Chí Tường có thật sự tìm được công việc làm ở Geneva chăng?
Đúng như Chí Viễn đã dự đoán, Chí Tường không hề tìm được việc làm. Tuy nhiên, chàng không tìm được việc làm, không phải hoàn toàn vì công việc khó tìm. Trước nhất, Đan Lệ phải chịu một phần trách nhiệm, vì nàng không hề thật sự có ý tìm việc làm cho chàng, mà chỉ cốt ý làm sao cho chàng đến Gevena rồi tính sau. Thứ hai, là vì bản thân của xứ Thụy Sĩ, cái quốc gia có danh xưng "vườn hoa thế giới" này, đã hoàn toàn mê hoặc Chí Tường.
Vừa đến Gevena ngày đầu tiên, Chí Tường được Đan Lệ đưa vào ở một khách sạn thật sang trọng bên cạnh bờ hồ Gevena.
Nàng nói bằng một giọng tự nhiên, thoải mái:
- Đừng nên lo lắng về chi phí, ba em có phần hùn trong khách sạn này, bạn bè của gia đình em mỗi khi đến Geneva, đều được đưa đến ở khách sạn này, không mất tiền đâu! Người thường, nếu đến ở đây, phải bốn chục Mỹ Kim một ngày đấy!
Chàng cảm thấy vô cùng bất an, và cũng cảm thấy không tự nhiên chút nào, thế nhưng, ở Gevena chàng không hề quen biết một ai, không ở cũng không được. Huống chi, Đan Lệ lại dùng ánh mắt vô cùng dễ thương nhìn chàng, dùng giọng nói thật ngọt ngào nói với chàng, dùng gương mặt thật dịu dàng tựa vào người chàng, không ngừng nói rằng:
- Anh yêu! Đừng gấp mà! Anh yêu! Đừng giận mà! Anh yêu! Đừng nên khó khăn như thế mà! Anh yêu! Anh cứ ở đây đã, rồi từ từ tìm việc làm! Anh yêu! Trước khi tìm việc làm, anh phải đi chơi với em vài hôm trước đã chứ!
Chí Tường nói:
- Chuyện đầu tiên, anh cần phải đi thăm cha mẹ em trước nhất! Tất cả những chuyện khác, chúng ta từ từ tính sau!
Đan Lệ nói thật ngoan ngoãn:
- Được rồi! Tối ngày mai anh đến nhà em! Em lái xe đến rước anh đi!
Chàng kinh ngạc:
- Em biết lái xe à?
- Lái xe, cưỡi ngựa, trượt tuyết, trượt băng... thứ nào em cũng biết! Môn nào em cũng hay, chỉ có một điều là học chữ không giỏi thôi! Anh đừng ngạc nhiên làm gì! Lúc ở La Mã, em đã định mua một chiếc xe rồi, thế nhưng, em lại sợ anh nói rằng em khoe khoang, nên không dám mua đấy thôi! Ồ!... Vì anh, cả tính tình em cũng thay đổi luôn, em nghĩ, chắc là cái số em thiếu nợ anh thật!
Nàng thở ra một hơi dài, nói bằng một giọng nghiêm trang, không chút đùa giỡn.
Thế là, buổi tối hôm sau, Chí Tường rút cuộc cũng đã gặp mặt vợ chồng ông Đức. Hiển nhiên, Đan Lệ đã tốn nhiều công sức trong việc thuyết phục cha mẹ mình. Thái độ của vợ chồng ông Đức vô cùng hiền hòa, ngôn ngữ thân mật, hoàn toàn ra ngoài sự dự liệu của Chí Tường, họ không hề ra vẻ mình là bậc trưởng thượng, cũng không hề có thái độ khinh người. Trong căn phòng khách sang trọng đó, họ cười nói tự nhiên, thoải mái, không hề có một chút ý làm khó, làm dễ gì người bạn trai của con gái mình.
Sự thật thì, cảm giác đầu tiên của ông Đức khi vừa nhìn thấy Chí Tường, là ông đã thích ngay người thanh niên trẻ tuổi này, vóc người dong dỏng cao, dáng dấp khoẻ mạnh, mày sậm, mắt to, sóng mũi thẳng đứng, nhìn bề ngoài, là một thanh niên đẹp trai! Ánh mắt của con gái cũng không tệ lắm! Lại cộng thêm thái độ của Chí Tường vô cùng lễ phép, nói năng lễ độ, đàng hoàng. Không giống như những người bạn trai trước đây của Đan Lệ thường có thái độ xấc xược của bọn trẻ tuổi thời đại, không hề biết kính trọng người trên kẻ trước, cũng không giống như Đan Lệ đã diễn tả, là "con mọt sách", "con mọt họa", "con mọt điêu khắc" v.v... Anh chàng trẻ tuổi này không hề "mọt" chút xíu nào cả, cũng không hề cứng nhắc, ông cụ non gì hết, mà đối đáp trôi chảy, rõ ràng và thoải mái.
Sớm muộn gì con gái mình cũng sẽ phải yêu, ông Đức hiểu rõ chuyện này. Thế nhưng, kết quả của tình yêu có phải là hôn nhân hay không, thì lại là một điều rất khó đoán trước được. Thanh niên thời đại ngày nay biến đổi rất nhanh, thanh niên thời đại ngày nay cũng không có tinh thần trách nhiệm, thanh niên thời đại ngày nay lại càng là những người xem nhân gian như một trò đùa. Đối với họ, "tình yêu" cũng là một thứ trò chơi. Thế nhưng, ông Đức biết rằng, lần này Đan Lệ không hề "chơi", chẳng những không hề "chơi", mà con bé còn đã bị lún vào thật sâu. Chàng trẻ tuổi này có thể làm cho con bé ở La Mã suốt mấy tháng trời, hẳn là phải có điều đặc biệt của hắn. Huống chi, Đan Lệ vừa về đến nhà đã nói với ông bà rằng:
- Ba, mẹ! Nếu như ba mẹ làm khó, làm dễ gì anh ấy, hoặc là tạo điều phiền phức cho anh ấy, là con... con tự tử chết liền đó!
Từ lúc còn nhỏ, con bé đã biết cách bắt chẹt cha mẹ để đạt được mục đích, thế nhưng, vì bọn con trai, mà dùng đi dùng lại hai chữ nghiêm trọng như "tự tử", lại là lần đầu tiên.
Bây giờ, nhìn thấy chàng trẻ tuổi này, lại nói chuyện với hắn, ông Đức đã cảm nhận được nguyên nhân vì sao mà hắn lại có thể chinh phục được Đan Lệ, thế nhưng, anh chàng cũng làm cho đôi cha mẹ này cảm thấy kinh ngạc và bối rối.
Ông Đức nói:
- Cháu muốn tìm công việc làm ở Geneva à? Chẳng lẽ Đan Lệ không có nói với cháu, ở đây rất khó tìm việc làm hay sao? Đừng thấy Thụy Sĩ là một nước trung lập vĩnh viễn, dù sao đi nữa, họ cũng không ưa người Đông Phương lắm đâu!
Chí Tường liếc mắt nhìn Đan Lệ một cái, Đan Lệ đã thụt vào phía sau lưng mẹ nàng.
- Đan Lệ nói, ở đây tìm việc làm rất dễ!
Ngó bộ, con bé Đan Lệ đã gạt cho chàng trẻ tuổi này đến Thụy Sĩ đây mà! Ông Đức đã hiểu ra rồi, ông gật gật đầu, nói một cách chậm rãi:
- Không gấp lắm đâu, hãy để Đan Lệ dẫn cháu đi thăm Geneva vài hôm cho biết đã, công việc có thể từ từ tìm cũng được, bác nghĩ, torng ngân hàng của bác có thể có chỗ cho cháu làm được đấy, cháu có biết kế toán không?
- Dạ không?
- Thế đánh máy thì sao?
- Dạ cũng không?
Đan Lệ xen vào:
- Ba! Anh ấy trừ vẽ và điêu khắc ra, không hề biết gì khác, ba tìm cho anh ấy công việc nào có vẽ và điêu khắc!
Chí Tường xen vào rất nhanh:
- Xin bác đừng bận tâm làm gì! Những gì cháu học hoàn toàn không liên quan đến người bác cần, cháu không muốn bác vì Đan Lệ, mà sắp xếp cho cháu một công việc làm để lãnh lương mà không phải làm gì. Cháu nghĩ, tự cháu có thể giải quyết vấn đề này. Hôm nay cháu đến đây, không phải là để tìm việc làm. Mà đến để thăm hai bác. Do đó, đối với việc tìm việc làm, tốt nhất là chúng ta đừng nên bàn đến làm gì! Cháu nhìn thấy bên cạnh bờ hồ, có rất nhiều quán café bên đường, cùng lắm, thì cháu cũng có thể làm công việc chạy bàn vậy!
Đan Lệ không nhịn được, nàng nói xen vào bằng một giọng thật nhỏ, thật nhẹ:
- Anh còn có thể làm công việc rửa chén nữa chứ!
Chí Tường trừng mắt nhìn Đan Lệ, mĩm cười nói:
- Sao mà trước mặt hai bác, em cũng không nương tay cho người ta một chút nào hết vậy!
Ông Đức mĩm cười nhìn Chí Tường:
- Đó chính là nỗi bi ai của những người học nghệ thuật, cháu biết ngày xưa bác học gì không? Ngày xưa bác học Văn học Anh quốc ở Cambridge, lấy xong cái bằng Tiến sĩ, rút cuộc bác đi làm thương mãi, đổi nghề, chiếm một chân trong ngành ngân hàng. Nghệ thuật, văn học, âm nhạc, đều giống như nhau, đều là những danh từ nghe rất hay, rất kêu, thế nhưng cũng rất không thực dụng. Bác nói có hơi thẳng thắn một chút, Chí Tường, cháu đừng phiền nhé!
- Dạ thưa bác, cháu không phiền đâu! Cháu học nghệ thuật, không phải là vì muốn nổi danh, cũng không phải để kiếm cơm, mà là vì sự say mê cuồng nhiệt! Cháu yêu nghệ thuật một cách điên cuồng, nó giống như một phần trong huyết mạch của cháu!
- Thế nhưng, đời sống là một điều rất hiện thực, có một ngày, cái vấn đề hiện thực đó sẽ đè nặng lên vai cháu. Thí dụ, sau khi cháu ra trường, cháu dự định sẽ làm gì?
- Có thể cháu sẽ học chuyên thêm về điêu khắc.
- Tốt lắm, sau đó thì sao?
- Thì cháu sẽ làm về họa, về điêu khắc. Về Đài Loan, đem tất cả những gì cháu học được, truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp nối.
Ông Đức ngớ người ra. Câu trả lời đó, không hề là câu ông chọn trong một ngàn câu trả lời có thể đưa ra. Ông nhìn Chí Tường trừng trừng, ngẩn ngơ ở đó. Bà Đức thì hơi có chút bối rối, lo lắng, bằng trực giác của một người mẹ, bà biết rằng Đan Lệ đã rất thành tâm trong mối tình với chàng trai trẻ này. Thế nhưng chàng trai trẻ này, lại muốn đi đến một nơi chốn rất xa xôi trên bản đồ thế giới.
Bà hỏi:
- Chí Tường, cháu yêu Đài Loan lắm sao?
Chí Tường nói thật thẳng thắn:
- Ở đó là nhà của cháu! Nhà là gì? Nhà là nơi chốn mà bất luận mình có rời bỏ bao lâu đi nữa, nhưng vẫn mong muốn được trở về. Vả lại, có thể là từ nhỏ, cháu đã được hấp thụ một nền giáo dục khác hẳn với xứ Tây Phương này, cháu cứ nghĩ rằng, cháu không thể nào quên nguồn quên cội được!
Ông Đức hơi bị chấn động một chút, ông hỏi bằng một giọng thâm trầm:
- Những lời nói của cháu có hàm chứa ý nghĩa gì đặc biệt không?
- Thưa bác, bác đừng nên quá nhạy cảm, cháu biết là bác đã nhập tịch Thụy Sĩ, cháu nghĩ, mỗi người, ai cũng có tự do và suy nghĩ của riêng mình, bác có cái nhìn của bác, cháu không dễ gì hiểu nổi. Có thể, bác nghĩ rằng, ngoài Thụy Sĩ ra, trên thế giới này không có một chỗ nào là đất lành, sự thật thì, theo cái nhìn của cháu, Thụy Sĩ cũng chưa hẳn là đất lành đâu! Cháu đến từ vùng đất Đài Loan, thật sự mà nói, trước khi xuất ngoại, đối với Đài Loan, cháu cũng có một số những bất mãn, nhưng bây giờ? Cháu chỉ có thể nói với bác rằng, cháu nhớ nơi chốn đó, cháu yêu nơi chốn đó, không những yêu những ưu điểm của nó, mà cũng yêu luôn những khuyết điểm của nó! Tại vì, chỉ có ở đó, cháu mới cảm thấy đó là xứ sở của mình!
Ông Đức nhìn chàng trừng trừng, ngồi ở đó bắt đầu thật sự suy nghĩ đến xuất thần.
Lần gặp gỡ đó, không thể nói là rất thuận lợi, nhưng cũng không có gì là không thuận lợi. Đối với Chí Tường, chàng không hề cố tình nói để lấy lòng vợ chồng ông Đức, chàng chỉ biểu hiện đúng y theo con người của chàng. Đối với ông Đức thì sao? Sau hôm đó, Đan Lệ nói với Chí Tường như thế này:
- Anh Tường, những lời nói của anh, báo hại ba mẹ em cãi nhau suốt hết một đêm! Bàn luận suốt hết một đêm!
- Sao vậy?
- Ba nói rằng anh rất ngông, rất ngạo mạn, thế nhưng, những lời anh nói không phải là không có lý. Mẹ nói rằng, anh chỉ biết nói cho kêu, chưa trưởng thành, chính chắn. Ba chủ trương để cho em và anh tự do phát triển, mẹ chủ trương đưa em đi Úc Châu ở tạm một thời gian, để khỏi liên lạc với anh nữa. Ba nói, con gái đã đến lúc yêu, cho dù có đưa nó đến Phi Châu cũng chẳng ích lợi gì, mẹ nói, con gái yêu phải cái thằng nghèo khổ này, thế nào cũng có một ngày bỏ chúng ta mà đi mất biệt. Bà không thấy Phi Châu và Đài Loan có gì khác nhau. Ba nói mẹ có cái nhìn thiển cận, biết đâu chừng thằng nhỏ này sẽ rất có tương lai. Mẹ nói đầu óc ba lú lẩn rồi, để chúng nó tự do như thế chẳng khác nào bỏ mặc cho hạnh phúc suốt đời của con gái! Ba nói...
Nàng thở ra một hơi dài:
- Ui cha ơi, tóm lại là, ba nói thế này, thì mẹ nói thế kia, ba nói thế kia, thì mẹ nói thế này...
Chí Tường không nhịn được, chàng phì cười:
- Kết quả ra sao?
Đan Lệ đưa ngón tay chỉ vào chót mũi chàng:
- Kết quả ấy à, nếu như anh không phải là người tốt, thì là người xấu, nếu như không phải là anh có tương lai, thì là không có tương lai! Nếu như không phải là anh và em có kết quả chung cuộc, thì là không có kết quả...
- Như vậy không phải là nói chuyện huề vốn hay sao?
- Thì bản chất của nó là như thế mà! Những cuộc tranh cải như thế vốn không thể nào có được một kết luận nào cả! Có phải là ông tòa ngồi xử án đâu!...
Nàng ôm lấy cánh tay chàng lúc lắc:
- ... Chúng ta đi ra hồ cho thiên nga ăn đi anh! Chúng ta đi ra ngoài bờ hồ dạo chơi một lát đi anh! Anh xem này, xem em chuẩn bị những thứ gì cho anh đây!
Nàng lấy ra một xấp giấy vẽ trắng và một hộp bút than.
Đôi mắt của Chí Tường sáng rực lên, chàng kêu:
- Ồ! Tiểu Lệ Chi! Em quả thực là một thiên tài!
Đan Lệ nhướng cao đôi chân mày, nói:
- Thụy Sĩ nổi tiếng là vườn hoa thế giới, anh đã đến đây rồi, làm sao mà có thể không vẽ cho được?
Thế là, những ngày tháng tiếp theo sau đó, vẽ hồ, vẽ hoa, vẽ thiên nga, vẽ lâu đài, vẽ núi, vẽ du thuyền, vẽ lầu chuông, vẽ khe suối, vẽ cầu gỗ, vẽ tháp kỷ niệm... thời gian trôi qua theo từng bản vẽ, từng ngày rồi từng ngày.
Khi Chí Tường giật mình cảnh giác rằng những ngày nghĩ hè đã sắp hết, mà "công việc làm" của mình vẫn chưa hề thấy có tăm hơi gì, Đan Lệ lại dùng giọng nói dễ thương, dịu ngọt của nàng, nói với chàng rằng:
- Dù sao thì mùa hè cũng đã sắp hết rồi, anh có tìm được việc làm cũng không còn làm được mấy ngày! Hay là chúng ta lên núi vài hôm đi đã!
- Lên núi?
- Cả một khu gần đây, anh đều đã đi chơi hết rồi, bây giờ chúng ta lên núi, có thể trượt tuyết, có thể ngồi xe treo, từ đầu núi này đi sang đầu núi nọ, bảo đảm là anh sẽ thích thú không thể tả được! Ở trên đỉnh núi nhìn xuống, anh mới thấy hết cái đẹp thực sự của Thụy Sĩ.
Chàng bị những lời nói của nàng làm cho động lòng, thế là, chàng theo nàng lên núi.
Trên núi, họ ở một hơi rất nhiều ngày, nét hùng vĩ của núi, và tuyết, một màn tuyết trắng xóa, mang mang, Chí Tường hoàn toàn bị mê hoặc, hoàn toàn bị đắm chìm. Huống chi, bên cạnh chàng lại có một Đan Lệ, lúc nào cũng kiều diễm, xinh tươi, lời nói luôn luôn dịu dàng, ngọt lịm! Nàng dạy chàng trượt tuyết, khi chàng bị té nhào, mặt mũi dính đầy tuyết trắng, nàng cười vang lên, trời cũng vang vang, đất cũng vang vang, cả một vùng núi tuyết trắng xóa cũng vang vang! Trong những tháng ngày vui vẻ, không nhuốm chút bụi trần gian đó, đôi khi, chàng cũng có nghĩ đến Chí Viễn, nghĩ đến Chí Viễn đang khuân vác từng chiếc trụ gỗ to oằn lưng nơi ca kịch viện, nghĩ đến Chí Viễn đang gánh từng gánh đất đá nặng oằn vai nơi công xưởng... thế nhưng, đôi chân mày chàng chỉ cần nhíu nhẹ lại một chút, là Đan Lệ đã vội vàng để ngay đôi môi mình lên nếp nhăn đó. Thế là, chàng lại quên đi Chí Viễn, quên đi La Mã, hay có thể, cưỡng bách mình "quên" đi những thứ đó!
Những ngày tháng vui chơi và yêu đương cuồng nhiệt, trôi qua một cách dễ dàng, nhanh chóng. Không lâu sau, những chiếc lá trên cây ngô đồng trong công viên Gevena đã ngã sang màu vàng úa, trái ngô đồng rớt đầy trên đất. Chí Tường và Đan Lệ bắt đầu xuống núi, hoan lạc vẫn tràn trề trong trái tim căng đầy nhựa sống của Chí Tường.
Sau đó, vào một buổi tối, khi chàng vừa bước ra khỏi cửa hotel, đang chuẩn bị đến gặp Đan Lệ, chàng hẹn Đan Lệ cùng nhau đi ăn tối ở một quán ăn Thụy Sĩ.
Thế nhưng, mới vừa khoa chân bước ra khỏi cánh cổng to của hotel, chàng đã gặp ngay một người, mặt mũi phong sương, mắt môi tiều tụy, đứng tựa ngay bên chiếc cột trụ đàng trước cửa hotel, mặc chiếc áo khoác màu xám tro, trời đang lất phất rơi từng giọt mưa lí tí, chàng cứ để mặc cho những giọt mưa bám đầy trên đầu, trên áo mình, vai chàng đã bị nước mưa làm cho ướt đẫm. Chàng đứng lặng lẽ ở đó, lặng lẽ nhìn Chí Tường chăm chăm! Đó là Chí Viễn! Tiều tụy, gầy gò, xanh xao và mệt mỏi!
Chí Tường cảm thấy đầu óc mình như bị một trái bom nổ tung lên, xấu hổ, hối hận, đau khổ cùng tràn lên một lượt, chàng đứng ở đó, nhìn Chí Viễn chết trân. Có một lúc thật lâu, cả hai anh em chỉ đứng nhìn nhau như thế, sau đó, Chí Viễn đi đến bên chàng, nhẹ nhàng để tay lên cánh tay chàng.
- Chí Tường, niên học mới đã khai giảng ba hôm rồi! Anh tìm em khổ sở biết mấy, nếu như không có sự giúp đỡ của sứ quán, anh thật sự không biết phải đi đâu tìm em!... Thôi đi nhé! Đã đến lúc em phải theo anh về nhà rồi đây! Phải không?
Đôi mắt chàng nhìn em dịu dàng. Vô cùng dịu dàng, vô cùng bình lặng.
Chí Tường cắn chặt răng, trong khoảnh khắc đó, chàng cảm thấy xấu hổ đến muốn độn thổ. Không nói một tiếng nào, chàng lặng lẽ theo Chí Viễn đi ngay.
Trên chuyến xe lửa đi về La Mã, chàng gửi cho Đan Lệ một tấm postcard đơn giản, trên đó chỉ có vài hàng chữ vắn tắt:
"Đan Lệ:
"Anh đi rồi!
"Giữa anh Hai và em, rút cuộc rồi anh cũng đã chọn anh Hai! Tại vì, anh ấy đại diện cho chân lý và tình cảm thắm thiết của gia đình, anh đã may mắn biết mấy có được anh Hai, em đã bất hạnh biết mấy khi gặp phải anh!
"Đừng nên đến La Mã tìm anh nữa, dù sao đi nữa, chúng ta cũng thuộc về hai thế giới quá khác biệt, quá xa xôi! Hãy đi Úc! Hay đi Phi Châu vậy! Chúc lành cho em! Tiểu Lệ Chi!
"Chí Tường"
Thế là, Chí Tường trở lại những ngày tháng học trò, lại làm bạn với giấy vẽ, bút than, cọ lông, màu nước, dao khắc, đục đẽo mỗi ngày, chàng cố ý làm cho sinh hoạt mình bận rộn tối đa, chàng chọn học thật nhiều tín chỉ, chương trình học vốn phải hai năm mới hoàn tất, chàng tập trung vào học hết trong một năm. Chỉ có sự bận rộn, mới có thể làm cho chàng quên đi Đan Lệ, chỉ có họa và điêu khắc, mới có thể làm cho chàng tạm quên đi nỗi đau ngấm ngầm đang bị chôn sâu trong tận cùng sâu thẳm của trái tim. Thế nhưng, cho dù là như thế, chàng vẫn gầy sụt đi, tiều tụy đi, trên gương mặt chàng, cũng biến mất đi nụ cười và nét sáng rực rỡ của những ngày tháng cũ.
Vào những đêm khuya, Chí Viễn thường hay bị tiếng cựa mình trăn trở của chàng làm cho giật mình tỉnh giấc, mở mắt ra, Chí Viễn nghe tiếng chàng ú ớ trong mơ. Thế là, Chí Viễn ngồi dậy, đốt một điếu thuốc, những ngày tháng sau này, Chí Viễn thường hay bị những trận đau bao tử làm cho cảm thấy khó chịu, buổi tối cũng rất khó ngủ say. Chàng ngồi đó, hút thuốc, nhìn thằng em trai trong giấc ngủ buổi khuya, dưới ánh đèn yếu ớt hắt vào từ cửa sổ, gương mặt ngủ không yên giấc của Chí Tường hằn rõ nét khổ đau, cô độc, những thứ đó làm cho Chí Viễn cảm thấy đau đớn từng sợi thần kinh, làm cho chàng ngồi suy nghĩ đến xuất thần. Chàng đã có được Ức Hoa, chàng phải làm gì để bù đắp lại khoảng trống tâm linh của Chí Tường đây? Những ý nghĩ đó, làm cho những cảm giác hối hận chất chứa trong chàng lại tràn lên, dày vò chàng, dằn vặt chàng, dày vò, dằn vặt đến độ chàng cảm thấy bao tử mình lại đau quặn cả lên.
Những khoảng thời gian khó ngủ trở lại như thế, chàng lại ngồi ở đó, đốt hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác, mùi thuốc lá tỏa đầy căn phòng nhỏ, cuối cùng, làm cho Chí Tường tỉnh giấc.
Chí Tường ngồi bật dậy, đưa tay mở đèn lên, kinh ngạc và lo lắng nhìn anh:
- Anh Hai, bao tử anh lại đau nữa rồi à?
Chàng vội vàng nói:
- Không! Không! Anh nghe em đang nằm mơ nói gì đó!
- Thế à?...
Chí Tường ngả đầu trở xuống gối, ngửa mặt lên trần, chéo những ngón tay vào nhau, gối phía dưới đầu, chàng trầm tư nhìn lên trần nhà:
- ... Đúng vậy, em đang nằm mơ.
- Mơ thấy những gì?
Chàng do dự:
- Mơ thấy... mơ thấy rất nhiều, rất nhiều người, rất nhiều rất nhiều việc, những hình ảnh trong giấc mơ cứ chồng chất lên nhau, quyện lấy nhau. Mơ thấy ba, thấy mẹ, mơ thấy những ngày tháng khi chúng ta còn bé, mơ thấy bác Cao và Ức Hoa, mơ thấy giáo sư của em và điêu khắc, mơ thấy...
Giọng nói của chàng nhỏ hẳn đi, nuốt hẳn trở vào, trước mắt chàng hiện lên đôi mắt của Đan Lệ, nồng nàn, phẫn uất, giận dữ và cuồng nhiệt nhìn chàng, chàng nhắm nghiền mắt lại.
Chí Viễn hút vào một hơi thuốc thật dài, lặng lẽ đưa mắt nhìn chàng.
- Nghe nói, giáo sư của em đem bức tượng đồng "Thiếu nữ và ngựa", gửi đi tham gia vào cuộc triển lãm mùa thu năm nay phải không?
Chí Tường hơi rúng động một chút:
- LÀm sao anh biết được vậy?
Chí Viễn cười nói:
- Chuyện của em, làm sao mà anh không biết được? Sao em lại dấu anh thế? Muốn đợi đến khi đoạt giải, rồi mới cho anh biết để ngạc nhiên chăng?
Chí Tường nói một cách thẳng thắn:
- Không, không phải vậy đâu! Em sợ là không đoạt được giải, sẽ làm cho anh thất vọng, nên không dám nói đó thôi!
Chí Viễn nói bằng một giọng sôi nổi:
- Em không nên không có lòng tự tin như thế chứ! Chí Tường! Tác phẩm điêu khắc đó của em vừa sống động, vừa tự nhiên, anh tin là nó sẽ đoạt giải!
Chí Tường cười, nụ cười mang đầy nét lo lắng:
- Thấy chưa! Anh đã bắt đầu ôm lấy hy vọng rồi đấy! Anh có biết ông giáo sư của em nói gì không? Ông ấy nói, với tác phẩm của một người Đông Phương, có được tư cách để tham gia vào cuộc triển lãm này, là đã không tệ lắm rồi! Những lời nói đó có ý là, em đừng nên ôm thêm một hy vọng nào khác!
- Thế nhưng, em vẫn ôm lấy hy vọng, phải không?
Chí Tường trầm ngâm giây lát:
- Đời sống con người, không phải dựa vào hai chữ "hy vọng" để mà sống hay sao?...
Giọng chàng thật nhỏ:
- .. Nếu như em nói em không hề ôm một hy vọng gì hết, há chẳng phải là giả dối lắm sao?... Anh Hai, cho em một điếu thuốc với!
Chàng đưa tay về phía Chí Viễn. Chí Viễn nắm lấy bàn tay chàng:
- Không, anh không cho em hút thuốc đâu! Thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em! Chí Tường!... Anh biết là em đang buồn phiền dữ lắm! Anh biết là em đang có tâm sự thật nhiều! Anh biết là em không vui vẻ gì hết! Nói cho anh biết, anh phải làm thế nào để giúp em?
Giọng chàng thâm trầm, nồng nhiệt. Chí Tường nói một cách áo não:
- Ồ! Không có gì đâu! Có thể là tại vì cuộc triển lãm mùa Thu năm nay đấy thôi!
Chí Viễn siết tay chàng một cái thật chặt:
- Đừng lo! Thế nào em cũng đoạt giải!... Em có bàn tay của một nghệ sĩ! Bàn tay tiêu chuẩn của một nghệ thuật gia! Thế nào em cũng đoạt giải!
Chàng săm soi bàn tay của Chí Tường. Chí Tường rút bàn tay mình lại.
- Anh Hai! Anh còn ngố hơn em nữa, em nhắm mắt lại mà nằm mơ, còn anh, anh mở mắt ra mà nằm mơ!...
Chàng vói tay tắt đèn:
- ... Ngủ đi anh! Được không? Mỗi lần anh ngủ không đủ, bệnh đau bao tử lại phát đấy! Biết không cho em hút thuốc, tại sao lại không tự ngăn mình vậy? Ngó bộ, em phải để cho Ức Hoa trị anh mới được!
Ức Hoa! Trong lòng Chí Viễn lại dâng lên một niềm hối hận. Chàng nói một cách dè dặt:
- Chí Tường! Không phải em vì chuyện Ức Hoa mà...
Chí Tường ngắt lời chàng:
- Anh Hai! Ngày đầu tiên em đến La Mã, em đã biết ngay là trong lòng Ức Hoa chỉ có một mình anh! Đừng nói chuyện nữa! Chúng ta ngủ đi thôi!
Chí Viễn không nói gì nữa, trong bóng đêm, chàng nghe tiếng thở lên xuống không đều của Chí Tường, biết rằng Chí Tường cũng ngủ không được. Thằng nhỏ có tâm sự, Chí Viễn biết rõ, tuyệt đối không phải chỉ vì cuộc triển lãm mùa Thu năm nay mà thôi! Như vậy, là vì cái con bé không Đông, không Tây đó chứ gì! Chàng lắc lắc đầu, bắt buộc mình không nghĩ gì đến cô gái đó nữa! Không sao đâu, chỉ cần Chí Tường đoạt giải! Cái "giải" đó chắc chắn sẽ trị được đủ thứ bệnh tật khổ đau! Chỉ cần Chí Tường đoạt được giải! Chàng bắt đầu cảm thấy hăng hái hẳn lên, nghĩ đến tác phẩm "Thiếu nữ và ngựa". Tác phẩm điêu khắc đó, vừa đẹp vừa sống động, đó là một kiệt tác nghệ thuật, chỉ cần các nhà phê bình có chút con mắt nghệ thuật, nhất định là nó sẽ đoạt giải, như vậy, Chí Tường sẽ là người Trung Hoa đầu tiên đoạt giải trong giới nghệ thuật! Nhắm mắt lại, chàng ngủ thiếp đi, đêm đó, chàng cũng nằm mơ, trong giấc mơ của chàng, giải thưởng bay đầy trời, huy chương, giấy khen, cờ gấm và cúp bạc!
Tháng mười một, tin tức đưa về, Chí Tường bị lọt sổ! Tác phẩm đó chẳng những không đoạt được giải, mà không có cả tư cách được "tuyển chọn" tranh giải, nó chẳng những lọt sổ, mà còn lọt sổ một cách thật thê thảm! Không có một ai nhắc đến nó, không có một ai coi trọng nó. Khi ông giáo sư đưa lại tác phẩm "Thiếu nữ và ngựa" cho Chí Tường, ông chỉ nói vắn tắt một câu:
- Đừng nản lòng! Hãy tiếp tục cố gắng! Giải thưởng không tiêu biểu được gì cả!
Không tiêu biểu được gì sao? Đối với Chí Tường mà nói, đó lại là tiêu biểu cho sự "thất bại". Ngồi trong căn phòng nhỏ, chàng mở gói thuốc lá của Chí Viễn, đốt lên một điếu, ngồi ở đó buồn bực thở mây, nhả khói. Chí Viễn nóng nảy đi tới đi lui khắp cả phòng. Mắng cả cuộc triển lãm, mắng ban giám khảo, mắng các bình luận gia nghệ thuật, mắng báo chí... mắng nguyên cả một thành phố La Mã "kỳ thị chủng tộc"! Cuối cùng, chàng để tay mình đè thật nặng lên vai Chí Tường:
- Đàn ông con trai, nam nhi chi chí, có thể co, có thể dãn! Một chút thất bại nho nhỏ như thế chẳng lẽ đã đánh ngã em được rồi sao? Hãy đứng dậy! Tiếp tục vẽ! Tiếp tục khắc! Tiếp tục đem tác phẩm của mình ra cho họ xem! Chí Tường, em có thiên tài, em có khả năng, em có sự đam mê! Em sẽ thành công! Nhất định là em sẽ thành công! Đừng nên tỏ ra ủ rủ như thế! Đừng nên để cho một cuộc triển lãm mùa Thu làm cho hùng tâm tráng chí của em bị hủy diệt đi như thế! Anh nói cho em nghe, triển lãm mùa Thu không được giải, em lại tham dự vào giải mùa Đông, mùa Đông không được, em lại tham gia vào mùa Xuân, mùa Xuân không đuược, em lại tham gia vào mùa Hè! Em cứ tiếp tục tham gia, tiếp tục vẽ, tiếp tục điêu khắc! Thế nào cũng có một ngày, em sẽ được coi trọng! Hãy hăng hái lên! Vui vẻ lên! Chí Tường!
Chí Tường vùi đầu mình vào hai lòng bàn tay, những ngón tay của chàng lùa vào trong mái tóc rối tung.
Một lúc thật lâu sau, chàng mới ngẩng đầu lên, gương mặt chàng tiều tụy đến độ làm cho người nhìn cảm thấy đau lòng, chàng nói bằng một giọng trầm lặng, đều đều:
- Anh Hai! Anh đừng nên mắng giới nghệ thuật ở La Mã, hôm nay em đã đi xem những tác phẩm đoạt giải và được tuyển chọn, tất cả những tác phẩm đó quả thật là không tầm thường! Em đau khổ, không phải là vì không đoạt được giải, mà là vì chính bản thân tác phẩm của em, tác phẩm của em còn cách họ quá xa, quá xa. Tác phẩm của em, chỉ được vẻ đẹp bề ngoài, chỉ được những nét khắc công phu, tỉ mỉ. Em đã tìm ra được khuyết điểm của mình từ lâu, những tác phẩm của em thiếu mất cái "hồn" trong đó, không có sự biểu hiện của cái "lực" trong đó! Thế nhưng em, em lại không biết làm sao mới có thể đem tất cả những cái thiếu sót đó để vào trong tác phẩm của mình! Đó chính là nỗi bi ai to lớn nhất của em!
Chí Viễn nhìn chăm chăm vào Chí Tường, thật sâu, thật sâu:
- Chí Tường, thời gian còn nhiều lắm! Em mới đến La Mã có hơn một năm, em muốn được như thế nào? Không có một nghệ thuật gia nào không phải trả giá cho sự thành công của họ! Nếu như em biết được khuuyết điểm của mình ở đâu, đó chính là sự thành công của em rồi vậy!
Chí Tường ngẩng đầu lên nhìn Chí Viễn, ánh mắt chàng thành khẩn, giọng nói chàng thiết tha:
- Anh Hai, trước khi thanh quản của anh bị hư, anh đã có từng nghi ngờ giá trị của mình không? Ý em muốn nói là, từ nhỏ, chúng ta đã được khen tặng là những đứa trẻ ưu tú, được mọi người xưng tụng là thiên tài, đến khi anh thực sự nhìn thấy thế giới bên ngoài này, nhìn thấy được bao nhiêu là những nhân vật thành công vượt bực kia, anh có cảm thấy là mình quá nhỏ bé chăng?
Chí Viễn đón lấy ánh mắt của Chí Tường, yên lặng không nói, chàng trầm ngâm, suy nghĩ. Một lúc thật lâu, chàng mới đi đến bên Chí Tường, ngồi xuống đối diện với chàng, từ tốn, chậm rãi và rõ ràng, chàng cất tiếng nói:
- Anh hiểu rất rõ cảm giác của em. Ngoài trời còn có trời, người giỏi còn có người giỏi hơn! Bây giờ chúng ta không còn phải là những đứa trẻ ở trung học đi thi đoạt giải của trường nữa, chúng ta phải mở to mắt ra nhìn người khác, và nhìn cả chính mình, càng nhìn càng cảm thấy sợ hãi. Anh hiểu, Chí Tường. Em hỏi anh có từng nghi ngờ giá trị của chính mình, vâng, anh cũng đã từng nghi ngờ. Thế nhưng, Chí Tường, nghi ngờ không có nghĩa là phủ định, em có thể nghi ngờ mình, nhưng em không thể tự phủ định mình! "Nghi ngờ" còn có cơ hội để đi tìm câu giải đáp, "phủ định" là chối bỏ mình, lật đổ mình! Chí Tường, em có thể cố gắng đi tìm câu giải đáp, thế nhưng, đừng nên bao giờ phủ định!
Chí Tường nhìn Chí Viễn, ánh mắt chàng từ từ dâng lên một ánh sáng huyền hoặc, lóng lánh. Sau đó, chàng nói bằng một giọng cảm xúc, tôn sùng:
- Anh Hai! Anh đã từng làm em cảm động, làm em rơi lệ, làm em kính phục, thế nhưng chưa có giây phút nào, anh làm cho em cảm thấy an ủi như bây giờ!
Chí Viễn cười lên, ánh mắt chàng ươn ướt, không nói thêm một tiếng nào, mà chỉ để bàn tay mình lên vai Chí Tường nắm lại, khích lệ, cổ võ, hiểu biết, cái nắm vai thật chặt, thật mạnh mẽ.
xxxxxxx
Chí Tường lại vùi đầu vào công việc điêu khắc của mình, Chí Viễn lại vùi đầu vào công việc khuân vác của mình. Ngoài mặt, mọi việc đã trở lại bình thường, phẳng lặng, thế nhưng, Chí Viễn lại thể nghiệm được một điều rất sâu xa, Chí Tường đang mắc phải chứng bệnh ưu phiền thật trầm trọng, mà chứng bệnh này, chàng hoặc Ức Hoa, hoặc ông Cao, không một ai có thể trị liệu được, thậm chí, cả hoạt họa và điêu khắc, cũng không thể nào trị liệu được cho Chí Tường.
Sau đó, có một buổi hoàng hôn, Chí Viễn vừa từ công xưởng tan sở trở về nhà, trong lòng chàng vẫn còn đang nghĩ về Chí Tường, dừng chiếc xe cũ nát của mình trước cửa, chàng chui ra khỏi xe, móc túi lấy ra xâu chìa khóa, leo lên mấy bực thang gỗ kêu kẻo kẹt lên phòng mình, lập tức, chàng ngớ người ra.
Có một thiếu nữ thân hình nhỏ nhắn, đang ngồi trước cửa phòng chàng, hai tay ôm gối, nàng ngồi đó, không nhúc nhích, không động đậy, mái tóc ngắn, chiếc mũi nho nhỏ, xinh xinh, đôi môi mỏng mỏng - giống tác phẩm điêu khắc của Chí Tường, nàng mặc chiếc áo sơ mi nhung màu táo đỏ, chiếc váy đầm cùng màu, bên ngoài khoác chiếc áo lá nhỏ màu trắng tinh, trên vai khoác chiếc áo choàng màu trắng, thật xuất sắc, thật mỹ miều! Chí Viễn hơi sựng người lại, đứng ở đó, trong lòng chàng đã mơ hồ hiểu được, ở La Mã, không dễ dàng gì gặp được con gái Đông Phương!
Nàng con gái đó đã từ từ ngẩng đầu lên, nàng vẫn ngồi bất động ở đó, thế nhưng, ánh mắt nàng nhìn trừng trừng vào Chí Viễn không chớp. Chí Viễn bất giác cảm thấy lòng mình rúng động, nàng con gái này, gương mặt trắng mịn, mắt sáng mày thanh, trên gương mặt nàng, không có một chút son phấn, và cũng không có một chút sắc máu, hình như nàng đang bị bệnh, sắc mặt nàng trắng nhợt như thể đang bị bệnh, thế nhưng, ánh mắt của nàng nhìn chàng, lại sắc nhọn như một lưỡi dao, lóng lánh sắc lạnh căm, nhìn chàng trừng trừng.
- Anh chính là Trần Chí Viễn, phải không?
Nàng cất tiếng hỏi, giọng nàng lạnh như băng, gương mặt không một chút biểu lộ tình cảm.
Chàng cũng nhìn trả lại nàng trừng trừng, trả lời:
- Đúng vậy, chắc hẳn, cô là Châu Đan Lệ! Cô đến đây tìm tôi? Hay là đến để tìm Chí Tường?
- Tôi đến tìm anh.
Chàng hơi ngớ ra, đút chìa khóa vào mở cửa:
- Tìm tôi?... Vào đây nói chuyện một chút đi, được không?
Đan Lệ từ từ, chậm chạp đứng dậy, từ từ, chậm chạp đi vào nhà, nàng đứng ngay giữa nhà, chiếc áo khoác trên vai rớt xuống sàn nhà, thế nhưng nàng không chú ý đến, mà chỉ đứng ở đó như một bức tượng hóa thạch. Chí Viễn cúi người xuống nhặt chiếc áo lên, để trên chiếc ghế salon, trong lòng hơi có chút hoang mang, lo lắng, chàng chưa bao giờ biết cách ứng phó với đàn bà con gái. Nhất là, người con gái này! Thần sắc cô ta trông thật kỳ dị, sắc mặt cô ta lại rất nghiêm nghị.
Chàng hỏi:
- Cô uống gì? Café?
- Miễn đi! Tôi chỉ nói vài câu, nói xong là đi ngay!
Nàng trả lời ngắn gọn, ánh mắt nhìn chàng vẫn chứa đầy nét sắc lạnh như băng.
Chàng bất giác đứng dừng lại, nhìn trừng trừng vào nàng.
Nàng lại bắt đầu cất tiếng nói, thanh âm như thoát ra từ một dòng suối sâu đổ ra từ nơi thâm sơn cùng cốc: trong trẻo, thanh thoát, nhưng cũng lạnh lẽo, giá băng:
- Tôi không bao giờ nghĩ rằng, có một ngày tôi sẽ phải đến tìm anh... Tôi là một kẻ chiến bại, lẽ ra không có tư cách để đứng ở đây nói chuyện với một người chiến thắng vĩ đại như anh! Thế nhưng, tôi không hiểu tại sao mình lại bị bại?...
Nàng hơi dừng lại một chút:
- ... Tôi đến đây, chỉ để hỏi anh một câu, ai đã cho anh cái quyền uy quá to lớn, để cho anh làm một tên đồ tể thế kia!
Chàng ngớ người ra:
- Đồ tể?
Đan Lệ tiếp lời chàng, giọng nói lạnh băng đã trở sang thành sầu khổ, tuyệt vọng:
- Đúng vậy, đồ tể!... Ai đã cho anh cái quyền, để cho anh chặt đứt đi tình yêu giữa tôi và Chí Tường? Chẳng lẽ anh là một động vật có máu lạnh không tim, không gan, không phổi? Chẳng lẽ anh chưa bao giờ biết tình yêu là gì? Trần Chí Viễn...
Nàng gật gật đầu:
- ... Rồi có một ngày, anh cũng sẽ biết yêu, anh cũng sẽ gặp được một con gái bằng lòng sống cho anh, bằng lòng chết vì anh. Hy vọng rằng, khi anh gặp được người con gái đó, cũng sẽ có một tên đồ tể khác xuất hiện, đẩy người con gái đó ra khỏi vòng tay của anh...
Nàng hơi hất hất đầu lên, cố gắng kềm chế những giọt nước mắt. Một lọn tóc ngắn rơi trước trán nàng, phập phồng lên xuống một cách thật tội nghiệp. Nàng nhướng cao đôi mi cong, tiếp tục hỏi:
- Anh là một người tàn nhẫn đến như thế sao? Tôi không hiểu, anh chỉ là anh Hai của anh ấy, tại sao anh lại không thể cùng sống chung hòa bình với tôi? Chúng ta nhất định phải giao chiến với nhau sao? Tôi đã làm gì trở ngại cho anh?
Chàng hít vào một hơi dài, những câu chất vấn mang đầy nét thống khổ của nàng làm cho chàng cảm thấy bối rối. Chàng trả lời bằng một giọng chống chế:
- Không phải cô là trở ngại gì cho tôi, mà là trở ngại cho Chí Tường! Nếu như cô yêu nó như thế, cô không nên để cho nó bỏ học! Không nên để cho nó chìm đắm trong sự hưởng thụ, hoan lạc quá mức! Một người vợ hiền, hoặc một người yêu tốt, đều có trách nhiệm là phải khuyến khích người chồng, người yêu của mình phấn đấu, hướng thượng! Nhất là ở trường hợp của nó! Nó đến Âu Châu để đi học, chứ không phải đến để du lịch!
Nàng nhìn chàng trân trối, cái thần sắc bướng bỉnh, ngang ngạnh trong đáy mắt nàng dần dần mất đi, nét sầu khổ, ủ rủ lại càng lúc càng nặng nề hơn, nàng dùng răng cắn chặt lấy đôi môi, cắn đến thật chặt, thật chặt, một lúc sau, nàng mới cất tiếng nói, đôi môi nàng in hằn dấu răng thật sâu.
Nàng hỏi:
- Đó là nguyên nhân đấy à?... Anh có thể nói cho tôi biết, anh có thể dạy tôi, từ nhỏ đến lớn, tôi sống trong một môi trường, hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt, đối với hai chữ "phấn đấu", tôi gần như hiểu biết rất ít. Có thể tôi là một người rất vô tri, rất ấu trĩ, thế nhưng... thế nhưng...
Đôi môi nàng run rẩy, nước mắt cuối cùng cũng đã trào ra từ đôi mắt to xinh đẹp, nàng kêu lên:
- ... Tình yêu của tôi chân thật một trăm phần trăm! Tôi vui vì niềm vui của anh ấy! Tôi buồn vì nỗi buồn của anh ấy! Nếu như tôi không biết làm thế nào để khích lệ anh ấy, anh có thể dạy tôi, tại sao nhất định phải đẩy tôi vào địa ngục? Chẳng lẽ tôi vào địa ngục rồi, anh ấy sẽ có thể yên tâm mà phấn đấu hay sao?
Nàng lại hất đầu lên, quay người lại, nàng xông ra phía ngoài cửa, Chí Viễn đuổi theo, chụp tay nàng lại:
- Cô định đi đâu thế?
- Đi tự tử!
Chàng hoảng hốt chặn ngay trước mặt nàng, giọng chàng thô lỗ:
- Cô không được đi!
Nàng kêu lên phẫn nộ, giận dữ:
- Tại sao tôi lại không được đi? Anh là anh của anh ấy, anh có thể cản trở anh ấy! Anh có phải là anh của tôi đâu!
Chàng nhìn nàng thật sâu, giọng chàng trầm xuống:
- Thật không?... Sớm muộn gì cũng có một ngày, cô cũng sẽ phải gọi tôi bằng anh mà thôi, phải không?
Nàng há mồm cứng lưỡi, ngạc nhiên nhìn chàng không chớp, nước mắt vẫn còn vương nhẹ trên rèm mi, thế nhưng, gương mặt nàng đã bắt đầu phát ra những vần sáng long lanh, vui sướng. Chàng nhìn nàng, gật gật đầu, nói như tâm sự:
- Tôi luôn luôn khích lệ, cổ võ nó hướng thượng, vươn lên, thế nhưng, tôi không thể nào trị được chứng bệnh ưu phiền của nó. Đan Lệ, cô có muốn giúp tôi một tay trong chuyện này không?
Nàng phát ra một tiếng kêu vui buồn lẫn lộn thật thấp, thật nhỏ, quay đầu lại thật nhanh, lưng hướng về phía Chí Viễn, cả khuôn mặt nàng vùi sâu vào hai lòng bàn tay trắng muốt, run rẩy không ngừng.
Thế là, hôm đó, khi Chí Tường tan học về đến nhà, chàng nhìn thấy ngay Chí Viễn đang đứng trước cửa nhà đợi mình:
- Anh có một món quà tặng cho em, Chí Tường!
Chàng nhìn anh, hồ nghi:
- Món quà?
Chí Viễn nhẹ nhàng đẩy cánh cửa ra he hé, chàng nhìn vào trong, một nàng con gái đang đứng quay lưng ra cửa, nàng từ từ quay đầu lại, e ấp, thẹn thùng, đôi mi cong vút như cười như khóc, ngước nhìn ra...
- Tiểu Lệ Chi!
Chàng kêu lên một tiếng thật to, xông vào phòng như một cơn lốc.
Chí Viễn đưa tay kéo sập cánh cửa lại, chàng nghe trong phòng phát ra một loạt tiếng kêu như cười, như khóc. Chàng nhẹ nhàng nhảy từng bước chân xuống những bậc thang kêu kèn kẹt, tròng mắt chàng cay nóng, cổ họng ngứa ngáy, trái tim chàng vang lên một điệu nhạc. Chàng quyết định xin nghỉ làm một đêm, chàng phải đi tìm Ức Hoa, cùng nàng thưởng thức buổi hoàng hôn đầu tiên của La Mã.
Sinh hoạt lại đi vào quỹ đạo. Đan Lệ dọn trở về khu chung cư nữ sinh, dĩ nhiên, hai vợ chồng ông Đức lại từ Gevena bay sang La Mã một lần nữa, lần này, cả hai người không những gặp Đan Lệ, mà còn gặp luôn cả Chí Tường. Ông Đức biết rất rõ rằng, con gái mình đã bị tình yêu làm cho mù quáng, không còn cách gì cứu gỡ được nữa, ông đành phải trịnh trọng gửi gấm nàng cho Chí Tường:
- Chí Tường, cho dù thế nào đi nữa, cháu cũng không phải là chàng rể mà bác chọn! Bác không biết phải nói với cháu như thế nào, Đan Lệ là một đứa trẻ được nuông chìu từ tấm bé, không hề biết trời cao đất dày, cũng không hề biết đến khổ sầu của nhân gian. Đúng ra, bác đưa nó từ HongKong sang Thụy Sĩ, là muốn cho nó thoát khỏi chốn đau khổ, không ngờ, nó lại gặp phải cháu!
Chí Tường hỏi:
- Cháu là đại diện cho sự đau khổ hay sao?
Ông Đức trả lời:
- Bác không biết cháu có phải hay không? Bác chỉ biết một điều là, từ khi Đan Lệ quen biết cháu, nó gần như làm bạn với nước mắt mỗi ngày. Ngày trước, nó chỉ biết cười, bây giờ, cháu tự mình nhìn nó đi!
Chí Tường nhìn Đan Lệ, đúng vậy, nàng đã thay đổi! Nàng không còn là cô gái nhỏ vui vẻ, phóng khoáng, cười nói huyên thiên, bất cần đời ở bảo tàng viện Borghese ngày trước nữa. Nàng gầy sụt đi, tiều tụy đi, xanh xao và mệt mỏi, chàng cảm trái tim mình đau đớn như bị ai bóp chặt lại, gương mặt chàng bất giác biến sắc.
- Thưa bác, có thể cháu là đại diện cho sự đau khổ. Cháu không giống như bác, trên lưng cháu lúc nào cũng gánh một cột trụ to...
Chàng nghĩ đến chiếc cột trụ to tướng oằn nặng trên vai Chí Viễn, cảm thấy rằng ông Đức tuyệt đối không thể nào hiểu được thí dụ này. Chàng hơi dừng lại, đổi đi cách nói:
- ... Cho dù cháu có là đại diện cho sự đau khổ hay không, xin bác tin ở cháu, cháu không hề bao giờ muốn đem sự đau khổ đến cho người khác, nhất là Đan Lệ! Nếu như Đan Lệ vì cháu mà gặp phải sự bất hạnh...
Đan Lệ nãy giờ vẫn theo dõi những câu nói của ông Đức và Chí Tường, lúc này, nàng nhào đến, đứng chắn giữa hai người, gương mặt nàng mang đầy nét hoảng hốt, sợ hãi, đôi mắt nàng mở to ra, nhìn vào ông Đức bằng ánh mắt cầu khẩn, căng thẳng, nàng nói thật to tiếng:
- Ba! Ba nói ít đi vài câu dùm con, được không? Con nói cho ba nghe, nếu như Chí Tường là đại diện cho sự khổ đau, thì xa rời anh ấy là sự tuyệt vọng. Ba!...
Giọng nàng nhỏ xuống, thấp hẳn đi, như cầu khẩn, như van lơn:
- Ba hãy để yên cho tụi con đi mà! Khổ đau cũng được, hoan lạc cũng cam, tất cả đều là do tự con tìm lấy! Con không oán trách một ai cả! Ba! Ba làm ơn dùm con đi, con không dễ gì mới thuyết phục được anh Hai của anh ấy...
Ông Đức vừa kinh ngạc, vừa giận dữ:
- Con còn phải thuyết phục cả anh Hai của hắn nữa à! Ba xem, hắn ta đúng là một nhân vật quan trọng của thế giới đây mà!...
Đẩy con gái sang một bên, ông thật sự bị chọc giận, trừng mắt nhìn Chí Tường, ông gằn giọng hỏi:
- ... Cậu có thể bảo đảm là con gái tôi sẽ hạnh phúc hay không?
Chí Tường cũng nhìn thẳng vào ông Đức, trả lời ngắn gọn:
- Dạ không! Cháu chỉ có thể bảo đảm là cháu yêu nàng! Hạnh phúc hay không, nàng phải tự mình cảm nhận lấy!
Ông Đức giận đến đỏ mặt:
- Yêu? Người nào cũng biết nói chữ yêu! Yêu! Chỉ là một chữ trống rỗng, ngoài yêu ra, cậu còn có thể cho nó gì khác nữa?
- Con người của cháu!
- Con người của cậu hay lắm sao?
- Con người của cháu đối với bác, đối với thế giới này, có thể không có gì hay ho, cháu chỉ là một chiếc lá giữa dòng, như trăm ngàn chiếc lá khác. Thế nhưng, đối với cháu hoặc với Đan Lệ, có thể, đó là toàn bộ!... Ngoài ra, cháu còn có một thứ khác có thể cho nàng, thế nhưng, chưa chắc gì bác đã coi trọng thứ đó!
Chàng nhìn ông Đức chằm chằm. Ông Đức hỏi:
- Thứ gì?
- Quốc tịch của cháu!
Ông Đức đột nhiên cảm thấy mình bị đánh ngã quỵ, bị chàng trẻ tuổi, miệng còn hôi sửa này đánh ngã nhào! Chàng trai trẻ này chỉ dùng có mấy chữ, đã đánh trúng ngay nhược điểm của ông. Ông cứ đứng đó, trừng mắt lên, không biết nói gì cho phải. Đan Lệ đã lẹ làng nhào tới, ôm choàng lấy cổ cha, nàng để gương mặt mịn màng của mình, áp sát vào gương mặt của cha, nói bằng một giọng thân mật, dễ thương, dịu dàng, nũng nịu với ông rằng:
- Thôi mà ba, ba đừng giận mà! Cái tính của Chí Tường là như thế đó, nói chuyện lúc nào cũng chỏi người ta như vậy! Thôi đi ba, ba đừng nói nữa mà! Ba chọc cho anh ấy nổi sùng lên, anh ấy sẽ càng nói càng nổi nóng đấy! Thôi nhé ba, coi như con không phải, con xin lỗi ba vậy!
Trời ạ! Nói như vậy là thế nào? Hắn ta còn bị chọc cho "nổi sùng" lên nữa chứ! Lại còn "nổi nóng" nữa chứ! Ông Đức vừa giận dữ, vừa buồn cười, lại vừa có cảm giác chẳng đặng đừng. Nhìn vào gương mặt nửa như cuống quýt, nửa như van lơn, nửa như nũng nịu của Đan Lệ, ông biết rằng mọi chuyện coi như đã xong! Trái tim của con gái đã bị chàng trẻ tuổi này "Chụp bắt" mất tiêu rồi, làm cha mẹ có thể làm gì khác hơn được. Vả lại, khi ông đối diện với gương mặt bất khuất, tự hào của Chí Tường, sự tán thưởng và ưa thích của ông đối với chàng trai trẻ này lại tràn lan như nước vỡ bờ trong tận cùng trái tim. Cuối cùng, ông thở ra một hơi dài, đẩy nhẹ Đan Lệ vào vòng tay Chí Tường, ông nói:
- Thôi được! Chí Tường! Con đường của hai đứa còn dài lắm! Hy vọng là tình yêu của cháu và Đan Lệ, chịu đựng được sự thử thách của thời gian!...
Ông nhìn về phía con gái:
- ... Đan Lệ! Hãy nhớ, nếu như có bị ức hiếp, nhà, bao giờ cũng mở rộng vòng tay ra đón con trở về đấy nhé!
Và như thế, Đan Lệ ở lại La Mã.
Những ngày tháng tiếp theo sau đó, về phương diện tình cảm, cả hai anh em đều đã có chỗ nương tựa, cả hai đều có người yêu. Về phương diện sinh hoạt, thì lại gian khổ không thể tả.
Bài vở của Chí Tường càng lúc càng nặng nề, mỗi ngày chàng đều bận rộn đến nửa đêm, điêu khắc, hội họa, lý luận nghệ thuật... chàng gấp rút muốn học cho xong tất cả các tín chỉ, lấy cho được văn bằng tốt nghiệp trước khi mùa hè tới. Chí Viễn thì bận rộn đi làm, chàng có sự suy nghĩ của riêng mình, Chí Tường tốt nghiệp, cũng chưa thể xem là "thành công", cũng không thể kể là đã "hoàn tất việc học", chàng hy vọng Chí Tường có thể tiến thêm một bước, bằng cách học chuyên ngành về điêu khắc, La Mã có rất nhiều điêu khắc gia nổi tiếng, họ đều có thu nhận đệ tử. Nếu như Chí Tường có được một danh sư chỉ giáo, chưa biết chừng nó sẽ có thành tựu rất lớn! Thế là, chàng càng lúc càng làm việc cật lực hơn! Sau tháng ba, mùa của ca kịch viện kết thúc, chàng bèn làm việc ở công xưởng từ sáng cho đến tối, từ tám giờ sáng làm cho đến sáu giờ chiều! Chí Tường bị sự làm việc "cật lực" đó của chàng làm cho nổi nóng, chàng kêu lên:
- Anh Hai! Anh mà còn làm việc "lấy chết" như vậy nữa, bắt đầu ngày mai, em sẽ nghĩ học! Lúc gần đây, sắc mặt của anh càng lúc càng vàng hoạch ra, bệnh đau bao tử cũng không trị, bệnh ho cũng không trị, vừa hút thuốc, lại vừa uống rượu, anh cứ như thế, lỡ ngã bệnh nằm xuống thì làm sao? Em nói cho anh nghe, nếu như anh không xin nghĩ phép, ngày mai em sẽ không đi học nữa!
Chí Viễn cười lên:
- Ha! Đúng là gần mực thì đen!
Chí Tường hỏi:
- Anh nói vậy là sao?
- Em bây giờ nói chuyện, cũng quen cái thói làm nư, giống y như Đan Lệ!
Chí Tường cũng cười. Đặt tay lên vai Chí Viễn, chàng nói bằng một giọng nghiêm trang:
- Đừng có giỡn, anh Hai! Anh làm việc ở công xưởng đó cũng cầm bằng như bán sức lao động, chẳng lẽ anh không thể kiếm một công việc như dạy học chẳng hạn hay sao?
Chí Viễn nói một cách thẳng thắn:
- Anh không có kinh nghiệm dạy học, mà họ cũng không dùng một thày giáo người Đông Phương, nếu như anh không bán sức lao động của mình, anh chỉ có thể đi nhà hàng làm công, mà lương ở đó quá ít. Em biết đó, Chí Tường...
Giọng chàng thật dịu dàng:
- ... Tháng sau, ba sẽ làm lễ thượng thọ lục tuần, chúng ta làm thế nào cũng phải gửi một mớ tiền về cho ba mẹ nở mặt nở mày với người ta chứ, phải không? Cả hai đứa con trai đều đi hết trơn, ba mẹ chỉ có cái khoảnh khắc an ủi là lúc nhận được chi phiếu của chúng ta, biết rằng cả hai anh em ta đều không đến đổi tệ.
- Nếu như ba mẹ biết rằng, số tiền đó là do anh đổi lấy bằng sức lao động của chính mình, suốt ngày gánh đất gánh gạch...
Chí Viễn nhìn em nghiêm khắc, kêu lên bằng một giọng khàn đục:
- Chí Tường, em mà dám viết thư nhắc đến một chữ...
Chí Tường ngắt lời chàng:
- Dĩ nhiên là em không dám! Vì vậy, thư em viết về nhà cũng càng lúc càng ngắn đi. Thảo nào mà mẹ viết thư đến nói, ngày trước, có một mình Chí Viễn "đánh điện tín", bây giờ cả hai anh em cùng nhau "đánh điện tín" về nhà!...
Chàng chép miệng, thở ra:
- ... Cũng may, bây giờ đỡ rồi, chỉ còn không bao lâu nữa là em ra trường rồi, đợi khi em ra trường xong, anh chắc là không còn lý do gì để cản trở không cho em đi làm nữa chứ, lúc đó, cả hai anh em mình cùng nhau đi làm, để dành một mớ tiền, trả cho xong món nợ mà ba mẹ đã mượn cho mình đi du học, rồi về nhà là vừa rồi đấy!
- Về nhà?...
Chí Viễn lẩm bẩm lập lại hai chữ đó, như thể đó là hai chữ có ý nghĩa rất ảo diệu, sâu xa, gương mặt chàng hiển hiện lên nét mơ màng như đang nằm mộng.
Một lúc thật lâu sau, chàng mới nói:
- ... Chí Tường, tới chừng đó hai đứa chúng ta đừng nên cãi nhau, sau khi em ra trường rồi, vẫn chưa có thể đi làm được đâu! Em phải học bộ môn điêu khắc của em cho thật hoàn hảo! Vì vậy, anh đã suy nghĩ và sắp xếp xong cả rồi, tốt nghiệp ra trường chưa thể kể là thành công! Chính em đã nói đó thôi, những tác phẩm điêu khắc của em thiếu sót rất nhiều thứ, anh đã dò hỏi và tìm hiểu, em có thể theo học với một nhà điêu khắc nổi tiếng về bộ môn điêu khắc...
Chí Tường kêu to lên:
- Anh Hai, anh điên rồi! Anh có biết học phí sẽ đắt đến ngần nào không? Anh có biết...
Chí Viễn nói:
- Anh biết! Anh đều biết cả! Thế nhưng, anh muốn em làm như thế, em có thiên tài, em có thể học được! Còn như anh ấy à? Em xem, các bắp thịt của anh vẫn còn rất săn chắc, cơ thể anh cũng còn rất khỏe mạnh, một chút công việc đó không là gì đối với anh đâu! Nếu như em kính trọng anh...
Chí Tường giận dữ la toáng lên:
- Kính trọng! Kính trọng! Em không thể để mặc cho anh sắp xếp mãi như thế! Em sẽ không bao giờ nghe theo những lý luận như anh đã nói nữa đâu! Nếu như em cứ tiếp tục "kính trọng" anh mãi như thế, thì chẳng khác nào em giết anh chết dần chết mòn! Em nói cho anh nghe, em sẽ không bao giờ nghe lời anh như thế nữa! Không bao giờ! Không bao giờ!
- Chí Tường! Em nói chuyện phải có lý một chút!
Chí Tường xúc động đến mặt mày đỏ bừng lên, sợi gân xanh trên trán chàng giật lia lịa:
- Có lý? Em có lý bao nhiêu đó đã đủ rồi! Người không có lý chính là anh, chứ không phải em! Anh Hai, đừng bắt buộc em làm như thế nữa, hai năm nay, em đã sống một cách vô cùng đau khổ, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện anh nhẫn nhục đi làm cực khổ để nuôi em ăn học, là em cảm thấy mình sắp điên đến nơi! Anh Hai! Anh phải nghĩ đến mình một chút chứ! Anh lấy cái kiếng ra mà soi, tự nhìn lấy mình một tí đi, mặt vàng da bủng, hai con mắt lờ đờ...
Có tiếng cửa mở ra, Ức Hoa nhẹ nhàng đi vào, Chí Tường im bặt miệng, thế nhưng, sự giận dữ và xúc động vẫn còn hiển hiện rõ trên gương mặt của chàng, Ức Hoa ngạc nhiên trố mắt hỏi:
- Chí Tường, hai anh em lại cãi nhau nữa đấy à?
Chí Tường không nhịn được nữa, chàng la lên bừng bừng:
- Cải nhau, đúng vậy, chúng tôi đang cãi nhau!... Ức Hoa, cô nói chuyện với anh Hai đi, cô nói chuyện cho rõ ràng với anh Hai! Nếu như anh ấy cứ ngoan cố như thế, nếu như anh ấy không biết tự yêu thương bản thân mình, tôi nói cho cô nghe!... Trước khi cô trở thành chị Hai của tôi, là cô đã mặc áo gai đội khăn tang khóc anh ấy rồi!
Nói xong, chàng xông ra khỏi phòng, đóng cánh cửa nghe đánh bình một tiếng.
Ức Hoa nhìn Chí Viễn:
- Chuyện gì vậy anh?
- Anh muốn sau khi ra trường, nó tiếp tục theo học chuyên ngành điêu khắc.
Ức Hoa đi đến bên cạnh Chí Viễn, nàng đưa tay ra ôm lấy đầu Chí Viễn, nhìn chàng thật tỉ mỉ, sau đó, nàng ngồi phệch xuống sàn nhà ngay bên cạnh Chí Viễn, để gương mặt mình tựa thật nhẹ vào gối chàng, nước mắt từ từ chảy ra từ đôi mắt đen lay láy của nàng, thấm ướt chiếc quần của chàng. Chàng vội vàng dùng tay ôm lấy đầu nàng, nói cuống quýt:
- Em sao vậy? Ức Hoa? Em đừng nên bị ảnh hưởng của Chí Tường, anh còn khỏe lắm, thật mà, anh còn khỏe vô cùng, lúc gần đây, anh không còn bị đau bao tử nữa, mà cũng không hề bị ho, thật mà, Ức Hoa!
Ức Hoa dùng tay ôm chặt lấy cánh tay chàng:
- Chí Viễn, em không muốn khuyên anh một điều gì cả, em chỉ muốn biết rằng... cái gánh nặng chình chịch này, anh sẽ gánh cho đến bao giờ mới xong?
Giọng nàng như nghẹn lại khi nói những câu chót. Chí Viễn dùng tay vòng lấy đầu Ức Hoa:
- Ức Hoa, bao nhiêu năm nay rồi, chẳng lẽ em không hiểu tính tình của anh sao?
Ức Hoa ngẩng đôi mắt đẩm lệ lên nhìn chàng:
- Chính vì em hiểu anh quá rõ, nên em mới sợ...
- Sợ gì?
Nàng ôm lấy chàng thật chặt, như không muốn rời:
- Sợ... sợ những lời nói không may đó của Chí Tường!
Chí Viễn nói bằng một giọng giận dữ:
- Thật là tức cười! Tại sao em và nó lại trù ẻo anh chi vậy?
Ức Hoa nhìn chàng bằng đôi mắt van lơn:
- Vậy thì, anh hãy bỏ việc làm, nghĩ ngơi một thời gian đi, em và ba, cũng có dành dụm được một số tiền...
Chí Viễn nghiêm khắc ngắt lời nàng:
- Ức Hoa! Em xem anh là loại người gì vậy? Em nghĩ rằng anh sẽ bỏ việc làm, nghỉ ở nhà để dùng số tiền mồ hôi nước mắt đó của cha con em sao? Nếu như anh là loại đàn ông như thế, thì anh có còn xứng đáng để cho em yêu nữa hay không? Ức Hoa, đừng bao giờ nhắc đến chuyện này nữa hết, chuyện này chúng ta nói đến đây là chấm dứt! Đối với việc đi làm của anh, em đừng nên có thêm một ý kiến nào nữa hết! Em hiểu không?...
Chàng nhìn vào đôi mắt buồn bã và chan chứa thâm tình của Ức Hoa, bất giác không kềm lòng được, chàng ôm chầm lấy nàng vào lòng:
- ... Xin lỗi em, Ức Hoa, không phải anh cố ý muốn nói chuyện lớn tiếng với em. Yên tâm đi cưng! Thân hình anh còn rắn chắc vô cùng, anh sẽ không để cho em...
Chàng cười lên, nói đùa:
- ... trở thành quả phụ đâu!
Ức Hoa đột nhiên cảm thấy một luồng hơi lạnh lẽo chạy dài theo cột xương sống của mình, nàng rùng mình đưa tay ra, vội vàng bụm lấy miệng chàng lại, gương mặt nàng trắng bệch đi. Chí Viễn cười cười, lắc lắc đầu, nói:
- Thật là kỳ! Em với Chí Tường nói bậy thì được, anh mới vừa nói một câu, là em đã chịu không nổi rồi!...
Chàng hôn nàng đằm thắm, đôi môi lướt qua má nàng, kề sát vào tai nàng, thì thầm:
- ... Yên tâm đi, anh sẽ vì em mà sống lâu trăm tuổi, sống đến khi cháu nội, cháu chắt của chúng ta lấy vợ lấy chồng kia!
Đôi mắt nàng vẫn còn chan chứa những giọt lệ buồn, thế nhưng, nàng cũng bị câu nói đó của chàng làm cho bật cười lên:
- Như vậy là bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Để anh tính xem, năm nay anh ba mươi bốn, nếu sang năm chúng ta lấy nhau, năm sau nữa là chúng ta có thể có con rồi, thằng con mình hai mươi tuổi sẽ có con, lúc đó là anh năm mươi sáu tuổi, cháu nội mình hai mươi tuổi có con, anh sẽ bảy mươi sáu tuổi, nếu cháu chắt mình cũng lấy vợ lúc hai mươi tuổi, anh sẽ...
Chàng làm ra giọng trệu trạo như ông già lụm cụm không còn răng, nói rằng:
- ... già này sẽ chín mươi sáu tuổi! Bà nó ơi, bà nghĩ xem chúng ta sống đến chín mươi sáu tuổi, đã đủ chưa vậy?
Ức Hoa không nhịn được nữa, nàng phì cười lên, xấu hổ vùi mặt mình vào lòng chàng, âu yếm.
Cuối cùng, cũng đã đến ngày đó, ngày Chí Tường tốt nghiệp ra trường!
Bao nhiêu là an ủi, bao nhiêu là hoan lạc, bao nhiêu là cuồng nhiệt! Khi Chí Tường cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay, nghe một loạt tiếng chúc mừng vang lên, nhìn thấy đôi mắt rướm lệ của Chí Viễn nhìn chằm chặp vào mình, và giọng kêu bằng tiếng Ý chứa đầy nước mắt, phát ra từ tận cùng tâm hồn của chàng vang lên:
- Licenziado!
Chữ này nếu dịch ra có nghĩa là "Thạc Sĩ", thật ra, ở Ý, trong ngành nghệ thuật, không hề có những học vị như "Thạc Sĩ", "Bác Sĩ"..., đó chỉ là một danh xưng mà thôi. Thế nhưng, muốn lấy được danh xưng như thế, cũng phải trả một cái giá không nhỏ! Đôi mắt của Chí Tường bất giác nóng lên, không phải vì chàng, mà là vì người anh lúc nào cũng mong em "vượt vũ môn hóa rồng" của chàng!
Buổi lễ tốt nghiệp ở học viện nghệ thuật rất đơn giản, có thể, vì bản thân của những người học nghệ thuật không thích bị lệ thuộc vào hình thức, do đó, ngoài việc lấy được mảnh giấy chứng chỉ ra, họ không có một nghi lễ long trọng nào khác. Thế nhưng, đêm đó, ở nhà ông Cao, thì lại đèn đuốc sáng choang, tiếng cười tiếng nói rộn rịp! Ức Hoa nấu đầy một bàn thức ăn thức uống, khui một chai rượu nho, một chai rượu mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên Đan Lệ chính thức đến thăm viếng nhà họ Cao.
Đan Lệ mặc một chiếc áo trắng bằng loại vải thô có bâu to, bâu áo và cổ tay áo thêu đầy hoa đủ màu đủ sắc, bên dưới là chiếc váy màu đỏ dài phết đất, tóc nàng cột sợi dây cài tóc cũng thêu đầy hoa, hai tai lủng lẳng từng vòng bông tai to tướng. Trông nàng có nét giống thiếu nữ Tây Ban Nha trong các vũ điệu trữ tình. Nàng cười, nàng hét, nàng uống rượu, không ngượng ngập và cũng không làm dáng, phóng khoáng và hoạt bát đến độ làm người nhìn phải ngẩn ngơ. Còn Ức Hoa? nàng mặc chiếc áo sơ mi dài tay cổ lá sen màu xanh da trời, bên dưới là chiếc váy đầm sọc dài, vẫn tóc dài xỏa vai, vẫn lặng lẽ, dịu dàng. Nàng không nói chuyện nhiều, thế nhưng, lúc nào đôi mắt nàng cũng hướng về phía Chí Viễn, chan chứa tình yêu đằm thắm. Ông Cao vui vẻ uống hết cốc rượu này qua cốc rượu khác, uống đến say túy lúy, say chập chờn, một mặt uống, một mặt ông lặng lẽ quan sát hai người con gái, ông không thể không thán phục sự thần kỳ của tạo hóa! Ngài tạo ra hai thiếu nữ hoàn toàn khác biệt nhau, tạo ra hai nét đẹp hoàn toàn trái ngược nhau, sau đó, đem họ phối hợp cho hai anh em xuất sắc nhất, ưu tú nhất!
Chí Tường bưng ly rượu đầy ắp, đi vòng qua đứng trước mặt Chí Viễn, hai tay chàng nâng ly, gương mặt mang đầy nét kích động, đôi mắt chàng sáng hừng hực, chàng nói bằng một giọng nghẹn ngào:
- Anh Hai, em uống với anh một ly! Vì... tất cả và tất cả!
Chàng ngửa cổ lên, nốc một hơi cạn ly rượu. Chí Viễn đã chếch choáng hơi men, cầm lấy ly rượu của mình, chàng cũng nốc một hơi cạn sạch, chàng nói:
- Chí Tường, em không cần phải chuốc rượu cho anh, mà anh chuốc rượu cho em mới phải, em có biết hôm nay em đã hoàn thành chuyện gì không? Em đã hoàn thành kỳ vọng suốt mười năm nay của anh! Mười năm lưu lạc tha hương, mười năm trôi nổi xứ người... Chí Tường, nếu như không có em, cuộc đời của anh coi như bỏ rồi! Anh uống với em một ly!
Chàng lại nâng ly lên. Ức Hoa lặng lẽ nắm lấy cánh tay chàng, dịu dàng hỏi:
- Em thay anh uống được không? Anh đã uống nhiều lắm rồi!
Đôi mắt Chí Viễn ướt đẫm nhìn Ức Hoa:
- Ức Hoa, đêm nay, em cho anh uống một bữa cho đã đi! Đời người có mấy khi được say tận tình đâu! Em biết không? Cái ngày vui vẻ hôm nay, anh chờ đợi đã mười năm rồi! Mười năm, một khoảng thời gian dài và chậm biết mấy! Làm sao mà anh lại không say cho được?
Chàng lại nốc cạn ly rượu. Đan Lệ tươi cười hớn hở, đứng dậy nói với Chí Viễn:
- Em cũng uống với anh một ly! Vì chúng ta hóa thù thành bạn!
Chí Viễn trừng mắt nhìn nàng:
- Em ấy à? Nếu đã chịu chuốc rượu cho anh, Đan Lệ, em phải gọi anh bằng gì mới được!
Đan Lệ nói bằng một giọng hóm hỉnh:
- Như vậy, em gọi anh như thế này nhé: ông chân lý, ông chí tình chí nghĩa!
Chí Viễn ngớ người ra, ngạc nhiên nói:
- Gọi cái gì mà kỳ vậy?
Đan Lệ chỉ Chí Tường:
- Anh hỏi anh ấy đấy! Anh ấy nói anh là chân lý, anh là sự chí tình chí nghĩa, còn em là ác quỷ, là sa tăng...
Chí Tường kêu lên:
- Tiểu Lệ Chi! Ai nói em là ác quỷ, là sa tăng hồi nào? Lại ở đó nói bậy nữa rồi! Phải phạt rượu em mới được!
- Phạt rượu thì phạt rượu!...
Đan Lệ nói thật phóng khoáng, hào sảng, nàng nốc một hơi cạn sạch, đưa cái ly về phía Chí Tường cho chàng xem, nàng vừa cười vừa nói:
- ... Em mà uống say rồi thì anh xúi quẩy! Lần trước ở Gevena, em đi dự một buổi tiệc, mọi người chuốc rượu em đến say mèm, rút cuộc anh biết em đã làm gì không?
- Làm gì?
- Em hôn hết tất cả các đấng mày râu trong bàn tiệc!
Chí Tường suýt chút đã phun ra ngụm rượu vừa hớp vào miệng, chàng vội vàng chụp lấy ly rượu của Đan Lệ, nói liên tục:
- Thôi được rồi, được rồi! Em uống bao nhiêu đó đã đủ rồi!
Ông già cười khặc khặc:
- Chí Tường, sao cháu không để cho Đan Lệ say một bữa xem sao, già này, đã lâu lắm rồi không được ai hôn cả!
Đan Lệ nhướng cao đôi chân mày, hỏi bằng một giọng ngây thơ:
- Thật sao?... Vậy thì, cháu không say cũng phải hôn bác!...
Nàng phóng ngay đến bên ông già, đặt ngay lên má ông một cái hôn thật thân mật, thật thành khẩn, thật nồng nhiệt, nói bằng một giọng thật chân thành:
- Cháu vừa gặp bác đã thích ngay, bác hiền từ quá, thân thiết quá! So với ba cháu còn có phần hơn!
Ông già vui đến độ cười tít cả mắt, tay chân múa may:
- Úi dào! Sao mà người đã đẹp, mà miệng cũng ngọt như đường phèn thế kia! Thảo nào mà Chí Tường phát điên lên vì cháu! Chí Tường! Cháu có cặp mắt hay lắm đấy nhé!
Ông đưa tay đấm vào vai Chí Tường một cái. Chí Viễn cũng cười tủm tỉm hỏi:
- Được rồi, Đan Lệ, thế còn anh thì sao?
Đan Lệ cười hi hi nói:
- Anh ấy à, anh thì không được! Anh là vật sở hữu của chị Ức Hoa! Em chưa say đến độ như thế đâu!
- Như vậy thì, ly rượu này em có uống với anh hay không?
- Uống chứ!
Đan Lệ lại bưng ly rượu lên. Chí Viễn nói:
- Khoan đã, cách xưng hô chính thức giữa chúng ta vẫn chưa giải quyết, em nói thử nghe coi, em phải gọi anh bằng gì?
- Được rồi!...
Sắc mặt của Đan Lệ đã bị rượu làm cho ửng đỏ. Nàng cười hi hi đưa tay nâng ly rượu lên môi, một mặt uống cạn ly, một mặt yểu điệu cúi người xuống thi lễ với Chí Viễn, kêu lên bằng một giọng điệu thanh thoát:
- ... Anh Hai!
Gọi xong, nàng lại rót thêm một ly thật đầy, quay người lại đối diện với Ức Hoa, nói thật to tiếng rằng:
- Uống rượu với anh Hai rồi, không thể không uống với chị Hai! Chị Hai, chị cũng uống một ly nhé!
Lần này, đến phiên Ức Hoa đỏ mặt tía tai. Nàng không phải là loại người hào phóng và không câu nệ hình thức như Đan Lệ, vội vàng nhảy dựng người lên, nàng trốn không kịp, tay chân luống cuống, gần như không biết phải làm thế nào cho phải, gương mặt nàng đỏ bừng lan lên đến cả hai tai. Ông già nhìn thấy cảnh tượng đó, cười lên ha hả. Thế nhưng Đan Lệ không hề chịu buông tha, nàng vẫn tiếp tục gọi Ức Hoa bằng "chị Hai", "chị Hai", ngọt lịm, thân thiết:
- Sao vậy? Chị Hai, chị không nể mặt em chút nào hết vậy? Chị Hai, em mời chị ly rượu này, chị phải uống cho cạn ly với em chứ. Chị Hai, từ đây về sau, nếu như em có gì không biết, chị dạy em với nhé! Chị Hai, Chí Tường nói chị là người con gái tuy rằng sống ở xứ Tây Phương, nhưng vẫn giữ được rất nhiều nét Đông Phương, chị phải dạy bảo em mới được, chị Hai...
Chí Viễn nói thật lớn tiếng:
- Được rồi, Ức Hoa! Cô em dâu của anh đã thành tâm thành ý mời em ly rượu, em hãy uống đi, chẳng lẽ cái chức "chị Hai" đó của em không đủ vững hay sao? Mới hôm trước đây, chúng ta bàn luôn cả chuyện cháu chắt của mình cưới vợ nữa mà, bây giờ, sao em lại mắc cỡ chi vậy?
Gương mặt của Ức Hoa càng đỏ ửng hơn nữa, nàng kêu lên:
- Ồ... ui cha! Chí Viễn, anh... anh... sao anh lại nói ra vậy?
Lần này, cả nhà đều cùng cười ồ lên. Cả căn nhà đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tiếng nói, đầy ắp mùi rượu, đầy ắp niềm vui. Trong niềm vui tràn trề và tiếng cười rộn rã đó, mọi người đều uống hơi quá chén, mọi người đều chếch choáng hơi men. Sự thật thì, rượu không làm người say mà người đã tự say, trước khi uống rượu, mọi người nào đã không có hơi men! Ngày hôm nay vốn là một ngày vui vô cùng, vô cùng trọng đại!
Cho đến khi đêm khuya thanh vắng, ngay cả ông già cũng đã nửa say nửa tỉnh. Đan Lệ đột nhiên nổi hứng đề nghị mọi người cùng nhau lên chiếc cũ nát của Chí Viễn, đi thưởng ngoạn một vòng La Mã về đêm!
- Tất cả mọi người cùng đi, chúng ta lái xe thẳng đến khuôn viên Quốc Hội, cho nữ thần La Mã chiêm ngưỡng "Licenziado" của chúng ta!
Một câu đề nghị điên cuồng, lập tức được ngay sự hưởng ứng điên cuồng. Sức sống tràn trề trong con người của Đan Lệ, vốn có ảnh hưởng vô cùng to lớn với tất cả mọi người trong bọn, ngay cả ông già ít khi nào chịu ra đường, cũng bị Đan Lệ lôi đi tuốt.
Thế là, mọi người chen chúc vào chiếc xe cũ nát của Chí Viễn, chiếc xe cũ nát đó nhỏ xíu, chở có năm người mà cũng chật cứng như nêm. Chí Viễn rồ máy xe, đạp ga rồ rồ, chiếc xe rùng mình lắc lư than thở, đầu xe xì đầy khói trắng, phát ra một loạt tiếng kêu như thể ho hen, như thể khịt mũi một lúc, thế nhưng vẫn đứng sựng một chỗ, không hề có ý gì tiến lên phía trước. Chí Viễn dùng tay đập mạnh vào tay lái, chân đạp mạnh ga, miệng kêu lên rằng:
- Chiếc xe này hẳn là cũng muốn uống ly rượu đây! Nó có cảm mạo thương hàn gì đâu, vậy mà cũng bày đặt ho hen, khịt mũi làm gì vậy?
Đan Lệ đưa tay ra ngoài cửa sổ xe, vừa vẩy vừa la lên ỏm tỏi:
- Tiến lên! Xe cũ! Tiến lên! Xe cũ! Nhanh lên! Xe cũ!
Chiếc xe như thể nghe theo mệnh lệnh của nàng, đột nhiên nhảy dựng lên, lắc lư xông thẳng về phía trước. Thế là, nguyên cả một xe người hô hoán lên, la ầm lên, hoan hô, hoan hô, mamamia, mamamia!
Chiếc xe lướt qua từng con đường của thành phố La Mã, đi ngang qua Palatine Hill, đi ngang qua phế thành La Mã, đi ngang qua Via Condotii, đi ngang qua đấu trường Colosseum, đi ngang qua Piazza Venezia...
Chiếc xe phóng đi thật nhanh, cũng may là trời đã về khuya, trên đường, xe vắng người thưa. Chiếc xe hiển nhiên cũng chịu cộng tác một cách đắc lực, mỗi lần nó có vẽ dùng dằng muốn đình công, là Đan Lệ lại đưa tay lên kêu ầm ĩ:
- Ráng lên, ráng lên, xe cũ! Tiến lên, tiến lên, xe cũ! Hoan hô, hoan hô, xe cũ!
Chiếc xe cũ nát hình như không dám không nghe lời, lại lắc lư, than thở, dùng dằng, vùng vẩy tiến lên phía trước! Thế là, Đan Lệ bắt đầu cất tiếng hát, nàng hát một bài hát của trẻ con lớp mẫu giáo "Xe lửa phi nhanh", thế nhưng, nàng sửa lời lại một chút:
- Xe cũ phi nhanh! Xe cũ phi nhanh!
Xuyên qua La Mã, vượt qua phế thành,
Mỗi ngày bôn ba ngàn vạn dặm!
Gần đến nhà rồi! Gần đến nhà rồi!
Mẹ ơi! Cha ơi! Vui biết bao!
Do bởi điệu nhạc của bài hát vô cùng đơn giản và dễ bắt chước, chỉ một lúc sau, cả một xe người đều đã cùng hát ầm lên với Đan Lệ, "Xe cũ phi nhanh, xe cũ phi nhanh!". Và cứ như thế, chiếc xe cũ nát "phi thẳng" đến quãng trường Quốc Hội.
Một loạt tiếng thắng xe rít vang lên gấp rút, chiếc xe cũ nát dừng lại, mọi người trên xe, la hét hoan hô ào ào nhảy xuống. Bọn họ khoa tay múa chân, nói chuyện um sùm với bức tượng nữ thần La Mã, Chí Viễn đẩy Chí Tường đến trước bức tượng, nói lên thật to:
- Hôm nay, chúng ta đến đây chiêm ngưỡng nàng! Ngày sau, hậu thế sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc của Chí Tường!...
Chàng nói bằng một giọng nhừa nhựa, say sưa, giải thích thật to:
- ... Chí Tường! Trần Chí Tường! Nàng có biết không? Đó là một cái tên Đông Phương, nàng có biết không?
Chí Tường loạng choạng đưa tay ra kéo Chí Viễn, chàng tự cho rằng mình không hề say, thế nhưng không hiểu vì sao chàng cứ hả miệng ra cười toe toét, chàng cười mãi, cười mãi không thôi:
- Anh Hai, anh say rồi! Anh Hai, anh đừng kêu nữa! Đó chỉ là tượng đá, không nghe được tiếng của anh đâu!
- Nàng nghe được chứ! Nàng là thần mà, làm sao nàng nghe không được!
Chí Viễn cãi lại, tiếp tục nói chuyện với bức tượng, tiếp tục đưa tay quơ quào, la hét. Đan Lệ cười rũ rượi, vùi đầu mình vào lòng Chí Tường. Ức Hoa là người uống ít rượu nhất, là người tỉnh táo nhất trong bọn, nàng không ngừng chạy đến kéo tay Chí Viễn, Chí Viễn quay mòng mòng như cần trục xe lăn, không ngừng kêu la:
- Michaelangelo! Michaelangelo! Ông là bậc thày, ông là danh sư của ngành điêu khắc, ông cũng nên đến đây làm quen với thằng em trai của tôi, nữ thần La Mã, các vị anh hùng vô danh, Ceasar đại đế, vua Nile, Bernini... tất cả mọi người hãy đến đây, đêm nay, Trần Chí Viễn này bày tiệc, mời tất cả mọi người! Trần Chí Viễn này dọn một tiệc rượu cho thằng em trai, tất cả mọi người hãy đến đây! Đến đây...
Ức Hoa ôm lấy cánh tay chàng, ôm lấy người chàng:
- Chí Viễn! Chí Viễn! Anh làm cảnh sát đến đây bây giờ! Anh làm cho mọi người trong thành phố thức dậy bây giờ!
Chí Viễn cười sặc sụa:
- Người trong thành phố? Ha ha! Những "người" ở đây, chỉ có chúng ta, ngoài chúng ta ra, chỉ có thần linh của La Mã, và những hồn ma bóng quế của La Mã, đêm nay, là đêm người, quỷ, thần cùng nhau họp lại hội nghị! Ha ha, Ức Hoa, em có biết không?...
Chàng nâng cằm nàng lên, đột nhiên không cười nữa, mà nói thật nghiêm trang:
- ... Những người hôm nay, là ma quỷ của ngày mai, là thần thánh của ngày sau, em hiểu không? Định luật của nhân loại là như thế đó! Như Trương Phi, như Quan Công, đều đi qua con đường như thế. Chúng ta, cũng sẽ đi qua con đường như thế...
Ông già ngồi trên những bậc thang dẫn lên tòa nhà nghị viện, từ nãy giờ ông cứ ở đó hát tới hát lui bài hát "Xe cũ phi nhanh", hiển nhiên là ông đã mê mẩn với bài hát này rồi.
- Xe cũ phi nhanh! Xe cũ phi nhanh!
Xuyên qua La Mã, vượt qua phế thành,
Mỗi ngày bôn ba ngàn vạn dặm!
Gần đến nhà rồi, gần đến nhà rồi!
Mẹ ơi! Cha ơi! Vui biết bao!
Đột nhiên, ông vùi mái tóc bạc phơ của mình vào hai cánh tay, và bắt đầu cất tiếng khóc rưng rức. Ức Hoa vội vàng buông Chí Viễn ra, chạy đến ôm lấy đầu cha. Nàng hỏi:
- Ba! Sao vậy ba?
Ông già đọc lên bằng một giọng mơ màng:
- Gần đến nhà rồi! Gần đến nhà rồi!... Ba muốn về nhà, ba muốn về nhà!
Ức Hoa vội vàng nói:
- Được rồi, ba, bây giờ chúng ta lái xe về nhà ngay đây! Ba đứng dậy đi, chúng ta về nhà!
Ông già khóc hu hu, nói xong rồi lại hát:
- Ba không nói nhà ở La Mã, ba muốn nói đến cái nhà thật sự của ba!... Xe cũ phi nhanh, xe cũ phi nhanh... Mỗi ngày bôn ba ngàn vạn dặm! Gần đến nhà rồi! Gần đến nhà rồi! Mẹ ơi! Cha ơi! Vui biết bao!...
Ức Hoa ngớ người ra, sựng lại, nàng không biết phải làm như thế nào. Đúng ngay lúc đó, nàng nghe tiếng Chí Tường kêu rú lên:
- Anh Hai! Anh sao vậy?
Nàng quay đầu lại, vừa đúng lúc nhìn thấy Chí Viễn đang ngã về phía chiếc tượng đồng to tướng, nàng kêu rú lên, Chí Tường đã đưa tay ra ôm ngay Chí Viễn. Ức Hoa chạy nhào tới, cúi người xuống, nàng nhìn thấy gương mặt trắng bệch một cách thảm hại của Chí Viễn, đang nằm gọn trong lòng Chí Tường, chàng vẫn còn đang mĩm cười, miệng vẫn còn đang lẩm bẩm:
- Chí Tường, em là một nghệ thuật gia vĩ đại!
Nói xong, đôi con mắt chàng nhắm nghiền lại. Ức Hoa kêu lên kinh hoàng:
- Chí Viễn! Chí Viễn! Chí Viễn! Anh say rồi? Hay là sao vậy?
Đan Lệ kéo tay Ức Hoa:
- Nhanh lên! Chúng ta đưa anh ấy đến bệnh viện! Anh ấy bệnh rồi! Để em lái xe cho! Nhanh lên!
Chí Viễn dần dần tỉnh lại.
Mở mắt ra, vật chàng nhìn thấy trước tiên, là chai nước biển đang treo lủng lẳng bên cạnh giường, đầu chàng hơi có chút hoang mang, có chút lộn xộn, đây là đâu nhỉ? Chàng hơi di động một chút, có một bàn tay dịu dàng đặt nhanh lên người chàng, tiếp theo đó, là đôi mắt to đen chứa đầy nét lo lắng, ưu tư, thương xót của Ức Hoa hiện ra trước mặt chàng. Chàng hơi nhíu mày, muốn di động một chút, thế nhưng, chàng cảm thấy cả người mình không có một chút sức lực nào cả. Chàng nhìn Ức Hoa, cất tiếng lẩm bẩm hỏi:
- Anh đang ở đâu đây?
- Trong bệnh viện!
Trong bệnh viện? Chàng quay đầu nhìn dáo dác, bức tường màu trắng, khăn trải giường màu trắng, màn cửa sổ màu trắng, trần nhà màu trắng, tất cả đều là một màu trắng toát. Cánh tay chàng bị giữ chặt trên giường, chai nước biển treo lủng lẳng bên giường đang nhỏ từng giọt, từng giọt nước trong veo vào mạch máu tay chàng. Chàng xục xạo lại ký ức, ấn tượng cuối cùng chàng còn nhớ, là mình đang đứng diễn thuyết trước bức tượng nữ thần La Mã trong khuôn viên quốc hội Ý, sao bây giờ lại nằm trong bệnh viện thế này? Chàng nhìn Ức Hoa, do dự, nghi ngờ, chàng ngập ngừng hỏi:
- Anh... sao vậy?
Bàn tay Ức Hoa nắm chặt lấy tay chàng, nàng nói thật nhẹ:
- Anh bị bệnh. Bác sĩ nói rằng, anh phải nằm bệnh viện một thời gian.
- Nói bậy!
Chàng định ngồi dậy. Ức Hoa lập tức ấn chàng nằm trở xuuống:
- Đừng nhúc nhích, anh đang vô nước biển.
Chàng nhíu chặt đôi chân mày, cố gắng nhớ lại:
- Tại sao lại vô nước biển? Không phải chúng ta đang ăn mừng ngày Chí Tường tốt nghiệp ra trường sao? Không phải chúng ta đang ở ngay trước quãng trường quốc hội sao? Đúng rồi, anh nhớ là anh có uống hơi nhiều rượu một chút, không phải anh bệnh đâu, mà anh bị say đó!
Đôi mắt Ức Hoa nhìn chàng buồn rười rượi, giọng nàng thật thấp:
- Anh bị bệnh rồi! Ăn mừng ngày Chí Tường tốt nghiệp ra trường, đã là chuyện của ba ngày trước rồi!
Chàng mở to đôi mắt:
- Cái gì?
Nàng đưa tay vân vê tấm khăn trải giường, giọng nói nàng chứa đầy nước mắt:
- Anh nằm bệnh viện đã ba hôm rồi, suốt ba hôm liền, anh hôn mê không hề tỉnh lại.
Chàng hỏi bằng một giọng do dự:
- Anh... bị bệnh gì vậy?
- Bác sĩ vẫn còn đang thử nghiệm!
Chí Viễn nói bằng một giọng bất mãn:
- Vẫn còn đang thử nghiệm?... Nói một cách khác, bác sĩ không hề biết là anh đang bị bệnh gì? Anh nói cho em nghe...
Chàng lại định ngồi dậy, thế nhưng, cả người chàng cứ mềm nhũn ra, không nghe theo sự điều khiển. Trong lòng chàng hơi có chút cuống quýt, cái ký ức của nhiều năm xưa cũ lại hiện ra trước mắt chàng, núi lỡ, từng khối tuyết đổ ào xuống, chàng bị chôn dưới lớp tuyết dày... chàng lắc lắc đầu, lắc mất đi cái hình ảnh ghê rợn đó:
- ... Anh chỉ uống hơi nhiều rượu một chút thôi, chứ có gì đâu!
Ức Hoa nói:
- Không, anh không phải như thế! Bác sĩ đã khám ra rồi, anh bị chứng loét dạ dày, bác sĩ nói, nhất định là phải mổ mới hết được, thế nhưng...
Nàng hơi do dự một chút, cuối cùng cũng bặm môi nói ra:
- ... Anh lại bị bệnh viêm gan, cần phải trị xong bệnh viêm gan của anh, mới có thể mổ cho anh được.
- Em nói là, anh bị viêm gan và bị luôn cả bệnh loét dạ dày!...
Ức Hoa lặng lẽ gật gật đầu.
- ... Như vậy, tại sao lúc nãy em lại nói là bác sĩ vẫn còn đang thử nghiệm?
Ức Hoa ngập ngừng:
- Tại vì... tại vì... bác sĩ vẫn còn đang thử nghiệm những cơ quan khác trong người anh!
Chàng thiểu não ngã phịch đầu lên gối, trong lòng ẩn hiện một mối lo ngại chập chờn, một tai nạn to lớn sắp úp chụp lên đầu chàng rồi đây! Cái đầu nặng chình chịch của chàng, tứ chi không nghe theo sự điều khiển, cái lồng ngực lúc nào cũng đau âm ỉ, và sự mệt mỏi, sự mệt mỏi không thể chống chọi lại được của chàng, tất cả những thứ đó hợp lại, đều như đang nhắc nhở cho chàng biết một sự thật, đúng vậy, chàng đã bị bệnh! Cho dù chàng có nhìn nhận hay không nhìn nhận, chàng cũng đã bị bệnh rồi! Nằm ở đó, không thể di động, không thể làm việc, như một vật phế thải! Chàng hít vào một hơi thật dài, nhìn thẳng vào Ức Hoa:
- Chí Tường đâu?
- Anh... Anh... Anh ấy đi tìm việc làm rồi!
Chàng lại định nổi nóng:
- Tìm việc làm?... Anh đã nói với nó...
Ức Hoa nhìn chàng bằng đôi mắt đau đớn, khẩn cầu, giọng nói nàng nhỏ nhẹ, bi ai:
- Chí Viễn! Anh đừng nên bướng bỉnh như thế nữa, được không? Bác sĩ nói... trong một thời gian ngắn, anh... anh... không thể nào xuất viện được. Chí Tường đã ra trường rồi, anh ấy rất dễ dàng tìm được việc làm có liên quan đến ngành nghề của anh ấy, anh hãy an tâm dưỡng bệnh, đừng nên lo lắng nữa, được không? Em van anh hãy an tâm dưỡng bệnh, vì em! Được không?
Chí Viễn chú ý nhìn vào đôi mắt long lanh ngấn lệ, van xin, sầu khổ của Ức Hoa, trái tim của chàng mềm nhũn đi, thở ra một hơi dài não nuột, chàng nhấc cánh tay không bị vô nước biển của mình, nhẹ nhàng vuốt vuốt mái tóc nàng, cánh tay chàng có cảm giác như nặng ngàn cân, chỉ một chốc, cánh tay đó đã mềm rũ xuống. Chàng thì thầm:
- Yên tâm đi, Ức Hoa, anh sẽ khỏe lại rất nhanh!
Ức Hoa gật gật đầu, đôi mắt nàng long lanh ngấn lệ, không hiểu tại sao, chàng cảm thấy ánh mắt nàng tràn đầy nét bi ai, đau đớn và thảm sầu, thế nhưng, chàng cảm thấy cả người mình rũ rượi, không còn một chút sức lực để hỏi thêm chuyện gì nữa, sự mệt mỏi như một viên đá to lớn, úp chụp xuống mi mắt chàng, đôi mắt chàng, lồng ngực chàng, tứ chi chàng, nhắm nghiền đôi mắt, chàng lại tiếp tục ngủ thật nhanh.
Không biết ngủ được bao lâu, ý thức của chàng lại bắt đầu hoạt động, trong trạng thái chập chờn, mông lung, chàng nghe có tiếng người đang thì thầm nói chuyện, chàng không mở mắt, nhưng đã nghe ra đó là thanh âm của Chí Tường, đang thấp giọng nói:
- ... tóm lại, là coi như đã nát bấy hết rồi, bệnh tình không phải chỉ một ngày một bữa đâu. Lỗi cũng tại tôi quá sơ xuất, lẽ ra phải bắt anh ấy đến bệnh viện từ lâu. Dù sao đi nữa, thì bây giờ cũng không thể mổ được, phải đợi đến khi nào anh ấy...
Nhất định là mi mắt của Chí Viễn có hơi động đậy một chút, Chí Tường lập tức ngưng ngay. Chí Viễn mở mắt ra, nhìn thấy Chí Tường đứng ngay trước mặt mình, gương mặt trẻ trung và đẹp trai của chàng đang miễn cưỡng nở một nụ cười với mình. Bên cạnh chàng, là Đan Lệ tràn đầy sức sống tuổi thanh xuân, nàng đang mở to đôi mắt đen lay láy, nhìn chàng không chớp. Chàng nghĩ đến Đan Lệ véo von với bài hát "Xe cũ bay mau", tại sao hôm nay nàng không cười nữa? Không tỏ ra hoạt bát yêu đời nữa? Ánh mắt chàng lướt qua Đan Lệ, Ức Hoa vẫn ngồi ở đó, nhưng gương mặt còn vương ngấn lệ, đôi mắt nhìn chàng chứa đầy nét ưu tư. Trong phòng, đèn đã được mở lên, bây giờ đã là buổi tối rồi.
Chí Tường cúi đầu xuống nhìn chàng, làm ra bộ vui vẻ nói:
- Anh Hai, bây giờ anh hết còn bướng nữa nhé! Ông trời bắt anh phải nghĩ ngơi một khoảng thời gian đấy! Xem anh có còn làm tàng nữa không? Cho dù là người máy cũng phải nghĩ ngơi vô dầu lại chứ!
Chí Viễn miễn cưỡng nở một nụ cười, nhìn Chí Tường, chàng hỏi:
- Nghe nói em đang tìm việc làm, tìm được chưa?
- Được rồi!
- Làm gì vậy?
- Làm... làm phụ giảng ở trường của em, em nghĩ, như thế là tốt nhất, vừa có lương, lại không phải bỏ qua những gì mình đã học.
Chí Viễn gật gật đầu, trong lòng chàng cảm thấy an ủi rất nhiều, chàng nói:
- Lương hẳn là không nhiều đâu nhỉ? Anh biết làm phụ giảng lương thấp lắm. Thế nhưng, không hề gì, có thể không rời xa cái ngành mình đã học là tốt lắm rồi.
- Em cũng nghĩ như thế, vả lại, giáo sư của em lại giới thiệu cho em kèm thêm hai đứa trẻ con của một người Mỹ, em dạy chúng nó về hội họa, coi như là thày giáo dạy kèm, lương coi vậy mà còn cao hơn ở trường.
- Như vậy, em bận rộn dữ lắm rồi!
Chí Tường nói:
- Tuy rằng bận, nhưng không cực lắm! Chỉ có buổi tối phải đi dạy kèm, không được tự do mà thôi!
Chí Viễn nhìn chàng thật sâu, thật sâu:
- Bây giờ đang là mùa nghỉ hè, phụ giảng cũng có công việc làm hay sao?
- Bởi vậy cho nên không ai chịu làm phụ giảng, giáo sư và giảng sư đều đã đi nghỉ hè hết rồi, chỉ có phụ giảng là dù nghỉ hè cũng phải đi làm, phụ giảng ở Đài Loan cũng như vậy đó.
Chí Viễn thở ra một hơi dài, chàng mỉm miệng cười ái ngại:
- Thôi được rồi! Ngó bộ, em phải chịu khổ một thời gian rồi... Chí Tường, nói cho anh nghe, tiền bệnh viện và thuốc men phải khoảng bao nhiêu?
Chí Tường mỉm cười, hỏi:
- Anh Hai, anh có thể bớt lo lại một chút dùm em được không? Bây giờ, đến phiên em phải dùng cái câu của anh thường nói, em có thể gánh nổi!
Chí Viễn cười lên. Tuy rằng đang bệnh, thế nhưng chàng vẫn có hứng nói đùa:
- Chí Tường, anh xem, cả hai anh em chúng ta đều có số cực! Không phải anh nuôi em, thì em phải nuôi anh! Lẽ ra, anh còn định cho em học thêm về ngành điêu khắc nữa kia!
- Anh Hai! Điêu khắc có thể tự học, những gì em học đã đủ rồi, phần còn lại chỉ cần mình cố gắng học hỏi thêm mà thôi!
Chí Viễn nói thật thiết tha:
- Như vậy, đừng nên bỏ qua nhé! Bất cứ lúc nào, em cũng phải tự tôi luyện mình mới được!...
Quay sang Đan Lệ, chàng cười nói:
- ... Đan Lệ, sao hôm nay em yên lặng quá vậy?
Đan Lệ nhìn chàng chăm chú một hồi lâu, đột nhiên, nàng cúi đầu xuống, hôn lên gò má chàng một cái, đôi mắt đo đỏ nhìn chàng nói:
- Anh Hai, anh phải mạnh nhanh lên nhé!
- Lần đầu tiên, em gọi anh bằng anh Hai một cách vui vẻ thành tâm đấy nhé!
Chí Viễn vừa cười vừa nói, đưa tay ra nắm lấy bàn tay Ức Hoa, chàng nghiêm sắc mặt lại, nói:
- Được rồi! Ức Hoa, mọi người hãy thẳng thắn nói cho anh biết, anh không muốn mình bị dấu diếm một điều gì, bệnh tình của anh nghiêm trọng lắm sao?
Mọi người đều ngẩng người ra, sựng lại, một lúc sau, Ức Hoa mới nói thật nhẹ:
- Không phải nghiêm trọng, mà chỉ là, anh phải nghĩ ngơi một thời gian rất lâu, rất lâu.
Chí Tường cắn cắn răng, nói:
- Anh Hai! Em nói cho anh nghe, bao tử anh đã bị loét rất nặng, cần phải mổ để cắt đi một nửa, thế nhưng, bây giờ không thể mổ được, vì gan anh bị bệnh, phổi anh cũng bị bệnh, tim anh cũng bị bệnh! Anh bị chứng thiếu máu và suy dinh dưỡng thật trầm trọng! Tóm lại, toàn thân anh đều bị bệnh! Anh hỏi nghiêm trọng hay không nghiêm trọng? Đúng vậy, rất nghiêm trọng! Em và bác sĩ đã nghiên cứu bệnh tình của anh, nghiên cứu rất lâu, rất lâu! Ngoại trừ khi trong lòng anh loại bỏ hết tất cả những ý niệm tạp nhạp, an tâm tịnh dưỡng, nằm ở bệnh viện chích thuốc, uống thuốc, sáu tháng sau, có thể nghĩ đến việc mổ cho anh, nếu không, anh sẽ cứ phải nằm bệnh viện mãi thôi!
Chí Viễn mở to đôi mắt, nhìn vào Chí Tường, một lúc thật lâu sau, cả hai đều không ai nói một tiếng nào, mà chỉ nhìn nhau như thế. Sau đó, Chí Viễn gật gật đầu, nhắm đôi mắt lại, chàng nói thật nhẹ:
- Được lắm, anh hiểu rồi, anh muốn ngủ một chút!
Chí Tường và Đan Lệ đi ra khỏi phòng bệnh, vừa ra khỏi phòng bệnh, Chí Tường đau khổ đứng tựa người vào tường, ngẩng đầu lên trời, yên lặng không nói. Đan Lệ ôm lấy chàng, áp gò má nàng vào vai chàng, nàng nói:
- Chí Tường, hãy để cho em giúp anh! Em về nhà hỏi mượn tiền ba!
Chí Tường nói:
- Không được! Nếu như em yêu anh, em không được nhắc đến chuyện về nhà mượn tiền nữa! Vĩnh viễn không bao giờ! Anh nói cho em nghe! Hai anh em anh không có một thứ gì trên cõi đời này cả, mà chỉ có niềm tự hào đó thôi! Anh sẽ chịu đựng nổi! Thật vậy! Anh sẽ chịu đựng nổi! Chỉ cần anh Hai cũng chịu đựng nổi!
Thế là, Chí Viễn tiếp tục nằm ở bệnh viện. Chích thuốc, uống thuốc, vô nước biển... số lượng thuốc rót vào người chàng mỗi ngày nhiều đến độ kinh hồn, Chí Viễn không cần phải hỏi, cũng biết rằng phí tổn thuốc men và bệnh viện cũng lên đến con số khả quan. Ức Hoa mỗi ngày đều đến bệnh viện với chàng, mỗi lần đến đều đem theo một món soup, khi thì soup gà, khi thì soup bò... cùng những thức ăn mà chàng vẫn thích. Ông già cũng gần như đến mỗi ngày, mỗi lần đến, ông đều sờ nắn vào hai bên xương chả vai của chàng, xuống một câu kết luận:
- Hình như khỏe hơn một chút rồi đó, sắc mặt thấy cũng đỡ nhiều!
Chàng không hề thấy mình khỏe hơn một chút nào, trong bệnh viện, chàng càng ở càng thấy mình tiêu cực hơn, càng ở càng thấy mình khổ sở hơn, chàng cảm thấy mình như con thú bị giam trong lồng kín mít. Mỗi ngày nằm trên giường, những ngày tháng vô tích sự làm cho chàng muốn điên người lên, theo với từng ngày trôi đi, tính tình chàng trở nên nóng nảy và dễ nổi giận. Chàng trách thức ăn của Ức Hoa nấu không được ngon, trách ông già gạt chàng, cứ nói chàng khỏe hơn một chút, trách Chí Tường mỗi lần đến thăm chàng chỉ để cho có lệ, ngồi chưa nóng đít đã lo đi.
Chàng la lên bằng một giọng phẩn nộ:
- Anh nói cho em nghe nhé, Ức Hoa! Trong lòng Chí Tường không hề có thằng anh của nó là anh đây! Nó chỉ biết có tình yêu của nó thôi, tất cả thời giờ nó có, nó đều dành cho Đan Lệ! Nó không hề có kiên nhẫn ngồi xuống nói chuyện với thằng anh nó lâu một chút! Nó là một đứa vô tâm! Mà cũng không hề có chí khí! Ra trường đã bao lâu rồi, nó có có làm được một tác phẩm điêu khắc nào nữa không? Anh thì tại vì bị bệnh, chứ còn nó, nó như thế nào? Nó là một đứa vô tâm, vô tánh, không biết lo lắng gì cho tương lai của mình!
Ức Hoa dùng tay đẩy chàng nằm nhè nhẹ trở xuống gối, nước mắt từ từ chảy dọc dài xuống hai bên má, nàng nói nhè nhẹ:
- Đừng nên trách Chí Tường anh ạ, chú ấy bận quá đấy thôi!
- Bận! Bận! Làm phụ giáo thì có bận được bao nhiêu?...
Chí Viễn la toáng lên, nhìn thấy nước mắt của Ức Hoa, chàng bèn chuyển mục tiêu:
- ... Tại sao em lại có nhiều nước mắt thế? Em có thể nào không khóc được không? Đợi đến khi nào anh chết rồi em khóc cũng chưa muộn mà!...
Ức Hoa quay người, xoay lưng lại phía chàng, lặng lẽ lau nước mắt. Thế là, Chí Viễn lại đưa tay ra kéo nàng vào lòng, ôm lấy nàng thật chặt, chàng nói bằng một giọng thật thống khổ:
- Tha thứ cho anh, Ức Hoa! Anh sắp điên lên rồi! Ở trong bệnh viện mãi như thế này, anh thật sự muốn điên lên rồi! Ức Hoa, lỗi tại anh, em đừng khóc nữa!
Ức Hoa áp gương mặt mình thật chặt vào trước ngực chàng, nàng nói lẩm bẩm:
- Em không khóc đâu, chỉ cần anh cố gắng tịnh dưỡng, em không khóc, em sẽ học theo hai anh em anh, em không khóc!
Hai anh em? Trong lòng Chí Viễn cảm thấy hơi rúng động.
xxxxxxx
Buổi tối hôm đó, Chí Tường và Đan Lệ cùng đến một lượt. Hiển nhiên, Ức Hoa đã nói với chàng là Chí Viễn đang trách móc, giận dữ về chàng, vừa bước chân vào cửa phòng, chàng đã cất tiếng xin lỗi ngay:
- Anh Hai, xin lỗi anh, em lại đến trễ quá. Mấy đứa học trò của em cứ nhùng nhằng nắm em ở lại, hết đòi học vẽ tranh, lại đòi học điêu khắc...
Lửa giận của Chí Viễn lại nổi lên bừng bừng:
- Điêu khắc?... Anh bệnh hết mấy tháng nay, không thể đốc thúc em học tập, cố gắng, thế là em không cần phải cố gắng nữa, phải không? Điêu khắc? Em nói thử cho anh nghe coi, mấy tháng nay, em đã sáng tác được những gì?
Chí Tường cười giả lả:
- Anh Hai! Không phải em không muốn sáng tác, mà là vì em không có hứng...
Chí Viễn ngồi bật dậy trên giường, la toáng lên:
- Không có hứng!... Nhưng mà, em lại có hứng cùng với Đan Lệ ngắm trăng, nói chuyện tình yêu chứ gì?
Đan Lệ bước lên phía trước một bước, nàng cũng la toáng lên không nhịn được:
- Anh Hai! Anh đừng có muốn nói là cứ nói càng như thế! Anh không hề biết gì hết! Anh đỗ tội oan cho người khác! Thời gian Chí Tường gặp mặt anh còn nhiều hơn gặp em, em muốn gặp được anh ấy còn khó hơn lên trời, từ trước đến giờ, địa vị của anh Hai trong trái tim anh ấy bao giờ cũng hơn hẳn em...
Chí Tường đưa tay ra kéo Đan Lệ về phía sau:
- Tiểu Lệ Chi! Em nói ít đi vài câu không được sao? Em không biết là anh Hai đang bệnh sao?
Giọng nói của Đan Lệ chứa đầy nước mắt:
- Chẳng lẽ bệnh rồi có quyền muốn la lối, rầy rà ai cũng được hay sao? Anh ấy bệnh là bệnh về thể xác, không lý nào cũng ảnh hưởng đến cái đầu hay sao? Em xem anh ấy...
Chí Tường nghiêm khắc nạt ngang nàng:
- Tiểu Lệ Chi! Im ngay!
Đan Lệ ngẩng người ra. Nàng đứng chết trân ở đó, nhìn trừng trừng vào Chí Tường, sau đó, dậm mạnh chân một cái, nàng quay người xông ra hướng cửa, vừa đi vừa khóc:
- Em mệt mỏi lắm rồi! Em không muốn dành giựt anh với anh Hai của anh nữa!
Chí Tường nghiêm khắc và bướng bỉnh:
- Tiểu Lệ Chi! Em dám bỏ đi! Nếu như em dám làm nư mà bỏ đi vào lúc này, thì giữa chúng ta coi như cũng hết!
Đan Lệ sựng người lại, đứng chết cứng ngay ở cửa, còn đang do dự, Ức Hoa đã nhanh nhẹn chạy đến, đưa tay kéo nàng vào lòng, kêu lên an ủi:
- Đan Lệ! Coi như em nể mặt chị mà ở lại vậy! Gặp phải hai anh em nhà này, là cái số của hai đứa mình! Chẳng lẽ em lại thật sự nỡ nhẫn tâm bỏ đi hay sao?
Đan Lệ vùi đầu vào lòng Ức Hoa.
Ở đây, Chí Viễn kinh ngạc nhìn Chí Tường:
- Anh không hiểu, tại sao cô ấy lại giận dữ như vậy chứ?
Chí Tường đi đến gần Chí Viễn, ngồi lên thành giường:
- Anh Hai! Anh đừng giận nàng, mấy lúc gần đây, tâm tình của mọi người đều không được ổn định! Anh Hai!...
Chàng vỗ vỗ vào tay Chí Viễn, an ủi:
- Anh an tâm đi, em sẽ cố gắng sáng tác, em không bao giờ bỏ những gì em đã học đâu!
Chí Viễn đưa tay chụp lấy bàn tay của Chí Tường:
- Chí Tường! Em đừng nên phụ lòng anh! Em là một nghệ thuật gia, em có đôi bàn tay của một nghệ thuật gia...
Chàng lật bàn tay của Chí Tường ra nhìn, trong khoảnh khắc đó, chàng ngớ người ra.
Đó là đôi bàn tay của một nghệ thuật gia chăng? Đôi bàn tay đó, chứa đầy những lớp da dày cộm và sần sùi, những lóng tay thô to, lòng bàn tay chằng chịt những vết đứt và máu bầm, bàn tay đó thô nhám còn hơn cả bàn tay của chàng! Đồng thời, những đầu móng tay đều bị nứt nẻ, nó đã làm những gì? Chí Viễn kinh hoàng ngẩng đầu lên, nhìn Chí Tường trân trối, không một chớp mắt. Trong lòng chàng đã hiểu ra, thế nhưng lại không dám tin, chàng chép miệng lẩm bẩm, giọng chàng đau đớn, bi thương:
- Bàn tay của em có còn là bàn tay của một nghệ thuật gia nữa không?
Đan Lệ nhoài người sang, lúc này, nàng mới nói bằng một giọng uất ức, trầm thấp:
- Bây giờ, chắc là anh đã hiểu rồi chứ gì, anh ấy có đi làm phụ giảng ngày nào đâu? Có bao giờ nhận học trò dạy tư đâu? Trong khoảng thời gian gấp rút như thế này, anh bảo anh ấy đi tìm việc làm ở đâu bây giờ? Huống chi, anh cũng biết đó, ở Âu Châu này, đắt nhất là sức lao động! Do đó, anh ấy đã nhận lấy việc làm của anh! Mà còn làm cực hơn thế nữa! Buổi chiều anh mới đi đến xưởng làm, anh ấy từ sáng sớm đã đi rồi, từ tám giờ sáng làm đến sáu giờ chiều, buổi tối, lại đến ca kịch viện vác phông, dựng cảnh! Anh ấy làm việc như con trâu, mới đủ tiền mà cáng đáng tiền thuốc men cho anh! Anh ấy không hề lãng phí một phút nào cho em cả!
Chí Viễn nhìn trừng trừng vào Chí Tường, nước mắt tràn lên, dâng đầy đôi tròng mắt chàng, làm mờ đi ánh nhìn của chàng, một thoáng chua xót nghẹn ngào, làm chàng không nói được nên lời. Chí Tường nắm chặt lấy bàn tay của anh, tròng mắt chàng cũng ướt đẫm, thế nhưng, trên môi chàng lại nở một nụ cười, một lúc lâu sau, chàng mới nói:
- Anh Hai! Anh không thể trở thành một nhà thanh nhạc nổi tiếng, có thể, em cũng không thể trở thành một nghệ thuật gia nổi tiếng! Thế nhưng, ở xứ người, ở nơi xa xôi này, dù sao chúng ta cũng đã sáng tạo ra được một thứ: chúng ta đã sáng tạo ra được tình yêu!
Cúi đầu xuống, chàng nhìn thấy bàn tay của mình, đôi bàn tay đó thô nhám và dày cộm những lớp da sần sùi, chàng cũng nhìn thấy bàn tay của Chí Viễn, cũng thô nhám và dày cộm sần sùi! Cả hai đôi bàn tay giao vào nhau, cùng thô nhám, sần sùi! Cả hai đôi bàn tay cùng tạo dựng nên một tình yêu giữa người và người!
Một tia sáng lóe lên trong óc chàng, một cảm hứng nổi dậy trong lòng chàng, chàng sẽ dùng nghệ thuật điêu khắc, sáng tạo ra hai đôi bàn tay này!