Những người mới bị gãy xương, đau, phù nề, thâm tím, có thể dùng 50 g cua rửa sạch, sao khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 9-12 g. Nếu dùng rượu nhẹ để chiêu thuốc thì càng tốt.
Một trong những nguyên tắc chữa gãy xương của Đông y là phải tuân thủ quan điểm chỉnh thể và điều trị có tính tổng hợp. Ngoài việc tiến hành các thủ thuật kéo nắn, cố định, tập luyện, châm cứu..., người bệnh còn phải dùng thuốc tích cực và hợp lý, vận dụng các món ăn bài thuốc để hỗ trợ điều trị. Sau đây là một số món ăn cho người gãy xương:
- Cốt toái bổ 60 g, ngâm trong 500 ml rượu nhẹ, sau 7-10 ngày thì dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. Dùng cho giai đoạn muộn, các triệu chứng toàn thân đã hết nhưng tại chỗ vẫn còn sưng đau.
- Ý dĩ 50 g, xích tiểu đậu 100 g, đại táo 50 g. Tất cả ninh nhừ, chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho tất cả các giai đoạn, kể cả khi bỏ phương tiện cố định nhưng tại chỗ vẫn sưng nề.
Cũng có thể dùng xích tiểu đậu 100 g, tẩm với 1 chén dấm ăn rồi đun chín, đem phơi khô, sau đó lại tẩm dấm cùng với một lượng rượu gạo thích hợp rồi phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3-6 g.
- Bí đao 150 g, xương sườn lợn 100 g. Đem xương sườn hầm nhừ, gạt bỏ váng mỡ rồi cho bí đao, hành và gia vị nấu thành canh ăn. Dùng cho trường hợp tại chỗ sưng nề nhiều.
- Vỏ trứng gà sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3 g. Dùng cho tất cả các giai đoạn nhằm mục đích thúc đẩy quá trình liền xương.
- Cá diếc 250 g, gừng tươi 3 lát, hành 2 củ, hạt tiêu 7 hạt. Cá làm sạch, cho tất cả gia vị vào trong bụng rồi hầm nhừ ăn. Dùng thích hợp cho giai đoạn muộn, xương vẫn sưng nề, hoạt động khó khăn.
- Nhân sâm 250 g, hoàng kỳ 250 g, đương qui 100 g, xuyên khung 100 g. Tất cả sắc kỹ 2 lần, chắt lấy nước cốt, tiếp tục cho thêm bột nhung hươu 50 g, bột vỏ trứng gà 50 g, đại táo 250 g (bỏ hạt, thái vụn), đường phèn 300 g. Tất cả cô thành cao rồi đựng trong bình sứ kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Dùng tốt cho giai đoạn muộn để thúc đẩy quá trình liền xương.
- Hoàng kỳ 30 g sắc kỹ lấy nước, nấu với 100 g gạo nếp cẩm và 50 g đại táo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho người bị gãy xương có thể chất suy nhược, ăn kém, xương chậm liền.
- Rau thai 1 cái làm sạch, sấy khô, tán bột, bột vỏ trứng gà 100 g, đường trắng 100 g, trộn đều, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 5 g. Thích hợp với người già bị gãy xương, thể trạng suy nhược.
- Chim sẻ 3 con làm sạch, lọc thịt, băm nhỏ rồi xào chín với 1 chút rượu. Xương chim thì hầm kỹ với thỏ ty tử 10 g, phúc bồn tử 10 g, kỷ tử 10 g. Lọc lấy nước, ninh cùng 100 g gạo tẻ thành cháo, cho thịt chim và chế thêm gia vị, ăn vài lần trong ngày. Dùng rất tốt cho các trường hợp gãy xương giai đoạn muộn, hay chóng mặt, ù tai, kém ăn, mất ngủ.
- Gà sống đen 1 con (chừng 500 g), tam thất 5 g thái phiến. Gà làm thịt, cho tam thất vào trong bụng cùng với một chút rượu nguyên chất rồi đem hầm cách thủy, ăn trong ngày. Dùng để bồi bổ, làm mạnh cơ bắp, giúp xương liền nhanh.
- Bổ cốt toái 15 g, tục đoạn 15 g, kỷ tử 6 g, đỗ trọng 10 g, bỗng rượu 500 ml. Tất cả đem ngâm trong nửa tháng, uống ngày 2 lần (sáng, chiều), mỗi lần 20 ml. Có công dụng bổ can thận, cường gân cốt, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, xương chậm liền.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống