Hiene* nói:
- Thế giới đã nát tan,và để lại vết nứt trên mình thi sĩ”.
LỊCH TRÌNH TÌNH CẢM là phần đầu của NHỮNG ĐIỀU GỢI Ý CỦA MỘT NGƯỜI DUY VẬT, ghi lại những vết nứt mà khi tan nát đã để lại trong lòng nhà thơ.Cuốn này bao gồm một truyện ngắn,một truyện vừa,một truyện dài*.
Tách riêng ra,mỗi truyện có thể độc lập,hợp lại có thể thấy cả ba miêu tả một quá trình,qua đó thấy được đường nét và chiều hướng của vết nứt.
Phần thứ hai của NHỮNG ĐIỀU GỢI Ý CỦA MỘT NGƯỜI DUY VẬT là LỊCH TRÌNH NHẬN BIẾT và phần thứ ba là SÁNG THẾ KÝ sẽ đều do < nhà xuất bản Tác giả > xuất bản.
TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG.
--------------
*Heinrich Heine (1797-1856) nhà thơ lớn của Đức. *Trong nguyên tác tiếng Trung truyện ngắn NỤ HÔN ĐẦU và truyện vừa CÂY LỤC HÓA cùng vớI tiểu thuyết MỘT NỬA ĐÀN ÔNG LÀ ĐÀN BÀ được hợp thành một cuốn sách tiêu đề LỊCH TRÌNH TÌNH CẢM đề từ của tác giả viết cho cuốn sách đó (ND)
Bạn đọc có trong tay cuốn tiểu thuyết MỘT NỬA ĐÀN ÔNG LÀ ĐÀN BÀ của nhà văn đương đại Trung Quốc nổi tiếng Trương Hiền Lượng.
Ông thuộc lớp nhà văn trung niên đang độ chín,là lực lượng nòng cốt sáng tác Văn học hiện nay mà phần lớn đã từng là nạn nhân của đường lối tả khuynh từ cuối thập kỷ 50 cho đến 10 năm Cách mạng văn hoá khủng khiếp.
Trương Hiền Lượng quê ở Giang Tô,sinh năm 1936 tại Nam Kinh.Tồt nghiệp trung học năm 1954 ông đến Ngân Xuyên(Ninh Hạ) làm giáo viên trường văn hoá cán bộ.Bắt đầu làm thơ khi còn là học sinh trung học, đến năm 1957 ông đã có hơn 60 bài thơ đăng trên các báo và tạp chí. Năm đó trường ca Khúc Hát Đại Phong của ông bị phê phán bản thân ông bị quy chụp là hữu phái và bị đưa đi cải tạo lao động. Đến năm 1979 ông mới được minh oan và được trả lại tự do. Ông trở lại sáng tác hơn 20 năm treo bút.
Hai truyện ngắn Hồn và Xác và Xéc-Pu-Lăc của ông lần lượt giành được giải thưởng truyện ngắn ưu tú toàn quốc năm 1980 và1983.Cây Lục Hoá đoạt giải truyện vừa ưu tú toàn quốc lần thứ ba.
ThờI thanh niên ông yêu văn học Nga và Pháp. Nhờ ảnh hưởng gia đình, ông bồi đắp cho mình nền tảng vững chắc về văn hoá cổ điển Trung Quốc.Trong 20 năm chịu án oan, ông suy ngẫm về số phận của riêng mình và của đất nước,chuyên tâm nghiên cứu triết học và chính trị kinh tế học Mác-Xít.
Ông có lần tự nói về mình: Bản thân tôi có cảm nghĩ rằng mình có thể là một con người sôi nổi và kiên định.Bất cứ lúc nào tôi cũng có một niềm tin vững như bàn thạch đối với Tổ Quốc tôi, đối với dân tộc vĩ đại của chúng tôi. Niềm tin ấy có được không hoàn toàn nhờ sách vở mà phần lớn nhờ thể hội trong cuộc sống gian nan khốn khổ của mình.
Truyện viết về số phận của Chương Vĩnh Lân một thanh niên trí thức bị quy chụp hữu phái đi từ trại cải tạo này đến trại cải tạo khác trong không khí đàn áp ngột ngạt và khủng bố ghê rợn của đấu tố và cách mạng văn hóa.Con người bị đày đọa tước đoạt hết mọi nhân quyền, kể cả cái quyền làm một sinh vật giống đực,bị tha hóa đến mức khi được làm một công nhân nông trường, được phép lấy vợ cũng không còn đủ năng lực của người đàn ông bình thường trong sinh hoạt vợ chồng.
Hơn 20 năm trăn trở,suy tư,vật vã và bị cuộc đời, giằn vặt, xô đẩy, nhào nặn.
Một xã hội tràn ngập không khí khủng bố, đảo điên, lừa dối, ngột ngạt hiện lên qua những người tù đàn ông và tù đàn bà. Những người tù và những kẻ coi tù,những người bị tố giác và những kẻ đi tố giác, qua lý tưởng cao đẹp của những trí thức giác ngộ chân chính và sự xa đọa của những kẻ khoác áo cách mạng đi thực hiện cái gọi là chuyên chính đối với những tù nhân bị gán tội kẻ thù giai cấp.
Nhưng tác phẩm không dừng lại ở việc tố cáo cách mạng văn hóa mà đã đặt ra nhiều vấn đề nhân văn rộng lớn, có ý nghĩa nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Mác như chúng ta thường nói.
Bản dịch của chúng tôi cố gắng cung cấp một lượng thông tin khiêm tốn đến bạn đọc, có gì sai sót mong bạn đọc vui lòng chỉ bảo.
Tháng 01-1989 NXB LAO ĐỘNG
--------------------------
Đã bao lần tôi muốn ghi chép lại quãng đời ấy nhưng không viết ra được, chẳng phải ân hận hổ thẹn vì nó, mà chính vì thấy cần dấu đi những sự việc nhục nhã trong đó. Tự mình thường đối lập ngay với chính mình, ánh mặt trời chiếu qua ô cửa sổ, nắng chiều phủ một mầu vàng kim rực rỡ trên tường đông. Con thiêu thân đậu trên bức tranh sơn thủy bỗng bay lên, lặng lẽ đảo quanh trong phòng. Mặt trời đã sắp đi hết chặng đường của nó, nhưng ngày mai nó sẽ mọc lên, lại theo con đường vĩnh hằng bất biến ấy mà vòng lại từ đầu; nhưng con thiêu thân có lẽ không chờ được đến ngày mai thì đã chết và hóa thành tro bụi.Trên cõi đời này hàng triệu sinh vật sống rồi chết, loài tự giác loài không tự giác, nhưng tất cả đều truy cầu sự trường sinh hoặc lẽ vĩnh hằng đến nực cười.Thực ra sinh vật nào cũng đều đạt tới vĩnh hằng, dẫu rằng cái vĩnh hằng ấy chỉ kéo dài một tích tắc đồng hồ mà thôi, trong một tích tắc ấy đạt tới cái vĩnh hằng! Tôi đâu có muốn truy cầu cái vĩnh hằng hư vô viển vông ấy, cái vĩnh hằng đã tồn tại ngay trong cuộc đời tôi.
Vĩnh hằng là gì? Thật ra đấy chỉ là cảm giác là sự bập bềnh bất định của cuộc đời.
Cảm giác đâu có nắm bắt được, nhãng đi một tí là biến mất, cảm giác đâu có tên gọi hình thể, và cũng chẳng biểu đạt được bằng bất cứ khái niệm nào. Thời gian cứ trôi đi mãi, cuối cùng cảm giác sẽ lắng lại, đọng thành một hạt nhân không tan đi được nữa và vùi sâu chôn chặt trong trái tim con người. Còn con người lại chẳng thể nào giải thích nổi cảm giác, vì con người đâu thể nhận thức được chính mình. Những gì không nhận thức được là có ý nghĩa vĩnh hằng, vĩnh hằng tồn tại trong phút chốc. Tôi biết, trong cảm giác thoáng qua phút chốc ấy của tôi đã dồn nén kinh nghiệm của loài người tự cổ chí kim.
Mặt trời sắp lặn màn đêm sắp buông, có một thứ nữa sắp đến là giấc mơ. Giấc mơ ấy có lẽ là hình dáng bề ngoài của hạt nhân bên trong.
….Lau lách xào xạc bên đường. Rìa đường là con mương thoát nước, nước chảy róc rách trong xanh thấu đáy, rất giống suối khe vùng rừng núi. Từng bầy cá giếc nhỏ, dài hơn đốt ngón tay quẩn quanh dưới đám cỏ nước xanh rờn bên rìa mương, chốc chốc chúng lại nhô lên đám lườn nhỏ đen đen, hoặc phô ra phần bụng trắng bạc lấp loáng như những đốm sáng. Nắng vàng tỏa khắp bốn bề, không gian mênh mông lặng lẽ, trên con đường đất thoai thoải hằn rõ vệt bánh xe in sâu chẳng khác gì hai dải đường ray lõm xuống. Tôi đi trên đường, bước chân nặng trĩu mà nhẹ tênh. Lát sau bụi đất dưới chân tôi bốc lên mù mịt như sương mai, khiến mọi vật trở nên mờ ảo mềm mại. Tôi cứ theo vệt bánh xe bước tiếp, tôi cảm thấy mình có thị lực kỳ lạ qua lớp bụi vàng dầy dặc nhìn rõ những cái mình ý thức được. Tôi tựa hồ nhìn thấy một chú mèo: lông xám có viền trắng, nó đứng gồng cong lưng lên vẻ cảnh giác trước mặt tôi. Cả thân mình chắn ngang đường, hai chân trước sau đặt đúng trên hai vệt bánh xe, ánh mắt sáng quắc chằm chằm nhìn tôi,dường như sẵn sàng bỏ chạy.
Đây là con mèo chúng tôi đánh mất - tôi biết.
Bỗng không thấy con mèo đâu nữa, nó đã biến đi như một cái bóng
Giấc mơ là một thế giới vô thanh…
Nhưng tôi lại nhìn thấy bốn con vịt đang bơi trong dòng mương. Nhìn cổ và phần đuôi cong lên của chúng, tôi đoán trong đó có hai con vịt cái. Cũng như chú mèo, lũ vịt màu xám cánh có lông trắng lốm đốm. Chúng lặng lẽ bơi ngược dòng mương, dường như cố ý dẫn tôi vào cõi sâu lắng của ký ức cảm giác.
Tôi bất giác đi theo phía sau chúng, nhưng tới vũng nước sâu lau lách rậm rạp thì chúng ngoe ngoảy đuôi, lượn một vòng, rồi xuôi theo dòng nước quay trở lại chui vào lùm cỏ.
Tôi vẫn bước tiếp trong lớp bụi vàng như sương mù. Tôi vất vả nhấc đôi chân nặng trĩu, nhưng lại bước đi rất là nhẹ nhàng, như một cánh chim bay ngược gió.
Qua khỏi vũng nước sâu, lũ vịt lại chui ra khỏi đám lau lách. Nhưng không phải bốn con vịt to kia, mà là bốn chú vịt con. Toàn thân chúng một màu lông tơ vàng óng, dường như chúng sẽ hòa tan dần vào đám bụi vàng, sẽ tan biến dần trong không khí. Thế nhưng rõ ràng chúng đang bơi lội rất thỏa thich, vừa bơi vừa ngoẹo những cái đầu tí hon ngây ngô nhìn tôi. Những cái mỏ cong tớn lên kia dường như đang cười cợt chế giễu.
Tôi chợt ý thức được, bốn con vịt to vứa nhín thấy kia, chính là lũ vịt mà chúng tôi đã đánh mất. Bốn chú vịt con này là hình bóng thời non tơ của chúng.
Thời khắc đang trôi ngược trở lại. Vậy liệu tôi có thể trở lại thời kỳ ấy chăng dẫu chỉ là trong mộng?
Thế là tôi bèn sải tay bơi ngược dòng thời gian, tìm lại bóng dáng đã mất.
Nhưng giấc mơ của tôi lần nào cũng tới đây là bị ngắt quãng, tiếp theo sau đó là một mớ cảm giác mơ hồ, mờ ảo, mù mịt, là giấc mơ trong giấc mơ. Nhưng tôi lại tỉnh táo ý thức được rằng cảm giác mơ hồ mờ ảo, mù mịt ấy mới là cái chìm nổi bập bềnh của cuộc đời đích thực. Ý nghĩa và lẽ vĩnh hằng của cuộc đời đều nằm trong đám mơ hồ, mờ ảo ấy.
Mặt trời lại đã mọc lên và con thiêu thân không biết đã bay đi đằng nào, không biết có còn sống không. Lúc ấy, tôi nghĩ tại sao tôi không dùng ngòi bút để bổ sung và nối tiếp giấc mơ kia? Ghi chép lại một cách chân thực, thẳng thắn, mạch lạc, rõ ràng cái quá khứ đã mất đi? Chẳng có gì đáng phải cảm thấy hổ thẹn ân hận, chẳng có gì cảm thấy nhục nhã, làm sao lại có thể đem đạo đức trong quan niệm mà phán đoán và đánh giá cảm giác của cuộc đời.Còn như lý trí ư? Aristote đã từng nói: “Phàm những gì chưa từng có trong cảm giác, tức là không tồn tại trong lý trí”. Con thiêu thân chết đi, sẽ chẳng ai chịu trách nhiệm về cuộc đời quá ngắn ngủi của nó, vậy thì ai còn có quyền chê trách độ cong và đường bay của nó.
Mặt trời rọi thẳng vào tôi, tia nắng dường như xuyên thấu qua lồng ngực tôi, và tôi dường như bồng bềnh trong ánh sáng vàng kim, rời khỏi cõi trần thế ồn ào này rồi. Tôi lợi dụng ngay tâm trạng vừa có, một tâm trạng xuất thế lâng lâng thanh thản, vội vã tung người vùng dậy, hăng hái cầm bút hối hả viết thật nhanh. Tôi biết, nếu không thế thì chỉ một lát sau thôi, chưa chừng tôi thay đổi ý định này mất.
Có thể trước kia tôi có gặp cô ta mà không để ý, cũng có thể tôi chưa từng gặp cô ta bao giờ. Dẫu sao lần này cô ta đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Hai tháng trước, tôi được điều khỏi tổ lớn đi chăm sóc cánh đồng lúa nước. Ở đội lao động cải tạo, tôi là tổ trưởng tổ lớn, điều đến tổ chăm sóc ruộng đồng, tôi vẫn làm tổ trưởng. Đội trưởng Vương, người điều tôi ra đây, là một cán bộ vùng này, một ông già nhỏ thó xuất thân nông dân, ngồi hút thuốc cuốn sâu kèn bảo tôi:
- Điều mày ra làm đội trưởng, là lãnh đạo tín nhiệm mày. Chà! Mười hai thằng này khó quản lắm! Thằng nào cũng làm giỏi, nhưng thằng nào cũng lắm khuyết tật. Đồ ** đực ạ, mày mà quản được mười hai thằng cha này, ra trại sẽ làm giám đốc nhà máy quản được hàng trăm hàng nghìn người đấy .
Lúc đó ông ta ngồi xổm trên đập con mương nhánh cao cao, còn tôi thì vừa từ cửa mương tưới đã dẫn đầy nước bước lên, chân đất, đứng trước mặt ông. Ông hình như còn định nói gì nhưng lại thôi,chỉ lặng lẽ hút thuốc suy nghĩ đăm chiêu. Vẻ trầm tư hiện rõ trên khuôn mặt nhỏ gầy khô đầy nếp nhăn. Dĩ nhiên tôi không biết ông ta nghĩ gì, chỉ biết rằng bất cứ anh cán bộ lao động cải tạo nào cũng đều chưng ra vẻ mặt ấy, khi chỉ có một mình giao nhiệm vụ đặc biệt cho một phạm nhân lao cải ( lao động cải tạo ) nào đó. Vẻ trầm tư thể hiện sự nghiêm nghị, mà sự nghiêm nghị lại chứng tỏ rằng giữa ông ta và anh có một ranh giới không được vượt qua. Vẻ mặt ấy còn chứng tỏ sự bố trí sắp xếp của ông ta là thận trọng, đã được cân nhắc kỹ càng, tới mức đã mở xem hồ sơ của anh và được một tập thể cấp cao hơn thảo luận và quyết định rồi, đồng thời cũng nói lên tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao phó. Cán bộ trình độ văn hoá thấp nói năng kém cỏi, thường dùng vẻ trầm mặc để buộc anh không được coi thường cách nói năng cộc lốc của họ. Lặng yên không nói mà buộc anh phải ý thức được là: từ bây giờ, vì sự “tín nhiệm” này cái gánh nặng trên vai anh đã nặng hơn. Hơn nữa, đối với anh bây giờ không còn chỉ là sự cải tạo bình thường nữa, mà là sự cải tạo gấp bội, do đó thường có thể giúp anh có được cơ hội lập công, lĩnh thưởng, thậm chí còn được phóng thích trước thới hạn. Vì vậy đây lại thường thường là mấu chốt số phận cả đời anh.
Trong vẻ trầm mặc ông ta cố tình tạo ra ấy chứa đựng cả phần thiện ý mà ông ta được phép bày tỏ nữa, tôi hiểu như vậy.
Ông ngồi trên đập con mương hút thuốc, tôi đứng dưới đập, cứ phải lấy bàn chân bên này xoa mu bàn chân để trần bên kia, liên tục đổi bên mà cọ xát. Khi lúa mới gieo xuống ruộng thì muỗi chưa ra đời, nhưng từng đàn bọ chó tụ tập thành đám, kéo nhau ùa tới đốt anh đến điên người. Loại bọ này bé hơn cả hạt cát hạt bụi này, chui vào tai, vào mi mắt, vào cổ vào gáy,vào chân tóc, đũng quần người ta…..đúng là không lỗ hở nào chúng không chui vào được. Nó mà đốt chỗ nào, thì chỗ ấy lập tức sưng tấy lên một cục to bằng mấy trăm lần nó.Tôi vừa phải xoa chân, vừa phải vung tay xua, cứ thế mà huơ tay huơ chân ngước nhìn ông đội trưởng. Thế mà ông vẫn không nói. Ông đi tất sợi, đội mũ, tay lại đang cầm thuốc, ông có đầy đủ thiết bị phòng chống bọ chó, vì thế ông đâu có vội đi ngay. Đại đội đã đi khá xa. Cuối con đập nhánh cao cao, là chỗ ngoặt của dòng mương, dưới gốc liễu to, ánh chiều tà vàng óng dọi chiếu xuống quần áo đen của tù nhân. Họ đi thành hàng, vai vác cuốc, tay vung vẩy.Trông theo bóng họ xa dần, cảm thấy tinh thần họ phấn chấn thật là đáng mến. Chỗ dòng mương rẽ ngoặt ấy chính là chỗ đi qua làng xóm có đàn bà con gái. Dĩ nhiên tình thân thiết của tôi đối với họ, chủ yếu bởi tôi chính là một thành viên của họ. Trên thế giới này, tôi thuộc về đội lao động cải tạo, chứ đâu phải thuộc về xứ sở nào khác. Huống hồ phía ấy còn văng vẳng tiếng hát sao mà quen thuộc, tiếng hát hoà vào nhịp chảy róc rách của dòng nước vang vọng trên cánh đồng vừa mới gieo hạt:
… … …
Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này à! Buổi tối trở về, được một…. gáo đầy à! Hầy hầy! a hơ hầy hầy! a… hơ hầy.
Dẫu bị bọ chó đốt, bất giác tôi vẫn mỉm một nụ cười tinh nghịch đồng cảm. Đấy là mấy câu cuối bài “đội ca đội lao cải” do anh em tù nhân chúng tôi tự sáng tác ra. Bài “đội ca đội lao cải” kể lại đời sống hằng ngày của người tù lao cải bằng thổ ngữ địa phương - Tây Bắc khôi hài dí dỏm, phổ theo làn điệu “Ninh Hạ đáo tình” hài hước nhẹ nhàng. Làn điệu chủ đạo ấy đã thể hiện vẻ lạc quan bên trong hàng rào đầy thép gai. “Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này a!” hát lên theo thổ âm địa phương, rất là giống tiếng phổ thông đang được phổ cập “ xúi quẩy, xúi quẩy, xúi cái quẩy lắm thay” còn “buổI tối trở về, một gáo đầy…a” đấy là một gáo đầy cháo thơm phưng phức xiết bao hấp dẫn rắc nhiều hành hoa, sợi gạo đặc quánh “Ộc ộc”, “ộc ộc..” Cô cấp dưỡng khom lưng bên chiếc thùng to tướng bốc hơi nghi ngút, ráng sức vung lia lịa cánh tay to khoẻ, nhanh nhẹn và chính xác như máy, cầm chiếc gáo sắt ngắn cán to như cái bát tộ, múc từng gáo đầy, từng gáo đầy “cháo mì hỗn hợp” đổ vào chậu cơm của người tù lao cải. Trong thứ “cháo mì hỗn hợp” ấy còn tưới thêm cả mồ hôi người cấp dưỡng, bởi thế cái âm hưởng “ộc ộc, ộc ộc” và cái động tác như máy ấy, đều thật sự chứa chan mùi vị tình người.
Tôi muốn mau mau trở về với đội ngũ ấy, mau mau trở lại trại tù, mau mau về huởng nhận “một gáo đầy” ấy. Cái tiếng húp cháo “xì xụp, xì xụp” trong trại tù ấy mới tuyệt diệu làm sao!
Nhưng đội trưởng Vương chưa ban lệnh tôi đâu dám đi. Đây là luật lệ quy củ của đội lao cải. Tôi đã am hiểu tường tận toàn bộ cái luật lệ ấy, vì tôi đã lao cải hai lần. Chính vì tôi đã hai lần lao cải, đã “hai lần bệ kiến” chính vì tôi am hiểu toàn bộ luật lệ, nên vừa áp giải vào đội lao cải đã được vinh dự làm ngay đại tổ trưởng cai quản bốn nhóm gồm sáu mươi tư tù nhân. Nay thật hơn xưa, chuyến lao cải này sáng sủa hơn chuyến trước nhiều. Trong đội lao động cải tạo phải tuân thủ một hệ thống quan niệm và tiêu chuẩn hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài. Kể thật kỳ quái nhưng nghĩ lại cũng bình thường thôi. Ở bên ngoài, những người có vấn đề chính trị thì bị khinh rẻ không được trọng dụng, những kẻ đạo đức đồi bại thường được đối xử như “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân” coi là mắc chút sai lầm trong sinh hoạt, thuộc về tiểu tiết, được xếp vào loại đối tượng đoàn kết và giáo dục. Trong đội lao cải, tù chính trị lại hầu như đều được cán bộ lao cải tín nhiệm. Dẫu rằng sự tín nhiệm ấy chỉ thể hiện trong phạm vi cực kỳ hạn hẹp, nhưng rõ ràng là thái độ đối với họ khác hẳn với đội hình sự. Không những thế đội lao cải còn biết thực hiện “ nhân tận kỳ tài” ai thạo nghề gì, người ấy được bố trí vào nơi phát huy được sở trường riêng. Bản thân đội lao cải là một vương quốc riêng, đủ mặt trăm nghề nông, công, thương nghiệp, bao dung được mọi nghề lao động khác nhau. Có một thầy thuốc ở ngoài chỉ suốt ngày quét dọn chuồng xí, vào đến đội lao cải lại làm bác sĩ chủ trì nội khoa. Ôi vào cái năm tháng rối ren hỗn loạn này, đội lao cải thật là thiên đường.
Dù rằng tên tù lao cải này chẳng được hết lòng cung kính đứng trước mặt ông, mà cứ khua tay múa chân lia lịa, vặn vẹo thân mình liên tục, xoa tai gãi má không ngừng, chốc chốc lại ngẹo đầu ngửa cổ, nhưng đội trưởng đội lao cải không hề trách mắng, vẫn ngồi trầm tư hút điếu thuồc cuốn to sù dài ngoẵng ấy. Tôi không đi, còn có một ý khác nữa, tôi cho rằng ông còn muốn tiết lộ với tôi một tin gì đó bên ngoài. Cũng như đội trưởng Tạ mà tôi từng quen biết, ông cán bộ lao cải này quả là con người tốt bụng, hay nói hay cười, lòng dạ lương thiện.
Con người từ nhỏ lăn lộn làm ăn nơi cao nguyên hoàng thổ, tâm hồn lẽ đương nhiên cũng thuần phác như chất đất mầu vàng; lao động nông nghiệp thủ công truyền thống khiến đầu óc họ luôn giữ được những quan niệm truyền thống, khi bỗng dưng tung ra “phải đấu tranh giai cấp, ngày này sang ngày khác, tháng nọ tiếp tháng kia” họ thật không sao hiểu nổi. Chẳng hạn như khi đám tù lao cải chúng tôi ở ngoài đồng vừa làm vừa hát bài “đội ca đội lao cải” hay khi kể chuyện tiếu lâm cực kỳ tục tĩu trắng trợn giữa những năm tháng phải lên tiếng hát “bài ca ngữ lục” này, thì ông ta chỉ ngồi xổm trên bờ ruộng lắng nghe, đã không quát mắng chúng tôi, lại còn bỏ mũ ra, vỗ vỗ cái chỏm đầu trọc lóc, hoác miệng cười than thở: “chà chà, chúng bay những thằng ** đực! Chà chà chúng bay những thằng ** đực!…” ấy là ông bày tỏ lời tán thưởng chân thành. Khi nghe tin dân quân Việt Nam bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ, ông cũng đã dùng “những thằng ** đực” để tán dương dân quân Việt Nam. Chúng tôi còn để ý thấy khi ông nựng dỗ cháu ông - có một hôm, ông bế đứa cháu lên ba ra đám ruộng tù nhân lao cải đang làm, ông cũng nựng là thằng **! Bởi thế tù nhân lao cải mỗi lần nghe ông gọi mình “thằng đĩ” thì đều cảm nhận được hơi ấm gia đình.
Mùa hè năm ngoái, vào cái tháng vừa bắt đầu “đại cách mạng văn hoá” thì đại đội chúng tôi đang làm cỏ ở ruộng lúa nước. Đội trưởng Vương cùng công an cảnh sát được vào phố lị tham quan tập thể “Triển lãm thành quả đại cách mạng văn hoá” của tỉnh, khi về tới nông trường ông không về nhà, mà đội xùm sụp cái mũ vải mỏng giống hệt chiếc bánh xèo, vội vội vàng vàng, sải chân bước như chạy ra ruộng. Ông đứng trên bờ đưa mắt tìm kiếm, rồi khi nhìn thấy tôi, ông liền băng qua hai con mương nhỏ, mừng rỡ gọi:
“Chà chà! Thằng ** Chương Vĩnh Lân! Năm 57 mày làm cái thơ gì thế, chữ viết to bằng trái đào, treo ở phòng triển lãm đấy”.
Ông vừa nói vừa giơ tay mô tả hạt đào to bằng nào. Ngón tay cái và ngón tay trỏ sù sì đen xỉn của ông chụm lại thành một vòng tròn. Một vòng tròn to khỏe chắc nịch, không có mảy may tứ thơ cao siêu bay bổng nào, nhưng chính nó biến thơ thành một sức mạnh vật chất một cách đầy hình tượng “Chà chà thằng **! Chữ gì to quá đi thôi! Mẹ kiếp, mày viết giỏi thật đấy….”.
Thời đó, mọi người đều nghĩ rằng ý nghĩa của câu chữ tỷ lệ thuận với cỡ chữ to hay bé, chả là người ta đã bắt đầu dùng chữ đậm cỡ to số một để in tất cả mọi câu “ngữ lục Mao chủ tịch” trong tất cả mọi loại văn chương. Cứ thế ông cho bài thơ tôi viết năm 1957 nhất định là quan trọng lắm, chả thế mà chữ viết “to bằng cả hạt đào”. Thật ra đây là bản “chứng cớ tội phạm” trưng bày để phê phán, nhưng theo cách suy nghĩ đánh giá của ông nó lại giành được một vị trí đặc biệt. Nghe ông bô bô gào thét, các tù nhân lao cải khác đều quay nhìn cả về tôi, ánh mắt long lanh vẻ kinh ngạc và tôn kính. Tôi lẳng lặng không nói gì, vẫn lom khom cắm cúi làm cỏ, nhưng trong lòng bất giác vừa đau buồn, vừa kiêu hãnh. Chín năm đằng đẵng đã trôi qua, nhưng ở ngoài kia người ta vẫn túm chặt không buông tha tôi, lại còn đem thơ tôi ra “biêu giễu cảnh cáo”.
Nhưng mặt khác, điều ấy chẳng chứng tỏ tôi đã trở thành một nhân vật lịch sử đó sao?
Nhân vật lịch sử thật ra là do quần chúng tạo dựng nên, không hoàn toàn do công hay tội lớn nhỏ của bản thân người ấy quyết định. Miễn là không bị lãng quên ta trong bất cứ “phong trào quần chúng” nào là người ấy đương nhiên giành được vị trí lịch sử nhất định. Và số phận của nhân vật lịch sử là do lịch sử chi phối, chứ không hề tùy thuộc vào ý chí của bản thân anh ta. Tôi đứng lên vo viên nắm cỏ dại trong tay, vứt lên bờ ruộng. Tôi nhìn ra dẫy núi xa xa trang nghiêm và trầm mặc. Tôi cúi xuống rẽ mạ ra tìm cỏ dại, mặt nước bùn đục ngầu lấp lánh phản chiếu những vòng sáng long lanh, triền miên biến ảo. Ôi! Hai bức tranh đó chính là lịch sử: ổn định và biến hoá. Là con người, thì vừa phải lấy bất biến ứng vạn biến, lại vừa phải ráng sức tìm kiếm cái đa biến, để thích ứng với lịch sử!
Khi tôi một lần nữa đứng lên, vứt đám cỏ dại khác lên bờ ruộng, tôi chợt thấy mình to ra, cao lên khác nào một anh hùng trong bi kịch. Tôi đưa mắt nhìn các bạn tù đang cắm cúi làm cỏ ở quanh mình giống như chúa Giêsu trên cây giá thập tự ở Bãi Sọ nhìn hai tên cướp đứng hai bên tả hữu, tự nhận “ tôi là con của thánh thần”, vậy mà trong lòng trào dâng nỗi thương xót nẩy sinh từ cảm giác ưu việt về tinh thần.
Cám ơn ông đã cung cấp tin cho tôi!
Trong cảnh khốn cùng và khuất phục con người cần được thấy mình là đúng, cần được tự cao tự đại để nâng đỡ mình đứng vững.
Quả nhiên lịch sử biến đổi nhanh chóng đến kinh người. Mùa thu gặt xong, đám tù lao cải bắt đầu gùi cõng từng bó lúa lên đường cái rồi chở tiếp bằng xe bò về sân to. Cánh đồng đã gặt quang, dưới các gốc rạ màu vàng dày đặc chi chít, đã lộ ra đất nguyên sơ nâu xỉn ẩm ướt. Từ trên đập mương nhánh cao cao nhìn ra chung quanh, mặt đất bốc hơi ngùn ngụt; trên cánh đồng mương, lạch và bờ ruộng ngang dọc chia cắt thành những ô nhỏ như bàn cờ, đám tù lao cải quần áo tù đen kịt đông như kiến tất bật chạy đi chạy lại. Chúng tôi xếp những lượm lúa nặng trĩu buộc bằng sợi cỏ lên bờ ruộng, chất gọn vào đoạn dây dài để sẵn trên bờ, sau đó thắt chặt nút dây ở lưng, ngồi thụp xuống , dùng dây néo thật lực sợi dây ở lưng đã buộc chéo chữ thập, rồi ráng sức nhướng người lên phía trước, chồng lúa cao ép chặt vào lưng, thế là gùi cõng đi. Tôi là đại tổ trưởng dĩ nhiên là phải đầu tầu gương mẫu, thông thường thì tôi cõng nhiều hơn mọi người. Ở đây không có gì phân biệt, chẳng kể gì xuất thân gia đình, trình độ văn hoá, lý lịch trong sạch hay không trong sạch, “lao động cải tạo” là nghề nghiệp cố định của chúng tôi; thế nên chỉ biết lao động và lao động giỏi mới có thể giành được đãi ngộ đặc biệt. Tôi biết lao động và lao động giỏi thì tôi được quản lý người khác, trách mắng người khác, tôi được “tín nhiệm” trở thành một tù nhân tự do, khi về trại tôi chẳng những được “một gáo đầy”, mà ngoài “một gáo đầy” ấy có thể còn thêm “một gáo đầy” nữa. Lao động sáng tạo ra con người, vì thế bản tính nguyên thủy của con người tự nhiên hướng về lao động chân tay; lao động chân tay vất vả và căng thẳng sẽ làm sống dậy bản tính từ lâu đã trở thành ý thức tiềm tàng của con người trót bị nền văn minh vùi lấp, bỗng chốc đưa con người lùi ngược lại hằng triệu năm, cảm nhận được một thứ khoái cảm tâm lý rằng chính mình đang phát triển, chính mình đang đổi thay, phẩm chất của mình đang phong phú lên.
Đi ngược lại hằng triệu năm về trước để tái hiện quá trình tiến bộ, hãy hưởng thụ lấy niềm thoả mãn và sướng vui trong quá trình ấy!
Từ sau ngày tôi đọ tài lao động chân tay với Hải Hỷ Hỷ, từ sau ngày tôi được Mã Anh Hoa nuôi dưỡng thành một người lao động chân tay bình thường, tính đến nay năm năm đã trôi qua, không biết đã bao nhiêu lần trong lao động tôi được hưởng thụ niềm thỏa mãn và sướng vui của tổ tiên xa xưa.
Hễ lao vào lao động cầm cán cuốc vào tay, đặt bao tải lên vai, ép bó lúa vào lưng là tôi mê mẩn đến phát cuồng lên, giống như nhân vật nữ đáng yêu trong truyện “Củ Ấu đỏ tươi” cứ đi đôi hài qủy vào là nhẩy lấy nhẩy để, nhẩy mãi, nhẩy hoài cho tới lúc chết.
Cứ cõng lúa lên lưng là tôi thường nảy sinh tâm lý tham lam, cứ muốn thử lượng xem bản thân mình rốt cuộc chịu đựng nổi một áp lực lớn bao nhiêu. Không có gì để chứng minh rõ mệnh đề “thế giới do vật chất tạo nên” một mệnh đề căn bản của triết học, bằng trọng lượng đè trên lưng. Một bó lúa to bằng cái mông con trâu, tù lao cải thông thường chỉ cõng được hai đến ba bó, nhưng tôi cõng năm bó còn chưa đã, phải cõng sáu bó, sáu bó còn chưa đã, phải cõng bảy bó…đi qua cạnh đội trưởng Vương, đội trưởng Vương còn khen ngợi: “Chà chà, thằng ** này, thồ khoẻ hơn cả lừa!”
Hừ! Lừa kia đã thấm vào đâu?! Tôi là tôi đấy chứ! Hãy dẹp lòng tự trọng thương xót yếu mềm Chuẩn bị một tinh thần khác hẳn Giao tranh cùng số phận một phen!
Vi cõng nhiều lúa, tôi thường xuyên được đội trưởng Vương giúp đỡ. Khi tôi thít xong bó lúa, ngồi thụp xuống đất, néo gùi vào vai, chuẩn bị nhún người dậy, thì đội trưởng Vương chạy đến nâng giúp tôi phía sau. Có bàn tay nâng đỡ khác hẳn với không có bàn tay nâng đỡ. Giây phút nhún người đứng dậy, chẳng khác gì giây phút vận động viên cử tạ khi nắm lấy đòn tạ nặng chỉ cần hai chân đứng thẳng lên được, thì cái vật đè trên lưng nặng thế nào đi nữa cũng cất bước được
- Đừng dốc sức thế! Đừng dốc sức thế!
Ông bảo:
- Dốc sức thế, rồi thổ huyết, thì khổ cả đời đấy!
Có hôm tôi luồn hai vai vào dây néo ở lưng xong xuôi rồi, ông chạy đến, nhưng không nâng giúp, mà nhoài người lên trên bó lúa sau lưng tôi, thở dài bảo:
- Ôi chao! Thằng ** này, mày cứ ở lỳ trong đội lao cải mà lại hay.
Tôi nghe ông chép miệng sau lưng tôi.
- Mày nghĩ thế nào nào? Hôm kia vào phố, tao thầy bí thư tỉnh ủy cùng với chủ tịch tỉnh đều bị người ta lôi đi diễu phố đấy! Đội mũ giấy cao ơi là cao tay lại còn gõ chậu thủng: “Tôi là phái đi theo đường lối tư bản! - Tôi là phái đi theo đường lối tư bản!” Mày nghĩ thế nào nào? Lần trước bọn tao đi tham quan cái gì “Triển lãm thành quả đại cách mạng văn hóa” Hồng vệ binh bảo rằng bọn đi theo đường lối tư bản âm mưu che dấu tội trạng của chúng nên dở trò bịp bợm, bảo là tỉnh chúng ta chưa hề làm “đại cách mạng văn hoá”, bây giờ phải xếp bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh vào cùng loại với địa chủ, phú nông, phản động, phá hoại, hữu phái, tất cả sàng lọc lại một lần nữa. Hèn chi, ngoài phố, sau bí thư tỉnh ủy kéo cả một xâu dài loại người như chúng mày, trai có gái có, đếm không xuể nữa. Tất cả đều đội mũ giấy bồi nhé, có kẻ bị cạo trọc nửa đầu; có kẻ bị bôi mặt như hề… Ôi thằng ** ơi, tống mày vào đội lao cải là phúc đức cho mày lắm! Không thế, cứ để mày ở bên ngoài bây giờ, thì cũng như đám ấy thôi, người ta lại không trị cho mày đến chết à!
Bông cỏ vực cọ vào mặt tôi, ngưa ngứa. Mùi lá thuốc già ở miệng ông xộc vào mũi tôi, đang cơn thèm thuốc mà không được hút, thì cái mùi ấy cũng giúp được mình đã thèm. Qua mẫu tin ông kể, tôi bỗng thấy toàn thân lâng lâng thư thái: lịch sử cứ biến đổi theo tốc độ này, thì cái thời cơ then chốt xoay chuyển vận mệnh cả nước và số phận từng người còn xa được nữa không?
Thế là tôi càng làm như phát rồ, bảy bó chưa đã tôi cõng lên tám bó! Đội trưởng Vương thất kinh:
- Thằng ** ơi! Không muốn sống nữa hả? Còn hai mươi năm nữa mày mới ra khỏi đây còn khối việc cho mày làm đấy.
- Không sao ông giúp tôi nào.
Tôi quay người lại, cởi dây néo lưng, thêm vào một bó nữa. Hồn quỷ bị đè dưới tầng đáy, dẫu trọng lượng mười bẩy tầng địa ngục trên đầu không giảm, nhưng chỉ cần phía trên lung lay chao đảo đôi chút, thì hồn quỷ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng đôi phần. Huống hồ tôi lại còn có thêm “phúc phận” quý hoá thế này: trong thế giới hôm nay, ai dám nghĩ rằng đội lao cải mà “sáu điều luật công an” quy định rõ “không được đụng tới” lại chính là chốn đào nguyên bên ngoài thế giới con người?
….
Nhưng lần này ông lại không tiết lộ cho tôi một tin gì, ông cứ ngồi im lặng lẽ hút thuốc tràn.Tôi rất thất vọng, bị bọ chó đốt đến là khốn khổ. Chiếc máy kéo, kéo theo máy gieo hạt hăm tư hàng đậu ở bên đường, suốt ngày nắng đốt bốc lên mùi dầu máy nồng nặc. Mùi dầu máy hoàn toàn lạc lõng với mùi bùn đất.. Đất đai cổ thuần phác xưa nay dường như chối từ công cụ hiện đại bằng sắt thép, và tẩy chay nốt mọi mùi vị của nó, bởi thế cái mùi dầu máy nồng nặc này hết sức khó ngửi. Cuối cùng không chờ đợi được nữa, tôi hỏi:
- Thưa đội trưởng Vương, còn việc gì nữa không?
- Hừm! - Ông quay đầu lại làm như lúc đó mới phát hiện ra tôi, vẫn còn đứng dưới đập mương nước nơi ông đang ngồi.
- Không.
Ông nói rồi nhoài người ra phía trước trao cho tôi nửa điếu thuốc lá cuộn hút dở:
- Mày về đi!
“Mày về đi” tức là bảo tôi về trại của đội lao cải, chứ không phải về một nơi nào khác. Điều ấy tôi biết.Tôi cầm mẩu cuộn thuốc của ông, cấu phần đuôi ông đã ngậm ướt, nhưng vừa cấu thì cả mẩu thuốc rã ra. Mẹ kiếp kỹ thuật cuốn thuốc của ông thua tôi. Có điều chẳng sao cả, tôi cũng có thuốc. Đội lao cải hàng tháng có phát được mấy đồng tiêu vặt, và cũng có thuốc để mua, bây giờ không như năm 60 nữa rồi. Tôi rút hộp kim tiêm bằng nhôm nhặt được ở đống rác bên cạnh trạm xá ra, cẩn thận đổ dúm lá thuốc của ông ta vào trong, rồi lấy trong chiếc hộp kim tiêm rất giống hộp đựng thuốc bằng bạc này ra một điếu thuốc nguyên vẹn, châm lửa hút: “Về thôi”.
Tin tức ông để lộ cho tôi qua vẻ trầm mặc kéo dài ấy, còn nhiều hơn những gì ông nói ra. Cái hỗn loạn ở ngoài, sự biến đổi vũ bão của lịch sử, có lẽ chính ông ta cũng không nói được cho rõ ràng. Ông ta không nói, chứng tỏ rằng, loạn đến mức ông chẳng có cách nào nói cho được; ông ta không nói, chứng tỏ rằng, biến động đến mức khiến ông mắt trợn trừng miệng ớ ra rồi. Điều ấy không hề gì, tôi có thể tưởng tượng ra được. Tất thảy tù nhân lao cải đều là người theo chủ nghĩa Hê-Ghen: có thể từ “không” làm thành “có” ngay. Trên thế giới này hoàn toàn không thể tồn tại không gian và thời gian trống rỗng, ở những chỗ thoạt trông tưởng chừng trống vắng ấy thật ra lại chứa chan niềm hy vọng sống động nhất.
Sự bố trí sắp xếp này của ông ta, đã khiến tôi gặp được cô ấy.
Kỳ thực thì mười hai phạm nhân điều từ các tổ đến không khó quản như lời đội trưởng Vương. Đội trưởng Vương bảo rằng khó quản, là nhìn từ góc độ cán bộ lao cải và coi tôi là con người khác với mười hai con người ấy. Từ thuở phát minh ra chế độ ngục tù đến nay, không có biện pháp nào sáng suốt hơn được việc dùng phạm nhân cai quản phạm nhân. Một không khí dân chủ bình đẳng sẽ nhanh chóng khởi động lên tính tích cực và tính tự giác của phạm nhân bị cai quản. Nhất là tổ chăm sóc ruộng đồng này của chúng tôi, ở giữa cánh đồng rộng cách xa trại bảy tám dặm.
Căn nhà đất dựng trên một gò đất khá cao bên con mương nhánh; đội sản xuất của công xã ở ngay bên kia mương đối diện với chúng tôi. Ở đây không có vọng gác, không có mạng điện, không có ông cai cầm súng. Chúng tôi lại được nghe tiềng gà gáy, tiếng chó sủa; vào mùa hoa liễu quế hương bên phía mương nước chúng tôi nở rộ, ong của đội sản xuất vù vù bay đến từng đàn, tựa hồ như xóa bỏ được tường lũy thâm nghiêm ngăn cách con người với con người. Phạm nhân có gia đình dường như được trở về nhà, phạm nhân không có gia đình thì cảm thấy được tự do đôi chút. Vả lại tù nhân tự do điều về đây, tất thảy đều là tù ngắn hạn hoặc sắp mãn hạn tù, trong những năm tháng như thế này, có được cảnh điền viên tốt đẹp như thế này, thì hà tất còn phải trốn đi đâu?
Vào lúc lúa nẩy mầm, hoa liễu quế hương trên cây dọc bờ mương bắt đầu tàn. Những bông hoa màu vàng rực rỡ, lấm tấm rụng xuống mương, trôi xuôi dòng nước, có bông bị cành liễu rủ loà xoà mặt nước cản đường níu lại. Hoa bám quanh cành liễu lại kéo về vô số bông hoa và tơ liễu khác, chúng kết thành từng mảng hoa óng vàng đan xen những sợi tơ bạc lóng lánh dập dờn trên mặt nước. Hết ngày lao động ở ruộng lúa về, chúng tôi ngồi xổm trên bờ mương ăn cơm chiều. Dưới hàng liễu bên kia mương từng đàn trẻ con nông dân, đứa đứng đứa ngồi, ngây ngô chằm chằm nhìn lũ người quấn áo đen chúng tôi như những con người kì dị. Quần áo đen giống hệt áo chùng thâm của cha cố trùm kín một vẻ thần bí: họ can tội gì nhỉ? Số kiếp nào đã dồn đuổi họ tập trung lại đây?…Từ đây, những tâm hồn thơ dại thấm dần nỗi khiếp sợ cõi đời, khiếp sợ tương lai.
Nếu đại đội có lính gác áp giải, xếp hàng đi dọc bờ muơng ra đồng làm việc, thì bà con nông dân kéo ra xem còn đông hơn nhiều. Ngay cả người tận đâu đâu đến làng này thăm bà con thân thích cũng phải xem bằng được “bọn tù lao cải” như xem một tiết mục đặc sắc hấp dẫn.
- Ồ nhìn kìa…còn đeo cả kính nữa đấy!
- Ờ tay kia, tay kia…trông đẹp trai đấy chứ!
- Sao kia! Cho mày lấy nó làm chồng…
- Đồ chết dẫm, tao vả vào cái mồm…của mày bây giờ!
Tất nhiên đó là đám đàn bà con gái.
Trong chốc lát họ cãi nhau lộn ẩu ầm ỹ cả lên.
Thế là bỗng dưng thành một sân khấu ngoài trời, khán giả cũng là diễn viên rất sôi nổi. Lâu dần thành lệ, nếu chúng tôi ra đồng về trại mà không nhìn thấy họ, nhất là những cô gái trẻ mặc áo hoa đứng bên kia mương nước nhìn sang chỉ trỏ, thì chúng tôi lại thấy quạnh vắng, các chàng trai đi trong hàng, sẽ uể oải rã rời, dẫu rằng hôm ấy công việc chẳng nặng nhọc gì. Nếu người ra xem đông, thì hầu như tất cả tù nhân đều phấn chấn hẳn lên, đội trưởng Vương không ra lệnh hát ( hát cũng phải theo lệnh ) cũng cứ hát.
Trong tất cả “ca khúc cách mạng”, chúng tôi thích nhất hai bài:
Mặt trời lặn sau núi Tây, ráng đỏ bay. Chiến sĩ bắn bia trở về doanh trại.
Và:
Người cộng sản - chúng ta khác nào những hạt giống!
Hát tới từ “hạt giống” cánh tù trẻ lại nháy mắt liếc sang nhìn những cô gái đứng bên kia bờ mương. Đội trưởng Vương cho tù nhân hát bài gì cũng được, nhưng phải hát cho đều hát cho vang, và ông chửi ngay thằng ** đực để tỏ ý khen ngợi. Mãi sau này, bọn cảnh vệ đề nghị với cục lao cải qua đường dây lính cảnh vệ, cục lao cải mới đưa ra quy định: trong thời kỳ cách mạng phi thường này, tù nhân lao động chỉ được phép hát “Phàm là quân phản động, anh không đánh, nó không đổ nhào”. Nhưng tới năm 1967, cục công an, viện kiểm sát, toà án đều bị đập nát, những cơ quan nhất loạt thi hành chế độ quân quản, đại biểu quân đội “cao quý” thì “thông minh” hơn cán bộ lao cải xuất thân nông dân “đê tiện” - chân lý là kẻ cao quý thì thông minh, kẻ đê tiện thì ngu xuẩn ngữ lục đã phán truyền thế - đã cảm nhận bằng trực giác rằng các “bài ca ngữ lục” đều sẵn có tính chất phương pháp luận, giai cấp nào, phe phái nào cũng lợi dụng được, cũng đều được soi sáng để lĩnh hội mọi vấn đề. Ví dụ cái anh gọi là “loài phản động” thì bọn họ lại bảo là cái khác kia, anh làm sao được nào? - Đối với loại người lòng dạ khôn lường ấy anh làm sao biết được trong lòng họ “loài phản động” là chỉ ai? Thế là lập tức ra lệnh tù lao cải dứt khoát không được phép hát “bài ca ngữ lục” nữa. Nhưng ngoài “bài ca ngữ lục” ra, lúc đó chẳng còn bài nào đáng được hát cả, thế là, trong một buổi liên hoan tết của đội lao cải bài “Ninh Hạ đáo tình” do tù nhân tự biên tự diễn, đã biến thành khúc ca phổ biến của đội lao cải.
….
Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này à! Buổi tối trở về, một gáo đầy a! Hây hây! A hơ hây hây! A hơ hây!
Ở tổ trông coi ruộng đồng chúng tôi, “một gáo đầy” do chúng tôi cử tù nhân trực nhật về gánh ra. Chúng tôi có đôi thùng thiếc lớn, dù là cơm gì đi nữa, thì mỗi bữa tù trực nhật cũng gánh về hai thùng đầy ắp. Nguyên tắc ở ngoài làm nhiều hưởng nhiều bị phê phán tơi bời không còn gì, nhưng trong đội lao cải trước sau vẫn thi hành không đổi. Khi ấy dưa chuột đã chín, cà chua bắt đầu nhuốm hồng. Đi qua vườn rau người trực nhật gánh cơm thế nào cũng lôi về khối rau quả tươi ngon vừa trẩy xong. Người trông coi vườn rau cũng là tù tự do, mà tất cả tù tự do đều thuộc một tầng lớp với nhau nên thương yêu nhau, no đói có nhau. Chúng tôi được ăn cà chua và dưa chuột sớm hơn cả những “ông cai” và cán bộ lao cải cùng vợ con của họ. Tính tương đối của tự do ở đây được thể hiện triệt để: bất cứ ở đâu, hễ anh tự do hơn người khác một chút thôi, anh sẽ kiếm được nhiều lợi lộc hơn; mà lợi lộc nhiều hay ít hoàn toàn tỷ lệ nghịch với mức độ mất tự do ở lúc đó; ở nơi mất tự do nhất mà anh được buông lỏng một tý thôi, lợi lộc kiếm được sẽ nhiều nhất.
Hai gáo đầy - chứ không phải một gáo đầy – ăn xong rồi lại nhai thêm một đống cà chua, dưa chuột nữa vào, tất cả bọn chúng tôi đều tức bụng không đi lại được nữa. Chúng tôi nằm kềnh trên sườn dốc bờ mương, gối đầu lên cánh tay. Đại đội hết giờ làm việc về cả rồi, bốn bề trở nên vắng lặng khác thường. Đám quạ về đậu trên cây liễu già ỉa xuống, phân quạ luồn qua cành lá rơi bồm bộp trên bờ mương phủ đầy đất vàng. Mặt trời khuất sau đỉnh núi, cánh đồng đã dẫn đầy nước phút chốc mát dịu hẳn đi. Ếch nhái đã kêu mấy tiếng giáo đầu rời rạc. Tiếng kêu kéo dài uể oải, tưởng chừng chúng đang ngáp dài ngái ngủ. Lát sau chúng đua nhau gào to thật lực, cả cánh đồng đột nhiên rộn rạo tiếng “ì ộp! ì ộp!” vừa rộn ràng vừa giận dữ. Chúng như muốn giành lại thế gian từ trong tay con người, hơn nữa xem ra chúng có vẻ tràn trề niềm tin tất thắng. Lúc ấy, gió chiều cũng hiu hiu từ cánh đồng lúa mênh mông bát ngát thổi về, kéo theo vô số những đốm sáng nhẩy nhót lấp lánh. Tôi nhắm mắt lại đắm mình vào cõi điềm tĩnh vô tri. Điềm tĩnh vô tri là trạng thái tinh thần tối ưu trong cảnh đời, cũng được rèn luyện rất tự nhiên trong cảnh chờ đợi dằng dặc. Bước ngoặc lịch sử chưa xẩy ra, con người thật sự bất lực, hành động mà phạm tội, thì chi bằng ngấm ngầm mà suy nghĩ.
Nhưng tôi suy nghĩ những gì? Tôi chẳng suy nghĩ gì hết. Thế giới bên ngoài đã hoàn toàn trệch khỏi quy luật Mác đã tìm ra, sách vở đã bị quẳng đi, nghe đâu có thế mới thật sự tuân theo lời Mác “vũ khí phê phán không bằng sự phê phán bằng vũ khí”. Bởi vậy, nó đã khiến đội trưởng Vương hoảng hồn, mắt trợn trừng, miệng ớ ra, còn tôi cứ tưởng mình sáng suốt tài giỏi hơn đội trưởng Vương, cũng thấy bàng hoàng sửng sốt. Vẻ trầm mặc của đội trưởng Vương đã gây ra cho tôi cảm giác mông lung trống rỗng mặc dầu tôi đã gửi gắm vào đây bao nhiêu hy vọng hão huyền viển vông mà hoàn toàn cần thiết, nhưng thực sự thì tôi suy nghĩ về xã hội một cách vu vơ vô căn cứ mà thôi. Spi-nô-za đã nói “Dốt nát đâu có phải là luận cứ”.
Mặc mẹ nó suy nghĩ làm gì! Cứ làm một tù nhân lao cải đơn giản thế thôi. Đội trường Vương đối xử với tôi khác với các tù nhân lao cải khác, nói ra thật xấu hồ, ngay từ xương tủy tôi đã là một tù nhân lao cải thực thụ rồi còn gì, vì trong những nghề tôi đã làm ở đời này, thì tính ra nghề tù nhân lao cải tôi làm lâu nhất.
Nằm dưới chân bờ mương đã chán, đám tù nhân bắt đầu duỗi chân vươn tay cho thoải mái.
- Mẹ kiếp! Đêm tối thế này có hồn ma đàn bà hiện lên thì hay nhỉ.
- Ma đàn bà hiện lên nhưng đừng tóc tai rũ rượi, mà giá được môi son má phấn thì hay.
- Eo ôi! Ma thắt cổ có cái lưỡi thè lè dài thườn thượt đỏ lòm lòm, liếm vào mặt một cái, đủ hết hồn bỏ mẹ rồi.
- Một hồn ma con gái thì không đủ chia, tốt nhất là một lũ, mười ba cô, chúng mình chia mỗi thằng ôm một cô.
- Tổ trưởng của chúng mình không cần đâu, cậu ta là trí thức mà!
- Trí thức thì sao nào? Trí thức thì không có con b…. à?
Tôi vẫn nhắm mắt, nhưng bất giác không nhịn được, cũng phì cười thành tiếng với họ. Tôi cảm giác được lúc đó ánh mắt của họ đang dồn cả vào tôi. Tôi được họ kính trọng, tách tôi ra khỏi bọn, nhưng từ nội tâm tôi lại hướng hẳn về họ. Từ năm 1958, sau khi “công xã hoá”, ngoài pháp luật ra còn thêm vào đủ các loại chế độ quy định, chúng lấp kín mọi kẽ hở của đời sống nông thôn một cách khắc nghiệt chưa từng có. Người nông dân chẳng khác gì sủng thần thân tín của vua Sy-ra-cu trong truyền thuyết cổ Hy Lạp, trên đầu lơ lửng một lưỡi gươm Đê-mô-crít, không biết lúc nào sẽ bất thần lao xuống chặt đầu… Mười hai tổ viên trông coi đồng ruộng do tôi chỉ huy, đều là những trai cày lực lưỡng theo việc đồng áng. Nghe họ bình tĩnh kể về tội trạng của mình, thì có cảm giác khác nào một làn gió nhẹ hiu hiu thổi lướt giữa rừng cây.
- Khổ quá, không ăn trộm thì làm thế nào. Bụng đói mà…
Một anh chàng mũi tẹt ăn cắp phân hoá học cùa đội đem bán, bị xử năm năm tù, giờ kể lại anh ta còn lấy làm may lắm.
- Đáng đời! Tớ lấy tiền chữa bệnh cho mẹ già tớ, xử tớ ngồi tù năm năm, không bắt tớ phải đền tiền nữa.
- Hì hì! Tớ cũng may - Một cậu khác kể - Tớ cho bò của đội sản xuất ăn thế nào mà chướng bụng lên chết! Tòa hỏi tớ, anh thích đi lao động cải tạo hay đền tiền? Tớ đắn đo suy nghĩ: đi cải tạo còn được cơm ăn, thế là tớ đến đây. Đến đây, thấy không đến nỗi nào! Phải cái không có đàn bà. Thôi chịu đựng một tý vậy….
Có khi họ cũng hỏi tôi:
-Tổ trưởng Chương ơi, anh làm sao mà phải vào đây?
-Tớ ấy à? Tớ chẳng vì sao cả.
Họ toét miệng cười thông cảm “chẳng vì sao cả” cũng phải vào đội lao cải hầu như đã trở thành một việc quen thuộc bình thường quá rồi, giống như ăn no thì ợ, nhiễm lạnh thì ốm, thế thôi, chẳng ai hơi đâu tìm hiểu ngọn ngành: do đâu “chẳng vì sao cả” lại tống người ta vào đội lao cải? Thái độ chẳng hề oán thán, mặc cho đời mình số phận mình như chiếc lá rụng lênh đênh trên dòng nước, trôi dạt đến đâu thì đến của họ đã thể hiện thái độ ngoan ngoãn, nhẫn nhục, vui với mệnh trời ngấm sâu trong linh hồn dân tộc chúng ta. Sống cùng với họ, có lúc tôi đâm ra nghi ngờ bản thân mình: việc gì phải suy nghĩ? Đứng trước định mệnh, suy nghĩ liệu có ích gì không?
Ôi, định mệnh!
Tôi biết vì sao họ lại nghĩ đến hồn ma đàn bà, nghĩ đến con ma thắt cổ. Căn nhà đất cách xa đại đội lao động cải tạo chúng tôi đang ở - nói theo trong sách giáo khoa chiến thuật của Nhật Bản - thì là “ngôi nhà độc lập”, từ những năm đầu của thập niên 50 xây dựng nông trường lao cải đến nay, vẫn đứng trơ trọi trên cánh đồng mênh mông, bằng phẳng, trải bao năm tháng dãi gió dầm mưa. Người ta kể rằng vào khoảng giữa những năm 50, cái làng nhỏ bên kia mương nước, có một cô gái trẻ đẹp, chống lại việc gả bán ép buộc của cha mẹ, giữa ban ngày đã băng qua mương vào căn nhà này thắt cổ tự tử. Ở đây thắt cổ tự tử rất tiện, căn nhà trống hoang, trơ rui trơ xà, xà rui nào cũng buộc được dây cả. Hơn nữa vào lúc công việc đồng án đã vãn, ai còn đến căn nhà độc lập, hoang vắng bỏ không của nông trường lao cải “nghiêm cấm người vào” để mà ngăn cản cô ta tự kết liễu đời mình kia chứ? Đám tù nhân lao cải trên mười năm tù ngồi, kể lại chuyện này đến nay vẫn rất say sưa hấp dẫn.
- Ôi, xinh lắm nhá! Cô ta đi giầy đỏ, hai bím tóc to, bóng mượt! Da mặt trắng nõn, lông mày dài. Khi bọn mình đỡ cô ta xuống, người hãy còn mềm….
Có người bảo, cô ta đái ướt sũng cả quần, lưỡi cô thè ra dài ơi là dài, nghe nói người nào thắt cổ chết đều như thế cả. Nhưng phần lớn tù nhân lao cải đều cho rằng nói vậy là bêu xấu cô ta, họ ra sức vẽ cô thành một nàng tiên. Những tù nhân đến sau như tôi không được nhìn tận mắt, tất nhiên chẳng sùng bái gì cô cả, chỉ muốn cô trở lại nguyên hình một con người bằng xương bằng thịt. “Chịu đựng một chút vậy”, những lúc bị giầy vò hành hạ, bất giác lại lấy cô ra làm chỗ dựa an ủi về tinh thần.
Ôi, cô gái dũng cảm, trong trắng, không rõ tên tuổi, hãy thông cảm và tha thứ cho chúng tôi nhé.
Có hôm, buổi tối nông trường bộ có chiếu phim, đội trưởng Vương thông tri cho chúng tôi đi xem – xem phim là “học tập” mà - để lại một người quản nước ruộng ban đêm là được. Lần nào tôi cũng để cho mười hai tổ viên đi hết, một mình tôi ở lại “ngôi nhà độc lập”. Làm lãnh đạo dẫu chỉ là thủ trưởng của tù nhân, cũng cứ phải công bằng đúng mực, tự mình phải hy sinh, có thế mới được sự tôn trọng và phục tùng của kẻ bị lãnh đạo. Ếch nhái ì ộp, nước mương róc rách, gió lướt trên lúa non như than như khóc, giống như một dàn hợp xướng lúc bổng lúc trầm. Ngoài cửa sổ trời tối đen như mực, trên tấm kính cửa sổ loang lổ vết bùn bẩn thỉu. Ngọn đèn dầu bằng hạt đậu thức cùng tôi đọc sách. Khi tôi chỉ thấy bóng mình in mờ mờ lên bức tường đất nham nhở bùn, tôi liền nghĩ ngay số 13. Mười ba! Con số này không tốt lành tý nào. Con số này sẽ gọi cô ấy hiện ra đây mất.
Quả nhiên cô đu người từ xà nhà xuống. Thoạt tiên là một đám hơi sương sặc sỡ chưa thành hình thể, đọng lại trên mặt đất, rồi nhanh chóng ngưng tụ lại thành một cô gái xinh đẹp sống động hẳn hoi, hệt như lời bác tù già đã nói, hai bím tóc đuôi sam bóng mượt, lông mày dài cong vút, đôi mắt lúng liếng, da dẻ, dẫu dưới ánh đèn dầu tù mù, cũng cứ phô ra màu trắng hồng mơn mởn. Cô mặc cả áo bông đỏ mùa đông, và đúng là cô đi giầy đỏ. Căn nhà đất tồi tàn sơ sài có cô đến bỗng rộn ràng ấm áp hẳn lên.
Cô vuốt áo nhe nhẹ, e thẹn bước lại gần tôi, cất tiếng thở than não nuột, sưởi ấm lòng người:
- Chao ơi, khổ quá!
- Đến đây em – Tôi đưa tay ra đón cô Em khổ, anh cũng khổ, đôi ta hãy ở cùng nhau.
- Em nói anh chứ - Cô đặt tay lên vai tôi, thân hình yểu điệu mà ấm nóng áp sát người tôi, mắt nhìn vào cuốn sách đang mở rộng trước mặt tôi. - Anh khổ, chứ em không khổ nữa đâu. Người ta chết đi, thì chẳng còn đau khổ gì hết.Tối nào em cũng thấy anh chờ mọi người ngủ cả, mới bò dậy đọc sách. Hà tất phải thế nhỉ? Chớ có hủy hoại sức khỏe như vậy anh ơi!
Giọng cô thật u buồn ai oán. Tôi ôm lấy eo lưng thon thả đáng yêu của cô. Cô tự cho mình là không khổ mà lại quan tâm đến tôi, điều ấy khiến tôi cảm động. Tôi cay đắng bảo:
- Em cũng khổ quá đấy. Vì đâu còn trẻ măng đã phải đi tìm cái chết? Sống dù sao cũng còn hơn chết! Giá em còn sống thì hay biết mấy?
- Sống không nổi nữa - Thân hình cô đu đưa nhè nhẹ, khiến tôi có cảm giác như chìm vào ảo mộng - Người ta ép gả em cho người em không muốn lấy, anh bảo còn sống sao được nữa? - Giọng cô lại thẽ thọt - Lúc ấy giá có anh ở đây có phải hay không. Đúng cái ngày phải đi lấy chồng, em đã chạy đến đây treo cổ tự tử. Hôm ấy giá có anh, em chẳng thắt cổ đâu.
Tôi kéo cô vào lòng mình, để cô ngồi lên đùi, vuốt ve đôi bím tóc mượt mà:
- Tất cả đều do xã hội cả thôi. Chúng ta vẫn chưa thật sự đạt tới nam nữ bình đẳng, chưa thật sự có tự do hôn nhân. Anh đọc sách, suy nghĩ tìm tòi xem thế nào để xây dựng một xã hội thật sự bình đẳng giữa người và người.
Cô hầu như không tin lời thuyết giáo của tôi, quay ngoắt lại bảo:
- Đến đời kiếp nào mới được thế hả anh. Đến mơ tưởng cũng chẳng dám nữa là! Ông bí thư khu ủy chỗ chúng em cũng nói vậy, loa đài cũng ra rả gào lên luận điệu ấy, nhưng có được tí gì đâu anh! Thế nhưng chết đi là hơn anh ạ! Nếu anh coi em là người sống thì em sẽ sống lại ngay - Cô lại ngẩng mặt lên âu yếm bảo - Người tình lý tưởng của em! Anh đừng học thói ba hoa khoác lác của loa đài nữa. Em hát cho anh nghe nhé. Lâu lắm rồi em không hát. Lâu nay vẫn giữ kín trong lòng để hát cho người em yêu.
Đoạn cô cất tiếng hát khe khẽ. Tiếng hát vẫn u buồn ai oán, nhưng trong trẻo du dương, trước mặt tôi hiện ra bãi bồ công anh vàng rực trong tiết xuân, chẳng ai trông nom, mặc cho người đời giầy xéo:
Pha lê trong suốt trước song. Hàm răng ai trắng cứ trông anh cười. Cửa hai cánh mở hờ một phía. Cất tiếng cười anh hãy vào đây. Say sưa cuối mắt đầu mày. Làn mi chấp chới nói thay nỗi lòng… Từng đôi chim hướng trời nam. Phận hèn em quyết ăn nằm cùng anh.
…….
Nhưng đám bạn tù lao cải đã về!
Từ xa, đã nghe tiếng cười đùa ồn ào vui vẻ.
Cô gái phút chốc lại biến thành đám hơi sương sặc sỡ. Tiếng ca, thể xác, hơi ấm thảy đều tan biến hết. Các tổ viên của tôi, vào đến nhà, đã bỏ từng vốc dưa chuột và cà chua ra trước mặt tôi.
- Kẻ cắp đâu chịu về không! - Họ đua nhau nói - ăn đi ăn đi. Giống dưa này vỏ sù sì nhưng giòn lắm đấy! - Cậu mũi tẹt đưa bàn tay còn bẩn hơn cả dưa, xoa liền mấy cái lên quả dưa, coi như đã chùi sạch đưa cho tôi. Anh đã coi họ là kẻ trộm cắp, thì họ cũng nhận mình là kẻ trộm cắp. Hơn nữa khi người nông dân nào cũng đi ăn trộm, không ăn trộm mới là không bình thường, thì dĩ nhiên trộm cắp cũng chẳng có gì đáng hổ thẹn nữa.
Rồi họ lôi chăn đệm ra, lịch kịch rải đệm ra, dũ chăn, mùi hôi khét lẹt bỗng chốc lan toả khắp nhà. Chui vào chăn đệm rồi, họ vẫn còn tán nhảm hồi lâu:
- Này, cái con Ngô Quỳnh Hoa cầm chắc là tằng tịu với Hồng Thường Thanh rồi! Bộ đội ở cùng đơn vị với nhau, suốt ngày ra vào đụng chạm mà không ăn nằm với nhau, tớ đếch tin.
- Người miền nam chúa khỏe cái khoản ấy lắm. Chả là khí hậu nóng nực…
- Tớ nghe nói, người miền nam ra nhà xí không phân biệt nam nữ đâu nhé.
- Ở bên nước Nhật, trai gái tắm chung một nhà tắm nhá!
- Cứ gì phải nước Nhật! Năm nọ tớ lớ xớ mò ra Thượng Hải, cũng vào lúc nóng bức, chính mắt tớ trông thấy, một lũ cả trai lẫn gái, đùa giỡn vùng vẫy trong một hồ nước lớn đấy!
- Không mặc quần áo à?
- Mặc quần áo đếch gì! Mặc quần áo thì làm sao đùa giỡn vùng vẫy trong hồ nước được? Mẹ kiếp tất cả trần như nhộng.
- Chậc, chậc….
Còn tôi, tôi ôm cô gái của mình mà ngủ. Tôi chừa ra một khoảng trống trong chăn, dành cho tấm thân mềm mại nhưng hư ảo của cô.
Một hôm, không biết đội lao cải lôi ở đâu về bộ phim “Lênin tháng mười”. Anh em xem xong rất thích thú cảnh Va-xi-li ôm hôn từ biệt vợ.
- Ôi! Tuyệt quá! Trong phim ảnh cũng có cắn vợ.
- Hừ! Ôm lấy mặt rồi cứ thế gặm.
- Cậu đã gặm vợ lần nào chưa! Hì hì gặm lần nào chưa?
- Nói đi, nói đi! Thành khẩn thì được khoan hồng, ngoan cố thì bị nghiêm trị
Thuật ngữ tra tấn tù nhân nhớ rất kỹ, thường luôn miệng nói hằng ngày.
- Gặm cái đếch gì, mặt bẩn bỏ mẹ! Tớ ghếch phốc một cái lên ngựa, là phóng một mạch đến Hà Tây…
Hôn “thì bẩn bỏ mẹ” còn chung đụng các bộ phận khác thì không “bẩn”! Tình yêu thật ra là một biểu hiện của văn hoá. Ở nơi thiếu văn hoá, ở những con người thiếu văn hoá, hoàn toàn không có thứ tình yêu thanh cao tao nhã, không có nghi lễ phiền phức tao nhã thanh cao, chỉ có thứ tình dục nguyên thủy nhất và cũng là cơ bản nhất.
Vào đến nhà là tắt đèn ngay. Ôm lấy cục cưng thân thiết này. A - ới – a, là – i - ới – i!
Ngọn đèn hạt đậu đã tắt, trong căn nhà cô gái thắt cổ tối đen như mực, mọi người đã ngủ cả. Kẻ thì ngáy, người thì nghiến răng, có anh lại rên rỉ: anh tù để chết bò kia lại nghêu ngao hát mấy câu, cuối cùng chép miệng mấy cái,rồi cũng chìm vào giấc ngủ say sưa.Trong căn nhà đất này, mọi người đều mơ thấy đàn bà, như ánh lửa tĩnh điện, lập loè sáng bừng lên trong mơ tưởng của cánh đàn ông này.
Ôi ma chướng! Quả là ma chướng!
Tôi không thể bảo đây là dâm đãng thấp hèn. Con người tôi, cơ thể cường tráng mới ngoài ba mươi tuổi của tôi cũng xốn xang rạo rực thứ ma chướng ấy. Kinh Phật “Đại trí độ luận” có viết:
- Hỏi: Vì sao gọi là ma quỷ?
- Đáp: Nó cướp đi trí tuệ tính mệnh, nó phá hoại cái gốc của đạo pháp, công đức, thiện lương.
Nghĩa là, đàn bà có thể hủy hoại sạch sành sanh hết mọi thứ trí tuệ, đạo đức, giáo dưỡng, lương thiện Trời đã phú cho người ta. Nhưng thôi cút mẹ mày đi cho rồi! Đã từ lâu coi tao là “kẻ thù giai cấp” lao cải một lần, rồi lại lao cải hai lần, “chống phái hữu” đã qua hàng chục năm rồi mà còn đem thơ của tao ra “bêu giễu cảnh cáo”, túm chặt lấy tao không chịu buông tha; nhà Phật lại còn rêu rao “lục đạo luân hồi, sống chết nối nhau”, tao đây thử hỏi còn đầu thai kiếp nào nữa đâu? Những thứ trí tuệ, đạo đức, giáo dưỡng ấy còn có ích gì?
Tù nhân lao cải chúng tôi khi ngủ đều trần như nhộng, một là để tiết kiệm quần áo ( ngoài bộ đồ đen thui ra, quần áo lót tù nhân phải bỏ tiền ra mua, hoặc nhờ người nhà gửi cho ) hai là để khỏi sinh rận. Nằm trong chăn, lấy bàn tay thô ráp vuốt ve bộ ngực chắc nịch khoẻ mạnh của mình tôi cảm thấy bứt rứt không yên, dường như vuốt ve một con dã thú sẵn sàng gầm rống lên. Tình yêu từ lâu đã tắt lịm trong trái tim tôi; tình yêu của tôi, người yêu của tôi đã biến đi tận đẩu tận đâu mất tăm mất tích. Chính vì yêu nàng, tôi đã không để nàng chịu chung số phận hiểm nguy, tôi lìa bỏ nàng là để trả lại tự do cho nàng; chính vì yêu nàng, tôi đã không nghĩ nhiều đến nàng. Nghĩ đến nàng lại hoá ra giả dối, chẳng khác gì trút món nợ tình cảm lên thân nàng. Hơn nữa nếu tâm hồn được thương nhớ, được tình yêu xoa dịu, thì không thể có sức cứng rắn của đấng trượng phu để chống chọi với hiện thực phũ phàng. Tôi đã thấy quá nhiều: bao người đã gục đổ trước hiện thực phũ phàng, phần lớn là người đa sầu đa cảm, quyến luyến gia đình, vợ bìu con díu.
Tình yêu thanh khiết như đoá hoa bách hợp trằng ngần, mối tình đầu e ấp run rẩy, khuôn mặt nhỏ nhắn ửng hồng lung linh ráng chiều, làn hương u uẩn lả lướt, bồng bềnh huyền ảo, mơ mộng lãng mạn kiểu Pháp, tình yêu lý tưởng kiểu Pla-Tông..v..v.. tất cả đều bị xoá bỏ sạch trơn bởi áo đen, bởi xếp hàng, bởi báo cáo và điểm danh, bởi khổ chiến và nhảy vọt…Chỉ còn trơ lại đòi hỏi sinh lý và thú tính. Đáng sợ là chung quanh không thiếu những cô gái đáng yêu, nhưng quả thật trong trái tim mình đã chẳng còn mảy may rung động của tình yêu. Thế là tình yêu khác giới chỉ dồn vào xác thịt; tình yêu quay về với bản năng. Tình cảm và da thịt đều trở nên thô ráp sần sùi. Mắt chẳng còn ánh lên vẻ dịu hiền, mà hoá thành u tối như mắt loài cú vọ. Tôi sờ thấy được trong lồng ngực tôi, trong khoang bụng tôi có một con vật hung hăng dữ dằn đang cấu xé tôi. Tôi nghe thấy hơi thở gừ gừ thâm hiểm của nó, cảm thấy một mạch ngầm sục sôi như lửa đốt, lồng lộn điên cuồng rần rật khắp cơ thể tôi. Đấy không phải là tôi, hoặc giả là một cái tôi khác nhưng rất có thể nó sẽ lao vút ra cào xé tôi thành trăm mảnh, rồi liếm láp cặp môi đẫm máu của nó, vồ chụp ngay kẻ khác giới đầu tiên mà nó bắt gặp.
Tôi ngủ thiếp đi. Tôi mơ thấy đàn bà. Nhưng ngay trong tiềm thức tôi, đàn bà cũng mơ hồ mờ ảo, chẳng cụ thể gì. Năm nay tôi đã 31 tuổi, từ tuổi dậy thì cho tới nay, tôi chưa bao giờ cọ xát thực sự với da thịt đàn bà. Tôi thèm được như những người nông dân đang ngủ cùng tôi trong căn nhà đất này, vùng này có tập quán tảo hôn. Trong giấc mơ họ còn nhớ lại cả quá trình chung đụng với người khác giới. Trong những giấc mơ nơi tù ngục này, họ dũ bỏ được gông xiềng, tới được cõi cực lạc. Còn với tôi cả đàn bà trong mơ vẫn vô cùng trừu tượng: một thứ mềm mềm không rõ hình hài ngọ nguậy như giun, một mảng màu sặc sỡ của Pi-Cát-Xô thời cuối đời, một đám mây trắng hoặc khói nhạt lững lờ bất định. Nhưng tôi ráng sức tự nhủ mình : đấy chính là đàn bà!
Có lúc đàn bà lại tan hoà vào những thứ đã khiến tôi vui thích say mê: đàn bà là điếu thuốc thơm yểu điệu, với đường cong tuyệt mỹ, là chiếc bánh màn thầu trắng xốp, chua dôn dốt vừa ngon, là cuốn sách mở kêu sột soạt, giấy trắng tựa màu da, là chiếc cuốc dùng rất vừa tay có cái cán gỗ cầm vào như nắm lấy cổ tay ai… Tôi đã cùng tất cả ngần ấy thứ rơi xuống vực thẳm, hưởng thụ niềm khoái cảm sinh lý trong cõi tối tăm vô bờ bến.
Công việc chăm sóc đồng lúa vất vả nhất trong bốn mươi ngày, từ gieo giống, tưới nước cho tới lúc cây lúa vươn thẳng lên mặt ruộng. Bốn mươi ngày ấy gọi là “thời kỳ bảo dưỡng mạ”. Hết thời kỳ này thì cả mười ba người đều thư thả hơn. Mạ non trên hơn hai trăm mẫu ruộng của chúng tôi đã lên đều tăm tắp; hơn ba nghìn mẫu ruộng xanh biếc một màu. Nhưng đội lao cải không rút người của chúng tôi đi. Đội trưởng Vương vốn thành thạo nghề nông. Ông biết cái nhàn rỗi của người chăm sóc động ruộng lúc này, chính là để bù đắp lại nỗi vất vả ngày đêm trong bốn mươi ngày trước đó. Huống hồ, dạo này bên ngoài lại đang liên tiếp tống người vào đội lao cải, đến nỗi đội tiếp đón không xuể. “Đại cách mạng văn hoá” đã sáng tạo một năng suất phạm tội phá kỷ lục thế giới, cục lao cải ngày ngày còn đang đau đầu với vấn đề ăn ở cho hàng loạt tội phạm mới đưa vào, nên chẳng cần rút vội người của tổ chúng tôi về trại làm gì.
Anh chàng mũi tẹt về trại gánh cơm kể là, anh ta gặp ở vườn rau một tù nhân vừa mới giải vào trại, người ấy bảo anh; công bố xét xử của toà án dán kín hết cả đường phố.
Trời ơi! May mà vào sớm, chứ không thì bây giờ cũng bị tóm vào rồi. Vào sớm thì lại ra sớm! Mười ba người chúng tôi đều lấy làm mừng, nghĩ rằng thật phúc đức cho số phận chúng tôi.
Sau thời kỳ bảo dưỡng mạ, toàn bộ cao nguyên hoàng thổ bỗng chốc hiện lên một màu xanh bao la. Bốn bề đều xanh: xanh núi, xanh sông, xanh đồng ruộng và cả bầu trời cũng tưởng chừng tràn trề chất men ngào ngạt mùi hương hoang dã say người. Đàn bồ nông bất chấp biển gỗ “nghiêm cấm ra vào”, bất chấp hàng rào dây thép gai tua tủa, cứ ung dung đến giang đôi cánh màu tro bạc bay là là trên mặt nước xanh. Chú cò lêu đêu bước chậm rãi trên ruộng nước, vẻ lặng lẽ trầm tư, trông giống hệt đội trưởng Vương,vịt giời làm tổ trong đám lau lác bên mương tiêu, tất bật lo toan cho cái gia đình cỏn con của chúng. Đàn chim nước tung cánh bay chấp chới trong nắng vàng rực rỡ, tiếng chim rộn ràng vang vọng khắp cánh đồng bát ngát. Mạ non lặng lẽ hút lấy nhựa sống trong lòng đất ,dập dờn theo làn gió. Đất trời hoàn hảo chẳng cần đòi hỏi gì thêm, còn con người thì khát vọng tình yêu.
Đội trưởng Vương thường xuyên đến khu ruộng lúa, tay chắp sau lưng, một mình quanh quẩn trên bờ ruộng, kiểm tra công việc của chúng tôi. Chiếc áo màu xanh bộ đội khoác hờ hững trên người, ông bước đi tập tễnh ngả nghiêng trông chẳng khác gì một con rối có gắn lò xo. Mạ đã lên đều, chúng tôi không sợ ông kiểm tra, cũng chẳng cần phải đi theo ông. Chúng tôi vẫn làm việc của chúng tôi như thường, mò cá, bắt vịt giời, hay ngồi dưới bóng liễu vá bộ quần áo tù chẳng bao giờ lành lặn. Cho tới một hôm đã kiểm tra khắp lượt, ông đến trước mặt tôi ra lệnh:
- Bảo những thằng ** ấy, sửa sang, đắp cho chắc những miệng tưới tiêu, bờ ruộng chỗ nào bé đắp thêm vào. Vài ngày nữa đại đội đến làm cỏ đấy.
Lúc ấy chúng tôi mới tất bật đứng lên.
Sáng sớm ba hôm sau, chúng tôi ăn xong suất cơm trực nhật gánh về, đang rửa chậu cơm và bát đĩa, một tổ viên đi đổ nước, phấn khởi chạy về căn nhà đất, hét toáng lên:
- Đại đội đến rồi!
Ai nấy đều xúc động, kể cả tôi. Ở đại đội tôi không có người thân, cũng chẳng có bạn bè, nhưng đoàn người mặc quần áo tù đen ngòm ấy vô cùng hấp dẫn tôi. Khi chưa ra tổ trông coi ruộng, ngày đêm tôi sống ở đấy. Chế độ luật lệ khắc nghiệt và máy móc đã tạo cho bầy người những tập quán chung, luật lệ sống chung, và cả những tiếng lóng chỉ có chúng tôi hiểu với nhau. Tôi cũng ngơ ngơ ngác ngác buông bát đũa xuống, cùng mọi người lao ra cửa.
Lâu lắm rồi mới được gặp lại đại đội ơi!
Sương mai chưa tan hết. Mặt trời mới mọc, ánh vàng da cam mới chỉ lấp ló ngọn liễu và bạch dương màn đêm còn quyến luyến mặt đất. Đứng trên gò chúng tôi nhìn về phía bắc đập mương nhánh, một đoàn người mờ mờ xam xám như những u hồn đang di chuyển nhanh về phía chúng tôi. Họ từ từ tiến gần chỗ chúng tôi. Xám đã chuyển thành đen mặt mũi họ cũng hiện rõ dần. Những khuôn mặt nghiêm trang hoặc lơi lả, khắc khổ hoặc phóng đãng, tươi cười hoặc ủ dột, hiền lành hoặc độc ác, bảnh trai hoặc xấu dáng, tất cả lướt qua rất nhanh dọc bờ mương theo tiếng chân bước lộn xộn. Điều khiến người ta kinh sợ lạ kỳ là phép mầu nào đã bắt gom về đây đủ các hạng người khác hẳn nhau như nước với lửa này, rồi đem đóng lên tất cả những khuôn mặt ấy một dấu ấn “vết hằn lao cải”. Vẻ mặt họ không đến nỗi tiều tụy, vì vào thời vụ bận rộn, ăn uống không đến nỗi quá tệ. Nhưng từng ấy khuôn mặt đều mang vẻ lạnh lùng của thầy tu khổ hạnh và vẻ đa nghi của thầy kiện già đời. Nhất là đường hằn pháp lệnh hai bên cánh mũi nối với nếp nhăn bên mép, tạo nên cái tướng “đằng xà văn nhập khẩu” mà tướng số tối kỵ “vết hằn lao cải” đau khổ, không thấy có trên gương mặt những công dân bình thường, không những là biểu trưng cảnh ngộ hiện tại của họ, mà còn quy định cả tâm lý u tối ảm đạm suốt đời họ sẽ không sao thoát nổi.
Anh em tổ trông coi đồng ruộng đứng trang nghiêm trên gò đất không hề giễu cợt họ, cũng không thấy tự hào gì, lẳng lặng nhìn đoàn tù đi qua. Đứng ngoài đoàn người ấy, chúng tôi mới cảm thấy uất ức nặng nề, mới thấy được số phận mình thật thê thảm. Tại sao lại thế nhỉ?Có đúng là chúng tôi tranh nhau từ nhà ra đây để xem đại đội không! Đúng rồi, nhưng chúng tôi lại không cảm nhận được tâm trạng của bà con trong làng khi kéo ra xem đoàn tù lao cải. Đứng ngoài, họ nhìn thấy một thế giới khác, còn chúng tôi lại nhìn thấy chính bản thân mình. Đội ngũ màu đen ấy có một chức năng là khi nó nuốt chửng anh, thì anh sẽ hoà tan trong đó, anh hoàn toàn không còn nữa.
Muốn nhìn rõ mặt mình phải đứng cách gương một cự ly nào đó.
- Kìa! Hãy còn.
Trên gò đất có người quẳng một điếu thuốc đã châm về phía bờ mương. Cảnh vệ quay nhìn chúng tôi nhưng không can thiệp. Một người tù lao cải đang đi trên bờ mương vội nhặt lấy, chúm miệng rít lấy rít để mấy hơi, rồi chẳng khác gì chuyền gậy chạy tiếp sức, đưa ngay cho người khác. Tuy chúng tôi đều được phát tiền tiêu vặt, nhưng tù trong đại đội muốn mua gì chẳng được dễ dàng như tù tự do.
Rồi anh em trong tổ chúng tôi thi nhau tung những quả cà chua, dưa chuột hồi hôm qua chưa ăn hết sang phía bờ mương. Kẻ tung người hứng đều rất vui mừng hồ hởi, chẳng khác gì những cầu thủ đội bóng bầu dục của nước Mỹ. Tiếng cười đầy sức quyến rũ vang vọng trong sương sớm đang tan dần. Có người cứ tưởng rằng tù lao cải suốt ngày cứ ủ rũ rầu rĩ. Không đâu! Như vậy thì là sao chịu đựng cho hết cái hạn tù dài dằng dặc? Cứ phải kiếm ra cái gì đó mà làm cho khuây khỏa đôi chút. Hàng ngũ có phần chuệch choạc. nhưng lính cảnh vệ chỉ quát “nhanh lên nào!”, “nhanh lên nào!”. Với những con người đang cười, họ cũng không nỡ thúc báng súng? Có lẽ họ cũng có chút nghi ngờ, những con người này thật sự có tội chăng. Thật chẳng khác nào những người bạn chiến đấu trong một đơn vị bộ đội, tôi nghĩ thế. Nhưng kẻ thù của đội ngũ này là ai? Không biết! Chẳng ai có thể trả lời cho được, mặc dầu từ lâu họ đã bị kết án là “kẻ thù giai cấp”.
Đoàn người đã qua hết. Bụi đất trên bờ mương dần dần lắng xuống. Nhóm đi đầu đã tới bờ ruộng, đội trưởng Vương đang giục họ cởi giầy đi bộ xuống. Anh em tổ tôi tung hết cà chua, dưa chuột rồi, niềm hứng khởi dường như vẫn chưa tan, trên từng gương mặt vẫn thoáng một nụ cười tinh nghịch. Đáng lý nên khóc thì họ lại cười. Vậy đấy là chỗ mềm yếu hay là chỗ cứng rắn của tính người? Bỗng, một người trong tổ tôi chỉ tay lên phía bắc, quay đầu lại phấn khởi gào lên:
- Hãy còn nữa kìa!
Cậu mắc tội làm chết bò nghển cổ lên nhìn, rồi nhoẻn miệng cười ranh mãnh.
- Đội nữ đấy!
Đúng là đội nữ!
Nhưng từ xa không tài nào nhận ra được họ là nữ. Người tù để chết bò có lẽ ngửi thấy mùi đàn bà bằng khứu giác. Họ cũng mặc áo tù đen tóc cắt ngắn cũn. Trước năm 1966, khi tôi vừa bị giải vào đội lao cải, lao động trên sân phơi thì từ xa đã phân biệt được rõ nam và nữ, vì khi ấy tù đàn bà vẫn còn đươc phép tết đuôi sam. Sau năm 1966 làn gió xóa bổn cũ ở bên ngoài đột nhiên ùa vào, chỉ trong một đêm, tù đàn bà bất kể già trẻ đều phải cắt tóc bằng hết. Một người nữ tù tự do ở vườn rau, vốn là một bà đồng đội bát nhang, đã ngoài sáu mươi tuổi, cũng bị xén nốt lọn tóc chỉ còn vài sợi lơ thơ bạc trắng. Xử bà bẩy năm tù giam bà không hề oán thán lại còn cảm ơn chính quyền:
- Ra tù tôi sẽ đèn nhang cúng bái cụ Mao!
Nhưng khi cắt cái búi tóc của bà thì bà kêu khóc thảm thiết, gào đến đứt hơi khản tiếng:
- Trời Phật ơi! Khốn nạn thân tôi! Khốn nạn thân tôi! Cách mạng cách đến cả túm lông cằn của tôi rồi!
Bà ta còn hát như lên đồng, chẳng ai nghe rõ lời hát quái đản kỳ quặc của bà ta, chỉ biết một tháng sau bà lăn ra chết. Chính tôi là đại tổ trưởng đã dẫn bốn người tù đàn ông đi nhập liệm cho bà. Hôm ấy chúng tôi theo sau đội trưởng Vương mặt mày ủ dột vào trại tù đàn bà khiêng xác bà đồng đi trước mặt đám tù đàn bà đang sợ run như cầy sấy. Bốn anh tù đàn ông khiêng không vững, tấm ván cửa nghiêng ngả chao đảo, tờ báo phủ diện phập phồng rồi bay xuống đất. Tôi thấy cặp mắt thất thần khô đét của bà phẫn nộ hướng lên trời. Tôi đưa hai ngón tay vuốt mắt cho bà, nào ngờ xác bà đồng đã khô quắt như que củi, mà mi mắt vẫn còn đàn hồi co dãn. Tôi vuốt xuôi xuống, thì nó lại từ từ co trở lại như ốc sên:
- Mày làm gì thế? Tại sao bắt tao phải nhắm mắt? Tao phải mở mắt thật to kia.
Đứng bên người chết, cái chết thảm khốc, và điều bí ẩn vĩnh hằng chẳng ai lý giải được, đã khiến tôi bớt tò mò đi, tôi không dám liếc sang đám tù đàn bà và trại giam của họ, mặc dầu đây là một dịp tham quan cực kỳ hiếm hoi. Chỉ khi bà đồng lại mở mắt trừng trừng nhìn lên, tôi thấy đám đàn bà con gái rú lên kinh hãi và khóc lóc thảm thương, có cả tiếng va đập loảng xoảng, chẳng biết ai quá hãi đánh đổ cả chậu cơm.
Chúng tôi đã đặt bà đồng già chết không nhắm được mắt vào trong “bộ vỏ dòn” đóng bằng gỗ bạch dương. “Bộ vỏ dòn” là tiếng lóng của tù lao cải, so với từ “quan tài ván mỏng” của nhà văn sáng tạo ra, thì hình tượng hơn nhiều. Xem ra bà đồng này vẫn còn gặp may, chứ tù chết năm 60 thì bộ vỏ dòn cũng chẳng có, chỉ có manh chiếu cói mà thôi. Hồi ấy, suýt nữa tôi đã được bó bằng manh chiếu như vậy.
Tù đàn bà và tù đàn ông được cách ly tuyệt đối. Đến mức tù đàn ông chúng tôi tưởng chừng quên hẳn là còn có tù đàn bà đang ở đây. Nhưng rút cục thì cùng ở một nông trường, cùng một loại lao động, cùng đi chung một con đường, họ sống sờ sờ ngay cạnh chúng tôi. Có anh tù hình sự trẻ mũi thính như chó ***, chỉ ngửi cũng biết, tù đàn bà hôm nay, đi làm ở đâu, đi qua con đường nào, thậm chí biết cả hôm nay trong đội đàn bà đã xảy ra chuyện gì. một mẩu dây bọc cao su rơi trên đường, chiếc vòng tay thay cho xuyến bạc dùng làm đồ trang sức khi họ bị tước đoạt hết mọi lạc thú trên đời, đây chính là dấu hiệu đàn bà của đội lao cải. Mẩu dây bọc cao su ấy đã khiến tù đàn ông tơ tưởng, thêu dệt bao nhiêu là chuyện. Giầy lao cải cỡ nhỏ, dấu chân bé xíu như chân trẻ con, vết chân thon thon in mờ mờ trên mặt đất, rồi thì vụn màn thầu, vụn khoai tây vứt bừa trên cỏ ( tù đàn bà thường ăn ít hơn tù đàn ông ), đều như lối mòn quanh co thanh vắng trong vườn hoa, biến thành nơi để hai bên trai gái hẹn hò gặp gỡ. Dĩ nhiên chỉ là gặp gỡ trên tinh thần, chẳng khác gì giấc mơ trong đêm tối, vĩnh viễn chẳng bao giờ thành hiện thực, trừ phi cả hai đều là tù tự do.
Điểm danh chiều xong về trại, khi tất cả chưa ngủ, cánh tù già ngồi sưởi bên lò lửa kể cho tù mới nghe bao nhiêu chuyện trai gái phóng đãng, tù già là Hô-Me của đội lao cải, lịch sử nông trường nhờ họ được lưu truyền lại. Theo họ kể, đi ở tù đàn bà khốn đốn hơn đàn ông. Thần kinh yếu đuối không chịu đựng được cảnh cô đơn, họ phải tìm kiếm sự vuốt ve, chiều chuộng và chăm sóc. Có người đứng sau song sắt tán tỉnh lính cảnh vệ:
- Ông cai ơi, con chuột nhà ông có muốn ngoáy lọ mỡ không?
Chỉ cần có dịp tốt thôi - dịp tốt bao giờ cũng do người tạo ra dịp tốt không phải từ trên trời rơi xuống, dây thép gai 5 ly cũng không cản nổi nhưng cơn hứng tình của họ, có người lăn xả vào ôm lấy tù đàn ông tự do.
Giờ đây họ đã đến.
Sương mai đã tan hết. Ánh nắng da cam đã xuống tới bờ mương, dấu chân loạn xạ trên mặt đất trông chẳng khác gì những đường hoa văn chồng chéo kỳ dị. Đây thật sự là con đường lầm lỗi đầy khổ ải. Trời mù sương nên không có gió, liễu xõa cành lặng lẽ; lau lách và cỏ nước rìa mương đứng trơ trơ chĩa ngọn lên trời, tựa hồ đám tù đàn bà này chẳng có gì đáng quan tâm cả. Đoàn tù đàn bà bước đi nhanh nhẹn, diễu qua chỗ chúng tôi như đi duyệt binh vẻ khiêu khích ra mặt. Đúng vậy, dáng họ đi thật nhanh nhẹn, có người còn làm dáng thướt tha yểu điệu, vì đám đàn bà ra làm đồng này còn rất trẻ.
Nhưng nếu không nhìn dáng họ đi, nếu họ cũng đứng im như lau lách và cỏ nước, thì ai tin được họ là đàn bà? Cuốn Phục sinh mô tả Ma-dơ-lô-va bước trên đại lộ Vla-di-mia để đi Xi-bê-ri hình như cô ta vẫn mặc váy; tôi không nhớ rõ màu trắng hay màu xám, nhưng đúng là váy, đâu còn được trùm khăn nữa. Còn tù đàn bà ở đây thì mặc quần áo tù màu đen hoàn toàn cùng kiểu với tù đàn ông. Quần áo như bao tải rộng thùng thình, đã dấu kín hết mọi nét đặc trưng nữ giới của họ. Họ biến thành một loại động vật nam không ra nam, nữ không ra nữ, xấu xí hơn cả đám tù đàn ông. Họ là cái gì vậy? Họ là đàn bà ư? “Đàn bà” chẳng qua chỉ là một khái niệm được gán cho họ theo thói quen mà thôi. Họ không có eo, không có ngực, cũng chẳng có mông; trên từng gương mặt phì phị, màu bồ quân, dẫu không có “vết hằn lao cải” nhưng vẫn toát ra vẻ hoang dã của những con thú cái. Nhiều người vừa đi vừa cắn hạt quỳ xanh, liếc nhìn chúng tôi bằng đôi mắt trắng dã như cá chết, ra vẻ kênh kiệu tự đắc, và dường như đây chính là cách họ làm dáng gợi tình. Vỏ hạt quỳ dính quanh miệng, bẩn thỉu chẳng khác gi đám bọt dãi trắng xoá trong miệng phun ra.
Tôi bỗng thấy dạ dày đau quặn lên và ợ chua.
Tôi quay mặt đi, tôi không dám nhìn họ nữa. Họ sẽ huỷ hoại lòng ngưỡng mộ của tôi, vùi dập hứng thú của tôi đối với đàn bà, thậm chi còn dập tắt cả niềm hy vọng của tôi vào cuộc đời. Cứ nghĩ nếu như người con gái mà tôi đã từng yêu, hình tượng nghệ thuật phụ nữ mà tôi đã từng say sưa, mà tôi đã thưởng thức, bị bắt vào đây để rồi hình hài cũng biến dạng đi như thế này, cõi đời này còn gì đáng lưu luyến nữa?
Tôi quay lưng lại bờ mương, bật lên những tiếng ho.
Trời ơi! Mẹ ơi!
Tôi chợt nghĩ rằng, con người vượn đầu tiên lấy lá cây hay da thú che kín phần hạ bộ của mình, nhất định là một con vượn cái….