánh với Thiên Tử đã lỗi đạo làm tôi. Tôi thấy Khương Văn Hoán đánh Thiên Tử một giản lòng ta bất mãn quá.
Tử Nha nói:
- Xin Ðại vương chớ nghĩ như vậy. Lúc là kẻ nhân đạo, cầm quyền chỉ nước thì là bậc chí tôn, nhưng khi đã xa lìa đạo đức, bỏ mất thiên mệnh, đạo lý, thì chỉ là một người dâm đạo, hại dân, không coi là Thiên Tử nữa. Ðại vương còn thương xót nổi gì?
Vua Trụ chạy vào đền, ngồi lên ngai than:
- Ta hối tiếc vì không nghe lời trung thần can gián nên ngày nay mới bị nhục. Thương hại Lỗ Nhân Kiệt, Lôi Côn, Lôi Bàng đều vì ta tử trận cả.
Phi Liêm và Ác Lai tâu:
- Bệ hạ võ nghệ như thần, Một mình cự được trăm người mà còn giết được tướng, chỉ rủi ro bị một giản, nhắm chừng ít bữa cũng lành, rồi sẽ ra trận. Hạ thần tưởng chắc thế nào cũng thắng.
Trụ Vương nói:
- Trung thần không còn ai, các tướng chết hết trẫm lại bị thương còn mong gì chiến đấu. Nói rồi cỡi giáp vào cung.
Phi Liêm nói với Ác Lai:
- Giặc vây tại Ngọ môn, ngoài chẳng có binh, trong không còn võ tướng, tình thế này chắc chết, chúng ta liệu làm sao? Nếu binh chư hầu kéo vào đây ngọc đá không còn, vàng thau tiêu hết, chúng ta lâu nay tàn trữ được một số của cải mà phải tan tành thì uổng biết chừng nào.
Ác Lai nói:
- Cần gì phải đắn đo cho mệt. Kẻ trí thì coi theo tình thế mà làm. Trong ít ngày nữa, Trụ Vương phải chết, chúng ta thừa dịp đầu Châu cũng không mất phần công danh phú quý. Võ Vương nhân đức, Khương Thượng cao minh, chắc không bao giờ làm tội người đầu hàng mà sợ.
Phi Liêm nói:
- Nếu đã có ý ấy thì phải tính một kế nào để lập công. Theo ý tôi thì đợi lúc binh Châu đến phá, chúng ta trộm lấy ngọc ấn đem giao cho Võ Vương, thế nào chúng ta cũng được quyền cao chức trọng.
Hai người bàn luận với nhau trong có vẻ đắc chí lắm.
Bấy giờ Trụ Vương vào nội cung Ðắt Kỷ, Hồ Hỷ Mỵ và Ngọc Mỹ Nhân đồng ra nghinh tiếp.
Trụ Vương rơi lụy, nói với Ðắt Kỷ:
- Trẫm coi Cơ Phát là tiểu tử, Khương Thượng là thất phu, chẳng tài cán chi, chẳng dè chúng hội binh tướng quá đông, nhóm chư hầu vây trước ngõ. Trẫm ra binh chém được ít tướng, rủi bị Khương Văn Hoán đập một giản trúng lưng. Còn Lỗ Nhân Kiệt, Lôi Côn, Lôi Bàng đã liều mình tử trận. Trẫm chắc cơ nghiệp tiên vương đến đây là dứt, ăn năn thì đã muộn.
Trụ Vương thở dài, lau nước mắt rồi nói tiếp:
- Nghĩ thương ba mỹ nhân ở với trẫm tới nay, mà trẫm phải liều mình, để cho chúng bắt ba vị mỹ nhân của trẫm. Một khi trẫm đã chết rồi, thì cả ba ái khanh đều về tay Cơ Phát hết. Trẫm nghĩ đến đó lòng đau như cắt.
Nói rồi nước mắt dầm dề.
Ba nàng yêu thấy vua Trụ khóc thảm thiết cũng động lòng khóc theo, rồi quỳ tâu:
- Ba chúng tôi nhờ ơn bệ hạ yêu dấu lâu nay, ghi lòng khắc cốt không quên, nay trong ly loạn bệ hạ tính đi đâu? Và bỏ chúng tôi sao đành?
Trụ Vương nói:
- Nếu trẫm để chúng bắt thì nhẹ thể lắm, nên phải từ giã ba ái khanh mà đi kẻo trễ.
Ðắt Kỷ níu áo khóc sướt mướt:
- Thần thiếp nghe bệ hạ nói ruột gan như dao cắt. Bệ hạ nở bỏ thần thiếp mà đi đâu?
Nói rồi cúi mặt trên đầu gối Trụ Vương mà khóc lớn.
Vua Trụ thương quá, không nỡ bỏ đi, vội hối quân dọn tiệc rượu giã biệt.
Có bài thơ rằng:
Nghĩ tới vui xưa tại Lộc đài,
Dứt tình vì giặc đánh bên ngai
Uyên ương kết cánh từ năm ấy,
Loan phụng chia lìa nội bữa nay
Binh tợ mây đen tan trống rỗng,
Tướng như sao sáng, lặn lai rai
Biệt ly chiến rượu say rồi tỉnh
Ðoái lại giang sơn vốn của ai
- Xin bệ hạ chớ phiền vì thiếp là con nhà tướng, biết cỡi ngựa cầm đao, và Hồ Hỷ Mỵ, Ngọc Mỹ Nhân đều có học phép. Ðêm nay ba chị em tôi cướp dinh Khương Thượng, đánh đuổi binh Châu, nếu được thành công thì giải phá thành sầu cho bệ hạ.
Trụ Vương nghe nói gượng vui phán:
- Nếu Hoàng hậu ra công dẹp giặc này thì trẫm vui sướng biết chừng nào.
Bốn vua tôi cùng uống rượu đến hết canh hai. Ba con yêu nai nịt chỉnh tề đi cướp dinh.
Bấy giờ các chư hầu nóng lòng, hối Tử Nha ra lệnh phá đền.
Tử Nha tính toán một hồi rồi nói:
- Chỉ trong một ngày Giáp Tý vua Trụ diệt tuyệt, cần gì phải vào cung làm hư hại ngôi báu.
Bởi tính như vậy nên không đề phòng.
Ðêm ấy Ðắt Kỷ, Hồ Hỷ Mỵ và Ngọc Mỹ Nhân đồng cỡi ngựa xách song kiếm đi cướp trại. Ba con yêu đều làm phép gió ngút mây bay, binh Châu không biết Ðông Tây, chẳng phân Nam Bắc. Binh tuần đều vỡ chạy, tướng tuần cũng ngã lăn, vì trời đất tối tăm, không thấy đường nào chạy. Ba con yêu giết binh Châu rất nhiều.
Khi ấy khí yêu chiếu vào trướng, các tướng nghe hỗn loạn chạy vào bảo.
Tử Nha đánh tay biết ba con yêu hành động, liền truyền các tướng bắt cho được ba con yêu ấy, không để trốn thoát.
Na Tra liền đạp xe tới, Dương Tiễn xách đao giục ngựa ra.
Lôi Chấn Tử bay lên cao cầm côn đập xuống, Vi Hộ ở dưới thấp lấy Gián ma xử quăng lên.
Lý Tịnh múa kích xông vào, Kim Tra, Mộc tra đồng áp đến.
Ba chị em Ðắt Kỷ hỗn chiến một hồi.
Dương Tiễn kêu lớn:
- Yêu nghiệt! Sao chúng bây không sợ chết đem thây đến đây mà nạp.
Nói rồi cùng nhau vây phủ rất gắt.
Tử Nha làm phép ngũ lôi, vỗ tay sấm nổ.
Ba con yêu hãi kinh, liền nổi gió chạy về.
Vua Trụ ở trước Ngọ môn đang nghe ngóng tin tức, đợi mãi đến canh tư mới thấy ba nàng hơ hãi chạy đến.
Trụ Vương hỏi:
- Ba khanh đi cướp trại, thắng bại lẽ nào?
Ðắt Kỷ tâu:
- Khương Thượng đề phòng rất kiên cố. Ba chị em tôi giết được một số binh tướng, nhưng rồi bị trùng vây suýt bỏ mạng.
Vua Trụ nghe nói thất sắc, trở vào buồn bã nói:
- Chẳng ngờ trời đã dứt nghiệp nhà Thương, không còn mong cứu giải.
Ðắt Kỷ cũng khóc và nói:
- Thiếp cũng quyết cướp trại đuổi binh Châu cho yên xã tắc ngờ đâu Trời chẳng cho khôi phục, bây giờ biết tính làm sao?
Trụ Vương nói:
- Trẫm cũng biết cơ nghiệp nhà Thương đến đây đã dứt, lòng trời đã khiến như vậy. Thôi trẫm với ba khanh từ giã mạnh ai nấy tìm chỗ ẩn mình, chẳng nên bận bịu nữa.
Nói rồi Trụ Vương đi thẳng lên lầu Trích tinh.
Ðắt Kỷ nói với Hồ Hỷ Mỵ Và Ngọc Mỹ Nhân:
- Bấy giờ Trụ Vương đi liều mình, còn chị em chúng ta tính trốn đâu cho khỏi họa.
Hồ Hỷ Mỵ nói:
- Chỉ có Trụ Vương mê chúng mình mà thôi, nhắm không ai thương hại chúng mình hết, bây giờ trốn chỗ nào cũng không khỏi chết, chi bằng trở về trốn cũ mà nương thân.
Ngọc Mỹ Nhân nói:
- Phải lắm. Chúng ta cùng nhau trở về mả Huỳnh Ðế là tiện hơn cả.
Bàn luận xong, ba con yêu bắt cung nga ăn thịt một cấp nữa, mới chịu ra đi.
Lúc ấy Tử Nha điểm binh lại, và nói với các tướng:
- Ta sơ ý thiếu chút nữa dinh trại tan tành, may nhờ các tướng tài phép mới đuổi được yêu tinh. Nay phải tính trước kẻo chúng trốn hết.
Nói rồi truyền đặt bàn hương án, chiếu quẻ xem rõ, rồi nói:
- Nếu trễ chút nữa thì ba con yêu trốn rồi. Vậy Dương Tiễn đi bắt cho được con Trĩ chín đầu là Hồ Hỷ Mỵ, Lôi Chấn Tử đi bắt cho được Hồ Ly chín đuôi là Ðắt Kỷ, còn Vi Hộ phải đi bắt cho được Ngọc Mỹ Nhân là cây đờn tỳ bà bằng đá. Nếu để chúng nó trốn hết thì ta xử trảm các ngươi hết.
Ba tướng tuân lệnh, ra khỏi cửa bàn với nhau:
- Chuyện này khó quá! Biết nó trốn ở đâu mà kiếm?
Dương Tiễn nói:
- Bây giờ chúng nó thấy Trụ Vương yếu thế chắc trốn ra ngõ sau cung, chúng ta bay lên mây xem xuống thế nào cũng thấy.
Lôi Chấn Tử khen phải, vỗ cánh bay lên mây.
Lúc nầy ba con yêu ăn thịt cung nga vừa rồi, nổi gió bay lên, tính về hang cũ.
Dương Tiễn trông thấy đón lại kêu lớn:
- Ba con quái chạy đâu cho khỏi. Có ta đến bắt ngươi đây.
Hồ Hỷ Mỵ nổi giận, vung gươm mắng:
- Chị em ta gởi sự nghiệp Thành Thang cho Cơ Phát, nên chúng bây mới thành công, sao chẳng biết ơn còn bắt lại nghĩa là sao?
Dương Tiễn nổi giận mắng:
- Loài nghiệt súc! Chớ nói nhiều lời, bây mau bó tay chịu trói.
Nói rồi xông vào hỗn chiến. Lôi Chấn Tử xông vào đón Ðắt Kỷ lại đánh, Vi Hộ cũng xông vào đánh với Ngọc Mỹ Nhân.
Ðánh được một lúc, Dương Tiễn thả Hạo Thiên Khuyển ra, cắn con trĩ gãy hết một đầu, máu nhỏ ra từng giọt, song nó sợ quá quên cả đau đâm đầu chạy.
Bỗng thấy cặp phướng vàng xuất hiện, mùi hương thơm xông lên ngào ngạt, kế đó có hai tiên nữ theo hầu và Nữ Oa cỡi hạc bay đến.
Ba con yêu bị hào quang chiếu vào mặt nên chạy không được, túng thế phải quỳ xuống thưa:
- Chúng tôi không ngờ nương nương đến nơi đây, nên nghinh tiếp trễ, xin nương nương thứ lỗi. Nay Dương Tiễn và hai tướng quyết đuổi bắt chúng tôi, xin nương nương cứu mạng.
Nữ Oa nói:
- Bích vân! Ðem dây phược yêu trói chúng nó lại giao cho Dương Tiễn đem về nạp cho Tử Nha trị tội nó.
Bích Vân đồng nhi y lịnh.
Ba con yêu nghe nói vừa khóc vừa thưa:
- Năm xưa nương nương dùng phướng chiếu yêu gọi chị em tôi đến, sai vào cung cấm phá trí khôn Trụ Vương, làm nhiều điều trái lẽ, phá tan tành cơ nghiệp Thành Thang. Chúng tôi vâng lệnh làm Trụ Vương hết vây cánh, nước nhà nghiêng ngửa. Nay chúng tôi định đến tâu cùng nương nương thì bị Dương Tiễn và hai tướng đuổi theo. Xin nương nương cứu mạng chị em tôi. Nếu nương nương bắt chị em tôi giao nạp cho Tử Nha thì nương nương xuất hồ phản hồ sao?
Nữ Oa nói:
- Ta sai chúng bây phá cơ nghiệp vua Trụ là hợp ý trời. Ta có dặn các ngươi là đừng giết hại kẻ vô tội. Song chúng bây không nghe, làm nhiều điều tội ác, giết cả tôi trung. Nay tội đáng chết, sao các ngươi dám bảo ta xuất hồ phản hồ?
Lúc Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử, Vi Hộ đang đuổi ba con yêu, xảy thấy hào quang sáng lóa, mùi hương thơm phức, Dương Tiễn xem rõ, nói với Vi Hộ và Lôi Chấn Tử:
- Ấy là Nữ Oa nương nương giáng hạ, chúng ta ra mắt cho mau.
Nói rồi ba người kéo tới lạy và thưa:
- Chúng tôi không dè nương nương đến nên không kịp tiếp nghinh, xin tha tội.
Nữ Oa nói:
- Dương Tiễn, ta đã bắt trói ba con yêu rồi, ngươi dẫn về cho Tử Nha xử tội.
Ba người đồng tạ ơn, dẫn ba con yêu trở lại.
Có bài thơ rằng:
Ba yêu làm dữ hại tôi hiền,
Vua Trụ say mê đến ngửa nghiêng
Mới biết ngày nay trời báo ứng,
Hết trông về ở mé Hiên viên
Dương Tiễn giục ba con yêu xuống trước cửa dinh, còn mình độn thổ về sau.
Quân giữ cửa thấy ba người đàn bà trên mây sa xuống, đều bị trói một dây, kế lại có ba tướng về tới liền báo với Khương Thượng.
Ba tướng được lệnh vào ra mắt.
Tử Nha hỏi:
- Các ngươi đã bắt được ba con yêu chưa?
Dương Tiễn thuật hết mọi việc, Tử Nha truyền dẫn ba nàng vào dinh.
Chư hầu và các tướng xúm lại xem đông nức.
Tử Nha nói với ba yêu nữ:
- Ba đứa bây làm nhiều điều độc ác, hại trăm họ lầm than, làm cho cơ nghiệp Thành Thang bị mất. Tuy là thiên số song cũng tại các ngươi bất nhân, xui Trụ vương chế Bào Lạc đốt trung lương, lập Sái Bồn hại cung nữ, cất Lộc đài làm hao tốn của, dân khó bỏ thây, bày Tửu Trì, Nhục Lâm giết thị thần, thái giám, chặt xương xem tủy, mổ bụng coi thai, thất đức kể không cùng, dầu thiên hạ lóc thịt các ngươi vẫn chưa đền hết tội.
Ðắt Kỷ quỳ lạy, khóc lóc thưa:
- Thiếp ở Ký Châu, con gái Tô Hộ, nương phòng khuê từ tấm bé không hiểu việc đời, bởi Thiên Tử lấy oai trời, đòi vào cung hầu hạ nên phải tuân theo chẳng ngờ Khương Hoàng hậu chầu trời sớm. Thiên Tử ép thiếp lên thay mặt Chánh Cung, việc gì cũng do đại thần, điều chi cũng bởi quyền Thiên tử, thiếp chẳng qua là một đứa đàn bà nâng khăn sửa trấp, dọn cung, dâng rượu mà thôi, còn việc triều đình thiếp tự chuyên sao được?Bởi Trụ vương thất chánh đến bá quan can gián còn chẳng được thay, huống chi tôi là phận đàn bà mà ngăn cản vua làm sao? Nay Nguyên soái oai vang bốn biển, Võ Vương đức trải khắp chư hầu, chẳng bao lâu Trụ vương cũng sẽ dâng nước đầu. Nguyên soái có giết một đứa đàn bà cũng chẳng ích chi? Lời xưa có nói: "Ðàn ông có lỗi không luận đến đàn bà. Xin Nguyên soái rộng lòng cho tôi về được quê quán thì tôi đội ơn ngàn thuở".
Tử Nha nói:
- Ngươi mượn tiếng con gái Tô hầu để nói mỵ với thiên hạ, chứ ta đã biết rõ ngươi là Hồ Ly tinh, khi Ðắt Kỷ nghỉ tại trạm Ký Châu, ngươi hớp hồn nhập vào xác, rồi vào cung xui khiến Trụ vương làm nhiều việc bất nhân. Nay bị bắt còn tìm lời gỡ tội cũng chẳng lợi ích gì.
Nói rồi truyền quân dẫn Ðắt Kỷ ra ngoài xử trảm.
Tả đao vâng lệnh.
Các chư hầu nghe Ðắt Kỷ nói trúng lý đều động lòng thương, không tin là yêu quái.
Còn hai con yêu quỳ trước trại.
Tử Nha truyền Dương Tiễn coi việc giám sát Hồ Hỷ Mỵ, Vi Hộ coi việc giám sát Ngọc Mỹ Nhân, còn Lôi Chấn Tử coi giám sát Ðắt Kỷ.
Dương Tiễn vâng lệnh làm phép trấn trên đầu Hồ Hỷ Mỵ, Vi Mộ làm phép trấn trên đầu Ngọc Mỹ Nhân rồi truyền Tả đao xử trảm, hai con quỷ rụng đầu.
Dương Tiễn và Vi Hộ đem hai thủ cấp vào trình.
Còn Lôi Chấn Tử khiến quân trói Ðắt Kỷ ngoài cửa ải.
Ðáng lẽ trong trường hợp nầy Ðắt Kỷ mặt ủ mày chau, nhưng trái lại mặt Ðắt Kỷ nở hoa, những đường thanh sơn cẩm thú nổi bật lên trên hình hài nhi nữ, khiến cho ai trông thấy cũng động lòng.
Tên tả đao trông thấy Ðắt Kỷ cặp mắt hữu tình, miệng nói duyên dáng, hàm răng như hạt lựu, môi tợ thoa son, đứng nhìn không nháy mắt.
Khi Lôi Chấn Tử truyền khai đao, Ðắt Kỷ nói với tên tả đao rằng:
- Thiếp chết thật hàm oan, xin tướng quân dừng tay trong giây phút. Sớm muộn cũng chết nhưng tướng quân rộng lòng thêm một khắc giá ngàn vàng.
Tên tả đao thấy Ðắt Kỷ gọi mình bằng tướng quân lòng thêm lính quýnh, đã sẳn ý thương hoa tiếc ngọc, bây giờ lại được mỹ nhân lấy lòng như vậy, nên tay chân rời rã, cầm đao không nổi nữa, thả rơi xuống đất, mình mẩy chết tê, cặp mắt nhìn Ðắt Kỷ trân trân không nháy.
Lôi Chấn Tử thấy tả đao rớt gươm, đứng sững như hình trồng, liền truyền tên khác đến thay. Tên ấy nghe Ðắt Kỷ năn nỉ cũng rơi gươm, đúng trơ như tên trước.
Lôi Chấn Tử đổi ba bốn tên Tả đao kế tiếp, tên nào cũng chết trân như vậy, cất gươm không nổi.
Lôi Chấn Tử tuy hò hét, khiến Tả đao hạ thủ nhưng thật ra chính Lôi Chấn Tử thấy dung nhan và nghe lời năn nỉ của Ðắt Kỷ cũng rủn lòng, chân bước tới không nổi.
Lôi Chấn Tử nghĩ thầm:
- Chẳng biết con yêu nầy có tà thuật gì mà làm mê hoặc mọi người như vậy? Nếu tình trạng nầy tiếp diễn mãi thì làm sao chém Ðắt Kỷ được.
Nghĩ rồi cố gắng lê bước đến trước trướng báo lại với Tử Nha:
- Thưa sư thúc, tôi không làm nổi trách nhiệm nầy.
Bấy giờ Tử Nha đã truyền bêu đầu Hồ Hỷ Mỵ và Ngọc Mỹ Nhân, thấy Lôi Chấn Tử vào tay không, lại nói như vậy, vụt miệng hỏi:
- Cửu vĩ hồ ly tinh đã chạy mất rồi sao?
Lôi Chấn Tử thuật chuyện lại.
Tử Nha nổi giận mắng:
- Ngươi giám sát một con yêu mà không xong, còn mặt mũi nào làm tướng. Còn các tên Tả đao tội đáng chém đầu.
Nói rồi truyền Dương Tiễn và Vi Hộ ra thay Lôi Chấn Tử coi việc giám sát.
Hai người tuân lệnh, dẫn các tên đao phủ mới ra, bắt các tên đao phủ cũ trói lại, chờ chém Ðắt Kỷ xong sẽ xử tội các tên đao phủ bất lực ấy.
Chẳng ngờ bọn đao phủ mới nầy khi đến nơi thấy Ðắt Kỷ thì tay chân cũng rời rã, mình mẩy tê cứng, không sao cầm nổi cây đao.
Dương Tiễn trong người cũng thấy nôn nao, nói với Vi Hộ:
- Nó là con hồ ly tu luyện ngàn năm, có tài làm cho ngươi ta mê mẩn. Rất đỗi, Trụ vương là vị Chúa, còn phải say đắm đến mất nước, huống hồ lũ quân gia. Chúng ta phải vào thưa lại với sư thúc định liệu, kẻo giết oan bọn Tả đao tội nghiệp.
Hai người vào thưa lại với Tử Nha.
Các chư hầu nghe nói lấy làm lạ, đều có ý muốn ra pháp trường xem thử.
Tử Nha cùng chư hầu ra đến nơi, cảm thấy Ðắt Kỷ xinh đẹp mười phần, nhan sắc quyến rũ thật khó lòng giết. Tâm trạng mọi người đều giống nhau là tiếc ngọc, thương hương, nhưng không ai dám nói.
Tử Nha nói với mọi người:
- Nó là con hồ ly tu luyện ngàn năm, nên có thuật khêu gợi, làm cho lòng người mê mẩn. Rất đỗi các đệ tử tiên gia còn không cầm lòng được, thì người thường làm sao không động tâm. Thế này tôi phải dùng đến bửu bối mới trừ nó được.
Nói rồi khiến Dương Tiễn vào lấy bầu gươm phép đặt bàn hương án, để hồ lô trên bàn, và van vái:
- Xin bửu bối trở mình.
Các chư hầu và binh tướng ai nấy đều hồi hộp. Sự hồi hộp ấy thật khó tả. Có lẽ họ không nỡ giết một mỹ nhân sắc nước hương trời như Ðắt Kỷ chăng?
Tử Nha vái dứt tiếng thì nắp hồ lô mở ra, hào quang chiếu sáng lóa. Trong hào quang hiện ra một cây gươm có hai con mắt và hai cái cánh chiếu thẳng vào đầu Ðắt Kỷ.
Ðắt Kỷ biết lưỡi gươm Lục yểm lợi hại dường nào rồi, đành nhắm mắt chịu phép.
Lưỡi gươm bay qua lại hai lần trên không trung đầu Ðắt Kỷ rụng xuống, máu vọt ra lai láng.
Các chư hầu đều thương tiếc, chắc lưỡi thở ra.
Người sau có thơ rằng:
Tả đao mê mẩn đứng xuôi tay,
Bởi sắc khuynh thành nhắm dễ say
Tranh vẽ mịn màng coi cũng kém,
Hoa cười tươi tốt vẫn không tà
Hớp hồn gái ngọc thương khi trước,
Sốt mặt anh hùng gớm buổi nay
Yêu quái hại người, người khác hại,
Bia danh Ðắt Kỷ thật oan thay
Tử Nha chém Ðắt Kỷ xong, truyền bêu đầu.
Các chư hầu trông thấy càng thương xót.
Bấy giờ Trụ Vương đang ngồi tại đền Hiển thánh thấy cung nga chạy ùa vào đông như kiến, lấy làm lạ hỏi:
- Các ngươi vì sao kinh hãi? Hay giặc đã vào trong cung?
Cung nga quỳ tâu:
- Ba vị nương nương đang đêm đi đâu mất, nên chúng tôi phải vào đây tâu lại.
Ấy là cung nga sợ tội, nên đến báo với Trụ Vương, thực không phải mến tiếc.
Trụ Vương nghe tâu, liền khiến cung nga đi lục soát khắp cung điện để tìm kiếm, và tâu lại.
Nhưng sự tìm kiếm ấy chẳng mang lại kết quả nào.
Chẳng bao lâu nội thị vào tâu:
- Ngoài cửa, Tử Nha bêu đầu ba vị nương nương.
Vua Trụ nghe tâu thất kinh, liền bước xuống lầu Ngũ phụng xem thử, quả nhiên thấy rõ ràng ba chiếc đầu của ba giai nhân bẹo bên đường.
Người sau có thơ rằng:
Ngọc nát hoa rơi thật thảm thương,
Tóc mây, da tuyết bẹo bên đường
Ca thanh, múa lịch theo luồng gió,
Tướng dịu, lời khôn vắng cõi dương
Gối phụng ngửa nghiêng mơ má phấn,
Phòng loan man mác bặt mùi hương
Bể dâu thay đổi đà ra thế,
Nghĩ lại dường như cắt thịt xương
Trụ Vương thở dài than ngắn, xảy nghe pháo nổ dậy đất, binh ó vang trời, biết chư hầu đã xâm nhập hoàng cung, liền vội vã xuống lầu Ngũ Phụng qua đến điện Cửu Giang. Ở đây, tiếng quân reo, tiếng trống trận càng chát chúa hơn, Trụ Vương liền lên lầu Trích Tinh để cho xa bớt.
Nhưng khi đến lầu Trích Tinh thì quang cảnh thường ngày lại khác xưa, lòng Trụ Vương không còn thấy ngôi lầu cao nầy ấm áp, tươi đẹp nữa, mà thấy mười phần trống trải, mặc dầu các đồ vật trên lầu không thiếu món nào.
Một luồng gió thổi đến làm cho Trụ Vương rùng mình rởn óc, cảm thấy hình như muôn ngàn hồn oan từ dưới Sái Bồn hiện đến. Rồi trước mặt Trụ Vương hàng vạn người bỏ tóc xõa, áp tới trước mặt vua Trụ đòi thường mạng. Lại thấy Triệu Khải, Mai Bá kêu lớn:
- Hôn quân. Nay đã đến ngày cùng tận rồi.
Trụ Vương hơ hải bỏ chạy lại thấy Khương hậu níu lại mắng:
- Hôn quân vô đạo, giết vợ hại con, nay đã đến ngày tuyệt mạng rồi, mặt mũi nào nhìn thấy các bậc tiên vương nơi chín suối. Trụ Vương hất tay Khương hậu, vừa chạy được ít bước thấy Giả thị chỉ vào mặt mắng:
- Hôn quân bênh vợ, làm sỉ nhục ta ném xuống lầu, nay số mạng đã tuyệt, còn chạy đi đâu nữa.
Nói rồi tát vào mặt Trụ Vương một cái. Trụ Vương giật mình tỉnh lại, mới biết vừa rồi mình bị hôn mê.
Tuy vậy, Trụ Vương cũng sợ hãi, thất thiểu bước lên trên chót lầu.
Quan giữ lầu vội nghênh tiếp.
Trụ Vương thấy mặt Châu Thăng, buồn bã nói:
- Tiếc rằng ta không nghe lời can gián của trung thần, nên ngày nay mới sanh ra cớ sự như vầy. Ăn năn thì đã muộn. Nghĩ lại, trẫm là một vị chí tôn, không lẽ đợi chúng phá được thành vào bắt làm nhục. Trẫm muốn liều mình lại e thân xác còn đó thiên hạ đàm tiếu chi bằng lập giàn hỏa tự thiêu mình trọn vẹn. Vậy ngươi mau làm cho ta một giàn hỏa trên lầu này chớ nên trễ nải.
Châu Thăng khóc và tâu:
- Tôi theo hầu bệ hạ đã lâu năm, nay gặp hoạn nạn đã không có tài gì để báo quân vương thì lẽ nào lại đi thiêu chúa.
Nói rồi khóc rống lên.
Trụ Vương phán:
- Ấy là trời khiến, ngươi có tội chi? Vả lại trước kia trẫm có nhờ Cơ Phát xem số đoán rằng về sau trẫm bị chết thiêu đó cũng là số mạng tránh sao được. Hãy lập giàn hỏa cho mau kẻo trễ.
Châu Thăng không nỡ, lạy lục cầu khẩn đôi ba lần xin Trụ Vương chậm chậm sẽ tính kế. Vua Trụ nổi giận nói:
- Việc đã gấp rồi, trẫm tính hết kế, không còn cách nào hay hơn nữa. Nếu ở để chư hầu phá Ngọ môn vào đây thì tội của ngươi chẳng nhỏ. Phải lập giàn hỏa cho ta lập tức.
Châu Thăng cực chẳng đã phải xuống lầu, chất củi và đổ thuốc dẫn hỏa làm một cái giàn lớn.
Còn Trụ Vương mặc triều phục, mở cửa lầu Trích Tinh, cầm Ngọc Khuê ngồi chính giữa, Châu Thăng châm lửa.
Giây phút, ngọc lửa cháy bùng xung quanh lầu đỏ rực.
Cung nga xem thấy đều kêu khóc chạy qua cung khác ẩn mình.
Châu Thăng khóc lớn:
- Bệ hạ ôi! Tôi cũng xin chết theo cho tròn trung tiết.
Nói rồi nhảy vào đống lửa.
Người sau có thơ rằng:
Trích tinh ngọn lửa cháy bừng lên,
Ngọc nát vàng tan cháy rụi đền
Cơ nghiệp Thành Thang thành tro bụi,
Sáu trăm năm lẻ nghĩ buồn tênh
Châu Thăng liều mình chết theo Chúa nghĩ cũng đáng khen.
Trụ Vương thấy lửa cháy, vỗ ngực than:
- Ta chẳng nghe lời can gián của trung thần, nên ngày nay mất cả cơ nghiệp, mặt nào còn trông thấy các tiên vương nơi chín suối.
Bấy giờ Tử Nha đang đốc quân phá cửa ngọ môn, xảy nghe quân báo:
- Lửa cháy nơi lầu Trích Tinh rất dữ.
Tử Nha dắt Võ Vương và chư hầu đến xem thử.
Võ Vương thấy trên chót lầu có một người mặc áo vàng, đội mão trẩm, cầm Ngọc Khuê, bốn phía khói un mù mịt không rõ mặt, liền hỏi tả hữu:
- Phải Thiên Tử ngồi trên lầu chăng?
Tử Nha tâu:
- Chính là hôn quân vô đạo đó. Bởi hôn quân độc ác mười phần, nên nay bị trời phạt chết thảm.
Võ Vương nghe nói lấy tay áo che mặt, quay ngựa về dinh.
Tử Nha tâu:
- Tại sao Ðại Vương có cử chỉ như vậy?
Võ Vương nói:
- Tuy Trụ Vương bạo ngược mặc lòng, song trước giờ chết tất hối hận. Chúng ta không thể đứng nhìn một kẻ sắp thiêu mình trong đống lửa, thà trở về để trước mắt khỏi thấy cảnh thương tâm.
Tử Nha nói:
- Việc đời có nhân quả. Kẻ làm dữ phải mang hậu hoạn, làm sao tránh khỏi. Ðại Vương thấy thương tâm, chẳng qua là do lòng nhân đại của Ðại Vương mà thôi, chứ cái chết của Trụ Vương thật xứng đáng.
Võ Vương vẫn bỏ ra về.
Các chư hầu thấy vậy đồng theo Võ Vương trở về hết.
Còn Tử Nha ở lại xem lửa cháy, xảy thấy lầu Trích Tinh bị sập, đánh ầm một tiếng dường như núi lở, chôn vùi Trụ Vương vào giữa.
Linh hồn Trụ Vương đã lên đài Phong Thần.
Khi ấy các quan ngự lâm và cung nga mở cửa ra đón chư hầu.
Tử Nha truyền rước Võ Vương và các chư hầu nhập cung.
Trong lúc các quân nhân ra sức chữa lửa, Tử Nha họp mặt với Võ Vương và chư hầu nghị luận.
Võ Vương nói:
- Trụ Vương vô đạo, các cung nhân và triều thần lâu nay mang họa, những kẻ nào càng gần Trụ Vương càng khổ nhiều; nay Trụ Vương đã chết, chúng ta chớ làm cho những người ấy khổ thêm, vậy phải cấm quân sĩ không nên thừa dịp nầy cướp bóc hãm hại muôn dân.
Tử Nha tuân lệnh truyền ra cho quân sĩ biết kẻ nào lợi dụng việc chữa lửa, lấy của giết người thì sẽ chiếu theo quân luật xử trảm.
Võ Vương nhìn về phía đông thấy hai mươi cây cột đồng đỏ hực lấy làm lạ hỏi Tử Nha:
- Chẳng hay đó là vật gì vậy?
Tử Nha tâu:
- Ðó là Bào Lạc do Trụ Vương chế ra để đốt các quan Gián nghị.
Võ Vương kinh hãi than:
- Như vậy thì làm sao quốc thái dân an được. Chẳng những nạn nhân trông thấy hết hồn, cho đến ta cũng khiếp vía. Thật Trụ Vương không có dạ thương người.
Tử Nha nói:
- Bào Lạc mới là một trong những lối hành hình tàn nhẫn của Trụ Vương mà thôi.
Võ Vương hỏi:
- Còn gì tàn nhẫn nữa?
Tử Nha liền thỉnh Võ Vương đến lầu Trích Tinh và chỉ Sái Bồn cho Võ Vương xem.
Võ Vương thấy dưới hầm rắn bò ngổn ngang trông khiếp vía, vội hỏi:
- Vật gì vậy?
Tử Nha tâu:
- Ðó là Sái Bồn, chỗ nuôi rắn độc để kẻ nào không tuân mệnh. Trụ vương truyền lột hết quần áo ném xuống cho rắn xé xác.
Võ Vương nghe nói lạnh mình.
Tử Nha lại chỉ Tửu Trì, Nhục Lâm cắt nghĩa rõ từng chút.
Võ Vương than:
- Ta không ngờ Thiên Tử không có lòng nhân đức, chẳng chút lương tâm.
Võ Vương thấy lửa còn cháy, khói đen ngun ngút, số cung nga chết cháy hơn phân nửa, hơi tanh khét lẹt, lòng không đành, liền truyền:
- Hãy cứu lấy thi thể bị nạn đem ra ngoài chôn cất cho tử tế.
Rồi lại hỏi Tử Nha:
- Chẳng biết thi thể Trụ Vương ở đâu? Chúng ta phải tìm cho được làm lễ an táng, nếu để vậy chúng ta mang tội không nhỏ.
Tử Nha tâu:
- Trụ Vương vô đạo, chết như vậy là do trời phạt, nay Ðại Vương nhân đức, truyền tống táng thì lòng nhân của Ðại Vương không gì bì kịp.
Liền khiến quân tìm xác Trụ Vương tẩn liệm và tống táng theo lễ Thiên tử.
Sau đó, Võ Vương cùng Tử Nha và chư hầu đến Lộc đài, xem thấy lầu cao chót vót, cảnh vật xinh tươi, trong đài gắn toàn những châu báu, ngọc ngà hào quang sáng lóe, Võ Vương chắt lưỡi than:
- Thiên Tử thâu của dân xa xỉ như vầy bảo dân chúng không cùng khổ sao được. Ðã không có lòng thương dân thì mất nước là chuyện dĩ nhiên.
Tử Nha tâu:
- Từ xưa đến nay, hễ tiết kiệm thì lâu dài, xa xí thì mất nước. Kẻ minh quân lấy đức hạnh làm quý không coi châu báu, ngọc ngà là đẹp.
Võ Vương nói:
- Dân chúng lâu nay bị đóng góp vào Lộc đài nên cùng khổ, nay cũng nên phá Lộc đài chia của cho dân nghèo, lại lấy kho lúa tại Cự Kiêu phát chẩn cho dân chúng bớt đói khổ.
Tử Nha nói:
- Ðại Vương có ý như vậy thì đức rải bốn phương. Xin truyền lệnh lập tức.
Võ Vương làm y lời, truyền phá Lộc đài lấy báu vật phân phát cho dân và phá kho lấy lúa cấp chẩn.
Dân chúng được của mừng rỡ vô cùng.
Xảy có tin vào báo:
- Bắt được đứa con út của Trụ Vương là Võ Cảnh hiện trốn sau hậu cung.
Võ Cảnh là con trai của Ðắt Kỷ mới sanh sau.
Võ Cảnh tuy còn nhỏ, song cũng khôn lanh, thấy Võ Vương liền sụp lạy.
Chư hầu nổi giận nói:
- Ân Thọ vô đạo, tội ác dẫy đầy, cũng nên chém Võ Cảnh để đền tội với thiên hạ.
Võ Vương can:
- Trụ Vương lỗi đạo là tại Ðắt Kỷ và nịnh thần bày, còn Võ Cảnh có tội chi? Rất đỗi các quan đại thần như Tỷ Can, Vi Tử mà còn không can gián được thì Võ Cảnh một đứa bé bỏng làm gì được? Thói thường tội của cha không luận đến con, các chư hầu nên noi đức ấy sau này. Chúng ta đợi có một tân quân là yêu cầu phong cho Võ Cảnh một cõi ngõ hầu nối kiếp lửa hương, như vậy tức là chúng ta đền ơn Thiên Tử vậy.
Chư hầu không dám cãi. Khương Văn Hoán nói:
- Nay các việc đã xong, chúng ta cũng nên tôn một tân quân lên kế vị, trời không thiếu một ngày vắng mặt nhựt, nước không nên để một bữa thiếu vua. Hễ ai có nhân đức thì ra trị thiên hạ. Tôi thấy Võ Vương nhân đức có thừa, đáng mặt lên ngôi thiên tử, xin tính chuyện ấy cho đẹp dạ chư hầu.
Các chư hầu đều nói:
- Khương hiền hầu luận phải lắm.
Võ Vương nói:
- Tôi đức mỏng tài hèn, chỉ lo giữ mình cho trong sạch còn chưa xong, dám đâu trị thiên hạ. Tôi ước mong được về nước giữ đạo thần tử mà thôi. Xin chư hầu chọn người khác cho xứng đáng với chức vị thiêng liêng ấy.
Khương Văn Hoán nói:
- Ðại Vương chớ nên khiêm nhượng. Hiện nay nhắm trong thiên hạ không ai nhân đức bằng Ðại Vương, bởi vậy chư hầu đều tùng phục nhà Châu, chỉ ước mong được có ngày hôm nay. Nếu Ðại Vương từ chối thì thật phụ lòng tám trăm chư hầu theo Ðại Vương đến đây trừ bạo cứu dân.
Võ Vương nói:
- Tôi đức hạnh bao nhiêu mà hiền hầu nói quyết như vậy, xin chọn kẻ khác đủ tài đức lên nối trị ngôi trời mới xứng.
Khương Văn Hoán nói:
- Xưa vua Nghiêu có con trai là Ðơn Châu, kém bề nhân đức nên vua Nghiêu nhường ngôi vua Thuấn. Sau Thuấn sanh con là Thương Quân cũng ít đức nên truyền ngôi cho vua Hạ Võ. Vua Hạ Võ sanh ông Khải hiền đức nên mới truyền ngôi cho, kế vị được mười bảy đời đến đời vua Kiệt bạo ngược vua Thành Thang lấy nhân đức đuổi vua Kiệt ra đất Nam Sào gầy dựng nhà Thương, truyền đến đời Trụ Vương thì vì Trụ Vương vô đạo mà nhà Thương bị mất. Thế thì nhân đạo là yếu tố xứng đáng để trị đời. Ðại Vương không dùng việc can qua mà thu phục tám trăm chư hầu, thì đã thấy đức độ Ðại Vương đến bực nào rồi. Trời khiến nhà Thương về nhà Châu, Ðại Vương từ chối sao phải.
Võ Vương nói:
- Ðức hạnh tôi còn kém, đâu dám sánh với Hạ Võ, Thành Thang?
Khương Văn Hoán nói:
- Chúng tôi theo Ðại Vương đến đây trừ bạo cứu dân, nay Ðại Vương từ chối không nhận ngôi thiên tử thì chúng tôi biết cử ai bây giờ?
Võ Vương nói:
- Khương hầu tài cao đức trọng, đáng thay mặt nhà Thương trị thiên hạ. Các chư hầu đều nói lớn:
- Chư hầu đầu Châu đã lâu, xin Ðại Vương đừng khiêm nhượng. Nếu Ðại vương quyết lòng từ chối thì chư hầu ai về nước nấy, trên không Thiên tử, mạnh ai nấy tranh hùng, thiên hạ hãy còn loạn lạc nữa.
Tử Nha nói:
- Xin quý vị đừng nóng nảy, để thủng thỉnh bàn luận thế nào cũng yên.
Nói rồi quay lại tâu với Võ Vương:
- Bấy lâu nay chư hầu kéo đầu Châu chính là muốn trừ bạo, cứu dân, tôn Ðại Vương lên ngôi Thiên Tử để thiên hạ thái bình, ấy là điềm nhân thuận, thiên lý tùng. Hễ lòng người thuận thì trời phải theo. Nếu Ðại Vương cãi lòng người, trái mệnh trời chỉ thiên hạ loạn, các chư hầu sẽ mạnh ai xâu xé nhau, thành ra cuộc cứu dân trừ bạo hôm nay chẳng ích gì cả.
Võ Vương nói:
- Tuy chư hầu có lòng thương, song ta tự xét tài hèn, đức mỏng, đảm đương nhiệm vụ to tát sẽ làm trò cười cho thiên hạ, và để tiếng xấu về sau.
Khương Văn Hoán nói:
- Lòng muôn người như một, ước ao Ðại Vương lên kế vị ngôi trời xin tính việc ấy cho sớm kẻo thiên hạ ngã lòng.
Tử Nha nói:
- Xin Ðại Vương lên ngôi đỡ, nếu sau nầy có người nào hiền đức hơn mình thì Ðại Vương nhường ngôi lại cũng chẳng muộn.
Chư hầu hiểu dụng ý của Tử Nha đều hết sức đốc vào.
Tử Nha liền vẽ họa đồ đài tôn vương và đặt văn sớ, rồi giao cho Châu Công Ðáng sửa sang mọi việc.
Châu Công Ðáng coi theo họa đồ cất đài cao ba tầng, chính giữa đặt bàn hoàng thiên hậu thổ hai bên có bàn thần núi, thần sông tả hữu có mười hai cây địa chỉ, mười hai cây cờ ấy đều cắm dưới đất. Xung quanh tầng trên thì dùng mười cây cờ Thiên cang. Lại có bốn cây cờ tứ quy án theo bốn mùa. Lễ vật cúng tế bày ra rất long trọng.
Bấy giờ Tử Nha thỉnh Võ Vương lên đài cùng tế, Châu Công đọc sớ rồi đốt đi.
Võ Vương ngồi giữa, chư hầu chầu chực hai hàng nhạc thiều trổi lên, ai nấy tung hô vạn tuế.
Chúc lạy xong, Võ Vương phán:
- Các khanh bình thân. Trẫm đại xá thiên hạ.
Phán rồi xuống đài truyền chỉ dọn yến tiệc đãi đằng.
Rạng ngày Võ Vương lâm triều, chư hầu, văn võ chầu chực đủ mặt, Võ Vương phán:
- Trụ Vương thất chánh thâu của dân xa xỉ, làm cho đất nước lụy mình. Nay trẫm nhờ ơn chư hầu tôn lên ngôi thiên tử, trẫm xuất hết của kho vua Trụ mà thưởng các chư hầu. Châu ngọc, vàng bạc trên Lộc đài cũng chia nhau luôn thể. Xin các vị chư hầu về nước giữ theo đạo chánh, dùng kẻ hiền năng, lạy dân lấy kỷ cang làm trọng lấy đức làm lòng, lấy tín nghĩa làm nhân bản.
Chư hầu vâng lệnh từ tạ kéo binh về nước. Còn Võ Vương truyền phá hết lầu đài vua Trụ cấp phát tiền của cho dân, tha tù Cơ Tử, phong mộ Tỷ Can viếng nhà Thương Dung, thả cung nga về xứ.
Thiên hạ thấy việc binh chấm dứt, mừng rỡ khôn cùng.
Võ Vương ở nán lại Triều Ca hơn mười bữa, chiêu an bá tánh xa gần, đâu đâu cũng tùng phục.
Tử Nha tâu:
- Xin bệ hạ chọn người hiền đức để trấn nhậm Triều Ca.
Võ Vương phán:
- Tự ý Thượng phụ xếp đặt.
Tử Nha nói:
- Bệ hạ đã không giết Võ Cảnh thì cũng nên ra ơn cho Võ Cảnh ở Triều Ca giữ phần hương khói. Nhưng phải dùng người giám thủ mà giữ gìn.
Võ Vương phán:
- Ðể mai lâm triều sẽ thương nghị.
Rạng ngày, Võ Vương lâm triều phán rằng:
- Nay trẫm phong Võ Cảnh trấn tại Triều Ca, nối đời thờ phụng nhà Thương. Các khanh định ai làm Giám quốc.
Quần thần đồng tâu:
- Việc này phải dùng người thân của vua mới được. Chúng tôi nhắm hai vị ngự đệ là Cơ Thúc Tiên và Cơ Thúc Ðộ có đủ tài trí để dùng việc nầy.
Võ Vương y lời, giao cho hai vị ngự đệ ở lại Triều Ca làm Giám quốc với Võ Cảnh.
Hôm sau Võ Vương lên xe về nước. Khi ngự giá vừa ra khỏi ngọ môn thì thấy bá tánh đón đường lạy, và tâu:
- Bệ hạ cứu chúng dân trong cơn nước lửa, thật chúng tôi cảm đức mười phần. Xin bệ hạ đình giá để chúng tôi đền ơn.
Võ Vương an ủi:
- Trẫm đã để hai vị ngự đệ ở lại Triều Ca làm Giám quốc thì cũng như trẫm có mặt tại đây miễn các ngươi tuân theo phép nước, lấy nhân đạo làm gốc là đủ rồi cần gì phải lạy tạ. Nói rồi quay lại dặn Cơ Thúc Tiên và Cơ Thúc Ðộ.
- Hai khanh phải lấy dân làm gốc, đừng bao giờ để cho dân khổ nhọc, được như vậy mới giữ được quốc thái dân an, bằng trái lời trẫm thì tội chẳng nhỏ.
Phán rồi truyền đẩy xe ra khỏi Triều Ca, bá tánh theo đưa còn khóc lóc sụt sùi.
Võ Vương dẫn binh đến Mạnh Tân, qua khỏi Huỳnh Hà, lần hồi vượt qua năm ải. Ngày khải hoàn vui vẻ ghê!
Khi đi khỏi núi Kim Kê, đến núi Thú Dương bỗng có hai đạo sĩ đến đón đầu binh.
Quân chạy về báo:
- Có hai đạo sĩ mời Nguyên soái ra nói chuyện.
Khương Tử Nha ra xem thì thấy hai người ấy là Bá Di, Thúc Tề, liền hỏi:
- Chẳng hay hai vị đến đây dạy việc chi?
Bá Di hỏi lại:
- Hôm nay Nguyên soái đem binh về nước chẳng hay Trụ Vương ra thế nào?
Tử Nha đáp:
- Trụ Vương vô đạo, thiên hạ đều trở lòng, tôi đem binh qua năm ải hợp chư hầu tại Mạnh Tân, Trụ Vương tuy đông binh; nhưng vô đạo không thể thắng chính đạo. Bởi cớ ấy Ân Thọ tự thiêu mình, Võ Vương vào triều ca lấy các kho lúa phát chẩn cho dân, phá hết đền đài của Ân Thọ đã hút máu xương thiên hạ, thả tù Cơ Tử, phong mộ Tỷ Can viếng nhà Thương Dung tỏ ra kính hiền đãi sĩ. Chư hầu đều phục, tôn Võ Vương lên nối ngôi Thiên tử. Nay nhà Thương đã thuộc về nhà Châu.
Bá Di, Thúc Tề ngước mặt lên trời khóc lớn nói:
- Thảm thay! Thảm thay! Ðem dữ mà đổi dữ ta còn trông nỗi gì?
Nói rồi lui vào núi Thú Dương chẳng ăn cơm nhà Châu, hái rau rán, rau díp ăn cho đỡ dạ. Sau hai ngươi nầy làm ra thể ca "Ăn rau" người đời đều biết.
Có một người đàn bà gặp Bá Di, Thúc Tề, liền hỏi:
- Vì sao hai ông không ăn cơm nhà Châu?
Bá Di, Thúc Tề thuật lại; người đàn bà cười nói:
- Chẳng ăn cơm nhà Châu mà ăn rau nhà Châu thì cũng vậy.
Bá Di, Thúc Tề bỏ cả ăn uống chết tại núi Thú Dương.
Người sau có thơ rằng:
Vua Võ hưng binh trước đón đàng
Lòng trung một tấm nhớ Thành Thang
Hai phần đã hết còn chung thỉ
Muôn thác không từ chọn chữ cang
Bờ cõi đời nay buồn chẳng có
Non sông chúa cũ nghĩ thêm càng
Thương ôi, thẹn mặt không cầu sống
Chê gạo nhà Châu xuống suối vàng
Tử Nha kéo binh đi khỏi núi Thú Dương đến núi Yên Sơn, thấy dân Châu nghênh tiếp đây đường.
Rồi đến Tây Kỳ có Táng Nghi Sanh, Hoàng Cổn dẫn bá quan tiếp giá, đồng quỳ lạy trước xe.
Võ Vương thấy Hoàng Thiên Tước theo sau lưng Hoàng Cổn liền phán:
- Trẩm chinh Ðông năm năm nay, thấy các quan tiếp giá lòng bùi ngùi:
Táng Nghi Sanh tâu:
- Nay bệ hạ đã lên ngôi trời, đáng lẽ vui mừng mới phải. Chúng tôi tiếp giá thấy mặt rồng ủ rũ là tại làm sao?
Võ Vương nói:
- Bởi trẫm muốn hội chư hầu nên phải qua năm ải, các tướng theo trẫm kẻ mất người còn, không được chung hưởng hạnh phúc, nên trẫm buồn quá.
Táng Nghi Sanh tâu:
- Ðạo làm thần tử thì liều mình với Chúa, để tiếng thơm muôn đời. Nếu bệ hạ có thương thì phong tước lộc cho con cháu cũng đủ đền đáp thâm ân, cần gì phải buồn bã.
Võ Vương về tới đền, thiên hạ theo xem như hội.
Võ Vương vào ra mắt Thái Khương, Thái Nhâm rồi vào cung.
Thái Cơ mừng rỡ đón tiếp.
Võ Vương truyền dọn yến tiệc thiết đãi bá quan.
Rạng ngày Võ Vương lâm triều, bá quan vào chầu, Tử Nha tâu:
- Tôi phạt Trụ đã xong, bệ hạ dựng nghiệp nhà Châu đã yên, song còn mấy người tử trận chưa phong thần, xin bệ hạ cho tôi về núi Côn Lôn ít ngày, để lãnh sắc của Chưởng giáo tôn sư mà phong thần cho rồi việc.
Võ Vương y tấu.
Xảy có quân báo:
- Phi Liêm và Ác Lai là tôi vua Trụ trước kia bỏ trốn, nay tìm đến xin ra mắt bệ hạ.
Võ Vương hỏi Tử Nha:
- Hai người ấy là tôi của vua Trụ đến đây ra mắt trẫm làm gì?
Tử Nha tâu:
- Phi Liêm và Ác Lai là hai đức tôi nịnh của Trụ Vương, trong loạn lạc ẩn mình, nay thái bình đến đây nhờ tước lộc. Loài gian hùng như vậy còn để làm chi? Song tôi đã có việc dùng, xin bệ hạ cứ đòi vào phong chức tước.
Võ Vương truyền chỉ đòi hai người vào.
Phi Liêm và Ác Lai vào quỳ trước bệ chúc tụng xong .
Võ Vương hỏi:
- Hai khanh có việc gì đến đây ra mắt trẫm?
Phi Liêm tâu:
- Trụ Vương không nghe lời tôi ngay, đắm mê tửu sắc, nên trời xui mất cả giang sơn. Chúng tôi nghe bệ hạ nhân đức bủa khắp thế gian nên chẳng nài đường xa ngàn dặm tìm đến Tây Kỳ, cầu bệ hạ cho chúng tôi hầu việc đánh xe thì thật may cho chúng tôi lắm. Và chúng tôi xin đem dâng ấn ngọc bệ hạ dùng.
Tử Nha làm bộ khen:
- Hai vị Ðại phu khi trước cũng tận trung với chúa, bởi Trụ Vương chẳng suy xét nên mới mất thành trì. Nay hai vị đem ấn ngọc đến đây đầu Châu thật là bỏ chỗ tối tìm chỗ sáng đó. Xin bệ hạ phong chức cho hai người.
Võ Vương y tấu, đồng phong cho hai người làm chức Trung Ðại phu.
Ác Lai và Phi Liêm đều lạy tạ ơn.
Bây giờ nhắc lại Mã Thị, từ khi chê Tử Nha bất tài bất trí, đòi từ hôn, sau về lấy một ông già làm rẫy tên Trương Tam Lão. Vợ chồng sống đắp đổi qua ngày. Ðến nay Võ Vương nhờ Tử Nha phạt Trụ thâu một cõi giang sơn, thiên hạ đều nghe danh đàm luận.
Ngày kia có một bà già lối xóm đến hỏi Mã thị:
- Người chồng trước của bà nay phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng, tại sao bà không tìm đến nhờ cậy?
Mã thị nói:
- Biết có phải ông ấy không?
Bà hàng xóm nói:
- Còn gì nghi ngờ nữa. Người ấy là Khương Tử Nha, lúc thất thời ngồi câu ở Bàn Khê, sau đó Võ Vương rước về phong làm Thừa tướng. Mới đây Tử Nha phò Võ Vương hội chư hầu tại Mạnh Tân, chư hầu tôn Võ Vương phong Tử Nha làm Thừa Tướng, vinh hiển nhất đời ai lại không biết.
Mã thị nghe nói thẹn đỏ mặt.
Bà hàng xóm lại nói:
- Bà dại lắm! Phải chi đừng bỏ đời chồng trước thì bây giờ vinh hiển biết chừng nào. Nay người ta cao sang tột bực, còn bà thì hẩm hút như vầy thật đáng tiếc.
Mã thị hối hận vô cùng, bỏ vào phòng nằm một mình nghĩ thầm:
- Tức vì mình có mắt mà không biết xem người. Bà hàng xóm nói phải lắm. Thật ta vô phước. Bây giờ ta có sống đến trăm tuổi vẫn trong cảnh cực khổ này. Ðã vậy lại bị thiên hạ gièm pha chế biếm. Thà chết cho khuất đi còn hơn.
Song lại nghĩ:
- Hay là ta lầm! Trong đời thiếu gì kẻ trùng tên, chắc gì lão già ấy đã làm nên việc lớn? Nếu nghe lầm mà chết thì cũng oan, chi bằng đợi chồng về hỏi cho rõ ràng đã.
Ðến chiều Trương Tam Lão đi bán cải trở về.
Mã thị dọn cơm cho chồng ăn rồi hỏi:
- Thiếp nghe Khương Tử Nha phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng có phải không?
- Việc ấy quả có như vậy. Vừa rồi Khương Tử Nha đem tám trăm chư hầu đánh triều ca, diệt Trụ hưng Châu, làm đến chức Thừa Tướng. Lúc đó tôi muốn bàn với phu nhân đến yết kiến Thừa Tướng xin làm một chức nhỏ song lại sợ người giận khó lòng.
Mã thị tức tối không an.
Trương Tam Lão theo an ủi mãi, Mã thị vào phòng dùng dây thắt cổ tự vận, hồn bay lên đài Phong Thần.
Rạng ngày Trương Tam Lão mới hay, mở dây đem xuống chôn cất.
Có bài thơ cho rằng:
Chồng vinh thì hiệp, nhục thời ly,
Nay mới ăn năn có ích gì?
Hổ mặt với đời đành tự vận,
Muôn năm còn để tiếng vô nghì
Bấy giờ Khương Tử Nha sửa soạn trở về núi lo việc Phong thần, Võ Vương dặn dò mau mau trở về kẻo mỏi lòng trông đợi.
Tử Nha tuân lệnh, độn thổ tức khắc.
Tử Nha đến cửa cung Ngọc Hư, thấy Bạch Hạc đồng tử bước ra, liền hỏi:
- Có Tôn sư trong động chăng?
Bạch Hạc đồng tử nói:
- Sư thúc đến hầu việc chi?
Tử Nha nói:
- Ngươi vào thưa với tôn sư có ta đến xin ra mắt.
Bạch Hạc đồng tử vào thưa lại. Nguyên Thỉ truyền cho vào, Tử Nha làm lễ chúc tụng rồi thưa:
- Tôi xin lãnh sắc Phong Thần kẻo các hồn chờ đợi.
Nguyên Thỉ nói:
- Ta đã định trước rồi. Ngươi cứ về tại đài Phong Thần sẽ có sắc lệnh đến đó.
Tử Nha lạy tạ với Nguyên Thỉ về tâu lại với Võ Vương và lòng nhóng đợi sắc chỉ.
Ngày kia, bỗng nghe có tiếng nhạc inh ỏi mùi hương nồng nực ngó thấy Huỳnh Cân lực sĩ cầm phướng che tàn, Bạch Hạc đồng tử bưng sắc ấn từ trên mây sa xuống.
Tử Nha ra trước phủ nghinh tiếp, đón nhận sắc chỉ để trên bàn hương án rồi lạy tạ, Bạch Hạc đồng tử và Huỳnh Cân lực sĩ từ giã trở về.
Tử Nha sửa soạn xong, đệ sắc ấn đến núi Kỳ Sơn.
Thanh Phước thần là Bá Giám hay tin vội ra nghinh tiếp.
Tử Nha vào trong đài để sắc ấn trên bàn án truyền Võ Kiết, Nam Cung Hoát làm phướng Bát quái bằng giấy trấn tám hướng và mười mấy cây cờ Thiên cang, mười hai cây cờ Ðịa chi, dẫn binh mã ba ngàn, lập trận Ngũ phương xung quanh đài .
Khương Thừa Tướng tắm gội rồi truyền đặt bàn hương án, bên trong dựng Hạnh Huỳnh kỳ, bên hữu dựng Ðả Thần Tiên, mặc áo giáp hẳn hòi mở sắc ra tuyên đọc các hồn nghe cho rõ. Sắc chỉ như sau:
" Hỗn nguyên giáo chủ, Nguyên Thỉ Thiên Tôn ban sắc:
Hỡi ôi!
Tiên phàm khác bậc, người không đạo đức khó thành. Thần, quỷ riêng phần, kẻ ở gian tà phải đọa.
Ðịa tiên dầu rõ điều biến hóa, không lòng cũng mất lẽ trường sanh.
Thiên tiên tuy thông hiểu Huyền quan, ra trận dữ cũng khó thành chánh quả.
Các ngươi:
Tuy thông đạo cả, một điều không dập lửa lòng, ra trận giao phong, sa trường bạt mạng. Khiến kẻ tôi ngay, con thảo, vì trung này hiếu nọ mà bỏ mình.
Có người đức hạnh tiết trinh, bởi lẽ ấy tiết trinh hủy hoại.
Bị luân hồi báo oán, mắc nhân quả trả oan.
Nên ta chẳng an, động lòng phải thưởng.
Nay ban sắc cho Khương Thượng thay mặt đứng phong Thần từ bậc ba phần, phong vào làm tám bộ. Các ngươi khỏi luân hồi chịu khổ, một lòng cố báo bổ giúp đời. Nếu có công hưởng lộc trời, bằng có lỗi sẽ bị oai sấm sét."
Tử Nha đọc sắc rồi để trên bàn án, tay tả cầm Hạnh Huỳnh kỳ, tay hữu cầm Ðả Thần Tiên, kêu lớn:
- Bá Giám hãy treo bảng Phong Thần dưới đài cho các hồn xem rõ, lúc nào kêu tên các hồn mới được lên.
Bá Giám tuân lệnh, mở bảng Phong Thần ra thấy tên mình đứng trên hết.
Các hồn đồng đến xem.
Bỗng Tử Nha gọi Bá Giám đến nghe sắc, Bá Giám cầm phướng lên đài quỳ xuống, Tử Nha đọc rằng:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Bá Giám xưa là Nguyên soái của Huỳnh Ðế, vâng lịnh đánh Xi vưu trước cũng lập công nhiều phen, sau bị chết nơi biển Bắc, hồn trung lạnh lẻo cũng khá thương, chừng gặp Khương Thượng đem về giữ đài Phong Thần, có công tiếp dẫn, nay phong chức là Thanh Phước thần, đứng đầu tám bộ gồm 365 vị.
Bá Giám tạ ơn xuống đài, Tử Nha truyền Bá Giám dẫn Hoàng Thiên Hóa lên, bảo quỳ và nghe sắc chỉ:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Hoàng Thiên Hóa xuống cứu cha là vì hiếu vì vua, tử trận chưa hưởng vinh hoa, thiệt mạng đáng thương lắm, nên phong làm chức Bỉnh Linh công, Tam sơn chánh thuận, cai trị ba hòn núi.
Hoàng Thiên Hóa tạ ơn bước xuống.
Tử Nha truyền dẫn Ngũ Nhạc lên đài.
Năm vị đồng quỳ nghe đọc sắc:
"Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Hoàng Phi Hổ trung thần bị nạn, phải trốn sang nước khác, hết lòng đền ơn tri ngộ Võ Vương, nên chết tại huyện Dẫn Trì, nghĩ cũng khá thương. Còn Sùng Hắc Hổ, Văn Sính, Thôi Anh, Tưởng Hùng bốn anh em kết bạn, quyết lòng phạt Trụ hưng Châu, rủi thác một lượt với Hoàng Phi Hổ, nên phong làm thần Ngũ Nhạc, cai trị năm hòn núi.
Vậy thời:
- Hoàng Phi Hổ làm Ðông nhạc Thái Sơn, Tề Thiên nhân thánh Ðại đế, làm đầu ngũ Nhạc, cai trị phần hồn. Dầu ai mới thác cũng phải đến cho thần Ðông nhạc xét tra. Ðến lúc đi đầu thai cũng vậy.
- Sùng Hắc Hổ làm Nam nhạc Hoàng sơn, Tư thiên Chiêu thánh đại đế.
- Văn Sính làm Trung nhạc Hoành sơn. Trung thiên Sùng thái Ðại đế.
- Thôi Anh làm Bắc nhạc Hằng sơn, An thiên huyền thánh Ðại đế.
- Tưởng Hùng làm Tây nhạc Hoa sơn, Kim thiên thư thánh Ðại đế.
Các người nầy phải lo bổn phận xem họa phước cho dân.
Năm thần tạ ơn xuống đài.
Tử Nha truyền đem Lôi Bộ lên đài.
Thái sư Văn Trọng không chịu ai tiếp dẫn, một mình dắt hai mươi bốn vị bổn hộ lên đài đứng sững không chịu quỳ.
Tử Nha rút roi Ðả Thần Tiên hét lớn:
- Lôi Bộ Chánh thần quỳ nghe đọc sắc.
Văn Trọng lúc đó mới chịu quỳ.
Tử Nha thấy 25 vị thần đã chịu phép quỳ hết mới tuyên đọc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Văn Trọng có công tu luyện, không được thành tiên, xuống phò hai trào đều tận trung, sau thất một trận mà mãn số. Trung liệt cũng đáng thương, nay cho làm đầu Lôi Bộ, cai trị 24 vị Thiên Quân xem gió, mưa, mây, chớp. Lấy oai ấm sét trị tội loài tà.
Vậy thì:
Văn Trọng làm chức Cửu thiên Nguyên lôi thinh phổ hóa thiên tôn.
Còn 24 vị thiên quân kể ra như sau:
Theo Lôi Bộ
Chức vụ: Tên người: Nhiệm vụ
Thiểm điển thần: Kim Quang thánh mẫu: coi việc sấm chớp
Hưng vân thần: Thể vân Tiên cô: coi việc kéo mây
Trợ phong thần: Hạm chi Tiên cô: coi việc làm gió
Bố võ thần: Kim Tô: coi việc làm mưa
Coi Việc Sấm Sét
Tên thần: Chức vụ: Tên thần: Chức vụ
Ðặng Trung: Ðặng thiên quân: Trương Tiết: Trương thiên quân
Ðào Vinh: Ðào thiên quân: Bàng Hồng: Tân thiên quân
Tuân Chương: Tuân thiên quân: Tất Hoàn: Tất thiên quân
Tần Hoàn: Tần thiên quân: Triệu Gian: Triệu thiên quân
Ðổng Toàn: Ðổng thiên quân: Viên Giác: Viên thiên quân
Lý Ðức: Lý thiên quân: Tôn Lương: Tôn thiên quân
Bạch Hổ: Bạch thiên quân: Vương Diệt: Vương thiên quân
Dao Tân: Dao thiên quân: Trương Triệu: Trương thiên quân
Kiết Lập: Kiết thiên quân: Dư Khánh: Dư thiên quân
Các thần lãnh chức tạ ơn lui xuống.
Tử Nha lại truyền dẫn Hỏa Bộ chánh thần lên đài, rồi đọc sắc.
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
La Tuyên xưa tu tại Hỏa Long đảo, gần thành tiên, bởi tánh lửa không dằn được mới bỏ mạng. Nay cho làm đầu Hỏa Bộ, coi việc lành dữ mà răn đời.
Vậy thì:
La Tuyên làm chức Nam phương Tam khí, Hỏa đức tinh quân chánh thần.
Còn năm vị Hỏa bộ Chánh thần kể ra như sau:
Tên thần: Chức vụ: Tên thần: Chức vụ
Châu chiêu: Vĩ hỏa hồ: Cao Chấn: Thất hỏa trư
Phương Quý: Chỉ hỏa hầu: Vương Giác: Dực hỏa hầu
Lưu Hoàn: Tiếp hỏa thiên quân.
Các thần tạ ơn xuống đài.
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Lữ Nhạc tu hành dày công, bị nghe lời thị phi, xuống lập trận Ôn Hoàng mà chết. Nay nghĩ công khi trước, cho làm đầu bộ Ôn, trừ kẻ ác trong đời.
Vậy thì:
Phong Lữ Nhạc làm Chủ chưởng Ôn Hoàng Hạo thiên Ðại đế.
Còn sáu vị thần trong Ôn hộ là:
Tên thần: Chức vụ
1) Châu Tín: Ðông phương hành ôn sứ giả
2) Lý Kỳ: Nam phương hành ôn sứ giả
3) Châu Thiên Lân: Tây phương hành ôn sứ giả
4) Dương Văn Huy: Bắc phương hành ôn sứ giả
5) Trần Canh: Khuyến thiên Ðại sứ
6) Lý Bình: Hòa ôn Ðạo sĩ.
Sáu vị thần đồng tạ ơn bước xuống.
Tử Nha truyền dẫn Ðẩu Bộ Chánh thần lên, rồi tuyên đọc sắc chỉ.
Kim Linh Thánh mẫu đạo đức đủ điều, ngôi tiên đã sẳn, vì chưa dứt giận hờn, lập trận dữ nên mang họa. Nay phong chức:
Ðẩu chánh thần, ngồi trên phương Bắc, cai trị các vì tinh tú. Tám mươi bốn ngàn vì sao lớn nhỏ đều được sai khiến:
Năm Bộ Ðẩu kể ra sao:
1) Ðông đẩu tinh quân gồm có các thần:
Tô Hộ, Kim Khuê, Cơ Thúc Minh, Triệu Bình.
2) Tây đẩu tinh quân gồm có:
Hoàng Thiên Lộc, Long Hoàn, Tôn Tử Võ, Hồ Thăng, Hồ Văn Bằng.
3) Trung đẩu tinh quân gồm có:
Lỗ Nhân Kiệt, Triều Lôi, Cơ Thúc Thăng, do Cơ Bá Ấp Khảo làm trung thiên Bắc cực tử vi Ðại đế.
4) Nam đẩu Tinh quân gồm có:
Châu Kỷ, Hồ Lôi, Cao Quý, Dư Thành.
5) Bắc đẩu tinh quân gồm có:
Thiên Cang, Hoàng Thiên Tường, Văn Khúc, Tỉ Can, Võ Khúc, Ðậu Vinh, Tả phụ Hàng Thăng, Hữu bậc Hàng Biên, Phú quân Tô Toàn Trung, Thăng lang Ngạc Thuận, Cự môn Quách Thần, Chiêu diên Ðổng Trung.
Các vì sao được phong như sau:
Tên sao: Tên người: Tên sao: Tên người
Thanh long tinh: Ðặng Cửu Công: Ðằng xà: Trương sơn
Thái Dương: Từ Cái: Thái Âm: Khương Hoàng Hậu
Câu trận: Lôi Bàng: Bạch Hổ: Ân Thành Tú
Châu Tước: Mã Phương: HuyềnVõ: Từ Khôn
Ngọc Ðường: Thương Dung: Thiên Quý: Cơ Khúc Càng
Long Ðức: Hồng Cẩm: Hồng Loan: Long Kiết Công Chúa
Thiên hỉ: Trụ Vương: Thiên đức: Mai Bá
Nguyệt đức: Hạ Chiêu: Thiên xá: Triệu Khải
Mạo đoan: Giả Thị: Kim phủ: Tiêu Trăng
Mộc phu: Ðặng Hoa: Thủy phủ: Dư Nguyên
Hỏa phủ: Hỏa Linh: Thổ phủ: Thổ Hành Tôn
Lục hiệp: Ðặng Thiền Ngọc: Bất sĩ: Ðỗ Nguyên Tiến
Lực sĩ: Ô Văn Hóa: Tấn thơ: Dao Cách
Hà khôi: Hoàng Phi Bưu: Nguyệt Khôi: Triệt Ðịa Phu Nhân
Ðế xa: Khương Hoàng Sở: Thiên tự: Hoàng PhiBáo
Hoàng ân: Lý Cẩm: Thiên y: Tiền Bảo
Ðịa hậu: Hoàng Quý Phi: Trạch Long: Cơ Thúc Ðức
Phục long: Hoàng Minh: Dịch mã: Lôi Khai
Huỳnh phan: Ngụy Bôn: Báo vĩ: Ngô Khiêm
Tán môn: Trương Quế Phương: Ðiều khách: Phong Lâm
Câu giảo: Bí trọng: Quyện thiệt: Vưu Hồn
La hầu: Bành Tuân: Kế đô: Vương Báo
Phi liêm: Cơ Thúc Khôn: Bạo hao: Sùng Hầu Hổ
Tiểu hao: Ân Phá Bại: Quách sách: Khưu Dẫn
Lang cang: Long An Kiết: Phi đâu: Thái Loan
Ngũ quỷ: Ðặng Tú: Dương nhận: Triệu Thăng
Huyết quang Tôn: Diệm Hồng: Quan phù: Phương Nghĩa Chân
Cô thần: Dư Hóa: Thiên cẩu: Quý Phương
Binh phù: Vương Tá: Toàn cốt: Trương Phụng
Tử phù: Biện Kim Long: Thiên bại: Bạch Hiển Trung
Phù trầm: Trịnh Xuân: Thiên sát: Biện Kiết
Tuế sát: Trần Canh: Tuế hình: Từ Phương
Tuế phá: Triều Ðiền: Ðộc hỏa: Âu Dương Thuần
Huyết chi: Mã Trung: Vong thần: Cơ Thúc Ngang
Nguyệt phá: Vương Hổ: Nguyệt du: Thạch Cơ Nương
Nguyệt yểm: Giao Trung: Thất sát: Trương Khuê
Ngũ cốc: Ân Hồng: Trừ sát: Tử Trung
Thiên hình: Âu Dương Thiên Lộc: Thiên la: Trần Ðồng
Ðịa võng: Cơ Thúc Kiết: Thiên không: Mai Võ
Huê cái: Ngao Binh: Thập ác: Châu Tín
Tàm súc: Huỳnh Nguyên Tế: Ðào hoa: Cao Thị Lan Anh
Tảo chẩu: Mã Thị: Ðại họa: Lý Cấn
Lang Tịch: Hàng Vinh: Phi ma: Lâm Thiện
Cửu xủ: Long Tu Hổ: Nhất Tam thi: Tác Kiên
Nhị Tam thi: Tác Cường: Tam Tam thi: Tác Dõng
Ấm thác: Kim Thành: Dương sai: Mã Thành Long
Nhân sát: Công Tôn Ðạt: Tứ phế: Viên Hồng
Ngũ cùng: Tôn Hiệp: Ðịa không: Mai Ðức
Hồng diệm: Dương Quý Phi: Lưu Hà: Võ Vinh
Quả Tú: Châu Thăng: Thiên ôn: Kim Ðại Thăng
Hoán vu: Ðài Lễ: Thai thần: Cơ Thúc Lễ
Phục đoạn: Trư Tử Chân: Phản ngâm: Dương Hiển
Phục ngâm: Dao Thứ Long: Ðao châm: Thường Hạo
Diệt một: Trần Kế Trinh: Tuế yểm: Bành Tổ Thọ
Phá tối: Ngô Long.
Nhị thập bát tú (28 vì sao)
Các vì sao này đã rút ra nói ở trận Vạn Tiên rồi, nay xin kể tắt:
Giác, cang, đê, phòng, tâm, vĩ, cơ, đẩu, ngưu, nữ, hư, nguy, thất, bích, khuê, lâu, vị, mão, tất, chỉ, sâm, tỉnh, quỷ, liễu, tinh, trương, dực, chẩn.
Tam thập lục thiên cang tức ba mươi sáu vị sao Ðẩu tử trận Vạn Tiên kể ra sau:
Tên sao: Tên người: Tên sao: Tên người
Thiên khôi tinh: Cao Diễn: Thiên Cang Tinh: Huỳnh Chơn
Thiên cơ: Lư Xương: Thiên giang: Kỷ Xương
Thiên dõng: Giao Công Hiếu: Thiên hùng: Thi Cối
Thiên mãnh: Tôn Ất: Thiên oai: Lý Báo
Thiên anh: Châu Nghĩa: Thiên quý: Trần Khảm
Thiên phú: Lê Tiên: Thiên mãng: Phương Bảo
Thiên cô: Chiêm Tú: Thiên thương: Lý Hồng Nhơn
Thiên quyền: Vương Long Mậu: Thiên thiệp: Ðặng Ngọc
Thiên ám: Lý Tân: Thiên hựu: Từ Chánh Ðạo
Thiên không: Ðiển Thông: Thiên tốc: Ngô Húc
Thiên dị: Lữ Tư Thành: Thiên sát: Nhậm Lại Sinh
Thiên vi: Cung Thanh: Thiên tổn: Ðường Thiên Chánh
Thiên bại: Thân Lễ: Thiên lao: Văn Kiệt
Thiên huệ: Trương Trí Hùng: Thiên bạo: Tất Ðức
Thiên khốc: Lưu Ðạt: Tiên xảo: Trình Tam ´ch
Thất thập nhị địa sát (72 vì sao theo Bộ Ðầu)
Ðịa khôi tinh: Trần Kế Chân: Ðịa sát tinh: Huỳnh Kiển Nguyên
Ðịa hung: Lỗ Tu Ðức: Ðịa oai: Hồ Bá Nhạn
Ðịa anh: Tôn Tường: Ðịa kỳ: Vương Bình
Ðịa mãnh: Bá Hữu Hoạn: Ðịa văn: Hoa Cao
Ðịa chánh: Khao Cách: Ðịa tịch: Lý Toại
Ðịa hạc: Lưu Hoành: Ðịa cường: Hạ Tường
Ðịa ám: Dư Trung: Ðịa phụ: Bao Long
Ðịa hội: Lỗ Chi: Ðịa tá: Huỳnh Bính Khánh
Ðịa hưu: Trương Kỳ: Ðịa linh: Quách Kỷ
Ðịa thú: Kim Nam Ðạo: Ðịa vi: Trần Nguyên
Ðịa huệ: Xa Khôn: Ðịa hạo: Tang Thành Ðạo
Ðịa mặc: Châu Canh: Ðịa xương: Tề Công
Ðịa cuồng: Hoát Chi Nguyên: Ðịa phi: Diệp Trung
Ðịa tẩu: Cố Tòng: Ðịa xảo: Lý Xương
Ðịa minh: Phương Kiết: Ðịa tấn: Từ Kiết
Ðịa thôi: Phán Oan: Ðịa mãng: Trát Công
Ðịa toại: Khổng Thành: Ðịa châu: Giao Kim Tu
Ðịa ẩn: Nịnh Tam ´ch: Ðịa dị: Dư Trí
Ðịa lý: Ðổng Trinh: Ðịa tuấn: Viễn Ðảnh Tướng
Ðịa lạc: Uông Tường: Ðịa thiệp: Cảnh Nhan
Ðịa tốc: Hình Tam Loan: Ðịa trấn: Khương Trung
Ðịa kê: Khổng Thiệu Triệu: Ðịa ma: Lý Dượt
Ðịa yêu: Cung Thiên: Ðịa u: Ðoạn Thanh
Ðịa phục: Môn Ðạo Chánh: Ðịa tịch: Tố Lâm
Ðịa không: Tiên Ðiển: Ðịa cô: Ngô Tứ Ngọc
Ðịa kim: Khuôn Ngọc: Ðịa đỏan: Thái Công
Ðịa giác: Lam Hổ: Ðịa tù: Tống Lộc
Ðịa tàn: Quan Bâu: Ðịa bình: Long Thành
Ðịa tổn: Huỳnh Ô: Ðịa nô: Không Ðạo Linh
Ðịa sát: Trương Hoàn: Ðịa ác: Lý Tín
Ðịa xủ: Từ Sơn: Ðịa số: Cát Phương
Ðịa ám: Tiêu Long: Ðịa hình: Tần Tường
Ðịa tráng: Võ Diễn Công: Ðịa liệc: Phạm Bân
Ðịa kiện tinh: Diệp Kiển Xương: Ðịa bao tinh: Giao Hoa
Ðịa tặc: Tôn Kiết: Ðịa Cẩu: Trần Mộng Canh
Cửu diện tinh quân (chín vì sao theo bộ Ðầu)
1) Sùng Ứng Bưu
2) Cao Hệ Bình
3) Hàng Bàng
4) Lý Tế
5) Vương Phong
6) Lưu Cấm
7) Vương Từ
8) Bành Cửu Nguyên
9) Lý Tam Ích
Thủy Ðức tinh quân (năm vì sao Thủy tinh)
1) Cơ Thủy Báo: Dương Chơn
2) Thủy Ðức Tinh: Lỗ Hùng
3) Bích Thủy Du: Phương Tiết Thanh
4) Sâm Thủy Viên: Tôn Tường
5) Chẩn Thủy Dẫn: Hồ Ðạo
Các vị tinh tú được phong rồi lạy tạ ơn xuống đài.
Tử Nha truyền Bá Giám dẫn Ân Giao, Dương Nhậm và bổn bộ lên, rồi đọc sắc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Ân Giao là con của vua Trụ, vì nóng lòng mẹ nên động đến cha, thiếu chút nữa anh em phải lụy. Sau cãi lời thầy dạy, không kể lời thề, tuy nghe Thân Công Báo mặc lòng, song cũng tại mình bội sư mang họa.
Còn Dương Nhậm can vua mà bị khoét mắt, sau về Châu vì Chúa liều mình.
Vậy phong Ân Giao chức Trị niên Thái quân, coi điều lành dữ trong mãn năm, phong Dương Nhậm làm Giáp tí Thái tuế đem các vị bổn hộ tuần du xét người lành dữ.
Bộ hạ hai vị thần Thái Tuế kể ra sau đây:
1) Nhựt du thần: Ôn Lương
2) Dạ du thần: Kiều Khôn
3) Tăng phước thần: Tiết A¨c Hổ
4) Tôn phước thần: Hàng Ðộc Long
5) Hiển đạo thần: Phương Bậc
6) Khai lộ thần: Phương Tướng
7) Trị niên thần: Lý Bình
8) Trị nguyệt thần: Huỳnh Thừa Ất
9) Trị nhật thần: Châu Ðáng
10)Trị thời thần: Lưu Ðồng.
Các thần được phong đều tạ ơn lui xuống đài.
Tử Nha truyền đòi anh em Vương Ma lên, rồi đọc sắc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Anh em Vương Ma trước ở tại Cửu Long đảo, bởi không giữ phần thanh tịnh, xuống trần lo việc can vua, nên mất tiên cang, phải sa thần đạo. Nay phong bốn anh em họ Vương làm Tứ thánh Ðại nguyên soái hầu hạ đền Linh Tiêu.
Bốn người này là:
Vương Ma, Dương Sum, Cao Thế Càng, Lý Hưng Bá.
Bốn thần tạ ơn lui gót.
Tử Nha truyền đòi Triệu Công Minh và bốn vị Kiết thần lên, rồi tuyên đọc sắc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Triệu Công Minh, công quả đã cao, tu hành phải đạo, bởi nghe tiếng thị phi mà nóng tánh, nên sa vào trần tucï, chuốt lấy rủi ro, sống không được thành tiên chết cũng về chánh quả. Nay phong làm chức Kim Long như ý Chánh nhứt Long Hổ, Huyền đăng Chơn quân, quản xuất bốn vị chánh thần mà cứu giúp người lương thiện.
Bốn vị Chánh thần phong như sau:
1) Châu bửu Thiên tôn: Tiên Thăng
2) Nạp trân Thiên tôn: Tào Bửu
3) Chiêu tài Sứ giả: Trần Cửu Công
4) Lợi thị tiên quân: Dao Thiếu Tư.
Năm vị Chánh thần tạ ơn lui xuống.
Tử Nha truyền dời bốn anh em họ Ma lên đài, rồi đọc sắc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Bốn anh em họ Ma học được phép lạ, ý muốn chống trời, song thấy ngay vua cũng khá khen, nghĩ tử tiết càng thêm thương, nay phong bốn người làm Tứ đại Thiên vương coi bốn chữ: Phong điều võ thuận.
Ma Lễ Thanh làm Tăng trưởng Thiên vương, cầm Thanh quang bửu kiếm.
Ma Lễ Hồng làm Quang mục Thiên vương cầm Hỗn nguyên châu táng.
Ma Lễ Hải làm Ða văng Thiên vương cầm Hoa hồ điêu.
Bốn vị Thiên vương tạ ơn lui xuống đài.
Tử Nha truyền dẫn Trịnh Luân và Trần Kỳ lên, tuyên đọc.
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Trịnh Luân bỏ Trụ về Châu phải trang hiền thần vận lương ra trận đáng bậc công lao, chưa hưởng quyền cao đã lìa trần thế.
Còn Trần Kỳ, tuy đón binh Châu, cãi thiên mệnh, song lòng ngay với chúa cũng đáng khen. Vậy phong hai người làm Hanh ngáp nhị tướng giữ cửa núi Tây phương."
Hai thần tạ ơn lui xuống.
Tử Nha truyền dẫn vợ chồng Dư Hóa Long lên, rồi đọc sắc:
Cha con Dư Hóa Long thờ chúa hết lòng, đáng tôi lương đống, liều thân trọn tiết, nên hưởng lửa hương. Nay phong Dư Hóa Long làm chức Chủ đậu bích hà nguyên quân. Vợ là Kim thị phong chức: Vệ phòng Thánh mẫu.
Chồng coi việc bông, trái; vợ cứu việc sanh thai.
Còn năm người con phong chức sau đây:
Ngũ phương chủ đậu thánh thần
1- Ðông phương chủ đậu thánh thần: Dư Ðạt
2- Tây phương chủ đậu thánh thần: Dư Triệu
3- Nam phương chủ đậu thánh thần: Dư Quang
4- Bắc phương chủ đậu thánh thần: Dư Tiên
5- Trung ương chủ đậu thánh thần: Dư Ðức
Vợ chồng, con cái Dư Hóa Long tạ ơn xuống đài.
Tử Nha truyền đòi Tam Cô lên, tuyên đọc.
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Ba chị em Vân Tiên tuy học đạo lớp Thiên hoàng mà chưa chứng quả vì nóng báo cừu huynh trưởng lập trận Huỳnh Hà hại người đại đức nên phải lụy thân. Nay phong ba người làm Cảm ứng tùy thế tiên cô.
Tuy làm vị nương nương. Song phải coi việc sinh sản mà đền tội hai tiên ra phàm.
Cảm ứng tùy thế tiên cô gồm có:
1- Vân Tiêu nương nương
2- Quỳnh Tiêu nương nương
3- Bích Tiêu nương nương
Cả ba vị tiên cô đều tạ ơn lui gót.
Tử Nha truyền dẫn Thân Công Báo lên đài tuyên đọc.
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Thân Công Báo tu theo Xiển giáo, dám cãi lời thầy, quyết trợ Trụ đánh Châu, bày đặt dụ dỗ nhiều người làm bậy. Tuy số trời đã định, kẻ có tên trong bảng phải bỏ mình, song lỗi ấy thật khó dung, đã một lần thề thốt mà không chừa thói cũ. Nay dầu mang họa, nhưng nghĩ tình phong cho làm Phân thủy tướng quân, coi nước lớn, nước ròng tại Ðông Hải hay việc ấm lạnh trong hai mùa. Hạ thì giá tan. Ðông thì nước đặc. Nếu làm trái lại sẽ bị phạt nặng nề.
Thân Công Báo tạ ơn lui xuống biển.
Các vị thần ai giữ việc ấy, đều rời khỏi đài.
Từ ấy trong đài hết âm khí, gió hòa nắng tốt như thường.
Tử Nha xuống đài, truyền Nam Cung Hoát về đền ra lệnh cho bá quan văn võ ngày mai phải đến Kỳ Sơn cho đủ mặt.
Ngày hôm sau, bá quan văn võ tề tựu, đồng ra mắt Tử Nha.
Tử Nha truyền trói Phi Liêm và Ác Lai lại.
Hai người thất kinh kêu lớn:
- Chúng tôi phạm tội là kẻ bày cho vua Trụ làm hại dân nước thì thật có công đối với nhà Châu sao Thừa thường tướng lại bảo là tội. Cơ nghiệp này, nếu Trụ Vương không nghe lời chúng tôi hủy phá thì làm sao hôm nay rơi vào tay nhà Châu được? Kẻ được thiên hạ lại không biết ơn chúng tôi sao?
Tử Nha nói:
- Chúng bay thật là đứa gian hùng, thốt ra nhiều lời kỳ dị. Nếu để chúng bay sống thì cơ nghiệp nhà Châu có ngày bị hại.
Nói rồi truyền võ sĩ đem hai người ra xử trảm.
Tử Nha lại lên đài phong Thần tuyên đọc:
Thái Thượng Nguyên Thỉ truyền sắc:
Phi Liêm và Ác Lai là hai tôi gian nịnh, ngỡ trộm ấn cầu vinh, không dè đem thân đi nạp. Bởi có tên trong bảng Phong Thần nên khó trốn. Nay phong Phi Liêm làm Băng tiêu, Ác Lai làm Ngõa giải tuy là chức xấu, không được làm hung.
Phi Liêm và Ác Lai cúi đầu nghe đọc sắc xong tạ ơn bay đi, Tử Nha trở xuống đài.
Bá quan đều về đền hết.
Bữa sau, Châu Thiên Tử lâm triều, bá quan vào chầu đủ mặt.
Tử Nha tâu việc chém hai tên nịnh thần, và nói:
- Tôi theo ý sắc Ngọc Hư, phong các thần cao thấp theo thứ bậc, từ nay bệ hạ khỏi lo. Song còn một điều là bệ hạ phải chia đất ít nhiều , phong cho các tôi có công trận.
Võ Vương phán:
- Trẫm có ý ấy đã lâu, song đợi Thượng phụ phong Thần nên trễ việc, nay phong thần đã xong tự ý Thượng phụ định liệu.
Bốn cha con Lý Tịnh, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử bảy người đồng quỳ tâu:
- Chúng tôi là người núi non, vâng lệnh thầy xuống giúp bệ hạ mà thôi, nay đã thái bình thạnh trị, chúng tôi xin về núi tu hành, còn việc phú quý chúng tôi không muốn.
Võ Vương phán:
- Trẫm nhờ các khanh tài cao phép lạ, công khó trí dày mới cứu nước cứu dân, nay thái bình thì các khanh lại không chịu hưởng giàu sang, trẫm nỡ nào để các khanh về núi.
Bảy người đồng tâu:
- Chúng tôi tuy đội ơn bệ hạ, nhưng không dám cãi thầy. Vả lại lòng tu hành còn nặng, không có ý hưởng tước quyền, xin bệ hạ cho chúng tôi toại nguyện.
Võ Vương biết không thể lưu lại được, buồn bã nói:
- Trước khi khởi binh, những trung thần nghĩa sĩ như mây rợp đất, thế mà sau cuộc chiến chinh, nửa đường bỏ mạng rất nhiều, trẫm lấy làm thảm thiết. Nay các khanh đòi rời trẫm, trẫm không thể ngăn được, vậy đợi trẫm tổ chức một tiệc tiễn hành các khanh lợi dụng lúc trẫm uống thật say mà ra đi để trẫm khỏi đau lòng.
Hôm sau, tiệc dọn tại trường đinh, bảy người tụ đủ mặt, Võ Vương bá quan đưa đón.
Bảy người ra tiếp giá, Võ Vương nắm tay phán:
- Các vị nay về núi tức là bậc tiên thần, không còn ràng buộc đạo vua tôi nữa. Vậy chớ khiêm nhường, hãy cùng trẫm đồng bàn uống cho thật say một bữa.
Bảy người đồng tạ ơn, ngồi vào dự tiệc.
Thiên hạ nghe đồn Thiên Tử đưa thần tiên về núi, đến xem rất đông.
Mãn tiệc, bảy vị từ giã, Võ Vương rưng rưng nước mắt.
Bảy người đồng an ủi:
- Xin bệ hạ an lòng cho chúng tôi về núi, ngày sau có dịp đến chầu.
Võ Vương y lời từ biệt.
Còn Tử Nha theo đưa một đỗi, hai bên gạt lệ chia tay.
Bảy vị sau này đều thành chánh quả.
Có bài thơ rằng:
Từ giã về non lánh tục trần
Thanh nhàn cảnh tỉnh rất an thân
Quyết thành chánh quả thành tiên thánh
Khỏi đọa luân hồi trả oán hận
Hai chữ thị phi đà chẳng bợn
Một câu vinh nhục cũng không cần
Vui chơi nào biết mùi dương thế
Dâu bể màng chi đổi mấy lần
Rạng ngày, Châu Võ Vương lâm triều, bá quan tung hô đủ mặt, Tử Nha và Châu Công Ðáng quỳ tâu.
- Nhờ bệ hạ cho bảy người về núi tu hành, vậy xin xuống chỉ phân phong cho đẹp lòng các tôi có công trận.
Võ Vương phán:
- Hôm qua bảy vị về non, trẫm buồn quá sức nay đến việc phân phong trẫm giao cho Thượng phụ và Ngự đệ thay mặt trẫm làm cho công bằng.
Hai vị vâng chỉ trở về dinh bàn với nhau làm sớ tâu trình.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều, Châu Công Ðáng dâng sớ Võ Vương xem qua rất hài lòng, truyền Châu Công Ðáng tuyên đọc bản phân phong.
Châu Công Ðáng tuân lệnh lần lượt đọc rằng:
" Trước truy phong cho Vương tổ là Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương, ba vị đồng làm Thiên tử.
Còn các vị cháu, chắc các trào vương khác được chia ra làm ngũ đẳng là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Nếu nước nào nhỏ hơn năm bực ấy thì gọi là phụ dung.
Các chư hầu, mới chia nước kể ra như sau:
1- Nước Lỗ: Phong Hầu, Cơ Ðáng (Châu Công Ðáng) là con thứ tư vua Văn Vương. Bởi Châu Công phò Văn Vương, Võ Vương, sau con vua Võ Vương là Thành Vương còn nhỏ cũng nhờ Châu Công phò tá, có công giám quốc nên Thành Vương phong cho vuông vức 700 dặm làm chỗ thờ phụng Châu Công.
2- Nước Tề: Phong Hầu, Khương Thượng, Nguyên thuở trước cháu vua Thần nông là Bách, gọi là Tứ Nhạc, vốn họ Lữ. Vì phong làm Lữ hầu nên lấy nước làm họ. Lại có công trị thủy nên cho theo họ Khương. Bởi vậy nên có hai họ, Khương Thượng tên tộc là Vọng, nên gọi là ông Lữ Vọng. Nay được phong Tề Hầu, lại được chức Thái công nên đời sau gọi là Thái Công Vọng, nước Tề thuộc tỉnh Sơn Ðông, Huyễn huyện, lớn hơn các nước chư hầu khác.
3- Nước Yên: Phong Bá, do Cơ Quân Thích. Cơ Quân Thích là tôi có công trận, đồng tánh với vua, phò Văn Vương, Võ Vương đến lúc thâu thiên hạ làm chức Thái bảo. Bởi có đất riêng nơi ấp Thiệu nên gọi là Thiệu Công Ích. Nước Yên thuộc U Châu huyện Kế. Sau con là Bắc Yên Bá.
4- Nước Ngụy: Phong Bá, do Cơ Cao, Cơ Cao gọi là Tất Công Cao, cũng là tôi đồng tánh với vua. Nước Ngụy thuộc tỉnh Hà Nam huyện, huyện Cao Mật.
5- Nước Quản: Phong Hầu, do Cơ Thúc Tiên, nay thuộc tỉnh Hà Nam huyện Tín Dương. Phong ở gần Triều Ca mà giám quốc.
6- Nước Thái: Phong Hầu, Cơ Thúc Ðộ, nay thuộc về tỉnh Hà Nam, phủ Nhữ Ninh, huyện Thái. Cũng phong gần Triều Ca mà giám quốc. Sau lấy nước làm họ, nên kêu Thái Thúc Ðộ, Quản Thúc Tiên .
7- Nước Tào: Tào Bá, Cơ Thúc Ðạt, em Võ Vương. Nước Tào nay gọi là phủ Tế Dương, huyện Ðịnh Ðào.
8- Nước Thành: Thành Bá, Cơ Thúc Võ, em Võ Vương. Nước Thành nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, phủ Diễn Châu, huyện Văn Thượng.
9- Nước Hoắc: Hoắc Bá, Cơ Thúc Xử, em Võ Vương. Nay thuộc về tỉnh Sơn Tây, phủ Bình Dương.
10- Nước Vệ: Vệ Hầu, Cơ Khương Thúc, em một mẹ với Võ Vương. Nước Vệ thuộc về Ký Châu.
11- Nước Ðằng: Ðằng Hầu, Cơ Thúc Tú, em Võ Vương. Nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, huyện Khưu.
12- Nước Tấn: Tấn hầu, con vua Võ Vương, phong tại đất Ðường, gọi là Ðường Thúc Ngu, sau mới cải lại nước Tấn. Nay thuộc về tỉnh Sơn Tây, phủ Bình Dương, huyện Ðáng, thành Ðộng Dực.
13- Nước Ngô: Ngô Tử là con cháu Thái Bá, ông Thái Bá là con lớn vua Thái Vương. Nay thuộc về Ngô Quận.
14- Nước Ngu: Ngu Công con cháu Trọng Ung, ông Trọng Ung là con cháu giữa vua Thái Vương. Bởi vua Võ Vương phạt Trụ rồi, tìm con cháu của ông mà phong.
15- Nước Quách: Quách Công là Trọng Quách em ruột vua Văn Vương. Nước Quách tại đất Hoàng Nông, huyện Hiệp.
16- Nước Sở: Sở Tử họ Mỹ, dòng giống vua Chuyên Húc. Mỹ Tử là Dực Hùng, làm thầy vua Văn Vương. Bởi có công lao, nay Võ Vương phong nước Sở, làm đầu coi các nước di dịch tại Kính Man. Bây giờ thuộc quận Ðơn Dương, huyện Chi Giang.
17- Nước Hứa: Hứa Nam, họ Khương cũng dòng giống ông Lữ Nhạc. Nay thuộc về Hứa Châu.
18- Nước Tần: Tần Bá họ Dinh, dòng giống vua Chuyên Húc. Bởi đời trước có công, nên Võ Vương phong Khương Bá Y¨ làm Bá nước Tần. Nay thuộc về tỉnh Hiệp Tây, phủ Tây An.
19- Nước Cử: Cử Tử họ Dinh dòng giống vua Thiếu Hạo. Bởi đời trước có công, nên Võ Vương phong Tử Dữ Kỳ làm Bá nước Cử.
20- Nước Kỷ: Kỷ Hầu họ Khương, là con thứ ông Tử Nha. Bởi Võ Vương nhớ công lao Tử Nha nên phong con thứ Tử Nha riêng một nước Kỷ, còn con trưởng nam Tử Nha nối chức cha ở nước Tề. Ấy là việc sau này, ở đây có sẳn dịp nói luôn. Nước Kỷ thuộc huyện Kịch.
21- Nước Trâu: Phong chức Tử cho họ Tào, con thứ năm ông Lục Chung. Nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, huyện Trâu.
22- Nước Tiết: Phong Tiết Hầu, họ Nhậm, dòng giống vua Huỳnh Ðế, gọi là Nhậm Trọng Huề, nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, Châu Nghi.
23- Nước Tống: Tấn Công, họ Vi Tử, con trai lớn dòng thứ của vua Ðế Ất. Bởi Trụ Vương vô đạo, Vi Tử ôm thần chủ và đồ tế qua đầu Châu. Bây giờ được phong bậc Công, trị nước Tống. Nay thuộc huyện Hoài Dương.
24- Nước Khởi: Khởi Bá họ Tỉ, dòng giống vua Hạ Võ, vua Võ Vương tìm ra Tỷ Ðông Lâu, phong làm Bá trị nước Khởi để hương khói cho vua họ Võ. Nay thuộc về phủ Khai Phong, huyện Uông Khưu.
25- Nước Trần: Trần Hầu, họ Huy, dòng giống vua Thuấn, làng Ác Phủ, có nghề làm đồ gốm cho Võ Vương. Võ Vương truy ra nên gả con lớn là Thái Cơ, phong làm hầu trị tước nước Trần để thờ phượng vua Thuấn. Nay gọi là huyện Trần.
26- Nước Kế: Kế Hầu, họ Cơ, dòng giống vua Nghiêu. Nay thuộc về tỉnh Bắc Kinh, phủ Thuận Thiên.
27- Nước Cao Ly: Cao Ly Tử là con cháu ông Cơ Tử. Bởi Cơ Tử không chịu đầu Châu, Võ Vương mời ra mắt, Cơ Tử nói đến sách Hồng Phạm một hồi rồi từ giã qua đất Liêu Ðông ẩn dật. Võ Vương phong nước này làm nước Cao Ly, Cơ Tử nối dòng làm tước tử tại đó.
Ấy là nói sơ lược hai mươi bảy nước lớn, con bà con với Võ Vương, với dòng họ các vua đời trước, cùng kẻ có công trận, cộng là bảy mươi hai nước, kể sao cho cùng. Ví dụ nước Việt nơi quận Cốc Kê, phong đất Hướng nơi Tiều Quốc, đất Phàng phong làm nước Cáp, nước Túc phong làm Ðông Bình, phong nước Cáo thành nước Tế Âm, phong nước Ðặng nơi đất Vĩnh Xuyên, phong nước Nhung nơi đất Trần Lưu, phong nước Duế nơi đất Phúng Dực, phong nước Cực làm phụ dung, phong nước Cốc nơi đất Nam Dương, phong nước Mâu nơi đất núi Thái Sơn, phong nước Cát nơi Lượng quốc, phong nước Nghiêu làm phụ dung, phong nước Ðàm nơi đất Bình Lăng, phong tước Hượt nơi tỉnh Hà Nam, phong nước Hinh nơi Tương quốc, phong nước Giang nơi đất Như Nam, phong nước Ký nơi Bì huyện, phong nước Tử nơi huyện Hàm Hỉ, phong nước Thơ nơi đất Lư Giang, phong nước Huyền nơi đất Dực Dương, phong nước Tằng nơi đất Lang Nha, phong nước Lộ nơi đất Nghĩa Dương, phong nước Hạnh nơi đất Nhữ Nam, phong nước Anh nơi đất Sở, phong nước Thân nơi đất Nam Dương, phong nước Cung nơi quận Cấp, phong nước Di nơi Thành Dương.
Các nước ấy nói sơ lược mà thôi, nếu đem vào truyện thì sẽ gây khó chịu cho người đọc.
Còn Nam Cung Hoát, Táng Nghi Sanh, Hoằng Yên đều được phong cấp nhỏ hết.
Ngày hôm ấy Võ Vương dọn tiệc đãi Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, chúa tôi vui mừng ăn uống.
Võ Vương lại còn xuất của kho thưởng cho các người đó.
Ðến khi mãn tiệc, các chư hầu đều lui về nước lo cai trị dân mình.
Có bài thơ rằng:
Võ Vương gầy dựng sự nghiệp Châu,
Luận công chia đất đặt chư hầu
Ba vua chớ gọi nơi nền nếp,
Nhờ có rào thưa mới trị lâu
Bấy giờ chỉ có Châu Công Ðáng, Triệu Công Thích ở lại triều ca phò Võ Vương trị nước.
Võ Vương nói với Châu Công Ðáng:
- Hạo kinh chính giữa thiên hạ quả là khí tượng đế vương. Vậy ngự đệ với Triệu Công Thích dời đế đô về đó, trẫm đẹp lòng nơi đó.
Châu Công Ðáng vâng lệnh, truyền chỉ lại, Triệu Công Thích tuân theo dời đô về nơi đó. Nay gọi là tỉnh Hiệp Tây, phủ Tây An, huyện Hàm Dương.
Võ Vương lại phán:
- Tướng phụ nay đã già, ở triều chầu chực mệt lắm, hôm nay trẫm cho cung nữ, ngọc ngà châu báu, búa Việt cờ Mao, được quyền chinh phạt về nước Tề cai trị, hưởng phúc thái bình.
Khương Thái Công tạ ơn lãnh thưởng của Võ Vương rồi lên đường về Tề quốc.
Võ Vương lại truyền quân dọn tiệc thết đãi để tiễn Khương Thái Công về nước.
Khương Thái Công tạ ơn và thưa:
- Tôi được phong cai trị một cõi, ngặt vì nay già nua không chầu bệ hạ được, không biết ngày nào vua tôi gặp nhau.
Võ Vương an ủi:
- Bởi tướng phủ già nua lại mệt nhọc theo việc trào, nên trẫm cho về nước đặng dưỡng lão.
Khương Thái Công không biết nói sao đành lủi thủi lên xe về nước.
Ngày kia, Khương Thái Công về đến nước Tề, sực nhớ đến Tống Dị Nhơn, người ơn của mình, bởi lâu nay lo việc nước nên không lui tới hỏi thăm được, nay thiên hạ thái bình, Khương Thái Công muốn đền đáp ơn xưa, liền sai quân về Triều Ca thỉnh rước. Nhưng vợ chồng Tống Dị Nhơn đã qua đời, chỉ còn con cái nhưng nay đã giàu sang, liền viết thơ cho sứ.
Sứ thần đem thơ về dâng, Khương Thái Công xem xong buồn bực, sai người đem lễ vật sang biếu con Dị Nhân.
Bấy giờ Khương Thái Công cai trị nước Tề được năm tháng thì thiên hạ nghiêm trang, sau Khương Thái Công sanh được người con trưởng tên Cáp và con thứ.
Về sau Khương Thái Công qua đời, công tử Cáp lên nối ngôi cha.
Võ Vương lại phong con thứ của Thái Công làm Hầu trị nước Kỷ.
Võ Vương cai trị thiên hạ thái bình.
Sau Võ Vương băng hà, con là Thành Vương lên nối ngôi, cũng được Châu Công phò tá thiên hạ thái binh, lạc nghiệp.