Xa anh em tiếc chay vay
Không biết làm răng đặng, cắn ngón tay đứng nhìn
Bây giờ người đàn bà ấy đã xuất hiện trong căn phòng sáu mươi tư mét vuông của vợ chồng anh. Một người đàn bà nghèo, áo quần tuềnh toàng, cũ kỹ cùng với đứa con trai chừng mười tuổi đã gõ cửa đúng phòng anh sau sáu năm gõ cửa nhầm hàng trăm người khác. Người đàn bà ngước lên nhìn anh với gương mặt đầy mệt mỏi nhưng không hề giấu niềm hân hoan, vui sướng... Tựa như một người chạy đua đường trường, nhiều lần tính bỏ cuộc nhưng cứ gắng gỏi gắng đến kiệt sức và đã chạm đích cuối cùng... Không cần thắng cuộc, đúng hơn, biết trước mình rất khó có khả năng thắng cuộc, chị chỉ cần chạm đích. Đích đó là anh, nhưng người chạm “đích” đầu tiên không phải là chị, hạnh phúc đã thuộc về chị ấy.
Anh đến ngồi sát bên chị, khẽ nâng cằm chị lên rồi áp sát má mình lên vai chị. Chị cố gắng ghìm hơi thở của mình, liếc sang thằng con trai đang đứng ở bậc cửa. Nó đang ngó ngơ khắp căn phòng. Tất cả đều lạ lẫm đối với nó. Sáu năm nay nó luôn bấu vào một tay gióng, lon ton chạy theo nồi cháo miến canh của mẹ đi khắp mọi đường ngang ngõ dọc thành phố Quy Nhơn, bao giờ nó cũng dừng lại trước ngõ nhà người ta, chỉ vậy thôi để rồi lại dừng lại trước ngõ nhà khác... Nó không hề thấy một người thân thuộc nào trong “thành phố cháo miến canh” của mẹ nó. Hình như cách đó rất lâu, thời nó còn bé tẹo, nó cũng được sống trong một ngôi nhà rộng như thế này, đồ đạc cũng giống như thế này nhưng cũ hơn, xấu hơn, thứ gì cũng cũ và xấu hơn. Mẹ nó bảo đó là nhà ông bà ngoại. Ông ngoại đã mất, hình ảnh nó biết ông là bộ đội. Thế thì nhất định ông là một người tốt. Còn bà ngoại của nó chẳng tốt gì cả, suốt ngày nheo nhéo mắng nó. Đối với nó, bà ngoại chỉ là một cái roi biết nói, biết cựa quậy, chỉ vậy thôi. Rồi một ngày nào đó, cũng đã rất lâu, mẹ vừa khóc vừa dắt nó ra bến xe. Nó mang máng nhớ đó là một ngày mưa, nhìn mặt người nào cũng buồn rười rượi. Nó lên xe. Đi mãi... Đi mãi... tối rồi vẫn chẳng đến nơi. Đôi khi xe dừng lại, nó mừng quá, tưởng thế là thoát nạn, ai dè được một lúc xe lại rú máy đi tiếp. Cuối cùng, vào lúc nó ngủ say nhất thì bị mẹ nó thức dậy, dắt xuống xe. Nhác thấy mẹ mang theo tay nải, nó biết thế là đến nơi, mừng rú. Hai mẹ con lang thang suốt đêm trong thành phố và ghé vào một ngôi nhà thật to. Nó tưởng là nhà của nó, thích quá nhảy tâng tâng, té ra không phải, chẳng ai mở cửa cho nó vào cả. Lần đầu tiên nó biết thế nào là ngủ nhờ. Ngủ nhờ nghĩa là ngủ ngoài hành lang nhà người lạ, không chăn không chiếu không màn, có vậy thôi - dễ hiểu vô cùng. Nhưng chỉ được phép ngủ nhờ một lát thôi nhé, sau đó sẽ bị gọi dậy và đuổi đi. Nó và mẹ nó đi ngủ nhờ nhà một người khác, lại chỉ được một lát... Suốt mươi ngày ở Quy Nhơn, mẹ nó phải ngủ nhờ như thế. Sau đó mẹ nó tậu được một ngôi nhà, mà chẳng phải ngôi nhà, nhà gì mà có các ô, các ô... phải đập tường ngăn đi mới leo vào được, phải kỳ cọ mãi mới ở được? Khi nó hỏi: “Có phải cái chuồng lợn không?” thì mẹ nó ngồi ôm mặt khóc: “Không phải con ạ, không phải...”. Nó ở cùng mẹ nó trong ngôi nhà bé tẹo này suốt sáu năm. Bỗng hôm nọ mẹ trở dậy rất sớm, bán tống bán tháo tất cả, vội vã dắt nó ra bến xe. Mường tượng có một chuyện gì đó thật kinh khủng đang xảy ra, nó định hỏi nhưng sợ mẹ khóc, bốn năm nay, hễ nó buột miệng hỏi câu gì là mẹ nó lại nước mắt hai hàng. Nhưng đây là một đột biến ghê gớm, nó chịu không nổi, nó hỏi... Mẹ ôm nó chặt khư: “Mẹ đã biết tin ba, mẹ con ta sẽ đi gặp ba”. Nó lạnh người: “Ba, trời đất ơi, ba...!”. Nó chạy đi chạy lại, chạy đi chạy lại, nó thẳng cẳng đá cái nồi đất bay vù. Ba! Nó sẽ được gặp ba nó, trên đời này chỉ có điều đó là quan trọng nhất.
Nó đã gặp. Ba đó kia, đang ngồi cạnh mẹ đấy. Nó nhìn sang hai người và bắt gặp cái nhìn của mẹ. Nó thừa biết mẹ muốn gì, thế là nó vù ra vườn chơi một mình. Lâu nay nó vẫn chơi một mình, chơi một mình vẫn cứ thú như thường.