Loài chuột nhắt chẳng bao giờ ý thức được cái bẫy khi chúng lọt vào. Liệu có bao giờ chúng sa bẫy nếu chúng biết là người ta đã giăng sẵn một cái chờ chúng không? Và ngay cả khi chúng bị mắc bẫy rồi mà dường như chúng cũng không hiểu nổi chúng đang ở đâu và vẫn tiếp tục giãy giụa, điên cuồng, thò cái mõm nhỏ xíu đầy râu ria của chúng ra khỏi những then sắt, kêu chít chít chói tai trong một cố gắng tuyệt vọng hòng kiếm đường tẩu thoát.
Trái lại, khi con người bắt đầu tranh tụng, hắn hiểu rất rõ rằng hắn đang bước vào một cái bẫy sập. Nhưng trong khi con chuột tranh đấu thì con người lại bất động – dĩ nhiên chỉ thân thể bất động mà thôi; bên trong – nghĩa là tinh thần – hắn hành xử giống hệt con chuột nhắt, nếu không tệ hơn thế.
Quả thực đó là điều đang xảy ra với cái đám thân chủ kia, người đầm đìa mồ hôi và bị ăn tươi nuốt sống bởi bầy ruồi nhặng và nỗi buồn chán, đang ngồi vào buổi sáng oi nồng ấy trong phòng đợi của luật sư Zummo, chờ đến phiên mình tham vấn ông ta.
Không người nào rời khỏi ghế ngồi, nhưng những cái nhìn đầy hờn căm sôi sục họ trao đổi nhau khiến người ta không còn hồ nghi gì về tâm tư họ. Người nào cũng muốn độc quyền giành luật sư cho riêng mình, và người nào cũng cảm thấy rằng, với bao nhiêu là thân chủ thế kia để phải thẩm vấn thì thời giờ dành cho tất cả bọn họ có được bao lăm. Vả lại, với cái đám đông lúc nhúc kia phải đương đầu, với cái nóng khiếp đảm 90 độ trong bóng rợp này, với biết bao nhiêu điểm dị biệt phải tranh luận, liệu tâm trí luật sư có còn sáng suốt như vụ kiện đòi hỏi chăng?
Mỗi lần viên thư ký đang ngồi ở bàn ghi ghi chép chép với một tốc độ điên khùng, liếc nhìn cái đồng hồ lớn trên tường, thì vài ba thân chủ lại buồn bã thở dài, trong khi những người khác, mệt lả vì hơi nóng và sự chờ đợi đằng đẵng, vẫn cứ dán mắt vào những kệ sách bụi bặm chồng chất giấy tờ pháp lý – tai họa và sự tán gia bại sản của biết bao nhiêu gia đình bất hạnh. Những người khác nữa, cố gắng tỏ ra lãnh đạm thờ ơ hờ hững thản nhiên, nhòm qua những tấm màn che cửa sổ màu xanh ngoài đường phố nơi người ta đi lại vui vẻ và vô tư lự trong khi đó thì họ lại…Phì! – và với một cử chỉ giận dữ họ điên tiết gạt phăng những con ruồi mà hơi nóng và mồ hôi dầm dề đã làm cho chúng trờ nên man dại và hăng máu hơn bao giờ.
Nhưng lộn xộn hơn cả bầy ruồi là đám con trai nhỏ của luật sư, một thằng nhóc lên mười, chân đi đất, đầu bù tóc rối, hiển nhiên vừa từ căn nhà kế cận chạy qua để làm vui cho thân chủ của papa.
"Tên em là gì?" "Cái hộp nhỏ đeo ở cổ đó là cái gì vậy?" "Làm sao mở nó?" "Ở trong đó có gì vậy?" "Một lọn tóc à?" "Tóc của ai thế?" "Tại sao em lại giữ nó?"
Thế rồi, vừa nghe thấy tiếng papa đang tiến lại gần cửa để tiễn một người khách quan trọng nào đó, thằng bé vội chui tọt xuống gầm bàn, trốn sau chân người thư ký.
Mọi người trong phòng đợi đều tất bật đứng dậy, mỗi thân chủ đều khẩn khoản nhìn luật sư, ông này vừa giơ cả hai tay lên vừa nói: "Kiên nhẫn, các bạn, từng người một."
Người may mắn thì khúm núm đi theo, khép cửa phòng lại trong khi những người khác lại ngồi xuống trong sự chờ đợi cáu kỉnh và ngột ngạt.
Riêng có ba thân chủ, có vẻ là chồng, vợ và con gái, lại không tỏ một dấu hiệu nóng ruột nào cả. Người chồng – một người trạc độ sáu mươi – có một vẻ mặt u buồn, gần như tang tóc. Ông ta khăng khăng không chịu bỏ cái mũ rộng vành nhăn nhúm, màu xanh lợt mà chắc ông ta coi như một thứ phụ tùng thích hợp nhất cho cái áo choàng nặng nề, cổ lỗ nồng mùi băng phiến. Rõ ràng là cái áo đó đã được kính cẩn chọn lựa cho dịp trọng đại này, một cuộc hội kiến chính thức với một luật sư.
Ấy thế mà ông ta không vã mồ hôi.
Da vẻ cực kỳ xanh xao, trông ông ta gần như không có tí máu huyết nào cả, cằm và má phủ một lớp lông mốc meo xam xám mỏng. Cặp mắt xám nhạt của ông ta, trổ ra sát gần một cái mũi to tướng, có một cái nhìn le lé, và, cúi khòm trên ghế, với cái đầu ủ rũ và hai bàn tay vịn trên một cây gậy, trông ông ta hầu như đang bị đè bẹp bởi một sức nặng cơ hồ không chịu nổi nào đó. Ngồi bên cạnh ông ta, với một sự thách thức toát ra từ sự ngu si rành rành, là mụ vợ.
Mạnh mẽ và phì nộn, với một bộ ngực đẫy đà, mụ dường như không thể rời khỏi trần nhà cặp mắt hạt huyền xinh đẹp đăm đăm nhìn từ khuôn mặt đỏ au hơi râu ria của mụ.
Kế bên mụ là cô con gái của họ – gầy, xanh và lé như cha – gần như tàn tật. Ngắm cả bộ ba, người ta gần như có cảm tưởng rằng, có lẽ chỉ nhờ có sự hiện diện của mụ đàn bà đẫy đà mạnh mẽ kia giữa người cha và cô con gái mới có thể đỡ được họ khỏi đổ nhào xuống đất.
Bộ ba đã gợi sự tò mò chăm chú của những thân chủ khác, bởi ba lần những kẻ tội nghiệp kia đã nhường cho những người mới tới lượt của họ, viện cớ rằng vụ của họ quan trọng lắm, nó đòi hỏi một cuộc hội kiến rất lâu với luật sư.
Chuyện gì đã xẩy ra cho họ? Kẻ nào đang đe dọa họ? Có lẽ một cuộc trả thù hay một vụ sát nhân? Có lẽ sự khánh tận tài chính? Không, không thể là sự kiệt quệ tài chính. Người vợ đeo đầy ắp những vàng là vàng; đôi bông tai lớn lủng lẳng từ trái tai mụ; một sợi dây chuyền hai vòng xiết cổ mụ muốn tắt thở; một cái hộp vàng lớn phập phồng trên ngực mụ: một sợi dây vàng cột cái quạt của mụ cho khỏi rơi, và những chiếc cà rá mắc tiền phủ đầy những ngón tay chuối mắn của mụ. Vậy thì cái gì đã điệu họ đến đó để tham vấn luật sư Zummo?
Nhẩn nha tất cả mọi thân chủ đều được luật sư tiếp kiến, nhưng bộ ba vẫn ù lì ngồi đó – bất động và bất cảm – chìm đắm trong những suy tư riêng của họ. Chỉ thỉnh thoảng người vợ mới phe phẩy cái quạt hoặc người đàn ông mới nghiêng qua cô con nhắc nhở.
_ "Tinina…hãy nhớ cái đê" (đeo tay để may).
Một vài thân chủ đã hết sức cố gắng đẩy thằng nhóc con luật sư về phía bộ ba, nhưng ngay cả đứa trẻ – kinh hãi vì những bộ mặt đưa đám ấy – cũng không có gì để làm với họ.
Và khi – vào khoảng giữa ngọ – mọi thân chủ đã ra về hết rồi ấy thế mà bộ ba vẫn còn ngồi ỳ ra đó, bất động và cân nín như tượng, dính chặt vào ghế ngồi.
_ "Kìa, bộ ngồi đó ngủ ấy à? Sao không vô đi, còn chờ chi nữa?" người thư ký ngẩng đầu, sốt ruột kêu lên.
_ "Chúng ta được phép ạ?" người đàn ông hỏi như xin lỗi trong khi cả ba đứng dậy.
_ "Đương nhiên là các người được phép; lẽ ra các người phải vô trước rồi mới phải," người thư ký trách mắng. "Lão có biết là gần như tới giờ ăn trưa của người ta rồi không? À, mà này, lão tên gì?"
Người đàn ông lúc bấy giờ mới chịu giở cái nón cao ra, bầy ra đồng thời các cực hình mà món phụ tùng nặng nề đã gây ra cho lão. Từ cái sọ đỏ hồng, nghi ngút bốc hơi những suối mồ hôi dòng dòng chẩy xuống, đầm đìa phủ kín khuôn mặt không huyết sắc, tái mét của lão. Cúi gập mình về phía viên thư ký, lão thì thầm một cách trịnh trọng"
_ "Bẩm, Piccirilli Serafino ạ."
***
Vị luật sư tưởng rằng công việc buổi sáng của ông ta đến đây đã mãn – đang sắp xếp lại bàn giấy và sửa soạn đi thì thình lình bị đối diện bởi ba thân chủ xa lạ.
_ "Các người là ai?" ông ta hỏi một cách khó thương.
_ "Bẩm Piccirilli Seranno ạ," người đàn ông nói nhẹ như thở, vừa cúi xuống thật thấp vừa liếc nhìn hai người đàn bà đang khuỵu gối chào kiểu cách như lão đã chỉ dạy họ. –_ "Ngồi xuống," luật sư vừa nói vừa đăm đăm ngó những thân chủ bất thường, "nhưng phải mau gấp lên mới được, bởi người ta đang chờ tôi ăn trưa đấy."
Bộ ba ngồi dọc theo hàng một đối diện bàn giấy, kinh hãi luýnh quýnh. Piccirilli gượng cười nhưng mặt lão trông thật thảm hại. Hiển nhiên là lão đã quên không còn biết cười thế nào nữa.
_ Ngài coi... - lão bắt đầu.
_ "Chúng tôi tới để hỏi..." cô con gái xen vào.
_ "Chuyện không thể tin được," bà mẹ bỗng thốt lên, mắt dán vào trần nhà.
_ "Một người nói một," luật sư cau mày. "Tôi đã nói với các người là tôi đang vội mà? Các người cần gì tôi nào?"
_ "Dạ chuyện như thế này," Piccirilli vừa nói vừa nuốt ực một cái. "Chúng tôi đã nhận được trát tòa."
_ "Tội sát nhân, thưa ngài, tội sát nhân," mụ vợ ngắt lời.
_ "Má, xin má," cô con gái nói, cố làm cho mẹ bình tĩnh.
Piccirilli nhìn mụ vợ và với tất cả uy quyền mà thể chất khốn khổ của lão cho phép, lão cầu khẩn:
_ "Để tôi nói, Mararo."
Đoạn quay sang luật sư:
_ "Chúng tôi đã nhận được một cái trát của tòa. Chúng tôi bi bắt buộc phải rời căn nhà mà chúng tôi đã ở bởi vì..."
_ Tôi hiểu," luật sư ngắt lời. "Lệnh tống xuất."
_ "Thưa ngài, không phải ạ," Piccirilli nói như xin lỗi. "Hoàn toàn không phải thế, trái lại chính chúng tôi bỏ đi, chúng tôi bắt buộc phải ra đi mặc dầu chủ nhà không muốn thế. Bây giờ ông ấy đòi bồi thường thiệt hại vì vi phạm giao kèo và bởi vì ông ấy nói chúng tôi đã làm cho căn nhà bị tai tiếng..."
_ "Thế nhưng bằng cách nào?" Zummo nói, mặt ông ta sa sầm lại và lần này quay sang phía bà vợ. "Các người đã rời bỏ căn nhà, các người đã làm cho căn nhà bị tai tiếng và bây giờ chủ nhà... Hãy nói cho rõ ràng nào; các người có thể nói với một luật sư như với một linh mục... Các người có dùng căn nhà để buôn bán một cái gì vô luân chăng, thí dụ vậy?"
_ "Chắc chắn là không," Piccirilli vội vã đáp, đặt tréo cả hai tay lên ngực, "Không có thứ đó. Không có buôn bán một cái gì hết. Chúng tôi không phải là dân buôn bán. Quả thiệt vợ tôi thỉnh thoảng có cho vay vài món tiền lặt vặt... kín đáo lời lãi phải chăng..."
_ "Tôi hiểu," luật sư nói, "điều kiện thông thường."
_ "Đúng như vậy," người đàn ông xác nhận, "điều kiện mà ngay cả nhà thờ cũng đồng ý, nhưng cái đó không ăn nhằm gì tới vụ của chúng tôi. Signor Granella – chủ nhà - nói rằng chúng tôi đã làm ô danh nhà ông bởi suốt trong ba tháng mà chúng tôi sống ở đó chúng tôi đã thấy những điều khiến tôi rùng mình mỗi lần nghĩ tới."
_ "Cầu Chúa quan phòng đừng để ngay cả những kẻ tội lỗi xấu xa nhất cũng đừng phải chứng kiến điều chúng tôi đã thấy, mụ vợ bật nói to với một tiếng thở dài lớn, đứng lên và làm dấu Thánh Giá.
_ "Hành hình, đúng là một sự hành hình," cô con gái nói nhỏ.
_ "Hoàn toàn đúng, không có gì khác hơn sự hành hình," ông bố nói thêm. "Không có chữ nào khác. Ròng rã suốt ba tháng chúng tôi đã là nạn nhân của một sự hành hình trong ngôi nhà đó.
_ "Hành hình bởi ai?" luật sư mất kiên nhẫn hét lên.
_ "Bởi... bởi ma," sau khi nín lặng một hồi lâu Piccirilli vừa thì thầm vừa nghiêng
mình về phía bàn giấy và lấy tay che miệng sợ mình nói to quá. "Vâng, ma, thưa
ngài."
_ "Bởi ai?..." luật sư gặng hỏi, tưởng mình nghe lầm.
_ "Ma, ma!" mụ vợ la lớn, khoa tay lên thách thức.
Luật sư đứng dậy sửng cồ.
_ "Vô lý đừng chọc cười tôi! Bị ma hành hạ! Đi ra đi! Để tôi đi ăn trưa, đừng làm mất thì giờ của tôi."
Nhưng bộ ba, nhảy nhỏm ra khỏi ghế ngồi, kéo lại gần bàn giấy hơn,van xin:
_ Xin đừng đi, đừng đi! Ngài không tin chúng tôi, nhưng chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy ma, chúng tôi đã nhìn thấy chúng và nghe thấy chúng – chúng đã hành hình chúng tôi suốt ba tháng trời."
Họ cùng nói một lượt, trong một sự ồn ào hỗn loạn ghê gớm khiến luật sư càng điên tiết.
_ "Đủ rồi," ông ta gầm lên, "các người là lũ điên khùng; các người phải tới một nhà chuyên môn về bệnh tâm thần, không phải một luật sư."
_ "Nhưng chúng tôi đã nhận được trát tòa,"Picciralli khấn khoản, tay lão chắp lại như cầu nguyện.
_ "Thế là phải lắm," Zummo quát vào mặt lão.
_ "Ông khuyên chúng tôi thế à?" mụ vợ vừa nói vừa gạt chồng con qua một bên.
_ "Đó là cách ông đối xử với những người cần giúp đỡ à? Ông sẽ không nói như vậy nếu ông bị hành hạ như chúng tôi đã bị hành hạ, nếu ông nhìn thấy ma như chúng tôi đã nhìn thấy chúng."
_"Vậy thì thực sự là các người đã nhìn thấy ma, có phải không?" luật sư nhạo báng.
_ "Dĩ nhiên là chúng tôi đã nhìn thấy chúng," người cha xen vào. "Chính mắt tôi nhìn thấy."
_ "Và chính mắt tôi cũng nhìn thấy," cô con gái thêm.
_ "Phải mà, với những con mắt đó thì quá phải rồi," luật sư phá lên cười, chỉ vào những cặp mắt lé của họ.
_ "Thế còn mắt tôi thì làm sao?" mụ vợ hét lớn, xòe bàn tay mặt đặt trên ngực và hết sức dương cặp mắt to đen của mụ ra.
_ "Những con mắt này ngay thẳng này, lạy Chúa tôi, và đủ lớn để nhìn! Và chúng đã
nhìn thấy những con ma đó cũng rõ ràng như chúng đang nhìn thấy ông bây giờ vậy.
_ "Chắc không, bà có chắc chắn không?" Zummo châm chọc.
_ "Rất chắc chắn," người đàn bà thở dài. "Nhưng nếu ông vẫn không tin chúng tôi thì chúng tôi có thể đưa ra nhân chứng, nhiều người sẽ đến đây và nói cho ông nghe những điều mà chính mắt họ cũng đã thấy nữa..."
Vị luật sư cau mày, hiển nhiên là ông ta bị khích động.
_ "Bà nói sao, nhân chứng à?"
_ "Thưa ngài vâng, những người đã nhìn thấy và đã nghe thấy."
_ "Chẳng hạn nhìn thấy cái gì?"
_ "Nhìn thấy những cái ghế di chuyển đây đó mà không có ai mó tới chúng cả."
_ "Những cái ghế?"
_ "Thưa ngài vâng, ghế."
_ "Cái gì, ghế thường như cái ghế trong góc kia ấy à?"
_ "Chính phải, một cái ghế thường chân chỏng gọng lên trời, nhào lộn quanh phòng, như những thằng bé con chơi ngoài phố và rồi - biết nói thế nào đây - một cái gối để găm kim hình trái cam mà con gái tôi làm bị liệng thẳng vào mặt chồng tôi in hệt như nó bị ném đi bởi một bàn tay vô hình. Ồ! rồi một cái tủ áo rung lên và kêu chát chúa như thể đang lên cơn và từ bên trong... từ bên trong... (mới chỉ nghĩ tới đó mà tôi đã nổi da gà)... những tràng cười rộ sắp bung ra."
_ "Những tràng cười rộ,"cô con gái nói thêm.
_ "Những tràng cười rộ," ông cha xác nhận. Nhưng bà vợ, không để mất thì giờ kể tiếp. _ "Mấy chục người hàng xóm đã nhìn thấy tất cả những cái đó và sẵn sàng chứng nhận, như tôi đã nói với ông, trong khi ba chúng tôi còn nhìn thấy và nghe thấy nhiều hơn thế nhiều."
_ "Tinina, cái đê," người cha ngắt lời.
_ "Dạ," cô gái nhỏ bắt đầu lên tiếng với một tiếng thở dài. "Tôi có một cái đê khâu nhỏ bằng bạc - quà mà bà tôi cho (xin Chúa ban phước lành cho linh hồn bà!).Tôi thích cái vật nhỏ bé này kinh khủng, nhưng một hôm nó biến mất. Tôi kiếm cùng khắp nhà suốt ba ngày mà cũng không thấy đâu cả, cho đến một đêm kia, trong lúc tôi đang ngủ trong mùng..."
_ Cái nhà đáng ghê tởm có còn đầy những muỗi là muỗi." bà mẹ xen vào.
_ "Và coi chúng lớn cỡ nào," ông cha công nhận, lắc đầu.
_ "Tôi nghe thấy tiếng động của một cái gì đó nhảy trên nóc mùng," cô con kể
tiếp - "in hệt một trái banh cao su nẩy từ sàn lên," ông cha ngắt lời, giơ tay chặn con gái - "Thế rồi thình lình một vật nhỏ bé - chính là cái đê khâu của tôi bị ném thật mạnh lên trần và rớt xuống đất - sứt mẻ!"
_ "Sứt mẻ," bà mẹ công nhận.
_ "Sứt mẻ," ông cha lập lại.
_ "Tôi bò ra khỏi giường, run rẩy, lượm nó lên, và ngay khi tôi cúi xuống thì từ trần nhà phát ra...
_ "Những tràng cười rộ, cười rộ, và cười rộ..." bà mẹ kết thúc.
Vị luật sư đứng lặng một lúc, cúi đầu, lay chắp sau lưng.
_ "Những con ma vui nhộn!" ông ta nói sau một lúc im lặng, tay gãi đầu, cố gắng xem xét kỹ lưỡng, đãi lọc sự thực của câu chuyện khó tin này. "Tiếp tục, tiếp tục đi thú vị nhất đấy."
_ "Vui nhộn? Không vui nhộn chút nào,thưa ngài," người đàn bà bẻ lại. "Quái quỷ, chắc ông muốn nói thế. Những con ma kéo nệm trải giường của chúng tôi liệng xuống đất, ngồi chễm chệ trên bụng chúng tôi ban đêm, vỗ vai chúng tôi, nắm cánh tay chúng tôi, xô lay đồ đạc bàn ghế của chúng tôi, rung chuông như thể động đất đang xảy ra, đầu độc thức ăn của chúng tôi, ném tro than vào xoong chảo của chúng tôi, thế mà ngài cho là vui nhộn à. Ngay cả vị linh mục với nước thánh cũng không thể ngăn nổi chúng, thế mà khi chúng tôi nói với Granella ngài có biết ông ta đã trơ tráo trả lời sao không? "Chuyện bá láp, cứ ăn no ngủ kỷ và chữa trị thần kinh của các người đi."
Chúng tôi năn nỉ ông ta tới và nhìn tận mắt nhưng ông ta không chịu. Đã thế, ông ta còn dọa chúng tôi. "Ăn nói phải giữ mồm giữ miệng nếu không ta sẽ kết liễu cuộc đời của các ngươi, chính miệng ông ta nói thế đấy".
_ "Và ông ta đã kết liễu đời chúng tôi," người chồng kết luận một cách chua chát. "Giờ đây, thưa ngài, tính mệnh chúng tôi là ở trong tay ngài. Ngài có thể tin chúng tôi. Chúng tôi là những người khả kính, và chúng tôi biết sẽ phải đền đáp ngài thế nào."
Vị luật sư, như thường lệ, giả đò không để ý tới câu cuối cùng. Trong một lúc khá lâu ông ta đứng lặng bên bàn giấy, kéo râu mép, chìm đắm trong tư tưởng. Đoạn ông ta nhìn đồng hồ. Gần một giờ. Thân nhân của ông đã chờ ông ngót một tiếng đồng hồ rồi và bữa ăn trưa của ông đã quá giờ từ lâu.
_ "Đây là một vụ quái dị," cuối cùng ông nói. "Chắc các người cũng biết rõ rằng tôi không thể chấp nhận câu chuyện ma quỷ của các người được, cùng lắm tất cả những gì mà các người kể có thể chỉ là tưởng tượng... chuyện ngồi lê đôi mách tầm phào... nhưng tôi sẽ cân nhắc khía cạnh pháp lý của vấn đề. Các người nói các người đã thấy... hừm! Tôi không thích danh từ ma... các người đã thấy một cái gì đó... ta sẽ nói sau - và các người có nhân chứng để chứng minh rằng các người không thể tiếp tục sống trong ngôi nhà đó vì... à... vì một thứ... chúng ta sẽ nói tới... ừ...à... hành hình kỳ dị... Tôi phải công nhận vụ này mới lạ và hào hứng. Tôi có thể cảm thấy có khuynh hướng muốn đảm nhận vụ này... Có lẽ sẽ có thể tìm thấy một vài chứng lý tranh biện thuận lợi cho các người. Để tôi suy nghĩ trước khi tôi quyết định. Bây giờ thì đã hơi trễ rồi, nhưng nếu các người trở lại ngày mai ta sẽ cho các người biết ta có thể làm gì cho các người!"
Gần như vô ý thức, ý nghĩ về vụ kiện lạ lùng này cứ xoay tới xoay lui trong tâm trí viên luật sư tựa một cái cối xay gió. Trong bữa ăn trưa ông không thể ăn; sau bữa trưa - khi ông nằm trên giường để ngủ trưa như ông vẫn thường làm trong suốt những tháng hè - ông cũng không ngủ nổi. "Ma," ông tự nhủ với một tiếng cười khẩy khinh bỉ, trong khi hình ảnh của ba bộ mặt hài hước đã thề sống thề chết là đã nhìn thấy ma vụt trở lại tâm trí ông.
Rất nhiều lần khi ông còn thơ ông đã được nghe kể nhiều chuyện về ma, những chuyện khiến ông kinh hoàng và đã khiến ông trải qua nhiều đêm mất ngủ. "Linh hồn," ông vừa thở dài vừa duỗi tay dưới đỉnh mùng và để chúng nặng nề rơi trở lại giường. "Linh hồn, cái linh hồn bất tử..." Dĩ nhiên, ông nhìn nhận, muốn tin ma quỷ thì người ta bắt buộc phải tin vào sự bất tử của linh hồn, điều đó hiển nhiên rồi, nhưng liệu ông có tin không đã? Ông luôn luôn tuyên bố rằng ông không tin thế thì bây giờ làm thế nào ông có thể nhìn nhận ngay cả một sự hoài nghi? Liệu ông có thể trở lại niềm tin xưa cũ của mình? Ông biết rằng người ta thường tự dối lòng, rằng người ta thường sợ không dám thăm dò thám hiểm chính bán ngã của mình vì e khám phá thấy rằng họ thật khác hẳn với kẻ mà họmuốn là hoặc khác hẳn với kẻ mà họ muốn được đời biết tới. Nhưng có bao nhiêu kẻ nghiêm trang suy tưởng về vấn đề linh hồn? Cuộc sống quá thu hút con người đến nỗi người ta gần như không có thì giờ để suy xét về những vấn đề đó; song chúng phải quan trọng hơn tất cả mọi vấn đề khác. Một người bạn chết - giống như một con thú bướng bỉnh - chúng ta khước từ nghĩ tới hắn bên kia giây phút từ trần, hoàn toàn thỏa mãn với hoài niệm về quá khứ, và chỉ hút một điếu thuốc để đánh tan nỗi muộn phiền. Ngay cả khoa học, như điều đang xảy ra, cũng không đi quá hiện sinh con người, không biết tới cái chết và từ chối khảo sát nó. "Đừng lo âu về sự chết" – khoa học nói - "hãy gánh vác những phận sự hàng ngày, nghĩ tới cuộc sống hiện tại, tới nghề nghiệp của bạn. Hoàn toàn đúng. Vị luật sư cũng vậy, từ trước tới nay, cũng thoái thác băn khoăn về cái chết, nhưng bây giờ nó đây; cái linh hồn bất tử - hay là ma - như chuyện đã xẩy ra, đang gõ cửa ông, buộc ông phải bận tâm về chúng.
"Nhà ngươi muốn lờ bọn ta đi"- dường như chúng nói với ông. "Nhà ngươi muốn lờ cái chết nhưng chúng ta đã tới đây, từ vương quốc của người chết trở về gõ cửa nhà của những kẻ đang còn sống, nhạo báng mi, làm bàn ghế nhảy nhót quanh phòng, làm thân chủ của mi kinh hãi, cười nhạo chúng từ đáy một tủ quần áo cũ, làm mi bối rối hôm nay - hỡi tên luật sư trí thức - và mai mốt sẽ làm bối rối cả một cơ cấu gồm các quan tòa cũng trí thức không kém, nhưng kẻ sẽ phải xét xử một vụ tố tụng mới mẻ nhất chưa từng nghe thấy trong bất cứ một pháp đình nào, một vụ tố tụng đòi bồi thường thiệt hại mà bị cáo là những con ma!" Liệu ông ta còn có thể không biết tới chúng được không?
Nhảy ra khỏi giường, lòng đầy phấn khích, Zummo trở lại thư phòng và những cuốn sách tham khảo của ông ta. Các điều 1575 và 1577 của bộ Dân Sự Tố Tụng dường như cung cấp một vài cơ sở lý lẽ cho vụ của ông.
Chúng thiết định - "interalias" – rằng người ta thuê một căn nhà được quyền có "sự hưởng dụng an lạc" bất động sản trong suốt thời gian khế ước và ràng "chủ cho thuê phải chịu trách nhiệm với người thuê nhà về bất cứ một sự phiền nhiễu không được tiết lộ nào có thể giảm thiểu hay cản trở cho sự hưởng dụng đầy đủ căn nhà cho mướn."
Luật pháp rất minh bạch, nhưng đây là then chốt của vụ kiện - cần phải chứng minh sự hiện hữu của ma quỷ và sự hiện diện của chúng trong ngôi nhà đó. ông đã có những chứng từ và những nhân chứng để chứng thực cho câu chuyện của các thân chủ của ông, nhưng những bằng chứng này đáng tin cậy tới mức nào?
Làm cách nào ông có thể trích dẫn các khoa học gia để củng cố những chứng từ kia? Sau khi đã tái thẩm vấn gia đình Piccirilli, luật sư hứa sẽ nhận lãnh vụ kiện và sửa soạn vụ tranh tụng với tất cả tài năng xảo diệu nhất của ông.
Trước hết ông đọc lịch sử đại cương l của chủ thuyết duy linh, từ những nguồn gốc của thần thoại tới hiện đại; kế đó ông tham khảo tác phẩm của Jacolliot và những pháp thuật dị thường của các ấn sĩ thác-bát-tăng (fakir); và rồi ông đọc tất cả những gì đã được viết về vấn đề bởi những chuyên gia lớn nhất và đáng tin cậy nhất, từ Crookes tới Wagnel, từ Aksafof tới Gibier và Zeller, từ Jaaet tới Rochad, từ Richet tới Morselli. Do đó mà ông được biết - quá cả sự kinh ngạc của ông rằng ngay cả những con người hoài nghi nhất của khoa học cũng đã phải tuyên bố rằng cái gọi là những "hiện tượng tâm linh" không thể bị đặt vào vùng nghi hoặc được.
Ông phấn khởi tinh thần.
"Bây giờ" – ông tự nhủ - "sự việc bắt đầu có vẻ sáng sủa hơn nhiều." Chừng nào mà những hiện tượng này còn bị báo cáo bởi những người tầm thường, như vợ chồng cái nhà Piccirilli thì ông, một người có học vấn sâu đầy và có căn bản khoa học thực nghiệm, có dư quyền để cười vào mặt chúng. Ngay cả nếu ông đã nhìn thấy những hiện tượng này bằng chính mắt của mình đi chăng nữa ông vẫn có thể tin rằng chúng chỉ là kết quả của một ảo giác nào đó. Nhưng đằng này khi những con người của khoa học như Lombroso hay Richet đã công nhận sự hiện hữu của chúng thì vấn đề lại hoàn toàn khác hẳn.
Quên cả thân chủ lẫn vụ kiện cáo, ông đắm đuối miệt mài nghiên cứu thuyết duy linh với niềm xác tín chưa bao giờ lên đến cao độ như thế. Đã từ lâu rồi công việc đã qua của ông - mặc dầu vô cùng phát đạt và bổng lộc vô cùng hậu hĩ - đã thất bại không thể đem lại cho ông sự thỏa mãn tinh thần mà ông đã khát khao. Lạc lõng trong cái tỉnh lỵ heo hút đó nơi tìm thấy quá ít điều để thỏa mãn nỗi khát vọng của ông về những thông lộ cao cả hơn của trí óc, giờ đây ông thấy rằng một khởi đầu mới đã được phát lộ cho ông bởi những cuốn sách luận về vấn đề lớn đời-sống- sau-cái-chết. Có thể nào nhiên hậu cái vấn đề lớn về cái chết được giải quyết? Có thể nào linh hồn người chết trở lại trong chốc lát và "vật chất hóa" không? Có thể nào nó trở lại với ông, kẻ quá đui mù, bắt tay ông và nói: "Zummo, đừng lo âu. Đừng thắc mắc về cuộc sống nhỏ nhoi của anh trên trần gian. Còn có một cái gì khác nữa, một đời sống tốt đẹp hơn nhiều chờ anh một ngày kia!! Bướctới! Đừng sợ hãi!"
Hầu như mỗi ngày Piccirilli, hoặc cùng vợ hoặc cùng con gái, đều đặn tới thăm ông và thảo luận về vụ kiện.
"Ấy tôi vẫn sửa soạn cho vụ kiện đấy; đừng có lo, tôi không quên quý vị đâu," vị
luật sư thường nói. Nhưng, thực tình mà nói, ông đã hoàn toàn quên khấy tất cả mọi người, dời lại càng nhiều vụ càng tốt và ngay cả từ chối không chịu thẩm vấn những thân chủ mới. Tuy nhiên, cuối cùng, vì lòng tri ân đối với gia đình Piccirilli tội nghiệp, những kẻ một cách vô thức đã chỉ cho ông con đường dẫn tới ánh sáng mà ông quyết định đi vàovụ tranh tụng của họ một cách cẩn trọng kỷ lưỡng.
Một nỗi khó khăn nghiêm trọng đón ông ngay từ bước đầu. Trong tất cả mọi cuộc thí nghiệm mà ông đã từng đọc, thì sự hiện diện của ma quỷ đều được phát hiện bởi một đồng cốt.
Vậy thì, không còn nghi ngờ nữa, chắc chắn một trong ba người nhà Piccirilli - cho dù không biết điều đó - phải là một người có cốt đồng và - trong trường hợp ấy – sự nhũng nhiễu của ma quái là do bởi những người thuê nhà chứ không phải tại ngôi nhà. Điều đó có nghĩa là sự sụp đổ của toàn thể vụ kiện. Mặt khác - nếu một người nhà Piccirilli là một cốt đồng "thì tại sao những con ma lại thôi không xuất hiện ở ngôi nhà mới? Tại sao chúng lại không bao giờ hiện ra trong bất cứ một ngôi nhà nào mà họ đã ở trước kia? Hiển nhiên phải có một cái gì trong niềm tin đại chúng, bình dân dân gian rằng ma quái chỉ ở trong những ngôi nhà nào đó, và nếu điều đó có thể chứng minh được thì vụ tranh tụng của ông có cớ đứng vững. Hơn nữa, chẳng phải là những nhân chứng đã chứng thực cho những lời khai của các thân chủ của ông sao? Chỉ nguyên điều đó thôi cũng đủ khước bác lời giải thích do một vài nhà khoa học đưa ra rằng ma quái chỉ được nhìn thấy bởi một số người nào đó. Đồng cốt hay không đồng cốt ông nghĩ - ma quái có sự hiện hữu riêng của chúng và để bội phần chắc chắn thì ông phải đích thân tới thăm gia đình Piccirilli và khám phá sự thực cho chính ông bằng cách tổ chức một buổi lên đồng và mình chờ coi kết quả thế nào.
Hoảng hồn vì sự dẫn dụ đó gia đình Piccirilli từ chối không dính dáng bất cứ về phương diện gì với cuộc thí nghiệm, nhưng luật sư nhấn mạnh rằng cuộc thử nghiệm rất hữu ích - cốt yếu nữa - cho vụ kiện và buổi lên đồng do đó được tổ chức. Ngay tức khắc Tinina được khám phá là một đồng cốt lẫm liệt và Zummo - sung sướng như điên - nhờ đó mà có thể chứng kiến được hầu hết mọi khải thị kinh nhiên mà, cho tới lúc đó ông mới chỉ làm quen qua sách vở của ông. Vụ Piccirilli quả thật – đổ gẫy, nhưng sự hiểu biết của riêng ông về đời sống sau cái chết thì lại mở rộng tới một mức độ mà ông không thể không cảm thấy hân hoan điên dại. "Thì cứ để thằng cha Granella thắngvụ kiện của hắn, các bạn ạ... Quan hệ gì chuyện đó? Các bạn chẳng thấy đó sao, là ở đây, trước mặt chúng ta, sừng sững thị hiện cái linh hồn bất tử của con người?"
Nhưng làm thế nào mà gia đình Piccirilli lại có thể chia xẻ mối hoan hỉ hào hứng say mê đối với linh hồn bất tử của luật sư của họ được? Họ nghĩ rằng ông ta đã hóa điên rồi. Họ từ chối tin rằng những cuộc thí nghiệm này là một cái gì khác mà chỉ là những âm mưu quỷ kế hiểm ác mà họ đã là nạn nhân. Họ đã đào thoát những con ma của gã Granella để rơi vào bầy quỷ của luật sư của họ. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, còn có gì tệ hơn thế nữa không? Phải chăng ông ta sắp làm họ lụn bại mãi mãi? Đó có thể là kết quả của vụ tố tụng nếu người ta am tường điều gì đang xảy ra nơi họ.
_ "Đừng có sợ," luật sư nói một cách khinh bỉ. "Bộ các người cho ta là một đứa con nít sao? Ở đây các người thấy ta như một người bạn, không phải như một luật sư. Khi vụ án tới hồi tòa nghe các nhân chứng khai, lúc đó tự nhiên ta sẽ biết phải biện giải sự quấy nhiễu bí ẩn trong ngôi nhà đó như thế nào chứ?"
Và quả thực ông đã làm, biện hộ rằng sự quấy nhiễu khó chịu là do bởi căn nhà, không phải do bởi sự hiện diện của một vài đồng cốt khác thường nào ở đó cả, nhưng những lời biện hộ của ông thiếu tính cách thuyết phục đến nỗi vụ kiện của ông thua ngay từ keo đầu.
Ngược lại ông đã gây kinh ngạc cho cả tòa, các đồng nghiệp và công chúng với một bài phát biểu tín ngưỡng bất ngờ và khoa đại mô tả Allan Kardec như một "Đấng Cứu Thế Mới", nói về tâm linh thuyết như "'Tôn giáo mới của nhân loại" và cho thấy cây nhân sinh đã thực sự bị khô héo bởi khoa học như thế nào nhưng ngày nay thì gần như đã được hồi sinh dưới tín ngưỡng ấm áp mới ra sao. "Huyền bí của cái chết" - ông nói - "chẳng bao lâu sẽ được phát lộ; những bức màn đen tối chẳng bao lâu sẽ được vén lên trong khi những cái bóng đen kỳ bí đã đang rón rén trườn qua không gian để cảnh cáo chúng ta về một thế giới bên kia..."
Tới đây ông tiếp tục nói về những hiện tượng lạ lùng của tâm linh thuyết với một sự hùng biện bi tráng đến nỗi khán giả – bị lôi cuốn bởi những lời lẽ của ông – đều say đắm đê mê. Tuy nhiên, tòa - đầu óc thực tiễn hơn và ít có khuynh hướng đi theo luật sư lên những đỉnh cao siêu việt của ông – từ chối cho các thân chủ của ông một vô tội bình quyết. Khoa học hiện đại – họ nói – chưa công nhận những lý thuyết còn bấp bênh phát khởi từ tâm linh thuyết. Vả lại, làm thế nào chủ nhà lại có thể bị cột vào chỗ chịu trách nhiệm cho những con ma, cho những cái bóng lang thang vất vưởng không có một thực thể vật chất nào? Và làm thế nào những con ma có thể được gọi là những "sự nhũng nhiễu không được tiết lộ" minh định bởi luật pháp? Vả chăng, sự chế ngự ma quỷ chẳng phải là ở ngoài quyền năng thể chất của con người sao, và nếu thế, làm sao chủ nhà lại có thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho chúng? Không, tòa không thể tán đồng với sự biện hộ xuất sắc của luật sư được, và "phán quyết thuận cho nguyên cáo" là bình quyết duy nhất của họ.
Công chúng - hãy còn tinh kết bởi sự biện hộ lạ lùng và cuốn hút – đón nhận phán quyết của tòa với những dấu hiệu bất ưng không thể nhầm lẫn được. Riêng luật sư - vì không kìm hãm nổi cơn phẫn nộ ngập lụt suýt nữa khiến ông bị câu lưu đã lao ra khỏi phòng xử, kéo theo ba thân chủ tiu nghỉu của mình và chỉ cho đám đông đang hò reo thấy họ như những "kẻ tuẫn đạo của một tôn giáo mới."
Ngang qua quảng trường, Signor Granella - chủ ngôi nhà - mập mạp và phách lối - đang đứng ngắm đám đông, hai tay thọc túi quần, nói to cho tất cả mọi người xung quanh hắn nghe rõ rằng hắn đâu có ngán ngủ đêm một mình trong ngôi nhà ma ám đó. Hắn sẽ ngủ ở đấy ngay đêm đó một mình - hắn tuyên bố - không một tên đầy tớ, vì bọn Piccirilli đã hủy hoại thanh danh của ngôi nhà đến nỗi ngay cả tên đầy tớ tín cẩn nhất của hắn cũng không chịu tháp tùng hắn. Phải, đó chính là cái mà bọn Piccirilli đã gây ra cho hắn, hắn nói. Nó sẽ trở thành một ngôi nhà hư mất, một ngôi nhà suy tàn. Nhưng giờ tòa đã đưa ra phán quyết và đã phục hồi lại thanh danh của ngôi nhà thì hắn sẽ thân chinh tới đó và ngủ ở đó một mình, đâu có ngán đương đầu với những con ma lố bich đó. Ha! Ha! Hắn sẽ có đôi lời chỉ giáo chúng nếu có bao giờ chúng dám lấp ló ra...
Ngôi nhà của Granella được xây trên một điểm cao nhất của tỉnh lỵ ngay trên đỉnh đồi, không xa "Phong Môn" (Cổng Gió) bao nhiêu. Ngôi nhà đứng trơ trọi một mình, trên khoảng trống bao la chỉ đối diện một cái chái đổ nát nơi thỉnh thoảng mới có một phu xa trú đêm trong khi để mắt dòm chừng lừa ngựa và xe pháo của y. Chỉ có một ngọn đèn dầu ảm đạm cung cấp một ánh sáng lờ mờ trên quảng trường trong những đêm không trăng, nhưng chỉ ít thước phía dưới - phía bên kia cổng - cuộc sống lại tái diễn với những dãy nhà bất tận của những trú sở dân cư đông đúc đến nỗi - mặc dầu hơi cô tịch và âm u về đêm – đó là nơi trú ngụ lý tưởng với thừa thãi không khí và tự do, đầy những tiện nghi khó kiếm thấy trong những khu dân cư khác ở cùng tỉnh.
Ngôi nhà đã hoàn toàn dán giấy và sơn lại từ ngày gia đình Piccirilli dọn di. Granella đã xài phí không tiếc tiền để dọn dẹp nó từ nền tới nóc, nhưng mặc dầu đã có không biết bao nhiêu khách tới để xem xét ngôi nhà - có lẽ vì tò mò mà chưa có tên nào đưa ra lấy một đề nghị và chưa kiếm được một kẻ thuê nhà nào.
_ "Được", Granella lập lại với những kể gần hắn. "Tôi sẽ ngủ đó tối nay," và, sau khi mang tới một cái ván lót giường bằng sắt, một cái tủ nhiều ngăn kéo, một cái giá rửa mặt và một vài cái ghế – đủ để trang trí cho một gian phòng hắn đã giữ lời và đi bộ tới ngôi nhà vào lúc chạng vạng, cẩn thận để tâm tới việc cho hàng xóm láng giềng biết việc mình đang làm.
_ "Nhưng mang hai khẩu súng sáu chi vậy?" hàng xóm phẩm bình khi ngắm hai khẩu súng tay cỡ lớn lủng lẳng đeo ở thắt lưng hắn.
_ "Nếu ăn cướp có đe dọa ngôi nhà thì những khẩu súng kia có thể cũng hữu dụng đấy, nhưng súng ống mà ăn nhằm gì đối với ma cơ chứ?"
Granella có sợ không? Dĩ nhiên là không; hắn đã cười ngất và nhạo báng suốt cả phiên tòa thì bây giờ có lý do gì để mà sợ; thế nhưng cũng hơi hơi - một cảm giác kỳ dị - tại sao cái lão luật sư khả ố kia lại nói quá nhiều về ma và thuyết tâm linh?
Tại sao lão lại được phép nói về "chứng cớ" và về bảo đảm khoa học do đó là lung lạc cử tọa và cho phép ngay những người khả kính phải nhìn nhận rằng, tựu trung, trong những điều lão nói, cũng có thể chứa đựng vài sự thực? Quả thực, chẳng phải là đã có một trong những vị quan tòa đã phải kín đáo công nhận riêng với Zummo ngay sau phiên tòa rằng bài diễn thuyết của lão đã làm tan nát định kiến của ông ta và chỉ vì tôn trọng tình trạng hiện hành của ngành lập pháp mà ông ta đã buộc lòng phải hòa đồng với những vị quan tòa khác đang bình quyết? Chính cái tên Zummo khoác lác kia – với bài điễn thuyết huênh hoang của lão – đã hớp hồn cả thành phố này và giờ đây đang khiến hắn cảm thấy cô độc và bất mãn như thể bạn bè hắn đã bỏ rơi hắn, như những thằng hèn.
Không có lấy bóng dáng một ma dại nào trên mảnh đất bao la mà trên đó ngôi nhà trơ vơ đứng. Hỡi ôi, sao cảnh lại quá tiêu điều sầu thảm thế này? Ngay cả đốm lửa li ti của ngọn đèn đường hiu hắt cũng chập chờn leo lét và run rẩy tựa hồ hoảng kinh bởi cái bóng tối dày đặc trùng trùng của thung lũng vây quanh. Hắn lết thân xác vào trong ngôi nhà... Sao ngọn lửa của cây đèn cầy lại bập bùng như ai đó đang thổi hắt lên nó thế này? (Đó là sự khích động của chính hắn đã khiến hắn thở hổn hển qua lỗ mũi của mình.) Trong khi vượt qua mấy căn phòng trống để đi tới căn phòng mà hắn đã trang bị mắt hắn dán chặt vào ngọn lửa mà hắn đã khum tay che lại để tránh khỏi phải nhìn thấy cái bóng của chính thân xác hắn, bị phóng lớn một cách quái dị trên tường. Cái giường, cái tủ kéo, chậu rửa mặt, mấy cái ghế, tất cả dường như chìm nghỉm trong bóng tối của căn phòng. Hắn đặt cây đèn cầy trên tủ kéo và không bước thêm nổi nữa. Tim hắn đập thình thịch. Mồ hôi hắn vã ra như tắm... Và bây giờ còn gì nữa đây?
Hắn phải gài then cửa lại như hắn vẫn làm ở nhà; nhưng trước khi làm việc ấy tại sao không cố hé cửa sổ ra một chút thôi và lỉnh ra ngoài bao lơn?... Ở trong nhà nóng như hầm. Mùi sơn mới thật hôi nồng. Phải đấy, nên để một chút không khí mát mẻ lọt vào phòng trong khi làm giường. Hắn mở tay nải mà hắn mang tới lấy ra tấm khăn trải giường và đặt nó lên tấm nệm. Một tiếng gõ mạnh dường như phát ra từ phía cửa. Một cơn rùng mình chạy suốt qua sống lưng cắt xoẹt hắn như một nhát dao cạo. Ai đó? Một cái núm sắt của cái giường hắn đã va vào tường. Hắn chờ đợi, hoảng kinh... Im lặng. Tuy nhiên nỗi im lặng có một cách nào đó, tựa hồ rất sống động...
Hắn thu hết can đảm và nắm chặt một khẩu súng sáu. Tay kia giơ cao cây đèn cầy, hắn đạp tung cửa ra và quát: "Ai đó?" Không có ai cả. Im lặng. Thận trọng hắn đẩy cửa rộng ra một chút nữa. Không có gì trong phòng cả ngoài cây thang do người thợ trang trí để lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái tiếng gõ cửa vừa rồi là do cái núm sắt giường mà ra. Hắn trở lại phòng mình và ra ngoài bao lơn.
"Xì ..."
Tổ cha cái con dơi đó. Nó đã bị hấp dẫn bởi ánh sáng của cây đèn cầy mà, và Granella bật cười, ngắm con vật nhỏ chờn vờn trong bóng tối, nhưng một tiếng kêu chát chúa khác bỗng nẩy ra từ phòng ngủ khiến hắn lại nhẩy nhỏm lên. Lãng nhách, đó chỉ là giấy mới dán lên tường định trêu chọc hắn thôi. Hắn lại cười khẩy, nhưng khi chăm chú nhìn vào trong phòng thì một cái gì khủng khiếp quá bắt mắt hắn; một cái lưỡi trắng hếu khổng lồ tự le ra thè lè dọc theo sàn nhà từ phòng kế cận. Tổ mẹ cái cuộn giấy dán tường do bọn thợ bê bối bỏ lại trên đầu cầu thang bây giờ tự nó bung ra tuồn qua cửa như một cái lưỡi quỷ. Quá đủ với Granella. Hắn đóng sập cửa sổ và, với lấy mũ và đèn cầy, ba chân bốn cẳng phóng như bayxuống cầu thang.
Không có một mống nào lảng váng bên ngoài. Hắn cẩn thận rút lui và, sau khi lướt êm dọc theo tường nhà, nhanh như cắt hắn lấn vào bóng tối chuồn về tỉnh.
Một đêm ở ngoài trời sẽ tốt cho hắn, hắn nghĩ. Sau rốt, tội gì mà liều sức khỏe của mình vì cái ngôi nhà khốn nạn ấy? Hắn thật là tối ngu. Tới ngôi nhà ấy vào lúc đêm hôm đó mà không làm quen với nó trước thì thực là một lỗi lầm. Để đêm mai hắn sẽ thử lần nữa coi... Nhưng có kẻ đã dòm thấy hắn trong cuộc tháo chạy khỏi ngôi nhà. Một người phu trú ẩn trong cái chái đổ nát, đã nhìn thấy hắn rón rén trườn mình dọc theo mé tường, đã kể với xóm giềng, những người này đến lượt họ lại thông báovới luật sư.
Zummo mừng quýnh.
_ "Ta đã biết mà! Ta đã biết mà!" ông ta la lên, mừng như điên. "Ta thề là đã tiên đoán tất cả những điều đó. Ta đã biết là sớm muộn gì thì chính chứng cớ của Granella sẽ thuận lợi cho chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau làm việc và đừng để uổng phí thì giờ."
Cái bẫy đã được giương ra ngay cùng đêm đó.Vị luật sư cùng năm sáu người thân tín - không nhiều hơn - sẽ thâu thập bằng chứng mà họ cần phải có. Để tất cả ẩn trong chái và canh chừng. Trên hết là không được hở môi nói một câu với bất cứ ai, lạy Chúa tôi.
"Thề đi, - "Chúng tôi xin thề."
Không có cuộc chiến thắng nghề nghiệp nào trong sự nghiệp của Zummo lại có thể lớn lao hơn là cuộc chiến thắng đêm đó khi sau một hồi lầu rình rập cùng bạn bè - ông ta thấy Granella, chân đi đất, run rẩy và kinh hoàng một tay nắm giày tay kia xách cặp quần mà hắn không có thì giờ để cài nút. Hắn lén lút lủi ra khỏi ngôi nhà như một thằng ăn trộm, định trốn. Từ bóng tối lao vọt ra, Zummo chồm lên hắn như một con cọp vồ mồi.
_ "Chào Signor Granella. Đi dạo mát ban đêm, hả?"
Tất cả diễn ra trong chớp mắt: năm sáu người đàn ông vây quanh gã Granella đáng thương, cười cười, nói nói và vừa chế nhạo, vừa đẩy hắn tới sát tường.
_ "Nào, đồ khùng, giờ thì đã tin có linh hồn bất tử hay chưa? Công lý mù quáng đã cho anh thắng kiện, nhưng ai đúng? Nói đi, nói đi, anh đã nhìn thấy gì?... Kìa, nói đi chứ... anh đã nhìn thấy gì?"
Tất cả vô ích thôi, bởi tên Granella tội nghiệp kia, vừa khóc vừa run như giẻ, thì còn đối đáp làm sao được. Rõ ràng hắn đã lạc mất cả tiếng rồi.