Khi nào các bạn có điều kiện đến tham quan La Mã, mời các bạn đến thăm tu viện Bramăng. Giữa tu viện, tại một chỗ lõm vài piê có xây một đền thờ nhỏ, cấu trúc pha tạp kiểu Hy Lạp cổ đại với kiểu gôtích phong kiến, rồi các bạn đi lên qua một cửa ngang và chính giữa nhà thờ. Ở đấy người dẫn đường sẽ hướng dẫn các bạn xem trong miếu đường thứ nhất, bên phải bức họa “Chúa Jêsu bị đánh đòn” của Xêbáttiêngđen Piômbô và trong miếu đường thứ ba bên trái “Jêsu trong mộ” của Fiamingô. Sau khi đã chiêm ngưỡng thỏa mãn những tác phẩm đó, các bạn tìm dưới chân bàn thờ, một tấm bia đá mà các bạn sẽ nhận ra được do một dấu chữ thập và một chữ đơn giản Orat. Chính dưới tấm bia đó đã chôn Bêatrich Xăngxy mà câu chuyện bi thảm về cô gái ấy sẽ để lại cho các bạn một ấn tượng sâu sắc.
Cô là con ông Frăngchetcô Xăngxy.
Frăngchetcô sinh dưới thời Giáo hoàng Clêmăng VII lên ngôi ngày 18 tháng 11 năm 1523. Frăngchetcô là con trai ông Nicôla Xăngxy, thủ quĩ của Giáo hoàng dưới thời Pie V.
Sinh ra với những bản tính không tốt và làm chủ một gia tài kếch xù, Frăngchetcô lao mình vào những cuộc ăn chơi trụy lạc. Ba lần bị bắt giam vì những cuộc tình ái bất chính và ông đã phải mất gần năm triệu Frăng để thoát khỏi tù tội.
Nhất là dưới thời Grêgoa XIII, người ta mới bắt đầu quan tâm đến Frăngchetcô một cách đúng mức. Dưới thời Bôlône buôncompani, ở La Mã tất cả mọi hành động đều được hợp thức hóa đối với những ai có tiền trả, kể cả kẻ giết người và người quan tòa. Cưỡng hiếp và giết người là những vấn đề rất thường mà công lý rất ít khi để ý đến những trò vụn vặt ấy nếu không có ai ở đây để truy đuổi thủ phạm.
Vào thời kỳ này, Frăngchetcô trong khoảng bốn bốn, bốn lăm tuổi, cao năm piê, bốn pút, dáng cân đối và rất khỏe mặc dù có vẻ hơi gầy. Tóc ông màu xám, cặp mắt to và đầy ý nghĩa mặc dù mi trên hơi xụp xuống và trở nên rất dữ tợn khi gặp kẻ thù. Ông chơi các môn thể thao rất khá, nhất là môn bơi thuyền. Đôi khi ông bơi thuyền một mình một mạch từ La Mã đến Naptlơ, một quãng đường bốn mươi dặm. Không tôn giáo, không tín ngưỡng, ông không vào nhà thờ bao giờ, nếu có vào cũng là chỉ để xúc phạm Chúa. Nhiều người nói rằng ông rất thích những sự kiện kỳ quặc và không có một tội ác nào mà ông phạm không ngoài mục đích để có một cảm giác mới lạ.
Năm bốn mươi nhăm tuổi ông lấy vợ. Vợ ông rất giàu nhưng không có một tài liệu nào nói tên bà là gì. Bà chết để lại cho ông bảy người con, năm trai hai gái. Ông lấy người vợ thứ hai, Lucrêgia Pêtrony, ngoài nước da trắng ngần, bà còn là một điển hình hoàn hảo về sắc đẹp La Mã. Lần lấy vợ thứ hai này ông không có con.
Cũng vì Frăngchetcô không có được những tình cảm tự nhiên của con người nên ông rất ghét các con mình và ông cũng chẳng cần giấu giếm mối căm ghét đó. Một hôm, ông cho xây dựng trong sân của mình một tòa lâu đài tráng lệ bên cạnh con sông Tibrơ, một đền thờ để tặng thánh Tômát. Ông nói với kiến trúc sư thiết kế cho ông một hầm mộ: “Tôi mong sẽ nhốt hết bọn con tôi vào đây”.
Do đó khi các con ông vừa mới tự lập được, ông đã gửi ba người con lớn đến trường đại học Xalamăng ở Tây Ban Nha. Chắc hẳn ông nghĩ rằng xa chúng là bỏ rơi chúng vĩnh viễn, vì khi các con ông vừa đi khỏi nhà là ông không hề nghĩ đến chúng nữa, ngay cả đến việc gửi lương ăn cho chúng.
Chính là vào những năm đầu của triều đại Clêmăng VIII, một triều đại được nổi tiếng về công bằng, cho nên ba chàng trẻ tuổi ấy mới quyết cùng nhau lên kêu với Người. Ba chàng lên tìm Giáo hoàng Fratcatti và trình bày mục đích. Giáo hoàng công nhận quyền lợi của ba chàng và người bố là Frăngchetcô phải trợ cấp cho mỗi người con hai nghìn êcu. Frăngchetcô tìm mọi cách để hủy bỏ quyết định ấy, nhưng nhận được mệnh lệnh cụ thể nên buộc phải chấp hành.
Chính trong thời kỳ đó ông bị bắt giam lần thứ ba cũng vì tội tình ái xấu xa. Thế là ba người con trai của ông lại lên kêu với Giáo hoàng là cha họ làm nhục thanh danh của gia đình, và yêu cầu luật pháp trừng trị thích đáng. Giáo hoàng thấy hành động của con thế là không tốt nên đuổi họ về. Còn Frăngchetcô thì lần ấy cũng như hai lần trước được thoát thân bằng tiền bạc.
Người ta hiểu rằng hành động ấy của ba người con trai không thể thay đổi lòng căm ghét thành tình thương yêu của Frăngchetcô đối với các con được. Nhưng con trai còn có thể thoát khỏi sự giận dữ của cha, còn những cô con gái thì bị giông tố đổ xuống đầu. Chẳng bao lâu tình hình đó trở nên không thể chịu đựng được nữa, đến nỗi cô gái lớn, mặc dù bị giám sát chặt chẽ, cũng gửi được một lá đơn lên Giáo hoàng. Trong đơn cô kể hết những cách đối xử tàn tệ mà cô phải chịu đựng và xin với Giáo hoàng gả chồng cho mình hoặc cho mình vào một nhà tu kín. Clêmăng VIII mủi lòng thương hại, buộc Frăngchetcô phải trợ cấp cho cô một món tiền hồi môn là sáu chục nghìn êcu và gả cô cho Caclô Gabrieli, một gia đình quý tộc ở Gupbiô. Frăngchetcô nổi giận tưởng phát điên vì thấy cô gái ấy thoát được tay mình.
Cũng vào thời gian đó thần chết lại đến giải thoát cho ông hai đứa con nữa: Rốc và Crittốp Xăngxy bị giết chết cách nhau một năm, đó là một niềm an ủi cho Frăngchetcô. Tính keo kiệt của ông theo đuổi các con ông đến cả sau cái chết của chúng vì ông tuyên bố sẽ không chi một đồng xu cho phí tổn nhà thờ. Xác chúng phải mang vào hầm mộ mà ông đã xây sẵn cho chúng, trong những áo quan của những kẻ ăn mày.
Khi trông thấy hai xác con nằm ở đấy, ông tuyên bố rất sung sướng đã thoát khỏi hai đứa xấu xa ấy, nhưng sẽ được sung sướng hoàn toàn khi nào thấy năm đứa kia nằm bên cạnh hai đứa này để có đủ cả bầy, ông sẽ nổi lửa đốt tòa lâu đài để tỏ dấu hiệu vui sướng của mình.
Tuy nhiên Frăngchetcô cũng tìm đủ mọi biện pháp để cô gái thứ hai, Bêatrich Xăngxy không theo gương cô chị. Lúc đó Bêatrich là một cô bé mười ba tuổi xinh đẹp và thơ ngây như nàng tiên. Mái tóc cô dài màu hung, một vẻ đẹp hiếm có ở nước Ý mà chúng ta đã thấy trong tất cả các bức họa của Rafaen(Họa sĩ trứ danh người Ý ). Mái tóc đó rủ xuống thành búi hai bên bờ vai để lộ ra một cái trán tuyệt mỹ, cặp mắt màu xanh da trời có một vẻ mê hồn nhất, thân hình cô tầm thước nhưng rất cân đối.
Để giữ được cô, Frăngchetcô nhốt con gái vào một căn phòng kín của lâu đài mà chỉ mình ông có chìa khóa. Ông trở thành tên cai ngục của con gái mình. Hàng ngày ông vào thăm và mang thức ăn cho cô. Ông đối xử với cô rất khắt khe cho mãi đến năm cô mười bảy tuổi. Chẳng bao lâu cô bé tội nghiệp ngạc nhiên thấy bỗng nhiên ông đã dịu đi. Đó chỉ là vì cô bé Bêatrich đã trở thành một cô thiếu nữ, sắc đẹp của cô đã nở ra như một bông hoa. Và Frăngchetcô, một tên tội phạm không từ một tội ác nào, đã nhìn cô với cặp mắt loạn luân.
Một thời gian sau, đêm đêm cô thường bị thức giấc bởi một thứ âm nhạc du dương như từ cõi thiên đường phát ra. Khi cô nói điều đó với cha, cha cô dỗ dành để cô yên trí và còn nói thêm nếu cô ngoan ngoãn dễ bảo thì chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ ban cho cô một phần thưởng đặc biệt, không những cô chỉ được nghe mà còn được trông thấy nữa.
Quả nhiên một đêm, trong khi cô đang tỳ khuỷu tay xuống giường để thưởng thức thứ âm nhạc du dương ấy, bỗng nhiên cửa buồng cô mở ra và từ trong buồng tối cô nhìn ra các buồng xung quanh thấy ánh đèn rực rỡ và đầy hương thơm, như hương thơm, mà người ta ngửi thấy trong giấc mơ, những con trai và con gái xinh đẹp gần như trần truồng như cô đã nhìn thấy trong những bức tranh của Ghit và của Rafaen. Họ đi dạo chơi trong phòng, tỏ vẻ đầy sung sướng và hạnh phúc. Chúng là một bọn vô lại mà Frăngchetcô đã thuê tiền vì hắn giàu có như một ông vua. Mỗi một đêm hắn lại cho thay đổi những cảnh say sưa phóng dục của “Alêchxăng trong bữa tiệc cưới Lucret” và những cảnh trác táng của “Tibe ở Capri”. Sau một giờ, cánh cửa đóng lại và cảnh quyến rũ biến mất, làm cho Bêatrich bối rối và ngạc nhiên.
Đêm hôm sau cảnh tượng như vậy lại hiện lên. Nhưng lần này Frăngchetcô bước vào buồng con gái, rủ rê con gái ra tham gia cùng hắn trần truồng. Không hiểu tại sao Bêatrich lại biết rằng làm theo lời nằn nì của cha là không tốt. Cô trả lời không thấy mẹ ghẻ Lucrêgia có mặt trong đám phụ nữ, nên cô không dám đứng lên ra ngoài với những người lạ mặt. Frăngchetcô dọa và van nài cô, nhưng đều vô ích.
Hôm sau cô mặc cả quần áo đi nằm. Đúng giờ thường lệ, cửa buồng cô lại mở ra và cảnh tượng ban đêm lại tái diễn. Lần này mẹ ghẻ cô, Lucrêgia cũng có mặt trong đám đàn bà đi diễu qua trước cửa buồng cô, bạo lực đã buộc bà phải làm điều nhục nhã ấy. Bêatrich ở khá xa nên không nhìn thấy bà đỏ mặt và nước mắt tràn trề. Frăngchetcô liền chỉ cho con gái mình bà mẹ ghẻ mà hôm qua cô không thấy. Thấy cô không nói gì hắn liền đưa cô bé vào cơn cuồng si ấy mặc dù cô bối rối và đỏ nhừ cả người.
Ở đây Bêatrich nhìn thấy những cảnh đốn mạt chưa từng có và cô nhìn thấy những điều cô chưa từng biết.
Tuy nhiên cô cũng chống cự lại khá lâu, Frăngchetcô cho rằng những cảnh tượng ấy kích thích cảm giác của con gái, hắn lại còn thêm vào đấy những tà thuyết hòng đánh lạc lý trí của cô. Hắn nói với cô rằng những Thánh lớn nhất của nhà thờ đều sinh ra từ mối quan hệ tình dục giữa người cha và con gái.
Thế là hắn không từ một thủ đoạn dã man nào. Hắn buộc Lucrêgia và Bêatrich phải cùng chung một chồng, đe dọa sẽ giết vợ nếu bà để lộ một câu cho con gái hắn biết sự chung chạ ấy là một điều ô nhục. Sự việc như vậy cứ diễn ra trong vòng gần ba năm.
Đến thời kỳ này Frăngchetcô có việc phải đi xa trong một thời gian, buộc hắn phải để hai người đàn bà ở nhà với nhau và được tự do.
Điều thứ nhất mà bà Lucrêgia thực hiện ngay là nói cho Bêatrich thấy tất cả sự bỉ ổi của cuộc sống của họ, thế là hai người cùng nhau viết một tờ đơn tố cáo với Giáo hoàng tất cả những gì mà họ đã phải đau khổ chịu đựng. Chẳng may, trước khi đi, Frăngchetcô đã đề phòng tất cả, những người xung quanh Giáo hoàng đều bị hắn mua chuộc hoặc sắp được mua chuộc cho nên đơn tố cáo của hai người đàn bà tội nghiệp không tới được tay Giáo hoàng.
Ngay lúc bấy giờ, Jắccơ lợi dụng lúc cha đi vắng, liền đến thăm em gái cùng với một người bạn thân làm cha cố tên là Ghera. Đó là một thanh niên hai mươi nhăm tuổi, xuất thân từ một gia đình quý tộc ở La Mã. Tính anh sôi nổi, cương nghị và can đảm. Giới phụ nữ đều ca ngợi vẻ đẹp của anh.
Mới gặp Bêatrich, Ghera đã yêu ngay. Về phần Bêatrich, chẳng bao lâu cũng có cảm tình với người cha cố đẹp trai ấy. Lúc bấy giờ đại hội Tôn giáo Trăngtơ chưa có, nên các giáo đồ có thể lấy vợ được. Mọi người thỏa thuận với nhau đợi đến khi Frăngchetcô về, Ghera sẽ hỏi xin Bêatrich làm vợ. Cả hai người đàn bà thấy được sung sướng trong khi chủ vắng nhà và tiếp tục sống mơ ước đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Sau ba bốn tháng, trong khi mọi người hoàn toàn không biết tin tức Frăngchetcô ra sao thì đùng một cái, hắn trở về. Ngay đêm đầu tiên hắn đã muốn nối lại mối quan hệ bất chính với con gái hắn, nhưng Bêatrich không phải như trước nữa, từ một cô gái rụt rè, đã trở thành một thiếu nữ cứng cỏi, cô chống lại mọi sự van xin, mọi sự đe dọa và mọi sự đánh đập của bố cô.
Cơn tức giận của Frăngchetcô liền đổ xuống đầu vợ mà hắn kết tội là đã phản hắn. Hắn đánh vợ dữ dội bằng gậy gộc. Lucrêgia quả là một người đàn bà lạ lùng của La Mã, mãnh liệt trong tình yêu, cũng mãnh liệt trong căm thù, bà chịu đựng tất cả nhưng không tha thứ một tí gì.
Ghera là một chàng trai trẻ, đẹp, giầu có, anh có đầy đủ điều kiện để được chấp thuận, nhưng anh đã bị Frăngchetcô tàn nhẫn từ chối. Thất bại lần đầu không làm anh nản lòng, anh trở lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Cuối cùng Frăngchetcô nổi giận, hắn liền trả lời cho con người gan lì ấy là hắn có lý do để Bêatrich không thể là vợ của anh cũng như của bất kỳ ai. Ghera gạn hỏi lí do ấy là gì, hắn trơ trẽn đáp: “Nó là nhân tình của tôi rồi”.
Ghera tái người vì câu trả lời ấy. Mặc dù lúc đầu anh còn chưa tin, nhưng khi thấy nụ cười đểu giả của hắn kèm theo câu nói đó làm anh phải tin là hắn nói lên sự thật dù rất tàn nhẫn.
Trong ba ngày liền, Ghera không thể nào tới được Bêatrich. Nhưng cuối cùng anh cũng gặp được cô. Hy vọng cuối cùng của anh là người yêu sẽ phủ nhận điều khủng khiếp ấy, nhưng Bêatrich thú nhận hết. Từ đó không còn một chút hy vọng nhân đạo nào nữa cho đôi tình nhân ấy, họ đã xa nhau trong nước mắt và hứa hẹn yêu nhau mãi mãi.
Tuy vậy cho đến lúc này hai người đàn bà chưa có ý định gì về tội ác và như vậy mọi việc sẽ qua đi trong bóng tối nếu như không có một đêm Frăngchetcô lại mò vào buồng con gái dùng vũ lực giở trò bỉ ổi. Từ đó không còn gì để nói về Frăngchetcô nữa.
Như chúng tôi đã nói, Bêatrich là một trong những tâm hồn có khả năng có những tình cảm tốt nhất cũng như xấu nhất. Cô có thể lên đến chỗ tuyệt vời cũng như có thể rơi xuống đến bùn đen. Cô đi tìm mẹ ghẻ, kể hết điều ô nhục mà cô vừa mới là nạn nhân. Câu chuyện ấy làm trỗi dậy trong lòng bà mẹ ghẻ những trận vùi dập mà bà đã phải chịu. Hai người đàn bà động viên nhau, cùng nhau quyết định sẽ giết chết Frăngchetcô.
Ghera được mời đến tham gia vào âm mưu này. Đầy lòng căm thù, anh không đòi hỏi gì hơn là được trả thù. Anh đảm nhiệm việc đi tìm Jắccơ Xăngxy. Jắccơ vui lòng tham gia âm mưu ấy. Người ta còn nhớ trước kia anh đã bị cha mình làm cho khốn khổ. Từ khi anh lấy vợ, cha anh đã để mặc cho vợ con anh trong cảnh nghèo đói.
Người ta chọn nhà Ghera làm nơi bàn bạc. Jắccơ tìm được một cựu cảnh binh thứ nhất tên là Macziô, Ghera tìm được tên thứ hai tên là Olanhpiô.
Sau mấy lần bàn bạc, đã quyết định như sau:
Thời gian gia đình Frăngchetcô có thói quen đi đến Rôcca Pêtrela đã gần tới, mọi người thỏa thuận với nhau là sẽ tập hợp hơn một chục tên cướp do Olanhpiô thu thập vì hắn đã hoạt động quen trong vùng. Bọn chúng nấp trong rừng bên lề đường đi. Lúc Frăngchetcô đi tới, chúng sẽ bắt cóc hắn cùng với gia đình. Thế rồi sẽ đòi một món tiền chuộc lớn, mấy người con trai sẽ được cử về La Mã lấy tiền, nhưng giả vờ không tìm thấy để thời hạn nộp tiền do bọn cướp quy định trôi qua, thế là sẽ giết chết Frăngchetcô. Làm như vậy sẽ không để lại một nghi ngờ nào hết và thủ phạm sẽ thoát khỏi vòng pháp luật.
Nhưng dù được bàn bạc kỹ đến đâu, âm mưu đó cũng không thành công. Khi Frăngchetcô từ La Mã ra đi, người được cử đi báo lại không tìm được bọn cướp. Chính không được báo trước nên xuống đến đường cái thì đã chậm quá, Frăngchetcô đã đi qua và đến Rôcca Pêtrela bình an vô sự.
Rồi hắn vào ở trong một pháo đài. Để dễ bề hành hạ Bêatrich và Lucrêgia, Jắccơ và hai người con trai khác còn lại của hắn, hắn phải trở về La Mã. Thế là những trò bỉ ổi đối với Bêatrich lại tái diễn, tới một mức độ tệ hại làm cô không thể chịu đựng được nữa, cô phải quyết định tự tay mình làm lấy công việc mà nhờ những bàn tay khác đã không xong.
Olanhpiô và Macziô không có điều gì phải sợ pháp luật nên vẫn tiếp tục lảng vảng xung quanh. Một hôm Bêatrich nhìn qua cửa sổ thấy chúng, liền ra hiệu muốn trao đổi với chúng một chuyện.
Ngay đêm hôm đó, Olanhpiô là tên đã từng ở trong pháo đài đó, quen hết đường ngang ngõ tắt, đã lén được vào trong pháo đài cùng với bạn nó. Bêatrich đã đợi sẵn ở một cửa sổ trông xuống sân, cô liền giao cho chúng những bức thư mà cô đã viết sẵn gửi cho Ghera và Jắccơ.
Bêatrich làm việc gì cũng muốn có sự thỏa thuận của Jắccơ, nên lần này cũng như lần trước, cô muốn anh cô chấp thuận việc giết cha. Còn viết cho Ghera để anh chi cho một số tiền một nghìn đồng trả trước cho Olanhpiô, còn Macziô thì không cần vì hắn mê say Bêatrich.
Chúng đi rồi, hai tù nhân phụ nữ nóng lòng chờ. Tới ngày hẹn họ thấy chúng trở về, Ghera đưa cho một nghìn đồng và Jắccơ chấp thuận âm mưu. Vậy không còn gì cản trở việc thực hiện trò ghê gớm ấy, và nó được ấn định vào ngày tám tháng chín là ngày sinh nhật của Thánh nữ Đồng trinh. Nhưng Lucrêgia là người rất ngoan đạo, bà nhận ra trường hợp ấy, bà không muốn gây nên tội ác, vậy là phải hoãn đến ngày hôm sau.
Ngày 9 tháng 9 năm 1598, hai người phụ nữ ngồi ăn bữa tối với lão Frăngchetcô, họ đổ thuốc phiện vào cốc rượu của lão một cách rất khéo léo làm lão vốn đa nghi cũng không hề hay biết. Một lúc sau khi đã uống cạn cốc rượu, lão ngủ một giấc say mê.
Từ buổi chiều hôm đó, hai tên Macziô và Olanhpiô đã lẻn được vào trong pháo đài, nấp ở một chỗ kín. Vào nửa đêm, Bêatrich đến tìm chúng, dẫn chúng vào buồng Frăngchetcô mà cô đích thân mở cửa. Hai tên vào buồng đóng cửa lại, còn hai phụ nữ ngồi trong buồng bên chứng kiện sự việc hãi hùng này.
Một lát sau chúng ra, mặt mũi tái mét và thẫn thờ. Chúng lắc đầu không nói gì, hai phụ nữ hiểu ngay việc chưa hoàn thành.
- Có gì vậy? - Bêatrich kêu lên. - Ai cản trở các anh?
- Chúng tôi thấy giết một ông già đang nằm ngủ là hèn nhát. Nghĩ đến tuổi tác của lão, chúng tôi không muốn hành động.
Tức thì Bêatrich ngẩng đầu lên một cách khinh miệt. Bằng một giọng nặng nề và sâu sắc, cô lăng nhục chúng:
- Bọn đàn ông các anh bề ngoài trông dũng cảm và mạnh mẽ, vậy mà không đủ can đảm để giết một lão già đang ngủ. Nếu lão thức thì sẽ ra sao? Và các anh ăn cắp tiền của chúng tôi như vậy à? Thôi được, sự hèn nhát của các anh buộc tôi phải tự tay giết cha tôi. Nhưng còn các anh, các anh cũng không thể làm cho lão sống được lâu thêm đâu.
Nghe thấy nói thế, hai tên côn đồ xấu hổ về sự yếu đuối của mình, chúng lại trở vào buồng cùng với hai người phụ nữ.
Ánh trăng luồn vào trong buồng qua cửa sổ để ngỏ, soi sáng bộ mặt bình tĩnh của lão già. Lần này thì chúng chẳng còn thương hại gì nữa. Một đứa cầm hai cái đinh thật to như thứ đã dùng đóng đinh chúa Jêsu vào cây thánh giá. Còn đứa kia cầm cái búa. Chiếc đinh đặt thẳng đứng trên mặt lão già, đứa cầm búa giáng một nhát vào đầu đinh làm nó cắm sâu vào đầu. Chúng cũng đóng một chiếc như vậy vào cổ họng làm cho linh hồn khốn khổ đầy tội ác trong suốt cuộc đời của nó phải chạy vọt ra khỏi thể xác đang giẫy giụa dưới đất.
Bọn côn đồ đi rồi, hai phụ nữ nhổ đinh ra rồi bọc xác chết vào trong một cái chăn dạ. Họ kéo lê nó qua các buồng ra một sân thượng để ném nó xuống một khu vườn hoang. Họ tính làm như vậy để mọi người cho là lão già đã ngã xuống ban đêm lúc đi đến buồng ở đầu hành lang.
Đến ngưỡng cửa buồng cuối cùng, mệt quá họ dừng lại. Trong lúc nghỉ, Lucrêgia trông thấy hai tên côn đồ chưa đi khỏi, còn đang đứng chia nhau tiền, bà liền gọi chúng đến giúp sức. Chúng đồng ý khiêng xác chết lên sân thượng và tới nơi mà hai phụ nữ đã chỉ cho chúng quẳng xuống một cây hương mộc, không ngờ cành cây giữ xác lại.
Tất cả đều trôi chảy như dự kiến của hai phụ nữ. Buổi sáng, khi người ta nhìn thấy xác chết nằm trên cành cây, ai cũng nghĩ rằng Frăngchetcô đã bị hụt bước trên sân thượng không có lan can hồi đêm vừa qua. Xác chết bị hàng nghìn vết rách do các cành cây nên không ai để ý đến vết đâm của hai cái đinh.
Về phía hai mẹ con Lucrêgia, khi họ được tin, họ đi ra kêu khóc thảm thiết, làm cho ai có chút nghi hoặc nào thấy cảnh đau khổ thành thực và sâu sắc như vậy cũng phải dẹp đi hết. Do đó không ai thấy gì trừ chị thợ giặt của lâu đài Bêatrich đã đưa cho chị ta giặt chiếc chăn dạ mà cô đã dùng để bọc xác cha, nói dối chị ta là vết máu giây ra chăn là do cô bị xuất huyết lúc ban đêm.
Tang lễ xong, hai mẹ con Lucrêgia trở về La Mã không gặp một trở ngại nào. Họ đã hy vọng một tương lai yên ổn. Trong khi họ sống không vướng mắc gì thì công lý của Chúa trời đã bắt đầu hoạt động.
Triều đình ở Naplơ đã biết tin cái chết đột ngột của Frăngchetcô và nhận thấy cái chết đó không bình thường. Triều đình bèn cử một đặc phái viên đến Pêtrela điều tra và khai quật xác chết lên để tìm dấu vết ám sát nếu quả là một vụ ám sát. Ngay sau khi phái viên tới, tất cả những người ở trong lâu đài đều bị bắt giữ và trói giải về Naplơ.
Nhưng không một vết tích nào được phát hiện ngoài lời khai của chị thợ giặt. Chị khai rằng Bêatrich đã đưa cho chị giặt một chiếc chăn có vấy máu. Tuy vậy vết tích đó lại là ghê gớm, vì bị truy hỏi theo lương tâm, chị có tin là máu đó đúng do nguyên nhân như cô Bêatrich đã nói không, chị ta nói thấy máu đỏ tươi và thẫm hơn.
Trong khi đó, cha cố Ghera biết tin cảnh sát Napeơ đã ra lệnh bắt giữ hai tên côn đồ Olanhpiô và Macziô vì mấy ngày trước khi Frăngchetcô chết, người ta nhận thấy chúng lảng vảng quanh lâu đài.
Ghera là một người cẩn thận. Khi anh đã được kịp thời báo trước, anh tránh được hết. Anh liền thuê hai tên côn đồ khác thủ tiêu Macziô và Olanhpiô. Tên côn đồ được thuê để giết Olanhpiô theo hắn đến Tecni và đâm chết hắn. Nhưng tên theo dõi Macziô không may, hắn đến Naplơ quá chậm. Từ hôm trước, Macziô đã bị bắt, bị tra tấn hắn đã khai ra hết.
Lời khai của hắn được gửi ngay về La Mã để đối chiếu. Trong thời gian đó, Jắccơ, Becna, Lucrêgia và Bêatrich đều có lệnh bị bắt giam. Đầu tiên họ còn bị giữ trong lâu đài của cha họ, về sau chứng cớ càng nhiều và nghiêm trọng, họ bị giải về lâu đài Cooctêvala. Ở đây họ bị đối chứng với Macziô. Nhưng họ cả quyết chối, không những không tham gia vào tội ác mà còn không biết cả hung thử nữa. Nhất là Bêatrich càng cương quyết, cô đòi được trực diện với Macziô. Đứng trước mặt hắn, cô xác nhận một cách chững chạc và bình tĩnh là hung thủ nói láo, đến nỗi thấy cô đẹp hơn bao giờ hết, hắn quyết định nếu không sống được vì cô thì sẽ chết để cứu cô.
Quả nhiên hắn phản cung, nói rằng những lời hắn khai trước đây đều là dối trá và hắn xin lỗi Chúa và xin lỗi Bêatrich. Đe dọa tra tấn không thể nào làm hắn nói khác được. Hắn chết, miệng ngậm kín giữa những cơn đau đớn. Những người Xăngxy tưởng là đã được là cứu thoát.
Tên côn đồ đã được thuê giết Olanhpiô bị bắt vì phạm phải một tội ác khác. Hắn thấy rằng không có lý gì phải che giấu tội này hơn tội khác, hắn liền khai Ghera vì muốn thoát khỏi về một vụ án mạng nào đó, đã thuê hắn thủ tiêu thủ phạm tên là Olanhpiô...
May thay Ghera biết việc đó kịp thời, vì anh là người khéo léo, không chịu để bị hạ như bất cứ ai ở vào địa vị hoàn cảnh mình. Vào lúc tin đó đến tai anh, cũng đúng là lúc người bán than mang than đến nhà anh, anh liền gọi người đó vào trong buồng cho người đó một số tiền lớn để giữ im lặng, rồi sẵn sàng mua bộ quần áo bẩn thỉu của người bán than đang mặc. Sau đó Ghera cắt bộ tóc rất đẹp của mình mà anh rất tự hào, nhuộm bộ râu, bôi mặt lem luốc, mua hai con lừa, chất lên chúng đầy than rồi đi rong trên đường phố, vừa đi vừa rao: “Ai mua than nào!”. Trong khi cảnh binh đang đi lùng bắt anh khắp nơi, anh chuồn được ra khỏi thành phố, đến được Naplơ và xuống tầu biển. Từ đó người ta không hiểu anh ra sao nữa.
Những lời thú nhận của tên côn đồ và sự biến mất của Ghera làm cho không còn nghi ngờ gì nữa về tội trạng của gia đình Xăngxy. Họ lập tức bị giải từ lâu đài đến nhà tù. Hai người anh bị tra tấn không chịu đựng được, đều phải thú nhận hết. Nhất là Lucrêgia, bà béo quá không chịu đựng được tra tấn bằng thừng. Vừa bị treo lên khỏi mặt đất, bà đã xin cho xuống và xin thú hết những điều bà biết.
Còn Bêatrich thì vẫn cứ trơ như đá, hứa hẹn, đe dọa, truy hỏi không lay chuyển được cô, cô chịu đựng được hết với một lòng can đảm vô cùng. Vị quan tòa Uylitmôtcatti, nổi tiếng về nghề đó, không làm sao cậy được miệng cô một điều gì. Ông phải báo cáo tất cả lên Clêmăng VIII, không dám nhận trách nhiệm về một việc ghê gớm như vậy. Giáo hoàng sợ ông bị mê hoặc bởi sắc đẹp của phạm nhân nên không dám mạnh tay, bèn cử một người khác khét tiếng về nghiêm khắc.
Vị quan tòa mới lại bắt đầu mọi thủ tục với Bêatrich, hỏi lại từng câu hỏi. Ông nhận thấy cô chỉ mới bị tra tấn thông thường liền bắt cô phải chịu tra tấn đặc biệt nữa. Vấn đề ấy như chúng tôi đã nói, tra tấn bằng thừng, một trong những kiểu tra tấn ghê gớm nhất mà con người đã phát minh ra.
Nhưng vì bốn chữ: “Tra tấn bằng thừng” không làm cho các bạn đọc thấy rõ được loại khổ hình ấy, chúng tôi xin trình bày cụ thể như sau. Ở La Mã có rất nhiều loại tra tấn thường dùng, loại còi, loại lửa, loại đánh thức và loại thừng.
Loại còi là loại nhẹ nhất dùng cho người già và trẻ con, nó bao gồm việc châm vào giữa móng tay và thịt những chiếc que vót theo hình cái còi.
Loại lửa dùng nhiều trước khi người ta tìm ra loại thức, nó bao gồm việc di chân phạm nhân vào gần lửa.
Loại thức là bắt phạm nhân ngồi trên một cái giá cao năm piê và đẽo thành góc. Phạm nhân bị lột trần truồng, tay bị trói quặt ra phía sau vào cái giá, có hai người ngồi hai bên, cứ năm giờ lại thay phiên nhau, hễ thấy phạm nhân nhắm mắt là ngăn không cho ngủ.
Loại thừng là kiểu thường dùng nhất, ở bên Pháp người ta còn gọi là kiểu “treo lên, rút xuống”. Loại này được chia làm ba mức, nhẹ, vừa và nặng.
Mức nhẹ gồm việc đe dọa tra tấn, đưa vào buồng tra tấn, lột quần áo, buộc dây vào người như sắp sửa tra tấn. Ngoài việc sợ bị tra tấn, phạm nhân cũng đã bắt đầu thấy đau đớn lúc bị dây thừng trói vào cổ tay. Ở mức độ này đôi khi cũng đã đủ làm cho phụ nữ và đàn ông yếu bóng vía phải thú nhận.
Mức thứ hai hay mức vừa là khi phạm nhân đã bị lột hết quần áo và bị trói hai cổ tay quặt ra sau lưng, người ta luồn một sợi thừng vào một cái vòng treo trên trần nhà, một đầu thừng buộc vào một tay quay, đầu kia buộc vào cổ tay phạm nhân. Người ta có thể kéo tội nhân lên hoặc hạ xuống tùy theo lệnh của quan tòa, và nhẹ nhàng hoặc giật cục. Nạn nhân bị treo lên cao trong một thời gian của một Ave Maria, của một Pate Note hoặc của một Mizerêrô. Nếu vẫn còn ngoan cố thì gấp đôi thời gian. Mức vừa này được dùng khi nào phạm nhân đã chắc chắn nhưng chưa chịu khai.
Mức thứ ba hay mức nặng là bắt đầu tra tấn đặc biệt được tiến hành sau khi đã bị treo mười lăm phút hay nửa giờ, bốn mươi lăm phút và ngay cả một giờ nữa. Nạn nhân sẽ bị tên đao phủ đu đưa theo kiểu đánh chuông hoặc bỏ rơi xuống nửa chừng rồi đột nhiên ngừng lại cách mặt đất một quãng. Nếu phạm nhân vẫn chưa chịu thú nhận, việc này rất khó xảy ra vì cổ tay đã bị tiện đến tận xương, hoặc tứ chi sai trẹo hết các khớp xương. Người ta buộc thêm trọng lượng vào chân như vậy là trọng lượng tăng gấp đôi và mức độ tra tấn tăng gấp đôi. Kiểu tra tấn này được dùng khi nào tội ác chẳng những đã được chứng tỏ mà lại còn tàn khốc nữa, tội giết những nhân vật cao quí như cha mẹ, Giáo chủ, Hoàng thân hay một nhà thông thái.
Người ta đã thấy Bêatrich bị đưa vào tra tấn thông thường và đặc biệt. Người ta đã biết kiểu tra tấn ấy thế nào rồi. Bây giờ chúng ta hãy nghe viên lạc sự tòa án Vaticăng kể chuyện.
- Vì trong suốt thời gian lấy khẩu cung, cô ta không chịu khai gì hết. Chúng tôi phải cho hai cảnh binh dẫn cô từ nhà tù sang phòng tra tấn, người tra hỏi đang đợi cô ở đây. Sau khi đã cạo trọc đầu, người tra hỏi để cô ngồi xuống một cái yên nhỏ, lột quần áo cô ra, trói hai tay quặt ra sau lưng rồi cột vào một sợi dây luồn qua một cái ròng rọc treo trên trần nhà, đầu dây dưới buộc vào một bánh xe do hai người lực lưỡng quay.
“Trước khi kéo cô ta lên, người ta hỏi cô một lần nữa về tội giết cha. Mặc dù mẹ kế và các anh cô đã thú nhận hết và đưa cho cô xem bản khai và chữ ký của họ, cô vẫn một mực chối cãi. Cô nói: ”Cứ cho kéo tôi lên và các ông muốn làm gì tôi thì làm, tôi đã nói hết sự thật rồi, không còn gì để khai nữa, dù chân tay tôi có bị tháo rời ra".
“Do đó chúng tôi phải cho kéo cô lên cao hơn mặt đất chừng hai piê, rồi cứ để cô ở độ cao ấy trong suốt thời gian chúng tôi đọc kinh Pate Note. Chúng tôi lại hỏi cô lần nữa, nhưng cô không nói gì khác hơn ngoài câu: ”Các ông giết tôi đi. Các ông giết tôi đi".
“Chúng tôi cho kéo cô lên cao hơn, đến độ cao bốn piê, và chúng tôi lại bắt đầu đọc kinh Ave Maria. Nhưng đến nửa chừng bài kinh hình như cô ngất đi. Chúng tôi cho dội một xô nước vào mặt cô, nước lạnh làm cô tỉnh lại. Cô kêu lên: ”Trời ôi! Tôi chết mất. Các ông giết tôi. Trời ôi!". Nhưng cô không chịu trả lời gì khác.
“Chúng tôi lại kéo cô lên cao hơn nữa và đọc bài kinh Mize rêro. Cô cựa quậy và kêu lên nhiều lần ”Trời ôi! Trời ôi!".
“Chúng tôi lại hỏi cô về tội giết cha, cô không nói gì khác hơn là cô vô tội và ngay lúc đó cô lại ngất đi.
“Chúng tôi lại cho dội nước vào mặt. Cô tỉnh lại, mở mắt ra và kêu lên: ”Ôi, quân đao phủ khốn kiếp! Các người giết ta! Các người giết ta". Nhưng vẫn chẳng chịu nói gì khác.
“Thấy cô vẫn ngoan cố, chúng tôi ra lệnh cho giật cục. Cô bị kéo lên mười piê, đến đây chúng tôi lại kêu gọi cô nói lên sự thật. Nhưng có lẽ vì cô không nói được nữa hoặc cô không muốn nói, cô chỉ lắc đầu.
“Thấy vậy chúng tôi ra lệnh cho đao phủ buông dây thừng ra. Cô bị rớt từ trên cao mười piê xuống, còn cách mặt đất hai piê thì bị giật lại, hai tay bị lật trái, cô thét lên một tiếng rồi chết ngất.
“Chúng tôi lại cho dội nước vào mặt, cô tỉnh lại và kêu lên một lần nữa: ”Bè lũ sát nhân khốn kiếp! Chúng mi giết tao. Nhưng dù chúng mi có dứt đứt tay tao ra, tao cũng không nói gì khác".
“Chúng tôi bèn ra lệnh buộc thêm vào cô một trọng lực năm mươi livrơ nữa. Nhưng ngay lúc đó cánh cửa mở ra và nhiều tiếng cùng kêu lên: ”Thôi, thôi! Đừng làm cho cô ấy phải đau đớn hơn nữa".
“Những tiếng nói ấy là của Jắccơ, của Becna Xăngxy và của Lucrêgia. Thấy sự ngoan cố của Bêatrich, các pháp quan ra lệnh đối chứng các tội nhân, họ chưa được gặp nhau đã từ năm tháng nay. Họ đi cả vào buồng tra tấn, thấy Bêatrich bị treo, thấy cánh tay bị trật khớp và máu chảy đầy hai cổ tay, Jắccơ kêu lên:
“- Tội lỗi đã phạm rồi, bây giờ phải sám hối để cứu vớt linh hồn, vui vẻ mà chịu cái chết. Em không nên để bị hành hạ như thế này nữa!”.
“Thế là Bêatrich lúc lắc cái đầu như muốn đỡ khỏi đau đớn rồi thều thào nói:
“Vậy là anh muốn chết! Nếu anh muốn như vậy thì sẽ được như vậy!”. Rồi quay về phía cảnh binh cô nói tiếp: “Cởi trói cho tôi, đọc cho tôi nghe tờ khẩu cung, chỗ nào cần xác nhận tôi sẽ xác nhận, cần chối cãi tôi sẽ chối cãi”.
“Thế là Bêatrich được hạ xuống và cởi trói. Một người nắn lại hai cánh tay cho cô theo kiểu thông thường. Người ta đọc cho cô nghe tờ khai theo lời yêu cầu của cô đã hứa, cô thú nhận hết”.
Sau khi đọc xong những lời thú nhận tất cả các chi tiết của tội ác, Giáo hoàng kinh tởm, ông ra lệnh các tội phạm phải bị buộc vào sau các con ngựa cho kéo lê khắp các phố xá La Mã.
Nhưng một phán quyết như vậy ghê gớm quá làm mọi người căm phẫn. Nhiều nhân vật cao cấp như Giáo chủ và Hoàng thân, đến khúm núm quỳ gối trước Giáo hoàng van xin Người hủy bỏ lệnh đó và cho phép các bị cáo được có biện hộ. Giáo hoàng đáp:
- Thế bọn chúng có để cho cha chúng có thì giờ làm việc đó trước khi bị bọn chúng giết ông một cách nhục nhã và tàn bạo không?
Sau cùng thấy nhiều người van xin quá, Người đồng ý cho ba ngày.
Lập tức nắm lấy sự việc xúc động ấy, những trạng sư giỏi nhất và trứ danh nhất La Mã bắt tay vào viết những bản trần tình, và tới ngày ấn định họ đến ra mắt Giáo hoàng.
Người thứ nhất phát biểu là trạng sư Nicôlat, đoạn mở đầu của ông được trình bày bằng những lời lẽ hùng biện làm rung động hội nghị, người ta hiểu là rất có lợi cho các tội phạm. Giáo hoàng sợ hậu quả đó vội vàng bắt dừng lại và bực bội nói:
- Vậy là trong giới quí tộc sẽ có những người giết cha và sẽ tìm được trong số những trạng sư có người bảo vệ cho mình. Điều đó chúng ta sẽ không bao giờ dám tin và cũng không bao giờ tưởng tượng được.
Trước những lời khiển trách khiếp đảm ấy của Giáo hoàng, mọi người đều im lặng, chỉ trừ có Farinaxi. Vì nhiệm vụ thiêng liêng được ủy nhiệm, ông mạnh dạn nói một cách cung kính và đầy cương nghị.
- Kính thưa đức Cha Đại Thánh, chúng tôi đến đây không phải để bênh vực cho những kẻ tội phạm, mà để cứu những kẻ vô tội. Vì rằng chúng tôi có thể chứng minh một vài kẻ bị cáo đã hành động trong trường hợp để tự vệ. Vậy chúng tôi xin phép được trình bầy nếu như được đức Cha Thánh thần cho phép.
Thế là Clêmăng VIII cũng tỏ ra muốn nghe như lúc nẫy ông đã nổi nóng. Và Người nghe những lời biện hộ của ông Farinaxi, chủ yếu dựa trên cơ sở là Frăngchetcô không còn là cha nữa khi y cưỡng hiếp con gái y. Ông lấy dẫn chứng về sự cưỡng hiếp đó trong bản tố cáo của Bêatrich đã gửi lên Giáo hoàng, trong đó cô đã cầu xin Giáo hoàng, cũng như chị cô đã làm là rút cô ra khỏi nhà cha cô và cho cô vào một tu viện.
Giáo hoàng cho thu tất cả các bản trần tình, cho các luật sư ra về. Chỉ còn lại có Antieri đi sau cùng, ông đến quì dưới chân Giáo hoàng, tâu:
“Tâu đức Cha Đại Thánh, là một trạng sư của những kẻ nghèo khó, tôi không thể làm gì khác hơn là được trình diện trước đức Ngài trong vấn đề này, tôi kính cẩn xin lỗi đức Ngài.
Giáo hoàng nâng ông ta lên và nói:
- Thôi, chúng tôi không lấy làm lạ về ông mà là về những người khác. Họ bênh vực chúng và dung túng chúng.
Vì Giáo hoàng quan tâm đến vấn đề này, cả đêm ông không ngủ và nghiên cứu nó cùng với Giáo chủ Xanmác Xenlô. Rồi sau khi bản tóm tắt của ông đã làm xong, ông gửi cho các trạng sư, ai nấy đều hài lòng và bắt đầu hy vọng về một sự ân xá cho tính mạng của các tội phạm.
Dân chúng La Mã thở phào, hi vọng như gia đình khốn khổ ấy và vui vẻ như vấn đề ân xá riêng ấy là chung cho cả quần chúng. Bỗng nhiên một tội ác mới xẩy ra làm cho ý định tốt đẹp của Giáo hoàng tan thành mây khói.
Nữ hầu tước Xăngta Crôxê vừa mới bị giết chết, bà sáu mươi tuổi, thủ phạm là Pôn Xăngta Crôxê con trai bà bằng một cách rất tàn nhẫn: hai mươi nhát dao găm chỉ vì bà không chịu hứa công nhận hắn là kẻ thừa kế duy nhất của bà. Thủ phạm đã tẩu thoát.
Ngày hôm sau, thứ sáu mùng 10 tháng 9 năm 1599 hồi 8 giờ sáng, Giáo hoàng cho gọi ông Tavecna thống đốc thành La Mã vào và nói:
- Ông thống đốc, tôi trao trả ông vấn đề Xăngxy, mong ông sẽ chiều theo pháp luật mà thi hành càng sớm càng tốt.
Tavecna ra về, triệu tập một cuộc hội nghị toàn thể các pháp quan hình sự của thành phố, hội nghị quyết định xử tử hình gia đình Xăngxy.
Suốt đêm hôm ấy người ta chuẩn bị những công việc để kết thúc tấn bi kịch thê thảm và lớn lao ấy trên cầu Xanh Anggiơ. Hồi năm giờ sáng, viên lục sự đến nhà Lucrêgia và Bêatrich để tuyên bố bản án.
Cả hai người đàn bà đều đang ngủ, họ không hay biết gì về những sự việc xảy ra trong ba ngày qua. Viên lục sự đánh thức hai người dậy để tuyên bố với họ rằng họ bị loài người xét xử, họ phải chuẩn bị để lên chầu trời.
Lúc đầu, Bêatrich bị đòn giáng mạnh, cô không tìm được lời nói để kêu ca, quần áo để mặc. Cô từ trên giường bước xuống trần truồng và lảo đảo như bị say rượu. Lucrêgia nghe bản án với nhiều nghị lực hơn, bà mặc quần áo để đi lên miếu đường. Bà động viên Bêatrich phải chịu đựng, nhưng cô gái vẫn cứ như người mất hồn, vừa đi vừa vặn tay và đập đầu vào tường, chỉ nói câu: “Chết! Chết! Chết một cách bất ngờ như vậy trên đoạn đầu đài! Trên giá treo cổ! Trời ôi! Trời ôi!”.
Sau đó cô yêu cầu được có một người chưởng khế đến để làm di chúc. Yêu cầu đó được chấp thuận ngay. Khi ông chưởng khế đến, cô rất bình tĩnh đọc cho ông một mạch những điều kiện. Cô kết thúc bản di chúc bằng lời yêu cầu xác cô được để vào nhà thờ Xanh Pie ở Môngtôriô. Cô để lại năm trăm êcu cho các nữ tu sĩ ở Xtichtrat và yêu cầu món tiền hồi môn của cô gồm mười lăm nghìn sẽ được dùng để làm lễ cưới cho năm mươi cô gái nghèo. Còn nơi chôn cất mình, cô chọn dưới chân bàn thờ, trên bàn thờ có bức họa “Biến hình” rất đẹp của họa sĩ Rafaen mà cô đã chiêm ngưỡng nhiều lần trong đời cô.
Bà Lucrêgia cũng bắt chước, bà dối giăng lại như sau: yêu cầu xác mình được mang vào nhà thờ Xanh Gioóc ở Valabrơ với ba mươi hai đồng êcu và bố thí nhiều vật di tặng thành kính. Những điều lo lắng đó đã xong, hai người phụ nữ quì xuống cầu kinh sám hối.
Hai người cứ thế cho đến giờ thứ tám của buổi tối rồi yêu cầu được làm lễ xưng tội và nghe đọc kinh Misu, trong khi đó họ chịu lễ ban thánh thể. Sau đó Bêatrich có nhận xét với mẹ kế là hai mẹ con lên đoạn đầu đài mà mặc quần áo ngày lễ như vậy thì không hợp, cho nên yêu cầu được mặc quần áo nữ tu sĩ cao lên đến tận cổ và có những nếp gấp, tay dài và rộng.
Thời gian qui định đã đến, hai người được báo trước sắp đến giờ cuối cùng. Lúc bấy giờ Bêatrich còn đang quì, cô liền đứng lên, mặt rất bình tĩnh và gần như vui vẻ nữa, cô nói với mẹ kế: “Thưa mẹ, đây là lúc mà nỗi đau khổ của chúng ta sắp bắt đầu. Chúng ta hãy giúp nhau mặc quần áo như chúng ta vẫn thường làm”. Trong khi đó người ta cũng đã tuyên bố bản án với Jắccơ và Becna, hai người cũng đang đợi giờ chết.
Mười giờ sáng Giáo hội khoan dung đến nhà giam và đứng lại ở ngưỡng cửa với cây thánh giá đợi hai anh em. Vừa lúc đó cửa phòng giam mở ra, Jắccơ xuất hiện trước tiên. Anh quì xuống hôn cây thánh giá. Anh mặc một chiếc áo tang rộng trùm kín người. Trong áo anh để ngực trần vì trên suốt dọc đường đi người đao phủ phải kìm kẹp anh với những chiếc kìm nung đỏ đang để ở một lò buộc ngoài xe bò. Anh lên xe, trên đó người đao phủ đã sắp xếp theo cách của mình để công việc được dễ dàng.
Vào lúc đó Becna cũng ra, viên chưởng khế trông thấy anh liền nói to:
- Becna Xăngxy, đức Giáo hoàng Thánh Cha của chúng ta đã ân xá cho anh tội chết. Anh chỉ còn phải đi theo người nhà đến đoạn đầu đài mà không được quên cầu nguyện cho những người mà lẽ ra anh phải chết cùng.
Tin bất ngờ ấy làm đám đông xì xào niềm vui. Lập tức người ta tháo bỏ mảnh gỗ buộc trước mắt Becna vì tuổi anh còn nhỏ, không nên để anh trông thấy đoạn đầu đài.
Tiếng hát bắt đầu, đoàn người lên đường tiến về phía nhà Cooctê Xavenla. Đến trước cửa, người ta dừng cây thánh giá lại để đợi hai người phụ nữ, họ tới ngay và quì xuống ngưỡng cửa, rồi đoàn người lại tiếp tục đi.
Hai phạm nhân nữ đi gần cuối đoàn, họ đi chân đất bên cạnh nhau, khăn trùm đầu phủ xuống đến tận thắt lưng, hai tay được để tự do, chỉ bị buộc lỏng bằng sợi dây nhỏ để mỗi người có thể cầm được cây thánh giá một tay, tay kia cầm khăn mùi soa.
Trong đêm thứ bẩy, đoạn đầu đài đã được dựng lên trên quảng trường cầu Xanh Anggiơ. Trên đoạn đầu đài người ta đã trông thấy tấm ván và cái thớt chém. Bên trên thớt chém, đã treo giữa hai thanh xà ngang một miếng sắt rộng trượt trơn giữa hai khe. Lúc người ta vận hành một chiếc lò xo, nó sẽ rơi xuống thớt gỗ với tất cả sức nặng của nó.
Đoàn người tiến về phía cầu Xanh Anggiơ ấy. Lucrêgia yếu đuối nhất trong hai người, vừa đi vừa khóc thổn thức.
Còn Bêatrich thì bộ mặt bình tĩnh và cương nghị. Tới quảng trường cầu Xanh Anggiơ, hai phụ nữ liền được đưa vào một miếu thờ. Một lúc sau người ta cũng dẫn Jắccơ và Becna vào đây, bốn người được đoàn tụ với nhau một lát. Sau đó người ta đến tìm Jắccơ và Becna để đưa lên đoạn đầu đài, mặc dù Jắccơ bị hành quyết sau cùng còn Becna được ân xá.
Lúc lên tới bục, Becna lại là người bị ngất đi khi người đao phủ đến giúp anh. Mọi người tưởng là để hành quyết anh, liền kêu lên: “Anh ấy được ân xá rồi đấy!”. Người đao phủ liền làm yên lòng họ bằng cách cho Becna ngồi xuống một cái ghế đặt bên cạnh thớt chém. Còn Jắccơ quì ở phía bên kia.
Sau đó người đao phủ đi xuống, đến miếu thờ và đưa Lucrêgia ra trước, bà là người bị hành quyết đầu tiên. Đi tới chân đoạn đầu đài, bà bị trói hai tay quặt ra sau lưng, áo bà bị xé phía trên để lộ hai vai. Xong đâu đó, đao phủ dẫn bà lên cầu thang, bà trèo lên rất khó khăn vì béo quá. Lúc lên tới bục, người đao phủ lại lột khăn quàng đầu của bà. Thật là xấu hổ cho bà Lucrêgia vì cặp vú bà để trần. Bà nhìn cái thớt chém và hai vai bà rung lên làm mọi người rùng mình theo. Rồi với cặp mắt ướt đầm, bà cất cao giọng nói: “Lạy Chúa, hãy thương lấy con! Còn các bạn, hãy cầu nguyện cho tôi!”.
Nói xong bà không biết còn phải làm gì nữa, bà quay lại hỏi người đao phủ thứ nhất, được trả lời: “Trèo lên tấm ván và nằm sấp xuống đấy!”. Bà thực hiện việc đó rất khó nhọc và rất xấu hổ. Nhưng làm như thế xong, bà vẫn chưa kề được cổ vào cái thớt vì cặp vú bà to quá, phải lấy một mẩu gỗ nữa để kê thớt lên. Cuối cùng người đao phủ giật cái lò xo và cái đầu lập tức rời khỏi cái thân, rơi xuống sàn, nhẩy vài ba bước nữa làm rung động cả đám đông. Người đao phủ nhặt cái đầu giơ lên cho công chúng xem rồi gói nó vào một tấm vải đen và bỏ vào quan tài cùng với cái thây.
Trong khi người ta sắp xếp lại mọi thứ để chờ lượt Bêatrich, mấy cái bậc gỗ chất đầy khán giả bỗng nhiên đổ sập xuống làm nhiều người chết và bị thương.
Máy chém đã sắp xếp xong, máu trên đoạn đầu đài đã được rửa sạch, người đao phủ quay lại miếu để bắt Bêatrich. Thấy người đao phủ trở lại tay cầm sợi dây thừng, cô kêu lên:
“Chúa muốn rằng ông trói cái thân này vì nó đã bị ô uế rồi, còn cái linh hồn này, ông hãy giải phóng cho nó vì nó bất diệt!”.
Rồi sau khi đã hôn vào những vết thương của chúa Jêsu trên cây thánh giá, cô đứng lên tự đi đến đoạn đầu đài. Cô tụt giầy vải bỏ lại dưới chân thang. Cô nhanh nhẹn trèo lên, bước nhanh vào nằm trên tấm ván. Động tác của cô rất nhẹ nhàng, nhanh nhẹn để cho người ta khỏi nhìn thấy bộ vai trần của cô. Nhưng dù cô có muốn việc đó được thực hiện nhanh chóng, cũng cứ vẫn phải chờ. Vì Giáo hoàng biết tính hiếu động của cô, sợ cô lại phạm một tội lỗi gì nữa giữa kinh xá miễn và cái chết, cho nên ông đã ra lệnh khi nào Bêatrich ở trên đoạn đầu đài thì lâu đài Xanh Anggiơ sẽ bắn một phát súng đại bác báo hiệu. Tiếng nổ làm mọi người sửng sốt vì không ai chờ đợi nó. Bêatrich cũng vậy, cô gần như đứng lên. Ngay khi đó Giáo hoàng đang chờ và cầu nguyện ở Mông Cavalô, ông ban cho Bêatrich bản kinh xá miễn “In Acticulô Moctit”. Vậy là phải mất gần năm phút. Trong lúc đó Bêatrich chờ đợi, cổ kề lên thớt gỗ. Rồi khi người đao phủ tin rằng kinh xá miễn đã xong, liền giật cái lò xo và lưỡi chém rơi xuống.
Người ta liền thấy một hiện tượng lạ lùng: lúc cái đầu bắn ra một bên, cái thây lùi lại như đi giật lùi. Người đao phủ nhặt đầu lên và giơ cho công chúng xem rồi sắp đặt như của tội phạm trước, và muốn để cho xác Bêatrich được ở bên cạnh xác mẹ kế. Nhưng người đao phủ phó đã giơ tay đỡ lấy và định đặt nó vào trong áo quan thì bị tuột tay, nó rơi từ trên đoạn đầu đài xuống đất. Trong khi đó toàn thân bị tuột ra khỏi quần áo làm cho nó đầy bụi và máu, phải mất thời gian để rửa. Thấy vậy, Becna tội nghiệp lại bị ngất lần thứ ba.
Sau cùng đến lượt Jắccơ, anh đã được mục kích cái chết của hai người thân, quần áo của anh đầy máu hai người. Người đao phủ lại gần lột áo anh, mọi người nhìn thấy trên ngực anh đầy những vết kìm cháy sém. Anh đứng lên, mình trần và quay lại nói với em trai:
- Em Becna, trong lúc cung khai anh đã làm em mắc tội, là anh đã khai man. Mặc dù anh đã phản cung, anh vẫn cần phải nhắc lại lúc anh lên chầu Trời là em vô tội. Và thật là tàn nhẫn thứ công lý nào đã bắt em phải chứng kiến cảnh tàn khốc này.
Thế rồi người đao phủ bắt anh quỳ xuống, trói hai chân anh vào một xà ngang trên đoạn đầu đài, bịt mắt anh lại và dùng một cái chùy bổ vỡ đầu anh, đồng thời trước mặt mọi người, hắn chặt xác anh ra làm bốn mảnh.
Sau khi cuộc hành hình ấy kết thúc, người ta ra về mang theo Becna đang lên cơn sốt nặng.
Xác hai phụ nữ được xếp vào trong hai quan tài dưới bức tượng thánh Paolô ở chân cầu với bốn bó đuốc bằng sáp trắng cháy cho mãi đến bốn giờ chiều.
Sau cùng, lúc chín giờ tối, xác Bêatrich phủ đầy hoa, mặc lại quần áo lúc hành quyết, được mang đến Xanh Pie Inmôntôriô với năm mươi cây nến thắp sáng, đi theo có những nam nữ tu sĩ ở La Mã. Tại đây cô sẽ được chôn cất dưới chân bàn thờ theo nguyện vọng của cô.
Vào khoảng cuối năm 1657 một cỗ xe ngựa trông rất tồi tàn, không phù hiệu, đến đỗ trước cửa một ngôi nhà phố Hốttơphơi, ở đây cũng đã có hai cỗ xe đỗ trước, lúc đó vào khoảng tám giờ tối. Một người hầu lập tức nhảy xuống xe để mở cửa thì một giọng êm dịu, tuy hơi run run, ngăn lại và nói:
- Đợi một lát để tôi còn xem có phải đây không đã.
Rồi một cái đầu trùm kín trong khăn xa tanh đen, người ta không thể thấy được bộ mặt thò ra ngoài cửa kính và nhìn lên trên như muốn tìm một dấu hiệu gì trên bề mặt ngôi nhà, nói tiếp:
“Đúng đây rồi, cái bảng kia kìa”.
Cửa xe liền mở ra, hai người đàn bà bước xuống. Sau khi đưa mắt lên kiểm tra lại một lần nữa ở cái bảng dài sáu piê rộng hai piê đóng đinh vào tường phía dưới cửa sổ tầng hai, trên biển có đề mấy chữ: “BÀ VOAZANH - TIÊN TRI TƯỚNG SỐ” hai người liền đi nhanh vào một lối đi, cửa không khóa.
Hai người đàn bà lạ mặt ấy, mà một có vẻ ở tầng lớp cao hơn người kia nhiều, không dừng lại sau khi đã bước qua cửa, vẫn cứ tiếp tục tiến lên thang gác của một tầng nữa.
Trên đầu cầu thang có một người lùn mặc quần áo dị thường theo kiểu những tên hề ở thế kỷ XIV. Thấy hai người đàn bà đi lên, anh lùn liền giơ một cái que lên chắn ngang lối đi và hỏi hai người đi đâu.
- Đến xin ý kiến thần linh - Người đàn bà có giọng êm dịu và run run đáp.
- Vậy mời vào và xin chờ.
Nói xong anh lùn vén một chiếc thảm lên rồi mở một cánh cửa đưa hai người vào một phòng đợi. Theo lời anh lùn, hai người chờ đến nửa giờ, chẳng nghe thấy gì, chẳng trông thấy gì. Rồi bỗng nhiên một cái cửa lấp sau một tấm thảm mở ra. Một giọng nói cất lên:
- Mời vào!
Hai người đàn bà đi vào phòng thứ hai căng toàn đèn, chỉ có một chiếc đèn ba bấc treo trên trần chiếu sáng. Cánh cửa lại đóng lại sau lưng họ và họ thấy mình đứng trước một mụ tướng số.
Mụ ta trạc 25, 26 tuổi. Trái với những người đàn bà khác, mụ muốn làm cho mình già đi, mụ mặc toàn đồ đen, bím tóc, cổ, cánh tay và bàn chân để trần, ở thắt lưng thắt xung quanh người có gài một hòn ngọc thạch to phát ra những tia lửa ảm đạm. Mụ cầm ở tay một chiếc que và ngồi trên một thứ trông như cái bục gỗ ba chân, ở đây toát lên một thứ hương thơm mùi hắc và lâu tàn.
Lúc hai người khách bước vào, họ thấy mụ tướng số đang tỳ trán vào hai bàn tay như mê mải suy nghĩ điều gì. Mười phút sau mụ mới ngẩng đầu lên, như chỉ đến lúc ấy mụ mới biết là có hai người đứng trước mặt mụ.
- Người ta còn muốn gì tôi thế này? - Mụ hỏi - Chỉ khi nào xuống mồ tôi mới được nghỉ sao?
- Xin lỗi bà, - Bà có giọng êm dịu nói: - Nhưng tôi muốn biết...
- Bà hãy im đi! - Mụ tướng số nói với một vẻ trang nghiêm. Tôi không cần biết sự việc của bà. Bà phải hỏi Thần linh ấy. Thần có tính cả ghen và cấm không cho ai biết bí mật của Thần. Tôi chỉ có thể giúp bà đề nghị và tuân theo Thần mà thôi.
Nói xong mụ bước xuống, đi sang buồng bên cạnh và trở lại ngay, mặt tái mét hơn lúc trước, một tay cầm cái hỏa lò đang cháy và tay kia một tờ giấy đỏ. Ngay lúc ấy ba ngọn lửa của đèn trên trần tối lại và căn phòng chỉ còn được chiếu sáng bởi cái hỏa lò. Mọi vật trong phòng đều được nhuộm một màu kỳ lạ làm cho hai bà khách không thể không sợ hãi nhưng rút lui thì chậm quá rồi.
Mụ tướng số đặt hỏa lò ở giữa nhà rồi chìa tờ giấy đỏ cho người đàn bà có giọng êm dịu và nói:
- Bà viết vào đây điều bà muốn biết! Khách cầm lấy tờ giấy và viết: “Tôi có trẻ không, đẹp không? Tôi là thiếu nữ, phụ nữ hay bà góa? Đó là quá khứ - Tôi phải lấy chồng hay lại lấy chồng lần nữa? Tôi sẽ còn sống lâu hay chết trẻ? Đó là tương lai”.
Rồi đưa tờ giấy cho mụ tướng số và hỏi: - Bây giờ tôi còn phải làm gì nữa cho cái này? - Tôi không đọc, bà hãy bọc nó xung quanh cục sáp này! Mụ bói số đáp và đưa cho khách một cục sáp. Cả hai thứ này đều sẽ cháy hết ngay trước mắt bà. Thế là Thần linh biết được những bí mật của bà. Trong ba ngày nữa bà sẽ nhận được thư trả lời.
Bà khách làm theo lệnh của mụ tướng số, rồi mụ ta cầm lấy cục sáp có tờ giấy bọc quanh, ném nó vào trong hỏa lò. Mụ tướng số nói:
- Bây giờ mọi việc đã làm theo thể thức rồi. Cômut đâu (anh lùn bước vào). Dẫn hai bà ra xe.
Ba ngày sau, theo như lời mụ tướng số đã hứa, bà khách xinh đẹp lúc ngủ dậy thấy trên mặt bàn ngủ có một bức thư chữ viết lạ, nội dung thư như sau:
“Bà trẻ, bà đẹp, bà góa bụa, đó là hiện tại.
“Bà sẽ đi bước nữa, bà sẽ chết trẻ và chết một cách thê thảm. Đó là tương lai”.
“Thần Linh”
Câu trả lời viết trên một tờ giấy giống như tờ giấy bà đã viết câu hỏi. Bà hầu tước tái mặt và khẽ kêu lên một tiếng hãi hùng. Câu trả lời về quá khứ hoàn toàn đúng làm bà càng lo sợ, nó cũng sẽ đúng cho tương lai.
Bà khách đã đến thăm mụ tướng số ấy chẳng phải ai khác bà Nary đờrôxan mà thời con gái có tên là Satô Blăng, là tên một trong những mảnh đất của tổ tiên: ông Jôanit đờnôxe có một gia tài khoảng năm sáu trăm nghìn livrơ.
Năm bà mười ba tuổi, nghĩa là vào năm 1649, bà lấy ông hầu tước Cattôlan, một lãnh chúa đại quí tộc, con trai ông Jănglơcruen và bà Janđơcattrơ, tình nhân của ông. Hãnh diện về sắc đẹp của người vợ trẻ, hầu tước Cattêlan, sĩ quan trong đội chiến thuyền của Nhà vua, vội vã mang vợ đến trình diện trước Triều đình. Vua Luy XIV, lúc đó vào khoảng hai mươi tuổi, bị choáng mặt vì sắc đẹp kiều diễm ấy, đã khiêu vũ hai lần với người đẹp trong buổi tối hôm ấy, làm thất vọng biết bao sắc đẹp nổi danh thời bấy giờ. Và để tăng thêm tiếng tăm cho nàng, bà Crittin trứ danh của Thụy Điển, đã nói rằng trong tất cả các vương quốc mà bà đã đi qua, bà chưa thấy một phụ nữ nào đẹp như thế.
Người ta biết rằng một người phụ nữ được ca ngợi như vậy ở giữa một triều đình lịch sự nhất thế giới không thể nào thoát khỏi được những lời vu khống của đối thủ.
Khi người ta biết tin vụ đắm các chiến thuyền ở bể Xyxin và cái chết của vị chỉ huy là hầu tước Cattêlan, bà hầu tước tỏ lòng trung thành đầy thích đáng. Mặc dù đã ăn ở với chồng đầu tiên trong bẩy năm sau khi cưới, bà chưa có được một say mê mãnh liệt nào với chồng, bà cũng rút lui về ở với mẹ chồng và từ bỏ hoàn toàn mọi quan hệ với xã hội.
Sáu tháng sau khi chồng chết, bà hầu tước nhận được thư của ông ngoại, ông Jôanit đờnôxe, giục bà đến ở Avinhông để kết thúc thời kỳ góa bụa. Chính là lúc mà mụ Voazanh tướng số còn trẻ mà đã được người ta nói đến. Nhiều bạn gái của bà hầu tước Cattêlan đã đến xem và đều nhận được những lời tiên đoán lạ lùng mà một số do người tướng số có tài hoặc do một sự trùng hợp kỳ lạ, được thực hiện đúng như lời tiên tri. Nghe các bạn gái kể chuyện lại, tất nhiên là có thêm thắt tâng bốc, bà hầu tước trẻ không cưỡng nổi lòng tò mò. Cho nên trước khi đi Avinhông, bà đã đến xem tướng như chúng tôi đã kể ở đoạn trên, và chúng ta cũng biết bà đã nhận được những câu trả lời ra sao.
Bà hầu tước không phải là người mê tín, nhưng những lời tiên tri ác liệt ấy cứ in sâu vào trí óc bà và để lại một vết sâu không gì xóa nổi, kể cả thú vui về thăm quê hương, cả tình cảm của ông ngoại, cả những thắng lợi mà chẳng bao lâu nữa bà sẽ thu được. Nhưng chính những thắng lợi ấy lại làm cho bà mệt mỏi, bà phải xin phép ông ngoại được rút lui vào một tu viện để để nốt tang chồng ba tháng nữa.
Ở đây bà được nghe lần thứ nhất nói đến một người đàn ông nổi tiếng về đẹp trai cũng như bà nổi tiếng về đẹp gái. Con người được Chúa Trời ưu đãi ấy là hầu tước Đờgăng, nam tước ở Lănggôđốc và thống đốc ở Xanh Angirê trong giáo khu Uxét. Bà hầu tước nghe nói đến tên ông luôn. Người ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng tạo hóa sinh ra hai người như thế là để tặng cho nhau, làm cho bà cảm thấy cũng muốn gặp ông xem ra sao. Tất nhiên về phía ông, ông cũng bị các bạn bè xúi bẩy nên cũng rất muốn được gặp bà hầu tước. Mặt khác, người ông ngoại thấy cháu gái cứ phải cấm cung sống ẩn dật mãi cũng đem lòng thương, nên nhờ ông Đờgăng giúp hộ. Nhận nhiệm vụ đó, hầu tước Đờgăng tới phòng khách xin được gặp nữ ẩn sĩ xinh đẹp. Mặc dù mới gặp lần đầu, thoạt nhìn bà cũng biết ông là ai.
Điều phải xẩy ra đã xẩy ra, bà hầu tước Cattêlăng và ông hầu tước Đờgăng không thể gặp nhau mà không yêu nhau. Cả hai cùng đều trẻ, đẹp. Ông hầu tước thuộc gia đình quí tộc có địa vị, bà hầu tước thì giầu có. Tất cả đều cân xứng trong cuộc xum họp ấy, vì vậy nó chỉ chậm lại trong thời gian cần thiết cho việc hết tang. Đám cưới ấy được cử hành vào đầu năm 1658. Ông hầu tước hai mươi tuổi, bà hầu tước hai mươi hai.
Những buổi đầu của cuộc xum họp ấy hoàn toàn hạnh phúc, ông hầu tước yêu lần đầu tiên, bà hầu tước không còn nhớ là mình đã yêu bao giờ chưa? Một trai và một gái ra đời để tô điểm thêm cho niềm hạnh phúc đó. Bà hầu tước đã hoàn toàn quên những lời tiên đoán tàn nhẫn, hoặc đôi lần có nghĩ đến trong hoàn cảnh này cũng là chỉ để ngạc nhiên tại sao mình lại có thể tin được.
Hầu tước Đờgăng là người chán cuộc hạnh phúc ấy trước. Dần dần những thú vui của tuổi thanh niên cám dỗ ông và ông bắt đầu xa bà để gần gũi các bạn cũ. Về phần bà hầu tước, bà đã hi sinh thói quen giao thiệp cho hạnh phúc gia đình, cũng lại lao ra ngoài xã hội, bà lại thu được những thắng lợi mới. Những thắng lợi mới ấy kích thích lòng ghen tuông của ông hầu tước. Chẳng bao lâu sau, hai ông bà chỉ gặp nhau vào những giờ mà họ không thể làm gì khác là gặp nhau. Về sau, ông hầu tước lấy cớ là phải đi xa có việc cần, rồi cũng chẳng cần tìm lý do nữa, ông không ở nhà ba phần tư thời gian trong năm và để cho bà hầu tước gần như bị góa bụa.
Vào thời kỳ đó, ông hầu tước vì không thể chịu đựng được những lúc mặt đối mặt với vợ, nên ông đã mời hai người anh của ông là Hiệp sĩ và Mục sư Đờgăng, đến nhà ở với ông cho vui.
Mục sư Đờgăng tuy mang danh hiệu ấy nhưng không phải là người của nhà Thờ mà chỉ là để hưởng đặc ân. Y có bộ mặt khá đẹp trai mặc dù trong những lúc sốt ruột nó có vẻ đanh ác. Nói tóm lại y là một tên phóng đãng, ngang tàng và trơ trẽn, thực sự y thuộc vào giới tăng lữ thời bấy giờ.
Hiệp sĩ Đờgăng cũng được hưởng phần sắc đẹp của gia đình. Y là con người tầm thường, không đủ khả năng phân biệt cái xấu cái tốt. Y là một cái máy làm theo ý muốn và cả dục vọng của kẻ khác, một cái máy dữ tợn mà không một lý lẽ nào có thể ngăn chặn được một khi nó đã bị kích động.
Thêm nữa, ảnh hưởng của mục sư đối với hiệp sĩ cũng có phần nào đối với cả hầu tước. Không gia sản, không lương bổng vì mặc áo thầy tu mà không làm việc cho nhà thờ, mục sư đã thuyết phục được hầu tước, một người giàu có, không những của riêng mà còn của vợ nữa là cần phải có một người quản lý gia đình và gia tài của hầu tước mà y sẵn sàng làm việc đó.
Như chúng ta đã biết, nữ hầu tước đã chán cảnh gia đình nên vui lòng nhận ngay. Thế là mục sư đem theo ngay anh mình là tên hiệp sĩ, tên này vẫn cứ bám theo em như một cái bóng mà thực sự cũng chẳng ai thèm chú ý đến cái bóng ấy.
Còn tên mục sư thì trái lại, mới nhìn thấy bà hầu tước, tức em dâu mình, y đã có ngay lòng ham muốn được thỏa mãn dục vọng. Y thấy bà là một phụ nữ đẹp nhất mà y gặp, nhưng y tự chủ được cảm giác của mình. Ngoài một số câu nói có tính chất lịch thiệp, y không để lộ một điều gì làm người nghe phải khó chịu. Tuy nhiên, trong thâm tâm y đã quyết định người đàn bà này phải thuộc về y.
Chẳng bao lâu sau khi hai người mới tới, không khí trong gia đình đã sinh động và vui vẻ hẳn lên. Thêm nữa, bà hầu tước lại rất lấy làm ngạc nhiên là chồng bà đã từ lâu lạnh nhạt với sắc đẹp của bà, nay lại có vẻ như nhận ra bà kiều diễm quá không thể thờ ơ được. Vì vậy, những lời nói của ông dần dần đượm chút tình cảm đã mất từ lâu. Bà hầu tước bao giờ cũng hết lòng yêu chồng, đã phải đau khổ vì bị ông xa lánh. Bà vui vẻ đón nhận sự quay trở lại ấy và ba tháng trôi qua đối với người đàn bà tội nghiệp ấy chỉ là một kỷ niệm xa xăm và hầu như đã bị xóa nhòa.
Với lòng vị tha của tuổi trẻ khát khao hạnh phúc, bà lại thấy sung sướng. Bỗng một hôm bà nhận được thư của một người bạn gái láng giềng mời sang chơi bên lâu đài vài ngày. Chồng và hai anh chồng bà cũng được mời sang cùng với bà. Một cuộc đi săn lớn được chuẩn bị từ trước. Khi mọi người vừa tới nơi, người ta bắt tay ngay vào tổ chức.
Tên mục sư tuyên bố sẽ là kỵ sĩ của bà hầu tước, em dâu y. Vốn là người có lòng tốt, bà nhận lời ngay. Nói theo kiểu ấy, mỗi người đi săn đều chọn lấy một phụ nữ để quan tâm giúp đỡ trong suốt cả cuộc đi săn. Sau khi đã chọn xong, mọi người đi ra nơi hẹn.
Sự việc diễn biến theo như thường lệ. Những con chó săn đuổi theo thú săn, chỉ vài ba người thợ săn đuổi theo chó, còn mọi người đều lạc đường theo ý riêng.
Tên mục sư, với danh nghĩa phục vụ bà hầu tước đã không rời bà một phút nào. Đó là cơ hội mà y đã tìm kiếm từ một tháng nay với biết bao thận trọng mà bà hầu tước đã tìm cách lẩn tránh bấy lâu. Do đó, ngay sau khi nhận thấy vụ lạc đường này là do sự cố tình của tên mục sư, bà liền thúc ngựa quay lại, phóng ngược chiều với chiều vừa mới đi. Nhưng bị mục sư ngăn lại. Bà hầu tước không thể cưỡng lại được, đành phải chờ xem anh chồng mình sẽ giở trò gì với bộ mặt kiêu hãnh và khinh khỉnh mà phụ nữ thường dùng để tỏ cho người đàn ông biết chớ có hy vọng gì. Im lặng một lát, tên mục sư nói:
- Tôi muốn hỏi bà xem bà có biết chồng bà đã thay đổi thái độ đối với bà không?
- Có chứ, và tôi đã cảm ơn Chúa đã đem lại cho tôi hạnh phúc đó.
- Thưa bà, thế là bà nhầm đấy! - Mục sư nói tiếp với nụ cười mà chỉ y có. - Chúa chẳng liên quan gì đến đây cả. Bà nên cảm ơn Chúa đã ban cho bà sắc đẹp và sự duyên dáng nhất trần gian. Chúa sẽ có nhiều hành động mỹ miều chờ đợi ở bà mà đáng lẽ là của tôi.
- Thưa ông anh chồng tôi, - Bà hầu tước lạnh lùng, -Tôi không hiểu ông anh định nói gì?
- Thưa bà em dâu thân mến! Tôi xin nói rõ để bà hiểu. Chính tôi là tác giả của phép mầu nhiệm mà bà đã cám ơn Chúa, vậy bà phải biết ơn tôi mới đúng. Chúa khá là giàu để không lấy cắp của người nghèo.
- Thưa ông anh, ông nói đúng! Nếu vì ông mà tôi có được sự quay trả lại ấy của chồng tôi mà trước đây tôi không biết, vậy bây giờ tôi xin cảm ơn ông trước, sau đó tôi cảm ơn Chúa đã gợi cho ông ý nghĩ tốt đẹp ấy.
- Vâng! Nhưng Chúa đã gợi cho tôi ý nghĩ tốt đẹp ấy mà nó chẳng mang lại cho tôi điều tôi mong đợi, thì Chúa cũng rất có thể gợi cho tôi một ý nghĩ xấu.
- Ông muốn nói thế là thế nào?
- Tôi muốn nói rằng tất cả mọi người trong gia đình chỉ có một ý chí. Ý chí đó là của tôi, rằng tinh thần của các anh em tôi đều xoay xung quanh ý chí đó như chong chóng trước gió, và ý chí đó đã thổi đến niềm ấm áp thì cũng có thể thổi đến sự giá lạnh.
- Thưa ông anh, tôi vẫn chờ sự giải thích của ông.
- Vậy thì, thưa cô em dâu thân mến của tôi! Nếu cô cứ cố tình không hiểu tôi, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Em tôi đã xa lánh cô vì ghen tuông. Tôi thấy cần phải cho cô có một ý niệm về quyền lực của tôi đối với em trai tôi và mức độ của sự thờ ơ. Tôi đã báo cho nó biết nghi ngờ cô là sai lầm và đã đem lại cho nó sự mãnh liệt của tình yêu. Vậy thì tôi chỉ việc nói lại với nó là chính tôi đã lầm và có nghi ngờ một người đàn ông nào đó. Vậy là tôi sẽ làm cho nó xa lánh cô như đã làm cho nó nhích lại gần. Tôi không cần phải đưa ra dẫn chứng về điều tôi vừa nói, cô biết rõ là tôi đã nói hoàn toàn đúng.
- Ông diễn cái tấn hài kịch đó để làm gì?
- Để tỏ cho cô thấy rằng tùy ý tôi, tôi có thể làm cho cô buồn hay vui, được vui hay bị ruồng bỏ, được quí mến hay bị thù ghét. Bây giờ cô hãy nghe tôi nói đây này, tôi yêu cô!
- Ông chửi tôi đấy à! - Bà hầu tước kêu lên và giật dây cương ra khỏi bàn tay tên mục sư.
- Xin cô em chớ có to tiếng, vì đối với tôi, tôi xin báo trước là chẳng có tác dụng gì đâu. Không bao giờ người ta nói người ta yêu lại là chửi người đàn bà. Chỉ có điều là người ta có hàng ngàn cách khác nhau để buộc người đàn bà ấy phải đáp ứng tình yêu đó. Lỗi là ở chỗ người ta dùng cách nào đó thôi.
- Tôi có thể biết ông đã dùng cách nào đó không? - Bà hầu tước nói với nụ cười đầy khinh bỉ.
- Cách độc nhất có thể thành công đối với một người phụ nữ bình tĩnh, lạnh lùng và mạnh mẽ như bà là gây lòng tin tưởng vào lợi ích của bà một khi bà đáp ứng tình yêu của tôi. Bà có toàn quyền muốn nói với chồng thế nào thì tùy ý. Bà cứ việc nhắc lại từng câu từng lời của cuộc nói chuyện này của chúng ta. Bà có thể thêm thắt vào đó tất cả những gì bà muốn, dù đúng dù sai để buộc tội tôi. Rồi sau khi đã thuyết phục được chồng rồi, sau khi bà đã tin tưởng vào chồng bà, tôi chỉ cần nói hai câu là hắn sẽ trở mặt như trở bàn tay ngay. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với bà, tôi không giữ bà nữa. Bà có thể tìm thấy ở tôi một người bạn tốt hay một kẻ tử thù. Bà hãy suy nghĩ kỹ.
Nói xong tên mục sư buông dây cương ngựa của bà hầu tước. Bà cho ngựa đi nước kiệu để tỏ ra chẳng sợ hãi cũng chẳng vội vã gì. Tên mục sư đi theo bà và cả hai người lại tham gia vào cuộc săn.
Tên mục sư đã nói đúng. Mặc dù bị dọa dẫm, bà hầu tước cũng phải suy nghĩ đến ảnh hưởng của con người đó đối với chồng bà mà nhiều phen bà đã thấy bằng chứng, vì vậy bà giữ im lặng, hy vọng vì thế mà làm cho y phải sợ hãi, y cũng chẳng đến nỗi nào. Về điểm này bà đã lầm to.
Tuy vậy tên mục sư cũng muốn đánh giá xem sự từ chối của bà hầu tước là do tiết hạnh thực sự của bà hay do ác cảm với cá nhân y.
Còn tên hiệp sĩ thì đẹp trai, hắn muốn tìm cách tỏ cho bà em dâu biết là hắn yêu bà. Vấn đề đó không có gì khó khăn. Chúng ta đã biết khi mới nhìn thấy bà hầu tước, tên hiệp sĩ đã có cảm tưởng gì. Nhưng hắn biết trước em dâu hắn đã nổi tiếng là sắt đá nên hắn không dám có ý định tán tỉnh bà. Tuy nhiên hắn cũng bị ảnh hưởng bởi sự khuất phục của bà đối với những ai đến gần bà, hắn nguyên là tên đầy tớ trung thành của bà.
Về phần bà hầu tước, bà chẳng có lý do gì mà hắt hủi sự vồn vã ân cần của hắn mà bà cho là tình bạn. Bà coi hắn là người anh chồng, nên trong quan hệ với hắn, bà cũng dễ hơn với những người khác.
Tên mục sư đến tìm tên hiệp sĩ. Sau khi đã chắc chắn chỉ có mình hai đứa với nhau, tên mục sư nói:
- Hiệp sĩ này, hai anh em ta cùng yêu một người đàn bà, người đàn bà đó lại là vợ em trai chúng ta. Tôi có thể làm chủ được mối dục vọng của tôi cho nên tôi có thể hi sinh nó mà nhường cho anh vì tôi thấy hình như anh có ưu thế hơn tôi. Vậy anh cố gắng xác minh mối tình đó mà tôi tin là người đàn bà ấy có với anh. Đến ngày anh đạt tới mục tiêu ấy, tôi xin rút lui hoàn toàn. Nếu không, tức anh thất bại, anh hãy vui lòng rút lui nhường chỗ đó cho tôi. Đến lượt tôi sẽ thử xem có thật trái tim ấy là không thể chiếm được như người ta nói không?
Tên hiệp sĩ không bao giờ dám nghĩ là hắn có khả năng chiếm được người phụ nữ ấy, nhưng khi thấy em trai mình không vì lợi ích cá nhân, đã làm trỗi dậy ý nghĩ là mình có thể được yêu. Thế là tất cả những gì có tính chất máy móc về tình yêu và về tính tự ái trong con người hắn nhẩy chồm lên ôm lấy ý kiến đó, hắn bắt đầu tăng gấp đôi sự chăm sóc và ve vãn em dâu. Về phần bà hầu tước, bà chẳng hề bao giờ có ý nghĩ xấu, cho nên lúc đầu bà còn vui vẻ tiếp đón tên hiệp sĩ và càng khinh bỉ tên mục sư. Nhưng chẳng bao lâu, tên hiệp sĩ bày tỏ rõ ràng hơn. Bà hầu tước kinh ngạc, lúc đầu còn nghi ngờ, để cho hắn bày tỏ cụ thể ý định của hắn. Thế là bà liền ngăn hắn lại bằng vài lời nói nặng nề như đã làm với tên mục sư.
Trận thất bại ấy làm cho tên hiệp sĩ hết hy vọng vì hắn làm gì có ý chí quyết tâm như em trai, hắn liền đi thú thật hết với tên mục sư. Tên này chỉ đợi có thế, trước hết là thỏa mãn được lòng tự ái của y, sau nữa là y bắt tay vào thực hiện ý đồ của mình. Y nhào nặn sự xấu hổ của tên hiệp sĩ thành một mối hận thù. Và sau khi tin chắc là có được sự hỗ trợ của tên hiệp sĩ và cả là đồng lõa nữa, y bắt đầu chiến dịch chống bà hầu tước.
Mỗi một ngày bà hầu tước lại thấy chồng bà lạnh nhạt với mình hơn. Mặc dù sự dò xét là vô hình, bà cũng cảm thấy mình bị bao vây cả đến sinh hoạt thầm kín. Còn về hai tên mục sư và hiệp sĩ, chúng vẫn cứ thế. Tên mục sư che giấu mối hận thù của y dưới một nụ cười quen thuộc. Còn tên hiệp sĩ giấu mối giận hờn dưới một vẻ lạnh nhạt và cứng nhắc mà những con người tầm thường hay dùng mỗi khi tính kiêu căng bị thương tổn.
Cùng ngay thời gian ấy, ông ngoại của bà hầu tước mất. Thêm vào tài sản của bà vốn đã khá giả, một tài sản mới trị giá sáu bảy trăm nghìn livrơ.
Theo luật La Mã còn thịnh hành thời bấy giờ, món tài sản tăng thêm vào tay bà hầu tước ấy là tài sản ngoài của hồi môn, nghĩa là nó đến sau khi cưới nên không thuộc vào của hồi môn, người đàn bà có toàn quyền sử dụng và hưởng lợi tức. Người chồng chỉ được quyền ấy khi vợ nhượng cho hoặc bằng di chúc.
Vài ngày sau khi bà hầu tước được hưởng gia tài to lớn của ông ngoại, chồng bà và các anh chồng thấy bà mời một chưởng khế tới để xác lập quyền lợi của bà, hành động đó chứng tỏ gia đình nhà chồng chẳng được hưởng gì vào đấy.
Vào thời kỳ đó, một sự kiện lạ lùng xảy ra. Trong một bữa ăn của nhà hầu tước, người ta phục vụ món kem để tráng miệng, tất cả những người ăn món kem đó đều bị đau bụng. Ông hầu tước và hai người anh không ăn nên không việc gì. Món kem bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh, nhất là bà hầu tước đã ăn hai lần, chỗ còn thừa được mang ra phân tích và được xác nhận là trong có chất độc ácxênich (thạch tín). Nhưng do pha lẫn với sữa là chất khử độc, nên tác dụng của chất độc không còn mấy. Vì tai họa không trầm trọng nên người ta đổ lỗi cho nhà bếp đã nhầm lẫn ácxênich với đường, nên mọi người bỏ qua hoặc hình như bỏ qua.
Nhưng rồi dần dần ông hầu tước có vẻ nhích lại gần với vợ. Tuy nhiên, lần này bà hầu tước không để mình bị mắc bịp nữa. Bà đã nhìn thấy bàn tay ích kỷ của tên mục sư, nó đã xúi em trai là bảy trăm nghìn livrơ thêm vào gia đình cũng bõ công bỏ qua một số vụn vặt.
Vào mùa thu cả nhà đến ở Găng, một thành phố nhỏ ở phía Lănggôđốc. Mặc dù là vấn đề thông thường vì ông hầu tước là lãnh chúa ở thành phố đó và có một lâu đài ở đấy, thế mà lúc nghe thấy chồng báo tin đó, bà hầu tước thấy rùng mình một cách đặc biệt. Bỗng nhiên bà nhớ tới lời tiên tri. Lại mới đây vụ âm mưu bỏ thuốc độc càng làm bà lo sợ thêm. Nhưng không dám khẳng định và nghi ngờ hai người anh chồng, nhưng bà cảm thấy họ là những kẻ thù khốc liệt.
Cuộc hành trình sang một thành phố nhỏ để tạm trú trong một lâu đài biệt lập ấy, chẳng có dấu hiệu gì là tốt lành cả. Nhưng có phải vì những lý do đó mà từ chối được sao? Bà hầu tước không dám thú thật mối lo sợ của mình vì như vậy là buộc tội chồng và các anh chồng. Vả lại lấy chứng cớ nào mà buộc tội họ? Vụ kem có thuốc độc không phải là một bằng chứng được xác minh.
Tuy vậy bà cũng thấy trước khi từ giã Avinhông, cần thiết phải làm một tờ di chúc mà từ ngày ông ngoại mất, bà đã có ý định làm. Một vị chưởng khế được mời đến để tiến hành làm việc đó. Mẹ bà hầu tước được là người thừa kế bao quát và quản lý di sản cho đến khi hai đứa con của bà hầu tước đến tuổi trưởng thành sẽ trao lại cho chúng. Hai đứa con ấy, một đứa là trai sáu tuổi và một gái năm tuổi.
Nhưng như thế bà hầu tước vẫn còn cảm thấy chưa yên tâm vì bà bị một ấn tượng sâu sắc là không thể còn sống sau cuộc hành trình này. Đêm hôm đó bà bí mật triệu tập các vị thẩm phán ở Avinhông và nhiều người thuộc những gia đình cao cấp của thành phố. Trước mặt họ, bà tuyên bố một cách rõ ràng là trong trường hợp bà bị chết, bà đề nghị các vị làm chứng có mặt tại đây chỉ công nhận là thực, là tự nguyện, là tự chủ. Ngoài tờ di chúc mà bà ký hôm nay, tất cả những di chúc ký sau chỉ được coi là giả tạo do cưỡng bức hoặc do mưu kế. Tuyên bố xong, bà viết lại tờ di chúc và ký tên trước mặt mọi người làm chứng ấy mà bà coi là những người bảo vệ nó.
Hôm sau, trước ngày khởi hành đi Găng, bà đến thăm tất cả những nhà từ thiện, những tổ chức tôn giáo, tới đâu bà cũng tặng những món tiền lớn để cầu phúc cho bà. Buổi tối bà đi chào vĩnh biệt tất cả những bạn bè thân thiết với tình cảm và nước mắt như gặp gỡ nhau lần cuối cùng. Suốt đêm đó bà cầu nguyện và khi chị hầu phòng vào đánh thức, chị thấy bà vẫn quỳ nguyên tại chỗ mà bà đã quỳ hồi đêm.
Mọi người khởi hành đi Găng. Trên đường đi không xẩy ra sự cố gì. Đến lâu đài, bà hầu tước gặp bà mẹ chồng, một người đàn bà hoàn toàn cao quí và ngoan đạo. Sự gặp mặt ấy, dù chỉ trong chốc lát, cũng làm bà yên tâm đôi chút. Người ta để dành cho bà một căn phòng thuận tiện và lịch sự nhất trong lâu đài, các tiện nghi đã được xếp đặt từ trước. Phòng ở gác một và trông xuống một cái sân, bốn bề đều là những chuồng ngựa.
Ngay tối hôm đầu, bà phải ngủ ở đấy, bà đã thăm dò căn buồng rất kỹ. Bà kiểm tra bốn bức tường, khám xét những tấm thảm, không thấy chỗ nào đáng phải lo ngại.
Thế rồi sau một thời gian, bà mẹ của hầu tước dời khỏi Găng để quay về Môngpeliê. Hai hôm sau nữa ông hầu tước nói có việc bận gấp buộc phải đi Avinhông, và ông từ biệt lâu đài.
Vậy là bà hầu tước ở lại một mình với tên mục sư, tên hiệp sĩ và một giáo sĩ tư tế tên là Peret đã phục vụ gia đình đó từ hai mươi nhăm năm nay, số gia nhân còn vài người.
Khi mời đến lâu đài, bà hầu tước đã quan tâm đến việc xã giao trong thành phố. Sự thận trọng đó không phải là vô ích.
Đáng lẽ chỉ phải qua mùa thu ở Găng, nhưng bà hầu tước lại nhận được thư chồng buộc bà phải ở lại đây cả mùa đông nữa. Trong thời gian đó hai tên mục sư và hiệp sĩ có vẻ như đã hoàn toàn quên hết những ý đồ đầu tiên của chúng đối với bà và đã trở thành những người anh kính trọng và biết quan tâm đến em dâu.
Một hôm, tên mục sư bước vào phòng bà khá đột ngột để gặp bà, không cho bà có đủ thời gian lau nước mắt. Bắt được quả tang như vậy để dễ có điều kiện tâm sự. Bà hầu tước thú thật bà không có chút hạnh phúc nào trên đời chừng nào chồng bà còn đối xử với bà xa lánh và thù địch. Tên mục sư cố gắng an ủi bà. Trong những câu an ủi, hắn nói rằng tất cả nỗi buồn sầu ấy đều do nguyên nhân tại bà, rằng chồng bà đã có thể bị tổn thương vì không được bà tin cậy, dẫn chứng là việc làm di chúc vừa rồi, càng bị mất thể diện vì nó làm công khai và chừng nào tờ di chúc còn tồn tại, bà sẽ không hy vọng gì được chồng bà quay trở lại.
Lần này câu chuyện dừng lại ở đây.
Vài ngày sau, tên mục sư lại vào buồng bà hầu tước, tay cầm một bức thư mà hắn nói là vừa nhận được của em trai hắn. Bức thư đề ngoài là thư riêng, nội dung đầy những lời lẽ than phiền dịu dàng về thái độ của vợ đối với mình, mỗi một câu lại chứa đựng một tình cảm sâu sắc.
Đầu tiên bà hầu tước rất xúc động về bức thư đó, nhưng sau khi đã suy nghĩ kỹ về thời gian từ cuộc giải thích của tên mục sư đến bức thư, bà thấy có đủ thì giờ để chồng bà biết tin. Bà chờ đợi những tin tức mới để được bảo đảm hơn.
Trong khi đó, lấy cớ là để giảng hòa giữa hai vợ chồng, tên mục sư hàng ngày đến thúc giục bà về tờ di chúc. Trong những lần thúc giục ấy, bà hầu tước cảm thấy có vấn đề đáng lo ngại. Bà bắt đầu lại thấy những nỗi kinh hoàng trước đây tràn ngập trong lòng. Sau cùng bị tên mục sư thúc đẩy gay gắt quá, bà nghĩ rằng sau khi đã làm sự việc thận trọng ở Avinhông rồi, một tờ viết lại cũng sẽ chẳng có tác dụng gì nữa, vậy nên nhượng bộ hơn là giữ căng thẳng với con người đã làm bà bao phen phải kinh hoàng.
Tới khi hắn trở lại vấn đề đó, bà liền trả lời bà sẵn sàng tặng chồng thứ bằng chứng ấy về tình yêu của bà. Bà cho đi mời một chưởng khế ở Găng. Trước mặt tên mục sư và tên hiệp sĩ, bà viết một tờ di chúc mới giao quyền thừa kế bao quát cho chồng. Tờ di chúc thứ hai này đề ngày 5 tháng 5 năm 1667.
Hai anh em tên mục sư tỏ vẻ rất vui mừng với bà hầu tước vì thấy nguyên nhân của sự bất hòa giữa hai vợ chồng thế là được xóa bỏ. Vài ngày trôi qua trong niềm hy vọng ấy thì một bức thư của ông hầu tước đến báo tin ông sắp trở về Găng.
Ngày 16 tháng 5, bà hầu tước quyết định uống thuốc vì bà thấy hơi bị đau từ hai tháng nay. Bà báo tin cho người dược sĩ biết và yêu cầu ông pha chế cho một liều thuốc tùy theo ý ông, hôm sau gửi cho bà. Sáng hôm sau, theo giờ đã hẹn, liều thuốc uống được gửi đến. Nhưng bà thấy nó đen và đặc quá nên không dám uống. Bà liền mở tủ lấy ra mấy viên thuốc, tuy là không công hiệu bằng, nhưng vốn thường dùng nên không có gì phải lo ngại.
Sau giờ bà hầu tước dùng thuốc, hai anh em tên mục sư cho người đến hỏi thăm sức khỏe, bà trả lời là bà khỏe và mời chúng đến dự một bữa ăn phụ vào bốn giờ chiều do bà tổ chức để chiêu đãi một số các bà bạn ở ngoài phố.
Một giờ sau hai anh em tên mục sư lại cho người đến hỏi thăm sức khỏe bà một lần nữa, bà chẳng cần chú ý đến phép lịch thiệp quá mức ấy, bà trả lời chúng như lần trước.
Bà hầu tước phải nằm trên giường để tiếp các bạn đến dự bữa ăn, bà vui vẻ hơn bao giờ hết. Đến giờ hẹn, các khách ăn tới, hai anh em tên mục sư cũng có mặt. Mọi người được mời vào bàn ăn. Tên mục sư ngồi vào bàn, còn tên hiệp sĩ ngồi tỳ người vào chân giường. Tên mục sư có vẻ đăm chiêu, còn tên hiệp sĩ nhìn trừng trừng vào em dâu, hắn thấy em dâu xinh đẹp hơn bao giờ hết.
Khi bữa ăn kết thúc, mọi người ra về. Tên mục sư tiễn đưa các bà, còn tên hiệp sĩ ở lại với em dâu. Khi tên mục sư vừa ra khỏi, bà hầu tước thấy tên hiệp sĩ mặt tái mét và đang đứng hắn phải ngồi phịch xuống chân giường. Bà thắc mắc hỏi hắn vì sao, nhưng trước khi hắn trả lời, bà đã phải chú ý sang phía khác.
Tên mục sư cũng tái mét và cũng rã rời như tên hiệp sĩ, bước vào buồng, một tay cầm cốc, tay kia cầm khẩu súng ngắn, hắn đóng cửa buồng lại và vặn hai vòng khóa. Thấy thế bà hầu tước hốt hoảng nhổm nửa người trên giường, nhìn mà không nói được một câu, không thốt ra được một lời.
Tên mục sư lại gần bà, cặp môi hắn run run, tóc hắn dựng ngược, hai mắt nảy lửa, hắn giơ cho bà cái cốc và khẩu súng ngắn, và nói sau một lúc im lặng rợn người:
- Bà hãy chọn lấy một thứ, thuốc độc, gươm (hắn ra hiệu cho tên hiệp sĩ rút gươm ra) hoặc súng.
Bà hầu tước đã có hy vọng lúc thấy tên hiệp sĩ rút gươm ra tưởng hắn lại cứu mình, nhưng rồi biết ngay là mình lầm. Bà đã thấy mình ở giữa hai người đàn ông đang đe dọa. Bà trườn xuống giường và ngã quì xuống.
- Thôi đủ rồi, - Tên mục sư nói tiếp - Bà tự quyết định nhanh lên, nếu không chúng tôi sẽ quyết định hộ.
Bà hầu tước quay lại một lần nữa về phía tên mục sư, trán bà chạm phải nòng súng, bà hiểu ngay là mình phải chết và chọn loại chết nào đỡ ghê nhất, bà nói:
- Vậy cho tôi uống thuốc độc và cầu Chúa tha tội cho các ông về cái chết oan uổng của tôi.
Nói xong bà cầm lấy cái cốc, nhưng khi nhìn thấy trong cốc nước đen xì và đặc quá bà khiếp sợ và muốn thử lại lần nữa, nhưng một câu chửi dữ tợn của tên mục sư và một cử chỉ đe dọa của tên hiệp sĩ làm cho tia hy vọng cuối cùng của bà tắt ngấm. Bà đưa cốc lên môi và lẩm bẩm một lần cuối cùng.
- Lạy Chúa, xin Chúa hãy thương lấy con!
Và bà đưa cốc lên môi uống cạn. Một vài giọt nước đen rơi vãi xuống ngực và đốt cháy da bà ngay tức khắc như chạm vào hòn than hồng. Tưởng không còn bị ép buộc nữa, bà buông cốc rơi xuống đất.
Bà lầm, tên mục sư nhặt cốc lên và nhận thấy ở đáy cốc còn có thuốc lắng xuống, hắn liền lấy một cái thìa con vét hết chỗ lắng đọng, được độ bằng hạt dẻ, hắn đưa cho bà hầu tước và nói:
- Này bà, hãy nuốt hết chỗ cặn này đi!
Bà hầu tước đành phải chịu, bà há miệng ra, nhưng đáng lẽ nuốt nó, bà giữ lại trong miệng, bà kêu lên một tiếng và ném mình vào trong đống chăn. Lợi dụng cơ hội đó bà nhè chỗ cặn thuốc ra chăn không để cho hai tên sát nhân biết, rồi quay lại phía chúng bà nói:
- Nhân danh Chúa! Các ông đã giết chết phần xác tôi, còn phần hồn mong các ông để cho nó yên. Vậy các ông gọi đến cho tôi một giáo sĩ rửa tội.
Dù chúng có độc ác đến đâu, một cảnh tượng như vậy hẳn cũng đã bắt đầu làm chúng mệt mỏi. Vả lại sau khi đã uống như vậy cũng đủ chết rồi, bà chỉ còn có thể sống được ít phút nữa thôi, cho nên chúng chấp thuận yêu cầu đó và đi ra đóng cửa lại sau lưng chúng. Nhưng khi vừa thấy chỉ còn một mình, điều kiện chạy trốn đã có thể được, bà liền chạy ra cửa sổ, nó chỉ cao hơn mặt đất hai mươi hai piê, trông ra một mảnh đất đầy đá tảng.
Lúc bấy giờ bà hầu tước chỉ mặc có độc một chiếc áo lót mình, bà vội mặc thêm một chiếc váy. Trong lúc bà đang cài khuy đã nghe thấy tiếng bước chân đang tiến lại gần buồng mình. Bà cho đó là hai tên sát nhân đã quay lại để kết liễu đời mình, bà liền chạy như điên cuồng ra phía cửa sổ. Lúc bà vừa đặt chân lên thành cửa sổ, cửa buồng mở ra. Bà hầu tước chẳng còn tính toán gì nữa, bà lao ra ngoài, đầu đi trước. May thay người mới đến chỉ là tên giáo sĩ tư tế, hắn kịp thời giơ tay ra nắm được cái váy. Cái váy mỏng manh nên không đủ sức giữ được trọng lượng của người, nó rách toạc ra, tuy nhiên nó cũng đủ sức thay đổi chiều hướng rơi của thân thể. Đáng lẽ bà rơi xuống vỡ đầu, lại rơi chân xuống trước nên chỉ bị đau chân. Mặc dù bị ngã choáng váng, bà cũng trông thấy có vật gì đang lao xuống sau mình, bà liền nhẩy một bước sang bên cạnh. Đó là cái bình đầy nước mà tên giáo sĩ đã ném theo bà sau khi thấy bà đã thoát được tay hắn. Bình vỡ tan cạnh chân không làm bà bị thương. Và tên giáo sĩ thấy mình ném trượt liền chạy về phía sau để báo tin cho hai anh em tên mục sư biết nạn nhân đã chạy trốn.
Còn về bà hầu tước, lúc vừa đứng lên được, bà đã có được một sự nhanh trí đáng phục: bà cho nắm đuôi tóc của mình vào trong cổ họng và ngoáy liền mấy cái để cố làm cho nôn ra. Cũng may mà trong bữa ăn thết khách ban chiều bà đã ăn khá nhiều, lượng thức ăn đó đã làm bà dễ nôn, nhất là ngăn chặn một phần tác dụng của thuốc độc. Những thứ bà vừa tống ra có một con lợn thả rông ăn phải liền chết ngay tại chỗ.
Như chúng tôi đã nói, căn phòng trông ra một cái sân. Cái sân đó bị bao quanh bởi những chuồng ngựa, cho nên khi bà hầu tước lao ra được tới sân, bà tưởng như lại bị rơi vào một nhà tù mới. Nhưng lập tức bà trông thấy có ánh lửa le lói trong một chuồng ngựa, bà vội chạy lại đấy và trông thấy một người chăn ngựa đang chuẩn bị đi ngủ. Bà khẽ kêu lên:
- Anh bạn ơi! Nhân danh Chúa, cứu tôi với! Tôi bị bỏ thuốc độc: Người ta muốn giết tôi! Mong anh rủ lòng thương tôi, hãy mở cửa ra để tôi chạy trốn.
Người chăn ngựa không hiểu hết lời nói của bà, nhưng thấy một người đàn bà đầu tóc rối bù, gần như trần truồng đang cầu cứu mình, anh liền bế bà lên đưa qua chuồng ngựa ra ngoài phố. Lúc ấy có hai người phụ nữ đi qua, anh liền giao bà cho hai người đó mà chẳng giải thích được gì. Còn bà chỉ nói được mấy câu: “Hãy cứu tôi với! Người ta muốn giết tôi! Nhân danh Chúa, hãy cứu tôi với!”.
Bỗng nhiên bà giật ra khỏi tay hai người phụ nữ đó và cắm đầu chạy như điên cuồng: bà vừa thoáng thấy cách bà hai chục bước, trên bậc cửa mà bà vừa đi ra, hai tên sát nhân của bà đang đuổi theo. Thế là chúng lao theo bà. Bà kêu bà bị đầu độc, chúng kêu bà là con điên. Dân chúng đi hai bên đường chẳng hiểu phải trái ra sao, chỉ biết giãn ra cho nạn nhân chạy và cho lũ sát nhân đuổi theo. Sự khiếp đảm làm cho bà có một sức mạnh phi thường. Người đàn bà ấy xưa nay chỉ quen đi trong những đôi giày bằng lụa, trên những tấm thảm nhung, bây giờ chạy chân không đẫm máu trên đường rải đá sỏi, vừa chạy vừa kêu cứu mà chẳng có ai đáp ứng cả.
Cuối cùng tên hiệp sĩ đuổi kịp, nó cản bà lại và lôi bà vào một ngôi nhà gần nhất, mặc bà la hét. Hắn đóng cửa lại, tên mục sư đứng chặn cửa, tay cầm súng ngắn dọa bắn vỡ sọ kẻ nào cả gan đến gần.
Căn nhà mà tên hiệp sĩ lôi bà hầu tước vào là của ông Đêpra. Lúc này ông đang đi vắng, bà vợ ông đang tiếp một số bạn gái. Bà hầu tước và tên hiệp sĩ vẫn giằng co nhau bước vào buồng khách. Nhiều bà khách đã từng tham gia phòng khách của bà hầu tước nên biết bà. Thấy bà trong tình trạng như thế, nhiều bà đứng lên chạy lại giúp bà. Nhưng tên hiệp sĩ đẩy các bà đó ra và nhắc lại là bà ấy đang lên cơn điên. Để trả lời câu vu khống đó mà trạng thái bề ngoài của mình rất giống với người điên, bà hầu tước liền chìa cổ mình bị bỏng và cặp môi đen xì, và xoắn hai tay vào nhau đau đớn, bà kêu lên là bà bị đầu độc và sắp chết, bà van nài xin một cốc sữa hoặc ít nhất cũng một cốc nước. Bà Brunen đứng gần đấy liền luồn vào tay bà một hộp kẹo viên, nhân lúc tên hiệp sĩ quay đi, bà nuốt vội được vài viên; đồng thời một bà khác đưa cho bà cốc nước, nhưng vừa lúc bà đưa cốc lên miệng, tên hiệp sĩ liền giơ tay đập vỡ cốc trước hai hàm răng bà, một mảnh làm toạc môi. Tức thì các bà khách liền phẫn nộ muốn lao vào tên hiệp sĩ để tước vũ khí của nó, nhưng bà hầu tước lại sợ làm như vậy nó sẽ nổi nóng nên bà đề nghị để cho bà được nói chuyện một mình với nó. Tên hiệp sĩ chỉ mong có thế. Tất cả mọi người rút sang buồng bên cạnh.
Khi chỉ còn lại hai người, bà hầu tước chắp hai tay lại quì xuống trước mặt nó rồi dùng một giọng dịu dàng và tha thiết nhất để nói với nó:
- Anh thân mến, nếu anh rủ lòng thương em, để cho em được sống, em xin thề có Chúa chứng giám em sẽ không hề bao giờ nghĩ đến sự việc vừa xẩy ra và sẽ mãi mãi coi anh là cứu tinh của em, là một người bạn tốt của em.
Bỗng nhiên bà hầu tước thét lên một tiếng và đưa hai tay lên ôm lấy ngực bên phải, trong lúc bà đang nói, tên hiệp sĩ đã rút gươm ra mà bà không biết, gươm của nó rất ngắn và đã sử dụng như dao găm, nó đâm vào ngực bà, tiếp theo là nhát thứ hai trúng vào xương bả vai nên không sâu lắm. Bị hai nhát đâm ấy, bà hầu tước vùng chạy trốn vào phía cửa buồng khách là nơi có các bà khách, vừa chạy bà vừa kêu:
- Cứu tôi với, nó giết tôi!
Nhưng trong thời gian bà chạy tới cửa buồng, tên hiệp sĩ đã đâm cho bà thêm năm nhát nữa vào lưng. Có thế là nó còn muốn đâm thêm nữa nếu nhát cuối cùng không bị gẫy, và nhát đó nó đâm quá mạnh đến nỗi mẩu gươm gẫy còn cắm sâu trong vai. Bà hầu tước ngã úp xuống mặt đất, bơi trong vũng máu lênh láng.
Tên hiệp sĩ tưởng đã giết chết bà rồi. Nghe thấy tiếng các bà khách chạy lại, nó liền lao ra khỏi buồng. Tên mục sư vẫn còn đứng trên bậc cửa, tay cầm khẩu súng ngắn, nó kéo tay đi và nói:
- Mục sư à, việc đã xong rồi.
Hai tên sát nhân vừa chạy được vài bước trong phố thì một cửa sổ mở toang ra, các bà khách đã trông thấy bà hầu tước sắp chết, liền kêu cứu. Nghe tiếng kêu, tên mục sư liền dừng lại và nắm tên hiệp sĩ kéo lại hỏi:
- Này hiệp sĩ, lúc nãy anh nói thế nào? Nếu người ta kêu cứu tức là nó chưa chết.
- Theo tao thì tao đã làm xong phận sự của tao rồi. Bây giờ đến lượt mày trở lại mà xem.
- Đúng là tôi định như vậy.
Nói xong nó lại lao vào trong nhà, bước nhanh vào buồng đúng lúc các bà khách đang nâng bà hầu tước lên một cách khó khăn, vì bà yếu quá không còn sức với bản thân nữa. Tên mục sư gạt các bà ra, sán đến gần bà hầu tước, nó tỳ nòng súng vào ngực bà, nhưng lúc nó sắp bóp cò thì bà Brunen, người đã cho hộp kẹo, liền nâng nòng súng lên. Viên đạn đáng lẽ xuyên qua ngực bà hầu tước thì lại cắm lên trần. Tên mục sư liền cầm ngược nòng súng và giáng một đòn thật mạnh lên đầu bà Brunen làm bà lảo đảo suýt ngã. Nó định giáng tiếp một đòn nữa, nhưng các bà đã xúm cả vào, vừa nguyền rủa, vừa đẩy nó ra ngoài và đóng cửa lại. Lập tức hai tên sát nhân lợi dụng ban đêm trốn thoát ra khỏi thành phố Găng và chúng đến Obơnca cách đấy một dặm lúc mười giờ đêm.
Trong khi đó các bà khách chăm sóc bà hầu tước. Trước hết họ định đặt bà lên giường, nhưng vì mẩu gươm gẫy còn ở lưng không thể làm thế được. Người ta thử rút nó ra nhưng không được vì nó cắm sâu vào trong xương. Lập tức bà hầu tước hướng dẫn cho bà Brunen cách làm: ngồi lên giường, hai tay nắm chặt lấy mẩu gươm, hai đầu gối tì lên lưng giật mạnh một cái. Phương pháp đó thành công và bà hầu tước nằm được lên giường. Lúc ấy vào khoảng chín giờ tối. Như vậy là tấn thảm kịch đó đã diễn ra trong ba giờ.
Viên lãnh sự ở Găng được tin báo cáo về sự việc xảy ra, bắt đầu tin thực sự là một vụ ám sát, ông thân chinh đi tới cùng với một người lính.
Vừa trông thấy hai người đi vào, bà hầu tước hoảng sợ, tưởng hai tên sát nhân lại đến, bà dùng hết sức nhổm người trên giường chắp hai tay vào nhau cầu xin được che chở. Ông lãnh sự liền nói mấy câu để bà yên lòng, ông cho lính gác đứng canh khắp các cửa ra vào trong khi cho người hỏa tốc đi mời bác sĩ ở Môngpeliê. Ông báo cho ông Trittrăng, quân cảnh trưởng ở Lănggờđốc biết về vụ ám sát và tên tuổi diện mạo hai tên sát nhân. Lập tức ông quân cảnh trưởng cho người đi truy lùng, nhưng chậm quá rồi. Ông biết tin hai tên giết người đã ngủ đêm ở đấy hôm đó. Chúng đã mắng chửi nhau về sự vụng về và suýt nữa thì bóp cổ nhau. Sau đó chúng ra đi trước lúc trời sáng và đã xuống tầu ở gần Atđe.
Ông hầu tước Găng đang ở Avinhông để theo đuổi một cuộc kiện cáo. Ông kiện người đầy tớ của ông đã lấp cắp một số tiền là hai trăm êcu, ông nhận được tin về tấn thảm kịch trong gia đình. Lúc nghe người liên lạc kể chuyện lại, ông tái người đi một cách ghê gớm, nguyền rủa hai người anh và thề rằng chúng sẽ không có đao phủ nào khác ngoài ông.
Tuy rất thắc mắc về tình trạng của vợ, ông hầu tước để đến mãi trưa hôm sau mới về. Tới Găng đã bốn ngày sau vụ ám sát, ông tới nhà ông Đêpra xin được vào thăm vợ. Được tin chồng về, bà hầu tước đồng ý tiếp ngay. Ông đi vào buồng, nước mắt nước mũi đầm đìa, bứt tóc bứt tai, tỏ vẻ hết sức thất vọng. Nhưng lúc còn lại một mình với vợ, ông liền nói với bà là ông về để đề nghị bà thủ tiêu lời tuyên bố của bà ở Avinhông trước mặt các vị thẩm phán và các bạn bè quí tộc, nếu không tờ di chúc của bà mới viết ở Găng mà tên mục sư đã chuyển cho ông sẽ không có giá trị. Nhưng về điểm này bà hầu tước rất là cương quyết, bà tuyên bố rằng gia tài của bà là để dành cho các con. Đối với bà điều đó là thiêng liêng, bà không thể thay đổi được việc đã làm ở Avinhông. Đó là tình cảm chân chính và cuối cùng của bà.
Mặc dù bị vợ từ chối, ông hầu tước vẫn tiếp tục ở lại gần vợ và phục vụ bà với tất cả chăm sóc của người chồng tận tâm.
Thầy thuốc tuyên bố bà rất yếu không đủ sức chịu đựng một cuộc di chuyển về nhà bà, điều đó rất nguy hiểm. Vậy là bà hầu tước chỉ còn nghĩ đến cái chết, tâm trí bà đều tập trung vào những điều thiêng liêng. Bà yêu cầu được làm lễ thánh thể. Trong khi chờ đợi, bà lại một lần nữa xin lỗi chồng và tha thứ cho các anh chồng. Thái độ lúc đó của bà rất hiền dịu, cộng với sắc đẹp làm cho bà có vẻ thần tiên. Tuy vậy, lúc cha cố bước vào để làm lễ, thái độ của bà lại đột nhiên thay đổi, bộ mặt của bà lộ ra vẻ hãi hùng hoảng sợ. Bà vừa nhận ra cha cố ấy là tên Peret khốn kiếp đồng lõa với tên mục sư, nó đã ném cái bình nước toan hại bà, nó đã chạy đi báo cho hai tên sát nhân đuổi theo bà.
Nhưng rồi bà lấy lại được bình tĩnh ngay. Thấy tên cha cố chẳng chút hối hận bước lại gần giường, bà không muốn tố cáo hắn gây chuyện ầm ỹ mà làm gì trong một khu như thế này. Tuy nhiên bà cũng ghé vào tai hắn nói:
- Thưa cha, tôi mong rằng để nhớ tới điều đã xẩy ra và để xóa bỏ những nỗi lo sợ mà tôi có quyền có, cha không nên khó khăn mà không chia xẻ với tôi tấm bánh thánh, vì tôi thường nghe nói rằng trong bàn tay những kẻ tàn bạo, xác của đức chúa Jêsu của chúng ta đã trở thành tượng trưng cho cái chết.
Tên cha cố cúi đầu tỏ vẻ đồng ý. Bà hầu tước chịu lễ ban thánh thể như vậy. Bà cầm chiếc bánh thánh chia nhau với một trong những kẻ đã giết bà để làm chứng bà đã tha tội cho nó cũng như cho những tên kia. Bà cầu xin Chúa và loài người tha tội cho chúng như bà đã làm.
Những ngày sau trôi đi và bệnh tình bà không thấy trầm trọng thêm. Như vậy là mọi người đã hy vọng, chỉ trừ có bà, bà hiểu tình trạng của mình hơn ai hết, bà không một lúc nào có ảo tưởng ấy. Bà giữ con trai bà, lúc bấy giờ lên bẩy tuổi, luôn luôn ở bên giường bà, lúc nào cũng nói với nó phải nhìn mẹ nó thật kỹ vào để nó nhớ đến bà suốt đời và không bao giờ quên cầu nguyện cho bà.
Ngày 3 tháng 5, ông Catalăng nghị sĩ ở Tuluzơ đến Găng với tất cả nhân viên cần thiết để làm việc. Nhưng tối hôm ấy ông không gặp bà hầu tước được vì bà đang ngủ một giấc như trong cơn ngất, như vậy bà sẽ không được sáng suốt để khai báo. Ông đành phải chờ đến sáng hôm sau.
Hôm sau ông nghị sĩ Catalăng đến nhà ông Đêpra. Mặc dù có hơi bị cản trở bởi những người chăm sóc bà, ông cũng vào gặp được bà. Bà tiếp ông với tinh thần tỉnh táo đáng ngạc nhiên làm ông nghị Catalăng tưởng hôm qua người ta có ý định cản trở ông tiếp xúc với nạn nhân. Lúc đầu bà hầu tước không muốn nói gì về sự việc đã xẩy ra vì bà không muốn vừa tha thứ vừa kết tội. Nhưng vì ông Catalăng bảo bà cần phải nói lên sự thật với luật pháp, nếu thiếu những tài liệu cụ thể, luật pháp sẽ lầm đường, có thể sẽ trừng trị oan những người vô tội, trong khi đó những kẻ có tội lại được thoát thân. Lý lẽ này làm cho bà hầu tước quyết định trong một giờ rưỡi sẽ kể hết những chi tiết của tấn thảm kịch.
Hôm sau ông Catalăng còn cần phải đến nữa, nhưng bệnh tình bà hầu tước xấu đi nhiều. Ông nhìn thấy tận mắt, không dám nài thêm sợ làm bà mệt, vả lại ông đã được biết hết những điều cần biết rồi.
Bắt đầu từ hôm đó bà bị đau đớn dữ dội. Mặc dù bà đã cố gắng chịu đựng đến cùng, bà cũng không thể kìm được những tiếng kêu la lẫn tiếng cầu nguyện. Cứ như thế qua ngày mùng bốn, sang một phần ngày mùng năm là ngày chủ nhật, vào quãng bốn giờ chiều bà thở hơi cuối cùng.
Ngay sau đó người ta cho mổ xác và các thầy thuốc xác nhận rằng nạn nhân chỉ chết vì thuốc độc. Trong bẩy vết đâm, không vết nào có thể gây chết người được. Người ta thấy dạ dầy và các ruột gan đều bị đốt cháy và bộ óc bị đen. Tuy vậy tờ biên bản viết, mặc dù thuốc độc đó có thể giết chết một con sư tử trong vài giờ, thế mà bà hầu tước đã chống đỡ được trong mười chín ngày.
Cũng ngay sau khi được tin cái chết của bà hầu tước, ông Catalăng cho lính đến lâu đài Găng bắt ông hầu tước, tên giáo sĩ và tất cả các người đầy tớ, chỉ trừ có người chăn ngựa đã giúp bà hầu tước chạy trốn. Viên chỉ huy đội lính đến bắt, thấy hầu tước đang đi dạo rất buồn rầu và xúc động trong một phòng lớn của lâu đài. Lúc biết tin mình bị bắt, ông không kháng cự chút nào. Như đã đợi sự việc đó từ trước, ông trả lời ông sẵn sàng tuân lệnh và mục đích của ông là theo đuổi những kẻ đã giết vợ ông đến cùng. Người ta hỏi chìa khóa buồng làm việc, ông giao ngay, và có lệnh lập tức giải ông và những tội phạm khác đến nhà tù Môngpeliê.
Ông Catalăng lập tức bắt đầu cuộc lấy khẩu cung. Ông hầu tước là người đầu tiên và phải tốn mười giờ. Rồi những tội phạm lại bị chuyển đến nhà tù Tuluzơ. Một đơn của bà Rốtxăng, mẹ đẻ bà hầu tước, tố cáo gay gắt các tội phạm. Bà phân tích một cách sáng suốt sự tham gia của ông hầu tước vào tội ác cùng với hai người anh, nếu không bằng hành động thì cũng bằng tinh thần, bằng ý muốn và bằng ý chí.
Sự bảo vệ của ông rất đơn giản, ông đã bị thống khổ vì có hai người anh là hung thủ, chúng phạm trước hết vào danh dự, sau đến vào tính mạng của một người đàn bà mà ông yêu tha thiết. Chúng đã bắt bà phải chết một cách khủng khiếp, và để cho nỗi thống khổ được toàn vẹn, ông lại bị buộc vào tội tòng phạm mặc dù ông vô tội.
Qua các vụ thẩm xét, người ta chỉ có thể buộc cho ông hầu tước những tội về tinh thần. Những tội đó không đủ để kết tội tử hình.
Ngày 21 tháng 8 năm 1667 tòa án đã xét xử và kết tội đập chết hai tên mục sư và hiệp sĩ. Còn đối với ông hầu tước thì bị trục xuất vĩnh viễn khỏi vương quốc, tài sản bị tịch thu, chức quí tộc bị tước bỏ và không có khả năng kế thừa của cải của các con. Còn tên cha cố Peret bị kết án khổ sai chung thân sau khi đã bị tước hết các chức vụ về đạo giáo.
Vụ xét xử ấy đã gây một dư luận lớn không kém gì hồi xảy ra vụ án mạng, nó trở thành đề tài cho những cuộc thảo luận sôi nổi và gay gắt, ông hầu tước có phạm tội, đồng lõa hay không. Nếu không thì kết tội ông như vậy là quá nặng, nếu có thì xét xử như vậy là quá nhẹ.
Vào một buổi trưa cuối năm 1632 một tốp kỵ binh đi đến một làng nhỏ ở đầu Ovécnhơ về phía Pari. Nghe tiếng ồn ào, mọi người trong làng đổ xô ra xem và nhận ra ông quân cảnh trưởng đội Hiến binh cùng với các hiến binh. Trời nắng gay gắt, những con ngựa phủ đầy bụi, hình như mới từ một cuộc chinh phạt quan trọng trở về. Một người tách ra khỏi đội ngũ đi đến hỏi một bà già đứng trước cửa. Ở đây chỗ nào có quán trọ. Bà già và mấy đứa trẻ liền chỉ cho người đó một cái hình nút chai treo lơ lửng trước cửa một căn nhà độc nhất ở đầu phố của làng. Sau đó tốp người lại tiếp tục đi.
Bấy giờ người ta mới nhận thấy trong đám kỵ binh có một thanh niên trẻ, quần áo lịch sự và hình như là bị bắt. Phát hiện được như vậy, sự tò mò lại càng tăng, mọi người đi theo tốp kỵ binh đến tận quán trọ.
Các kỵ binh xúm lại quanh người thanh niên, một người giữ ngựa cho anh, và ông quân cảnh trưởng cũng kính nể nhường bước cho anh vào trong quán. Như vậy người ta cho rằng chắc hẳn là một tù nhân quan trọng và mọi người xì xào bàn tán.
Trong quán, tất cả mọi người đều nhộn nhịp. Bọn hầu bàn chạy từ hầm ra kho, ông chủ quán đang thúc các bọn hầu gái chạy sang các nhà láng giềng, bà chủ quán đang mắng cô con gái mình cứ dán mũi vào cửa kính để ngắm nhìn anh thanh niên đẹp trai.
Trong phòng chính của quán trọ có hai cái bàn, ông quân cảnh trưởng tiến lại bàn thứ nhất và để bàn thứ hai cho quân lính, lúc ấy họ còn đang cho ngựa vào chuồng, lần lượt từng người một. Rồi ông chỉ một chiếc ghế đẩu cho tù nhân ngồi xuống đối diện ông, ông kêu lên một tiếng mệt mỏi:
- Úi chà! Tôi xin lỗi ông hầu tước về cái món rượu tồi mà tôi thết ông.
Anh thanh niên mỉm cười vui vẻ đáp:
- Nói đến rượu làm gì, ông quân cảnh trưởng, nhưng tôi xin thú thật với ông là phải ở lại dọc đường thế này là tôi chán lắm mặc dù được đánh bạn với ông cũng thú vị đây. Tôi muốn kết thúc nhanh cái tình trạng lố bịch của tôi như thế này. Tôi mong được tới nơi để kết thúc ngay cái công việc ngu đần này.
Cô gái con ông chủ quán lúc ấy đã mang một cái bình rượu đến, nghe lỏm được mấy câu ấy, cô liền ngước cặp mắt tin tưởng lên nhìn tù nhân như muốn nói: “Em biết ngay là chàng vô tội mà!”.
Tù nhân đưa cốc rượu lên môi rồi nói:
- Rượu này cũng không đến nỗi tồi đâu, thưa ông quân cảnh - Rồi quay lại phía cô gái đang nhìn đôi găng tay của mình, nói tiếp - Chúc sức khỏe cô gái xinh đẹp.
Ông quân cảnh ngạc nhiên về thái độ ung dung ấy:
- Vậy thì tôi xin lỗi ông về nơi trú chân này.
- Sao?- Hầu tước nói - Chúng ta ngủ lại ở đây à?
- Ông ạ! Chúng ta còn những mười sáu dặm đường phải đi nữa, người của chúng ta lại mệt lử rồi. Còn tôi, tôi xin tuyên bố là cũng không hơn gì con ngựa của tôi.
Hầu tước đập mạnh tay xuống bàn tỏ vẻ hết sức giận dỗi. Ông quân cảnh khó khăn nói tiếp:
- Thưa hầu tước, xin ông hiểu cho rằng tôi cũng không mong gì hơn sự việc này được kết thúc sớm để ông được chóng thoát khỏi bàn tay pháp luật. Nhưng tôi đề nghị ông hãy suy xét đến hiện trạng của chúng ta. Về phần tôi hôm nay, tôi không thể ngồi thêm một giờ trên yên ngựa được nữa, và ngay cả ông, ông không thấy khốn khổ phải đi dưới ánh nắng gắt gao này sao?
- Quả có thế.- Hầu tước nói và làm bộ buông thõng hai tay xuống.
- Vậy thì chúng ta nghỉ thôi. Chúng ta cùng nhau chè chén ở đây và ngày mai tinh thần sảng khoái lại ra đi dưới bầu trời buổi sáng mát dịu.
- Thôi được. Nhưng chúng ta phải giết thì giờ thế nào cho xứng đáng chứ? Tôi còn hai đồng pittôn đây, xin đem thết mọi người. Như vậy cũng đúng thôi, vì tôi mà các bạn phải vất vả thế này.
Nói xong hầu tước ném hai đồng sang phía bàn bọn lính ngồi, họ liền vỗ tay và đồng thanh hô: “Hầu tước muôn năm!”. Ông quân cảnh đứng lên đi ra ngoài cắt gác rồi xuống bếp đặt một bữa ăn sang nhất có thể có được.
Các cảnh binh vừa chơi thò lò vừa uống rượu. Hầu tước ngâm nga một bài hát ở giữa phòng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ngang nhìn ngửa. Anh nhẹ nhàng rút một túi tiền nhét dưới giày ra và thấy cô gái con chủ quán đi đi lại lại, anh liền quàng tay lên cổ cô như để hôn cô và vừa nhét vào tay cô mười đồng Lu y, anh nói nhỏ vào tai cô:
- Chìa khóa cửa buồng chính trong buồng anh và hai hũ rượu cho bọn lính gác, thế là em cứu được anh.
Cô gái đi giật lùi đến tận cửa và quay lại với cái nhìn có ý nghĩa và gật đầu như hiểu ý. Ông quân cảnh trở về và hai giờ sau bữa ăn được dọn lên. Ông ngồi ăn và uống như người ngồi ở bàn ăn vững hơn ngồi trên yên ngựa. Ông thấy hầu tước chẳng tiếc gì mình những cốc rượu tràn đầy, lim dim cặp mắt, thỉnh thoảng lại nhắc:
- Mẹ kiếp, ông hầu tước ạ, tôi không thể tin được ông là một kẻ nham hiểm như người ta nói, mà là một con quỉ có tấm lòng tốt thì đúng hơn.
Hầu tước cho là ông đã say đến chết được rồi, hắn ngồi ve vãn cô con gái chủ quán. Nhưng hắn thất vọng biết bao lúc đến giờ đi ngủ thấy ông quân cảnh gọi người đội lên khẽ dặn dò mấy câu rồi lớn tiếng tuyên bố là ông có hân hạnh được đưa hầu tước đi ngủ và ông sẽ không đi nằm khi chưa làm nhiệm vụ đó. Quả nhiên cùng với ba người lính cầm đuốc, ông không nề hà đi xem xét căn buồng dành cho tù nhân rồi từ giã hầu tước với những lời chào kính mến.
Hầu tước để cả quần áo lên giường nằm, nghe thấy đồng hồ đánh chín tiếng, cả tiếng bước chân lính gác đi đi lại lại ngoài sân và trong chuồng ngựa.
Tuy nhiên, một giờ sau, mọi người mệt mỏi nằm ngủ yên ắng cả. Thế là tù nhân nhẹ nhàng trở dậy và lần tìm trên mặt lò sưởi, trên mặt bàn, đến cả trong chăn của hắn nữa, để có chiếc chìa khóa mà hắn hy vọng. Hắn không thể tin được là cô gái dịu dàng ấy lại bịp mình. Buồng hầu tước nằm có một cửa sổ trông xuống đường và một cửa ra vào mở ra một hành lang, tai ác bằng gỗ, nó có cầu thang đi xuống các phòng có đông người ở nhất. Hành lang này trông xuống sân, cũng có độ cao bằng cửa sổ. Hầu tước chỉ việc nhẩy xuống bên này hoặc bên kia, hắn đã nghĩ đến đấy từ lâu. Hắn định liều nhẩy xuống đường, gẫy cổ thì gẫy. Bỗng nhiên có hai tiếng khẽ gõ cửa. Hắn giật mình nghĩ thầm: “Ta thoát rồi”, và mở cửa. Một bóng người lẻn vào trong buồng: cô gái run hết cả chân lẫn tay và không nói được một câu. Hắn liền an ủi cô bằng đủ các từ. Một lúc sau cô mới nói:
- Ôi, thưa chàng, nếu chúng ta bị bắt quả tang, em sẽ chết mất.
- Phải, em sẽ giàu sang nếu em giúp anh thoát khỏi nơi đây.
- Chúa chứng giám cho em là em muốn thế lắm, nhưng em có một tin rất buồn. ..
Cô gái ngừng lại, nghẹn ngào cảm động giây lát. Hầu tước sốt ruột hỏi:
- Cái gì vậy? - Trước khi đi ngủ, ông quân cảnh đã yêu cầu cha em phải nộp hết chìa khóa của tất cả các buồng và bắt phải thề độc là không còn giữ lại cái nào khác nữa. Hơn nữa, mỗi một cửa lại có một lính gác. Nhưng được cái họ mỏi mệt lắm rồi, em thấy họ thì thào với nhau như vậy và em đã cho họ uống rượu nhiều hơn chàng đã bảo em.
- Vậy họ sẽ ngủ. - Xung quanh vườn, phía ngoài ruộng có một chỗ hàng rào đã long, chỉ cần...
- Ngựa của anh ở đâu? - Trong chuồng cùng với những con khác.
- Anh sẽ nhẩy xuống sân.
- Thế thì ngã chết mất.
- Càng hay.
- Ôi, thưa chàng - Cô gái đau đớn hỏi - Chàng đã làm gì mà bị như thế này?
- Những việc điên rồ, không có gì cả, thế mà lại chạm đến tính mệnh của anh đấy. Chúng ta không nên để phí thời gian, anh đã quyết định rồi.
Hắn tiến một bước ra cửa, cô gái tìm cách giữ lại chẳng hiểu để làm gì, nhưng hắn cứ dứt ra và mở cửa. Ánh trăng chiếu sáng toàn bộ sân, không có một tiếng động nào. Hắn tiến ra tận đầu dầm gỗ và phân biệt được phía dưới có một đống phân khá cao. Cô gái làm dấu chữ thập. Hầu tước lại một lần nữa lắng tai nghe, hắn trèo lên chiếc dầm gỗ chuẩn bị nhẩy xuống thì bỗng nhiên, do điều kỳ diệu, có tiếng nói vọng lên, đó là hai tên kỵ binh tiếp tục câu chuyện và trao đổi với nhau hũ rượu. Hầu tước nín hơi lần về cửa buồng mình. Cô gái còn đứng trên ngưỡng cửa, cô thều thào nói:
- Em đã bảo mà, chưa đến lúc đâu.
- Em có con dao nhọn nào không? Anh muốn cho chúng mỗi đứa một nhát vào cổ họng.
- Em van chàng, hãy đợi một giờ nữa, chỉ một giờ nữa thôi là chúng sẽ ngủ say như chết hết.
Giọng nói của cô gái thật là êm ấm, cánh tay trần cô giơ ra như mời mọc làm hầu tước phải ở lại và một giờ sau chính cô gái lại bảo anh chàng đi.
Một lần cuối cùng, hầu tước áp miệng mình vào cặp môi kia mà chỉ mới tối qua thôi hãy còn thơ ngây trong trắng, rồi hắn ra mở cửa. Lần này chỉ còn nghe thấy có tiếng chó sủa xa xa giữa một vùng im lặng bao la. Hắn cúi xuống và trông thấy rất rõ một người lính nằm ngủ úp sấp mặt xuống đống rơm.
- Nếu họ thức dậy? - Cô gái lo lắng thì thào.
- Em không lo, chúng không bắt sống được anh đâu.
- Vậy xin vĩnh biệt chàng. - Cô gái thổn thức - Cầu Chúa phù hộ cho anh.
Hắn trèo lên lan can và nhẩy xuống đống phân. Cô gái trông thấy anh chàng chạy đến chuồng ngựa, tháo rất nhanh một con, nhẩy lên, đi qua sau bức tường chuồng ngựa, thúc ngựa xéo bừa lên vườn rau, húc làm đổ hàng rào, vượt ra đường cái rồi biến vào trong cánh đồng.
Cô gái tội nghiệp nhìn trừng trừng vào người lính gác, cô sẵn sàng thấy động là biến ngay. Tiếng vó ngựa nện trên mặt đất và tiếng ngựa xô vào hàng rào làm anh lính gác nửa tỉnh nửa ngủ. Anh cũng đứng được lên, thấy có điều đáng ngờ, anh chạy lại chuồng ngựa, con ngựa của anh không còn đây nữa. Tên hầu tước lúc vội vàng đã vơ lấy con ngựa đầu tiên, con ngựa của anh lính. Lập tức anh lính kêu ầm lên: “Báo động”. Thế là tất cả các bạn anh đều thức dậy. Người ta chạy đến buồng tù nhân, buồng trống không. Ông quân cảnh trở dậy bàng hoàng. Tù nhân đã tẩu thoát rồi.
Cô gái thấy động chạy ra, cô giả vờ giúp đỡ mọi người, nhưng thực tình là cô cố ý làm chậm trễ sự lên đường của mọi người bằng cách làm nhầm lẫn yên cương. Mãi mười lăm phút sau tốp kỵ binh mới phóng được trên đường. Ông quân cảnh chửi rủa như một kẻ thô tục.
Những con ngựa tốt phóng trước, anh lính gác cưỡi con ngựa của hầu tước là con ngựa hay nên chỉ một lát sau đã bỏ xa được đồng đội. Theo sau anh là viên đội. Do nhìn thấy hàng rào đổ, người ta đã biết tù nhân chạy nẻo nào nên chỉ ít phút sau đã trông thấy bóng tù nhân nhưng còn rất xa. Tuy nhiên tên hầu tước bị lấn dần khoảng cách vì con ngựa hắn cướp được là con ngựa xấu nhất trong bọn, hắn đã thúc nó điên cuồng. Quay lại đằng sau hắn nhìn thấy bọn cảnh binh còn cách hắn nửa tầm súng hỏa mai, hắn càng thúc ngựa dữ dội, cắt nát cả sườn nó. Nhưng rồi chẳng bao lâu con ngựa kiệt sức quì xuống. Tên hầu tước cùng lăn với con vật trong đất bụi. Trong khi lăn hắn nắm chặt lấy túi yên và sờ thấy có khẩu súng ngắn. Hắn nằm lăn cạnh con ngựa như bị ngất đi, tay cầm khẩu súng ngắn đã nạp đạn sẵn. Người lính gác cưỡi con ngựa của chính hầu tước đến trước tiên, vượt xa biên đội chừng hai trăm bước. Ngay lúc đó hầu tước vùng dậy, người lính không kịp chống đỡ, đã bị một báng súng giáng vào đầu ngã lăn xuống đất. Hầu tước liền nhẩy phốc lên yên không cần đặt chân lên bàn đạp, lao ngựa phóng lên như gió để lại đằng sau cách năm mươi bước, viên đội ngơ ngác vì sự kiện vừa xẩy ra.
Cả đoàn phóng đến nơi, ông quân cảnh gào to từ xa.
- Chớ có giết hắn.
Nhưng người ta chỉ thấy viên đội đang lay anh lính gác bị toạc đầu nằm chết ngất dưới đất. Còn tù nhân thì mất hút.
Khi chắc chắn đã làm lạc lối đi của đội quân cảnh và những con ngựa tồi của họ không đuổi kịp được mình, hầu tước quyết định dừng lại để cho ngựa được nghỉ. Hắn đang dắt nó đi bộ trong con đường trống, bỗng nhiên hắn trông thấy một người nông dân từ xa đi tới. Hắn bèn hỏi thăm đường về Buốc Bông và ném cho người đó một đồng êcu. Người nông dân cầm tiền và chỉ đường rồi cứ nhìn trừng trừng vào hầu tước. Hầu tước bảo tránh ra, nhưng người đó cứ đứng trơ trơ bên lề đường và nhìn hầu tước một cách đặc biệt. Hầu tước tiến lên hỏi vì sao có cái nhìn hỗn xược ấy. Người nông dân đáp và trỏ lên vai hầu tước:
- Vì rằng... ông có...
Hầu tước nhìn vào người mình thấy áo ngoài có giây nhiều máu, cái đó cộng với quần áo xộc xệch và đầy bụi làm cho hắn có bề ngoài đáng sợ. Hắn bịa chuyện:
- Tôi biết rồi. Tôi và người hầu của tôi vừa bị lạc nhau trong một trận đánh nhau với mấy thằng Đức say rượu. Có thể là chúng đã cào được tôi, hoặc là tôi đã làm cho chúng phải đổ máu. Nhưng tôi chẳng thấy đau gì cả - hắn giả vờ nắn thân mình - Tuy nhiên nếu tôi được rửa ráy một chút thì cũng tốt. Tôi thấy nóng và khát lắm. Con ngựa của tôi cũng chẳng hơn gì. Anh có biết ở đâu có thể nghỉ ngơi được không?
Người nông dân nhận đưa về nhà mình ở cách đấy có mấy bước. Một người đàn bà và mấy đứa trẻ con kính cẩn tránh ra nhường lối và đi kiếm rượu, nước, thức ăn. Hầu tước gột rửa áo quần, mặt mũi và tay chân, ăn uống một chút rồi gọi chủ nhà đến hỏi một cách thản nhiên.
Người nông dân nói là anh ta rất ngạc nhiên thấy có những vụ lộn xộn xẩy ra trên dọc đường cái mà trong lúc này đang có một đoàn kỵ binh vừa mới bắt bớ được một vụ quan trọng.
- Ai bị bắt đấy? Hầu tước hỏi.
- Ồ, một tráng sĩ đã gây ra nhiều tội trong tỉnh.
- Sao, một tráng sĩ mà lại bị bắt à? - Úi chà! Mất đầu nữa là khác.
- Anh có biết người đó đã làm gì không?
- Khiếp lắm. Toàn chuyện kinh khủng, toàn tỉnh đều phẫn nộ.
- Anh có biết người đó không?
- Không, nhưng chúng tôi có được biết dung mạo.
Thấy tình hình có chiều hướng không ổn định, tên hầu tước tìm cách lảng ra rồi lên đường chuồn thẳng theo hướng đã được chỉ.
Ông quân cảnh trưởng cho quân tiến lên nửa dặm nữa, nhưng rồi xét thấy đuổi theo thêm nữa cũng chỉ vô ích, ông cử một kỵ binh về quận để ra mệnh lệnh cho tất cả các điểm trong tỉnh thành, rồi ông rút quân về nơi đã xuất phát lúc buổi sáng. Tên hầu tước có nhiều họ hàng trong các vùng xung quanh và người ta có thể nghĩ là hắn sẽ về nơi đó để ẩn náu. Người ta bàn tán rất ồn ào và linh tinh về vấn đề này.
Ông quân cảnh trở về quán trọ, ông nắm tay đấm vào các đồ vật và cáu kỉnh với tất cả mọi người về biến cố vừa xảy ra. Cô con gái ông chủ quán lúc đầu còn có vẻ lo lắng đau khổ, về sau khó khăn lắm mới giấu được nỗi vui mừng.
Ông quân cảnh trưởng trải lên bàn những giấy tờ của ông và kêu lên:
- Cái thằng xỏ lá nhất trần đời, tôi đã ngờ rồi mà.
- Anh chàng ấy trông hiền lành thế. - Bà chủ quán nói.
- Một thằng nham hiểm hoàn toàn. Bà có biết tên hắn là gì không? Hầu tước Xanh Maixen đấy.
- Hầu tước Xanh Maixen. - Một người kinh hoàng kêu lên.
- Phải, đúng thế. - Ông quân cảnh nói: - Hầu tước Xanh Maixen bị kết án về tội giấy bạc giả và những trò ma quái.
- Ối! - Hắn đã tự thú tội loạn luân. - Trời ơi.
- Tự thú đã bóp chết vợ để lấy một người đàn bà khác mà hắn đã có kế hoạch đâm chết người chồng.
- Lạy Chúa cứu chúng con.
Tất cả mọi người làm dấu thánh. - Vâng. - Ông quân cảnh tức giận nói tiếp - Thế mà cái thằng khốn kiếp ấy vừa thoát khỏi bàn tay pháp luật.
Cô con gái chủ quán vội rời khỏi buồng vì cô cảm thấy mình sắp ngất.
Kẻ vừa trốn thoát ấy không phải ai khác mà chính là Hầu tước Xanh Maixen, kẻ bị lên án những tội ác tầy trời mà ông quân cảnh vừa tả.
Vào khoảng mười lăm ngày sau những sự kiện nói trên, một kỵ sĩ kéo chuông ở lâu đài Xanhgiêrăng. Lúc đó trời đã khuya nên mọi người chưa muốn mở cửa vội. Người khách lạ kéo chuông một cách chững chạc như chủ nhân ông, cuối cùng nhìn thấy một người hầu chạy ra. Anh ta nhìn qua hàng rào khó phân biệt được khách là ai vì trời tối mà khách thì ăn mặc khá lôi thôi, mũ cụp xuống, quần áo đầy bụi và không có gươm. Người hầu lên tiếng hỏi khách muốn gì, khách đáp muốn gặp bá tước Xanhgiêrăng, có việc rất vội. Người hầu trả lời việc đó không thể được. Khách nổi giận. Người hầu liền hỏi:
- Ông là ai?
- Kỳ lạ thực, sao lắm lễ nghi thế. Vào nói với ông Xanhgiêrăng là có hầu tước Xanh Maixen đến gặp.
Người hầu vội xin lỗi và mở cửa. Sau đó anh ta đi lên trước hầu tước, báo cho người hầu khác chạy đến dắt ngựa, còn anh thì chạy vào trong các phòng để báo tin.
Bữa ăn tối đang được dọn ra. Bá tước hay tin vội chạy ra đón hầu tước, ôm hôn thắm thiết. Ông muốn kéo ngay hầu tước vào phòng ăn để giới thiệu với cả gia đình, nhưng hầu tước lưu ý bá tước đến quần áo của mình rất lôi thôi, đồng thời đề nghị được nói chuyện riêng ít phút. Bá tước đưa hầu tước vào phòng của ông, lấy quần áo của ông cho hầu tước thay, đồng thời hai người nói chuyện với nhau. Hầu tước kể cho bá tước nghe, người ta không biết chuyện gì, có liên quan đến bản án đang đè nặng lên đầu hầu tước. Nhưng có điều chắc chắn là bá tước tỏ ra rất nhiệt tình với người họ hàng và kể từ giờ phút này, hầu tước có thể coi lâu dài Xanhgiêrăng là nơi trú chân chắc chắn. Sau đó bá tước dẫn hầu tước ra giới thiệu với nữ bá tước và với cả gia đình.
Bây giờ chúng ta hãy hiểu qua về những người trong lâu đài, nhắc lại một số chi tiết trước đây để giải thích cho những sự việc sắp xẩy ra.
Thống chế Xanhgiêrăng thuộc dòng họ trứ danh La Ghitsơ và là thống đốc Buôcbông, đã lấy người vợ thứ nhất Ana đờ Tuốcnông, sinh được một con trai là Clốt đờ Laghit và một người con gái lấy hầu tước Đờ Buiê. Vợ ông mất, ông lấy người vợ kế là Xuyzan Ôzêpôn đã có một đời chồng là bá tước Lônggơnay và một con gái riêng là Xuyzan Lônggơnay.
Ông thống chế và bà Xuyzan Ozêpôn muốn cho những đứa con riêng được thừa hưởng di sản đặc biệt của hai ông bà cho nên hai người quyết định chúng sẽ trở nên vợ chồng. Clốt đờ Laghit lấy Xuyzan đờ Lônggơnay.
Vấn đề này không thể không mang lại một mối giận hờn cho nữ hầu tước Đờ Buiê, người con gái của ông thống chế; bà đang ở với mẹ chồng và theo bà nói chồng bà cũng chẳng ra gì, có rất nhiều đáng điều chê trách, đáng chê nhất là tuổi tác đã bảy mươi.
Bản giá thú giữa Clốt đờ Laghit và Xuyzan đờ Lônggơnay đã được thành lập tại Ruon ngày 17 tháng 5 năm 1619, nhưng vì đức anh chồng còn trẻ quá, mới có mười tám tuổi nên người ta phải cho anh sang chơi bên nước Ý. Hai năm sau anh trở về và cuộc hôn nhân đó phải là rất hạnh phúc nếu như có được một đứa con. Bà bá tước không thể chịu được tình trạng không sinh nở ấy, nó đe dọa làm tuyệt tự một dòng họ đại quý tộc, làm mất đi một danh hiệu tiếng tăm. Bà đi cầu cúng, bà đi khám bác sĩ, bà đi hỏi những người có kinh nghiệm cũng không đem lại kết quả gì.
Thống chế Xanhgiêrăng mất ngày 30 tháng 12 năm 1632 với một nỗi khổ tâm là không có cháu đích tôn. Người con của ông trở thành bá tước Xanhgiêrăng nối nghiệp cha trong chính phủ Buôc Bông và được tặng danh hiệu hiệp sĩ huân chương hoàng đế.
Trong tình hình đó, bà hầu tước Đờ Buiê cách ly với ông chồng già, về ở lâu đài Xanhgiêrăng, rất vững tâm về cuộc hôn nhân của ông anh ruột, gia tài của ông anh nhất định sẽ về tay mình vì ông anh không có người thừa tự nào khác ngoài bà em ruột.
Cũng trong tình hình này, hầu tước Xanh Maixen đến lâu đài. Hắn còn trẻ, đẹp trai, lắm mưu nhiều kế, hắn đã làm cho nhiều phụ nữ phải say mê, cả đến bà lão thống chế cũng phải có cảm tình với hắn. Chẳng bao lâu hắn thấy có thể có mối quan hệ thầm kín với bà hầu tước Đờ Buiê.
Gia tài của hầu tước Xanh Maixen hầu như không còn gì do những cuộc phung phí bừa bãi của hắn và do những vụ tố tụng của pháp luật. Bà hầu tước Đờ Buiê là người thừa tự chỉ định theo thân tộc. XanhMaixen mong chồng bà chết sớm, vả lại cuộc sống của một lão già bẩy mươi tuổi chẳng có gì đáng lo ngại cho một con người như hắn, sau đó hắn sẽ làm cho bà phải lấy hắn, thế là hắn sẽ làm chủ một gia tài lớn nhất tỉnh.
Hắn quan tâm đến bà và cố ý làm sao cho người ta không nghi ngờ gì. Tuy nhiên cũng rất khó làm được vừa lòng bà hầu tước mà tránh được cặp mắt của những người xung quanh. Nhưng bà hầu tước đã có thiện cảm với vẻ ngoài của hắn, và bà lại bị đau khổ trong hôn nhân nên bà không đủ sức chống lại những ý đồ của hắn.
Hai người rất ít có dịp gặp riêng nhau. Bà bá tước tham gia một cách vô tư vào những buổi nói chuyện của hai người. Ông bá tước thường kéo hắn đi săn. Còn gia đình hàng ngày tụ họp đông đủ, Xanh Maixen chưa thể nói được rằng bà hầu tước làm cao với hắn.
Từ hai mươi năm nay, bà bá tước Xanhgiêrăng chưa bao giờ hết hy vọng, những lời cầu nguyện thành kính của bà sẽ mang lại phúc lành cho bà có đứa con trai. Ông bá tước không ngừng bày tỏ với vợ lòng âu yếm nồng nàn, nhưng không mong có một người nối dõi tông đường, ông đã làm chúc thư theo hướng đó. Những hy vọng của bà hầu tước Đờ Buiê chuyển thành chắc chắn. Còn Xanh Maixen thì yên tâm về mặt đó, hắn chỉ còn nghĩ đến theo đuổi một cách đặc biệt bà hầu tước Đờ Buiê.
Rồi một hôm vào cuối tháng mười một năm 1640, bá tước Đờgiêrăng có một số nhiệm vụ cần thiết phải đi Pari ngay. Bà bá tước không chịu được cảnh phải xa chồng, đặt vấn đề có nên đi theo chồng không. Xanh Maixen rất thú vị muốn một mình ở lâu đài với bà Đờ Buiê, liền tả cuộc hành trình đi Pari với tất cả các màu sắc đẹp đẽ nhất, hấp thụ nhất làm mọi người quyết định để bà đi. Bà Đờ Buiê nữa cũng khéo léo vận động. Cuối cùng bà bá tước quyết định theo chồng. Sau vài ngày chuẩn bị, bà lên đường.
Xanh Maixen không còn cần phải giấu giếm dục vọng của hắn, hắn cũng chả cần phải khêu gợi bà Đờ Buiê nữa. Hắn tiến hành một cuộc tình ái mãnh liệt, bà đáp ứng lại cũng không kém. Hành vi như vậy không thể không gây một dư luận trong đám gia nhân đông đúc như một đạo quân.
Vậy là chẳng bao lâu bà Đờ Buiê thấy buộc phải lấy lòng mấy chị em Kinô, những nữ hầu phòng của bà. Việc đó cũng không khó khăn lắm vì các chị ấy rất trung thành với bà. Đó là một sự xấu hổ lần thứ nhất cho bà Buiê và mức độ hủ hóa thứ nhất cho những nhân vật ấy luôn luôn bị lôi cuốn vào một âm mưu đen tối hơn.
Trong lâu đài Xanhgiêrăng có một ông già cao lớn, khô khan, mặt vàng, tính hẹp hòi nhưng cũng đủ thông minh để tiến hành, nếu không để nhận thức được một hành động xấu xa và có quyền thế với bọn gia nhân. Lão chỉ là một nông dân bình thường mà thống chế đã nhặt về và dần dần bá tước đã đưa lên chức quản gia vì lão là thâm niên trong nhà và bá tước đã biết lão từ hồi còn thơ ấu. Bá tước không muốn đem lão đi, sợ lão không quen với sinh hoạt ở Pari, nên đã để lão ở nhà trông nom mọi việc. Xanh Maixen gọi lão ra riêng một nơi, khéo léo thăm dò lão, uốn nắn tinh thần lão, cho lão ít tiền, thế là hắn nắm được tinh thần và thể xác lão.
Một buổi tối, Xanh Maixen đang ngồi ăn với bà Buiê bỗng nhiên ở ngoài cổng có người kéo chuông ầm ĩ và có tiếng ồn ào nổi lên. Hai người chẳng cần để ý. Trong lúc đó một người đưa thư từ Pari hoả tốc về, mang theo một bức thư của bá tước Xanhgiêrăng gửi hầu tước Xanh Maixen. Người ta đưa anh ta vào, theo sau là hầu hết các gia nhân. Xanh Maixen hỏi thế là thế nào và ra hiệu cho mọi người rút lui. Nhưng liên lạc viên lại nói rằng ông bá tước muốn bức thư được đọc trước mặt tất cả mọi người. Xanh Maixen liền bóc thư liếc mắt nhìn qua một lượt rồi lên tiếng đọc to, mặt không hề biến sắc. Ông bá tước báo tin cho tất cả họ hàng và mọi người trong nhà là bà bá tước đã có những triệu chứng của sự thai nghén, cho nên vừa đến Pari là bà đã thấy mệt mỏi, buồn nôn, bà chịu đựng tất cả những triệu chứng đó một cách sung sướng, các thầy thuốc cũng không nghi ngờ về sự bắt đầu của thời kỳ có mang. Ông bá tước rất sung sướng về sự kiện này. Vậy là ước mong bao năm của ông nay đang được thực hiện.
Xanh Maixen và bà Buiê chỉ nhìn nhau một lát, nhưng cái nhìn đó biểu lộ tất cả những lo lắng của hai người nhưng chúng vẫn phải cố nén và làm ra vẻ rất sung sướng. Chúng giữ im lặng trong một vài thời gian. Ý nghĩ đầu tiên của chúng là ông bà bá tước đã bị lầm lẫn về những triệu chứng thông thường cũng như vô nghĩa lý, là người ta muốn phỉnh nịnh ước mong của hai ông bà, là tinh khí con người sao có thể thay đổi sau hai mươi năm không có gì, vậy sự thai nghén ấy chỉ là một điều tưởng tượng.
Hôm sau hai đứa đi bên nhau trên một con đường hoang vắng ở ngoài công viên. Xanh Maixen nói cứ cho cái tin thai nghén ấy là đúng, nhưng rồi cũng còn có rất nhiều hiểm nghèo phải trải qua. Bà bá tước phải không được gặp một tai họa gì. Rồi còn sự sinh nở phải được tốt lành nữa, sau cùng hắn nói tiếp:
- Nếu đẻ ra được, rồi đứa bé cũng có thể chết... Và hắn còn thốt ra mấy câu chó má nữa về cái chết của một tạo vật mỏng manh không lý trí, không lợi ích, không quan trọng gì, hắn nói, chỉ là một mẩu vật chất thiếu tổ chức và sinh ra chỉ để làm hại một người quí giá như bà hầu tước Buiê.
- Nhưng việc gì phải hốt hoảng, - Hắn sốt ruột nói tiếp, - Bà bá tước làm gì có mang, không phải thế. Không thể thế được.
Một người làm vườn đang làm việc nghe được mẩu ấy của câu chuyện, nhưng vì hai đứa cứ đi xa dần nên không nghe được đoạn sau.
Vài ngày sau đó, có một số người được bá tước cho về trước báo tin ông chủ sắp về tới nơi. Quả nhiên một lát sau, mấy cỗ xe ngựa xuất hiện trên đường vào lâu đài. Mọi người thấy cỗ xe của nữ bá tước có ông bá tước cưỡi ngựa đi kèm. Trong suốt cuộc hành trình, ông không rời xa cỗ xe của vợ. Thật là một cuộc đón tiếp vẻ vang. Tất cả những nông dân đều rời công việc và hoan hô vang dội, các gia nhân chạy đến trước cỗ xe bà chủ.
Bà quả phụ thống chế Giêrăng hôm đó cũng đến lâu đài, bà không thể tin được vào điều may mắn ấy. Bà sung sướng biết bao khi đặt tay lên bụng con dâu và thấy đứa bé đụng đậy.
Ông bà bá tước Xanhgiêrăng được trong họ Buốc Bông rất yêu mến, điều đó làm cho mọi người đều sung sướng. Ngay từ những ngày đầu tiên, trên hai mươi bà lớn đã đến thăm để bày tỏ sự quan tâm của các bà đến sự thai nghén ấy. Tất cả các bà đều hoàn toàn sờ thấy đứa bé ngọ nguậy trong bụng bà bá tước, và nhiều người trong số các bà đã tán hươu tán vượn, đoán già đoán non em bé là một thằng con trai. Vả lại đường phồng của vú và hai bên sườn cùng với tất cả các triệu chứng thông thường đều xác định điểm đó. Các vị thầy thuốc danh tiếng trong nước đều đồng ý như vậy.
Ông bá tước lưu lại trong nhà một trong các vị thầy thuốc ấy và bảo Xanh Maixen tìm cho một bà đỡ có tín nhiệm nhất. Sau cùng bà quả phụ thống chế, vì sau này sẽ đặt tên cho cháu, nên đã đặt may một bộ tã lót vào loại đắt tiền nhất để tặng cháu đích tôn.
Mụ hầu tước Buiê phải nuốt hận. Trong số những người sung sướng ấy, không một ai nhận thấy nỗi đau khổ đang giày vò tâm hồn mụ. Hàng ngày nhìn thấy tình nhân Xanh Maixen càng làm tăng thêm nỗi đau khổ và luyến tiếc của mụ. Mụ nhắc lại với hắn rằng ông bà bá tước đã đắc thắng trong tai biến của hai đứa, đứa con ấy sẽ truất quyền thừa kế của mụ. Theo thói thông thường của nghệ thuật chính trị, hắn bắt đầu bằng việc hủ hóa tinh thần mụ, lái mụ đi trệch con đường đạo giáo để đi dần vào con đường tội lỗi.
Xanh Maixen có một tên tay chân xảo quyệt, láo xược và khéo léo mà hắn đã đưa từ quê hương của hắn tới. Tớ thật xứng đáng với chủ. Maixen đã phái tên đầy tớ ấy đi có việc một thời gian trong vùng lân cận Xanhgiêrăng.
Một buổi tối, Xanh Maixen đang chuẩn bị đi ngủ thì tên đầy tớ ấy về, vào buồng chủ báo cáo đã tìm được theo lệnh chủ và đưa cho chủ một mẩu giấy trên đó có ghi tên người và địa chỉ.
Sáng sớm hôm sau Xanh Maixen trở dậy, sai đóng yên cương hai con ngựa, nói dối là ở nhà mời hắn về có việc cần, hắn có thể đi vắng vài ba ngày, đề nghị xin lỗi với bá tước, rồi phóng ngựa ra đi cùng với tên đầy tớ tâm đắc.
Hai ngày sau chúng tới một thị trấn lớn, trong đó có một mụ đỡ. Nhưng theo như người ta nói, đối với những ai trả tốt tiền,mụ có thể làm những điều xấu xa thầm kín. Mụ biết khéo léo lợi dụng nghề nghiệp làm cho những người nhẹ dạ phải tin mụ. Theo thực hành của mụ, mụ chữa cả những bệnh tràng nhạc, pha chế những thuốc rửa, những thuốc chữa các bệnh tình, cứu giúp những cô con gái nhà danh giá, tham gia vào các vụ âm mưu, thực hiện những trò yêu quái. Mụ kiếm được rất nhiều tiền và sống một mình trong ngôi nhà riêng. Mụ đỡ có tên là Luyzơ Gôia.
Một buổi tối mụ đang ngồi một mình, bỗng có tiếng chuông rung và tiếng gõ cửa rất mạnh. Quen tiếp khách ban đêm vào bất cứ giờ giấc nào, mụ cầm ngọn đèn và ra mở cửa không chút sợ hãi. Một người có vũ khí lao vào trong buồng với vẻ rất hung hăng. Mụ Gôia hốt hoảng ngã ngồi xuống một chiếc ghế. Người đó chính là Xanh Maixen. Hắn lên tiếng:
- Bà cứ yên trí, vì không phải là bà mà chính tôi phải hoảng hốt. Tôi không phải là một kẻ gian, tôi đến để xin bà cứu giúp cho.
Nói xong Xanh Maixen ném áo khoác vào một xó, cởi thắt lưng và gươm bỏ xuống đất rồi ngồi phịch xuống một chiếc ghế. Hắn nói tiếp:
- Trước hết xin phép bà cho tôi nghỉ một chút đã.
Mụ Gôia thoáng nhìn thấy ngay là mình nhầm, và trái lại mụ đánh hơi thấy mình sắp vớ được một món bở đây. Xanh Maixen lại nói tiếp:
- Tôi từ rất xa đến vì một công việc quan trọng bậc nhất, và xin bà tin tưởng tôi là một con người rất biết ơn sự giúp đỡ của bà. Hắn lục trong túi lấy ra một túi tiền, vân vê trong tay rồi nói tiếp - Trước hết tôi đề nghị với bà thề với tôi là sẽ giữ tuyệt đối bí mật.
- Với chúng tôi thì không cần, - mụ Gôia đáp. - Đó là điều kiện thứ nhất của nghề nghiệp chúng tôi.
- Tôi cần phải có sự đảm bảo rõ ràng hơn, và phải có lời thề của bà là không tiết lộ với bất kỳ ai điều mà tôi sẽ gửi gắm vào bà.
- Vậy tôi xin thề với ông theo yêu cầu của ông, nhưng tôi xin nhắc lại một lần nữa là nếu có cần thiết chỉ là vì ông chưa biết tôi.
- Đây là những sự kiện nghiêm trọng nhất, như tôi đã đặt tính mệnh tôi vào trong tay bà, và tôi sẽ hy sinh một nghìn lần đời tôi hơn là để lộ một bí mật như vậy.
- Ông nên nghĩ rằng chúng tôi cũng phải quan tâm trước tiên đến những điều bí mật mà người ta đã giao phó cho chúng tôi, lộ ra một tý là mất hết tín nhiệm, và đã có những trường hợp... Thôi, ông hãy nói đi.
Sau khi đã được yên tâm vì những lời quanh co đó, Xanh Maixen nói:
- Tôi được biết bà là một phụ nữ rất khéo.
- Tôi mong rằng tôi sẽ được như vậy để có thể thiết thực giúp ông.
- Bà đã nghiên cứu rất sâu xa trong nghệ thuật của bà, và công việc của bà đã giúp bà phát hiện được những biện pháp để hiểu đời.
- Về vấn đề ấy chẳng có gì đâu ạ!
- Người ta đã nói với tôi đúng là như thế.
- Vậy là người ta đã đánh lừa ông đấy thôi.
- Không nên chối cãi làm gì, thưa bà. Bà không muốn giúp tôi sao? Xin bà hãy nghe tôi nói đây: Không nên đóng kịch với tôi, tôi biết hết cả rồi. Bà cứ yên tâm, chúng ta sẽ chơi một canh bạc mà bà có một ăn một nghìn. Vả lại, đây là để đền bù vì tôi đã làm phiền bà.
Xanh Maixen đặt một cọc đồng tiền vàng trên mặt bàn, mụ Gôia yếu ớt đáp lại rằng đôi khi mụ cũng có tham gia vào một số mánh lới có tính chất thiên văn học, nhưng không phải là bao giờ cũng thành công, với động cơ duy nhất là đi sâu vào khoa học của mụ.
- Nếu như vậy, bà đã biết được tôi đang ở trong tình trạng nào rồi. Bà cần phải biết rằng tôi bị lôi cuốn bởi một dục vọng xấu xa và mù quáng, tôi đã phụ lòng tin cậy của một ông trưởng giả đã già, tôi đã xúc phạm luật lệ tiếp đón khách, tôi đã cám dỗ con gái ông ngay tại nhà ông. Mọi vấn đề đều đi đến kết quả, cô gái quí tộc mà tôi yêu say đắm ấy đã có mang. Tội lỗi do tôi là thủ phạm ấy mà vỡ lở ra thì cô ấy sẽ chết mất và gia đình mất hết danh dự.
Mụ đỡ đáp:
- Người ta không thể biết gì về một người được nếu không có những câu hỏi đặc biệt.
Và để làm choáng mắt Xanh Maixen, mụ lấy ra một loại hộp ghi toàn những chữ số và ký hiệu lạ lùng. Mụ mở nó ra và sau khi sắp xếp một số hình trong đó mụ thú nhận là hoàn cảnh của Xanh Maixen rất khốn khổ. Để làm cho hắn phải sợ hãi, mụ nói thêm: khốn khổ hơn cả những hoàn cảnh khốn khổ nhất đã đến với mụ nhưng cũng có thể dễ biết và phòng ngừa bằng những cách bói toán mới.
- Thưa bà, Xanh Maixen nói - trên đời này tôi chỉ sợ có một điều, đó là sự mất danh dự của người phụ nữ mà tôi yêu. Có cách gì cứu vãn được khỏi những phiền phức thông thường về sinh đẻ không?
- Tôi cũng không biết có hay không?
- Cô gái đã tìm cách che giấu được cái bụng to và cũng sẽ dễ dàng đối với cô để không bị tai tiếng.
- Cô ta đã liều thân mình và tôi không thỏa thuận nhúng tay vào việc đó, sợ tai tiếng.
- Người ta có thể, ví dụ như đẻ mà không đau không?
- Cái đó thì tôi không được biết và chỉ biết có một số phương pháp mà tôi không dám đem ra dùng vì nó trái với quy luật của thiên nhiên.
- Bà nói dối tôi, bà biết phương pháp đó. Bà đã sử dụng nó với ai tôi có thể nêu tên cho bà hay.
- Ai dám vu khống cho tôi như vậy? Tôi chỉ thực hiện theo những quyết định đã ban hành mà thôi. Người ta muốn các thầy thuốc ném đá vào tôi và đuổi tôi ra khỏi nước Pháp sao?
- Vậy là bà muốn tôi phải chết vì thất vọng sao? Nhân danh Chúa, xin bà đừng giấu giếm mà làm gì, và bảo cho tôi biết làm thế nào để tránh được đau đẻ. Bà còn muốn vàng nữa phải không? Đây, - Hắn đặt thêm mấy đồng Luy vàng lên mặt bàn.
- Hãy khoan đã. Có lẽ có một biện pháp mà có thể do tôi phát minh mà chưa bao giờ dùng đến, nhưng tôi tin là khá hiệu nghiệm.
- Nhưng nếu bà chưa bao giờ dùng đến thì có thể là nguy hiểm và làm hại đến tính mạng của người phụ nữ mà tôi yêu.
- Khi tôi nói rằng không bao giờ, là tôi đã thí nghiệm một lần rồi và rất thành công, ông cứ yên trí.
- À! Vậy thì tôi đội ơn bà quá. Nhưng nếu người ta có thể ngăn ngừa được sự sinh nở và ngay từ bây giờ làm mất những triệu chứng của sự thai nghén thì tốt biết chừng nào.
- Ôi, thưa ông, ông nói như vậy là một tội ác đấy.
Xanh Maixen ôm hai tay vào mặt và thốt lên những tiếng nấc có vẻ như khóc lóc dữ dội lắm.
- Sự thất vọng của ông làm mủi lòng tôi lắm. Nhưng ông nên nghĩ đến một người đàn bà như tôi. Đó là một hình phạt cuối cùng đấy.
- Bà nói đến hình phạt nào? Thế còn bí mật của chúng ta, sự an ninh, lòng tín nhiệm của chúng ta thì sao? Người ta sẽ chỉ đến với bà sau cái chết, sau sự mất danh dự của tất cả những gì mà tôi thân thiết nhất trên đời.
- Vậy thì tôi có thể... nhưng trong trường hợp đó, cần phải đề phòng cho tôi trước tiên là sự quấy nhiễu của pháp luật, sự tịch thu, và phải đảm bảo cho tôi đi ra nước ngoài được dễ dàng.
- Ôi, những cái đó thì bà khỏi lo. Xin gửi bà cả gia sản và tính mạng của tôi.
Và hắn ném cả túi tiền lên bàn.
- Trong trường hợp đó, và chỉ để cứu vớt ông ra khỏi cơn tai biến, tôi đồng ý trao cho ông một thứ thuốc và một số lời chỉ dẫn sẽ làm cho người phụ nữ thoát được gánh nặng. Nhưng cô ta cần phải sử dụng một cách thận trọng và phải thực hiện đúng như lời tôi sẽ dặn ông.
Mụ đi lấy một chiếc lọ con để ở dưới đáy tủ ra rồi nói tiếp:
- “Đây là một thứ nước không bao giờ trượt mục tiêu đã định”.
- Ôi, thưa bà, bà đã cứu danh dự cho chúng tôi, nó còn quí hơn cả tính mạng của chúng tôi. Xin bà cho biết cách dùng và liều lượng.
- Người bệnh phải dùng ngày thứ nhất một thìa, ngày thứ hai hai thìa, ngày thứ ba...
- Tôi không bao giờ nhớ được những thứ ấy đâu, đề nghị viết cho tôi lên cái ví này.
Mụ đỡ do dự một lát, nhưng cái ví ấy lúc mở ra để rơi một tờ ngân phiếu năm trăm Frăng. Xanh Maixen nhặt nó lên đưa cho mụ đỡ rồi nói:
- Nó đã rơi ra rồi, chẳng cho nó vào làm gì nữa, xin bà hãy cầm lấy cho.
Món quà này tuyệt vời quá, mụ đỡ Gôia không còn chút ngại ngùng nào nữa, mụ liền cầm bút viết luôn toàn bộ đơn thuốc lên ví của Xanh Maixen. Hắn bỏ cái lọ vào túi, cầm lấy cái ví, xem lại chắc chắn đơn thuốc có ở trong đó, rồi quay lại phía mụ đỡ nói với nụ cười quỉ quái:
- Thôi này bà bạn ơi! Từ giờ trở đi bà phụ thuộc vào ta rồi nhé.
- Ông muốn nói gì vậy? - Mụ Gôia ngạc nhiên hỏi.
- Tôi muốn nói rằng mụ là một con phù thủy bỉ ổi, một con mụ đầu độc khốn kiếp. Ta muốn nói rằng ta có đủ tang chứng về những tội ác của mụ, rằng mụ muốn làm theo lệnh ta hay muốn bị thiêu sống?
- Xin ông tha thứ cho! Tha thứ cho - Mụ đỡ quì xuống chân Xanh Maixen kêu van.
- Muốn được tha thứ hay không là tùy ở mụ. - Xanh Maixen lạnh lùng đáp.
- Vậy thì tôi phải làm gì? Xin sẵn sàng làm tất cả.
- Bây giờ đến lượt ta, ta nói cho mụ biết những bí mật của ta, chỉ có khác là ta không viết ra giấy.
- Thưa chúa công, xin chúa công cứ nói, ngài sẽ được hài lòng về sự trung thành của tôi.
- Vậy thì bà hãy ngồi xuống và nghe tôi nói đây.
Mụ Gôia đứng lên rồi ngồi phịch xuống một cái ghế. Xanh Maixen nhìn sâu vào cặp mắt mụ đàn bà khốn khổ và nói tiếp:
- Tôi thấy bà đã biết điều rồi đấy. Tù đầy, lửa thiêu, cực hình, hoặc ba lần số vàng mà bà có kia, nghĩa là phong lưu cho cuộc đời còn lại của bà. Cách đây ba mươi dặm có một tòa lâu đài, trong đó có một bà quyền quí đã có mang được mấy tháng rồi. Sự ra đời của đứa bé ấy làm cho ta rất bực mình. Bà sẽ được giao trách nhiệm đỡ đẻ. Tôi sẽ bảo bà phải làm thế nào bà sẽ phải làm như thế. Bây giờ cần thiết phải đi ngay đêm nay. Bà sẽ đi theo tôi. Tôi có hai con ngựa đang chờ cách đây mấy bước. Tôi sẽ đưa bà đến một nơi, bà sẽ ở đó để chờ lệnh tôi. Khi nào cần, sẽ có người đến báo trước cho bà biết. Bà sẽ không thiếu thốn gì, tiền nong tha hồ tiêu.
- Tôi sẵn sàng rồi. - Gôia đáp cụt lủn.
- Bà sẽ tuân theo mọi mệnh lệnh của tôi chứ?
- Tôi xin thề.
- Vậy thì ta đi.
Mười lăm phút sau hai đứa phóng ngựa giữa ban đêm. Mụ Gôia không hiểu người ta dẫn mình đi đâu.
Ba ngày sau Xanh Maixen lại xuất hiện ở lâu đài và thấy gia đình bá tước vẫn như trước, nghĩa là say sưa trong hy vọng và đếm từng ngày từng giờ, chờ đợi ngày bà bá tước Xanhgiêrăng mãn nguyệt khai hoa. Hắn xin lỗi đã ra đi quá vội vã vì có việc cần, người ta gọi. Trong bữa ăn hắn nói chuyện về cuộc hành trình của hắn. Hắn kể lại một sự kiện lạ lùng đồn khắp trong xứ mà chính bản thân hắn được mục kích. Có một bà quí tộc trở dạ đẻ bị đau đớn rất khủng khiếp. Tất cả những thầy thuốc được mời đến đều chịu bó tay, bà đẻ sắp nguy đến nơi. Cuối cùng, trong tuyệt vọng người ta cho gọi đến một bà đỡ đẻ nông dân rất nổi tiếng ở nông thôn, còn các bà cao sang thì chẳng ai vời đến. Bà đỡ ấy đến, rất khiêm tốn và cũng không tự tin ở mình nữa. Nhưng ngay từ những chăm sóc đầu tiên, cơn đau đã chấm dứt như có phép tiên, bệnh nhân thấy dễ chịu một cách kỳ lạ. Cuối cùng cách mấy giờ sau, một em bé đẹp nhất trần gian chào đời. Nhưng sau đó bà đẻ lại lên một cơn sốt kịch liệt như là có Thần chết đang chờ đón ngoài cửa. Thế là người ta lại quyết định đi mời thầy thuốc, mặc dù ông chủ nhà tin tưởng ở bà đỡ hơn. Thầy thuốc đến chỉ làm tình trạng nguy kịch thêm. Cuối cùng người ta lại phải nhờ đến bà đỡ.
Ba tuần sau bệnh nhân trở lại bình thường một cách kỳ lạ. Tiếng tăm của bà đỡ lại nổi lên như sóng cồn. Ở địa phương ấy, Xanh Maixen nói tiếp, hắn đi đến đâu cũng thấy người ta bàn tán đến chuyện đó.
Nghe xong câu chuyện của Xanh Maixen, bá tước bèn kêu lên ông đang cần có một bà đỡ như thế. Sau đó người ta nói sang chuyện khác và chính Xanh Maixen là người đầu tiên lái câu chuyện. Hắn chỉ cần gieo những hạt giống ý đồ của hắn mà không bị ai để ý.
Sau bữa ăn, mọi người đi dạo chơi trong vườn. Bà thống chế không đi được vì tuổi tác. Bà bá tước Xanhgiêrăng và hầu tước Buiê bắc ghế ngồi bên cạnh. Ông bá tước đi đi lại lại cùng với hầu tước Xanh Maixen. Một cách tự nhiên, Xanh Maixen hỏi về tình hình gia đình trong thời gian hắn đi vắng và sức khỏe của bà bá tước, vì sự thai nghén của bà là vấn đề hệ trọng nhất trong nhà. Vậy là câu chuyện lại rơi vào vấn đề ấy. Ông bá tước nói:
- Vừa lúc nãy anh nói chuyện về một bà đỡ có biệt tài, tôi có thể cho người đi mời bà ấy được không?
- Tôi cho rằng không chọn được nơi nào hơn đâu.
- Tôi muốn rằng lát nữa cho đi mời bà ấy đến ngay từ bây giờ phục vụ nhà tôi để bà ta hiểu biết trước được tâm trạng như vậy sẽ tốt hơn. Anh có biết địa chỉ của bà ta không?
- Theo tôi biết thì bà ta ở trong một làng nhưng tôi không biết làng nào.
- Ít ra anh cũng biết tên bà ta chứ?
- Tôi chỉ nhớ mang máng: Luyzơ Boayat hay Poayat gì đó.
- Thế mà anh cũng chẳng nhớ được tên nữa sao?
- Tôi chỉ được trực tiếp nghe người ta kể chuyện thôi.
- Làm sao tìm được bà ta bây giờ?
- Nếu chỉ để làm việc ấy, tôi có một tên đầy tớ quê ở địa phương ấy, hẳn là hắn phải biết. Ông có cần hắn không?
- Có chứ! Và ngay bây giờ.
Ngay tối hôm đó, tên đầy tớ của Xanh Maixen nhận được lệnh của bá tước, nhất là những lời dặn dò của chủ hắn. Hắn phóng ngựa ra đi. Chúng ta cũng biết được là hắn chẳng phải đi xa gì, nhưng cũng ở ngoài chơi ba ngày rồi mới dẫn Luyzơ Gôia đến lâu đài.
Đó là một mụ đàn bà có bề ngoài giản dị và nghiêm khắc làm mọi người tin tưởng. Âm mưu của Xanh Maixen và hầu tước Buiê tiến triển được thuận lợi, nhưng lại xẩy ra một tai nạn suýt làm hỏng bét mọi mưu đồ ám muội, nó tạo ra một nỗi lo sợ nhưng lại có thể dập tắt được một tội ác.
Bà bá tước lúc trở về buồng bị vướng chân vào một mép thảm bị ngã lăn xuống sàn. Tiếng kêu của một người hầu làm náo động cả nhà. Người ta khiêng bà bá tước lên giường, báo động khẩn cấp nhất được ban hành. Nhưng rồi tai nạn đó không có hậu quả gì đáng kể.
Cuối cùng ngày sinh nở đã tới gần. Tất cả đều đã được chuẩn bị từ lâu. Xanh Maixen đã dùng thời gian đó để cổ vũ bà Buiê tránh khỏi mọi lo âu. Hắn cũng lên gặp mụ Gôia luôn để truyền lệnh, nhưng hắn cũng hiểu rằng điều cần thiết phải mua chuộc cho bằng được tên quản gia Bôlia. Tên này cũng đã ăn phải bả của hắn từ năm ngoái rồi với một số tiền lớn và rất nhiều hứa hẹn. Tên bất lương ấy chẳng hề thấy xấu hổ đi vào âm mưu hại chủ nó mà nó đã chịu biết bao ân huệ. Về phía bà Buiê luôn luôn bị Xanh Maixen xúc xiểm, tiếp tục cải hóa mấy cô hầu buồng Kinô đi theo con đường ghê tởm của mình. Như vậy là xung quanh gia đình tuyệt vời ấy, chỉ toàn là phản bội và mưu mô giữa những người mà thường ngày được coi là thân tín. Chúng được bố trí sẵn như vậy và chờ cơ hội.
Ngày 6 tháng 8 năm 1641, bà bá tước Xanhgiêrăng đột nhiên đau đẻ dữ dội trong miếu đường mà bà đang cầu nguyện. Người ta phải đưa bà về buồng riêng trước khi buổi kinh lễ kết thúc.
Những cơn đau kế tiếp nhau mỗi lúc một tăng. Ông bá tước nghe tiếng vợ kêu la mà rớt nước mắt. Rất nhiều người có mặt. Hai cô con gái của bà thống chế với ông thống chế đó, một cô lúc đó mười sáu tuổi lấy quận công Văngtađua, cũng muốn được chứng kiến sự ra đời của em bé là kẻ nối dõi gia tài danh tiếng ấy. Còn có cả bà Xalinh, em gái cố thống chế Xanhgiêrăng.
Thấy cơn đau cứ tăng mãi, người ta cho là vụ sinh nở này khó khăn lắm và bà bá tước đang ở trong một tình trạng tột bực. Người ta vội cho đi sang các giáo khu lân cận để làm lễ cầu an cho mẹ và con.
Mụ đỡ Gôia chăm sóc mọi việc một mình, lấy cớ là như vậy mụ mới được dễ dàng làm mọi người răm rắp tuân theo lệnh mụ. Bà bá tước không nói một câu nào nữa mà chỉ thốt ra những tiếng kêu rên làm nát lòng mọi người.
Bà Buiê làm ra vẻ rất bận rộn, bỗng nhiên bà tuyên bố là mọi người ở đây đông quá chỉ làm trở ngại mọi công việc chăm sóc và làm bà bá tước chỉ khó chịu thêm cho nên mọi người nên giải tán, chỉ ở lại cạnh bệnh nhân những người thật cần thiết, và đề nghị bà cụ thống chế nên làm gương để mọi người noi theo. Người ta nắm lấy cơ hội đó để lôi ông bá tước ra khỏi nơi đau lòng ấy. Mọi người theo cụ bà thống chế ra ngoài. Chỉ còn lại bên giường đẻ: bà Buiê, mụ đỡ Gôia, hai chị em người hầu gái Kinô. Vậy là bà bá tước bị giao phó vào tay những kẻ thù độc ác nhất.
Lúc bấy giờ đã bẩy giờ tối, những cơn đau vẫn tiếp tục. Kinô chỉ giữ tay bà bá tước. Ông bá tước và cụ bà thống chế từng phút một lại cho người vào hỏi thăm đều được trả lời là mọi việc đều tốt lành cả và chẳng bao lâu nữa mong ước của mọi người sẽ được toại nguyện. Rồi người ta cũng cấm không một người đầy tớ nào được vào nữa.
Ba giờ sau mụ đỡ tuyên bố là bà bá tước sẽ không thể chịu đựng được nếu người ta không để bà nghỉ ngơi. Mụ cho bà uống một thứ thuốc nước mà phải dùng thìa đổ vào mồm. Bà bá tước liền lâm vào tình trạng ngủ li bì như chết. Người hầu gái Kinô em có lúc tưởng người ta đã giết chết bà nên ra ngồi khóc ở một xó nhà. Bà Buiê phải ra giải thích.
Trong suốt đêm kinh khủng ấy, có một bóng đen lảng vảng trong các hành lang, lặng lẽ đi qua các phòng, đến tận cửa buồng đẻ, nói nhỏ với mụ đỡ và bà Buiê cố gắng thực hiện. Chính là Xanh Maixen, hắn động viên đồng bọn và trực tiếp tham gia vào mọi sự chuẩn bị cho một tội ác lớn. Mọi việc trong âm mưu của hắn.
Bà bá tước trong cơn hôn mê triền miên đã sinh hạ được một đứa con trai mà không hay biết gì hết. Và như vậy em bé mới ra đời đã rơi vào tay những kẻ thù mà không được mẹ em bảo vệ dù chỉ bằng lời kêu tiếng khóc. Người ta hé mở cửa và đưa vào một người đang chờ đợi: đó là tên quản gia Bôliơ.
Mụ Gôia lấy cớ chăm sóc đầu tiên cho đứa bé và đã đưa nó ra một góc buồng. Bôliơ trông thấy hành động đó vội lao đến giữ tay mụ lại. Con mụ khốn nạn đã bấm sâu ngón tay vào trán đứa bé. Hắn giằng nó ra và từ đó đứa bé mang vết ngón tay của mụ đàn bà độc ác.
Có thể là bà Buiê không tự giải quyết việc để cho tiến hành một tội ác ghê gớm như vậy, nhưng người ta nghĩ ngay rằng tên Bôliơ đã hành động theo lệnh của Xanh Maixen - Người ta phỏng đoán rằng Xanh Maixen không tin hẳn vào lời hứa của bà Buiê sẽ lấy hắn sau cái chết của chồng bà, hắn muốn giữ em bé để buộc bà phải giữ lời hứa, nếu không sẽ đưa em bé ra.
Bôliơ cho quấn tã em bé lại, đặt em vào trong một cái giỏ, giấu nó trong cái áo khoác rộng của hắn, rồi ra tìm Xanh Maixen. Chúng thảo luận với nhau một lúc, sau đó tên quản gia đi qua một cái cửa thấp ra hầm của lâu đài, từ đó đi lên một mô đất cao rồi đi qua một cái cầu, vào một công viên. Công viên này có mười hai cửa, hắn đều có đủ chìa khóa. Hắn lên một con ngựa mà hắn đã chuẩn bị từ trước, giấu sau bức tường và phóng đi.
Cùng ngày hắn đi qua làng Etkêron cách Xanhgiêrăng một dặm. Ở đây hắn dừng lại tại nhà một người vú em vợ người bán găng tay. Người đàn bà này cho em bé bú. Vì Bôliơ không dám ở lại một làng rất gần Xanhgiêrăng, hắn xuống bến đò Lase vượt sông Aliê, vào nhà một người tên là Bucô, bà vợ lại cho em bé bú, sau đó hắn lại tiếp tục đi về phía Ovecnhơ.
Trời rất nóng, trên mình ngựa em bé có vẻ rất khó chịu. Gặp một chiếc xe bò đi về phía Riôm, người đánh xe tên là Pôn Bôitôin, đi xe thường xuyên trên con đường này. Bôliơ liền mặc cả với chủ xe, đặt em bé vào trong xe, hắn cũng ngồi vào trong xe bế em bé trên tay, con ngựa buộc sau xe.
Trong câu chuyện với người đánh xe, Bôliơ nói hắn không chăm sóc đến đứa bé như thế nếu nó không phải là dòng dõi Buốc Bông. Buổi trưa đi tới làng Che, bà chủ ngôi nhà hắn dừng lại đồng ý cho đứa bé bú sữa bà.
Người đánh xe bò đưa tên quản gia đến tận gần Riôm, lúc đó Bôliơ xuống xe và giả vờ hẹn ngày quay về, rồi đi về phía tu viện Lavoan, vào làng Đềcutu ở trong núi, giữa Lavoan và Thie. Bà hầu tước Buiê có một lâu đài ở đó, đôi khi có về qua.
Ở Đềcutu, đứa bé được bà già Gabrien nuôi, bà được trả công trước một tháng, nhưng bà chỉ nuôi có một tuần vì người ta từ chối không nói cho bà biết tên cha mẹ đẻ của đứa bé và địa chỉ để bà gửi tin tức. Người đàn bà ấy loan báo tình hình đó nên không một người vú nuôi nào dám nuôi đứa bé đó. Người ta phải đem nó rời khỏi Đềcutu. Những kẻ mang đứa bé theo con đường cái lớn của Buốcgônhơ, đi qua một địa phương lớn của rừng rú và đến đây người ta mất vết tích chúng.
Bà bá tước mê man đến tận sáng. Bà tỉnh dậy, bại hoại, người đầy máu, nhưng lại thấy dễ chịu vì đã trút được vác nặng. Câu đầu tiên của bà hỏi về đứa con. Bà muốn thấy con, hôn con và hỏi con ở đâu. Mụ đỡ thản nhiên trả lời là bà chưa đẻ, còn các cô hầu thì hổ thẹn quay mặt đi vì câu trả lời vô liêm sỉ ấy. Bà bá tước phải chịu cái ngược đời ấy, nhưng thấy bà không chịu yên một lúc nào, mụ đỡ cố gắng an ủi và bảo đảm với bà là bà sắp sinh đến nơi.
Theo những triệu chứng suốt đêm qua, bà sẽ đẻ con trai. Lời hứa hẹn đó làm yên lòng ông bá tước và cụ bà thống chế, nhưng còn đối với bà bá tước thì không có hiệu nghiệm, bà luôn mồm nói rằng dứt khoát bà đã đẻ rồi.
Buổi sáng hôm đó một cô gái chăn gia súc gặp một người đàn bà đi xuống một hố nước ở lâu đài, tay cắp một cái gói. Cô gái nhận ra là mụ đỡ, cô liền hỏi mụ mang gói gì và đi đâu mà sớm thế. Mụ trả lời chẳng có gì, nhưng cô gái rất tò mò và nửa đùa nửa thật kéo một đầu gói, mụ đã không kịp kháng cự, cô phát hiện thấy một mớ quần áo đầy máu. Cô vội hỏi:
- Vậy là bà chủ đẻ rồi à?
- Chưa! - Mụ đỡ vội vàng đáp - Bà chưa ở cữ đâu.
Cô gái không chịu, cô hỏi tiếp:
- Làm sao lại chưa được? Vì bà hầu tước cũng có mặt ở đây đã nói rằng bà chủ đẻ rồi kia mà.
Mụ đỡ lúng túng đáp:
- Bà ấy chỉ bẻm mép thế thôi.
Sau này lời khai của cô gái ấy là một trong những lời khai quan trọng nhất.
Sự phẫn nộ của bà bá tước làm cho tình hình ngày hôm sau xấu đi. Bà kêu gào, khóc lóc và đòi ít nhất cũng phải cho bà biết con bà ra sao. Bà khẳng định là bà không lầm, bà đã đẻ rồi. Mụ đỡ lạnh lùng nói rằng tuần trăng mới này không hợp với sự sinh nở cho nên phải đợi đến hết tuần mới được dễ dàng, vì các kế hoạch đã được chuẩn bị như vậy.
Mụ Gôila không còn biết làm thế nào để tranh thủ được thời gian nữa, mụ thấy thất bại trước sự khẳng định của bà bá tước Xanhgiêrăng, vì lo sợ quá mụ đi đến quyết định làm hại bà. Mụ báo với bà rằng con bà đã gắng những sức lực đầu tiên để ra chào đời, có thể là em bé đã bị giữ lại trong bụng bởi những hiện tượng mà mụ bịa ra, muốn lôi em bé ra được thì bà phải chịu khó chịu đựng những cử động mạnh. Bà bá tước vẫn khẳng định với cảm giác của bà, bà từ chối lời khuyên ấy. Nhưng ông bá tước và cụ bà thống chế cùng với cả nhà đều khuyên nhủ và van nài. Cuối cùng bà đành chịu.
Người ta đưa bà lên một cỗ xe ngựa đóng kín và chở bà đi suốt một ngày trên những cánh đồng cây và những con đường gồ ghề xấu xí nhất. Bà bị lay động dữ dội đến không thở được nữa. Bà phải có một thể lực cường tráng lắm mới chịu đựng được thứ cực hình ấy đối với một người phụ nữ vừa mới đẻ. Sau cuộc đi chơi khủng khiếp ấy, người ta mang bà vào giường. Thấy không ai tin vào ý kiến của mình, bà phó mặc cho Thượng Đế và tự an ủi bằng những biện pháp của tôn giáo. Để ngăn chặn dòng sữa chảy ra, mụ đỡ đã cho bà uống những liều thuốc mạnh nhất. Bà chịu đựng được tất cả những âm mưu ám hại và rồi cũng dần dần hồi phục.
Thời gian là liều thuốc cho những nỗi đau khổ, thời gian cũng đã dần dần làm dịu bà bá tước, nỗi đau khổ của bà thỉnh thoảng gặp dịp là bùng lên, nhưng rồi cuối cùng cũng tắt ngấm cho đến ngày xẩy ra những sự kiện mà chúng tôi sẽ kể sau đây.
Ở Pari có một ông thầy dạy võ khoe khoang rằng nhờ có người anh em giúp đỡ, ông được vào làm việc trong một gia đình quyền quí, ông đã lấy vợ tên là Mary Pigorô, con gái một kịch sĩ. Cách đây không lâu ông thầy ấy đã mất trong cảnh nghèo nàn để lại hai đứa con cho vợ góa. Trong khu phố ít người biết đến người đàn bà góa Pigorô và không hiểu chị ta sống bằng cách gì. Bỗng nhiên sau vài lần vắng mặt ngắn ngày và sau vài cuộc đến thăm của một người lạ mặt vào buổi tối, người ta thấy chị sống trong cảnh phong lưu hơn, trong nhà có những quần áo quí giá, những tã lót đắt tiền và sau cùng người ta biết chị nuôi một em bé con người khác.
Cũng trong thời gian đó, người ta còn được biết là chị ta có gửi hai nghìn livrơ ở nhà ông chủ cửa hàng thực phẩm trong khu tên là Ragơnê. Cách đây mấy ngày chị Pigorô làm lễ đặt tên thánh cho em bé, chị phải đem đến nhà thờ Xanhgiăng Angghee để khỏi lộ tung tích của em và tìm biện pháp để nêu tên cha mẹ em. Chị tìm được người đào mồ trong giáo khu để làm cha đỡ đầu cho em bé, tên người đó là Pôn Nacmiông, và đặt tên em là Becna.
Mẹ đỡ đầu của em là Jan Sơvaliê, một người đàn bà nghèo trong giáo khu.
Ít lâu sau chị Pigorô đến làng Toocxiănbri thuê một người vú để nuôi em bé. Chị nói với người chồng của vú em tên là Paya rằng em bé là con một nhà quyền quí đã giao cho chị nuôi và nếu có phải đổi tính mạng con của chị, chị cũng không ngần ngại. Người vú ấy không nuôi em bé được lâu vì bị ốm. Chị Pigorô lại đến đưa em bé sang thuê một người đàn bà góa tên là Pêgoanh. Tiền tháng nuôi em đều được trả rất sòng phẳng và em bé được nuôi một cách rất chu đáo. Chị Pigorô lại nói với người đàn bà đó rằng em bé là con một ông lãnh chúa lớn, ai nuôi em bé sau này sẽ được một món tiền lớn. Một người đàn ông đã đứng tuổi thường đến thăm em. Người ta đoán đó là cha em, còn chị Pigorô nói là anh chồng.
Khi em bé được mười tám tháng, chị Pigorô mang em bé về nuôi. Hai đứa con trai của chị, đứa đầu tên là Angtoan, đứa thứ hai tên là Hăngri. Em Hăngri sinh ngày 9 tháng 8 năm 1639, sau khi cha chết được mấy tháng thì em cũng mất. Chị Pigorô liền dùng giấy khai sinh của con thứ hai cho em bé nuôi, thế là chị chôn vùi luôn nguồn gốc của em bé này. Sau đó chị dọn nhà sang ở một giáo khu khác để lẩn tránh mọi tông tích cũ.
Em bé sống dưới tên và danh nghĩa của Hăngri, con thứ hai của Pigorô cho đến năm hai tuổi rưỡi. Đến thời kỳ đó, có thể là chị đã hết hợp đồng nuôi em, hoặc có thể là món tiền hai nghìn livrơ gửi ở nhà ông Pagơnê chủ cửa hàng thực phẩm đã tiêu hết và không nhận được thêm, chị quyết định thôi không nuôi em nữa.
Người ta nói với chị rằng đứa con thứ nhất của chị đã có gia sản của đứa thứ hai bảo đảm, và nếu chỉ giữ được một đứa thì nên giữ đứa thứ hai. Chị trả lời rằng vấn đề không thuộc phạm vi chị quyết định được vì đứa thứ hai có một ông bác, ông chỉ muốn nuôi em. Chị thường nói đến ông bác ấy, anh chồng chị, ông làm quản gia ở một gia đình quyền quí.
Một buổi sáng, một người hầu vào báo với Bôliơ ở lâu đài Xanhgiêrăng là có một phụ nữ bế một em nhỏ đến tìm hắn. Bôliơ quả là anh chồng chị Pigorô. Bây giờ ta cũng đoán được hắn là người lạ mặt đến gửi và thường đến thăm em bé.
Chị Pigorô nói chuyện với hắn rất lâu về tình hình. Bôliơ cảm động bế em bé lên và bảo chị chờ trả lời ở một nơi cách lâu đài mấy bước do hắn chỉ định.
Vợ Bôliơ kêu ầm lên khi chồng đề nghị tăng nhân số trong gia đình, nhưng rồi cuối cùng cũng phải đồng ý khi thấy chồng trình bày những khó khăn của em dâu. Rồi hắn đi tìm các chủ hắn để xin phép được nuôi em bé ấy trong lâu đài, làm như vậy hắn cũng cảm thấy phần nào được nhẹ nhõm gánh nặng đang đè nặng lên lương tâm hắn.
Lúc đầu ông bà bá tước không đồng ý vì thấy hắn đã phải nuôi năm đứa con rồi, nhưng thấy hắn nằn nì tha thiết nên cuối cùng ông bà cũng phải đồng ý. Bà bá tước muốn được thấy em và bà đang định đi đến Mulanh, bà bảo cho em bé ngồi vào xe của các người hầu. Lúc người ta đưa em bé tới, bà reo lên:
- Em bé xinh quá nhỉ!
Tóc em hung, cặp mắt em to và xanh, nét mặt đều đặn. Bà quay lại nói tiếp với Bôliơ:
“Tôi không muốn để em bé lên xe kia nữa mà muốn em ở bên này với tôi”.
Trở về lâu đài Xanhgiêrăng, bà đem lòng yêu mến em bé Hăngri - em vẫn giữ tên đó - Nhiều khi bà buồn rầu nhìn em bé rồi lại hôn em tới tấp và ghì em rất lâu trên ngực bà. Ông bá tước cũng có nhiều cảm tình với em bé cháu của Bôliơ.
Xanh Maixen và bà Buiê vẫn chưa lấy nhau mặc dù ông già hầu tước Buiê chết đã lâu. Hình như hai người bỏ kế hoạch ấy. Bà Buiê thì vì ngại mà chưa dám, còn Xanh Maixen do ưa tự do phóng túng. Người ta cho rằng có những cam kết mới và nhất là có những món tiền lớn bù vào chỗ không giữ lời.
Trong thời gian này Xanh Maixen lại giao du chơi bời, hắn tán tỉnh cô Jăccơlin Đờ Lagác, hắn cũng đạt tới kết quả làm cô gái phải yêu hắn, và hắn dẫn cô tới mức chỉ tự vệ khi cái thai trong bụng cô đã lớn và mọi sự quá khích có thể làm hại nó. Hắn giới thiệu tới cô một mụ đỡ có thể đỡ đẻ không đau và đã có kinh nghiệm thực tế. Cũng cô gái Jăccơlin ấy kể lại rằng Xanh Maixen thường khoe khoang như một âm mưu tài tình là đã bắt đứa con trai một ông tỉnh trưởng và là cháu một thống chế Pháp. Về bà hầu tước Buiê, hắn nói nhờ có hắn mà bà ấy được giầu có. Sau cùng khi đưa cô về chơi một vùng thôn quê đẹp đẽ mà hắn bảo là của hắn, cô khen là một nơi tuyệt đẹp, hắn mỉm cười và trả lời là câu nói đó của cô làm hắn liên tưởng đến tên một người Bôliơ (tiếng Pháp Bôliơ có nghĩa là nơi đẹp. ND) mà hắn đã giúp cho cách kiếm được món tiền lớn: năm trăm nghìn êcu.
Trên xe ngựa chạm trổ về Pari, hắn cũng nói chuyện với một ông tên là Bacbơxăng rằng bá tước Xanhgiêrăng đã sinh được một đứa con trai và đứa con trai đó đang ở trong tay hắn.
Đã từ lâu Xanh Maixen chưa gặp bà Buiê, mối nguy chung làm chúng xích lại gần nhau. Chúng hoảng hốt khi hay tin Hăngri đang có mặt trong lâu đài Xanhgiêrăng. Chúng bàn với nhau về vấn đề đó và Xanh Maixen nhận sẽ làm chấm dứt tình hình ấy. Nhưng hắn chưa dám làm gì tai hại cho em bé, điều đó lúc này cũng rất khó khăn vì hắn đã mất hết lòng tin của ông bà bá tước.
Còn Bôliơ hàng ngày được chứng kiến tình thương của ông bà bá tước đối với Hăngri, hắn đã hàng trăm lần định thú hết sự thực. Hắn bị lương tâm cào xé. Lúc thì hắn nói là hắn nắm trong tay tính mạng và danh dự của bà hầu tước Buiê. Lúc thì hắn nói là ông bà bá tước có đầy đủ lý do để yêu mến Hăngri. Một hôm hắn hỏi một người của nhà thờ về một trường hợp thuộc lương tâm như sau: Một người đã tham gia vào một vụ bắt cóc một đứa con trai nhưng đã đưa lại đứa con đó cho bố mẹ nó mà không cho biết là con đẻ của họ, thế mà lương tâm của người đó vẫn chưa được thỏa mãn là tại sao? Người ta không được biết người nhà thờ đã trả lời như thế nào, nhưng có vẻ tên quản gia ấy không hài lòng. Hắn lại còn trả lời cho một người láng giềng khi người này khen hắn có một đứa cháu được ông bà bá tước rất quí báu, là ông bà còn có thể yêu mến nó vì nó rất gần gũi ông bà.
Những ý kiến ấy đều do những người không có lợi ích gì vào đấy thú nhận được. Một hôm, một người đại lý rượu nước ngoài cho Bôliơ một lọ mẫu để nếm thử, tối hôm đó hắn lên cơn đau bụng dữ dội. Người ta đặt hắn lên giường, hắn quằn quại khiếp đảm. Ý nghĩ độc nhất bao trùm đầu óc hắn mà hắn nhắc đi nhắc lại trong cơn hấp hối là hắn muốn xin lỗi ông bà bá tước về một tổn thất lớn lao mà hắn gây cho ông bà. Những người ở xung quanh hắn trả lời rằng điều đó không có gì là quan trọng, nhưng thấy hắn yêu cầu một cách thảm thiết quá, người ta mới đi báo với ông bà.
Ông bá tước cũng cho chỉ là vài biển thủ lặt vặt, và ông sợ rằng sẽ phải làm cho hắn chết sớm vì xấu hổ lúc thú tội. Ông cho người báo với hắn là ông tha thứ cho hắn rồi, hắn có thể an tâm, và ông không đến thăm hắn. Thế là Bôliơ chết mang theo điều bí mật. Đó là vào năm 1648.
Lúc bấy giờ em bé đã lên bẩy, em càng dễ thương hơn, ông bà bá tước càng dành cho em nhiều tình thương hơn. Ông bà cho em học khiêu vũ và đấu kiếm và may mặc cho em rất tử tế.
Xanh Maixen lại quay các quỷ kế của hắn về phía ấy. Có lẽ hắn cũng đang mưu mô một tội ác không kém gì các tội ác trước, nhưng công lý đã ngăn chặn hắn lại. Một hôm người ta bắt được hắn lúc hắn đang nói chuyện ở ngoài phố với một người hầu ở lâu đài Xanhgiêrăng, người ta dẫn hắn đến ban bảo vệ nhà tu.
Vào thời gian ấy ông bá tước đang đi nghỉ ở vùng nước suối Vysy, bà bá tước và bà hầu tước Buiê cùng đi theo ông. Tình cờ run rủi họ gặp mụ đỡ Gôia trong thành phố đó. Mụ đỡ lại nối quan hệ với gia đình ấy và thường đến thăm Buiê. Một hôm bất thình lình bà bá tước vào buồng bà Buiê, thấy hai người đang nói chuyện nhỏ với nhau, họ lập tức dừng lại và có vẻ lúng túng.
Bà bá tước nhận thấy thế liền hỏi họ nói chuyện về vấn đề gì?
- Không có gì đâu ạ! - Bà Buiê đáp.
- Vậy thì là vấn đề gì? Bà bá tước thấy bà Buiê đỏ mặt liền gặng hỏi.
Bà Buiê thấy không trả lời không được và cảm thấy lúng túng hơn, buộc phải nói:
- Bà Gôia đây ngợi khen anh em vì thấy anh không có vẻ khó chịu đối với bà ấy.
- Tại sao vậy? Bà bá tước hỏi mụ đỡ. Điều gì làm bà sợ nhà tôi khó chịu với bà?
- Tôi e ngại, mụ đỡ vụng về đáp, ông nhà có ấn tượng không tốt đối với tôi khi chúng tôi cho là bà sắp ở cữ.
Thấy câu trả lời tối tăm và thái độ lúng túng của hai người, bà bá tước đâm ra suy nghĩ, nhưng bà cũng cố nén không hỏi gì thêm. Sự xúc động ấy không thoát khỏi bà Buiê. Hôm sau bà sai đóng xe và lên đường về quê nhà riêng ở La Voan. Sự vụng về ấy lại càng làm tăng thêm nghi ngờ.
Quyết định thứ nhất của bà bá tước là cho bắt giữ mụ Gôia. Nhưng bà hiểu rằng một việc nghiêm trọng như vậy cần phải thận trọng. Bà xin ý kiến ông bá tước và cụ bà thống chế. Người ta cho gọi mụ Gôia đến để hỏi một cách đột ngột. Mụ chối cãi và nhiều lần nói ngược lại. Nhưng vẻ hoảng hốt của mụ đủ xác minh tội lỗi của mụ. Người ta giao mụ cho pháp luật. Bá tước Xanhgiêrăng làm đơn kiện lên vị pháp quan ở Mulanh.
Mụ đỡ bị hỏi cung lần thứ nhất, mụ thú nhận là bà bá tước có đẻ thực sự, nhưng đẻ ra một em bé gái và chết ngay, mụ đã chôn dưới một hòn đá bên cạnh nhà kho và sân nuôi gia cầm.
Vị pháp quan cùng đi với một ông thầy thuốc đến tận hiện trường nhưng không tìm thấy hòn đá, không thấy xác hài nhi và cũng không thấy một dấu vết gì. Người ta đào bới cả vùng xung quanh cũng không thấy gì.
Người ta gửi bản báo cáo ấy cho cụ bà thống chế, cụ cho ý kiến cần phải truy tố ngay con mụ đỡ ghê gớm ấy. Viên trung úy đặc biệt thay chân viên trung úy hình sự vắng mặt bắt đầu tiến hành.
Trong cuộc lấy cung lần thứ hai, mụ Gôia khai là bà bá tước không đẻ.
Trong lần thứ ba, mụ khai bà đẻ ra quái thai.
Trong lần thứ tư, mụ khai bà đã đẻ ra một đứa con trai và đã bị Bôliơ bỏ vào trong một cái giỏ mang đi.
Trong lần thứ năm, mụ khai trước vành móng ngựa là đã bị người ta dùng vũ lực buộc mụ phải khai là bà bá tước có đẻ. Mụ không động chạm gì đến bà hầu tước Buiê và Xanh Maixen.
Nhưng mặt khác trong lúc bị giam, mụ cho con trai mụ là Ghilơmanh đến bà Buiê và chỉ bảo là mụ bị bắt. Bà Buiê hiểu sự bắt bớ ấy nên hoảng hốt rụng rời, bà vội vã cử người đến xin ý kiến ông trung tướng cố vấn của bà và là kẻ tử thù của ông bá tước. Ý kiến của ông là phải làm sao chấm dứt được cuộc truy tố và ngừng mọi cuộc thẩm vấn. Bà Buiê rắc vàng ra và làm ngừng được cuộc truy tố.
Bà Buiê lại còn cho người dũng sĩ tùy tùng của mình tên là Foret Tiê đến tận Riôm là nơi ở của hai chị em hầu Kintô, cho hai cô một số tiền lớn để hai cô phải giữ thật kín. Hai cô yêu cầu, muốn được như vậy bà Buiê phải nhận hai cô vào làm việc vì bà hầu tước cũng đã có ý định gọi hai cô về làm ở lâu đài Xanhgiêrăng. Bà Buiê buộc phải nhận hai cô, bà giữ cô em, còn cô chị bà gả cho Đờlit, quản gia của bà.
Còn người dũng sĩ tùy tùng Foret Tiê, sau nhiều lần bị sai đi làm những công việc mờ ám, thấy không muốn phục vụ một người chủ như thế nữa, bèn bỏ đi. Lúc anh ta ra đi, bà Buiê bảo anh: “Nếu anh để tiết lộ một câu gì mà anh biết được ở hai chị em Kinô thì tôi sẽ cho tên quản gia Đờlit kết liễu đời anh! Hàng trăm nhát dao găm sẽ không trượt đâu”.
Vậy là bà Buiê đã củng cố tuyến phòng thủ của mình và cho như thế là đảm bảo không gì có thể tấn công bà được nữa. Nhưng bỗng nhiên xuất hiện một người tên là Becgiê, tráng sĩ và hầu cận của hầu tước Xanh Maixen, được chủ tín nhiệm và đã đến nhà tù thăm chủ. Anh ta loan báo nhiều chi tiết để làm sáng tỏ vấn đề ấy. Chủ anh kể anh nghe đầu đuôi về cuộc sinh đẻ của bá tước Xanhgiêrăng và việc bắt đứa con bà đi.
- Thưa ông. - Becgiê nói với chủ: - Tôi lấy làm lạ rằng ông đã mắc phải biết bao chuyện tối tăm, thế mà ông không an ủi lương tâm ông bằng việc này sao?
- Tôi dự định đem trả đứa con cho bố mẹ nó. Tôi đã thú tội với một ông cha cố và cha đã khuyên tôi nên làm như vậy.
Xanh Maixen thỉnh thoảng được phép ra ngoài, một lần hắn dẫn Becgiê đến xem một em bé bảy tuổi tóc hung mặt trông rất xinh. Hắn nói với anh:
- Anh hãy nhìn kỹ đứa bé này và nhớ lấy nó để thỉnh thoảng tôi cho anh ra lấy tin tức về nó.
Sau đó hắn thú thực với Becgiê đấy là con bá tước Xanhgiêrăng mà hắn đã nói chuyện.
Luật pháp nắm được những tin tức ấy cho là sẽ có những chứng cớ có tính chất quyết định. Nhưng cũng cùng lúc ấy có nhiều đơn tố cáo những tội lỗi khác của Xanh Maixen, đồng thời gửi đến Tòa án tới tấp. Người ta vội cử nhiều viên thanh tra đến ngục, nhưng người cai ngục ngăn họ lại nói rằng Xanh Maixen bị ốm và đang làm lễ rửa tội với một giáo sĩ. Vì họ cứ nằn nì mãi nên những người phụ trách ngục phải đi xuống buồng giam. Vị giáo sĩ đi ra và nói to lên rằng phải đi tìm đến ngay những người mà bệnh nhân yêu cầu gặp để cho họ biết điều bí mật, bệnh nhân đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và thú thật là đã tự đầu độc. Tất cả mọi người xuống buồng giam.
Xanh Maixen quằn quại trên giường đáng làm cho người ta thương tâm. Lúc thì hắn gào lên như con thú dữ, lúc thì lảm nhảm những câu miên man.
Các nhà chức trách nghe thấy những câu nói như sau:
- Thưa ông bá tước... gọi cho tôi... bà bá tước Xanhgiêrăng... họ đến đây ngay...
Các nhà chức trách vội lại gần hắn, gặng hỏi hắn nói cho rõ hơn, nhưng hắn lại mê man đi. Lúc mở mắt ra hắn nói:
- Cho tôi gặp bà bá tước... bà ấy tha lỗi cho tôi... Tôi muốn nói hết với ông bà...
Các nhà chức trách giải thích cho hắn biết hắn có thể nói được. Một người lại còn nói rằng ông bá tước đang có ở đây. Hắn quay lại thều thào:
- Tôi xin nói...
Nói đến đây hắn nấc lên một tiếng và tắt thở. Hình như số phận bắt phải câm đi những cái mồm có thể từ đó thốt lên sự thật. Tuy nhiên sự thú nhận của hắn muốn tiết lộ bí mật với bá tước lúc hắn hấp hối và những lời khai của giáo sĩ rửa tội cho hắn lúc hắn sắp chết, cũng là những lời khai quan trọng.
Phiên tòa thứ nhất tập hợp tất cả các sự kiện mà chúng tôi đã báo cáo ở trên và lập nên một bản cốt yếu được tất cả mọi người công nhận sự thật từ lúc em bé ra đời đến khi em vào làng Đềcutu.
Đi ngược lên nguồn gốc của tội ác, luật pháp không thể không lên án bà hầu tước Buiê. Nhưng vì bà bá tước Xanhgiêrăng không muốn để em chồng phạm tội, vì như vậy chính ông bị mang tiếng nên ông bỏ qua đi. Bà Buiê bị lương tâm cắn rứt trong cảnh cô độc và không xuất hiện nữa. Ít lâu sau bà mất, mang theo gánh nặng trong lương tâm cho đến hơi thở cuối cùng.
Tòa án Mulanh kết tội mũ đỡ Gôia đã bắt mất đứa con mới đẻ của bá tước và lên án treo cổ mụ...
Bản án tiến hành đến đây với đầy đủ bằng chứng cùng với tình thương theo thiên tính đối với em bé Hăngri, làm cho ông bà bá tước Xanh Giêrăng không còn nghi ngờ gì nữa, em bé chính là con đẻ của mình. Lập tức người ta trao trả cho em tước vị và mọi đặc quyền. Người ta gọi em là bá tước Đờ Lapalit...
... Sau khi cha mất, Lapalit trở thành bá tước Đờ Xanh Giêrăng. Năm 1667, chàng thanh niên bá tước Xanh Giêrăng lấy cô Madơlen Đờ Varinhi. Chàng chỉ sinh được một cô gái năm 1668 và sau này cô đi tu. Bá tước Đờ Xanh Giêrăng mất năm năm mươi nhăm tuổi.
Gia đình tiếng tăm ấy tàn lụi đi như vậy.
Ngày 18 tháng 6 năm 1815, vào đúng giờ mà số phận châu Âu đang được quyết định ở trận Waterloo, một người đàn ông ăn mặc như kẻ ăn mày, lặng lẽ đi theo con đường từ Tulông đến Macxây. Đi đến khe núi Oilivules, người đó dừng lại trên một mô đất nhỏ, tại đây ông phát hiện thấy tất cả phong cảnh xung quanh. Do đó trước khi tiến vào con đường hẻm tối tăm và gồ ghề mà người ta gọi là “Cửa nóng” của tỉnh Provence, ông còn muốn được ngắm cảnh tuyệt diệu đang diễn ra ở chân trời phía Nam, ông đến ngồi lên một thảm cỏ bên vệ đường cái. Phía bên kia cánh đồng vàng rực lên bởi những tia nắng cuối cùng là biển cả và trên mặt nước lướt nhẹ một chiếc thuyền nhỏ độc nhất, nó lợi dụng cơn gió mát mở hết hai cánh buồm tiến nhanh về phía biển Ý. Người ăn mày háo hức nhìn theo chiếc thuyền đó cho đến khi nó mất hút giữa mũi Gien và hòn đảo đầu tiên của quần đảo nhỏ Hyères. Rồi, sau khi cái bóng trắng đã biến mất, người đó thốt lên một tiếng thở dài sâu xa, gục trán xuống hai lòng bàn tay và lặng im suy nghĩ cho đến khi bị giật mình vì có tiếng động của một nhóm kỵ mã. Người đó vội ngẩng đầu lên, lắc bộ tóc dài đen và trừng mắt nhìn về lối vào khe núi, phía phát ra tiếng động. Một lát sau thấy có hai kỵ mã đi ra. Hẳn là có quen biết nhau nên vội vàng người đó đứng thẳng người lên, bỏ rơi chiếc gậy cầm tay, khoanh hai tay trước ngực và quay mặt về phía hai người kỵ mã. Hai kỵ mã vừa trông thấy đã dừng ngay lại và người đi trước xuống ngựa, ném dây cương cho bạn, bỏ mũ ra cầm tay và mặc dù còn cách người ăn mày đến năm mươi bước, kính cẩn tiến đến trước mặt người đó. Người ăn mày để yên cho người đó lại gần, vẻ đường hoàng và ủ rũ, rồi lúc chỉ còn cách mấy bước mới lên tiếng:
- Thế nào ông thống chế, đã có tin tức gì chưa?
- Tâu bệ hạ rồi ạ! - Người kỵ mã buồn rầu trả lời.
- Như thế nào?...
- Đúng như tôi muốn không ai khác ngoài tôi được bệ kiến với bệ hạ...
- Vậy là hoàng đế đã từ chối đề nghị của tôi. Người đã quên mất những chiến thắng Aboukir, Eylau và Matxcơva?
- Tâu bệ hạ không đâu ạ! Nhưng người lại nhớ đến hiệp ước Naples, đến cuộc chiếm đóng Reggio và đến việc tuyên chiến với phó vương Ý.
Người ăn mày vỗ tay vào trán đáp:
- Phải, phải. Đối với ông ấy có thể là tôi đáng trách. Nhưng ông ấy cũng cần phải nhớ là ở tôi có hai người, một là người lính mà ông ấy đã biến thành anh em, và hai là người em mà ông ấy đã biến thành ông vua. Phải, là anh em tôi có những khuyết điểm vì sai lầm lớn đối với ông ấy. Nhưng là một ông vua, tôi nói thực, tôi không làm khác được... Tôi cần phải lựa chọn giữa thanh gươm và ngôi báu của tôi, giữa một đạo quân và một dân tộc... Brune này, ông chưa biết vấn đề đã diễn biến như thế nào. Có một hạm đội Anh nổ đại bác trong bến cảng, có một dân tộc Naples hò hét trong các phố. Nếu chỉ có một mình tôi, tôi sẽ đi với một chiếc tàu vào giữa hạm đội, với thanh gươm vào giữa dân chúng. Nhưng tôi còn có một vợ và mấy đứa con. Cuối cùng là ông ấy không cần đến tôi phải không? Ông từ chối tôi - một vị tướng, một sĩ quan, một người lính thường? Vậy còn gì mà tôi cần phải làm?
- Tâu bệ hạ, ngay bây giờ bệ hạ nên rời khỏi nước Pháp.
- Nếu tôi không nghe?
- Lệnh cho tôi là phải bắt giữ ngài và đưa ra một Hội đồng quân sự.
- Điều đó anh sẽ không thi hành, phải không anh bạn già của tôi?
- Tôi sẽ phải vừa thi hành, vừa cầu Chúa đập chết tôi lúc tôi giơ tay ra bắt bệ hạ.
- Brune, tôi nhận ra anh ở điều đó, anh có thể can đảm và trung thực. Người ta không tặng anh một vương quốc, người ta không đặt lên trán anh một vòng lửa mà người ta gọi là mũ miện và làm phát điên lên được. Người ta không đặt anh vào giữa lương tâm và gia đình. Vậy là tôi phải rời bỏ nước Pháp, bắt đầu một cuộc sống lang thang, vĩnh biệt Toulon, là nơi tôi có biết bao kỷ niệm. Không còn cách gì để được ở lại trong xứ sở nước Pháp nữa hả anh Brune?...
- Tâu bệ hạ, bệ hạ làm tôi khổ tâm lắm rồi!
- Đúng thế, ta sẽ không nói đến đây nữa. Tin tức như thế nào nào?
- Hoàng đế đã rời khỏi Pari để tham gia vào quân đội. Giờ này phải là đang chiến đấu...
- Người ta chiến đấu, thế mà tôi lại ở đây. Ôi! Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy còn có ích cho Hoàng đế vào một ngày có chiến trận. Brune, hãy cấp cho tôi một tờ hộ chiếu, tôi sẽ phóng thẳng đến đấy, tôi sẽ tới nơi có quân đội, tôi sẽ làm cho một viên tá nào đó nhận ra tôi, tôi sẽ nói: Hãy giao cho tôi quân đội của anh, tôi sẽ cùng với nó xung phong, và đến buổi tối nếu hoàng đế không chìa tay ra cho tôi, tôi sẽ tự tay bắn vỡ óc mình, xin nói danh dự như vậy... Anh Brune, hãy giúp đề nghị của tôi, và mặc dù kết quả ra sao, tôi sẽ cám ơn anh suốt đời.
- Tâu bệ hạ, tôi không thể...
- Thôi được, ta không nói đến đấy nữa.
- Và bệ hạ sẽ rời khỏi nước Pháp chứ?
- Tôi không biết, anh cứ việc hoàn thành nhiệm vụ của anh. Nếu anh đã gặp tôi, cứ bắt tôi đi. Đó còn là biện pháp làm được vấn đề gì cho tôi...
Và người ăn mày đưa tay ra cho viên thống chế. Thống chế muốn hôn bàn tay ấy, nhưng Murat giang hai tay ra và hai người bạn già ôm chặt lấy nhau, ngực phồng lên những thớ dài, mắt đẫm lệ, sau đó hai người từ biệt nhau. Brune lại lên ngựa. Murat nhặt chiếc gậy và hai người từ biệt nhau, mỗi người đi về một phía, người thì đến Avignon để bị ám sát, người kia đi về Pizzo để bị xử bắn.
Trong thời gian đó, như Richard III, ở Waterloo Napoléon đổi ngai vàng của mình lấy một con ngựa.
Sau cuộc hội kiến mà chúng tôi vừa kể, cựu vương Naples rút về nhà người cháu tên là Bonafoux, trung úy hải quân. Nhưng về đây chỉ là tạm thời, người cháu phải tránh những mối nghi ngờ của nhà chức trách. Vả lại Bonafoux cũng muốn tìm cho chú mình nơi ẩn náu bí mật hơn. Anh ta để ý đến một trạng sư bạn anh mà anh biết rõ lòng trung thành. Tối hôm đó anh đến nhà bạn.
- Marouin này, tôi có vấn đề quan trọng muốn nói với anh.
- Anh cứ nói, anh cũng biết ngoài cha nhận xưng tội, không ai kín đáo hơn chưởng khế, và sau chưởng khế là trạng sư.
- Anh cũng biết là tôi đến đây không phải để rủ anh đi chơi. Có một vấn đề khá quan trọng, một trách nhiệm trọng đại đang đè nặng lên tôi, và trong các bạn thân thiết, tôi đã chọn anh, nghĩ rằng anh đủ tận tình giúp tôi một việc lớn.
- Anh làm vậy rất đúng.
- Tôi xin trình bày cụ thể và nhanh chóng. Ông chú tôi, Joachim - ông vua bị trục xuất đang trốn trong nhà tôi. Nhưng không thể ở đấy được vì tôi là người đầu tiên người ta sẽ tìm đến. Nơi ở của anh cách biệt, do đó rất thuận lợi làm nơi trú ẩn cho chú tôi. Mong anh chấp thuận đề nghị của tôi để cho ông ấy ở cho đến khi nào có những sự kiện cho phép một ông vua có được một quyết định nào đó.
- Anh có thể tin ở tôi.
- Tốt lắm. Ông chú tôi sẽ tới đây ngủ ngay đêm nay.
- Nhưng nên để cho tôi có thời gian dọn dẹp nhà cửa cho xứng là nơi ở của một vị đế vương.
- Anh bạn thân mến ạ! Làm như vậy phí công vô ích. Bắt chúng tôi phải có một cuộc chờ đợi không lành một chút nào. Vua Joachim đã mất thói quen lâu dài và cẩn thận, ngày nay Người rất sung sướng được ở một túp lều tranh và có một người bạn tốt. Vả lại tôi cũng báo cho Người rồi vì đã biết trước câu trả lời của anh. Người đã dự tính sẽ ngủ đêm nay ở nhà anh. Nếu bây giờ tôi thay đổi một chút gì trong dự kiến của Người, Người sẽ cho là một sự từ chối và sẽ mất hết giá trị hành động tốt đẹp của anh. Vậy vấn đề xong xuôi rồi nhé. Mười giờ tối nay ở “Công trường tháng ba”.
Mười giờ tối như đã thỏa thuận, Marouin tới “Công trường tháng ba” ngổn ngang những cỗ pháo trận của thống chế Brune. Lúc ấy chưa có ai đến. Anh đi dạo giữa những chiếc hòm. Một người lính gác tới hỏi anh làm gì ở đây. Câu trả lời khá khó khăn. Không ai đi dạo lúc mười giờ đêm giữa công trường pháo binh. Do đó anh phải đề nghị được gặp vị chỉ huy. Viên sĩ quan đến, Marouin tự giới thiệu là một trạng sư, phụ tá cho ông tỉnh trưởng thành phố Toulon và nói là anh có cuộc hẹn đến đây mà không biết là vấn đề đó bị cấm. Kết quả của sự giải thích đó là viên sĩ quan cho phép anh ở lại và trở về đồn. Còn người lính gác, một cấp dưới trung thành với việc quan sát, cứ tiếp tục đi dạo đều không thắc mắc về sự có mặt của một người lạ.
Mấy phút sau, một tốp nhiều người xuất hiện ở phía Lices. Trời rất tuyệt, trăng sáng vằng vặc. Marouin nhận ra Bonafoux liền tiến đến. Bonafoux nắm lấy tay anh dẫn đến vua và lần lượt nói với mỗi người.
- Tâu bệ hạ, đây là người bạn mà tôi đã nói. Còn anh Marouin, đây là vua Naples, người đã bị trục xuất và phải trốn tránh mà tôi muốn giao cho anh. Tôi không nói đến khả năng một ngày kia Người sẽ trở lại ngôi báu, nó sẽ làm mất giá trị hành động tốt đẹp của anh. Bây giờ đề nghị anh dẫn đường cho Người. Chúng tôi sẽ đi theo phía xa. Ta đi nào.
Vua và trạng sư lập tức bước đi. Murat lúc đó mặc một áo rơđanhgốt màu xanh, nửa dân nửa binh và cài khuy đến tận cổ. Ông mặc một quần trắng và chân đi bốt có đinh thúc ngựa. Ông có bộ tóc dài, ria mép rộng và bộ râu rậm quấn vòng xung quanh cổ. Trên suốt dọc đường đi, ông hỏi chủ nhà về tình hình nơi ông sắp đến ở và khả năng có thể thoát ra trường hợp có báo động.
Nửa đêm, vua và Marouin về đến Bônette. Mười phút sau đoàn tùy tùng tới.
Sau khi đã dùng giải khát xong, nhóm người nhỏ bé ấy, triều thần của ông vua thất bại, rút lui để phân tán vào thành phố và các vùng lân cận. Marouin ở lại một mình cùng với nhóm phụ nữ, chỉ giữ lại có một người hầu phòng tên là Le Blanc.
Murat ở lại gần một tháng trời trong cảnh cô đơn ấy, suốt ngày bận vào việc trả lời những bài báo đã kết tội ông là phản bội hoàng đế. Lời kết tội ấy làm bận tâm ông, là con ma, con quỉ ám ảnh ông. Ngày và đêm ông cố gắng đẩy xa nó ra và tìm mọi lý lẽ trong tình cảnh khó khăn này để giải thích hành động của mình.
Trong khi đó những tin tức thảm hại về cuộc bại trận đã lan rộng. Hoàng đế vừa mới ký lệnh trục xuất, cũng tự trục xuất mình, và đến đợi ở Rochơfort, như Murat ở Toulon, lệnh của kẻ thù sẽ quyết định số phận mình.
Vua Luy XVIII lại lên ngôi, vậy là Murat mất hết hy vọng ở lại nước Pháp, cần phải ra đi. Cháu ông là Bonafoux thuê một con tầu sang châu Mỹ với danh nghĩa là Hoàng thân Rôca Romana. Tất cả tùy tùng đều ra bến và người ta bắt đầu chuyển ra đó những đồ vật quý giá mà người bị trục xuất đã cứu vớt được trong cuộc đắm vương quyền của mình. Trước tiên là túi đựng vàng cân nặng khoảng một trăm livrơ, một cái đốc gươm có khắc hình ảnh vua và hoàng hậu, những giấy tờ hành chính về gia đình. Còn bản thân Murat, ông chỉ giữ trên người chiếc thắt lưng, trong đó giữa những giấy tờ quí, có đính hai mươi kim cương đáng giá tới bốn triệu.
Tất cả chuẩn bị đó đã được quyết định, thỏa thuận với nhau là hôm sau 1 tháng 8 vào lúc năm giờ sáng, tàu sẽ đến tìm vua trong một vịnh nhỏ, cách xa nơi ở mười phút.
Mười phút sau, Murat và ông chủ nhà chờ đợi trên bãi biển làng Bonette, chiếc canô sẽ đến đón để lên tầu. Hai người chờ đợi như vậy mãi đến trưa cũng chẳng thấy canô đâu. Tuy nhiên họ trông thấy ở đường chân trời, con tàu cứu tinh, nó không bỏ được neo vì biển sâu, cứ phải loanh quanh. Tình hình đó dễ gây nghi ngờ cho lính gác trên bờ biển.
Buổi trưa, vua mệt quá và còn bị nắng thiêu, đang nằm xuống cát để nghỉ, có một người hầu mang giải khát đến, bà Marouin lo ngại cứ gửi tiền ra cho chồng. Vua uống một cốc nước đó, ăn một quả cam rồi đứng lên một lát để nhìn trong cảnh bao la của biển cả, có chiếc canô nào đang mong đợi không. Mặt biển hoang vắng, chỉ có mình con tầu cúi mình ở đường chân trời sốt ruột muốn ra đi như một con ngựa đợi chủ.
Vua thốt lên một tiếng thở dài rồi lại nằm xuống cát. Người hầu quay trở về Bonette với lệnh gọi em trai ông chủ ra bãi biển. Mười lăm phút sau người em ra rồi lập tức phi ngựa về Toulon để tìm hiểu xem tại sao Bonafoux lại không cho thuyền đến đón vua. Tới nơi, anh ta thấy nhà Bonafoux tràn đầy những sen đầm. Người ta đang mở một cuộc khám xét nhà mà Murat là mục tiêu. Liên lạc viên lần được tới gần Bonafoux giữa cảnh ồn ào đó và được biết là canô đã được cử đi đúng giờ qui định, có lẽ nó đã bị lạc trong vũng nào đó. Quả đúng thế, lúc năm giờ chiều, liên lạc viên báo cáo tình hình đó với anh và với vua.
Thật là lúng túng. Vua không còn có can đảm để bảo vệ tính mạng mình nữa, ngay cả chạy trốn. Đây là một trong những lúc nản lòng, nó làm cho ngay cả những người mạnh nhất đôi khi cũng không còn ý kiến để tự vệ nữa, đành phó mặc cho ông Marouin muốn làm gì thì làm.
Vừa lúc đó có một người đánh cá đi vào bến, vừa đi vừa hát. Marouin ra hiệu cho anh ta đến, anh tuân theo. Bước đầu Marouin mua hết số cá mà anh ta đã đánh được. Rồi sau khi đã trả tiền xong, Marouin giơ những đồng tiền vàng óng ánh trước mắt người đánh cá rồi điều đình trả anh ta ba đồng Luy nếu anh bằng lòng chở một người ra đến con tầu đang bập bềnh ở ngoài khơi, đường chân trời. Người đánh cá đồng ý. Sự may mắn cứu tinh bất ngờ ấy lập tức đem lại sức lực cho ngài Murat. Ngài vội vàng đứng ngay lên ôm hôn Marouin rồi lao vào trong thuyền, nó rời bờ ngay lập tức.
Thuyền đã ra xa được một quãng, bỗng nhiên thấy vua bảo người chèo thuyền dừng lại và ra hiệu cho Marouin biết mình bỏ quên thứ gì. Quả nhiên trên bờ biển còn có một cái túi đựng hai khẩu súng ngắn tuyệt đẹp do hoàng hậu tặng và Murat rất quí. Tới tầm có thể nghe tiếng nói, ngài cho Marouin biết ngay nguyên nhân phải quay trở lại. Marouin lập tức xách túi lên, và không đợi cho thuyền chạm vào bờ, đã vội ném nó xuống thuyền. Lúc rơi xuống, miệng túi mở ra và một khẩu súng thòi ra ngoài. Đưa mắt nhìn qua, người đánh cá cũng nhận ra khẩu súng đế vương và hắn bắt đầu nghi ngờ, tuy nhiên hắn vẫn tiếp tục chèo về phía tầu.
Trạng sư Marouin thấy thuyền đã ra xa, chào vua lần cuối cùng, để em trai ở lại bờ biển rồi quay trở về nhà để an lòng vợ và cũng để nghỉ ngơi mà trạng sư đang rất cần.
Hai giờ sau trạng sư bị đánh thức dậy bởi một cuộc khám nhà. Nhà trạng sư lại tràn ngập những lính sen đầm. Người ta lùng sục khắp nơi mà không thấy dấu vết của Murat. Vào lúc cuộc lùng tìm đang mãnh liệt nhất, em trai Marouin trở về. Marouin nhìn em mủm mỉm cười vì cho là vua đã được cứu thoát. Nhưng nhìn vẻ mặt em, anh thấy ngay đã có tai biến gì xảy ra. Do đó, ngay lúc đầu tiên được rảnh tay trạng sư lại gần em hỏi:
- Thế nào, vua đã lên tàu rồi chứ?
- Vua đang ở cách đây năm chục bước, trốn trong một túp lều.
- Tại sao Người quay lại?
- Tên đánh cá lấy cớ là trời xấu, đã từ chối không chịu chở đến tầu.
- Thằng khốn nạn.
Những người sen đầm đi vào. Suốt đêm diễn ra cuộc lùng sục không kết quả trong ngôi nhà chính và các nhà phụ. Nhiều lúc sen đầm chỉ đi cách vua có mấy bước và vua có thể nghe thấy những lời đe dọa và nguyền rủa của chúng. Sau cùng, nửa giờ trước lúc trời rạng sáng, bọn chúng rút lui.
Marouin để cho họ đi xa và ngay sau khi chúng đi khuất, trạng sư vội chạy đến nơi vua ẩn nấp. Ông thấy Người nấp trong một cái hốc, mỗi tay lăm lăm một khẩu súng. Người không chống lại được mệt mỏi và đang ngủ gật.
Trạng sư đánh thức Người dậy. Lập tức hai người lại đi ra bãi biển. Sương mù buổi sáng đã bao phủ khắp mặt bể, cách hai trăm bước không trông thấy gì. Họ buộc phải chờ đợi. Con mắt háo hức của vua nhìn sâu vào mỗi thung lũng ẩm ướt trước mặt nhưng chẳng nhìn thấy gì. Tuy nhiên Người vẫn hy vọng nhìn thấy đằng sau bức mành di động kia con tầu cứu tinh. Dần dần chân trời sáng lên. Những làn hơi nước nhẹ trông như khói, còn chạy trên mặt biển, và trong mỗi làn hơi nước, vua lại tưởng như trông thấy cánh buồm trắng của con tầu. Cuối cùng màn sương tan dần và biển xuất hiện với tất cả cảnh mênh mông và hoang vắng của nó. Con tầu không dám đợi chờ lâu, đã đi trong đêm tối.
Vua quay lại phía chủ nhà nói:
- Thôi, số mệnh đã định rồi, tôi sẽ sang Corse vậy.
Cùng ngày hôm đó thống chế Brune bị ám sát ở Avignon. Murat ẩn nấp trong nhà Marouin cho đến 22 tháng 8. Không phải là Napoléon đe dọa Murat nữa mà là Lui XVIII trục xuất Người. Người đã biết vụ tàn sát những người Mamelouk ở Marseille, vụ ám sát Brune ở Avignon. Người đã được trưởng đồn cảnh sát ở Tulon báo cho biết hôm trước đã có lệnh chính thức bắt Người. Vậy là không còn biện pháp nào để ở lại Pháp lâu hơn nữa.
Đảo Corse với những phố mến khách, những ngọn núi hữu tình và những khu rừng rậm không thể vào được ở cách đây năm mươi dặm. Cần phải đến đảo Corse và trong các thành phố, trong đồi núi hoặc trong các khu rừng chờ đợi điều mà các ông vua sẽ quyết định về số phận kẻ mà họ đã gọi là anh em trong bảy năm trời.
Mười giờ tối vua đi ra bãi biển. Con tàu được giao nhiệm vụ mang Người đi chưa đến chỗ hẹn. Nhưng lần này không sợ lỗi hẹn. Ban ngày đã có ba người trung thành đi thăm dò vịnh. Đó là các ngài Blancard, Langlade và Donadieu, cả ba đều là sĩ quan hải quân, những người có đầu óc và trái tim, họ đã ký gửi thân mình để đưa Murat ra đảo Corse và đang thực hiện lời hứa đó.
Vậy là Murat đi ra bãi biển hoang vắng, lòng thảnh thơi. Trong lúc đang suy nghĩ, Người bỗng giật mình và thốt lên một tiếng thở phào. Người vừa nhận thấy trong đêm tối trong trẻo của phương Nam, một cánh buồm trắng đang lướt trên sóng như một con ma. Một lát sau, một giọng hát thủy thủ nổi lên. Murat nhận ra dấu hiệu đã hẹn. Người trả lời bằng việc đốt một kíp đạn, lập tức con thuyền tiến vào bờ, nhưng chỉ dừng lại cách đất chừng chục bước. Hai người đàn ông nhẩy xuống biển và đi vào bờ. Người thứ ba khoác áo măng tô ở lại thuyền và nằm gần bánh lái.
Vua tiến đến đón Blancard và Langlade, cho đến khi thấy chân mình giẫm vào nước mới dừng lại và lên tiếng:
- Chào các bạn dũng cảm của tôi. Thời cơ đến rồi phải không? Gió tốt, biển lặng, ta ra đi luôn chứ?
- Vâng, Langlade đáp, - Tâu bệ hạ vâng? Ta phải ra đi. Tuy nhiên có thể khôn ngoan hơn, ta nên hoãn đến ngày mai.
- Tại sao? - Vua hỏi.
Langlade không trả lời ngay, nhưng quay về phía Tây, ông giơ tay lên và theo tục lệ thủy thủ, ông huýt sáo gọi gió, Vua nói:
- Càng hay, càng có gió chúng ta càng đi nhanh. - Phải, - Langlade đáp: - Chỉ có điều là Chúa mới biết nơi sẽ dẫn ta đến, nếu Người cứ xoay như thế này.
- Tâu bệ hạ, không nên đi hôm nay: - Blancard nói và thống nhất ý kiến với hai bạn.
- Nhưng tại sao? - Tại vì, bệ hạ có nhìn thấy đường đen kia không? Lúc mặt trời lặn, nó còn hơi trông thấy, bây giờ đã phủ một phần chân trời. Chỉ một giờ nữa sẽ không còn một ngôi sao nào trên bầu trời.
- Ông sợ à? Murat hỏi. - Sợ? Langlade đáp: - Và sợ gì? Sợ giông tố? - Ông nhún vai. - Cũng gần như tôi hỏi bệ hạ, bệ hạ có sợ một viên đạn trái phá không?... Nhưng chính tôi đã nói, đó là dành cho bệ hạ. Nhưng đối với những con sói biển như chính tôi, giông tố làm gì được?
- Vậy chúng ta cứ đi: - Murat kêu lên và thốt ra một tiếng thở dài. - Vĩnh biệt Marouin, chỉ có Chúa mới bồi thường được cho bạn những gì bạn đã cung cấp cho tôi. Thưa các ông, tôi xin chấp hành lệnh các ông.
Nghe thấy mấy câu đó, hai người thủy thủ liền nắm lấy hai đùi vua nâng lên vai và đi ra biển. Một lát sau họ đã lên thuyền. Langlade và Blancarde lên sau. Donadieu nắm tay lái, còn hai sĩ quan kia phụ trách buồm. Lập tức như con ngựa thấy đinh thúc vào sườn, con thuyền nhỏ chồm lên.
Một buổi tối, khi Marouin kể lại tôi nghe ở ngay nơi sự kiện đã xảy ra mặc dù đã hai mươi năm, ông còn nhớ được từng chi tiết nhỏ buổi xuống thuyền ban đêm ấy. Từ lúc đó ông bảo đảm với tôi là ông có một linh cảm về một tai họa sẽ xảy ra, nên ông không thể rời bờ biển ngay lúc đó được và đã nhiều lần ông có ý định gọi vua hãy trở lại. Nhưng giống như một người đang mơ ngủ, miệng ông mở ra mà chẳng thốt nên lời.
Còn về những người mạo hiểm ra biển, họ lao vào con đường biển rộng từ Tulon đến Bastin, và đầu tiên vua thấy yên tĩnh chứ không như tiên kiến của các bạn. Gió lẽ ra phải tăng lên thì lại giảm đi dần dần và sau hai giờ khởi hành, con thuyền lắc lư không tiến mà cũng chẳng lùi trên những làn sóng mỗi lúc một thấp xuống.
Murat buồn rầu nhìn tan rã vệt đường phát quang mà con thuyền kéo theo và cũng không hỏi các bạn cùng đi thắc mắc của mình. Người nằm xuống sàn thuyền, trùm áo khoác lên người và nhắm mắt như ngủ. Vua lao vào làn sóng suy nghĩ còn ồn ào và sôi động hơn của biển cả.
Sau đó hai sĩ quan thủy thủ tưởng vua đã ngủ, đến ngồi với nhau cạnh bánh lái và bàn bạc. Dônadieu nói:
- Langlade, ông nhầm đấy! Ông hãy dùng một con thuyền hoặc quá lớn hoặc quá nhỏ không có boong không chống cự được với giông tố, không có chèo không tiến được lúc lặng gió.
- Có Trời chứng giám, tôi có được chọn đâu! Tôi đã buộc phải dùng con thuyền mà tôi gặp và nếu không phải là mùa câu cá thu, đừng hòng có được con thuyền dù là bần tiện này, và dù tôi có vào được bến để tìm kiếm, cũng chẳng thể nào ra được vì kiểm soát gắt gao lắm.
- Ít ra nó cũng được chắc chắn chứ? - Blancard hỏi. - Mẹ kiếp! Ông cũng thừa hiểu ván gỗ và đinh ngâm nước mặn mười năm rồi là thế nào. Trường hợp bình thường, người ta cũng chẳng buồn dùng nó để đi từ Macxây đến lâu đài If. Trong trường hợp này của chúng ta, người ta có thể làm được một vòng thế giới trên một chiếc vỏ hạt dẻ.
- Suỵt - Donadieu nói và hai người lắng tai nghe, có tiếng ì ầm từ phía xa, nhưng rất nhỏ, phải thính tai lắm mới nhận thấy.
- Chúng ta có cách xa các đảo không? - Donadieu vội hỏi.
- Khoảng một dặm.
- Cho quay mũi thuyền vào đấy. - Để làm gì? - Murat nhổm lên hỏi. - Tâu bệ hạ, để nghỉ, nếu chúng ta có thể... - Không, không. - Murat kêu lên: - Tôi sẽ chỉ đặt chân lên Corse mà thôi. Tôi không muốn lại phải rời nước Pháp một lần nữa. Vả lại biển rất lặng. Gió đang trở lại đây này...
- Hạ tất cả buồm xuống. - Donadieu kêu lên. Lập tức Langlade và Blancard lao đi thực hiện. Cánh buồm tuột xuống dọc theo cột và nằm dạt dưới sàn thuyền.
- Các người làm gì thế? - Murat hét lên. - Các người quên mất tôi là vua và tôi ra lệnh...?
- Tâu bệ hạ: - Donadieu nói: - Ở đây còn có một ông Vua mạnh hơn bệ hạ nhiều, đó là Chúa trời. Có một tiếng nói bao trùm lên tiếng nói của bệ hạ, đó là Giông tố... Hãy để chúng tôi cứu bệ hạ, nếu vấn đề có thể được, và xin đừng đòi hỏi gì hơn...
Lúc đó một tia chớp sáng lóe đường chân trời, một tiếng sét gần hơn tiếng trước gầm lên, một làn bọt nhẹ nổi lên trên mặt nước, con thuyền chồm lên như một con thú bị thương.
Murat bắt đầu hiểu nguy cơ đang đến. Thế là Người mỉm cười đứng lên, hất mũ ra đằng sau, lúc lắc bộ tóc dài, hít thở giông tố như hít thở khói.
- Tâu bệ hạ: - Donadieu nói.- Bệ hạ đã từng nhìn thấy nhiều cảnh chiến đấu, nhưng có thể là chưa thấy trận bão nào. Nếu người tò mò muốn biết cảnh tượng đó, xin cứ bám vào cột buồm và quan sát, bởi vì trận này sẽ ra trò đấy.
- Tôi phải làm gì nào? Tôi không giúp gì được các ông sao?
- Không, lúc này thì chưa. Lát nữa bệ hạ sẽ tham gia vào việc tát nước.
Trong lúc vua đang nói chuyện, cơn bão đã tiến triển, nó lao đến thuyền như một con ngựa đua, phì gió và sóng ra đằng mũi, hí ra tiếng sét và làm bắn bọt xuống chân. Donadieu áp người vào bánh lái. Con thuyền chịu nhún như nó hiểu cần thiết phải tức khắc tuân lệnh và hướng đuôi ra hứng gió. Thế là trận gió qua đi, để lại đằng sau nó mặt biển run rẩy và tất cả như lại nghỉ ngơi. Cơn bão lại lấy hơi.
- Thế là chúng ta thanh toán xong trận này phải không? Murat hỏi.
- Chưa đâu ạ! Donadieu đáp. Đó mới chỉ là trận mở màn. Lát nữa chủ lực quân mới tới.
- Thế chúng ta thanh toán xong trận này phải không? Murat hỏi.
- Chưa đâu ạ! Donadieu đáp. Đó mới chỉ là trận mở màn. Lát nữa chủ lực quân mới tới.
- Thế chúng ta không chuẩn bị gì để đón tiếp nó à? Vua vui vẻ hỏi.
- Chuẩn bị gì ạ? - Donadieu hỏi lại. - Chúng ta không còn một tấc vải để gió có thể ngoạm vào, và chừng nào thuyền chưa đầy nước, chúng ta cứ nổi trên mặt nước như một cái nút bấc. Xin bệ hạ hãy thận trọng.
Quả nhiên trận gió thứ hai ập tới nhanh hơn trận đầu, kèm theo mưa và chớp. Donadieu cố gắng vận hành bánh lái như lần trước, nhưng không thể nhanh kịp với trận gió đã ập xuống thuyền. Cột buồm cong xuống như một cây lan, con thuyền hứng phải một đợt sóng...
- Tát nước. Donadieu kêu lên. - Tâu bệ hạ, đây là lúc giúp chúng tôi.
Blancard, Langlade và Murat cầm lấy mũ và bắt đầu tát nước. Tình thế của bốn người này thật là khủng khiếp, phải cực nhọc suốt ba tiếng đồng hồ. Lúc trời hửng sáng gió mới yếu đi. Tuy nhiên biển vẫn động. Vấn đề ăn uống đã bắt đầu thấy cần. Tất cả lương thực đều bị ngấm nước mặn, trừ có rượu còn nguyên vẹn. Vua cầm lấy một chai, tu vài ngụm đầu tiên, rồi đưa sang cho các bạn. Vấn đề cần thiết không cần đến lễ nghi. May sao trong túi Langlade lại còn vài thanh sôcôla, bèn dâng lên vua. Người bèn chia làm bốn phần đều nhau rồi buộc mọi người phải nhận. Øn xong họ hướng về phía đảo Corse tiến tới, nhưng con thuyền bị trận bão vừa rồi tàn phá nặng nề, khó có thể tới được Bastia.
Suốt ngày hôm đó bốn người không tiến được mười dặm. Họ chỉ đi bằng một cánh buồm tam giác nhỏ đằng mũi, không dám giương cánh buồm lớn vì gió thay đổi luôn.
Buổi chiều đáy thuyền bị nước rỉ vào chỗ giữa hai tấm ván ghép. Những khăn mùi xoa tập trung lại đủ để nhét vào lỗ hổng.
Đêm buồn bã và tối tăm lại bao phủ họ một lần nữa. Murat mệt mỏi nằm ngủ. Blancard và Langlade thay chỗ cho Donadieu, và ba người đó như không còn cảm giác với giấc ngủ và mỏi mệt, họ thức canh cho giấc ngủ của vua được yên lành.
Ban đêm, bề ngoài có vẻ yên lặng, tuy nhiên vẫn có tiếng răng rắc thỉnh thoảng nổi lên. Thế là ba người nhìn nhau với vẻ kỳ lạ, rồi họ đưa mắt nhìn vua đang ngủ dưới đáy thuyền, trong chiếc áo khoác thấm nước biển, cũng được say sưa như ngủ trên bãi cát Ai Cập hoặc trong đống tuyết ở nước Nga. Thế là một trong bọn họ đứng lên đi lại mũi thuyền miệng huýt sáo qua kẽ răng một bài ca của tỉnh lẻ... Rồi sau khi đã quan sát bầu trời, biển cả và thuyền, ông quay lại chỗ bạn ngồi xuống và lẩm bẩm:
- Không thể được, trừ khi có phép lạ, chúng ta sẽ không tới nơi được.
Đêm trôi qua trong cảnh tuần hoàn như vậy.
Vào lúc hửng sáng, mọi người trông thấy một cánh buồm. Donadieu reo lên:
- Một con tầu. Một con tầu.
Nghe tiếng kêu, vua thức giấc. Quả nhiên có một chiếc thuyền buồm nhỏ xuất hiện, nó đi từ Corse tới Toulon.
Donadieu lái thuyền vào nó. Blancard giương buồm lên và Langlade chạy về đuôi thuyền, lấy một thứ gọi là con sào, treo chiếc áo khoác của vua lên một đầu và giương cao nó lên. Chẳng bao lâu sau họ thấy thuyền kia cũng lái về phía mình. Mười phút sau, hai thuyền chỉ còn cách nhau dăm chục bước. Thuyền trưởng xuất hiện đằng mũi. Vua gọi ông ta và hứa sẽ tặng một món tiền lớn nếu ông ta bằng lòng đưa bốn người này đến đảo Corse. Viên thuyền trưởng nghe xong lời đề nghị rồi quay lại đoàn tùy tùng khẽ nói câu gì, Donadieu không nghe được nhưng hiểu được qua cử chỉ, cho nên ông lập tức ra lệnh cho Langlade và Blancard phải tránh xa con thuyền buồm ngay. Hai ông này tuân lệnh và vận hành nhanh nhẹn của thủy thủ. Nhưng vua giậm chân hét lên:
- Ông làm gì thế, Donadieu? Ông không thấy là người ta đang tiến đến chúng mình à?
- Vâng, xin thề, tôi có thấy... Tuân lệnh ngay Laglade. Báo động ngay Blancard. Vâng, họ đến chúng ta và có thể là tôi đã nhận thấy thế quá chậm rồi. Thôi được, bây giờ để tôi.
Nói xong ông liền nắm lên cần lái và thực hành một động tác thật nhanh và thật mạnh, làm con thuyền đột ngột thay đổi hướng đi. Một làn sóng khổng lồ do thuyền lớn gây nên mang nó đi như mang một chiếc lá. Thuyền lớn lướt qua đuôi nó chỉ cách vài ba bước chân.
Lúc này vua mới thấy được ý định của thuyền trưởng bèn kêu lên:
- A, đồ phản bội! Đồng thời Người rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra và nhằm vào thuyền buôn bóp cò. Nhưng thuốc súng bị thấm nước nên không nổ. Vua nổi giận và liên tục kêu:
- Húc thuyền. Nó định húc thuyền. - Vâng, vâng, tên khốn kiếp. - Donadieu nói. - Đồ chó má thì đúng hơn. Nó tưởng chúng ta là cướp biển và muốn đánh đắm chúng ta như thể chúng ta cần đến nó làm việc đó.
Quả thật lúc nhìn vào thuyền mình, mọi người nhận thấy nó đang bắt đầu thấm nước. Lúc Donadieu mạo hiểm cứu thuyền, ông đã làm nó bị tổn thương nặng và nước đang chảy vào qua nhiều kẽ nứt. Lại phải dùng mũ tát nước ra. Việc làm này ròng rã mười giờ liền.
Cuối cùng Donadieu lại nghe thấy lần nữa hai tiếng kêu cứu tinh.
- Có thuyền. Có thuyền.
Vua và hai người bạn lập tức ngừng công việc. Người ta lại giương buồm lên, lại hướng mũi thuyền vào con tầu đang đi tới. Và người ta thôi không quan tâm đến nước nữa, không người chống đỡ, nó tràn vào thuyền rất nhanh.
Bây giờ chỉ còn vấn đề thời gian, phút, giây, có thế thôi. Cần phải đến được tầu kia trước khi thuyền chìm. Về phía con tầu, hình như hiểu được tình trạng tuyệt vọng của những người đang cầu cứu, nó lướt tới với tốc độ tối đa.
Đầu tiên Langlade nhận ra nó. Đó là chiếc tầu lớn của chính phủ làm nhiệm vụ chuyển thư giữa Toulon và Bastia. Viên thuyền trưởng là bạn của Langlade, ông lên tiếng gọi bằng tên với giọng nói mạnh mẽ của kẻ đang hấp hối, và người ta nghe được. Vừa kịp thời gian. Nước vẫn cứ tuôn vào. Vua và ba người đã có nước đến đầu gối. Chiếc thuyền run lên như kẻ sắp chết thở hắt ra. Nó không tiến lên được nữa và bắt đầu xoay quanh. Vào lúc đó, hai hoặc ba chiếc dây từ trên tầu ném xuống rơi vào trong thuyền. Vua nắm lấy một sợi leo lên và nắm được dây thang. Người được cứu thoát, Blancard và Langlade cũng làm được như vậy. Donadieu ở lại cuối cùng như thể đó là nhiệm vụ của mình, và vào lúc ông đặt được một chân lên dây thang, chân kia ông cảm thấy con thuyền chìm xuống. Ông quay lại với vẻ bình tĩnh của người thủy thủ và trông thấy vực thẳm há hốc cái mồm rộng phía dưới ông, lập tức con thuyền bị nuốt chửng, xoay quanh rồi biến mất. Chỉ năm giây thôi. Bốn người lúc này đã được cứu sống, nếu không sẽ vĩnh viễn biến mất(2).
Murat vừa lên đến boong tàu, đã có một người đến phủ phục dưới chân, đó là một người Mamelouk mà trước đây ông đã đưa từ Ai Cập về, và từ khi lấy vợ ở Castellamare đã ở lại Marseille để kinh doanh. Tại đó, do phép thần kỳ, anh đã thoát được cảnh tàn sát các người anh em. Mặc dù Murat đã cải trang và đang còn mệt mỏi, anh cũng nhận ra chủ cũ. Những tiếng hò reo vui vẻ của anh. Vua không còn giữ được bí mật nữa, thế là nghị sĩ Casabianca, thuyền trưởng Oletta, một người cháu của Hoàng thân Bacioochi, một người tên là Boerto, bản thân họ cũng chạy trốn khỏi cảnh tàn sát ở miền Nam, cũng có mặt trên tàu, họ chào Murat với danh hiệu hoàng thượng và tổ chức thành một triều đình nhỏ trên tàu. Sự chuyển hóa rất đột ngột, người ta tiến hành một cuộc thay đổi rất nhanh, không còn là Murat kẻ bị trục xuất nữa, mà là Jaochim Đệ nhất, vua Naples. Tuy nhiên vua vẫn còn chưa biết người ta sẽ đón chào mình ở Corse như thế nào, nên lấy tên là bá tước Campb Melle, và dưới tên đó, ngày 25 tháng 8 ông đổ bộ lên Bastia. Nhưng sự thận trọng đó không cần thiết. Ba ngày sau khi ông tới, không ai không biết sự hiện diện của ông ở tỉnh đó. Lập tức có những cuộc tụ tập, những tiếng hô “Joachim muôn năm!” vang dậy và vua sợ là rối loạn sự yên tĩnh công cộng, ngay buổi tối hôm đó ông ra khỏi thành phố cùng với ba người bạn và người Mamelouk. Hai giờ sau ông đi vào Viscovato qua cửa của tướng Franchescetti là người đã phục vụ ông suốt thời gian ông trị vì, và cũng đã rời Naples cùng thời với ông và tới Corse ở với vợ tại nhà bố vợ Colona Cicaldi.
Tướng Franchescetti đang ăn bữa tối, bỗng có người vào báo có khách lạ muốn gặp. Ông đi ra và thấy Murat choàng kín trong chiếc áo choàng lính, đầu đội chiếc mũ thủy thủ, chân đi ghệt và giầy lính. Viên tướng dừng lại ngạc nhiên. Murat nhìn trừng trừng vào ông và khoanh hai tay lại nói:
- Franchescetti, bàn ăn có còn thừa chỗ cho vị tướng của ông đang bị đói đây không? Dưới mái nhà ông có còn chỗ trú chân cho vua của ông đã bị trục xuất không?
Franchescetti reo lên một tiếng ngạc nhiên, chỉ biết trả lời bằng phủ phục xuống chân và hôn tay vị khách quí. Từ đó ngôi nhà của viên tướng dành cho Murat.
Tiếng đồn vua đến vừa mới lan ra trong các vùng xung quanh, người ta đã thấy kéo đến Viscovato, những sĩ quan các cấp, những cựu chiến binh đã chiến đấu thời Murat, những dân săn bắn Corse mà tính chất mạo hiểm của Người quyến rũ họ. Ít ngày sau nhà của viên tướng biến thành cung điện, làng biến thành hoàng cung và đảo thành vương quốc.
Nhiều tiếng đồn kỳ lạ về ý định của Murat: Một đạo quân chín trăm người góp phần làm ông vững vàng. Chính lúc đó Blancard, Langlade và Donadieu từ giã ông. Murat muốn giữ họ lại, nhưng họ tận tâm cứu tính mạng ông vua bị trục xuất, chứ không để gây dựng cơ đồ cho ông.
Chúng tôi đã nói, Murat gặp trên tầu bưu chính của Bastin một trong những người Mamelouk cũ tên là Othello và đã theo ông đến Viscovato. Cựu vua Naples nghĩ đến việc dùng người đó làm viên chức cho mình. Nhưng mối quan hệ gia đình thường gọi anh ta về Castellamare. Murat lệnh cho anh trở về đây và giao nhiệm vụ mang thư tín về cho những người mà ông tin ở lòng tận tâm với mình. Othello ra đi, sung sướng tới được nhà bố vợ, tưởng có thể nói với ông được hết. Nhưng ông bố vợ hốt hoảng vội đi báo cho cảnh sát. Một cuộc khám xét nhà Othello ban đêm và giữ hết thư tín.
Hôm sau tất cả những người có tên trên địa chỉ gửi thư đều bị bắt và nhận được lệnh phải trả lời cho Murat như thể họ vẫn được tự do và ấn định với Murat: lấy Salerne làm nơi đổ bộ thích hợp nhất.
Năm người trên bẩy hèn nhát tuân lệnh, còn hai người kia là những anh em Tây Ban Nha kiên quyết từ chối, họ liền bị ném vào ngục tối.
Ngày 17 tháng 9, Murat từ giã Viscovato, cùng với tướng Franchescetti và nhiều sĩ quan tùy tùng người Corse, ông lên đường đi Ajaccio qua Cotone, qua những ngọn núi của Serra, Bosco, Venaco Vivaro, những đường hẻm của khu rừng Vezzanovo và Bogognone. Tới đâu ông cũng được đón tiếp linh đình như một ông vua thực sự. Tới cửa các thành phố, ông tiếp nhiều đại biểu, các vị tung hô ông, cổ vũ ông với nghi thức đế vương. Cuối cùng, ngày 23 tháng 9, ông đến Ajaccio. Toàn thể dân chúng đón chờ ông bên ngoài những bức tường. Cuộc nhập thành của ông là một đại thắng. Ông được đưa đến tận quán trọ đã được các đội chỉ định trước. Murat kiêu hãnh tiến vào quán trọ, ông đưa tay ra cho Franchescetti và nói:
- Hãy nhìn vào cách mà những người Corse đón tiếp tôi, những người Naples chắc cũng sẽ như vậy.
Đó là câu đầu tiên Murat để lộ ra kế hoạch sắp tới của mình. Và từ ngày đó ông ra lệnh chuẩn bị tốt và chu đáo cho chuyến ra đi của mình.
Người ta tập trung mười tầu buồm nhỏ, một người ở Malte tên là Barbara, cựu sĩ quan hải quân Naples được chỉ định làm chỉ huy trưởng phái đoàn. Hai trăm năm mươi người đăng ký và được mời sẵn sàng ra đi khi nào có dấu hiệu đầu tiên.
Murat chỉ còn đợi trả lời cho những bức thư mà Othello đã mang đi. Chúng đến vào ngày 28, Murat mời tất cả các sĩ quan tới dự một buổi tiễn lớn, trả tiền gấp đôi và khẩu phần gấp đôi cho khách ăn.
Murat đang ngồi ăn tráng miệng, bỗng người nhà vào báo có ông Maceroni tới. Đó là một phái viên của những cường quốc nước ngoài mang đến cho Murat câu trả lời mà ông đã chờ đợi từ lâu ở Toulon. Murat đứng lên, vào buồng bên cạnh. Maceroni tự giới thiệu có nhiệm vụ chính thức trao cho vua tờ tối hậu thư của vua Áo, nội dung như sau:
“Ông Maceroni được phép của những người hiện diện, báo trước cho Joachim biết là Hoàng đế Áo đồng ý cho ông được cư trú trong quốc gia Áo với những điều kiện sau đây:
“1- Vua phải có một biệt hiệu riêng. Hoàng hậu đã chọn tên là Lipano. Người ta đề nghị vua cũng lấy tên đó.
“2- Vua sẽ được phép chọn một thành phố ở Bohême, ở Moravie hoặc ở Thượng Áo để quyết định nơi ở. Ông cũng có thể không gặp trở ngại khi đến ở một nông thôn cũng trong tỉnh ấy.
“3- Vua phải hứa danh dự với hoàng đế là sẽ không bao giờ rời bỏ nước Áo mà không có sự thỏa thuận của hoàng đế và sẽ sống cách biệt một cách đặc biệt nhưng phải tuân theo những luật pháp hiện hành ở vương quốc Áo.
“Với lòng tin tưởng và được sử dụng thích đáng, người ký tên sau đây đã nhận được lệnh của hoàng đế ký vào bản này.
“Ký tên: Hoàng thân Metternich”.
Đọc xong Murat mỉm cười và ra hiệu cho Maceroni đi theo mình lên sân thượng, ở đây có tầm nhìn bao quát khắp thành phố, và có một lá cờ bay phấp phới như một hoàng cung. Từ trên đó người ta có thể nhìn được khắp Ajaccio tưng bừng đầy ánh sáng, nhìn thấy bến tàu trong đó đang đung đưa một hạm đội nhỏ, và những phố phường đông đúc như một ngày hội. Vừa nhìn thấy Murat, công chúng đã hô to: “Joachim muôn năm!”, “Người anh em của Napoléon muôn năm!” Murat chào lại và những tiếng hô lại tăng lên gấp đôi và ban quân nhạc dâng lên những bài quốc ca.
Maceroni không biết có nên tin vào tai và mắt mình không? Tới khi vua đã hể hả về vẻ ngạc nhiên của viên sứ thần, mới mời ông ta xuống phòng khách. Bộ tham mưu mặc binh phục đã tập trung. Người ta tưởng như là ở Caserte hoặc ở Capôdiminie, những thành phố của nước Áo.
Cuối cùng, sau một hồi lưỡng lự, Maceroni lại gần Murat nói:
- Tâu bệ hạ, tôi phải trả lời hoàng đế của tôi như thế nào ạ?
- Thưa ông, ông sẽ kể với người anh Francois của tôi những gì ông đã trông thấy và nghe thấy. Thế rồi ông cũng sẽ nói thêm rằng tôi đi ngay đêm nay để thu hồi vương quốc Naples của tôi.
Những bức thư quyết định Murat rời Corse được mang tới bởi một người ở tỉnh Calabre tên là Luidgi, đến trình diện với Murat dưới danh nghĩa là một phái viên của người Ả Rập Othello. Thật ra ông này đã bị tống vào ngục như chúng tôi đã nói. Những bức thư trả lời này, do ông bộ trưởng cảnh sát ở Naples viết, ấn định cho Joachim bến cảng thành phố Salerne là nơi đổ bộ thích hợp nhất. Tại đấy, vua Ferdinand(3) đã tập trung ba nghìn quân đội Áo, vì không dám tin tưởng vào quân đội Naples là những người còn giữ được những kỷ niệm tốt đẹp về Murat.
Vậy là hạm đội nhỏ của Murat hướng về vịnh Salerne tiến quân. Nhưng khi vừa nhìn thấy đảo Captée, một cơn bão mạnh đã đẩy quân đội đến tận Paola, một bến cảng nhỏ cách Cosenca mười dặm.
Vậy là đêm mùng 5 rạng ngày mùng 6 tháng mười những con thuyền đi vào một vũng nhỏ không xứng đáng gọi là cảng, Murat để tránh mọi nghi ngờ cho những quân lính gác bờ biển, đã ra lệnh tắt hết lửa và đi vắt gió cho đến sáng. Nhưng vào khoảng một giờ đêm, một cơn gió mạnh từ đất liền nổi lên đẩy lùi hạm đội ra khơi, đến nỗi tảng sáng ngày 6, con thuyền vua ngự chỉ còn có một mình.
Sáng hôm đó Murat liên lạc được với thuyền của thuyền trưởng Cicconi, và hai thuyền bỏ neo vào khoảng bốn giờ chiều tại nơi trông thấy Santo-Lucido. Buổi tối, vua ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng Ottaviani lên bờ để thám thính tình hình. Luidgi tình nguyện đi theo, Murat đồng ý.
Ottaviani cùng với người hướng dẫn lên bờ, còn thuyền trưởng Cicconi cùng với thuyền của ông lại ra khơi với nhiệm vụ tìm các thuyền kia.
Vào khoảng mười một giờ đêm, viên sĩ quan trực ban của tầu Murat trông thấy ở giữa các làn sóng có người đang bơi tiến về thuyền mình. Lúc đến tầm nghe, viên sĩ quan hô lên và được người bơi trả lời; đó là Luidgi. Lập tức người ta thả canô xuống. Hắn kể là tiểu đoàn trưởng Otraviani đã bị bắt và hắn đã phải nhẩy xuống biển mới thoát thân. Hành động đầu tiên của Murat là đi cứu Otraviani, nhưng Luidgi ngăn lại và cho biết như thế là nguy hiểm và vô ích. Murat bồn chồn và bất định đến hai giờ sáng. Cuối cùng ông ra lệnh lại ra khơi. Trong lúc đang vận hành để chấp hành mệnh lệnh đó, một thủy thủ rơi xuống biển và biến mất trước khi có đủ thì giờ để cứu anh ta. Tất nhiên đó là triệu chứng xấu.
Trong lúc còn đang bàn bạc cách tiến hành, một chiếc canô tới áp vào thuyền của Murat. Trên canô có thuyền trưởng Pernice và một sĩ quan tùy tùng. Họ đến xin phép vua được lên thuyền của vua, họ không muốn ở lại thuyền của Courrand, vì theo họ là phản bội. Murat liền phái Pernice đi tìm thuyền đó. Và mặc dù những cam kết trung thành, vua cũng bắt anh ta cùng với năm mươi người khác xuống một chiếc xà lúp và ra lệnh buộc thuyền vào xà lúp dắt về. Lệnh được thực hành ngay, xà lúp đi dọc theo bờ biển Calabre. Nhưng lúc mười giờ đêm, tới vịnh Xanh Euphémie, thuyền trưởng Courrand cắt dây buộc thuyền ông ta kéo theo xà lúp và dùng bơi chèo rời khỏi hạm đội.
Lúc được tin đó, vẫn mặc nguyên quần áo nằm trên giường, Murat lập tức nhẩy xuống và lao lên boong và đến kịp để còn trông thấy chiếc xà lúp chạy trốn về phía đảo Corse rồi biến vào trong đêm tối. Ông đứng lặng im, không giận không kêu, chỉ thở dài và gục đầu xuống.
Tướng Franchescetti lợi dụng lúc nản lòng đó để khuyên vua không nên đổ bộ ở Calabres và nên đi thẳng đến Trieste yêu cầu được cư trú theo như hoàng đế Áo đã thỏa thuận. Vua đang ở một trong những tình trạng cực kỳ chán nản, lúc đầu ông còn phản kháng nhưng rồi cũng phải chấp thuận. Lúc đó viên tướng trông thấy có một thủy thủ nằm trong những cuộn dây có thể nghe thấy được, liền ngừng lại và chỉ tay cho Murat biết. Vua liền chạy đến xem và nhận ra là Luidgi, hắn mệt quá nên nằm ngủ trên boong. Vua yên tâm vì cho là hắn ngủ thật, vả lại cũng tin tưởng vào hắn. Thế là cuộc nói chuyện đã bị đứt quãng lại được tiếp tục. Kết cục thỏa thuận với nhau là sẽ vượt qua eo Essine và mũi Spartiveno, đi vào vịnh Adriatique. Sau đó vua và viên tướng đi xuống khoang dưới.
Hôm sau ngày 8 tháng 10, Barbara hỏi Joachim cần phải làm gì, Joachim ra lệnh tiến đến Messine. Barbara trả lời sẵn sàng tuân lệnh, nhưng cần phải có nước và lương thực, vì thế ông đề nghị được sang thuyền của Cicconi để vào bờ mua lương thực. Vua đồng ý, Barbara liền hỏi những tờ hộ chiếu do các cường quốc đồng minh cấp, mục đích là để làm cho những nhà chức trách địa phương khỏi nghi ngờ. Những giấy tờ đó rất quan trọng, khó mà Murat rời chúng được. Cũng có thể là vua có chút nghi ngờ nào chăng, vì thế ông từ chối. Barbara cố nài. Murat ra lệnh cho ông ta lên bờ không cần giấy tờ. Barbara dứt khoát từ chối. Vua quen được mọi người tuân lệnh, liền giơ roi lên định đánh người Malte đó. Nhưng rồi ông lại thay đổi ngay, ông ra lệnh cho binh sĩ chuẩn bị vũ khí, cho sĩ quan mặc quân phục đại lễ, bản thân vua cũng làm gương. Cuộc đổ bộ được quyết định và Pizzo phải là vịnh Juan của Napoléon mới. Các chiếc thuyền tiến vào đất liền. Vua xuống một xà lúp với hai mươi tám lính và ba đầy tớ, trong số đó có Luidgi. Đến gần bờ, tướng Franchescetti định đổ bộ nhưng Murat ngăn ông lại và nói:
- Phải là tôi xuống đầu tiên.
Và vua tiến lên bờ. Ông mặc một bộ đồ cấp tướng, quần trắng với đôi giầy ống đi ngựa, một thắt lưng trong đó có giắt hai khẩu súng ngắn, một mũ thêu vàng với phù hiệu đính mười bốn viên kim cương. Cuối cùng ông đeo dưới cánh tay lá cờ hiệu. Đồng hồ ở Pizzo điểm mười tiếng.
Murat lập tức cùng đoàn tùy tùng đi về phía thành phố cách xa đấy chừng một trăm bước trên con đường lát đá tảng như những bậc thang. Hôm đó là ngày chủ nhật. Người ta sắp bắt đầu buổi lễ nhà thờ, tất cả dân chúng đều tập trung trong công viên lúc ông đi tới. Không ai biết ông cả và ai nấy đều kinh ngạc nhìn ông tướng bóng lộn ấy. Lúc ông trông thấy trong đám dân chúng một viên đội cũ trước kia đã phục vụ dưới quyền ông ở Naples, ông đi thẳng đến người đó, đặt tay lên vai rồi nói:
- Tavella, anh không nhận ra tôi à? - Thấy anh ngơ ngác không trả lời, ông nói tiếp - Tôi là Joachim Murat vua của anh. Tôi muốn anh có vinh dự được là người đầu tiên hô: “Joachim muôn năm!”.
Đoàn tùy tùng đi theo Murat lập tức hô vang. Nhưng Tavella im lặng, các bạn anh cũng vậy, chẳng một ai nhắc lại câu mà chính bản thân vua đã ra hiệu. Trái lại tiếng ồn ào nổi lên trong đám đông. Murat hiểu là sự rung động của cơn giông tố, bèn quay lại bảo Tavella.
- Này Tavella, nếu anh không muốn hô “Joachim muôn năm”, ít ra cũng đi kiếm cho tôi con ngựa, và từ đội như anh hiện nay, tôi sẽ đưa anh lên quan ba đại úy.
Tavella đi không trả lời, nhưng đáng lẽ chấp hành lệnh mà anh ta đã nhận được, anh lại về nhà mà không xuất hiện nữa. Trong khi đó, công chúng cứ tập trung đông mãi lên và không có một dấu hiệu hữu nghị nào tỏ ra với Murat như ông mong đợi. Ông cảm thấy ông sẽ thất bại nếu không có một giải pháp thật nhanh, ông liền kêu lên: “Đến Montelone!” và ông là người đầu tiên lao lên con đường dẫn đến thành phố ấy. Những tùy tùng và binh lính của ông cũng làm theo ông “Đến Montelone!”. Đám đông lặng lẽ giãn ra để họ đi.
Nhưng ông vừa rời khỏi công viên thì bùng lên một sự náo động. Một người tên là Georges Pellegrino trong nhà ra mang theo một khẩu súng, chạy qua công viên, vừa chạy vừa kêu: “Báo động, báo động!”. Anh ta biết là đại uý Tranta Capelli, chỉ huy quân sen đầm ở Cozenca, lúc này đang có ở Pizzo, anh đi báo cho ông ấy biết.
Tiếng kêu “Báo động” có nhiều tiếng vang trong công chúng hơn tiếng “Hoan hô Joachim!”. Tất cả mỗi người dân ở Calabre đều có một khẩu súng, mỗi người đều chạy đi kiếm cho mình, và lúc Tranta Capelli và Pellegrino quay trở lại công viên, họ thấy đã có tới gần hai trăm người vũ trang. Họ liền cầm đầu bọn đó và lao lên đuổi theo vua. Mười phút sau họ đuổi kịp, ở nơi mà ngày nay là cái cầu. Murat trông thấy bọn họ tới liền dừng lại đợi.
Tranta Capelli, tay cầm gươm, tiến đến trước mặt vua. Vua nói:
- Thưa ông, ông có muốn đổi cầu vai đại úy của ông lấy cầu vai tướng không? Ông chỉ việc hô “Joachim muôn năm!” và cùng với những người dũng cảm kia theo tôi đến Montelone.
- Thưa ngài - Tranta Capelli trả lời, - chúng tôi là những bầy tôi trung thành của vua Ferdinand và chúng tôi đến để chiến đấu chống ngài chứ không phải để cùng đi với ngài. Vậy xin ngài hàng đi nếu không muốn phải đổ nhiều máu.
Murat nhìn viên đại úy sen đầm với một vẻ không thể hàng được, rồi chẳng thèm trả lời, giơ tay ra hiệu cho ông ta bước đi, còn tay kia sờ vào báng một khẩu súng của mình. Georges Pellegrino nhìn thấy thế liền hô.
- Đại uý, nằm xuống. Nằm xuống!
Tranta Capelli nghe lời, lập tức một viên đạn bay qua đầu anh ta và sượt qua bộ tóc của Murat.
- Bắn. - Franchescetti ra lệnh.
- Vứt súng đi.- Murat hô và tay phải phất chiếc khăn mùi xoa và bước lên một bước để tiến về phía những người đối địch. Nhưng cùng lúc đó một loạt súng nổ vang, một sĩ quan và hai ba người lính ngã xuống. Trong trường hợp như vậy, máu đã đổ không thể ngừng được nữa. Murat biết được sự thật tàn nhẫn ấy. Do đó ông phải có một quyết định nhanh và dứt khoát. Ông có trước mặt ông năm trăm người vũ trang, và sau lưng ông là một vực sâu cao ba mươi piê (khoảng ngót mười mét.ND); ông liền lao từ trên tảng đá thẳng đứng và rơi xuống mặt cát, ông dậy được ngay và không bị thương. Tướng Franchescetti và người phục vụ cũng nhẩy được như vua, và cả ba đều tiến nhanh ra bể, đi qua một cánh rừng nhỏ, nó trải ra đến cách bờ biển một trăm bước và che lấp được một lát mắt kẻ thù. Ra khỏi cánh rừng, một loạt đạn nữa đón tiếp họ, những viên đạt rít xung quanh nhưng không ai bị trúng, và ba người tiếp tục chạy ra bãi biển.
Chỉ đến lúc đó vua mới nhận thấy chiếc canô đã đưa họ vào bờ không còn đây nữa. Ba chiếc thuyền trong hạm đội của họ, không ở lại để bảo vệ vua lên thuyền, đã căng buồm chạy ra khơi. Barbara đã không những mang đi tài sản của vua mà còn cả tính mạng và hy vọng. Không ngờ có sự phản bội như vậy. Do đó vua coi việc bỏ rơi đó chỉ là một sự thao diễn bình thường. Trông thấy một thuyền đánh cá kéo để trên bờ, vua kêu gọi hai người bạn: “Cho thuyền xuống biển”.
Cả ba người bắt tay vào đẩy nó xuống mặt nước. Bọn kẻ thù của họ không ai dám nhảy từ trên tảng đá xuống để đuổi theo họ nên buộc phải chạy một đường vòng và mất một số thời gian để họ tự do. Nhưng chẳng bao lâu sau những tiếng kêu lại nổi lên, cả một đám đông lính, đi đầu là Georges Pellegrino và Tranta Capelli xuất hiện.
Cách 150 bước chỗ Murat, Franchescetti và Campana đang dùng hết sức đểđẩy thuyền ra bể. Những tiếng kêu đó lập tức được kèm theo một loạt tiếng súng nổ. Campana ngã xuống, nhưng lúc đó thuyền đã xuống nước.
Tướng Franchescetti nhảy được vào trong thuyền. Murat cũng muốn như thế, nhưng những chiếc đinh thúc ngựa đã mắc vào những chiếc lưới đánh cá phơi ở thành thuyền. Mất đà, vua ngã xuống, mặt úp xuống biển, chân để trên bờ. Trước khi ông có thì giờ đứng lên, dân chúng đã xô vào ông. Chỉ một thoáng người ta đã giật hết những cầu vai, lá cờ và quần áo của ông và có thể là xé cả xác ông ra nếu như Pellegrino và Capelli không can họ lại.
Thế là Murat là tù binh đi qua công viên mà trước đây một giờ ông là ông vua. Những người dẫn ông đưa ông đến pháo đài và đẩy ông vào nhà tù công cộng. Tại đây ông thấy mình ở giữa những tên ăn trộm và giết người. Chúng không biết ông là ai, tưởng cũng là đồng bọn tội lỗi, đón tiếp ông bằng những tiếng la ó và chửi rủa.
Mười lăm phút sau, cánh cửa buồng giam mở ra, thiếu tá Mattei bước vào thấy Murat đứng, hai tay khoanh trước ngực, đầu nghểnh cao kiêu ngạo. Có một vẻ gì vĩ đại khó hiểu toát lên từ con người cởi trần, mặt mũi nhem nhuốc bùn và máu. Thiếu tá cúi mình trước Murat.
- Thiếu tá! - Murat nói và nhận ra cấp bậc ở cầu vai. - Ông hãy nhìn xung quanh ông xem đây có phải là nhà tù để giam một ông vua không?
Thế là một điều kỳ cục xẩy ra. Những tù nhân tội lỗi đã tưởng Murat cũng như mình, đã đón tiếp ông với những tiếng la ó và chửi rủa, bỗng nhiên cúi rạp người trước vị đế vương ấy mà Pellegrino và Capelli chẳng chút kính trọng, họ lặng lẽ rút lui vào trong các xó xỉnh của hầm ngục. Nỗi bất hạnh lại vừa mới tặng cho Joachim một lễ đăng quang mới.
Thiếu tá Mattei lẩm bẩm lời xin lỗi và mời Murat đi theo vào trong một buồng vừa mới chuẩn bị cho ông. Nhưng trước khi đi ra, Murat móc trong túi ra một nắm vàng và để rơi như mưa xuống sàn ngục, ông quay lại nói với các tù nhân:
- Đây, để người ta khỏi nói là các anh đã đón tiếp một ông vua, mặc dù bị bắt và bị truất ngôi, mà không được hưởng ân lộc gì?
- Joachim muôn năm! - Các tù nhân hô.
Murat mỉm cười chua chát. Những lời tung hô đó, cùng với số lượng như thế này, nếu đã được vang lên trước đây một giờ ở công viên đã đủ để tôn ông lên làm vua Naples.
Murat đi theo thiếu tá Mattei vào một căn phòng nhỏ trước đây là của người gác cổng đã nhượng lại cho vua. Mattei sắp sửa rút lui thì Murat gọi lại:
- Ông thiếu tá, tôi muốn được tắm nước thơm.
- Thưa bệ hạ, vấn đề ấy rất khó khăn.
- Đây là năm mươi đồng ducat, bảo người ta mua cho tôi tất cả số nước hoa Côlônhơ mà người ta gặp. À, mà còn bảo những người thợ may đến đây nữa.
- Ở đây không thể tìm được những người có khả năng làm được gì khác ngoài quần áo dân thường.
- Vậy bảo người ta đến Montelone, dẫn tất cả những ai người ta có thể tập trung được.
Thiếu tá cúi đầu và đi ra.
Murat đang tắm thì người ta báo có hiệp sĩ Alcala - tướng quân của hoàng thân Infantado, thống đốc thành phố đến thăm. Ngài cho mang những tấm chăn gấm, những chăn trải giường và những ghế bành đến. Murat cũng hơi thấy xúc động về sự quan tâm đó.
Ngày hôm đó, vào quãng hai giờ trưa, tướng Nunziante từ Sainttropen đến với ba nghìn người. Murat thấy vui sướng được gặp lại bạn cũ, nhưng với câu nói đầu tiên ông cũng nhận thấy mình đứng trước một quan tòa. Sự có mặt của ông ta có mục đích không phải là cuộc đến thăm bình thường mà là để chính thức lấy khẩu cung. Murat trả lời là ông từ đảo Corse đến Trieste theo như tờ hộ chiếu của hoàng đế Áo cấp thì bị bão và thiếu lương thực nên buộc phải vào Pizzo. Với tất cả những câu hỏi khác, Murat đều ngoan cố không trả lời. Cuối cùng, mệt vì bị hỏi quá nhiều, Murat nói:
- Ông đại tướng, yêu cầu ông đưa quần áo cho tôi để tôi thôi không tắm nữa.
Viên tướng hiểu là không còn được trả lời gì thêm nữa liền chào vua ra về. Mười phút sau Murat nhận được toàn bộ đồng phục, ông liền mặc vào và yêu cầu giấy bút, viết cho tướng chỉ huy quân đội Áo ở Naples, cho sứ thần Anh và cho vợ ông để báo cho họ biết cuộc giam giữ ông ở Pizzo. Viết xong ông đứng lên, đi dạo trong buồng một cách kích động. Sau đó thấy cần không khí, ông mở cửa sổ. Quang cảnh diễn ra là bãi biển ngay nơi ông bị bắt.
Có hai người đàn ông đang đào một cái lỗ trong cát, Murat nhìn họ một cách vô tình. Khi hai người đó xong việc, họ đi vào trong căn nhà và sau đó khiêng ra một xác chết. Vua cố nhớ lại và ông thấy hình như giữa cảnh ghê gớm ấy có một người ngã xuống bên cạnh ông, nhưng ông không biết là ai. Xác chết hoàn toàn trần truồng, nhưng bộ tóc dài đen, hình dáng trẻ trung làm vua nhớ lại là Campana. Đó là một sĩ quan tùy tùng mà ông ưa nhất. Cảnh tượng đó, nhìn vào lúc hoàng hôn, nhìn từ một cửa sổ nhà tù, cuộc chôn cất đó trong cô tịch, trên bãi biển kia, trong cát, làm Murat cảm động sâu sắc mà tình cảnh không may của ông cũng không bằng. Những giọt nước mắt trào ra và lặng lẽ chảy xuống gò má sư tử của ông. Vào lúc đó, tướng Nunziante bước vào buồng giam, ngạc nhiên thấy bộ mặt Murat đẫm nước mắt, hai tay giơ ra. Murat nghe thấy tiếng động quay lại, thấy vẻ ngạc nhiên của người lính già, ông nói:
- Thưa tướng quân, vâng, vâng, tôi khóc. Tôi khóc trên xác người thanh niên hai mươi bốn tuổi kia mà gia đình anh ta đã phó thác cho tôi, và tôi đã gây ra cái chết cho nó. Tôi khóc cho cái tương lai bất hạnh, phong phú và sáng lạn vừa mới tắt đi trong một cái hố không ai biết đến, trên một mảnh đất thù và trên một bãi biển hung ác. Ôi, Campana? Campana! Nếu như tôi trở lại ngôi báu, tôi sẽ xây cho anh một nấm mồ đế vương.
Viên tướng đã cho chuẩn bị một bữa ăn tối trong buồng bên cạnh, Murat đi theo ông ta, ngồi vào bàn nhưng không thể nào ăn được. Cảnh tượng mà ông vừa chứng kiến làm tan nát lòng ông, thế mà con người đó đã từng đi qua mà không chau mày những trận địa Aboukir, Eylau và Matxcơva.
Sau bữa ăn, Murat về buồng trao cho tướng Nunziante những bức thư mà ông đã viết và đề nghị để ông được ở một mình. Viên tướng đi ra.
Buổi sáng ngày mùng 9, những người thợ may mà Murat yêu cầu đã đến. Ông đặt cho họ nhiều bộ quần áo và chịu khó giải thích cho họ những chi tiết về những thói ngông xa hoa của mình. Ông đang bận làm việc đó thì tướng Nunziante bước vào. Ông buồn rầu lắng nghe những chỉ thị của vua, ông vừa nhận được những công văn điện tín lệnh cho ông xét xử vua Naples như một kẻ thù của quần chúng qua một hội đồng quân sự. Nhưng tướng Nunziante thấy vua đang rất tin tưởng, rất bình tĩnh và hầu như vui vẻ thế kia làm sao ông có can đảm báo cho ông ta biết tin phải mang ra xét xử. Ông tự nhủ phải hoãn việc mở hội đồng quân sự cho đến khi nào nhận được mệnh lệnh viết tay. Nó đến vào buổi tối ngày 13, cụ thể như sau:
“Naples 9 tháng mười 1815 “Ferdinand, nhờ ơn sáng của Chúa, v.v... hạ lệnh như sau:
“Điều 1. Tướng Murat sẽ bị đưa ra trước một Hội đồng quân sự mà các thành viên sẽ được Bộ Chiến tranh chỉ định.
“Điều 2. Sẽ chỉ chấp nhận cho tội phạm nửa giờ để nhận sự cứu giúp của tôn giáo.
“Ký tên: Ferdinand”.
Hội đồng họp trong đêm ngày 13 tháng mười vào sáu giờ sáng. Đại uý Stratti đành đi ra. Nhưng lúc ra đến cửa thì vấp phải chiếc ghế làm vua tỉnh dậy.
- Đại úy cần gì tôi thế? - Murat hỏi.
Stratti muốn nói, nhưng nói không nên lời. Murat hỏi tiếp:
- Chắc là ông vừa nhận được tin tức từ Naples phải không?
- Vâng, tâu bệ hạ - Stratti thều thào.
- Tin gì thế?
- Đưa bệ hạ ra xét xử.
- Đề nghị cho biết ai sẽ xét xử? Tìm đâu ra những vị Đại thần để xét xử tôi? Nếu người ta coi tôi như một ông vua, phải tập hợp một tòa án các vị vua. Nếu người ta coi tôi như một thống chế Pháp, cần phải có một tòa án các vị Thống chế. Nếu người ta coi tôi như một viên tướng, đó là điều tối thiểu người ta có thể tiến hành và phải có một bồi thẩm đoàn các tướng lĩnh.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ bị tuyên bố là kẻ thù của dân tộc. Và như vậy, bệ hạ có thể bị đưa ra một hội đồng quân sự. Đó là luật mà chính bệ hạ đã đề ra để chống lại những kẻ phản nghịch.
- Luật đó đề ra để cho những bọn kẻ cướp chứ không phải để cho những cái đầu có vương miện, thưa ông - Murat nói một cách khinh miệt - Thôi được, tôi sẵn sàng để cho người ta ám sát. Tôi không thể ngờ vua Ferdinand lại có thể có một hành động như vậy. Để tôi có thể thừa nhận được những vị tòa mà người ta đã chỉ định cho tôi, tôi phải xé không biết bao nhiêu trang lịch sử. Một tòa án như vậy không có thẩm quyền và tôi lấy làm xấu hổ phải ra trước tòa án đó. Tôi biết là tôi không thể cứu vãn được tính mạng tôi, nhưng ít ra cũng để tôi cứu được phẩm cách đế vương.
Lúc đó thiếu úy Francesco Freio bước vào để hỏi tên tuổi và quốc tịch tù nhân. Nghe thấy những câu hỏi đó, Murat đứng lên với một sự khiếp đảm:
- Tôi là Joachim Napoléon, vua của Hai-Siciles(4). Tôi lệnh cho anh bước khỏi nơi đây.
Thế rồi Murat mặc quần và hỏi Stratte có thể viết những lời vĩnh biệt cho vợ và con không. Stratte không nói được nữa mà chỉ biết gật đầu. Lập tức Joachim ngồi vào bàn và viết thư sau đây(5):
“Caroline thân yêu của anh.
“Giờ định mệnh đã đến. Anh sắp chết, hình phạt cuối cùng. Trong một giờ nữa em sẽ mất chồng, các con mất cha. Hãy nhớ đến anh và đừng bao giờ quên kỷ niệm về anh.
“Anh vô tội, và cuộc đời anh đã mất do một tòa án bất công.
“Vĩnh biệt Achille của cha, Lactitia của cha, vĩnh biệt Lucien của cha, vĩnh biệt Louise của cha!
“Hãy tỏ ra xứng đáng với cha. Cha để cho mẹ và các con ở lại trên một mảnh đất và một vương quốc thù địch. Hãy tỏ ra hơn hẳn kẻ thù và đừng có tưởng mình đang là gì mà phải nhớ mình đã là gì.
“Vĩnh biệt em và các con. Hãy nhớ rằng nỗi đau khổ lớn nhất mà cha phải chịu đựng trong hình phạt là phải chết xa vợ, xa các con và không có người bạn thân nào bên cạnh để vuốt mắt cho mình.
“Vĩnh biệt Caroline của anh. Vĩnh biệt các con. Hãy nhận lời chúc lành của cha, những giọt nước mắt yêu thương và những cái hôn cuối cùng.
“Vĩnh biệt. Vĩnh biệt. Đừng quên người cha tội nghiệp.
“Pizzo 15 tháng 10 năm 1815.
“Joachim Murat”
Thế rồi ông cắt một nắm tóc của mình bỏ vào phong bì. Lúc đó tướng Nunziante bước vào. Murat ra đón và giơ tay cho ông:
- Thưa tướng quân, ông là cha, ông là chồng. Một ngày nào đó ông sẽ biết thế nào là vĩnh biệt vợ và các con. Xin ông hãy thề với tôi là bức thư này sẽ được giao đến nơi.
- Xin thề danh dự. Viên tướng nói và chùi mắt.
- Thôi nào, hãy can đảm lên tướng quân. Chúng ta là những người lính, chúng ta biết thế nào là cái chết. Chỉ xin ông một đặc ân riêng: hãy để cho tôi chỉ huy cuộc hành hình tôi. Được chứ?
Viên tướng gật đầu ra hiệu đề nghị cuối cùng này của Murat sẽ được chấp thuận. Lúc đó một liên lạc viên bước vào với bản phán quyết trong tay. Murat đoán biết nội dung, liền bảo liên lạc viên:
- Đề nghị anh đọc to lên, tôi xin nghe.
Liên lạc viên tuân lệnh. Murat đã không lầm: chỉ trừ có một phiếu, toàn thể đồng thanh tội tử hình.
Nghe đọc bản phán quyết xong, vua quay lại Nunziante nói:
- Tướng quân, hãy tin tưởng rằng tôi tách bỏ trong tư tưởng tôi công cụ giáng vào tôi do bàn tay của kẻ đã điều khiển nó. Tôi không ngờ rằng Ferdinand lại đem bắn tôi như bắn một con chó, hắn không lùi bước trước sự ô nhục ấy. Ta không nói đến đấy nữa. Tôi đã không thừa nhận các quan tòa, chỉ thừa nhận các đao phủ của tôi. Ông định mấy giờ hành quyết tôi?
- Xin bệ hạ định lấy.
Murat rút trong túi ra chiếc đồng hồ trong đó có chân dung vợ ông. Tình cờ bức chân dung đó quay về phía ông chứ không phải mặt đồng hồ. Ông nhìn nó một cách âu yếm rồi giơ nó ra cho tướng Nunziante xem và nói:
- Đây là chân dung hoàng hậu, ông cũng đã biết. Giống lắm có phải không?
Tướng Nunziante quay đầu đi. Murat thốt lên một tiếng thở dài và bỏ đồng hồ vào túi. Liên lạc viên lên tiếng nhắc:
- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho biết Người định lúc mấy giờ.
- Ừ nhỉ - Murat mỉm cười nói. - Nhìn thấy chân dung vợ tôi, tôi đã quên mất tôi lấy đồng hồ ra để làm gì. Vậy thì - ông nhìn lại đồng hồ một lần nữa, lần này vào mặt đồng hồ - Vậy thì, sẽ vào lúc bốn giờ nếu ông đồng ý. Bây giờ hơn ba giờ rồi. Tôi chỉ yêu cầu ông có năm mươi phút nữa, có nhiều quá không?
Liên lạc viên nghiêng mình và lui ra. Tướng Nunziante cũng muốn ra theo.
- Nunziante, - Murat nói. - Tôi có còn gặp tướng quân nữa không?
- Lệnh cho tôi là phải chứng kiến cuộc hành quyết bệ hạ, nhưng tôi không đủ lực.
- Thôi được, thôi được, tướng quân ạ! Tôi miễn cho ông khỏi phải ở đây vào lúc cuối cùng, nhưng tôi muốn được vĩnh biệt ông một lần nữa và ôm hôn ông.
- Tôi sẽ gặp bệ hạ trên đường đi.
- Cám ơn. Bây giờ xin để tôi một mình.
- Tâu bệ hạ, ngoài kia có hai giáo sĩ, bệ hạ có tiếp không ạ?
- Có, đưa họ vào đây.
Viên tướng đi ra. Một lát sau hai giáo sĩ xuất hiện ở ngưỡng cửa, một người tên là Francescô Pellegrino và một tên là Antonio Masdes.
- Các ông muốn làm gì ở đây? Murat hỏi.
- Muốn hỏi bệ hạ, bệ hạ có muốn chết như người đạo giáo không?
- Tôi sẽ chết theo như người lính. Hãy để tôi yên.
Francescô Pallegrino rút lui, còn Antonio Masdes ở lại trên ngưỡng cửa.
- Ông không nghe thấy tôi nói à?
- Có chứ ạ! Ông già đáp. Nhưng xin phép bệ hạ cho tôi được cho rằng đấy không phải là câu nói cuối cùng của bệ hạ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp bệ hạ và cầu xin bệ hạ, tôi đã có dịp được gặp Người và cầu xin Người một ân hụê.
- Gì thế?
- Khi Người đến Pizzo vào năm 1810, tôi đã xin Người hai mươi nhăm ngàn Frăng để xây dựng nhà thờ của chúng tôi. Bệ hạ đã gửi cho tôi bốn mươi nghìn.
- Bởi vì tôi thấy trước là tôi sẽ được chôn ở đấy, - Murat mỉm cười nói.
- Vậy thì, tâu bệ hạ, tôi tin rằng Người sẽ không từ chối lời thỉnh cầu thứ hai của tôi cũng như trước kia Người không từ chối lời thỉnh cầu thứ nhất. Tâu bệ hạ, tôi xin quì xuống đất để thỉnh cầu bệ hạ.
Ông già quì xuống chân Murat và nói tiếp:
“Hãy chết như một giáo dân”.
- Điều đó sẽ làm ông sung sướng sao?
- Tâu bệ hạ, tôi xin dâng số ít ngày còn lại của đời tôi để cầu xin đức Chúa trời sẽ tới thăm bệ hạ vào giờ phút cuối cùng của bệ hạ.
- Nếu vậy, - Murat nói. - hãy nghe lời thú tội của tôi. Tôi kết tội tôi hồi còn bé đã không vâng lời cha mẹ. Từ đó, từ khi tôi trở thành người, tôi chẳng có gì khác để mà tự trách mình.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ có ban cho tôi tờ chứng chỉ là bệ hạ sẽ chết theo đạo Cơ đốc không?
- Tất nhiên.
Murat nói và cầm bút viết: “Tôi, Joachim Murat, tôi chết theo đạo Cơ đốc, tin tưởng nhà thờ Tôn giáo và Giáo hội La Mã”, và ông ký tên rồi nói tiếp:
- Thưa cha, bây giờ nếu cha còn muốn có một yêu cầu thứ ba nữa, xin nói nhanh lên, vì trong nửa giờ nữa sẽ không kịp. Lúc này đồng hồ của lâu đài đã điểm ba rưỡi.
Giáo sĩ ra hiệu không còn gì nữa. Murat nói tiếp:
“Vậy hãy để tôi một mình”. Ông già đi ra. Murat dạo những bước dài trong buồng, rồi ông ngồi xuống giường, hai tay ôm lấy đầu. Có lẽ trong mười lăm phút còn lại của đời mình, ông mải mê suy nghĩ, ông nhìn thấy lướt qua trước mặt ông toàn bộ cuộc đời mình, từ quán trọ mà ông đã đi ra đến lâu đài mà ông đã vào; hẳn là cuộc đời phiêu lưu của ông đang diễn ra, giống như một giấc mộng vàng, như một câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”, như một chiếc cầu vồng mà hai đầu chìm trong đám mây lúc ông sinh và lúc ông chết. Sau cùng ông tỉnh lại và ngẩng trán lên, mặt tái xanh nhưng bình tĩnh. Thế rồi ông lại gần cái gương, chải lại mớ tóc. Là vị hôn phu của cái chết, ông làm đẹp vì nó.
Bốn giờ điểm.
Murat tự mình ra mở cửa. Tướng Nunziante đang đứng đợi ông. Ông nói:
- Cảm ơn tướng quân, ông đã giữ lời hứa với tôi. Hãy hôn tôi, nếu ông muốn, sau đó ông rút lui.
Viên tướng lao mình vào hai cánh tay vua rồi khóc và không nói nên lời.
- Hãy can đảm lên, - Murat nói. - Ông thấy tôi đang rất bình tĩnh.
Chính sự bình tĩnh đó đã bẻ gẫy lòng can đảm của viên tướng. Ông ta lao ra khỏi hành lang, ra khỏi lâu đài và chạy như một người mất trí.
Thế rồi vua bước ra sân, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc hành quyết. Chín lính và một viên đội đã xếp thành hàng gần cửa ra vào của Hội đồng. Trước mặt họ là một bức tường cao mười hai piê. Ba bước trước bức tường đó là một chiếc bục chỉ có một bậc. Murat lên đứng trên bục đó, nó làm ông cao hơn những người lính một piê. Ông giở đồng hồ ra, hôn chân dung vợ, và cặp mắt vẫn nhìn vào vợ, ông chỉ huy cuộc hành trình. Đến tiếng ông hô: “Bắn!” năm trong chín người bắn, Murat vẫn đứng nguyên tại chỗ. Những người lính đã xấu hổ phải bắn vào vua của mình, họ đã nhằm lên trời qua đầu ông.
Có lẽ đó là lúc biểu hiện một cách tuyệt diệu lòng can đảm của một con sư tử, đó là đức tính đặc biệt của Murat. Không một nét mặt thay đổi, không một bắp thịt nào trong người ông yếu đi, ông chỉ nhìn những người lính với một vẻ biết ơn chua chát. Ông nói:
- Cám ơn các bạn. Nhưng vì sớm hay muộn các bạn cũng sẽ buộc phải nhằm trúng đích. Vậy xin đừng kéo dài cảnh hấp hối của tôi. Tất cả những gì tôi yêu cầu các bạn là nhằm trúng tim và tha cho bộ mặt. Chúng ta bắt đầu lại.
Và cũng với giọng ấy, cũng bình tĩnh như vậy, với cùng bộ mặt, ông nhắc lại từng câu trước sau, không chậm chạp, không vội vã, như thể ông chỉ huy một chiến dịch đơn giản. Nhưng lần này, may mắn hơn lần trước, đến câu “bắn” ông ngã xuống vì trúng tám viên đạn, không một cử động, không một tiếng thở, không rời bỏ chiếc đồng hồ cầm trong lòng bàn tay trái(6).
Những người lính nhặt xác ông lên, đặt nằm trên giường mà mười phút trước đây ông còn ngồi và một đại úy gác ở cửa.
Buổi tối có một người đàn ông đến xin vào buồng người chết, lính gác từ chối. Nhưng người đó yêu cầu được gặp chỉ huy lâu đài. Đến trước mặt vị chỉ huy, người đó đưa ra một mệnh lệnh. Vị chỉ huy đọc, vừa ngạc nhiên vừa ghê tởm. Rồi sau khi đã đọc xong, ông dẫn người đó đến bốt gác lúc nãy đã từ chối.
- Hãy để cho chúa công Luidgi đây vào.
Lính gác bồng súng chào vị chỉ huy và Luidgi vào. Mười phút trôi qua, lúc Luidgi đi ra, tay cầm một gói bao tải đẫm máu. Trong chiếc gói đó người lính gác không biết là vật gì.
Một giờ sau người ta mang áo quan đến để liệm xác vua. Người thợ mộc vào buồng, nhưng ngay lập tức người đó kêu gọi lính gác với một vẻ sợ hãi khiếp đảm. Lính gác hé mở cửa buồng để nhìn xem điều gì đã làm người thợ mộc sợ hãi đến thế. Người thợ lấy tay chỉ một xác chết không đầu.
Lúc Ferdinand chết, người ta tìm thấy trong một tủ bí mật trong buồng ngủ của ông, chiếc đầu ấy ngâm trong rượu(7).
Tám ngày sau cuộc hành quyết ở Pizzo, mỗi người đều nhận được phần thưởng của mình: Tranta Capelli được đề bạt thiếu tá, tướng Nunziante được phong hầu tước, còn Luidgi bị đầu độc chết.
* * *
(1) Murat: em rể Napoleon I, lấy Caroline Bonaparte, thống chế Pháp. Vua Naples, đã bị buộc phải rời khỏi vương quốc của mình, ông tìm cách chiếm lại, nhưng bị bắt ở Pizzo và bị xử bắn (ND).
(2) Những chi tiết này rất được nhiều người ở Toulon biết và kể cho bản thân tôi nghe tới vài chục lần trong hai lần tôi đến đấy vào những năm 1834-1835. Một số những người nói với tôi, được nghe từ chính miệng Donadieu và Langlade (TG).
(3) Vua Ferdimend; vua Naples và Secile năm 1759 dưới danh hiệu Ferdinand IV, vua PlaiSicile 1815 bị truất ngôi vua Napoles năm 1806, khôi phục lại vương quyền năm 1815 (T.G).
(4) Sicile là môt hòn đảo lớn ở Địa Trung Hải, đầu tiên là thuộc địa của Phénicien rồi đến Hy Lạp. Nước Sicile là vật tranh giành giữa La Mã và Carthage, nó chuyển từ chế độ bảo hộ của Hoàng
(5) Chúng tôi có thể bảo đảm sự chính xác vì chúng tôi đã tự tay chép lại ở Pizzo trên đảo Sao do hiệp sĩ Aleala giữ được (T.G).
đế rồi sang của nhà Anjou rồi đến Tây Ban Nha. Thế kỷ 18 hợp nhất với Naples gọi là vương quốc Hai-Sicile (N.P).
(6) Chiếc đồng hồ này bà Murat đã mua lại với giá tiền là 200 đồng Luy.
(7) Vì tôi không tin được tàn khốc lại không có mục đích tôi bèn hỏi tướng T... Ông ta trả lời, vì Murat bị xét xử và bị bắn tại một nơi hẻo lánh của Calabre, Ferdinand vẫn cứ sợ sẽ có một kẻ liều lĩnh nào đó, xuất hiện mạo nhận là Joachim, lúc đó người ta chỉ việc đưa cái đầu lâu ra để trả lời (T.G).
Vào năm cuối cùng của triều Hoàng đế Pôn đệ nhất, nghĩa là vào khoảng năm thứ nhất của thế kỷ thứ XIX, đồng hồ nhà thờ Xanh Pie vừa điểm bốn giờ chiều thì một đám khá đông công chúng của mọi tầng lớp bắt đầu tập trung tại trước mặt nhà viên đại tướng bá tước Checmaylốp, cựu tư lệnh một thành phố khá lớn trong chính phủ Puntava. Nguyên nhân lôi cuốn sự tò mò của khán giả, đầu tiên là sự chuẩn bị ở giữa sân cho một cuộc trừng phạt bằng roi một người nô lệ giữ chức vụ thợ cạo cho viên đại tướng.
Khán giả không phải chờ đợi lâu, vì đến bốn giờ rưỡi, người ta thấy một thanh niên khoảng 25, 26 tuổi mặc binh phục hộ vệ quan, ngực đầy huân chương xuất hiện trên bục gỗ cao trước cửa nhà đại tướng.
Tức thì cửa mở ra và khán giả trông thấy phạm nhân đi giữa đám nô lệ, họ bị bắt buộc phải ra xem để lấy đó làm gương. Kẻ thi hành thay đao phủ là tên đánh xe, có lẽ tại hắn quen múa roi ngựa tên là Ivăng.
Phạm nhân là người khoảng ba mươi sáu tuổi, râu tóc đỏ, thân hình trên mức tầm thước. Nhìn cặp mắt, người ta cũng biết hắn nguồn gốc Hy Lạp. Sau vẻ mặt tỏ ra sợ hãi, hắn còn giấu vẻ tinh quái. Lúc đi gần đến nơi xử tội, phạm nhân đứng lại. Ivăng lại gần hắn để lột áo sơ mi kẻ sọc đang phủ trên vai hắn. Lợi dụng cơ hội đó, Ivăng khẽ nói với hắn:
- Grêgoa này, phải can đảm lên chứ. - Mày biết mày đã hứa với tao thế nào rồi chứ? Phạm nhân van nài.
- Không phải là ở những cú đầu đâu đấy nhé. Mày đừng có hy vọng vào đấy vì tên võ quan sẽ giám sát những cú đầu, còn những cú sau chúng ta sẽ tìm cách bịp hắn.
- Mày phải cẩn thận, nhất là đầu nhọn cái roi đấy nhé. - Grêgoa ạ, tao sẽ cố gắng. Mày không hiểu tao sao?
- Than ôi! Có chứ.
- Thế nào? - Hộ vệ quan lên tiếng hỏi.
- Bẩm quan, xong rồi đây ạ!
- Bẩm quan - Grêgoa nói một cách tội nghiệp - xin hãy khoan đã ạ! Tôi thấy hình như cửa sổ phòng tiểu thư Vaninka đã mở thì phải.
Viên sĩ quan trẻ tuổi ngước mắt nhìn lên nơi vừa nói, nhưng không thấy một nếp ri đô động đậy, anh không nhìn vào nơi đó nhưng anh cũng mong nó sẽ mở ra, anh nói:
- Đồ quỉ ạ, mày nhầm rồi đó. Vả lại cô chủ quí tộc của mày có liên can gì đến việc này?
- Thưa xin lỗi ông - Grêgoa lại nói. - Nhưng chính vì tiểu thư mà tôi bị mắc tội này... Có thể là tiểu thư sẽ rủ lòng thương đến kẻ tôi tớ khốn khổ này... và...
- Thôi. - Võ quan nói với một giọng đặc biệt như thể lấy làm tiếc là Vaninka không thấy tỏ lòng độ lượng. - Thôi, thế đủ rồi. Ta tiến hành nhanh lên.
- Ngay lập tức đây ạ! - Ivăng đáp rồi quay lại bảo Grêgoa. - Này anh bạn, đã đến lúc rồi đấy.
Grêgoa thở dài đánh thượt một cái, liếc nhìn lần cuối cùng lên cửa sổ. Sau khi thấy tất cả vẫn y nguyên như cũ, hắn mới chịu nằm sấp xuống sàn. Cùng lúc ấy, hai người nô lệ khác mà Ivăng đã chọn giúp việc hắn nắm lấy hai tay phạm nhân kéo thẳng ra rồi trói hai cổ tay vào hai cái cọc đặt cách xa nhau, thành ra trông hắn như hình chữ thập, rồi người ta buộc một cái xiềng vào cổ hắn. Mọi việc đã xong xuôi. Trên phía cửa sổ không thấy có một dấu hiệu gì có lợi cho phạm nhân, cánh cửa vẫn đóng im ỉm, viên võ quan giơ tay ra hiệu và hô:
- Tiến hành đi.
Ivăng dướn người đứng lên trên các đầu ngón chân, quay tròn cái roi trên đầu rồi bất thình lình hạ nó xuống, hắn giáng vào người Grêgoa khéo đến nỗi sợi roi quấn vào người phạm nhân những ba vòng như một con rắn và quật cái mũi nhọn của cán roi xuống sàn. Mặc dầu đã lường trước như vậy, Grêgoa cũng phải thét lên một tiếng và Ivăng đếm một.
Nghe tiếng thét đó, viên sĩ quan liếc mắt nhìn lên cửa sổ, nhưng cánh cửa vẫn đóng, anh quay lại phạm nhân và đếm như một cái máy:
- Một cái roi đã để lại ba vết lằn trên vai Grêgoa. Ivăng lại lấy đà, cũng khéo léo như lần đầu, sợi roi lại quấn ba vòng vào người phạm nhân, cái đầu roi cũng không phạm vào người. Grêgoa thét lên một tiếng thứ hai và Ivăng lại đếm: hai. Lần này máu chưa tóe ra nhưng đã thấy xuất hiện trên mặt da.
Đến đòn thứ ba, vài ba giọt máu đã bật ra. Đến đòn thứ tư, máu mới thật sự tóe ra. Đòn thứ năm, một vài giọt đã bắn vào người viên sĩ quan, anh phải lấy khăn mùi xoa ra lau mặt. Ivăng liền lợi dụng cơ hội đó để đếm bẩy, đáng lẽ mới là sáu, võ quan không có nhận xét gì.
Đến đòn thứ chín Ivăng dừng lại để thay sợi roi với hy vọng sẽ gian trá trót lọt như lần đầu, hắn đếm mười một đáng lẽ là mười. Lúc đó một cửa sổ đối diện với cửa sổ tiểu thư Vaninka mở ra, xuất hiện một người trạc 45-48 tuổi mặc binh phục đại tướng. Ông hô:
- Thôi đủ rồi.
Và cánh cửa sổ lại đóng lại. Vừa thấy có bóng người xuất hiện trên cửa sổ, viên võ quan liền quay về phía đại tướng của mình, tay trái để thẳng theo đường may của ống quần, tay phải lên mũ và đứng im lặng như thế trong lúc đại tướng xuất hiện. Sau khi cửa sổ đã lại đóng, anh nhắc lại nguyên văn câu của đại tướng. Cái roi đã giơ lên liền bị rơi xuống sàn bên cạnh phạm nhân. Ivăng quấn sợi roi vào cán và nói:
- Grêgoa, hãy cám ơn quan lớn đi. Quan lớn đã tha cho mày hai roi - hắn cúi xuống để cởi trói tay cho phạm nhân rồi nói thêm - cộng với hai roi tao đã ăn gian cho mày, như thế là mày chỉ bị có tám, đáng lẽ là mười hai. Này chúng mày, cởi nốt cho nó tay kia.
Nhưng Grêgoa khốn khổ không còn đủ sức để cảm ơn ai nữa, hắn gần bị ngất vì quá đau đớn. Hai người nô lệ phải xốc nách hắn lên dìu về, Ivăng vẫn đi theo sau. Tuy vậy lúc về đến cổng, Grêgoa quay lại thấy viên võ quan vẫn nhìn theo mình với vẻ thương hại, hắn nói:
- Thưa ông Fêođo, đề nghị ông cảm ơn quan lớn hộ tôi. Còn về tiểu thư Vaninka - hắn khẽ nói thêm - Cứ để tôi tự cảm ơn.
- Mày lẩm bẩm cái gì trong mồm đấy? - Viên võ quan giận dữ kêu lên vì lầm tưởng Grêgoa đe dọa mình.
- Không ạ, không có gì đâu ạ. - Ivăng nói: - Thưa ông Fêôđo, nó cảm ơn ông vì ông đã quá bộ tới dự buổi trừng phạt nó. Nó nói rằng đó là một vinh dự cho nó. Chỉ có thế thôi ạ!
Đại tướng bá tước Checmaylốp, sau khi đã cai quản một trong những thành phố quan trọng nhất của Puntava, được Hoàng đế Pôn đệ nhất triệu về Xanh Pêtecbua. Ông chịu ở góa với một cô con gái. Con gái ông được thừa hưởng di sản của mẹ về gia tài, sắc đẹp và về tính khí kiêu ngạo nữa. Bà là dòng dõi của một trong những đại úy người Tacta là một dân tộc dưới sự chỉ huy của Jenjit ở thế kỷ thứ XIII đã xâm chiếm nước Nga. Do sự ngẫu nhiên của định mệnh, những địa vị cao sang của tiểu thư Vaninka lại còn được tăng thêm do sự giáo dục của cô nữa. Trong các môn học, Vaninka đặc biệt say sưa một môn. Đó là, nếu người ta có thể nói, là môn khoa học về địa vị của cô, do đó cô hiểu rất rõ về tình hình quí tộc và thế lực của tất cả các gia đình quý tộc, gia đình nào hơn, gia đình nào kém gia đình cô, cô có thể đọc lên mà không bao giờ nhầm tước vị của từng dòng họ một. Do đó cô rất khinh miệt những gia đình thấp kém. Những người nô lệ họ hiểu tính nết tiểu thư Vaninka như thế nên họ chẳng nghĩa lý gì đối với cô, họ chỉ là những con vật có râu, còn kém cả con chó, con ngựa của cô nữa.
Năm 17 tuổi, chương trình học tập của cô kết thúc. Bà giáo dạy cô không chịu được thời tiết khắc nghiệt ở Pêtecbua nên xin nghỉ việc. Còn một mình Vaninka, cô không còn sự giáo dục nào khác ngoài tình yêu mù quáng của người cha. Như chúng ta đã biết, ông chỉ có mình cô, nên trong tình yêu quí báu man rợ và khắc nghiệt, ông coi cô như một tập hợp của tất cả các đức tính hoàn hảo nhất của con người.
Tình hình nhà ông như vậy, bỗng nhiên ông nhận được một bức thư của một người bạn hồi thơ ấu viết trên giường bệnh lúc sắp chết.
Sau khi bất hòa với Potenkin, bá tước Rômaylốp thấy sự nghiệp của mình đến đấy phải bỏ dở và không thể lấy lại được những đặc ân đã mất, ông rút về hưu ở cách Pêtecbua bốn trăm dặm. Nỗi đau khổ lớn nhất của ông là ảnh hưởng xấu đến tương lai sự nghiệp của đứa con trai độc nhất là Fêôđo. Bá tước thấy mình sắp phải để lại con một mình trên đời không nơi nương tựa, ông trông vào tình bạn cũ với đại tướng, ủy thác cho bạn người con trai của mình, mong rằng bạn là người được Pôn đệ nhất tín nhiệm, sẽ xin cho con trai mình một chức sĩ quan trong quân đội. Viên đại tướng liền viết thư trả lời ngay là ông sẵn sàng coi con trai bá tước như chính con đẻ của mình. Lúc bức thư đó đến, bá tước đã mất. Fêôđo nhận thư và mang nó đến với đại tướng để cầu mong được che chở. Đại tướng đã xin được với Pôn đệ nhất cho một chức hạ sĩ quan trong đạo quân của Xêmônôpki, cho nên chỉ một ngày sau khi đến nhà Đại tướng, Fêôđo đã ra đi nhận nhiệm vụ.
Mặc dù chỉ ở nhà đại tướng có một ngày, Fêôđo cũng có đủ thì giờ để nhìn thấy tiểu thư Vaninka và mang theo trong lòng một kỷ niệm sâu sắc.
Còn Vaninka, cô chẳng thèm để ý đến Fêôđo, một hạ sĩ quan không gia sản, không tương lai, có nghĩa gì đối với cô? Cô mơ mộng đến một hoàng tử để mình có thể trở thành một trong những bà lớn có thế lực lớn nhất nước Nga, hoặc ít ra để thực hiện được giấc mơ “nghìn lẻ một đêm” của cô. Chàng thanh niên Fêôđo chẳng có thể hứa hẹn được gì.
Vài ngày sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Fêôđo trở lại chào từ biệt đại tướng để đi theo đơn vị sang chinh chiến bên Ý dưới sự chỉ huy của phó Thống chế Xuvarốp.
Lần này, có thể là do bộ quân phục lịch sự cộng với vẻ đẹp trai tự nhiên của chàng Fêôđo, có thể là do trước lúc ra đi, sự hào hứng và phấn khởi trong hy vọng đã trang điểm thêm cho Fêôđo một ánh hào quang thơ mộng nên đã lọt được vào mắt xanh của tiểu thư. Vaninka ngạc nhiên trước sự thay đổi kỳ lạ của chàng thanh niên. Trước lời đề nghị của cha, cô chịu hạ cố đưa bàn tay cho kẻ sắp ra đi. Fêôđo không còn dám mong gì hơn cho nên anh đặt một đầu gối xuống đất như trước mặt một bà hoàng, đưa hai bàn tay run run của mình đỡ lấy bàn tay trắng ngần của Vaninka và dám thoáng lướt môi trên làn da ngọt ngào. Nhưng mặc dù nụ hôn đó hết sức nhẹ nhàng, tiểu thư Vaninka cũng rùng mình vì cô cảm thấy rợn người và mặt đỏ bừng lên. Do đó khi cô vừa rút nhanh tay ra làm cho Fêôđo tưởng rằng dù đã hết sức kính cẩn, mình cũng đã làm cô thương tổn. Anh quì thế mãi, hai bàn tay chắp lại, cặp mắt đầy lo âu ngước lên nhìn cô làm cho Vaninka quên mất cả tự kiêu, bèn an ủi anh bằng một nụ cười.
Đạo quân có Fêôđo tham gia đi qua nước Đức, vượt qua dẫy núi Tyrôn và vào Vêrôn, nước Ý ngày 14 tháng 4 năm 1799. Lập tức Xuvarốp bắt liên lạc với tướng Mêlat và nắm quyền chỉ huy cả hai đạo quân.
Ngày hôm sau tướng Chattelơ đề nghị mở một cuộc trinh sát, nhưng Xuvarốp ngạc nhiên nhìn ông và đáp:
- Để hiểu quân thù, tôi không biết cách nào khác là tiến lên và chiến đấu.
Trước đây Xuvarốp đã có tiếng tăm lẫy lừng, uy nghi, mãnh liệt, không biết mỏi, thản nhiên, một cuộc sống giản dị của người Tartare, chiến đấu với lòng mãnh liệt của người Côdắc. Đúng là một con người để tiếp tục chiến công của tướng Mêlat đối với quân lính của nền Cộng hòa đã nản lòng vì sự bất lực do dự của Shêrê. Vả lại đạo quân Áo - Nga, gồm trăm ngàn người, chỉ có trước mặt nó hai mươi chín đến ba chục ngàn quân Pháp.
Xuvarốp bắt đầu, như thường lệ, bằng một đòn sấm sét. Ngày 20 tháng 4, ông đến trước Cresia đang chống cự một cách tuyệt vọng. Sau một trận pháo kích lâu chừng nửa giờ, cổng Peschéria bị búa rìu phá vỡ, và sư đoàn Kocxacốp, trong đó có trung đội của Fêôđo làm nhiệm vụ tiền tiêu đã vào được trong thành phố xung phong đuổi theo quân lính đồn trú gồm một nghìn hai trăm người đang náu trong thành.
Đại bộ phận quân đội tiến lên phía trước, chia làm hai đạo quân vượt qua Oglie, một đạo dưới sự chỉ huy của tướng Rosemberg về phía Bergame, và đạo kia dưới sự chỉ huy của tướng Mêlat tiến đến tận Série. Trong khi đó các đạo quân khác gồm bảy tám ngàn người chỉ huy do các tướng Kaim và Hohenzolen, tiến về Plaisance và Cromhne, bao vây tất cả mạn trái sông Po. Vậy mà quân đội Áo Nga tám mươi nghìn người trấn trên một mặt trận mười tám dặm.
Trông thấy quân địch đông gấp ba quân mình, Scherer vừa đánh vừa lùi trên khắp trận tuyến. Phá ủy các cầu trên sông Adda vì không hy vọng bảo vệ được chúng và di chuyển bộ chỉ huy về Milan, chờ đợi trả lời bức thư mà ông đã gửi cho Hội đồng chấp chính, trong đó ông thú nhận bất lực và xin từ chức.
Nhưng vì người kế tiếp ông đến chậm, và quân Xuvarốp cứ tiến mãi, tướng Scherer lo sợ cho trách nhiệm của mình, bèn trao chức chỉ huy vào tay một trong những sĩ quan tài giỏi nhất của mình, đó là tướng Moreau. Lại một lần nữa tướng Moreau chiến đấu chống lại cũng những người Nga ấy mà ông sẽ phải tử trận vì họ.
Sự bổ nhiệm bất ngờ đó được tuyên bố giữa những tiếng hò reo của các binh sĩ, người mà chiến dịch tuyệt diệu trên sông Rhin đã làm nổi danh là Fabius người Pháp, mọi người đều lớn tiếng hô: “Moreau muôn năm! Muôn năm vị cứu tinh của quân đội Ý”.
Nhưng sự nhiệt liệt đó không làm cho Moreau quáng mắt trên vị trí khiếp đảm của mình.
Ông vào trung tâm để đích thân bảo vệ chiếc cầu đã được củng cố thêm ở Caseano mà đầu của nó được con sông đào Ritorto che chở với rất nhiều cỗ pháo, những vị trí tiền tiêu xây thành đắp lũy.
Thế rồi rất thận trọng cũng như dũng cảm, Moreau tìm mọi biện pháp để nếu bị thất bại sẽ có đường rút lui về Anpennine và về bờ biển Gênes.
Mặt trận bố trí của Moreau vừa xong thì Xuvarốp, con người không biết mệt, đã vào Triveglio. Đồng thời với sự tiến quân của quân đội Nga đánh vào thành phố cuối cùng này, Moreau được tin sự đầu hàng của Bergame và lâu đài của ông. Ngày 25 tháng 4 ông trông thấy tiền đạo của quân đội đồng minh.
Buổi tối hôm đó, Fêôđo thuộc sư đoàn của tướng Chastellơ, viết thư cho đại tướng Checmaylốp:
“Cuối cùng chúng tôi cũng đã ở trước mặt quân đội Pháp. Ngày mai sẽ mở một trận lớn. Tối mai cháu sẽ là trung úy hoặc chết”.
Hôm sau, ngày 26 tháng 4, từ sáng sớm, đại bác đã gầm lên ở các đầu trận tuyến. Các pháo thủ của hoàng thân Bagration tấn công ở mặt trái. Tướng Seckendorif, tách rời khỏi mặt trận Triveglic, tiến về Créma.
Hai mặt tiến công đó đều thu được những thắng lợi khác hẳn nhau. Các pháo thủ của Bagration bị đẩy lùi và tổn thất nặng nề. Còn Seckendori, trái lại, đuổi được quân Pháp ra khỏi Créma, và đội trinh sát tiến đến tận cầu Lodi.
Thế là diễn ra một trận chiến đấu ác liệt giữa quân Pháp và quân Áo. Chính là vì các cựu chiến binh của Bonaparte, trong những trận chiến đấu đầu tiên ở nước Ý, đã có thói quen không thể bỏ được là đánh các thần dân của Hoàng đế khắp nơi mà họ gặp.
Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn gần ba giờ, trong thời gian đó hậu quân làm được những chuyện phi thường. Cuối cùng, Mêlat thấy là quân địch đã thoát khỏi tay mình và quân đội của mình đã mệt mỏi sau một trận dai dẳng như vậy cần phải được nghỉ ngơi, ông liền ra lệnh cho ngừng chiến đấu và dừng lại trên bờ trái của Adda, rải quân từng chặng trên các làng mạc Imago, Gorgonloza và của Cassano. Như vậy là làm chủ được chiến trường, trên đó quân Pháp mất hai ngàn năm trăm chết, một trăm cỗ đại bác và hai mươi súng phóng lựu đạn.
Buổi tối, Xuvarốp mời đại tướng Beker, chỉ huy hậu quân Pháp tới dự bữa ăn tối và hỏi ông ta ai là người đã bắt ông ta làm tù binh. Beker trả lời đó là một sĩ quan trẻ tuổi đầu tiên vào Pozzo. Lập tức Xuvarốp tìm hiểu sĩ quan trẻ tuổi đó là ai? Một lát sau ông nhận được báo cáo, đó là chuẩn úy Fêôđo Rômaylop. Fêôđo mang đến cho Xuvarốp thanh gươm của tướng Beker. Xuvarốp giữ chàng thanh niên ở lại cùng ăn với tù binh của chàng.
Ngày hôm sau Fêôđo viết thư cho đại tướng:
“Cháu đã giữ được lời hứa, cháu đã là trung úy và ngài phó thống chế Xuvarốp đã đề nghị với Hoàng thượng Pôn đệ nhất thưởng cho cháu Huân chương Xanh Vladimir”.
Đến khi đó, tất cả đều tốt đẹp. Chừng nào còn ở lại trên những cánh đồng phì nhiêu của nước Ý, Xuvarốp chỉ có việc tuyên dương lòng dũng cảm và tận tâm của các binh sĩ của mình. Nhưng tiếp sau đó là những con đường khắc nghiệt của Lévantine, thấy dựng lên trước mặt những ngọn núi quanh năm phủ tuyết của Xanh Gôthard. Thế là lòng nhiệt tình và dũng cảm nguội dần và những linh cảm ảm đạm tràn đầy trong lòng những đứa con miền Bắc ấy. Những tiếng thầm thì bất ngờ lan khắp trận tuyến, rồi bỗng nhiên phía tiền vệ dừng lại và tuyên bố không muốn đi xa hơn nữa. Fêôđo chỉ huy một trung đội tha hồ mà van nài quân lính của anh tiến lên hàng đầu, đừng bắt chước các bạn. Quân lính của Fêôđo quẳng vũ khí xuống đất và nằm xuống bên cạnh. Vào lúc họ tỏ thái độ không phục tùng ấy, lại có những tiếng thì thầm mới nổi lên ở đằng đuôi đạo quân, chúng tiến dần đến như một cơn bão. Đó là Xuvarốp đã đi từ đuôi lên đầu, đi đến đâu cơn phản nghịch nổi theo đến đấy. Lúc ông đi tới đầu hàng quân, những tiếng thì thầm trở thành những lời nguyền rủa.
Thế là Xuvarốp mắng cho binh sĩ một trận nên thân nhưng những tiếng kêu “Rút lui! Rút lui”! vang lên át cả tiếng nói của ông. Ông liền cho bắt những đứa phản động nhất, đánh cho một trận bằng roi cho đến khi phải quì xuống. Nhưng những đòn trừng trị không hiệu nghiệm hơn những lời khuyến khích, những tiếng kêu lại tiếp tục. Xuvarốp nhận thấy hỏng hết cả nếu không dùng vài biện pháp mạnh mẽ và bất ngờ. Ông tiến đến Fêôđo và nói:
- Trung úy, hãy để bọn quái quỷ ấy đấy. Tập trung cho tôi tám hạ sĩ lại đây và đào cho tôi một cái hố.
Fêôđo ngạc nhiên, trừng mắt nhìn ông tướng của mình như muốn một lời giải thích về mệnh lệnh kỳ quái ấy. Viên tướng nói tiếp:
“Hãy thi hành lệnh của tôi”.
Fêôđo tuân lệnh, tám hạ sĩ bắt tay vào làm việc. Mười phút sau cái hố đã đào xong. Toàn quân đội tập trung thành vòng tròn trên sườn hai trái núi bên vệ đường, như trên các bậc của một hí trường. Họ hết sức ngạc nhiên.
Thế rồi Xuvarốp xuống ngựa, bẻ gẫy thanh gươm của mình vứt vào trong hố, rồi lần lượt rứt các cầu vai, các huân huy chương trên ngực và ném hết xuống hố. Cuối cùng ông trần truồng bước xuống hố nằm rồi hô to:
- Hãy phủ đất lên người tôi và bỏ vị tướng của các anh ở lại đây. Các anh không còn là con tôi nữa và tôi không còn là cha các anh nữa. Tôi chỉ còn có việc chết!
Những câu kỳ lạ ấy được thốt lên bằng một giọng mãnh liệt làm cho đạo quân đều nghe thấy. Lập tức những lính pháo thủ Nga lao xuống hố, vừa khóc vừa nâng ông tướng của họ lên, vừa xin lỗi và van nài ông dắt dẫn họ tới quân thù. Xuvarốp kêu lên:
- Bây giờ ta mới nhận ra các con của ta. Nào tiến lên xông vào quân thù.
Không phải là những tiếng kêu, mà là những tiếng thét đáp lại lời nói của chủ tướng. Trong lúc Xuvarốp mặc lại quần áo, những tên phản nghịch nhất lết trên mặt đất tới hôn chân ông. Thế rồi những cầu vai lại được gài lên vai và các huân chương lại lấp lánh trên ngực. Ông lên ngựa, theo sau là cả đoàn quân đều đồng thanh nói lên một tiếng chết chứ không chịu bỏ cha.
Từ đó cuộc chiến đấu lại bắt đầu. Trong ba ngày, một ngàn năm trăm quân Pháp chặn đứng ba mươi ngàn quân Nga. Xuvarốp gầm lên như con sư tử mắc lưới vì ông không hiểu gì về vận mệnh của mình. Sau cùng sang ngày thứ tư, ông được tin tướng Korsakiff là người đã đi trước ông và ông phải đuổi kịp, đã bị Molitor đánh thua, và Messana đã lấy lại được Zurich và đang chiếm đóng địa phận Glaris. Thế là ông quyết định không đi theo thung lũng Reuss nữa và viết thư cho Korsakoff và Jallachieh: “Tôi sẽ đến để sửa lại khuyết điểm do các ông gây ra. Hãy giữ vững như những bức tường thành. Cứ mỗi bước các ông lùi là phải trả lời tôi bằng đầu các ông”.
Xuvarốp tin chắc là kế hoạch của mình sẽ thành công, do đó khi tới bờ hồ Klon Thal, ông cử một nhóm đại biểu đến thương thuyết buộc Molitor phải đầu hàng vì đã bị bao vây tứ phía.
Molitor trả lời là chỗ hẹn của Xuvarốp với các tướng đã không thực hiện được vì các tướng đó lần lượt đã bị thua trận và bị đẩy lùi đến tận Grisons. Ngược lại, vì Masséna đã tiến đến Muotra. Vậy chính Xuvarốp bị mắc vào giữa hai gọng kìm. Molitor yêu cầu Xuvarốp phải hạ vũ khí.
Nghe thấy câu trả lời kỳ dị ấy, Xuvarốp tưởng như mình đang nằm mơ. Nhưng lúc tỉnh lại, ông hiểu mối nguy nếu cứ ở lại trong những con đường hẻm này, ông liền lao vào Molitor và được đón tiếp bằng lưỡi lê. Molitor liền đóng đường hẻm lại và cùng với một ngàn năm trăm quân, ông chịu đựng được trong tám giờ chống với mười tám ngàn quân Nga. Đêm đến, Molitor rút khỏi Klon Thal và tới Linth để bảo vệ các cầu Noefels và Mollis. Thế là Xuvarốp tràn quân như thác đổ xuống Glaris và Mitlodi. Tới đây ông mới biết là Molitor đã nói đúng: Jallachieh và Linsken đã bị đánh tan, Massana đang tiến về Schwitz và tướng Rosemberg là người được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Muotra đã bị đẩy lùi, đến nỗi bây giờ ông quả ở trong tình trạng như Molitor đã nói.
Không được để lỡ thời gian rút lui, Xuvarốp lao vào các đường hẻm Engi, Schwauden và Elm, vội vã đến nỗi phải bỏ lại thương binh và một phần cỗ pháo.
Do đó, tức giận vì đã bị bại trận bởi chính những quân Cộng hòa mà ông đã tuyên bố trước ông sẽ làm cỏ. Ông đổ lỗi thua trận cho quân Áo và tuyên bố ông sẽ không tiến hành vấn đề liên minh trước khi nhận được chỉ thị của Hoàng đế mà ông vừa báo cáo về sự phản bội của đồng minh:
Trả lời của Pôn đệ nhất là cho quân Nga rút về nước và bản thân Xuvarốp phải thật nhanh trở về Pêtecbua, nơi đang chờ đón cuộc trở về chiến thắng của ông. Cũng sắc lệnh đó nói rằng Xuvarốp sẽ ở lại hoàng cung những ngày còn lại của đời mình và sẽ xây dựng cho ông một lâu đài trên một quảng trường ở Pêtecbua.
Vậy là Fêôđo lại sắp được gặp Vaninka.
Thống chế đã kết thân với anh. Không ai biết được tình bạn của Xuvarốp sẽ dẫn đến đâu. Ông đã được Pôn đệ nhất ban cho vinh dự được ngang hàng với một chiến sĩ ngày xưa.
Nhưng không ai tin được Pôn đệ nhất, tính nết người là một tổng hợp những hành động cực đoan. Do đó không làm gì mất lòng chủ mà lại có sự thất sủng ấy. Lúc về tới Riga, Xuvarốp nhận được một bức thư của một cố vấn riêng, có nghĩa là nhân danh hoàng đế đã dung túng cho quân lính vi phạm luật pháp. Hoàng đế tước bỏ của ông tất cả những vinh dự mà ông đã được hưởng và cấm không được trình diện trước mặt Người.
Một tin như vậy là một tiếng sét đối với người cựu chiến binh đã bị ê chề về những thất bại mới đây giống như những cơn giông buổi tối làm xám xịt một ngày huy hoàng. Vì thế ông tập trung tất cả các sĩ quan của ông trên quảng trường Riga, khóc và từ biệt họ như một người cha xa rời gia đình. Rồi sau khi đã ôm hôn các tướng tá, bắt tay những người khác, ông nói vĩnh biệt họ một lần nữa. Ông để họ tự do đi theo con đường của họ mà không có ông và nhảy lên một chiếc xe trượt. Ông đi suốt đêm ngày, bí mật đến thủ đô mà lẽ ra ông được đắc thắng tiến vào. Ông đi tới một khu cách biệt đến nhà một cháu gái. Mười lăm ngày sau ông chết ở đấy với trái tim tan nát.
Về phía Fêôđo cũng vậy, cùng về một chuyến với thống chế của mình, cũng như ông đi vào Petecbua không thư báo trước. Fêôđo không có người thân ở thủ đô, vả lại cuộc đời anh đã hoàn toàn phụ thuộc vào một người. Anh tiến thẳng về bờ sông Nepki, ở góc phố là nhà của đại tướng. Anh xuống xe, lao vào trong sân, nhẩy chồm lên các bậc thềm, mở cửa phòng ngoài và bất ngờ rơi vào giữa đám gia nhân. Anh hỏi đại tướng đâu, người ta chỉ vào buồng ăn, ông đang ở trong đó ăn cùng với tiểu thư.
Thế là do một phản ứng kỳ lạ, Fêôđo cảm thấy đôi chân như muốn quỵ xuống, anh phải vịn vào tường để khỏi ngã vào lúc sắp được nhìn thấy Vaninka. Nhưng cũng vào lúc đó cánh cửa buồng mở ra, Vaninka xuất hiện. Trông thấy chàng thanh niên, cô khẽ kêu lên một tiếng rồi quay lại phía cha gọi:
- Cha ơi cha, anh Fêôđo đã về kìa.
- Fêôđo à. Đâu?
Đại tướng cũng kêu lên như vậy rồi chạy ra, dang rộng hai cánh tay. Fêôđo đang được chờ đón, hoặc ở dưới chân Vaninka hoặc ở trên ngực đại tướng. Anh hiểu được là phút đầu tiên phải dành cho lòng kính trọng và biết ơn, anh liền lao vào cánh tay ông già. Làm khác đi nghĩa là thú nhận tình yêu của mình. Anh đã có quyền thú nhận chưa trước khi biết nó có được chấp thuận hay không?
Fêôđo quay lại, và cũng như lần trước, anh quì một đầu gối xuống trước mặt người đẹp. Nhưng chỉ một lát thôi cũng đủ thì giờ cho cô tiểu thư kiêu kỳ ấy chôn sâu trong đáy lòng mối xúc động mà cô vừa cảm thấy. Màu hồng trên má cô đã biến mất, cô trở lại giá lạnh như một bức tượng đá, sản phẩm lúc đầu do bẩm sinh và kết thúc do giáo dục. Fêôđo hôn bàn tay cô, bàn tay run run nhưng giá lạnh. Fêôđo cảm thấy như tim mình ngừng đập và mình sắp chết.
Đại tướng mời chàng thanh niên ngồi vào bàn ăn.
Bữa ăn, như người ta cũng biết, tiến hành trong câu chuyện về chiến dịch ở nước ngoài, bắt đầu từ dưới mặt trời nóng bỏng tại nước Ý và kết thúc trên những băng tuyết tại Thụy Sĩ. Vì ở Pêtecbua chưa có báo hàng ngày để nói lên những sự việc khác với những điều mà Hoàng đế cho phép nói, người ta biết rất rõ những thắng lợi của tướng Xuvarốp, nhưng không biết được mặt trái của nó. Fêôđo kể lại những mẩu chuyện một cách vừa khiêm tốn vừa thành thật.
Đại tướng rất chú ý đến những câu chuyện của Fêôđo. Hai cầu vai đại uý của anh, ngực anh đầy huân chương, chứng tỏ những chiến tích của anh trong những câu chuyện anh kể. Khi anh kể xong, đến lượt đại tướng biểu dương những thành tích của Fêôđo trong một chiến dịch chưa đầy một năm. Sau đó ông lại nói thêm rằng hôm sau ông sẽ đến tâu với Hoàng đế cho bố trí anh làm võ quan hầu cận của ông.
Quả nhiên, hôm sau đại tướng về báo tin mừng, đề nghị của ông đã được chấp thuận.
Một hôm, vào lúc hai người chỉ có một mình, Vaninka nhận thấy những cố gắng vô ích của anh thanh niên để che giấu nỗi lòng mình, cô đi thẳng đến anh, nhìn thẳng vào anh rồi hỏi:
- Anh yêu tôi lắm có phải không?
- Xin lỗi, xin lỗi. - Fêôđo kêu lên và chắp tay lại.
- Tại sao anh lại xin lỗi tôi, Fêôđo? Tình yêu của anh không trong sạch sao?
- Vâng, vâng, vâng! Tình yêu của tôi trong sạch lắm. Nó càng trong sạch bao nhiêu thì lại không hy vọng bấy nhiêu.
- Tại sao lại không hy vọng? Cha tôi không yêu anh như con sao?
- Ôi, tiểu thư nói gì vậy? Nếu đại tướng bằng lòng tôi thì tiểu thư cũng bằng lòng chứ?
- Trái tim anh và dòng dõi anh không quí tộc sao, anh Fêôđo? Anh không giầu, đúng như vậy, nhưng tôi có đủ tiền cho cả hai chúng ta.
- Vaninka! - Fêôđo reo lên mừng vui khôn tả.
Cô tiểu thư chỉ tỏ một cử chỉ kiêu kỳ, Fêôđo nói tiếp.
- Xin lỗi, tôi phải làm gì bây giờ? Xin tiểu thư cứ ra lệnh. Trước mặt tiểu thư tôi không còn đủ lý trí nữa. Tôi chỉ sợ mỗi hành động của tôi lại làm phật lòng người tôi yêu. Tiểu thư cứ ra lệnh, tôi xin chấp hành.
- Vấn đề mà anh cần làm trước tiên là phải cầu xin sự thỏa thuận của cha tôi.
- Vậy là tiểu thư cho phép tôi làm việc đó chứ?
- Vâng, nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì? Ôi, xin tiểu thư cứ cho biết.
- Đó là mặc dù cha tôi trả lời thế nào, anh cũng không được nói cho cha tôi biết là tôi đã bảo anh đến gặp cha tôi, là không một ai được biết điều đó, là tất cả mọi người đều không biết được sự thú nhận của tôi đối với anh. Cuối cùng là mặc dù xảy ra việc gì, anh cũng không được yêu cầu tôi giúp gì khác ngoài những lời thề nguyền của tôi.
Nói xong Vaninka đi ra, để chàng sĩ quan ở lại run rẩy xúc động gấp trăm lần cô, mặc dù cô là phụ nữ.
Cùng ngày hôm đó, Fêôđo xin phép được gặp đại tướng. Đại tướng tiếp anh vui vẻ cởi mở như mọi khi, nhưng khi mới nghe những câu nói đầu tiên của anh, sắc mặt ông đã sa sầm xuống. Tuy nhiên, trước mối tình chân thành, say đắm và bền vững của chàng thanh niên đối với con gái mình, khi chàng nói chính mối tình đó đã là động lực thúc đẩy những hành động dũng cảm của chàng mà những hành động đó ông đã phải nhiều lần khen ngợi, ông giơ tay ra cho chàng và cũng xúc động như chàng. Ông nói trong khi chàng đi vắng, ông không biết đã có mối tình đó và cũng không nhận thấy một dấu hiệu gì ở con gái ông. Ông đã nhận lời làm mối cho Hoàng đế gả Vainka cho con trai một ông cố vấn đặc biệt. Điều độc nhất mà ông yêu cầu là không làm ông phải xa con gái mình trước khi cô mười tám tuổi. Vậy là Vaninka chỉ còn ở lại với cha có năm tháng nữa.
Vấn đề đó không còn đối đáp làm sao được nữa. Ở nước Nga, ý muốn của Hoàng đế là một mệnh lệnh; một khi nó đã nói ra, không gì có thể cưỡng lại được. Vậy là sự khước từ ấy làm cho bộ mặt chàng thanh niên lộ rõ vẻ thất vọng làm đại tướng phải xúc động về nỗi đau khổ thầm lặng và nhẫn nhục ấy. Ông dang rộng hai cánh tay cho chàng, chàng lao mình vào đấy và khóc nức nở. Rồi đại tướng hỏi về tình hình con gái mình. Như đã hứa, Fêôđo trả lời là Vaninka chưa biết gì, anh tiến hành việc là do một mình anh. Thấy vậy ông cũng yên tâm đôi chút vì ông lo ngại là đã làm cho hai người phải đau khổ.
Buổi tối hôm đó, Vaninka đang định xuống buồng ăn uống trà, đã thấy người hầu mang lên, báo với cô là đại tướng khó ở đã lui về buồng riêng. Vaninka hỏi thăm mấy câu về tình hình sức khỏe của cha mình. Sau khi được biết là không có triệu chứng gì đáng lo ngại, cô bảo người hầu đến báo cáo với ông là nếu ông cần gì xin cứ nói, cô sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của ông. Đại tướng cho người trả lời con gái là lúc này ông chỉ cần được yên tĩnh nghỉ ngơi. Lúc người hầu đã rút lui rồi, Vaninka bảo với Anutka, người chị em cùng họ với cô, lúc này là hầu buồng riêng của cô, theo dõi xem lúc nào chàng Fêôđo về thì báo cô biết.
Mười một giờ đêm cánh cửa lâu đài mở ra, Fêôđo bước xuống xe trượt tuyết và đi ngay về buồng riêng. Nửa đêm anh nghe có tiếng gõ cửa, anh ngạc nhiên dậy mở cửa, đó là Anutka đến báo tin là cô chủ đang đợi chàng ở buồng riêng. Thật là một việc anh không dám ngờ tới, anh vội vàng đến ngay.
Anh thấy Vaninka đang ngồi và mặc một áo cánh dài trắng, cô xanh xao hơn ngày thường. Fêôđo dừng lại ở cửa buồng vì tưởng trông thấy một bức tượng vệ nữ.
- Anh vào đây! - Vaninka nói với một giọng không thể phân biệt được là có chút xúc động nào hay không.
Fêôđo tiến lại gần như có một sức hút cực mạnh.
Anutka đóng cửa lại sau lưng anh.
- Thế nào? - Vaninka hỏi. - Bố tôi trả lời ra sao?
Fêôđo liền kể lại sự việc đã xẩy ra, cô thiếu nữ ngồi nghe với vẻ thản nhiên.
- Bây giờ ý định của anh thế nào? - Vaninka hỏi tiếp cũng vẫn với giọng giá lạnh như ở những câu hỏi khác.
- Cô hỏi ý định của tôi à, Vaninka? Cô còn muốn tôi làm gì, và tôi còn có gì để mà làm nữa? Nếu không phải là, để khỏi phụ lòng tốt của người đã bảo trợ tôi, bằng một hành động hèn nhát và bỉ ổi nào đó, là cút khỏi Pêtecbua này và đi bỏ xác ở một nơi xó xỉnh nào đó của nước Nga?
- Anh điên đấy à?
- Vậy thì tiểu thư chỉ bảo cho tôi đi, tôi không phải là nô lệ của tiểu thư hay sao?
- Anh phải ở lại.
- Ở lại?
- Phải. Chỉ có đàn bà hay trẻ con mới chịu thua ngay ở hiệp đầu. Một người đàn ông, nếu xứng đáng với danh nghĩa đó thì phải tuốt gươm ra.
- Tuốt gươm ra để chống ai? Chống lại cha tiểu thư à? Không đời nào.
- Ai bảo anh chống lại cha tôi? Chính vì phải chống lại những biến cố của cuộc đời mà chúng ta phải cả quyết. Những con người tầm thường không chỉ huy được những biến cố đó, ngược lại còn bị chúng cuốn theo. Trước mắt cha tôi, anh phải làm ra vẻ chống lại tình yêu của anh và làm chủ được nó. Còn tôi xem như không biết gì về chuyện đó, người ta sẽ không nghi ngờ gì tôi. Tôi sẽ yêu cầu kéo dài thêm hai năm nữa và tôi sẽ được chấp thuận. Biết bao biến cố sẽ xẩy ra trong hai năm ấy, ai là người biết được những điều gì? Hoàng đế có thể băng hà, người con trai gán ghép cho tôi có thể chết, cha tôi có thể... Cầu Thượng đế bảo hộ cho cha tôi, cha tôi có thể mất...
- Nhưng nếu người ta cứ ép tiểu thư?
- Nếu người ta cứ ép tôi à? - Vaninka ngắt lời và má cô bỗng ửng đỏ để rồi trở lại bình thường, ai là người ép tôi được điều gì? Cha tôi quá yêu tôi không bao giờ nỡ làm thế. Hoàng đế thì bận trăm công nghìn việc ở Hoàng cung, còn thì giờ đâu mà gieo rắc đau thương cho kẻ khác. Vả lại bao giờ tôi cũng còn có một nguồn cuối cùng nữa, khi nào các nguồn khác đều cạn cả, nước sông Nêva chảy cách đây ba trăm bước, nước sông ấy sâu lắm.
Chính vài ngày, sau cuộc hội đàm ban đêm ấy trong buồng riêng tiểu thư Vaninka mà xẩy ra cuộc xử phạt bằng roi chúng tôi đã nói ở đầu câu chuyện. Phạm nhân là Grêgoa, chỉ vì phạm một lỗi nhẹ với tiểu thư, tiểu thư đã mách với cha cô.
Fêôđo với chức vụ võ quan hầu cận đã chỉ huy cuộc trừng phạt đó. Anh đã không chú ý đến những lời đe dọa của phạm nhân lúc tan cuộc. Tên xà ích Ivăng sau khi đã đóng vai đao phủ, bây giờ lại đóng vai thầy thuốc. Hắn đắp lên hai vai rách thịt của nạn nhân những mẩu vải tẩm nước muối để nó chóng lên sẹo. Grêgoa phải nằm bệnh xá mất ba ngày. Trong ba ngày đó hắn quay trong đầu óc những mưu kế để báo thù. Rồi ba ngày sau vết thương khỏi, hắn lại tiếp tục đi làm việc. Mọi người đã quên sự việc vừa xẩy ra, trừ hắn. Nếu hắn là một người Nga chính cống, hắn cũng có thể quên vụ hình phạt đó. Nhưng như chúng tôi đã nói, hắn có dòng máu Hy Lạp trong tim nên giữ mối thù lâu trong óc.
Mặc dù Grêgoa chỉ là nô lệ, nhưng nhiệm vụ của hắn lại rất gần gũi với đại tướng nên dần dần hắn trở nên thân thiết với đại tướng hơn những nô lệ khác. Vả lại, trên khắp các nước trên thế giới, người thợ cạo bao giờ cũng được sự ưu đãi của khách. Vì vậy Grêgoa do nghề nghiệp, được hưởng những đặc quyền của đại tướng qua các buổi được nói chuyện gần gũi hàng ngày với ông.
Một hôm, vì phải đi dự một cuộc duyệt binh, đại tướng cho gọi Grêgoa đến cạo râu trước lúc trời sáng. Trong khi lưỡi dao đang lướt nhẹ lên má đại tướng, câu chuyện nổ ra rơi vào anh chàng thanh niên Fêôđo. Grêgoa rất khen ngợi anh. Đại tướng trong bụng thầm nghĩ đến cuộc hình phạt hôm nào do võ sĩ quan trẻ tuổi chỉ huy, bèn hỏi hắn ngoài những đức tính đạt đến mức hoàn hảo của Fêôđo mà hắn hết lòng ca ngợi, hắn có thấy anh có khuyết điểm gì không, dù là rất nhẹ.
Grêgoa đáp, ngoài tính kiêu ngạo ra, hắn cho Fêôđo là một thanh niên hoàn hảo.
- Tính kiêu ngạo? - Đại tướng ngạc nhiên - đó là một tính xấu mà tôi cho là anh ấy không thể có được.
- Bẩm quan lớn, con phải nói là lòng tham vọng thì đúng hơn.
- Thế nào, tham vọng à? Nhưng từ khi anh ấy vào nhận nhiệm vụ ở đây, tao không nhận thấy có gì là tham vọng cả. Vì sau khi lập được nhiều chiến công trong chiến dịch vừa qua, anh ấy có khả năng vào Hoàng cung ấy chứ!
- Ôi, bẩm quan lớn: - Grêgoa mỉm cười một cách ý nhị, có nhiều loại tham vọng chứ ạ! Người này tham vọng một vị trí cao sang, người kia một mối quan hệ lừng danh. Người này muốn tự lực cánh sinh, người kia lại thích dùng vợ làm bậc thang danh vọng. Và thế là họ ngước mắt nhìn lên cao mà đáng lý ra không được phép.
- Mày định nói gì thế? - Đại tướng kêu lên, ông đã bắt đầu hiểu hắn muốn đi đến đâu.
- Bẩm quan lớn, con muốn nói là có nhiều người được đối xử rất tốt đâm ra quên mất vị trí của mình lại đi ước vọng một vị trí cao sang hơn mặc dù họ đã được ở một địa vị trên đầu của họ rồi.
- Này Grêgoa, mày lại sắp húc đầu vào một việc xằng bậy rồi đấy! Mày mà muốn lên án người ta và để cho tao tin thì mày phải có bằng chứng đầy đủ đấy.
- Lạy thánh Bazin. Nếu không phải là sự thực con đâu dám nói láo ạ!
- Được! Mày cứ khăng khăng là cậu Fêôđo mê con gái tao chứ gì!
- Ôi, bẩm quan lớn! Con đâu dám nêu tên tiểu thư Vaninka. Mà chính quan lớn nói lên đấy ạ!
- Nhưng ý định của mày là như thế chứ gì? Cứ nói thật
- Bẩm, quả có thế ạ.
- Và theo mày thì con gái tao cũng đồng ý chứ gì?
- Bẩm, con lo cho tiểu thư và cho quan lớn lắm.
- Cái gì đã làm cho mày tin là như thế? Cứ nói thật đi.
- Trước hết là ông Fêôđo không để lỡ một cơ hội nào mà không nói chuyện với tiểu thư.
- Ở cùng trong một nhà, mày lại muốn ông ấy phải tránh đi sao?
- Lúc tiểu thư về muộn và tình cờ ông Fêôđo không phải đi hầu quan lớn thì mặc dù vào giờ nào ông ấy cũng có ở đây để đưa tay cho tiểu thư, giúp tiểu thư xuống xe.
- Fêôđo đợi tao, đó là nhiệm vụ của ông ấy. - Đại tướng nói và bắt đầu cho rằng Grêgoa chỉ dựa trên những bề ngoài hời hợt mà nghi ngờ - Ông ấy đợi tao vì bất cứ giờ nào trong ngày hay đêm, tao về lúc nào là cũng có thể có việc giao cho.
- Bẩm quan lớn, không có ngày nào là Fêôđo không vào buồng tiểu thư Vaninka, mặc dù đó không phải là một thói quen, một ân huệ được ban cho một thanh niên ở trong ngôi nhà như nhà quan lớn.
- Thường thường thì chính tao đã sai ông ấy vào.
- Bẩm vâng, vào ban ngày ạ! Nhưng còn... ban đêm thì sao?
- Ban đêm! Đại tướng kêu lên và đứng phắt dậy, mặt tái mét đến nỗi ông phải dựa vào một cái bàn mới đứng vững.
- Bẩm quan lớn vâng, ban đêm ạ! - Grêgoa bình tĩnh đáp. Và vì con đã bắt đầu nói lên một việc xấu, như quan lớn đã nói, con phải nói cho đầy đủ. Vả lại dù con có phải chịu một hình phạt mới ghê gớm hơn lần trước, con cũng không thể để cho người ta lừa dối được mãi một ông chủ nhân đức như quan lớn.
- Này, thằng nô lệ kia. Mày phải liệu hồn về lời nói của mày đấy. Tao hiểu cái dòng giống của mày lắm. Nếu chỉ vì muốn báo thù mà mày kết tội người ta, không có bằng chứng cụ thể chính xác và tích cực nữa thì mày sẽ bị trừng trị như một kẻ phản bội đấy.
- Con xin vui lòng.
- Mày đã trông thấy Fêôđo vào buồng con gái tao lúc ban đêm có phải không?
- Con không nói rằng con đã trông thấy ông ấy vào, mà là con đã trông thấy ông ấy đi ra.
- Bao giờ?
- Cách đây mười lăm phút ạ! Lúc con đi lên chỗ quan lớn.
- Mày nói láo. - Đại tướng hét và giơ quả đấm lên gí vào mặt Grêgoa.
- Bẩm quan lớn. - Grêgoa đáp lại - Như thế này thì không phải là giao ước của chúng ta ạ! Con sẽ chỉ bị trừng phạt khi nào con không có đầy đủ chứng cớ.
- Thế chứng cớ của mày đâu?
- Con đã thưa với quan lớn rồi đấy ạ!
- Mày hy vọng rằng tao tin vào lời nói của mày sao?
- Không đâu ạ! Nhưng con hy vọng rằng quan lớn sẽ tin vào cặp mắt của quan lớn.
- Như thế nào?
- Khi nào ông Fêôđo có trong buồng tiểu thư lúc ban đêm, con sẽ đến tìm quan lớn, và thế là quan lớn có thể tự suy xét con có nói láo không? Nhưng cho đến lúc này mọi điều kiện của sự việc con đã trình quan lớn, mọi thua thiệt đều về phía con cả.
- Thế là thế nào?
- Vâng ạ! Nghĩa là nếu con không có chứng cớ cụ thể, con sẽ bị xử tội như một tên phản bội, con vui lòng như vậy. Nhưng nếu con có đủ thì con được lợi gì?
- Một nghìn rúp và tự do của mi.
- Bẩm quan lớn, thế là thỏa thuận đôi bên. Con mong rằng trước tám ngày con sẽ được quan lớn minh xử cho con hơn buổi hôm nay.
Nói xong Grêgoa thu xếp dao kéo và đi ra, để lại vị đại tướng lo lắng một tai họa lớn sắp đè lên đầu.
Bắt đầu từ lúc ấy, đại tướng nghe ngóng từng câu, nghiên cứu từng cử chỉ trao đổi giữa Vaninka và Fêôđo trước mặt ông, nhưng không thấy gì có thể xác minh được nỗi lo âu của ông. Trái lại Vaninka có vẻ dè dặt và lạnh nhạt hơn bao giờ hết.
Tám ngày trôi qua như vậy. Trong đêm thứ tám rạng ngày thứ chín, vào quãng hai giờ sáng, có người gõ cửa buồng đại tướng, đó là Grêgoa. Hắn nói:
- Nếu ngay bây giờ quan lớn vào buồng tiểu thư sẽ bắt gặp Fêôđo trong đó.
Đại tướng tái người, mặc quần áo vào, không nói một câu, lặng lẽ đi theo Grêgoa đến tận cửa buồng con gái. Đến đó, ông khoát tay ra hiệu cho tên theo dõi đã tố cáo rút lui. Nhưng đáng lẽ phải đi khỏi nơi đó, hắn lại nấp vào một góc nhà.
Lúc đại tướng tưởng chỉ còn một mình, ông gõ cửa lần thứ nhất, thấy tất cả đều im ắng, sự im ắng đó chưa thể nói lên điều gì vì Vaninka có thể đang ngủ. Ông gõ lần thứ hai và thấy một giọng con gái hỏi rất bình tĩnh.
- Ai đó?
- Cha đây. - Đại tướng lên tiếng giọng cảm động.
- Anutka! - Cô gái gọi người chị em ngủ ở gian bên. - Dậy mở cửa cho cha tôi. Xin cha tha lỗi cho. Anutka còn phải mặc quần áo, chỉ một lát thôi ạ!
Đại tướng bình tĩnh chờ đợi vì ông nhận thấy không có gì là bối rối trong giọng nói của con gái mình và ông hy vọng là Grêgoa lầm.
Một lát sau cửa mở ra và đại tướng bước vào và nhìn rất lâu xung quanh ông. Trong gian thứ nhất chẳng có ai khác ngoài Vaninka vẫn đang nằm, có thể là cô xanh hơn thường ngày nhưng hoàn toàn bình tĩnh. Cô cất tiếng hỏi.
- Làm sao mà con có diễm phúc được cha tới thăm vào giờ này thế?
- Cha muốn nói với con về một vấn đề hệ trọng, mặc dù vào giờ này cha nghĩ rằng con cũng không oán cha đã làm con mất ngủ.
- Con gái cha lúc nào cũng vui sướng được đón tiếp cha vào bất cứ giờ nào!
Đại tướng lại nhìn xung quanh một lần nữa, ông thấy rằng không thể có một người đàn ông nấp kín được trong gian buồng thứ nhất này. Nhưng còn gian thứ hai.
- Con xin nghe cha đây: - Vaninka nói sau một phút im lặng.
- Được, nhưng chỉ có một mình hai cha con ta thôi chứ? Người ngoài không thể được nghe câu chuyện quan trọng này.
- Chỉ có Anutka thôi mà cha cũng biết là chị em với con.
- Cũng không được.
Đại tướng vừa nói vừa cầm lấy một cây nến đang cháy tiến sang gian buồng bên cạnh, gian này nhỏ hơn gian của con gái. Ông nói:
- Anutka, ra ngoài hành lang canh không để cho ai đến cửa phòng.
Nói xong ông đưa cặp mắt soi mói nhìn xung quanh, nhưng ngoài Anutka không còn ai khác.
Anutka ra ngoài rồi, đại tướng lại nhìn xung quanh một lần nữa rồi mới trở lại gian của con gái và ngồi xuống chân giường. Ông đưa tay cho con, Vaninka nắm lấy không chút lưỡng lự.
- Cha có một việc quan trọng muốn nói với con.
- Việc gì thế, thưa cha?
- Con sắp mười tám tuổi rồi, đó là tuổi mà những cô gái Nga quí tộc thường lấy chồng.
Đại tướng ngừng lại một lát để thăm dò xem câu nói đó tác động như thế nào đến Vaninka. Nhưng bàn tay cô vẫn như thường trong bàn tay ông, ông nói tiếp:
- Cha đã hứa hôn cho con từ một năm nay rồi.
- Con có thể biết được là với ai không? - Vaninka lạnh lùng hỏi.
- Với con trai ông cố vấn hiện nay, con thấy thế nào.
- Con thấy người ta nói anh ấy là một chàng trai cao thượng và có tư cách, nhưng con không thể có ý kiến nào khác ngoài ý kiến của mọi người.
- Vậy là con không chống lại ý cha chứ?
- Thưa không ạ! Nhưng con chỉ xin cha ban ơn cho con một điều.
- Điều gì vậy?
- Con không muốn lấy chồng trước tuổi hai mươi.
- Vì sao?
- Con đã có lời nguyền.
- Nhưng nếu có những biến cố cần thiết phải dứt bỏ lời nguyền để tiến hành lễ thành hôn đó thì con nghĩ sao?
- Biến cố nào ạ?
- Fêôđo yêu con. - Đại tướng nói và nhìn chằm chặp vào con gái.
- Con biết rồi. Cô gái trả lời thản nhiên như không liên can gì đến mình.
- Con biết rồi à? - Đại tướng kêu lên.
- Vâng, anh ấy đã nói với con.
- Bao giờ?
- Hôm qua ạ!
- Con trả lời thế nào?
- Anh ấy phải bỏ đi ra khỏi nơi đây.
- Nó có bằng lòng không?
- Thưa cha có ạ!
- Bao giờ nó đi?
- Anh ấy đi rồi ạ!
- Nhưng nó vừa gặp cha lúc mười giờ tối kia mà?
- Còn con, anh ấy vĩnh biệt con lúc nửa đêm.
- A! - Đại tướng nói và lúc này ông mới thở được đầy lồng ngực. - Con là một đứa con xứng đáng. Vaninka, cha chấp thuận đề nghị của con, nghĩa là hai năm nữa. Nhưng con nên nhớ rằng chính Hoàng đế là người quyết định cuộc hôn nhân này.
- Thưa cha, xin cha hiểu cho con, con là đứa con gái biết vâng lời thì không thể là một người dân phản động được.
- Tốt lắm, con gái yêu của cha ạ! Vậy là tên Fêôđo tội nghiệp nó đã thú hết với con rồi.
- Vâng ạ! - Con đã biết, trước tiên là nó nói với cha? - Vâng ạ!
- Vậy là qua nó mà con biết được con đã hứa hôn rồi? - Vâng ạ!
- Và nó đã đồng ý bỏ đi! Nó là một thanh niên tốt và cao thượng. Nó đi đến đâu cha cũng sẽ bảo trợ cho nó. Ôi! Giá mà cha chưa nhận lời, cha yêu nó quá! Và nếu con không chê nó, có thể cha sẽ gả con cho nó.
- Thế cha không thể lấy lại được lời hứa à? - Không thể được.
- Vậy thì điều gì cần đến, cứ để mặc nó, cha ạ! - Con phải nói như thế mới được. - Đại tướng vừa nói vừa cúi xuống hôn con. - Tạm biệt con, cha không hỏi con có yêu nó không. Cả hai các con đều đã làm tròn bổn phận, cha không đòi hỏi gì hơn.
Nói xong ông đứng dậy và đi ra. Anutka vẫn đứng ở ngoài hành lang, ông ra hiệu cho vào buồng rồi tiếp tục bước đi. Về đến buồng riêng, ông thấy Grêgoa đứng ở cửa buồng. Hắn hỏi:
- Bẩm quan lớn, thế nào ạ?
- Mày vừa đúng và vừa sai. Fêôđô yêu con gái tao thực, nhưng tiểu thư không yêu hắn. Hắn vào buồng tiểu thư lúc mười một giờ đêm, nhưng đã ra đi lúc mười hai giờ, và ra đi vĩnh viễn. Thôi, dù sao tao cũng cho mày được cuộc, ngày mai đến mà lĩnh thưởng.
Grêgoa ra về lòng đầy kinh ngạc.
Trong lúc đó Anutka vào buồng đóng chặt cửa lại. Lập tức Vaninka chồm dậy lao khỏi giường ngủ và đến gần cửa buồng ghé tai lắng nghe tiếng những bước chân của cha mình đi xa dần. Khi không còn nghe thấy gì nữa, cô liền chạy vào gian buồng Anutka và lập tức hai người phụ nữ cùng nhau bới đống quần áo đã bị ném vào trong khung cửa sổ, dưới đống quần áo là một cái hòm lớn có lò xo, Anutka ấn vào một cái khuy, Vaninka nâng nắp hòm lên. Cả hai cô đồng thanh rú lên một tiếng, hòm quần áo đã trở thành quan tài, chàng sĩ quan trẻ tuổi đã bị chết ngạt trong đó.
Hai cô hy vọng chàng chỉ mới bị ngất. Anutka lấy nước lã té vào mặt. Vaninka cho ngửi thuốc muối, tất cả đều không tác dụng. Trong thời gian nói chuyện quá lâu giữa hai cha con, Fêôđo không thể thoát ra được vì nắp hòm bị lò xo khóa lại, chàng đã bị thiếu không khí và chết ngạt.
Trong trường hợp này thật là khủng khiếp, hai cô gái ở trong buồng với một xác người con trai. Anutka đã viễn tưởng đến xứ sở Xibêri. Còn Vaninka thực tình mà nói, chỉ nhìn vào mặt Fêôđo. Cả hai cô đều tuyệt vọng.
Tuy nhiên nỗi tuyệt vọng của cô hầu ích kỷ hơn của cô chủ, Anutka liền tìm ra được một lối thoát cho cả hai, cô reo lên:
- Thưa cô chủ, chúng ta có lối thoát rồi! Vaninka ngẩng đầu lên và nhìn cô hầu với cặp mắt đẫm lệ:
- Thoát. Chúng ta có thể, nhưng còn chàng? - Xin tiểu thư hãy nghe em, tình cảnh của tiểu thư lúc này thật là khủng khiếp. Vâng, đúng là như thế. Tai họa thật là to lớn và em xin thú thật là nó còn có thể to lớn hơn nhiều nữa. Tình cảnh của tiểu thư còn có thể khủng khiếp hơn nữa nếu đại tướng biết được tất cả.
- Tao cần gì nào? Lúc này tao phải khóc chàng cho thấu đất trời!
- Vâng, nhưng để thấu được đất trời thì danh dự của tiểu thư còn đâu nữa. Ngày mai bọn nô lệ, ngày kia cả Pêtecbua sẽ biết là có một chàng trai chết ở trong buồng tiểu thư. Xin tiểu thư hãy nghĩ lại, danh dự của tiểu thư tức danh dự của ông nhà, của gia đình tiểu thư.
- Mày nói cũng có lý! Vậy phải làm sao bây giờ?
- Tiểu thư có biết Ivăng là anh ruột của em không?
- Có.
- Ta cần phải nói cho anh ấy biết.
- Mày nghĩ thế à? - Vaninka kêu lên. - Tiết lộ với một người đàn ông à? Một người gì, một tên nô lệ à?
- Tên nô lệ càng thấp hèn bao nhiêu, càng giữ được bí mật bấy nhiêu, vì hắn sẽ được hưởng nhiều nếu hắn biết giữ.
- Anh mày chỉ là một thằng say rượu: - Vaninka nói vừa sợ sệt lẫn khinh bỉ.
- Vâng, đúng thế! Nhưng chúng ta tìm đâu ra người tử tế để giao cho làm việc này? Anh em có nghiện rượu, nhưng chưa bằng nhiều tên khác, vậy không đáng sợ bằng những tên khác và bằng bất cứ tên nào khác! Vả lại, trong tình cảnh của chúng ta hiện nay cũng phải biết liều một chút chứ!
- Mày nói nghe được. - Vaninka đáp và dần dần lấy lại được lòng cả quyết vốn có và tăng lên đến mức nguy hiểm. - Vậy đi gọi anh mày đến đây.
- Sáng nay chúng ta chẳng làm gì được đâu. - Anutka vừa nói vừa vén màn cửa sổ lên. - Trời đã hửng sáng rồi.
- Nhưng còn xác chàng, ta làm thế nào được?
- Nó đã nấp kín được ở đâu, cứ nên để nguyên nó ở đấy cả ngày hôm nay. Buổi tối, lúc cô đi dự dạ hội trong triều, anh em sẽ đến mang nó đi.
- Phải đấy, phải đấy. - Vaninka lẩm bẩm với một giọng lạ lùng. - Tối nay ta sẽ đến dạ hội, người ta sẽ không nghi ngờ gì cả. Ôi, lạy Chúa.
- Xin tiểu thư giúp em với, mình em không đủ sức đâu.
Vaninka tái xanh đi một cách khiếp đảm. Nhưng do nguy hiểm thúc giục, cô cương quyết lại gần xác người yêu xốc hai bên vai lên, còn Anutka khiêng hai chân, đặt nó vào trong hòm. Lập tức Anutka đậy nắp và khóa lại, chìa
khóa đeo vào ngực. Rồi cả hai cô lại ném đống quần áo lên trên nắp hòm.
Mặt trời đã lên cao mà Vaninka vẫn không sao nhắm mắt được. Nhưng đến bữa ăn trưa cô vẫn cứ phải xuống buồng ăn để cha cô khỏi nghi ngờ. Sắc mặt cô chỉ tái xanh như người vừa ở nấm mồ chui lên. Đại tướng cho vì nguyên nhân mình đã làm con mất ngủ.
Một điều may mắn kỳ lạ đã xúi cô nói Fêôđo đã bỏ đi, vì đại tướng không những không ngạc nhiên về sự vắng mặt của viên võ quan hầu cận, mà sự vắng mặt của anh lại còn xác minh lời nói của con gái ông là đúng. Để có lý do cho sự vắng mặt ấy, ông tuyên bố đã phái anh đi làm nhiệm vụ xa. Còn Vaninka ở lại ngoài cho mãi đến lúc sắp đi mới vào buồng mình để trang điểm. Tám ngày trước đây cô đã cùng Fêôđo dự dạ hội trong triều.
Sau khi trang điểm xong, cô bảo Anutka khóa cửa buồng lại, vì cô muốn nhìn thấy lần cuối cùng người tình của mình. Anutka tuân lệnh và Vaninka trán đầy hoa, ngực đầy kim cương ngọc quý, nhưng dưới tất cả các cái đó, cô chỉ là một pho tượng giá lạnh. Cô tiến lên với những bước đi của con ma tới gian buồng cạnh. Anutka lại mở nắp hòm lên. Không một giọt nước mắt, không một tiếng thở dài, nhưng với một niềm lặng thinh sâu xa và vô tri của tuyệt vọng, Vaninka cúi xuống mặt người yêu, tháo lấy chiếc nhẫn thường của chàng đeo vào ngón tay mình giữa hai chiếc nhẫn tuyệt diệu, rồi hôn lên trán chàng và lẩm bẩm:
- Vĩnh biệt chồng chưa cưới của em!
Một lát sau Anutka nhìn thấy cỗ xe chở đại tướng và con gái ra khỏi cổng lâu đài. Cô đợi nửa giờ nữa rồi mới dám đi xuống tìm Ivăng. Cô gặp anh cô đang ngồi uống rượu cùng với Grêgoa. Grêgoa đã được đại tướng thưởng cho một ngàn rúp và trả lại tự do. May thay hai người chỉ mới bắt đầu bữa chén, đầu óc Ivăng còn tỉnh táo lắm nên Anutka không cần lo ngại gì.
Ivăng đi theo em gái lên phòng cô chủ. Đến đây cô mới nói hết với anh mình về sự rộng lượng của cô chủ với những ai trung thành với cô chủ. Một vài ngụm rượu mà Ivăng đã uống trước làm cho hắn sẵn sàng tỏ lòng biết ơn. Lời nói của Ivăng tỏ ra hoàn toàn và đầy đủ làm cho Anutka không còn lưỡng lự gì nữa, cô mở nắp hòm ra cho Ivăng thấy xác chết của Fêôđo.
Trước sự xuất hiện bất ngờ và khủng khiếp ấy, Ivăng lặng người đi một lúc, nhưng rồi hắn tính toán mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền, bao nhiêu thú vui từ điều bí mật này. Hắn liền thề với những lời thề thiêng liêng nhất là không bao giờ phản lại cô chủ, hắn nguyện làm mất tích xác chết như Anutka mong muốn.
Vấn đề thật là dễ dàng. Đáng lẽ quay lại uống rượu với Grêgoa cùng mấy đứa bạn, Ivăng đi chuẩn bị một xe trượt tuyết, chất lên trên đầy rơm, giấu dưới đáy một cái thuổng sắt, dắt xe lên cửa nhà và sau khi đã kiểm soát không bị ai theo dõi, hắn vào vác xác chết ra giấu vào trong đống rơm; trèo lên trên, ra mở cửa lâu đài, cho xe đi dọc phố Nepki rồi đẩy xe đến bờ sông Nêva, dừng xe trên mặt sông đóng băng, rút thuổng ra khoét một lỗ trên mặt băng. Sau khi đã lục túi áo xác chết lấy ra được một ít tiền, hắn đẩy nó xuống hố, đầu xuống trước, cho dòng sông Nêva cuốn đi ra vịnh Phần Lan. Công việc hắn làm được bóng đêm che phủ, chỉ một giờ nữa băng tuyết sẽ lấp đầy hố và không còn dấu vết gì nữa. Xong đâu đấy Ivăng ung dung trở về lâu đài.
Nửa đêm hai cha con Vaninka về nhà. Cô gặp Anutka trong phòng ngoài. Anutka đợi cô để cởi áo khoác. Vừa để cho cởi áo, Vaninka vừa đưa mắt dò hỏi. Cô hầu gật đầu tỏ dấu hiệu mọi việc đã xong xuôi.
Vaninka thở như mới được người ta nhắc cho một trái núi đang đè lên ngực mình. Cô về buồng, sau khi cửa buồng đã đóng lại, cô giựt hoa trên trán và các vòng ngọc trên cổ, cô lấy kéo cắt chiếc coócxê đã làm cô nghẹt thở, rồi cô nằm lăn ra giường và khóc nức nở.
Cơn thứ nhất qua đi, Vaninka cầu kinh. Cô quỳ một giờ. Rồi vì cô hầu nằn nì quá, cô đi nằm.
Anutka được giao nhiệm vụ thưởng cho anh. Nếu đưa một lúc một món tiền khá lớn cho kẻ nô lệ sẽ làm cho người ta phải để ý, do đó Anutka bảo với Ivăng khi nào cần đến tiền cứ đến hỏi.
Sau khi được tự do, Grêgoa mang số tiền nghìn rúp ra kinh doanh kiếm lời. Hắn tậu một quán ăn nhỏ ở phía bên kia sông. Nhờ tài khéo léo và quen biết nhiều ở Pêtecbua, hắn bắt đầu khá giả và ít lâu sau quán trọ nhỏ trở thành “Tiệm ăn Đỏ” được nhiều người biết đến. Một người khác đến thay thế Fêôđo hầu cận đại tướng và tất cả lại trở lại bình thường trong lâu đài bá tước đại tướng Chécmaylốp.
Hai tháng như vậy trôi qua, không một ai nghi ngờ về sự việc đã xảy ra. Bỗng một buổi sáng, đại tướng cho đòi con gái đến buồng ông. Vaninka giật mình sợ hãi, vì từ cái đêm khủng khiếp ấy, cái gì cũng có thể làm cô sợ hãi được.
Đại tướng chỉ có một mình, nhưng thoáng nhìn qua cô cũng biết là không có gì đáng lo ngại. Với vẻ bình tĩnh thường ngày, Vaninka lại gần cha, cúi đầu đưa trán cho cha hôn.
Đại tướng ra hiệu cho con gái ngồi xuống và đưa cho xem một bức thư đã mở rộng. Ngạc nhiên cô nhìn cha một lúc rồi mới quay xuống nhìn bức thư, nó nói về cái chết của một người đàn ông mà cô đã hứa hôn, bị chết trong một trận đấu kiếm.
Đại tướng theo dõi ảnh hưởng của bức thư trên nét mặt con gái. Mặc dù mạnh mẽ đối với bản thân, nhưng biết bao ý nghĩ mung lung, biết bao nỗi luyến tiếc đau thương, biết bao hối hận đắng cay đến xâm chiếm lòng cô khi biết rằng mình đã được tự do, làm cho cô không thể nào che giấu được mối xúc động. Thấy vậy đại tướng lại cho là do tình yêu của con gái đối với thanh niên Fêôđo, ông mỉm cười nói:
- Thôi, thế là cha thấy mọi việc đều tốt lành cả!
- Cha nói thế là thế nào ạ?
- Tất nhiên là thế. Phải chăng Fêôđo phải xa con vì yêu con?
- Vâng, - Vaninka khẽ thì thào.
- Nếu vậy bây giờ nó có thể trở lại được chứ sao.
Vaninka câm bặt, mắt mở trừng trừng, cặp môi run run, một lúc sau mới nói được:
- Trở lại...
- Phải, trở lại! - Đại tướng mỉm cười nói tiếp. - Hoặc là chúng ta gặp sự chẳng lành, hoặc là chúng ta tìm được trong nhà này kẻ nào biết Fêôđo hiện đang ở đâu. Con tìm hiểu xem, Vaninka. Nói cho cha biết nó hiện ở đâu, cha sẽ đảm nhiệm phần còn lại.
- Chẳng ai có thể biết được hiện chàng ở đâu. - Vaninka nói giọng âm u - Không ai có thể biết được, trừ... Thượng đế. Vâng chỉ có Thượng đế.
- Thế nào! - Đại tướng kêu lên. - Từ ngày nó bỏ đi, không có thư từ tin tức gì về à?
Vaninka lắc đầu, cô cảm thấy tim mình thắt lại nên không nói được nên lời.
Cùng ngày hôm đó, đại tướng tâu lên với Hoàng đế, kể cho Người nghe mối tình Fêôđo với con gái mình, nay vì người hứa hôn thứ nhất đã chết rồi, xin được phép cho con gái tùy ý lựa chọn. Hoàng đế chấp thuận. Thấy Hoàng đế đang trong lúc dễ dãi, ông lại tâu xin thêm một việc nữa. Ông tâu rằng từ hai tháng nay Fêôđo mất tích, tất cả mọi người, kể cả con gái ông cũng không biết chàng hiện đang ở đâu, ông đề nghị cho người đi tìm kiếm. Lập tức Hoàng đế cho vời ông thanh tra mật thám đến và ban những chỉ thị cần thiết.
Sáu tuần lễ trôi qua không đem lại kết quả gì.
Từ ngày được đọc bức thư về cái chết của người đã hứa hôn, Vaninka buồn bã âu sầu hơn bao giờ hết. Đôi khi đại tướng muốn đem lại cho con gái một vài hy vọng, cô chỉ lắc đầu và rút lui. Đại tướng thôi không nói đến Fêôđo nữa.
Nhưng ở trong nhà thì không thể như thế được, Fêôđo được bọn gia nhân yêu mến, chỉ trừ có Grêgoa, không một ai muốn chàng gặp phải điều chẳng lành. Do đó từ khi người ta biết chàng không được đại tướng phái đi làm nhiệm vụ mà lại mất tích là nguồn đề tài vô tận của những cuộc bàn tán ngoài phòng, trong bếp và trong chuồng ngựa.
Còn một nơi nữa người ta rất quan tâm đến vấn đề ấy, đó là “Tiệm ăn Đỏ”. Từ ngày biết cuộc ra đi bí mật ấy, Grêgoa lại bắt đầu thắc mắc. Hắn chắc chắn là đã có trông thấy Fêôđo vào buồng tiểu thư Vaninka và nếu chàng không đi ra lúc hắn đến buồng đại tướng tại sao đại tướng lại không gặp chàng trong buồng tiểu thư? Một vấn đề nữa cũng làm hắn phải suy nghĩ, có thể là một sự trùng hợp nào đó với sự kiện ấy, là sự chi tiêu của Ivăng từ thời đó, một sự chi tiêu kỳ lạ đối với một tên nô lệ, mà tên nô lệ đó lại là anh ruột của người chị em thân mến đồng thời lại là hầu phòng của tiểu thư, làm cho Grêgoa không thể không nghi ngờ về nguồn gốc số tiền của Ivăng. Một điểm làm hắn phải tăng thêm lòng nghi ngờ, đó là mặc dù Ivăng là bạn rất thân của hắn, đồng thời còn là kẻ học nghề chăm chỉ nhất của hắn, thế mà hắn chẳng bao giờ nghe Ivăng nói đến Fêôđo cả. Ivăng im lặng khi người ta nói đến ngay trước mặt hắn, và nếu có bị người ta hỏi dồn cũng chỉ thấy trả lời cộc lốc: “Thôi ta nói sang vấn đề khác”.
Ngày hội Vua Chúa, Ivăng lợi dụng cơ hội đó đến “Tiệm ăn Đỏ”.
Tiệm ăn của Grêgoa rất đông khách và Ivăng được đón tiếp rất nhiệt tình vì người ta biết trong túi hắn lúc nào cũng đầy. Lần này cũng vậy, vừa mới đến hắn đã vỗ túi kêu xủng xẻng làm mọi người thèm thuồng. Nghe thấy tiếng ấy, Grêgoa đã chạy ra mỗi tay một chai rượu. Hắn sốt sắng nhất vì hắn biết nếu khách hàng là Ivăng, hắn có hai đều lợi: vừa là chủ bán hàng, vừa là khách được mời. Ivăng không hẹp hòi gì mời luôn cả chủ tiệm cùng ngồi đánh chén.
Câu chuyện lao vào vấn đề nô lệ. Ivăng đã ngà ngà say liền bốc đồng.
- Mẹ kiếp. Tớ thấy có nô lệ còn tự do hơn cả chủ!
- Cậu nói thế là thế nào? - Grêgoa vừa hỏi vừa rót đầy rượu vào cốc của Ivăng.
- Tớ muốn nói sung sướng hơn - Ivăng vội vàng đáp.
- Vấn đề ấy khó chứng minh lắm - Grêgoa ra vẻ nghi ngờ.
- Tại sao? Các ông chủ của chúng ta... khi mới lọt lòng đã bị treo vào tay ba thầy đồ: Pháp, Đức, Anh. Các ông bé có yêu họ hay không cũng phải ở với họ đến năm mười bảy tuổi, và dù thích hay không thích cũng phải học ba thứ tiếng man rợ so với thứ tiếng Nga đẹp đẽ của chúng ta, để rồi học tiếng này quên tiếng kia. Thế rồi cậu chủ của chúng ta có muốn làm này làm nọ thì phải đi lính cái đã. Nếu là chuẩn úy phải là nô lệ cho trung úy. Nếu là trung úy phải là nô lệ cho đại úy, vân vân... cứ thế tiến đến Hoàng đế mới chẳng phải làm nô lệ cho ai nữa. Nhưng một ngày nào đó bị người ta bắt gặp trên bàn ăn, trên đường dạo chơi, hay trên giường ngủ, người ta bỏ thuốc độc, người ta đâm chém, người ta bóp cổ. Như thế mà gọi là sống à? Còn nô lệ chúng ta thì sao? Lọt lòng mẹ ra, đó là nỗi đau đớn độc nhất chúng ta gây cho mẹ chúng ta, còn thì phó mặc cho chủ hết. Chính chủ ta nuôi ta. Nếu chúng ta ốm đau? Thầy thuốc của chủ chữa cho chúng ta không lấy tiền, vì nếu chúng ta mà chết thì chủ thiệt. Chúng ta được hưởng bốn bữa cơm mỗi ngày. Đêm đêm lại trèo lên bếp lò ngủ cho ấm. Nếu chúng ta mê gái, chẳng cần ai ngăn cấm chúng ta cả trừ phi là cô nàng. Nếu cô nàng bằng lòng thì chủ chúng ta vội vã cho cưới thật nhanh vì mong cho chúng ta đẻ được thật nhiều con. Nếu chúng ta có con thì con chúng ta lại đi theo con đường của chúng ta. Các cậu thử tìm hộ tớ có vị lãnh chúa nào lại sướng hơn nô lệ của mình nào!!!
- Phải, phải! - Grêgoa nói và rót thêm cho hắn một cốc rượu. - Nhưng với tất cả các điều đó, cậu lại không được tự do.
- Tự do gì nào? - Ivăng hỏi.
- Tự do muốn đi đâu thì đi, muốn đi lúc nào cũng được.
- Tớ ấy à? Tớ tự do như không khí! - Ivăng đáp.
- Được thôi! - Grêgoa nói. - Cứ cho là người ta ban cho cậu những cái đó thì cậu lại không có tiền.
- Không đời nào! - Ivăng nói và nốc thêm một cốc rượu.
- Không bao giờ Ivăng này thiếu tiền chừng nào mà trong túi tiểu thư còn một đồng Kôpếch.
- Tớ không biết tiểu thư lại rộng rãi đến thế kia đấy!
Grêgoa nhận xét và chua chát.
- Ô, trí nhớ của cậu tồi quá! Cậu cũng biết rằng tiểu thư chẳng thiết gì đến bạn bè, chứng cớ vụ phạt roi...
- Tớ không muốn nhắc đến đấy! - Grêgoa nói tiếp. - Đòn roi thì tớ biết tiểu thư rộng rãi lắm, nhưng còn tiền thì lại khác, tớ chưa hề trông thấy màu sắc đồng tiền của tiểu thư nó thế nào đâu!
- Vậy thì cậu có muốn xem màu sắc đồng tiền của tớ không? Ivăng nói mỗi lúc một say thêm. - Đây là những đồng Kôpếch, đây là những tờ xanh trị giá năm rúp, đây là những tờ hồng trị giá hai mươi nhăm rúp. Và ngày mai nếu cậu muốn, tớ sẽ mang cho cậu xem tờ trắng trị giá năm mươi. Nào ta uống chúc sức khỏe tiểu thư.
- Sự việc đó nói lên Ivăng có duyên thầm đây! - Hai người nô lệ ở nhà đại tướng nói: - Vì người ta coi hắn cứ như ông chúa ấy!
- Vì cậu ta là anh của Anutka đấy mà! - Grêgoa nói. - và Anutka lại là chị em với tiểu thư.
- Có thể là như vậy. - Hai người nô lệ kia đáp. - Vì lẽ đó hay vì lẽ khác, Ivăng nhấn mạnh, cuối cùng cũng vẫn là như thế, không thể khác được.
- Phải! - Grêgoa nói. Nhưng nếu em gái cậu chết! - Nếu em gái tớ mà chết thì quả là đáng tiếc, vì em tớ là một cô gái tốt. Chúc sức khỏe em gái tớ nào. Nhưng em gái tớ mà chết, sự việc cũng sẽ chẳng thay đổi gì cả. Chính là vì người ta trọng tớ. Mà người ta trọng tớ là vì người ta sợ tớ, có thế thôi!
- Người ta sợ ông chúa Ivăng, a ha! - Grêgoa phá lên cười. - Kết quả là nếu chúa Ivăng chán không muốn lệnh nữa và đến lượt mình ra lệnh, thế là người ta lại chấp hành lệnh của chúa Ivăng đây!
- Có thể! - Ivăng đáp. - Hắn nói: có thể! - Grêgoa nhắc lại và cười to hơn. - Hắn nói: có thể! Các cậu đã nghe rõ chưa?
- Nghe rõ rồi! - Hai người nô lệ kia chỉ trả lời được cộc lốc như thế là vì họ nốc nhiều rượu say quá.
- Này, tớ không nói: có thể nữa, mà bây giờ tớ nói chắc chắn.
- A, tớ muốn biết rõ như thế lắm! - Grêgoa chỉ cần có vậy. Tớ vui lòng mất thứ gì để có thể biết được thế lắm.
- Nếu vậy thì cậu đuổi hết bọn kia đi, chúng chỉ biết uống và say như những con lợn! Rồi cậu sẽ được biết mà chẳng cần mất gì hết.
- Chẳng mất gì! - Grêgoa nói. - Cậu đùa đấy à? Dễ thường cậu cho là tớ mời họ uống không đấy hẳn?
- Vậy thì cậu cứ uống đi. Từ giờ đến nửa đêm bọn chúng có thể uống được bao nhiêu cái thứ rượu nhạt như nước ốc này của cậu?
- Cũng vào khoảng hai mươi rúp. - Đây, cầm lấy ba mươi! Tống cổ bọn chúng ra đi, chỉ còn lại chúng mình với nhau thôi.
- Này các bạn ơi! - Grêgoa vừa nói vừa rút đồng hồ ra như để xem giờ- Sắp nửa đêm rồi, các bạn đã biết lệnh của quan tổng trưởng rồi đấy, vậy các bạn về đi thôi!
Mọi người khách hàng rút lui ngay mà chẳng hề phàn nàn. Còn lại một mình Grêgoa và Ivăng cùng hai người nô lệ nữa của nhà đại tướng.
- Thế nào? - Grêgoa giục. - Bây giờ chỉ còn mình hai ta, cậu định làm gì nào?
- Cậu sẽ thấy thế nào nếu như, mặc đêm khuya, mặc trời rét và mặc dù chúng ta chỉ là nô lệ, tiểu thư cũng sẽ rời khỏi lâu đài lặn lội đến đây để uống một cốc rượu với chúng ta?
- Tớ thấy là cậu nên lợi dụng cơ hội đó để nói với tiểu thư là mang theo đến đây một chai rượu, hẳn là trong hầm rượu nhà đại tướng có loại hảo hạng hơn của tớ.
- Có loại ngon hơn nhiều đấy! - Ivăng nói ra vẻ chắc chắn lắm. - Và tiểu thư sẽ mang một chai đến đây.
- Cậu điên rồi đấy!
- Hắn điên rồi thật. - Hai người nô lệ kia cũng nhắc lại như cái máy.
- Tớ mà điên à! - Ivăng cự lại. - Cậu có dám đánh cuộc không?
- Cuộc gì nào?
- Tớ mất cho cậu hai trăm rúp. Ngược lại cậu mất cho tớ một năm thả cửa uống rượu không mất tiền.
- Được! - Grêgoa trả lời.
- Chúng tớ có được tham dự không? - Hai người nô lệ kia hỏi.
- Có chứ. - Ivăng gật đầu. - Vậy thì giảm thời hạn xuống sáu tháng, được chứ?
- Được lắm! - Grêgoa đáp.
Hai người đánh cuộc đập bàn tay vào nhau, thế là thỏa thuận cả. Sau đó Ivăng khoác áo ra đi. Nửa giờ sau hắn lại xuất hiện. Grêgoa và hai người nô lệ kia cùng cất tiếng hỏi:
- Thế nào?
- Tiểu thư đi sau tớ!
Ba tên nhìn nhau hốt hoảng. Còn Ivăng bình tĩnh vào ngồi giữa bọn chúng, rót một cốc rượu khác rồi nâng cốc lên nói:
- Chúc sức khỏe tiểu thư! Thật là điều vinh dự cho chúng ta được tiểu thư tới thăm trong một đêm giá rét tuyết phủ đầy trời như thế này.
Một giọng trong trẻo phía ngoài cửa nói:
- Anutka, gõ vào cửa này và hỏi xem có tên đầy tớ nào của ta còn ở đây không?
Grêgoa và hai tên đầy tớ kia rụng rời nhìn nhau, chúng vừa nhận ra tiếng nói của tiểu thư Vaninka.
Anutka mở cửa ra rồi nói:
- Thưa tiểu thư, có anh của em và cả Đanien và Alếchzit nữa.
Vaninka bước vào nói với một nụ cười kỳ lạ:
- Chào các bạn! Thấy nói các bạn uống rượu để chúc sức khỏe tôi, tôi đến để góp thêm phần vui vẻ với các bạn. Đây là một chai rượu cổ của Pháp mà tôi đã chọn được trong hầm rượu của cha tôi. Đưa cốc đây nào!
Grêgoa và hai tên nô lệ kia chấp hành một cách chậm chạp vì do dự và kinh ngạc. Còn Ivăng đưa mạnh cốc của hắn ra với một vẻ ngạo mạn. Vaninka đích thân rót đầy rượu vào từng cốc một. Thấy chúng còn do dự, cô liền nói:
- Nào các bạn, uống mừng tôi đi. - Hoan hô!
Giọng nói dịu dàng và thân mật của một tiểu thư dòng dõi quý tộc làm chúng reo lên và uống một hơi cạn cốc. Tức thì Vaninka lại rót cho chúng một cốc nữa rồi để chai xuống bàn và nói:
- Các bạn cứ uống hết chai rượu này đi, không phải lo đến tôi. Tôi và Anutka đến cạnh bếp lò đợi cho cơn bão này qua đi.
Grêgoa muốn đứng lên để đẩy mấy chiếc ghế tới bếp lò, nhưng hoặc là do hắn quá say, hoặc là do tác dụng của chất thuốc mê hòa lẫn vào rượu, hắn lại ngồi phịch xuống, muốn thì thào vài câu xin lỗi cũng không nói nổi nên lời.
- Thôi thôi - Vaninka nói - Không phải phiền đến các anh. Cứ uống đi, uống nữa đi các bạn!
Lợi dụng sự mời mọc ân cần đó, bọn chúng cạn hết chai rượu trước mặt. Grêgoa vừa cạn xong cốc của hắn liền gục xuống bàn.
- Tốt rồi. - Vaninka nói. - Thuốc phiện đã tác dụng rồi! - Nhưng ý định của tiểu thư là thế nào? - Anutka hỏi. - Lát nữa mi sẽ biết.
Một lát sau hai tên nô lệ kia cũng gục theo Grêgoa. Ivăng còn lại cuối cùng, hắn cố gắng hát để chống lại cơn buồn ngủ. Nhưng chẳng mấy chốc lưỡi hắn đã ríu lại, cặp mắt hắn nhắm tít lại không thể nào cưỡng được nữa. Cuối cùng hắn cũng ngã ra mê man bất tỉnh bên cạnh đồng bọn.
Lập tức Vaninka đứng lên nhìn bọn chúng với cặp mắt nẩy lửa rồi gọi tên từng đứa một, chẳng đứa nào trả lời. Thế là cô vỗ tay một cách vui vẻ.
- Đã đến lúc rồi đó!
Nói xong cô đi sâu vao trong nhà ôm ra một bó rơm để vào một góc buồng. Cô lại làm như thế cho cả bốn góc, rồi tới bếp lò rút ra một cành thông đang cháy rừng rực, cô châm lửa đốt cả bốn bó rơm chất ở bốn góc nhà. Anutka kêu lên:
- Trời ơi, tiểu thư làm gì vậy?
- Ta chôn vùi bí mật của chúng ta dưới đống tro.
- Nhưng còn anh của em, người anh tội nghiệp của em?
- Anh mày là một thằng phản bội. Nó đã phản lại chúng ta. Để nó sống thì chúng ta sẽ phải chết.
- Ôi anh ơi!...
- Mày có muốn chết với nó thì cứ việc! - Vaninka lạnh lùng nói.
- Kìa cháy kìa, tiểu thư ơi!
- Ta ra khỏi nơi đây thôi!
Vaninka nói và kéo theo cô hầu đang khóc sướt mướt và ném chiếc chìa khóa cửa ra xa vào đống tuyết.
- Trời ơi! - Anutka kêu lên. - Chúng ta về nhà nhanh lên. Em không thể nhìn được cái cảnh khủng khiếp này.
- Trái lại. - Vaninka nói và nắm chặt cổ tay cô hầu giữ lại với sức lực như của đàn ông. Chúng ta phải ở lại cho đến khi nào cái nhà này sập xuống, cho đến khi nào chúng ta chắc chắn là không có một tên nào thoát chết.
- Lạy Chúa! - Anutka quì xuống và kêu lên. - Xin Chúa rủ lòng thương anh con vì Thần chết đã bắt anh ấy đi trước khi được chuẩn bị để lên chầu Chúa.
- Phải. Phải, mày cứ cầu nguyện đi, vì tao muốn tiêu diệt cái phần xác của chúng chứ không phải cái phần hồn. Cứ cầu nguyện đi, ta cho phép đấy.
Và Vaninka đứng thẳng người, hai tay khoanh trước ngực, toàn thân rực sáng trước ánh lửa của đám cháy, còn Anutka quì và cầu nguyện.
Đám cháy không lâu vì nhà toàn bằng gỗ và ván ghép như những nhà nông dân Nga, cho nên ngọn lửa xuất hiện từ bốn góc được cơn gió kích thích, chẳng mấy chốc đã trở nên một lò lửa cháy đùng đùng. Vaninka theo dõi đám cháy đang ngày càng lan to ra, luôn luôn run sợ phải nhìn thấy một bóng ma cháy hừng hực lao ra khỏi đống lửa. Sau cùng mái nhà sập xuống và Vaninka hết mọi lo lắng, ung dung lên đường về lâu đài đại tướng.
Hôm sau cả Pêtecbua đồn ầm lên về vụ cháy “Tiệm ăn Đỏ”. Người ta lôi ra dưới đống tro bốn xác chết cháy đen thui. Vì ở nhà đại tướng có ba nô lệ không thấy về nhà, người ta tin là ba xác chết thui không còn nhận diện được đúng là Ivăng, Đanien và Alếchzit, còn xác thứ tư chắc chắn là Grêgoa.
Nguyên nhân vụ cháy còn là điều bí mật đối với mọi người. Căn nhà cháy ở biệt lập, đêm hôm bão tuyết không người đi lại trên đường nên không một ai gặp được hai phụ nữ. Vaninka tin tưởng vào cô hầu, vậy là điều bí mật của cô chết theo với Ivăng.
Nhưng rồi nỗi ăn năn chiếm chỗ của lòng sợ hãi, cô thiếu nữ ấy cứng rắn là thế trước biến cố lại không đủ sức để chống lại ký ức của mình. Cô cảm thấy nếu đem đặt bí mật về tội ác của mình vào trong lòng một cha cố, cô sẽ trút được một gánh nặng kinh khủng. Do đó cô đi tìm một giáo trưởng nổi tiếng về lòng từ thiện và cô thú hết mọi sự việc đã qua.
Giáo trưởng sửng sốt trước câu chuyện đó. Lòng độ lượng của Chúa trời là không bờ bến, nhưng của loài người thì lại có hạn định. Giáo trưởng từ chối không ban cho Vaninka lễ rửa tội mà cô yêu cầu.
Lời từ chối đó thật là khủng khiếp, nó sẽ làm cho Vaninka phải xa lánh giáo đường. Sự xa lánh đó sẽ làm người ta để ý và qui nguyên nhân do một tội ác nào đó ghê gớm lắm.
Vaninka quỳ xuống chân giáo trưởng và nhân danh cha cố mà tội ác của cô sẽ làm mất danh dự, cô cầu xin giáo trưởng làm sao cho giảm nhẹ sự khắc nghiệt của những lời phán đoán ấy.
Giáo trưởng suy nghĩ rất lâu rồi tìm ra một biện pháp để dung hòa. Vaninka sẽ đến Thánh đường cùng với nhiều cô gái khác. Giáo trưởng sẽ dừng lại trước mặt cô như trước mặt những cô gái khác, nhưng chỉ để nói với cô: “Hãy cầu nguyện và khóc đi”. Những người có mặt tại đây sẽ tưởng nhầm là cô đã nhận được Thánh thể của Chúa Jêsu. Chỉ có thể như thế được đối với Vaninka.
Buổi xưng tội đó tiến hành vào lúc bảy giờ tối. Sự tĩnh mịch của nhà thờ cộng với bóng tối của ban đêm, đã tạo cho giáo trưởng một vẻ dữ tợn. Ông về đến nhà mặt mũi tái mét và toàn thân run rẩy. Vợ ông là Elizabet vừa mới đặt lưng nằm vào buồng bên cạnh đứa con gái lên tám tuổi tên là Arina.
Nhìn thấy ông chồng, bà kêu lên một tiếng vì thấy ông tiều tụy và thay đổi nhiều quá. Giáo trưởng tìm cách làm yên lòng vợ, nhưng giọng ông run run càng làm cho bà vợ thêm hãi hùng. Hôm qua bà nhận được tin mẹ bà ốm, bà tưởng chồng đã nhận được tin gì xấu. Hôm nay là ngày thứ hai, một ngày đen đủi đối với người Nga. Sáng hôm nay, lúc đi ra ngoài bà lại gặp một người để tang, toàn là những điềm gở báo tin chẳng lành.
Bà Elizabet khóc nức nở và kêu lên: “Mẹ tôi chết rồi phải không?”. Giáo trưởng cố gắng làm yên lòng vợ, ông nói xúc động không phải vì nguyên nhân ấy. Nhưng bà vợ chỉ tập trung vào một ý nghĩ, bà chỉ đáp lại bằng một câu muôn thuở: “Vậy là mẹ tôi chết rồi!”.
Thế là để xua đi nỗi đau đầu ấy, giáo trưởng thú nhận là ông bị xúc động vì mới được nghe câu chuyện về một tội ác trong buổi xưng tội vừa qua, nhưng vợ ông cứ lắc đầu lia lịa nói rằng ông bịa chuyện để che giấu điều bất hạnh của bà.
Thế là cơn của bà lại nổi lên dữ dội hơn. Nước mắt đã ngừng chảy, nhưng sự co giật lại bắt đầu. Ông đành lòng phải bảo bà thề giữ bí mật nhưng bí mật thiêng liêng của lời xưng tội đã bị tiết lộ.
Nghe thấy tiếng kêu khóc của mẹ, bé Arina đã thức dậy. Em vừa lo lắng vừa tò mò về sự việc xẩy ra giữa cha mẹ liền trở ra nghe ở cửa buồng và em đã nghe được hết.
Thế là sự bí mật về thái độ đã được dập tắt, nhưng về một tội ác thì lại được lan truyền.
Ngày lễ ban thánh thể đã tới, nhà thờ Xanh Ximông đầy những con chiên. Vaninka đến quì ở trước bao lơn ban đồng ca, đằng sau là cha cố và các võ quan hầu, sau nữa là các gia nhân.
Em Arina cũng vào trong nhà thờ cùng với mẹ. Em tò mò muốn xem mặt Vaninka mà em đã được nghe tên trong câu chuyện ghê gớm nghe lỏm được đêm hôm nào. Trong lúc mẹ em đang cầu kinh, em rời chỗ ngồi, lách mình trong các con chiên và tới được tận bao lơn. Tới đây, em bị gia nhân của đại tướng ngăn lại. Nhưng chẳng khi nào em chịu dừng lại dọc đường, em cố vượt qua tay bọn họ, họ quyết cản lại, thế là xảy ra xô xát. Một gia nhân nổi nóng đẩy em ra một cái thật mạnh làm em vướng ngã đập đầu vào một thành ghế. Đau quá, bươu cả đầu, em đứng dậy và kêu lên:
- Hãnh diện nhỉ! Có phải tại anh ở nhà cái bà đã đốt cháy “Tiệm ăn Đỏ” phải không?
Những câu nói đó được phát biểu rất to giữa chốn im lặng trong buổi lễ thánh làm cho tất cả mọi người đều nghe thấy một tiếng kêu đáp lại: Vaninka vừa bị ngất xỉu.
Hôm sau đại tướng quì dưới chân Pôn đệ nhất, kể cho Hoàng đế cũng là quan tòa nghe tất cả câu chuyện dài và ghê gớm ấy mà Vaninka bị đè bẹp dưới cuộc giằng xé nội tâm lâu dài, đã thổ lộ với cha trong đêm xẩy ra sự kiện trong nhà thờ buổi lễ Thánh.
Sau sự thú nhận kỳ dị ấy, Hoàng đế suy nghĩ một lát rồi đứng lên đi lại bàn giấy viết một quyết định như sau:
“Giáo sĩ đã vi phạm điều không được vi phạm, nghĩa là sự bí mật của xưng tội, bị đi đầy sang Xibêri và bị tước bỏ mọi giáo chức. Bà vợ cũng phải đi theo vì bà phạm tội đã không tôn trọng đặc tính của một giáo sĩ. Em bé gái không phải xa bố mẹ.
“Anutka, người hầu phòng gái, cũng phải đi sang Xibêri vì đã không báo cho ông chủ biết về hành vi của cô chủ.
“Tôi dành cho đại tướng tất cả sự tín nhiệm của tôi. Tôi phàn nàn và buồn phiền cho ông vì ông đã gặp phải một đòn khốc liệt.
“Còn về Vaninka, tôi không biết bắt phạt cô về hình tội gì. Tôi chỉ thấy ở cô người con gái của một quân nhân dũng cảm suốt đời hy sinh cho sự nghiệp của Tổ quốc. Vả lại trong sự phát hiện tội ác, có điều gì kỳ lạ, nó đặt phạm nhân ra ngoài vòng nghiêm trị của tôi. Tôi muốn tự phạm nhân sẽ dành cho mình một hình phạt thích đáng. Nếu tôi hiểu rõ đặc tính ấy, nếu phạm nhân còn có chút tư cách nào, thì tâm hồn và lòng hối hận sẽ vạch cho mình con đường phải theo”.
Pôn Đệ nhất trao quyết định để ngỏ ấy cho đại tướng và truyền cho ông mang đến cho bá tước Palen, thống đốc Pêtecbua.
Hôm sau lệnh của Hoàng đế được thi hành. Vaninka tự giam mình trong một nhà tu kín. Cuối năm đó cô chết vì tủi nhục và đau khổ. Còn đại tướng thì hy sinh ở trận Auteclit.
CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ
Những chi tiết trong câu chuyện bi thảm này cũng như những lời phán xét của Pôn Đệ nhất, chúng tôi đều mượn trong tác phẩm nổi tiếng xuất bản cách đây mấy chục năm dưới đầu đề “Người ẩn dật ở nước Nga” của ông Đuyprê đờ Xanhmô.