Buổi sớm mai.
Trời mới vừa hơi hừng hừng sáng. Thế nhưng, Hạ Tâm Nhụy đã thức dậy từ lâu rồi. Dùng tay gối đầu, nàng hơi hé mở đôi mi cong, đôi mắt nửa nhắm nửa mở, chú ý nhìn vào chiếc màn cửa màu đỏ sậm nơi cửa sổ, đang từ từ bị ánh mặt trời buổi sáng nhuộm thành một màu đỏ tươi, sáng láng. Trong lòng nàng đang mơ hồ nghĩ ngợi nhiều chuyện khác nhau, những chuyện đó như những đốm sáng rực rỡ, lấp lánh nhảy múa trước mặt nàng. Cũng giống như vòm trời của những buổi sớm mai nắng ấm chan hòa, màu sắc tươi vui và quyến rũ. Những chuyện đó làm cho lồng ngực thanh xuân của nàng, cảm thấy căng tràn nhựa sống, làm cho nàng cảm thấy mình không thể nào ngủ thật say mê, không thể nào yên lặng cho được. Cho dù nàng nằm ở đó, không nhúc nhích động đậy gì hết, thế nhưng nàng vẫn cảm thấy được máu huyết trong người nàng đang cuồn cuộn một nhịp chảy vui tươi, cũng giống như những ngọn sóng ào ạt dâng tràn không ngừng nghỉ.
Hôm nay nàng có hẹn.
Hôm nay, nàng có hẹn đi chơi với anh em nhà họ Lương, ngoài ra còn có tên ngố Triệu Chấn Á! Nghĩ đến Triệu Chấn Á là nàng đã muốn cười, đầu to, vai rộng, gương mặt dài như mặt ngựa. Thế nhưng, Lương Chí Trung lại thích hắn ta, nói rằng hắn đẹp trai, có khí chất nam nhi, "thông minh không để lộ", dĩ nhiên là không để lộ rồi, nàng không thể nào tìm được một mảy may thông minh nào trên gương mặt đó. Lương Chí Trung, Lương Chí Trung, Lương Chí Trung... Lương Chí Trung là gã con trai phóng khoáng, thô lỗ, hào sảng như một tên lãng tử, Triệu Chấn Á là một gã con trai ngốc nghếch, ngơ ngáo như một thằng ngố! Như vậy, Lương Chí Văn thì sao? Không, Lương Chí Văn không thể kể là "thằng" được, Lương Chí Văn là một chàng "quân tử" không hơn không kém, anh ấy và Lương Chí Trung gần như không phải do một mẹ sinh ra, Chí Trung thô lỗ hào sảng, Chí Văn nho nhã khiêm tốn. Cả hai anh em, người nào cũng có sở trường riêng của họ! Nếu như đem cả hai người ra, "đập cho bể đi, dùng nước hòa tan", cho trở thành chỉ một người, thì chắc chắn sẽ là loại người "tiêu chuẩn".
Nghĩ đến đây, nàng bất giác cười lên khúc khích, tiếng cười của nàng làm cho chính nàng bị kinh động, lúc này, nàng mới cảm thấy rằng cánh tay mình bị chính cái đầu của mình đè cho tê hẳn đi. Rút cánh tay ra, nàng nhìn nhìn đồng hồ, sao vậy? Chưa sáu giờ nữa à? Thời gian sao mà qua một cách chậm chạp quá thế! Lăn người qua, nàng đưa tay kéo chiếc mền lên, đắp kín cả người, bây giờ không thể thức dậy được, nếu như nàng thức dậy giờ này, thế nào cũng bị cha cười cho, bảo rằng nàng là "con bé điên đầu thai từ loại mèo đêm" cho mà xem!
Nhắm nghiền mắt lại, nàng đang định ngủ thêm một lúc nữa, đột nhiên, chuông điện thoại từ phía phòng khách ở nhà dưới reo vang lên, tiếng chuông vang vang đánh tan đi sự yên tịnh của buổi sớm mai. Nàng ngồi bật dậy từ trên giường thật nhanh, trực giác cảm thấy rằng, hẳn là anh em nhà họ Lương gọi đến tìm nàng! Nhảy phóc xuống giường, nàng không kịp xỏ đôi dép vào, đã ba chân bốn cẳng xông ra hướng cửa phòng, mở nhanh cửa, nàng để đôi chân trần, vừa đi vừa chạy vừa nhảy xuống cầu thang, miệng nàng bất giác không ngưng được lời cằn nhằn:
- Cũng chỉ tại mẹ rắc rối quá, không cho để thêm điện thoại ở phòng ngủ, báo hại người ta nghe cái điện thoại cũng phải mất công thế này!
Xông vào phòng khách, chuông điện thoại đã reo chừng hơn chục tiếng, chụp nhanh lấy ống nghe, nàng thở hổn hển kêu lên:
- Hello! Xin lỗi ai đó?
Tiếng người ở đầu dây bên kia thật nhỏ nhẹ, một người đàn bà:
- Hello! Xin lỗi... đây có phải là nhà họ Hạ không ạ?
Trong giọng nói e dè đó, hình như có xen lẫn sự cấp bách và lo lắng.
- Đúng vậy!
Tâm Nhụy hơi chau đôi chân mày, trong lòng hơi có chút bực bội, lại đưa mắt nhìn đồng hồ, mới có năm giờ năm mươi phút! Ai mà gọi điện thoại đến sớm như thế này?
Giọng của người bên kia có vẻ ái ngại, thanh âm nhẹ nhàng, mềm mại, trầm ấm, nghe thật êm tai và quyến rũ:
- Xin lỗi, tôi muốn được nói chuyện với bác sĩ Sơn, bác sĩ Hạ... Hạ Hàn Sơn.
Tâm Nhụy nhìn về phía cầu thang, còn sớm như thế này, gọi cha thức dậy nghe điện thoại không phải là một chuyện tàn nhẫn lắm sao? Đêm qua, ở nhà thương lại có trường hợp khẩn cấp, làm cho cha đến nửa đêm mới về tới nhà.
- Ồ!... Ông vẫn còn đang ngủ, khoảng hai tiếng đồng hồ nữa, bà hãy gọi lại được không?
Nàng nói một cách thẳng thừng, định bỏ điện thoại xuống ngay.
- Ê ê... xin lỗi cô, xin lỗi là tôi đã làm phiền, thế nhưng, tôi có chuyện khẩn cấp cần phải nói với bác sĩ, tôi họ Đỗ...
- Bà là bệnh nhân của ông hở?
- Không, không, không phải tôi, mà là con gái tôi. Xin cô... xin cô vui lòng cho tôi nói chuyện với bác sĩ, được không?
Giọng nói của người đàn bà đó đã chứa đầy sự bồn chồn, lo lắng.
À, thì ra con gái bà ta bị bệnh khẩn cấp, các bà mẹ trên cõi đời này đều giống nhau! Sự đồng tình thương hại đã bao trùm lấy sự bất mãn và không vui của Tâm Nhụy.
Nàng nói thật nhanh:
- Được rồi, bà Đỗ, tôi đi gọi ông ngay. Bà đợi một tí nhé!
Để ống nghe lên bàn, nàng nhanh nhẹn phóng thẳng lên lầu, chạy thẳng đến phòng của cha mẹ, không nghĩ đến chuyện gõ cửa, nàng xoay mạnh tay nắm, một mặt đẩy cửa bước vào, một mặt kêu lên ầm ĩ:
- Ba, có một bà họ Đỗ gọi điện thoại cho ba, nói rằng con của bà ta bị bệnh gấp lắm, ba...
Thanh âm của nàng đột nhiên ngưng bặt, vì, nàng vừa nhìn thấy cha đang hôn mẹ! Đầu của cha và đầu của mẹ đang tựa sát vào nhau. Trời ạ! Thì ra cha mẹ đến từng tuổi đó, vẫn còn yêu nhau ra rít đấy chứ! Nàng không dám nhìn kỹ, vội vàng rút lui ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại, đứng ở ngoài dương gân cổ lên kêu:
- Cha mẹ "mi" nhau xong rồi gọi con một tiếng nhé!
Niệm Bình đẩy chồng ra, ngồi dậy từ trên giường, nhìn Hạ Hàn Sơn, đôi chân mày bà hơi chau lại, lộ vẻ bất mãn và ngượng nghịu, bà thấp giọng nói như trách móc:
- Đã nói với anh là đừng có lộn xộn, đừng có lộn xộn, vậy mà anh cứ không nghe! Anh xem, để cho con nó thấy, phải kỳ không?
- Con gái nhìn thấy cha mẹ "mi" nhau, có gì mà phải xấu hổ đâu!
Hạ Hàn Sơn nói, hơi có chút thiểu não, hơi có chút buồn bã, hơi có chút thất vọng. Bất giác ông đưa mắt nhìn kỹ Niệm Bình, kỳ lạ, lấy nhau đã hơn hai mươi năm, thế mà mỗi buổi sáng, đều trông bà thật tươi mát, như thể một ly sữa tươi mới vừa được nặn ra.
Dù đã bốn mươi tuổi, trông bà vẫn xinh đẹp. Nét đẹp chín chắn, yên tĩnh, và điềm đạm. Có một cảm giác đau đớn, từ trong tận cùng tâm hồn ông vạch ngang qua, ông chăm chú nhìn bà, bất giác buột miệng hỏi một câu:
- Em có biết đã bao lâu rồi chúng ta không gần gũi với nhau không?
Niệm Bình nói như trốn tránh:
- Tại vì anh bận mà! Suốt ngày anh bận bịu chuyện xem mạch, khám bệnh, không đến nửa khuya, anh vẫn chưa về, về đến nhà rồi, anh lại mệt mỏi rã rời...
Ông Sơn nói như giận dỗi:
- Nói như vậy, đó là vì anh lãnh đạm với em à?
Niệm Bình nhìn ông chăm chú:
- Sao vậy? Anh không cố ý gây chuyện rắc rối phải không? Vợ chồng già với nhau rồi, chẳng lẽ anh...
Lời nói của bà bị ngắt ngang vì tiếng kêu inh ỏi của Tâm Nhụy từ phía ngoài vọng vào:
- Ui cha, ba mẹ còn "mi" nhau bao lâu nữa? Người đàn bà họ Đỗ kia nói rằng, con gái bà ta bệnh sắp chết đến nơi rồi kìa!
Người đàn bà họ Đỗ? Hạ Hàn Sơn đột nhiên như bị ong chích vào người một cái, ông hơi nhảy nhỏm lên, nụ cười biến mất trên môi ông. Ông đứng dậy, khoác lên người chiếc áo ngoài, mở cửa phòng, ông bước ra ngoài dưới đôi mắt theo dõi bén nhạy và dí dỏm của cô con gái. Tâm Nhụy nhìn ông cười hi hi, đôi con ngươi lém lĩnh xoay tròn.
Tâm Nhụy cười hóm hỉnh:
- Xin lỗi, ba! Không phải con muốn phá đám ba mẹ, mà là người đàn bà họ Đỗ kia!
Người đàn bà họ Đỗ! Không biết vì sao, Hạ Hàn Sơn cảm thấy trong lòng rúng động, sắc mặt tự dưng biến hẳn đi. Ông đi thật nhanh xuống lầu, gần như muốn trốn tránh ánh mắt của Tâm Nhụy. Ông đi đến bên chiếc bàn để điện thoại, cầm ống nghe lên.
Trái tim của Tâm Nhụy đang ca hát vui vẻ, sự bất ngờ nhìn thấy cảnh thân mật của cha mẹ làm cho nàng vô cùng vui vẻ, nhất là buổi sáng hôm nay, khi trái tim nàng đang căng đầy những đốm sáng tươi vui, lấp lánh như hiện nay, sự ân ái của cha mẹ hình như cũng là một trong những đốm sáng đó; một đốm sáng thật to. Miệng nàng cất tiếng hát ư ư nho nhỏ, đi vòng đến phía sau lưng Hạ Hàn Sơn, nàng chú ý nhìn phần lưng của cha. Ở vào tuổi bốn mươi lăm, Hạ Hàn Sơn vẫn còn giữ được một thân hình cân đối, ông không hề mập ra, phần lưng của ông vẫn còn rất thẳng đứng, những đường cong trên lưng vẫn còn tương đối rất "tiêu chuẩn", ông thật là "đẹp trai"! Tâm Nhụy nghĩ ngợi, trông ông lúc nào cũng giống như đang ở lứa tuổi ba mươi, ông không có sự hời hợt của tuổi thanh niên, cũng không có sự già nua của những người ở vào tuổi trung niên. Ông phóng khoáng, dí dỏm, đồng thời rất hiểu biết ý người. Trái tim vui ca của nàng chứa đầy những nhiệt tình sôi nổi, làm cho nàng bất giác vòng tay ôm ngang eo cha từ phía sau lưng, âu yếm đặt gương mặt mình lên phần lưng dài rộng của cha.
Hạ Hàn Sơn đang nói chuyện vào ống nghe:
- Lại ngất đi nữa à?... Tại vì bị kích thích! Đừng nên tỏ ra nghiêm trọng như thế... được lắm, tôi biết rồi. Cô lấy thuốc mà tôi cho lần trước cho nó uống tạm đi... không, tôi e rằng không thể đến ngay đâu... tôi nhận thấy... được... được... tôi nhận thấy rằng không cần phải quan trọng hóa vấn đề đến như vậy... được rồi, tí nữa tôi sẽ ghé qua xem sao...
Tâm Nhụy lắng nghe tiếng nói của cha, tiếng nói đó phát ra từ trong tận cùng thâm sâu của lồng ngực, nghe như thể tiếng vang vọng từ một sơn cốc trống trải. Cuối cùng, Hạ Hàn Sơn buông ống nghe xuống, vỗ vỗ vào bàn tay của Tâm Nhụy đang ôm vòng ngang eo ông.
Giọng nói của Hạ Hàn Sơn đong đầy sự thương yêu:
- Tâm Nhụy, năm nay con đã hai mươi tuổi rồi phải không?
Tâm Nhụy hừ ra bằng giọng mũi:
- Hừ... ý ba muốn nói là, con không nên đeo dính vào ba như một đứa con nít nữa, phải không?
Hạ Hàn Sơn bật cười nói:
- Thì ra con đã biết ý của ba rồi!
Tâm Nhụy vẫn ôm cứng lấy ngang hông Hàn Sơn, thân hình xoay một vòng, từ phía đàng sau cha, vòng qua phía trước mặt ông, nàng không thấp lắm, thế nhưng vì Hàn Sơn quá cao, nên trông nàng có vẻ nhỏ nhắn, nàng ngẩng khuôn mặt nhỏ lên, nhìn cha cười hì hì, như thể đang nhìn ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật thú vị.
- Ba, ba đã không giữ đúng lời hứa.
- Lời hứa gì?
- Ba đã hứa với con và mẹ, thời gian ba ở nhà là của hai mẹ con, không thể có bệnh nhân nào đến tìm ba, thế mà bây giờ, lại có bệnh nhân tìm tới nhà nữa rồi! Nếu như chuyện này thành một cái lệ, thì mọi người đều không thể nào yên ổn được đâu. Do đó, ba phải nói với cái bà họ Đỗ nào đó, từ đây về sau không được gọi điện thoại đến nữa đó nhé!
Hàn Sơn dùng tay nâng cằm con gái lên:
- Hừ! Nghe nghe xem cái giọng của con, con không giống con gái của ba, mà giống như chị hai của ba không bằng!
Tâm Nhụy phì cười, dụi đầu vào phần ngực to rộng của cha, lắc lấy lắc để. Khi ngẩng đầu lên, gương mặt trẻ trung của nàng bừng sáng như đóa hoa rực rỡ.
Đột nhiên nàng kềm lại nụ cười, hơi chau đôi chân mày, nàng nghiêm sắc mặt nói:
- Ba. Con mới vừa phát hiện ra là tâm lý con hình như không được bình thường.
Hàn Sơn giật nảy mình, ông trố mắt nhìn vào gương mặt trẻ trung, nghiêm túc đó của nàng:
- Sao vậy? Có chuyện gì vậy?
- Ba, ba có xem tiểu thuyết của Trương Ái Linh không?
(Trương Ái Linh cũng là một nữ văn sĩ rất nổi tiếng của Trung Hoa, cùng một thời với Quỳnh Dao, bà sở trường về truyện ngắn - chú thích của người dịch)
Hàn Sơn nhìn trừng trừng vào con gái:
- Trương Ái Linh?... Có thể có xem, ba không nhớ nữa.
Tâm Nhụy chu mỏ lên tỏ dấu bất mãn:
- Ngay cả Trương Ái Linh mà ba cũng không biết, ba thật là không có văn hóa chút nào!
Hàn Sơn nói một cách nhẫn nại:
- Được rồi, Trương Ái Linh với tâm lý của con có liên quan gì với nhau?
- Bà ấy có một truyện ngắn, tựa đề gọi là "Tâm Kinh", ba có biết không?
- Ba không hề có văn hóa, làm sao biết cái gì gọi là "tim gân"? Thật sự, trái tim không hề có gân, trên cơ thể con người ta, gân cốt đều có những vị trí nhất định của nó, thí dụ như trên chân mới có gân...
Tâm Nhụy la toáng lên, ngắt lời cha:
- Ba! Ba cố ý nói bậy nói bạ với con! Ba cố ý nói vẹo đi để che cái dốt của ba...
Hàn Sơn tằng hắng một tiếng như cảnh cáo, ông trừng mắt nhìn con gái:
- Hừm... hứ... đừng có vui miệng mà nói quá trớn như vậy, ai đời con gái mà đi mắng cha mình dốt bao giờ? Thật là không giống ai chút nào hết!...
Ông bắt lấy cánh tay của Tâm Nhụy, nụ cười lại hiển hiện trên môi:
- Tâm Nhụy, con không phải là vai nữ chính của truyện "Tâm Kinh" đâu, nếu như ba đoán không lầm, thì cô bé ấy yêu chính cha của mình, phải không?
Tâm Nhụy kinh ngạc trừng to mắt lên:
- Ha! Ba, thì ra ba đã đọc truyện đó rồi!
Nụ cười trên môi Hàn Sơn càng lúc càng rộng ra, ông tiếp tục nói:
- Còn con ấy à, con nào có yêu "ông già" của con đâu! Vấn đề của con là do bởi hai anh em nhà họ Lương đấy thôi, thằng anh cũng tốt, mà thằng em cũng không tệ, con không biết phải chọn ai, lại không thể nào chọn hết cả hai...
-Ba!...
Tâm Nhụy hét toáng lên, nàng buông vòng tay đang ôm cha ra, quay người xông thẳng lên lầu, vừa chạy, vừa đỏ mặt la to lên:
-... Con không thèm nói chuyện với ba nữa đâu! Ba nói không có chứng cớ gì hết, chỉ đoán mò thôi!
Hàn Sơn tựa người trên ghế, ngước mắt nhìn theo bóng dáng con gái đang phóng đi như bay, cái thân hình mảnh mai, yểu điệu đó như thể một cánh bướm sắc màu sặc sỡ, đang dần dần bay khuất vào một góc của cầu thang. Ông đứng ở đó, tiếp tục nhìn về phía thang lầu, trong lòng có một thoáng ngẩn ngơ, có một lúc thật lâu, ông rơi vào trạng thái trầm tư mặc tưởng, tâm tình hơi có chút lộn xộn. Mãi cho đến khi có những tiếng sột soạt của y phục kéo ông trở về thực tại, ông mới phát hiện rằng, không biết từ lúc nào, Niệm Bình đã từ trên lầu đi xuống, đứng ngay trước mặt ông rồi.
Niệm Bình hỏi:
- Sao? Anh nói chuyện gì với con gái mà ngẩn ngơ thế?
Ông bàng hoàng như tỉnh mộng:
- Ừm... đúng vậy, con bé này lớn rồi!
Niệm Bình mỉm cười nói:
- Hôm nay anh mới thấy sao?
- Không, anh thấy từ lâu rồi.
Niệm Bình đi vào phòng ăn, mở tủ lạnh, lấy ra sữa tươi, bơ, và bánh mì, nói một cách điềm đạm:
- Đừng nên lo cho Tâm Nhụy, nó sống một cách phong phú và vui vẻ. Anh...
Bà nuốt vội vào những lời muốn nói, liếc mắt nhìn ông, ông đang tựa nửa người vào bộ salon, gương mặt vẫn mang đầy nét trầm tư mặc tưởng. Ánh nắng mặt trời buổi sáng từ phía cửa sổ chiếu xuyên vào, tạo thành một vệt sáng màu vàng óng ánh, di động trên khuôn mặt của ông. Bà lấy ra lò nướng bánh mì, để hai miếng bánh mì vào, nói một cách hững hờ:
- Anh nên đi rửa mặt, thay đồ là vừa rồi đó! Em làm điểm tâm cho anh đây, nếu như đã nhận lời đến nhà người ta coi bệnh cho con họ, thì đi cho sớm vậy! Để cho bà mẹ đó đỡ lo!
Hàn Sơn giật nảy mình ngẩng đầu lên, nhìn Niệm Bình chăm chú. Mái tóc đen dài của bà rủ xuống, như một dòng suối đổ dài trên lưng, bộ đồ ngủ bằng the mỏng, cột thắt ngang lưng, bà vẫn mảnh mai, thon nhỏ, vẫn quyến rũ, xinh tươi. Bất giác, ông tiến đến bên bà, hương thơm của miếng bánh mì nướng tỏa lan trong phòng, thế nhưng vẫn không lấn áp được mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ da thịt, tóc tai bà. Ông nhìn bà chăm chú, tỉ mỉ, bà đón lấy ánh mắt ông, cũng nhìn lại ông không chớp mắt. Ông lại nghe trái tim mình thoáng qua một thoáng đau nhói, bất giác, ông đưa tay ra, ôm choàng lấy bà vào lòng, đầu ông tựa nhẹ vào tai bà, thì thầm:
- Niệm Bình, em có bao giờ nghĩ rằng, chúng ta có thể có thêm một đứa con nữa không?
Niệm Bình giật nảy mình đẩy chồng ra, trừng thật to đôi mắt:
- Cái gì? Anh khùng rồi à? Tại sao lại đột nhiên nghĩ ra chuyện kỳ cục vậy? Tâm Nhụy đã hai mươi tuổi rồi, em cũng đã già rồi, làm sao lại sinh con nữa? Huống chi, bây giờ anh muốn có con để làm gì?
Hàn Sơn thở ra một hơi dài thật nhẹ:
- Từ lâu anh vẫn thích trẻ con, Tâm Nhụy lớn rồi, thế nào rồi cũng có một ngày nó sẽ rời khỏi chúng ta, có thể, thêm một đứa con, sẽ làm cho sinh hoạt của chúng ta thêm chút thú vị...
- Anh cảm thấy rằng... sinh hoạt của chúng ta khô khan, nhàm chán lắm sao?
Bà hỏi, trong giọng nói bà chứa đựng một nỗi sầu man mác.
Ông vội vàng nói:
- Không phải khô khan, nhàm chán! Mà là đơn điệu. Rất lâu rồi, sinh hoạt của chúng ta như thể một chiếc đồng hồ điện, mỗi ngày xoay tròn đều đặn, không nhanh không chậm, thứ tự ngăn nắp...
Bà buồn bã ngắt lời ông, đôi mi cong cúi thấp xuống, nỗi sầu trong giọng nói của bà càng lúc càng tăng thêm:
- Chỉ cần chiếc đồng điện không dừng lại, anh cũng không nên cảm thấy không thỏa mãn, có thể, điều chúng ta thiếu sót, không phải là trẻ con. Cuộc hôn nhân hai mươi năm là một con đường dài thăm thẳm, có phải là anh đi đã mệt mỏi rồi không? Có thể, anh đã cảm thấy nhàm chán? Em già rồi...
Ông kêu nhẹ lên, hơi giận:
- Nói bậy! Em biết rõ rằng em vẫn còn xinh đẹp!
- Thế nhưng, em không còn hấp dẫn anh được nữa! Không còn cảm giác mới mẻ nữa...
- Đừng nói!
Ông chận lời bà, đặt bàn tay mình lên đầu bà, vuốt ve mái tóc bà một cách trìu mến. Trong nhất thời, cả hai đều cùng không nói chuyện, chỉ yên lặng đứng đó, lặng lẽ tựa vào nhau, căn phòng thật yên tĩnh, thật êm ả, ánh mặt trời chiếu đầy ánh sáng, lan tràn khắp cả phòng.
Tâm Nhụy từ trong phòng ngủ của nàng chạy ra ngoài, nàng đã thay xong bộ y phục đơn giản, gọn ghẽ và tươi mát, chiếc áo sọc đỏ và cái quần jean bó sát đôi chân thon thả, chân nàng mang đôi giày boot bằng da mềm mại. Hôm nay đi chơi ở ngoài trời, hôm nay đi biển ăn barberque, nàng đeo trên vai chiếc túi bằng vải jean gọn nhẹ, vừa đi vừa nhảy xuống cầu thang.
Đột nhiên, nàng dừng chân lại, chiếc túi vải trên tay rớt xuống đất, lăn long lóc, phát ra tiếng bình bình lăn quay xuống chân thang. Tiếng động đó làm cả hai vợ chồng Hàn Sơn giật mình, họ vội vàng rời nhau, cùng ngẩng đầu lên, Tâm Nhụy đang đứng như trời trồng trên đầu cầu thang, chiếc miệng nhỏ của nàng đang há hốc, như thể đang nhìn thấy chuyện gì đó thật quái dị. Một lúc, nàng mới đưa tay lên vỗ vỗ vào trán mình, bắt đầu la toáng lên một cách kinh thiên động địa:
- Trời ạ! Hôm nay là ngày gì vậy? Là ngày của những tình nhân hở? Hay là kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ?
Gương mặt của Niệm Bình bất giác bừng đỏ lên. Đi đến bên bàn ăn, bà ngượng nghịu cầm hai miếng bánh mì lên, nói lãng đi:
- Tâm Nhụy, con ăn bánh mì không?
- Dạ ăn! Dĩ nhiên là ăn chứ!
Tâm Nhụy cười hì hì, từ cầu thang chạy xuống, cả người nàng toát ra một sức sống trẻ trung, tươi mát, gương mặt ngây thơ của nàng tràn đầy ánh sáng mặt trời, cả người nàng như thể một ngọn gió Xuân, mang theo hương vị quyến rũ, thơm tho của mùa Xuân thanh bình đôi lứa. Nàng chạy thẳng đến bên mẹ, chụp lấy miếng bánh mì mới vừa nướng xong:
- Con đi ngay bây giờ, không làm phiền ba mẹ đâu!... Ba mẹ trông giống như đôi vợ chồng mới cưới quá!...
Nàng vừa nói, vừa nhe miệng ra cười toe với mẹ thật hóm hĩnh. Nàng bỏ miếng bánh mì vào miệng nhai ngồm ngoàm, đưa mắt nhìn nhìn mẹ, lại đưa mắt nhìn nhìn cha, thở ra một hơi dài nhẹ nhàng, thỏa mãn.
-... Thì ra hạnh phúc là như thế này đây!
Nàng mở miệng nói, miếng bánh mì vướng trong mồm làm cho những chữ quyện vào nhau, lùng bùng không rõ. Bước tới chân thang, nhặt chiếc túi vải của mình, nàng quay người sang nhìn ra cửa sổ.
Phía ngoài cửa sổ, là một phiến nắng vàng chan hòa, sáng láng.
Đây không phải là mùa đi biển, mùa Hè vẫn chưa bắt đầu, ý Xuân vẫn còn đang lan tràn khắp chốn. Trên bãi biển, gió thổi lên người, mang theo hơi lạnh gây gây và buốt giá. Thế như Tâm Nhụy lại không hề sợ lạnh, nàng cởi đôi boot ra, để chân trần đi dọc theo bờ biển, theo vết những gợn sóng nhỏ lăn tăn. Hoa sóng khi trồi khi sụt, đánh bập bềnh vào đôi chân nhỏ của nàng, đôi khi văng lên trên, làm ướt ống quần nàng, và ướt luôn cả áo nàng. Tay áo nàng xăn lên tận trên cao, vì, lâu lâu nàng lại cúi người xuống, nhặt lên một vỏ ốc nhỏ lộ trên cát sau khi nước rút, rồi lại liệng nó ra phía xa xa ngoài biển. Động tác đó của nàng, tạo nên một tư thế như khiêu vũ thật tự nhiên, làm cho Lương Chí Văn đang ở bên cạnh nàng, không thể không dùng đôi mắt thưởng thức, theo dõi những cử động không hề làm dáng mà vẫn yểu điệu, thanh thoát đó của nàng không chớp mắt.
Tâm Nhụy lại nhặt một chiếc vỏ ốc lên, nhìn chăm chú như nghiên cứu, đột nhiên nàng cất tiếng nói:
- Em không thích các ông nhà văn, nhà thơ, bọn họ người nào cũng chua như dấm ấy.
Lương Chí Văn hỏi:
- Em quen với bao nhiêu nhà văn, nhà thơ?
- Không quen người nào hết!
- Như vậy, làm sao em biết họ chua như dấm?
Tâm Nhụy hơi nhướng cao đôi chân mày:
- Em đoán như vậy. Vả lại, từ xưa đến nay, các nhà văn, nhà thơ, ông nào ông nấy đều nghèo rớt mồng tơi! Cái ông già họ Đỗ ấy, ở trong một cái nhà lá, có cái nóc nhà mà cũng giữ không được, để cho gió cuốn đi mất, lại còn rượt theo, rượt không kịp, lại còn khóc nữa chứ! Thật là "dởm" hết sức!
Lương Chí Văn hơi chau đôi chân mày, chàng cố nặn đầu suy nghĩ, cuối cùng không nhịn được, chàng cất tiếng hỏi:
- Có chuyện như vậy sao? Ông già họ Đỗ đó là ai vậy?
Tâm Nhụy nói một cách khoa trương:
- Nhà thơ Đỗ Phủ tên tuổi như thế, mà anh không biết à? Vậy mà anh cũng học Văn Khoa!
Lương Chí Văn mỉm cười:
- Ồ! Thì ra từ nãy giờ, em đang nói về các văn thi sĩ thời xưa! Em đang nói tới bài thơ "Bát nguyệt thu cao phong nộ hiệu, quyện ngã ốc thượng tam trùng mao!" đấy hả?
Tạm dịch: - Tháng tám trời thu gió thổi cao, Cuốn phăng mái lá để ta rầu!
- Đúng vậy, mái nhà lá bị cuốn đi mất thì mất chứ có sao đâu, ông ta còn rượt theo để làm gì? Đám con nít nghịch ngợm ôm đi mất đám lá lợp nhà của ông ta, ông lại kèm rèm: "Nam thôn quần đồng hí ngã lão vô lực, nhẫn năng đối diện vi đạo tặc, công nhiên bao mao nhập trúc khứ, thần tiêu thiệt táo hô bất đắc,..." thật là dởm, thật là dởm vô cùng! Cái ông già họ Đỗ ấy, vừa khó chịu, lại vừa nhỏ nhen! Lại không có phong độ chút nào! Ai cũng nói thơ của Đỗ Phủ hay, em thì lại không thích tí nào. Tụi con nít ôm đi của ông ta có một chút lá, ông ta đã mắng người ta là đạo tặc, thật là dởm! Thật là dởm! Cứ mỗi lần đọc tới bài thơ này, là em nổi giận ngay! Anh xem ông già họ Lý, làm thơ có khí phách biết mấy; "Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thượng thiên lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi!" Đọc lên nghe thật là dễ chịu. Rồi nào là "Cụ hoài dật hưng tráng tư phi, dục thượng thanh thiên lãm minh nguyệt!" thật là hào phóng vô cùng! Rồi thêm "Ngã bổn Sở cuồng nhân, cuồng ca tiếu Khổng Khâu!" nghe thật là hay! Em thích ông già họ Lý, ghét ông già họ Đỗ!
Tạm dịch: - Bọn trẻ thôn Nam hiếp người già, Dám ngang nhiên trộm trước mặt ta, Ôm lá vào rừng như chỗ trống, Kêu rát hơi tàn chẳng kẻ ra!
(thơ Đỗ Phủ) - Thấy chăng dòng nước Hoàng Hà, Chảy ra biển cả, nào ca ngày về!
(thơ Lý Bạch) - Ngày tháng tiêu dao hồn vẫn tráng, Muốn lên thiên thượng ngắm trăng vàng!
(thơ Lý Bạch) - Ta vốn người cuồng nước Sở, Cất giọng cuồng ca ngạo Khổng Khâu!
(thơ Lý Bạch)
(Khổng Khâu tức là Khổng Tử - chú thích của người dịch)
Lương Chí Văn nghiêng đầu qua nhìn nàng, chút nắng vàng còn sót lại của mặt trời, nhuộm đầy trên người, trên mặt nàng, làm cho toàn thân nàng như thể dát lên một lớp hoàng kim óng ánh. Nàng có đôi chân mày sậm, đôi mắt to, mái tóc nàng bị gió thổi rối bời bời, đôi gò má nàng đỏ hồng hồng, chiếc miệng nhỏ nhanh nhẹn di động, cả một câu nói tràng giang đại hải tuôn ra từ cửa miệng nàng như một dòng nước tuôn tuôn chảy, trơn tru như thác nước ào đổ từ trên đỉnh cao xuống. Chàng nhìn đến ngẩn ngơ.
Tâm Nhụy quăng đi vỏ ốc nhỏ trên tay mình, rồi lại cúi người xuống nhặt lên một cái khác. Đứng thẳng người lên, nàng chạm phải ánh mắt chàng. Ánh mắt chàng sâu thăm thẳm và sáng ngời ngời, mỗi lần nàng tiếp xúc với ánh mắt chàng, nàng đều cảm thấy trái tim mình đập mạnh một cách vô duyên cớ. Nàng cảm thấy trong ngũ quan của Lương Chí Văn, phần đặc biệt nhất là đôi mắt của chàng, chúng giống như hai miệng giếng sâu thăm thẳm, nàng không bao giờ biết được dưới đáy giếng đó chứa đựng những gì, thế nhưng lại có thể tự nhiên cảm nhận rằng, trong đó ngoại trừ cái dòng sinh mệnh cuồn cuộn chảy của chàng, còn chứa đựng rất nhiều những bảo vật vô cùng phong phú. Từ lúc quen anh em nhà họ Lương đến giờ, Tâm Nhụy cứ bị đôi mắt đó làm cho mê hoặc và thu hút. Bây giờ, nàng lại cảm nhận được cái sức mạnh làm cho trái tim nàng nhảy bình bịch đó.
Nàng trừng mắt nhìn Chí Văn, vì muốn che dấu đi sự dao động trong tận cùng tâm hồn mình, nàng cất tiếng nói, trong giọng nói chứa đầy sự khiêu chiến:
- Anh trừng mắt nhìn em làm chi vậy?... Em biết, anh không đồng ý với cái nhìn của em, mấy người học văn chương như anh, đều tôn sùng Đỗ Phủ! Trong bụng anh thế nào cũng mắng là em không biết gì hết, mà còn bày đặt lý luận, phát biểu cảm tưởng!
Lương Chí Văn nhìn nàng chăm chú, trong đầu mày đuôi mắt, chứa đầy nét dịu dàng, thành thật, thâm trầm. Sự dịu dàng đó làm cho trái tim nàng đập liên hồi:
- Không! Anh đang nghĩ, em là một cô gái rất kỳ lạ!
- Tại sao?
- Thấy em suốt ngày hi hi ha ha như thế, nhảy nhót nô đùa như thế, giống như một đứa trẻ vô tư, không biết gì hết, thế nhưng, em lại có thể đọc thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ một cách vô cùng lưu loát!
Gương mặt của Tâm Nhụy bừng đỏ lên:
- Ha! Điều này có gì là kỳ quái đâu! Anh quên là mẹ em học Văn Học Trung Quốc à! Từ khi còn bé tí, em chưa học chữ, đã theo mẹ em học thuộc lòng quyển "300 Bài Thơ Đường" rồi, sự nghiệp của ba càng phát đạt, em càng học thuộc lòng thơ nhiều hơn!
- Sao vậy?
- Ba ít khi có mặt ở nhà, mẹ dùng việc dạy em đọc thơ làm thú tiêu khiển!
- Cho dù là như thế, em cũng không đơn giản lắm đâu!...
Ánh mắt của Lương Chí Văn càng thêm dịu dàng hơn, thâm trầm hơn, dịu dàng như thể ngọn sóng nước đang tràn lên, bao phủ lấy đôi gót chân nàng. Chàng thấp giọng nói:
- Tâm Nhụy... Em biết không? Trong những cô gái mà anh quen biết, em là người có chiều sâu...
- Ý...
Tâm Nhụy kêu rú lên, vội vàng dùng hai tay bịt lỗ tai mình lại, gương mặt nàng đỏ bừng lên như ánh tà dương rực lửa. Nàng vội vàng kêu lên, như đĩa dẫm phải vôi:
-... Anh đừng nên bao giờ nói rằng em có chiều sâu, em mà nghe những câu nói đó, là tay chân em nổi da gà hết trọi. Anh đừng nên bị em gạt, em chỉ là đứa giỏi trò huênh hoang khoác lác mà thôi, hôm nay nói chuyện văn chuyện thơ, ngày mai nói chuyện nhạc chuyện kịch, thật sự, biết được tên tuổi của một số nhà văn, nhà thơ trong nước và ngoại quốc, không có nghĩa là có chiều sâu, em ghét nhất là những người làm ra vẻ trí thức, học vấn cao, anh đừng bao giờ sắp em vào những hạng người đó, em sẽ xấu hổ và giận dữ ghê lắm! Em chỉ nghĩ đến đâu là nói đến đó mà thôi, chiều sâu của em chỉ dầy khoảng chừng một trang giấy! Ba em nói rất đúng, em lúc nào cũng là một con bé điên, huấn luyện như thế nào cũng không trở thành thục nữ...
- Ai muốn làm thục nữ?
Một giọng nói hùng hậu, thô lỗ đột nhiên xen vào. Tâm Nhụy chưa kịp xác định xem giọng nói đó là của ai, Lương Chí Trung đã chạy vèo qua mặt nàng như một cơn gió lốc, thẳng tiến về phía một mỏm đá nhô ra trên bải biển gần đó. Tâm Nhụy đứng ngay lại, một hình dạng to lớn khác lại chạy vụt ngang mình nàng, rượt theo Chí Trung, đó chính là anh chàng ngố Triệu Chấn Á! Hai hình bóng rượt đuổi đó thu hút sự chú ý của Tâm Nhụy, nàng kêu lên thật to:
- Các anh đang làm gì vậy?
Chí Trung kêu to lên, không quay đầu lại:
- Thi chạy xem ai đến mỏm đá kia trước nhất!
Tâm Nhụy nổi hứng lên, nàng cúi xuống xăn ống quần, kêu lên:
- Em cũng muốn tham gia!
Chí Trung kêu:
- Không cho con gái tham gia! Có té không ai đỡ lên đâu!
Tâm Nhụy giận dữ:
- Ai bị té? Ai bắt mấy người đỡ? Em nói tham gia là em sẽ tham gia, đồng thời em sẽ thắng hết mọi người!
Nàng dang rộng bước chân, bắt đầu chạy về hướng tảng nham thạch.
Chí Văn đứng như trời trồng ở đó, ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng của Tâm Nhụy đang chạy đi. Đôi chân nàng thon dài, cân đối, nhanh nhẹn đạp trên làn nước chạy như bay. Chiếc áo sơ mi của nàng đã được kéo ra bỏ phía ngoài quần, bọc gió quật phần phật như cây cờ. Mái tóc ngắn của nàng bay tung lên, thân hình lanh lẹ như một con sóc nhỏ.
Tâm Nhụy đã rượt gần tới Triệu Chấn Á, nàng kêu lên thật to từ phía sau lưng:
- Triệu Chấn Á!
- Cái gì vậy?
Triệu Chấn Á một mặt tiếp tục chạy, một mặt vừa thở hồng hộc, vừa hỏi. Cái đầu to và cái thân hình to lớn của anh chàng, làm cho động tác chạy nhảy của anh chàng trông thật vụng về. Tâm Nhụy kêu lên:
- Hạnh Tú đang gọi anh kìa!
Bước chân của Triệu Chấn Á hơi chậm lại:
- Gọi tôi để làm gì?
- Nó có chuyện muốn nói với anh!
Bước chân của Triệu Chấn Á càng chậm hơn nữa:
- Chuyện gì?
Tâm Nhụy đã rượt kịp theo hắn, kêu lên thật to:
- Ai mà biết nó có chuyện tâm tình gì đó muốn nói với anh! Anh mà không đi, coi chừng nó giận đấy!
- Vâng!
Anh chàng ngố đó dừng chân lại, vội vàng quay người chạy ngược trở về hướng cũ.
Tâm Nhụy ôm bụng cười nắc nẻ, vừa cười vừa thở hì hục, nàng tiếp tục rượt theo Chí Trung. Thế nhưng Chí Trung lại không dễ rượt như Triệu Chấn Á, chàng rắn chắc, nhanh nhẹn và linh hoạt, đôi chân thật dài, mỗi một bước khoa ra đều dài gần gấp ba lần bước chân nàng, nàng nhìn thấy mình đã không thể nào rượt theo kịp, bèn định làm theo mửng cũ, cất tiếng kêu lên thật to:
- Lương Chí Trung!
Chí Trung đã chạy đến phía dưới tảng nham thạch, đối với tiếng kêu của Tâm Nhụy, anh chàng giả vờ như chẳng nghe, chàng dùng cả hai tay, bắt đầu leo lên tảng nham thạch như con vượn rừng lanh lẹ. Tâm Nhụy cuống lên, nàng gân cổ lên kêu thật to:
- Chí Trung! Lương Chí Trung! Đợi em một chút!
Chí Trung kêu vọng trở lại:
- Còn lâu mới đợi à!
Tâm Nhụy cắn răng nói:
- Không đợi thì không đợi! Để xem em có theo kịp không thì biết!
Chí Trung cười thật to:
- Ha! Em muốn theo anh hả? Lương Chí Trung này số gì cũng không tốt, chỉ có số đào hoa là tốt nhất, đi đến đâu cũng có con gái đòi theo!
Tâm Nhụy kêu lên giận dữ:
- Lương Chí Trung, anh nói bậy nói bạ gì thế?
- Anh nói bậy sao? Chính miệng em đã nói là muốn theo anh mà!
- Hứ! Thật là vô duyên!
- Không phải anh vô duyên, mà là em không biết xấu hổ!
- Thật là đáng chết!
Tâm Nhụy giận dữ kêu lên, thân hình nàng tiếp tục xông về phía trước, đột nhiên, chân nàng vấp phải một khúc cây nằm lập lờ bên mé nước, thân hình nàng đứng không vững, miệng nàng bất giác bật lên tiếng rú kinh hoàng:
- Ui cha! Chết rồi!
Vừa rú xong, cả người nàng đã ngã sóng soài trên bãi cát.
Cả bọn nhôn nhao xao động cả một khu bãi biển.
Tâm Nhụy nằm dài trên cát, trong nhất thời, nàng đứng dậy không nổi, chỉ cắn răng mà rên ư ư. Chí Văn, Hạnh Tú và Triệu Chấn Á đều ba chân bốn cẳng chạy về phía nàng, vây quanh lấy nàng. Hạnh Tú cúi người xuống, dùng tay ôm lấy đầu nàng, hỏi bằng một giọng lo lắng:
- Sao vậy? Tâm Nhụy? Có bị thương chỗ nào không?
Tâm Nhụy nhìn lên, Triệu Chấn Á đang trố mắt nhìn nàng trừng trừng, như thể đang xảy ra một tai họa gì to lớn lắm. Chí Văn hơi chau đôi chân mày, ánh mắt đong đầy sự lo lắng và thương xót. Hạnh Tú vừa cuống vừa lo, không ngừng cất tiếng hỏi:
- Sao vậy chứ? Có bị thương chỗ nào không?
Chí Văn cúi người xuống:
- Hạnh Tú, em xem xét phần đầu của cô ấy, anh xem xét phần chân.
Tâm Nhụy vội vã rút đôi chân lên phía trên một chút, miệng nàng rên rỉ lớn tiếng hơn nữa, thật là cà chớn, cái tên chết bầm Chí Trung vẫn chưa chịu dẫn xác tới! Nàng lặng lẽ nheo nheo mắt với Hạnh Tú, tiếng rên rỉ từ miệng nàng lại càng to hơn nữa:
- Hạnh Tú, ui cha... Tao nghĩ chắc là chân tao gảy rồi! Ui cha... tao nghĩ là tao sắp ngất đi rồi. Ui cha... ui cha...
Đôi con ngươi của Hạnh Tú xoay tròn, đột nhiên nàng vỡ lẽ ra. Thì ra con nhỏ này đang giả vờ kêu đau, nó đang dùng kế dụ binh! Nàng cảm thấy buồn cười, gương mặt bầu bĩnh của nàng hiện lên hai núm đồng tiền sâu hoắm. Nàng đưa mắt liếc nhìn anh Hai Chí Văn, gương mặt của chàng vì lo lắng mà trở nên trắng bệch đi. Nàng lại đưa mắt liếc nhìn anh Ba Chí Trung của mình; trời ạ! Cái thằng cha đó đã ngồi ngất ngưởng trên mỏm đá cao nhất của tảng nham thạch, bình chân như vại, đang từ từ rút lấy chiếc khẩu cầm trong túi quần ra, đưa lên miệng thổi một cách thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra.
Tiếng kêu "ui cha" của Tâm Nhụy chưa dứt, nàng đã nghe tiếng khẩu cầm của Chí Trung vang lên, hơi khựng người lại, nàng bò rột ngay dậy, ngẩng đầu nhìn lên, Chí Trung đang ngồi ngất nghểu trên đó, đưa mắt nhìn vào cả bọn cười hì hì, thản nhiên thổi bài "Santalucia" như thể rất hào hứng. Nàng tức giận không thể tả nổi, đưa chân dậm thật mạnh xuống đất, nàng nghiến răng nghiến lợi mắng lên một câu:
- Đồ chết bầm!
Nàng lại cất bước xông thẳng về hướng tảng nham thạch. Nhìn thấy nàng chạy như thế, Triệu Chấn Á trợn to mắt lên, ngơ ngác hỏi một câu thật ngớ ngẩn:
- Không phải cô ấy bị gãy chân rồi sao?
Hạnh Tú cười phì lên trừng mắt nhìn Triệu Chấn Á:
- Chân nó có gãy đâu, chỉ có anh là ngố quá thôi!
Chí Văn cúi đầu xuống, dùng chân đá đá vào cát một cách vô ý thức, chàng nhìn thấy khúc cây làm vấp ngã Tâm Nhụy ban nãy, là một gốc cây đã già. Chàng cúi cong người xuống nhặt lên khúc cây đó lên, ngắm nghía, thân cây bị bám đầy rêu xanh và rong biển, chàng đưa tay chậm chạp, từ từ gỡ ra từng sợi rong biển, hình như muốn làm cho sạch đi. Hạnh Tú lặng lẽ đưa mắt nhìn chàng, thấp giọng lầm bầm cho một mình mình nghe:
- Ngó bộ, nó không hù được người muốn hù, mà lại làm cho người khác bị hù!
Triệu Chấn Á lại hỏi một cách ngớ ngẩn:
- Em đang nói gì vậy?
Hạnh Tú cười hì hì, nàng nói thật nhanh:
- Không có nói gì cả! Hai anh mau mau giúp em đốt lửa lên, chúng ta bắt đầu nướng thịt ăn là vừa rồi đó!
Trên tảng nham thạch, bài "Santalucia" của Chí Trung chỉ thổi được có một nửa, Tâm Nhụy đã leo lên được đến bên trên, đứng đối diện với chàng. Chàng đưa mắt nhìn nhìn nàng, không nhúc nhích động đậy, chàng vẫn tiếp tục thổi cây khẩu cầm của mình. Tâm Nhụy phùng mang trợn má, nét giận dữ hiện rõ trên gương mặt, đôi mắt to tròn như tóe lửa, nhìn trừng trừng vào chàng, gay gắt. Chàng đón nhận ánh mắt nàng, trên gương mặt sạm màu vì ánh mặt trời chiếu rọi, có đôi mắt lấp lánh ánh sáng và nét mặt thản nhiên bất cần đời. Nhìn mãi, nhìn mãi, nét giận dữ trong đáy mắt nàng từ từ tan đi, mà bị thay thế bằng một ánh nhìn gần như buồn bã. Nàng ngồi xuống trước mặt chàng, dùng hai tay ôm lấy gối, nhìn thẳng vào chàng không chớp mắt.
Chàng đã thổi xong bài hát, lấy chiếc khẩu cầm xuống.
Đột nhiên nàng nói:
- Cái miệng anh to quá. Trông xấu vô cùng.
Chàng hừ lên một tiếng:
- Hừ. Rất thích hợp để hôn.
- Không biết mắc cở. Sao anh không nói là thích hợp thổi khẩu cầm?
Chàng nhún nhún vai:
- Kiểu hôn của anh hay hơn thổi khẩu cầm nhiều, có muốn thử hay không?
- Nghèo mà ham!
Chàng lại nhún nhún vai. Nàng tiếp tục nói:
- Chân mày của anh đậm quá, đôi mắt lại không đủ to, có ai nói với anh rằng, anh không đẹp trai bằng Chí Văn không?
Chàng lại nhún vai.
- Vậy sao?
Chàng hỏi, thản nhiên, bất cần. Lấy khẩu cầm lên, chàng lại đưa vào miệng, tiếp tục thổi, vừa thổi được hai nốt nhạc, Tâm Nhụy đã đưa tay giật lấy cây khẩu cầm, la lên một cách giận dỗi:
- Không được thổi nữa!
Chàng chụp ngay cánh tay nàng, nói như ra lệnh:
- Em cấm anh à!... Trả lại đây! Mau lên!
- Không!
Nàng trả lời một cách bướng bỉnh, đôi mắt to chiếu lấp lánh trước mặt chàng. Hai người đứng ghìm nhau, chàng nắm chặt lấy cánh tay nàng, gương mặt của hai người cách nhau không đầy một thước, hơi thở của cả hai thổi phà vào mặt của nhau, nóng hừng hực. Vệt nắng cuối cùng của ánh tà dương còn sót lại, nhuộm lên sóng mũi và cằm của nàng thành một vệt sáng hoàng kim óng ánh. Đôi con ngươi của nàng nhìn trừng trừng vào mặt chàng, đôi chân mày chàng khóa chặt lại, ánh mắt sắc như dao, có chút hung hăng, có chút hoang dại. Nàng thở ra một hơi nhè nhẹ, thấp giọng hỏi:
- Làm sao anh biết em giả vờ té?
Chàng trả lời thật ma mãnh:
- Ai nói rằng anh biết?
Nàng nhìn chàng trừng trừng, hình như muốn nhìn thấu tim gan chàng:
- Hừ! Anh là người được làm bằng sắt hay sao? Làm bằng đất hay sao? Anh không có một chút lòng tiếc ngọc thương hương gì cả sao?
Chàng mỉm cười:
- Em không phải là hương, mà cũng không phải là ngọc.
Nàng hừ bằng giọng mũi, cũng mỉm miệng cười:
- Nói cho dễ nghe một chút không được sao?
- Từ trước đến giờ anh nói chuyện không dễ nghe chút nào cả, cũng giống như gương mặt của anh vậy, xấu dữ lắm. Nếu như em muốn nghe những lời dễ nghe, thì tốt nhất là nên đi nói chuyện với Chí Văn.
Ánh mắt nàng lập tức thoáng qua một tia sáng lấp lánh, đôi chân mày bất giác nhướng lên phía trên. Nàng vừa cười vừa nói:
- Ha! Chua dữ à! Em gần như nghĩ rằng anh đang ganh với Chí Văn đấy chứ!
Chàng buông cánh tay nàng ra, liếc xéo nàng, nụ cười của chàng thật gian ác:
- Em mong anh ganh hay sao? Em lại sai nữa rồi! Em đã tự đánh giá mình quá cao!
- Anh...
Nàng tức nghẹn lời, đưa tay ra, nàng đẩy thật mạnh vào ngực chàng.
- Ui cha!
Chàng kêu lên thật to, tảng nham thạch lồi lõm không đều, chàng lại đang đứng trên một mỏm đá không lớn lắm, bị đẩy mạnh như thế, chàng bị mất thăng bằng trượt xuống, thân hình ngã nhào xuống tảng nham thạch, lưng chàng va vào một mỏm đá nhô ra, chàng nằm dài ra trên tảng đá, không động đậy gì nữa.
Tâm Nhụy kinh hoàng, sắc mặt nàng trắng bệch đi, nàng nhào đến bên cạnh chàng, run giọng kêu lên:
- Chí Trung!... Chí Trung! Chí Trung! Chí Trung!... Anh có sao không? Không phải em cố ý đâu, em không có cố ý đâu, em...
Nàng cắn chặt lấy đôi môi, giọng nói run run, gần như muốn khóc.
Chàng từ trên đất ngồi bật dậy, cười gập cả người:
- Ha ha! Anh bị té rõ ràng là có thớ hơn em nhiều...
- Anh... anh... anh...
Tâm Nhụy giận đến nghẹn lời, gương mặt nàng trắng như tuyết, ánh mắt đen thăm thẳm, đôi môi run rẩy, miệng nàng lắp bắp không nói được thành tiếng. Nàng trừng mắt nhìn chàng mấy giây, sau đó, lắc mạnh đầu, nàng quay người bỏ đi một nước, đi được vài bước, mới nhớ lại cây khẩu cầm đang nằm trong tay mình, nàng quăng cây khẩu cầm thật mạnh lên tảng đá, sau đó vội vàng tuột xuống, bước thật nhanh đi.
Mặt trời đã chìm xuống đáy biển. Bọn Hạnh Tú đã đốt xong lửa, để cái giá sắt lên phía trên, sắp từng xâu thịt lên giá sắt, mùi thịt nướng bay tản mạn cả một khu bãi biển.
Tâm Nhụy đi từ từ đến bên chỗ nướng thịt, từ từ ngồi xuống cạnh đống lửa, từ từ kéo đầu gối lên, từ từ dùng tay bó gối, từ từ để cằm tựa lên đầu gối, ngẩn ngơ nhìn vào ánh lửa.
Chí Văn vẫn còn ngồi gỡ những rong rêu bám trên khúc cây chàng nhặt được ban nãy, trên gương mặt chàng có một thần sắc trầm tư, chuyên chú nào đó, hình như chàng đang suy nghĩ về một vấn đề gì.
- Em biết không, bài thơ "Tháng tám trời Thu gió thổi cao" đó của ông già họ Đỗ, chủ đề chỉ ở hai câu cuối cùng: "An đắc quảng hạ thiên vạn gian, đại hộ thiên hạ hàn sĩ giai hoan nhan"! Người đời sau tôn sùng Đỗ Phủ, ngoài việc thơ của ông ta có một công lực thâm hậu ra, ông ta còn có một trái tim biết thương người lầm than khốn khó!
Tạm dịch: - Được nhiều nơi ở an bình, Khắp nơi hàn sĩ đều sinh tiếng cười!
Tâm Nhụy hơi ngẩng người ra, ngoẻo đầu sang nhìn Chí Văn, trong đáy mắt nàng lấp lánh một luồng ánh sáng kỳ dị. Tư tưởng của nàng vẫn còn đang chập chờn về Chí Trung và chiếc khẩu cầm của chàng, đột nhiên bị kéo trở về với thơ Đỗ Phủ, làm cho nàng trong nhất thời cảm thấy hơi ngẩn ngơ. Nàng trừng mắt nhìn Chí Văn, tâm hồn bất định.
Chí Văn ngước mắt lên, nhìn nàng một cái, nhếch miệng cười thật nhẹ, rồi lại cúi đầu xuống, tiếp tục bận rộn với khúc cây, khúc cây đó hình tròn và có rất nhiều mắc to nhỏ trên đó.
Chàng nói một cách ung dung:
- Anh nghĩ, em đã quên đi cái đề tài mà chúng ta nói chuyện ban nãy rồi.
Tâm Nhụy định thần lại:
- Ồ, không, chỉ có điều là... ông già họ Đỗ đó cách chúng ta quá xa rồi.
Nàng đưa mắt nhìn ra hướng biển, mặt biển bị nước thủy triều làm cho chập chờn, sóng sánh, dưới ánh nắng nhè nhẹ buổi chiều phát ra từng đốm sáng lập lòe. Bãi biển giờ này đã thưa thớt bóng người, gió biển thổi vào mang theo hơi lạnh gây gây da thịt, ánh tà dương đã dần dần buông màu sẫm tối. Chí Trung đang bước từng bước dài, từ phía mõm đá xa tiến dần đến. Tâm Nhụy tựa cằm lên trên đầu gối, nheo đôi con mắt, nhìn hững hờ về phía Chí Trung đang đi tới.
Chí Văn ngẩng đầu lên, đột nhiên chàng nói:
- Cho dù mộng của ta có tròn đến mấy, chung quanh cũng chỉ là những khoảng tối không cùng.
Nàng lập tức quay đầu lại nhìn Chí Văn, ánh mắt sáng long lanh. Nàng hỏi:
- Câu đó của ai?
Chàng mỉm cười nói:
- Một người không xa lắm, Từ Chí Ma.
(Từ Chí Ma là một trong những nhà văn tiên phong trong phong trào viết văn bạch thoại và thơ mới của nền văn học Trung Quốc cận đại, ông có nhiều truyện ngắn và thơ rất nổi tiếng - chú thích của người dịch)
Nàng nhướng đôi chân mày, không hề che dấu sự kinh ngạc và thán phục của mình:
- Anh có biết không, Chí Văn? Anh rất bác học, làm cho người ta cảm thấy rất nhỏ bé trước mặt anh.
Gương mặt chàng đỏ bừng lên.
Chàng bắt chước giọng điệu của nàng:
- Em có biết không, Tâm Nhụy? Em rất thẳng thắn, làm cho người ta cảm thấy rất ngượng nghịu trước mặt em.
Nàng cười lên.
- Tại sao?
- Giống như anh cố ý làm ra vẻ trí thức.
Nàng nhìn chàng trừng trừng, ánh mắt sâu sắc và bén nhạy. Nàng hỏi:
- Anh có không?
Chàng không hiểu:
- Có gì?
- Cố ý làm ra vẻ trí thức.
Ánh mắt chàng thoáng qua một chút bối rối. Chàng nói thật thẳng thắn:
- Có. Có một chút.
Nàng mỉm miệng cười, ánh mắt vừa thâm trầm vừa dịu dàng, mang theo một chút hơi hướm làm lòng người ngầy ngật. Nàng lẩm nhẩm đọc:
- Cho dù mộng của ta có tròn đến mấy, chung quanh cũng chỉ là những khoảng tối không cùng...
Nàng suy nghĩ hồi lâu, lắc lắc đầu:
-... Không hay, em không thích, ý nghĩ đó tiêu cực quá. Đối với em mà nói, tình trạng ngược hẳn lại.
- Nói như vậy là sao?
Nàng nói thật lớn tiếng:
- Cho dù mộng của ta có không tròn đến mấy, chung quanh cũng là những đường viền đầy ánh sáng vàng lấp lánh. Đó mới là mộng của em.
Đôi mắt nàng long lanh, gương mặt nàng bừng sáng.
Chàng nói bằng một giọng hâm mộ và thán phục:
- Nói rất hay! Tâm Nhụy, em thật là một người có đầu óc bén nhạy và phong phú.
Nàng kêu rú lên, cười nắc nẻ:
- Úi cha, anh lại nói như vậy nữa rồi, anh xem, anh làm cho tay chân em nổi da gà hết trọi rồi đây!
Nàng đưa thẳng cánh tay mình sang cho chàng xem.
Chàng cũng cười, dùng tay nắm lấy bàn tay nàng đang đưa sang.
Chàng nói một cách đơn giản và rõ ràng:
- Đó là vì em lạnh rồi đấy! Bàn tay em lạnh như băng đây này!
Chàng cởi chiếc áo khoác ngoài của mình ra, choàng lên vai nàng, chiếc áo khoác ngoài đó mang theo hơi ấm của người chàng, êm ái ôm vòng lấy người nàng. Nàng có một cảm giác buông thả và lười lĩnh một cách lạ kỳ, cảm thấy như mình đang đắm mình trong một hồ nước ấm áp, dịu dàng, tắm mình dưới ánh trăng lành và bầu trời đầy tinh tú, tất cả mọi vật chung quanh, đều trở nên thần kỳ và sáng láng như "nhuộm đầy những đường viền vàng lấp lánh".
Chí Trung đã đi đến gần chỗ hai người một lúc lâu, chàng lạnh lùng đứng nhìn tất cả những chuyện đang xảy ra. Nhìn hai người vừa hỏi vừa đáp, lại nhìn Hạnh Tú và Triệu Chấn Á đang lăng xăng lo đốt lửa nướng thịt, xâu thịt, chuẩn bị muỗng nĩa... chàng ngồi thật nặng nề xuống cạnh nhóm lửa, mang theo một chút tính chất phá hoại, chàng đưa tay ra chụp lấy một xâu thịt treo trên giá nướng, kêu lên thật to rằng:
- Ha! Thơm dữ à, anh đói đến độ có thể ăn hết một con trâu!
Hạnh Tú kêu lên:
- Chưa ăn được! Thịt nướng chưa chín mà!
Nàng đưa tay giật lấy xâu thịt trên tay Chí Trung, để trở lại giá nướng.
Chí Trung nằm bật ra phía sau, tay chân xoải thẳng ra trên bải cát, cầm chiếc khẩu cầm, chàng đưa lên miệng định thổi tiếp. Thế nhưng chiếc khẩu cầm đã bị hư rồi, thổi không thành âm điệu, chỉ phát ra tiếng kêu "ung ung", Chí Trung lẩm bẩm chửi thề:
- Mẹ kiếp!
Triệu Chấn Á nghe cả nửa buổi, phát ra một câu phê bình:
- Mày thổi nghe dở quá!
Chí Trung quăng cây khẩu cầm ra xa, trợn mắt nhìn Triệu Chấn Á:
- Người xấu, không biết nói chuyện, ngay cả khẩu cầm cũng thổi nghe quá dở, đó là tao, biết chưa?
Hạnh Tú đưa mắt nhìn anh Ba, lại đưa mắt nhìn anh Hai. Thân hình nhỏ bé của Tâm Nhụy, đang lười lĩnh tựa vào người của Chí Văn, trên gương mặt nàng có một nụ cười ngọt ngào đến độ làm say đắm lòng người, một cánh tay của Chí Văn, đang thư thả vòng ngang lưng của nàng. Phía trước mặt chàng, là khúc cây to tròn mà chàng đã bỏ công ngồi gỡ hết rong rêu cho sạch sẽ.
- Đây là cái gì vậy?
Tâm Nhụy hỏi, dùng tay mò mẫm khúc cây đó, ngửng đầu lên nhìn Chí Văn, vài sợi tóc của nàng phà vào mặt chàng. Đối với những tiếng kêu la của Chí Trung, hình như nàng không hề nghe đến.
Chí Văn cầm khúc cây lên, đưa cho Tâm Nhụy nhìn, chàng hỏi:
- Giống đầu một người đàn bà không?... Giống em không?
Tâm Nhụy ngạc nhiên, nàng nhìn khúc cây chăm chú, hỏi một cách thật dè dặt:
- Đúng vậy, giống đầu người ta, nhưng mà... em không đến đỗi xấu như vậy chứ, phải không?
Chí Văn bật cười lên thật to. Hạnh Tú rất ít khi nào nghe Chí Văn cười to đến như thế, bất giác nàng ngẩng người ra nhìn. Chí Trung quay đầu lại nhìn khúc cây đó một cái, hừ nhẹ một tiếng, đôi mắt nhìn lên trời, nói lầm bầm một mình:
- Khúc cây như vậy mà dễ coi hơn người! Ít nhất, nó cũng không ngã nghiêng ngã ngửa!
Tâm Nhụy như giật mình, nàng quay đầu lại nhìn Chí Trung, hơi nhướng đôi chân mày, hình như định gây gỗ, đôi mắt nàng mở tròn xoe lên, sắc mặt biến đi, Hạnh Tú vội vàng vỗ vỗ hai tay vào nhau, lớn tiếng kêu lên:
- Thịt chín rồi! Thịt chín rồi! Ai muốn ăn thịt nướng, thì hãy mau đến đây!
Sự chú ý của Tâm Nhụy bị những xâu thịt thu hút lấy, lập tức, nàng cảm thấy ruột gan mình kêu rồn rột. Nàng nuốt vội nước miếng, nhìn những xâu thịt nướng vàng thơm bằng đôi mắt hau háu, mọi người đều vây lấy nhóm lửa, ánh lửa làm cho gương mặt người nào người nấy đều đỏ bừng.
Sắc đêm đã đến.
Đêm đã rất khuya, rất khuya rồi.
Đỗ Mộng Thường ngồi bên cạnh giường con gái, đưa ánh mắt thương xót, đau đớn, khổ sở nhìn trừng trừng vào Vũ Đình đang nằm yên lặng trên giường. Gầy gò, xanh xao, không một chút sinh khí và vô cùng tội nghiệp. Con bé nằm ở đó, mở to đôi mắt ngây thơ vô tội, lặng lẽ nhìn Mộng Thường. Ánh mắt đó làm cho ngũ tạng lục phủ của Mộng Thường như bị vò xé nát tan. Bà đưa tay sờ vào cằm con gái, chiếc cằm vừa nhỏ vừa nhọn, mỏng manh, yếu đuối như thể một món đồ bằng thủy tinh dễ vỡ. Đúng vậy, từ nhỏ Vũ Đình đã giống như một tác phẩm nghệ thuật làm bằng thủy tinh, lung linh trong suốt, xinh đẹp sáng ngời, nhưng không thể nào chịu đựng nổi những sờ mó, va chạm của những bàn tay phàm phu tục tử, bất cứ lúc nào, ở đâu, hình như con bé cũng đều có thể vỡ tan ra thành từng mảnh vụn. Sự suy nghĩ đó làm cho lòng bà nhói đau, bà hít nhẹ vào một hơi dài lạnh lẽo, ngẩng đầu nhìn vào Hạ Hàn Sơn đang ngồi ở phía bên kia giường.
Hạ Hàn Sơn đang cầm trên tay một ống kim chích thật to, thật thô, chuẩn bị chích vào tĩnh mạch của Vũ Đình. Tay áo của Vũ Đình xăn lên đến trên vai, cái cánh tay vừa gầy, vừa nhỏ của nàng hình như không to hơn ống kim chích bao nhiêu, trên cánh tay trắng trẻo đó, đều nhìn thấy rõ những đường gân xanh ẩn hiện. Hàn Sơn tìm đường gân máu, đâm thẳng cây kim vào đó, Mộng Thường vội vàng đưa mắt nhìn sang chỗ khác, đôi chân mày cau lại. Ánh mắt của bà chạm phải ánh mắt của con gái, đôi chân mày của Vũ Đình hơi nhướng lên một chút, kiên nhẫn chịu đựng nổi đau của cây kim vừa chích vào, nhìn mẹ cố gắng nhếch miệng nở một nụ cười yếu ớt như xin lỗi.
Nàng đưa tay sờ soạng lấy bàn tay của mẹ, kêu lên bằng một giọng dịu dàng, nhỏ nhẹ:
- Mẹ, xin lỗi mẹ, con đã làm cho mẹ lo lắng quá nhiều.
Mộng Thường cảm thấy có một luồng hơi nóng đang dâng thẳng lên tròng mắt của mình, bà vội vàng nói:
- Sao con lại nói như thế? Đau yếu là chuyện có ai muốn đâu!
Vũ Đình thở dài u uất:
- Ồ, mẹ, mẹ đừng nên thương con quá như vậy, con rất sợ rồi sẽ có một ngày...
- Vũ Đình...
Mộng Thường kêu nhẹ lên, lẹ làng đưa tay ra đậy lên đôi môi của Vũ Đình, lệ, lập tức dâng đầy tròng mắt. Bà cố gắng không để cho nước mắt trào ra, cố gắng định tìm một lời nào đó để an ủi con gái. Thế nhưng, nhìn vào ánh mắt bi ai và dịu dàng của Vũ Đình, bà cảm thấy nghẹn ngào không nói được nên lời. Mà chỉ có thể dùng răng cắn chặt lấy đôi môi, để kềm chế lại sự sợ hãi và đau đớn đang dâng đầy ngập trái tim.
Hàn Sơn chích xong rồi, rút ống kim ra, ông dùng bông gòn xoa nhè nhẹ vào cánh tay Vũ Đình, vừa xoa ông vừa quan sát sắc mặt của Vũ Đình, nhìn Vũ Đình nở một nụ cười khuyến khích, nói:
- Từ từ rồi cháu sẽ mạnh khỏe trở lại thôi, Vũ Đình. Thế nhưng, trước nhất là cháu phải tự tin tưởng ở cháu mới được.
Vũ Đình nhìn Hàn Sơn, ánh mắt của nàng hòa nhã và phục tòng, thở ra một hơi dài nhè nhẹ, nàng như một đứa trẻ thật ngoan ngoãn:
- Dạ, cháu biết, cháu cám ơn bác sĩ lắm, cứ làm phiền bác sĩ đến nhà xem bệnh cho cháu hoài, cháu áy náy lắm.
Mộng Thường kéo mền lên tới tận cằm nàng, bà nói:
- Con đừng nên cảm thấy áy náy với tất cả mọi người, đây đâu phải là lỗi của con.
Vũ Đình thấp giọng:
- Dù sao... thì đó cũng là vì con.
Hàn Sơn đã thu dọn xong hộp thuốc, ông đứng thẳng dậy, nói:
- Xong rồi, uống thuốc đúng giờ, giữ cho tâm tình vui vẻ, hai hôm nữa ta sẽ trở lại đây thăm cháu, hy vọng là hai hôm nữa, cháu sẽ lại có thể vừa đàn vừa ca được nữa rồi, phải không?
Vũ Đình gật đầu, nhìn Hàn Sơn mỉm miệng cười, nụ cười đó vừa yếu ớt, vừa thành thật, lại vừa chứa đầy nét tội nghiệp vô cùng:
- Dạ! Bác sĩ cứ yên tâm, nhất định là cháu sẽ "cố gắng" khỏe trở lại.
Hàn Sơn gật gật đầu, quay người đi ra hướng cửa phòng. Mộng Thường đi theo ông hai bước, Vũ Đình nằm trên giường đưa ánh mắt khẩn cầu nhìn theo bà, thấp giọng kêu lên:
- Mẹ!
Mộng Thường bất giác dừng chân lại, nói với Hàn Sơn:
- Ông ra ngoài phòng khách ngồi một tí, tôi sẽ ra ngay!
- Được!
Hàn Sơn ra khỏi phòng ngủ. Mộng Thường quay trở lại bên giường, đưa mắt nhìn con gái. Vũ Đình yên lặng nhìn bà, đôi con ngươi trong suốt, long lanh đó hình như đang nói với bà một cách thật rõ ràng rằng: Đừng gạt con! Mẹ! Con không còn sống bao lâu nữa. Đột nhiên, trái tim bà đau buốt như bị ai xiết chặt lại, ngồi xuống bên giường, Vũ Đình ngồi bật dậy, dùng hai tay ôm choàng lấy cổ mẹ, đôi cánh tay gầy yếu, nhỏ bé đó của nàng ghì xiết lấy Mộng Thường, áp mặt mình vào mặt bà, nàng thấp giọng nói thì thầm bên tai bà thật thống thiết:
- Mẹ, con không muốn rời xa mẹ, con không muốn! Nếu như con đi rồi, có còn ai ở bên cạnh mẹ nữa, ai sẽ ca hát cho mẹ nghe?
Nước mắt Mộng Thường không còn kềm chế được nữa, từng giọt từng giọt lăn dài trên má, bà kêu lên đau khổ:
- Ồ! Vũ Đình, con đừng nên nói như thế, không sao đâu, không bao giờ có chuyện đó đâu! Bác sĩ Sơn đã hứa với chúng ta rồi kia mà, ông sẽ trị cho con hết bệnh thôi!
Vũ Đình nằm trở lại giường, ánh mắt của nàng trong suốt như nước. Nàng dịu giọng nói:
- Mẹ, cả mẹ và con đều biết rằng, bác sĩ Sơn là một người thày thuốc tốt, thế nhưng, ông ta không phải là thượng đế.
Mộng Thường dùng tay chụp đôi mắt lại, bà nói bằng một giọng yếu ớt, như tự lẩm bẩm với mình:
- Không! Không! Ông ấy sẽ trị cho con hết bệnh, ông ấy đã hứa rồi, ông ấy sẽ làm được, ông ấy đã hứa như thế mà!
Vũ Đình quay đầu sang một bên, nàng thở ra một hơi dài u uất:
- Tội nghiệp mẹ tôi!
Nàng mấp máy đôi môi nói một câu thật nhẹ.
Từng dòng, từng dòng nước mắt đổ dài xuống má Mộng Thường, tội nghiệp mẹ tôi! Trong lòng con bé không bao giờ tự nghĩ đến mình, mỗi lần bị bệnh, nó đều cắn răng chịu đau chịu đớn, chỉ dùng ánh mắt xin lỗi nhìn bà. Tội nghiệp mẹ tôi! Trong trái tim hiền lành, dịu dàng của con bé, chỉ có người mẹ tội nghiệp của nó! Nó không bao giờ tự tội nghiệp mình, nó không tự than thân trách phận, trong những ngày tháng bị cơn bệnh liên tiếp hành hạ, trái tim trong trắng ngây thơ đó, chỉ biết có mẹ của nó! Bà đưa tay lên quệt đi dòng nước mắt, nhìn lại Vũ Đình, con bé đã nhắm nghiền mắt lại, đôi mi cong mỏng manh rủ xuống, hình như đã ngủ rồi. Bà đứng bên giường im lặng thêm một lúc lâu, nghe hơi thở không chút đều đặn của Vũ Đình, bà cảm thấy việc hít thở đối với con bé cũng là một thứ gánh nặng, cái cảm giác này càng làm cho bà đau đớn thâm sâu hơn nữa. Cúi người xuống, bà đặt lên trán Vũ Đình một cái hôn nhẹ nhàng, con bé hơi lăn nhẹ người qua, chép miệng nói như mơ:
- Mẹ, con ở bên cạnh mẹ... mẹ đừng khóc, con ở bên cạnh mẹ mà...
Mộng Thường hơi nhắm đôi mắt lại, hàm răng cắn chặt lấy đôi môi. Một lúc sau, bà mới xoa dịu được tâm tình của mình, bà rón rén đứng lên, rón rén đi đến bên cửa sổ, rón rén buông màn cửa xuống, và rón rén đi ra phía cửa. Đưa mắt lưu luyến nhìn Vũ Đình thêm một lần nữa, bà mới rón rén đi ra khỏi phòng.
Hạ Hàn Sơn đang đi đi lại lại trong phòng khách, trên tay ông đốt một điếu thuốc, ông hơi chau đôi chân mày, gương mặt trông đầy nét đăm chiêu, ông nhả ra một ngụm khói, hình như đang bị một vấn đề gì đó làm cho khó nghĩ.
Mộng Thường đi đến gần bên ông.
Ông đứng dừng lại, ánh mắt ông nhìn bà thật bén nhạy, ánh mắt đó trông thật nghiêm khắc và nhìn thấu mọi sự. Ông nói:
- Cô đã khóc.
Bà dùng ánh mắt u sầu nhìn ông, nghĩ đến những lời nói của Vũ Đình: Mẹ, mẹ và con đều biết rằng, bác sĩ Sơn là một bác sĩ tốt, thế nhưng, ông ta không phải là thượng đế. Bà chớp chớp mắt, nhìn thật sâu vào mắt ông, hơi dựng thẳng lưng lên, bà cứng rắn nâng cằm hơi cao lên, khàn giọng nói:
- Nói cho tôi biết sự thật, nó còn sống được bao lâu nữa?
Ông dụi tắt điếu thuốc vào chiếc gạt tàn bên cạnh, chăm chú nhìn lại bà. Trông bà không trẻ hơn Niệm Bình, và cũng không thể nói là đẹp hơn Niệm Bình, ông mơ hồ nghĩ ngợi. Thế nhưng, chiếc lưng vươn thẳng đó, chiếc cằm hơi hất lên đó, đôi mắt ai oán và quyến rũ đó, cùng thái độ đem tất cả vận mệnh phó thác vào tay ông, và cái thần sắc cố gắng làm ra vẻ cứng rắn đó của bà... tất cả, tất cả, đã tạo thành một sức hấp dẫn mạnh mẽ không duyên cớ, hút ông dính vào thật chặt. Một người mẹ đang gặp nạn, một người đàn bà cô độc, một linh hồn tội nghiệp, một sinh mệnh can đảm... ông suy nghĩ đến xuất thần.
Sự im lặng của ông làm cho bà kinh hoàng sợ hãi, một cảm giác bất tường đột nhiên phủ trùm lấy bà từ đầu đến chân. Giọng của bà run run, yếu ớt, bà hỏi:
- Như vậy, điều tôi đoán là sự thật, phải không? Bao lâu nay ông chỉ tìm cách an ủi tôi, dối gạt tôi, phải không? Sự thật thì, nó không còn sống được bao lâu nữa, phải không?... Nói cho tôi biết sự thật, cả cuộc đời tôi, bao nhiêu cay đắng đều đã trải qua hết rồi, tôi chịu đựng nổi! Thế nhưng, ông phải nói sự thật cho tôi biết!
Bà cắn cắn răng, đứng đó với thái độ chịu đựng.
Ông trừng mắt nhìn bà. Cuối cùng ông cũng mở miệng nói:
- Cô không tin tôi sao? Tôi đã nói, tôi sẽ trị cho con bé khỏi bệnh mà!
Bà đưa mắt nhìn ông không chớp. Giọng nói của ông kiên quyết đến mấy, chắc chắn đến mấy! Giọng nói của thượng đế, chỉ cũng như thế là cùng chứ gì! Đôi mắt bà lại dâng đầy lệ nóng, xuyên qua màn lệ mỏng, gương mặt cương quyết của ông hình như là một vật thể phát ra ánh sáng long lanh, gương mặt của thượng đế, chỉ cũng như thế là cùng thôi! Bà gần như muốn quỳ thẳng xuống, muốn khiêm tốn quỳ thẳng xuống...
Đột nhiên, ông đưa tay ra chụp lấy tay bà. Bàn tay của ông ấm áp và mạnh mẽ, bàn tay của thượng đế, cũng chỉ đến như thế là cùng.
Ông kéo bà đến bên bộ ghế salon, nói một cách ngắn gọn, như ra lệnh:
- Đến đây!... Ngồi xuống!
Bà bị động ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, bị động nhìn vào ông.
Ông đem thùng thuốc của mình đến bên cạnh, để lên trên chiếc bàn nhỏ, ông mở thùng ra, lấy ra từ trong đó một xấp phim X-ray dày cộm, lại lấy ra một xấp hồ sơ bệnh trạng và những báo cáo kiểm nghiệm cũng dày cộm. Ông bày tất cả những thứ đó lên bàn, quay đầu lại nhìn bà, ông cất giọng nói; rõ ràng, bình tĩnh và mạnh mẽ:
- Để tôi nói thật rõ ràng cho cô biết, tôi đã đem tất cả những hồ sơ về bệnh lý của Vũ Đình trong bao nhiêu năm nay lấy ra hết, ngay cả những báo cáo kiểm nghiệm cũng lấy ra luôn, từ bệnh viện Đài Bắc cho đến các phòng mạch bác sĩ tư, con bé đã nằm tất cả mười hai bệnh viện, bị bệnh từ lúc sáu tuổi cho đến nay, coi như bệnh tất cả là mười hai năm. Tính trung bình, vừa đúng mỗi năm nằm một bệnh viện!
Mộng Thường thở ra một hơi dài:
- Ồ! Tôi chưa bao giờ tổng kết lại, con bé này, từ khi còn bé, nó đã cứ phải ra vào bệnh viện như đi chợ.
- Bệnh của nó, từ những chẩn đoán của các bệnh viện mà nói, đủ tên đủ dạng, tổng kết lại, đại khái có thiếu máu, không đủ sức tiêu hóa, đau tim hạng nhẹ, có một dạo bị viêm gan, yếu gan, và một bệnh quan trọng khác là thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng.
Mộng Thường nói một cách yếu ớt, khổ sở:
- Tôi... tôi mua cho nó uống đủ loại thuốc bổ, mỗi ngày nấu đủ loại soup gà, soup bò, không khi nào dứt, tôi thật sự không biết tại vì sao con bé lại bị thiếu dinh dưỡng... Trước đây, bác sĩ Châu có nói rằng, những cơ quan căn bản của thể chất nó bị như thế nào đó, cho nên cơ thể không hấp thu được những chất bổ dưỡng. Không hấp thu được chất bổ dưỡng, là một điều nghiêm trọng lắm, phải không?
Hạ Hàn Sơn nhìn bà trừng trừng. Ông nói từng chữ, từng chữ một thật rõ ràng:
- Nếu như không ăn, thì không làm cách nào có thể hấp thu được hết.
Mộng Thường kinh ngạc ngước đôi mi lên nhìn ông:
- Không ăn? Ông nói vậy là có ý gì? Ông nghĩ rằng tôi không làm cho nó ăn sao?
- Cô làm, cô nấu, thế nhưng không nhất định là nó đã ăn!
Đôi mắt của Mộng Thường càng mở to hơn:
- Tôi không hiểu.
Ánh mắt của ông dừng lại trên gương mặt của bà:
- Hãy để chúng ta nhớ lại mọi chuyện từ đầu, được không? Lần đầu tiên con bé phát bệnh là năm nó được sáu tuổi, bệnh tình cũng tương tự như bây giờ, nghĩa là đột nhiên bị ngã ra bất tĩnh. Hôm con bé bị bất tĩnh, giữa hai mẹ con cô, có phải là đã xảy ra chuyện gì hay không?
Đôi con ngươi của bà đảo nhẹ một vòng, sau đó, có một chút ánh hồng vương nhẹ trên đôi gò má của bà, bà thấp giọng nói:
- Đúng vậy, đó là hôm mà từ lúc cha nó mất đi, lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện tái giá. Có một người bạn đồng nghiệp, cùng làm thông dịch viên với tôi trong tòa đại sứ, theo tôi rất ráo riết...
Bà dừng lại, dùng tay nâng đầu, chìm đắm vào một vùng ký ức xa xưa nào đó, đôi mắt bà dâng lên một làn sương mờ long lanh, huyền ảo, khóe miệng ẩn hiện một đường nét dịu dàng. Không hiểu tại sao, cái thần sắc đó của bà lại làm cho lòng ông như bị nhói đau. Ông ho nhẹ một tiếng, nói như nhắc nhở:
- Hiển nhiên, cuộc hôn nhân đó đã vì sự phát bệnh của Vũ Đình mà ngưng lại?
Bà định thần lại:
- Đúng vậy. Năm đó nó bệnh rất dữ, nằm bệnh viện hết mấy lần, mỗi ngày tôi đều phải đưa nó đi bệnh viện, đến độ bỏ cả việc làm, cuộc hôn nhân đó... cũng vì vậy mà chẳng đi đến đâu. Sau này, người bạn đồng nghiệp đó của tôi bỏ đi Mỹ, bây giờ đã vợ con đầy đàn rồi.
- Được lắm, từ lúc đó về sau, con bé bắt đầu bị bệnh, cứ vài ba hôm lại ngã lăn ra bất tĩnh, mà bệnh viện không thể nào tìm ra được bệnh lý một cách chính xác.
- Đúng vậy.
Hạ Hàn Sơn không nói chuyện nữa, mà chỉ đưa mắt bình lặng nhìn bà. Thế là, bà hơi hiểu một chút, bà đón lấy ánh mắt ông, suy tư, hồi tưởng và phân tích. Cuối cùng, bà từ từ lắc đầu. Bà cất tiếng nói:
- Ông đang ám chỉ rằng... bệnh của con bé không phải thuộc về sinh lý, mà là thuộc về tâm lý!
Hạ Hàn Sơn nói một cách điềm đạm:
- Tôi không ám chỉ, mà tôi xác định rõ ràng!
Bà lắc đầu thật kịch liệt:
- Không! Không thể nào như thế được! Bệnh về tâm lý không thể nào làm cho nó mỗi ngày một yếu đi, chẳng lẽ ông không nhìn thấy sao? Ngay cả đến hơi thở của nó cũng vô cùng khó khăn, nó gầy đến độ chỉ còn da bọc xương, nhẹ đến độ ngay cả gió cũng có thể thổi nó bay đi, đồng thời, nó xanh xao như thế, tiều tụy như thế, tất cả những thứ đó không thể nào giả vờ mà được...
Hạ Hàn Sơn nói thật bình tĩnh:
- Tôi không hề nói rằng nó giả vờ làm ra vẻ như thế! Quả thật là con bé xanh xao, tiều tụy, tại vì nó vừa thiếu máu, vừa thiếu dinh dưỡng! Nó đang tự sát mãn tính một cách vô ý thức, làm sao mà không xanh xao, tiều tụy cho được!
Bà kinh hoàng ngẩng người ra, mở to đôi mắt, không tin ở thính giác của mình:
- Tự sát mãn tính?... Ông nói gì vậy? Tự sát mãn tính? Tại sao nó lại tự sát mãn tính? Nó mất cha từ năm lên ba tuổi, hai mẹ con tôi sống nương tựa vào nhau, tôi vừa yêu thương vừa chìu chuộng nó, không có chuyện gì mà nó không vừa ý...
Hàn Sơn ngắt lời bà:
- Không phải không vừa ý, mà là tính độc chiếm! Từ năm con bé lên sáu tuổi, nó đã tước đoạt cái quyền tự do có bạn trai của cô! Nó lợi dụng tình yêu của cô, để đạt tới mục đích độc chiếm lấy cô, nó biết được khuyết điểm của cô, nó bèn lợi dụng cái khuyết điểm đó, chỉ cần nó cứ bệnh hết ngày này sang ngày khác, cô cũng sẽ không có tự do hết ngày này sang ngày khác...
Gương mặt của bà trở nên trắng bệch, ánh mắt của bà trở nên âm u, ảm đạm:
- Ông... ông... ông không hề nhìn thấy rõ ràng! Nói như vậy là tàn nhẫn quá, vô tình quá! Ông không hiểu được Vũ Đình! Từ khi còn bé, nó đã không có cái tôi của riêng mình, mà nó chỉ một lòng một dạ muốn cho tôi vui, mỗi lần bị bệnh, nó đều nói với tôi rằng: Xin lỗi mẹ, con ân hận lắm, mẹ...
Ông lại ngắt lời bà, trầm giọng xuống, nói thật bình tĩnh, giọng điệu gần như tàn nhẫn, vô tình:
- Tôi biết rõ điều đó! Chính tai tôi đã nghe hằng trăm lần rồi!... Nó càng nói như thế, cô càng đau lòng, chỉ cần cô càng đau lòng, thì cô lại càng không thể nào lìa xa nó được! Tôi đã từng có một nữ bệnh nhân, cũng dùng phương thức đó để khống chế ông chồng của mình, chỉ cần ông chồng về nhà trễ ba phút, là bà ta sẽ bị bệnh ngã nhào ra bất tĩnh. Tôi nói cho cô biết, cô cần phải đối diện với sự thật, bệnh tình nghiêm trọng nhất của Vũ Đình, không phải ở thể xác nó, mà là ở tâm lý nó. Nó đang dày vò cô, thậm chí, nó đang hưởng thụ sự đau khổ của cô, hưởng thụ nước mắt của cô, hãy nhớ rằng, tất cả những điều nó làm đó đều xuất phát từ vô thức, nó không hề cố ý làm như thế, mà chỉ làm một cách vô ý thức...
- Không!...
Bà thảng thốt kêu lên, không thể nào kềm chế được tình cảm của mình, đôi mắt bà dâng đầy lệ nóng:
-... Ông nói như thế là quá lạnh lùng, quá tàn nhẫn, quá vô tình! Ông đang trách móc nó là một đứa trẻ hư đốn, ích kỷ, chỉ biết có mình! Thế nhưng, nó không phải như thế! Nó vừa ngoan ngoãn, vừa nghe lời, chuyện gì nó cũng chỉ nghĩ đến người khác, nó trong sáng như một tờ giấy trắng không vương chút bợn nhơ, hiền lành như thể một con thỏ trắng nhỏ! Nó không hề biết thủ đoạn, không hề biết giả vờ, nó là một đứa con gái vừa hiếu thảo, vừa hiểu biết! Ông nói như thế, là chỉ tại vì ông không tìm ra được căn nguyên chứng bệnh của nó, ông bất tài, ông không phải là một người thày thuốc tốt, các ông bác sĩ đều giống nhau cả, khi ông không tìm ra được bệnh trạng, các ông lại chụp mũ, cho rằng nó bị bệnh thần kinh!
Hạ Hàn Sơn đứng ở đó, ông yên lặng nhìn bà, yên lặng nghe những lời trách móc đầy kích động, đầy nước mắt đó của bà. Ông không hề biện bạch cho mình, cũng không hề giải thích cho mình, khi Mộng Thường nói ông "bất tài", ông chỉ hơi nhẹ nhàng rùng mình một cái. Sau đó, ông từ từ đi đến bên chiếc bàn nhỏ, đem tất cả những tài liệu, báo cáo về bệnh trạng, phim X-ray, bỏ trở vào trong thùng thuốc. Mộng Thường kêu xong hết một hơi, bà cũng tự mình bị những lời nói kịch liệt đó của mình làm cho kinh hoảng, bà ngồi chết trân ở đó, ngơ ngẩn nhìn ông thu dọn đồ đạc, ngơ ngẩn nhìn ông để từng món, từng món vào thùng thuốc, đưa mắt nhìn ông đóng nắp thùng thuốc lại, đưa mắt nhìn ông xách cái thùng lên, đưa mắt nhìn ông đi ra phía cửa... đột nhiên, bà kêu to lên không kềm chế được:
- Ông đi đâu thế?
Ông đứng dừng lại, quay đầu qua, ánh mắt của ông dịu dàng và chứa đầy sự thông cảm, giọng nói của ông không hề chứa đựng một chút lửa giận, mà chỉ đong đầy sự quan tâm và thương xót, ông thấp giọng nói:
- Yên tâm đi, tôi sẽ trị cho nó hết bệnh!
Đột nhiên, bà cảm thấy cả người mình như tan vỡ. Bà xông thẳng đến bên ông, đứng dừng trước mặt, ngước mắt nhìn lên, trong đôi mắt to tròn đó, đong đầy sự thê lương và bất lực, đong đầy sự khẩn cầu và xin lỗi, bà mấp máy đôi môi, tiếng nói phát ra thì thầm như rên rỉ:
- Tôi điên rồi, tôi không biết mình đang nói gì!
Ông chú ý nhìn gương mặt thất thần, hoang mang đó, sự lo lắng, buồn bã, cô đơn, bất lực, khẩn cầu, van xin... đều hiện rõ trên gương mặt đó. Ông lại cảm thấy cái sức hút mạnh mẽ, vô hình hiện đến, cái sức hút không thể cưỡng chống lại được. Sau đó, ông mơ hồ cảm thấy mình bỏ thùng thuốc xuống, mơ hồ cảm thấy mình đang kéo bà sát vào lòng, mơ hồ cảm thấy mình đang ôm bà, lại mơ hồ cảm thấy đôi môi mình gắn chặt trên đôi môi bà.
Trong khoảnh khắc, ông ngẩng đầu lên, đôi mắt của bà lấp lánh ánh lệ mờ, nhưng sáng long lanh. Trông bà có vẻ mê muội, có vẻ kinh hoàng, như loại côn trùng ngủ qua một giấc dài của mùa Đông buốt giá, đột nhiên bị gió Xuân thổi ngang làm cho bừng tỉnh dậy, hình như không biết làm thế nào để đón nhận cái thế giới mới này. Thế nhưng, cái không khí hoàn toàn mới, cái không khí của một mùa Xuân dịu dàng, đầm ấm, đã xâm nhập vào nơi tận cùng thâm sâu nhất của trái tim bà, làm cho nổi dậy những đợt sóng nhỏ lăn tăn không thể nào bình lặng được. Bà nín thở, hoảng hốt ngẩng nhìn ông, thấp giọng hỏi một câu:
- Tại sao lại làm như thế?
Ông trả lời thật thẳng thắn, hình như cũng hoảng hốt như bà:
- Không biết. Đã muốn làm như thế từ lâu lắm rồi!
Bà bướng bỉnh hỏi lại:
- Tại sao?
Ông thấp giọng thì thầm:
- Trông em giống như một mùa Xuân bị băng giá.
Mùa Xuân bị băng giá, đột nhiên, cái câu nói có vẻ trừu tượng đó đánh thẳng vào trong tận cùng tâm hồn Mộng Thường, làm cho bà bàng hoàng tỉnh giấc, thấy rằng mình đã lãng phí đi biết bao nhiêu tháng ngày quý giá của tuổi thanh xuân! Bà ngước đôi mi cong, nhìn vào người đàn ông trước mặt không chớp mắt, không, ông bác sĩ này, chẳng những có thể trị được bệnh hoạn, mà ông còn muốn giữ lại mùa Xuân? Đột nhiên, bà có cái cảm giác của một sứ thần đi triều cống, sau khi trải qua những tháng ngày bước đi trên đoạn đường dài mệt mỏi, cuối cùng cũng đã tới được thánh triều, chỉ muốn ngã nhào xuống, ngã nhào xuống không cần biết đến gì nữa hết. Vì, thánh triều đã là đây, thần linh của bà cũng là đây, thần linh của bà có thể che chở hết cho bà những khổ nạn, đem lại cho bà hạnh phúc và mùa Xuân vốn đã bị bỏ quên từ lâu!
Bà cúi đầu xuống, tựa trán mình lên vai ông, vai ông rộng và chắc chắn. Vòng tay của ông vẫn còn ôm ngang hông bà.
Bà thấp giọng thì thầm:
- Xin anh... trị cho con bé hết bệnh.
Ông cũng thì thầm:
- Chẳng những trị hết cho con bé, mà còn trị luôn cả em nữa!
- Trị cho em?
- Con bé bệnh ở chỗ muốn độc chiếm em, em bệnh ở chỗ muốn bị độc chiếm. Đời sống con người ta đều nằm trong cái vòng nhân quả lẩn quẩn đó, một người muốn đánh, một kẻ muốn chịu. Em đã cho nó quá nhiều sự chú ý, nếu như muốn trị bệnh cho nó, trước nhất phải trị bệnh cho em. Nếu như em không chú ý đến Vũ Đình nhiều quá như thế, em sẽ thấy rằng thế giới này ngoài Vũ Đình ra, còn có rất nhiều những thứ khác. Đối với Vũ Đình mà nói, cũng như thế, nó không thể suốt đời nương tựa vào mẹ, nó còn có cả một cuộc đời rất dài trước mặt.
- Một cuộc đời rất dài?
Bà lẩm nhẩm lại mấy chữ đó, vui mừng cảm thấy rằng những chữ đó, hình như đang bắt đầu chảy vào trong huyết quản của mình, tuần hoàn khắp cả người mình. Một cuộc đời rất dài, nó sẽ không chết, nó sẽ không chết, nó sẽ sống đến trăm tuổi! Ngẩng đầu lên, bà chú ý nhìn gương mặt đầy nam tính, chứa đầy sự dịu dàng xen lẫn cương nghị của ông, ai nói rằng ông chỉ là bác sĩ mà không phải là thượng đế? Ai nói thế?
Bà càng tựa sát vào ông hơn nữa, trong lòng bà đang tràn ngập thứ tình cảm không chỉ đơn thuần giữa hai người nam và nữ, mà nhiều hơn nữa, là sự cống hiến, ngưỡng mộ và sùng bái của một tín đồ đối với vị thần linh của mình.
Khi mùa Hè đến, ánh nắng mặt trời càng thêm sáng láng, gần như ngày nào trời cũng trải đầy ánh nắng chan hòa xuống trần gian, trong sân trường, hoa đỗ quyên mới vừa tàn úa, mùi hương của hoa lài, hoa lý đã bắt đầu lãng đãng trong không khí. Buổi sáng hôm đó, Hạ Tâm Nhụy đứng ở một góc trường, phát giác ra trên cây thạch lựu hiếm hoi của trường, có một đóa hoa nở sớm nằm khép nép trên cây, nàng giống như Kha Luân Bố phát hiện ra tân đại lục, chạy đi kéo Hạnh Tú đến để thưởng thức, tay chân nàng múa may, dáng điệu vui mừng hớn hở như đứa trẻ được quà. Hạnh Tú nhìn dáng điệu tung tăng, duyên dáng, nhìn đôi gò má đỏ hồng xinh đẹp, cùng đôi mắt làm cho vô số bạn học phái nam đắm đuối đó của nàng, trong lòng không thể không ngấm ngầm thở ra tán thưởng. Từ nhỏ, nàng cũng đã được rất nhiều họ hàng thân thích khen tặng; "là một người đẹp". Thế nhưng, đứng trước mặt Tâm Nhụy, nàng vẫn phải tự than thầm rằng mình không bằng. Không hẳn là vì những đường nét trên gương mặt, ngoài gương mặt ra, mỗi một tiếng cười giọng nói, từng cái quơ tay múa chân của Tâm Nhụy, đều có một âm điệu ý nhị nào đó không thể diễn tả nổi. Bất luận một động tác khoa trương đến mấy, khi được nàng diễn tả cũng đều trở thành vô cùng tự nhiên. Thảo nào mà hai ông anh ngốc nghếch của mình, khi gặp nàng là mất đi những cử chỉ tự nhiên ngày thường!
Tâm Nhụy kêu lên:
- Hạnh Tú, tao không hề biết rằng màu của hoa thạch lựu lại sặc sỡ đến như thế, thảo nào mà người xưa nói rằng: "Ngũ nguyệt lựu hoa hồng tựa hỏa"! (Tạm dịch: Hoa lựu tháng năm đỏ như lửa.)
Hạnh Tú nói:
- Mi có biết đóa hoa thạch lựu này giống cái gì không?
- Giống cái gì?
- Giống tên của mi. Nụ hoa nở rộ vào mùa Hè.
- Ồ!...
Tâm Nhụy hiểu ra, nụ cười của nàng càng thêm rực rỡ:
-... Đúng vậy! Hạ Tâm Nhụy, nhụy hoa tâm điểm của mùa Hè, mùa Hè có nhiều hoa nở rộ, cũng có hơi giống đấy. Hạnh Tú, mi cũng là người thông minh đấy chứ!
Hạnh Tú cười hi hi nói:
- Đủ tư cách làm em chồng của mi rồi chứ gì?
Tâm Nhụy ngơ ngác, trong nhất thời nàng chưa hiểu rõ:
- Em chồng?... Em chồng nào?... Ui cha, ui cha!...
Nàng đã nghĩ ra rồi, kêu lên inh ỏi:
- Con nhỏ quỷ này, cái miệng mi không bao giờ nói chuyện đứng đắn, đàng hoàng!
Đôi mắt linh động của Hạnh Tú đảo một vòng trên mặt của Tâm Nhụy:
- Không đứng đắn, đàng hoàng à? Tao lại nghĩ rằng, đó là câu nói hay nhất hạng đấy chứ! Bắt đầu từ năm thứ nhất, khi tao mới quen mi, tao đã nói với mình rằng, con bé Hạ Tâm Nhụy này, đáng mặt làm chị dâu của mình lắm, nếu không, tại sao tao lại hăng hái kéo mi đến nhà tao nhiều lần làm gì? Lại còn hăng hái tổ chức đi chơi ngoài trời bao nhiêu lần làm chi? Khi thì đi leo núi, khi thì đi tắm biển, lúc lại đi barberque...
- Được dữ a! Thì ra mi tốt với tao, là có mục đích đó à! Mi thật là là là... là là...
Nàng nói một hơi năm chữ "là", vẫn không tìm ra "là gì", dậm mạnh chân xuống đất, nàng nói:
-... Thật là tức chết đi được, tiếc là cha mẹ tao chỉ sinh có mỗi mình tao, nếu như tao cũng có một người anh thì tốt biết mấy. Ê,...
Đột nhiên nàng đổi đề tài:
-... Mi có biết tại sao ba tao lại đặt tên cho tao là Tâm Nhụy không?
- Tại sao?
- Ba tao thích trẻ con lắm, ông nói muốn có ít nhất là sáu đứa con, tao là đứa đầu tiên, đặt tên Tâm Nhụy, ông dự định là đứa nào cũng mang tên Nhụy hết, chỉ có chữ lót là khác nhau thôi!
- Nếu là con trai cũng là Nhụy sao?
- Không, nếu sinh con trai, thì chữ Nhụy đổi thành Nhị, Ý Nhị chẳng hạn.
- Nghe cũng hay lắm đấy, thế nhưng lỡ mà sinh nhiều quá, tới mười mấy đứa, chữ Nhụy cũng khó tìm chữ ghép lắm đấy nhé...
Tâm Nhụy ôm bụng cười cong cả người:
- Nói bậy, có phải heo đâu mà sinh nhiều đến thế!
- Chuyện đó cũng khó nói lắm à! Gần nhà tao có bà kia sinh mười một đứa con đấy!...
Hạnh Tú nói, nàng kéo đề tài trở lại:
-... Ba mi thích trẻ con thế, sao mà chỉ sinh có một mình mi thôi vậy?
- Tại mẹ tao không chịu chứ sao! Khi mẹ tao sinh tao, thuộc về loại khó sinh, suýt chút tưởng chết rồi đấy chứ, do đó bà sợ quá chừng, ba tao cũng sợ quá chừng. Với lại, mẹ tao thích giữ thân mình cho đẹp, bà nói sinh tao xong, vòng eo tăng lên hai phân, cho nên không muốn có con nữa. Ba tao yêu mẹ tao, mẹ nói không muốn nữa thì không muốn nữa, thế là, tao trở thành nhụy hoa duy nhất của ba.
Hạnh Tú nói:
- Mẹ mi đẹp thật, khi bà đứng chung với mi, trông giống như là hai chị em đấy. Mẹ tao thì không được như thế, trông mẹ tao già hơn mẹ mi nhiều. Tuy nhiên, hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, ba tao suốt một đời làm công chức, đồng lương chật vật, lại có tới ba đứa con...
- Do đó, mẹ tao nói rằng, đàn bà đừng nên có nhiều con quá!
Hạnh Tú cười nói:
- Mi đừng nên nói như thế! Nếu như mẹ tao không sinh ba đứa, để sinh ra tới tao, tao sẽ không làm bạn học với mi được, nếu như tao không làm bạn học với mi, mi lấy ai bây giờ?
Tâm Nhụy kêu lên:
- Con nhỏ này, mi nói cái quỷ gì vậy?... Bộ mi nghĩ rằng tao không lấy được ai, nhất định phải gã về cho nhà mi hay sao?
Hạnh Tú cãi chầy cãi chối:
- Tao có nói thế đâu!... Tuy nhiên, mi cũng đừng nên xem nhẹ hai ông anh tao đấy nhé, con gái theo ngược lại mấy ông ấy nhiều biết bao nhiêu! Anh Hai tao khi còn học đại học, có một cô bạn học thầm yêu ông ấy, đã vì ông ấy mà bỏ học nữa chừng để đi tu đấy! Còn ông anh Ba tao, lúc còn học lớp 11, đã có con gái viết thư tình cho ông ấy rồi đấy!
Tâm Nhụy cảm thấy thích thú với đề tài này, nàng ngưng lại tiếng cười, nhìn Hạnh Tú chăm chú, nói một cách trầm ngâm:
- Hạnh Tú, mi thích anh Ba mi? Hay là thích anh Hai mi vậy?
Hạnh Tú cười lên:
- Ha!... Đó là câu hỏi mà tao đang cứ muốn hỏi mi đây! Tại sao mi hỏi ngược lại tao chứ?
- Hứ!...
Gương mặt của Tâm Nhụy bất giác đỏ bừng lên, nàng quay người chạy về hướng lớp học, một mặt chạy, một mặt kêu to lên:
- Tao không ở đây nói bậy với mi nữa, tao đi đến dự lớp tâm lý học đây!
Hạnh Tú gọi với theo:
- Tao đợi mi đó nhé! Học xong rồi đến nhà tao chơi, mẹ tao nói làm bánh cuốn cho mi ăn đấy!
Tâm Nhụy vừa chạy vừa nói:
- Tao không đi! Tao cũng không ăn!
Hạnh Tú cười kêu to lên:
- Tùy mi đấy! Dù sao thì tao cũng hết giờ học rồi, tao cứ đợi mi ở đây, nếu như tan học mà mi không đến, thì tao đi mất đó! Tao không phải là bạn trai của mi, không có kiên nhẫn chờ lâu đâu, mi có nghe không?
- Không nghe!
Tâm Nhụy quay đầu lại cười hi hi và la to lên, xong chạy đi biệt dạng.
Hạnh Tú đưa mắt nhìn theo bóng dáng của Tâm Nhụy khuất dạng sau dãy lầu của viện Văn Khoa, nàng quay người lại, nhìn vào đóa hoa thạch lựu một hồi lâu. Sau đó, nàng chọn một chỗ bóng cây râm mát, ngồi xếp bằng xuống đất. Mở quyển "Lịch Sử Trung Quốc Cận Đại" ra, nàng bắt đầu đọc sách. Tháng sáu là lại đến kỳ thi cuối năm, chỉ chớp mắt là năm thứ ba lại đi vèo nữa rồi. Nàng trừng mắt nhìn vào một trang trong quyển sách, thế nhưng lại không thấy gì hết. Trong lòng nàng đang nghĩ đến Tâm Nhụy, nàng và Tâm Nhụy không học cùng một ban, nàng học về Lịch Sử, Tâm Nhụy học Triết Học, tuy nhiên, khi học năm thứ nhất, cả hai đã cùng học chung môn Xã Hội học và Kinh Tế học, hai người gặp nhau đã trở thành tri kỷ. Thế nhưng, nàng lại không bao giờ ngờ rằng, Tâm Nhụy lại tạo ra một đợt sóng ngầm vô hình trong gia đình nàng. Nàng nghĩ đến câu hỏi của Tâm Nhụy:
- Hạnh Tú, mi thích anh Ba mi, hay là mi thích anh Hai mi?
Dùng tay nâng cằm, nàng ngồi ngẩn ngơ, chìm đắm trong sự suy nghĩ miên man. Nàng nghĩ đến anh Hai Chí Văn, và anh Ba Chí Trung. Chí Văn thâm trầm, xúc tích, Chí Trung hào sảng, phóng khoáng. Chí Văn rất tỉ mỉ tinh tế đối với người và sự việc, Chí Trung thì lại như thể bất cần đời. Thích ai? Với lập trường của một cô em gái, thật ra rất khó nói. Nàng thích sự thâm trầm, vững chải của anh Hai, thích sự phóng khoáng, cởi mở của anh Ba. Thế nhưng, nếu như đặt mình vào lập trường của Tâm Nhụy thì sao? Nàng khẽ nghiêng nghiêng đầu, yên lặng suy nghĩ, bất giác buột miệng nói:
- Mình chọn anh Hai!
Tại sao lại chọn anh Hai? Tâm Nhụy quá sống động, nàng cần có một lực lượng làm cho nàng trầm lại, và cần một người đàn ông lớn hơn nàng nhiều tuổi một chút. Chí Văn đã hai mươi bảy tuổi, Chí Trung mới có hai mươi bốn. Chí Văn dịu dàng, tinh tế, biết chú ý chìu chuộng phái nữ. Chí Trung thì chưa định hình, suốt ngày cứ hi hi ha ha, đối với con gái thì chỉ nồng nhiệt lúc ban đầu. Nàng nghĩ đến đây, không còn ngồi được nữa, tất cả mọi tâm tư, đều hướng về anh Hai Chí Văn. Huống chi anh Hai học Văn, cùng một sở thích với Tâm Nhụy, Chí Trung học ngành kỷ sư, hoàn toàn đi về một hướng khác. Nàng nghĩ mãi, nghĩ mãi, càng nghĩ càng háo hức, thế nhưng... thế nhưng... cái ông anh Hai nhát gái này, làm việc gì cũng chậm như rùa bò! Đối với Tâm Nhụy, anh ấy hữu ý hay vô tình? Tại sao mãi cho đến bây giờ, vẫn chưa chịu tấn công cho rồi đi? Có phải tại vì anh Ba không?... Có thể! Từ trước đến nay, Chí Văn bao giờ cũng xem tình thủ túc nặng hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời này!
Nàng tự lẩm bẩm với mình:
- Ngó bộ, vị thần tình ái này cần phải được trợ lực một chút, đó chính là cái hay của việc có em gái!
Nàng ngồi bật dậy từ trên cỏ, nghĩ là làm! Không có thì giờ để do dự nữa. Nàng xông thẳng đến phía thư viện, ở đó có điện thoại công cộng, phải đánh cho anh Hai một cú điện thoại mới được! Đến trước cửa thư viện, không ngờ đã có một hàng người đứng sắp hàng dài chờ đến phiên gọi điện thoại. Đợi không được, nàng lại chạy về hướng căn-tin, ở đó cũng có người đứng chờ. Nàng đứng ở đó bồn chồn chờ đợi, phải một lúc lâu sau mới đến phiên nàng. Nàng lập tức quay số điện thoại ở chỗ sở làm của Chí Văn, Chí Văn đang làm trợ giáo ở đại học xxx, đồng thời chàng cũng đang làm luận án cho bằng tiến sĩ Văn Chương của mình, tiếng là làm trợ giáo, nhưng chàng được dành phần lớn thì giờ để làm luận án, do đó, công việc ở trường đại học chỉ là hình thức, đôi khi chàng cũng có thể bỏ đi trong giờ làm việc.
Điện thoại phía bên kia, Chí Văn bắt lên, Hạnh Tú lập tức nói bằng một giọng sôi nổi:
- Anh Hai, có thể đi ra ngoài một chút được không?
- Bây giờ à? Để làm gì?
- Có chuyện vui cho anh.
- Nói cho anh nghe xem!
- Anh đến trường của tụi em, đi ngay bây giờ!
Chí Văn im lặng hết một lúc, chàng hỏi một cách do dự:
- Làm gì vậy?
- Anh đi vào cửa trường, quẹo ngay vào phía bên phải, đi băng ngang dãy lầu thứ nhất, anh sẽ thấy một cây hồng đậu thật cao, thật to, phía sau cây hồng đậu, có hàng cây hoa đỗ quyên, bên cạnh hoa đỗ quyên, có một cây thạch lựu, phía trước cây thạch lựu đó, có một người đang đợi anh!
Chàng hơi nín thở giây lát, như thể biết mà vẫn hỏi:
- Ai vậy?
- Anh đoán đó là ai? Dĩ nhiên là nàng rồi!
Chàng lại do dự hết một lúc, hình như có hơi e ngại:
- Cô ấy bảo em gọi điện thoại cho anh chăng? Hay là tự em bày ra?
Thật là tức chết! Anh ấy vẫn còn đang do dự, chưa chịu xuống cờ! Tiếng chuông tan học đang reo lên, không còn thì giờ để nói chuyện lôi thôi nữa, nàng nói thật nhanh:
- Anh đừng hỏi nữa, nếu không đến là trễ rồi đó. Em không nói cho anh biết là ai gọi anh đến, mà chỉ nói với anh một câu, tình yêu là thứ không thể nhường nhịn, anh đừng nên ở đó nhường cho người khác như nhường thức ăn vậy!
Hình như Chí Văn lại nín thở thêm một lúc, lập tức, giọng của chàng vang lên thật nhanh:
- Anh đến ngay lập tức!
Nàng dặn dò:
- Càng nhanh càng tốt, đừng dẫn nàng về nhà, dẫn nàng đi ra ngoại ô, dẫn nàng đi ngồi quán café, hay dẫn nàng đi xem ciné, gì cũng được. Nhưng mà đừng dẫn về nhà, biết chưa?... Được rồi, anh đến nhanh đi, em đi chận nàng lại cho anh!
Bỏ ống nghe xuống, nàng quay người chạy hấp tấp về hướng cây thạch lựu.
Trong khi Hạnh Tú đang đi gọi điện thoại, đàng này Tâm Nhụy đã trở về chỗ sân trường ban nãy. Nàng đi vòng qua vòng lại phía trước cây thạch lựu mấy lần, thế nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng của Hạnh Tú. Nàng nhìn dáo dác chung quanh, không một bóng người, nhìn nhìn đồng hồ, nàng chẳng qua chỉ trễ có năm phút chứ gì đâu. Nàng cắn cắn răng, bất giác buột miệng mắng một câu:
- Nói không đợi là không đợi! Đúng là làm phách, bộ nó tưởng mình ham đến nhà nó ăn bánh cuốn lắm sao!
Nàng càng nghĩ càng bực bội, quay người lại, nàng giận dỗi bỏ đi về hướng cổng trường. Nàng đi ra tới cổng trường, Hạnh Tú chạy tới sân trường, hai người chỉ cách nhau trong tích tắc. Ai ngờ, cái tích tắc đó, đã làm cho tất cả kế hoạch của Hạnh Tú đảo lộn hoàn toàn.
Tâm Nhụy đi ra đến cổng trường, ôm đống sách trên tay, nàng đi lững thững về hướng xe buýt công cộng, vừa đi đến trước trạm, có một người thanh niên, chạy một chiếc xe gắn máy trông thật quen thuộc trờ tới, xông thẳng về hướng nàng. Nàng định thần nhìn kỷ, đó là Lương Chí Trung! Ý niệm đầu tiên thoáng qua trong lòng nàng, là: À! Cái con nhỏ Hạnh Tú này đang phá mình đây! Thảo nào mà nó không đợi! Nàng ngẩng đầu lên nhìn Chí Trung:
- Sao anh không đi làm?
- Hôm nay xưởng lắp cơ khí, cho nghĩ việc một bữa!...
Chí Trung nhìn dáo dác:
- Ủa, Hạnh Tú đâu? Sao nó không cùng đi với em?
Còn ở đó làm bộ nữa! Tâm Nhụy bĩu môi thật nhẹ, nàng hỏi:
- Sao anh biết em ở đây mà đến?
Chàng nheo mắt cười, gương mặt thật ma mãnh:
- Ai nói là anh biết? Anh chỉ tình cờ đến thôi!
- Hừ!
Nàng hừ nhẹ một tiếng, quay người đưa lưng về phía chàng. Chàng nói:
- Ê, ngồi lên phía sau anh đi, anh chở em đi chỗ này! Nhanh lên!
Trong thanh âm chàng như có giọng điệu ra lệnh, nàng càng bực bội hơn nữa.
Nàng trả lời thật ngắn gọn:
- Không đi!
Chàng liếc nhìn nàng, suy nghĩ hết hai giây, sau đó, chàng đưa tay lên chụp lấy mái tóc bị gió thổi đến rối tung của mình, đột nhiên cười lên. Chàng cắn cắn răng nói:
- Được, được, được, anh đầu hàng rồi! Anh cố ý chờ em ở đây, được chưa? Hôm nay em học xong lớp tâm lý học là hết giờ rồi, anh đã hỏi thăm kỷ càng hết rồi, được chưa?
Ít ra cũng phải như thế chứ, nàng bậm bậm môi, muốn cười. Nhẹ nhướng đôi mi cong, nàng liếc nhìn chàng bằng đuôi mắt, anh chàng lãng tử này mà cũng biết đỏ mặt nữa cơ à! Đó không phải là một điều kỳ lạ lắm sao? Cái anh chàng Lương Chí Trung không biết sợ trời sợ đất, cái anh chàng Lương Chí Trung bất cần đời, vậy mà cũng có một giây khắc biết đỏ mặt! Không hiểu vì sao, nét mặt ngượng nghịu đỏ bừng đó của Chí Trung, lại làm cho trái tim nàng như rung động. Nàng không còn tỏ ra bướng bỉnh, nàng không còn muốn kháng cự nữa, bất giác, nàng leo lên phía đàng sau chiếc xe gắn máy, đưa tay ôm vòng ngang eo chàng.
Chí Trung nổ máy, chiếc xe phóng "vút" tới phía trước. Gió thổi mái tóc của Tâm Nhụy bay tung lên, nàng không thể không áp gương mặt của mình sát vào lưng Chí Trung, để cho tóc đừng bay vào mắt. Nàng kêu to lên từ phía sau:
- Anh chở em đi đâu thế? Đến nhà anh hả?
- Không! Đi hồ Thanh Thảo chèo thuyền! Ở đó có một loại thuyềm buồm, chơi vui lắm! Bảo đảm là em sẽ thích!
- Hạnh Tú nói rằng chiều nay mẹ anh mời em tới ăn bánh cuốn!
Tâm Nhụy kêu lên, trong lòng nàng đột nhiên thoáng qua hình ảnh một người. Có một cảm giác bất an, hình như đang len lén xen vào tâm hồn nàng.
Phần lưng của Chí Trung hơi dựng thẳng lên.
- Bánh cuốn của mẹ anh, lúc nào em cũng có thể ăn được!...
Chàng nói một cách ậm ừ, lại nói tiếp:
-... Ôm chặt một tí nữa, anh tăng tốc độ đây!
Chàng gia tăng thêm tốc độ, hai tay của Tâm Nhụy ôm vòng lấy eo ếch chàng, áp gương mặt mình thật sát vào phần lưng to rộng của chàng. Chiếc xe phóng như bay ngang qua cổng trường, trước mắt Tâm Nhụy như sáng lên, đột nhiên nàng nhìn thấy Chí Văn đang từ trên một chiếc xe taxi bước xuống, có lẽ vì bị tiếng ồn của xe gắn máy thu hút, Chí Văn quay đầu lại, vừa đúng lúc chạm phải ánh mắt của Tâm Nhụy. Nàng hơi nhíu nhíu mày, không thể nào lại như thế! Nhất định là nàng hoa mắt. Tuyệt đối không thể nào cả hai anh em đều cùng đi tới cổng trường một lượt như thế! Thế nhưng, cái chạm mắt đó rất thật, làm cho nàng cảm thấy tâm hồn hơi bị dao động. Chí Trung ở phía trước hét lên với nàng liên tiếp mấy câu hỏi, thế mà nàng lại không nghe câu nào. Cuối cùng, Chí Trung hét thật to:
- Tâm Nhụy!
Nàng giật nảy mình, hỏi lại:
- Cái gì?
- Em đang nghĩ gì vậy?
- Em... em...
Nàng ấp úng hết vài giây, sau đó vẫn nói ra một cách thẳng thắn:
-... hình như em nhìn thấy Chí Văn.
"Rét" một tiếng vang lên thật nhọn, chiếc xe gắn máy bị thắng gấp, đứng dừng lại thật nhanh. Chí Trung quay đầu lại, nói một cách thật đơn giản:
- Tốt nhất là em nên đến nhà anh ăn bánh cuốn vậy, anh không đưa em đi đâu! Anh muốn đi đến hồ Thanh Thảo chèo thuyền! Nếu như em không muốn đi, anh sẽ tìm người khác cùng đi với anh vậy!
Nàng hơi khựng người lại, nói một cách yếu ớt:
- Em có nói là không muốn đi đâu!
Chàng dựng xe thẳng lên, đứng bên lề đường, đôi mắt chàng sáng hừng hực, nhìn nàng trừng trừng, trong ánh mắt đó hình như lại có xen lẫn chút ánh sáng hung hăng, sắc mặt chàng đứng đắn và nghiêm trang, chưa bao giờ nghiêm trang đến như thế. Giọng nói của chàng cứng nhắc và lãnh đạm:
- Để anh nói với em một câu nói mà anh đã muốn nói từ lâu: giữa anh và anh Hai của anh, quần áo có thể mặc chung, xe có thể chạy chung, sách vở có thể cùng xem chung, chỉ có bạn gái, là tuyệt đối không thể có chung được! Nếu như em cứ tiếp tục nghiêng qua ngã lại như thế, thì từ nay anh sẽ đứng tránh ra thật xa, anh sẽ không vì em mà làm tổn thương tình nghĩa anh em!
Nàng đứng ở đó, dưới ánh nhìn hừng hực đó của chàng mà cảm thấy hơi thở của mình cuống quýt lên. Ánh mặt trời chiếu thẳng trên đầu nàng, từ khi mùa Hè bắt đầu cho đến nay, đây là lần đầu tiên nàng cảm thấy sức nóng của ánh sáng mặt trời. Đầu nàng hình như có hơi choáng váng, đôi môi nàng cảm thấy khô khan, mà cái thái độ nghiêm trang chưa từng thấy của chàng lại làm cho trái tim nàng đập bình bịch. Đột nhiên, nàng hiểu ra được một điều, tên lãng tử bất cần đời này, tên lãng tử không bao giờ coi trọng bất cứ chuyện gì này... đang bày tỏ tình cảm với nàng lần đầu tiên và duy nhất!
Nàng hít vào một hơi thở thật sâu, mở to đôi mắt. Sao vậy? Những lời tỏ tình trong tiểu thuyết đâu phải như thế này? Sao vậy? Ngay cả một câu nói dịu dàng cũng không hề có sao? Sao vậy? Sao chàng lại hung hăng con bọ xít như thế kia? Thế nhưng, sao vậy? Mình lại thích những lời nói cứng nhắc và lãnh đạm đó mới chết chứ!
Chàng lại hỏi:
- Sao đây? Em muốn theo anh đi hồ Thanh Thảo, hay là đến nhà anh ăn bánh cuốn?
Nàng dùng lưỡi liếm liếm đôi môi, nói thật nhẹ:
- Bánh cuốn lúc nào cũng ăn được, phải không?
Chàng trừng mắt nhìn nàng hết mấy giây, dần dần, ánh mắt chàng chứa đầy nét cười, thế nhưng, thanh âm của chàng vẫn chứa đầy sự thô lỗ và mệnh lệnh, chàng nói:
- Lên xe!
- Dạ!
Nàng lại leo lên xe ngồi tiếp.
Chỉ vài phút sau, chiếc xe gắn máy của Chí Trung đã chạy phom phom ngoài công lộ, hướng thẳng ra vùng ngoại ô.
Cùng lúc đó. Hạnh Tú và Chí Văn đang cùng đứng phía trước đóa hoa thạch lựu. Cả hai anh em, đưa mắt nhìn nhau, có rất nhiều chuyện để nói, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Hạnh Tú hơi có vẻ áo não, từ lúc nàng nghe Chí Văn nói:
- Anh nhìn thấy Tâm Nhụy ở phía trước cổng trường, Chí Trung chở cô ấy đi mất rồi!
Nàng đã cảm thấy buồn bã rồi. Thật sự, cả hai đều là anh của nàng, trước ngày hôm nay, nàng không hề cảm thấy Tâm Nhụy phải nhất định thuộc về anh Hai hay anh Ba, nàng nhận thấy rằng, cho dù anh nào chiếm được nàng, cũng đều là một chuyện tốt. Thế nhưng, bây giờ, nàng lại cảm thấy hình như có gì đó không ổn, có một cảm giác tự trách thật mạnh mẽ, đang vây lấy tâm hồn nàng.
Cuối cùng, nàng cũng mở miệng trước:
- Anh Hai, em nghĩ tất cả cũng tại em mà ra, em hóa khéo thành vụn! Nếu như em không đi gọi điện thoại, nếu như em ở bên cạnh Tâm Nhụy từ đầu chí cuối, nếu như em không rời khỏi cây thạch lựu này...
Chí Văn thẩn thờ nhìn vào đóa hoa thạch lựu đỏ rực rỡ ngay trước mặt, nhẹ nhàng ngắt lời nàng:
- Đừng nói nữa! Sao lại có thể trách em được? Em làm mọi chuyện là vì có ý tốt thôi, chỉ tại anh...
Đột nhiên chàng cắn cắn răng, Hạnh Tú nhìn thấy những sớ thịt phía dưới cằm chàng đang rung lên thật nhẹ, trong giọng nói của chàng hình như có mang chút âm điệu run rẩy:
-... Tại anh không có duyên với nàng!...
Chàng đưa tay ra sờ nhẹ đóa hoa thạch lựu, bắt buộc tư tưởng mình chú ý tập trung vào chỗ khác. Chàng khàn giọng nói:
-... Chưa bao giờ nhìn thấy đóa hoa đẹp như thế này!
Hạnh Tú buột miệng nói không suy nghĩ:
- Tâm Nhụy phát giác ra đó! Em nói, nó giống như cái tên của nàng, nụ hoa rực rỡ của mùa Hè.
- Ồ!
Chí Văn vội vã rụt tay lại, hình như trên đóa hoa đó có gai đâm phải chàng.
Hạnh Tú kinh ngạc nhìn Chí Văn, trong khoảnh khắc đó, nàng mới cảm nhận ra rằng cái tình cảm của Chí Văn trao gửi cho Tâm Nhụy đã sâu đậm đến như thế nào! Sự cảm động, thương hại, xót xa... đồng loạt ập đến như một ngọn thủy triều dâng tràn, đầy ngập. Bất giác nàng nói:
- Anh Hai, anh đừng nản lòng! Tâm Nhụy đi chơi với anh Ba chưa chắc là đã có gì, anh có thể tranh đua chứ!
Chí Văn nở một nụ cười khổ sở:
- Tranh đua?... Tranh đua với Chí Trung? Để làm tổn thương tình cảm anh em? Huống chi, cho dù có làm tổn thương tình cảm anh em, cũng chưa chắc đã chiếm được Tâm Nhụy đâu! Em không thấy cái cảnh của họ ban nãy ở ngoài cổng trường, vừa thân mật, vừa vui vẻ...
Chàng ngưng bặt lại, một lúc sau, mới nói tiếp bằng một giọng trầm thấp và khàn đục:
-... Thật sự, hai người đó thật là xứng đôi! Cả hai đều cùng nghịch ngợm, hoạt bát, không câu nệ, không rụt rè...
Chàng cúi đầu xuống, không nói thêm nữa.
Cả hai lặng lẽ đi trong sân trường, rời khỏi cây thạch lựu, đi ngang qua hàng cây đỗ quyên, cây hồng đậu cao to đang đứng vươn thẳng những nhánh dài như lọng dù che phủ. Chí Văn cúi thấp đầu xuống, thẩn thờ đi vào phía dưới bóng râm của cây hồng đậu cao to đó, cúi cong người xuống, chàng nhặt lên từ dưới đất một trái đậu đã chín khô, mở hai cánh đậu ra, có một hạt đậu màu đỏ tươi lăn vào lòng bàn tay chàng, chàng lẩm bẩm, lầm bầm thật nhỏ giọng, đọc ra mấy câu: - Thị thùy bả tâm lý tương tư, chủng thành hồng đậu. Đãi ngã lai chiển đậu thành trần, khán hoàn hữu tương tư một hữu?
Tạm dịch: z- Ai đem nỗi nhớ trong tim, zTrồng thành hạt đậu tương tư tháng ngày, zĐể ta đem đậu nghiền xay, zXem còn thương nhớ mê say làm gì?
Hạnh Tú nghe không rõ chàng đang lầm bầm những gì, nàng hỏi một cách kinh ngạc:
- Anh đang nói gì vậy?
Chàng ngẩng đầu lên nhìn tàng cây cao to, râm mát, nụ cười héo hắt trên môi chàng hình như càng thêm héo hắt:
- Anh đang đọc bài thơ của Lưu Đại Bạch. Người xưa thường hay đem cây hồng đậu ví von thành cây tương tư, thật sự đó là hai chuyện chẳng dính dáng gì với nhau. Nhưng, anh không bao giờ biết rằng, một hạt hồng đậu nhỏ tí ti như vậy, lại có thể phát triển ra thành một cây to, cao lớn như thế này. Chả trách gì mà người xưa gọi hạt hồng đậu là hạt tương tư.
Đôi tròng mắt của Hạnh Tú rươm rướm lệ. Nàng thấp giọng kêu lên:
- Anh Hai.
Đột nhiên Chí Văn đứng dừng lại, quay đầu qua Hạnh Tú, nghiêm nghị nhìn nàng:
- Hạnh Tú, anh đã nói với em là, mùa nghĩ hè năm nay, anh sẽ đi lên núi viết luận án chưa?
Hạnh Tú ngẩng người ra, kinh ngạc:
- Lên núi? Tại sao lại lên núi viết?
- Trên núi hơi yên lặng hơn, có thể chuyên tâm làm việc. Sang năm, nhất định là anh phải lên bậc chứ, đâu thể nào làm trợ giáo cả đời được.
Hạnh Tú trừng mắt nhìn chàng, ngây ngô gật gật đầu.
Chàng đưa tay ra sờ sờ vào mái tóc ngắn, bị ánh nắng mặt trời làm cho phát nóng của Hạnh Tú, đột nhiên chàng bật lên tiếng cười. Cười xong, chàng nghiêm sắc mặt lại nói:
- Em phải nhớ nói với Chí Trung, lần này, không được chỉ nóng có ba phút thôi đấy nhé!
Hạnh Tú càng nhìn chàng trân trối hơn nữa, rồi lại ngây ngô gật gật đầu.
Chàng nắm chặt hạt hồng đậu, bước từng bước thật dài, thật nhanh ra phía cổng trường.
Đối với Tâm Nhụy mà nói, mùa hè năm nay thật là đặc biệt. Đột nhiên, chủ nhân của những sinh hoạt hằng ngày không còn là "mình" nữa, mà trở thành "Chí Trung". Cùng chàng đi chơi ngoài vùng ngoại ô, cùng chàng đi vào công xưởng, nơi chàng đi làm, theo chàng làm việc, theo chàng đi chơi, cùng chàng đi nghe tiếng gió thổi vi vu và tiếng chim kêu tíu tít trong rừng già. Chí Trung thích những sinh hoạt ngoài trời, gần như chỉ cần chàng có ngày nghĩ, bọn họ đều dùng hết những thì giờ đó cho vùng ngoại ô hoặc ngoài bãi biển. Sinh hoạt bận rộn làm cho Tâm Nhụy gần như không có đủ thì giờ để thở, thế mà trong sinh hoạt bận rộn đó, nàng vẫn có một nỗi ngậm ngùi không xóa nhòa được. Chí Văn đã đi xa. Mùa Hè vừa mới bắt đầu, chàng đã khăn gói đi mất. Nghe nói chàng đi lên một ngọn núi nào đó, còn rất hoang dã, để viết luận án. Ba tháng sau mới trở về. Không nhìn thấy Chí Văn quen thuộc, lúc đầu Tâm Nhụy cứ có cảm giác như mất mát một cái gì đó. Mỗi lần nàng đến nhà họ Lương, cứ như thói quen, vừa gặp mặt mẹ chàng là nàng cứ hỏi:
- Thưa bác, khi nào Chí Văn mới trở về?
Bà Lương lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ nói:
- Không biết con ạ! Thằng nhỏ đó, không viết cả một lá thư gửi về!
Nàng hỏi nhiều lần, Chí Trung đổ quạu, có một lần, chàng đứng chống nạnh hỏi nàng:
- Em đến đây để tìm anh Hai, hay là để tìm anh?
Nàng trừng mắt nhìn Chí Trung, thế nhưng lại không dám nói gì thêm. Cái tính tình bướng bỉnh và hướng ngoại đó của chàng, có thể nói là đã biểu lộ hết vào mùa hè năm nay, đồng thời, chàng lại còn có chút chuyên chế, có chút hung hăng, có chút ngược ngạo... thế nhưng, tất cả nhửng thứ đó không thể kể được là khuyết điểm của chàng, lúc đầu, cũng chính là những nét chuyên chế, hung hăng, ngược ngạo đầy khí chất nam nhi đó của chàng, đã thu hút nàng cơ mà!
Hôm đó, Tâm Nhụy, Chí Trung, Hạnh Tú và Triệu Chấn Á cùng nhau đi bơi ở hồ bơi gần bãi biển. Trời cũng tương đối nóng, bãi biển chen chúc những người là người, tuyệt đại đa số đều là những người trẻ tuổi, từng đoàn từng đám, kẻ thì đem tấm trượt nước, người thì đem phao nổi... họ rượt đuổi nhau, cười đùa vui vẻ trên bãi biển, không khí thanh xuân chan hòa khắp mọi nơi.
Tâm Nhụy mặc trên người bộ bikini mới toanh, màu đỏ rực rỡ. Nàng rất ít khi mặc áo tắm loại hai mảnh như thế này, bộ áo tắm này làm nổi lên lồ lộ những đường nét thiếu nữ hấp dẫn của nàng. Bộ ngực căng tràn nhựa sống, chiếc mông tròn đầy đặn, đôi chân thon dài, và vòng eo nhỏ nhắn không đầy một vòng ôm của nàng... đều hiện rõ mồn một trước mặt mọi người, thu hút không ít ánh nhìn của những người có mặt ở đó. Tâm Nhụy đang hưởng thụ nét thanh xuân của mình, hưởng thụ sự xinh đẹp của mình, hưởng thụ sự hấp dẫn của mình. Nàng nằm một cách thoải mái, phóng khoáng trên chiếc phao dài, chập chờn trôi nổi theo làn nước, đầu nàng gối lên thành phao, hơi nhắm đôi mắt lại, gương mặt nàng bị ánh mặt trời chiếu thành một màu nâu đỏ.
Hạnh Tú ngồi trên bãi biển, nhìn vào Tâm Nhụy, nàng không thể không cất tiếng ca ngợi một cách ngưỡng mộ:
- Chỉ có Tâm Nhụy, mới xứng mặc bikini.
Chí Trung nói một cách bực tức:
- Anh ghét nhất là bikini! Ai bảo cô ta chỉ mặc có một chút xíu như thế? Nếu như cô ta không dám bỏ tiền ra mua áo tắm, lấy chiếc khăn tay của anh đi may, còn che được nhiều hơn nữa à!
Hạnh Tú khẽ nhíu mày, kinh ngạc đưa mắt nhìn Chí Trung, nàng nói:
- Anh thật là không có lương tâm chút nào hết, Tâm Nhụy vì muốn mua bộ áo tắm này, không biết đã đi hết bao nhiêu tiệm quần áo thời trang để tìm đấy? Bộ anh tưởng bikini rẻ lắm à? Mắc đến độ kinh người luôn đấy! Nàng muốn đẹp, chẳng qua cũng là vì anh mà thôi!
Chí Trung trừng to đôi mắt:
- Tại sao lại vì anh?
- Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, đàn bà vì người yêu mà làm đẹp!
Chí Trung bật cười khan:
- Ha! Được rồi! Đó là vì cô ta có óc hư vinh, cô ta cố ý muốn hấp dẫn sự chú ý của người khác... em xem em xem, thật là... mẹ kiếp!
Có hai người thanh niên đang bơi đến gần bên chiếc phao nổi của Tâm Nhụy, mỗi bên một người, họ vịn vào chiếc phao, đang cùng Tâm Nhụy nói chuyện gì đó. Tâm Nhụy cũng cười hì hì trả lời lại. Đột nhiên Chí Trung từ trên bãi biển ngồi bật dậy, chạy thẳng về hướng chiếc phao của Tâm Nhụy. Hạnh Tú nhìn thấy gương mặt chàng hiện rõ nét hung hăng, nàng vội vàng gân cổ lên gọi theo từ phía sau:
- Anh Ba, chúng ta đến đây để đi chơi, anh đừng nên gây gổ với người khác đấy nhé!
Triệu Chấn Á ngồi bên cạnh Hạnh Tú, cũng vươn dài cổ ra nhìn về phía trước, chàng nói:
- Anh không hiểu vì sao mà Chí Trung lại nổi giận, anh không hiểu vì sao hắn lại không thích bikini, và anh cũng không hiểu vì sao hắn lại mắng Tâm Nhụy!
Hạnh Tú trừng mắt nhìn chàng, quay đầu sang chỗ khác, lầm bầm trong bụng một mình:
- Tôi không biết anh Ba tìm từ đâu ra một tên ngố như anh, và cũng không hiểu vì sao anh ấy lại đem tôi mà nhét vào cho anh như thế!
o0o
Trên mặt biển, Tâm Nhụy đang cùng hai người thanh niên kia nói chuyện thật hào hứng, như thể vừa gặp đã vô cùng tâm đắc, nàng cười rạng rỡ như một đóa hoa phù dung vừa chớm nở. Hai người thanh niên đó được đằng đầu lấn đằng chân, họ đeo gần đến độ thiếu điều muốn leo lên chiếc phao tới nơi. Chí Trung từ trong làn sóng nước bơi vọt tới, lặn sâu xuống nước, chàng bơi trong nước nhanh như rái. Chỉ vài cái hụp lặn, chàng đã lặn tới phía dưới chiếc phao của Tâm Nhụy, đưa tay đẩy lên phía trên, đột nhiên chàng lật chỏng gọng chiếc phao lên trời.
Tâm Nhụy kêu thét lên một tiếng, hoàn toàn không hề nghĩ rằng chiếc phao lại bị lật ngược như thế, nguyên cả người nàng lọt tỏm xuống nước, vừa đúng lúc, có một ngọn sóng to đang tràn tới, trước khi thân hình nàng quân bình trở lại, nàng đã bị cuốn hút vào ngọn sóng đó, trong lòng nàng hoảng hốt, há to miệng định la lên theo bản năng, nào ngờ vừa mới mở miệng, sóng biển đã tràn ập vào, nàng uống liên tiếp hết mấy ngụm nước biển, sợ đến hoảng kinh hồn vía. Chưa kịp định thần, nàng cảm thấy có người nắm lấy cánh tay nàng, lại nâng lấy người nàng, đưa nàng lên trên mặt nước.
Nàng đứng thẳng người, hai chân vẫn còn ngâm trong nước biển, nàng dùng hai tay vuốt đi những giọt nước đọng trên đôi mi cong, cuống cuồng, ngượng ngập mở to đôi mắt. Lúc này nàng mới nhìn thấy rằng, người kéo nàng lên chính là Chí Trung, chàng đang dùng đôi mắt hừng hực lửa nhìn nàng trân trối, bên khóe miệng, ẩn hiện một nụ cười nửa như chế nhạo, nửa như đắc ý, nửa như diễu cợt, nửa như gian ác.
Chàng hỏi một cách lạnh lùng:
- Nước biển uống ngon không?
Trong đầu Tâm Nhụy có một cảm giác hơi mơ hồ, nàng vẫn chưa biết được, tại vì sao mà mình lại té nhào như thế? Nàng nhìn Chí Trung, nói một cách kinh ngạc:
- Không biết tại vì sao, em đang nằm đàng hoàng như thế, đột nhiên chiếc phao bị lật!
Chí Trung hừ nhẹ một tiếng trong mũi:
- Không biết tại vì sao? Tôi nói cho cô nghe, đó là tại vì tôi lật cho nó chỏng gọng lên trời đấy! Để cho cô uống vài ngụm nước biển, cho cô một bài học, để xem từ đây về sau cô có còn dám nằm ở đó trêu ong gợi bướm, như một thứ gái chiêu đãi lẳng lơ nữa hay không?
Tâm Nhụy trừng to đôi mắt:
- Cái gì? Tại vì anh lật nó lên đấy à? Anh nói cái gì vậy? Anh đang trừng phạt tôi à? Anh nói... anh nói cái quỷ gì vậy? Anh nói tôi giống cái gì... cái gì...
Nàng giận đến độ lắp bắp không thành tiếng.
Chí Trung kêu to lên:
- Giống thứ gái chiêu đãi, giống loại dâm phụ, nằm ở đó liếc mắt đưa tình với tất cả đàn ông...
- Anh... anh... anh...
Tâm Nhụy vừa tức, vừa cuống, vừa hận, gương mặt nàng đỏ bừng lên, nước biển từ trên đầu nàng cứ không ngừng chảy xuống, lăn xuống đôi mi cong, che đi ánh nhìn của nàng. Nàng lắp ba lắp bắp, lưỡi như quíu lại, dùng sức cố gắng la lên một câu:
-... Anh là đồ khốn nạn!
Chiếc lưng của Chí Trung cũng thẳng đứng lên, cứng ngắc, nét giận dữ hiện rõ trên mi trên mắt, chàng đưa tay ra chụp ngay cánh tay nàng, la lên thật to:
- Cô dám mắng tôi khốn nạn?... Tôi cảnh cáo cô nghe chưa, cho dù cô có là bạn gái của tôi, cô cũng không được quyền mắng tôi khốn nạn!
Tâm Nhụy giận đến run người, nàng la to lên một hơi:
- Anh là đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn!... Anh chính là đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn không hơn không kém! Đồ khốn nạn vô duyên nhất trên đời!...
Những người đang bơi lội gần đó đều bị kinh động cả lên, rất nhiều người quay đầu lại nhìn dáo dác, có mấy đứa trẻ tinh nghịch, đeo phao nổi bơi đến gần, chúng bắt chước theo giọng điệu của Tâm Nhụy, kêu lên nho nhỏ:
- Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn!...
Chí Trung giận đến phát run lên, đôi chân mày chàng chau chặt lại nhau hung dữ, đôi mắt chàng trợn trắng, nhìn trừng trừng vào Tâm Nhụy một cách hung hăng, đang định nói gì đó, hai người thanh niên vây lấy Tâm Nhụy ban nãy cũng nghe động chạy đến nơi. Một người trong bọn, đưa ngay tay ra nắm lấy cánh tay trần của Tâm Nhụy, kêu lên:
- Xảy ra chuyện gì vậy?
Chí Trung quay sang người thanh niên đó, đưa mắt nhìn, hắn ta vừa cao lớn vừa đẹp trai, mặt mũi khôi ngô, đứng ở đó, có vẻ nổi bật hẳn lên. Lửa giận dữ và ghen tuông trong lòng chàng, bất giác bừng lên ngọn hỏa diệm sơn bùng nổ bắn tung lên, không thể kềm chế lại được. Chàng nhào tới ngay phía trước, một tay chụp ngay lấy vai của người thanh niên đó, còn tay kia cung lại thật chặt, đấm một quả như điện xẹt ngay vào cằm của anh chàng kia, miệng chàng kêu to lên:
- Cũng tại mi! Đánh mi cho biết! Để xem lần sau mi có còn dám gặp con gái là nhào vô nữa hay không?
Người thanh niên đó bị đánh bất thần, trở tay không kịp, chàng ta đứng không vững, té nhào về phía sau. Thân hình chàng té xuống, lại đè đúng ngay lên mình một người đàn bà mập phía đàng sau, người đàn bà mập đó kêu thét lên inh ỏi, những người ở gần đó cũng ùn ùn la lên, quơ tay quạt nước, tránh đi chỗ khác, Tâm Nhụy cũng cất tiếng kêu thét lên:
- Anh điên rồi! Lương Chí Trung! Anh là đồ điên khùng dở hơi!
Trong nhất thời, tiếng kêu thét, tiếng nước khoác, nước biển văng tung tóe... làm cho cả một vùng náo loạn. Người thanh niên đó đã bò dậy được, người bạn của chàng cũng đi đến nơi, người bạn đó đeo một cặp kính cận, trông vô cùng nho nhã thư sinh, anh ta không ngừng kêu lên:
- Phương Hạo, sao mi lại đi đánh lộn với người ta làm gì vậy? Phương Hạo, có chuyện gì thì nói đàng hoàng đi mà! Phương Hạo, mi đừng nên nổi nóng mà! Phương Hạo...
Anh chàng tên Phương Hạo đứng ở đó, gương mặt mang đầy nét phẩn nộ và ngượng ngập, không biết nên khóc hay cười, chàng kêu lên:
- Mi nhìn cho kỹ xem, là tao muốn đánh lộn, hay là người ta muốn đánh tao? Thằng điên này không biết mới từ nhà thương điên nào chạy thoát ra được...
Anh chàng chưa kịp nói dứt câu, cú đấm thứ hai của Lương Chí Trung đã phóng ra về phía chàng. Lần này, Phương Hạo hiển nhiên đã có chuẩn bị, chàng nhẹ nhàng nhảy ra để tránh cú đấm này, thân hình lùi về phía sau thật xa, nước bắn tung tóe, Chí Trung lại nhào tới phía chàng nữa, cũng may, Hạnh Tú và Triệu Chấn Á đều đã chạy đến, Hạnh Tú chỉ kêu lên một câu thật đơn giản:
- Chấn Á, ôm anh ấy lại!
Triệu Chấn Á nhào thẳng lên phía trước, dùng đôi cánh tay cứng như thép của chàng, từ phía đàng sau Chí Trung, ôm vòng lấy thân hình Chí Trung, kẹp chàng lại cứng ngắc. Chí Trung vừa kêu vừa nhảy, thế nhưng Triệu Chấn Á cứ một mực ôm thật chặt, không chịu buông tay, Chí Trung dậm chân kêu to:
- Để cho tao đánh cái thằng nhiều chuyện này!
- Em thấy anh mới là nhiều chuyện đó chứ!
Hạnh Tú gầm lên với Chí Trung, nàng quay đầu lại nhìn Tâm Nhụy.
Tâm Nhụy đứng trong nước, đang dùng bàn tay quẹt nước mắt. Hạnh Tú quen với Tâm Nhụy bao lâu nay, đây là lần đầu tiên nhìn thấy nàng khóc. Hiển nhiên, trông nàng vừa tức, vừa xấu hổ, vừa đau lòng, nàng vừa lau nước mắt, vừa nói với Hạnh Tú:
- Hạnh Tú, đến đây tao giới thiệu với mi, đây là bác sĩ Phương Hạo, mới vừa ra trường một thời gian, đang thực tập dưới quyền của ba tao, còn đây là bác sĩ Lộ, cũng làm chung ở đó...
Nàng lại quay sang phía Phương Hạo, vẫn còn lau nước mắt:
- Anh Hạo, đây là cô bạn học thân nhất của em, tên Lương Hạnh Tú.
Chí Trung ngớ người ra, Hạnh Tú cũng muôn phần ngượng ngập, nàng quay đầu lại liếc anh Ba nàng một cái nên thân, lại quay đầu sang nhìn Phương Hạo, nói một cách tiếc rẻ:
- Thành thật xin lỗi bác sĩ, tôi nghĩ, mọi người có chút hiểu lầm nhau...
Phương Hạo mỉm một nụ cười thật phóng khoáng với Hạnh Tú, hai hàm răng trắng muốt như chiếu ra ánh sáng lung linh dưới ánh mặt trời, chàng vội vàng nói:
- Cứ gọi tôi là Phương Hạo được rồi!... Hôm nay chúng tôi được nghỉ, nên đến đây đi bơi, không ngờ gặp Tâm Nhụy...
Tâm Nhụy lại đưa tay lên quẹt nước mắt, nàng tiếp lời Phương Hạo, thanh âm nàng vẫn còn mang chút nghẹn ngào:
- Tao và bọn anh Hạo quen nhau rất thân, tình cờ gặp nhau ở đây, mọi người đều rất mừng rỡ, đang nói chuyện vui vẻ, thì ông anh điên khùng của mi nhào đến...
Đôi tròng mắt của nàng lại đong đầy lệ, nàng lại đưa tay lên dụi dụi mắt, giọng nói càng thêm tức tưởi:
-... Tao chưa bao giờ bị xấu hổ trước mặt người khác như thế này!... Hạnh Tú, tụi bây cứ tiếp tục chơi đi, tao đi thay quần áo, đi về trước!
Nàng cắn chặt răng, cố gắng kềm lại tiếng khóc. Quay người lại, nàng đi thẳng lên phía bờ, Hạnh Tú vội vàng xông lên phía trước, ôm chầm lấy nàng, nhìn nàng cười vã lã nói:
- Đừng làm vậy mà, Tâm Nhụy. Tao thay anh Ba xin lỗi mi, được không? Mọi người vui vẻ cùng nhau đi chơi, bây giờ xảy ra chuyện như vầy làm cụt hứng biết mấy!... Trăm ngàn thứ lỗi, cũng là do lỗi ở tao, lẽ ra tao phải trông chừng thằng anh lỗ mãng của tao chặt chẽ hơn...
Nàng vừa xuýt xoa năn nỉ, vừa làm mặt xấu với Tâm Nhụy. Tâm Nhụy đẩy tay nàng ra, nước mắt vẫn còn chạy vòng trong mắt nàng. Gương mặt nàng hiện rõ nét tiêu điều, buồn bã, nàng nói bằng một giọng cố chấp, cương quyết:
- Chuyện này không liên quan gì với mi hết, mi đừng nên tự mình nhận tội bậy như thế. Tao thật sự muốn về nhà, tao không còn một chút hứng thú nào nữa cả!
Nàng vùng thoát khỏi bàn tay Hạnh Tú, đi một mạch lên bãi cát, cúi cong người xuống nhặt chiếc khăn tắm của mình lên, bước đi thật nhanh về hướng phòng thay quần áo.
Hạnh Tú nhìn thấy mọi chuyện đã không còn phương cứu vãn, nàng biết một khi Tâm Nhụy đã bướng bỉnh lên, thì chín trâu mười ngựa cũng kéo nàng không nổi. Nàng quay đầu lại nhìn Chí Trung, nheo mắt ra dấu với chàng, Chí Trung đứng chết trân ở đó, cả người u u mê mê như chưa tỉnh hẳn dậy. Hạnh Tú không thể không kêu lên:
- Trời ơi! Anh còn chưa chịu chạy theo năn nỉ nữa sao?
Câu nói nhắc nhở đó làm Chí Trung giật mình tỉnh lại, chàng cất to bước xông thẳng về hướng Tâm Nhụy. Thế nhưng hai cánh tay mạnh như cọp của anh chàng Triệu Chấn Á, vẫn còn xiết chặt lấy chàng không chịu buông, chàng vùng vẫy lên, nói:
- Triệu Chấn Á! Mi còn chưa chịu buông tay vậy!
Triệu Chấn Á đưa mắt nhìn Hạnh Tú, hỏi một cách thật ngây ngô:
- Hạnh Tú, anh có thể buông hắn ra được chưa?
Hạnh Tú dậm chân la lên:
- Trời ạ! Buông tay ra đi! Ngố ơi! Một người thì ngố, một người thì hồ đồ, trời ạ, có chết không chứ!
Triệu Chấn Á vâng lệnh buông tay ra, Chí Trung phóng vọt về hướng bãi biển như một mũi tên bắn. Phương Hạo chăm chú nhìn cái hoạt cảnh vừa xảy ra đó, tuy rằng tự dưng bị một cú đấm thật vô duyên, nhưng hình như chàng không hề có chút giận dữ nào, mà lại còn cảm thấy vô cùng mới lạ. Nhất là, khi Hạnh Tú ngẩng đầu lên nhìn chàng, đôi mắt đen lay láy và sáng long lanh của nàng dịu dàng hướng về chàng, đôi môi nhỏ mỏng manh hơi hướng cong về phía trên, nàng cho chàng một nụ cười xin lỗi thật ngọt ngào, chàng cảm thấy cả người mình nhẹ nhàng phơi phới như áng mây trắng đang lơ lửng trên lưng chừng trời.
Giọng của nàng thanh tao và yểu điệu:
- Xin lỗi anh nhé, anh Hạo! Nhất định là anh có thể hiểu được... anh của em đối với Tâm Nhụy... anh ấy... anh ấy...
Nàng không biết phải dùng những lời lẽ nào, bèn nhoẻn miệng cười thật xinh xắn.
Phương Hạo bất giác đưa tay lên sờ cằm, chàng vội vàng nói:
- Tôi hiểu, tôi hoàn toàn hiểu được chuyện đó! Không đánh không quen, phải không?
Hạnh Tú nhìn chàng, nàng cảm thấy thích sự phóng khoáng của chàng, và cũng thích cả sự hiền hòa của chàng, nét cười trên môi nàng càng sâu hơn nữa.
Bác sĩ Lộ từ nãy giờ vẫn đứng bên cạnh Phương Hạo, nhìn mọi việc xảy ra, lúc này, bỗng nhiên chàng nắm lấy Phương Hạo, kéo chàng ra xa mấy bước, hỏi nhỏ bên tai chàng rằng:
- Phương Hạo, mi có được mấy cái cằm?
- Một cái!
Phương Hạo lại đưa tay ra sờ sờ cằm.
- Ban nãy mi bị cú đấm đó là còn nhẹ đấy, lần này, có lẽ mi muốn bị một cú nặng hơn, mi mà bị một cú nữa, tao bảo đảm là cái cằm mi sẽ bị chẻ làm đôi.
- Sao vậy?
- Mi không nhìn thấy cái thằng mọi da đỏ ở phía sau lưng cô ta hay sao?
Phương Hạo đưa mắt nhìn về phía Hạnh Tú, thân hình rắn chắc như pho tượng đồng đen của Triệu Chấn Á đang đứng sừng sững ở đó, hai cánh tay vừa thô vừa đen vừa cứng cáp, như hai cây côn bằng sắt. Chàng hơi suy nghĩ một lúc, vẫn cất từng bước thật dài tiến lên phía trên, không nhìn Hạnh Tú, chàng đi thẳng đến bên Triệu Chấn Á, mĩm cười đưa tay ra:
- Xin lỗi anh, tôi vẫn chưa biết phải gọi anh là gì?
- Tôi tên là Triệu Chấn Á!
Triệu Chấn Á nói một cách thẳng thắn, lập tức đưa tay ra bắt lấy tay Phương Hạo một cách thật nồng nhiệt, đối với bất cứ bàn tay thân thiện nào, chàng cũng đều xiết thật chặt, không chịu buông.
Hạnh Tú lặng lẽ cúi thấp đầu xuống, dùng ngón chân dí dí vào những hoa sóng lăn tăn trên mặt nước, để dấu đi nụ cười nhẹ nhàng trên đôi môi không kềm chế được của nàng. Bởi vì, chỉ có nàng chú ý nhìn thấy rằng, khi Phương Hạo đưa bàn tay phải ra cho Triệu Chấn Á, bàn tay trái kia của chàng đang nắm chặt lấy chiếc cằm của mình!
o0o
Trong khi bọn Phương Hạo đang trao đổi tình bạn ngoài bãi biển, đàng này, Chí Trung đã rượt theo kịp Tâm Nhụy trên bờ. Chàng đứng chận ngay trước mặt nàng, gương mặt trắng bệch nhìn nàng trừng trừng:
- Em muốn đi đâu?
- Thay quần áo, về nhà!
Nàng nói cộc lốc, giọng nàng lạnh tanh, đôi tròng mắt đỏ hoe, nước mắt vẫn còn đang đọng trên đôi mi lóng lánh. Chàng khàn giọng nói:
- Không được đi!
- Hứ!
Nàng hất mạnh đầu sang một bên, quẹo qua một hướng khác, tiếp tục đi về phía trước.
Chàng bước ngang qua một bước, lại chặn lấy nàng. Nàng ngẩng đầu lên nhìn chàng, kêu lên bằng một giọng giận dữ:
- Anh muốn gì đây? Anh làm cho tôi xấu hổ trước mặt thiên hạ chưa đủ, phải không? Anh muốn dùng võ lực với tôi, phải không? Anh tránh ra chỗ khác! Tôi muốn về nhà!
Chàng trừng mắt nhìn nàng, không động đậy, và cũng không nói chuyện, cả hai người cùng đứng sựng như thế hết mấy giây, mặt đối mặt. Cuối cùng, chàng bước tránh sang một bên, thấp giọng nói:
- Nếu như em nhất định phải đi, thì hãy đi đi vậy! Nếu như ngay cả chuyện tại vì sao anh nổi nóng, tại vì sao anh lại ra tay đánh người khác, mà em cũng không hiểu, thì anh có giữ em lại cũng chẳng ích lợi gì. Em có muốn đi, thì cứ đi vậy!
Thanh âm của chàng lúc này, khác với giọng điệu hung hăng thường ngày, mà trở nên trầm thấp và buồn bã. Giọng điệu đó lập tức đánh ngã được ngay Tâm Nhụy. Nàng dùng răng cắn chặt lấy đôi môi, đột nhiên cảm thấy trái tim mình dâng tràn niềm chua xót, những giọt nước mắt mới lại tràn vào đôi tròng mắt, bất giác nàng lại hít hít mũi, rồi lại đưa tay lên dụi dụi mắt. Nhìn thấy dáng điệu nàng như thế, Chí Trung bực bội dậm dậm chân xuống đất, giọng chàng thật thô:
- Em đừng nên khóc nữa! Em mà khóc nữa, anh...
Chàng dùng tay ôm lấy đầu, đi vòng vòng trên bãi biển:
-... Anh... mẹ kiếp! Em mà khóc nữa, khóc nữa, khóc nữa anh sẽ...
Chàng bất giác cất cao giọng, cái giọng điệu hung hăng cố hữu lại xuất hiện. Nàng hỏi:
- Anh sẽ làm sao?
- Anh sẽ... anh sẽ nhảy xuống biển!
Chàng buột miệng nói.
Nàng cảm thấy vô cùng bất ngờ, trừng to đôi mắt, nàng nhìn chàng, không tin ở những gì mình vừa mới nghe. Chàng bậm môi phùng má, gương mặt đỏ bừng như trái gấc chín. Có lẽ chàng cũng không ngờ mình lại phung ra một câu nói như thế, do đó cảm thấy ngượng ngập đến không còn đất dung thân. Nàng nhìn thấy gương mặt đỏ bừng đó của chàng, cùng dáng điệu hối hận khôn cùng của chàng, không còn nhịn được nữa, nàng bật cười phì lên, nước mắt vẫn còn dính trên đôi má đào! Chàng trừng mắt nhìn nàng một cái, quay lưng về phía nàng, miệng chàng lầm bầm nói:
- Vừa khóc vừa cười, ăn mười cục kít!
Nàng hỏi:
- Anh lại nói bậy nói bạ gì nữa vậy?
Chàng ngẩng đầu lên nhìn trời, nói:
- Không, không có. Anh chỉ động đậy cái miệng thôi mà!
- Hứ!
Nàng lại hứ lên một tiếng, nhưng trong tiếng "hứ" này, đã đong đầy sự dịu dàng và nét cười tha thứ rồi!
Chàng nói giọng thật thô:
- Được rồi! Em kiếm chuyện như thế đã đủ chưa? Nếu đủ rồi thì chúng ta đi bơi vậy!
Nàng vừa tức vừa buồn cười:
- Em kiếm chuyện đủ chưa à? Anh nghĩ kỷ lại xem, anh kiếm chuyện hay là em kiếm chuyện?
Chàng chau đôi chân mày, nói một cách bực bội:
- Được rồi! Được rồi! Cho dù là em kiếm chuyện, hay là anh kiếm chuyện, đều cũng đã đủ rồi! Chúng ta trở ra biển bơi vậy!
Chàng đưa tay ra chụp lấy cánh tay nàng.
Nàng vùng ra khỏi chàng:
- Em không đi! Xấu hổ chết đi được!
Chàng kêu lên:
- Hừ! Em lại không chịu đi nữa rồi? Vậy thì em muốn gì chứ?
- Em chỉ muốn đi về thôi!
Nàng lại cất bước đi về hướng phòng thay quần áo. Chàng lại chận ngay trước mặt nàng, đôi chân mày chàng nhướng cao lên, lại hiện nguyên hình, chàng nói:
- Em dám! Tốt nhất là em đừng nên làm cho anh nổi nóng lên đấy!
Nàng khựng người lại, đứng thẳng lên.
Nét cười trong đáy mắt nàng mất đi, nàng đứng ở đó, như một bức tượng đá lạnh lùng, ánh mắt nàng đau thương và buồn bã dừng trên khuôn mặt chàng, giọng nói của nàng trở nên âm u và thê lương, nàng nói:
- Em biết rồi!
Chàng không hiểu:
- Em biết cái gì?
- Anh sẽ vĩnh viễn không bao giờ sửa đổi được! Anh là một bạo chúa, là một người tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, anh không hề thích hợp có bạn gái! Anh không biết dịu dàng, không biết nuông chìu, không biết nghĩ thay cho người khác! Anh cũng không cần có bạn gái, mà người anh cần, là một thứ nữ nô lệ nói gì cũng nghe theo, nói gì cũng phục tòng! Thế nhưng, em không thể là một nữ nô lệ của anh, lòng tự tôn của em quá mạnh, anh... anh... anh chọn lầm người rồi!
Nàng nói một mạch xong, cất bước xông thẳng về phía phòng thay quần áo.
Chàng đứng chết trân ở đó, lặng lẽ gậm nhấm những lời nàng vừa nói, lặng lẽ suy nghĩ về những lời nàng vừa nói, ánh nắng mặt trời chiếu gay gắt xuống người chàng, thế nhưng chàng không hề nhúc nhích. Sau đó, chàng nhìn thấy nàng đã thay xong quần áo, từ trong phòng đi ra. Hình như nàng không hề nhìn thấy chàng, nàng đi ngang qua người chàng, bước thẳng về hướng chiếc cổng ra vào to lớn.
Chàng kêu lên như ra lệnh:
- Đợi một chút!
Nàng hơi rung động, cả người khựng lại, do dự, nhưng chỉ trong tích tắc, nàng lại bước chân đi thẳng, như thể không hề nghe thấy. Chàng xông lên phía trước, đưa tay ra nắm lấy bờ vai nàng, nàng quay đầu lại, nhìn chàng. Nàng hỏi:
- Anh muốn dùng võ lực chăng?
Chàng nhìn nàng trừng trừng, trong đáy mắt chứa đầy nổi khổ sở. Đôi môi chàng hơi rung dộng, nói ra hai chữ không thành tiếng, nàng không hiểu chàng nói gì, đưa đôi mắt kinh ngạc nhìn chàng, hỏi:
- Anh nói gì vậy?
Chàng lại động đậy đôi môi. Nàng nói:
- Em không nghe!
Thế là, chàng nói ra thật nhỏ tiếng:
- Anh sửa!
Nàng nín thở hết vài giây, nhìn chàng trân trối.
Chàng lập lại thêm một lần nữa, giọng chàng thấp như thể lời thì thầm bên tai:
- Anh sửa, em mắng rất đúng, anh sửa. Em đừng bỏ đi, hãy cho anh cơ hội.
Nàng phát ra một tiếng kêu mừng rỡ, nồng nàn, cho dù dưới ánh mắt của biết bao nhiêu người chung quanh, đang kinh ngạc quay lại nhìn họ, nàng vẫn ngã nhào vào lòng chàng, dùng hai tay ôm vòng ngang eo chàng. Nàng áp mặt vào lồng ngực trần đang bị ánh nắng mặt trời chiếu lên nóng bỏng của chàng, kêu lên liên tiếp:
- Chúng ta đừng nên cãi nhau nữa! Đừng nên cãi nhau nữa! Đừng nên cãi nhau nữa! Đừng nên cãi nhau nữa!
Chàng ôm lấy nàng, đưa tay ra sờ lên mái tóc ngắn cũn cỡn vừa mới gội nước của nàng, nói lẩm bẩm:
- Anh bảo đảm, anh sẽ sửa đổi lại cho tốt hơn, nhất định là anh sẽ sửa! Từ đây về sau anh sẽ không dễ dàng nổi nóng nữa, anh không đánh lộn, không mắng người bậy bạ, và cũng không... làm cho em nổi giận nữa!
Nàng càng tựa sát vào chàng hơn, trong lòng nàng dâng tràn niềm xúc động, xen lẫn với nỗi vui mừng. Đúng vậy, chàng sửa, chàng sẽ sửa... họ sẽ suốt đời, vĩnh viễn ân ân ái ái, yêu thương vui vẻ bên nhau...
Thế nhưng, có thật như vậy không? Hai ngày cuối cùng của mùa Hè năm đó, lại xảy ra một chuyện không thể nào tha thứ được.