Sức Khỏe 360 - Một phản ứng dị ứng mãnh liệt (phản vệ) có thể gây sốc và suy hô hấp đe dọa tính mạng nạn nhân. Ở những người nhạy cảm, phản vệ có thể diễn ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng đặc hiệu.
Hầu như bất cứ tác nhân gây dị ứng nào — kể cả nọc rắn, phấn hoa, nhựa cây, thực phẩm hay thuốc gây dị ứng — đều có khả năng gây ra phản vệ. Nhiều người có phản ứng phản vệ không rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp những trường hợp nhạy cảm, bênh nhân có thể phát ban trên da, mắt và môi có thể sưng to. Niêm mạc bên trong họng bênh nhân cũng có thể bị sưng lên gây khó thở và sốc. Phản vệ cũng có thể kèm theo các triệu chứng như choáng váng vật vã, thay đổi tri giác, đau quặn bụng, buồn nôn, ói mửa hay tiêu chảy.
Với người đã có tiền sử phản vệ trước đó, nên luôn mang theo các thuốc giải dị ứng. Epinephrine (Adrenalin) là thuốc phổ biến nhất sử dụng trong những phản ứng dị ứng nghiêm trọng dưới dạng thuốc chích được bác sĩ kê toa riêng cho bệnh nhân. Bệnh nhân cũng nên mang theo người các thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine (Benadryl), bởi vì tác dụng của epinephrine chỉ tạm thời. Đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay sau khi dùng các thuốc trên để cắt cơn phản vệ.
Trong trường hợp phát hiện người có phản ứng phản vệ có dấu hiệu sốc, việc cần làm là:
1. Gọi cấp cứu ngay.
2. Kiểm tra các thuốc điều trị đặc hiệu bệnh nhân có thể luôn mang theo bên mình để cắt cơn phản vệ như bút tiêm epinephrine tự động (auto-injector), chẳng hạn EpiPen. Cho bệnh nhân dùng thuốc theo hướng dẫn — thường là cắm bút tiêm vào đùi bệnh nhân và giữ trong vài giây. Xoa vùng tiêm trong khoảng 10 giây để thuốc mau hấp thu. Nếu bạn được bác sĩ kê toa dùng bút tiêm tự động (auto-injector) epinephrine, nên dành thời gian đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi có sự cố xảy ra, đồng thời cũng nhờ những người thân trong gia đình đọc để hiểu rõ cách dùng khi có sự cố. Sau khi dùng epinephrine, nếu bệnh nhân có thể uống được, cho bệnh nhân uống thêm một viên thuốc kháng histamine.
3. Đặt nạn nhân nằm ngửa, nâng cao chân.
4. Nới lỏng quần áo giúp dễ thở và đắp ấm cho bệnh nhân. Không cho uống nước.
5. Nếu có nôn ói hay chảy máu miệng, đặt nạn nhân nằm nghiêng để tránh hít sặc.
6. Nếu không có dấu hiệu tuần hoàn (hô hấp, ho hay cử động), tiến hành Hồi sức Tim phổi ngay.
BS Đặng Thanh Huy, Sức Khoẻ 360
Dịch từ Mayo Clinic, USA