(Hanoi36plus)- Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng (鉢場), một làng gốm cổ truyền và nổi tiếng của Việt Nam. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát (鉢) là bát ăn của nhà sư (tiếng Phạn là Patra), chữ Tràng (場, còn đọc là Trường) nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo các cụ già trong làng kể lại, chữ Bát bên trái là bộ "Kim-金" ví với sự giàu có, "本-bản" có nghĩa là cội nguồn, nguồn gốc. Dùng chữ Bát như vậy để khuyên răn con cháu "có nghề có nghiệp thì cũng không được quên gốc". Hiện nay, tại các đình, đền và chùa ở Bát Tràng đều vẫn còn các chữ Bát Tràng được viết bằng chữ Hán là 鉢場.
Nằm bên tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), trải qua bao thăng trầm từ thời Lý, thời Trần đến nay làng gốm cổ Bát Tràng vẫn luôn có hàng trăm lò gốm sản xuất. Cuộc sống lao động sản xuất thương mại ở đây, từ bao đời vẫn luôn sôi động. Các sản phẩm bình, bát, đĩa, đôn, chậu, thống, chân đèn… cùng những tinh hoa đúc kết qua lao động của biết bao thế hệ người con Bát Tràng đã góp phần tạo nên sự đa dạng phong phú của nền văn hóa nước ta và làm nên một làng nghề được lưu danh.
Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
hanoi36plus.vn