Trong thai kỳ, hệ da-lông-tóc-móng của thai phụ có rất nhiều thay đổi có thể gây ra những tác động về mặt thẩm mỹ, sức khỏe. Sau đây là những bệnh da do thai kỳ.
Pemphigoid thai kỳ: tỉ lệ bệnh khoảng 1/50.000. Đây là bệnh tự miễn thường xuất hiện vào các tháng cuối của thai kỳ, ở những người sinh con rạ. Da nổi các mẩn đỏ hoặc mụn nước trên nền da sưng đỏ. Gặp ở bụng, lan ra ngực, lưng, mặt. Rất ngứa. Bệnh tự giới hạn và có thể tái phát vào những thai kỳ sau; nếu có thì khuynh hướng khởi bệnh sớm hơn và nhẹ hơn ở những lần sau. Bệnh có thể gây thai chết, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân; nổi mề đay, mụn nước - bóng nước ở con gặp trong 10% trường hợp mẹ bị bệnh và các tổn thương này tự biến mất trong vài tuần sau sinh.
Sẩn - mảng mề đay ngứa của thai kỳ: gặp ở người mang thai con so, xảy ra vào ba tháng cuối, chiếm 0,25 - 1%. Khởi phát là các mẩn đỏ kích thước nhỏ 1-2 mm, ở các đường nứt da. Ngay sau đó các tổn thương tập hợp lại để hình thành các mảng đỏ da lớn hơn ở rốn và lan tỏa dần đến mông, đùi. Rất ngứa. Bệnh tự khỏi vài ngày sau sinh. Trẻ có thể bị bệnh da giống mẹ.
Ứ mật thai kỳ tái phát: chiếm 0,02-2,4% thai kỳ. Là nguyên nhân gây vàng da thai kỳ thường gặp thứ hai sau viêm gan siêu vi. Bệnh xảy ra trong ba tháng cuối. Đầu tiên ngứa khu trú sau đó lan ra toàn thân. Ngứa có thể xuất hiện trước vàng da kèm mệt mỏi, chán ăn; có thể buồn nôn, ói mửa, cảm giác tức bụng hoặc nhạy đau ở 1/4 trên phía phải của bụng. Có 50% trường hợp nước tiểu sậm màu và phân nhạt màu. Ngứa da thuyên giảm trong vài ngày sau sinh, vàng da biến mất sau 1-2 tuần. Bệnh làm tăng tỉ lệ sinh non, trẻ nhẹ ký, xuất huyết sau sinh.
Chốc dạng herpes: đây là một dạng vảy nến mủ xảy ra trong thai kỳ và có thể đe dọa đến tính mạng thai phụ. Bệnh rất hiếm gặp. Xảy ra vào ba tháng cuối của thai kỳ. Khởi phát là những mảng đỏ da xuất hiện ở bẹn, nách, cổ, với các mụn mủ nhỏ, nông ở rìa. Tổn thương lan dần ra ngoại vi, đóng mày hoặc mủ ở trung tâm. Ít ngứa. Niêm mạc có thể bị tổn thương và móng tay chân bị sút ra. Sốt ớn lạnh đôi khi kèm buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy. Bệnh giảm ngay sau sinh, tái phát ở các thai kỳ sau. Bệnh làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở thai nhi.
Sẩn ngứa thai kỳ: rất ngứa, xảy ra từ tháng thứ tư đến tháng thứ chín của thai kỳ. Hiện diện các mẩn đỏ nhỏ đóng mày, ở chân, tay, thân. Tỉ lệ bệnh khoảng 1/ 300 thai kỳ. Phát ban da có khuynh hướng tự lành nhanh sau sinh.
Bệnh da nặng lên trong thai kỳ: các bà mẹ mang thai có một số bệnh lý về da-lông-tóc-móng như ở những người không mang thai nhưng lại có diễn tiến nặng hơn do sự thay đổi về miễn dịch trong thai kỳ.
- Bệnh nhiễm siêu vi (mụn cóc da, mụn cóc sinh dục, thủy đậu, mụn rộp), hoặc nhiễm vi nấm (nhiễm nấm candida âm đạo).
- Bệnh ác tính da.
- Lupus đỏ hệ thống: 50% trường hợp bệnh nặng lên, tỉ lệ tự sẩy thai và tử vong tăng cao (30-50%). Nếu chưa có tổn thương thận hoặc tim và bệnh được kiểm soát tốt thì phần lớn bệnh nhân mang thai an toàn và sinh con bình thường. Trẻ sơ sinh có thể bị phát ban da giống mẹ, tắc nghẽn dẫn truyền tim bẩm sinh...
- Bệnh bóng nước Pemphigus: có diễn tiến xấu nhanh hơn và có thể gây tử vong.
- Bệnh phong: tình trạng bệnh của mẹ sẽ diễn tiến xấu đi trong thai kỳ. Tuy nhiên thai nhi rất hiếm khi bị lây nhiễm vi trùng phong.
Tổn thương da-lông-tóc-móng ở thai phụ khá phổ biến. Các thay đổi này có thể là thay đổi sinh lý nhưng cũng gây ảnh hưởng đáng kể về mặt thẩm mỹ và tâm lý cho thai phụ. Có thể bệnh da do thai sẽ gây hậu quả nặng nề cho mẹ và con, cũng có thể bệnh da kết hợp với thai có diễn tiến rất phức tạp trong thai kỳ.
Tình trạng này có thể gây ra một số tác động tiêu cực trên thai phụ như trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, suy giảm sức khỏe... hoặc làm theo những lời rỉ tai không đúng. Những hành động này sẽ có tác dụng ngược làm cho bệnh nặng hơn hoặc không được chữa trị kịp thời. Hơn nữa, việc dùng thuốc để điều trị bệnh da trong thai kỳ gặp rất nhiều chống chỉ định vì dùng không đúng có thể gây nguy hiểm cho thai. Do đó thai phụ chú ý tuân thủ những việc sau đây:
Tỉnh táo và thận trọng: không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn mà tự mua thuốc dùng hoặc đắp lá cây cỏ..., và không dùng các biện pháp can thiệp mạnh bạo như dùng bàn chải chà xát mạnh, siêu mài mòn...
Kiên nhẫn chờ đợi đối với các tình trạng thay đổi do sinh lý thai kỳ như rụng tóc, nám, rạn da, ngứa da. Bảo vệ da chống nắng thật tốt. Tiếp tục dùng dầu gội hoặc dầu tắm quen dùng. Nếu ngứa da tăng dần hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe chị em có thể dùng một số loại thuốc uống kháng histamin giảm ngứa trong thai kỳ; thay đổi dầu tắm bằng sữa tắm baby hoặc các sản phẩm không chứa xà bông như Cetaphil, Saforell; bôi các chế phẩm làm dịu da ở dạng kem hoặc gel lỏng chứa 1-2% menthol.
Không có thái độ xem thường bệnh da hoặc tự ý dùng một số biện pháp để giải quyết bệnh da khi mang thai, mà nên đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được theo dõi kịp thời.
Đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay trong những trường hợp sau: ngứa da không cải thiện sau ba ngày khi đã áp dụng các biện pháp kể trên; mới xuất hiện tổn thương da trong thai kỳ như nổi mẩn đỏ, đặc biệt là nổi mụn - bóng nước; tồn tại bất kỳ bất thường nào của da trước khi bắt đầu mang thai.
Chế độ ăn giàu đạm, sinh tố, các yếu tố vi lượng nhằm bù trừ sự mất mát trong khi mang thai và nuôi con.
Làm đẹp là một nhu cầu hết sức chính đáng kể cả đối với chị em mang thai. Do đó, thai phụ vẫn có thể dùng một số sản phẩm giúp cải thiện tình trạng nám, nứt da, thậm chí các sản phẩm dưỡng da... Tuy nhiên việc sử dụng các sản phẩm này cần có sự hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa da liễu.