Nó không còn ở đó.
Trên mặt đất nhờ nhờ bàng bạc, còn dăm giọt loang lổ vương lại. Những giọt ấy gọi là gì nhỉ? Không biết. Chưa từng hỏi và chưa từng ai trả lời. Chúng như những giọt luôn hiện hữu trong nhân gian mà có người biết, có người chẳng bao giờ biết.
Nhiên liệu? Nói vậy thì chung chung quá. Dầu? Xăng? Nhớt? Chịu! Hay mồ hồi? Hay máu? Hay nước mắt? Hay chất thải? Cũng chịu!
Chỉ có nó mới biết những gì nó để rơi là gì. Là gì của nó. Định hỏi. Nhưng nó không còn ở đó.
Thôi chết! Cái xe máy không còn ở đó!
Nó mất. Nó mất rồi. Chỉ còn một vệt dầu loang…
Một cái “Dream” khoảng mười bảy triệu. “Giấc mơ” cũ rồi mà. Màu mận đương độ chín. Có vài vết xước như chó đớp, mèo quào. Biển số… Biển số bao nhiêu nhỉ? Không nhớ. Không nhớ nữa. Tẹo rồi biết trình báo thế nào đây?
Phanh không còn ăn. Đã đi một số cây số. Mỗi ngày độ dăm. Một tháng độ trăm. Một năm độ nghìn. Ba năm… Ba năm thì không tính được.
“Giấc mơ” cũ đã mất rồi.
Mất chứ không phải biến mất. Trong thế gian này, chẳng có gì tan biến cả.
“Không gì tự nhiên sinh ra. Không gì tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Mà thôi”
Nó mất ở đây và nó lại xuất hiện, lại sống ở kia. Lại bon bon trên đường bụi với khuôn mặt mới. Cũng có thể là khuôn mặt cũ. Nào ai để ý. Nào ai nhận ra. Mấy ai thèm nhìn mặt nhau bao giờ. Nhất là một khuôn mặt cũ. Một khuôn mặt ai ai cũng có.
Có thể nó sẽ bị tháo tung cơ thể. Bán hết nội tạng, ruột gan phèo phổi. Rồi mai đây, chúng lại xuất hiện trên mình một “giấc mơ” mới. Thấy quen quen mà không biết từng ôm ấp ngần ấy năm trời.
Cái gì đời lấy đi, cứ để đời lấy đi. Đời công bằng lắm. Có vay có trả. Kệ thôi.
Nhưng cái “giấc mơ” cũ ấy, đời có lấy đi đâu. Người ta, người ta lấy đấy chứ. Mà người lấy thì chưa chắc người đã trả. Mà người có trả thì chưa kịp đến tay mình, biết đâu người khác đã cướp đi. Và người lấy lần thứ nhất lại thêm dằn vặt. Lại đi lấy của ai đó để trả mình cho bằng được. Lấy của nhau. Lấy mãi của nhau. Vay-trả nợ đời chẳng bao giờ hết. Phải thế chăng?
Mặc kệ? Mặc kệ làm sao được! Phải đi trình báo. Rõ ràng phải đi trình báo. Mình cứ im ỉm. Mình không khổ nhưng người ta lại khổ.
Trình báo sao đây? Trước tiên là với bác trông xe. Nói thế nào đây? Khó quá! Tốt nhất là cứ loanh quanh luẩn quẩn. Rồi bác ta sẽ quát: “Thằng kia! Mày rình mò gì thế? Muốn gô cổ lại không? Phắn!”. Lúc đó mình sẽ bảo: “Bác ơi, em mất xe”.
Nhưng bác ta không tin. Bác ta không tin đâu. Cái mặt, cái bộ dạng mình bình thản và nhơn nhơn quá. Có ai mất xe lại thế không. Làm thế nào đây? Làm thế nào để bác ta tin? Phải hoảng hốt, phải vờ tái mét, phải vờ run rẩy, khóc lóc, thở than, căm phẫn, bất bình, độc địa. Bác ta cũng sẽ trắng bệch, hoảng loạn theo. Loạn cả lên. Thế là không còn tâm trí mà ngờ hoặc. Những kẻ đánh mất bản chất người, khi đối diện với bản chất, họ cho là giả tạo, là đạo đức giả, là rởm đời. Phải thế chăng? Phải đóng kịch, phải đeo mặt nạ thì người ta mới cho là mặt thật. Ư?
Đằng này… Mẹ kiếp! Sao mà mình bình thản quá. Có cái “giấc mơ” vẫn sống mà không có nó cũng chẳng chết. Mình đã đổ mồ hôi vì nó, nó cũng phát ốm vì phục vụ mình. Huề cả làng. Chẳng ai bóc lột ai cả. Chẳng ai thua thiệt cả. Không có nó thì sao? Cuốc bộ hoặc đi xe buýt. Người yêu càng quí chứ sao.
Nếu nó là cái xe đi mượn thì lại là một nhẽ. Sẽ cuống cuồng lên. Nghĩ đến một viễn cảnh xin lỗi và trả góp. Cứ nợ là phải trả. Nhiễm thói ấy mất rồi.
Đằng này… Cái “giấc mơ” ấy là của mình. Chẳng vay chẳng nợ ai trên đời cả. Mình chẳng bao giờ phải tính toán với mình. Cái hồn nó chẳng bao giờ đòi hỏi cái gì ngoài tình yêu thương. Cái “giấc mơ” nó mất đi thì thôi. Kệ cha nó!
Tại sao mình lại phải đóng kịch hả? Tại sao? Đừng hòng! Ta cứ vác cái bộ mặt tỉnh bơ này ra. Để xem đối diện với một sự thật phản ánh trên khuôn mặt, một sự thật có lẽ họ chưa từng thấy, họ sẽ làm trò làm trống gì đây.
Cửa ải đầu tiên là bác trông xe. Mà bác ta có tin hay không chẳng phải vấn đề then chốt. Tin hay không rồi bác ta cũng giải mình đến đồn công an nơi gần nhất. Cũng hay. Mình lại biết thêm một con đường đến đồn công an. Trên đời này, còn biết bao con đường mà mình chưa biết. Cũng hay. Để xem lực lượng công an nhân dân đối xử với quần chúng thế nào.
Ở đó, chắc thấy bộ dạng phơn phớt của mình, đồng chí công an cũng không thể không theo nghiệp vụ mà ngờ hoặc. Giải trình thế nào đây? Biển số xe không còn nhớ. Đây là lần thứ hai mình nghĩ về cái biển số. Nó như bộ mặt cái “giấc mơ”. Ba năm đè nén nó rồi mà mình không nhớ ra mặt nó. Mình vô tâm thật. Bị nghi ngờ cũng đáng. Vô tâm thì cho chết! Còn phàn nàn gì nữa.
Mà không nhớ thì cứ nói thật ra. Một cái sự thật chẳng ảnh hưởng gì đến nền hòa bình thế giới. Cớ gì mà không dám nói. Suốt từ nãy, băn khoăn làm cái thá gì. Đúng là thân làm tội đời!
Ừ. Rồi đồng chí công an sẽ hỏi: “Anh sở hữu chiếc xe được mấy năm rồi?”. “Dạ. Ba năm”. “Ba năm! Vậy mà anh không nhớ nổi cái số xe. Của chính anh. Trông anh cũng sáng sủa đấy chứ!”
Tự nhiên trong não mình văng vẳng điệu nhạc: “Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố-Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”
Mình sẽ trả lời: “Cảm ơn lời khen của đồng chí. Dạ. Tôi là nghệ sỹ”. Hai tiếng “nghệ sỹ” nghe cứ ngường ngượng thế nào. Nhưng đành phải nhả ra. Còn hơn bị coi là thằng hâm, thằng mất trí, thằng bố láo.
Đồng chí ấy sẽ cười: “À, ra vậy. Đồng chí tên gì?”. Mà không, ngay từ lúc lấy lời khai, đồng chí ấy đã biết tên mình. Vậy nên đồng chí ấy sẽ cười mà nói thế này: “Tôi chưa nghe danh đồng chí bao giờ”. Bắt đầu khó nghĩ đây. Nói: “Dạ. Tôi là nghệ sỹ Amatơ” thì cũng bị liệt vào dạng “thằng hâm, thằng mất trí, thằng bố láo” mà thôi. Mà nói: “Dạ. Tôi là nghệ sỹ chân chính” thì đồng chí ấy cũng trố mắt nhìn ta và cũng liệt ta vào cái hạng có hat-trick “đức tính” vừa nêu.
Cuối cùng trả lời “Vâng” là hợp nhất. Mà không, lúc ấy, có lẽ “im lặng là hạnh phúc”. Mình không thích từ “vàng” nghĩa vật chất. Im lặng là lá vàng, là mùa thu vàng. Nghe êm biết mấy. Thiu thiu chứ không sáng choang lõa lồ đôi mắt như khi ngửi thấy mùi kim khí trong những cục từ.
Im lặng. Đồng chí ấy sẽ có khoảng nghỉ để hả hê vì câu đùa dí dỏm. Và tiếp tục động não để vờn mình một cách thi vị nhất. Để xem ai nghệ sỹ, ai câu cú hơn nào.
Không. Mình nghĩ, nếu im lặng, đồng chí ấy sẽ day dứt về câu đùa sắc lưỡi. Vì chuyện cái “giấc mơ” vớ vẩn mà mình lại làm đồng chí ấy mất vui. Không được.
Hay mình bảo: “Tôi đang chìm, đang lắng. Chưa nổi, đồng chí ạ”. Nói thế có ngạo quá không? Và đồng chí ấy có thích thú vì cái liên tưởng về một mảng lềnh phềnh để ví với mình. Mình rất bình tĩnh. Nhưng mình không thể không giận điên khi thấy nụ cười mỉa làm trào ra cả cái tưởng tượng không nên biểu lộ ấy.
Hay mình bảo: “Tùy đồng chí hiểu. Để tôi đọc một đoạn vừa ứng tác, đồng chí phê bình cho nhé:
Cái giấc mơ vừa mất
Chẳng biết mình có còn
Có đau bằng mất mẹ
Có xót bằng mất con?”
Ừ. Hay. Từ chuyện mất xe cỏn con mà mình giao lưu được thêm một người. Được nói chuyện, được trao đổi. Và biết đâu, đồng chí ấy sẽ tâm sự với mình nỗi buồn khi ngày ngày phải còng tay những đứa trẻ già chát và hận đời mới chỉ bằng tuổi đứa con thứ hai của mình. Biết đâu, mất một cái xe, có thêm một người anh em, một người đồng chí.
Ấy nhưng nhỡ đồng chí ấy phì một cái… Chắc là mình không chịu được. Không khác nào nhổ nước bọt vào mặt một đứa trẻ vô tội. Chẳng nhẽ mình đấm cho đồng chí ấy một phát. Nhưng nếu mình làm thế, mình cũng chẳng còn là mình. Và lại, vừa mất “giấc mơ” vừa thêm tội “chống người thi hành công vụ”. Có lẽ mình nên im lặng. Mình rất sợ phí thơ. Thả thơ ra để nó bị bọn vô học cho ăn một cái tát. Mình không bao giờ thả. Thà tát mình còn hơn.
Mà này, mấy giờ rồi còn tưởng tượng! Mày đang mất cái “giấc mơ”. Mất cái “giấc mơ” đấy. Nghe rõ chưa? Mất “giấc mơ” rồi sao mày còn chưa tỉnh?
Con người? Họ là ai? Đồng chí công an ấy, người trông xe kia. Chỉ khi ta gặp họ, ta mới hiểu họ là ai. Họ là mỗi con người. Mỗi con người trong Loài Người. Họ biểu trưng cho chính họ. Chưa thể biết ai biểu trưng cho Loài Người
Mà tại sao ta cứ miên man thế? Tại sao ư? Vì ta ngại. Ngại nói là ta mất xe. Ta ngại nói sự thật với ai nhìn ta ngờ vực. Ta ghét phải gây phiền nhiễu đến những ai lúc nào cũng lo bị làm phiền. Ta chờ. Ta chờ ai đó đến hỏi ta.
…
- Không tìm thấy xe à?
- Ơ. Dạ. Vâng.
- Đưa tôi xem vé nào.
- Ơ. Đây ạ.
- Cái cậu này lạ thật. Vé xe này ở bãi bên kia cơ mà.
- Ơ. Vâng.
- Cậu vừa uống rượu hở?
- Dạ không. Em say nắng.
- Sẩm tối rồi còn say nắng nỗi gì. Thôi về đi kẻo vợ con mong.
- Em chưa có vợ, có con.
- Thế thì vẫn phải về để mẹ khỏi mong chứ. Trông cậu buồn cười quá. Cứ như người từ trên giời rơi xuống.
- Biết đâu đấy, bác. Cảm ơn bác.
- Đi đường cẩn thận nhé.
- Dạ.
Ra thế. Cái “giấc mơ” của mình không mất. Nó mất hay không mất là may đây? Dăm giọt loang lổ ở khoảng đất trống mình lầm là của mình kia thuộc về “giấc mơ” của ai? Họ lại đang chu du với nó hay tẹo nữa có người khóc òa lên vì mất nó?