Khi bị bỏng cần phải sơ cứu nhanh chóng và khẩn trương, tránh những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, việc sơ cứu cần phải được thực hiện rất cẩn thận và đúng cách. Những kiến thức cơ bản sau sẽ giúp bạn xử trí nhanh chóng và đem lại hiệu quả khi sơ cứu bỏng.
Các cấp độ bỏng
Bỏng cấp 1 ( bỏng bề mặt): Bỏng cấp 1 là dạng nhẹ nhất trong các cấp độ bỏng. Bỏng bề mặt thường chỉ là bỏng ngoài da, hay còn gọi là bỏng biểu bì.
Khi bị bỏng, sẽ làm cho vùng da nơi đây trở nên sưng phồng, mọng đỏ. Nhìn chung bỏng cấp 1 không mấy nguy hiểm, chỉ xảy ra trên phạm vi nhỏ và có thể tự điều trị tại nhà.
Bỏng cấp 2 ( bỏng một phần da): Đây là loại bỏng thường xảy ra ở lớp dưới da. Vùng da bị bỏng sẽ đỏ lựng và phồng giộp lên với những vết loang hay hình thành các túi phỏng nước. Khi bị bỏng bạn có cảm giác đau rát.
Bỏng cấp 2, nếu ở thể nhẹ cũng có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu vết bỏng xảy ra ở mặt, tay chân, vùng háng, mông hay giữa các khớp tốt nhất bạn nên đến bác sĩ để được chăm sóc cẩn thận.
Bỏng cấp 3: Bỏng cấp 3 rất nguy hiểm, bao gồm toàn bộ các lớp bên dưới da . Cả lỗ chân lông, tuyến mồ hôi hay thậm chí các lớp mỡ dưới da đều bị phá huỷ.
Bỏng cấp 3 cần được sơ cứu và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Cách sơ cứu và điều trị tại nhà
Đầu tiên bạn phải nhanh chóng, dội nước lạnh hay cho nước chảy qua vết bỏng khoảng 10 đến 15 phút. Ngâm vết bỏng trong nước lạnh hoặc dùng gạc lạnh băng lại.
Đặc biệt không dùng đá để chườm trực tiếp lên vết bỏng, sẽ gây nên những hậu quả khó lường.
Không bôi mỡ hay dầu lên vết bỏng. Bôi mỡ hay dầu cá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng.
Sau khi đã làm nguội da bằng nước lạnh hay gạc lạnh, bạn hãy bôi kem chữa bỏng lên vùng da bỏng. Thuốc có tác dụng làm dịu mát vùng da bị bỏng.
Sau đó băng nó lại với một miếng gạc khô. Không nên buộc gạc quá chặt để tránh sức ép lên vết thương.
Ở chỗ da bị bỏng thường xuất hiện túi phỏng có chứa dịch lỏng bên trong. Bạn không nên chọc vỡ nó mà hãy để nó tự vỡ, để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
Khi nó tự vỡ có thể nước và xà phòng diệt khuẩn để rửa, lau khô và sau đó bôi thuốc kháng sinh và băng lại với gạc mềm.
Nếu cần bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen cho đến khi vết thương khỏi hẳn.
Sơ cứu và điều trị bỏng nặng
Bỏng hoá chất: Dùng nước lạnh để dội sạch các hoá chất dính trên cơ thể nạn nhân. Nếu như đó là loại hoá chất quá mạnh như bỏng vôi, có thể dùng bàn chải hay chổi lông để loại bỏ nó sau đó mới xả nước.
Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức bị dính hoá chất.
Bọc vùng bị bỏng bằng vải khô hay gạc khô để tránh nhiễm trùng.
Nếu vết bỏng xảy ra ở mắt, cần phải nhanh chóng rửa mắt ngay với nước, rửa nhiều lần để loại bỏ hết hoá chất trong mắt. Ngâm mắt trong nước ít nhất 20 phút. Sau khi rửa xong, nhắm mắt và băng lại bằng gạc mỏng.
Bỏng điện: Khi phát hiện nạn nhân bị bỏng điện cần khẩn trương ngắt nguồn điện ra khỏi người nạn nhân. Cần thận trọng trong quá trình ngắt điện, cần dùng vật cách điện như bao tay, que gậy khô.
Bỏng điện rất nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim.
Vết bỏng có thể chỉ biểu lộ ra bên ngoài dưới dạng bỏng nhẹ, nhưng nguy cơ phá huỷ khi bị bỏng điện là rất cao, thậm chí nó sẽ ăn sâu vào bên trong dưới lớp biểu bì. Vì thế sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.