Tôi đến thăm triển lãm "Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp" vào chủ nhật tuần trước, lẽ ra cũng về viết ngay một vài dòng cảm tưởng rồi, nhưng rồi công việc chộn rộn cũng chợt làm mình xao lãng đi. Một ngày chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi, dường như mọi thứ lại trở lại, một vài dòng ghi nho nhỏ về một thời đã qua.
Những cảm xúc mà một cuộc triễn lãm về một thời đã qua đem lại không phải là một kí ức to tát gì như tấm bảng treo to đùng ở ngay trước cửa ra vào cuộc triễn lãm: "Bao cấp"– Đó là một thời bi tráng, cũng là một bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội. Những gì trở lại với tôi là kí ức của một tuổi thơ ngày xa xưa, trong một con phố nhỏ - Hà Nội thời bao cấp...
Con phố tôi ở , nhỏ và hẹp, nằm chơ vơ kẹp giữa phố Hàng Buồm và Hàng Bạc, mà chẳng mấy người biết đến nó. Phố có nhiều cây bàng, những tán lá bàng xanh mướt gắn bó với trong suốt tuổi thơ tôi. Khi mưa đến, cả lũ trẻ trong phố ùa ra ra nhặt quả bàng chặt đôi để lấy ăn nhân trắng. Trẻ con chẳng có gì, chẳng ô mai mơ mận, kẹo ngọt như bây giờ, những quả bàng vàng ươm, ngọt lịm cứ thế theo tôi trong những chiều mưa Hà Nội.
Ngôi nhà trong căn phố cổ gắn bó với suốt một quãng tuổi thơ
Nhà tôi neo người. Bà ngoại chỉ có một mình mẹ, ông ngoại mất khi tôi còn bé xíu 3 tuổi. Trong kí ức non nớt của tôi ngày ấy, ông gầy gò, chống gậy dắt tay tôi ra chợ Đồng Xuân xem vẹt. Tôi chỉ mong mong cuối tuần, thật ngoan để được ông dẫn đi xem chim chóc ở ngoài chợ. Ông mất , bà càng ngày càng yếu đi trông thấy. Khi tôi mới 4 tuổi, mẹ đang làm ở Cục thống kê quận Hai Bà Trưng phải xin nghỉ mất sức, để ở nhà trông bà vì chẳng còn có cách nào khác, dù biết trong thời buổi bao cấp ngày ấy, mất đi một suất cán bộ thì khó khăn đến như thế nào.
Thế là cả nhà chỉ còn chông chờ vào suất bao cấp của bố. Bố làm giáo viên, đồng lương giáo viên còm cõi chẳng đủ ăn, được một vài suất phân phối khi thì thịt heo beo ra một tí, khi thì mớ rau héo quay héo quắt. Bố dạy ở trường Lý Tự Trọng, cách nhà tôi hơn 10 cây số, nên ít khi bố về đựoc cùng trong ngày. Tuần vài bận, bố lại đạp xe về nhà, thỉnh thoảng mang chút thịt heo bọc trong tờ giấy báo, khi thì mớ rau xoăn lên vì héo. Nhìn cái xe đạp còn lại trong triển lãm, tôi chợt nhớ đến bố tôi - ông giáo làng ngày đó vẫn phải nai ngưòi chở thêm một chồng ấm đun, một chồng chậu nhôm đằng sau lên cho mẹ tôi đem đi bỏ mối cho mấy hàng bán lẻ ở chợ Đồng Xuân. Buổi sáng bố dắt xe đạp đi, tôi níu chặt booc-ba- ga đằng sau, khóc ầm ĩ :"Bố ơi bố đừng về, ở lại đây với con..."
Hà Nội ngày bao cấp là những ngày ngăn sông cấm chợ, buôn bán hàng gì động chạm đến lương thực thực phẩm cũng phải lén lút. Chuỗi tuổi thơ của tôi lớn lên trong con phố nhỏ Hà Nội, nghe gió sông Hồng thổi vào mát rượi mà chẳng thể nào xoá đi được những nỗi nhọc nhằn in hằn trên đôi tay nứt nẻ của mẹ trong những ngày gian khó ấy. Mẹ nghỉ làm nhưng cũng chẳng thể nào chạy ra ngoài đường buôn bán gì cho ra tấm ra món, mẹ chỉ có thể bán hàng quanh quẩn ở nhà, vừa bán hàng vừa trông bà. Cho đến bây giờ, nếu đếm trên hết hai bàn tay những gì loại hang mà mẹ đã phải bươn chải trong suốt gần 10 năm chắc vẫn chưa đủ. Cũng chẳng phải là buôn vàng bán ngọc gì. Mẹ giỏi nấu nướng, khéo tay nên chỉ toàn bán hàng ăn – vất vả, cực nhọc, lãi lại chẳng đáng là bao, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Mẹ chẳng thể bỏ bà, bỏ chị em tôi để đi đâu được. Những tối buổi mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, hai chị em, chị lên 6, thằng em mới chỉ lên 5 co ro đứng ở đầu đường suốt buổi tối để trông Công an cho mẹ bán bánh mì , thấy có xe của Công an đến, là ba chân bốn cẳng chạy về, la "Cá, cá..." (Cá tức là gọi tắt của C.A – Công An). Mẹ nghe tiếng, đóng sầm cửa, tắt phụt đèn, cả chủ hàng lẫn khách hàng im thin thít. Khi xe công an phường đi qua, mới bật đèn, bê hàng ra bán trở lại. Để có được chút pate, chút xúc xích bán bánh mì ngày ấy, mẹ phải dậy từ sớm tinh mơ, ra cửa hàng thực phẩm chờ cô bán hang mậu dịch giấu riêng ra cho một góc, bánh mì cũng phải lén lút chờ một cô đưa bánh mì tận nhà, hé cửa đón vào rồi đóng sập cửa lại.
Cũng có đợt , mẹ xoay sang bán cả bánh rán và bánh gối nữa. Thế nên chẳng phải vô cớ mà hồi lớp đại học liên hoan bánh gối, tôi vặn bánh gối đẹp nhất hội. Cam đoan là bánh gối ở phố Lý Quốc Sư bây giờ cũng chẳng ngon bằng bánh mẹ làm khi ấy. Hai chị em buổi tối mất điện, trong ánh đèn dầu tù mù, ngồi dán túi đựng bánh, cái nhỏ đựng vừa 3 cái, cái nhỡ cho 5 cái, cái to để đựoc 10 cái. Dán túi bằng bột nếp quấy đều lên bằng que đóm. Có hôm bán hàng rất đắt hàng, rồi tự nhiên trời đổ mưa, chỉ còn có gần 20 chục cái mà chẳng có ai mua. Ba mẹ con đành phải ngậm ngùi ăn trừ cơm chiều. Mẹ vừa ăn vừa thở dài "Thế là hết cả vỗn lẫn lãi". Bây giờ, đôi khi đi làm về muộn, chiều tối gặp người gánh hàng rong nằn nì mua giúp họ vài cân quả để họ lấy nốt vài đồng lãi, dù không muốn ăn, tôi vẫn nán lại mua được chút nào thì mua, tôi nhớ đến những đồng vốn đồng lãi ít ỏi mà ba mẹ con phải cố gắng ăn hết những buổi chiều mưa ngày ấy...
Bà thì già yếu, hay ốm và khó tính khó chiều, chỉ hơi trái ý một chút là bà giận dỗi và mắng mỏ, bố thì không ở bên cạnh, hai chị em còn nhỏ xíu, chả biết làm gì ngoài mấy việc vặt vặt giúp mẹ. Hồi đi đong gạo, nhà tôi cũng chẳng để cục gạch xí chỗ làm gì và cũng chẳng có ai đi đong gạo thay được. Lúc đó, tôi đã biết đứng xếp hàng, chìa sổ gạo nhận gạo về nhà. Hồi đó bé tẹo, hàng xóm toàn gọi là "Hằng kẹo" vì bé như cái kẹo mút, hì hục kéo cái xe kút kít đẩy đựng hơn chục kg gạo mốc gạo đỏ về nhà cho mẹ.
Cảnh mua gạo
Mẹ đảm đang, khéo xoay xở nên trong những ngày ấy, dù mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc, vẫn lo đủ cho chị em tôi miếng cơm manh áo. Những đồ quần áo của hai chị em ngày ấy, cũng toàn do mẹ cắt may tự thiết kế, rất đẹp. Có một mảnh vải của bố mang về, trông vừa thô vừa xấu, mẹ vô tình nhìn thấy trong quyển album của Liên Xô, có hình một cô gái tươi cười cầm cây vợt tennist, mặc cái kiểu váy trông khá đẹp. Buổi đêm, khi dọn hàng xong, mẹ lôi kéo lôi thước ra may cho tôi cái theo kiểu ấy. Đó là một trong những cái váy mà tôi rất thích mãi, vì nó trông rất điệu đà, có túi to để tôi có thể đút một tay vào túi.
Tôi là một đứa trẻ hạnh phúc vì được sống và lớn lên và đùm bọc trong sự yêu thương và hy sinh của mẹ. Từ lúc học lớp 1 lớp 2, năm nào tôi cũng được làm sinh nhật.Những buổi sinh nhật chỉ có vài cái bánh nhỏ, mấy củ đậu trắng nhưng năm nào cũng vui vì trẻ con hàng xóm tụ tập đông đủ. Trước ngày sinh nhật tôi mấy hôm, mẹ tranh thủ những lúc rảnh tay bán hàng là hì hụi làm cho tôi những cái thiệp mời sinh nhật xinh xinh, tô màu xanh đỏ, hình cún bông, mèo bông...Hàng xóm đứa nào cũng thích những cái thiệp mẹ vẽ, đến khi sinh nhật tụi nó là bọn nó lại sang nhà nhất định đòi mẹ vẽ cho bằng được, phải đẹp như những cái thiệp của tôi mới chịu về. Những cái thiệp sinh nhật xanh đỏ ngày ấy...
Thường khi người ta quá chú tâm để lo lắng cho những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống thì những điều khác dễ bị lãng quên. Nhưng mẹ đã không quên để cho hai chị em hiểu rằng cuộc sống còn có rất nhiều điều khác nữa đáng phải học, đáng yêu. Sáng sáng, mẹ cũng đèo hai chị em đi học ở Cung thiếu nhi rồi mới quay về nhà bán hàng, ngày mưa cũng như ngày nắng cho đến khi hai chị em có thể dắt tay nhau tự đi được.
Những ngày ấy, nếu chẳng phải là con cái nhà quan chức thì đứa trẻ nào cũng chịu khó khăn chung vậy thôi. Gia đình tôi cũng vậy, nhưng để hai chị em tôi có được một cuộc sống không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc, mẹ đã phải hy sinh rất nhiều, hy sinh niềm đam mê công việc, để lăn xả vào cuộc sống đầy dầu mỡ, thức khuya dậy sớm đủ đường, chỉ cần tâm niệm một điều để hai chị em lớn lên tự tin, mạnh mẽ , biết yêu và trân trọng những giá trị cuộc sống.