Hoàng hôn đang phủ dần trên thành phố Đài Bắc vào cuối tháng ba. Những tia nắng vàng hiu hắt đọng trên khung cửa kính, rơi trên tấm thảm màu xanh lam làm cho những tia nắng càng thêm hoang vắng buồn. Như thường lệ vào mỗi buổi chiều, Kha Tuấn Chi lặng lẽ ngồi một mình nơi góc kín của quán Cafe Vân Thọ Hoa Đường để nhìn xuyên qua khung cửa sổ, thích thú theo dõi những chiếc lá đong đưa, hoặc những vệt nắng hoàng hôn xuyên chiếu vào pho tượng trắng, bình hoa hồng đang rã cánh, hay trên tấm thảm màu xanh lam. Trong khi những người vào quán mỗi lúc một tấp nập, khói thuốc tỏa mù, mùi cafe thơm ngát, những đôi tình nhân ngồi sát vào nhau thì thầm dễ thương như đôi chim bồ câu. Những người khách ăn mặc lịch lãm đang ngắm những bức tranh sơn dầu treo đầy trên tường và bắt đầu bình phẩm chứng tỏ sự sành điệu yêu nghệ thuật hội họa của mỗi người. Tiếng cười đùa của các cô tiếp viên tạo nên một không khí trẻ trung và vui vẻ. Tiếng dương cầm đang rơi từng nhịp điệu thánh thót vào lòng. Một buổi chiều thật tuyệt vời và hoàn hảo, nhưng đối với Kha Tuấn Chi thì lại khác, anh cảm thấy cô đơn một cách kỳ lạ. Bấy lâu nay những ý nghĩ về một người làm nghệ thuật chân chính và vì nhân sinh, sự mâu thuẫn gần như nghịch lý cứ dằn vặt, suy tư mãi trong đầu óc của anh. Nghệ thuật thuần túy tạo nên bởi thiên tài, "hữu xa. tự nhiên hương". Phải phấn đấu, kiên trì có khi suốt cả một đời mới tạo thành danh qua những kiệt tác. Nghệ thuật không phải là xảo thuật, về hùa công kênh nhau một cách lố bịch. Không phải huênh hoang khua trống chiêng ồn ào để lừa bịp thiên hạ. Riêng đối với anh cũng đang phân vân về con đường nghệ thuật của mình. Vì nghệ thuật hay vị nhân sinh, vấn đề cùng khó quyết định. Tuy nhiên anh đã một thời chạy đuổi viễn vông say đắm bầu trời nghệ thuật hội họa gần như tuyệt đối và anh đã lâm vào một đời sống vô cùng vất vả để rồi cuối cùng anh đành phải buông thả trở về với thực tế kiếm sống nuôi thân. Anh đã dành dụm chút đỉnh tiền sau nhiều năm làm công thợ, mở quán cafe Vân Thọ Hoa Đường nầy. Vừa kiếm tiền bằng cách bán cafe và cũng được khách hàng thỉnh thoảng đến mua tranh nhất cử lưỡng tiện. Quán cafe của anh tuy nhỏ nhưng lối trang trí nghệ thuật ấm cúng tạo nên một nơi chốn hẹn hò lý tưởng nên lúc nào cũng có khách vào ra đông đảo. Hơn một năm nay quán cafe Vân Thọ Hoa Đường của anh đã được báo chí nhắc nhở tới, anh em nghệ sĩ xem như nơi gặp gỡ bằng hữu thích hợp và thoải mái. Giới thượng lưu giàu có cũng đến để làm dáng trí thức thời thượng nên không những anh kiếm tiền nhiều hơn nhờ quán cafe mà tranh của anh cũng có khách mua với giá cao hơn gấp mấy lần lúc anh còn hàn vi. Nhưng với anh thì giá trị nghệ thuật của những bức tranh sau nầy thua kém xa. Anh đã đánh giá được đối tượng. Dư luận trong giới thương gia ở Đài Bắc hiện nay ít nhất trong phòng khách phải có tranh của Kha Tuấn Chi mới có giá trị, nên mua được tranh của anh kể như là một vinh dự.
Những bức tranh treo bày ở quán cafe "Vân Thọ Hoa Đường" trở nên những tác phẩm hội họa giá trị đặc sắc nhất tạo nên một hiện tượng "thời trang kiểu cách" của mấy ông nhà giàu "trưởng giả học làm sang". Với đời sống bình thường thì Kha Tuấn Chi được xem như người đang thành công, những món lợi từ quán cafe, từ những bức tranh được khách mua nhanh chóng, báo chí đã hết lời ca ngợi anh. Nhưng chính từ những góc cạnh giả dối bề ngoài của cuộc sống tầm thường đó làm cho tâm hồn anh càng cảm thấy cô đơn hơn. Tại sao anh phải ngồi đây để nhìn mỗi ngày những khuôn mặt nham nhở, kênh kiệu chạy đuổi vào cuộc sống với tất cả xảo quyệt bần tiện khốn nạn nhất. Trong khi tâm hồn anh mênh mông như bầu trời, yêu từng nụ hoa vừa mới nở, từng tiếng chim hót trên vòm cây xanh lấp lánh ánh mặt trời, say mê ngắm nhìn những đám mây phiêu bạt. Và sống thực với lòng mình, yêu bảo rằng yêu và ghét nhất định phải phân minh...
Vân Thọ Đường thực sự đã thành công, đã đem lại cho Kha Tuấn Chi những lợi tức đáng kể. Nhưng đối với chàng, tất cả những thành công về phương diện tài chánh chỉ là một góc cạnh nhỏ của đời sống không liên quan đến tâm hồn mênh mông như mây trời của chàng. Kha Tuấn Chi vẫn cảm thấy cô đơn, càng ngày càng như một loài gặm nhấm làm hao mòn dần trí tuệ và trái tim đầy xúc động của chàng. Chàng có cảm tưởng giống như một quả bóng bay lên cao dần khuất vào đám mây để rồi không biết trôi giạt về đâu hay vỡ tan trong không gian thăm thẳm đó? Không ai có thể giữ chàng lại được? Vân Thọ? Tiền tài? Danh vọng? Uyển Lâm? người vợ đã sống với chàng suốt hai mươi năm qua? Tử Cường và Bội Nhu? Hai đứa con thân yêu của chàng? Tất cả sẽ không giữ được chàng. Lúc nào Kha Tuấn Chi cũng cảm thấy cô đơn xa lạ giữa cái thế giới tầm thường, chạy đuổi theo cái guồng máy đời sống nhạt nhẽo chán nản hoài hoài giống như một cái đĩa hát cũ bị rè đi những âm thanh kỳ diệu tuyệt vời của tâm thức. Đôi khi Kha Tuấn Chi tưởng chừng như những người chung quanh chàng như không còn "cảm giác", họ như những con người máy thật tội nghiệp, thì làm sao có thể hiểu chàng, chia xẻ cùng chàng những ý tưởng sâu xa thầm kín. Chính cuộc sống "trên mây" nầy đôi khi đã làm cho bạn bè phê phán chàng:
- Kha Tuấn Chi, mày không nên nuôi ảo tưởng và tham lam quá trớn. Có điều gì hiện tại làm cho mày chưa mãn nguyện? Sự nghiệp tương đối mày cũng không thua kém ai! Vợ hiền con ngoan, nhất là hai đứa con mày vừa xinh lại vừa học hành ưu tú, ở trường thầy cô bạn bè đều mến yêu. Mày không cảm nhận được ngôi vị hạnh phúc mày đang có được và bạn bè đều công nhận mày là người may mắn nhất sao? Nếu mày không bằng lòng thì tao chắc cả thế giới không còn ai mãn nguyện nữa!
Quả thật đúng như vậy. Hiện tại chàng đang có trong tay những món quà ưu ái nhất. Nhưng đó cũng chỉ là một cuộc sống bên ngoài cái lý trí sâu sắc của chàng. Cái hố thăm thẳm nhìn chưa tìm được tri âm. Hằng ngày, chàng phải đến ngồi ở góc kín đó để những khuôn mặt nham nhở, nói cười ồn ào, tiếng nhạc rập rình khó chịu làm cho chàng rơi chìm vào nỗi cô đơn tột cùng. Và chàng như có vẻ lạc loài hơn bao giờ. Trong giây phút suy nghĩ vẩn vơ, bỗng cánh cửa vụt mở, một thiếu nữ bước vào, ánh nắng chiều rọi xuyên qua người nàng như ôm quyện nàng giữa một vùng ánh sáng vàng tuyệt diệu. Nàng mặc chiếc áo len cao cổ màu xanh lam, cái quần Giean xanh đã bạc màu, mái tóc xõa dài ngang vai trông lãng mạn lạ lùng, tia nắng trên tóc nàng giống như con suối chiều lấp lánh những vì sao, và chính nàng trong khoảnh khắc qua mắt nhìn của Kha Tuấn Chi như một bức tranh thật linh động. Chàng thở dài và tiếc chàng không phải là một họa sĩ tài ba để ghi lại hình ảnh sống động và đẹp một cách kỳ diệu đó. Người thiếu nữ đi thẳng đến quày tính tiền, dùng ngón tay gõ nhẹ trên mặt bàn và hỏi người quản lý:
- Này ông, vui lòng cho tôi gặp ông Giám đốc?
- Giám đốc? - Ông quản lý ngưng lại giây lát - Ông Giám đốc nào? Có phải ông Trương không?
- Không, tôi muốn gặp ông Kha Tuấn Chi... Nghe thiếu nữ nói đến tên mình, Kha Tuấn Chi vội vàng đứng dậy, từ trong góc kín tiến dần đến chỗ thiếu nữ. Nhìn người thiếu nữ trước mặt, khuôn mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa, đôi môi mọng đỏ với nụ cười thật duyên dáng. Nàng không phải là đẹp lộng lẫy, ở nàng chỉ có đôi mắt long lanh đen nháy thu hút người đối diện. Kha Tuấn Chi đến bên nàng:
- Cô hỏi có việc. gì, tôi có thể giúp cô?
Và không để cho thiếu nữ kịp trả lời, Kha Tuấn Chi đã tự giới thiệu:
- Tôi là Kha Tuấn Chi, người mà cô vừa hỏi đến.
Thiếu nữ nhìn chàng ngạc nhiên.
- Ồ! Hân hạnh quá.
Đôi mắt như hai vì sao rực sáng nhìn thẳng vào mắt Kha Tuấn Chi như muốn "thôi miên" chàng.
- Tốt quá, thế mà tôi sợ...
- Cô sợ gì?
- Sợ không được may mắn gặp ông chiều nay.
Nàng vừa nói vừa nhíu mày vừa mỉm cười tinh nghịch. Những cái răng trắng đều như hạt bắp ẩn sau đôi môi mọng đỏ như hoa đào, chỉ trong một thoáng giây thôi cũng đủ làm cho chàng ngây ngất. Và chàng có cảm tưởng như đang bị đốt cháy bởi những tia mắt rực lửa của người thiếu nữ.
Như để phá tan giây phút bỡ ngỡ, Kha Tuấn Chi hỏi thêm nàng:
- Xin cô vui lòng cho biết quý danh?
- Dạ, tôi họ Tần... và nàng lại cười như cố ý trêu chọc chàng... Chắc chắn là ông không biết tôi... và nàng hất mái tóc đen đang chảy trên vai nàng như giòng suối thơ mộng... Có người bảo với tôi, ông là người hiểu biết rất nhiều về hội họa và là người bán tranh có tâm hồn nhất.
Kha Tuấn Chi vội vàng phân bua:
- Nhận xét đó quả thật không đúng, tôi chỉ là người buôn tranh tầm thường thôi.
- Ông quá khiêm nhượng, ở Đài Bắc ai không biết chủ nhân Vân Hoa Đường? Chính nhờ danh tiếng đó mà hôm nay tôi tìm đến ông.
- Cám ơn cô đã quá lời khen tôi, tôi xin xác định một lần nữa với cô, tôi chỉ là người buôn tranh, chỉ biết chút đỉnh đại khái về hội họa thôi.
Thiếu nữ có vẻ trầm ngâm giây lát như để suy xét lời bàn về Kha Tuấn Chi của những bằng hữu trong ngành hội họa với nàng. Thiếu nữ vừa gật đầu vừa nói tiếp câu chuyện.
- Thật là vô lý. Nếu quả ông không biết gì về hội họa tại sao ông lại chọn nghề bán tranh? Và nàng có vẻ bực bội về ý nghĩ nhận xét sai lầm của nàng.
- Có ai bắt buộc người bán tranh phải là một họa sĩ hay là người hiểu biết sâu xa về địa hạt này đâu?
Vừa nói xong chàng mỉm cười và nhận thấy người đang đối thoại với chàng cững có những ý tưởng thật lạ lùng.
- Vậy thì ông làm sao định giá được một bức tranh giá trị?
- Thực tình tôi không định giá. Chỉ có họa sĩ mới định giá những tác phẩm của chính mình.
Người thiếu nữ bỗng nhiên nhìn thẳng vào đôi mắt Kha Tuấn Chi và mỉm cười duyên dáng như để thách đố chàng với những ý nghĩ ngỗ nghịch của nàng.
- Như thế tất cả tranh treo ở tường đều là tranh của các họa sĩ gởi cho ông hết phải không?
- Vâng, và cô cũng muốn tôi giúp cô bán tranh giùm cô?
- Xin cám ơn ông.
- Thế tranh của cô để đâu?
- Ở ngoài cửa, xin ông vui lòng cho người phụ giúp tôi một tay.
Kha Tuấn Chi quay sang người quản lý và nhờ chú giúp cô một tay.
Sau khi số tranh đã được mang vào bên góc trái của quán cafe, Kha Tuấn Chi mời thiếu nữ vào phòng khách phía sau quán cafe của chàng. Căn phòng được Kha Tuấn Chi trang trí thật dễ thương và ấm cúng. Những bức tranh sơn dầu của bạn chàng treo trên tường lam ngọc với ánh sáng ngọn đèn chiếu xuyên qua tạo thêm giá trị. Bộ salon màu lam, bên khung cửa kính trông ra khu vườn đang nở đầy những đóa hoa cúc vàng rực rỡ. Căn phòng dành để tiếp khách và bàn chuyện văn nghệ và hội họa; một thế giới riêng rẽ của Kha Tuấn Chi. Chỉ những giây phút gặp gỡ bạn bè trong căn phòng nầy Kha Tuấn Chi mới cảm thấy thoải mái. Trong số tranh của người thiếu nữ họ Tần nàng tự chọn một bức có lẽ ưng ý nhất mang vào theo phòng với Kha Tuấn Chi. Bức tranh mới đặt lên khung ở gần tấm màn cửa màu hoàng yến. Nàng làm việc rất tự nhiên và thẳng thắn nói chuyện với Kha Tuấn Chi.
- Ông Kha, tôi không cần biết ông có hiểu biết về hội họa hay không, tôi chỉ yêu cầu ông nói thật cho tôi biết, ông có thích bức tranh này không? Và có bằng lòng cho tôi gởi bán tại Vân Thọ Đường?
Kha Tuấn Chi trầm ngâm đứng nhìn bức tranh. Bỗng dưng chàng xúc động đến ngẩn ngơ.
Trước mắt chàng hiện ra một trùng dương mênh mông xanh thẳm, những con sóng dồn dập đuổi quyện vào nhau để tạo thành những đóa Hoa Biển đẹp lạ lùng. Biển nối với bầu trời u ám, những đám mây màu xám cuồn cuộn như những đe dọa của bão tố, không có những cánh chim hải âu, chỉ còn lại một dải cát chạy dài ven biển, màu cát trắng úa vàng quạnh hiu, một khúc gỗ mục nằm phơi lẻ loi và trên thân gỗ một đóa hoa hồng chớm nở những cánh hồng. Những đợt sóng vỗ vào bờ trắng xóa. Bức tranh thật đẹp nhưng hoang vắng buồn thảm. Đóa hồng đã biểu lộ cái lãng mạn đầy nghệ sĩ tính đã vươn lên từ những mục rữa của cuộc đời. Kha Tuấn Chi đã thực sự rung động trước trời biển bao la đó. Không gian và thời gian như ngưng lại trên những phiến màu vàng xám trong khung vải, chỉ sáng lên cái tên Vũ Thu ở góc trái làm cho chàng chú ý hơn. Vũ Thu! Cái tên thật xa lạ với chàng. Chàng cố gắng tra tìm nơi tiềm thức để xem cái tên Vũ Thu đã có lần đọc đến chưa. Và cuối cùng Kha Tuấn Chi nhớ ra.
... Khoảng thời gian vài năm trước, chàng đã bắt gặp tên Vũ Thu ký dưới một bức tranh được chàng yêu thích và hình ảnh sáng tạo nơi bức tranh vẫn còn sống mãi trong tâm hồn chàng. Chàng đã nhớ ra rồi, bức tranh đó ở phòng khách của Đỗ Phong, bạn chàng. Bức tranh đã vẽ một bà già quê mùa, nét mặt nhăn nheo nhưng đầy phong sương, trên vai mang một thúng cải xanh nặng trĩu nhưng Bà đang nở nụ cười bên đứa cháu bé có nụ cười dễ thương, đôi má hồng phúng phính, tay nắm lấy tà áo nâu của Bà thật trìu mến. Nụ cười của Bà và cháu như tỏa sáng giữa bầu trời xanh, hoa cỏ ngút ngàn. Thể hiện tình cảm nồng nàn giữ hai thế hệ già trẻ đồng quê mộc mạc, Phía dưới góc trái ký tên Vũ Thu. Lúc đó Kha Tuấn Chi đã xúc động hỏi Đỗ Phong về họa sĩ Vũ Thu.
- Vũ Thu? Đó là vợ của một người bạn. Đỗ Phong hời hợt trả lời và hỏi lại chàng:
- Mày thấy sao về bức tranh này?
- Tao thích cái bố cục của nó, họa sĩ đã gởi gấm vào tranh những tư tưởng sâu sắc và đầy tình người.
- Nhưng cô ta không phải là họa sĩ, chỉ vẽ tranh tài tử thôi.
Chàng chỉ biết về Vũ Thu có chừng đấy thôi và rồi cũng chìm vào quên lãng. Sau một thời gian có dịp trở lại thăm nhà bạn Đỗ Phong, tự nhiên tâm hồn chàng chùng xuống buồn chi lạ vì trên tường phòng khách chỗ dành bức tranh trang trọng của Vũ Thu không còn nữa, thay vào một bức cổ họa mà tên tuổi lạ hoắc trong làng hội họa hiện thời. Biết ý bạn, Đỗ Phong trả lời ngay:
- Ai cũng phê bình tại phòng khách sang trọng lại treo một bức tranh bà già quê mùa nên tao đã thay bức tranh nầy, mày thấy thế nào?
Kha Tuấn Chi yên lặng không trả lời Đỗ Phong. Chàng nhìn qua khung cửa thấp thoáng cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, chàng đang nghĩ đến khuôn mặt bà cụ già với những nét nhăn nheo sạm nắng nhưng nụ cười vẫn bao dung bên đứa cháu trai bụ bẫm. Thật sống động và đầy nghệ thuật nhân sinh. Không ngờ hôm nay đối diện với chàng là họa sĩ Vũ Thu. Tác giả của bức họa mà chàng đã yêu thích từ lâu. Trong khi chàng theo đuổi ý nghĩ thì Vũ Thu đã nhìn chàng đăm đắm. Bốn mắt chạm nhau, Vũ Thu thẹn thùng quay đi vừa nói nhỏ đủ cho chàng nghe:
- Đó là bức Hoa Biển, một trong những bức tranh tôi thích nhất.
Được dịp chàng nhìn kỹ vào gương mặt thanh tú có duyên của Vũ Thu, chàng cũng nghe lòng giao động... Nhưng câu nói của Đỗ Phong như văng vẳng bên tai chàng: "vợ của bạn" chắc chắn nàng không còn nhỏ tuổi và chỉ lớp tuổi gần trang lứa với chàng mới có cái nhìn sâu sắc như vậy.
- Xin lỗi cô, Vũ Thu là ai?
Nàng chớp đôi mắt, mỉm cười đáp ngay:
- Tôi là Tần Vũ Thu, anh nghe rõ chưa?
Chàng vẫn như chưa tin nhắc lại:
- Có đúng Tần Vũ Thu là cô?
- Bộ không phải tên tôi chứ còn ai vào đây? Anh thật kỳ cục. Bộ tôi không phải Tần Vũ Thu sao?
- Tại vì tài họa ở những bức tranh tôi được hân hạnh xem so với số tuổi ngoài đời đã làm cho tôi vừa ngạc nhiên đó thôi!
- Tôi còn quá trẻ? Cám ơn anh đã khen nịnh tôi. Có lẽ tôi trẻ trong ý nghĩ của ông thôi.
Nàng đưa những ngón tay búp măng lùa vào mái tóc, duyên dáng và có chút thơ ngây - Nàng nói tiếp:
- Tôi không còn trẻ đâu, tôi sắp ăn lễ sinh nhật thứ 30 vào tuần tới.
Chàng nhìn Vũ Thu. Một người đàn bà kỳ lạ vừa phóng khoáng tự nhiên, vừa lịch sự dễ mến, đúng là một nghệ sĩ thiên tài. Chàng không ngờ người đàn bà đẹp đứng trước mặt lại dám nói thẳng tuổi thật của mình, nàng giống như một cô sinh viên khả ái, bất cần đời và dễ thương đã sáng tạo nên bức tranh “Hoa Biển” giá trị này.
Những hoài nghi tan biến để dành lại sự ngạc nhiên trong hồn chàng. Với khuôn mặt trẻ trung và diễm kiều kia lại chứa đựng một tâm hồn mênh mông như mây trời. Chàng không thể tưởng tượng nổi nàng có thể tạo thành một tác phẩm sâu sắc giá trị đến như thế! Nàng quả là một thiếu nữ kỳ lạ, phóng khoáng, đúng là một nhà nghệ sĩ tài hoa. Điều không ngờ nhất là hiện chàng đang đối diện với Vũ Thu bằng xương thịt chứ không phải bằng sắc màu. Chàng nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm buồn của Vũ Thu:
- Có điều cô nên hiểu, đây không phải là lần đầu tôi được vinh dự xem tranh của cô.
- Tôi biết, chính anh Phong đã nói lại ông từng thích tranh của tôi, và "Mỉm Cười" tác phẩm mà chính tôi cũng yêu thích mãi. Nàng ngừng lại một thoáng giây nhìn thẳng vào đôi mắt Kha Tuấn Chi và nói nhỏ như vừa đủ cho chàng nghe:
- Chính tôi biết ông là người yêu tranh nên hôm nay tôi mới can đảm đem những bức tranh này đến để ông xem và mua giúp cho. Có lẽ đây là lần đầu tôi đem những tác phẩm bằng tim óc của mình để đổi lấy tiền. Tôi rất đau xót khi phải lìa xa những máu huyết thân yêu nhưng thực tế đời sống... tôi không thể, biết làm sao hơn.
Nàng ngừng lại và cười gượng như để che phủ sự ngượng ngùng của nàng.
- Số tiền do những bức tranh nầy mang lại biết đâu tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, nhưng điều phải nói thẳng với ông là tranh của tôi bán cao giá lắm, tôi thành thật khuyên ông nếu được thì mua còn không thích thì thôi, không phải chỉ vì một chút cảm tình riêng phải tốn kém một số tiền mà chính thâm tâm ông không mấy thích. Ông nên suy nghĩ lại đi nhé, trước khi quyết định.
Nàng nhìn vào những bức tranh rồi lại nhìn chàng hồi hộp chờ đợi phản ứng của chàng. Sở dĩ nàng phải nói nghịch ý những điều nàng nghĩ vì tự ái của một họa sĩ. Cái lớp vỏ bọc bên ngoài mà nàng đã hãnh diện cưu mang từ hàng chục năm qua. Riêng với Kha Tuấn Chi, chàng đã hiểu thấu suốt tâm hồn nàng, chàng cảm thấy tội nghiệp nếu từ chối. Như để vỗ về và trấn an Vũ Thu, chàng vừa đưa tay lật xem từng tấm tranh một vừa đăm chiêu ra vẻ người đang thưởng ngoạn:
- Cô vui lòng cho tôi xem tất cả tranh của cô?
Vũ Thu đem hết tranh đặt từng bức lên chiếc ghế gần đó trong khi Kha Tuấn Chi lùi ra xa một bước để ngắm kỹ từng tác phẩm của nàng.
... Trên cánh đồng hoang vắng, ngọn gió cuốn những chiếc lá vàng, trên cành khô vài nụ xanh nẩy mầm với nhan đề "Sanh Thú".
... Giữa bầu trời trong xanh, vài cụm mây trắng bay qua thơ mộng. Một cánh chim hải âu tung cánh trông thật thỏa thích, bức tranh được đề tựa "Tự Do"... Những dãy phố chìm khuất trong ánh đèn đêm hiu hắt, em bé mồ côi lạc loài đang một mình về qua ngõ hẻm. Với nhan đề "Đường Khuya"... Và từng mảng sắc màu lung linh cuốn hút Kha Tuấn Chi một thế giới kỳ diệu và hiện thực, càng xem chàng càng sững sờ ngạc nhiên càng xúc động tột cùng vì chính những góc cạnh đời sống nầy chàng đã từng nghĩ đến và đã từng rung động thực sự ở tâm thức chàng. Mỗi bức tranh là một gởi gấm, là một cảm thông trọn vẹn từ người nghệ sĩ đến cuộc đời bi lụy tạo thành... Trong sự yên lặng chờ đợi của Vũ Thu, chàng bỗng kéo Vũ Thu về thực tại:
- Tôi đồng ý mua tất cả những bức tranh nầy.
- Ông hãy nói thật đi, ông mua vì thương hại tôi chứ không phải vì giá trị nghệ thuật?
- Tại sao cô lại nghĩ như vậy? Từ lâu rồi tôi đã thích tranh của cô mà. Hơn nữa theo tôi, đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, cô không tin đó là những lời thành thật sao? Đối với nghệ thuật tôi chưa bao giờ là kẻ nói dối.
Nàng thở phào để trút khỏi thoáng lo âu. Một lần nữa như để cho nàng tin tưởng, Kha Tuấn Chi nhì thẳng vào đôi mắt nàng vừa cười vừa trấn an:
- Những điều tôi vừa nói là sự thật. Chính cô cũng không tin tài của cô sao?
Vũ Thu đỏ mặt vì ngượng ngùng trước lời khen của chàng. Ngay giây phút đầu tiên gặp Kha Tuấn Chi nàng đã công nhận chàng có một tâm hồn hết sức phóng khoáng bén nhạy và đúng là người có tâm hồn nghệ sĩ mặc dù không phải là họa sĩ nhưng đích thực, chàng là kẻ đồng điệu tri âm chân tình. Đang miên man nghĩ về Kha Tuấn Chi... bỗng chàng khẽ nói với Vũ Thu:
- À thì ra Đỗ Phong đã giới thiệu cô đến, tại sao cô không cho tôi hay trước nhỉ.
- Có lẽ giữa ông và Đỗ Phong có những điểm khác nhau nhất là vấn đề nghệ thuật?
- Nhận xét của cô cũng có lý.
- Thế thì tại sao ông lại nhắc đến ông Đỗ Phong trong lúc này?
Kha Tuấn Chi cười lớn.
- Cô quả thật là một họa sĩ tài hoa.
- Không dám, tôi còn phải học hỏi nhiều.
Vũ Thu đưa tay lùa mái tóc như suối trên vai nàng, và ngồi xuống chiếc ghế bành màu huyết dụ bên cạnh những bức tranh của nàng.
Kha Tuấn Chi ngồi xuống ghế đối diện với nàng, vừa rít hơi thuốc nhả khói từng vòng tròn bay lẳng lơ trên trần nhà, bỗng chàng đổi giọng nghiêm chỉnh hơn:
- Cô có lý. Cần phải học hỏi thêm.
Câu nói của Kha Tuấn Chi gây cho Vũ Thu cái cảm giác khó chịu vì từ lâu nàng cả tin vào tài của mình.
- Dĩ nhiên trong những bức tranh nầy hoàn toàn ông thích, sẽ có những bức không hợp ý ông chứ.
- Bán tranh không phải là chuyện dễ, tranh của cô có được khách đón nhận hay không còn phải chờ thời gian... trả lời.
- Tôi hiểu. Nàng dựa lưng vào ghế bành đôi mắt lơ đãng nhìn lên trần, mái tóc xõa phủ trên đôi vai trắng ngà, đôi môi cười mỉm như một búp hồng buổi sớm mai phơn phớt sương trông thật quyến rũ... Kha Tuấn Chi như say đắm nhìn nàng bỗng dưng chàng cảm thấy lòng chàng giao động trước nhan sắc hiền hòa của Vũ Thu.
- Cô quá tự tin.
Nàng vừa cười vừa đáp:
- Vâng, cuộc đời đã dạy tôi tự tin từ lâu. Nếu không tự tin tôi làm sao thực hiện được những tác phẩm biểu trưng một thế giới yêu thích của riêng tôi - Chắc ông hiểu được điều đó - Mỗi bức tranh là một gởi gấm là một góc cạnh trung thực của tâm hồn. Tôi biết tôi sẽ cô đơn vì những điều tôi nghĩ khó có thể tìm được người chia xẻ. Nhưng cuộc đời phũ phàng nếu không có cơm ăn áo mặc, không có hộp màu, vải khung thì họa sĩ làm sao thực hiện nổi tác phẩm! Cuối cùng rồi nghệ thuật cũng chỉ vị nhân sinh...
Vũ Thu đang thao thao bất tuyệt thổ lộ giòng tư tưởng của mình, Kha Tuấn Chi ngắt lời:
- Xin lỗi, tôi không hiểu lầm, đời sống gia đình đã có người lo giúp cho cô? Tôi muốn nói đến người...
Vũ Thu bỗng ngồi thẳng lại nhìn Kha Tuấn Chi:
- Ông muốn nói đến chồng tôi? Chúng tôi đã ly dị nhau mấy năm rồi vì không hợp nhau. Cũng tại vì người đàn bà độc thân mưu sinh để tiếp tục con đường yêu thích của mình nên người đàn bà đó mới tìm đến nhờ ông, hôm nay. Ông hiểu rồi chứ?
- Tôi thành thật xin lỗi cô vì đã tò mò nhắc đến chuyện riêng tư của cô. Quả là một điều không nên. Mong cô đừng để ý đến câu nói vừa rồi.
- Sự thật vẫn là sự thật. Dưới ánh sáng mặt trời có gì là bí mật đâu ông. Ông không nên khách sáo, lỗi phải gì...
- Thành thật xin lỗi cô, tôi đã vô tình nhắc đến chuyện đời riêng tư của cô, tôi thật không đúng.
- Có gì ông phải xin lỗi. Vừa nói nàng vừa nhún vai.
- Một kết hợp lầm lẫn cho cả hai người, xa nhau càng sớm càng tốt ông ạ, không khéo chúng tôi cứ nhẫn nhịn mãi bên nhau có ngày giữa hai chúng tôi có người chết vì điên. Đó là sự thật, vì tôi như ông biết tâm hồn thì mênh mông như mây trời, tư tưởng xúc động từ hơi thở của từng nụ hoa, cánh lá trong vườn, u buồn theo từng ánh nắng chiều phai, từng cánh chim lẻ loi hót trong vòm cây xanh, say đắm từng sắc màu của thiên nhiên của trời đất. Còn chồng tôi, một đời sống bình thường giản dị, sớm tối đi về trên những con đường quen thuộc, muốn có người vợ biết chìu chuộng chồng con, một người vợ hiền biết thêu thùa may vá, biết nấu ăn hai bữa theo ý chồng, một con ngựa suốt đời bịt hai con mắt để đừng thấy những hoa cỏ hai bên đường cứ thế mà đi suốt một đời cho chồng cho con, đó là hạnh phúc bình thường trong tầm tay. Tôi thì không phải vậy, một người đàn bà hay nói đúng hơn một người có những ý tưởng thác loạn vượt ra ngoài những cái tầm thường đó - may quá cho đến ngày ly dị tôi không dùng cây cọ và màu sắc để giết chồng. Chúng tôi đồng ý xa rời nhau trong một niềm hạnh phúc của mỗi người, tôi và chồng tôi không một mảy may ân hận, tiếc nuối mà cho đó là cách giải quyết hợp lý nhất... Nàng thao thao kể chuyện tâm sự...
- Xin lỗi ông, tôi có vẻ nhiều lời với một người mới gặp... lẩm cẩm quá phải không ông?
Chàng cười như để cảm thông tâm sự của nàng:
- Không sao, cô chân thật mà. Tôi vẫn thích những người chân thật như cô vậy.
- Tôi không phải là một người vợ hiền, tôi đã quá say mê nghệ thuật bỏ quên vai trò người vợ của mình... nàng ngừng lại nhìn Kha Tuấn Chi... nàng lùa tay vào mái tóc đen óng ả của nàng. Những ngón tay trắng muốt như những cánh hoa ngọc lan, chàng nhìn theo ngây ngất...
- Chắc ông ngạc nhiên, lần đầu tiên gặp ông tôi đã đem hết tâm sự thổ lộ cùng ông, kỳ quá phải không ông?
- Thế ba má của cô bây giờ ở đâu? Có thể giúp cô tiếp tục con đường yêu thích của cô không?
- Ba má tôỉ! Nàng im lặng chớp nhanh đôi mắt. Và chậm rãi trả lời:
- Ba má tôi coi tôi như một con quái vật khó thương, là một hiện tượng điên khùng, mất bình thường... Khi tôi quyết định lấy nhà tôi thì Ba má tôi phải đối kịch liệt, cho là tôi đã khùng lấy thêm một thằng khùng thật xấu hổ cho gia đình, nên đã đoạn tuyệt với tôi sau khi lễ thành hôn của chúng tôi. Theo quan niệm của tôi, tình yêu phải để cho sự rung động của trái tim lựa chọn, phải là một cuộc hôn nhân hết sức dân chủ và tự do như thế mới hy vọng tìm thấy hạnh phúc. Tình yêu và hôn nhân phải đạt theo ý mình, không cần phải môn đăng hộ đối như quan niệm của những ngày xưa đầy bảo thủ một cách vô lý. Khi tôi đã quyết định thì không có ai có thể ngăn cản nổi... và tôi chấp nhận lấy tên khùng dễ thương này. Nhưng đến khi sống chung với nhau một thời gian thì chính tôi là tên khùng bất trị nhất đã làm cho chồng tôi chán nản và phải chấp nhận một cuộc ly dị nhanh nhất như trốn chạy một "con quái vật"... Lúc này buồn quá tôi tìm trở về thăm Ba Má tôi và điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là Ba Má rất yêu thương chàng rể biết cần cù làm ăn nuôi vợ tạo hạnh phúc gia đình, và Ba má tôi giận dữ vô cùng khi nghe tôi trình bày chuyện ly dị vì Ba má cho tôi thật sự đã nổi cơn điên hết thuốc chữa, vì một người chịu khó làm ăn biết lo gia đình như chồng tôi mà lại ly dị... Lần này Ba má tôi dứt khoát không nhìn tôi là con nữa... Nàng yên lặng vài giây... lắc đầu và nói tiếp:
- Không biết vấn đề hôn nhân cho tôi hay là cho Ba Má tôi?
Để an ủi nàng, Kha Tuấn Chi đến gần nàng hơn và vỗ nhẹ lên vai nàng như người anh vỗ về em gái:
- Câu chuyện gia đình cô thật đặc biệt!
- Đặc biệt lắm sao ông? Đó không phải là một vở kịch của nhân loại? Một thế giới thật bình thường sinh ra đi học lớn lên lấy chồng cung phụng chồng, nuôi nấng con để rồi già nua cho đến khi nằm trong huyệt mộ, một cuộc đời phẳng lặng buồn tênh đáng chán, giống như cái đĩa hát cũ quay hết một vòng rồi đứng im giữa không gian tịch lặng quạnh hiu vô cùng tận. Và một thế giới khác sôi động hơn phóng khoáng hơn, tự do bay bổng hơn nhưng đầy thác loạn ồn ào say đắm, phá vỡ tất cả để rồi chìm khuất như một ngôi sao tắt lịm trong hư vô mù mịt của vũ trụ. Nhưng ánh sáng vẫn còn ở trong tiềm thức mọi người không thể nào hòa nhập giữa hai cõi sống đó phải không ông? Tôi rồi cũng chỉ như một loài ngựa hoang, suốt đời chạy đuổi theo ảo vọng, để rồi một hôm ngựa sẽ mỏi vó chồn chân đứng yên soi mình bên giòng sông lạnh, mới thấy mình già nua mà ảo tưởng vẫn xa vời.
Nàng dừng lại, bước đến khung cửa sổ nhìn những cánh lá đang xao động vì một cơn gió thoảng qua. Bên kia đồi giòng sông đang ngủ yên dưới nắng chiều hiu hắt... Nàng lặng im một thoáng giây xa vắng... rồi nói tiếp:
- Với tình yêu, tôi thẳng thắn lắm, yêu thì sôi bỏng như nắng hè... nhưng đến khi không còn yêu nữa thì dứt khoát mỗi người mỗi ngã, cứ e ngại dư luận, cứ phong kín mình trong bốn bức tường nho phong đạo đức, sống bên nhau mà cứ như diễn viên sâu khấu diễn hoài một vở kịch buồn tênh gượng gạo cho tới khi cuộc đời buông màn một cách tẻ lạnh.
Bỗng dưng nàng ngoảnh mặt nhìn chăm chăm vào đôi mắt Kha Tuấn Chi:
- Không biết ông có giống trường hợp người thứ nhất hay người thứ hai nhỉ?
Đang miên man theo đuổi những lời tâm sự của Vũ Thu, bỗng nhiên bị câu hỏi bất ngờ làm cho chàng phải lúng túng, nhất là đôi mắt của nàng như một thanh nam châm đầy quyền uy và một sức hút ghê gớm. Chàng có vẻ như mất tự chủ, ngượng ngùng nhìn lơ đãng qua những bức tranh đang dựng vào bờ tường:
- Có thể nhận xét của cô rất đúng và hình ảnh người thứ hai vẫn là hình ảnh của tôi hằng mơ ước từ lâu. Suốt đời không bao giờ bằng lòng với hạnh phúc sẵn có trong tầm tay.
Có lẽ vì cảm động, đôi mắt nàng chớp nhanh như cố ngăn những giòng lệ chực chờ nhỏ xuống trên đôi má hồng như trái đào mơn mởn xuân. Không nhìn thẳng vào Kha Tuấn Chi, nàng nhìn bâng quơ ra ngoài khoảng trời xanh thấp thoáng vài cánh chim hải âu bay lượn.
- Cám ơn Thượng Đế, ít ra tôi cũng còn một người đồng điệu,... ông nói đúng, thật sự chúng ta không biết đến những hạnh phúc trong tầm tay, cả đời chạy đuổi theo một thứ hạnh phúc ảo tưởng. Nhưng thực ra hạnh phúc là gì? Và người nào được cái vinh hạnh để hưởng hạnh phúc chơn thật? Cơm ăn áo mặc, vợ đẹp con ngoan, một người chồng trọc phú? Những điều đó có tạo ra hạnh phúc không? Thật lạ lùng tại sao tôi tâm sự hết cả với ông như thế này? Thôi tôi xin lỗi ông và xin tạm biệt ông.
Nàng toan tính quay gót, liền bị Kha Tuấn Chi vội vàng đến giữ cửa lại và nói lớn cho nàng hay:
- Khoan đã... Chàng nói như van lơn.
- Cô phải để lại địa chỉ và điện thoại, vả lại cô chưa ra giá những bức tranh nầy.
- Tranh của tôi. Nàng nhìn lướt qua những bức tranh của nàng. Theo tôi tranh tôi vẫn vô giá trị đấy chứ. Nhưng bây giờ nó đã trở thành những sản phẩm thương mại. Tùy ý ông bao nhiêu cũng được. Nàng sửa soạn thu xếp ra về...
- Dù sao cô vẫn cho tôi xin số điện thoại, địa chỉ cần gì tôi sẽ liên lạc ngay?
Trong một giây phút lưỡng lự, Vũ Thu dừng lại và lấy bút ghi địa chỉ và điện thoại của nàng đưa cho Kha Tuấn Chi với nụ cười và đôi mắt có đuôi thật lẳng lơ.
- Nếu bán được mong ông cho tôi biết tin ngay vì hiện tôi đang cần tiền. Có tiền có tất cả phải không ông?
Giọng nói đùa có vẻ chua chát làm cho Kha Tuấn Chi chỉ biết yên lặng nhìn nàng mỉm cười, tuy nhiên chàng cũng nói đùa như an ủi nàng:
- Không đến nỗi phải chờ đến khi nhện giăng tơ làm tổ trên những khung tranh của cô đâu. Tôi hy vọng sẽ gặp nhiều người đồng điệu, cô an tâm, và chúc cô sáng tác nhiều hơn.
Vũ Thu quay lưng định bước ra cửa thì Kha Tuấn Chi gọi giật nàng lại:
- Khoan đã...
- Sao? Còn phải thêm thủ tục gì nữa?
- Không, đến phiên tôi phải viết cho cô một biên nhận.
- Thôi khỏi cần, thưa ông, tôi vẫn tin tưởng ông... một người đã từng có uy tín làm ăn đàng hoàng thì để ý làm gì những chuyện vặt vãnh đó phải không ông?
- Nếu không phải bận công chuyện, tôi có thể... hân hạnh được mời cô dùng cơm với tôi được không?
Nàng nhìn Kha Tuấn Chi ngạc nhiên vì trong ý tưởng chàng có vẻ tấn công táo bạo, nhất là mới gặp một người đàn bà lạ mà đã mời dùng cơm tối... nhưng không sao biết đâu chàng là một người tốt... Thoáng giây phút suy nghĩ, Vũ Thu quay vào ngồi lại chiếc ghế bành màu huyết dụ, ngã người thoải mái trên ghế bành, nàng vừa cười vừa nói với Kha Tuấn Chi:
- Hân hạnh được ông chủ mời đi nhà hàng. Nhưng không biết sẽ ăn cái gì đây?
- Không biết cô có thích món "bít tết" tuyệt hảo của quán Tiểu Thông?
- Ồ hay quá, tôi cũng đang nghĩ về món "bít tết" số một đó.
Chàng nhanh nhẹn đến lấy điện thoại gọi đặt hai chỗ ngay tại quán Tiểu Thông.
- Trước khi thưởng thức món "bít tết" nổi danh của Tiểu Thông, cô dùng thử tách cafe "danh bất hư truyền" của Vân Thọ Đường nhé!
- Ông quả thật là một chủ nhân tế nhị biết cả ý nghĩ của khách, những điều gì tôi vừa chợt nghĩ đến thì y như ông đã khám phá ra. Tôi sợ ông rồi đấy.
- Đâu có gì. Cô khen quá, vì bên ngoài hoàng hôn đang buông xuống với cái lạnh nhè nhẹ của mùa thu thật êm ái và thú vị, tách cafe nóng với chút nhạc êm dịu quả thật là tuyệt vời phải không cô? Tôi thì hay có tính lãng mạn vặt mặc dù bên ngoài đời sống tôi chỉ là một người cần cù làm ăn. Đôi khi chính tôi, tôi cũng không hiểu những mâu thuẫn nội tâm...
Chàng yên lặng thở dài... và đặt tách cafe lên chiếc bàn nhỏ kê sát chiếc ghế Vũ Thu... Nàng vừa nhắp chút cafe vừa nhắm mắt lại khi những nốt nhạc "Love Story" cuối cùng như những giọt kim cương rơi vỡ trong hồn nàng...
Buổi sáng, khi caféteria "Vân Đào" vừa cuốn cao cửa sắt, bắt đầu việc kinh doanh trong ngày thì khách hàng đầu tiên đã đến. Đấy là một thiếu nữ. Một điều khá bất thường. Vì dịch vụ của quán thường chỉ tấp nập về đêm và người khách đầu tiên bao giờ cũng đến khi quán mở cửa hơn tiếng đồng hồ sau. Chín giờ sáng mở cửa. Mười giờ hơn mới có khách. Tử Kiên ngồi khuất trong góc quán với quyển Tâm lý học. Đây là thói quen thường nhật của chàng. Ngồi ở quán vừa tránh được lời càu nhàu gần như thường xuyên mỗi sáng của mẹ, tránh được bữa ăn quá "dồi dào sinh tố" của dì Trương, vừa có thể đọc sách. Chỉ cần một cốc cà phê, hai cái trứng rán và một miếng xúc xích là đủ. Buổi sáng ở Vân Đào thật yên, không đọc sách ngồi suy tư cũng là một cái thú.
Trong tận cùng tiềm thức, Kiên đã thấy phục cha. Mở được một quán cà phê như Vân Đào là cả một sự phi thường. Một thương gia chẳng có óc thương gia nào hết, và Kiên ngồi lẳng lặng nghiên cứu tâm lý nhưng hình bóng thiếu nữ vừa xuất hiện đã cắt ngang bài học của chàng.
Một chiếc pull màu đỏ chói, minigiupe đen, thân hình đẹp đôi chân thon dài, dây nịt to bản technicolor giống như chiếc mống trời sau cơn mưa. Thiếu nữ vào cửa như cơn gió mát, Kiên không kiểm soát được cử chỉ mình. Tiếng huýt sáo vọt ra miệng. Thiếu nữ quay lại, đôi mắt bén đổ lửa.
- Đồ cao bồi con!
Cao Bồi con? Kiên ngỡ ngàng như rơi từ trời cao, chưa bao giờ chàng bị ai mắng như thế. Cao bồi con? Chàng trừng mắt nhìn lại thiếu nữ thái độ ngạo mạn và bộ vó ương gàn. Đúng là nữ cao bồi.
- Nữ cao bồi!
Thiếu nữ nghe Kiên trả lời, như cơn lốc cuốn tới trước mắt chàng.
- Anh chửi ai?
- Thế còn cô?
- Tôi nói miệng tôi có dính dấp gì tới anh đâu?
Thiếu nữ trừng mắt, mặt ngước cao, đôi môi nhỏ chu nhọn. Đẹp thật! Ngay cả lúc giận trông cũng đẹp. Tử Kiên bất giác như chiếc bóng xì hơi.
- Thì thôi cũng nói miệng tôi chứ có dính dấp gì đến cô đâu? Chỉ có cô mới có quyền thôi à?
Thiếu nữ nhăn mặt rồi đột ngột cười lớn, tiếng cười rộn rã như cơn gió mùa xuân, như tia nắng đầu tiên sớm mai và Kiên chợt thấy trời tươi hẳn. Những xung đột nhỏ lúc đầu tan hết, họ làm quen nhau.
- Tôi là Tải tiểu Nghiên, thế còn anh?
Kiên lấy giấy ra viết ba chữ "Kha Tử Kiên" đưa tới trước mặt thiếu nữ với nụ cười.
- Tải tiểu Nghiên? Tiểu là nhỏ, Nghiên là nghiên cứu? Vậy lúc mới sinh cô ra, cha mẹ cô đã muốn cô sẽ là một nhà nghiên cứu nhỏ à?
- Nói xàm. Thiếu nữ ngồi xuống, cầm bút lên viết tên mình "Tái Hiểu Nghiên" rồi đẩy tới trước mặt Kiên.
- À thì ra tên cô có nghĩa là màu sắc đẹp nhất trong buổi sáng sớm? Thế thì cô là đóa hoa buổi sáng vậy?
- Thôi đủ rồi anh ạ, cứ tán rộng mãi, nghe nầy tên tôi có nghĩa là bầu trời buổi sáng, hiểu chưa?
- Bầu trời trước khi có ánh mặt trời lên? Trời hẳn đẹp như sợi thắt lưng của cô? Technicolor đủ hết?
- Anh biết cách nói chuyện quá nhỉ?
Nhìn xuống quyển sách Tử Kiên đang đọc, bất giác Nghiên trợn mắt.
- Sách tâm lý học? Vậy ra anh là sinh viên trường đại học Đài Bắc?
Vì chỉ có sinh viên ở đây mới vừa nghịch, vừa cao ngạo và hay mê đọc sách thôi. Phân khoa Tâm Lý học phải không?
- Không, kinh tế!
- Kinh tế. Nghiên lại nháy mắt - Kinh tế sao lại đọc sách tâm lý?
- Thì làm bộ nghiên cứu một chút mà.
- Hứ, đừng tưởng mình thông minh lắm nhé?
- Thông minh?
- Anh nói gì?
- Thì tôi nói là tôi thông minh. Kiên đáp và sẵn tay vẫy cô chiêu đãi đến gần - Cô Nghiên, mời cô dùng cà phê chắc không từ chối?
- Xin lỗi. Hiểu Nghiên đáp ngay - Tôi mời tôi được rồi. Và không đợi phản ứng của Kiên, Nghiên lật quyển sách trong tay, một quyển học nhạc. Thật khó khăn mới tìm thấy tấm giấy mười đồng.
- Nầy anh, anh biết ở đây cà phê bán bao nhiêu một ly không? Mười đồng nầy tôi còn xử dụng trong việc khác nữa. Thôi khỏi uống vậy. Hiểu Nghiên đứng dậy - thật ra tôi đến đây không phải để uống cà phê.
- Thế cô đến đây làm gì?
- Đến xem tranh. Ở đây cũng là nơi triển lãm họa phẩm cơ mà? Hiểu Nghiên đưa mắt nhìn quanh, rồi đột nhiên reo lên - Đúng rồi đây nầy. Và chạy ngay về phía tường, ngắm những bức tranh treo ngay trên vách.
Kiên ngạc nhiên, đứng dậy bước theo. Những bức họa mới treo hôm qua. Tranh của một họa sĩ mới có tên là "Vũ Thu".
- Cô thích những bức tranh nầy lắm à?
- Thích à? Hiểu Nghiên phóng đại - Không phải chỉ thích suông thôi mà còn bái phục nữa.
Nhìn xuống giá bức tranh, rồi đưa tay sờ sờ khung vải, Nghiên như nói một mình.
- Năm ngàn đồng? Cao quá, không biết có ai dám mua không?
Tử Kiên đứng cạnh lắc đầu.
- Không biết, tranh nầy mới treo nên chưa thấy được phản ứng của khách.
Hiểu Nghiên quay lại.
- Anh có vẻ rành việc ở đây quá hử? Anh ăn nhiều như ban nãy, mà ăn tại đây chắc nhà anh giàu lắm, phải không?
Tử Kiên chau mày, chàng không biết trả lời sao. Có nên giải thích sự liên hệ của mình với quán "Vân Đào" với cô bé mới quen biết rõ? Giữa lúc thắc mắc thì Hiểu Nghiên như đã không còn lưu ý đến câu hỏi. Bước đi ngắm từng bức tranh, khi xem hết họa phẩm của Vũ Thu, Nghiên định quay trở lại. Tử Kiên chỉ về phía trước.
- Đằng kia còn tranh của họa sĩ khác nữa, tôi đưa cô đi xem nhé?
- Tranh của người khác à? Nghiên trừng to mắt - Không thèm xem, vì nó làm sao đẹp hơn những bức tranh nầy được?
- Sao? Cô nói sao?
Tử Kiên ngơ ngác nhìn xuống tên Vũ Thu ở dưới bức tranh. Không lẽ họa sĩ nầy lừng danh lắm rồi? Nhưng cha đã chọn thì chắc chẳng đến nỗi nào
- Tôi thấy những họa sĩ khác cũng có mấy bức đẹp lắm. Nếu Nghiên là người yêu nghệ thuật thì đừng bao giờ nên say mê cực đoan họa phẩm của bất cứ một họa sĩ nào.
- Tôi không cần. Nghiên hất hàm - Tranh có đẹp thế nào đi nữa cũng đâu phải của dì tôi đâu?
- Cô nói gì? Kiên mở mắt lớn - Họa sĩ Vũ Thu là dì ruột cô à?
- Ờ. Nét ngây thơ hiện rõ trên mặt cô gái - Dì tôi mới là họa sĩ vĩ đại nhất trên đời này, anh tin không? Và không đợi Kiên đáp, Nghiên lại gục đầu - Tôi biết anh không tin nhưng nếu dì tôi không là họa sĩ vĩ đại nhất trên đời thì ít ra dì cũng là...
- Cũng là bà dì vĩ đại nhất trên thế giới.
- Anh thông minh đấy! Nghiên cười to - Người ta bảo sinh viên đại học Đài Bắc lanh nhất nước chẳng sai.
Tử Kiên cười nhẹ với Nghiên, chàng không hiểu đấy là câu tán dương hay châm biếm. Nhưng nụ cười của Nghiên trong trắng quá. Ở Đài Bắc không phải là Kiên không có bạn gái. Nhiều và đẹp hơn nữa là khác, nhưng chưa bao giờ Kiên thấy rung động như bây giờ.
Khách bắt đầu lẻ tẻ đi vào, anh Lý đun cà phê để mùi tỏa ra thơm ngát. Nghiên hít một hơi đầy mũi, rồi đột ngột hỏi.
- Nầy, có lẽ anh chẳng bao giờ bị hụt tiền xài đâu hỉ?
- Hử? Tử Kiên ngạc nhiên nhìn cô gái, chàng không hiểu Nghiên muốn ngụ ý gì - Ờ chưa bao giờ, chi vậy?
- Vậy, Anh còn nhớ ban nãy anh đã mời tôi uống cà phê không?
À thì ra là thế, Tử Kiên tròn xoe mắt.
- Nhớ chứ, nhưng đã bị cô từ chối.
Hiểu Nghiên nhún vai.
- Bây giờ thì không từ chối nữa. Ánh mắt Nghiên thật thà - Tại vì mùi cà phê thơm quá. Tính tôi thế ấy, thấy món gì hấp dẫn là bị lôi cuốn ngay. Dì tôi bảo đó là tại ảnh hưởng tính của dì. Tôi sẵn sàng nhận uống nếu bây giờ anh mời lại và nếu không có gì trở ngại sẵn sàng thêm một bánh sữa, thú thật với anh sáng đến giờ tôi chưa có một hạt cơm điểm tâm.
Tử Kiên cười. Thái độ ngây thơ một cách thật thà của thiếu nữ trông buồn cười vô tội. Nhưng Hiểu Nghiên có vẻ không hài lòng.
- Anh cười gì thế? Tôi nhận lời mời của anh vì thấy anh cởi mở chứ không phải tôi là thứ đồ lì không biết mắc cở, cũng không phải tôi là thứ gái dễ dãi sẵn sàng nhận lời mời của bất cứ gã con trai nào, nếu không tin anh cứ... Hỏi dì tôi xem... Ờ không được, anh đâu quen được với dì tôi bao giờ? Dì ấy là người đàn bà dễ thương nhất thế giới.
- Chưa hẳn là nhất thế giới.
- Làm sao anh biết?
- Tôi biết - Tử Kiên cười - Vì cô gái dễ thương nhất thế giới đang đứng trước mặt tôi rồi nầy.
- Đừng muốn chụp mũ lúc nào cũng được, tôi...
- Cô không thích?
- Không phải thế mà tôi không chịu được, tính tôi bướng lắm.
Tử Kiên lắc đầu.
- Thôi đi chứ? Bây giờ là lúc không thể để bao tử cô đình công nữa rồi.
Họ quay lại bàn, Tử Kiên ngoắc cô chiêu đãi đến, chàng thì thầm dặn dò mấy câu. Chỉ một lúc sau tách cà phê vừa nóng vừa thơm đã mang ra. Đồng thời bốn năm dĩa bánh kem với đầy đủ hương vị lại hiện ra trước mặt Nghiên.
- Sao nhiều quá vậy?
- Có gì đâu? Mỗi thứ chỉ có một miếng thôi, tất cả đều thuộc loại bánh danh tiếng nhất của quán cà phê Vân Đào nầy. Bánh bông lan hột điều, bánh bơ hạnh nhân, kem dừa, thạch xoa... Có lẽ đều là món cô sẽ thích, cứ dùng đi, dùng không hết sẽ có tôi bao giàn.
Kiên nói và dùng dao cắt mỗi món ra làm hai.
- Ăn thử một nửa trước đi, xem ngon không đã.
Hiểu Nghiên chồm người lại gần hơn, hỏi nhỏ.
- Thế nầy... Đắt không?
Kiên nhăn mặt:
- Đắt không thì bây giờ lỡ kêu rồi, đừng hỏi giá chứ, cô cứ ăn đi. Đây là lần đầu tiên tôi mời khách, lần sau nếu gặp, cao lắm là tôi chỉ mời cô ăn mì thịt bò thôi đừng lo.
- Ờ. Hiểu Nghiên ngốn ngay miếng bánh kem - Tôi khoái nhất món đó, ngoài mì ra còn có hủ tiếu, thêm một ít ớt cho cay thì tuyệt!
Sự hồn nhiên của thiếu nữ khiến Kiên thích thú, chàng đề nghị ngay.
- Vậy thì tối mai, tôi mời cô đi ăn mì thịt bò nhé?
- Mai à? Hiểu Nghiên làm ra vẻ suy nghĩ - Không được, tôi còn phải tiếp tay với dì tôi làm việc hay là... Để tối mốt đi nhé? Được không?
- Rồi chắc nhé? Kiên nói - Nhưng nhà cô ở đâu để tôi đến rước?
Kiên đưa mảnh giấy ban nãy vừa viết tên đến trước mặt Nghiên - Viết địa chỉ và số điện thoại cô vào đây giùm.
Nghiên ngoan ngoãn viết vào.
- Đây là địa chỉ nhà dì tôi, tôi sống chung với dì. Nghiên nói - Thôi thế nầy nhé sáu giờ chiều mốt mình gặp nhau ở đây, được không? Dù thế nào đi nữa hôm ấy tôi cũng ghé qua đây xem tranh của dì có người mua không chứ?
Kiên tò mò:
- Sao cô có vẻ quan tâm đến bà dì quá vậy? Tôi không phải cố tình muốn điều tra về gia đình cô, nhưng xin hỏi tại sao cô không ở nhà cha mẹ mà ở nhà dì?
Mặt Hiểu Nghiên sa sầm Kiên biết mình hố nên vội nói.
- Thôi chẳng hỏi nữa đâu, làm gì phải khó đăm đăm vậy?
- Tại tính tôi như thế đấy. Hiểu Nghiên vừa ăn vừa nói - Mẹ tôi cũng bảo vậy, muốn khóc lúc nào khóc, muốn cười lúc nào cười.
- À, thì ra cô cũng có mẹ.
Kiên gục gặc đầu, Nghiên trừng mắt.
- Anh nói gì kỳ cục vậy, tôi là người chứ có phải Tôn Ngộ Không đâu?
- Thôi xin lỗi, xin lỗi. Kiên cười cầu tài - Tôi lỡ lời.
- Không cần xin lỗi. Thật ra có lẽ anh cũng đúng, tôi chun ra từ núi đá như Tôn Ngộ Không. Mẹ tôi có một trái tim cứng ngắt, còn cha tôi?
Hiểu Nghiên ngẩng ngẩng đầu.
- Có lẽ ông ấy là một trái núi to.
Kiên chưa bao giờ nghe ai ví cha mẹ mình một cách kỳ cục như vậy. Chàng châu mày, một thứ tình cảm phản kháng hiện trong tim. Với chàng dù cha mẹ có thế nào đi nữa, cũng phải có một chút kính trọng tối thiểu. Trong khi thiếu nữ trước mặt? Nụ cười trên môi chàng biến mất.
- Cô không yêu cha mẹ cô?
Hiểu Nghiên ngẩng đầu lên thật nhanh, nước mắt lưng tròng khiến Kiên lại hoảng hốt.
- Sao? Chuyện đó cũng không nên nói nữa sao? Vậy thôi đừng khóc, tôi sẽ không hỏi đến nữa đâu.
Hiểu Nghiên lấy khăn bàn chậm mắt yên lặng, nhưng chỉ một lúc sau Kiên lại thấy cô nàng cười.
- Anh đừng để ý đến, tính tôi như vậy đó, nhiều người bảo là tôi hơi bất bình thường.
Hiểu Nghiên ngước mắt lên, đôi mắt sâu và sáng.
- Anh Kiên, anh là người đáng quý. Hiếu thảo với cha mẹ, siêng học, biết hướng đến tương lai, không cẩu thả giao dịch bạn bè... Vậy là anh gương mẫu.
Nghiên đột ngột thở ra rồi đứng dậy.
- Thôi bây giờ tôi đi, chưa chắc ngày mốt tôi sẽ trở lại.
Kiên ngơ ngác.
- Ơ nầy, cô Nghiên. Chàng đuổi theo - Chúng ta đã là bạn rồi mà, ban nãy cô cũng đã nhận lời mời sao bây giờ lại đổi ý?
Hiểu Nghiên chầm chậm lắc đầu.
- Làm bạn với tôi không tốt đâu. Nghiên nói - Tôi không muốn ảnh hưởng anh, làm hư anh... Vả lại tôi không quen làm bạn với những người có vẻ gương mẫu quá...
- Tôi không gương mẫu như Nghiên tưởng. Kiên vội vã phân bua - Tôi thấy làm bạn với Nghiên cũng không có gì nguy hiểm, Nghiên vừa lành vừa thẳng thắn, chưa bao giờ tôi có một người bạn tốt như Nghiên.
Nghiên yên lặng nhìn gã sinh viên, mắt chớp nhanh.
- Anh thấy tôi chưa đến nỗi hư đốn lắm à?
- Vâng.
- Vậy thì tôi càng không nên gặp anh thêm một lần thứ hai.
- Tại sao?
- Vì tôi muốn anh giữ mãi ấn tượng tốt về tôi.
Nghiên đáp và ôm tập nhạc bước đi. Kiên đuổi theo.
- Nầy cô Nghiên!
Nhưng Nghiên vẫn bình thản bước, đám thực khách nhìn theo, những cô chiêu đãi chúm chím môi với lời bình luận. Nhưng Kiên vẫn mặc, chàng nói với theo thật lớn.
- Dù cô đến hay không, hôm ấy tôi vẫn chờ cô ở đây nghe.
Hiểu Nghiên không trả lời, bóng nàng khuất nhanh bên ngoài khung cửa kính.
rên nền giấy vẽ chân dung một thiếu nữ gầy gầy có đôi mắt buồn. Màu xanh như chiếm cả bức tranh. Một đóa hoa cúc vàng mảnh mai trên cánh tay gầy. Bức tranh đơn giản nhưng đầy sức sống.
Vũ Thu đặt bút xuống đôi vai mỏi nhừ. Nàng ngắm cô gái trong tranh, rồi quay lại khung kính cười tự nhủ. "Mạc đạo bất tiêu hồn, liêm quyển tây phong, nhân tỷ huỳnh hoa sấu". (Rèm cuốn gió phương tây, đừng bảo hồn không động khi người xanh hơn cánh cúc gầy).
Bức họa xem như đã xong, Vũ Thu đề thêm mấy chữ bên dưới. "Vũ Thu tự họa, mùa xuân năm Dân Quốc thứ sáu mươi".
Và ném bút vào một góc, cả một ngày cặm cụi bây giờ Thu mới thấy mỏi mệt. Bên ngoài trời hoàng hôn đã phủ, nàng bước tới góc tường bật chiếc nút điện đèn chiếu sáng. Vén màn cửa, rồi trở về lòng ghế salon.
Điện thoại bỗng nhiên reo, Thu ngồi bật dậy.
- Ai đấy?...
- Xin lỗi, đợi một chút nhé, để tôi tìm Hiểu Nghiên đến nhận điện thoại, vâng.
Vũ Thu vội đứng dậy. Bên kia đầu giây là một giọng nói trẻ. Gã thanh niên xa lạ nầy tìm Tái Hiểu Nghiên. Ít ra cũng là lần thứ mười.
- Hiểu Nghiên đi chưa về. Một lát nữa gọi lại được không?
- Vâng.
Hắn do dự một chút rồi nói. Thu định gác máy thì điện thoại lại reo bên kia đầu dây có tiếng hỏi
- Dạ... Xin lỗi bà có phải là dì của Hiểu Nghiên không à?
- Ờ. Thu hơi ngạc nhiên - Cậu là ai thế?
- Xin dì làm ơn nói lại với Hiểu Nghiên, con là tên cao bồi con của trường đại học Đài Bắc đây. Nghiên đừng trốn con, có trốn cũng trốn không thoát đâu.
Và cúp máy. Vũ Thu châu mày. Cao bồi con ở viện học Đài Bắc? Giọng lưỡi hoàn toàn của Hiểu Nghiên? Thu lắc đầu, cả ngày nay hễ chuông điện thoại reo là lại nghe tiếng hắn. Suốt ngày Hiểu Nghiên lại không thấy mặt ở nhà. Sáu giờ rồi? Bụng cồn cào, từ sáng đến giờ mãi mê vẽ nên không có lấy một hạt cơm. Thu bước nhanh về phía tủ lanh, ngoài mùi hôi khó thở của khí ướt ra, tủ trống trơn. Mấy hôm rồi không đến chợ?
Bên ngoài cửa đột ngột có tiếng động. Thế này thì Hiểu Nghiên đã về.
- Dì ơi, dì có ở nhà không?
- Đây nầy, có chuyện gì đấy?
Hiểu Nghiên như cơn gió ùa vào, một túi đầy thực phẩm trên tay. Ổ bánh mì mềm, một chai mứt, một hộp phô mai và trứng. Vũ Thu ngạc nhiên.
- Ở đâu nhiều thế?
Hiểu Nghiên với nụ cười đắc ý.
- Để dì cháu mình làm món sanquich ăn chơi nhé? Dì đói lắm rồi phải không?
- Làm sao Nghiên biết dì đói? Vả lại ở đâu có tiền mua nhiều như vậy?
- Buổi sáng khi con thức dì hãy còn ngủ. Nghiên cười nói - Mở tủ lạnh ra con vét hết bình sữa và gói bánh lạt, vì vậy con biết là dì đâu còn gì để ăn nữa. Riêng về món tiền ở đâu có à? Chẳng ở đâu cả, trong túi dì đấy, con lục hết mấy chiếc áo của dì, mỗi túi vét được một chút, cộng lại hơn năm mươi đồng, như thế không đủ để mang cả túi bự thức ăn về hay sao?
- Con tuyệt lắm! Vũ thu cầm ổ bánh mì lên cắn một miếng - Thế nầy thì nhất rồi.
Nhưng Hiểu nghiên đã giật lại.
- Khoan chứ dì, để con rán trứng, trét bơ rồi thêm một ít thịt nguội vào phải tuyệt hơn không. Dì làm thế nầy là phá hỏng kế họach của con rồi.
- Mi mà cũng có kế hoạch nữa à? Vũ thu ôm gói trứng lên - Để dì làm cho, bằng không con lại phỏng tay nữa thì khổ.
- Nhưng dì có kém gì con đâu.
- Đúng vậy. Vũ Thu cười - Nhưng mà để con rán sẽ ăn vụng, khi trứng vừa chín thì cũng vừa hết có khổ hơn không?
- Trời ơi, sao dì lại nói xấu con như vậy? Nhưng không thử làm sao biết ngon mà làm?
- Vì vậy phải đích thân dì ra tay. Vũ Thu nhìn quanh - Thấy cái váy làm bếp của dì đâu không?
- Con tưởng nùi giẻ lau đem xử dụng rồi.
- Mi bê bối như vậy có ngày sập nhà sập cửa... Vũ Thu nói và ngồi xuống ghế salon - Nhưng không sao đâu rồi ta sẽ làm giàu, bao giờ dì có tiền, việc đầu tiên sẽ là sắm áo mới cho con. Bộ áo cao bồi có những cái nút xi bóng đó? Xong sau đó sẽ sắm thêm một chiếc đàn điện... Ờ mà hôm nay con có đi học không?
- Dạ có, giáo sư khen con tiến bộ, vì vậy... Học phí có thể đóng muộn một chút không sao.
- Con nói với bà ấy, bao giờ có tiền dì sẽ...
Vũ Thu nói chưa hết câu thì chuông điện thoại lại reo. Nhớ tới gã con trai chịu khó gọi dây nói hàng chục lần, Thu cười nói Nghiên.
- Đến nhận điện thoại kìa cô, gã cao bội ở trường đại học Đài Bắc cứ réo mãi, hắn bảo nếu cô không tiếp, hắn sẽ đeo mãi đến bao giờ cô trả lời thì thôi.
Mặt Nghiên đổi sắc.
- Thôi dì đi nhận đi, bảo hắn con không có ở nhà.
- Không được. Vũ Thu lắc đầu - Dì không thể nói dối với người khác. Chuyện của con, con phải ứng phó chứ? Nếu lúc đầu không ưa, ai bảo cho người ta biết số điện thoại làm chi?
Hiểu Nghiên bối rối.
- Tại lúc đầu, con muốn làm bạn với hắn.
- Thế sau đó sao lại đổi ý? Hắn cao bồi quá à?
- Không phải. Hiểu Nghiên tỏ vẻ khó khăn, trong khi chuông điện thoại cứ tiếp tục reo - Hắn là sinh viên ưu tú của trường Đại Học Đài Bắc.
- Vậy thì càng nên làm bạn chứ?
- Nhưng mà con...
- Con hiền và ngoan nhất!
- Không phải như vậy.
Tiếng chuông điện thoại hết reo, Hiểu Nghiên bỏ lửng câu nói. Một chút ngỡ ngàng hối tiếc trong không khí. Đôi mắt to và mở rộng của nàng nhìn bà dì trẻ trước mặt. Cả hai gần như cao bằng nhau.
- Hiểu Nghiên, con đẹp và dễ thương. Con phải tự hiểu và tự chủ chứ? Cái gì thuộc về dĩ vãng ta cứ cho nó ngủ yên, đừng nhắc tới nữa. Hãy tự tin và sống như bao nhiêu người bình thường.
Hiểu Nghiên có vẻ xúc động.
- Trên đời nầy chỉ có dì là hiểu con.
- Đừng nói thế.
- Thật đấy, con chẳng những có một hình hài đẹp mà cả tâm hồn con vẫn đẹp.
Hiểu Nghiên nhìn lên nghi ngờ, và chỉ một lúc sau, sự bối rối phiền muộn trôi qua.
- Dì đúng là người đàn bà dễ thương nhất thế giới.
- Chỉ có mình con mới nói thế, Vũ Thu nhún vai - Ngay cả mẹ con là chị ruột của dì cũng bảo là...
- Dì điên, bị mát, vô trách nhiệm, ương ngạnh và tự mình đào mồ...
- Thôi bao nhiêu đó đủ rồi. Vũ Thu ngăn lại - Đấy con thấy không, chỉ có những người nào hiểu ta mới thích ta thôi, vì vậy ta đừng mong mỏi gì thân ở người khác. Điều quan trọng là ta phải nhìn rõ mình, đừng để ngoại cảnh chi phối.
Hiểu Nghiên gật đầu. Ngay lúc đó chuông điện thoại lại reo, Thu nhìn Nghiên khuyến khích và cô cháu ngoan ngoãn bước về phía máy. Vũ Thu mang trứng vào bếp nàng không thích nghe lóm chuyện người khác bao giờ. Vừa đập trứng bỏ lên chảo, đã nghe tiếng gọi của Nghiên từ ngoài vọng vào.
- Mời cô Tần Vũ Thu ra tiếp điện thoại.
Vũ Thu bước ra phòng khách, con bé đang cầm ống nghe với nụ cười tinh nghịch.
- Giọng nói đàn ông, chắc có lẽ bồ của dì đấy.
Vũ Thu trừng mắt với Nghiên, rồi tiếp lấy ống nghe.
- Alô, ai đấy?
- Cô là Tần Vũ Thu?
- Vâng, chính tôi đây.
- Vậy thì... Tôi là Kha Tuấn Chi đây, lúc nãy chẳng có ai tiếp điện thoại cả.
- Vâng, Vũ Thu cười duyên - Ban nãy tôi không ngờ là ông.
Hiểu nghiên đứng cạnh, nghe đến tên "Kha" Nàng chợt chú ý.
- Tôi cần báo cho cô biết ngay một tin mừng là cô vừa bán được hai bức tranh, một tấm có tựa đề là "Hoa Biển" và một bức có tựa đề là "Con đường".
- Thật à? Vũ Thu cơ hồ nhảy nhỏm kên - Có người chịu mua những bức tranh đó sao?
Kha Tuấn Chi không đáp, hỏi.
- Cô dùng cơm chưa?
- Chưa.
- Thế thì chúng ta phải có một tiệc nhỏ mừng vậy. Tuấn Chi như sợ Thu từ chối - Cô vừa thu vào một vạn thì cô phải đãi tôi một chầu chứ, phải không?
- Dạ. Vũ Thu cười - Thế nầy thì không có quyền thối thác rồi.
- Tôi sẽ đến rước cô ngay.
- Khỏi cần, anh đang ở Vân Đào chứ?
- Vâng.
- Vậy thì để tôi đến, tôi cũng cần nhìn qua mấy bức tranh, vả lại cà phê Vân Đào thơm quá.
- Đến ngay nhé, tôi đợi cô.
Gác ống nghe, Vũ Thu vui muốn phát điên lên, nàng chụp lấy vai cô cháu gái.
- Ê Hiểu Nghiên, dì con phát tài rồi. Trúng mười ngàn đồng Nghiên biết mười ngàn là bao nhiêu không? Ít ra nó cũng dầy hơn chiếc dầy một quyển sách. Nghiên biết không, bây giờ dì đã là một họa sĩ rồi nhé, họa phẩm mới treo có mấy hôm mà đã bán được hai tấm rồi, thế nầy mà có tiếp tục thì trong vòng một tháng sẽ sạch hết. Con vên chí đi, cây đàn piano điện của con thế nào chẳng có, kể cả bộ áo cao bồi nút xi...
Rồi như chợt nhớ ra Thu đột ngột kêu lên.
- Ối giời ơi quên mất, thôi đừng thèm để ý đến mấy miếng sanquich nữa đi uống champagne với dì, với điều kiện con không có hẹn với ai cả.
Mắt Nghiên rực sáng.
- Thế thì tuyệt!
- Vậy thì sửa soạn đi!
Hiểu Nghiên do dự một chút.
- Thôi dì đi đi, để không thôi ông ấy đợi.
- Con khỉ. Thu đẩy Hiểu Nghiên - Con nhỏ nầy sao lại đổi chứng thế? Hắn không phải là bồ của dì đâu.
- Vậy thì con gái à? Nhưng giọng nói đàn bà đâu có ồ ề như vậy? Thế nào cũng vậy, con không muốn đóng vai bóng đèn đâu, để hai vị "tự do" thương lượng.
- Khỉ!
Vũ Thu tát mạnh vào mông cô cháu gái, nàng bước qua ngắm bức tranh đang vẽ dở.
- Mai sẽ tiếp tục!
Thu tự nhủ, rồi xông ra cửa. Vừa đến bực thềm lại nghe chuông cổng reo. Có khách? Ai vậy? Nhà rất hiếm người đến thăm.
Nàng mở cổng. Bên ngoài một gã con trai trẻ tuổi, gầy gầy, áo cà phê sữa, quần đen mái tóc bồng, đôi mắt đen, thật đen.
- Cậu tìm ai?
- Tái Hiểu Nghiên.
À, Vũ Thu ngắm một chút.
- Sinh viên đại học Đài Bắc.
- Vâng.
- Cao bồi con?
- Vâng.
- Khá lắm. Thu gật gù - Vậy vào nhà đi, trong nhà ngoài tôi ra chỉ có một con cháu, nó đang bận rộn với mấy miếng sanquich. Cậu nhớ chia phần với nó, coi chừng nó ăn tham lắm nhé!
- Dạ.
Gã con trai đáp nhưng vẫn đứng yên, nụ cười thật lương thiện.
- Sao không vào đi, còn đứng đó làm gì?
- Dạ, cảm ơn dì, nhưng mà. Gã nói nhanh - Ngoài tên cao bồi con ra con còn một tên khác nghe được hơn, đó là Kha Tử Kiên ạ.
Kha Tử Kiên à? họ Kha coi bộ cũng đông quá nhỉ.
Vũ Thu châu mày, nhưng rồi nàng cũng quên thật nhanh. Gã con trai đã bước tới sân, Thu đi ra ngoài, khép cổng lại. Đôi cổng nhốt hai người trẻ tuổi bên trong. Ít ra hôm nay Hiểu Nghiên cũng không phải ở nhà một mình. Nó đã có bạn. Thu nhủ thầm. Thằng bé cũng có vẻ ngoan. Sinh viên đại học Đài Bắc, nhưng tại sao lại bị gọi là cao bồi con? Mặc kệ: Thu xua tay. Thế này để Hiểu Nghiên không còn bị mặc cảm. Chắc chắn sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra, chắc chắn. Thu bước ra khỏi cư xá.
Ở trong nhà, Hiểu Nghiên vẫn đứng tựa bờ tường trừng mắt nhìn Kiên.
- Ai cho phép anh đến đây?
Kiên tỉnh bơ.
- Không cho phép sao để địa chỉ cho người ta?
- Hừ. Hiểu Nghiên đuối lý - Không ai thèm dòm đến mặt đâu.
- Không dòm thì thôi. Kiên đáp, và bình thản bước vào phòng khách, chàng quan sát bốn phía rồi sau cùng dừng lại trước bức tranh - Không ngờ dì cô vừa trẻ, vừa đẹp, lại tế nhị nữa. Thế mà lúc chưa đến, tôi cứ tưởng là sẽ gặp một bà chằn chứ?
- Anh bảo ai là bà chằn? Hiểu Nghiên gầm - Dì người ta đẹp như vậy mà nói thế hử?
- Ủa sao ban nãy cô bảo là cô không thèm dòm đến mặt tôi?
Tử Kiên quay lại làm vẻ ngạc nhiên. Hiểu Nghiên biết mình hố nên nguýt dài. Cô bé ngoe ngoẩy bỏ về phía salon, với những tiếng cằn nhằn Kiên nghe không rõ. Kiên cũng không thèm để ý, chàng tiếp tục quan sát. Căn phòng nhỏ như một chiếc hộp, rộng chỉ hơn hai mươi thước vuông vừa làm phòng khách lẫn phòng ăn, có điều khá vén khéo, trang trí sạch mắt. Một bộ salon nhỏ, một kệ trà với đèn bàn có chụp nhiều màu, một chiếc bàn vuông với mấy cái ghế đẩu. Tất cả xếp đặt một cách ngăn nắp. Ngắm đã, Kiên bước tới bàn. Nhìn thấy những thức ăn để trên bàn, chàng chớp mắt.
- Tuyệt! Đói mà có mấy món nầy thì nhất rồi!
Chàng liếc về phía Hiểu Nghiên, cô nàng vẫn giả vờ ngó lảng lên trần nhà. Kiên vào nhà bếp, nhìn thấy mấy quả trứng, chàng lại kêu lên.
- A có trứng nữa! Vậy rán trứng ăn chơi chứ.
Hiểu nghiên tuy ngồi nhìn trần nhà, nhưng đôi tai rất thính. Cái gì? Hắn định lấy trứng của ta à? Nàng nhảy mau vào bếp.
- Nầy nầy, lấy trứng của ai thế?
- Đừng khó dễ nữa mà. Kiên nhăn mặt - Tôi đói lắm rồi.
- Anh đói? Nghiên mở to mắt - Rồi lấy trứng của tôi phá?
- Đừng ồn mà. Tôi biết Nghiên định rán trứng phải không? Tôi cũng biết làm vậy? Lúc còn học ở trung học, đây làm đội trưởng hướng đạo nầy, lần nào thì nấu ăn cũng được xếp nhất cả.
- Nói dóc! Hiểu Nghiên nghi ngờ - Nhìn bộ vó công tử bột của anh ai tin được chuyện nấu ăn?
- Không tin thì đến đây xem.
Kiên tìm diêm quẹt, đốt lò gaz, đặt chảo lên, chế mỡ và trong lúc chờ đợi, chàng cho muối tiêu vào trứng, quậy đều rồi tráng mỏng lên chảo, hành động thành thạo của Kiên làm Nghiên trố mắt. Một lúc sau dĩa trứng thơm phức được dọn ra. Kiên tỉnh bơ như chẳng biết đến Nghiên, ôm đĩa trứng đi ra phòng khách.
- Ê, mang đi đâu đó?
- Đi đâu kệ người ta.
Tử Kiên lấy bánh mì ra, Nghiên đuổi theo.
- Làm gì mà hách thế?
- Ai hách đâu? Kiên để trứng vào bánh mì - Tôi không láo ăn, nhưng trước khi ăn, Nghiên phải cho biết Nghiên giận tôi chuyện gì.
Bây giờ Nghiên mới chịu nhìn vào mặt Kiên. Thái độ âu lo của chàng khiến Nghiên mất hết mặc cảm.
- Tôi có làm gì đâu mà Nghiên phải sợ Nghiên đừng dè dặt thế, Tôi không phải là dân mất dạy đâu.
Nghiên chớp mắt, nỗi lo âu biến mất. Nàng giật ổ bánh mì trên tay Kiên ngấu nghiến nuốt.
Buổi sáng, Kha Tuấn Chi ngồi vào bàn điểm tâm, thói quen hàng ngày đưa mắt nhìn một vòng quanh bàn. Lại vắng mặt Tử Kiên. Thằng nhỏ lúc nầy có vẻ kỳ cục, bận cái gì mà mờ sáng đã bỏ đi mãi tối mới mò về? Có lẽ cũng không nên trách con. Tuấn Chi nghĩ. Chàng đã chứng kiến quá nhiều gia đình như thế, cha càng thành công trên sự nghiệp thì khoảng cách giữa cha với con càng lúc càng to. Thường thì đó là lỗi ở người cha, nếu biết đi vào thế giới tuổi trẻ, chịu khó tìm hiểu và thông cảm, chưa hẳn khoảng cách giữa hai lớp tuổi đã xa như thế. Đằng nầy, cha mẹ đòi hỏi ở con nhiều quá, nuôi nhiều ảo tưởng vô lý... Không cần thế, sự chăm sóc kỹ quá đôi lúc cũng làm tuổi trẻ bực mình (Người lớn tuổi thường nghĩ cần phải như vậy. Suỵt! Câu nầy của Vũ Thu mà? ) Với tuổi trẻ họ cần tự do, cần chứng tỏ sự trưởng thành. Tìm hiểu, khám phá, khai thác đời sống. Họ không đủ sự nhẫn nại để chiều chuộng mẹ cha...
Kha Tuấn Chi nhìn con gái. Bội Nhu đã mười chín. Cái tuổi của hoa tưng bừng sắc nhưng Tuấn Chi không hiểu sao con gái mình vẫn phẳng lặng như mặt hồ thu.
- Bội Nhu!
- Dạ.
Nghe Tuấn Chi hỏi, Nhu ngẩng đầu lên.
- Lúc nầy bài vở bận rộn lắm chứ?
- Dạ không.
- Thế còn cậu gì, Từ... Từ... Sao lâu quá không thấy ghé qua?
- Cha muốn nói Từ Trung Khao à? Bội Nhu chớp mắt - Huề rồi, tính công tử bột của hắn con không làm sao chịu được.
Huề rồi? Hèn gì lúc nầy trông con bé xanh quá, trầm tư quá.
Tuấn Chi yên lặng ngắm con gái, chưa kịp hỏi thêm, đã nghe vợ hỏi.
- Con nói sao; Bội Nhu? Con với Từ Trung Khao huề rồi? Sao lại vô lý như vậy được. Hào nó đẹp trai, ngoan, gia đình giàu có. Môn đăng hộ đối như vậy thì có gì đâu mà gây nhau?
- Mẹ! Nhu bực mình - Giữa con với Hào chưa có chuyện gì mà mẹ sao lại quan trọng hóa như thế? Chúng con chỉ là bạn, một thứ bạn thông thường. Động tí mẹ làm như bỏng nước sôi. Từ rày về sau chẳng bao giờ con đưa bạn trai về nữa đâu. Mỗi lần đưa họ về mẹ hạch hỏi, điều tra giòng dõi tổ tông người ta khiến con thẹn điếng cả người.
Bà Uyển Lâm có vẻ giận.
- Trời đất, con nhỏ nầy ăn nói gì kỳ cục không? Mẹ hỏi han người ta là vì thương con đó chứ? Giao thiệp với bạn trai phải biết lựa người, con nhà đàng hoàng...
- Nữa rồi. Bội Nhu cất ngang lời mẹ - Mẹ có lo thì lo vừa vừa thôi con còn nhỏ mà, đâu cần phải có chồng liền đâu.
- Thì mẹ nói vậy đó. Bà Uyển Lâm nói - Mẹ không hiểu sao trai gái thời nay kỳ cục quá, cứ hai ba ngày là lại thấy đổi một người tình. Không quan niệm đứng đắn về hôn nhân. Vậy mà cứ cho là văn minh, văn minh gì? Loạn thì có!
Bội Nhu tái mặt.
- Nhưng mẹ biết giữa con với anh Hào có gì chưa? Con với anh ấy chẳng qua chỉ là bạn cùng trường, nói thật nếu con chọn người để mà thương, Hào cũng không bao giờ được con chọn.
Bà Uyển Lâm trợn mắt.
- Thế con sẽ chọn những đứa thế nào?
- Có lẽ thuộc thành phần thích nổi loạn.
- Đấy đấy, anh Tuấn Chi, anh có nghe chưa? Bà Uyển Lâm đỏ mặt quay sang chồng - Con gái anh nói như vậy mà anh vẫn ngồi yên được sao?
Kha Tuấn Chi vẫn bình thản.
- Làm gì em phải nhảy nhỏm lên như vậy? Bội Nhu nó bảo nó sẽ làm bạn với người thích nổi loạn, nổi loạn đây đâu phải phạm pháp, tù đày? Uyển Lâm, em đừng bận tâm một cách lố bịch như vậy.
Chàng quay sang nhìn con.
- Nhu, con định chơi trò trinh thám à?
Bội Nhu phì cười, sự gần như đồng lõa của hai cha con Tuấn Chi khiến Uyển Lâm phải kêu lên.
- Anh Tuấn Chi, anh có buông lỏng con thì cũng buông lỏng vừa phải thôi chứ, tối ngày cứ để chúng làm gì thì làm, ngay như thằng Tử Kiên cứ vắng mặt suốt ngày ông cũng không thèm hỏi tới.
Bội Nhu chen vào:
- Anh con mà không ở nhà cũng tại mẹ, suốt ngày mẹ cứ cằn nhằn mãi ai mà chịu nổi. Anh ấy cũng không có đi hoang đâu. Sáng nào cũng có mặt ở Vân Đào ăn điểm tâm rồi đi học. Sau này thì có bận một chút, ảnh mới có cô bạn khá dễ thương. Nhưng anh ấy không bao giờ mang về giới thiệu với mẹ đâu, anh ấy sợ rồi...
Uyển Lâm trừng mắt nhìn con gái rồi như chợt hiểu ra, thở dài.
- Con cái bây giờ tự do quá rồi, làm mẹ mà chẳng có quyền kiểm soát con, thì biết kiểm soát ai nữa đây?
- Cha đấy! Bội Nhu nói - Theo sách tâm lý học thì đàn ông trên bốn mươi dễ ngoại tình lắm, mẹ coi chừng là vừa!
Kha Tuấn Chi nhìn con gái cười.
- Con quá quắc lắm rồi nhé con nói vậy không sợ mẹ con ngờ thật sao?
Bà Uyển Lâm yên lặng nhìn con rồi lại nhìn chồng.
- Cha con mấy người giấu diếm tôi chuyện gì phải không?
- Không có chuyện gì hết. Tuấn Chi đứng lên - Tôi không đôi co với mấy người nữa đâu, tôi còn một lô công việc ở quán cà phê chưa làm.
Bội Nhu cũng đứng dậy.
- Con cũng phải đi nữa. Mười giờ hôm nay con có giờ luận lý học.
- Vậy để cha đưa con đến trường nhé?
- Khỏi, cha cho con quá giang đến bến xe bus là được rồi.
Bội Nhu vào phòng lấy sách. Hai cha con ra khỏi cửa, lên xe Tuấn Chi yên lặng nổ máy, chàng không vội nhấn ga, nhìn con với nụ cười thông cảm.
Xe lướt êm giữa phố.
- Nhu, hình như con có điều gì cần nói với cha?
- Vâng. Thú thật với cha con đang có một cuộc tình không bình thường.
- Thật à?
- Không, con đùa thôi, nhưng nếu có thật, cha đồng ý hay phản đối?
Bội Nhu thấy phản ứng cha vội nói - Đồng ý à? Tại sao cha lại có vẻ khó chịu như vậy?
Nhu hỏi và nhìn về phía trước. Xe đã đến ngã rẽ.
- Thôi được rồi, cha cho con xuống đây đi.
Tuấn Chi cho xe quanh góc, ngừng lại.
- Đừng đùa nhé con.
- Vâng. Bội Nhu đóng cửa xe và quay lại nhìn cha - Cha cứ yên tâm, không bao giờ con để cha lo lắng đâu.
Tuấn Chi chau mày, một chút gì len trong hồn, chàng đạp ga xe trời tới vẫn còn nghe giọng nói to của Bội Nhu đuổi theo.
- Coi chừng nhé, bà họa sĩ đó nguy hiểm lắm đấy, cha tránh xa một chút tốt hơn.
Tuấn Chi lắc đầu. Trẻ con bây giờ không như xưa. Đột nhiên Tuấn Chi thấy khó chịu. Tảng đá đè nặng trên tim. Người nữ họa sĩ. Đôi mắt ơ hờ hiện lên khung kính. Khung kính có những bóng cây, phố xá chạy giật lùi.
Xe ngừng trước cửa quán. Tuấn Chi xuống xe với một cảm giác ngỡ ngàng. Quán cà phê ngày thường ít khi có mặt Tuấn Chi, gần như chàng trao cả buổi cho ông Trương quản lý. Người quản lý đứng tuổi và trung thành.
- Ông chủ, hôm nay ông cần cho nữ họa sĩ Vũ Thu biết ngay tin vui. Chúng ta từ đây có thể nhận tranh cô ấy gửi dài hạn. Sáng nay ta lại vừa bán thêm được hai bức.
- Vậy hả? Tuấn Chi như bừng tỉnh - Thế bây giờ còn lại mấy bức?
- Dạ chỉ còn có ba.
- Được rồi để tôi báo ngay cho cô ấy biết.
Tuấn Chi như cơn lốc cuốn vào phòng khách. Số điện thoại của Vũ Thu. Những lời cảnh giác của con gái bay mất, bay thật xa. Sự bứt rứt ngại ngùng phạm tội không còn. Bây giờ Tuấn Chi đã có lý do, lý do để gọi Vũ Thu. Chủ nhân ông chốn trưng bày phải tiếp xúc với họa sĩ chứ? Đó là chuyện tự nhiên mà?
Chuông reo thật lâu mới nghe giọng nói ngái ngủ của Thu.
- Alô, ai đó?
Tuấn Chi nói như không kịp thở.
- Thu đấy phải không? Tôi mời cô dùng cơm hôm nay.
Bên kia đầu giây yên lặng. Tuấn Chi chợt thấy bối rối. Mong rằng Thu không từ chối. Từ chối trong lúc này là cả một sự thất vọng. Trái tim phập phồng, tưởng chừng muốn bay đi.
- Nghe nầy Thu, cô vừa bán được thêm hai bức tranh.
- Điều này tôi đã đoán được. Giọng nói thật bình tĩnh - Mỗi lần bán được tranh là tôi được mời một bữa cơm, phải không?
Tuấn Chi đỏ mặt. Chàng có cảm giác như bị Vũ Thu nhìn thấu qua tim. Mời ăn chỉ là một cái cớ. Cái cớ ấy lại quá ấu trĩ. Tuấn Chi nghe hồn tuột xuống, chàng không biết phải trả lời sao, chàng cảm thấy mình trở thành khúc gỗ.
- Thôi thế nầy nhé! Lời Thu như gỡ thế kẹt - Tôi mới dậy, buổi trưa cũng ít khi ăn, đứa cháu gái tôi lại vừa bị cậu bạn đưa đi mất, ông đến đây vậy, tôi chỉ có một mình. Giọng Thu ngừng thật lâu - Vả lại anh cũng chưa hề ghé qua nhà tôi lần nào. Chịu đến không? nếu có đến nhớ mang theo một ít điểm tâm của caféteria Vân Đào nhé? Tôi sẽ pha trà, chúng ta nói chuyện ở đây thích hơn là đến hàng ăn ồn ào. Nói thật đi? Có phải mục đích của anh mời tôi không phải chỉ là rủ đi ăn cơm chứ?
Tuấn Chi như bị lột trần. Vũ Thu thế mà tinh thật, không có chuyện gì giấu diếm được người đàn bà trẻ con nầy cả. Chàng hít một hơi dài lấy can đảm, nhưng giọng vẫn còn vui.
- Vâng, tôi sẽ đến ngay!
Nửa giờ sau, Tuấn Chi đã có mặt tại nhà Thu.
Hôm nay Thu mặt chiếc áo dài màu cam nhạt, cả người như quấn tròn trong màu vàng ánh. Một thứ y phục lập dị, mái tóc dài. Vẻ bình thản của mặt nước hồ thu.
Đỡ lấy hộp bánh trên tay Tuấn Chi, Thu mở ra.
- Ồ, anh dọn hết tiệm đến đây à? Mời vào trong ngồi, nhà tôi hẹp, không được thoải mái lắm?
Tuấn Chi ngồi xuống, yên lặng ngắm. Bức tranh tự họa của Thu treo tường, mấy câu thơ. Mạc đạo bất tiên hồn Liêm quyễn tây phong Nhân tỉ hoàng hoa sấu
Thu đã rót trà.
- Sao? Hôm nay ông có vẻ tư lự thế?
Tuấn Chi quay lại rồi ngó quanh.
- Cô thường ở nhà một mình thôi à?
- Không hẳn vậy. Thu đáp - Phải nói là tôi thường vắng nhà để suốt ngày lang thang ngoài phố, bận rộn tìm kiếm đề tài, nhưng... Thu nhìn Tuấn Chi đăm đăm - Tôi hiểu ý câu hỏi của ông. Tôi cô đơn? Vâng, không có gì phải giấu, nhưng đó là bởi vì tôi... - Cử thế thao thao, cánh vô tri âm giả. (Đời thì mênh mông, mà tìm chẳng thấy tri âm? )
Tuấn Chi buột miệng. Thật ra không phải chàng muốn vuốt ý cho Thu mà vì đó la sự thật của con tim chàng.
- Anh cũng có cảm giác đó? Thu hỏi - Thượng đế bất công lắm, tạo ra con người chẳng đối xử đồng đều, có người suốt đời không biết đến hai chữ cô đơn là gì?...
Tuấn Chi nhìn sâu mắt Thu.
- Mỗi lần cảm thấy cô đơn, Thu đã làm gì?
- Vẽ. Thu đáp - Có khi không làm gì hết, ngồi yên lặng thưởng thức nỗi buồn lan dần. Rồi Thu đột ngột cười to - Điên quá nhỉ. Nhưng tại sao chúng ta lại bàn đến đề tài nhạt nhẽo đó làm chi? Đời tự nó đã là khổ đau, trống trải vô tình... Vi trùng buồn gặm nhấm mãi thể xác, ta vùng lên chứ? Vùng lên để khiêu chiến với nó, nếu thắng thì thôi, thua chết là cùng. Bi quan sầu lụy mà làm gì?
- Cô nói đúng như tranh cô vẽ.
- Ông nói gì?
- Những gì cô nghĩ cô đã cho lên khung vải hết. Tuấn Chi nói - Lần đầu nhìn trnah cô tôi đã xúc động, nhưng không hiểu tại sao, bây giờ tiếp xúc, nghe cô nói tôi mới hiểu. Trông màu xám tối tăm bao giờ cũng bừng lên mãnh liệt, mỗi bức tranh là một lời thách thức đời sống.
Thu ngồi yên trên ghế, mặt ửng hồng.
- Ông nói nhiều quá, có nhớ lần đầu tối tiếp xúc với ông, ông đã bảo không biết nhiều hội họa cơ mà?
- Vâng, nhưng với cô thì khác.
- Với tôi?
- Vâng.
- Tôi nguy hiểm lắm, Thu nói - Bây giờ... Vẫn còn kịp. nàng nói.
Tuấn Chi bàng hoàng.
- Cái gì? Tôi chưa hề là người chịu thua.
- Anh là hạng người mà tôi đã đề cập hôm trước. Thu nói như run rẩy - Anh phải có một đời sống bình lặng, anh thành công trên sự nghiệp, có gia đình ấm êm, hạnh phúc. Một mặt hồ phẳng lặng.
- Cô tưởng như vậy à? Tuấn Chi ngỡ ngàng - Cô còn nhớ bức "Hoa Biển" hôm trước của cô chứ?
Vũ Thu lắc đầu:
- Vậy thì mai tôi sẽ đưa cho anh bức "mặt hồ thu".
- Nhưng tôi không phải là "mặt hồ thu". Tuấn Chi nói - Những cơn sóng ngầm xao động giữa lòng đại dương. Thu đến, gió cũng đến và cũng đã trào lên mặt, nếu Thu có rút bức "Hoa Biển" về, thì Thu cũng không làm sao vẽ nổi mặt hồ êm ả.
Thu trừng mắt nhìn Tuấn Chi, trái tim đập hổn loạn, nàng đứng dậy. Khuôn mặt xanh xao.
- Thôi chúng ta xuống phố dùng cơm? Tôi đói rồi.
- Tôi chắc chắn là Thu chưa đói. Tuấn Chi nói - Chúng ta cũng không cần ra ngoài, có mấy món điểm tâm đây rồi.
Thu vùng vẫy.
- Xin... Xin anh tha cho tôi vậy?
- Làm gì phải tha?
Tuấn Chi đột ngột nắm tay Thu xiết chặt.
- Tại sao phải van tha chứ? Bản tính của Thu không cho phép nói hai tiếng đó. Thu phải nhìn thẳng vào sự thật, nếu thấy không muốn giữ tôi ở lại cứ nói tôi sẽ ngoan ngoãn đi ngay, nói đi?
Mắt Thu mở lớn, tim đập loạn lên. Sự tranh đấu bùng nổ trong óc do dự, chống trả, hoài nghi, một chút rung động... Chỉ trong một thoáng giây mà hàng trăm ý nghĩ xuyên qua đầu.
- Thu hãy trung thành với mình, Thu đã từng nói, làm bất cứ điều gì ta cũng phải thành thật với chính ta, Thu có nhớ không?
Tuấn Chi nói, và chàng cũng run như trai mới lớn. Mười bảy tuổi của lần đầu biết yêu.
- Vâng.
- Vậy thì. Thu cứ nói đi!
- Nhưng tiếng nói trong tim ít khi kêu thành tiếng.
- Nhưng đó là sự thật.
- Anh cần sự thật đó?
- Vâng.
Thu ngẩng lên thật nhanh, đôi mắt đen to tiếp tục nhìn chầm chầm vào mắt Tuấn Chi. Tuấn Chi như chơi vơi giữa con bể khơi sau mùa bão táp, chàng kéo nhẹ tay Thu, để Thu ngã chậm vào lòng mình. tấm thâm gầy mềm nhũn... Tuấn Chi hôn lên tóc, mùi hương đàn bà... Chàng có cảm giác như mình rơi vào giấc mộng, ở đó có một thiếu nữ gầy hơn dáng Thu... Rèm mi đã khép... Hay rừng quá khứ đã trôi qua và đưa mình vào cơn mộng phiêu lưu.
Tan trường về, Bội Nhu ôm vở men theo lộ Nam Tân Sinh, hôm nay Nhu chẳng muốn dùng xe bus. Đi giữa nắng hoàng hôn mùa hạ, thời tiết tuy nóng bức nhưng vẫn thoải mái hơn giam mình trong bốn thành xe, hơi người, mồ hôi nhễ nhại. Mặt trời chưa lặn hẳn. Thành phố chìm giữa cái nóng khô khan,. Nhu vuốt từng dòng mồ hôi trên trán. Con đường quá quen thuộc, quen thuộc từ cành cây đến từng hạt đá sỏi. Khỏi đường Hòa Bình đông quẹo mặt. Không phải hướng về nhà, nhưng... Bội Nhu bước nhanh hơn.
Quanh một con hẻm nhỏ, rồi thêm một ngách khác. Ngôi nhà gỗ có đôi cửa khép hờ hiện ra trước mặt. Sáu giờ mười phút. Có lẽ chàng đã về. Nhu xô cửa bước vào.
Một khung cảnh hổn loạn bày ra trước mắt, mền gối nằm vương vãi khắp nơi, áo dơ, quần bẩn. Báo chí và bút. Gian phòng của một người độc thân. Như một phản xa. tự nhiên của người đàn bà, Bội Nhu để tập vở lên bàn bắt đầu thu dọn. Bên dưới đống giấy bừa bãi, có một mảnh giấy nhỏ. Bội Nhu. Ba hôm rồi không thấy em, nhớ quá, nhớ quá. Thêm một điếu thuốc cháy tàn. Mỗi điếu thuốc là trăm lời gọi tên em. Nhu hãy đếm thử xem trên bàn có bao nhiêu tàn thuốc? Bội Nhu. Anh đang viết lách đây, nhưng không hiểu tại sao trên giấy lại chỉ hiện lên mỗi khuôn mặt của em. Không một trang giấy nào viết thành truyện cả. Mộng văn sĩ của anh mất rồi, phải không em? Thụ động ngồi nhà chờ em mãi thế này anh không còn chịu nổi nữa. Ngày mai nếu em vẫn còn chưa đến, chắc chắn anh sẽ xông đến nhà, bất chấp, bất chấp điều gì nữa hết!
Bội Nhu xếp mảnh giấy lại, nước mắt lưng tròng. Cẩn thận thu nhặt từng trang giấy. Mười tám trang cả thảy, thế nầy chắc chắn ông thầy cò phải bực mình lắm. Thu xếp xong giấy bút: Nhu phải soạn lại giá sách. Nói giá sách cho sang, chứ thật ra đấy chỉ là một chiếc thùng ghép lại bằng mấy thanh gỗ.
Dùng thời gian kỷ lục nhất, sắp xếp, quét dọn, lau chùi. Ăn ở thế nầy ung thư phổi cho xem. Sắp bảy giờ rồi. Bội Nhu bật nút điện. Mở quạt máy, rồi ngồi vào bàn chép từng trang bản thảo. “Người đến từ địa ngục”.
Đọc cái tựa Bội Nhu ngẩn người một chút, rồi tiếp tục. “Nàng đến từ thiên đàng, và trong một phút giây lầm lẫn đã sa chân vào địa ngục...”
Nhu ngừng bút, chống tay trên trán, nỗi buồn mông lung vào tim. Có tiếng mở cửa. Nhu giật mình quay lại. Người thanh niên cao lớn, đã xậm đen - Giang Vỹ, người tình muôn thưở, chiếc áo dính đầy dầu, quần bạc màu.
- Anh Vỹ!
Nhu chạy tới. Mùi mồ hôi, mùi dầu, mùi đàn ông lẫn lộn. Nhưng Giang Vỹ chỉ phản ứng ơ hờ.
- Nhu coi chừng anh làm bẩn áo bây giờ, để anh đi tắm đã nhé.
- Không cần! Không cần! Nhu hét - Em thích mùi mồ hôi của anh.
Vỹ cúi xuống hôn lên trán Nhu.
- Em thơm như hoa nhài.
- Phải em mới xức đấy. Một người bạn của bố em vừa từ Paris về mang tặng, anh thích mùi này phải không?
Nghe nói. Vỹ lẳng lặng buông Nhu ra, mặt đổi lạnh.
- Anh nghĩ anh không có quyền nói thích hay không thích.
Nhu ngẩng đầu lên.
- Anh, nếu anh không hài lòng lần sau... lầu sau em sẽ không bao giờ dùng đến nó nữa.
Vỹ vẫn yên lặng, cúi xuống lượm chiếc áo dưới đất lên, bình thản đến tủ lấy áo khác đi vào nhà tắm.
- Anh Vỹ!
Vỹ đứng lại.
- Anh nghĩ mùi dầu, mồ hôi... Không bao giờ xứng được với mùi nước hoa được.
- Em đã nói. Nhu muốn khóc - Em đã bảo anh là em sẽ không bao giờ xử dụng nước hoa nữa mà tại sao anh... anh... Thế bây giờ anh có dầu hôi không?
- Để làm gì?
- Em tưới lên mình em cho anh vui?
Vỹ châu mày, đặt áo xuống rồi quay lại. Nỗi bực dọc tan biến. Chàng hôn lên trán, lên mặt, lên môi của người yêu.
- Nhu, xin lỗi em... Nhưng đừng trách anh... Tại mấy hôm nay anh nhớ em quá.
- Em biết!
- Biết sao không đến?
- Hai hôm nay mẹ không hiểu sao khó chịu quá, hết gắt người này đến người khác, đi học trễ về cứ bị hạch hỏi lung tung.
- Tại sao em không nói thẳng với mẹ? Em không đủ can đảm à? Không đủ can đảm để thưa rằng: Thưa mẹ, con lỡ yêu một tên lang bạt không nhà không cửa, chỉ biết sửa xe, chỉ biết dựa vào mồ hôi và sức lực của mình để mưu sinh, không hề học qua đại học. Em không dám phải không? Em nhẫn tâm để anh suốt đời làm tên tình nhân lén lút? Chuyện công chúa với tên ăn mày. Tiểu thơ và gã giang hồ. Những nhân vật tiểu thuyết? Bội Nhu, anh không thích phải diễn những vai trò đó mãi, em ạ.
- Anh đừng tàn nhẫn như vậy, anh đâu phải chỉ là một tên thợ sửa xe hơi, anh là chuyên viên mà.
- Không, anh chẳng qua là một công nhân. Giang Vỹ xác định, chàng đẩy Nhu ra - Nhưng công nhân thì có gì là xấu hổ đâu? Tại sao em lại sợ tai tiếng đó chứ? Người thợ sống bằng mồ hôi của chính mình, đồng tiền chẳng có gì tủi nhục. Ngoài việc làm hằng ngày anh đã cố gắng học hỏi thêm, viết lách để tiến bộ, sự vươn lên đó không có gì đáng nhục, nếu em thấy làm bạn với anh không có gì tủi hổ, cứ tiếp tục, còn bằng không, chúng ta cứ chia tay.
Bội Nhu ngỡ ngàng nhìn Vỹ. Đôi mắt giận dữ hằn tia máu, thái độ hùng hổ của chàng khiến nàng khiếp sợ. Nhưng cảm giác khiếp sợ chẳng bao lâu lại tan biến nhường chỗ cho mặc cảm bị hiểu lầm. Con người sao lại vô tình. Nói chuyện chia tay một cách dễ dàng như vậy? Tại sao? Tại sao? Nhu cũng không hiểu tại sao mình bỏ bê bao nhiêu sự tán tỉnh hoa bướm của hàng chục gã con trai sang giàu để đến đây chịu biết bao lời ức hiếp. Đến với Vỹ là lúc nào Nhu cũng thấy mình bị thua thiệt, bị chịu đựng.
- Anh Vỹ, nếu em xấu hổ vì anh thì giờ này em đứng đây làm gì? Em đến đây giúp anh thu dọn nhà cửa chép bài vậy mà vẫn bị anh thù ghét. Anh khinh em lắm à? Con nhà giàu đâu có gì đáng tội.
Nhu nói nước mắt lưng tròng, nàng chạy ra cửa nhưng Vỹ đã nhanh chân hơn chận ngang.
- Em đi đâu?
- Ban nãy anh bảo: Anh không muốn gặp mặt em nữa. Vậy thì hãy tránh ra cho em đi.
Vỹ vẫn đứng yên.
- Anh không cho em đi.
Bội Nhu ngước mắt lên đối diện với nàng là một khuôn mặt trẻ khổ sở. Nhất là đôi mắt ở đó có những bóng đen dày vò.
- Dang ra! Nhu vẫn nói cứng: Ban nãy anh đã đuổi tôi mà.
- Anh đã đuổi em bao giờ?
- Bao giờ?... Không biết, tránh ra.
Tự ái khiến nàng không thể làm hòa, nhưng cánh tay của chàng đã vòng qua.
- Em đi thật à?
- Chẳng lẽ nói chơi. Nhu thút thít khóc - Anh đã bảo em đi thì em phải đi chớ
- Nhưng anh cũng đã bảo em ở lại rồi sao em không nghe?
- Không có, mà anh chỉ hạ lệnh không cho đi.
Vỹ xiết chặt Nhu trong vòng tay chàng hạ thấp giọng.
- Tại sao chúng ta phải dày vò nhau như vậy? Anh đã đợi em, chờ em, nhớ em mơ ước em đến. Gọi tên em hàng trăm ngàn lần. Mỗi lần nghe gió đập vào phên cửa thấy bóng cây len qua song, anh cứ tưởng em đến, nhưng chỉ hoài công. Thế mà không hiểu sao em đến, chúng ta cũng không có lấy một giây phút cho nhau...
Băng giá rồi cũng tan rã. Nhu khóc như mưa.
- Bội Nhu, em còn giận anh sao? Tất cả chỉ là sự hiểu lầm, anh không muốn em phải khổ sở vì anh, nhưng nếu em thấy có thể chịu đựng nổi, thì hãy về với anh vậy.
Bội Nhu mở to mắt.
- Anh nói thế là thế nào?
- Chúng ta sẽ thành hôn. Vỹ bình tĩnh nói - Em nhận làm vợ anh nhé?
Bội Nhu yên lặng, đưa tay sờ nhẹ những sợi râu cứng trên cằm người yêu.
- Bây giờ chưa được anh ạ. Bội Nhu nói - Em còn nhỏ quá, cha mẹ đâu chịu cho em lấy chồng sớm như vậy. Vả lại, em còn đi học, bao giờ ra trường xong làm lễ cưới cũng chưa muộn. Mẹ nóị...
Mặt Vỹ dàu dàu.
- Nhất định phải nghe lời “mẹ” sao?
Nhu chớp mắt:
- Dầu sau em cũng là con của ba má. Anh nghĩ có đúng không? Ba mẹ còn có cái ơn nuôi ta trưởng thành, ta đâu thể muốn làm thế nào thì làm được?
Rồi như sợ Vỹ buồn Nhu an ủi.
- Thế nào thì em cũng... là vợ anh, xin anh gắng chờ em một thời gian.
- Bao giờ? Một tháng? Hai tháng?
- Anh Vỹ, em hiểu anh, nhưng bốn năm nữa em mới ra trường.
Vỹ yên lặng đẩy Nhu qua một bên, chàng lấy áo quần tiếp tục bước về phía phòng tắm.
- Anh Vỹ! Anh cũng còn giận em sao?
- Anh không giận em, anh cũng không phải chờ đợi. Vỹ quay lại dằn mạnh từ chữ - một năm, hai năm... mười năm cũng không thành vấn đề, nhưng em đừng để anh phải làm người tình một cách lén lút mãi chứ? Phải để anh đường đường chính chính làm người yêu của em. Anh có quyền tự nhiên nói chuyện với cha mẹ tự do đến nhà em.
Bội Nhu cúi mặt.
- Xin anh hãy dành cho em một thời gian, em cần thưa với ba mẹ trước.
- Dành? Cứ dành? Chúng ta quen nhau đã bao lâu rồi? Nửa năm? Phải. Vỹ chui vào phòng tắm rồi lại thò đầu ra - Anh biết chắc là ba mẹ em sẽ phản đối, đúng không?
Bội Nhu buồn buồn, lắc đầu.
- Em không biết, em chưa nói với mẹ.
- Nhưng anh biết chắc sẽ như vậy.
Còn lại một mình bên ngoài. Nhu chống tay lên cằm tư lư. Sự thật không thể nào che dấu mãi. Phải nói thật với mẹ. Vâng. Nhu nghĩ đến phản ứng của vị sinh thành. Giang Vĩ cũng không phải là người dễ bảo. Chàng cứng đầu, cao ngạo, tự ái. Nhưng, phải làm sao khác hơn?
Và tối hôm ấy khi trở về, trời đã khuya, cha không có mặt chỉ có một mình mẹ trong phòng khách xem ti vi. Đúng là một dịp may. Nhu nhủ thầm và ngồi xuống cạnh mẹ.
- Mẹ.
- Hử? Bà Uyển Lâm ngước mắt lên, vừa thấy con gái, cơn giận ở đâu đột ngột kéo đến ngay - Con gái làm gì mà về khuya thế? Tối ngay lông bông ngoài đường, ở nhà rồi chết hay sao?
- Mẹ! Bội Nhu nhẫn nhịn - Nếu con không lầm thì hai hôm trước mẹ con mình đã bàn luận về vấn đề giao thiệp bè bạn của con?
- Ờ. Bà Lâm như quên hết cơn giận - Bây giờ con đã nghĩ là mẹ đúng rồi phải không?
- Mẹ nói có sai bao giờ đâu? Con lớn rồi, sinh viên rồi chứ đâu phải nhỏ nhắn gì nữa.
- Tuổi mới lớn như con ở thời buổi này nguy hiểm lắm, vì vậy khi giao tiếp với bạn trai, ta phải dò xét rõ ràng gia tộc họ, hoàn cảnh gia đình họ, lũ bạn đồng học của con chắc hẳn là sure rồi, ta chỉ cần xem bài vở, cha con dù sao cũng giới thượng lưu...
- Mẹ. Bội Nhu khó chịu cắt ngang - thế nào gọi là thượng lưu hở mẹ?
- Có vậy mà con cũng không biết nữa à? Bà Lâm trố mắt - Chẳng hạn như gia đình ta thế này này.
- Nói khác đi là khi chọn bạn, con phải chọn một tên nào cũng có quán cà phê “Vân Đào” như cha? Mẹ muốn nói là nó phải lắm tiền, phải không?
Bà Uyển Lâm nhìn con thay đổi sắc mặt.
- Nhu, con đừng xem thường đồng tiền như vậy, con có nghe người ta nói có tiền mua tiền cũng được không? Cha mẹ khổ cực biết bao nhiêu mới có số tài sản này? Cảm giác lúc không tiền khó chịu lắm. Đừng có dại, làm việc mà không tính toán thì có ngày...
- Thế nào mẹ?
- Con phải coi chừng, mấy thằng đói rách mà có bu theo tán tỉnh con cũng chẳng qua vì túi tiền cha con đấy.
Bội Nhu bàng hoàng.
- Sao mẹ lại nói thế? Tùy người chứ? Vậy lúc xưa khi cha con không tiền mẹ nhận lấy cha làm gì?
- Vì mẹ biết, người như cha con sẽ không bao giờ đói.
- Thế à?
Bội Nhu đứng dậy, nàng thấy không thể tiếp tục hầu chuyện với mẹ. Khoảng cách tư tưởng giữa hai người quá lớn.
- Nhiều lúc mẹ khiến con đau lòng quá!
- Con nhỏ nầy ăn nói gì mà kỳ cục. Bà Uyển Lâm lộ vẻ khó chịu - Sống sung sướng thế này có gì phải đau lòng? Nói chuyện phải lựa lời nhe, con gái lớn rồi.
Bội Nhu yên lặng đi và trong, bà Lâm gọi giật lại.
- Nầy, nầy! Đi đâu thế? Ở lại đây phân mình rõ ràng cho tôi nghe chứ? Tối rồi còn định đi đâu? Đến nhà Từ Trung Khao à?
- Con đã cho tên Hào với tài sản của cha xuống địa ngục hết cả rồi.
Uyển Lâm ngơ ngác nhìn theo con.
- Thời buổi bây giờ con cái khó dạy quá, sinh ra chỉ làm khổ cha mẹ thôi.